Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG và KHÁC BIỆT của PHẬT GIÁO VIỆT NAM QUA bài kệ THỊ đệ tử của vạn HẠNH THIỀN sư (autosaved)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.13 KB, 5 trang )

ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM QUA BÀI KỆ THỊ ĐỆ TỬ
CỦA VẠN HẠNH THIỀN SƯ
1. Đạo Phật và những triết lí cơ bản
Những vấn đề dưới đây sẽ giúp ta có cái nhìn cơ bản về đạo Phật, soi sáng
triết lí trong bài kệ Thị đệ tử.
Đạo Phật là một tôn giáo có lịch sử lâu đời và phong phú, có sức ảnh hưởng
sâu sắc và rộng lớn trong đời sống tâm linh của hầu hết các quốc gia châu Á.
Khởi nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, phát triển mạnh mẽ
về quy mô và đặc biệt là tư tưởng triết học. Từ cả hai ngả đường này, đạo Phật
du nhập vào Việt Nam và trở thành tôn giáo có vai trò quan trọng nhất trong đời
sống tâm linh, văn hóa, chính trị của đất nước, nhất là trong thời Lý, Trần. Thế
kỉ XX cũng được đánh giá là thời kì hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.
Trong giáo lý cơ bản của Tiểu thừa có bốn khái niệm huyền diệu (tứ diệu
đế): Khổ, Tập (thập nhị nhân duyên), Diệt, Đạo. Tu theo con đường này, những
bậc tu hành sẽ cứu độ được cho bản thân thoát khỏi dục giới để đến tam thiên
đại thiên thế giới (ba ngàn trời, ba tầng Phật). Quan niệm về thời gian, Phật giáo
có khái niệm kiếp (kalpa). Theo đó, sự tồn tại của vũ trụ phải qua ba kiếp (tiểu
kiếp, trung kiếp, đại kiếp), luân chuyển biến đổi không ngừng với bốn vòng
quay đều đặn: thành, trụ, hoại, không. Con người thì ở trong vòng luân hồi, có
đến hàng trăm kiếp hoặc có thể gặp duyên mà đạt được giác ngộ... Đó là do chữ
nghiệp (karma). Hành động (nhân) của con người sẽ mang lại kết quả cho
nghiệp. Nếu là ác nghiệp, con người sẽ ở mãi trong vong luân hồi lưu đày; nếu
là thiện nghiệp thì sẽ được thoát kiếp, đạt đến một hình thái vĩnh hằng của sự
tồn tại. Cho nên, thể xác con người trên cõi trần chỉ là cõi trú ngụ tạm thời của
linh hồn.
Phật học Trung Hoa phát triển trên cơ sở của Huyền học, trên quan điểm
triết học Lão-Trang. Vấn đề “hữu vô”, “sắc không” rất được quan tâm và đã
được đem ra tranh luận sôi nổi qua nhiều thời đại. Phật-học Ấn Độ chứng minh
tính hư vô của sự vật ở chỗ nó hốt sinh hốt diệt, luôn luôn biến thiên chuyển
hóa, hoàn toàn không có khả năng thường trụ: “Chú pháp như điện, đổi mới
luôn luôn, một sinh một điệt, không hề đợi nhau; búng ngón tay một cái đã có


sáu mươi ý niệm đi qua, chú pháp không ngừng được trong một khoảng ý niệm,
huống là thường trụ? Không thường trụ thì như huyễn, như huyễn thì không
thực, không thực tức là không có” (Chú Duy ma kinh). Thiền Tông của Trung
Quốc cũng quan niệm: không nên trụ vào một chỗ nào để sinh ra cái tâm của


mình (Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm – Kinh Kim cương), phải sinh cái tâm của
mình ở chỗ chân như, hết thảy mọi hiện tượng đều không lìa khỏi tự tính. Và
bản tính (chân như) con người là “tự bản tính”, “tự bản tâm”.
Thiền tông là một tông phái Phật giáo chủ trương tập trung trí tuệ để quán
định (thiền – tĩnh tâm) nhằm đạt đến chân lý giác ngộ của đạo Phật. Thiền bắt
nguồn từ Ấn Độ nhưng đã trở thành một tông phái độc lập khi được truyền sang
Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã
hấp thụ cốt tuỷ của nền văn hoá, triết lí Trung Quốc. Đạo Phật ở Việt Nam nói
chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật học
Trung Hoa, coi trọng hoạt động tích cực để cứu độ chúng sinh (chứ không chỉ
diệt dục, cứu rỗi linh hồn bản thân); mang tinh thần bình dân, đề cao cái tâm,
quan niệm “Phật tại tâm” và “đốn ngộ thành Phật”.
2. Thiền sư Vạn Hạnh và bài kệ Thị đệ tử
Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018/1025) là một trong những bậc chân tu nổi
tiếng của Việt Nam, có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, trong
công cuộc xây dựng đất nước cường thịnh lâu dài, đặc biệt là trong việc tạo
dựng một nền tư tưởng triết lí đặc thù cho dân tộc.
Bài kệ Thị đệ tử được ông đọc trước lúc mất:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
Ngô Tất Tố dịch thơ:
Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Trong bốn câu, bài kệ đã đúc kết những tư tưởng triết lí Phật giáo Việt Nam
một cách đầy đủ và sâu sắc.
Câu đầu tiên bàn về “thân”, thân xác, thân thể, cái hữu và vô.
Câu thứ hai bàn về “vạn mộc”, quy luật của cỏ cây, thời gian vũ trụ.
Câu thứ ba bàn về quy luật xã hội và thái độ, cách ứng xử của con người
trước những quy luật ấy.
Câu thứ tư khái quát quan niệm về sự tồn tại.
Đằng sau những triết lí ấy là những bài học cụ thể về thái độ và hành động
của con người trong cuộc sống.


