Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Hình tượng người nghệ sĩ trong văn học xưa và nay Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (171.52 KB, 23 trang )

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NGHỆ SĨ TRONG
VĂN HỌC XƯA VÀ NAY
I. Người nghệ sĩ, một đề tài đặc biệt trong văn học xưa và nay
- Đề tài là phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm. Tính chất của
phạm vi miêu tả trực tiếp ấy rất đa dạng: chuyện người, chuyện cỏ cây,
muông thú, chuyện trần gian, chuyện thần tiên, chuyện hoang đường, ma
quái.... Nhưng mục đích của văn học không bao giờ chỉ là giới thiệu những
hiện tượng cụ thể, cá biệt của đời sống hay tưởng tượng. Tác phẩm văn học
bao giờ cũng xuyên qua một phạm vi miêu tả trực tiếp trong tác phẩm để
khái quát lên một phạm vi hiện thực đời sống nhất định có ý nghĩa sâu rộng.
- Từ trước đến nay, ta từng biết, làm quen, nghiên cứu rất nhiều đề tài
văn học, như: thiên nhiên, cuộc đời, số phận người nông dân trong xã hội
nông thôn VN trước CMT8, hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong
kiến, chiến tranh (hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp,
chống Mỹ...), tình yêu, tình bạn.... Có một đề tài dẫu xuyên suốt trong văn
học nhưng cho đến nay, có lẽ chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống:
Hình tượng người nghệ sĩ trong văn học xưa và nay. Nằm trong đề tài
này, có thể kể đến những tác phẩm như: Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du,
Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Đời thừa của Nam Cao, Kính gửi cụ
Nguyễn Du của Tố Hữu, Đàn ghi-ta của Lorca của Thanh Thảo, Vũ Như Tô
của Nguyễn Huy Tưởng. Ở đây mới chỉ liệt kê những tác phẩm nằm trong
chương trình phổ thông nhưng ta cũng có thể thấy đề tài này có số lượng tác
phẩm tương đối nhiều, bao gồm cả thơ, truyện và kịch, xuyên suốt từ trung
đại đến hiện đại. Hình tượng người nghệ sĩ trong tác phẩm văn học Việt
Nam không chỉ là những tác giả VHVN mà còn là tác giả văn học nước
ngoài (Lorca), không chỉ là những tác giả có thật ngoài đời có những tác

1


phẩm cụ thể mà còn là những nhân vật được hư cấu, tiêu biểu cho những


người nghệ sĩ đương thời (Huấn Cao, Hộ).
- Đây là một đề tài đặc biệt, vì phạm vi miêu tả trực tiếp của tác
phẩm chính là cuộc đời, số phận của những người nghệ sĩ. (Tất nhiên, ở đây
ta chỉ nói đến trường hợp người nghệ sĩ này là đối tượng được miêu tả, thể
hiện trong tác phẩm của một người nghệ sĩ khác, cùng thời hoặc khác thời.).
Hẳn trong mỗi chúng ta đều xuất hiện câu hỏi: Tại sao người nghệ sĩ lại trở
thành đề tài trong sáng tác của những tác giả khác? Lí giải vấn đề này,
chúng ta không thể không đề cập đến một vấn đề lí luận văn học: mối quan
hệ giữa tác giả - chủ thể sáng tạo và độc giả - chủ thể tiếp nhận.
+ Người nghệ sĩ trước hết là một con người như bao người bình
thường khác trong xã hội. Họ cũng có cuộc đời riêng, hoàn cảnh riêng trong
một thời đại nhất định. Họ cũng chịu những ảnh hưởng của hoàn cảnh xã
hội, cũng có tính cách và những cung bậc cảm xúc. Chỉ có điều, ở những
người nghệ sĩ, những điều đó đều được đẩy lên một mức độ rõ rệt hơn, sắc
nét hơn. Người nghệ sĩ (ở đây hiểu là người nghệ sĩ chân chính) là những
người có tài năng, có cá tính, có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động trước
những biến động của cuộc đời. Họ “yêu mãnh liệt, ghét vô bờ, nghi ngờ dữ
dội”. Vì thế, khi sáng tác, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh bức tranh cuộc
sống muôn màu mà còn kí thác những tâm tư muôn bậc của mình, như một
cách giao tiếp với đời, với người. Kết hợp với những chi tiết sự thật ngoài
đời của tác giả, ta hiểu hơn về phẩm chất, số phận của những người nghệ sĩ
ấy.
+ Khi tác phẩm – đứa con đẻ tinh thần của những người nghệ sĩ đến
tay bạn đọc, được người đọc tiếp nhận, hiểu và chia sẻ thì nghĩa là tác giả chủ thể sáng tạo đã tìm được sự đồng cảm ở độc giả - chủ thể tiếp nhận.
Nhưng, khi người sáng tác và người đọc cùng là nghệ sĩ thì sự đồng cảm
giữa họ là mối giao cảm đặc biệt, văn học gọi là sự tri âm. Điều đó dẫn đến,

2



đôi khi, cuộc đời, số phận của nghệ sĩ này lại trở thành đối tượng phản ánh
trong sáng tác của nghệ sĩ kia, cùng thời hoặc khác thời.
+ Cũng có trường hợp hình ảnh người nghệ sĩ trong tác phẩm không
phải là một tác giả thật ngoài đời có những tác phẩm cụ thể. Hình tượng
người nghệ sĩ có thể là sự góp nhặt, kết hợp những đặc điểm của những
nghệ sĩ đương thời. Trường hợp nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam
Cao hay Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là như vậy.
II. Những đặc điểm của hình tượng người nghệ sĩ trong văn học xưa và
nay.
1. Người nghệ sĩ có tài năng, phẩm chất cao đep
- Tài năng vốn là tư chất của người nghệ sĩ. Ở đây ta hiểu từ nghệ sĩ
theo nghĩa rộng, không chỉ là nhà thơ, nhà văn. Ở họ có một năng khiếu đặc
biệt, khả năng vẽ tranh, viết thư pháp, âm nhạc, sáng tác thơ, văn.... Tài
năng ấy được người đời công nhận và làm nên tên tuổi của họ. Cái Tài và
cái Tâm thường đi liền với nhau. Hình tượng người nghệ sĩ trong văn học
xưa và nay thường là những con người có tài năng, có nhan sắc (đối với phụ
nữ), có phẩm chất tốt đẹp.
- Nàng Tiểu Thanh, nhân vật được nhắc đến trong bài thơ “Độc Tiểu
Thanh ký” của Nguyễn Du, tên thật là Phùng Huyền Huyền, người ở tỉnh
Giang Tô – Trung Quốc, sống trước Nguyễn Du ba thế kỉ. Tương truyền,
nàng là một người con gái nhan sắc tuyệt trần và có tài thơ phú. Với nàng,
những trang thơ là những trang nhật kí, kí thác nỗi lòng trong những ngày
dài buồn khổ trên núi Cô Sơn. Nguyễn Du ngợi ca tài năng, nhan sắc của
nàng qua những hình ảnh ước lệ:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.”
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương).

