Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (605.93 KB, 109 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Châu Thanh Phương

QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA
TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ
Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
(1991 – 2012)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Châu Thanh Phương

QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA
TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ
Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
(1991 – 2012)
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số
: 60 22 03 11
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PSG.TS. NGUYỄN CẢNH HUỆ


Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự hướng dẫn khoa
học của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Huệ.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực, tính khách quan và có nguốn
gốc xuất xứ rõ ràng.

Tác giả

Châu Thanh Phương

1


LỜI CẢM ƠN

Trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được sự hướng
dẫn, giúp đỡ quý báu của quý thầy cô, các anh chị và các bạn cùng học, của gia đình và
đồng nghiệp. Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân
thành tới:
Ban Giám hiệu, Phòng Sau đại học, Khoa Lịch sử, Thư viện Trường Đại học Sư
phạm TP. Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập
và hoàn thành luận văn.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Huệ, người thầy đã hết lòng dạy bảo, động viên
và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn tốt
nghiệp.
Xin gửi lời cảm ơn tới quý thầy cô trong Khoa Lịch sử Trường Đại học sư phạm TP.

Hồ Chí Minh, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp giảng dạy lớp Cao học Lịch sử thế giới khóa
22 đã có những thông cảm, động viên để tôi hoàn thành quá trình học tập và luận văn tốt
nghiệp này.
Xin gửi lới cảm ơn tới các anh chị, các bạn trong lớp Cao học Lịch sử thế giới khóa
22 đã động viên và giúp đỡ tôi trong học tập và trong những lúc tôi gặp khó khăn.
Xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong hội đồng chấm luận văn đã cho tôi những
đóng góp quý báu để hoàn chỉnh luận văn này.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các anh chị đồng nghiệp và gia đình đã luôn tạo
điều kiện và luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ tôi trong học tập cũng như trong công việc và
cuộc sống để tôi có thể hoàn thành luận văn này./.

2


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2
MỤC LỤC .................................................................................................................... 3
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 5
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................. 5
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................. 7
3. Các nguồn tư liệu .......................................................................................................... 10
4. Đối tượng nghiên cứu ................................................................................................... 10
5. Phạm vi nghiên cứu ...................................................................................................... 10
6. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................. 11
7. Đóng góp của luận văn ................................................................................................. 11
8. Bố cục của luận văn ...................................................................................................... 12

CHƯƠNG 1: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ HAI CƯỜNG QUỐC MỚI CỦA THẾ
GIỚI ............................................................................................................................ 13

1.1. “Rồng” Trung Quốc .................................................................................................. 13
1.1.1. Kinh tế ................................................................................................................... 14
1.1.2. Chính trị - Xã hội .................................................................................................. 19
1.1.3. Quân sự ................................................................................................................. 22
1.2. “Hổ” Ấn Độ ................................................................................................................ 25
1.2.1. Kinh tế ................................................................................................................... 25
1.2.2. Chính trị - Xã hội .................................................................................................. 31
1.2.3. Quân sự ................................................................................................................. 34
1.3. Những dự báo phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ ............................................. 35
1.3.1. Kinh tế ................................................................................................................... 35
1.3.2. Chính trị - Xã hội .................................................................................................. 36
1.3.3. Quân sự ................................................................................................................. 37

CHƯƠNG 2: ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA
TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ ..................................................................................... 40
2.1. Vị thế địa – chiến lược của khu vực Đông Nam Á .................................................. 40
2.2. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Trung Quốc và Ấn Độ ....................... 43
2.2.1. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Trung Quốc ....................................... 43
2.2.2. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Ấn Độ................................................ 45
2.3. Chính sách của Trung Quốc và Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á ................. 48
3


2.3.1. Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á................................. 48
2.3.2. Chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á ......................................... 57

CHƯƠNG 3: QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ
Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012)........................................................... 64
3.1. Khái quát lịch sử quan hệ cạnh tranh của Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực
Đông Nam Á ...................................................................................................................... 64

3.2. Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế ........................................................................... 68
3.2.1. Những biểu hiện cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở
khu vực Đông Nam Á ..................................................................................................... 68
3.2.2. Kết quả quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế ............................................. 70
3.3. Cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị ........................................................................ 74
3.4. Cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự .......................................................................... 76
3.5. Cạnh tranh trong vấn đề biển Đông ........................................................................ 80
3.6. Ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đến việc duy trì an ninh chính trị khu vực
Đông Nam Á ...................................................................................................................... 87
3.6.1. Những ảnh hưởng tích cực .................................................................................... 87
3.6.2. Những ảnh hưởng tiêu cực.................................................................................... 89
3.7. Thái độ của các quốc gia Đông Nam Á trước quan hệ cạnh tranh Trung - Ấn
trong khu vực .................................................................................................................... 90

KẾT LUẬN ................................................................................................................ 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 96

4


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, cục diện thế giới có nhiều thay đổi. Trật tự hai
cực đã bị thay thế bởi trật tự đa cực mà trong đó, các quốc gia mạnh đều muốn vươn lên trở
thành một cực của thế giới. Ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ đều có tiềm lực mạnh về nhiều
mặt, đặc biệt là kinh tế và quân sự. Trong cuộc chạy đua giành lấy ưu thế trên trường quốc
tế, mỗi nước đều tìm mọi cách để vượt qua nước còn lại trên nhiều phương diện. Bên cạnh
đó, việc tồn tại nhiều ân oán trong quá khứ cũng làm cho quan hệ cạnh tranh hai nước trở
nên gay gắt hơn. Vì vậy, có thể nói, cạnh tranh là yếu tố đóng vai trò chủ đạo trong mối
quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong hai thập niên gần đây, với sự vươn lên mạnh mẽ

về kinh tế và sự ổn định về chính trị - xã hội, cả hai nước đều tăng cường ảnh hưởng của
mình ở nhiều nơi, và Đông Nam Á là một trong những khu vực được quan tâm đặc biệt
nhất.
Đông Nam Á là khu vực có dân số đông, có trữ lượng lớn than, dầu mỏ và kim loại
quý, có vị trí chiến lược cực kì quan trọng – là hành lang, là cầu nối giữa phương Đông và
phương Tây [46, tr. 9]. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với những chuyển biến hết
sức nhanh chóng trong đời sống quốc tế, khu vực và từng quốc gia trên thế giới, các nước
Đông Nam Á cũng bước vào một thời kì lịch sử mới với xu thế đối thoại, hòa bình, hợp tác
và phát triển. Chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với những nỗ lực xây dựng đất nước, các
quốc gia trong khu vực đã tích cực củng cố, mở rộng và phát triển tổ chức ASEAN (Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á - Association of Southeast Asian Nations). Với vị thế địa chính trị và những thành tựu to lớn đạt được trong quá trình phát triển kinh tế, chính trị,
ngoại giao, Đông Nam Á dần trở thành một trong những khu vực nhận được nhiều sự quan
tâm của các nước lớn. Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ quốc gia nào có ảnh hưởng vượt trội
tại khu vực giàu tiềm năng này đều có nhiều lợi thế trong mối quan hệ cạnh tranh chiến lược
giữa các cường quốc.
Do vậy, vấn đề cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực Đông Nam Á được xem
là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi, thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Nếu như vào những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, quan hệ Mỹ - Trung chi phối khu
vực này thì hiện nay, quan hệ Trung - Ấn cũng hết sức được quan tâm bởi sự vươn lên ngày
càng mạnh của Ấn Độ và sự can đảm thách thức Trung Quốc của quốc gia này. Cả Trung
5


