ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, TƯ TƯỞNG CƠ HỘI
THỰC DỤNG, CHẶN ĐÀ SUY THOÁI VỀ ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG
CỦA MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
Khi thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
bên cạnh mặt tích cực là kích thích tính năng động sáng tạo của con người, tạo
động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, sản xuất ra nhiều của cải vật chất
cho xã hội..., kinh tế thị trường cũng làm cho chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ
hội, thực dụng nảy nở, phát triển mạnh làm suy thoái đạo đức lối sống của một
bộ phận cán bộ đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng xét về
bản chất, hoàn toàn trái với đạo đức cách mạng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Đảng ta luôn quan tâm giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ,
đảng viên, đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng.
Trong điều kiện hiện nay, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước đòi hỏi Đảng ta phải thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ
cán bộ đảng viên của Đảng không những phải có trình độ trí tuệ cao mà còn
phải thực sự mẫu mực về phẩm chất đạo đức lối sống. Trong khi đó, trong Đảng
vẫn còn một bộ phận cán bộ đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng
cơ hội thực dụng. Đáng chú ý là mặc dù Đảng, Nhà nước đã tìm mọi biện pháp
ngăn chặn, nhưng những biểu hiện trên không những không giảm mà ngày càng
có xu hướng gia tăng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho kẻ địch lợi dụng tấn công
vào nội bộ Đảng, làm phân hoá Đảng, gây chia rẽ mất đoàn kết trong Đảng,
giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tiến tới làm mất vai trò lãnh đạo
của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải đẩy
mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự
suy thoái về đạo đức lối sống đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ đảng viên.
Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) “Nghị quyết về nhiệm vụ chủ yếu
của công tác tư tưởng lý luận trong tình hình mới” xác định: “Công tác tư
tưởng, lý luận phải góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc,
chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo
đức lối sống”1 là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý
luận
hiện nay.
1. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng,
chặn đà suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là
nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và là vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay
1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
Đảng ta về chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng
Mác, Ănghen và Lênin khi đề cập đến vấn đề này đều cho rằng: bản chất
của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng hoàn toàn trái ngược với bản
chất cách mạng của giai cấp công nhân, với mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng
sản; nó là bạn đồng hành của chủ nghĩa tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, của
những người cộng sản. Thái độ của những người cộng sản là kiên quyết đấu
tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng ra khỏi đội ngũ
những người cách mạng. Các ông yêu cầu đảng cộng sản phải nêu cao cảnh
giác, thường xuyên đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội,
thực dụng, làm trong sạch đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
đảng để đảng đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Sau khi Ph.Ănghen mất, bọn cơ hội, xét lại trong Quốc tế II lũng đoạn
phong trào công nhân, ra sức chống phá chủ nghĩa Mác, chống phá phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế. Lênin đã đấu tranh, bóc trần nguồn gốc, bản
chất của chủ nghĩa cơ hội, vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội bằng một loạt tác
phẩm. Lênin cho rằng: thực chất của chủ nghĩa cơ hội là phản bội chủ nghĩa
Mác, đội lốt những người cộng sản để chống lại chủ nghĩa Mác. Nguồn gốc của
1
Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng Khoá IX, Nxb TQG, H 2002, tr.143.
