Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc việt nam (TT)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (511.73 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRỊNH LAN HƯƠNG

VẤN ĐỀ KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC
DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 62 31 06 40

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

HÀ NỘI - 2016


Công trình được hoàn thành tại:
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Xuân Kính

Phản biện 1: GS.TS. Vũ Anh Tuấn
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phản biện 2: GS.TS. Nguyễn Chí Bền
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Phản biện 3: PGS.TS. Bùi Huyền Nga
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, tại


Học viện Khoa học xã hội vào hồi…….giờ…...…phút, ngày……
tháng… năm 2016.

Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ

1. Trịnh Lan Hương (2013), “Khai thác văn học dân gian góp phần
nâng cao chất lượng ca khúc Việt”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Quân đội,
số 7, tr.40 - 43.
2. Trịnh Lan Hương (2014), “Hình tượng con cò, từ ca dao cổ truyền
đến ca từ trong ca khúc Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 363,
tr.40 - 44.
3. Trịnh Lan Hương (2015), “Khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1 (157),
tr.35 - 40.
4. Trịnh Lan Hương (2016), “Tự tôn dân tộc, phục vụ cuộc đấu tranh vì
độc lập, tự do – một mục đích của việc khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945”, Tạp chí Văn hóa
Nghệ thuật Quân đội, số 18, tr.24 – 26.


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học và âm nhạc luôn tồn tại và phát triển trong sự tương tác, ảnh
hưởng sâu sắc lẫn nhau. Từ trước đến nay, có một thực tế là khi sáng tác,

các nhạc sĩ Việt Nam (VN) đã tìm về kho tàng văn học dân tộc, khai thác
vốn quý văn học dân gian (VHDG) để mang lại cho ca khúc những giá trị
và sức sống bền lâu. Vậy, dấu hiệu nào để nhận biết được sự hiện diện của
chất liệu văn học dân gian (CLVHDG) trong ca khúc? Có những cách thức
nào để chuyển hóa VHDG thành ca từ?... Những câu hỏi cứ dần tăng lên
đã khiến chúng tôi có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề khai thác CLVHDG
trong sáng tác ca khúc VN.
Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng nền
văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành một trong
những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Đảng. Việc khai
thác, vận dụng vốn văn hóa dân gian phục vụ quá trình sáng tạo tác phẩm
nghệ thuật được chú trọng và là một trong những hiện tượng văn hóa được
nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trong nghiên cứu còn thiếu vắng những
công trình chuyên sâu về vấn đề khai thác CLVHDG, vấn đề ca từ trong ca
khúc VN. Vì vậy, đây là một vấn đề mới, xứng đáng được nghiên cứu.
Nghiên cứu đề tài, chúng tôi cũng hướng tới việc đáp ứng yêu cầu
thực tiễn đã trở nên cấp thiết của đời sống âm nhạc nước ta hiện nay. Đối
với một số người sáng tác - nhất là những người viết trẻ, việc cho ra đời
những ca khúc mới có ca từ vừa phù hợp với thẩm mỹ thời đại lại vừa
mang đậm bản sắc dân tộc thực sự là một thử thách không dễ vượt qua.
Nếu không nghiên cứu để thấy rõ tác dụng và ý nghĩa của CLVHDG, sự
phong phú và đa dạng của các phương thức khai thác... thì việc khai thác
CLVHDG trong sáng tác ca khúc sẽ có nguy cơ bị mai một và một trong
những yếu tố tạo nên tính dân tộc, bản sắc dân tộc trong ca khúc VN có thể
sẽ không được coi trọng, thậm chí bị lãng quên.
1


Vấn đề nghiên cứu càng trở nên cấp thiết hơn khi những năm gần
đây (đặc biệt là từ tháng 7/2011), trong xã hội nổi lên tình trạng đáng báo

động – “thảm họa ca từ” trong ca khúc của giới trẻ. Để ca từ không còn là
vấn đề “thảm họa” “nhức nhối” cần phải định hướng cho giới trẻ, những
người mới vào nghề bằng việc gợi mở một hướng đi với những cách thức
có hiệu quả để họ vận dụng vào quá trình sáng tác.
Từ góc nhìn và mối quan tâm của bản thân - là giảng viên giảng dạy
Ngữ văn trong một nhà trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật (VHNT),
từng học và biểu diễn Thanh nhạc, thiết nghĩ, nếu giải quyết tốt những vấn
đề đặt ra, đề tài chắc chắn sẽ có tác động tích cực đối với việc giảng dạy
của bản thân cũng như việc học tập của sinh viên.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Thông qua việc phân tích, luận giải về tính chủ động của người sáng
tác ca khúc kết hợp với việc nhận diện quá trình khai thác CLVHDG trong
sự vận động của đời sống xã hội (lịch sử, chính trị, văn hóa...), luận án trình
bày những kiến giải về mối quan hệ giữa thành tố văn học và âm nhạc trong
bối cảnh nền văn hóa VN hiện nay nhằm làm sáng tỏ những luận điểm khoa
học có tính định hướng đối với chủ thể sáng tạo nghệ thuật về việc khai thác
CLVHDG trong quá trình sáng tác.
2.2. Nhiệm vụ
Tổng quan tình hình nghiên cứu, xác định một số lý thuyết để vận
dụng, giới thuyết các khái niệm cơ bản, có liên quan đến đề tài; nghiên cứu
mục đích của việc khai thác CLVHDG, nhận diện các phương thức khai
thác, mức độ khai thác và xu hướng vận động của việc khai thác
CLVHDG qua diễn trình lịch sử; phân tích các yếu tố tác động đến việc
khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
2