3



“Chi phấn” chỉ nhan sắc của người phụ nữ. Nhan sắc của nàng mang vẻ
đẹp có hồn, có thần thái (hữu thần). Từ “văn chương” chỉ những sáng tác
thơ ca của nàng Tiểu Thanh khi ở trên núi Cô Sơn – nơi nàng bị vợ cả ghen
ghét giam lỏng. Chỉ thông qua một vài hình ảnh mang tính ước lệ tượng
trưng, ta thấy được nét đẹp của nàng Tiểu Thanh – một người nghệ sĩ, một
người con gái đẹp và có tài văn chương.
- Nguyễn Du
Trong những dòng thơ cuối của “Độc Tiểu Thanh ký”, Nguyễn Du đã
thiết tha gửi niềm trăn trở về hậu thế:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Và chưa đến 200 năm sau, Nguyễn Du đã có được những tiếng lòng đồng
cảm của người đời sau. Năm 1965, nhân kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn
Du, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du”. Bài thơ
được xem như sự thấu hiểu nỗi lòng, sự đáp lại những trăn trở của thi hào
họ Nguyễn từ 200 năm trước. Nếu nàng Tiểu Thanh trở thành hình ảnh
người nghệ sĩ có nhan sắc, tài năng trong thơ Nguyễn Du, thì chính vị đại
thi hào dân tộc ấy lại trở thành hình ảnh người nghệ sĩ trong trang thơ Tố
Hữu. Mỗi dòng thơ trong “Kính gửi cụ Nguyễn Du” đã cho người đọc
những cảm nhận sâu sắc về tài năng, tấm lòng của một “nghệ sĩ lớn” của
dân tộc sống ở cuối thế kỉ XVIII. Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong một
gia đình quý tộc có truyền thống văn chương, khoa bảng. Có lẽ vì thế
Nguyễn Du được hấp thụ tình yêu văn chương từ thuở nhỏ, được kế thừa tài
năng văn học từ gia đình. Cùng với những sâu sắc trong tâm hồn mình,
tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng lòng của một nghệ sĩ thiết tha tình đời,
thương xót cho những kiếp người bất hạnh:

“Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
4


Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân!”
Vì thế, tiếng thơ của Nguyễn Du đã làm lay động đất trời, nghe như lời non
nước từ nghìn năm xưa vọng về, như lời mẹ ru thiết tha, sâu lắng:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.
Những câu thơ của Tố Hữu được viết theo thể thơ lục bát với giọng thơ
thiết tha sâu lắng cùng những hình ảnh so sánh (lời non nước, tiếng mẹ ru)
đã thể hiện sự ngợi ca vẻ đẹp và ý nghĩa của thơ Nguyễn Du. Với tấm lòng
và tài năng văn chương ấy, Nguyễn Du được mệnh danh là « một nghệ sĩ
lớn, một trái tim lớn ».
- Lorca
Nếu câu thơ « Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? » của Nguyễn Du gợi
sự suy tư, niềm đồng cảm ở Tố Hữu thì câu thơ « Khi tôi chết hãy chôn tôi
với cây đàn » của người nghệ sĩ Tây Ban Nha – Lorca đã gợi cảm hứng để
một thi sĩ VN hiện đại – Thanh Thảo sáng tác nên « Đàn ghi-tar của
Lorca ». Hình tượng Lorca được thể hiện trong bài thơ là một người nghệ sĩ
tài hoa, yêu và khao khát tự do, khao khát sự cách tân, đổi mới, đúng như
những gì mà cuộc đời người nghệ sĩ của xứ sở Tây Ban cầm ấy đã thể hiện.
+ Lorca được biết đến là một người con xứng đáng của đất nước Tây
Ban Nha, là tiếng nói, là niềm vui, nỗi buồn của đất nước ấy. Nhờ những
vẫn thơ tài hoa mang đậm chất dân gian của thi sĩ Lorca mà người ta nghe
thấy tiếng hoàng hôn than khóc ánh bình minh, tiếng đàn ghi-tar cất lên xao
xuyến, tiếng đôi thằn lằn thì thầm bên tảng đá ven sông, tiếng cát lạo xạo

dưới chân cặp người yêu dạo bước bên nhau... Cuộc đời Lorca gây ấn tượng
như một mùa hè không thể nào quên, rực rõ và chan hòa ánh nắng. Ông
luôn tích cực tìm tòi những cách tân, đổi mới nghệ thuật, muốn thay đổi nền
5


nghệ thuật đã già nua của đất nước TBN. Với tính cách và tâm hồn như vậy,
việc Lorca đến với cuộc đấu tranh chống áp bức là chuyện tất yếu. Năm
1936, ông và một số người cùng chí hướng đã thành lập « Liên đoàn trí
thức chống phát xít ». Ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những con
người đấu tranh chống phát xít Franco, đòi tự do dân chủ. Cũng vì lí do đó
mà ông bị bọn chúng bí mật thủ tiêu, để lại « một vết thương khó lành »
trong lòng những người dân TBN.
+ Trong bài « Đàn ghi-tar của Lorca », hình tượng người nghệ sĩ
Lorca được thể hiện đậm nét qua những vẫn thơ giàu hình ảnh, giàu cảm
xúc. Đó là người nghệ sĩ tài hoa với tiếng đàn lung linh như bọt nước. Mẹ
Lorca chơi piano rất giỏi và ông được học nghệ thuật chơi đàn của mẹ từ
khi còn rất nhỏ. Nhưng không ai biết rõ ông học chơi đàn ghi-tar ở đâu, từ
bao giờ, vì với người dân TBN, loại nhạc cụ này tự nhiên như hơi thở. Và
rồi, tiếng đàn của Lorca đã trở nên lung linh tuyệt diệu, như nói lên linh hồn
đất nước TBN. Tiếng đàn ghi-tar của Lorca như có màu sắc (tiếng ghita
nâu, tiếng ghita xanh), hình khối (tiếng ghita tròn), có linh hồn, thân phận
(tiếng ghita ròng ròng máu chảy). Nghệ thuật của Lorca được hấp thụ từ
mạch nguồn văn hóa dân gian, rồi quay trở lại làm đẹp thêm cho nghệ thuật
dân gian, trở thành linh hồn của nghệ thuật dân tộc. Những âm thanh « li-la
li-la li-la » gợi đến tiếng đàn nhiều âm sắc của một nghệ sĩ tài năng. Cũng
vì những lí do đó mà tiếng đàn của Lorca có sức sống lâu bền, bất diệt :
« Tiếng đàn như cỏ mọc hoang. »
Nghệ thuật so sánh trong câu thơ của Thanh Thảo đã cho thấy sức sống
mãnh liệt của tiếng đàn Lorca. Có thể người nghệ sĩ bị bọn phát xít tàn ác

