Tải bản đầy đủ (.pdf) (120 trang)

Hôn nhân hiện nay của người pa dí ở thôn cốc ngù, xã nậm chảy, huyện mường khương, tỉnh lào cai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.54 MB, 120 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ MINH LÝ

HÔN NHÂN HIỆN NAY CỦA NGƯỜI PA DÍ
Ở THÔN CỐC NGÙ, XÃ NẬM CHẢY,
HUYỆN MƯỜNG KHƯƠNG, TỈNH LÀO CAI

LUẬN VĂN THẠC SĨ DÂN TỘC HỌC

HÀ NỘI, 2016


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ MINH LÝ

HÔN NHÂN HIỆN NAY CỦA NGƯỜI PA DÍ
Ở THÔN CỐC NGÙ, XÃ NẬM CHẢY,
HUYỆN MƯỜNG KHƯƠNG, TỈNH LÀO CAI

Chuyên ngành: Dân tộc học
Mã số

: 60 31 03 10

LUẬN VĂN THẠC SĨ DÂN TỘC HỌC



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS. ĐẬU TUẤN NAM

HÀ NỘI, 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết
quả, số liệu nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai
công bố. Các thông tin, tài liệu trình bày trong luận văn đều được ghi rõ
nguồn gốc.
Mọi sự giúp đỡ cho việc hoàn thiện luận văn đều đã được cảm ơn.
Hà Nội, ngày

tháng

năm 2016

TÁC GIẢ

Nguyễn Thị Minh Lý


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến
tập thể cũng như cá nhân đã giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy hướng dẫn khoa
học là TS. Đậu Tuấn Nam - người đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ tôi hoàn
thành luận văn cao học. Đồng thời, xin gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô giáo

khoa Dân tộc học và Nhân học, Học viện Khoa học Xã hội đã truyền đạt và
trang bị cho tôi những kiến thức chuyên ngành bổ ích trong suốt quá trình học
tập tại Học viện.
Trân trọng cảm ơn Thủ trưởng Học viện Biên phòng, Khoa Khoa học
Cơ bản và các đồng nghiệp đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để
tôi yên tâm học tập, nghiên cứu.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể bà con nhân dân thôn Cốc
Ngù, UBND xã Nậm Chảy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Chảy,
Phòng Dân tộc, Phòng Dân vận, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã tận
tình giúp tôi trong thời gian điền dã để thu thập tư liệu.
Cuối cùng, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới gia đình, bạn bè đã luôn
động viên, giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn trong quá trình học tập và hoàn
thành luận văn.
TÁC GIẢ

Nguyễn Thị Minh Lý


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..................................................................................................1

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN
NGHIÊN CỨU...................................................................................................9

1.1. Cơ sở lí luận.....................................................................................9
1.2. Khái quát về địa bàn nghiên cứu....................................................12
Tiểu kết chương 1................................................................................23
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM, NGUYÊN TẮC VÀ HÌNH THỨC KẾT
HÔN CỦA NGƯỜI PA DÍ...............................................................................24


2.1. Một số đặc điểm hôn nhân.............................................................24
2.2. Một số nguyên tắc và hình thức kết hôn chủ yếu...........................29
2.3. Các trường hợp hôn nhân đặc biệt.................................................31
2.4. Vấn đề ngoại tình và ly hôn...........................................................34
Tiểu kết chương 2................................................................................36
Chương 3: PHONG TỤC TẬP QUÁN, KIÊNG CỮ VÀ NGHI LỄ
TRONG HÔN NHÂN......................................................................................37

3.1. Phong tục, tập quán, kiêng cữ và nghi lễ trước lễ cưới..................37
3.2. Phong tục, tập quán, kiêng cữ và nghi lễ trong đám cưới..............40
3.3. Phong tục, tập quán, kiêng cữ và nghi lễ sau đám cưới.................49
Tiểu kết chương 3................................................................................52
Chương 4: BIẾN ĐỔI VÀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ
HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI PA DÍ...................................................................53

4.1. Một số biến đổi trong hôn nhân hiện nay.......................................53
4.2. Nguyên nhân của sự biến đổi.........................................................56
4.3. Các giá trị văn hóa tộc người trong hôn nhân của người Pa Dí.....61
4.4. Một số vấn đề đặt ra trong hôn nhân của người Pa Dí...................64


4.5. Khuyến nghị giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị trong
hôn nhân của người Pa Dí...............................................................................65
Tiểu kết chương 4................................................................................70
KẾT LUẬN...........................................................................................71
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………...…..73


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài

Pa Dí là một nhóm địa phương của tộc người Tày, có nhiều tên gọi
khác nhau như: Pa Dí, Tày Đen; người Nùng gọi người Pa Dí là Phù Táng,
Phù Tay, Tẳng, Tày Đăm... Những nghiên cứu về người Pa Dí đã được công
bố đều cho rằng, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở nước ta có nhóm tộc người này
sinh sống. Hiện nay, Lào Cai có 2089 người Pa Dí (theo số liệu của Phòng
Dân tộc huyện Mường Khương năm 2015), cư trú tập trung ở các xã Lùng
Vai, Tung Chung Phố, Nậm Chảy và thị trấn Mường Khương thuộc huyện
Mường Khương. Đây là những xã, thị trấn biên giới, giáp xã Kiều Đầu, huyện
Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là từ khi thực hiện đổi mới (1986)
đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa
phương, đời sống vật chất và tinh thần của người Pa Dí nói chung và người Pa
Dí ở xã Nậm Chảy nói riêng không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, do tác
động của cơ chế thị trường, của quá trình giao lưu và hội nhập nên bản sắc
văn hóa truyền thống của nhóm tộc người này, trong đó có vấn đề hôn nhân
đang dần biến đổi và đặt ra một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, luận giải.
Hôn nhân là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ đặc trưng văn hóa tộc
người: nguồn gốc lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập
quán, tín ngưỡng, nghi lễ.... Nghiên cứu hôn nhân của một tộc người góp
phần nhận diện bản sắc văn hóa của tộc người đó trong cộng đồng các dân tộc
Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu hôn nhân của người Pa Dí sẽ góp phần cung
cấp hệ thống tư liệu mới và làm rõ hơn một số vấn đề thực tiễn về đặc điểm
kinh tế - xã hội và sinh hoạt văn hóa của người Pa Dí trước đây cũng như sự
biến đổi hiện nay, qua đó góp phần nhận diện bản sắc văn hóa của nhóm tộc