Đối tượng nghiên cứu của đề tài là việc khai thác CLVHDG trong
sáng tác ca khúc VN.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về chủ thể sáng tác: phạm vi nghiên cứu là các tác giả ca khúc VN.
Việc phỏng vấn được tiến hành đối với 14 nhạc sĩ. Về tư liệu ca khúc:
phạm vi nghiên cứu bao gồm ca khúc VN từ năm 1930 đến nay. Việc khảo
sát - thống kê được giới hạn trong phạm vi 150 ca khúc tiêu biểu.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả luận án luôn quán triệt nguyên lý
của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử: sự vật luôn
vận động và thường xuyên có mối liên hệ với các sự vật khác; việc nhận xét,
đánh giá bất kỳ sự việc, hiện tượng nào cũng phải chú ý đến những điều kiện
lịch sử cụ thể. Khi xử lý vấn đề về văn học nghệ thuật, chúng tôi cũng luôn
thấm nhuần một yêu cầu có tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản VN là kế
thừa các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa văn
hóa của nhân loại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Luận án sử dụng phương pháp liên ngành - kết hợp phương pháp
nghiên cứu của các ngành: văn học, âm nhạc học, văn hóa học.
4.2.2. Các phương pháp cụ thể
Các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu
(khảo sát - thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp); Điều tra xã hội học
(kết hợp việc dùng bảng hỏi - phiếu điều tra và phỏng vấn sâu); Xin ý kiến
chuyên gia.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án nghiên cứu làm sáng tỏ những giá trị khoa học của việc khai
thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN, góp tiếng nói vào đời sống học
3



thuật sôi nổi hiện nay về vấn đề bản sắc dân tộc. Đây là lần đầu tiên vấn đề
khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN được xem xét từ góc độ chủ
thể sáng tạo. Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tác giả luận án rút ra
những nhận định khái quát, làm căn cứ ban đầu cho những nghiên cứu tiếp
theo về từng tác giả, tác phẩm. Nghiên cứu sự tác động của các yếu tố trong
đời sống xã hội đối với việc khai thác CLVHDG là thêm một đóng góp
khoa học bàn về mối quan hệ giữa các thành tố trong chỉnh thể nền văn hóa
VN hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần khẳng định
tính đúng đắn của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, tính đúng đắn của đường lối văn hóa, văn nghệ
của Đảng Cộng sản VN. Qua nghiên cứu, luận án cũng góp phần làm rõ
mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, khẳng định giá trị của văn hóa
dân gian truyền thống.
Về mặt thực tiễn, luận án là tài liệu tham khảo để các nhà quản lý văn
hóa nghệ thuật hoạch định những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả
đối với hoạt động sáng tác và biểu diễn ca khúc; là tài liệu tham khảo phục
vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập các chuyên ngành nghệ thuật ở
các trường thuộc khối VHNT và áp dụng vào thực tiễn của người sáng tác
ca khúc.
Kết quả nghiên cứu đề tài của luận án góp phần định hướng nhận
thức của người sáng tác ca khúc và công chúng âm nhạc về vai trò và sức
mạnh của VHDG đối với nghệ thuật đương đại, góp phần hiện thực hóa
chủ trương, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng: xây dựng nền văn hóa
VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận

án gồm có 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ
4


sở lý luận (24 trang); Chương 2: Mục đích của việc khai thác chất liệu
văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam (33 trang); Chương
3: Thực tế việc khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca
khúc Việt Nam (44 trang); Chương 4: Những yếu tố tác động đối với việc
khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam
hiện nay (29 trang).
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1.1. Điểm luận tài liệu
1.2.1.1. Những nghiên cứu đề cập đến vấn đề khai thác chất liệu văn học
dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam - nhìn từ góc độ thể loại văn
học: Tuy không đặt thành một vấn đề độc lập để nghiên cứu nhưng trong
một chừng mực nhất định, các nghiên cứu trước đây của Tạ Xuân Sơn
(2007), Trần Bảo Lân (2007), Trịnh Lan Hương (2012)... đã đề cập tới việc
các nhạc sĩ VN đã khai thác nhiều thể thể loại VHDG để sáng tác ca khúc.
1.2.1.2. Những nghiên cứu đề cập đến phương thức khai thác chất liệu
văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam: Các bài viết của Văn
Chung (1961), Nguyễn Viêm (1975), Tú Ngọc (1979), Nguyễn Thị Nhung
(1983), Bùi Đình Thảo (1984), Nguyễn Thụy Kha (1998) Nguyễn Thị
Minh Châu (2006)... ít nhiều đều đã nói đến việc chuyển hóa VHDG vào
ca khúc bằng những cách thức, phương pháp nhất định. Trong sách Sức
sống của văn học dân gian trong ca khúc Việt Nam (2012), tác giả nêu lên
2 nhóm phương thức khai thác: Giữ nguyên dạng – Sử dụng nguyên khối và
Không giữ nguyên dạng – Vận dụng sáng tạo. Trong các phương thức đó lại
có những biện pháp cụ thể: phổ thơ, trích dẫn, phỏng thơ – mượn ý, phỏng
thơ - cải ý, mượn thi pháp VHDG.

1.2.1.3. Những nghiên cứu về mối liên quan giữa việc khai thác chất liệu
văn học dân gian trong sáng tác ca khúc với vấn đề tính dân tộc, bản sắc
dân tộc của âm nhạc: Các nghiên cứu của Tú Ngọc (1979), Nguyễn Viêm
5


(1982), Nguyễn Thị Nhung (1983), Tạ Xuân Sơn (2007), Trần Bảo Lân
(2013), Nguyễn Thị Minh Châu (2014)... đều khẳng định: việc khai thác
chất liệu dân gian (trong đó có VHDG) có mối quan hệ thuận chiều đối với
vấn đề tính dân tộc, bản sắc dân tộc của tác phẩm âm nhạc. Khai thác, vận
dụng CLVHDG trong quá trình sáng tác ca khúc là góp phần giữ gìn bản
sắc dân tộc trong âm nhạc VN.
1.1.2. Nhận xét
Trong một số bài viết, công trình nghiên cứu trước đây, vấn đề khai
thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN mới chỉ được đề cập tới như một
yếu tố có liên quan (chưa trở thành vấn đề độc lập để nghiên cứu) và chủ
yếu được nhìn nhận dưới góc độ văn học, âm nhạc học. Đây thực sự là một
vấn đề lớn và nhiều lý thú, cần được nghiên cứu từ góc độ văn hóa học.
1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2.1. Một số lý thuyết
1.2.1.1. Lý thuyết hệ thống: Dưới ánh sáng của lý thuyết hệ thống, đặt
hiện tượng văn hóa này trong môi trường điều kiện lịch sử, chính trị, văn
hóa, kinh tế xã hội... của dân tộc, tác giả luận án tiến hành nhận diện sự
vận động, biến đổi đồng thời lý giải những nguyên nhân dẫn đến sự biến
đổi của việc khai thác CLVHDG qua các thời kỳ lịch sử và đi sâu tìm hiểu
những yếu tố liên quan, tác động đến việc khai thác CLVHDG giai đoạn
hiện nay.
1.2.1.2. Lý thuyết diễn ngôn: Từ góc độ phân tích diễn ngôn (diễn ngôn
chính trị), khi nhìn nhận sự chi phối, “thực hành quyền lực” của chủ thể
diễn ngôn chính trị đối với những chủ thể sáng tạo nghệ thuật (là đối tượng

tiếp nhận diễn ngôn), tác giả luận án trình bày một cách lý giải về nguyên
nhân biến đổi của việc khai thác CLVHDG trong diễn trình ca khúc VN.
1.2.1.3. Lý thuyết hành động xã hội: Lý thuyết này được vận dụng để
thấy được những điều gì (động cơ, mục đích) đã thôi thúc các nhạc sĩ khai

