Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

KINH TẾ XANH, CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI TOÀN CẦU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (744.07 KB, 11 trang )

KINH TẾ XANH, CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI TOÀN CẦU
Trương Quang Học và Hoàng Văn Thắng
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt

Sau 20 năm phát triển bền vững, mà trước hết là thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên
kỷ, thế giới vẫn chưa đạt được các kết quả bền vững như mong muốn. Sự phát triển vẫn
theo mô hình kinh tế “nâu”, gây hủy hoại môi trường và suy thoái tài nguyên. Gần đây,
nhân loại lại phải đối mặt gay gắt với các cuộc khủng hoảng mới mà quan trọng nhất là
cuộc khủng hoảng khí hậu/biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, kinh tế xanh được cho là
con đường khả thi nhất để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển bền vững. Việt
Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và sắp tới sẽ triển khai thực
hiện trên toàn quốc. Tăng trưởng xanh vừa tạo ra các cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cơ
cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững đất nước nhưng cũng đặt ra không ít những
khó khăn thách thức về nhiều mặt trên con đường hội nhập với xu hướng xanh toàn cầu.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau hai hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi
trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Braxin năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về
Phát triển bền vững ở Johannesburg, Nam Phi năm 2002, phát triển bền vững (PTBV) đã trở
thành xu thế chung mà toàn nhân loại đang lỗ lực hướng tới và cũng là mục tiêu chiến lược quan
trọng mà Việt Nam quyết tâm thực hiện.
Qua 20 năm PTBV, mô hình phát triển của thế giới vẫn là kinh tế “nâu”, phụ thuộc nhiều vào tài
nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và mất
cân bằng sinh thái. Gần đây trên phạm vi toàn cầu, lại liên tiếp xảy ra những cuộc khủng hoảng
mới, trong đó biến đổi khí hậu (BĐKH) được cho là thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế
kỷ XXI. Cuộc chiến chống BĐKH còn rất cam go, căng thẳng (nhất là từ sau COP13, 2007) và
cho đến nay (tại COP18, 2011), cộng đồng quốc tế vẫn chưa có được những cam kết pháp lý để
ứng phó với BĐKH, thay thế cho Nghị định thư Kyoto (KP) đã hết hiệu lực vào năm 2012


(COP18 gia hạn hiệu lực KP đến năm 2020).
Trong bối cảnh đó, ở các nước tiên tiến, kinh tế công nghiệp đang chuyển dần thành kinh tế hậu
công nghiệp và từng bước chuyển sang kinh tế tri thức. Cùng với nó, các dạng thức kinh tế của
thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dần sắc thái từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”. Thuật
ngữ “kinh tế xanh”, “tăng trưởng xanh” đã và đang được thừa nhận và phát triển kinh tế xanh
đang trở thành mô hình phát triển tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới hướng tới, thậm chí
đang lan tỏa thành một trào lưu tốt đẹp để vừa ứng phó với BĐKH vừa PTBV và tạo ra công
bằng xã hội.

3


Việt Nam, sau 20 năm đổi mới, đã thu được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển
vẫn chưa bền vững, đất nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, thậm
chí hủy hoại và lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí nguồn lực. Để giải quyết những khó
khăn, thách thức này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh (9/2012) và sắp tới
sẽ triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Bài viết này muốn nhìn khái quát bức tranh tổng thể về tăng trưởng xanh hướng tới PTBV ở Việt
Nam trong xu hướng kinh tế xanh toàn cầu hiện nay.
2. KINH TẾ XANH, CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TOÀN CẦU

2.1. Khái niệm về kinh tế xanh
Từ năm 2008, trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, nhiều tổ chức quốc tế như LHQ, Tổ
chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên hiệp Châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới
(WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)..., cũng như các quốc gia có nền kinh tế phát triển, đã triển
khai và thúc đẩy các dự án xanh và coi đây là một trong những giải pháp giúp chúng ta thoát
khỏi tình trạng suy thoái hiện nay. Nhận thức về “kinh tế xanh”, “tăng trưởng xanh” là gì và nội
hàm bao gồm những nội dung nào còn là vấn đề đang được thảo luận.
Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa “kinh tế xanh” là “nền kinh tế
vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về

