Tải bản đầy đủ (.pdf) (50 trang)

Chuyên đề luận án tiến sĩ: ĐẶC ĐIỂM TRI NHẬN CỦA ĐỘNG TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT (SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG ANH)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.19 MB, 50 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

----------------

NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG

ĐẶC ĐIỂM TRI NHẬN
CỦA ĐỘNG TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT
(SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG ANH)

Chuyên ngành :
Mã số
:

Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
62220110

CHUYÊN ĐỀ 4:

TỔNG QUAN

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

GS. TS. NGUYỄN ĐỨC DÂN

TP. HỒ CHÍ MINH
Tháng 11 / 2014


MỤC LỤC


Dẫn nhập
1. Lí do chọn đề tài ................................................................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề...................................................................................... 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài........................................................... 3
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài................................................................. 4
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu ........................................................... 4
5.1. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 4
5.2. Nguồn ngữ liệu.................................................................................................... 4

Nội dung
Chương 1: Cơ sở lí luận.................................................................................................... 6
1.1. Khái niệm tri giác ........................................................................................................ 6
1.2. Khái niệm tri nhận ....................................................................................................... 6
1.3. Mối liên hệ giữa tri giác và tri nhận ............................................................................. 7
1.4. Động từ tri giác............................................................................................................ 8
1.5. Không gian tri nhận ..................................................................................................... 8
1.6. Cơ chế tri nhận ............................................................................................................ 9
1.7. Mô hình tri nhận .......................................................................................................... 9
1.8. Khung tri nhận............................................................................................................. 9
1.9. Logic tri nhận ............................................................................................................ 10
1.10. Tiêu điểm tri nhận.................................................................................................... 11
1.11. Ẩn dụ ý niệm ........................................................................................................... 11
1.12. Một số quan điểm và nguyên lí cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận trong việc nghiên
cứu ngôn ngữ.................................................................................................................... 12
1.13. Tiểu kết.................................................................................................................... 17
Chương 2: Không gian tri nhận của động từ tri giác .............................................. 18
2.1. Cơ chế tri nhận; Mô hình tri nhận của động từ tri giác ............................................... 18


2.1.1. Cơ chế tri nhận........................................................................................................ 18

2.1.2. Mô hình tri nhận ..................................................................................................... 18
2.2. Khung tri nhận của động từ tri giác ............................................................................ 18
2.2.1. Chủ thể tri nhận ...................................................................................................... 18
2.2.2. Thực thể được tri nhận............................................................................................ 19
2.2.3. Cơ quan tri giác....................................................................................................... 20
2.2.4. Cách thức tri nhận................................................................................................... 21
2.2.5. Vị trí tri nhận .......................................................................................................... 21
2.2.6. Đường dẫn tri nhận ................................................................................................. 21
2.2.7. Nguồn ..................................................................................................................... 21
2.2.8. Chiều tri nhận ......................................................................................................... 21
2.2.9. Cơ chế nhận – phát ................................................................................................. 22
2.2.10. Điểm nhìn ............................................................................................................. 23
2.2.11. Khoảng cách tri nhận ............................................................................................ 24
2.2.12. Tri nhận trực tiếp và tri nhận gián tiếp .................................................................. 25
2.2.13. Tính tri giác .......................................................................................................... 26
2.3. Mô hình không gian tri nhận của động từ tri giác ....................................................... 26
2.3.1. Mô hình chỉ có chủ thể............................................................................................ 26
2.3.2. Mô hình chỉ có khách thể ........................................................................................ 26
2.3.3. Mô hình chủ thể - chủ thể ....................................................................................... 26
2.3.4 Mô hình chủ thể - khách thể..................................................................................... 27
2.3.5. Mô hình có định hướng........................................................................................... 27
2.3.6. Mô hình không định hướng..................................................................................... 27
2.3.7. Mô hình đơn cấp ..................................................................................................... 27
2.3.8. Mô hình đa cấp ....................................................................................................... 27
Chương 3: Ngữ nghĩa tri nhận của động từ tri giác ................................................. 29
3.1. Logic tri nhận của động từ tri giác ............................................................................. 29
3.1.1. Ý nghĩa phủ định .................................................................................................... 29
3.1.2. Tính chân ngụy ....................................................................................................... 30
3.1.3. Các yếu tố khác....................................................................................................... 30



3.2. Một cách phân loại ngữ nghĩa của động từ tri giác ..................................................... 31
3.3. Ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác ............................................................................. 31
3.3.1. Các kiểu ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác tiếng Việt ............................................ 31
3.3.2. Các kiểu ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác tiếng Anh ............................................ 33
3.3.3. Những điểm giống nhau và khác nhau .................................................................... 35
3.3.3.1. Giống nhau .......................................................................................................... 35
3.3.3.2. Khác nhau............................................................................................................ 35
3.3.4. Cơ chế ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác ............................................................... 37
3.3.4.1. Cơ chế ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác ............................................................ 37
3.3.4.2. Các mô hình ẩn dụ tri nhận của động từ tri giác ................................................... 37
3.4. Tiểu kết...................................................................................................................... 38
Kết luận........................................................................................................................... 40
4.1. Những kết quả đã đạt được ........................................................................................ 40
4.2. Những tồn tại............................................................................................................. 40
4.3. Hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài ....................................................................... 41


1

Tên đề tài: ĐẶC ĐIỂM TRI NHẬN CỦA ĐỘNG TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT
(So sánh đối chiếu với tiếng Anh)
Chuyên đề 4 :

