Tải bản đầy đủ (.pdf) (230 trang)

Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.85 MB, 230 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRỊNH LAN HƯƠNG

VẤN ĐỀ KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Hà Nội, năm 2016


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRỊNH LAN HƯƠNG

VẤN ĐỀ KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
MÃ SỐ: 62 31 06 40

HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
GS. TS. NGUYỄN XUÂN KÍNH

Hà Nội, năm 2016



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Nội dung và số
liệu trong luận án là hoàn toàn trung thực, trích dẫn đúng quy định. Nếu có điều gì
trái với lời cam đoan trên, tôi xin chịu trách nhiệm.

TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Trịnh Lan Hương


MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU
DANH MỤC CÁC BẢNG
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ .1
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN...9
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ....................................................................... ..9
1.2. Cơ sở lý luận ..... ............................................................................................... 16
Chương 2: MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC
DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM ............................... 33
2.1. Vì chất lượng, hiệu quả nghệ thuật ................................................................... 33
2.2. Tự tôn dân tộc, phục vụ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc ........................................................................................................ 40
2.3. Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam theo chủ
trương, đường lối của Đảng .................................................................................... 56
Chương 3: THỰC TẾ VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN

TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM ................................................... 66
3.1. Các phương thức khai thác ................................................................................ 66
3.2. Mức độ khai thác các thể loại văn học dân gian ............................................... 84
3.3. Xu hướng vận động, biến đổi của việc khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam ............................................................................ 89
Chương 4: NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC KHAI THÁC
CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC
VIỆT NAM HIỆN NAY ...................................................................................... 110
4.1. Sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của nhà nước ............................................ 110
4.2. Chủ thể sáng tạo và biểu diễn ca khúc ............................................................ 114
4.3. Quá trình toàn cầu hóa và sự giao lưu, hội nhập quốc tế ................................ 116
4.4. Yếu tố kinh tế thị trường ................................................................................ 120
4.5. Quá trình đô thị hóa, sự biến đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống ................. 122
4.6. Văn hóa đọc .................................................................................................... 129
4.7. Sự khiếm khuyết, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về sáng tác,
biểu diễn, giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật .................................................... 131
4.8. Hoạt động của các cơ quan thông tin, truyền thông ........................................ 133
KẾT LUẬN .......................................................................................................... 139
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ............................... 142
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 143
PHỤ LỤC ............................................................................................................. 161


BẢNG DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU
I. CÁC CHỮ VIẾT TẮT
- CLVHDG:

Chất liệu văn học dân gian

- CNXH:


Chủ nghĩa xã hội

- CNH - HĐH:

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa

- GS:

Giáo sư

- HN:

Hà Nội

- KHXH:

Khoa học xã hội

- KHXH và NV:

Khoa học xã hội và nhân văn

- NCS:

Nghiên cứu sinh

- NSND

Nghệ sĩ nhân dân


- NSƯT:

Nghệ sĩ ưu tú

- Nxb:

Nhà xuất bản

- PGS

Phó giáo sư

- tr:

Trang

- TS:

Tiến sĩ

- VHDG:

Văn học dân gian

- VHNT:

Văn hóa nghệ thuật

- VN:


Việt Nam

- xb:

Xuất bản

- XHCN:

Xã hội chủ nghĩa

II. KÝ HIỆU
Trong luận án, những đoạn trích dẫn được rút từ các tài liệu tham khảo đều
được ghi xuất xứ. Con số thứ nhất là thứ tự tài liệu trích dẫn (như trong danh mục
Tài liệu tham khảo), sau dấu phẩy là các chữ số biểu thị trang của đoạn trích dẫn, tất
cả đều được ghi trong móc vuông.
Ví dụ: ký hiệu [111, tr.289] thể hiện xuất xứ của đoạn trích dẫn là ở trang 289
của tài liệu có số thứ tự 111 trong danh mục Tài liệu tham khảo.


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1: Mức độ khai thác các thể loại văn học dân gian trong sáng tác ca
khúc Việt Nam ......................................................................................................... 85
Bảng 3.2: Mức độ sử dụng các phương thức khai thác chất liệu văn học dân
gian qua các thời kỳ ca khúc Việt Nam ................................................................. 89
Bảng 3.3: Mức độ khai thác chất liệu văn học dân gian theo các tính chất
chủ đề nội dung qua các thời kỳ ca khúc Việt Nam ........................................... 100


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học (trong đó có văn học dân gian) và âm nhạc (trong đó có ca khúc) là
hai loại hình nghệ thuật chuyên biệt, mỗi loại hình có những đặc trưng riêng về chất
liệu để xây dựng hình tượng, về phương thức phản ánh đời sống song chúng tồn tại
và phát triển trong sự tương tác, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau. Từ trước đến nay, việc
khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ
Việt Nam luôn là một thực tế sống động và phong phú, biểu hiện mối quan hệ
khăng khít giữa ngôn ngữ văn học và ca từ trong âm nhạc mới.
Mỗi ca khúc là một chỉnh thể, giai điệu và các yếu tố âm nhạc vốn được coi
là rất quan trọng nhưng không vì thế mà phần ca từ có thể xem nhẹ. Có những bài
hát, giai điệu dù rất đẹp nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên bởi người ta không
muốn nghe những lời ca tẻ nhạt, trống rỗng, tầm thường của nó. Bởi vậy, khi soạn
ca từ, các nhạc sĩ luôn phải dày công chọn lựa những từ ngữ trong vốn ngôn ngữ
của cộng đồng để chuốt ra những lời ca hay. Mỗi ca khúc đều chứa đựng những
“cái mã”, những tín hiệu nghệ thuật, thể hiện thế giới tâm hồn của người sáng tác;
sự đồng điệu cảm xúc, sự yêu thích của người thưởng thức đối với ca khúc chỉ có
được khi họ có thể “giải mã”, hiểu được những tầng vỉa ý nghĩa của những tín hiệu
nghệ thuật đó. Văn học dân gian là sự kết tinh cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc,
kết tinh trí tuệ và tâm hồn con người Việt Nam qua các thời đại. Trong quá trình
sáng tác, các nhạc sĩ Việt Nam đã tìm về kho tàng văn học dân tộc, khai thác vốn
quý văn học dân gian, làm cho cái hay, cái đẹp của văn học dân gian hóa thân vào
ca từ, mang lại cho ca khúc những giá trị và sức sống bền lâu. Đó chính là việc đưa
những mã, những tín hiệu nghệ thuật ngôn từ dân gian đã từng được biết đến, đã trở
nên quen thuộc với nhiều người vào trong một tác phẩm mới. Vậy, dấu hiệu nào để
nhận biết được sự hiện diện của chất liệu văn học dân gian trong ca khúc? Có những
cách thức nào để chuyển hóa văn học dân gian thành ca từ? Các tác giả ca khúc khai
thác chất liệu văn học dân gian nhằm mục đích gì? Trong bối cảnh văn hóa xã hội nước