chủ nghĩa cơ hội là do giai cấp tư sản mua chuộc tầng lớp trên của giai cấp công
nhân (công nhân quý tộc) và một số phần tử tiểu tư sản, trí thức trong hàng ngũ
những người dân chủ xã hội. Những người này do mang nặng chủ nghĩa cá
nhân, xuất phát từ lợi ích cá nhân đã đã không còn giữ được bản chất cách
mạng lúc đầu, bán mình cho giai cấp tư sản, trở thành tay sai của giai cấp tư
sản. Trong tác phẩm “Làm gì”(1901) Lênin chỉ rõ: Bọn cơ hội đội lốt chủ nghĩa
Mác, bằng khẩu hiệu “tự do phê bình” đã phủ nhận những nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mác, phủ nhận vai trò của lý luận cách mạng; sùng bái “tính tự phát”
trong phong trào công nhân; đề cao đấu tranh kinh tế, hạ thấp đấu tranh chính
trị; phủ nhận học thuyết đấu tranh giai cấp, chủ trương giành chính quyền bằng
phương pháp hoà bình, bằng đấu tranh nghị viện, bằng phổ thông đầu phiếu;
chủ trương duy trì tình trạng tiểu, phân tán, địa phương chủ nghĩa; phản đối
thành lập một đảng tập trung thống nhất toàn Nga lúc đó. Điều hết sức nguy
hiểm là bọn cơ hội luôn núp dưới danh nghĩa chủ nghĩa Mác để chống lại chủ
nghĩa Mác; nó dấu mặt, trá hình, lúc ẩn, lúc hiện rất khó thấy. Lênin ví chủ
nghĩa cơ hội như con rắn nước, luôn luồn lách, len nỏi trong hàng ngũ những
người cộng sản để chống những người cộng sản, nếu không tỉnh táo thì rất khó
nhận diện. Lênin cho rằng nhiệm vụ cần kíp, trước mắt lúc này là phải đấu tranh
chống chủ nghĩa cơ hội, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Nếu không
đánh bại chủ nghĩa cơ hội thì không thể xây dựng Đảng Công nhân xã hội dân
chủ Nga vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Người luôn nhắc nhở những
người cộng sản phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác với chủ nghĩa cơ hội. Lênin đã
nêu một tấm gương mẫu mực về tinh thần và phương pháp đấu tranh chống chủ
nghĩa cơ hội.
Trong quá trình tổ chức, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã
phân tích sâu sắc tác hại của chủ nghĩa cá nhân và coi đó như một thứ vi trùng độc
hại, là nguyên nhân sinh ra đủ thứ bệnh: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo cộng sản,
óc hẹp hòi, hiếu danh vô thực, óc lãnh đạo, địa phương, cục bộ, kéo bè, kéo cánh...
Những căn bệnh đó đang hàng ngày, hàng giờ hoành hành làm suy yếu sức mạnh
của Đảng, của Chính phủ, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Theo Hồ Chí Minh chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của những người cách
mạng, trái với đạo đức cách mạng. Người cho rằng kẻ địch gồm 3 loại: chủ
nghĩa tư bản và bọn đế quốc xâm lược; thói quen, truyền thống lạc hậu; chủ
nghĩa cá nhân và tư tưởng tư sản ẩn nấp trong mỗi người chúng ta. Người xếp
chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất, là giặc nội xâm, là bạn đồng hành
của 2 loại kẻ thù kia, nó tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên,
luôn chờ cơ hội để ngóc đầu dậy. Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên
từ Trung ương đến cơ sở phải luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu
tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người vạch rõ chủ nghĩa cá nhân là bất cứ việc
gì cũng chăm lo, vun vén cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm tới lợi ích
của tập thể; đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình mình lên trên lợi ích chung của
giai cấp, của dân tộc; chủ nghĩa cá nhân là lợi mình, hại người, là công thần,
kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng,
tham lam, vụ lợi, háo danh. Hồ Chí Minh cho rằng, trong công tác xây dựng
Đảng phải đặc biệt coi trọng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vì, Đảng ta đội
tiên phong của giai cấp công nhân, đảng viên là những người tự nguyện đứng
trong hàng ngũ của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá
nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ
trung thành của nhân dân. “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu
nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che nấp
đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp
cách mạng”1.
1
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 9, tr.283.
Từ khi ra đời đến nay, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta
luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng cho
đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đồng thời kiên quyết đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đảng đã nhiều lần tiến hành
đổi mới, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình, nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu của Đảng, loại ra khỏi đảng những phần tử thoái hoá biến
chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, mang nặng
chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đảng ta cho rằng đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng là một cuộc đấu tranh
lâu dài và phải được tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, trong
mỗi con người cán bộ, đảng viên.