TỔNG QUAN

DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ học tri nhận tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ dựa trên vốn kinh nghiệm
và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con

người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó.
“Đứng trên địa hạt của ngôn ngữ và lấy nó làm chuẩn cho các biểu hiện khác của
hoạt động ngôn ngữ” [7, 43], chúng ta có thể nhìn thấy không chỉ cấu trúc nội tại của
ngôn ngữ và những qui luật vận động của nó tác động vào quá trình biến ngôn ngữ
thành phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người mà còn cả cấu trúc của suy
nghĩ gắn chặt vào ngôn ngữ với tư cách là công cụ của tư duy. Ngôn ngữ học tri nhận
nghiên cứu mối quan hệ tác động qua lại giữa năng lực ngôn ngữ và năng lực tri nhận
của con người như năng lực cấu tạo hình ảnh, suy luận logic, thu nhận kiến thức mới.
Nó nghiên cứu dựa trên mối liên hệ chiều sâu giữa ngôn ngữ và tư duy. Nhiệm vụ
trọng tâm của ngôn ngữ học tri nhận là miêu tả và thuyết giải cấu trúc tri nhận nội tại
và động lực của người nói và người nghe. Họ được xem như một hệ thống chế biến
thông tin bao gồm một số lượng hữu hạn những thành tố độc lập và phân bố thông tin
ngôn ngữ trên những cấp độ khác nhau. Mục đích của ngôn ngữ học tri nhận nhằm
nghiên cứu hệ thống đó và thiết lập những nguyên lí quan trọng nhất của nó. Ngôn
ngữ học tri nhận chỉ ra bản chất của biểu tượng tinh thần của tri thức ngôn ngữ và quá
trình chế biến tri thức này. [26, 52-53]
Có thể nói rằng con người sở dĩ có thể tri nhận được về thế giới khách quan trước
hết chắc chắn là phải thông qua các cơ quan cảm giác (các giác quan) hay cũng có thể
gọi là các cơ quan tri giác. Do đó, tri nhận phải dựa vào những cứ liệu kinh nghiệm do
tri giác cảm tính cung cấp, mặt khác, có cơ sở trong nhận thức lí tính, đặc biệt thông
qua khái niệm với thuộc tính khái quát, trừu tượng hóa của nó.
Ngôn ngữ học tri nhận thiết lập mối liên hệ đặc biệt với tri giác bởi chính qua lăng
kính tri giác, nhờ khả năng vật thể hóa của nó. Nghĩa là nhờ khả năng của nó biến
những sự kiện không quan sát trực tiếp được thành những sự kiện có thể quan sát trực


2

tiếp được con người mới nhận được đầy đủ những thông tin cần thiết về thế giới để xử
lí, chế biến và chuyển thành tri thức, ý thức trong bộ não con người.

Vậy sự tri nhận thế giới khách quan của con người thông qua các cơ quan tri giác
được thể hiện trên bình diện ngôn ngữ như thế nào? Chúng có vai trò, ảnh hưởng gì?
Từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận chúng ta có thể lý giải được những gì cho các vấn đề
ngôn ngữ có liên quan đến các cơ quan tri giác? Cơ chế tri nhận, mô hình tri nhận,
khung tri nhận của các chất liệu ngôn ngữ chỉ sự tri giác ra sao? Các mô hình không
gian tri nhận tiêu biểu của động từ tri giác như thế nào? Đó thực sự là những vấn đề
mà chúng tôi rất quan tâm, băn khoăn và rất muốn góp phần làm sáng tỏ.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Liên quan đến đề tài luận án chúng tôi thấy trong Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép
và suy nghĩ) [30, 91-97] tác giả có nói đến ngữ nghĩa của nhìn thấy, nghe thấy, nếm
thấy, ngửi thấy, sờ thấy. Tác giả cũng có phân tích ngữ nghĩa của nhìn thấy. Tuy nhiên,
tác giả cũng chỉ mới giới thiệu đến hay chỉ mới sơ lược phân tích chứ chưa nghiên cứu
sâu và cũng chưa xây dựng mô hình tri nhận cho các động từ nói trên.
Nguyễn Vân Phổ trong bài báo “Vị từ tri giác Tiếng Việt” [27] đã phân tích vị từ
tri giác dưới góc độ ngữ nghĩa - cú pháp, theo quan điểm của ngữ pháp chức năng.
Theo Nguyễn Vân Phổ: “vị từ tri giác” chỉ có ý nghĩa quy ước, trong đó có thể kể đến
hai tiểu nhóm phân biệt nhau:
(1) vị từ biểu thị hành động nhằm tri giác đối tượng
(2) vị từ biểu thị tri giác
Nguyễn Kim Thản nhìn dưới góc độ từ vựng, xếp vị từ tri giác vào nhóm “động từ
cảm nghĩ – nói năng” vì “những động từ này biểu thị sự hoạt động của trí não, của các
cơ quan cảm giác và ngôn ngữ”
Cao Xuân Hạo thì nhắc đến vị từ tri giác khi bàn về hành động vô tác, và cho rằng
một vị từ tri giác, chẳng hạn như nhìn, biểu thị một quá trình ứng xử, có hai diễn tố
(hành thể và mục tiêu).
Nguyễn Tất Thắng [20, 1-7] thì phân tích vai trò của thị giác trong ngôn ngữ theo
cách nhìn tri nhận luận, tuy nhiên, trong đó cũng không phân tích các động từ thị giác.
Đỗ Minh Hùng [7, 40-45] thì so sánh đối chiếu nhóm động từ chỉ hoạt động thị
giác trong tiếng Anh và tiếng Việt dưới góc độ từ vựng - ngữ nghĩa.
Hoàng Thị Hòa có một bài viết liên quan đến ngôn ngữ học tri nhận “Hiện tượng



3

đa nghĩa của động từ “see” trong tiếng Anh nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận” [13,
11-17]. Ngay ở bài viết này hay trong Luận án Tiến sĩ của mình (12/ 2013) thì tuy đề
tài là Nghiên cứu lớp động từ tri giác tiếng Anh (liên hệ với tiếng Việt) thuộc chuyên
ngành Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu nhưng Hoàng Thị Hòa lấy đối tượng nghiên
cứu là toàn bộ các động từ tri giác và phân tích theo nhiều quan điểm ngôn ngữ học
khác nhau một cách dàn trải, không có trọng tâm nghiêng về một quan điểm nào sâu
sắc và cũng hoàn toàn không dành nhiều đất nghiên cứu theo quan điểm ngôn ngữ học
tri nhận.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã cố gắng tìm kiếm từ nhiều nguồn tư liệu khác
nhau để lấy làm tài liệu tham khảo khi viết đề tài này nhưng ngoài một số tác giả nói
trên chúng tôi chưa tìm được bất cứ công trình hay bài viết nào về vấn đề có liên quan.
Ngay cả các tác giả nêu trên cũng chưa ai thực sự nghiên cứu đến các động từ tri giác
một cách sâu sắc theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận. Có lẽ đây là một vấn đề
còn quá mới mẻ, nằm trong phạm vi nghiên cứu của một ngôn ngữ học tri nhận cũng
còn mới và trẻ nên chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc và có hệ thống.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Trong phạm vi của luận án này, chúng tôi xin giới hạn phạm vi nghiên cứu của
mình ở nhóm các động từ tri giác tiếng Việt: nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ và yếu tố thấy
tương ứng với tiếng Anh theo bảng như sau:

Đối tượng khảo sát chủ yếu của luận án là các câu có chứa các động từ tri giác ở
bảng trên trong các bộ tác phẩm đối dịch Việt – Anh và Anh – Việt.