Quốc và Ấn Độ đều có lợi thế là gần gũi về địa lý và văn hóa với khu vực Đông Nam Á. Vì
lẽ đó, cả hai nước đều tận dụng những lợi thế của mình để tăng cường ảnh hưởng đối với
từng quốc gia trong khu vực. Về phương thức cạnh tranh, nếu như Ấn Độ dùng biện pháp
ôn hòa thì ngược lại, Trung Quốc ngày càng ngang ngược và làm mọi cách hòng vươn tầm
ảnh hưởng lên toàn Đông Nam Á. Tất nhiên, dù phương thức khác nhau nhưng mục đích
cuối cùng của cả hai quốc gia suy cho cùng đều nhằm thu được nhiều lợi ích nhất về phía
mình. Về phía Đông Nam Á, lập trường của mỗi nước trong việc ưu tiên lựa chọn quan hệ

với Trung Quốc hay Ấn Độ cũng có sự khác biệt. Xét về tổng thể, mối quan hệ cạnh tranh
giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực này đem lại cả những thuận lợi và thách thức đối
với toàn bộ khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng. Do nhận được sự quan tâm của
hai cường quốc, vị trí và tầm quan trọng của Đông Nam Á ngày được tăng lên. Trên bình
diện quốc tế, cạnh tranh Trung - Ấn không chỉ ảnh hưởng tới hai quốc gia, tới khu vực Đông
Nam Á mà còn có tác động tới đời sống chính trị quốc tế.
Vì tất cả những lý do trên, có thể thấy rằng việc nghiên cứu quá trình cạnh tranh giữa
Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á là điều rất cần thiết bởi đây là một vấn đề
mang tính thời sự, đặc biệt trong thời gian gần đây, quan hệ cạnh tranh giữa hai nước gây
nhiều chú ý và quan ngại cho các nước trong khu vực cũng như nhiều cường quốc khác.
Hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng đưa tin về những diễn biến
mới nhất, những xung đột của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc khẳng định vị thế và vai trò
của mình ở Đông Nam Á.
Hơn nữa, nghiên cứu đầy đủ quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu khu
vực và thế giới ở Đông Nam Á giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện về thực chất
cạnh tranh giữa hai nước trong khu vực là cạnh tranh những gì? Tác động của cuộc cạnh
tranh này đối với các nước Đông Nam Á ra sao? Từ đó có thể giúp Đông Nam Á nói chung,
Việt Nam nói riêng đưa ra những đối sách phù hợp với hai cường quốc trong xu thế cạnh
tranh ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, nghiên cứu quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Đông Nam
Á cũng giúp người viết hiểu rõ hơn các mối quan hệ quốc tế phức tạp, có khi là chồng chéo
trong khu vực, góp phần bổ sung nguồn kiến thức về quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ
quốc tế hiện đại nói riêng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy
sau này.
6


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ngày nay, việc nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ giữa các
cường quốc, được xem là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài

nước bởi tính thời sự và sự phức tạp của nó. Cũng như các mối quan hệ quốc tế khác, cạnh
tranh Trung - Ấn cũng là một đề tài tạo ra sức hút lớn đối với giới khoa học và các nhà
nghiên cứu quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng bởi tính thời sự và sự phức tạp của nó mà cho
nên cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào trình bày hoàn chỉnh về vấn đề
này. Phần lớn những tác phẩm được công bố hoặc chỉ đề cập đến một khía cạnh hoặc chỉ đề
cập một cách khái quát trong một giai đoạn ngắn trong quan hệ cạnh tranh hai nước. Về quá
trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, hiện nay, số lượng bài
viết trình bày về vấn đề này cũng tương đối nhiều, tuy nhiên, nội dung chủ yếu tập trung
trình bày và đánh giá cạnh tranh hai nước trong vấn đề vấn đề biển Đông.
Ở Việt Nam, các bài nghiên cứu ngắn xuất hiện khá nhiều trên các tạp chí chuyên
ngành như Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Tạp chí Nghiên
cứu Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới… và
các thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, một số thông tin và bài viết được đăng trên website
của Trung tâm dữ liệu biển Đông… Các bài viết trên một số tập trung đi sâu vào quan hệ
hai nước nói chung mà chưa chỉ ra yếu tố cạnh tranh trong mối quan hệ này; một số khác lại
đề cập nhiều đến vấn đề cạnh tranh về tiềm lực quân sự ở khu vực biển Đông. Tuy vậy,
trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một số bài viết phân tích nhiều về khả năng và sự cạnh
tranh giữa hai nước ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hiện tại.
Bên cạnh những bài nghiên cứu ngắn đề cập trực tiếp hoặc khá gần tới đề tài thì cũng
có một số công trình khác cũng ít nhiều liên quan đến vấn đề này như những tác phẩm bàn
về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Ấn Độ hay chính sách đối ngoại của các nước
Đông Nam Á, những tác phẩm trình bày về vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của các chủ thể
trong mối quan hệ cạnh tranh trên.
Năm 2002, Tiến sĩ Trần Thị Lý có công trình nghiên cứu “Sự điều chỉnh chính sách
của Cộng hòa Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2000”. Tác giả đã tập trung phân tích những
nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của Ấn Độ và những điều chỉnh trong
chính sách đội ngoại của Ấn Độ đối với các nước láng giếng và các cường quốc trong thập

7



kỉ đầu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Công trình trên đã đề cập ở một mức độ nhất định
đến quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu của khu vực châu Á.
Cũng đề cập đến quan hệ giữa hai nước giữa Trung Quốc và Ấn Độ, năm 2005, Phó
Giáo sư Nguyễn Huy Quý có cái bài viết khái quát “Quan hệ Trung - Ấn chuyển sang giai
đoạn mới”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc. Bài viết nhận định rằng, hai nước đã
có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của mình bằng việc tăng cường hợp tác hữu nghị
với nhau sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo năm 2005. Tác giả đã lạc quan
nhận định rằng trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo xu hướng hòa bình và hợp tác,
quan hệ Trung - Ấn chắc chắn sẽ tiến triển lên phía trước. Tuy nhiên, với những chuyển
biến phức tạp của tình hình hiện nay, những nhận định đó có phần không phù hợp với thực
tế.
Năm 2006, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh có bài viết “Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ từ sau
Chiến tranh lạnh đến nay”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Bài viết đã khái
quát được những nội dung cơ bản trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ sau Chiến
tranh lạnh đến năm 2006.
Ngoài ra, còn có nhiều bài viết khác cũng đề cập sơ lược đến mối quan hệ hai nước
như “Vị trí của Trung Quốc trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ” của Trịnh Thị
Dung, “Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và tác động của nó tới quan hệ Ấn Độ - Trung
Quốc”…
Năm 2005, trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Tiến sĩ Lê Văn Mỹ có viết bài
“Bước đầu tìm hiểu về “Ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc từ sau Chiến tranh lạnh”.
Bài viết đã đề cập khái quát chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các nước và các khu
vực lân cận, trong đó cũng nhấn mạnh chính sách đối ngoại hữu hảo với Ấn Độ và cộng
đồng các nước ASEAN. Về quan hệ với Ấn Độ, theo bài viết, dù hai bên đang cố gắng xây
dựng một mối quan hệ hợp tác nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai
nước trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới. Tuy vậy, bài viết vẫn chưa phản ánh
được quan hệ cạnh tranh, đối đầu giữa hai quốc gia này.
Tóm lại, đa phần những công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung
Quốc vẫn chưa đề cập sâu đến khía cạnh cạnh tranh trong quan hệ hai nước ở khu vực Đông

Nam Á.