Sở dĩ chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng còn tồn tại
trong Đảng là vì Đảng ta ra đời từ một nước nông nghiệp, thuộc địa nửa
phong kiến, kinh tế chậm phát triển, cán bộ đảng viên chủ yếu xuất thân
từ nông dân và các tầng lớp xã hội khác nhau. Bên cạnh những mặt tích
cực, cán bộ đảng viên còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng nông dân: bảo
thủ, trì trệ, ích kỷ, nhỏ nhen; tư tưởng phong kiến: độc đoán, chuyên
quyền, hám danh, trục lợi; tư tưởng tiểu tư sản, tư sản: cơ hội, thực
dụng..., đó là sản phẩm của xã hội cũ – xã hội dựa trên chế độ chiếm hữu
tư nhân tư liệu sản xuất, là căn bệnh ngoài xã hội lây nhiễm vào trong
Đảng. Khi Đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên nắm giữ những vị trí chủ
chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chủ nghĩa cá
nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng càng có điều kiện phát triển. Chính vì
vậy Hồ Chí Minh đã cảnh báo ngay từ năm 1947 khi Đảng ta mới giành
được chính quyền rằng phải tích cực đấu tranh chống những biểu hiện
của chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng làm trong sạch Đảng để
Đảng đủ sức lãnh đạo cách mạng. Ngày nay, khi thực hiện nền kinh tế thị
trường, mở cửa, hội nhập, cán bộ đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu sự
tác động của nhiều nhân tố phức tạp, trong đó có cả sự chống phá của kẻ
thù làm cho chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng trong cán bộ
đảng viên có nguy cơ phát triển mạnh. Tình hình đó đòi hỏi phải đẩy
mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực
dụng, trước hết là trong các tổ chức đảng và bộ máy nhà nước.
1.2. Thực trạng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ
hội, thực dụng hiện nay
Những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự
suy thoái về đạo dức lối sống trong cán bộ, đảng viên không phải bây giờ
mới xuất hiện mà nó là căn bệnh của đảng cầm quyền, được Lênin chỉ ra từ
đấu thế kỷ XX. Đối với đảng ta, nó xuất hiện ngay từ khi Đảng nắm chính
quyền trong toàn quốc. Với tư cách là Chủ tịch Đảng, chủ tịch Nước trong
nhiều năm, Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này, đồng thời là
lãnh tụ tiên phong, đấu tranh kiên quyết không khoan nhượng với những
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng dưới mọi màu
sắc. Người luôn nhắc nhở các tổ chức đảng phải hết sức quan tâm giáo dục,
rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, không để cho chủ
nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng tồn tại trong hàng ngũ những
người cộng sản. Trong công tác xây dựng Đảng, cùng với việc giáo dục đạo
đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Đảng ta rất coi trọng đấu tranh chống
những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Chính vì
vậy, Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đủ sức lãnh dạo
cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cần khẳng định rằng,
Trong điều kiện hiện nay, đa số cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn giữ vững
tư cách đảng viên, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh,
được quần chúng tín nhiệm. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) Khoá VIII đã quyết
định mở cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình
trong toàn Đảng. Qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 6 (lần 2) nhữngg biểu hiện nói trên tuy có giảm bớt,
nhưng vẫn chưa tạo được những chuyển biến căn bản. Nghị quyết Trung
ương 5 Khoá IX chỉ rõ: “Hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút
phẩm chất đạo đức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân,
tư tưởng cơ hội, thực dụng phát triển” 1
Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng có nguồn gốc từ tư tưởng
tư hữu. Khi bước và kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện
mặt trái kích thích chủ nghĩa cá nhân phát triển, đi cùng với nó là tư tưởng cơ
hội, thực dụng cũng phát triển theo. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, nhiệm
vụ, quy mô, tính chất, đối tượng... lãnh đạo của Đảng có sự phát triển, mở rộng;
một số cán bộ, đảng viên ít được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách
mạng, vì vậy sự xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự suy
thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề khách
quan. Nhưng điều đáng lo ngại là mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện
pháp ngăn chặn, nhưng những biểu hiện đó vẫn có xu hướng gia tăng.
Trong thực tiễn cuộc sống, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng
biểu hiện đa dạng, phong phú, dưới mọi hình thức. Những người mang nặng
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng luôn có động cơ vụ lợi, có tham
vọng lớn, cả trong ý nghĩ và trong hành động. Đôi khi để đạt được mục đích cá
nhân họ sẵn sàng tìm mọi cách luồn lách, len lỏi, chạy chọt; triệt để lợi dụng sự
sơ hở của cơ chế, chính sách, sự yếu kém của công tác quản lý để đục khoét của
công, biến của công thành của riêng. Những lúc cách mạng gặp khó khăn, hoặc
chuyển giai đoạn là lúc những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng
cơ hội, thực dụng lộ rõ nguyên hình. Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực
Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H, 2002,
tr.117.