môi trường và khủng hoảng sinh thái” (UNEP, 2011). Một nền kinh tế xanh được đặc trưng bởi
sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự
nhiên của Trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải cacbon,
công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp
bền vững. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải cacbon, tiết kiệm tài
nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội.
Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Xanh của Liên Hợp Quốc (GEI) quan niệm, tăng trưởng xanh
hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để
thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời
giảm phát thải khí nhà kính (KNK), khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít
chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Theo OECD, tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo
rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu
cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác
trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ
hội kinh tế mới.
Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc về Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
(UNESCAP), tăng trưởng xanh có 6 nội dung chính: sản xuất và tiêu dùng bền vững; xanh hóa
thị trường và các hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; cải tổ thuế và
ngân sách xanh; đầu tư/bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái (HST); xây dựng và thực
hiện các chỉ số hiệu quả về sinh thái.

4


2.2. Kinh tế xanh, con đường hướng tới phát triển bền vững
Kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên PTBV và kiến thức về
kinh tế học sinh thái. Các hoạt động trong nền kinh tế xanh tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích
lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa),
đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng nhất). Ba yếu tố

này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.
Trong kinh tế xanh, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng,
đổi mới nền kinh tế và phúc lợi xã hội. Khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống
dưới mức nghèo khổ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hơn nữa họ là những đối tượng dễ bị tổn
thương do tác động của thiên tai cũng như BĐKH, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng
góp phần cải thiện sự công bằng xã hội, và có thể được xem như là một hướng đi tốt để phát triển
bền vững. Tăng trưởng xanh còn là định hướng mới, thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô
hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những
nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ hiện nay cũng
như cho những thế hệ mai sau.
Như vậy, khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng
được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho PTBV. Nói cách khác, kinh tế xanh không
thay thế PTBV mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu PTBV (Hình 2.1).

(A)

(B)

Nguồn: European Environment Agency, eea.europa.eu.
Hình 2.1. Sơ đồ phát triển bền vững (UNESCO) (A) và
Kinh tế xanh, con đường phát triển bền vững (B)
2.3. Kinh tế xanh góp phần xóa đói giảm nghèo
Hướng tới nền kinh tế xanh được coi như là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm
nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống. Một nền kinh tế xanh củng cố tăng trưởng kinh
tế vì người nghèo thông qua việc bảo vệ và tích lũy vốn tự nhiên, mà sinh kế của người nghèo
phụ thuộc. Trong một kịch bản đầu tư xanh, 2% GDP toàn cầu được phân bổ để “làm xanh” các
lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, chất thải, nông nghiệp, thủy sản, nước và rừng. Kinh
tế xanh sẽ cung cấp các nguồn năng lượng có khả năng hỗ trợ cho 1,4 tỷ người hiện đang thiếu
điện và cho hơn 700 triệu người khác hiện đang không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng


5


hiện đại. Công nghệ năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và các chính
sách hỗ trợ năng lượng hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể cho việc cải thiện đời sống và sức khỏe cho
một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là cho những người hiện đang không có khả
năng tiếp cận với năng lượng. Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về PTBV, Rio+20 năm 2012, đã
nhất trí thông qua một văn kiện quan trọng có tựa đề “Tương lai mà chúng ta mong muốn”, và
đặc biệt, đã quyết định dành 323 tỷ USD cho sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon
mang tên “Năng lượng bền vững cho tất cả”, với mục đích đảm bảo cho hơn 1,3 tỷ người tại các
nước nghèo được tiếp cận năng lượng sạch và hiệu quả vào năm 2030.
2.4. Kinh tế xanh giảm nhẹ biến đổi khí hậu
Theo tính toán, chỉ cần đầu tư khoảng 1,25% GDP toàn cầu vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng
năng lượng trong các ngành và phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả nhiên liệu sinh học thế
hệ hai, mức độ tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới có thể giảm đi 36% vào năm 2030 và lượng
khí CO2 thải ra hàng năm sẽ giảm từ 30,6 tỷ tấn năm 2010 xuống 20 tỷ tấn năm 2050. Thêm vào
đó, nhờ vào nông nghiệp xanh, kịch bản kinh tế xanh ước tính có thể giảm nồng độ KNK xuống
450 ppm vào năm 2050, một mức độ được cho là hợp lý và đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở
ngưỡng 2oC.
2.5. Kinh tế xanh duy trì và tăng cường vốn tự nhiên
Theo UNEP (2011), các khoản đầu tư xanh trong các lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp sẽ
giúp đảo ngược xu thế suy giảm đất lâm nghiệp hiện nay, tái tạo khoảng 4,5 tỷ ha nguồn tài
nguyên quan trọng này trong vòng 40 năm tới. Đầu tư vào nông nghiệp xanh vừa nâng cao năng
suất, sản xuất ra nhiều lương thực hơn vừa giúp giảm lượng đất sử dụng cho nông nghiệp và
chăn nuôi 6% và cải thiện chất lượng đất nông nghiệp lên 25% vào năm 2050.
Ngoài ra, đầu tư để tăng nguồn cung cấp nước, mở rộng khả năng tiếp cận, cũng như cải thiện
quản lý sẽ cung cấp thêm 10% nguồn cung nước toàn cầu cả trước mắt và lâu dài, thêm vào đó
có thể góp phần duy trì nguồn tài nguyên nước ngầm và nước mặt.
2.6. Kinh tế xanh – xu thế tất yếu
Các sáng kiến được các cơ quan Liên Hợp Quốc thúc đẩy hướng tới nền kinh tế xanh như: nông

nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), đầu tư công nghệ sạch (WB), việc làm xanh
(ILO), kinh tế xanh (UNEP), giáo dục vì sự phát triển bền vững (UNESCO), xanh hóa khu vực y
tế (WHO), thị trường công nghệ xanh (WIPO), tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), giải
pháp năng lượng xanh (UN WTO), sản xuất sạch hơn và hiệu quả sử dụng tài nguyên (UNEP và
UNIDO), các thành phố và biến đổi khí hậu (UN-HABITAT), tái chế tàu biển (IMO)… đang thu
được nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo tính toán của UNEP, năm 2009, cộng đồng EU và Hoa Kỳ đã tạo ra 2-3,5 triệu việc làm khi
xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng
lượng tái tạo, với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ngân hàng Thế giới đánh giá nhu cầu đầu tư phát
triển cơ sở hạ tầng kinh tế xanh trong xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển
có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với BĐKH. Những

6


dữ liệu thực tế này cho thấy, gieo mầm kinh tế xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho
PTBV ở tương lai.
Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá
trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được PTBV và giảm đói
nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát
triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo
con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.
Hội nghị của LHQ về PTBV, Hội nghị Rio+20 (6/2012) đã đặt được nền móng cho kinh tế xanh.
Toàn bộ 30 tổ chức quốc tế chuyên ngành trong hệ thống Liên Hợp Quốc, do UNEP phối hợp
cùng với các quốc gia đi đầu trong làn sóng xanh toàn cầu, như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn
Quốc, các nước EU, đặc biệt là Đức và các nước Bắc Âu, để cùng nhau đưa ra thông điệp chung
“cộng đồng thế giới cần chuyển dịch nhanh sang nền kinh tế xanh toàn cầu để cứu Trái đất và
nhân loại”.
3. TĂNG TRƯỞNG XANH, CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA VIỆT NAM


Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang mở
ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình PTBV trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, “kinh tế xanh”.
Đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức để có thể
bắt kịp, đón đầu và hội nhập với làn sóng kinh tế xanh đang lan rộng khắp thế giới hiện nay.
3.1. Sự lựa chọn đúng đắn
Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng phát
triển chưa bền vững. Phát triển kinh tế ở nước ta vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên
thiên nhiên, năng suất lao động còn thấp, công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng
nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị
khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường tự nhiên ở nhiều nơi bị phá
hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động… Vì thế, việc tiếp cận và xây dựng
một nền kinh tế xanh là yêu cầu cấp thiết và hiện thực hóa con đường phát triển kinh tế một cách
bền vững và xóa đói, giảm nghèo.
Nhận thức rõ ý nghĩa của cơ hội này, để phát triển đất nước và hội nhập với trao lưu quốc tế,
Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng mang tính chất chiến lược: Quyết định số
2139/QĐ-TTg, ngày 05/12/2011 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu; Quyết
định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012 về phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam
giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 về phê duyệt Chiến lược
quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số
339/QĐ-TTg, ngày 19/2/2013 về phê duyệt Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi
mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn
2013-2020. Nội dung các văn bản này đã bao quát hầu như hết nội hàm, ý nghĩa, mục tiêu, quan
điểm, nguyên tắc, giải pháp, cách thức thực hiện tăng trưởng xanh, và là cơ sở pháp lý để thúc
đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