1


người này, khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn
và phát huy trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Nghiên cứu hôn nhân của người Pa Dí, đồng thời góp phần cung cấp
những luận cứ khoa học phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chính sách
dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị
của hôn nhân trong quá trình phát triển của nhóm tộc người này phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về
hôn nhân các dân tộc thiểu số, nhưng nghiên cứu về người Pa Dí nói chung và
hôn nhân của nhóm tộc người này nói riêng mới chỉ dừng lại ở một số lĩnh
vực cụ thể mà chưa có nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, có hệ thống về hôn
nhân của nhóm tộc người này. Xuất phát từ những lý do nêu trên, tôi đã chọn
vấn đề: “Hôn nhân hiện nay của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm
Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai” làm đề tài luận văn thạc sĩ,
chuyên ngành Dân tộc học tại Học viện Khoa học xã hội.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Người Pa Dí là một nhóm địa phương của dân tộc Tày. Nghiên cứu về
người Pa Dí ở nước ta nói chung và người Pa Dí ở tỉnh Lào Cai nói riêng đã
được một số công trình nghiên cứu, bài viết đề cập đến dưới nhiều góc độ
khác nhau:
Tác giả Nguyễn Thị Lành với công trình “Lễ cưới của người Pa Dí ở
huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai” [31] đã tập trung nghiên cứu về quan
niệm hôn nhân, quy trình tổ chức lễ cưới truyền thống, và bước đầu tìm hiểu
về những biến đổi trong hôn nhân của của người Pa Dí ở huyện Mường
Khương. Đây mới chỉ là những phác thảo về hôn nhân của người Pa Dí, chưa
đi sâu phân tích về sự biến đổi cũng như giải thích nguyên nhân sự biến đổi
trong hôn nhân của nhóm tộc người này.

2


Tác giả Bùi Quốc Khánh với “Tri thức dân gian trong canh tác cây lúa

nước của người Pa Dí ở tỉnh Lào Cai” [27] đã sưu tầm và trình bày khá cụ
thể những tri thức dân gian của người Pa Dí trong canh tác nông nghiệp nói
chung, trong canh tác cây lúa nước nói riêng. Qua đó, người đọc có thể phần
nào thấy được những nét chính trong sinh hoạt văn hóa vật chất, xã hội và
tinh thần, nhất là một số phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Pa Dí.
Nghiên cứu về người Pa Dí còn được một số tác giả công bố trên các
tạp chí khoa học. Trong đó, đáng chú ý tác giả Ngô Đức Thịnh với bài viết
“Người Pa Dí ở Lào Cai” (1973) đã trình bày một cách khái quát về tên gọi,
nguồn gốc lịch sử, tiếng nói của người Pa Dí ở Lào Cai. Trong đó tác giả đưa
ra một nhận định đáng chú ý: “người Pa Dí ở Việt Nam ngày nay là một bộ
phận của người Thái xưa. Trong quá trình lịch sử, nhất là việc di cư, làm cho
nhóm người này càng tách xa nhóm đồng tộc của mình, nên ngày nay họ
mang một số sắc thái riêng. Nhưng dù sao về tên gọi và nguồn gốc lịch sử còn
để lại những bằng cứ giúp ta nhận biết được. Và đặc biệt trong tên gọi và
quan niệm dân tộc, còn giữ lại được một ý niệm về nhóm Tày – Thái chung
trong lịch sử” [41, tr. 75].
Võ Thu Giang đã đi sâu nghiên cứu về một yếu tố văn hóa mà tác giả
cho là “bền vững, mang nhiều nét truyền thống và giàu cá tính” [23, tr. 44]
của người Pa Dí đó là trang phục, được đề cập trong hai bài viết: “Đôi nét về
nữ phục truyền thống của người Pa Dí”, “Đồ trang sức trên trang phục dân
tộc Pa Dí” (1997). Tác giả đã miêu tả khá chi tiết về bộ trang phục, đồ trang
sức của phụ nữ Pa Dí, bước đầu đề cập đến kĩ thuật đúc bạc và làm đồ trang
sức của nhóm tộc người này
Trong hai bài viết “Trang phục của người Pa Dí ở Lào Cai” (2004),
“Nhà ở của người Pa Dí” (2006), tác giả Lê Văn Bé, từ đặc trưng của
trang phục và đặc trưng tộc người qua ngôi nhà, đã đưa ra nhận xét: người