1



ta hiện nay, nhà lãnh đạo – quản lý, người sáng tác, công chúng thưởng thức âm nhạc
có quan điểm nhìn nhận như thế nào về việc văn học dân gian trở thành chất liệu nghệ
thuật của những tác phẩm âm nhạc?... Những câu hỏi cứ dần tăng lên đã khiến chúng
tôi có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng
tác ca khúc Việt Nam.
Bản sắc văn hóa Việt Nam hình thành, tồn tại và phát triển từ nền tảng văn hóa
dân gian mà trong đó có văn học dân gian. Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh toàn
cầu hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một
trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Đảng. Việc khai thác,
vận dụng vốn văn hóa dân gian phục vụ quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật đã
được đông đảo giới lãnh đạo, quản lý, sáng tác, nghiên cứu, công chúng âm nhạc…
quan tâm. Tuy nhiên, khi bàn luận về ca khúc, giới nghiên cứu âm nhạc mới chỉ dành
sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề khai thác chất liệu âm nhạc dân gian (thang âm, điệu
thức, tiết nhịp...), còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề
khai thác chất liệu văn học dân gian, vấn đề ca từ trong ca khúc Việt Nam. Vì vậy,
đây là một đề tài mới, xứng đáng được nghiên cứu.
Chọn vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt
Nam để nghiên cứu, chúng tôi cũng hướng tới việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã trở
nên cấp thiết của đời sống âm nhạc nước ta hiện nay. Chất liệu văn học dân gian là
một yếu tố góp phần làm nên tính dân tộc, bản sắc dân tộc trong ca khúc Việt Nam.
Nhìn chung, âm nhạc Việt Nam hiện nay đã có nhiều yếu tố cập nhật, hội nhập với
đời sống âm nhạc đương đại của thế giới. Tuy nhiên, đối với một số người sáng tác
- nhất là những người viết trẻ, việc cho ra đời những ca khúc mới có ca từ vừa phù
hợp với thẩm mỹ thời đại lại vừa mang đậm bản sắc dân tộc thực sự là một thử
thách không dễ vượt qua. Trong những tác phẩm của họ, số lượng ca khúc có ca từ
sử dụng chất liệu văn học dân gian còn ít và khai thác chưa hiệu quả. Vì vậy, nếu
không nghiên cứu để thấy rõ tác dụng và ý nghĩa của chất liệu văn học dân gian, sự
phong phú và đa dạng của các phương thức khai thác... thì việc khai thác chất liệu
văn học dân gian trong sáng tác ca khúc sẽ có nguy cơ bị mai một và một trong


2


những lối đi dẫn tới tính dân tộc, bản sắc dân tộc cho ca khúc có thể sẽ không được
coi trọng, thậm chí bị lãng quên.
Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam
càng trở nên cấp thiết hơn khi những năm gần đây (đặc biệt là từ tháng 7/2011), các
phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần đề cập tới một tình trạng đáng báo động.
Không ít ca khúc bị coi là “thảm họa” khi ca từ không phù hợp với thẩm mỹ dân tộc,
lai – căng nước ngoài, lời ca thô mộc, tầm thường. Nhiều nhạc sĩ, nhà quản lý, nhà
báo và công chúng yêu nhạc đã bày tỏ sự lo ngại về chất lượng nghệ thuật của những
ca khúc trẻ mà ca từ của nó vẫn giữ nguyên cái vẻ thô nhám, bụi bặm, suồng sã của
thứ ngôn ngữ thường gặp ở nơi lộn xộn, bát nháo... Trong những ca khúc đó, cái ranh
giới của ngôn từ nghệ thuật với ngôn ngữ của đời thường đã bị xóa nhòa, ca từ chỉ
còn là những lời nói đơn điệu, có khi cợt nhảm, phi thẩm mỹ gây nên sự phản cảm,
lệch lạc về thị hiếu thẩm mỹ, tác động tiêu cực tới việc xây dựng nhân cách đạo đức,
lối sống của giới trẻ. Để ca từ không còn là vấn đề “thảm họa”, “đáng báo động”, để
ca khúc của người trẻ viết cho giới trẻ không xa rời mục đích thỏa mãn nhu cầu
thưởng thức cái đẹp, nâng cao sự hiểu biết và thanh lọc tâm hồn cho con người thì
việc phê phán, cảnh báo là chưa đủ; cần phải định hướng cho những người sáng tác
ca khúc (đặc biệt là những người trẻ mới vào nghề) bằng việc gợi ý thêm một hướng
đi với những cách thức có hiệu quả để vận dụng vào quá trình sáng tác, góp phần
nâng cao chất lượng nghệ thuật của ca từ nói riêng và của ca khúc nói chung. Chúng
tôi hy vọng, đề tài luận án kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn nói trên.
Là một giảng viên giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường quân đội thuộc khối
văn hóa nghệ thuật, từng học và biểu diễn chuyên ngành Thanh nhạc, bản thân tôi
nhận thấy rất rõ sức sống và vai trò của văn học (trong đó có văn học dân gian) đối
với các loại hình nghệ thuật khác (trong đó có ca khúc âm nhạc). Thiết nghĩ, nếu
giải quyết tốt những vấn đề đặt ra, đề tài chắc chắn sẽ có tác động tích cực đối với

việc giảng dạy của bản thân cũng như việc học tập của sinh viên - nhất là chuyên
ngành Sáng tác âm nhạc. Vì vậy, đối với tôi, nghiên cứu đề tài này không đơn thuần
là một nhiệm vụ khoa học cần phải hoàn thành mà đó thực sự là một nhu cầu tự
thân với nhiều hứng thú, say mê.