1
dụng tồn tại dưới nhiều cấp độ, ở cấp độ thấp nó có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong
mọi lĩnh vực. Ở cấp độ cao nó có sức mạnh ghê gớm, có thể làm lũng đoạn tổ
chức, xoá nhoà danh giới cái tốt, cái xấu. Nó là thứ giặc nội xâm, một loại vi
khuẩn độc hại, một thứ ung nhọt ẩn náu trong cơ thể Đảng. Đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng là một cuộc đấu tranh đầy khó
khăn, phức tạp vì nó không phân gianh giới, chiến tuyến rõ ràng, nó như con
lươn đổi màu luôn luồn lách, len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc sống, chi phối
các mối quan hệ, luôn thay hình đổi dạng, việc nhận biết không đơn giản, đấu
tranh với nó càng khó khăn. Những hành vi của nó đôi khi chưa cấu thành tội
phạm để có thể tố cáo, xét xử theo pháp luật, việc tìm kiếm bằng chứng, số liệu
để chứng minh kẻ cơ hội gặp rất nhiều khó khăn. Điều hết sức nguy hiểm là nếu
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng tồn tại trong cán bộ, đảng viên sẽ
làm tha hoá biến chất về đạo đức lối sống, làm suy yếu Đảng, giảm sút lòng tin
của quần chúng đối với Đảng, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng thì càng nguy hiểm.
Những năm qua chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng phát triển do
nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan. Song, chủ yếu là do cán bộ,
đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, kém ý thức tổ chức kỷ luật,
sống buông thả, sa hoa, lãng phí, không nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình. Nghị
quyết Trung ương 5 khẳng định: “Cho đến nay, hầu như chưa có đảng viên nào tự
kiểm điểm nhận có tiêu cực, tham nhũng”1. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thạt
đồng bộ, chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở; một số tổ chức đảng chưa coi trọng giáo dục, rèn
luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt
chẽ, không thường xuyên tự phê bình và phê bình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân
chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, buông lỏng công tác kiểm tra Đảng, không
Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H, 2002,
tr.117.
1
kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước,
xử lý thiếu công bằng, hữu khuynh. Nghị quyết Trung ương 5 chỉ rõ: “Một số vụ việc
tiêu cực đã rõ nhưng xử lý kỷ luật không nghiêm, không kịp thời, thiếu công bằng đã
gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”2. Nhiều đảng viên có tư tưởng
trung bình chủ nghĩa, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ngại va
chạm, nể nang, né tránh, thiếu chính kiến trong việc xử lý các công việc và quan hệ
nội bộ.
2. Một số nội dung, biện pháp chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ
hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán
bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX)
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà
suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một cuộc
đấu tranh lâu dài, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, cả ở tầm vĩ mô và vi mô, với
sự phối hợp của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng. Trước hết cần tập trung vào
một số nội dung biện pháp chủ yếu sau.
2.1. Tăng cường giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, phẩm chất đạo
đức lối sống cho cán bộ đảng viên, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện
với các biện pháp hành chính, cơ chế, chính sách
Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng. Chỉ có trên cơ sở nhận thức
đúng thì hành động mới đúng. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư
tưởng cơ hội, thực dụng chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu
rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, nhiệm vụ
cách mạng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, tư cách đảng viên, đạo đức cách
mạng của người cộng sản. Hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại của
chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Bồi dưỡng nâng cao tinh thần tự
Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H, 2002,
tr.117.
2
giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng
quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Tăng cường giáo dục,
rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục tình thương
yêu con người, giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc, tạo bầu không khí tâm lý
lành mạnh, đoàn kết thân ái tong mỗi địa phương, đơn vị. Các cấp uỷ, tổ chức
đảng, trước hết là chi bộ cần coi trọng quản lý giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng
viên, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn. Vào đảng không phải là để thăng
quan tiến chức mà là để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân. Mỗi cán bộ,
đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải hiểu đúng, làm đúng lời di huấn
của Chủ tịch Hồ chí Minh: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng ta
không có lợi ích nào khác... vô luận lúc nào, việc gì, đảng viên cán bộ cũng phải
đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết”1.