8


Trong khi đó, số lượng các bài viết về cạnh tranh Trung - Ấn ở khu vực Đông Nam Á
xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện báo chí. Trung tâm dữ liệu biển Đông đã
cho đăng rất nhiều bài viết phân tích về nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ cạnh tranh hai
nước ở khu vực trọng điểm này của châu Á, phân tích tiềm lực quân sự của mỗi nước cũng
như đề cập một phần đến sự phản ứng của một số nước trong khu vực trước tình hình cạnh
tranh gay gắt giữa hai cường quốc này.
Các công trình nghiên cứu của các tác giả quốc tế đề cập đến quá trình cạnh tranh
giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã xuất hiện ở Việt Nam.
Nhấn mạnh sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, năm
2007, nhà kinh tế học hàng đầu của Mỹ Pete Engardio cũng đã cho xuất bản cuốn sách:
“Chindia – How China and India are revolutionizing global business” 1. Tác phẩm là tập hợp
F
0

nhiều bài báo được giải thưởng trên Business Week của tác giả. Mặc dù là một tác phẩm đề
cập nhiều đến khía cạnh kinh tế nhưng bên trong đó, tác giả cũng đã có những nhận định về
quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế của hai quốc gia này.
Trên các tạp chí quốc tế, việc phân tích quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn
Độ dường như xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam. Ngay từ giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI,
đã có nhiều bài báo đề cập đến vấn đề này.
Về quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, năm
2011, trong Hội thảo quốc tế “Ấn Độ trong quan hệ quốc tế: Quan điểm của châu Âu và Ấn
Độ”, Phó Giáo sư Johannes Dragsbaek Schmidt, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và
Quan hệ Quốc tế, Đại học Aalborg, Đan Mạch, đã có bài báo cáo “India China Rivalry and
Competition in Southeast Asia”. Bài viết đã có sự khái quát sơ lược về sự phát triển của

Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian gần đây, trong đó cũng đề cập đến chính sách “ngoại
giao mềm” của Trung Quốc và chính sách đối ngoại linh hoạt và đặc biệt quan tâm đến phát
triển khả năng quân sự của Ấn Độ. Tác giả cho rằng Ấn Độ cũng thi hành chính sách
“quyền lực mềm” tương tự như người láng giềng Trung Quốc. Bên cạnh đó, tác giả cũng
nêu lên vài nét sơ lược trong việc đối đầu giữa hai nước trong vấn đề biên giới, căng thẳng
trong vấn đề Pakistan. Đi vào vấn đề chính, tác giả cho rằng cả hai nước đang đấu tranh
trong việc chiếm vai trò chủ đạo ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Myanmar và đi vào phân tích
sự tăng cường ảnh hưởng của hai người khổng lồ châu Á ở khu vực này.
Được dịch ra tiếng Việt: “Rồng Hoa hổ Ấn – Trung Quốc và Ấn Độ đang cách mạng hoạt động kinh doanh toàn cầu ra
sao”, NXB Thời đại, xuất bản năm 2009.
1

9


3. Các nguồn tư liệu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng:
Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài về Trung Quốc,
Ấn Độ và Đông Nam Á.
Các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành như Nghiên cứu Trung Quốc, Nghiên cứu
Đông Nam Á, Nghiên cứu quốc tế, Những vấn đề kinh tế thế giới...
Các bài viết trên báo chí, đặc biệt là của Thông tấn xã Việt Nam.
Các bài viết trên các website trong và ngoài nước, đặc biệt là các bài được đăng trên
website của Trung tâm dữ liệu biển Đông.
Các báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế Trung Quốc được dịch và in trên Tạp chí
Nghiên cứu Trung Quốc, các báo cáo về tình hình kinh tế Ấn Độ trên các website của Chính
phủ Ấn Độ.
Trong quá trình thực hiện luận văn, mặc dù đã cố gắng khai thác nhiều nguồn tư liệu,
tuy nhiên, do một số hạn chế, người viết còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tư
liệu, vì vậy luận văn này chắc chắn còn nhiều thiếu sót.


4. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quá trình cạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở
khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh lạnh đến năm 2012. Luận văn này tập trung phân
tích hai vấn đề chính: thứ nhất là sự phát triển về mọi mặt của Trung Quốc, Ấn Độ và vai trò
đặc biệt của khu vực Đông Nam Á đối với hai cường quốc này; thứ hai là quá trình cạnh
tranh giữa hai cường quốc này ở khu vực họ có nhiều lợi ích – Đông Nam Á giai đoạn 1991
– 2012 trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông
và sự tác động của mối quan hệ cạnh tranh này đến các quốc gia Đông Nam Á.

5. Phạm vi nghiên cứu
Cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ diễn ra trên nhiều lĩnh vực và thể hiện ở nhiều khu
vực trọng điểm trên thế giới. Trong đề tài này, người viết không có tham vọng trình bày tất
cả quá trình cạnh tranh giữa hai nước ở tất cả các khu vực có ảnh hưởng của họ. Với địa vị
chiến lược ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, với
sự ưu tiên tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này của hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ,
10


người viết giới hạn đề tài nghiên cứu trong vùng lãnh thổ thuộc các quốc gia Đông Nam Á.
Về thời gian, đề tài chỉ giới hạn trong những sự kiện xảy ra từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc
đến nay. Đây là khoảng thời gian có nhiều biến chuyển trong lịch sử quan hệ quốc tế và khu
vực Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ. Về phía Trung Quốc và Ấn Độ, trong
khoảng thời gian này, hai nước cũng đã đề ra nhiều chính sách đối ngoại, trong đó đặc biệt
quan tâm việc xây dựng và củng cố địa vị của từng nước trên trường quốc tế. Cũng như
nhiều quốc gia khác ở châu Á, trong thập kỉ đầu sau Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Trung
Quốc và Ấn Độ dù có nhiều căng thẳng nhưng yếu tố cạnh tranh vẫn chưa chiếm vai trò chủ
đạo. Sang thập kỉ thứ hai, khi mà nền kinh tế mỗi nước đều có sự phát triển vượt bậc thì cả
hai nước đều tìm cách vươn tầm ảnh hưởng của mình ra các khu vực xung quanh bằng nhiều
chính sách như việc tăng cường “chính sách hướng Đông” (đã có từ trước đó) của người Ấn,

chiến lược “đi ra ngoài”, sử dụng “quyền lực mềm” của người Trung Hoa. Những năm gần
đây, khi người Trung Hoa ngang ngược tranh giành biển Đông, lôi kéo một số nước trong
khu vực trở thành đồng minh thì người Ấn cũng không chịu thua kém, họ cũng không
ngừng tăng cường quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Nam Á, sẵn sàng đối đầu với
người khổng lồ Trung Quốc.