7


Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là một nội dung quan trọng của PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế
nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi

khí hậu. Tăng trưởng xanh là phương thức thúc đẩy quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng,
tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng
cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ
tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải KNK, ứng phó với
BĐKH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam đã xác định 3 mục tiêu là: (i) khuyến khích các
ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế, tiến tới
xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; (ii) ứng
dụng và phát triển công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát
thải KNK, góp phần ứng phó hiệu quả với BĐKH; và (iii) nâng cao đời sống nhân dân thông qua
việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông
qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Để thực hiên các mục tiêu trên, Chiến lược cũng đã đề ra ba nhóm nhiệm vụ quan trọng là:
(i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái
tạo; (ii) xanh hóa sản xuất; và (iii) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2020 (dự thảo 5)
đã được xây dựng và đang trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, các kế hoạch hành động sẽ được
xây dựng và triển khai ở các bộ, ngành và địa phương trên phạm vi toàn quốc.
3.2. Cơ hội
Kinh tế xanh là một cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với xu hướng phát triển xanh
toàn cầu:
3.2.1. Việt Nam có những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên vị thế, dân số, xã hội
– những tiền đề tốt cho nền kinh tế xanh. Việt Nam có nhiều tiềm năng để:
+ Phát triển nông nghiệp và để trở thành nhân vật chủ chốt, có “quyền lực xanh” trong vai trò
đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới trong tương lai.
+ Phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biển, năng
lượng thủy điện, năng lượng sinh khối…), yếu tố quan trọng nhất trong Kỷ nguyên năng lượng –
khí hậu sắp tới.
+ Đa dạng hóa nền kinh tế, dựa trên sự đa dạng về địa hình, khí hậu và tài nguyên/các HST để
khai thác thế mạnh của vốn tự nhiên.

+ Phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đa dạng
(28 di sản tự nhiên và văn hóa thế giới, 128 khu bảo tồn trên cạn, 5 khu Ramsa, 8 khu dự trữ sinh
quyển thế giới…).
+ Phát triển vốn tự nhiên, với tính đa dạng sinh học cao (xếp thứ 16 trên thế giới), với độ che phủ
của rừng hiện nay xấp xỉ 40%, với vùng núi rừng phía Bắc và dãy Trường Sơn chạy dọc đất nước,
đảm bảo các dịch vụ HST cho sự phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa, đảm bảo an ninh nguồn nước,

8


cung cấp nơi cư trú và duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai như lũ lụt, lở đất, xói mòn và
bồi tụ đất đai.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội vừa qua, vốn tự
nhiên của chúng ta còn bị lãng phí nhiều và chưa được đánh giá đúng mức.
3.2.2. Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua (Hình 3.1) đã tạo ra nội
lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và
suy giảm tài nguyên trong thời gian qua đã thức tỉnh các cấp lãnh đạo và người dân ủng hộ
hướng phát triển mới – nền kinh tế xanh – để tạo đà cho sự đồng thuận cao của xã hội: loại bỏ
phát triển “kinh tế nâu”. Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên
niên kỷ và là một trong số ít nước có khả năng hoàn thành các Mục tiêu này (đặc biệt là Mục tiêu
giảm nghèo) đúng thời gian (2015).
12

10.69

Tăng trưởng (% )

10

10.38


8.48
8.44

8

10.22
8.85

8.29
8.23

8.46

6
4

4.02

3.69

3.76

7.18
6.11
6.18
4.07

7.77.52
6.63

5.52
5.32

6.8

6.99
5.53
5.89
4.01

2.78

4.525.03
2.72

1.83

2

6.42

0
2005

2006

2007

Nông-lâm nghiệp, thủy sản


2008

2009

2010

Công nghiệp và xây dựng

2011
Dịch vụ

2012
GDP

Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê.
Hình 3.1. Tăng trưởng kinh tế chung và các lĩnh vực chính của Việt Nam, 2005-2012
3.2.3. Việt Nam có tình hình chính trị-xã hội ổn định, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, môi
trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi, theo hướng đẩy mạnh “tái cơ cấu nền kinh tế gắn
với mô hình tăng trưởng” và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã
hội giai đoạn 2011-2015.
3.2.4. Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù
lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có
khả năng tiếp thu nhanh khoa học – công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực xanh.
3.2.5. Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế (UNDP,
Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…) trong ứng phó với
BĐKH nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung.