thủ tiêu nhưng nghệ thuật của người nghệ sĩ ấy thì còn mãi.
+ Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng với khát khao cách tân, đổi mới,
Lorca còn là một công dân khao khát tự do, đã dám đấu tranh chống lại bọn
phát xít tàn bạo.
« Tây Ban Nha
6


hát nghêu ngao »
Câu thơ phá cách và ngắn gọn của Thanh Thảo đã phần nào cho ta thấy sự
yêu thích tự do, phóng khoáng của Lorca. Tiếng hát nghêu ngao là tiếng hát
đầy cảm hứng ngẫu nhiên, không theo một khuôn mẫu nào, nói lên sự
phóng túng của người cất tiếng hát. Đó phải chăng là tiếng hát yêu đời, ca
ngợi tự do của một người nghệ sĩ của dân chúng – Lorca.
- Nhân vật Huấn Cao trong « Chữ người tử tù »
+ Nhân vật Huấn Cao được xây dựng từ nguyên mẫu Cao Bá Quát –
một nhà nho tài hoa, chân chính của thời phong kiến. Huấn Cao được thể
hiện là một người nghệ sĩ tài hoa, có khí phách hiên ngang và có thiên
lương trong sáng. Tài năng của Huấn Cao không phải tài thơ ca như Tiểu
Thanh, Nguyễn Du hay Lorca mà là tài viết chữ. Từ xa xưa, viết chữ đã trở
thành một môn nghệ thuật – nghệ thuật thư pháp. Chữ của Huấn Cao được ngợi
ca là « đẹp lắm, vuông lắm », « những nét chữ vuông, tươi tắn, nói lên hoài bão
tung hoành của một đời con người ». Chữ ấy là kết tinh của tài năng, tâm huyết
người sáng tạo nên được xem như « vật báu trên đời ». ( GV nói thêm về chữ
Hán).
+ Không chỉ viết chữ tài hoa mà Huấn Cao còn là một con người có
khí phách. Ông dám chống lại triều đình thối nát, ngay cả khi đã bị bắt, bị
kết án tử hình cũng không hề biết khuất phục. Khi bị giải đến nhà giam,
ngay trước mặt đầy đủ ban bệ nhà tù – đại diện cho triều đình phong kiến,
Huấn Cao « lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu

thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái ». Hành động đó
chẳng khác nào sự tấn công trực diện vào bè lũ quan lại của cái triều đình
đã suy tàn. Người đời khi bị lĩnh án tử hình thường run sợ, nếu có ai đưa đồ
ăn khác lạ thì lo lắng, dò xét, nhưng Huấn Cao lại « thản nhiên nhận rượu
thịt như việc vẫn thường làm trong cái hứng lúc sinh bình ». Thậm chí, ông
còn dám mắng viên quản ngục khi được người này hỏi, vơi thái độ khinh
bạc đến điều : « Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều là ngươi
7


đừng đặt chân vào đây » Huấn Cao quả thực là một con người « uy vũ bất
năng khuất ».
+ Tâm của Huấn Cao thì thật trong sáng vô ngần. Con người ấy có tài
năng nhưng « tính vốn khoảnh, ít chịu cho chữ, trừ những chỗ tri kỉ », và
« nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao
giờ ». Lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục ở cuối truyện đã
trở thành lời di huấn thiêng liêng, đề cao thiên lương trong sáng « ở đây
khó giữ thiên lương cho lành vững, rồi cũng đến nhem nhuốc mất một đời
lương thiện đi ».
Huấn Cao là tiêu biểu cho những nhà nho thế hệ cuối mùa, những
con người sống trong thời đại nhố nhăng, mâu thuẫn sâu sắc với xã hội
đương thời, cố gìn giữ thiên lương và sự trong sạch của tâm hồn.
- Nhân vật Hộ trong « Đời thừa »
+ Nếu Huấn Cao là một nhà nho cuối mùa thì Hộ là một văn sĩ nghèo
ở cái thời buổi « Cơm áo không đùa với khách thơ ». Mặc cho thời đại, ở
Hộ vẫn toát lên những phẩm chất của một nhà văn chân chính. Hộ có tài
năng và có niềm say mê văn chương. Với một gã trẻ tuổi say mê lí tưởng
như Hộ thì ngoài văn chương nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm hết.
Anh ta khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất, thích thú khi đọc được một
câu văn hay mà lại hiểu hết được ý nghĩa của nó và theo hắn, dù có giàu bạc

vạn cũng không bằng. Hộ ý thức rất rõ về lương tâm, trách nhiệm của người
cầm bút, có quan niệm về văn chương rất đúng đắn, tiến bộ. Hộ cho rằng
« Sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện » và « một tác phẩm có
giá trị là tác phẩm vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn,....phải ca tụng lòng
thương, tình bác ái, sự công bình, làm cho người gần người hơn ». Hộ nhấn
mạnh văn chương phải có sự sáng tạo, nhà văn phải biết « khơi những
nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có ». Hộ luôn luôn khát
khao sẽ xây dựng được một tác phẩm để đời, có thể giật giải Nobel.

8


+ Đầu hắn nhiều hoài bão khát khao và lòng hắn cũng chan chứa tình
yêu thương. Dẫu là một nhà văn nghèo, cuộc sống khá chật vật nhưng Hộ
đã cưu mang cứu vớt cuộc đời Từ - một người phụ nữ đã một lần lầm lỡ, lại
có thêm một mẹ già đã mù, chỉ biết góp mặt với đời bằng tiếng khóc. Để
chăm lo cho cả gia đình, Hộ đã phải tạm gác những giấc mộng văn chương
bởi với Hộ, tình thương là một lẽ sống đáng tôn thờ và « kẻ mạnh là kẻ biết
nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình ». Có thể nói, là một văn sĩ
nghèo trong thời buổi khó khăn nhưng ở Hộ toát lên những phẩm chất tốt
đẹp của một nhà văn chân chính, một con người chân chính.
- Nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch « Vũ Như Tô »
Không như những người nghệ sĩ đã kể trên, Vũ Như Tô không
phải một nhà thơ, nhà văn hay nghệ sĩ thư pháp mà là một kiến trúc sư thiên
tài « ngàn năm chưa dễ có một ». Vũ Như Tô có thể « sai khiến gạch đá
như tướng cầm quân », « xây một lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không
tính sai một viên gạch ». Mượn lời nhân vật Đan Thiềm, tác giả đã khẳng
định Vũ Như Tô « là một người tài », là người « điểm tô » cho đất nước
muôn đời. Người có tài thường nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão lớn.
Vũ Như Tô cũng vậy, luôn nuôi một lí tưởng cao cả « sẽ xây một lâu đài