3



Pa Dí là nhóm cư dân trong khối người Choang ở miền Nam Trung Quốc,
do nhiều lí do khác nhau trong cuộc sống mà họ chuyển cư vào Việt Nam
chưa lâu; tiếng Pa Dí gọi các bộ phận trên trang phục và nhà ở có nhiều chi
tiết giống người Nùng, do vậy xếp họ vào một nhóm địa phương của dân
tộc Nùng thì đúng hơn [4, tr.37].
Những tài liệu thu thập được qua tổng quan tình hình nghiên cứu đã
cung cấp những hiểu biết cơ bản về người Pa Dí trên các khía cạnh văn hoá
khác nhau, từ đó cho thấy những đặc trưng văn hóa cơ bản của nhóm tộc
người này. Đây là nguồn tư liệu quý giá để tác giả tham khảo trong quá trình
thực hiện luận văn. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận định, việc nghiên cứu về
người Pa Dí ở nước ta nói chung và hôn nhân của họ nói riêng còn rất hạn
chế. Cho tới nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu và tương đối
toàn diện về hôn nhân của nhóm tộc người này, nhất là tại vùng biên giới như
thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm 3 mục tiêu chính sau đây:
Một là, trình bày có hệ thống về bức tranh hôn nhân của người Pa Dí ở
thôn Cốc Ngù xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Hai là, phân tích những biến đổi trong hôn nhân và những giá trị văn
hóa trong hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù xã Nậm Chảy, huyện
Mường Khương, tỉnh Lào Cai trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế từ 1986 đến nay.
Ba là, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc thực hiện công tác
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong hôn nhân của người Pa Dí ở thôn
Cốc Ngù, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phù hợp với
điều kiện của địa phương và nhu cầu của người dân hiện nay.

4



3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu nêu trên, luận văn tập trung thực hiện
một số nhiệm vụ chính như sau:
- Tiến hành nghiên cứu tổng quan về các đặc điểm của nhóm tộc người
Pa Dí ở nước ta, nhất là các đặc điểm liên quan và tác động đến hôn nhân của
người Pa Dí tại địa bàn nghiên cứu.
- Nghiên cứu làm rõ các đặc điểm, nguyên tắc và hình thức kết hôn;
phong tục tập quán và nghi lễ trong hôn nhân truyền thống cũng như sự biến
đổi của các vấn đề này ở người Pa Dí tại điểm nghiên cứu.
- Bước đầu làm rõ nguyên nhân, đánh giá những tác động đến sự
biến đổi và các xu hướng biến đổi chủ yếu trong hôn nhân của người Pa
Dí hiện nay.
- Phân tích làm rõ các giá trị văn hóa trong hôn nhân của người Pa Dí,
trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
trong hôn nhân tạo động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây
dựng nông thôn mới ở địa phương hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là
hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy, huyện Mường
Khương, tỉnh Lào Cai. Trong đó, các đối tượng được quan tâm nhất là những
người đang trong độ tuổi kết hôn, những người có uy tín và hiểu biết về các
nguyên tắc kết hôn, những phong tục tập quán và nghi lễ trong hôn nhân của
người Pa Dí.
- Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu các đặc điểm,
nguyên tắc, hình thức kết hôn, phong tục, tập quán và các nghi lễ trong hôn
nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương,
tỉnh Lào Cai từ sau năm 1986 đến nay. Thực tế, với đặc thù của địa bàn

5



nghiên cứu, những biến đổi hôn nhân của người Pa Dí được ghi nhận chủ yếu
là từ năm 2000 trở lại đây, khi công cuộc đổi mới đất nước đã mang lại những
thành quả nhất định và có tác động sâu rộng tới địa bàn miền núi biên giới.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
- Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi luôn dựa vào cơ sở lý
luận của quan điểm duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lênin để phân
tích vào điều kiện thực tiễn người Pa Dí ở nước ta. Cụ thể, trong quá trình
nghiên cứu chúng tôi nhìn nhận hôn nhân và các vấn đề cụ thể của hôn nhân
trong một hệ thống gồm các thành tố đặc điểm về nguồn gốc lịch sử, kinh tế,
xã hội, văn hóa, môi trường trong sự liên quan và tương tác lẫn nhau ở cộng
đồng nghiên cứu và với các cộng đồng khác. Quá trình đó đã góp phần tạo ra sự
giao lưu tiếp biến về nhiều mặt dẫn đến việc hôn nhân của người Pa Dí tại địa
bàn nghiên cứu vừa giữ được những đặc trưng truyền thống của tộc người, của
vùng miền, nhưng cũng có sự biến đổi để thích nghi với những điều kiện mới.
- Luận văn đã vận dụng các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tộc
người nói chung và hôn nhân gia đình nói riêng, nhất là Luật hôn nhân và gia
đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Những
quan điểm này là các định hướng quan trọng để luận văn giải quyết các mục
tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu đề ra.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Điền dã dân tộc học: Trước hết bằng phương pháp định tính tác giả
đã sống và trải nghiệm cùng với người dân ở địa phương để có thể quan sát
tham dự được các hoạt động trong cuộc sống thường ngày của họ. Qua đó
hiểu được một cách tương đối đầy đủ về quan niệm, tư duy, tâm lý và hành vi
của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy liên quan đến hôn nhân.
Trong quá trình đó, chúng tôi kết hợp với các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận


6


nhóm và quan sát tham dự đối với các thông tin viên phù hợp, nhất là những
người am hiểu và có uy tín như cán bộ, trưởng thôn, trưởng họ, thầy cúng,
người già,... Bên cạnh đó, tác giả cũng áp dụng các công cụ bổ trợ như quay
phim, chụp ảnh, sưu tầm các tài liệu thư tịch liên quan tại cộng đồng.
Với phương pháp này, tác giả đã đi điền dã khảo sát tại thôn Cốc Ngù,
xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vào cuối năm 2015 và
đầu năm 2016. Tác giả đã cùng ăn, cùng ở và tham dự một số lễ cưới của
người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù. Tác giả đã phỏng vấn ông bà mối, cô dâu, chú
rể, những người tham dự đám cưới…; quay phim, chụp ảnh các sự kiện diễn
ra xung quanh hôn nhân của người Pa Dí. Tác giả còn phỏng vấn sâu và tham
gia thảo luận với trưởng thôn, người cao tuổi, am hiểu về phong tục, tập quán,
nghi thức cưới hỏi của người Pa Dí.
- Phương pháp chuyên gia: Phương pháp này được thực hiện thông qua
các cuộc thảo luận, trao đổi trực tiếp theo từng vấn đề chuyên sâu, nhằm thu
thập tư liệu và kinh nghiệm từ các chuyên gia và những cán bộ cũng như
người dân có uy tín, am hiểu trong cộng đồng ở địa phương nơi tiến hành điền
dã. Tại địa bàn nghiên cứu, tác giả tiến hành trao đổi trực tiếp với các chuyên
gia trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như cán bộ phụ trách tư pháp, dân số
của xã, những người làm công tác Đảng, công tác chính quyền, Đoàn thanh
niên, Hội Phụ nữ... cấp thôn, xã, các già làng, trưởng thôn, trưởng họ, những
người trong độ tuổi kết hôn, những người am hiểu về phong tục, tập quán,
nghi lễ, nghi thức hôn nhân của người Pa Dí,... Từ đó thu thập những ý kiến,
đánh giá chuyên sâu và những kinh nghiệm của họ đối với vấn đề nghiên cứu.
- Sử dụng các phương pháp thống kê tổng hợp, phân tích và so sánh các
nguồn thông tin, tư liệu, số liệu thu thập được để hoàn thành luận văn theo
những mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu đề ra.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn


7


- Luận văn là công trình nghiên cứu đầu tiên có tính chuyên sâu, tương
đối toàn diện và có hệ thống về hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã
Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nhất là các đặc điểm,
nguyên tắc, hình thức kết hôn, phong tục tập quán và nghi lễ hôn nhân.
- Thông qua kết quả nghiên cứu đạt được, luận văn cung cấp những tư
liệu mới góp phần làm rõ hơn những đặc điểm tộc người của nhóm Pa Dí tại
điểm nghiên cứu thông qua các đặc điểm hôn nhân và những biến đổi hiện
nay cũng như phân tích các yếu tố tác động đến sự biến đổi và xu hướng biến
đổi trong hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy.
- Luận văn góp phần khẳng định những giá trị văn hóa trong hôn nhân
và chỉ ra một số hạn chế cần được xóa bỏ trong hôn nhân của người Pa Dí. Từ
đó, kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa tốt đẹp trong hôn nhân của người Pa Dí phục vụ quá trình phát
triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới hiện nay ở địa phương.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội
dung chính của luận văn gồm 4 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và khái quát về địa bàn nghiên cứu
Chương 2: Đặc điểm, nguyên tắc và hình thức kết hôn của người Pa Dí
Chương 3: Phong tục tập quán, kiêng cữ và nghi lễ trong hôn nhân
Chương 4: Biến đổi và bảo tồn, phát huy giá trị hôn nhân của người Pa Dí

8


Chương 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
- Hôn nhân: Trong Từ điển tiếng Việt, hôn nhân được định nghĩa là
“việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng” [58, tr.445]. Theo Luật hôn
nhân và gia đình năm 2014 của nước ta, tại Điều 3 khẳng định: “Hôn nhân là
quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn” [35]. Còn theo Từ điển Nhân học
thì: “Hôn nhân là mối quan hệ gắn bó được thừa nhận về mặt xã hội giữa một
người đàn ông và một người đàn bà nhằm mục đích duy trì nòi giống một
cách hợp pháp lập gia đình hạt nhân mới hoặc nhằm tạo gia đình hạt nhân
mới” [45 tr.519].
Khi nghiên cứu về hôn nhân, Emily A.chultz và Robobert H.Lavenda
cho rằng: “Hôn nhân bao hàm một sự thay đổi trong vị trí xã hội của hai
người và ảnh hưởng đến vị trí xã hội của con, cháu... Một hôn nhân mẫu (1)
đòi hỏi phải có một người nam và một người nữ và (2) quy định mức độ quan
hệ tính giao các thành viên trong hôn nhân có thể có với nhau, xếp từ quan hệ
độc quyền đến quan hệ ưu tiên. Hôn nhân cũng (3) tạo nên tính hợp pháp của
con cái do người vợ sinh ra và (4) thiết lập các mối quan hệ do họ hàng bên
vợ và họ hàng bên chồng ” [20, tr.306]. Từ đó, tác giả đã định nghĩa: “ Hôn
nhân là một quá trình xã hội mà mô hình mẫu của nó là sự kết hợp giữa một
người đàn ông và một người đàn bà, là một sự kiện làm biến đổi những thành
viên của nó, làm thay đổi quan hệ giữa những người thân thuộc của mỗi bên
và những khuôn mẫu xã hội thông qua việc sinh đẻ cùng với một số quyền lợi
và nghĩa vụ đi kèm” [20, tr.342].
- Ngoại hôn dòng họ: Là quy tắc kết hôn ngoài dòng họ được luật tục