6


thác CLVHDG một cách chủ động, có chủ ý “toan tính” trong quá trình
sáng tác ca khúc.
1.2.2. Khái niệm, thuật ngữ
1.2.2.1. Ca khúc: Ca khúc thường được nói tới với những nét nghĩa rộng, hẹp
khác nhau. Theo nghĩa rộng, ca khúc là từ dùng để chỉ một thể loại tác phẩm
thanh nhạc mà ở đó hội đủ hai yếu tố: nhạc và lời. Bài hát dân ca (thuộc âm
nhạc dân gian) hay bài hát của một nhạc sĩ (thuộc âm nhạc mới) đều được
gọi chung là ca khúc. Với nghĩa hẹp, ca khúc là một cách định danh cho
những bài hát thuộc âm nhạc mới. Ở VN, đó là những bài hát được viết từ
những năm 30 của thế kỷ XX đến nay theo cách tiếp thu các thủ pháp sáng
tác và phương thức ghi nhạc của phương Tây. Theo đó, những bài hát dân ca
không nằm trong phạm vi này.
Trong phạm vi đề tài luận án, khái niệm ca khúc được sử dụng theo
nghĩa hẹp, để chỉ các bài hát do các nhạc sĩ sáng tác (có khi gọi là ca khúc
tân nhạc, ca khúc mới để phân biệt với những bài hát dân ca trong âm
nhạc dân gian).
1.2.2.2. Ca từ: Tổng hợp một số ý kiến phát biểu về ca từ, áp dụng vào đề tài
luận án, có thể định nghĩa: ca từ là một khái niệm dùng để chỉ phần ngôn
ngữ (phần lời) trong tác phẩm âm nhạc. Trong ca khúc, nó bao gồm nhan
đề (tên gọi) và lời hát (lời ca).
1.2.2.3. Quan niệm về khai thác chất liệu văn học dân gian: Tham khảo các
định nghĩa về “khai thác”, “chất liệu”, “VHDG” trong các từ điển và tài liệu

chuyên ngành, khai thác CLVHDG được hiểu là việc người nhạc sĩ (chủ thể
sáng tạo nghệ thuật) chuyển hóa, đưa những ngôn từ nghệ thuật trong các
tác phẩm VHDG VN vào làm ca từ trong ca khúc.
12.2.4. Bản sắc dân tộc: Khái quát quá trình xuất hiện thuật ngữ “bản sắc
dân tộc”, trên cơ sở tham khảo các ý kiến trong các bài viết, công trình
nghiên cứu liên quan, tác giả luận án trình bày quan niệm: bản sắc dân tộc
là dấu hiệu cơ bản để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, tuy cả hai đều
7


có tính chung nhân loại. Trong đó, bản sắc văn hóa giống như “tấm thẻ căn
cước”, giúp nhận dạng và phân biệt giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng
trên cơ sở các trải nghiệm văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc là một bộ phận
của bản sắc dân tộc. Bản sắc có khi là cái chỉ có ở dân tộc này mà không có
ở dân tộc khác, song trong nhiều trường hợp, bản sắc là cái tuy nhiều dân
tộc cùng có nhưng lại tập trung đậm nét ở một dân tộc. Bản sắc không phải
là một cái gì nhất thành bất biến. Có trường hợp, bản sắc là thực thể có tính
khách quan, tự thân nhưng cũng có trường hợp, bản sắc là do kiến tạo.
Chất liệu dân gian (trong đó có VHDG) có vai trò quan trọng, làm nền
tảng cơ bản cho sự hình thành, kiến tạo bản sắc dân tộc trong ca khúc mới
nói chung và trong âm nhạc nói riêng.
Tiểu kết
Trong nguồn tài liệu phong phú viết về VHDG, số công trình, bài viết
về việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc chỉ chiếm một phần rất
nhỏ. Những nghiên cứu trước đây mới chỉ tập trung nhìn nhận, đánh giá từ
góc độ Văn học, Âm nhạc học mà chưa tìm hiểu từ góc độ Văn hóa học; còn
một số chiều cạnh của vấn đề vẫn chưa được đề cập tới hoặc đề cập chưa
thấu đáo. Cần tìm hiểu mục đích của việc khai thác CLVHDG, tìm hiểu sự
biến đổi, nguyên nhân biến đổi của việc khai thác CLVHDG qua các chặng
đường phát triển của ca khúc VN và xem xét những tác động của các yếu tố

xã hội đối với việc khai thác CLVHDG hiện nay.
Khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, lý thuyết hệ thống, lý thuyết diễn
ngôn, lý thuyết hành động xã hội là những cơ sở lý luận giúp tác giả luận án
nhận thức đối tượng nghiên cứu, đi tới những kiến giải phù hợp.
Liên quan đến đề tài luận án, các khái niệm, thuật ngữ: “ca khúc”, “ca
từ”, “khai thác CLVHDG”, “bản sắc dân tộc” thường được sử dụng; trong đó
thuật ngữ “bản sắc dân tộc” đã thu hút được sự chú ý của nhiều tác giả trong
nước và nước ngoài. Tác giả luận án nhất trí với quan niệm: bản sắc dân tộc
là dấu hiệu cơ bản để phân biệt để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác;
8