nguy nga, tráng lệ, một công trình bền như trăng sao, tranh tinh xảo với
hóa công, điểm tô cho đất nước muôn đời ». Đó là lí tưởng đẹp của một
nghệ sĩ chân chính.
=> Tóm lại, hình tượng người nghệ sĩ được thể hiện trong văn
học xưa và nay một cách đa dạng, sâu sắc. Họ trước hết là những con người
có tài năng và có phẩm chất tốt đẹp. Nhưng thói thường lại « trời xanh
quen thói má hồng đánh ghen » và « chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau »
nên những con người kiệt xuất như họ thường có cuộc đời, số phận gian
truân, bất hạnh.
2. Người nghệ sĩ có cuộc đời, số phận gian truân, bất hạnh

9


* Số phận gian truân bất hạnh của người nghệ sĩ – những con
người có tài năng, có phẩm chất tốt đẹp dường như đã trở thành một « lẽ
thường », một luật « bất thành văn ». Đó là mối hận, mối « kì oan » của
những kiếp tài hoa từ xưa đến nay : « Cổ kim hận sự thiên nan vấn / Phong
vận kì oan ngã tự cư » (Độc Tiểu Thanh ký). Những trăn trở về mối hờn
kim cổ ấy là một câu hỏi lớn không có lời đáp, khó có thể hỏi trời được
(thiên nan vấn), vì hỏi trời trời không thấu, hỏi đất đất không thưa, những
kiếp phong lưu, tài hoa chỉ còn biết chấp nhận số phận.
* Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến mối « kì oan » của những
người nghệ sĩ tài hoa ?
+ Trước hết, ta không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng mạnh
mẽ của yếu tố thời đại đến cuộc đời của họ. Những nghệ sĩ trong những tác
phẩm kể trên đều sống trong hoàn cảnh thời đại có nhiều biến động, thù
địch với sắc tài hoặc không có điều kiện cho cái tài được thể hiện. Tiểu
Thanh sống trong bối cảnh xã hội phong kiến có những hủ tục lạc hậu,
trọng nam khinh nữ, Nguyễn Du sống trong thời kì triều đình PK khủng

hoảng, mục ruỗng, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, có sự thay đổi
liên tiếp các triều đại, Lorca sống trong thời kì bọn phát xít Franco hoành
hành ngang ngược với những chính sách tàn bạo, Huấn Cao sống giữa lúc
triều đình phong kiến đã suy vi. Thời đại của Hộ là thời thực dân nửa phong
kiến, văn chương đã trở thành một nghề để kiếm sống nhưng « văn chương
hạ giới rẻ như bèo / Kiếm được đồng lãi thực rất khó / Kiếm được thời ít
tiêu thời nhiều / Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu ». Vũ Như Tố sống
giữa lúc triều đình nhà Lê đang khủng hoảng trầm trọng, vua chúa ăn chơi
xa hoa, lãng phí.
+ Từ xưa đến nay, rõ ràng thời đại đã có nhiều thay đổi, từ một xã
hội phong kiến lạc hậu đến một xã hội hiện đại văn minh. Nhưng tại sao số
phận của những người nghệ sĩ vẫn mang nỗi bất hạnh ? Phải chăng có một
nguyên nhân khác thuộc về chính bản thân những người nghệ sĩ. Họ không
10


chỉ có tài năng mà còn là những con người giàu cảm xúc, tâm hồn nhạy
cảm, dễ rung động trước mọi biểu hiện của cuộc sống. Nên, trước hoàn
cảnh thời đại, họ thường sống nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, trăn trở nhiều
hơn.... nên dễ mang thêm nỗi khổ về mình.
* Như trên đã nói, cuộc đời gặp nhiều khổ đau là một nét chung ở
những người nghệ sĩ. Nhưng mỗi người với hoàn cảnh riêng khác nhau, cá
tính khác nhau, tài năng khác nhau...thì nỗi bất hạnh cũng khác nhau, có rất
nhiều cung bậc, muôn hình muôn vẻ.
- Tiểu Thanh
+ Tiểu Thanh nhan sắc và tài năng như vậy nhưng đâu có được
người đời trân trọng. Nàng bị ép gả làm vợ lẽ cho một người đàn ông giàu
có họ Phùng, rồi bị vợ cả ghen ghét, đẩy ra ở trên núi Cô Sơn cách xa nhà,
không cho gặp chồng. Tiểu Thanh sống trong cảnh biệt lập, cô đơn vò võ,
những tâm sự buồn khổ không biết ngỏ cùng ai, đành gửi gắm vào những

trang thơ đẫm lệ. Và rồi « Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương »,
nàng lâm bệnh mà chết khi mới mười tám tuổi. Những trang thơ kí thác nỗi
lòng của nàng cũng bị vợ cả tìm đốt, chỉ còn sót lại một số bài. Nàng quả
thực « Hồng nhan bạc mệnh ». Trong bài thơ « Độc Tiểu Thanh ký », qua
những vần thơ hàm súc, Nguyễn Du đã thấu hiểu cho số phận bất hạnh của
nàng :
« Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư»
Son phấn bị chôn vùi, văn chương bị tìm đốt, nhan sắc và tài năng của nàng
bị vợ cả tìm cách hủy hoại. Hai câu thơ 3-4 đối rất chỉnh (chi phấn – văn
chương, hữu thần – vô mệnh, liên tử hậu – lụy phần dư) với những từ ngữ
gợi nỗi ai oán, nỗi chua xót về một kiếp người. (liên tử hậu, lụy phần dư).
Thật đáng tiếc thương cho một kiếp tài hoa được sinh ra ở trên đời.
+ Nỗi bất hạnh của Tiểu Thanh là nỗi bất hạnh của một người
phụ nữ tài hoa nhan sắc sống trong xã hội phong kiến lạc hậu trọng nam
11


khinh nữ, thù địch với sắc, với tài. Xã hội ấy cho phép người đàn ông được
« năm thê bảy thiếp », và « cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy », nàng không có
quyền chọn đường đi cho mình, chỉ còn biết chấp nhận. Nguyễn Du đã từng
tổng kết sự bất công này trong những câu thơ đầy máu và nước mắt :
« Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau »
« Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen »
« Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung »
(Liên hệ mở rộng : Không chỉ riêng Tiểu Thanh mà còn rất nhiều hình
tượng người phụ nữ chịu nỗi bất hạnh ấy trong xã hội PK xưa : Hồ Xuân
Hương, Thúy Kiều, cung nữ...)
- Nguyễn Du

