I. Mở đầu
Về nguyên tắc, chế độ tài sản chung gắn liền với thời kỳ hôn nhân, khi hôn
nhân còn tồn tại trước pháp luật thì còn tồn tại tài sản chung của vợ chồng. Do
đó, thông thường tài sản chung chỉ được chia khi ly hôn chấm dứt về mặt
pháp lý (ly hôn hoặc một bên vợ, chồng chết). Tuy nhiên trên thực tế nhiều
cặp vợ chồng vì nhiều lý do khác nhau muốn được chia tài sản chung khi hôn
nhân còn đang tồn tại. Nguyện vọng này có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa
vợ chồng trong quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Yêu cầu chia tài sản
chung trong thời kỳ hôn nhân cũng có thể xuất phát từ mâu thuẫn về tình cảm
giữa vợ chồng song do tuổi cao, địa vị xã hội, nghề nghiệp danh dự uy tín,
trách nhiệm đối với các con… mà họ không muốn ly hôn nhưng muốn độc lập
về tài sản để tránh phát triển mâu thuẫn và được độc lập trong cuộc sống. Vì
vậy, có thể nói việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là
một giải pháp tối ưu trong nền kinh tế hiện nay.
Xuất phát từ thực tế trên, điều 18 luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã
qui định: “khi hôn nhân còn tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính
đáng thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo qui định ở điều 42
(nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn) của Luật này”. Kế thừa và phát triển Điều
18 luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000
qui định chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại điều 29 và
điều 30 và được hướng dẫn cụ thể từ điều 6 đến điều 11 Nghị định số
70/2001/NĐ-CP.
II. Khái quát về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng
trong thời kì hôn nhân
1. Khái niệm
Có thể tạm định nghĩa việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như
là việc chuyển một hoặc nhiều tài sản vốn thuộc khối tài sản chung vào khối
tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Đây không phải là phân chia hiểu theo
nghĩa thông thường, tức là việc chấm dứt tình trạng sở hữu chung theo phần
bằng cách phân hẳn cho người này hay người nọ một hoặc nhiều tài sản vốn
thuộc sở hữu chung, như thế nào để tổng giá trị các tài sản chia cho một người
ngang với giá trị phần quyền của người đó trong khối tài sản chung được đem
chia. Khi tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ và chồng có
thể thoả thuận rằng người này hoặc người kia nhận nhiều tài sản, dù trên thực
tế, công sức đóng góp của người nhận nhiều tài sản vào việc tạo lập, phát triển
khối tài sản chung không tương xứng với giá trị của số tài sản nhận được.
2. Chế định của pháp luật về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân
Theo Khoản 1 điều 29 luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định :
“Khi hôn nhân còn tồn tại trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh
riêng , trường hợp nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ
chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung, việc chia tài sản chung phải lập
thành văn bản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải
quyết.”
“Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về
tài sản không được pháp luật công nhận.”
Như vậy theo điều 29 việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi
có lý do chính đáng được nhà nước công nhận và bảo vệ. Việc chia tài sản
chung trong trường hợp này có thể thông qua thỏa thuận bằng văn bản giữa
vợ và chồng, hoặc thông qua bản án, quyết định của Tòa án (khi vợ, chồng có
yêu cầu). Quy định này xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội, khi vợ hoặc
chồng (hoặc cả vợ và chồng) có lý do chính đáng, có yêu cầu Tòa án chia tài
sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân thì Tòa án chấp nhận yêu cầu
chia tài sản chung của vợ chồng. Khi chia nếu vợ chồng thỏa thuận được với
nhau, mỗi bên được chia những gì, tỉ lệ bao nhiêu, xét thấy hợp lý. Tòa án sẽ
công nhân thỏa thuận đó; nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì
Tòa án sẽ quyết định chia.
Quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm
bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của mỗi bên vợ chồng cũng như quyền
lợi của những người khác có liên quan tới tài sản chung của vợ chồng.
Nhằm hạn chế việc vợ chồng trong thực tế lợi dụng quy định này mưu cầu
lợi ích trái pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác, khoản 2 Điều
29 đã qui định rõ về vấn đề này. Trong trường hợp Tòa án áp dụng Điều 29 đã
chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân tồn tại, nếu phát hiện
vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản thì
phán quyết của Tòa án phải bị hủy bỏ.