Mỗi cán bộ đảng viên phải tích cực học tập, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức
cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” Phải cả quyết sửa lỗi mình,
không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn vật chất; phải vừa là người
lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Biết hy sinh lợi ích cá
nhân, phục tùng lợi ích tập thể, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích
cá nhân. Để có đạo đức cách mạng, cán bộ đảng viên phải ra sức tu dưỡng rèn
luyện thường xuyên. Hồ Chí Minh nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên
trờ sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà củng cố và phát triển.
Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”2. Các cấp uỷ, tổ
chức đảng tăng cường kiểm tra, giúp đỡ đảng viên tu dưỡng rèn luyện đạo đức
cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Nghị quyết
Trung ương 5 đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, chỉ
thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết xử lý những cán bộ đảng viên
1
2
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 5, tr. 250-251.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 9, tr. 293.
nói và làm trái với nguyên tắc, Điều lệ Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của
Nhà nước, qui định những điều đảng viên không được làm.
Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí quan liêu, chặn đà
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Kết
hợp chặt chẽ các biện pháp tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách và phát huy
vai trò của quần chúng trong giám sát hoạt động của cán bộ đảng viên. Tiếp tục
hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản
lý tài sản công, có cơ chế quản lý ở cấp vĩ mô và cơ chế quản lý ở cấp vi mô,
không để sơ hở cho kẻ cơ hội lợi dụng. Công khai hoá các khoản kinh tế, tài
chính, ngân sách, có biện pháp hạn chế quyền lực của kẻ ban phát cơ hội. Rà
soát xây dựng các quy chế trong tuyển chọn cán bộ, nhân viên cơ quan nhà
nước, không để tạo kẻ hở. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, cất nhắc, đề bạt, bổ
nhiệm phải thăm dò dư luận, khi cần có thẻ trưng cầu ý kiến quần chúng bằng
việc bỏ phiếu kín. Thực hiện nghiêm 19 điều cấm đối với đảng viên và những
điều cấm đối với cán bộ công chức nhà nước, trước hết là đối với cán bộ chủ
chốt, cán bộ quản lý kinh tế, tài chính.
2.2. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong các tổ
chức đảng, mở rộng dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến
phê bình cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là biện pháp tốt
nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố đoàn kết thống nhất
trong Đảng, là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh do chủ
nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng sinh ra. Một trong những điều tâm
huyết nhất Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta trong di chúc thiêng liêng của mình
là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự
phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và
thống nhất của Đảng”. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của tự phê bình và phê
bình là giúp cho mọi người học tập ưu điểm của nhau, giúp nhau sửa chữa
khuyết điểm. Nhận rõ vai trò của tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã nhiều lần
mở cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, tự phê bình và phê bình trong toàn
Đảng. Tuy nhiên hiện nay chất lượng tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức
đảng vẫn chưa được nâng cao, những biểu hiện e dè, nể nang, ngại phê bình cấp
trên, che dấu khuyết điểm hoặc trù dập người phê bình vẫn còn. Vì vậy Nghị
quyết Trung ương 5 yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải đề cao
trách nhiệm, đấu tranh loại trừ tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở cơ quan, đơn
vị, cơ sở mình, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, nói và
làm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự là
tấm gương về mọi mặt cho quần chúng noi theo. Nghị quyết Trung ương 5 nhấn
mạnh: “Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự học tập, tự rèn luyện, đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng và tình trạng thoái hoá
biến chất trong Đảng. Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều
lệ Đảng và pháp luật Nhà nước” 1. Cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ chủ
chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng
phải tự phê bình và phê bình với tinh thần đồng chí trong sáng, tôn trọng, hiểu
biết lẫn nhau, nghiêm túc và khoan dung, thấu tình đạt lý, tự giác, tự nguyện,
trung thực và kiên quyết, khách quan, dũng cảm, xuất phát từ cái tâm tong sáng.
Tất cả vì mục tiêu lý tưởng, lợi ích chung của Đảng vì sự đoàn kết thống nhất
trong Đảng sự đồng thuận trong nhân dân. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ
kèn cựa, bản vị hẹp hòi địa phương chủ nghĩa làm tổn hại đến tình cảm đồng
chí, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, đưa sinh hoạt tự phê bình và phê
bình trở thành nề nếp thường xuyên; tiến hành tự phê bình và phê bình thiết thực
dân chủ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Có kế hoạch, và biện pháp kiên
Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H, 2002,
tr.117.