3. Điểm độc đáo của Phật giáo Việt Nam qua bài kệ
3.1. Rõ ràng là khi bàn về “thân”, “vạn mộc”, lẽ “thịnh suy”, Thiền sư Vạn
Hạnh không thoát ra khỏi những triết lí chung của nhà Phật. Phật giáo coi con
người bắt đầu nặng nợ trần gian ngay từ lúc được sinh ra. Cho nên, hành trình
sống của một kiếp người cũng là một hành trình tìm con đường giải thoát.
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” – ánh chớp có rồi không; cũng giống như
kinh Phật nói: “chú pháp (hiện tượng) như điện”. Thân thể con người là vật
được mượn để tạm chứa linh hồn trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn
ngủi, trên hành trình giác ngộ. Cái có sẽ trở về cái không. Có và không là một.
Thiền sư Đạo Hạnh cũng nói: “Hữu không như thủy nguyệt” nghĩa là có không
như vầng trăng dưới nước; trăng dưới nước là có (hình ảnh) mà múc lên thì lại
không. Có thực ra cũng là không. Thấy được điều này, con người sẽ vượt ra
khỏi lẽ sống chết thông thường của kiếp người hữu hạn.
Vạn mộc mùa xuân tươi, mùa thu khô héo. Đó cũng là quy luật của lẽ tự
nhiên, là những trạng thái song hành của sự vật hiện tượng. Vinh – khô là hai
trạng thái đối lập mà thống nhất của cỏ cây, chuyển biến theo sự vận hành của

đất trời. Trong câu kệ này, ta thấy Thiền sư đúc kết/mở ra cả vòng tuần hoàn
của vũ trụ với bốn kì: thành, trụ, hoại, không. Quan niệm về thời gian này của
Phật giáo giúp con người có cái nhìn vượt ra khỏi cõi trần (dục giới) để đạt đến
tầm cao của tâm hồn và trí tuệ.
Bàn về lẽ thịnh suy, Thiền sư coi sự thịnh suy là một lẽ đương nhiên. Trong
phạm trù con người cá nhân, đó là chuyện được mất trong từng giai đoạn cuộc
đời. Nhưng thực ra, câu thứ ba này nghiêng về nói đến chuyện thịnh suy của
các triều đại. Có thịnh ắt có suy. Đây cũng lại là một cái nhìn biện chứng về sự
phát triển của sự vật hiện tượng. Hưng phế là lẽ đương nhiên của đời sống
chính trị cũng như sự tươi héo của cỏ cây qua bốn mùa.
Và cho dù là thiên nhiên hay con người hay đời sống chính trị xã hội, mọi
hình thức tồn tại của sự vật hiện tượng đều có chung một bản chất: chân như.
“Giọt sương trên cỏ” là một hình ảnh, một biểu tượng đẹp và giàu ý nghĩa khái
quát. Giọt sương vừa là nó, vừa là không nó, có duyên để hiện ra rồi mất. Cũng
như sự tồn tại của trái đất trong vũ trụ. Cũng như sự tồn tại của vũ trụ. Cũng
như con người và những trật tự mà con người tạo ra. Mọi vật đều trụ vào chính
nó. Đó là quan điểm Phật tại tâm nổi tiếng của Thiền tông.
3.2. Đóng góp quan trọng nhất của Vạn Hạnh Thiền sư trong hệ thống tư
tưởng Phật học Việt Nam (được gói lại trong bài kệ Thị đệ tử) là tinh thần nhập