9



Tất cả những yếu tố tích cực đó đang hội tụ lại thành bàn đạp cho Việt Nam xây dựng nền kinh
tế xanh và khẳng định sự lựa chọn “tăng trưởng xanh” là phương án tối ưu cho PTBV, xóa đói,
giảm nghèo của đất nước.
3.3. Thách thức
Tuy nhiên, con đường tiến tới nền kinh tế xanh của Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều khó
khăn, thách thức:
+ Nhận thức và trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những
năm chiến tranh kéo dài đang để lại những di hại không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn
để khắc phục.
+ Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu
thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt,
chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết của đất nước trong hội nhập.
+ Hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, còn nhiều lãng phí, tài nguyên thiên nhiên (vốn tự nhiên), nhất
là tài nguyên sinh vật, bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạo bị khai thác cạn kiệt.
+ Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó, chất lượng sản phẩm thấp,
phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, gia tăng phát thải KNK.
+ Các ngành kinh tế “nâu” đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
+ Các ngành sản xuất năng lượng sạch như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, Mặt trời, sinh
khối, địa nhiệt… chưa phát triển. Thêm vào đó, nhiều ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi
trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế… còn yếu kém.
+ Là một trong số rất ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, tính dễ tổn thương
trước thảm họa và tác động khí hậu ngày càng gia tăng.
+ Lối sống và mô hình tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn lãng phí, hủy hoại tài nguyên,
không thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
4. KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH

Để tăng trưởng xanh thành hiện thực, đòi hỏi phải có hàng loạt các điều kiện, tùy theo tình hình
và trình độ cụ thể của mỗi nước, bao gồm: hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực (con người,
có sở vật chất, trang thiết bị và tài chính), đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị quốc gia và
quốc tế... Trong đó, khoa học – công nghệ (KH-CN) và giáo dục – đào tạo có vai trò đặc biệt

quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho các hoạt động xanh, nâng cao nhân thức cho mọi
tầng lớp nhân dân và xây dựng năng lực, đào tạo nguồn nhân lực xanh.
4.1. Nghiên cứu và triển khai khoa học – công nghệ
Khoa học – công nghệ có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng xanh, cung cấp luận cứ và cơ sở
khoa học cho tất cả các hoạt động, từ hoạch định chính sách, đến tổ chức thực hiện, giám sát đánh
giá và phản hồi để hoàn thiện thể chế. Vì vậy, trước hết cần rà soát và hoàn thiện các chiến lược và
quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ theo quan điểm PTBV và xây dựng khung chính sách và
kế hoạch hành động phát triển KH-CN, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh của nền kinh tế.

10


Song song với đó, tập trung đầu tư cho nghiên cứu và triển khai các công nghệ xanh trọng điểm,
ví dụ, trong năng lượng, vật liệu và xây dựng, cơ khí giao thông vận tải, công nghệ nông-lâmsinh học, hóa học và xử lý chất thải xanh, ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp
trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh, nghiên cứu nội địa hóa công nghệ xanh…
4.2. Nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh
Để huy động rộng rãi các nguồn lực xanh trong xã hội, cần xây dựng và triển khai “Chiến lược
truyền thông Tăng trưởng xanh” để nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội, để mọi người
dân đều ý thức được trách nhiệm cộng đồng PTBV, có những lựa chọn xanh, ảnh hưởng đến các
tập quán tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và
quốc tế về tăng trưởng xanh, thúc đẩy phong trào “doanh nghiệp phát triển bền vững” và nâng
cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ tăng trưởng xanh.
4.3. Đào tạo nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh
Xây dựng năng lực, đào tạo chuyên môn là điều cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang
một nền kinh tế xanh. Vì vậy, sự thay đổi hướng tới một nền kinh tế xanh đòi hỏi các quốc gia
phải tăng cường năng lực phân tích những thách thức, xác định cơ hội, can thiệp ưu tiên, huy
động nguồn lực, thực hiện chính sách và đánh giá tiến độ. Do đó, cần thiết phải có những chương
trình đào tạo và nâng cao kỹ năng để chuẩn bị lực lượng lao động và quản lý cho một quá trình
chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Theo đó, cũng phải xanh hóa dần toàn bộ các chương trình,

giáo trình đào tạo nguồn nhân lực theo những nguyên lý và nhu cầu PTBV.
4.4. Phát triển cách tiếp cận liên ngành
Giống như PTBV và BĐKH, kinh tế/tăng trưởng xanh – con đường hướng tới PTBV trong bối
cảnh biến đổi toàn cầu – là những chủ đề phức hợp nhất. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần
quán triệt cách tiếp cận liên ngành/dựa trên HST trong tất cả các dự án/chương trình phát triển
(WB, 2010a, 2010b; Trương Quang Học, 2012, 2013a, 2013b) (Hình 4.1).
5. KẾT LUẬN