9


hay tập quán quy định, khi người ta kết hôn với người thuộc ngoài nhóm xã

hội với mình.
- Nội hôn tộc người: Là quy tắc chỉ kết hôn với người đồng tộc trong
nhóm xã hội của mình, là sự lựa chọn người đối ngẫu để kết hôn trong cùng
một nhóm được luật tục hoặc tập quán quy định .
- Nghi lễ: Các nghi thức của một cuộc lễ và trật tự tiến hành [58, tr.541].
- Nghi lễ hôn nhân: được hiểu là các nghi lễ, nghi thức diễn ra theo
phong tục, tập quán hoặc theo quy định của cộng đồng trong mỗi cuộc hôn
nhân. Nghi lễ hôn nhân là một thủ tục không thể thiếu trong hôn nhân để
khẳng định cuộc hôn nhân đó là phù hợp với tập quán pháp, và được cộng
đồng cũng như luật pháp công nhận, nó làm thay đổi địa vị xã hội của con
người. Để tiến đến hôn nhân cũng như khi đã đạt được cuộc hôn nhân thì mỗi
tộc người, nhóm tộc người đều trải qua những nghi lễ nhất định theo quy định
mang tính tập quán của tộc người hay nhóm tộc người đó. Nghi lễ hôn nhân
nhằm đảm bảo cho sự chứng kiến và công nhận từ phía cộng đồng, ngoài ra
nó còn thực hiện các yếu tố tâm linh nhằm đảm bảo cho cuộc hôn nhân được
thuận lợi và bền vững. Nghi lễ hôn nhân là một khía cạnh phản ánh bản sắc
văn hoá tộc người.
- Phong tục: Thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người
công nhận và làm theo [58, tr.756].
- Tập quán: Thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất
và sinh hoạt thường ngày, được mọi người công nhận và làm theo [58, tr.869].
- Kiêng cữ: Tránh điều gì, cái gì đó vì sợ sẽ gặp phải điều không hay
[58, tr.506].
1.1.2. Một số lý thuyết được áp dụng
- Lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa
Giao lưu tiếp biến văn hóa là khái niệm được trường phái nhân học

10



Anglo Saxon đưa ra vào cuối thế kỉ XIX, nhằm chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu
dài giữa hai nền văn hóa khác nhau, hệ quả của sự tiếp xúc này là sự thay đổi
hay biến đổi của một số loại hình văn hóa ở cả hai nền văn hóa đó. Theo đó,
giao lưu tiếp biến văn hóa là quá trình một nền văn hóa thích nghi, chịu ảnh
hưởng của một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn nhiều nét đặc trưng. Sự
giao lưu tiếp biến văn hóa cũng là một cơ chế khác của biến đổi văn hóa, đó là
sự trao đổi đặc tính văn hoá nảy sinh khi các cộng đồng tiếp xúc trực diện và
liên tục. Các thành tố của nền văn hóa tuy có biến đổi, song mỗi nền văn hóa
vẫn giữ tính riêng biệt của mình. Qua quá trình tiếp xúc và giao lưu giữa hai
nền văn hóa thì xã hội yếu hơn thường sẽ bị xã hội mạnh hơn tác động làm
cho thay đổi [16, tr.107-108]. Tiếp biến văn hóa còn được hiểu là quá trình
biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai hệ thống văn hóa riêng rẽ mà
kết quả làm cho chúng ngày càng trở nên giống nhau hơn. Quá trình này luôn
có liên quan tới sự tương tác phức tạp với quá trình biến đổi xã hội [45, tr.12].
Lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa cho thấy biến đổi là quá trình
tất yếu của mọi sự vật hiện tượng, trong đó bao gồm cả văn hóa tộc người.
Ngày nay dưới sự tác động của quá trình phát triển hiện đại hóa, toàn cầu hóa
và xu hướng hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ thì sự giao lưu, biến đổi của các
tộc người, các nền văn hóa là không tránh khỏi. Do đó, về mặt phương pháp
luận, khi nghiên cứu văn hóa tộc người, trong đó có các quan niệm, nguyên
tắc, đặc điểm và các nghi lễ trong hôn nhân, chúng ta không thể chỉ xem xét
đối tượng một cách biệt lập hay trong trạng thái tĩnh, mà phải đặt chúng trong
trạng thái động, liên tục biến đổi gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội
của tộc người và của đất nước. Đây là cách tiếp cận chính của lý thuyết này
nhằm góp phần làm rõ quá trình biến đổi của hôn nhân của người Pa Dí ở
điểm nghiên cứu.
- Lý thuyết về bản sắc văn hóa tộc người

11



Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến các mặt ít biến đổi của văn hóa
trong quá trình phát triển. Bản sắc văn hóa tộc người là tổng thể những yếu tố
vật chất và tinh thần mang tính đặc trưng và đặc thù của tộc người, giúp phân
biệt tộc người này với tộc người khác và giữa các nhóm địa phương trong
cùng tộc người với nhau. Bản sắc văn hóa tộc người được hình thành lâu dài
trong lịch sử gắn liền với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và môi trường địa lí tự
nhiên trong đời sống của từng tộc người và chúng có sức sống lâu bền, thậm
chí ngay cả khi đời sống của tộc người đó có những thay đổi mạnh mẽ. Bản
sắc văn hóa của tộc người còn thể hiện bản lĩnh của tộc người, yếu tố tộc
người. Trong quá trình phát triển của tộc người, không ít hiện tượng văn hóa
lúc đầu chỉ là yếu tố vay mượn, nhưng dần dần qua thời gian chúng được
“dân tộc hóa”, được sử dụng và tái tạo theo cách riêng của tộc người vay
mượn, ít nhiều mang bản sắc văn hóa của tộc người. Áp dụng lý thuyết về bản
sắc văn hóa tộc người giúp luận văn nhìn nhận những sắc thái truyền thống và
đặc trưng riêng trong hôn nhân của người Pa Dí ở Cốc Ngù trong sự so sánh
với những biến đổi trong hôn nhân hiện nay.
1.2. Khái quát về địa bàn nghiên cứu
1.2.1. Về điều kiện tự nhiên
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và
vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 345 km theo đường bộ. Phía Đông
giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu,
phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 203 km đường biên giới. Tỉnh
Lào Cai được tái lập tháng 10/1991 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Từ ngày 01/01/2004 (sau khi tách huyện Than Uyên sang tỉnh Lai Châu) diện
tích tự nhiên của tỉnh là 6.383,88 km2 (chiếm 2,44% diện tích cả nước, là tỉnh
có diện tích lớn thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước).
Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt

12



mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có
hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm ở phía Đông và phía Tây. Giữa hai dãy núi
này và phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn có các vùng đất thấp, trung bình. Ngoài
ra còn rất nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt, tạo ra những tiểu vùng
khí hậu khác nhau.
Do địa hình chia cắt nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó độ cao
từ 300m - 1.000m chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Điểm cao nhất là đỉnh
núi Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143m so với mặt
nước biển, Tả Giàng Phình cao 3.090m. Dải đất dọc theo hai con sông (sông
Hồng, sông Chảy) gồm thành phố Lào Cai, huyện Cam Đường, huyện Bảo
Thắng, huyện Bảo Yên và phần phía Đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ
cao thấp hơn (điểm thấp nhất là 80m thuộc địa phận huyện Bảo Thắng). Vùng
này địa hình ít hiểm trở, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng ruộng nước
rộng, là địa bàn thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng, phát
triển cơ sở hạ tầng.
Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa, bị
chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi,
khác biệt theo thời gian và không gian. Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa:
mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm
sau. Đột biến về nhiệt độ thường xuất hiện ở dạng trong ngày lên cao hoặc
xuống quá thấp (vùng Sa Pa có nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 00C và có
tuyết rơi). Nhiệt độ trung bình ở vùng cao từ 150C - 200C (riêng Sa Pa từ 140C
- 160C và không có tháng nào lên quá 200C), lượng mưa trung bình từ
1.800mm - 2.000mm. Nhiệt độ trung bình ở vùng thấp từ 230C - 290C, lượng
mưa trung bình từ 1.400mm - 1.700mm. Điều kiện khí hậu Lào Cai thích hợp
với các loại cây ôn đới. Vì vậy, tỉnh có lợi thế phát triển các đặc sản xứ lạnh
mà các vùng khác không có được như: hoa, quả, thảo dược và cá nước lạnh.


13


Theo thống kê năm 2009, dân số tỉnh Lào Cai có 615.620 người, với
hơn 20 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Thái, Hmông, Dao, Giáy, Nùng,
Hà Nhì, Phù Lá, Bố Y, Hoa, Mường, Phù Lá, Kháng, La Ha, Lào,...
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh
Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 50 km. Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện
Bắc Hà; phía Nam giáp huyện Bảo Thắng; phía Bắc và phía Tây giáp huyện
Mã Quan và huyện Hà Khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có đường biên giới
dài 73,5 km, trong đó có 48 km trên đất liền và 25,5 km trên sông, suối, bao
gồm 64 cột mốc (từ cột mốc 107 đến 170). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện
là 55.614 ha. Huyện có 15 xã (Cao Sơn, Bản Lầu, Nậm Chảy, Tung Chung
Phố, Tả Gia Khâu, Pha Long, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Thanh Bình, Bản Sen,
Lùng Khấu Nhin, La Pan Tẩn, Nấm Lư, Tả Thàng, Lùng Vai), 01 thị trấn
(Mường Khương), với 231 thôn bản.
Địa hình Mường Khương khá phức tạp, có nhiều vực sâu chia cắt xen
kẽ giữa các dải thung lũng hẹp và sơn nguyên đá vôi thấp. Độ cao trung bình
so với mực nước biển là 1.000m, đỉnh cao nhất là 1.609m. Mạng lưới sông
suối phân bố rải rác, chủ yếu là sông suối nhỏ, chỉ có một đoạn sông Chảy
chảy qua, độ dốc thấp, lưu lượng nước ít và thất thường.
Đất Mường Khương chủ yếu là loại đất feralít phát triển trên đá biến
chất và đá phiến thạch sét. Đất thung lũng và phù sa sông bồi phục vụ canh
tác nông nghiệp chỉ chiếm 16%, còn lại phần lớn là đất lâm nghiệp.
Khí hậu Mường Khương mang tính Á nhiệt đới, có sự chênh lệch nhiệt
độ giữa các vùng. Các xã vùng cao, mùa đông nhiệt độ rất thấp, có năm nhiệt
độ xuống 00C, kèm theo sương muối, tuyết phủ. Mùa hè mưa to, mưa đá gây
đá lở, sói mòn. Lượng mưa lớn từ 1.725 mm đến 1.820 mm, phân bố không
đều. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 9, gây lũ lụt; từ tháng 12
năm trước đến tháng 2 năm sau, lượng mưa ít, thường xảy ra khô hạn kéo dài,


14


ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Dân số huyện Mường Khương tính đến tháng 12/2015 có 58.999 người,
bao gồm 14 dân tộc cùng sinh sống: dân tộc Hmông chiếm 41,85%, dân tộc
Nùng 26,8%, dân tộc Kinh (Việt) 12%, dân tộc Dao 5,75%, dân tộc Tày
4,64% (Pa Dí 3,54% và Thu Lao 1,11%), dân tộc Giáy 3,74%, dân tộc Bố Y
(Tu dí) 2,5%; dân tộc Phù Lá 2,21%; ngoài ra còn một số dân tộc khác có dân
số ít như dân tộc Hoa, Mường, Lô Lô, Thái, Hà Nhì, Sán Chay... chiếm 0,5%
dân số toàn huyện.
Nậm Chảy là xã vùng cao biên giới của huyện Mường Khương, có vị
trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và cũng là địa bàn có điều
kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa, trao đổi kinh tế, văn hóa không chỉ
trong nước mà cả với Trung Quốc. Phía Đông và Đông Bắc Nậm Chảy giáp
xã Thanh Bình và thị trấn Mường Khương; phía Nam giáp xã Lùng Vai; phía
Tây và phía Bắc giáp Trung Quốc (có đường biên giới với Trung Quốc là
17,7 km). Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 4.733 ha.
Nằm trong hệ thống cao nguyên cổ Bắc Hà thuộc dãy Tây Côn Lĩnh
nên Nậm Chảy có địa hình khá phức tạp và chia cắt. Độ cao trung bình so với
mặt nước biển từ 750m. Là vùng núi đá vôi phong hoá, hiện tượng Castơ hoạt
động khá mạnh tạo nên nhiều suối ngầm. Điều kiện địa hình đó đã gây nhiều
khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, sắp xếp dân cư, giao lưu phát triển kinh
tế, xã hội.
Nậm Chảy thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tính chất khí hậu
lục địa. Một năm có 2 mùa nhưng ranh giới không rõ rệt, nhiệt độ bình quân
là 23,40C, thấp nhất 100C, rét đậm vào tháng 12 và tháng 1 năm sau, nắng
nóng vào tháng 5 tháng 6, tháng 7, đôi khi xuất hiện sương muối vào tháng
10-12. Hướng gió chính là Đông Nam. Lượng mưa trung bình 2500 - 2794

