Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

BÀI cảm NHẬN về bảo TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (417.59 KB, 7 trang )

BÀI CẢM NHẬN VỀ BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không nghĩ là mình đủ tự tin và can đảm để bước
chân vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lần thứ hai. Đối với tôi, đó thực sự là một nỗi
ám ảnh lớn khi những sự thật về chiến tranh Việt Nam được phơi bày trước mắt. Những
sự thật vốn ẩn mình sau những dòng chữ lịch sử, đằng sau những trang văn lịch sử cùng
những lời kể của thầy cô, ông bà cha mẹ mình. Để đến hôm nay, tôi mới hiểu ra rằng
những gì mình biết về cuộc chiến tranh của dân tộc mình, trên đất nước mình còn quá ít
ỏi so với những gì khốc liệt mà cha ông mình đã thực sự nếm trải, so với sự hy sinh lớn
lao của những liệt sĩ đã ngã xuống cho nền hòa bình, tự do của Tổ quốc.

1


Có lẽ sẽ mất một thời gian khá dài để tôi có thể thực sự bình tĩnh nhìn nhận mọi
tội ác, mọi sự hy sinh và mất mát cùng những nỗi đau mà thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã
gây ra cho dân tộc Việt Nam bằng một cái nhìn điềm tĩnh hơn. Bởi tất cả những cảm
giác đau đớn, xót xa luôn làm bản thân tôi bị ám ảnh, khi nhìn cảnh dân tộc mình bị chà
đạp, bị giày xéo – những bức ảnh đen trắng đó thật có giá trị như những chứng nhân lịch
sử, như thể mang trong đó cả linh hồn dân tộc. Tôi thực sự kinh hoàng khi nhìn thấy
những tội ác mà lính Mỹ gây ra cho người dân Việt Nam. Những hình thức tra tấn, bắt
bớ, khai thác thông tin về cách mạng mà lính Mỹ sử dụng đối với những người hoạt
động cách mạng và kể cả người dân vô tội… tưởng không thể nào áp dụng cho con
người. Vậy nhưng, người Việt Nam ta được đem ra làm thí nghiệm cho những hình thức
tra tấn dã man: xác người bị treo lên, thân bị xé ra từng mảnh, mổ ruột lấy tim gan v.v…
Vâng, có thể chiến tranh là vậy, giữa hai chiến tuyến, hai phe đối địch buộc phải có
xung đột, phải có đấu tranh, giết chóc nhưng những thủ đoạn nham hiểm và tàn ác của
lính Mỹ đã vi phạm đạo đức con người. Thế giới đã lên án, tố cáo nhiều về chiến tranh,
nhưng hình như vẫn còn ít đề cập đến đạo đức con người trong chiến tranh. Những hành
động phá hoại, tra tấn theo kiểu lính Mỹ sử dụng không phải là hành động của một con
người có đạo đức bình thường. Vào thời điểm đó, những lính Mỹ có trái tim của một con


người hay không? Cảm nhận được sự đau đớn trên những khuôn mặt khốn khổ, nỗi xót
xa nghẹn lòng làm tôi không thể nhìn lại những bức ảnh này lần thứ hai. Ánh mắt tôi
trốn chạy… với nỗi ám ảnh dâng ngập lòng!

2


Và rồi tôi bắt gặp bức ảnh có anh – Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang trước
nòng súng kẻ thù, ánh mắt ngời sáng một ý chí… Anh còn quá trẻ, gương mặt anh còn
trong sáng và thánh thiện vô cùng! Người trẻ tuổi kia vì lý do gì mà đến phút cuối cùng
của cuộc đời vẫn tranh biện cho chiến tranh Việt Nam với niềm tin tất thắng và khẳng
định sự thất bại của kẻ thù. Cuối cùng súng cũng đã nổ! Máu nơi ngực anh nhỏ xuống
mà tưởng như màu đỏ của lá cờ Tổ quốc. Anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ… Liệu có
một tình yêu mang theo bên mình? Đó là một tình yêu nam nữ chăng? Cũng có thể,
nhưng trên hết có một tình yêu thiêng liêng hơn, cao đẹp hơn, đó là tình yêu đất nước.
Tôi nhìn thấy trong ánh mắt kiên cường ngạo nghễ kia là một tình yêu Tổ quốc sâu đậm,
thương dân tộc Việt Nam bị giày vò, đất nước Việt Nam bị tàn phá, hủy hoại. Chợt thấy
ấm lòng khi nhìn vào đôi mắt anh. Tôi không chạy trốn nỗi đau nữa, giờ đây tôi dừng lại
quan sát ngắm nghía những bức hình các anh hùng liệt sĩ – những người con của dân tộc
Việt Nam đã dũng cảm đấu tranh với ý chí quật cường. Mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ
xuống ngay trên đất nước, quê hương mình để đến một ngày một rừng người với cờ và
hoa trong ngày vui đại thắng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chấm dứt chiến
3


tranh gian khổ và ác liệt. Ngày nhân dân ta được tự do, đất nước ta được thống nhất hòa
bình cũng là ngày hàng triệu người hô to hai tiếng Việt Nam trong niềm vui sướng hạnh
phúc!