4


4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
a. Về lí luận
Góp phần vào nghiên cứu tiếng Việt, làm sáng tỏ tiếng Việt trên phương diện ngôn
ngữ học tri nhận cũng như góp phần chứng minh, bổ sung thêm sự giàu đẹp và trong
sáng của tiếng Việt.
Khảo sát và so sánh đối chiếu đặc điểm tri nhận của động từ tri giác trong tiếng
Anh và tiếng Việt nhằm làm sáng tỏ những tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ.
Nghiên cứu này đồng thời cũng nhằm mục đích giúp người học tiếng hiểu rõ hơn,
sâu sắc hơn về hai ngôn ngữ và nhờ đó có thể ứng dụng vào việc nghiên cứu cũng như
sử dụng tiếng của mình một cách chính xác, sáng đẹp hơn, tinh tế hơn.
b. Về thực tiễn
Khảo sát được sự tăng / giảm, khác biệt về lượng thông tin trong khi phiên dịch
Anh - Việt, Việt – Anh cũng như những khác biệt trong việc cấu trúc hóa các hoạt
động tri giác vào trong ngôn ngữ của tiếng Việt và tiếng Anh cũng sẽ hỗ trợ tích cực
cho công tác dịch thuật giữa hai ngôn ngữ, giúp cho việc chuyển dịch ý niệm giữa hai
ngôn ngữ được thẩm mỹ, chính xác và tinh tế hơn.
Từ khảo sát, nghiên cứu cách thức tri nhận của con người thông qua động từ tri
giác tạo cơ sở để xây dựng phương pháp giảng dạy tiếng một cách khoa học nhất, phù
hợp nhất và có hiệu quả nhất đối với người học, người lĩnh hội ngôn ngữ mới một
cách tự nhiên nhất.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
5.1.1. Phương pháp tổng hợp, thống kê
Dựa vào các kết quả thu thập được chúng tôi tiến hành tổng hợp, thống kê để làm
cơ sở giải quyết các vấn đề ngôn ngữ có liên quan đến đề tài nghiên cứu.
5.1.2. Phương pháp miêu tả, phân tích
Cùng lúc đó chúng tôi tiến hành miêu tả và phân tích để từ đó giải quyết các vấn
đề ngôn ngữ học tri nhận có liên quan.
5.1.3. Phương pháp so sánh đối chiếu
Trong khi tiến hành nghiên cứu đề tài chúng tôi cũng song song thực hiện thủ pháp

so sánh đối chiếu các cặp động từ với nhau và với tiếng Anh tương ứng.
5.2. Nguồn ngữ liệu


5

Chúng tôi thu thập các tư liệu liên quan đến đề tài luận văn từ nhiều nguồn khác
nhau như:
-Nguồn ngữ liệu khảo sát tương đương tiếng Việt và tiếng Anh.
Chúng tôi đã khảo sát ngữ liệu lấy từ hai bộ tác phẩm Tình yêu sau chiến tranh –
Love after war (47 truyện) và Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes – The
adventures of Sherlock Holmes (12 truyện). Tổng số đơn vị khảo sát tìm thấy trong
ngữ liệu tiếng Việt là 1950 đơn vị và trong tiếng Anh là 1996 đơn vị theo bảng thống
kê như sau:

-Các công trình đã nghiên cứu về ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là các công trình
đã nghiên cứu có liên quan đến đề tài được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh của các
tác giả trong và ngoài nước.
-Sách, giáo trình về ngôn ngữ học tri nhận.
-Các tài liệu tham khảo mạng có liên quan đến đề tài của luận văn.


6

Nội dung
Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Tri giác là gì?
Tri giác là hình ảnh tương đối toàn vẹn về sự vật khi sự vật đó đang trực tiếp tác

động vào các giác quan. Tri giác nảy sinh dựa trên cơ sở của cảm giác, là sự tổng hợp
của nhiều cảm giác. So với cảm giác thì tri giác là hình thức nhận thức cao hơn, đầy
đủ hơn và phong phú hơn về sự vật. Cảm giác, tri giác và biểu tượng là những giai
đoạn kế tiếp nhau của hình thức nhận thức cảm tính. Sau giai đoạn nhận thức cảm tính
là đến giai đoạn nhận thức lý tính được thể hiện với ba hình thức: khái niệm, phán
đoán và suy lý. Hai giai đoạn nhận thức này còn được gọi là quá trình đi từ trực quan
sinh động đến tư duy trừu tượng. [1, 267-269]
Theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận tri giác có những đặc điểm như sau:
Tri giác luôn luôn cụ thể. Nó cung cấp những thuộc tính cụ thể của sự vật cụ thể.
Nó không phân biệt những thuộc tính cơ bản và không cơ bản của sự vật.
Ví dụ: Khi ta nhìn một cái bàn cụ thể thì tri giác sẽ cung cấp cho ta tất cả những
thuộc tính đang có của cái bàn đó như mặt phẳng trên, chất liệu, màu sắc, hình dáng,
số chân bàn, vị trí, …nghĩa là tất cả những gì mà các cơ quan cảm giác của chúng ta
có thể thu nhận được.
Tri giác không tồn tại riêng lẻ, mà chúng có thể kết hợp hay tương tác với nhau.
Trong những trường hợp cụ thể chúng có thể thay thế cho nhau. Chẳng hạn, nghe thấy
mùi thơm – sự hợp tác giữa thính giác và khứu giác (thay vì ngửi thấy mùi thơm), nếm
trải mùi đời – sự hợp tác giữa vị giác và khứu giác (thay vì ngửi thấy mùi đời), nhìn
thấy một vật nặng – sự hợp tác giữa thị giác và xúc giác, bát phở nom ngon quá – hợp
tác giữa thị giác và vị giác…
Tri giác có khả năng “vật thể hoá” những sự kiện trừu tượng, không quan sát trực
tiếp được, biến chúng thành những vật thể có thể tri giác được.
Ví dụ: Cái nhìn êm ái, câu trả lời lạnh nhạt …
1.2. Khái niệm tri nhận
Tri nhận (cognition) là khái niệm trung tâm của khoa học tri nhận. Nó chứa đựng
hai nghĩa của hai từ Latin kết hợp lại: cognitio có nghĩa là nhận thức và cogitatio có
nghĩa là tư duy, suy nghĩ. Nó biểu hiện một quá trình nhận thức hoặc là tổng thể