3. Tài sản chung của vợ chồng
Khi xảy ra sự kiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, quan hệ nhân
thân của chồng và vợ không có sự thay đổi, đây chính là điểm khác biệt cơ
bản nhất của chế định này với chế định ly thân được quy định trong pháp luật
của các nước phương Tây. Tuy nhiên, chế độ tài sản chung với căn cứ xác
định quy định tại điều 27 luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có sự thay
đổi rất nhiều. Theo điều 30 luật hôn nhân và gia đình và theo điều 8 nghị định
số 70/2001/NĐ-CP phần tài sản chung mà vợ chồng được chia, hoa lơi, lợi
tức từ tài sản riêng, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và
những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng sau khi chia tài sản chung là tài
sản riêng của mỗi bên trừ khi vợ chồng có thỏa thuận khác. Như vậy, sự kiện
chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dẫn đền tài sản chung của vợ chồng
được xác định lại, theo những căn cứ sau :
Về thời điểm phát sinh:
Tài sản chung được xác định căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của việc
chia tài sản chung và thời điểm khôi phục chế độ tài sản chung. Theo qui định
tại điều 7 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, thời điểm có hiệu lực của việc chia
tài sản chung được xác định theo thời điểm được qui định trong văn bản thỏa
thuận, nếu không có thỏa thuận thì căn cứ vào ngày tháng năm lập văn bản.
Trong trường hợp văn bản thỏa thuận có công chứng hoặc chứng thực theo
yêu cầu của vợ chồng thì thời điểm là ngày tháng năm thỏa thuận trong văn
bản, nếu không có thỏa thuận thì hiệu lực được tính từ ngày công chứng,
chứng thực. Trường hợp phải công chứng, chứng thực theo qui định của pháp
luật thì ngày được công chứng, chứng thực là ngày có hiệu lực của văn bản.
Trong trường hợp việc chia tài sản chung do toà quyết định thì thời điểm
có hiệu lực của việc chia tài sản chung là ngày bản án, quyết định của Tòa án
về chia tài sản chung có hiệu lực pháp luật.
Pháp luật cũng ghi nhận quyền thỏa thuận khôi phục lại chế độ tài sản
chung của vợ chồng sau khi chia tài sản chung của vợ chồng sau khi chia tài
sản chung trong thời kì hôn nhân . Theo điều 10 nghị định số 70/2001/NĐ-CP
thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung cũng căn cứ
vào thời điểm được thảo thuận trong văn bản thỏa thuận khôi phục tài sản
chung , nếu không có thỏa thuận thì hiệu lực được tính từ ngày tháng năm lập
văn bản . Trong trường hợp văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản
chung được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng thì hiệu lực
tính theo thời điểm thỏa thuận trong văn bản, nếu không có thỏa thuận thì căn
cứ vào ngày văn bản được công chứng, chứng thực. Trường hợp văn bản thỏa
thuận khôi phục chế độ tài sản chung phải công chứng chứng thực theo qui
định của pháp luật, thì hiệu lực tính từ ngày văn bản được công chứng, chứng
thực.
Căn cứ vào nguồn gốc tài sản
Kể từ thời điểm được phân tích ở trên, tài sản chung của vợ chồng được
xác định theo qui định tại điều 30 luật hôn nhân và gia đình năm 2000, điều 8
và điều 9 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, bao gồm những tài sản sau :
- Tài sản do vợ chồng tạo ra
- Tài sản chung chưa chia
- Tài sản được thừa kế chung, tặng cho chung
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi chia , trừ trường hợp
được thừa kế riêng
- Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung
- Tài sản không đủ chứng cứ xác định là tài sản riêng
Đối với thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu
nhập hợp pháp khác bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của
vợ chồng phát sinh sau khi chia tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên vợ
chồng, chúng chỉ được xác định là tài sản chung nếu nếu vợ chồng có thỏa
thuận.
Tuy nhiên căn cứ xác định tài sản chung nói trên có thể thay đổi nếu có sự
kiện vợ chồng lập văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung. Theo
điều 9 và điều 10 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, kể từ ngày văn bản thỏa thuận
khôi phục chế độ tài sản chung có hiệu lực , việc xác định tài sản chung thuộc
sở hữu riêng của mỗi bên , phần tài sản thuộc sở hữu chung căn cứ vào việc
thỏa thuận của vợ chồng . Theo chúng tôi , qui định này trao cho vợ chồng
một quyền hạn quá rộng . Việc vợ chồng có quyền chia tài sản chung trong
thời kì hôn nhân , đồng thời có quyền khôi phục chế độ tài sản chung mà
không cần có sự xem xét của Tòa án đã đưa điều 27 luật hôn nhân và gia đình
năm 2000 trở thành hình thức, chế độ tài sản pháp định không đảm bảo đúng
bản chất pháp lý của nhà làm luật để ra.