6. Phương pháp nghiên cứu
Về cơ sở phương pháp luận, trong suốt quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đứng trên
quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích, nhìn nhận và đánh
giá vấn đề.
Về phương pháp nghiên cứu cụ thể, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử để trình
bày các sự kiện theo trình tự thời gian trong bối cảnh quốc tế và khu vực, tạo nên bức tranh
sinh động của quá trình cạnh tranh giữa hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông
Nam Á từ năm 1991 đến năm 2012; sử dụng phương pháp logic để khái quát, lí luận và rút
ra bản chất của vấn đề; sử dụng phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế để đặt vấn đề
trong bối cảnh khu vực, quốc tế, tìm những nhân tố khu vực, quốc tế chi phối vấn đề này.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp khác như: phương pháp phân tích,
phương pháp diễn dịch và quy nạp, phương pháp thống kê ….

7. Đóng góp của luận văn
Vấn đề quan hệ quốc tế luôn là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà
nghiên cứu. Đặc biệt, khi quan hệ quốc tế diễn ra ở một điểm nóng của thế giới thì sự quan
11


tâm ấy càng tăng lên gấp bội. Đông Nam Á từ lâu đã được xem là một khu vực có vị trí
chiến lược cực kỳ quan trọng. Nhiều cường quốc đã và đang hướng sự ảnh hưởng của mình
ở khu vực này. Lựa chọn đề tài này người viết cố gắng hệ thống lại quá trình cạnh tranh
giữa hai cường quốc của châu Á ở một khu vực được xem là một trong những điểm nóng
của thế giới trong khoảng thời gian từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Trong bối

cảnh chưa có một công trình nào hoàn chỉnh nào về vấn đề này, người viết hy vọng có thể
đóng góp một phần tư liệu, lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Kết quả nghiên cứu có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, học tập
về lịch sử thế giới hiện đại mà cụ thể là lịch sử quan hệ quốc tế ở châu Á.

8. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Trung Quốc, Ấn Độ - hai cường quốc mới của thế giới
Chương 2: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Ấn Độ
Chương 3: Quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á
(1991 – 2012)

12


CHƯƠNG 1: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ HAI CƯỜNG QUỐC MỚI
CỦA THẾ GIỚI
Từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX tới nay, thế giới chứng kiến sự phát triển vô
cùng mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Cán cân
kinh tế thế giới giữa phương Tây và châu Á trở nên ngang bằng. “Hai quốc gia này thực sự
là con Rồng, con Hổ vĩ đại” [12, tr. 5]. Tổng sản lượng của Trung Quốc đến nay đã ngang
ngửa với vài nước Tây Âu phát triển cộng lại. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang phát triển với
tốc độ cao.
Viết về vấn đề này, nhà báo, nhà kinh tế học Pete Engardio đã đưa ra một số nhận
định khá sâu sắc. “Việc Trung Quốc trỗi dậy như một người khổng lồ về kinh tế có vẻ đã
được xác định trước kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu tháo gỡ xiềng xích cho nên kinh tế
nước này vào năm 1979 (12/1978). Mỗi nỗ lực cải cách lại làm tràn ra một đợt sóng mới
“cơn sốt Trung Quốc” của những công ty nước ngoài” [12, tr. 11]… “Ngược lại, thành công
kinh tế của Ấn Độ là một câu chuyện lặng lẽ hơn nhiều. Hơn mười lăm năm trước một chút,
người khổng lồ nữa của châu Á này hầu như không được người Mỹ nhìn thấy” [12, tr. 11].

Ông cũng cho rằng: “Thời kỳ hoài nghi đã hết. Thời kỳ hoảng sợ, dẫu hay dẫu dở, đã bắt
đầu. Ngày nay Trung Quốc và Ấn Độ được nhìn nhận rộng rãi là những siêu cường kinh tế
sắp tới của thế giới” [46, tr. 12].
Đó chỉ là một trong những nhận định về sự phát triển “thần kỳ” của Trung Quốc và
Ấn Độ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Sự phát triển này sẽ được chứng minh bằng những
con số cụ thể trên rất nhiều lĩnh vực.

1.1. “Rồng” Trung Quốc
Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu, phía Đông - Nam của đại
lục Á - Âu, phía Đông và giữa châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương; có biên giới chung
với Nga, Mông Cổ (phía Bắc), với Kazakstan, Kirghitan, Taghikistan (phía Tây), với
Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan (phía Tây Nam), với Myanmar, Lào, Việt Nam
(phía Nam), với Triều Tiên (phía Đông). Trung Quốc là một nước có nhiều điều đặc biệt.
Xét về mặt diện tích, Trung Quốc xấp xỉ 1/14 diện tích đất liền thế giới, là nước rộng thứ ba
thế giới sau Nga và Canada và gần như bằng cả diện tích châu Âu. Còn xét trong phạm vi
châu Á thì Trung Quốc đứng thứ nhất về quy mô diện tích. Xét về mặt lịch sử hình thành và
13


phát triển đất nước, Trung Quốc nổi tiếng là một trong những cái nôi văn minh nhân loại.
Với tư cách là nước rộng thứ ba trên thế giới, Trung Quốc là nước có đường biên giới chung
với nhiều nước nhất trên thế giới: 14 nước và là nước có đường biên giới trên bộ dài nhất
thế giới: 22.117 km. Đây là quốc gia của 1/5 dân số thế giới, một nền văn minh lâu đời đang
trỗi dậy để khẳng định vị thế của mình.
1.1.1. Kinh tế
Tháng 12/1978, Hội nghị lần thứ 3 khóa XI của Đảng cộng sản Trung Quốc ghi nhận
sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước – “con đường mới xây dựng chủ nghĩa xã hội mang
đặc sắc Trung Quốc được mở ra từ hội nghị này”. Từ 1978 đến nay, qua các kỳ hội nghị và
đại hội Đảng, Trung Quốc không ngừng phát triển tư duy lý luận làm phong phú thêm nhận
thức về con đường cũng như nội dung cải cách mở cửa. Đặc biệt từ 1992, Trung Quốc chính

thức thừa nhận thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với việc đẩy nhanh nhịp độ cải
cách và mở cửa, đồng thời thực hiện chiến lược tăng tốc trong phát triển kinh tế. Từ đó đến
nay nước này đã thu được những thành công đáng kể.
Từ năm 1979 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 9%. Giai đoạn
1992 - 1997, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng GDP bình
quân đạt 11%/ năm. Trong đó, GDP Trung Quốc năm 1996 lớn hơn GDP của ASEAN
khoảng 15%, bằng 3% GDP của thế giới, 23% kinh tế Nhật, 12% kinh tế Mỹ. Trong những
năm 1997 - 1999, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nền kinh tế Trung
Quốc cũng chững lại và có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, ngay sau đó Trung Quốc đã lấy
lại được xu thế tăng trưởng. Năm 2000 là năm cuối của kế hoạch năm năm phát triển kinh tế
xã hội lần thứ chín (1996 - 2000), cũng là năm đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng
trong nền kinh tế Trung Quốc. Với GDP đạt 8.928 tỷ NDT - tương đương 1.072 tỷ USD,
GDP bình quân đầu người đạt 850 USD, Trung Quốc đã hoàn thành vượt mức kế hoạch
tăng gấp 4 lần GDP bình quân đầu người của năm 1980 (200 USD). Cùng với kết quả này,
Trung Quốc đã lần đầu tiên đặt chân vào hàng ngũ các quốc gia có GDP trên 1.000 tỷ USD.
Bước sang thế kỷ 21, năm 2001 được đánh dấu bằng sự kiện lớn, việc Trung Quốc
chính thức trở thành thành viên thứ 143 của WTO (vào ngày 11/11) sau 15 năm nỗ lực và cố
gắng. Đây là một bước tiến lớn của nền kinh tế Trung Quốc theo hướng nhất thể hoá kinh tế
toàn cầu. Sự kiện này cũng đã mở ra những cơ hội và thách thức mới đối với nền kinh tế
Trung Quốc. Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới 2001, mặc dù tăng trưởng
14