trong đó, bản sắc văn hóa giống như một “tấm thẻ căn cước”, giúp nhận dạng
và phân biệt giữa các cá nhân, các nhóm và cộng đồng trên cơ sở các trải
nghiệm văn hóa. Trên các diễn đàn trao đổi, học thuật, tuy còn một vài ý kiến
khác biệt nhưng đại đa số các nhà nghiên cứu VHNT đều khẳng định vai trò,
tầm quan trọng của CLVHDG đối với việc góp phần tạo nên bản sắc dân tộc
trong tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại.
Chương 2
MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN
GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM
2.1. VÌ CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ NGHỆ THUẬT
Khi sáng tác ca khúc nói chung và sáng tác ca từ nói riêng, các nhạc
sĩ phải trải qua biết bao trăn trở, tìm tòi bởi vì sự dễ dãi trong cách dùng từ
ngữ “là kẻ thù, phải xa lánh”. Suy nghĩ đó đã hướng những người sáng tác
đến việc khai thác CLVHDG - trải qua sự sàng lọc của thời gian, nó được
coi là một kho tàng vĩ đại và vô giá, ở đó hội tụ đầy đủ các giá trị nhận
thức, giáo dục, thẩm mỹ...
Qua việc tổng hợp các cứ liệu về những lời phát biểu của các nhạc sĩ
(Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Cường, An Thuyên, Trần Hoàn...) kết hợp với sự

phân tích một số tác phẩm tiêu biểu: Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng
Hiệp, thơ Đằng Giao), Sao em nỡ vội lấy chồng (Trần Tiến), Mẹ tôi (Đoàn
Bổng), Vũ khúc con cò (Phó Đức Phương), Neo đậu bến quê (An Thuyên)...,
có thể khẳng định: trong quá trình sáng tác ca khúc, nhiều nhạc sĩ VN đã tìm
thấy ở CLVHDG những giá trị quan trọng để mang lại cho tác phẩm của
mình sự lôi cuốn hấp dẫn và sức sống bền lâu; CLVHDG đã trở thành một
công cụ để phục vụ cho mục đích vì chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.
2.2. TỰ TÔN DÂN TỘC, PHỤC VỤ CUỘC ĐẤU TRANH VÌ ĐỘC
LẬP TỰ DO, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Các chặng đường phát triển của ca khúc VN luôn song hành cùng
lịch sử dân tộc. Dù trong hoàn cảnh của một nước thuộc địa cuộc đấu tranh
9


giành chính quyền hay trong thời kỳ đầu của sự nghiệp xây dựng CNXH,
dù trong khói lửa chiến tranh thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay
trong cuộc sống thời bình từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...
nhưng tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc, vì sự trường
tồn và phát triển giàu mạnh của đất nước luôn là ý thức thường trực, là cốt
lõi tinh thần của con người VN. Từ những cứ liệu ca khúc, hồi ký và
phỏng vấn các nhạc sĩ (Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy, Dương Thiệu
Tước, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Cường...) có thể khẳng định: trong các
giai đoạn lịch sử của đất nước, việc khai thác CLVHDG là một hành động
xuất phát từ tình cảm tâm nguyện và ý chí của những người sáng tác muốn
phát huy lòng yêu nước, nêu cao tác dụng của văn học nghệ thuật trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2.3. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG ÂM
NHẠC VIỆT NAM THEO CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG
Tính chất dân tộc, bản sắc dân tộc của nền văn hóa VN là một trong
những vấn đề được thường xuyên quan tâm hàng đầu trong suốt quá trình

lãnh đạo của Đảng ta. Bản sắc dân tộc được đặt ra như một yêu cầu chung
đối với tất cả các loại hình nghệ thuật (với tư cách là những thành tố của
nền văn hóa) như: văn học, múa, hội họa, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc...
Từ chủ trương, đường lối đó, cơ quan quản lý VHNT các cấp và Hội
nhạc sĩ VN đã có những hoạt động tích cực để định hướng cho xã hội. Bên
cạnh đó, bằng lời nói và hành động cụ thể của mình, những cán bộ lãnh
đạo, quản lý VHNT (Đỗ Nhuận, Cù Huy Cận, Trần Hoàn, An Thuyên, Đỗ
Hồng Quân...) đã tác động đến nhận thức của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ,
sáng tác âm nhạc về sự cần thiết, ý nghĩa của việc xây dựng nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc khai thác CLVHDG trong sáng tác
ca khúc VN được xem như một hành động gắn với mục đích giữ gìn và
phát huy bản sắc dân tộc trong âm nhạc. Chuyển từ nhận thức đó thành
hành động, các nhạc sĩ đã chủ động và tăng cường khai thác chất liệu dân
gian (trong đó có CLVHDG) trong sự nghiệp sáng tác.
10


Tiểu kết
Việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN xuất phát từ
những thôi thúc về chất lượng nghệ thuật ở bản thân những người nhạc sĩ
và cả những tác động của bối cảnh chính trị xã hội. Trong dòng chảy của
ca khúc VN, các nhạc sĩ chịu sự chi phối và tác động khá lớn bởi quan
điểm đường lối văn hóa chính thống, đã coi VHDG như là một loại chất
liệu có tính công cụ để phục vụ cho những mục đích của cá nhân cũng như
đáp ứng những yêu cầu của đời sống xã hội.
Chương 3: THỰC TẾ VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC
DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM
3.1. CÁC PHƯƠNG THỨC KHAI THÁC
Xuất phát từ quan niệm về CLVHDG, căn cứ vào những dấu hiệu
nhận biết và tiến hành khảo sát việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca

khúc VN có thể nhận thấy CLVHDG đã được các nhạc sĩ đưa vào tác phẩm
của mình bằng nhiều phương thức khác nhau. Các phương thức có thể phân
thành hai nhóm: Giữ nguyên dạng - Sử dụng “nguyên khối” (gồm: phổ
nhạc cho tác phẩm VHDG; trích dẫn tục ngữ, ca dao, câu đố, vè...); Không
giữ nguyên dạng - Vận dụng một cách sáng tạo (gồm: phỏng thơ dân gian;
dùng điển tích VHDG; dùng thi pháp VHDG).
3.2. MỨC ĐỘ KHAI THÁC CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN
3.2.1. Kết quả khảo sát:
Bảng 3.1: Mức độ khai thác các thể loại VHDG trong sáng tác ca khúc VN
Các thời kỳ

