Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Khơi dậy chất văn trong làm văn nghị luận xã hội CHuyên đề chuyên sâu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.98 KB, 10 trang )

Khơi dậy chất văn trong bài văn nghị luận xã hội
và nghị luận văn học
I. Đặt vấn đề
Văn nghị luận là kiểu bài phát biểu ý kiến, bày tỏ nhận thức, đánh
giá và thái độ của người viết về một vấn đề nào đó bằng những luận
điểm, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể. Bởi vậy, bài văn nghị luận muốn có sức
thuyết phục cần lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng tiêu biểu, phù
hợp. Nhưng, theo chúng tôi, nếu chỉ đáp ứng được những yêu cầu đó thì
cần mà chưa đủ. Muốn thuyết phục người đọc cả về tư tưởng và tình cảm,
bài văn nghị luận cần có chất văn. Nếu chất nghị luận là phần xác thì chất
văn được coi như phần hồn, nếu chất nghị luận tác động đến lí trí, giúp
người đọc hiểu vấn đề, nắm được tư tưởng của người viết thì chất văn lại
lay động trái tim người đọc, mang đến những xúc cảm sâu lắng, khiến ta
thấm thía, yêu mến, say sưa. Đặc biệt với bài viết của một học sinh giỏi,
chất văn góp phần quyết định sự thành công, tạo những ám ảnh nơi người
đọc. Như vậy, chất văn là không thể thiếu trong một bài văn nghị luận,
không chỉ góp phần tăng sức thuyết phục cho bài văn mà còn tạo nên sự
hấp dẫn, cuốn hút người đọc.
Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy có một hạn chế phổ
biến ở học sinh hiện nay là bài văn nghị luận thiếu chất văn. Bài văn nghị
luận có thể mạch lạc, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về nội dung tư tưởng
nhưng nhạt tình cảm, nghèo ngôn ngữ, thiếu tâm huyết hoặc vụng về
trong diễn đạt, nghĩa là chất văn còn hạn chế. Bài viết của học sinh đôi
khi “đao to búa lớn” mà thiếu chân thành khiến bài văn khô khan, chỉ đơn
thuần thuyết giáo cho một tư tưởng, đạo lí nào đó. Bởi vậy, khơi dậy chất
văn trong bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học là cần thiết, là
định hướng đúng đắn cho học sinh.


II. Giải quyết vấn đề
1. Khái lược về chất văn trong văn nghị luận


Có nhiều ý kiến về văn và chất văn, ở đây chúng tôi muốn hiểu văn
là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc, của thế giới bên trong con người. Con
người ở đây không phải là con người sinh học, sinh hoạt mà là con người
xã hội, con người hiểu theo chiều sâu, có tâm hồn phong phú, có những
mơ ước, niềm tin, khát vọng, băn khoăn, day dứt, đau khổ… Khi đó, văn
chính là sự lên tiếng của tâm hồn và lòng trắc ẩn của con người.
Từ đó, chất văn trong bài văn nghị luận được hiểu là những cảm
xúc, suy tư chân thành nhất của chủ thể được bộc lộ khi nghị luận về một
vấn đề nào đó (chính trị, xã hội hoặc văn học). Chất văn được thể hiện ở
sự thấu hiểu vấn đề không chỉ bằng lí trí mà còn bằng trái tim, bàn về vấn
đề bằng chính những trải nghiệm chân thành, đặt mình là người trong
cuộc để hiểu sâu sắc và thấu đáo, diễn đạt suy nghĩ bằng lời văn trau
chuốt, giàu hình ảnh, cảm xúc.
Chất văn là cần thiết, nhưng ở mỗi dạng bài nghị luận, yêu cầu về
chất văn là khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm dạng bài nghị luận đó.
2. Chất văn trong văn nghị luận xã hội
2.1. Đặc điểm của văn nghị luận xã hội
Nghị luận xã hội là những bài văn nghị luận bàn về các vấn đề xã hội
– chính trị: một tưởng, đạo lí; một lối sống cao đẹp; một hiện tượng tích cực
hoặc tiêu cực của đời sống; một vấn đề về thiên nhiên, môi trường…
Nghị luận xã hội gồm ba dạng đề cơ bản: Nghị luận về một tư
tưởng đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống; nghị luận về một vấn
đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học.
Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Dạng đề này thường nhân một
câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn
luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.


Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Dạng đề này thường nêu lên
một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội trong

nước cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm.
Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Dạng
đề này kết hợp kiểm tra được cả về năng lực đọc – hiểu tác phẩm văn học,
cả về kiến thức xã hội và khả năng nghị luận với hai hình thức sau:
Từ một tác phẩm đã học, đề yêu cầu người viết bàn về một ý nghĩa
xã hội nào đó.
Cũng có thể từ một tác phẩm chưa được học, thường là câu chuyện
nhỏ (truyện mi ni), đề yêu cầu bàn về ý nghĩa xã hội đặt ra trong đó.
Do đặc trưng kiểu bài, bài văn nghị luận văn học đã sẵn có ít nhiều
chất văn, bài văn nghị luận xã hội bị hạn chế chất văn. Do đối tượng bàn
luận là một vấn đề chính trị, xã hội nên bài văn nghị luận xã hội đòi hỏi
sự mạch lạc, chắc chắn trong lập luận. Nếu người viết không có ý thức
tạo chất văn thì bài văn dễ sa vào thuyết giáo, trở nên khô khan cứng
nhắc, khó đi vào lòng người.
2.2. Yêu cầu chất văn trong văn nghị luận xã hội
Bài văn nghị luận xã hội thể hiện quan điểm của người viết về một
vấn đề chính trị xã hội. Để giúp người đọc hiểu vấn đề, thuyết phục người
đọc đồng tình với quan điểm của người viết, bài văn nghị luận xã hội
không chỉ cần luận điểm mạch lạc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn
chứng tiêu biểu, phù hợp mà còn cần có chất văn sâu sắc.
2.2.1. Bài văn nghị luận xã hội phải thể hiện nhân sinh quan, thế
giới quan, lí tưởng sống đúng đắn. Người viết phải thể hiện được cái
nhìn, đánh giá của riêng mình về cuộc đời, con người, về mục đích, lối
sống… Những điều đó không có trong sách vở mà cần sự trải nghiệm của
chính chủ thể.


Ví dụ, đề bài: “Không còn đạo đức, không còn tình nghĩa thì con
người dù ở nền văn minh nào cũng chỉ lả bầy-thú-giàu-sang mà thôi”
(Nguyễn Bùi Vợi)

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Đối với đề văn trên, người viết phải thể hiện được quan niệm, cái nhìn
của bản thân về “đạo đức”, “tình nghĩa” ở đời, thấy được vai trò, ý nghĩa của
“đạo đức”, “tình nghĩa” đối với sự hình thành và phát triển tính cách của con
người. Người viết cần thấy được đây là yếu tố quan trọng để Con Người được
làm Người, để phân biệt Con Người với “bầy thù giàu sang”
2.2.2. Bài văn nghị luận xã hội phải thể hiện được thái độ, tình
cảm, nhiệt tình của người viết. Những cảm xúc chân thành chính là rung
động của tâm hồn khi chạm vào cuộc sống, khiến bài văn không phải là
bài thuyết giáo cho một tư tưởng đạo lí, cũng không phải là một bài giáo
huấn khô khan mà bài viết là sự chia sẻ chân thành của người viết về
những gì mình trải qua, mình chiêm nghiệm. Khi đó, bài văn nghị luận xã
hội dễ tìm được sự đồng cảm, đồng tình ở người đọc, thuyết phục người
đọc. Đề văn trên đòi hỏi sự trải nghiệm sâu sắc và trái tim nhiệt tình của
người viết. Tác giả bài viết phải thể hiện được thái độ, tình cảm chân thành
của mình, đề cao “đạo đức, tình nghĩa” để làm Người, phải bày tỏ được thái
độ (vui, ngợi ca hay buồn, giận) trước những hiện tượng trong đời sống. Thực
tế có người đề cao “đạo đức, tình nghĩa” nhưng cũng có người vị kỉ, chỉ biết
sống vì mình, bị đồng tiền làm mờ mắt, mải chạy theo những lợi ích vật chất
mà quên đi giá trị cơ bản của Con Người là “đạo đức” và “tình nghĩa”
2.2.3. Bài văn phải được diễn đạt trau chuốt, trong sáng, dễ hiểu.
Những suy ngẫm và tình cảm cần được thể hiện bằng lối hành văn mạch
lạc, sử dụng đa dạng các kiểu câu, từ ngữ chính xác, giàu hình ảnh, cảm
xúc, tránh dùng khẩu ngữ, từ thông tục trong bài văn. Lối diễn đạt và
ngôn ngữ như vậy sẽ làm tăng chất văn, khiến bài văn dễ đến với tâm hồn
người đọc, lay động trái tim và tác động đến nhận thức của người đọc.