7


những quá trình tâm lí (tinh thần, tư duy) – tri giác, phạm trù hóa, lời nói… phục vụ
cho việc xử lí và chế biến thông tin. Nó bao gồm cả sự nhận thức và đánh giá bản thân
mình trong thế giới xung quanh và xây dựng bức tranh thế giới đặc biệt – tất cả những
cái tạo thành cơ sở cho hành vi của con người.
Tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu cảm tính được cải biến
khi lan truyền vào trong não dưới dạng những biểu tượng tinh thần (hình ảnh, khung,
cảnh…) để có thể lưu lại trong trí nhớ con người.
Tri nhận bao quát cả tri thức và tư duy được thể hiện bằng ngôn ngữ. Tri nhận và
tri nhận luận liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ học.
Ngôn ngữ học tri nhận định hướng nghiên cứu quá trình tinh thần (mental process)
của con người nhờ vào ngôn ngữ tự nhiên của con người. Quá trình tinh thần của con
người được nhắc đến ở đây là quá trình hình thành và phát triển tri thức (sự hiểu biết)
và ở cấp độ cao hơn là trí tuệ trong não của con người bằng những phương tiện ngôn
ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… Quá trình tinh thần liên quan mật thiết với quá
trình thu nhận, xử lí, chế biến và lưu trữ thông tin trong não. Cấu trúc và quá trình tri
nhận đã được các nhà tri nhận luận nghiên cứu dưới nhiều dạng rất phong phú. Chẳng
hạn, dưới dạng những kiến tạo mô hình kiểu khung (frame) của M. Minsky, kiểu cấu
hình ứng dụng của Ch. Fillmore, kiểu mô hình tri nhận lí tưởng của G. Lakoff, kiểu
không gian tinh thần của R. Jackendoff, kiểu siêu phạm trù ngữ nghĩa – ngữ pháp của
L. Talmy hoặc kiểu bức tranh ngây thơ về thế giới của Ju. Aprexian… [31, 17-20]
1.3. Mối liên hệ giữa tri giác và tri nhận
Giữa tri giác và tri nhận có một số mối liên hệ như sau:
Tri giác thuộc cấp độ cảm tính của quá trình nhận thức, tri nhận là quá trình xử lí
thông tin, chế biến thông tin để tạo ra kiến thức, tri thức của con người.
Quan hệ tri nhận và tri giác là quan hệ nhân quả. Con người không thể tri nhận
được thế giới khách quan nếu không có những cứ liệu do tri giác cảm tính cung cấp.
Tri giác là một quá trình tâm lí phức tạp, phản ánh những thuộc tính riêng lẻ trong
đối tượng nhận thức, cung cấp những dữ liệu cảm tính làm cơ sở cho việc tri nhận vốn
là quá trình xử lí thông tin, truyền vào trong não dưới dạng một hình ảnh trọn vẹn hay

còn gọi là biểu tượng tinh thần về đối tượng đã cho và có thể lưu lại trong trí nhớ con
người. Chẳng hạn con người sẽ không có được một hình ảnh toàn vẹn về trái cam nếu
thị giác không cung cấp những dữ liệu cảm tính về màu sắc, về hình khối, về cấu trúc


8

nội tại; nếu vị giác không cung cấp cứ liệu về vị…Quá trình tri nhận sẽ dùng chất liệu
của một ngôn ngữ cụ thể khái quát những cứ liệu cảm tính ấy để có một hình ảnh trọn
vẹn và tổ chức những mối liên hệ liên tưởng với những vật thể, những hiện tượng
khác. [30, 91-94] Ví dụ: màu da cam, chất độc màu da cam …
1.4. Động từ tri giác
Trong tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ nói chung, mỗi cơ quan tri giác đều được
ngôn ngữ dành cho rất nhiều động từ dùng để miêu tả hoạt động của các cơ quan này.
Trong phạm vi luận án này chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu, khảo sát, so sánh đối
chiếu dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận nhóm động từ nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ
trong mối tương ứng với nhìn thấy, nghe thấy, nếm thấy, ngửi thấy, sờ thấy.
1.5. Không gian tri nhận
Theo Giles Fauconier [46] thì một biểu thức ngôn ngữ bất kỳ nào cũng sẽ gợi lên
một vùng không gian tinh thần trong tâm thức của chủ thể tiếp nhận. Chẳng hạn với
biểu thức ngôn ngữ Tôi thấy cây, chúng ta có một không gian cơ sở hay không gian
thực trong đó có hai thực thể là a: tôi và b: cây. Từ không gian cơ sở này đã phản ánh
vào tâm thức của chủ thể một không gian tinh thần có hai yếu tố a’: tôi và b’: cây với
ý niệm là Tôi thấy cây.
a’ thấy b’

a: tôi
b: cây
a'
a


b’

b

Không gian tinh thần M
Không gian cơ sở B
Không gian tinh thần còn có thể coi là không gian giả lập của không gian thực
được tạo dựng nên trong tâm thức của người sử dụng ngôn ngữ. Không gian giả lập
đôi khi không nhất thiết phải trùng khớp hoàn toàn với không gian thực. Tính chân
ngụy của nó đối với không gian thực đôi khi chỉ là tương đối. Nó chỉ có giá trị trong
ngôn ngữ, trong tâm thức của người sử dụng ngôn ngữ, không đòi hỏi cao về khoa học
tự nhiên, chính xác. Chẳng hạn các ý niệm “con rồng”, “con kỳ lân” chỉ tồn tại trong
không gian tinh thần mà thôi. Và cũng chẳng ai nghi vấn gì với câu nói “Trong ký ức
tôi thấy tháp Eifel chỉ mới xây dựng được một nửa thôi.” dù ai cũng có thể dễ dàng