Số lần khai thác ở mỗi thể loại/
Tổng số lần khai thác (tỷ lệ %)

ca khúc
Luận lý

Tự sự

Trữ tình

Kịch

Từ năm 1930 đến
1985

48/156

22/156


86/156

0/156

(30,8%)

(14,1%)

(55,1%)

(0,0%)

Từ năm 1986 đến

34/154

9/154

109/154

2/154

nay

(22,1%)

(5,8%)

(70,8%)


(1,3%)

11


3.2.2. Nhận xét, lý giải mức độ khai thác các thể loại văn học dân gian
Các thể loại VHDG được khai thác, vận dụng với mức độ không
như nhau: ca dao (phương thức trữ tình) là thể loại được khai thác nhiều
nhất; kế đến là tục ngữ, câu đố (phương thức luận lý); các thể loại truyện
dân gian ( phương thức tự sự) ít khi được khai thác; các thể loại chèo,
tuồng... (kịch) rất ít được khai thác, vận dụng.
Ca dao được khai thác nhiều nhất bởi nó là thể loại có nhiều đặc
điểm gần gũi, tương đồng với ca từ và có khả năng vượt trội so với các
thể loại VHDG khác trong việc phản ánh đời sống và thế giới tâm hồn
con người. Con số thống kê CLVHDG thuộc các thể loại chèo, tuồng... ít
như vậy là bởi nhiều khi con số thống kê đã được tính cho các thể loại
khác (tác phẩm sân khấu dân gian thường lấy đề tài, cốt truyện từ kho
tàng thể loại truyện dân gian; lời thoại, câu nói của nhân vật sân khấu
dân gian thường được rút ra từ các thể loại tục ngữ, ca dao…). Một lý do
nữa là số lượng tác phẩm sân khấu dân gian không phong phú, sự am
hiểu và yêu thích của mọi người về sân khấu dân gian cũng hạn chế hơn
so với các thể loại VHDG khác.
3.3. XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG, BIẾN ĐỔI CỦA VIỆC KHAI THÁC
CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
CA KHÚC VIỆT NAM
Cho đến nay, theo chiều dài lịch sử dân tộc, nền ca khúc VN đã phát
triển qua 2 chặng đường lớn: từ 1930 đến 1985 (còn gọi là thời kỳ trước Đổi
mới) và từ 1986 đến nay (còn gọi là thời kỳ từ Đổi mới đến nay).
3.3.1. Về phương thức khai thác
3.3.1.1. Sự biến đổi về phương thức khai thác

+ Con số thống kê:

12


Bảng 3.2: Mức độ sử dụng các phương thức khai thác CLVHDG qua
các thời kỳ ca khúc VN
S

Các thời kỳ

T

ca khúc

T

Phương thức khai thác
Giữ

Không giữ nguyên dạng

nguyên

Phỏng

dạng

thơ


Sử

dụng

Vận dụng thi

điển

tích,

pháp VHDG

cốt truyện,

(hình ảnh,

nhân vật...

biểu tượng,
thể thơ)

1
2

Từ 1930-1985

28,2%

46,8%


12,2%

12,8%

Từ 1986 đến nay

15,6%

66,2%

6,5%

11,7%

+ Nhận xét: Qua hai thời kỳ phát triển của ca khúc VN, khi khai thác
CLVHDG, các tác giả có xu hướng ngày càng gia tăng sử dụng phương
thức Không giữ nguyên dạng (vận dụng một cách sáng tạo), giảm bớt việc
sử dụng phương thức Giữ nguyên dạng.
3.3.1.2. Nguyên nhân biến đổi về phương thức khai thác
Xu hướng vận động, biến đổi về phương thức khai tác CLVHDG có
nguyên nhân từ sự thay đổi hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của đất nước: trước
Đổi mới - 1986, cuộc sống thời chiến, văn hóa thời chiến đòi hỏi con
người VN nêu cao ý thức vì cộng đồng, vì dân tộc. Trong không khí “cái
Tôi” hòa cùng “cái Ta chung” của thời kỳ ấy, khi khai thác CLVHDG,
người sáng tác cũng không ngại ngần khi sử dụng phương thức Giữ
nguyên dạng; nếu có dùng sáng tạo - phỏng thơ thì cũng thường là Phỏng
thơ mượn ý, bởi theo cách đó, họ mới là “phát ngôn viên của tâm hồn tập
thể” để nói lên tiếng nói của nhân dân, của dân tộc mình. Nhưng khi lịch
sử đất nước sang trang mới, từ 1986 đến nay, người nhạc sĩ được đặt trong


13


một khung cảnh hiện thực mới với những trăn trở, tìm kiếm, đối thoại...;
“cái Tôi - cá nhân” được phát huy đã tạo điều kiện cho những cá tính sáng
tạo được thỏa sức vẫy vùng, tìm tòi, thử nghiệm... Trong bối cảnh đó, khi
khai thác CLVHDG (một chất liệu đã trở nên rất quen thuộc, đã từng được
nhiều người dùng), người sáng tác sử dụng phương thức Không giữ
nguyên dạng nhiều hơn thời kỳ trước.
Sự thay đổi trong những diễn ngôn chính trị về mục tiêu, nhiệm vụ
xây dựng nền văn hóa VN cũng là một nguyên nhân dẫn đến xu hướng vận
động, biến đổi về phương thức khai thác CLVHDG. Ở thời kỳ trước Đổi
mới (1986), những diễn ngôn chính trị về nguyên tắc “Dân tộc - Khoa học Đại chúng”, về “tính dân tộc”, “tính nhân dân” và diễn ngôn về mục đích
của sáng tác nghệ thuật (viết để phục vụ quần chúng nhân dân) đã tác động
đến người sáng tác - họ thường không quá bận tâm về việc phải “biến hóa”,
“lạ hóa” CLVHDG bằng dấu ấn cá nhân của chính mình. Từ năm 1986 đã
xuất hiện những diễn ngôn chính thống về việc thực hiện một yêu cầu có
tính nguyên tắc là kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nội hàm ý
nghĩa của các từ ngữ: “tiên tiến”, “kế thừa và phát huy”... đã dẫn đến một
nhận thức mới để những người nhạc sĩ, khi khai thác CLVHDG thì phải cố
gắng làm ra cái mới trên cơ sở chất liệu truyền thống quen thuộc.
Cùng với bước trưởng thành, chuyên nghiệp hóa của đội ngũ sáng tác
âm nhạc, khi khai thác CLVHDG, các nhạc sĩ ngày càng ý thức rõ hơn về
bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại người khác và
không được lặp lại chính mình. Qua quá trình sáng tác, khả năng sử dụng
ngôn từ của họ cũng ngày càng linh hoạt, điêu luyện hơn. Và đó cũng là
một căn cứ để lý giải sự vận động, biến đổi của việc khai thác CLVHDG
theo chiều hướng sử dụng phương thức Không giữ nguyên dạng ngày
càng tăng lên.