xuất khẩu chững lại do bị ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế Mỹ, Nhật Bản và thế giới song
Trung Quốc vẫn duy trì được mục tiêu tăng trưởng. Năm 2001, GDP của Trung Quốc đạt
1.100 tỷ USD, tăng 7,3% (thấp hơn so với mức kế hoạch đề ra - 7,5%). Năm 2002, GDP của
Trung Quốc lần đầu tiên phá mốc 10 nghìn tỷ NDT, đạt 10.239,8 tỷ NDT tương đương
1.278 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng là 8%. Năm 2004, GDP của Trung Quốc là 1.649 tỷ USD,
xếp thứ 7 thế giới, năm 2005 đạt trên 1.800 tỷ USD, vượt Italia trở thành nền kinh tế lớn thứ
6 thế giới, đến năm 2010 GDP của Trung Quốc đã đạt trên 6.000 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng

GDP thế giới, vượt qua Nhật bản trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên, năm 1978 là 167 triệu
USD, năm 1998 là 144,9 tỷ USD, năm 2008 là 1.946 tỷ USD, năm 2009 tăng lên 2.400 tỷ
USD, và đến năm 2010 đã là gần 3.000 tỷ. Từ năm 2011 đến nay, dự trữ ngoại tệ của nước
này cũng luôn đạt con số trên 3.000 tỷ USD và là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế
giới [166].
Do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập của cư dân Trung Quốc cũng tăng nhanh,
mức sống cũng đã có những chuyển biến đáng kể. Thu nhập của cư dân thành thị và nông
thôn tăng nhanh. Từ năm 1978 - 2007, GDP bình quân đầu người tăng từ 381 NDT lên
18.600 NDT. Cơ cấu tiêu dùng của cư dân nông thôn và thành thị có những thay đổi theo xu
hướng nâng cao chất lượng. Từ năm 1978 - 2007, tổng kim ngạch bán lẻ hàng hóa xã hội
tăng từ 155,86 tỷ NDT lên 8.921 tỷ NDT, nhu cầu tiêu dùng của người dân không ngừng
tăng lên, điều kiện sống không ngừng được cải thiện.
Về vấn đề xóa đói giảm nghèo, Trung Quốc đạt được những thành tựu mà cả thế giới
công nhận. Năm 1978 - 2007, số nhân khẩu nghèo tuyệt đối ở nông thôn (thu nhập bình
quân hàng năm dưới 785 NDT) giảm từ 250 triệu người xuống còn 14,79 triệu người.
Trong nông nghiệp, chế độ đại công xã bị xóa bỏ, ở nông thôn Trung Quốc đã thực
hiện chế độ khoán trong sản xuất nông nghiệp 2. Tới năm 1984, 100% các đội sản xuất đã
F
1

thực hiện chế độ khoán. Thuế nông nghiệp đã được xoá bỏ, chính sách hộ khẩu với những
nông dân vào thành phố làm thuê đã được nới lỏng... Chỉ trong một thời gian ngắn, với diện
tích canh tác chỉ chiếm 7% thế giới, Trung Quốc đã nuôi được 22% dân số thế giới. Có thể
nói đây là bước cải cách mang tính đột phá, là thành tựu lớn nhất trong cải cách nông nghiệp
ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiến hành sửa đổi chính sách đất đai ở nông thôn
2

Chế độ khoán là hình thức cụ thể của việc tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng ruộng đất.


15


thích ứng với cơ chế thị trường. Từ năm 1990, với chính sách tự do hóa giá cả nên giá nông
phẩm trên thị trường về cơ bản do quan hệ cung cầu điều tiết. Ngoài ra, nhà nước còn thi
hành chính sách mở rộng tín dụng nông thôn. Năm 1985, hệ thống hợp tác xã tín dụng nông
thôn đã có mạng lưới rộng lớn gồm 406.518 đơn vị cơ sở.
Nhờ nhiều chính sách tiến bộ, thiết thực, nông nghiệp Trung Quốc hơn 30 năm qua
phát triển nhanh chóng và tương đối ổn định. Năm 1978, sản lượng lương thực là 304,7
triệu tấn, năm 1987 là 402 triệu tấn, năm 1997 là 494,1 triệu tấn, đến năm 2007 là 501,6
triệu tấn, năm 2009 là 530,8 triệu tấn, và năm 2010 đạt gần 550 triệu tấn. Năm 1980, tổng
giá trị sản lượng của nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm ngư nghiệp và chăn nuôi) mới đạt
192,26 tỷ NDT, đến năm 1996 đạt 2.342,6 tỷ NDT. Năm 2007, Trung Quốc đứng đầu thế
giới về sản lượng sản phẩm nông nghiệp như ngũ cốc, thịt và bông. Đến năm 2010, sản
lượng một số nông sản phẩm của Trung Quốc đang đứng đầu thế giới là: Lương thực đứng
vị trí số 1 (lúa gạo, lúa mỳ); ngô đứng thứ 2; đậu tương đứng thứ 3; bông, cây có dầu, các
loại thịt, thức ăn gia cầm và các loại thủy sản đều đứng hàng đầu thế giới.
Với sự phát triển của nông thôn Trung Quốc, hàng trăm triệu nông dân đã chuyển từ
trạng thái kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa. Nông nghiệp Trung Quốc phát triển
tương đối ổn định đã tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn nguyên liệu
nông nghiệp cung cấp cho công nghiệp tăng lên góp phần tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu.
Trong công nghiệp, trải qua hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã là một
cường quốc thương mại và sản xuất khổng lồ, xây dựng được một nền công nghiệp hoàn
chỉnh với 39 chuyên ngành, trong đó sản lượng của 210 loại sản phẩm công nghiệp đứng
đầu thế giới. Giai đoạn đầu sau cải cách, Trung Quốc đã giảm bớt quy mô và tốc độ phát
triển của công nghiệp nặng, tăng quy mô và tốc độ phát triển của công nghiệp nhẹ. Từ đầu
thập niên 90, đầu tư trong công nghiệp bắt đầu chú trọng vào một số ngành sử dụng nhiều
vốn (công nghiệp nặng, hóa chất...) và một số ngành sử dụng kỹ thuật cao (viễn thông, điện
tử, máy tính...). Trung Quốc cũng chú trọng đầu từ vào thiết bị công nghệ. Sau cuộc khủng
hoảng kinh tế tài chính thế giới bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc càng coi trọng việc