9

nhận ra cái không gian giả lập mà câu này tạo ra hoàn toàn không đúng với sự thực
hiện tại.
Không gian tinh thần là một chỉnh thể phối cảnh lớn có thể có nhiều tầng nhiều lớp.
Trong mỗi không gian tinh thần chứa đựng các thành tố của nó và các không gian này
được dựng lên từ các khung tri nhận và mô hình tri nhận mà biểu thức ngôn ngữ phản
ánh. Không gian tinh thần được dựng nên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng
lược đồ hóa, tri thức nền, phương thức phân tích, tổng hợp, ánh xạ, phân vùng ý
niệm… của chủ thể.
1.6. Cơ chế tri nhận
Theo Từ điển Tiếng Việt [8] giảng nghĩa cơ chế là "cách thức theo đó một quá
trình thực hiện". Vậy cơ chế tri nhận chính là cách thức mà theo đó quá trình tri nhận

được thực hiện. Cơ chế tri nhận của động từ tri giác là cách thức của quá trình tri nhận
thông qua các giác quan của con người được thể hiện trên chất liệu ngôn ngữ là các
động từ tri giác.
1.7. Mô hình tri nhận
Theo Từ điển Tiếng Việt [8] thì mô hình là “hình thức diễn đạt hết sức gọn theo
một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng, để nghiên cứu đối
tượng ấy.”
Vậy mô hình tri nhận là hình thức diễn đạt thu gọn, nêu lên các đặc trưng chủ yếu,
mô phỏng hoạt động của quá trình tri nhận. Mô hình tri nhận của động từ tri giác là
hình thức diễn đạt thu gọn, mô phỏng hoạt động của quá trình tri nhận của các động từ
tri giác với các đặc trưng chủ yếu.
Theo Trần Văn Cơ [30, 52-55], mô hình tri nhận là một dạng đặc biệt của các quan
điểm khoa học, nó có nhiệm vụ tổ chức việc quan sát, gán cho việc quan sát một ý
nghĩa nào đó, tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố xuất phát từ những quan sát này, phát
triển những giả thuyết, dự đoán các sự kiện chưa được quan sát.
1.8. Khung tri nhận
“Khung” là thuật ngữ được phổ biến rất rộng rãi không chỉ trong các nghiên cứu
về trí tuệ nhân tạo mà còn trong xã hội học, tâm lí học và ngôn ngữ học. Dưới dạng
chung nhất khung là phương thức lưu trữ các biểu tượng trong bộ nhớ. Nó tương ứng
với những khái niệm như “sơ đồ” trong tâm lí học tri nhận, những “mối liên hệ liên
tưởng”, “trường ngữ nghĩa”, “cảnh”, “mô hình tri nhận”.


10

Theo Fillmore thì khung ngữ nghĩa là “hệ thống ý niệm liên quan với nhau theo cái
cách mà để hiểu bất kỳ một ý niệm nào trong số đó chúng ta phải hiểu cái cấu trúc
toàn thể mà ý niệm đó ăn khớp với”. [37, 111]
Chẳng hạn, một ý niệm như “tay” không thể xác định được nếu thiếu vắng lĩnh
vực “thân thể”; cũng không thể xác định được một ý niệm như “con” mà bỏ qua

khung “bố mẹ”. Và một ý niệm như “weekend” không thể hiểu được nếu không có
những tri thức nền về dương lịch (chia ra 7 ngày đêm) và những quy ước văn hóa
(chia ra ngày làm việc và ngày nghỉ). [19, 26]
Theo Lý Toàn Thắng, mỗi đơn vị ngôn ngữ đều gợi ra một khung ngữ nghĩa. Do
vậy, ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ phải được xác định có tính đến cả “ý niệm” lẫn
“khung”. Những sự khác biệt ngữ nghĩa xuyên ngôn ngữ thường hay liên quan đến
thông tin được cụ thể hóa trong khung hơn là cấu trúc nội tại của ý niệm hình bóng.
[19, 26-27]
Khung cũng có thể là một cấu trúc ý niệm phức tạp. Khung có thể chứa đựng
những khung nhỏ với những tình tiết đơn giản hơn gọi là “cảnh”.
1.9. Logic tri nhận
Mỗi sự vật hiện tượng khi được con người tri giác rồi tri nhận đều theo những cách
thức đặc trưng nào đó. Tiếp theo đến quá trình chuyển đổi thông tin tri nhận thành mã
ngôn ngữ để phát thông tin đến đối tượng giao tiếp rồi đối tượng đó sẽ tiếp nhận mã,
giải mã để thấu hiểu thông tin từ đó mới có thể thực hiện chu trình ngược lại. Thế nên
cái quá trình giao tiếp đó chắc chắn phải có những qui tắc của nó. Để giao tiếp thành
công, để các đối tượng giao tiếp hiểu nhau thì cần phải có hệ thống các qui tắc logic
tri nhận.
Đối với nhóm động từ tri giác đang nghiên cứu thì logic tri nhận của chúng cũng
có nhiều điểm vô cùng thú vị. Chẳng hạn xét các ví dụ sau đây:
Mary sees every frog jump. (1)
Mary sees nobody dance. (2)
Every frog is seen by Mary to jump. (3)
There is nobody there, so, Mary can see nobody dance. (4)
There is nobody who Mary sees dance. (5)
There is somebody dance, however, Mary can’t see any. (6)
Đối với câu (1) thì mọi việc đã quá rõ ràng, vì thế câu (3) là câu chuyển đổi hoàn