14


3.3.2. Về chủ đề nội dung của chất liệu văn học dân gian
3.3.2.1. Sự vận động, biến đổi về chủ đề nội dung
Với tư cách là một chất liệu nghệ thuật, VHDG được các tác giả đưa
vào ca khúc để biểu đạt những chủ đề nội dung nhất định. Nhìn tổng quát,
chủ đề nội dung ca khúc là vô cùng phong phú, đa dạng song có thể được
phân biệt thành ba loại: chủ đề nội dung mang tính chất sử thi, chủ đề nội
dung mang tính chất đời thường; những chủ đề nội dung khác.
+ Kết quả khảo sát:
Bảng 3.3. Mức độ khai thác CLVHDG theo các tính chất chủ đề nội
dung qua các thời kỳ ca khúc VN
Thống kê số lần khai thác theo các tính

S
T

Các giai đoạn ca khúc

chất chủ đề nội dung/ Tổng số lần khai

T

thác (%)
Tính chất
sử thi

1
2


Từ 1930 đến 1985

Tính chất
đời thường

Tính chất
khác

70/156

42/156

44/156

(Trước Đổi mới)

(44,9%)

(26,9%)

(28,2%)

Từ 1986 đến nay

21/154

94/154

39/154


(13,7%)

(61,0%)

(25,3%)

(Từ Đổi mới đến nay)

+ So sánh và nhận xét: Trong tiến trình ca khúc VN trước và sau đổi mới đất
nước (1986), các nhạc sĩ có chiều hướng ngày càng gia tăng việc khai thác chất
liệu VHDG gắn với chủ đề nội dung mang tính chất đời tư, thường nhật, cá nhân
và giảm bớt việc khai thác chất liệu VHDG gắn với chủ đề mang tính chất sử thi,
cộng đồng.
3.3.2.2. Nguyên nhân biến đổi về chủ đề nội dung của chất liệu văn học dân gian
Sự biến đổi về chủ đề nội dung CLVHDG trong ca khúc VN qua hai thời
kỳ có nguyên nhân trực tiếp là sự mở rộng biên độ hiện thực phản ánh của ca
khúc trong bối cảnh đổi mới quan điểm về mục đích sáng tác, đổi mới quan niệm
15


về hiện thực của chủ thể sáng tạo và sự thay đổi về thị hiếu âm nhạc của công
chúng. Suy cho đến cùng, sự biến đổi đó có nguyên nhân sâu xa từ sự thay đổi về
hoàn cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Bởi vì, phản ánh hiện
thực là quy luật của văn học nghệ thuật, tác phẩm văn học nghệ thuật là gương
mặt tinh thần, diện mạo tâm hồn của con người trong mỗi thời đại, mỗi giai đoạn
lịch sử nhất định.
Trong thời kỳ trước Đổi mới - 1986, nhất là trong những năm kháng chiến
và giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng CNXH, lịch sử dân tộc ghi nhận những
sự kiện lịch sử trọng đại, hào hùng. Chức năng phản ánh và mục đích giáo dục

được đề cao, nội dung tác phẩm văn học nghệ thuật cũng gắn liền với bối cảnh
hiện thực hào hùng, đậm chất sử thi đó. Còn khi đất nước trở lại cuộc sống hòa
bình, nhất là từ 1986 đén nay, sự thức tỉnh ý thức cá nhân và điều kiện cuộc sống
thời bình đã cho phép các tác giả mở rộng biên độ của hiện thực phản ánh, nhìn
nhận sâu sắc hơn về con người, quan tâm đến thị hiếu của công chúng âm nhạc.
Vì vậy, trong ca khúc VN, những chủ đề nội dung mang tính chất sử thi không
còn được viết nhiều như trước; thay vào đó là sự nở rộ của những ca khúc viết về
muôn mặt của cuộc sống đời thường... Tất yếu, những ca khúc kiểu loại này cần
đến một thứ chất liệu ngôn từ nghệ thuật phù hợp với nó. Điều đó lý giải tại sao
đến thời kỳ này, tỷ lệ phần trăm CLVHDG gắn với những chủ đề mang tính thế
sự, đời thường… tăng lên.
Tiểu kết
Khi sáng tác ca khúc, từ nguồn CLVHDG ban đầu, các nhạc sĩ VN đã
chuyển hóa vào ca từ bằng những phương thức khác nhau. Các thể loại
VHDG được khai thác ở mức độ (nhiều, ít) khác nhau tùy thuộc vào những
đặc điểm về nội dung, hình thức nghệ thuật của chúng. Nhờ có nhiều điểm
tương đồng với ca từ, lại là một thể loại tiêu biểu về số lượng và chất lượng,
lưu truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân, ca dao là thể loại VHDG được
khai thác nhiều nhất. Qua hai thời kỳ phát triển của ca khúc VN, phương
16


thức khai thác và phạm vi chủ đề CLVHDG vận động, biến đổi theo chiều
hướng gia tăng phương thức “Khai thác một cách sáng tạo”, giảm bớt việc
“Giữ nguyên dạng”; CLVHDG gắn với những chủ đề mang tính thế sự, đời
thường, cá nhân có xu hướng tăng lên và CLVHDG mang tính sử thi, cộng
đồng ít được khai thác, vận dụng so với trước. Sự vận động, biến đổi này có
nguyên nhân từ những thay đổi về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của đất nước
cùng những thay đổi ở cả góc độ chủ thể sáng tạo và công chúng âm nhạc.
Chương 4

NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN
HỌC DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM HIỆN NAY
4.1. SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước cũng như trong giai đoạn hiện
nay, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đã định hướng, tạo nên
sự chú ý, quan tâm thích đáng đến vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc nói chung
và vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc nói riêng. Đó là biểu
hiện cụ thể của mối quan hệ giữa chính trị và VHNT.
Trong âm nhạc, chủ thể sáng tạo là nhạc sĩ (composers). Họ sáng tác
theo nhu cầu tự thân, cảm xúc, khả năng và sở trường của bản thân nhưng
một trong những nhân tố có tác động sâu sắc đến cảm xúc, mục đích của họ
trong quá trình sáng tác chính là chủ trương, đường lối, chính sách văn hóa
nghệ thuật của Đảng.
4.2. CHỦ THỂ SÁNG TẠO VÀ BIỂU DIỄN CA KHÚC
Sự quan tâm nhiều hay ít đối với việc khai thác CLVHDG và hiệu quả
của việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc phụ thuộc rất nhiều vào
sự vốn hiểu biết về VHDG, nhận thức về tác dụng ý nghĩa của việc khai thác
CLVHDG và tài năng của người sáng tác.
Nhìn về góc độ biểu diễn, chính đặc điểm giọng hát, phong cách biểu
diễn của ca sĩ là yếu tố có tác động rất đáng kể đối với việc sáng tác, phổ
17


biến những ca khúc có khai thác CLVHDG nói riêng, văn hóa nghệ thuật
dân gian nói chung. Giọng hát đậm “chất dân gian”, phong cách dân gian
của người biểu diễn đã đặt ra nhu cầu, thúc đẩy các nhạc sĩ VN tiếp tục “sản
sinh nhiều đứa con tinh thần” khác từ chất liệu dân gian nói chung và từ
CLVHDG nói riêng.
4.3. QUÁ TRÌNH TOÀN CẦU HÓA VÀ SỰ GIAO LƯU, HỘI NHẬP
QUỐC TẾ

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay đã và
đang đặt âm nhạc VN trước những cơ hội phát triển và cả những thách thức
to lớn, tác động đến việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc. Nó có
tác động tích cực - thúc đẩy sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, thúc đẩy tinh
thần tự tôn dân tộc, ý thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy
bản sắc dân tộc ở một bộ phận xã hội - trong đó có đội ngũ sáng tác và công
chúng âm nhạc nhưng nó cũng dẫn tới nguy cơ làm phai nhạt đi những nét
bản sắc độc đáo, truyền thống của các nền văn hóa, tác động theo chiều
hướng tiêu cực đến việc khai thác, vận dụng chất liệu dân gian dân tộc trong
sáng tác nghệ thuật nói chung, ca khúc âm nhạc nói riêng.
4.4. YẾU TỐ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Âm nhạc vốn là một sản phẩm tinh thần, kết quả của sự sáng tạo và kết
tinh những giá trị nhân văn. Nhưng trong cơ chế thị trường, âm nhạc cũng
trở thành một thứ hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng
và do vậy cũng phải tuân theo những quy luật cung - cầu của thị trường.
Điều này có cả hai mặt tích cực và tiêu cực: một mặt, nó đòi hỏi những đổi
mới, sáng tạo không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, thúc đẩy nền âm
nhạc phát triển; mặt khác, do tác động của cơ chế thị trường, các loại hình
nghệ thuật đều ít nhiều có những biểu hiện của khuynh hướng thương mại
hóa - khi chiều theo thị hiếu của công chúng, nó dễ bị rơi vào tình trạng mất
tính định hướng, lệch chuẩn giá trị, phai nhạt bản sắc.

18


4.5. QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA, SỰ BIẾN ĐỔI HỆ GIÁ TRỊ VĂN
HÓA TRUYỀN THỐNG
Ở VN, quá trình đô thị hóa không đơn thuần là sự thay đổi về tên gọi
địa danh hành chính mà còn kéo theo sự gia tăng các thành tố không gian vật
chất đô thị, suy giảm các thành tố không gian vật chất nông thôn. Điều đó

dẫn tới sự xa rời hệ giá trị văn hóa truyền thống của một bộ phận cư dân đô
thị - nhất là giới trẻ. Khi mà những cảnh vật, con người cùng lối sống của
thời quá khứ xa xưa và hệ giá trị văn hóa truyền thống (được ghi lại trong
VHDG) đã trở nên khác lạ, xa vời so với cảnh vật, con người cùng lối sống
của họ ngày nay; khi ý thức về cái tôi cá nhân dần mạnh lên, có khi lấn át ý
thức cộng đồng, những cái mới lạ được tán dương ca ngợi; khi những cảnh
đi cấy dưới trăng, tát nước đêm trăng, con đò, bến nước, cây đa, giếng làng,
con cò, ruộng lúa yếm thắm, nón quai thao... chỉ còn đâu đó trong hoài niệm
của những người lớn tuổi, còn đa số những người trẻ chưa một lần biết tới
thì sự thiếu vắng dần của những “lời quê”, lời ca dao, tục ngữ, những hình
ảnh biểu tượng... VHDG trong đời sống xã hội nói chung và trong văn học
nghệ thuật nói riêng là điều dễ xảy ra.
Trong tình hình nói trên, với những nhạc sĩ lớn tuổi hoặc người đã
từng có những trải nghiệm về cuộc sống nông thôn và làng quê, khi sáng tác
ca từ cho ca khúc mới của mình, việc họ dùng những ngôn từ VHDG nhiều
khi chỉ là để nói lên tâm trạng, nỗi niềm tiếc nhớ về những gì của một thời
đã mất, không còn trong thực tại.
4.6. VĂN HÓA ĐỌC
Văn hóa đọc hiện nay đang xuống cấp. Sự phát triển mạnh mẽ của các
phương tiện nghe nhìn, sự bùng nổ của internet, sự xuất hiện đầy lôi cuốn
của mạng xã hội… đã khiến cho thói quen đọc sách bị mai một, sách giấy
không còn đứng ở vị trí độc tôn, sách văn chương (trong đó có thơ ca) khó
tìm được độc giả...