mm, mưa nhiều vào tháng 5, 6, 7, độ ẩm trung bình 83%.

15


Xã Nậm Chảy có dòng suối lớn chảy qua là suối Nậm Chảy, lưu lượng
nước tương đối ổn định, kết hợp với các khe suối nhỏ tạo nên mạng lưới thuỷ
văn khá dày, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Xã có tài nguyên rừng khá phong phú, là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều
nguồn gen quý của các loài động, thực vật cận và Á nhiệt đới. Diện tích đất có
khả năng phát triển rừng của xã khá lớn, là một tiềm năng cho phát triển lâm
nghiệp, độ che phủ rừng của toàn xã đạt 55,52%.
Tài nguyên khoáng sản của xã có mỏ Antimon (thôn Gia Khâu B), mỏ
Chì, Kẽm (thôn Cốc Râm B và Gia Khâu A) có trữ lượng vừa, hiện đang
được thăm dò khai thác.
Xã Nậm Chảy có 14 thôn, 532 hộ với 2.764 khẩu, là địa bàn cư trú của
10 dân tộc và nhóm tộc người: Hmông, Dao, Nùng, Tày (gồm nhóm Pa Dí và
Thu Lao), Bố Y (Tu Dí), Kinh, Mường, Phù Lá. Nhìn chung, đời sống của
đồng bào các dân tộc nơi đây còn rất khó khăn. Hiện nay, Nậm Chảy được
xếp vào diện xã miền núi đặc biệt khó khăn của địa phương.
1.2.2. Người Pa Dí ở nước ta và ở thôn Cốc Ngù
1.2.2.1. Một số đặc điểm về nguồn gốc lịch sử và phân bố dân cư
Trong quá trình điền dã, những cuộc tiếp xúc trực tiếp với người Pa Dí
không làm sáng tỏ về nguồn gốc của nhóm tộc người này. Theo Lê Đức Thịnh:
“ Người Pa Dí ở Mường Khương ngày nay chỉ là một bộ phận nhỏ của người
Pa Dí ở Vân Nam (Trung Quốc) di cư sang trong thời gian gần đây... bộ phận
người Pa Dí sang Việt Nam sớm nhất cách đây khoảng 4 – 5 đời (khoảng 100
năm). Họ di cư từ Ma Cứ Xín Chải (Vân Nam) đến Mà Quán (Mã Quan), qua
Mù Sang Tả Bá (biên giới Việt Trung) rồi vào Tả Chu Phùng (Mường
Khương). Sau đó rải rác có những nhóm gia đình do một số người dẫn đầu di

cư vào. Có gia đình mới đến Việt Nam được khoảng 20 năm nay” [41, tr.74].
Trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam năm 1979, người

16


Pa Dí được xếp là một trong bốn nhóm địa phương của dân tộc Tày (Pa Dí,
Thu Lao, Ngạn, Phén). Hiện nay, ở nước ta có 2089 người Pa Dí, cư trú tập
trung ở ba xã (Lùng Vai, Nậm Chảy, Tung Chung Phố) và thị trấn Mường
Khương, thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Do đặc điểm cư trú
cách biệt với các nhóm người đồng tộc nên văn hóa của họ có nhiều nét khác
biệt so với người Tày nói chung, nhất là trang phục và kiến trúc nhà cửa.
Tuy vậy, đời sống văn hóa tinh thần có nhiều nét tương đồng với các nhóm
cư dân Tày ở nước ta.
Cốc Ngù là thôn trung tâm của xã biên giới Nậm Chảy, nơi đây có
đồng bào Pa Dí, Tu Dí, Nùng cùng sinh sống. Trong đó, người Pa Dí chiếm
đa số với 45/63 hộ, 216 khẩu. Trong thôn Cốc Ngù ban đầu chỉ có người Pa
Dí sinh sống, về sau do các mối quan hệ xã hội, quan hệ hôn nhân được mở
rộng, đây là nơi cư trú của đa thành phần tộc người.
1.2.2.2. Một số đặc điểm kinh tế
Giống như các tộc người thiểu số khác ở nước ta, người Pa Dí ở thôn
Cốc Ngù sống chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế nông nghiệp. Ngô là cây
trồng chính, được dùng để chăn nuôi, nấu rượu hoặc bán. Lúa nước gia đình
nào cũng trồng nhưng do diện tích trồng lúa nước có hạn nên “trồng lúa chỉ để
lấy thóc ăn thôi, không có bán” [ông Ly Thiến Phủ, 44 tuổi, người Pa Dí, thôn
Cốc Ngù]. Ngoài ra, người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù còn trồng một số loại cây
khác như sa nhân, thảo quả, các loại rau phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Trong thôn, hộ nào cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vật nuôi nhiều nhất là
lợn, nhà nào ít cũng có vài con, nhà nuôi nhiều hàng chục con, đó là giống lợn
đen, thức ăn chủ yếu là bỗng rượu ngô nên thịt rất thơm ngon. Tất cả gia đình

trong thôn đều nuôi trâu, trước đây để lấy sức kéo nhưng hiện nay máy cày
được sử dụng phổ biến nên nuôi trâu bây giờ mục đích để lấy phân bón và bán
thịt. Bên cạnh đó, người dân còn nuôi gà, vịt, ngan…để cải thiện bữa ăn gia