+ Nguyễn Du dẫu sinh ra trong một gia đình quý tộc, cha là tể
tướng nhưng cuộc đời không hề thuận buồm xuôi gió. Cuộc đời của một
« cậu ấm con quan » kéo dài không bao lâu, Nguyễn Du nhanh chóng bị vứt
ra ngoài đường đời gió bụi. Suốt mười năm (1786-1796) ông phải lưu lạc
nơi đất Bắc, sống cuộc sống nghèo khổ, ốm đau không có tiền mua thuốc.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, vời ra làm quan, ông nhận lời nhưng chỉ là bất
đắc dĩ.
Trong bài thơ « Kính gửi cụ Nguyễn Du », tác giả Tố Hữu đã
dùng những câu thơ giàu hình ảnh để gợi đến cuộc đời, số phận của thi hào
họ Nguyễn :
« Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình
Cô đơn đâu biết gửi mình nơi nao
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường »

12


Sống trong thời đại có nhiều biến động, Nguyễn Du tựa như cánh bèo lênh
đênh trôi dạt giữa dòng đời nhiều đục trong lẫn lộn. Hình ảnh ẩn dụ « cánh
bèo lênh đênh » không chỉ gợi đến cuộc đời nàng Kiều bất hạnh mà còn cho
ta cảm nhận về cuộc đời nhiều bấp bênh của Nguyễn Du. Đã có lúc, bậc đại
thi hào ấy sống trong tâm trạng « ngổn ngang », không biết đi con đường
nào ? Trung thành với triều Lê hay làm bề tôi cho nhà Tây Sơn ? Dẫu sao
Nguyễn Du vẫn là một nhà nho, học trò đạo Khổng, lại vốn là con quan nên
còn chưa dứt được tư tưởng « tôi trung không thờ hai chủ », cho dù ông biết
rõ triều đại nhà Lê đã có nhiều khủng hoảng. Sống trong thời đại đó,
Nguyễn Du rơi vào tình cảnh cô đơn, ngẩn ngơ trước ngọn cờ khởi nghĩa

của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Vì thế cuộc đời ND rơi vào nỗi bi
kịch « Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường ». Đó là bi kịch của một
người trí thức quý tộc mất phương hướng trong những biến đổi dữ dội của
thời đại, nặng lòng với cựu triều mà không bằng lòng với phong trào Tây
Sơn.
Ở Nguyễn Du không chỉ có bi kịch cuộc đời mà còn có bi kịch
tình đời. Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều sóng gió nhưng tâm hồn, tấm
lòng Nguyễn Du đã trải qua nhiều bão táp. Trong những năm tháng sống
lênh đênh giữa dòng đời đen bạc, Nguyễn Du đã có cơ hội để hiểu và cảm
thông với cuộc đời những người dân nghèo, những kiếp người khổ đau. Với
tấm lòng nhân đạo, Nguyễn Du đã thương xót, đồng cảm với họ. Bởi
Nguyễn Du luôn trăn trở về số phận con người nên tình đời thiết tha ở ông
« dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng / Nhân tình, nhắm mắt chưa xong / Biết
ai hậu thế khóc cùng Tố Như ? » Dẫu nhắm mắt, Nguyễn Du vẫn còn mang
một nỗi trăn trở về tình đời, tình người, còn muốn tìm một tâm hồn tri kỉ ở
hậu thế, một tâm hồn có thể cùng Tố Như khóc thương cho nhân tình thế
thái.
+ Bi kịch của Nguyễn Du là do thời đại có nhiều sóng gió,
thăng trầm, triều đình phong kiến đi vào thời kì khủng hoảng trầm trọng,
13


những cuộc khởi nghĩa chống triều đình của nhân dân liên tiếp nổi lên. Cơn
bão táp thời đại đã cuốn theo cuộc đời Nguyễn Du, mang một người từ địa
vị quý tộc, cuộc sống yên bình thả vào giữa dòng xoáy lịch sử, đẩy vào
hoàn cảnh bi kịch, vứt vào giữa dòng đời đen bạc.
- Lorca
+ Nếu như Nguyễn Du sống ở thời phong kiến có những cuộc
chiến tranh bão táp thì Lorca sống ở thời hiện đại, ở một đất nước có sự
mâu thuẫn giữa phe dân chủ và phe phát xít. Bọn phát xít Franco có những

chính sách dã man, tàn bạo khiến một người nghệ sĩ khao khát tự do như
Lorca không thể im lặng. Con chim họa mi ấy đã cất lên tiếng hót ca ngợi
tự do và trực tiếp đứng vào hàng ngũ những con người đấu tranh đòi tự do.
Hơn nữa, nền nghệ thuật Tây Ban Nha bấy giờ là một nền nghệ thuật già
nua. Lorca đã là người tiên phong trong công cuộc tìm tòi, đổi mới nền
nghệ thuật già nua ấy. Bởi thế, cuộc đời Lorca gặp bi kịch, bị bọn phát xít
bí mật bắt giữ và thủ tiêu. Người ta không tìm thấy mộ của ông. Xác của
ông được chôn ở một nơi nào đó gần quê hương ông, trong những nấm mộ
chung cùng những nạn nhân xấu số khác.
+ Trong bài thơ « Đàn ghi-tar của Lorca », nhà thơ Thanh
Thảo đã có những câu thơ nhỏ máu nói về cái chết đau thương của Lorca.
« bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ »
Không còn là màu đỏ gắt của áo choàng khoác trên mình đấu sĩ bò tót, gợi
đến cuộc đấu khốc liệt trong câu thơ « Tây Ban Nha / áo choàng đỏ gắt »
mà đó là màu đỏ của máu, gợi đến cái chết bi thương. Từ « bê bết » vừa có
tác dụng gợi hình ảnh áo choàng đẫm máu vừa gợi cảm xúc đau xót tột
cùng trước cái chết bi phẫn của một người nghệ sĩ vĩ đại. Sự ra đi đột ngột
của Lorca là một sự bất ngờ, một nỗi kinh hoàng đối với nhân dân Tây Ban
Nha, là một nỗi đau chưa lành, đến nay vẫn còn rỉ máu. Những câu thơ
« tiếng ghitar tròn bọt nước vỡ tan / tiếng ghitar ròng ròng/ máu chảy »
14