2.3 Cách tạo chất văn trong bài văn nghị luận xã hội.
2.3.1. Để đạt được chất văn trong bài văn nghị luận xã hội, trước

hết, người viết cần xác định được yêu cầu của đề, nắm bắt tinh thần của đề
bài. Phải xác định trúng, nắm bắt chính xác yêu cầu của đề bài thì người
viết mới có thể có được định hướng suy nghĩ đúng đắn, khoanh vùng kiến
thức, phạm vi dẫn chứng để biện giải vấn đề. Đề văn trên yêu cầu bàn luận
về vai trò của “đạo đức”, “tình nghĩa” trong mỗi con người và trong xã hội
loài người. Người viết sẽ phải lựa chọn những dẫn chứng trong thực tế đời
sống, đó là những thái độ, hành động của con người vi phạm đạo đức, tình
nghĩa. Khi đó, con người chỉ là bầy thú giàu sang mà thôi.
2.3.2. Khi đã hiểu được yêu cầu của đề, người viết cần xác định
điểm nhìn để đánh giá vấn đề. Để hiểu sâu sắc vấn đề, người viết cần tạo
cho mình tâm thế của người trong cuộc, đặt mình trong hoàn cảnh, tình
huống của vấn đề. Khi đó, người viết sẽ có những suy ngẫm, đánh giá bằng
chính những trải nghiệm của bản thân. Đề văn trên là một đề văn đòi hỏi
những trải nghiệm sâu sắc, chân thành của người viết. Để làm tốt và hay đề
văn trên, tác giả bài viết cần đặt mình vào những hoàn cảnh cụ thể, khi
chứng kiến hoặc trải qua sự vi phạm đạo đức, tình nghĩa, phải thể hiện được
những suy tư, dằn vặt, trăn trở của bản thân trước những hiện tượng đó.
Người viết cũng cần thấy rõ tác hại của sự vi phạm đạo đức, tình nghĩa (khi
đó con người chỉ là bầy thú giàu sang), thể hiện thái độ phê phán, lên án rõ
ràng, sâu sắc.
Tuy nhiên, nếu chỉ đặt mình là người trong cuộc, sử dụng điểm
nhìn từ bên trong thì những suy ngẫm, đánh giá chủ quan của người viết
dễ mang tính cực đoan, một chiều, hoặc là ngợi ca đề cao quá mức, hoặc
là phê phán lên án quá độ. Bởi vậy, để đánh giá vấn đề một cách chính
xác, toàn diện thì người viết cũng cần xác định cho mình điểm nhìn khách
quan, xem xét vấn đề từ nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau. Với đề
văn trên, người viết không chỉ dựa vào trải nghiệm của bản thân để quá


mạt sát, phê phán. Ý kiến chủ quan của người viết là cần thiết nhưng

không được cực đoan, một chiều, cần phải có độ lùi quan sát để có cái
nhìn tổng quát xã hội, để có ý kiến khách quan và đúng đắn, thấy được
nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng con người lãng quên đạo đức
tình nghĩa, thấy được cần phải làm thế nào để gìn giữ đạo đức và tình
nghĩa trong mỗi con người.
2.3.3. Để tạo được chất văn trong văn nghị luận, người viết không
chỉ cần có kiến thức như trên mà còn cần có kĩ năng diễn đạt, trình bày,
sử dụng ngôn ngữ. Người viết cần thường xuyên trau dồi vốn từ để có
được kho từ vựng phong phú cho mình, để có thể diễn đạt chính xác, hấp
dẫn những suy ngẫm của bản thân về vấn đề cần bàn luận, tránh hiện
tượng bí từ, dùng từ không chính xác. Không chỉ vậy, người viết cần rèn
luyện lối diễn đạt mạch lạc, ấn tượng để tăng cường chất văn cho bài văn.
2.4. Luyện tập
3. Chất văn trong văn nghị luận văn học
3.1. Đặc điểm của văn nghị luận văn học
Nghị luận văn học là những bài văn bàn về các vấn đề văn chương
– nghệ thuật. Đây là dạng đề phổ biến và cơ bản trong chương trình Ngữ
văn THPT. Đối tượng của dạng bài này là một vấn đề văn học hoặc lí
luận văn học. Đó có thể là một nhân vật văn học, giá trị tư tưởng, giá trị
nghệ thuật của tác phẩm; đặc điểm nổi bật của một khuynh hướng, trào
lưu, giai đoạn văn học; cũng có thể là một vấn đề lí luận về nhà văn, quá
trình sáng tác, phong cách của tác giả, tiếp nhận văn học…
Kiểu bài nghị luận văn học có hai dạng đề cơ bản: Nghị luận về
một tác phẩm văn học và nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
Nghị luận về tác phẩm văn học. Dạng đề này nhằm kiểm tra năng
lực cảm thụ văn học (hiểu, phân tích, lí giải, bình giá) của người viết. Đối
tượng cảm thụ có thể là thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận; có thể là
toàn bộ tác phẩm, nhưng cũng có thể là một đoạn trích.



Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Đối tượng bàn luận ở đây
có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác
phẩm; hoặc một ý kiến về lí luận văn học.
3.2. Yêu cầu chất văn trong văn nghị luận văn học
Đối với kiểu bài nghị luận văn học, chất văn được xem như một đặc
trưng, một yêu cầu không thể thiếu, bởi thiếu chất văn, bài văn nghị luận
văn học sẽ giảm hẳn giá trị, ý nghĩa.
3.2.1. Bài văn phải thể hiện được những đánh giá chủ quan của người
viết về vấn đề văn học. Đó là sự phân tích giá trị, ý nghĩa của một tác phẩm
văn học hoặc sự đánh giá về tính đúng, sai của một nhận định văn học.
Ví dụ, có đề bài:
Phân tích đoạn thơ sau:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bề
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
(“Sóng” – Xuân Quỳnh)
Đối với đề văn trên, người viết phải phân tích được giá trị nội dung
và giá trị nghệ thuật, thấy được cái hay của hai khổ thơ đầu trong bài thơ
“Sóng”, thấy được vẻ đẹp của hình tượng sóng và sự tương đồng giữa hình
tượng sóng và hình tượng em trong đoạn thơ này: sóng và em mang trong
mình những trạng thái đối lập mà thống nhất, những đối cực mà luôn song
song tồn tại, mang niềm khát khao vươn tới cái rộng lớn, bao la để khẳng
định mình.



3.2.2. Bài văn phải thể hiện được những cảm xúc chân thành của
người viết khi tiếp xúc với một vấn đề văn học cụ thể. Đó là những rung
động của tâm hồn khi tìm hiểu một bài thơ, truyện ngắn… hay là những trăn
trở, suy tư khi đứng trước một nhận định văn học. Bài viết cần thể hiện được
thái độ tình cảm, sự nhiệt tình và tâm huyết của người viết khi nghị luận.
Bản thân đề văn trên đã đậm chất văn bởi nó khơi sâu vào một lĩnh vực tình
cảm tinh tế trong tâm hồn con người: tình yêu. Bởi vậy, để hấp dẫn người
đọc, bài văn cần thể hiện được những thái độ, tình cảm của người viết khi
đọc đoạn thơ. Đó là sự đồng cảm, đồng điệu với nhân vật trữ tình, sự say
sưa trước vẻ đẹp ngôn ngữ, sự mến phục trước tài năng của thi sĩ.
3.2.3. Không chỉ vậy, bài văn phải được trình bày bằng lối hành
văn trau chuốt, diễn đạt dễ hiểu, ngôn ngữ trong sáng, cuốn hút.
3.3. Cách tạo chất văn trong văn nghị luận văn học
3.3.1. Để làm tốt, làm hay bài văn nghị luận văn học, người viết
trước hết cần hiểu thật rõ vấn đề cần nghị luận, xác định đúng yêu cầu
của đề bài
Một bài văn nghị luận hay trước hết phải đúng. Muốn đúng thì
người viết cần nắm vững kiến thức cơ bản về vấn đề văn hoc. Nếu là nghị
luận về một tác phẩm cụ thể thì phải tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh ra đời,
bố cục, ngôn ngữ, nhân vật, giọng điệu, chủ đề… Nếu là nghị luận về một
ý kiến bàn về văn học thì cần nắm vững những khía cạnh về lí luận văn
học như: nhà văn, quá trình sáng tác, phong cách, tiếp nhận, các giá trị và
chức năng của văn học, nhân vật, tình huống…
Đề bài trên thuộc dạng đề nghị luận về một đoạn thơ. Đối tượng
nghị luận là hai khổ thơ đầu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Để
tạo được chất văn cho bài văn nghị luận về hai đoạn thơ trên, trước hết
người viết nắm được yêu cầu của đề là phân tích đoạn thơ. Người viết cần
nắm được kiến thức cơ bản về tác giả Xuân Quỳnh – một nữ sĩ có tâm
hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực, luôn da diết trong khát vọng về một