19


Thực trạng này có tác động tiêu cực đối với việc khai thác chất liệu
VHDG trong sáng tác ca khúc hiện nay. Bởi vì, người sáng tác phải cần
đến sách, đọc sách văn chương rất nhiều mới mong có được sự hiểu biết

phong phú, sâu sắc, làm tiền đề cho việc khai thác CLVHDG. Ở một khía
cạnh khác, nếu người thưởng thức ca khúc là người ít đọc sách, “không
thèm đọc sách”, không biết, thuộc, nhớ... tác phẩm VHDG thì cho dù có
vận dụng, khai thác CLVHDG, người nhạc sĩ cũng chỉ là người “độc
thoại” nên ngày càng ít mặn mà đối với việc tìm tòi khai thác CLVHDG,
chất lượng và hiệu quả vì vậy cũng bị giảm sút.
4.7. SỰ KHIẾM KHUYẾT, BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SÁNG TÁC, BIỂU DIỄN, GIÁO DỤC ĐÀO
TẠO VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Trong giai đoạn hiện nay, công tác quản lý nhà nước về sáng tác và
biểu diễn nghệ thuật còn tồn tại một số khiếm khuyết, bất cập mà thể hiện
rõ nhất ở sự xuất hiện của các “nhạc sĩ tự phong”. Nhiều bài hát - cho dù là
“thảm họa” vẫn chưa được khoanh vùng, tránh phát tán. Một số chương
trình truyền hình vốn được coi là có nhiều đóng góp tích cực đối với việc
cổ vũ, bảo trợ cho sự phát triển của dòng ca khúc mang phong cách dân
gian đã không được những tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chủ động
thúc đẩy bằng những biện pháp tích cực và hữu hiệu nên đang trầm lắng
dần.
Trong quản lý giáo dục đào tạo cũng tồn tại một số bất cập: việc đưa
dân ca vào các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục rất hạn chế; thời lượng
và nội dung dành cho phần ca từ trong giảng dạy phân môn sáng tác ca
khúc dường như không đáng kể, vấn đề khai thác CLVHDG chưa bao giờ
xuất hiện trong nội dung dạy học đã dẫn đến tình trạng “thừa nhạc, thiếu
văn”. Bởi vậy, không ít người lúng túng trong việc nên đi từ đâu và như
thế nào để khai thác CLVHDG một cách có hiệu quả.

20


4.8. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG

Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông, báo, đài... đã xây
dựng, tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển nền âm nhạc VN đương đại
theo hướng tiếp nhận cái mới, tiếp thu phong cách và thể loại theo chuẩn
mực quốc tế nhưng vẫn giữ được cốt cách, nét đặc sắc của văn hóa Việt. Sự
đầu tư phát triển những hoạt động của các cơ quan truyền thông, báo, đài…
trong việc tổ chức các chương trình, “sân chơi lành mạnh” đã góp phần phổ
biến, lưu truyền những di sản VHDG, âm nhạc dân gian đến với rộng rãi các
tầng lớp nhân dân, làm cơ sở, nền tảng thuận lợi để các nhạc sĩ tăng cường
khai thác, vận dụng thành công CLVHDG trong quá trình sáng tác ca khúc.
Tuy nhiên, trong không khí dân chủ, cởi mở thời mở cửa và hội nhập,
các hoạt động báo chí, truyền thông còn có những khiếm khuyết, thiếu sót,
chưa đảm nhận hết vai trò trách nhiệm của mình đối với việc cổ vũ, bảo vệ
bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền và bảo tồn âm nhạc dân tộc, chưa dành
sự quan tâm đúng mức cho âm nhạc truyền thống.
Tiểu kết
Việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc được diễn ra từ trước
Cách mạng tháng Tám và hiện nay đang tiếp tục được thực hiện trong sự tác
động của nhiều yếu tố, đan xen giữa tích cực và tiêu cực (chiều thuận và
chiều nghịch). Tuy nhiên, có những yếu tố tác động tiêu cực là chủ yếu như:
văn hóa đọc - sự xuống cấp của văn hóa đọc; những khiếm khuyết, bất cập
trong quản lý nhà nước về VHNT.
Các yếu tố trên đan kết thành hệ thống, tác động đồng bộ đến đời sống
văn học nghệ thuật nói chung và tác động đến việc khai thác CLVHDG trong
sáng tác ca khúc VN nói riêng. Mặc dù vậy, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò
của chủ thể sáng tác và biểu diễn là những yếu tố rất quan trọng. Để nâng cao
chất lượng văn học nghệ thuật nói chung và chất lượng của ca khúc, hiệu quả
khai thác chất liệu văn học dân gian nói riêng, chúng ta nên quan tâm đến tất
cả các yếu tố trên.
21



KẾT LUẬN
1. Ca khúc VN ra đời từ trước Cách mạng tháng Tám. Từ đó đến
nay, lịch sử dân tộc đã trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng giành chính
quyền, kháng chiến chống Pháp, vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở miền Bắc vừa kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986. Trên một chặng
đường lịch sử dài lâu như vậy, có thể phân chia ca khúc VN thành hai thời
kỳ: thời kỳ trước năm 1986 và thời kỳ từ năm 1986 đến nay. Sở dĩ chúng
tôi phân chia như vậy là xuất phát từ những thay đổi về quan niệm về hiện
thực phản ánh, đề tài phản ánh, bước trưởng thành của đội ngũ sáng tác, sự
thay đổi về nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng âm nhạc.
2. Tuy được phân chia như vậy nhưng ca khúc VN của hai thời kỳ
trước và sau năm 1986 lại có điểm giống nhau là có một bộ phận tác phẩm
khai thác CLVHDG. Việc khai thác này nhằm ba mục đích: nâng cao chất
lượng, hiệu quả nghệ thuật; phục vụ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, xây
dựng và phát triển đất nước; nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc
theo đường lối của Đảng. Để tồn tại một quốc gia độc lập với đầy đủ ý
nghĩa của nó, ở nước ta hiện nay, vấn đề bản sắc dân tộc đã được đưa lên
tầm quốc sách. Việc khai thác chất liệu nghệ thuật dân gian (trong đó có
VHDG) phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật hiện đại là một
trong những hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong
việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc,
phù hợp với chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng.
3. Các tác giả ca khúc VN đã sử dụng nhiều phương thức khai thác
CLVHDG; tựu trung lại có thể quy về hai nhóm: Giữ nguyên dạng; không
giữ nguyên dạng - sử dụng, vận dụng một cách sáng tạo. Đối với các thể
loại VHDG, mức độ khai thác cũng khác nhau, trong đó ca dao là thể loại
được khai thác nhiều nhất.
22



×