11


toàn chính xác của (1). Tuy nhiên đến câu (2) thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Với một
phát ngôn bất chợt như (2) thì chúng ta sẽ có đến ba cách thông hiểu phát ngôn này
như ở (4), (5) và (6).
Logic tri nhận của động từ tri giác thuộc về cả logic hình thức và logic phi hình
thức. Trong nhiều trường hợp tính chân ngụy của nó không đóng vai trò gì và chẳng
đóng góp ý nghĩa gì để quyết định một phát ngôn là đúng hay sai. Trên thực tế giao
tiếp thì sẽ cần thêm nhiều thao tác khác để có thể hiểu và tương tác ngôn ngữ, giao
tiếp với nhau thành công. Ví dụ như với trường hợp sau: “Hắn nhìn mãi mà không
thấy có cây bút trên bàn.” thì việc trên bàn thực sự có “cây bút” hay không chẳng ảnh
hưởng gì đến tính chân ngụy của phát ngôn này. Và sẽ không thể hiểu trọn vẹn hết các
nét nghĩa của phát ngôn này nếu không có sự liên kết thông tin, các thao tác phối cảnh
khác chằng hạn như kết nối tiếp với một trong hai trường hợp sau đây:
-Hắn đành qua phòng bên tìm. (1)
-Hắn thật là sơ xuất. (2)
1.10. Tiêu điểm tri nhận
Theo lý thuyết thông tin thì mọi thông điệp phát ra đều có tiêu điểm thông tin của
nó. Với nhóm động từ tri giác cũng vậy. Trong các phát ngôn của nó đều có tiêu điểm
tri nhận.
Ví dụ: Tôi thấy chiếc xe đậu trong sân.
Với ví dụ này thì cái tiêu điểm tri nhận cần tập trung là “chiếc xe”, còn “sân” chỉ là
bối cảnh nền mà thôi.
Trong ngôn ngữ, khi sử dụng thao tác chuyển đổi tiêu điểm tri nhận trong cùng
không gian tri nhận để đại diện cho một tiêu điểm tập hợp thì đó là phép hoán dụ.
Ví dụ: Đó là chân sút chủ lực của đội bóng.
Trường hợp khác nếu chuyển đổi một tiêu điểm tri nhận trong một không gian tri
nhận này để áp lên một tiêu điểm tri nhận trong một không gian khác thì đó là phép ẩn
dụ.
Ví dụ: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

1.11. Ẩn dụ ý niệm
Một trong những cơ chế ý niệm cấu trúc hoá ngôn ngữ thường xuyên nhất chính là
ẩn dụ ý niệm. Trong ẩn dụ ý niệm, cấu trúc của miền được cho sẵn (miền nguồn) được


12

ánh xạ lên trên một cái khác (miền đích) dẫn đến kết quả được tường giải và được
hiểu trong khuôn khổ những điều kiện đặt ra của cái thứ nhất. Trong “Love is a
Journey” (Yêu là một Hành trình) [39], kiến thức về miền nguồn Journey (Hành
trình) được sử dụng để tường giải cho miền đích Love (Yêu), dẫn đến tạo ra những ý
niệm như “this relationship has hit a dead-end-street”(mối quan hệ đã đi vào ngõ cụt),
“from now on, we’ll go separate ways”(từ nay chúng ta đôi đường đôi ngã), “their
marriage is on the rocks”(hôn nhân của họ gặp phải thử thách), “we’re spinning our
wheels”(chúng tôi đang xuôi chèo mát mái)…
Thông thường thì miền nguồn cụ thể hơn miền đích. Tri giác là một miền cụ thể và
tham gia làm miền nguồn trong nhiều ẩn dụ. Chẳng hạn như Knowing is Hearing
(Biết nghĩa là Nghe thấy) . Trong ẩn dụ này sự kiện Nghe thấy được ánh xạ lên miền
đích là Biết. Biết nghĩa là Nghe thấy và nhận thức được. Đối với Nhìn thấy cũng tương
tự: Understanding is Seeing (Hiểu nghĩa là đã nhìn thấy) [42], [50] Trong ẩn dụ này,
miền nguồn là sự kiện Nhìn thấy được ánh xạ lên sự kiện Thấu hiểu.
Vd:

Tôi hiểu ý anh. Rất là rõ ràng.
I see what you mean/ It’s very clear to me.

Đối với các động từ còn lại: nếm thấy, ngửi thấy, cảm thấy cơ chế ẩn dụ cũng
tương tự.
Ẩn dụ ý niệm (ẩn dụ tri nhận) chủ yếu là sự mở mang kiến thức, cung cấp sự hiểu
biết về một đối tượng này thông qua sự hiểu biết về một đối tượng khác đã biết. Bằng

cách đó con người tạo cho mình sự hiểu biết mới. Bản chất của ẩn dụ tri nhận là ở sự
ngữ nghĩa hóa và cảm nhận những hiện tượng loại này trong thuật ngữ các hiện tượng
loại khác. Trong các cơ sở của ẩn dụ có thể có những hiện tượng vật lí và xã hội khác
nhau. Kinh nghiệm và văn hóa của chúng ta cũng cung cấp nhiều cơ sở cho ẩn dụ. Sự
liên kết bên trong hệ thống chung đôi khi giải thích sự lựa chọn một trong những ẩn
dụ có thể. Sự lựa chọn ẩn dụ và sự tách ra những ẩn dụ chính trong tập hợp các ẩn dụ
có thể thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.
1.12. Một số quan điểm và nguyên lí cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận trong việc
nghiên cứu ngôn ngữ
Mặc dù có nhiều cách nhìn nhận về phạm vi nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận,
theo nhiều nhà nghiên cứu trong ngôn ngữ học tri nhận có một số quan điểm và
nguyên lí cơ bản đáng chú ý trong việc nghiên cứu ngôn ngữ như sau.