thế tích cực; những công trình về mặt tư tưởng được thể hiện trước hết qua
những kiến thiết trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của dân tộc. Ở đây,
Đạo cũng chính là Đời và ngược lại. Nguyên tắc hòa hợp nhiệm vụ của đời và
đạo cũng là con đường ngắn nhất để đắc đạo. Nhập thế để xây dựng non sông
thịnh trị, cũng là cứu rỗi chúng sinh chứ không chỉ thuyết suông giáo lí. Và
nhập thế mà Đạo vẫn là Đạo; ý thức về sự tồn tại của vạn vật, của kiếp người
nên không vướng bận lo toan vặt vãnh, không màng danh lợi, giữ lòng luôn
thanh sạch, tự tại, ung dung. Đây là điểm khác biệt độc đáo của đạo Phật Việt
Nam, tiêu biểu trong thời Lý – Trần, về sau phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn

chống Pháp, chống Mỹ thế kỉ XX.
Nhập thế nên hành đạo linh hoạt. “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”
là một phương châm tu tập của người theo đạo Phật. Cho nên, ngay từ khi mới
du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã đi vào đời sống tín ngưỡng, trở thành một
phần quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt.
Bài kệ Thị đệ tử thể hiện rất rõ ràng tinh thần nhập thế tích cực và sự linh
hoạt nói trên. Quan niệm về “thân” (biểu thị của thân nghiệp, sắc tướng, pháp
tướng, hiển lộ bằng hình hài con người) – thân như ánh chớp, một mặt thể hiện
cái nhìn thấu triệt bản chất giới hạn sự tồn tại của thân kiếp con người; một mặt
dẫn đến triết lí sống: cuộc đời ngắn ngủi nên cần luôn nỗ lực trong từng thời
khắc hiện tại để làm nên thiện nghiệp. Và đi qua lẽ sống chết thông thường,
nắm được quy luật sinh tử, người tu hành sẽ nhanh chóng diệt được Khổ, sẽ ngộ
đạo, đắc đạo.
Cũng như vậy, thấu được quy luật của vạn vật, con người sẽ biết mềm dẻo
trong việc lựa chọn thái độ sống, trong đối nhân xử thế, trong cảm nhận tự tính.
Mùa xuân cây tươi tốt, mùa thu héo; Con người khi đói thì ăn, buồn ngủ thì
ngủ. Thế gian luôn tồn tại cái hữu hình muôn đời. Nhìn nhận như vậy sẽ không
coi cuộc đời là hư ảo, là cõi tạm mà con người phải tồn tại để chờ giải thoát.
Triết lí là, cho dù đang ở kiếp nào, trong hoàn cảnh nào, con người cũng cần vui
sống, sống chân thành với cái bản tính của mình. Sống được vậy là cả một nghệ
thuật.
Điều đặc biệt ở bài kệ này là trong câu chuyển thứ ba, tinh thần nhập thế mà
thoát tục hiện lên rất rõ. Thiền sư nói: “Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy” nghĩa là
(tu tập) đạt đến trình độ thông hiểu (mọi quy luật của thân, vạn mộc) rồi thì
không lo sợ nữa. Không còn sợ cái ngắn ngủi hữu hạn của kiếp người đang
sống, không còn lo bốn mùa cây cỏ đổi thay, không còn lo các triều hưng phế.


Người đắc đạo là người biết giữ cho tâm bình an, không lo nghĩ, không xao
động. Đây chính là yêu cầu và cũng là mục đích cao nhất của Thiền: Tĩnh tâm.

Và cuối cùng, mọi sự tồn tại đều mang bản chất như giọt sương trên ngọn
cỏ, nên phải là một giọt sương đẹp nhất, long lanh nhất. Cái vĩnh hằng ở ngay
trong tự tính muôn một và duy nhất ấy – không thường trụ, tự do tuyệt đối.
4. Nhận xét chung
Thực ra là kệ, mà thực ra cũng là thơ. Một bài kệ ngắn gọn mang hoàn chỉnh
đặc điểm của một bài thơ Đường luật tứ tuyệt đã gói gọn và khái quát được
những gì là tinh túy và độc đáo nhất của tư tưởng Phật học Việt Nam. Xuất phát
từ trải nghiệm, thiết thực và mang tính biện chứng sâu sắc, bài kệ thể hiện tầm
nhìn thấu suốt của một bậc chân tu mà cuộc đời và sự nghiệp là dấu son sáng
ngời trong lịch sử dân tộc.
Như vậy, Thiền sư Vạn Hạnh (và qua bài kệ Thị đệ tử) là một minh chứng
cho thấy: trong quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam kế thừa những giá trị
tinh túy của Phật giáo nguyên thủy và linh hoạt bổ sung những giá trị mới rất
gần gũi với đạo lí truyền thống của dân tộc. Đó là lí do Phật giáo Việt Nam luôn
tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay.
Bùi Thị Diệu



×