4. Các trường hợp chia tài sản chung
• Đầu tư kinh doanh riêng
Tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch. Khái niệm đầu tư kinh doanh, đó có
thể là việc thành lập một doanh nghiệp tư nhân, việc tham gia thành lập một
công ty với tư cách là một thành viên sáng lập hoặc việc tham gia vào một kế
hoạch hợp tác kinh doanh. Dự án đầu tư kinh doanh riêng có thể đang được
thực hiện, nhưng cũng có thể chỉ mới được chuẩn bị thực hiện, thậm chí đang
trong giai đoạn thai nghén, hình thành. Thực ra, tài sản chung vẫn có thể được
đầu tư kinh doanh riêng đồng thời vẫn giữ nguyên quy chế tài sản chung:
người đầu tư kinh doanh riêng sẽ có độc quyền khai thác công dụng của tài
sản, do áp dụng nguyên tắc theo đó, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc
quản lý tài sản chung, đặc biệt là nguyên tắc quản lý riêng đối với tài sản
chung dùng cho hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc chia tài sản chung để
tài sản được đầu tư kinh doanh riêng hưởng quy chế tài sản riêng tỏ ra có ích
trong trường hợp người đầu tư kinh doanh muốn định đoạt tài sản hoặc xác
lập các giao dịch quan trọng có liên quan đến tài sản (như cầm cố, thế chấp)
theo những thủ tục đơn giản và không mất thì giờ.
• Thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng
Các nghĩa vụ được xác lập trước khi kết hôn cũng như các nghĩa vụ gắn
liền với các tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân
được bảo đảm thực hiện bằng các tài sản riêng, và trong chừng mực đó có thể
được coi như là các nghĩa vụ riêng. Mặt khác, việc chia tài sản chung để thực
hiện nghĩa vụ cho phép nghĩ rằng nghĩa vụ đó là nghĩa vụ mà khối tài sản
riêng có trách nhiệm đóng góp toàn bộ vào việc thanh toán: nếu khối tài sản
chung “ứng trước” để thực hiện nghĩa vụ, thì, đến một thời điểm thích hợp,
khối tài sản riêng phải hoàn lại. Với suy nghĩ đó, thì cũng có thể coi là nghĩa
vụ riêng (mà việc thực hiện có thể dẫn đến việc chia tài sản chung), nghĩa vụ
phát sinh từ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cá
nhân vợ hoặc chồng mà người còn lại không bị ràng buộc một cách liên đới.
Nghĩa vụ trả nợ vay, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người khác
cũng là nghĩa vụ riêng, nếu đã được xác lập mà không có sự đồng ý của vợ
(chồng).
Các nghĩa vụ phải có một tầm quan trọng nhất định. Không chỉ vì cần trả
một món nợ riêng rất nhỏ mà phải chia một khối tài sản chung có giá trị lớn.
Tính chất nhỏ hay lớn của món nợ có lẽ nên được xác định trên cơ sở mối
quan hệ so sánh giữa giá trị của món nợ phải trả và giá trị của khối tài sản
riêng hiện hữu của người mắc nợ: nếu khối tài sản riêng hiện hữu thừa sức
bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thì không lý do gì phải tiến hành chia tài sản
chung. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khối tài sản riêng đủ hoặc thừa sức bảo
đảm việc thực hiện nghĩa vụ, nhưng việc chia tài sản chung vẫn tỏ ra cần
thiết, do các tài sản riêng có giá trị đồng thời cũng là những tài sản có hoa lợi
là nguồn sống chủ yếu của gia đình.
Nghĩa vụ xác lập trong tương lai. Luật không nói rõ nghĩa vụ tài sản riêng
là nghĩa vụ hiện hữu hay nghĩa vụ sẽ được xác lập trong tương lai. Bởi vậy,
việc chia tài sản chung cũng có thể được tiến hành nhằm bảo đảm việc thực
hiện một nghĩa vụ mà ở thời điểm tài sản chung được phân chia, chỉ nằm
trong dự tính của vợ hoặc chồng. Vợ muốn vay một số tiền mà không có tài
sản riêng để bảo đảm; chồng không đồng ý với vợ về dự án làm ăn và do đó
không đồng ý cùng đứng vay; vợ muốn chia tài sản chung để có thể tự mình
đứng vay với sự bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng khối tài sản riêng,
mà không cần đến vai trò của chồng. Cũng có khi người chồng trong giả thiết
chủ động yêu cầu chia tài sản chung để bảo đảm an toàn cho một phần khối
tài sản của gia đình. Điều chắc chắn: người sẽ trở thành chủ nợ của người vợ
trong giả thiết không có quyền thay mặt người sắp vay tiền để yêu cầu chia tài
sản chung, bởi chừng nào hợp đồng vay chưa được xác lập, quyền đó không
tồn tại.