hạnh phúc đời thường. Người viết cũng cần nắm được hoàn cảnh ra đời
của bài thơ “Sóng”, vị trí và ý nghĩa của hai khổ thơ cần phân tích: Hai
khổ thơ đầu, cho thấy sự tương đồng giữa sóng và em – người phụ nữ
đang yêu, những trạng thái của sóng thể hiện những trạng thái của em, sự
vĩnh hằng của sóng cho thấy sự bất diệt của khát vọng tình yêu.
3.3.2. Để đạt được chất văn, người viết cần tạo cho mình tâm thế
của người trong cuộc để nghị luận.
* Đối tượng nghị luận là một tác phẩm văn học cụ thể. Tác phẩm
văn học là kết quả của sự rung động tâm hồn của tác giả khi chạm vào
cuộc sống, là tâm huyết của nhà văn. Bởi vậy, khi nghị luận về tác phẩm,
để viết đúng và viết hay về tác phẩm, để đạt được chất văn, người viết
cần đặt mình là nhân vật trữ tình trong một bài thơ hay nhân vật trong
một tác phẩm văn xuôi để hiểu được những rung động tâm hồn tinh tế,
những nghĩ suy, tâm tư của nhân vật, những buồn, vui, sướng, khổ của
nhân vật…
Với đề văn trên, người viết không chỉ hiểu đúng nội dung, ý nghĩa
của hai khổ thơ mà để tạo chất văn, người viết cần đặt mình vào hoàn
cảnh của nhân vật trữ tình – một người phụ nữ đang yêu đứng trước biển,
nhìn biển, nhìn sóng mà suy ngẫm về mình, về tình yêu. Bởi vậy, mỗi
khám phá về sóng của nhân vật trữ tình là một phát hiện về chính bản thể
và về tình yêu. Khi tạo tâm thế như vậy, người viết có thể hiểu thấu đáo,
sâu sắc mỗi lời thơ, hình ảnh thơ, cảm nhận được cái đẹp của lời thơ và
cái hay của ý thơ Xuân Quỳnh: Sóng mang trong mình những trạng thái
đối cực, khi dữ dội, ồn ào, khi lại dịu êm, lặng lẽ, khi ào ạt xô bờ, khi lại
lăn tăn gợn trên mặt nước. Những trạng thái tưởng đối cực nhưng lại tồn
tại đồng thời, thống nhất trong bản thể sóng. Đặc điểm đó của sóng khiến
ta liên tưởng đến những tâm trạng trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu,
khi hờn trách, giận dữ nhưng cũng có khi dịu dàng đằm thắm, ngọt
ngào…Đó là một nét đẹp tâm hồn tinh tế ở người phụ nữ khi yêu…



Nếu đối tượng nghị luận là một ý kiến bàn về văn học, người viết
cần đặt mình vào hoàn cảnh vấn đề, để đánh giá vấn đề không chỉ bằng
cái nhìn khách quan mà còn bằng những cảm nhận chủ quan, chân thành,
không chỉ bằng sự sáng suốt của lí trí mà còn bằng sự rung động của trái
tim. Ví dụ, khi bàn luận về ý kiến “Văn học là nhân học” (M.Gorki),
người viết không chỉ dùng lí trí để biện giải mà còn cần nhìn vào nội tâm
mình để cảm nhận những ý nghĩa mà văn học mang lại, như làm tâm hồn
thêm phong phú, hình thành những tính cách, phẩm chất tốt đẹp. Khi đó,
những ý kiến của người viết sẽ không chỉ sắc sảo mà còn rất tâm huyết,
chân thành, thuyết phục người đọc.
3.3.3. Hình thức ngôn ngữ, lối diễn đạt đóng vai trò quan trọng để
tạo nên chất văn trong bài văn nghị luận văn học. Vì thế để tạo chất văn,
người viết cần rèn luyện kĩ năng trình bày rõ ràng mạch lạc, diễn đạt
trong sáng, sử dụng ngôn ngữ trau chuốt, phong phú và chính xác.
3.4. Một số đoạn văn tiêu biểu
III. Kết luận
Chất văn là cần thiết và quan trọng trong bài văn nghị luận xã hội
và nghị luận văn học. Có chất văn, bài văn nghị luận như có linh hồn, sức
sống để đi vào lòng người, chinh phục người đọc bằng con đường tình
cảm – mà xưa nay khi đã chinh phục được trái tim người đọc thì tác phẩm
có giá trị lâu bền, giá trị nhân văn sâu sắc.
Đây là một chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đối với công tác dạy
học Ngữ Văn nói chung và bồi dưỡng Học sinh giỏi Văn nói riêng. Bài
viết này cần thêm sự trao đổi, bổ sung, góp ý để được hoàn thiện hơn.




×