mang nỗi ám ảnh về cái chết oan khuất của Lorca. Những từ ngữ « bọt nước
vỡ tan », « ròng ròng máu chảy » không chỉ thể hiện nỗi xót xa tê tái trước
cái chết đau thương của Lorca mà còn là sự căm phẫn đến uất nghẹn trước
hành động tàn ác của bọn phát xít.
- Huấn Cao
+ Huấn Cao là một nhân vật được hư cấu trong truyện

ngắn « Chữ người tử tù » của nhà văn Nguyễn Tuân. Người nghệ sĩ ấy sinh
bất phùng thời nên mang tâm trạng bất đắc chí, đứng đầu nhóm phản
nghịch chống lại triều đình- một triều đình phong kiến đã suy tàn, và rồi bị
bắt, bị kết án tử hình. Một con người tài hoa, thuần khiết, có khí phách
ngang tàng, có thiên lương trong sáng lại bị đày ải nơi ngục tù. Khi bị giải
đến nhà giam, Huấn Cao và năm đồng chỉ của mình bị cột chặt bởi một
chiếc gông « làm bằng gỗ lim nặng, dài tám thước, nặng bảy tám tạ ». Nơi
giam giữ « một ngôi sao chính vị » là « một buồng giam chật hẹp, tăm tối,
tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián ». Đâu chỉ vậy,
người nghệ sĩ còn bị « cổ đeo gông, chân vướng xiềng ». Những gông cùm
xiềng xích ấy cùng với bản án tử hình là hiện thân cho sự đàn áp của triều
đình phong kiến thối nát đối với những kẻ « phản nghịch » như Huấn Cao.
Phiến trát thứ hai được gửi đến nhà lao Sơn Hưng Tuyên vào lúc chiều tối.
Như vậy là chỉ ngày mai, người nghệ sĩ Huấn Cao sẽ bị giải vào kinh lĩnh
án tử hình, sẽ phải ra pháp trường. Cái tài, cái đẹp, cái thiên lương phải chịu
một kết cục bi kịch, để lại nỗi tiếc xót trong lòng người.
- Hộ
Nếu Huấn Cao là một nho sĩ cuối mùa, sống ở thời buổi Tây Tàu
nhố nhăng, triều đình phong kiến thối nát, suy tàn thì Hộ là một nhà văn của
thời kì thực dân nửa phong kiến. Triều đình phong kiến thì đầu hàng, bạc
nhược, bù nhìn, thực dân Pháp thì có những chính sách dã man, tàn bạo.
Chỉ những người dân phải chịu nhiều khổ cực, trong đó có thế hệ những
nhà văn nghèo như Hộ.
15


+ Thời buổi ấy, « Cơm áo không đùa với khách thơ », vấn đề
« miếng cơm manh áo » là một vấn đề nhức nhối, khổ nhục đối với những
văn sĩ, công chức nghèo. Từ khi có cả một gia đình phải lo, Hộ không thể
bỏ qua chuyện « cơm áo gạo tiền », các loại « tiền giặt, tiền thuốc, tiền nhà,

tiền mắm... » cứ đeo bám lấy Hộ, khiến anh không thể tập trung, bình tĩnh
sáng tác. Hộ phải chấp nhận viết những tác phẩm mờ nhạt, với những nội
dung quấy loãng, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, người ta đọc rồi
quên ngay sau khi đọc. Một nhà văn chân chính phải dằn lòng cho ra đời
những đứa con tinh thần quái thai, đó là một nỗi đau vô bờ. Cho nên, mỗi
khi đọc lại, Hộ lại « nghiến răng, vò nát sách », tự mắng mình là một
« thằng khốn nạn ». Tiếng nói của lương tâm nghề nghiệp va phải hoàn
cảnh sống thiếu thốn, khó nghèo, tạo nên nỗi đau bi kịch của người nghệ sĩ.
+ Đâu chỉ vậy, con người từng tôn thờ lẽ sống tình thương ấy
lại đã hơn một lần chà đạp lẽ sống tình thương. Nguyên nhân cũng chỉ vì
một chữ « nghèo ». Vì thiếu thốn mà Hộ phải viết vội vàng những tác phẩm
mình không muốn, cốt sao có tiền chăm nuôi gia đình. Rồi sau đó Hộ lại
đau đớn khi đọc lại những tác phẩm ấy, lại không thể chịu đựng được khi
thấy một tác giả mới nổi, một cuốn sách mới ra . Không kìm nén được, Hộ
lại uống rượu, rồi về nhà say xỉn, đánh đập Từ, đuổi Từ đi. Và khi tỉnh lại,
nhìn Từ nằm ở võng với dáng vẻ gầy guộc, xanh xao, Hộ lại vô cùng đau
khổ, lại chửi mình là một « thằng khốn nạn ». Hộ đã bật khóc nức nở, nước
mắt bật ra như nước một quả chanh bị người ta bóp mạnh. Đó là biểu hiện
cao độ nhất của nỗi đau đớn tột cùng của một con người trót chà đạp lẽ
sống tình thương mà lại ý thức được điều đó. Lời ru buồn bã, đầy ai oán,
xót xa của Từ ở cuối truyện đã gợi đến một tương lai không mấy sáng lạng
của cuộc đời Hộ. Xã hội không thay đổi, cuộc sống vẫn nghèo khó thiếu
thốn thì Hộ vẫn sẽ phải viết tiếp, viết vội những tác phẩm nhạt nhẽo để
kiếm miếng cơm manh áo. Để rồi lương tâm nghề nghiệp sẽ lại cắn dứt, Hộ
sẽ lại chạnh lòng khi thấy một tác giả khác mới nổi tiếng, sẽ lại đánh đập vợ
16


con... Cái vòng luẩn quẩn của đời Hộ chưa khép lại, nỗi đau bi kịch của một
người nghệ sĩ trong hoàn cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến còn chưa