Kinh tế xanh – con đường PTBV trong bối cảnh BĐKH – đang trở thành mô hình phát triển tiên
tiến, được nhiều nước trên thế giới hướng tới và coi đây là một trong những giải pháp giúp chúng
ta thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế,
phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh
thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và sắp tới sẽ triển khai thực hiện trên phạm vi toàn
quốc. Bên cạnh những khó khăn thách thức nhất định, chúng ta cũng có nhiều cơ hội thuận lợi để
thực hiện chiến lược và hội nhập với nền kinh tế xanh của thế giới.
Xây dựng cơ sở khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh vừa là nhiệm vụ quan
trọng, nhưng cũng vừa là một cơ hội cho khoa học và giáo dục phát triển và đấy cũng chính là sứ
mệnh vẻ vang cho các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học chúng ta.

11


(A)
(B)
Nguồn: MEA, 2005; Trương Quang Học, 2012 (A); Kajikawa, 2012 (B).
Hình 4.1. Mối liên quan giữa các dịch vụ hệ sinh thái và các thành tố của cuộc sống thịnh
vượng (A); Sơ đồ cách tiếp cận liên ngành phục vụ phát triển bền vững (B)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.


Trương Quang Học, 2012. Phát triển bền vững – Chiến lược phát triển toàn cầu thế kỷ XXI.
Trong: Phục hồi hệ sinh thái và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tài liệu
hội thảo chuyên đề. NXB Nông nghiệp, Hà Nội: tr. 39-70.

2.

Trương Quang Học, 2013a. Cơ sở sinh thái học cho phát triển bền vững và ứng phó với biến
đổi khí hậu. Trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao sức chống chịu trước
biến đổi khí hậu”. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội: tr. 3-24.

3.

Truong Quang Hoc, 2013b. Research and Development of Ecosystem Based Approach in
Viet Nam. Regional Workshop “Mainstreaming Ecosystem Based Approach to Climate
Change into Biodiversity Conservation Planning”. Co-organized by ADB, MONRE, WWF
and SIDA. Ha Noi, 15-16th October 2013.

4.

Kajikawa Y., 2012. Sustainability Research: From Science to Engineering. In: Matsumoto
M., Y. Umeda, K. Masui and S. Fukusighe (Eds.). Design for Innovative Value Towards a
Sustainable Society. Proceedings of EcoDesign 2011: 7th International Symposium on
Environmentally Conscious Design and Inverse Manufacturing. Springer, Netherlands:
pp. 569-570.

5.

Millennium Ecosystem Assessement (MEA), 2005. Ecosystems and Human Well-being.
MEA, Malaysia and United States.


12


6.

UNEP, 2011. Green Economy: Towards a Green Economy: Pathway to Sustainable
Development and Poverty Eradication. Geneve: UNEP.

7.

WB, 2010a. World Development Report: Development and Climate Change. Washington
DC: World Bank.

8.

WB, 2010b. Convenient Solution to an Inconvenient Truth: Ecosystem Based Approaches
to Climate Change. World Bank.

Abstract
GREEN ECONOMY, A PATHWAY TO SUSTAINABLE DEVELOPMENT
IN THE CONTEXT OF GLOBAL CHANGE
Truong Quang Hoc and Hoang Van Thang
Centre for Natural Resources and Environmental Studies, VNU

After 20 years for pursuing sustainable development, especially 8 millennium development
goals, the world has not obtained the expected success. The development is generally
based on “brown economy”, polluting the environment and degrading natural resources.
Recently, humankind faces new critical problems, of which the most important one is
climatic crisis/climate change. In such a context, the green economy is considered the most

viable path to cope with climate change and at the same time attaining sustainable
development. Viet Nam has issued the National Strategy for Green Growth and
implemented it nationwide. Green growth will create an opportunity for Viet Nam to
implement the restructuring of the economy, rapid and sustainable development of the
country, but also poses many difficulties and challenges on the path of integration in the
global trend of green growth.

13



×