1
quyết khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng và mọi biểu hiện
suy thoái về đạo đức lối sống. Động viên, khuyến khích và tổ chức cho quần
chúng tham gia đóng góp ý kiến phê bình cán bộ đảng viên; có quy chế hợp lý để
quần chúng (bao gồm cả quần chúng ở nơi công tác và cư trú của cán bộ, đảng
viên). Kết hợp chặt chẽ ý kiến phát hiện của quần chúng với công tác kiểm tra
Đảng, thanh tra nhà nước để xem xét, kết luận làm rõ mức độ sai phạm của cán
bộ đảng viên được nêu trong các đơn thư tố cáo, khiếu nại của quần chúng. Có cơ
chế bảo vệ những người dũng cảm dám phê bình, đồng thời xử lý nghiêm những
biểu hiện trù dập người phê bình hoặc lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích gây
mất đoàn kết nội bộ; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh tuyên
truyền, nêu gương người tốt, việc tốt đồng thời lên án những thói hư tật xấu,
những biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng, cơ hội, thực dụng.
2.3. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá
nhân phụ trách.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt
động của Đảng ta. Đại hội VII của Đảng khẳng định, phủ nhận nguyên tắc tập
trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất. Thực tiễn chỉ rõ, ở đâu thực hiện
tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, ở đó tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, có
năng lực lãnh dạo, sức chiến đấu cao; ở đâu vi phạm nguyên tắc tập trung dân
chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách ở đó xuất hiện hiện tượng độc đoán
chuyên quyền, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng phát triển.
Những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng chỉ đạo các tổ chức đảng duy trì
thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một
số tổ chức đảng buông lỏng việc thực hiện nguyên tắc này làm cho một số cán
bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ trì có biểu hiện vi pham, độc đoán,
chuyên quyền, coi thường tập thể; vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, gây chia
rẽ bè phái, cục bộ, mất đoàn kết. Nghị quyết Trung ương 5 cho rằng, việc duy
trì thực hiện chưa tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc tập thể
lãnh đạo cá nhân phụ trách là một trong những nguyên nhân làm cho chủ nghiã
cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc đoán chuyên quyền và các biểu hiện
thoái hoá biến chất về đạo đức lối sống nảy nở phát triển.
Để chống chủ nghĩa cá nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng các tổ chức đảng cần
giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, tổ chức cho đảng viên nghiên
cứu quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ, bản chất, mối
quan hệ giữa dân chủ và tập trung, từ đó liên hệ, kiểm điểm việc chấp hành và thực
hiện nguyên tác này của bản thân, của chi bộ đảng bộ nơi mình sinh hoạt. Duy trì
thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự thống nhất về chính trị, tư
tưởng, tổ chức trong toàn Đảng, làm cho đảng trở thành một khối thống nhất, có kỷ
luật chặt chẽ, sức chiến đấu cao, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của các tổ
chức đảng và của từng đảng viên. Khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền.
Giữ vững và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp uỷ, tổ chức đảng,
mở rộng dân chủ, thảo luận thẳng thắn trước khi quyết nghị. Đề cao ý thức trách
nhiệm của đảng viên trong xây dựng và thực hiện nghị quyết. Phát huy dân chủ
phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Chống dân chủ hình thức, dân chủ
cực đoan, dân chủ vô chính phủ.
Xây dựng và thực hiện tốt quy chế lãnh đạo của các cấp uỷ chi bộ, cụ thể
hoá nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Quy định
rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, có quy chế lãnh đạo công tác
cán bộ, tài chính, kinh tế. Định kỳ tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện các
quy chế, quy định, kịp thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy
định của các cấp uỷ, tổ chức đảng.
2.4. Làm tốt công tác kiểm tra Đảng, kịp thời phát hiện và xử lý những
cán bộ đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng,
làm trong sạch các tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước, làm lành mạnh các
quan hệ xã hội.
Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo có vị trí cực kỳ quan
trọng trong công tác lãnh đạo và xây dựng Đảng; là một khâu quan trọng của tổ
chức thực hiện, nằm trong chu trình lãnh đạo của Đảng. Sau khi có nghị quyết
phải tiến hành kiểm tra để xem các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành và
thực hiện nghị quyết như thế nào, kiểm ta xem nghị quyết có đúng không, có
phù hợp với thực tiễn không để bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh nghị quyết. Kiểm
tra để phát hiện những ưu điểm, khuyết điểm, kịp thời biểu dương khen thưởng
những đảng viên, tổ chức đảng có thành tích, phê bình, uốn nắn những sai lầm,
khuyết điểm, ngăn ngừa những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội,
thực dụng, loại ra khỏi đảng những phần tử thoái hoá biến chất không còn đủ tư
cách đảng viên. Theo Hồ Chí Minh “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn
giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng
không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo
kiểm soát, kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm soát
khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”1.