13

Trước hết, ngôn ngữ không phải là một khả năng tri nhận tự trị (autonomous).
Nguyên lí này đối lập với giả thuyết nổi tiếng của ngữ pháp tạo sinh cho rằng ngôn
ngữ là một khả năng tri nhận tự trị hay là một module biệt lập với các khả năng tri
nhận phi ngôn ngữ. Nó thừa nhận sự biểu hiện của tri thức ngôn ngữ về cơ bản giống
y như sự biểu hiện của các cấu trúc ý niệm khác, rằng các quá trình trong đó tri thức
được sử dụng không khác về cơ bản với các khả năng tri nhận mà con người sử dụng
ngoài lĩnh vực ngôn ngữ. Nói cách khác, không nên coi ngôn ngữ là bộ phận thiên
bẩm hoàn toàn độc lập với khả năng tri nhận, cơ chế ngôn ngữ chỉ là một phần của cơ
chế tri nhận phổ quát.
Nguyên lí này dẫn đến hai hệ luận quan trọng. Thứ nhất, tri thức ngôn ngữ (tri thức
về ý nghĩa và hình thức) về cơ bản là cấu trúc ý niệm và biểu hiện ngữ nghĩa về cơ
bản là biểu hiện ý niệm. Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận các biểu hiện về cú pháp,
từ pháp và âm vị học về cơ bản cũng mang tính ý niệm bởi vì các âm thanh và các
phát ngôn phải được tạo sinh ở đầu ra và nhận hiểu ở đầu vào của các quá trình tri

nhận chi phối các hoạt động nói – viết, nghe – đọc vốn là hai quá trình đều liên quan
tới trí não. Thứ hai là các quá trình tri nhận, vốn chi phối sự sử dụng ngôn ngữ (đặc
biệt là sự tạo thành và chuyển tải ý nghĩa bằng ngôn ngữ) về nguyên lí là giống như
các khả năng tri nhận khác. Điều này có nghĩa là sự tổ chức và trừu xuất tri thức ngôn
ngữ không khác gì nhiều sự tổ chức và trừu xuất các tri thức khác trong trí não và
những khả năng tri nhận mà chúng ta ứng dụng khi nói và hiểu cũng không khác gì
nhiều những khả năng tri nhận mà chúng ta ứng dụng cho những nhiệm vụ tri nhận
khác như tri giác bằng mắt, hoạt động suy luận hay vận động. Do đó, ngôn ngữ là một
khả năng tri nhận của con người và theo quan điểm tri nhận thì ngôn ngữ là sự tri giác
thời gian thực (real-time perception) và sự tạo sinh theo thời gian các chuỗi đơn vị
biểu trưng phân lập, được cấu trúc hóa.
Nói như vậy không có nghĩa là các nhà ngôn ngữ học tri nhận phủ định khả năng
ngôn ngữ bẩm sinh của con người. Họ chỉ từ chối cách nhìn tự trị về nó. Họ công
nhận có một thành tố thiên phú quan trọng thuộc về những khả năng tri nhận chung
của con người và một số thuộc tính bẩm sinh đó đã tạo nên cái khả năng ngôn ngữ mà
chỉ loài người mới có. Tuy nhiên cần thấy rằng tính thiên bẩm của các khả năng tri
nhận không phải là điều quan tâm chủ yếu của ngôn ngữ học tri nhận. Điều nó quan
tâm trước hết là vai trò của các khả năng tri nhận chung trong ngôn ngữ. Vì thế nhiều


14

nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận có mục đích là làm sáng tỏ các cấu trúc ý niệm
và các khả năng tri nhận được ứng dụng cho ngôn ngữ và nhằm chỉ ra rằng ngôn ngữ
có thể được mô hình hóa một cách hợp lí bằng cách sử dụng chính những cấu trúc ý
niệm và những khả năng tri nhận chung này. Chẳng hạn như tâm lí học tri nhận. Ngôn
ngữ học tri nhận đã ứng dụng các mô hình của tâm lí học tri nhận như:
Các mô hình về kí ức (để nghiên cứu về sự tổ chức các tri thức ngôn ngữ trong các
khung / lĩnh vực (frames / domains) và sự tổ chức các tri thức ngữ pháp trong mạng
lưới các quan hệ phân loại và các quan hệ khác).

Các mô hình về chú ý và tri giác (nhất là của tâm lí học Gestalt để nghiên cứu các
quá trình ý niệm hóa trong ngữ nghĩa học).
Các mô hình về phạm trù hóa (đặc biệt là các điển dạng – prototypes), tính trung
tâm có phân hạng và mô hình về cấu trúc phạm trù để nghiên cứu các phạm trù ngữ
nghĩa và ngữ pháp.
Nguyên lí tiếp theo của ngôn ngữ học tri nhận là ngữ nghĩa và ngữ pháp là sự ý
niệm hóa (conceptualization). Nguyên lí này nói lên cách tiếp cận của ngôn ngữ học
tri nhận đối lập lại với ngữ nghĩa điều kiện chân ngụy (truth – conditional semantics)
vốn cũng thống trị trong ngôn ngữ học đương thời như ngữ pháp tạo sinh. Ngôn ngữ
học tri nhận cho rằng không thể quy cấu trúc ý niệm vào sự tương ứng đơn giản về
điều kiện chân ngụy với thế giới, rằng một phương diện chủ yếu của khả năng tri nhận
của con người là sự ý niệm hóa kinh nghiệm để giao tiếp và sự ý niệm hóa các tri thức
ngôn ngữ mà chúng ta có được. Cho nên cần phải nghiên cứu tất cả các phương diện
của cấu trúc ý niệm như cấu trúc của các phạm trù, tổ chức của các tri thức và đặc biệt
là vai trò chủ đạo của các biến tố và các kết cấu ngữ pháp trong việc cấu trúc kinh
nghiệm theo những cách riêng biệt; cũng như quá trình ý niệm hóa ở các hiện tượng
ngữ nghĩa từ vựng như đa nghĩa và ẩn dụ và một số quan hệ từ vựng ngữ nghĩa khác.
Nguyên lí thứ ba là tri thức ngôn ngữ nảy sinh ra từ sự sử dụng ngôn ngữ. Nguyên
lí này đối lập với cả ngữ pháp tạo sinh lẫn ngữ nghĩa điều kiện chân ngụy vốn cho
rằng các sơ đồ và các phạm trù chung, trừu tượng (đôi khi được coi như bẩm sinh) là
cái chi phối sự tổ chức các tri thức ngôn ngữ và quy cho nhiều hiện tượng ngữ pháp và
ngữ nghĩa chỉ có tư cách “ngoại biên”. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng các
phạm trù và các cấu trúc trong ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ pháp và âm vị học đều được
xây dựng trên cơ sở tri nhận của chúng ta về các phát ngôn riêng biệt trong khi sử