cải tạo kỹ thuật. Hiện nay, để đối phó khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đang xem xét việc
dùng công nghệ thông tin để nâng cấp trình độ công nghiệp hóa.
Một hiện tượng nổi bật trong sự phát triển công nghiệp Trung Quốc là sự phát triển
của công nghiệp hương trấn trong thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90. Đây là loại hình doanh nghiệp
16


tập thể do chính quyền hoặc tập thể nông dân ở các hương và trấn ở Trung Quốc thành lập
từ sau cải cách 1978. Các xí nghiệp hương trấn góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp
hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và việc làm ở nông thôn. Năm 1987, các
loại hình xí nghiệp ở Trung Quốc thu hút 88 triệu lao động và tạo ra giá trị sản lượng 476,4
tỷ NDT. Đến 1992, các xí nghiệp hương trấn sản xuất ra 1/3 tổng giá trị sản lượng công
nghiệp toàn quốc và thu hút 105 triệu lao động. Năm 1996, các xí nghiệp hương trấn đã thu
hút 130 triệu lao động, giá trị tạo ra đạt khoảng 1.700 tỷ NDT, chiếm 20% giá trị tổng sản
phẩm trong nước. Đến năm 1997, Trung Quốc có luật về xí nghiệp hương trấn, và khu vực
này có sự chuyển biến. Nhiều xí nghiệp hương trấn đã chuyển đổi thành các doanh nghiệp
tư nhân hoặc các doanh nghiệp cổ phần.
Nhìn chung, nền công nghiệp Trung Quốc từ sau khi cải cách mở cửa đã tăng trưởng
nhanh chóng, tốc độ công nghiệp hóa nhanh, quy mô ngày càng mở rộng, tổng sản lượng
tăng không ngừng, giá trị sản phẩm công nghiệp năm 1997 tăng 14 lần so với năm 1978,
bình quân mỗi năm tăng 14,9%. Từ 2005 đến 2010, tăng trưởng của giá trị sản xuất công
nghiệp tăng trên 11% trung bình mỗi năm. Tính riêng trong năm 2010, tổng sản lượng công
nghiệp Trung Quốc đã lên đến 16.000 tỷ NDT, tăng 15,7% so với năm trước đó, tăng mạnh
từ 7.720 tỷ NDT năm 2005. Cho đến nay, Trung Quốc đã có nhiều sản phẩm đạt chất lượng
hàng đầu thế giới như thép, than đá, xi măng và phân hóa học. Sự phát triển của công
nghiệp Trung Quốc luôn cao hơn các ngành khác và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của
Trung Quốc tiến lên giai đoạn mới.
Kể từ khi cải cách mở cửa, mức độ tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế của Trung
Quốc được nâng cao, vị thế trong kinh tế thế giới của Trung Quốc đang được tăng cường,
mức độ phụ thuộc vào ngoại thương (tỷ trọng xuất nhập khẩu chiếm trong GDP của Trung

Quốc) ngày càng tăng. Năm 1978, tổng mức ngoại thương của Trung Quốc mới chỉ là 9,8%,
trong đó xuất khẩu là 4,6%, nhập khẩu là 5,2%. Song đến năm 1997, ngoại thương của
Trung Quốc đã đạt tới 325,1 tỷ USD đứng hàng thứ 10 của thế giới, mức độ phụ thuộc vào
ngoại thương đã tăng tới 36% trong đó xuất khẩu là 20,2%, nhập khẩu là 15,8%. Năm 2000,
ngoại thương đạt 474,3 tỷ USD, xuất khẩu xếp hàng thứ 7 và nhập khẩu hàng thứ 8 thế giới.
Đến năm 2010, giá trị ngoại thương đã đạt 2.970 tỷ USD, tăng 34,7% so với năm 2009.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, ngoại thương nước này trong
năm 2011 đã tăng 22,5% và đạt con số 3.640 tỷ USD [172].

17


Bên cạnh việc mở rộng không ngừng kim ngạch xuất - nhập khẩu thì cơ cấu hàng
xuất - nhập khẩu của Trung Quốc cũng ngày càng được cải thiện đáng kể. Trước đây, Trung
Quốc chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm sơ chế như thực phẩm, súc vật sống, nguyên liệu thô
và dầu mỏ; tỷ trọng các hàng công nghiệp trong cơ cấu xuất khẩu chiếm một lượng nhỏ.
Cùng với sự phát triển của nhu cầu thị trường thế giới và tận dụng nguồn nhân lực dồi dào,
giá nhân công rẻ, Trung Quốc đã chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm gia công, tỷ lệ các
mặt hàng này khá cao, khoảng 74% năm 1998. Về nhập khẩu, do yêu cầu phát triển đất
nước nên trong những năm đầu của cải cách, Trung Quốc chủ yếu nhập những sản phẩm
công nghệ cao, tiên tiến để góp phần đổi mới các cơ sở sản xuất lạc hậu. Những năm về sau,
do thực hiện ý đồ phát triển theo hướng coi “khoa học kĩ thuật là sức mạnh sản xuất thứ
nhất” nên hoạt động này càng trở nên sôi động. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Trung
Quốc hiện nay là máy móc, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, thiết bị nghe nhìn, phụ kiện...
Trung Quốc cũng đã mở rộng quan hệ giao lưu buôn bán với hầu hết các nước trong khu
vực và trên thế giới, các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng phong phú hơn trên các thị
trường. Các đối tác thương mại chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc,
EU (Liên minh châu Âu - European Union), Mỹ, ASEAN...
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cũng bắt đầu tăng mạnh sau năm 2001.
FDI hàng năm của Trung Quốc tăng từ 40,7 tỷ USD năm 2000 lên 92,4 tỷ USD năm 2008,

trong khi con số này trong năm 1979 chỉ là 80.000 USD. Đến năm 2010, FDI của Trung
Quốc đã tăng 17,4% so với năm 2009 lên 105,7 tỷ USD. Năm 2011, FDI của Trung Quốc
tăng 9,72% so với năm trước, đạt 116 tỷ USD [76]. Năm 2012, do ảnh hưởng của suy thoái
kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm nhưng vẫn ở mức cao, theo số liệu công bố
của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI vào Trung Quốc trong năm 2012 đã giảm 3,7% còn hơn 111 tỷ USD [124].
Song song với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây
dựng các xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Chỉ riêng trong ngành công nghiệp, năm
1983, giá trị sản lượng của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng trong
GDP của Trung Quốc là 0,3%, năm 1990 đã tăng lên 6,3%, năm 1997 đạt tới mức 20,8%.
Bên cạnh đó, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp được Chính phủ Trung
Quốc đặc biệt khuyến khích và hỗ trợ nhằm tạo các kênh xuất khẩu vật tư và thiết bị. Tính
đến năm 1998, có 5.600 doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài với tống số vốn
trên 6 tỷ USD, trong đó 80% số dự án đầu tư có lãi. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung
18