3


2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Thông qua việc phân tích, luận giải về tính chủ động của người sáng tác ca
khúc khi khai thác chất liệu văn học dân gian (CLVHDG) kết hợp với việc nhận
diện quá trình khai thác CLVHDG trong sự vận động của đời sống xã hội (lịch sử,
chính trị, văn hóa...), luận án trình bày những kiến giải về mối quan hệ giữa thành tố
văn học và âm nhạc trong bối cảnh nền văn hóa VN hiện nay nhằm làm sáng tỏ
những luận điểm khoa học có tính định hướng đối với chủ thể sáng tạo nghệ thuật
về việc khai thác CLVHDG trong quá trình sáng tác.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu theo các nhóm vấn đề; đánh giá mức
độ thành công cũng như những khoảng trống mà người đi trước chưa đề cập đến.
- Giới thuyết các khái niệm cơ bản (“ca khúc”, “ca từ”, “bản sắc dân tộc”), trình
bày quan niệm về khai thác CLVHDG; vận dụng lý thuyết hệ thống, lý thuyết diễn
ngôn, lý thuyết hành động xã hội trong quá trình nghiên cứu.
- Nghiên cứu mục đích của người sáng tác ca khúc khi khai thác CLVHDG.
- Trình bày quá trình khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN từ trước
Cách mạng tháng Tám đến nay, nhận diện các phương thức khai thác, mức độ khai
thác và xu hướng vận động của việc khai thác CLVHDG qua diễn trình lịch sử.
- Phân tích các yếu tố tác động đến việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca
khúc VN hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về chủ thể sáng tác: phạm vi nghiên cứu là các tác giả ca khúc VN. Việc
phỏng vấn được tiến hành đối với 14 nhạc sĩ tiêu biểu cho các thành phần lứa tuổi,
phong cách âm nhạc, tính chất công việc (nhạc sĩ làm lãnh đạo - quản lý, nhạc sĩ tự

4


do, nhạc sĩ quân đội...); phần lớn trong số 14 nhạc sĩ này là những người nổi tiếng,
có nhiều thành công với những ca khúc mang phong cách dân gian [Phụ lục 02,
tr.168].
Về tư liệu ca khúc: phạm vi nghiên cứu là ca khúc VN từ thời kỳ Tân nhạc
(1930) cho đến nay. Căn cứ vào những dấu hiệu nhận biết CLVHDG [Phụ lục 03,
tr.170], chúng tôi đề xuất một danh sách gồm 274 ca khúc có khai thác CLVHDG;
từ kiến bình chọn của các chuyên gia (ca sĩ, nghệ sĩ - giảng viên thanh nhạc) chọn ra
150 ca khúc tiêu biểu để tiến hành khảo sát - thống kê [Phụ lục 01, tr.162], [Phụ lục
04, tr.174].
Do tính chất phức hợp của đề tài nên trong quá trình khảo sát - thống kê, các
tác phẩm VHDG in trong Tổng tập văn học dân gian người Việt (Viện Nghiên cứu
văn hóa dân gian, Nxb KHXH, 19 tập, 2002 - 2006) được dùng để so sánh, đối chiếu.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả luận án luôn quán triệt nguyên lý của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử: sự vật luôn vận động và thường
xuyên có mối liên hệ với các sự vật khác; việc nhận xét, đánh giá bất kỳ sự việc, hiện
tượng nào cũng phải chú ý đến những điều kiện lịch sử cụ thể. Khi xử lý vấn đề về văn
học nghệ thuật, chúng tôi cũng luôn thấm nhuần một yêu cầu có tính nguyên tắc của

Đảng Cộng sản VN là kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc tiếp thu
tinh hoa văn hóa của nhân loại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Đối với một vấn đề nằm ở vị trí “giáp ranh” giữa văn học và âm nhạc, NCS
sử dụng phương pháp liên ngành - kết hợp phương pháp nghiên cứu của nhiều
ngành liên quan: tiếp cận đối tượng nghiên cứu từ góc độ văn học để tìm hiểu tình
hình, mức độ khai thác các thể loại VHDG; từ góc độ âm nhạc học để phân tích các
phương thức khai thác CLVHDG; từ góc độ văn hóa học để lý giải mục đích của
việc khai thác CLVHDG, chiều hướng vận động, biến đổi của việc khai thác

5


CLVHDG trong tiến trình phát triển nền ca khúc VN và tìm hiểu những yếu tố liên
quan, tác động đến việc khai thác CLVHDG giai đoạn hiện nay.
4.2.2. Các phương pháp cụ thể
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu. Qua việc tập hợp và nghiên cứu các văn
bản tài liệu liên quan gồm tác phẩm VHDG, tác phẩm âm nhạc, sách, báo, công
trình nghiên cứu (với các thao tác: phân tích, tổng hợp, khảo sát - thống kê, so
sánh...), NCS kế thừa và vận dụng kết quả những công trình trước đây, đồng thời
phát hiện, khái quát hóa thành những luận điểm, nhận định riêng. Trong đó, việc
khảo sát - thống kê được chú trọng sử dụng để nghiên cứu mức độ và các phương
thức khai thác CLVHDG, bởi các con số thu được từ thao tác có tính định lượng
này có nhiều ý nghĩa.
- Phương pháp điều tra xã hội học: sử dụng kết hợp việc dùng bảng hỏi
(phiếu điều tra) và phỏng vấn sâu.
+ Bảng hỏi (phiếu điều tra): dùng bảng hỏi để thu nhận ý kiến bình chọn ca
khúc của các ca sĩ, nghệ sĩ - giảng viên thanh nhạc, từ đó xác định phạm vi ca khúc
nghiên cứu [Phụ lục 09, tr.207].

+ Phỏng vấn sâu: tiếp cận phỏng vấn 14 nhạc sĩ sáng tác thuộc phạm vi
nghiên cứu của đề tài luận án để lý giải một số khía cạnh liên quan của vấn đề khai
thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN bằng “cái nhìn của người trong cuộc”.
Đây là phương pháp định tính quan trọng, khi sử dụng kết hợp với kết quả khảo sát
- thống kê và bảng hỏi sẽ có thể đi đến những kết luận, nhận định khả dĩ thuyết
phục trong nghiên cứu.
- Phương pháp xin ý kiến chuyên gia. Trong quá trình thực hiện luận án,
NCS đã gặp gỡ 5 nhà quản lý về VHNT và 4 nhà khoa học am hiểu về các lĩnh vực
liên quan đến đề tài. Có khi, sau một buổi làm việc, ý kiến của họ gợi mở thêm ý
tưởng mới hoặc ý kiến phản biện, giúp bổ sung và hoàn thiện luận án.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án nghiên cứu làm sáng tỏ những nội dung khoa học và giá trị khoa học
của vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN. Cụ thể như sau:

6


Qua việc giới thuyết các khái niệm, trình bày quan niệm về “khai thác
CLVHDG” và “bản sắc dân tộc”, tác giả luận án đóng góp ý kiến bàn luận, trao đổi
dưới góc độ lý luận, góp tiếng nói vào đời sống học thuật hiện nay về vấn đề bản
sắc dân tộc nói riêng và vấn đề văn hóa xã hội nói chung.
Khi nghiên cứu mục đích khai thác CLVHDG, luận án góp phần lý giải điều
gì đã thôi thúc những chủ thể sáng tạo nghệ thuật sử dụng CLVHDG một cách có chủ
ý, tự giác. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được xem xét từ góc độ chủ thể sáng tạo.
Với việc nhận diện các phương thức khai thác, nghiên cứu mức độ khai thác
các thể loại VHDG, xu hướng vận động, biến đổi về phương thức khai thác và về
nội dung chủ đề CLVHDG qua các thời kỳ lịch sử ca khúc..., luận án đi đến những
nhận xét, nhận định khái quát, làm căn cứ ban đầu cho những nghiên cứu tiếp theo
về từng tác giả, tác phẩm cụ thể nhìn từ vấn đề này.
Ngoài ra, luận án còn đánh giá những tác động (thuận chiều và nghịch chiều)

của các yếu tố trong đời sống xã hội đối với việc khai thác CLVHDG. Các nội dung
trên được giải quyết sẽ là những đóng góp khoa học trong nghiên cứu về mối quan
hệ giữa các thành tố trong chỉnh thể nền văn hóa VN hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần khẳng định tính
đúng đắn của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật
lịch sử, tính đúng đắn của đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản VN.
Luận án cũng cho thấy: việc các nhạc sĩ khai thác CLVHDG trong quá trình sáng
tác ca khúc là phong phú, gợi mở nhiều vấn đề về lý luận và học thuật. Đi theo
hướng này, các nhạc sĩ chẳng những đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa - văn
nghệ nước nhà mà còn là dịp để bộc lộ tài năng cá nhân, sự sáng tạo độc đáo. Qua
nghiên cứu, luận án cũng góp phần làm rõ mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng,
khẳng định giá trị của văn hóa truyền thống, góp thêm tiếng nói bảo vệ quan điểm,
đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản VN.
Về ý nghĩa thực tiễn, luận án là tài liệu tham khảo để các nhà quản lý VHNT
hoạch định những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với hoạt động sáng
tác và biểu diễn ca khúc.

7


Kết quả nghiên cứu còn có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác
nghiên cứu, giảng dạy, học tập các chuyên ngành nghệ thuật ở các trường thuộc
khối VHNT và áp dụng vào thực tiễn của người sáng tác ca khúc. Điều này có ý
nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, tác động tích cực đến sự
phát triển đúng hướng, lành mạnh của nền ca khúc âm nhạc VN trong hiện tại và
tương lai.
Nghiên cứu vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN góp phần
định hướng, nâng cao nhận thức của người sáng tác ca khúc và công chúng âm nhạc
về vai trò và sức mạnh của VHDG đối với nghệ thuật đương đại, hiện thực hóa chủ

trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận
- Chương 2: Mục đích của việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN
- Chương 3: Thực tế việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN
- Chương 4: Những yếu tố tác động đến việc khai thác CLVHDG trong sáng tác
ca khúc VN hiện nay

8


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Giới nghiên cứu phê bình âm nhạc VN đã sớm quan tâm tìm hiểu về thể loại
ca khúc từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có vấn đề khai thác, vận dụng vốn quý
cổ truyền của dân tộc. Số lượng bài viết, công trình nghiên cứu về vấn đề trên khá
dồi dào: Mấy ý kiến về vấn đề nghiên cứu dân ca và vận dụng dân ca vào sáng tác
(1962) của Lê Lôi, Xung quanh vấn đề vận dụng dân ca miền Trung vào một số sáng
tác mới (1966) của Đào Việt Hưng; các bài viết của Nguyễn Viêm: Dùng chất liệu
âm nhạc cổ truyền dân tộc cho tác phẩm mới (1979), Ứng dụng chất liệu dân ca
Bình Trị Thiên vào tác phẩm mới (1979), Âm nhạc dân gian với tác phẩm chuyên
nghiệp (1982); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Biện Thị Lộc,
Nhạc viện HN: Tìm hiểu việc sử dụng chất liệu hát ví và giặm Nghệ - Tĩnh trong một
số ca khúc mới Việt Nam (1985); luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học của
Trần Bảo Lân, Viện Nghiên cứu văn hóa: Những yếu tố dân gian trong ca khúc Việt
Nam thời đổi mới (2007); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Tạ
Xuân Sơn, Nhạc viện HN: Nhạc sĩ An Thuyên và một số ca khúc mang phong cách

dân gian (2007); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Đỗ Trọng
Thi, Nhạc viện HN: Phương pháp vận dụng chất liệu âm nhạc truyền thống trong
một số ca khúc Việt Nam đương đại mang âm hưởng dân gian (2008); Luận án Tiến
sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian, Học viện KHXH của Trần Bảo Lân: Bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới Việt Nam (2013)...
Ca khúc là một thể loại âm nhạc được tạo thành bởi hai thành phần cốt yếu:
nhạc và lời cho nên nói đến việc khai thác, vận dụng chất liệu dân gian trong sáng
tác ca khúc là phải xem xét việc khai thác, vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian và
CLVHDG (bộ phận tinh túy của ngôn ngữ dân gian). Tuy nhiên, các nghiên cứu nêu
trên mới chỉ tập trung vào vấn đề chất liệu âm nhạc dân gian (thang âm, điệu thức,
âm hình, tiết tấu...) mà chưa nhìn nhận sâu về vấn đề CLVHDG và ca từ. Có thể

9


nói, sự quan tâm thiên lệch - “nặng” về nhạc, “nhẹ” về lời (ca từ) là thực trạng bức
tranh nghiên cứu về ca khúc VN bấy lâu nay. Tình hình trên xuất phát từ quan điểm
cho rằng vấn đề ca từ nằm ở đường giáp ranh giữa hai loại hình: nghệ thuật ngôn từ và
nghệ thuật âm nhạc, nơi mà mà cả hai ngành khoa học là văn học và âm nhạc học đều
tuyên bố rằng mình không có thẩm quyền [1, tr.15]. Số lượng bài viết, công trình
nghiên cứu có đề cập đến vấn đề ca từ, vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca
khúc VN cũng cho thấy điều đó.
1.1.1. Điểm luận tài liệu
1.1.1.1. Những nghiên cứu đề cập đến vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam - nhìn từ góc độ thể loại văn học
Tuy không đặt thành một vấn đề độc lập để nghiên cứu nhưng trong một
chừng mực nhất định, các tác giả đã đề cập tới việc khai thác các thể loại VHDG
trong sáng tác ca khúc VN. Các nhận định khá thống nhất: trong quá trình sáng tác
ca khúc VN, nhiều nhạc sĩ đã tìm về kho tàng VHDG của dân tộc, vận dụng ngôn từ
nghệ thuật ở các thể loại VHDG. Một số ý kiến tiêu biểu như sau:

Tác giả Tạ Xuân Sơn khi nghiên cứu đề tài Nhạc sĩ An Thuyên và một số ca
khúc mang phong cách dân gian đã viết: “Lời ca trong các ca khúc thường thấm
đượm ca dao, tục ngữ dân gian” [122, tr.52]. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nhận
định khái quát, tác giả chưa khảo sát cụ thể về vấn đề này.
Trong luận văn thạc sĩ của Trần Bảo Lân Những yếu tố dân gian trong ca
khúc Việt Nam thời đổi mới (1986 - 2007), những yếu tố dân gian được nghiên cứu
gồm: thang âm - điệu thức, âm điệu, tiết tấu, thủ pháp ca từ, lối cấu trúc đan xen
giữa kiểu nhạc có tiết nhịp và không tiết nhịp, yếu tố dân gian trong phần đệm, phần
biểu diễn. Khi tiến hành khảo sát khá toàn diện các yếu tố đó, tác giả đã đề cập đến
một số thể loại VHDG được dùng làm chất liệu để sáng tác ca khúc và đi đến nhận
định: “Ca khúc thời đổi mới tiếp tục khai thác những hình tượng văn học dân gian
từ nhiều nguồn khác nhau như: ca dao, tục ngữ, dân ca, các tích truyện dân gian...”
[79, tr.56].

10


Vấn đề này còn tiếp tục được Trần Bảo Lân đề cập tới trong luận án Văn hóa
dân gian Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam. Tác giả khẳng định: trong
giai đoạn ca khúc VN thời đổi mới, các yếu tố dân gian tiếp tục được khai thác từ
nhiều góc độ, từ đời sống dân gian của người dân, từ ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích,
truyền thuyết... và được sử dụng với mức độ gia tăng so với ca khúc VN trước thời
đổi mới [80].
Có thể thấy, trong những công trình, bài viết nêu trên, vấn đề các thể loại
VHDG và sự tham gia của chúng vào quá trình sáng tác ca khúc mới chỉ được điểm
qua một cách khái lược. Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, trong bài viết Bước đầu
tìm hiểu việc khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam,
chúng tôi đã dành một phần nội dung để trình bày về tình hình khai thác chất liệu
VHDG nhìn từ góc độ thể loại. Trên thực tế, các thể loại VHDG được khai thác,
vận dụng với mức độ không như nhau. Qua khảo sát ca khúc của Nguyễn Xuân

Khoát, Phó Đức Phương, An Thuyên, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, kết luận được rút ra
là: trong các thể loại VHDG, thể loại ca dao (thuộc phương thức trữ tình) được khai
thác, vận dụng nhiều nhất; kế đến là tục ngữ (thuộc phương thức luận lý); thể loại
truyện dân gian (thuộc phương thức tự sự) ít khi được khai thác; các kịch bản chèo,
tuồng, múa rối... (thuộc phương thức kịch sân khấu dân gian) rất ít được khai thác,
vận dụng [60, tr.49].
Năm 2012, trong cuốn sách Sức sống của văn học dân gian trong ca khúc
Việt Nam (Trịnh Lan Hương chủ biên), vấn đề này đã được tìm hiểu ở phạm vi bao
quát hơn. Trên phương diện lý thuyết, ngôn từ ở tất cả các thể loại VHDG đều có
thể trở thành chất liệu để sáng tác. Tuy nhiên, thể loại nào có sự tương đồng, phù
hợp, gần gũi với ca từ hơn thì sẽ được người sáng tác ca khúc vận dụng nhiều hơn.
Từ đó, tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá mức độ khai thác của một số
nhạc sĩ VN đối với từng thể loại VHDG, xác định thể loại nào được khai thác, vận
dụng nhiều nhất và bước đầu lý giải vì sao trên thực tế, các thể loại văn học VHDG
lại được khai thác ở mức độ nhiều, ít như vậy [59, tr.38 - 60].

11


1.1.1.2. Những nghiên cứu đề cập đến phương thức khai thác chất liệu văn học
dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam
Trong một số công trình, bài viết giới thiệu chân dung nhạc sĩ, nghiên cứu các
giai đoạn ca khúc, các phong cách âm nhạc, các dòng nhạc và tác giả, tác phẩm âm
nhạc VN, các tác giả Nguyễn Thị Minh Châu, Văn Chung, Nguyễn Thụy Kha, Tú
Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Bùi Đình Thảo, Nguyễn Viêm... ít nhiều đều đã nói đến
việc chuyển hóa VHDG vào ca khúc bằng những cách thức, phương pháp nhất định.
Tác giả Nguyễn Thụy Kha, khi phát biểu cảm nhận và sự yêu thích của mình
đối với ca khúc Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhấn mạnh đến nét ca
dao “non xanh nước biếc” [63, tr.165]. Tác giả Nguyễn Thị Nhung, khi bàn về tính
kế thừa truyền thống cũng đề cập tới việc học tập “cách phổ thơ” trong dân ca [112,

tr.1017]. Có chung quan niệm đó, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo khẳng định: “Trong sáng
tác bài hát, phổ thơ là một cách làm rất dân tộc và kế thừa một truyền thống tốt đẹp”
[124, tr.1037]. Chi tiết hơn, từ kinh nghiệm của bản thân, nhạc sĩ Văn Chung nói
đến một số kỹ thuật, thủ pháp phổ thơ: nhắc lại, thêm câu thêm từ, hoặc đảo câu đảo
từ để phát triển, biến hóa, mở rộng bài ca dao [20, tr.72].
Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý là ý kiến của Nguyễn Viêm, Nguyễn
Thị Minh Châu về ca khúc của nhạc sĩ Văn Chung. Nguyễn Viêm viết:
(...) trong bài Gái thôn Đoài trai thôn Thượng: Lời ca duyên dáng, tình
tứ mở đầu bài hát: “Mình về có nhớ ta chăng”... cho người nghe liên tưởng
đến điệu cò lả quen thuộc vốn khó quên được lời ca: “Mình về có nhớ ta
chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” [146, tr.646].
Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét:
Lời ca của Văn Chung rất tự nhiên và mang nhiều nét “mộc” của dân
gian. Ông có cái duyên riêng trong cách diễn tả theo lối dân dã (...) Những câu
ca dao “nguyên chất” - như “Trâu ơi ta bảo trâu này”, “Mình về có nhớ ta
chăng? - hay “pha chất” ca dao với những hình ảnh thôn dã cây đa giếng nước
mái đình đã được phổ nhạc với khá nhiều “gợi ý” của các cụ ta xưa [17, tr.53].