kết thúc. Những bi kịch chuyện đời, chuyện văn chương ấy đâu chỉ gặp ở
Hộ, ta còn thấy nó hiện hình rõ nét với nhiều biểu hiện khác nhau ở cuộc
đời nhà văn Điền trong truyện « Giăng sáng », thầy giáo Thứ trong tiểu
thuyết « Sống mòn » và cuộc đời chính nhà văn Nam Cao cùng nhiều nhà
văn đương thời.
- Vũ Như Tô
Nhân vật Vũ Như Tô sống ở đời vua Lê Tương Dực. Lúc này,
triều đình phong kiến đã đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, vua quan
ăn chơi sa đọa, khiến nhân dân cực khổ lầm than. Triều đình sử dụng Vũ
Như Tô như một công cụ để điểm tô cho cuộc sống giàu sang phú quý. Vua
Lê Tương Dực ép Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài làm nơi ăn chơi
hưởng lạc – điều mà Vũ Như Tô thà chết cũng không chấp nhận. Việc Vũ
Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài không phải vì sợ tội chết, mà vì nghe lời
Đan Thiềm, muốn mượn tiền và quyền của Lê Tương Dực để thực hiện ước
mơ, lí tưởng của mình, xây dựng một công trình « bền như trăng sao, tranh
tinh xảo với hóa công ». Trớ trêu thay, ước mơ ấy đã đi ngược lại với lợi
ích của nhân dân và vô tình Vũ Như Tô trở thành kẻ làm cho cuộc sống của
nhân dân càng thêm cơ cực. Vua Lê Tương Dực bắt đầu cho vơ vét thêm
của cải, tróc nã thợ thuyền để xây dựng Cửu Trùng Đài. Lại thêm thiên tai,
lũ lụt, nhân dân càng lầm than. Họ oán thán Vũ Như Tô và như một điều tất
yếu, họ vùng dậy đấu tranh đốt phá Cửu Trùng Đài, tìm giết Lê Tương Dực,
Vũ Như Tô. Bi kịch của Vũ NHư Tô là bi kịch của một người nghệ sĩ có
ước mơ xây dựng một công trình nghệ thuật để đời nhưng đất nước đang
thời buổi khó khăn, ước mơ nghệ thuật cao siêu ấy mâu thuẫn với lợi ích
thiết thực của nhân dân. Điều đáng nói nữa là, đến tận lúc ra pháp trường,
Vũ Như Tô vẫn không biết mình là người gián tiếp gây nên nỗi khổ của dân
chúng, vẫn không biết mình có tội : « Tôi làm gì nên tội. Họ hiểu nhầm »,
17



và cho rằng việc đốt phá Cửu Trùng Đài thật là vô lí. Như vậy, không phải
Vũ NHư Tô muốn hại dân, mà vô tình làm hại dân mà không biết. Vì thế,
Vũ Như Tô càng rơi vào nỗi đau bi kịch khi nhìn thấy ngọn lửa bốc lên từ
Cửu Trùng Đài, bởi với Vũ Như Tô, « đời ta không quí bằng Cửu Trùng
Đài ». Kết cục, người nghệ sĩ bị giết, công trình nghệ thuật bị hủy hoại. Đó
là một kết thúc bất hạnh đối với một nghệ sĩ tài năng.
* Tiểu kết : Từ xưa đến nay, trải qua bao biến đổi thăng trầm của
thời đại nhưng có một câu hỏi vẫn « thiên nan vấn », vẫn làm day dứt lòng
người. Tại sao những người nghệ sĩ tài năng, có phẩm chất tốt đẹp lại phải
chịu cuộc đời bất hạnh. Nỗi « kì oan »ấy biết đến khi nào mới giải ?
3. Mục đích của việc đưa hình tượng người nghệ sĩ vào tác phẩm văn
học.
- Việc đưa hình tượng người nghệ sĩ vào tác phẩm văn học trước
hết nhằm mục đích thể hiện ý thức muốn vươn tới những đỉnh cao tài năng
nghệ thuật. Tố Hữu viết về Nguyễn Du, Thanh Thảo viết về Lorca phải
chăng còn thể hiện niềm ước muốn vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà cả Nguyễn Du và Tố Hữu đều rất thành công và
để lại những tác phẩm nổi tiếng ở thể loại thơ lục bát, ở xu hướng nghệ
thuật tìm về văn hóa, văn học dân gian. Có phải Tố Hữu đã có những học
tập, kế thừa, phát huy những đặc sắc nghệ thuật thơ Nguyễn Du – một tiếng
thơ nghe « động đất trời ».
Lorca là một nghệ sĩ khao khát tìm tòi những cách tân nghệ thuật,
muốn đổi mới một nền nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha. Những vần thơ
của Lorca rất mới, rất siêu thực. Đến Thanh Thảo, nhà thơ chịu ảnh hưởng
lớn từ trường phái thơ siêu thực, luốn có ý thức tìm tòi đổi mới nghệ thuật
thơ ca. Điều đó được thể hiện trong mỗi câu chữ, hình ảnh trong thơ ông.
« hững tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha
áo choàng đỏ gắt
18



lila lia lila
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn »
- Việc đưa hình tượng người nghệ sĩ vào tác phẩm văn học
còn thể hiện sự trân trọng, ngợi ca tài năng nghệ thuật của chính những
nghệ sĩ ấy. Hơn ai hết, các tác giả văn học hiểu được sự đáng quí, đáng trân
trọng, đáng khâm phục của tài năng nghệ thuật, bởi chính họ cũng là nghệ
sĩ.Viết về Nguyễn Du, Tố Hữu thể hiện sự ngợi ca tài năng của một bậc đại
thi hào dân tộc mà tiếng thơ của Người tựa như « lời non nước », « tiếng mẹ
ru những ngày », có thể làm lay động đất trời. Viết về Lorca, Thanh Thảo
thể hiện sự trân trọng đối với một nghệ sĩ tài năng của trường phái thơ siêu
thực, một con chim họa mi ca ngợi tự do của đất nước Tây Ban Nha. Viết
về Huấn Cao, Nguyễn Tuân thể hiện sự trân trọng tài năng thư pháp của
ông Huấn, ý thức trân trọng, giữ gìn một nhã thú của dân tộc mà đến nay
chỉ còn vang bóng.....
- Không chỉ vậy, các tác giả còn viết với mục đích thể hiện sự
đồng cảm, thấu hiểu với những khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời những
người nghệ sĩ. Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh, cũng là đồng cảm với
những kiếp tài hoa nói chung, Tố Hữu là « người đời sau » đã thấu hiểu
những tiếng lòng của Nguyễn Du qua những vần thơ của Người, Thanh
Thảo sẻ chia với những khát vọng và xót xa trước những nỗi đau bi phẫn
trong cuộc đời Lorca, Nguyễn Tuân hiểu và khâm phục cả những tài năng
và bất hạnh của Huấn Cao, nhà văn Nam Cao - một nhà văn nghèo đã thấu
hiểu những khổ cực, đớn đau của Hộ - một văn sĩ nghèo trong thời buổi
loạn lạc.
Và sâu sắc hơn, các tác giả còn thể hiện sự tri âm, đồng điệu với
những người nghệ sĩ. Bởi họ (tác giả và hình tượng trong tác phẩm) cùng là