Quốc, đầu tư ra nước ngoài của nước này trong năm 2009 đạt 43,3 tỷ USD, đứng thứ 5 thế
giới trong lĩnh vực này, đến năm 2010 đã vượt 50 tỷ USD do tăng cường đầu tư vào các lĩnh
vực năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp [100]. Năm 2012, các nhà đầu tư Trung Quốc
đang chi mạnh hơn khi đưa 77,22 tỷ USD đầu tư vào 4.425 công ty trên 141 nước và vùng
lãnh thổ, tăng 28,6% so với năm trước [124].
1.1.2. Chính trị - Xã hội
Sau hơn 3 thập kỉ tiến hành cải cách, mở cửa và phát triển kinh tế, tình hình chính trị
- xã hội của Trung Quốc đã từng bước ổn định, cải cách thể chế chính trị đã thu được một số
thành tựu quan trọng. Những thành tựu đó tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục xây dựng
“văn minh chính trị” và “văn minh tinh thần”.
1.1.2.1. Chính trị
Trong quá trình cải cách và phát triển, Trung Quốc đã thu được những thành tựu
quan trọng trên lĩnh vực cải cách thể chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ
hóa đời sống chính trị trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vượt bậc trong các

lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoài giao thì trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc vẫn đang đối
mặt với một số vấn đề tương đối phức tạp.
Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và tình hình chính trị quốc tế có những
thay đổi sâu sắc và phức tạp hiện nay, Trung Quốc trong những năm qua, và trong những
năm tới vẫn nỗ lực tranh thủ những nhân tố quốc tế có lợi để thúc đẩy quá trình trỗi dậy, tiến
tới hoàn thành công cuộc hiện đại hóa đất nước. Tổng Bí thư Chủ tịch nước Giang Trạch
Dân, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quan
điểm “Nhìn về toàn cục, 20 năm đầu của thế kỷ XX, đối với Trung Quốc là một thời kỳ cơ
hội chiến lược quan trọng cần phải nắm bắt và có thể làm được nhiều việc lớn” [55, tr. 26].
Tổng Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã đưa ra nhận định: “Phân tích tổng hợp tình
hình quốc tế và trong nước hiện nay cho thấy: Chúng ta đang đứng trước những cơ hội chưa
từng có, và cả những thách thức chưa từng thấy, nhưng sự phát triển của nước ta vẫn ở trong
thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, có thể làm được nhiều việc lớn”. Từ nhận định trên, có
thể nhận thấy, Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm bắt thời cơ đẩy mạnh công cuộc cải cách mở
cửa, hiện đại hóa đất nước, và “thống nhất Tổ quốc”. Tổng Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm
Đào cũng đã đề cập vấn đề làm nổi bật “đặc sắc thực tiễn”, “đặc sắc lý luận”, “đặc sắc dân

19


tộc” và “đặc sắc thời đại” của “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, và vấn đề “thúc đẩy
cải cách thể chế chính trị” ở Trung Quốc [55, tr. 26-27].
Trên cơ sở tình hình quốc tế, tình hình Trung Quốc, và quan điểm của lãnh đạo
Trung Quốc như trên, có thể khái quát một số nét cơ bản về tình hình đối ngoại và đối nội
của Trung Quốc hiện nay như sau: Trung Quốc vẫn kiên trì chủ trương chiến lược tập trung
nỗ lực vào công cuộc hiện đại hóa, và do đó cố gắng duy trì trạng thái hòa bình thế giới và
hợp tác quốc tế. Trung Quốc muốn tranh thủ “thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng”, trỗi
dậy mạnh mẽ hơn nữa, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh địa – chiến lược quyết liệt và lâu dài
với các đối thủ, chủ yếu là Mỹ. Còn về mâu thuẫn giữa các chế độ chính trị - xã hội thì sẽ
hòa hoãn dần, Trung Quốc không còn mục tiêu “chống chủ nghĩa tư bản” ở các nước; Cạnh

tranh địa – chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước lớn khác diễn ra gay gắt và phức
tạp tại các “khu vực ngoại vi”, tức là “các nước xung quanh”. Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp
tục viện trợ để duy trì chế độ chính trị Bắc Triều Tiên, tiếp tục gây sức ép với Philippines và
Việt Nam trên biển Đông, phân hóa ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc, cạnh tranh vừa
quyết liệt vừa khôn ngoan với các cường quốc ở một số khu vực quan trọng trên thế giới;
Màu sắc chính trị (ý thức hệ, chế độ chính trị) trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc
tiếp tục mờ nhạt. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại các nước có chế độ đa đảng, đa
nguyên chính trị cũng phản ánh xu thế đó; Chính trị đối nội của Trung Quốc, trong một số
trường hợp đã phát triển theo hướng phù hợp với chính trị đối ngoại. Trong quá trình mở
cửa, nhiều trào lưu tư tưởng chính trị phương Tây cũng đã du nhập Trung Quốc. Trung
Quốc đã có những cải cách về thể chế chính trị để phù hợp với quan hệ đối ngoại, nhất là
trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tổ chức bộ máy hành chính…; “Một đất nước hai chế
độ” cũng là một sự thể hiện cách giải quyết mối quan hệ đối nội và đối ngoại ở Trung Quốc
[55, tr. 27-28].
Tóm lại, đường lối đối nội và đối ngoại chính trị đối nội của nước Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa về hình thức là mâu thuẫn với chính trị đối ngoại (mâu thuẫn giữa chính trị
xã hội chủ nghĩa với chính trị tư bản chủ nghĩa), nhưng về thực chất là không mâu thuẫn,
bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết hợp chính trị đối nội và chính trị đối ngoại trên cơ
sở lợi ích quốc gia. Có thể nói đó là một trong những đặc điểm của “chủ nghĩa xã hội đặc
sắc Trung Quốc”.
1.1.2.2. Xã hội
20


Có thể nói, xã hội Trung Quốc hiện đang tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn, tiêu cực,
song về cơ bản, Trung Quốc vẫn giữ được cục diện xã hội ổn định, tạo tiền đề thuận lợi cho
quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng kinh tế, chính trị, chấn hưng đất nước.
Trung Quốc đã hết sức nỗ lực tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Thời gian qua, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề “hạ cương” (nghỉ việc do cải cách
doanh nghiệp nhà nước) ở thành phố và tình trạng dư thừa lao động nghiêm trọng ở nông

thôn. Để tháo gỡ khó khăn này, Trung Quốc một mặt tăng cường công tác đào tạo, sắp xếp
lại lực lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh sản xuất, mặt khác củng cố, mở rộng hệ
thống xí nghiệp hương trấn, từng bước giải quyết hợp lí xu thế di chuyển lao động từ nông
thôn ra thành thị, tạo việc làm ổn định hơn cho người lao động. Ngoài ra, Trung Quốc còn
quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi,
hệ thống thị trấn, thị tứ; quan tâm phát triển nền nông nghiệp thâm canh với trình độ kỹ
thuật cao, đặc biệt quan tâm nghiên cứu sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có
năng suất và chất lượng cao cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến… nhằm tạo điều kiện cho
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Kết quả, Trung Quốc đã phần nào giải quyết được
tình trạng thiếu việc làm đang diễn ra nghiêm trọng ở đất nước này. Chỉ tính riêng trong
năm 2004 đã có 9,8 triệu lao động thành phố thị trấn tìm được việc làm, tăng 800 ngàn
người so với mục tiêu dự kiến; số người đăng kí thất nghiệp ở thành phố thị trấn là 4,2%,
thấp hơn 0,5% so với dự kiến; số người “hạ cương” tìm lại được việc làm đạt 5,1 triệu [22,
tr. 4]. Theo báo cáo của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
trong hai năm 2010 và 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 4,1%.
Cũng theo báo cáo này, năm 2011, Trung Quốc đã tạo ra 12 triệu chỗ làm mới (cao hơn
đáng kể hơn so với mức kế hoạch là 9 triệu chỗ làm mà Chính phủ dự trù hàng năm).
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành một số cải cách quan trọng về chính sách
bảo đảm an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Chế độ trợ cấp thất nghiệp
cho những đối tượng “hạ cương” được duy trì và điều chỉnh tương đối thích hợp trong nhiều
năm nay, hỗ trợ cơ bản cho người mất việc làm duy trì cuộc sống. Đồng thời, Trung Quốc
tích cực thực hiện chiến lược xóa đói nghèo ở các vùng nông thôn, tích cực thực hiện các
chính sách và biện pháp giảm gánh nặng cho nông dân, đặc biệt là chế độ thuế nông nghiệp.
Nhờ vậy, Hội nghị lần thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X (3/2005) của
Trung Quốc đã khẳng định một số thành tựu xã hội đạt được trong năm 2004: thu nhập bình
quân đầu người ở thành thị đạt 9.422 NDT (khoảng 1.150 USD), thu nhập thuần của nông
21