12


Có thể thấy, trong những bài viết, những công trình nghiên cứu nêu trên, mặc
dù chưa trực tiếp khái quát thành vấn đề phương thức khai thác CLVHDG trong
sáng tác, song các tác giả đã đề cập đến những câu ca dao “nguyên chất”, những lời
hát “pha chất” ca dao, đề cập đến việc “phổ thơ”, thêm câu thêm từ, đảo từ... để mở
rộng, biến hóa bài ca dao. Đó thực ra là sự khẳng định: các nhạc sĩ VN đã khai thác
CLVHDG với những phương thức khác nhau, khiến cho ca từ trong ca khúc có khi
phảng phất nét ca dao, “pha chất” ca dao hoặc chứa đựng những câu ca dao
“nguyên chất”.
Vấn đề này tiếp tục được quan tâm nghiên cứu và trình bày trong sách Sức

sống của văn học dân gian trong ca khúc Việt Nam. Tác giả nêu lên hai nhóm
phương thức là Giữ nguyên dạng – Sử dụng nguyên khối và Không giữ nguyên dạng
– Vận dụng sáng tạo. Trong từng nhóm phương thức nói trên lại có những phương
thức cụ thể. Các nhạc sĩ có thể phổ thơ, trích dẫn, phỏng thơ – mượn ý, phỏng thơ cải ý hoặc mượn cốt truyện, tên nhân vật, mượn hình ảnh, biểu tượng... của VHDG
[59, tr.60 - 94].
1.1.1.3. Những nghiên cứu về mối liên quan giữa việc khai thác chất liệu văn học dân
gian trong sáng tác ca khúc với vấn đề tính dân tộc, bản sắc dân tộc của âm nhạc
Nói đến tính dân tộc là nói đến truyền thống, mà những yếu tố truyền thống
lại được lưu giữ chủ yếu trong văn hóa dân gian và đậm đà trong VHDG. Từ quan
điểm đó, các nghiên cứu về âm nhạc đều khẳng định: việc khai thác chất liệu dân
gian (trong đó có VHDG) có mối quan hệ thuận chiều đối với vấn đề tính dân tộc,
bản sắc dân tộc của tác phẩm âm nhạc. Khai thác, vận dụng CLVHDG trong quá
trình sáng tác ca khúc là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong âm nhạc VN. Điều
này đã từng được thể hiện trong những bài viết, công trình tiêu biểu sau đây:
Trong bài Âm nhạc dân gian với tác phẩm chuyên nghiệp, Nguyễn Viêm đã
có những dẫn giải để làm rõ tính dân tộc trong âm nhạc được tạo nên từ việc người
nhạc sĩ đưa chất liệu âm nhạc cổ truyền vào tác phẩm mới và từ việc phát triển
những hình tượng thơ ca dân gian. Ông khẳng định: “nếu không quan tâm đến văn

13


hóa dân gian thì không dễ gì mà có được số tác phẩm nổi tiếng độc đáo màu sắc dân
tộc” [149, tr.1011].
Nhìn lại âm nhạc giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, mặc dù
chưa chú trọng xem xét về việc vận dụng, khai thác CLVHDG nhưng tác giả Tú
Ngọc cũng đã đề cập tới “lối gieo vần trong ca từ” (là một trong những yếu tố thi
pháp ca dao) nói lên “mối liên hệ kế thừa và phát triển” của âm nhạc ở giai đoạn sau
so với giai đoạn trước. Âm nhạc giai đoạn kháng chiến chống Pháp là “một thực
tiễn sinh động chứng minh đường lối văn nghệ rất đúng đắn của Đảng trong việc kế

thừa và phát huy những tinh hoa của âm nhạc truyền thống dân tộc” [97, tr.975].
Thống nhất với quan niệm nêu trên, trong bài viết Về tính kế thừa truyền
thống của ca khúc mới Việt Nam 1945-1975, tác giả Nguyễn Thị Nhung cũng đã
đúc kết những phương pháp khai thác dân ca: những giai điệu đặc trưng, cách sử
dụng thang âm, điệu thức, âm hình tiết tấu đặc trưng, cách phổ thơ... Sự “tăng
cường những đặc điểm truyền thống” đã biểu hiện bản sắc dân tộc, mang lại thành
công cho nhiều ca khúc mới [112, tr.1013 - 1017].
Trong khóa luận chuyên ngành Lý luận âm nhạc Nhạc sĩ An Thuyên và một
số ca khúc mang phong cách dân gian, Tạ Xuân Sơn đã phân tích các phương diện
về lời ca và âm nhạc trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên để đi đến kết luận: Tính
dân tộc trong lời ca luôn được tác giả đề cao. Lời ca trong những ca khúc của nhạc
sĩ An Thuyên luôn gần gũi với thơ ca dân tộc, thấm đượm ca dao, tục ngữ dân gian,
giàu vần điệu và các thủ pháp dùng hư từ, điệp từ... Đây là một hướng đi giàu tiềm
năng và việc “vận dụng những câu ca dao, tục ngữ để diễn đạt nội dung lời ca là
một phương pháp đem lại tính dân tộc” cho những sáng tác An Thuyên [122].
Gần đây, trong luận án Bản sắc dân tộc trong ca khúc Việt Nam (2013), khi
nghiên cứu mối liên hệ giữa việc sử dụng yếu tố dân gian với bản sắc dân tộc trong
ca khúc, qua khảo sát thống kê, Trần Bảo Lân rút ra kết luận: Văn hóa hay âm nhạc
dân gian bao giờ cũng là nền tảng cho việc tạo nên bản sắc dân tộc trong ca khúc.
Số lượng các yếu tố dân gian được sử dụng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với mức độ
đậm nhạt của bản sắc dân tộc [80, tr.67 - 73].