17


đình và phục vụ những ngày lễ, tết.
Trước khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ và thâm nhập sâu
rộng vào cuộc sống của người dân Pa Dí, ở đây vẫn duy trì một số nghề thủ
công truyền thống như dệt, làm đồ mộc, rèn… làm ra các sản phẩm phục vụ
nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Giờ đây, những nghề thủ công truyền thống nói
trên không còn được duy trì, thay vào đó người dân mua các hàng hóa bán
sẵn. Theo người dân ở đây, hàng hóa mua ở chợ vừa nhanh, giá cả lại phải
chăng. Tuy vậy, có một nghề truyền thống được truyền từ đời này sang đời
khác ở thôn Cốc Ngù đó là nghề nấu rượu ngô. Người dân ở đây cho biết,
không biết nghề nấu rượu ngô có từ bao giờ, chỉ biết người Pa Dí ở Cốc Ngù
khi lớn lên, lập gia đình đều được học bí quyết từ ông bà, bố mẹ truyền lại.
Vẫn những công đoạn luộc ngô, ủ men quen thuộc nhưng với bí quyết riêng
của người Pa Dí đã làm nên hương vị độc đáo, hấp dẫn khác biệt của rượu
ngô Cốc Ngù. Theo những người già trong thôn, do nguồn nước và khí hậu
nơi đây nên mới tạo ra một thứ rượu ngon nổi tiếng như vậy. Vì có không ít
người Pa Dí ở Cốc Ngù sau khi lấy vợ lấy chồng, cũng đem theo bí quyết nấu
rượu này đến một số thôn, bản khác trong xã, huyện, nhưng rượu vẫn không
ngon bằng nấu tại thôn Cốc Ngù.
Hoạt động mua bán của người dân nơi đây diễn ra chưa thường xuyên
do tâm lí tự cung tự cấp của người dân còn nặng nề, thêm vào đó chợ họp khá
xa (cách khoảng 7km). Tuy vậy, ở trong thôn cũng có một vài hộ gia đình
buôn bán nhỏ lẻ các mặt hàng tiêu dùng, giúp cho đời sống sinh hoạt hàng
ngày của người đân được thuận tiện hơn.

Trước năm 1954, xã Nậm Chảy có tài nguyên rừng khá phong phú, là
nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều nguồn gen quý của các loài động, thực vật cận và
Á nhiệt đới. Nhưng do hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi, nên tài nguyên rừng
ngày càng cạn kiệt, diện tích rừng tự nhiên hiện nay không còn nhiều. Từ khi

18


Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho người dân quản lí, diện tích đất
trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh trở lại bằng các giống cây trồng mới như
thông, thảo quả…độ che phủ rừng của toàn xã đến năm 2015 đạt 55,52% (Báo
cáo tình hình kinh tế, xã hội xã Nậm Chảy năm 2015). Diện tích đất có khả
năng phát triển rừng của xã còn khá lớn, là một tiềm năng cho phát triển lâm
nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhưng chưa được khai thác tối đa.
1.2.2.3. Một số đặc điểm văn hóa và xã hội
Nhà ở hiện nay của người Pa Dí phổ biến là loại nhà đất 3 gian, 2 mái
(không có chái), mái lợp cỏ tranh, ngói âm dương hoặc tấm prôximăng. Mặt
bằng sinh hoạt trong các ngôi nhà người Pa Dí tương đối thống nhất. Trong
nhà, giữa gian chính để bàn ghế hoặc chiếu nan để tiếp khách, bên trên gần
giáp tường đặt bàn thờ tổ tiên. Gian bên phải phía trong là giường của bố mẹ,
phía ngoài đặt giường cho trẻ nhỏ. Gian bên trái, phần trong phía trên ngăn
kín thành buồng cho vợ chồng con trai. Phần phía ngoài đặt giường ngủ cho
ông bà già, phần còn lại để cối xay ngô, các đồ dùng hàng ngày. Người Pa Dí
thường làm nhà bếp nối liền với nhà chính, song vẫn phân biệt nhà bếp với
nhà chính qua rãnh máng nước và hàng cột bếp sát liền với hàng cột đầu hồi
nhà chính. Trong gian nhà bếp, sát vách ngăn bên trong là chạn bát, tiếp đó là
nơi đặt mâm ngồi ăn cơm. Bếp nấu ăn đặt sát vách đầu hồi phía ngoài, vách
ngăn ra ngoài hiên trước được dựng thưng kín, chỉ để một cửa nhỏ ra vào.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Pa Dí gồm có mũ, khăn quấn
đầu, áo, váy, tạp dề, giày hài.... Có thể nói, điểm ấn tượng và độc đáo nhất ở

bộ trang phục là chiếc mũ có hình mái nhà được làm từ vải lanh dệt thủ công.
Người phụ nữ Pa Dí đã rất khéo léo khi ghép và phết hồ sáp ong nhiều lượt
cho mũ cứng, thành hình mái nhà để trời mưa không bị thấm nước. Phụ nữ Pa
Dí mặc áo ngắn 5 thân, xẻ nách, màu chàm đen; cổ áo, nẹp ngực trang trí
bằng cách gắn các hạt bạc, cài cúc bên nách phải. Ống tay áo ghép một miếng

19


×