dân đạt 2.936 NDT (tăng 7,7% và 6,8%); số người nghèo tuyệt đối và thu nhập thấp ở nông

thôn giảm 2,9 triệu và 400 ngàn so với năm 2003; tiêu chuẩn trợ cấp cơ bản đối với người
về hưu và tiêu chuẩn đảm bảo cuộc sống tối thiểu của cư dân một số thành phố, khu vực
được nâng cao; số người tham gia bảo hiểm theo các chế độ dưỡng lão, khám chữa bệnh,
thất nghiệp và tai nạn lao động đạt 163 triệu, 124 triệu, 106 triệu và 68,23 triệu.
Trong các lĩnh vực khác như khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, y tế, bảo vệ môi
trường..., Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng khẳng định. Dù còn nhiều bất
cập, song nhiều năm lại đây, sự nghiệp khoa học giáo dục của Trung Quốc đã có những
bước tiến lớn, nhằm hướng tới tiêu chí “khoa giáo hưng quốc” (khoa học giáo dục chấn
hưng đất nước). Về y tế, mặc dù đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong nhiều đại dịch, song
Trung Quốc cũng là một trong số những quốc gia xử lí kiên quyết và triệt để tình trạng diễn
biến dịch bệnh, khắc phục nhanh hậu quả do chúng gây ra. Theo số liệu thống kê năm 2008,
Trung Quốc đã xây dựng các trung tâm phòng chống bệnh tật tại 9 tỉnh, 241 thành phố và
1.410 huyện; 290 trung tâm cấp cứu và 2.074 hệ thống chữa trị bệnh truyền nhiễm [51,
tr.25].
1.1.3. Quân sự
Là một trong những cấu phần quan trọng trong phát triển sức mạnh tổng hợp quốc
gia của Trung Quốc, nhưng quân sự có những đặc điểm riêng. Tùy thuộc vào diễn biến tình
hình an ninh quốc phòng trên thế giới và khu vực, Trung Quốc sẽ có những chủ trương và
quyết sách về quân sự phù hợp.
Xương sống của các lực lượng quân sự Trung Quốc là Quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc (PLA), trong bộ khung còn có nền công nghiệp quốc phòng của nước này. PLA
đươc thành lập ngày 1/8/1927, nên còn có tên gọi khác là Bát Nhất, và được đặt tên là Hồng
Quân cho đến tháng 6/1946. PLA chỉ thành quân đội nhà nước sau khi Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa được thành lập năm 1949, trước đây chỉ một nhánh quân sự của Đảng Cộng sản
Trung Quốc. Mặc dù đã có chiến công đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc,
dựng nên nhà nước công nông nhưng trên thực tế PLA vẫn là một trong những quân đội vũ
trang không mấy hiện đại so với một số quân đội khác cùng thời.
Năm 1978, Đặng Tiểu Bình chủ trương hiện đại hóa quân sự, đây là một trong “Bốn
hiện đại hóa” của Trung Quốc, đứng sau nông nghiệp, công nghiệp và khoa học. Năm 1982,
cuộc xung đột trên biển giữa Anh và Argentina là một trong những nguyên cớ để Trung

22


Quốc tập trung vào chiến lược biển, trong đó có việc tăng cường hải quân của nước này với
mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc trên biển trước năm 2040. Các sự kiện
quân sự trên thế giới từ năm 1991 đến nay đã chỉ cho Trung Quốc thấy rằng cần phải xây
dựng quân đội theo hướng hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực. Các đời Chủ tịch Trung Quốc đều
tập trung phát triển quân đội với mục tiêu, biến quân đội Trung “ thành quân đội mạnh nhất
châu Á” vào năm 2020 và “đến năm 2050 tiến lên trình độ các quân đội mạnh nhất thế giới”
[6, tr.16].
Các chuyên gia quân sự và một số chính trị gia trên thế giới cho rằng, hiện nay nước
này vẫn có xu hướng gia tăng sức mạnh quân sự nhằm ổn định tình hình chính trị trong
nước, bảo vệ “không gian sinh tồn”, bảo vệ lợi ích quốc gia và thể hiện vai trò nước lớn
trong quan hệ quốc tế [6, tr. 17].
Trong hơn 30 năm cải cách, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng
trong lĩnh vực quân sự. Trung Quốc đã đưa được nhà bác học người Mỹ gốc Trung Quốc là
Tiền Học Sâm - “người biết tất cả những bí mật cốt lõi nhất của các công trình tên lửa của
Mỹ... có giá trị hơn 5 sư đoàn thủy quân lục chiến!” 3 về phục vụ, ông đã trở thành “ông tổ
F
2

của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc”, góp phần đặc biệt quan trọng phát triển nền
công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Công tác đào tạo các sĩ
quan và huấn luyện binh lính được đặc biệt quan tâm, tạo nên một đội ngũ những thực sự có
tri thức, đáp ứng đòi hỏi của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc sau hơn ba thập kỷ cải cách, mở cửa đã
hoàn toàn đổi khác. Với việc khôn khéo thực chính sách đi tắt, đón đầu trong hiện đại hoá
khí tài quân sự của nước mình, Trung Quốc đã cho ra đời những sản phẩm quốc phòng đặc
sắc, thậm chí nhiều sản phẩm mang tính năng lưỡng dụng cả quân sự và dân sự. Kết quả là,
về lực lượng hạt nhân, Quân đội Trung Quốc trên thực tế có tổng cộng 2.350 đầu đạn hạt

nhân, gấp gần 8 lần so với con số 300 mà giới quân sự phương Tây thường công bố. Theo
số liệu này thì Trung Quốc sẽ có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn so với Mỹ và Nga sau khi hai
nước này ký Hiệp ước Start II, theo đó mỗi bên sẽ hạn chế còn 1.500 đầu đạn hạt nhân
[178].
Về vũ trụ - hàng không, những tàu vũ trụ Thần châu V, VI và VII lần lượt ra đời và
được phóng bằng chính tên lửa đẩy Trường Chinh chế tạo tại Trung Quốc, có những công
3

Nhận xét của Bộ trưởng Bộ Hải quân Hoa Kỳ Dan A. Kimball (1951 – 1953).

23


×