14


Cũng quan tâm đến mối quan hệ giữa việc khai thác CLVHDG với tính dân
tộc, bản sắc dân tộc của ca khúc (nói riêng) và của âm nhạc (nói chung), trong bài
viết Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời hội nhập, Nguyễn Thị Minh Châu đã
phân tích sự phát triển của đời sống âm nhạc VN trong sự tác động của các yếu tố
“thời kinh tế thị trường”, “thời hội nhập” và nhận thấy tính dân tộc là kết quả từ ý

thức phát huy ưu thế của chất liệu dân gian của chủ thể sáng tạo:
Tính dân tộc đậm nét dần nhờ các thủ pháp sử dụng chất liệu dân gian
hoặc sáng tạo trên nguyên lý âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là vận dụng mối
quan hệ khăng khít vốn có lâu đời giữa nhạc với lời, giữa giai điệu với ngữ
điệu tiếng Việt [170].
1.1.2. Nhận xét
Theo những tư liệu, tài liệu mà chúng tôi biết được, số lượng những công
trình nghiên cứu, bài viết về VHDG là rất lớn nhưng trong số đó, những công trình,
bài viết về CLVHDG trong những tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh, báo chí,
âm nhạc... chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Trong nguồn tài liệu, tư liệu vốn đã rất ít, rất
nhỏ ấy, vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc (thuộc loại hình nghệ
thuật âm nhạc) mới chỉ được đề cập tới như một yếu tố có liên quan trong khi
nghiên cứu các vấn đề thuộc chuyên ngành Ngữ văn, Âm nhạc học.
Khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN là một vấn đề lớn và nhiều
lý thú, còn nhiều khía cạnh của vấn đề vẫn rất cần phải được nghiên cứu làm rõ
thêm. Qua điểm luận tài liệu, có thể nhận diện, khoanh vùng được một số phạm vi
mà cho đến nay chưa được đề cập tới: CLVHDG được khai thác, vận dụng vào việc
sáng tác ca khúc VN để nhằm những mục đích gì; sự vận động, biến đổi của việc
khai thác CLVHDG qua các chặng đường phát triển của nền ca khúc VN ra sao và
nguyên nhân nào dẫn tới những biến đổi đó? Cần đặt hiện tượng văn hóa này trong
bối cảnh điều kiện về chính trị, kinh tế, lịch sử..., công tác quản lý nhà nước về văn
học nghệ thuật, nhận thức và quan điểm của người sáng tác ca khúc, nhu cầu và thị
hiếu thẩm mỹ của công chúng... để thấy được sự tác động nhiều chiều giữa các
thành tố trong chỉnh thể nền văn hóa nhằm lý giải cho những câu hỏi trên.

15


1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2.1. Lý thuyết vận dụng

Nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu chính của luận án - “Những chủ thể sáng tạo
ca khúc VN đã khai thác CLVHDG nhằm mục đích gì? Trong tiến trình phát triển
nền ca khúc VN, việc khai thác CLVHDG đã vận động, biến đổi ra sao và nguyên
nhân nào dẫn tới sự biến đổi đó?”, chúng tôi tìm kiếm cơ sở lý luận từ nhiều lý
thuyết. Trong đó, lý thuyết làm nền tảng cho việc phân tích, giải quyết các vấn đề
thuộc phạm vi nhiệm vụ nghiên cứu được lựa chọn là lý thuyết hệ thống của L.V.
Bertalanffi. Cùng với đó, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết hành động xã hội cũng được
vận dụng khi tìm hiểu, nhìn nhận một số khía cạnh cụ thể của vấn đề.
1.2.1.1. Lý thuyết hệ thống
Từ lâu, giới nghiên cứu khoa học trên thế giới đã vận dụng lý thuyết hệ thống
(L.V. Bertalanffi - tác giả công trình Lý thuyết hệ thống tổng quát, 1950) như một
hướng tiếp cận hiệu quả đối với cả ngành khoa học tự nhiên và KHXH. Ở VN, khi
tìm hiểu các vấn đề thuộc văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu cũng rất chú trọng
vận dụng lý thuyết này. Có thể kể đến các bài viết của tác giả Phan Đăng Nhật, Ngô
Đức Thịnh trong cuốn Văn hóa dân gian - Những phương pháp nghiên cứu [155].
GS. TSKH. Phan Đăng Nhật đã đề cập đến lý thuyết hệ thống trong nghiên
cứu văn hóa dân gian:
Hệ thống là một sự tập hợp nào đó những yếu tố có mối liên hệ lẫn
nhau, tạo ra sự thống nhất ổn định, tức là một chỉnh thể... Mọi hệ thống đồng
thời là một bộ phận của một hệ thống khác rộng hơn, còn những thành phần
và những phân hệ của hệ thống đến lượt mình lại có thể xem như những hệ
thống [99, tr.142].
Văn hóa dân gian là một chỉnh thể, là một hệ thống nhiều tầng bậc: các thành
tố của văn hóa dân gian (ngữ văn, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn...), các
loại hình nghệ thuật dân gian (truyện cổ, thần thoại, sử thi, tranh, tượng, múa rối,
chèo...). Giữa các tầng bậc đó có mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.

16



GS. TS. Ngô Đức Thịnh cũng khẳng định:
Hệ thống là một phức hợp (tập hợp) của các phần tử (yếu tố) theo một
tổ chức nhất định tạo nên một chỉnh thể, trong đó các phần tử có mối quan hệ
lẫn nhau và với môi trường ngoài hệ thống. Bởi vậy, theo nguyên tắc tiếp cận
hệ thống, không được coi đối tượng như là cái đơn nhất hay tách rời từng yếu
tố ra khỏi chỉnh thể để nghiên cứu, mà luôn phải xem xét chúng như một
phức thể, các yếu tố tác động qua lại với nhau và với môi trường bên ngoài.
(...) Trong mối quan hệ cụ thể nào đó thì đối tượng mà ta xem xét là hệ
thống, nhưng có thể trong mối quan hệ khác nó lại trở thành yếu tố. Cũng
như vậy, môi trường của hệ thống cũng có thể trở thành hệ thống, thậm chí
lại là yếu tố của hệ thống rộng hơn [127, tr.21 - 22].
Tác giả nhấn mạnh: để hiểu được một hiện tượng văn hóa, người nghiên cứu
phải đặt hiện tượng văn hóa đó trong môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa của dân
tộc để xem xét.
Như vậy, theo quan điểm của lý thuyết hệ thống, văn hóa dân gian VN là một
bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc; bản thân nó vừa là một chỉnh thể nguyên
hợp vừa là một yếu tố thuộc hệ thống chỉnh thể ở những cấp độ lớn hơn.
Ở cấp độ thứ nhất, văn hóa dân gian là một hệ thống (chỉnh thể nguyên hợp),
“nó bao chứa những lĩnh vực hoạt động văn hóa rộng lớn của con người, với những
hình thức và phương tiện biểu hiện phong phú, từ ngôn từ (lời nói), diễn xướng
(động tác kết hợp với lời nói) đến tạo hình (hình khối và màu sắc)… Những thành
tố này không tồn tại độc lập mà hòa quyện, tác động lẫn nhau tạo nên một chỉnh thể
sinh động” [127, tr.24].
Ở cấp độ thứ hai, văn hóa dân gian là một yếu tố cấu thành nền văn hóa dân
tộc, có mối quan hệ, tác động, ảnh hưởng qua lại với văn hóa bác học - chuyên
nghiệp. Đồng thời, các yếu tố văn hóa này còn nằm trong mối quan hệ, chi phối, tác
động với các yếu tố thuộc cấp độ rộng lớn hơn như: môi trường tự nhiên, chính trị,
kinh tế, lịch sử...