Chiến tranh đã đi qua, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam. Những tội ác của

thực dân đế quốc cũng dần được lắng xuống. Những tưởng nỗi đau chiến tranh đã theo
cùng những anh hùng liệt sĩ nằm yên dưới lòng đất. Thế nhưng, chiến tranh qua rồi
nhưng hậu quả của nó để lại giờ đây vẫn đang từng ngày, từng giờ hủy hoại con người
Việt Nam. Chất độc da cam – thảm họa chiến tranh. Những đứa trẻ Việt Nam được sinh
ra mang trong mình những dị tật do ảnh hưởng của thứ hóa chất độc hại mà đế quốc Mỹ
đã rải xuống đất nước ta. Những trận mưa chất độc hủy hoại môi trường sinh thái, cây cỏ
xác xơ, tiêu điều. Và nặng nề hơn, bao thế hệ người Việt, lớp thế hệ con cháu của những
người lính Việt Nam tham gia chiến đấu sống sót trở về đã gián tiếp chịu hậu quả nặng
nề. Chất độc da cam di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngấm vào da thịt, vào
dòng máu người Việt. Bao thế hệ vô tội, thế hệ đáng lẽ ra được hưởng cuộc sống hòa
bình trọn vẹn với niềm vui và hạnh phúc của tự do mà cha ông họ đã đổi bằng xương
máu để bảo vệ thì giờ đây phải từng ngày, từng giờ thoi thóp với những di chứng, dị tật
của nỗi đau không lành lặn về hình thể cùng những rối loạn về tâm thần. Nhìn hình ảnh
4


dị dạng thương tâm của đôi song sinh dính liền Việt - Đức, tôi không khỏi kìm được
nước mắt.

Vâng! Chiến tranh đã đi qua nhưng những hậu quả của nó để lại là không thể
lường hết được. Đế quốc Mỹ đã gieo cái chết vào những sinh mệnh vô tội, vào thế hệ
tương lai của dân tộc Việt Nam. Những nỗi đau không thể chữa lành, những nỗi ám ảnh
không dứt vẫn còn bám rễ vào cuộc sống của người dân Việt Nam. Ai phải trả giá cho
5


những hành động tội ác đó? Nỗi đau trong chiến tranh và sau chiến tranh liệu có gì khác
nhau? Một bản kết tội nữa đáng được viết ra cho đế quốc Mỹ.
Nhìn lại một lần nữa cuộc chiến tranh lâu dài, kiên cường và bất khuất của dân tộc
ta, phải kể đến những sự giúp đỡ, ủng hộ và đóng góp nhiệt tình của giai cấp vô sản và

nhân dân cách mạng trên toàn thế giới. Có những tấm lòng, những nghĩa cử khiến ta
phải xúc động, kính trọng và tri ân. Trong cuộc chiến tranh mà thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam, nhân loại thế giới đã biểu tình phản đối chiến tranh, công
kích và đòi hỏi Mỹ phải ngừng ngay cuộc chiến tranh phi nghĩa. Có những thanh niên ở
bên kia bán cầu tình nguyện sang Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu
chống chiến tranh xâm lược, có những thanh niên còn rất trẻ ngay trên nước Mỹ bằng
hành động tự thiêu để lên án tố cáo chiến tranh. Những tấm lòng, những nghĩa cử cao
đẹp đó mãi mãi được nhân dân Việt Nam ghi nhận và biết ơn vô cùng! Lòng tôi chợt ấm
khi dừng lại ở những tập ảnh này – những tập ảnh chứa chan tinh thần quốc tế. Cách
mạng nhân dân thế giới đã luôn theo chân cách mạng Việt Nam hỗ trợ cho cuộc chiến
đấu chính nghĩa này đi tới ngày thắng lợi.

Một dân tộc – những cuộc chiến tranh và những nỗi đau... Thế giới cần phải biết
nhiều hơn nữa về những hậu quả nặng nề mà đế quốc Mỹ gây ra cho người dân Việt
Nam. Hơn hết, nếu là một thanh niên Việt Nam đang sống trong nền hòa bình tự do hãy
tìm về với cội nguồn dân tộc, hãy một lần đặt chân vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
(số 28 Võ Văn Tần, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) để được tận mắt thấy những hình ảnh lịch
sử thiêng liêng, cao quý – dù có thể nó sẽ ám ảnh bạn một thời gian dài. Nhưng dẫu vậy,
nỗi ám ảnh đó giúp ta thêm yêu đất nước mình, dân tộc mình! “Đất nước tôi thon thả
6


giọt đàn bầu, Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,
các anh không về mình mẹ lặng im… Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi…”(*).

7




×