nghệ sĩ, những con người có tài năng nhưng cuộc đời gặp nhiều gian truân,
19


nên họ đi từ hiểu đến cảm thông chia sẻ với nỗi khổ của những con người
cùng cảnh ngộ. Nguyễn Du tri âm với Tiểu Thanh và khát khao tìm kiếm tri
âm ở người hậu thế. Và sau này, Tố Hữu lại thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia
với thi hào họ Nguyễn. Những người nghệ sĩ ấy, Tiểu Thanh, Nguyễn Du,
Tố Hữu đã làm thành mối tri âm liên thông từ quá khứ đến hiện tại, tương
lai. Đó là một nét đẹp trong văn học và trong tình người. Lorca từng tâm sự
« Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn » thì sau này Thanh Thảo đã tri âm
với tiếng lòng Lorca, đã thấu hiểu những bi phẫn của ông và thể hiện hình
ảnh Lorca bằng những chi tiết nghệ thuật thật đẹp
« Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
lila lila lila... »
Kết luận :
Đề bài luyện tập
Đề 1 : Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng :
« Qua một nỗi lòng, một tình huống, một cảnh ngộ của một nhân vật, nhà
văn muốn đối thoại với bạn đọc một vấn đề quan trọng về nhân sinh »
Bằng những hiểu biết về truyện ngắn « Chữ người tử tù » của Nguyễn Tuân
và « Đời thừa » của Nam Cao, anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về ý
kiến trên.
Đề 2 : Nhà văn Bùi Hiển đã phát biểu khẳng định ý nghĩa đặc biệt của tiếng
nói tri âm trong văn chương : « ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, sẻ

chia giữa người đọc và người viết là trên hết » (Báo Văn nghệ 10.2.2001).

20


Anh/chị có suy nghĩ gì về vấn đề này ? Hãy phân tích hai bài thơ « Độc
Tiểu Thanh ký » và « Kính gửi cụ Nguyễn Du » của nhà thơ Tố Hữu để làm
sáng tỏ tiếng nói tri âm ở mỗi bài.
GỢI Ý
Đề 1 :
1. Mở bài
- Dẫn dắt : Tác phẩm văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống và cũng là
một kênh giao tiếp của nhà văn với bạn đọc, với cuộc đời. Bằng cách xây
dựng những nhân vật, những tình huống truyện, nhà văn bày tỏ những cảm
xúc suy tư sâu lắng về cuộc đời, những triết lí nhân sinh sâu sắc.
- Nêu vấn đề : Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng : « .... »
- Có thể dẫn dắt từ thể loại truyện ngắn, mối quan hệ giữa nhà văn và bạn
đọc...
2. Thân bài
* Giải thích sơ lược ý kiến
- Tác phẩm phản ánh cuộc sống qua hệ thống các hình tượng, trong đó có
hình tượng nhân vật. « Nỗi lòng » chỉ những tâm sự, cảm xúc, đời sống nội
tâm của nhân vật. « Tình huống, cảnh ngộ » chỉ những hoàn cảnh, sự kiện
trong cuộc đời nhân vật. Những nỗi lòng, tình huống, cảnh ngộ ấy làm nên
diễn biến cuộc đời, số phận của nhân vật. Qua đó, nhà văn muốn trao đổi,
giao tiếp với bạn đọc về những vấn đề nhân sinh quan trọng. Như vậy, tác
phẩm văn học trở thành chiếc cầu nối giữa nhà văn và độc giả. Nhà văn
thông qua quá trình sáng tạo đã gửi gắm những suy tư, triết lí về cuộc đời
và độc giả qua quá trình tiếp nhận sẽ lĩnh hội, cảm nhận, trăn trở về những
triết lí ấy.

* Bình luận
- Khẳng định ý kiến trên đã nêu một cách ngắn gọn, rõ ràng về mối quan hệ
giữa nhà văn, tác phẩm và bạn đọc.

21


- Mỗi tác phẩm văn học là kết quả của quá trình thai nghén lâu dài của nhà
văn mà mỗi hình tượng nhân vật lại được tạo nên từ những mảnh ghép cuộc
đời. Nhà văn đã tìm kiếm, góp nhặt những mảnh đời trong cuộc sống hiện
thực, kết hợp với khả năng hư cấu tưởng tượng để tạo nên những nhân vật
có cảnh ngộ riêng, có sinh thể, có tâm hồn, xúc cảm, có diễn biến cuộc đời
với những tình huống đặc biệt, nhằm thể hiện những tư tưởng triết lí nhân
sinh.
- Huấn Cao trong tác phẩm của Nguyễn Tuân là đại diện cho thế hệ nho sĩ
cuối mùa, những con người tài hoa bất đắc chí, sống ở thời buổi Tây Tàu
nhố nhăng, mâu thuẫn sâu sắc với xã hội, không a dua theo xấu, cố gìn giữ
sự trong sạch của tâm hồn cho dù phải đánh đổi bằng tính mạng. Hộ trong
« Đời thừa » tiêu biểu cho bộ phận trí thức nghèo thời kì trước Cách mạng,
những con người bị dòng đời xô đẩy, thổi bạt. Hộ và Huấn Cao, mỗi người
một cảnh ngộ riêng. Huấn Cao là một nhà nho có tài thư pháp, nhưng vì
dám đứng lên chống lại triều đình thối nát nên bị kết án tử hình. Còn Hộ là
một nhà văn có tài, có ước mơ hoài bão nhưng lại bị gánh nặng áo cơm ghì
sát đất, muốn bay không cất nổi mình mà bay. Nhưng họ giống nhau ở một
điểm, họ đều là những người nghệ sĩ có tài năng, có phẩm chất tốt đẹp mà
cuộc đời lại thiếu may mắn, thừa đắng cay, khổ cực. Thông qua những nỗi
lòng, những tình huống, cảnh ngộ của Huấn Cao và Hộ, phải chăng các nhà
văn Nguyễn Tuân, Nam Cao muốn đối thoại với độc giả về một vấn đề
nhân sinh sâu sắc : Cuộc đời, số phận của những người nghệ sĩ tài hoa, có
phẩm giá, phần nào minh chứng cho một vấn đề khá nan giải : « Chữ tài

chữ mệnh khéo là ghét nhau »
+ Huấn Cao và Hộ đều là những nghệ sĩ tài hoa và có phẩm chất tốt đẹp.
+ Nhưng cuộc đời, số phận của họ lại đầy rẫy những trớ trêu, trắc trở.
.= > Vấn đề triết lí nhân sinh : tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng. Đó là một
câu hỏi lớn không có lời đáp làm day dứt lòng người.

22


=> Qua đó, nhà văn bày tỏ tấm lòng trân trọng, đề cao tài năng, phẩm chất
và đồng cảm, xót thương với số phận tró trêu của những người nghệ sĩ như
họ, thể hiện triết lí « tà tử đa cùng ».
3. Kết bài
Đề 2

23



×