17



Vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN là một đề tài mang
tính phức hợp. Đó không phải là sự nghiên cứu về từng thành tố riêng biệt (văn học,
âm nhạc) mà là nghiên cứu mối quan hệ giữa hai thành tố đó trong bối cảnh lịch sử
xã hội cùng với nhiều thành tố khác. Vận dụng lý thuyết hệ thống để nắm bắt được
sự vận động, biến đổi của việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN, tác
giả luận án không thể chỉ xem xét trên một số ít ca khúc của một vài tác giả ở một
giai đoạn, thời điểm nhất định mà cần thiết phải nghiên cứu trên một phạm vi ca
khúc tiêu biểu, ứng với từng thời kỳ phát triển của nền âm nhạc VN.
Nghiên cứu vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN, đặt hiện
tượng văn hóa này trong môi trường điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế xã
hội... của dân tộc, lý thuyết hệ thống được vận dụng để lý giải nguyên nhân dẫn tới
những biến đổi của việc khai thác CLVHDG qua các thời kỳ phát triển của ca khúc
đồng thời cũng được vận dụng để phân tích sự tác động của các yếu tố đối với việc
khai thác CLVHDG trong giai đoạn hiện nay.
Ca khúc VN là một hệ thống, VHDG VN là một hệ thống. Khi khai thác, sử
dụng một yếu tố của hệ thống này đưa vào hệ thống khác phải có sự phù hợp bởi các
từ ngữ trong hệ thống của một ngôn ngữ này không phải bao giờ cũng có vị trí tương
đương trong hệ thống ngôn ngữ khác. Một lưu học sinh VN (rồi sau trở thành nghiên
cứu sinh, thực tập sinh cao cấp) ở Mat-xcơ-va đã phải đổi một tiếng trong họ tên cho
phù hợp với tiếng Nga. Đồng bào Thái và người Lào khi nghe, xem hát Chèo có
những lúc bưng miệng cười bởi những luyến láy đặc trưng trong lời hát Chèo lại là
tiếng tục trong ngôn ngữ của họ. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh nhận xét:
những từ ngoại nhập như “A-liêu-sa”, “Smô-lăng”, “Bô-ri-xôp”... trong bản dịch thơ
từ nguyên tác tiếng Nga rất “xa lạ” đối với ngôn ngữ thơ tiếng Việt nên bạn đọc khó
mà yêu, hiểu và nhớ được [15, tr.224 - 225]. Trong lĩnh vực âm nhạc, đàn tranh, đàn
nhị có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã được du nhập thành công vào hệ thống
nhạc khí của dân tộc VN vì các nhạc khí ấy phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc của dân
tộc VN. Đàn tỳ bà từ Tây Á du nhập vào Trung Quốc qua mấy ngàn năm đã trở


18


thành tài sản của dân tộc Trung Quốc bởi nó nói được ngôn ngữ âm nhạc của Trung
Quốc [130, tr.155].
Ca khúc VN và VHDG VN là những yếu tố trong cùng một hệ thống, đều là
những sản phẩm nghệ thuật của con người VN. Trong không ít trường hợp, nhạc
tính và lời của ca dao rất phù hợp, thuận lợi để sáng tác giai điệu và ca từ của ca
khúc mới. Khi người nghệ sĩ đồng cảm, có sự đồng điệu và tương liên với những
cảm xúc, cách nhìn, cách lý giải... của nhân dân được thể hiện trong VHDG thì việc
khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc là tự nhiên, không gò ép.
Từ những nhận thức trên đây, lý thuyết hệ thống được coi là lý thuyết khung,
có ý nghĩa phương pháp luận giúp giải quyết nhiệm vụ trọng tâm của đề tài luận án.
1.2.1.2. Lý thuyết diễn ngôn
Lý thuyết diễn ngôn gắn với tên tuổi của Michel Foucault (triết gia người
Pháp, 1926 - 1984) và cho đến nay, nó đã được sử dụng rộng khắp trong các ngành
khoa KHXH và NV. Theo đó, “diễn ngôn” (discourse) là một thuật ngữ - được dùng
sớm nhất trong ngôn ngữ học, dùng để chỉ “phương thức hoạt động của ngôn từ,
vượt ra ngoài văn bản, và có thể xem xét sự vận hành của ngôn từ để khám phá các
quan hệ quyền lực chi phối sự tạo thành và vận hành của chúng trong thực tiễn đời
sống” [16, tr.45]. Nó là một dạng đặc biệt của ngôn ngữ. Ngôn ngữ (mà biểu hiện cụ
thể của nó là lời nói) là phương tiện giao tiếp của con người, là hình thức phổ biến
nhất của của hoạt động xã hội nhưng không phải tất cả mọi lời nói đều là diễn ngôn.
Chỉ những nhận định (ở dạng lời nói miệng, văn bản) được sử dụng với ý nghĩa nó là
một công cụ để truyền đạt, qua đó thể hiện quyền lực của chủ thể (thể hiện ở việc đối
tượng tiếp nhận nó và hành động theo ý đồ, mục đích của chủ thể) mới được coi là
diễn ngôn. Diễn ngôn khá đa dạng về kiểu loại: diễn ngôn giao tiếp thường nhật,
diễn ngôn thể chế hóa, diễn ngôn truyền thông, diễn ngôn nghệ thuật, diễn ngôn giáo
tiếp công vụ, diễn ngôn tiếp thị, diễn ngôn hàn lâm, diễn ngôn văn hóa - thế giới

quan, diễn ngôn chính trị [208]. Trong đó, diễn ngôn chính trị được hiểu là “tất cả
các loại diễn ngôn có đối tượng là cách thức quản lý của nhà nước, của các tổ chức
chính trị, của các nhân vật chính trị (…), một diễn ngôn được xếp vào kiểu loại diễn

19


×