Trong điều kiện hiện nay, để dấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư
tưởng cơ hội, thực dụng trong nội bộ Đảng càng đòi hỏi phải làm tốt công
tác kiểm tra. Thực tiễn cho thấy, ở những tổ chức đảng xảy ra vụ việc tiêu
cực chủ yếu là do thiếu công tác kiểm tra hoặc kiểm tra không sâu sát, tỷ mỉ
nên không phát hiện được; những cán bộ đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá
nhân tư tưởng cơ hội, thực dụng vẫn ngang nhiên thách thức tổ chức, thách
thức dư luận. Vì vậy, các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cần hết sức coi trọng công
tác kiểm tra Đảng, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra Đảng với thanh tra
nhà nước và sự giám sát của quần chúng. Không ngừng nâng cao chất lượng
1
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 5, tr. 287.
hiệu quả công tác kiểm tra. Thường xuyên quán triệt nắm vững tư tưởng chỉ
đạo, phương châm, phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra. Công tác
kiểm tra phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tình hình thực
nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra phải
toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra việc chấp hành
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là
việc chấp hành Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, nề nếp chế độ sinh hoạt Đảng.
Qua kiểm tra mà giáo dục nâng cao nhận thức giác ngộ của đảng viên, phát
hiện và ngăn ngừa, xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật
Nhà nước. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người mang nặng chủ nghĩa
cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, thoái hoá biến chất về tư tưởng chính
trị, đạo đức lối sóng, nói và làm trái với đường lối quan điểm của Đảng;
những đảng viên tham ô, tham nhũng, gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết nội
bộ, không còn đủ tư cách đảng viên, những cán bộ, đảng viên quan liêu, ức
hiếp quần chúng, sống sa hoa truỵ lạc, gây bất bình trong nhân dân.
Củng cố, kiện toàn, phát huy trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra và cán bộ
kiểm tra các cấp; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ, đặc
biệt là nâng cao đạo đức cách mạng, làm cho đội ngũ này thực sự trong sạch,
liêm khiết, thực sự chí công vô tư, không bị nhiễm nọc độc của chủ nghĩa cá
nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức lối sống. Đây
là mũi nhọn chủ yếu tấn công vào những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư
tưởng cơ hội, thực dụng, cán bộ kiểm tra là chỗ dựa đắc lực của các cấp uỷ, tổ
chức đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải lãnh đạo chặt chẽ công tác kiểm tra,
tôn trọng ý kiến của cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra, kiên quyết xử lý đảng
viên, tổ chức đảng vi phạm khi đã có kết luận rõ của uỷ ban kiểm tra.
Kết luận
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay và nhất là
những thành tựu của công cuộc đổi mới chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam là
một đảng cách mạng chân chính, luôn được xây dựng vững mạnh cả về chính
trị, tư tưởng, tổ chức, đủ sức lãnh đạo toàn dân đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa
xã hội. Trong điều kiện lịch sử mới, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề, mọi thành
tựu và khuyết điểm của công cuộc đổi mới gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo
của Đảng, vai trò của Đảng không ngừng tăng lên, đòi hỏi Đảng phải có đội ngũ
đảng viên mạnh, có trình độ trí tuệ cao, có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự
gương mẫu trong mọi lĩnh vực mới hoàn thành được nhiệm vụ Đảng giao.
Song, đáng tiếc rằng trong Đảng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, thoái hoá
biến chất về đạo đức lối sống làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Đây là một trong những trở lực lớn nhất trên con đường đi tới mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, Nghị quyết Đại
hội Đảng lần thứ IX và tiếp theo là Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) coi đấu
tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng là một trong những
nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay. Thực hiện tốt các nội
dung biện pháp trên đây nhất định sẽ làm hạn chế tiến tới đẩy lùi chủ nghĩa cá
nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức lối sống của một
bộ phận cán bộ, đảng viên.