15

dụng chúng. Quá trình này của sự trừu tượng và sơ đồ hóa không làm mất đi sự khác
biệt tinh tế (được quy ước hóa) thậm chí giữa những kết cấu ngữ pháp và những ý

nghĩa từ vựng hết sức riêng biệt. Việc phân tích chi tiết những biến đổi tinh tế trong
hành vi cú pháp và giải thuyết ngữ nghĩa sẽ tạo ra một mô hình biểu hiện ngữ pháp
chứa đựng cả những khuôn mẫu chuyên biệt (vốn hay bị coi là ngoại vi) lẫn những
khuôn mẫu rất chung của hành vi ngôn ngữ. Có thể thấy điều đó qua các mô hình
được áp dụng như trong nghĩa học về sự thông hiểu của Fillmore, trong quan điểm kết
cấu động về sự phạm trù hóa của Cruse, trong lí thuyết mới về ngữ pháp kết cấu, trong
mô hình dựa trên sử dụng (usage-based model) về từ pháp và âm vị học…
Tuy cùng xuất phát từ một số quan điểm, tư tưởng chung nhưng trong ngôn ngữ
học tri nhận phân ra ba xu hướng chính, với những trọng tâm trọng điểm khác nhau
trong cách tiếp cận nghiên cứu vấn đề.
Trong cách

tiếp cận thứ nhất, thường được coi là có tính kinh nghiệm

( experiential ), người ta chủ yếu tìm hiểu xem khi người nói tạo sinh (và nghe hiểu)
các từ và câu thì cái gì xảy ra trong trí óc anh ta, anh ta sẽ miêu tả ra sao các thuộc
tính của sự vật và những liên tưởng, những ấn tượng của anh ta về sự vật ấy. Người ta
nhận thấy rằng những thuộc tính được người nói miêu tả dường như có phản ánh cái
cách thức mà anh ta tri nhận về thế giới xung quanh và tương tác với thế giới ấy;
những kinh nghiệm tích lũy được của chúng ta về thế giới cũng được tàng trữ trong
ngôn ngữ hàng ngày và do vậy những kinh nghiệm ấy có thể thu lượm được từ cái
cách thức mà chúng ta diễn đạt các tư tưởng của mình. Với cách tiếp cận này, nhà
ngôn ngữ học tri nhận sẽ khảo sát những vấn đề như các phạm trù tri nhận, các sơ đồ
hình ảnh, các mô hình điển dạng khi phạm trù hóa các sự vật, trong đó có một vấn đề
rất thú vị là nội dung và cấu trúc tri nhận của các ẩn dụ vốn rất khác với cách quan
niệm lâu nay của từ vụng học truyền thống.
Cách tiếp cận thứ hai chủ yếu quan tâm đến mức độ “nổi trội” (prominence) của
các cấu trúc ngôn ngữ, cụ thể là việc các thông tin được lựa chọn và sắp xếp trong câu
như thế nào. Trong một câu yếu tố nổi trội hơn sẽ được chọn làm hình (figure), đối lập
với yếu tố còn lại được chọn làm nền (ground). Ví dụ, trong câu: “Chiếc xe đâm vào

cột điện ven đường.” thì “chiếc xe” là hình, còn “cột điện” sẽ là nền. Nguyên lí tách
biệt hình và nền đã được nói đến từ lâu trong những nghiên cứu về cảm thụ thị giác
của trường phái tâm lí học Gestalt nổi tiếng và có liên quan chặt chẽ với những quá


16

trình tri nhận không gian của con người. Chẳng hạn, khi chúng ta ngắm nhìn một đối
tượng nào đó của thế giới xung quanh, xu hướng chung là chúng ta sẽ tách riêng nó ra,
ý niệm hóa nó như một hình nổi bật hơn hẳn về phương diện tri giác so với nền. Có
một số nguyên tắc gestalt về sự cảm nhận thị giác chi phối việc lựa chọn hình như
nguyên tắc đóng kín (các đường viền của hình thường là khép kín), nguyên tắc tiếp
nối (hình thường là một toàn thể không bị đứt quãng), nguyên tắc có khả năng di
chuyển …
Cách tiếp cận thứ ba chủ yếu quan tâm đến mức độ thu hút sự chú ý (attentional)
của các yếu tố và các bình diện khác nhau của các sự tình. Ví dụ, trong câu: “Chiếc xe
đâm vào cột điện ven đường.” người nói chỉ tập trung miêu tả khúc đoạn nhỏ cuối
cùng của sự tình diễn ra, còn những giai đoạn trước khi xảy ra tai nạn thì không hề
được người nói chú ý đến (chẳng hạn chiếc xe bắt đầu ngoặt gấp ra sao, nó lao lên vỉa
hè như thế nào…). Với cách tiếp cận này, nhà ngôn ngữ học tri nhận tập trung khảo
sát khái niệm “khung” tức là một tập hợp tri thức mà người nói có được về một sự
tình nào đó; khảo sát việc người nói lựa chọn và nhấn mạnh những phương diện nhất
định của các “khung” này và ứng với nó là những biểu đạt ngôn ngữ khác nhau trong
một ngôn ngữ (và không giống nhau giữa các ngôn ngữ, mặc dù các kiểu “khung” cơ
bản về nguyên tắc là có tính phổ quát)… [20, 17-24]
Tuy nhiên dù tiếp cận ngôn ngữ theo cách nào thì chúng ta không thể không chú ý
đến một nguyên lí hết sức cơ bản rằng ngôn ngữ học tri nhận nghiên cứu ngôn ngữ
trong mối quan hệ với con người – con người suy nghĩ, con người hành động (dĩ nhân
vi trung). Đối tượng của ngôn ngữ học tri nhận là ngôn ngữ tự nhiên của con người
với tư cách là một bộ phận cấu thành của nhận thức. Ngôn ngữ phản ánh mối tương

tác giữa các nhân tố tâm lí, giao tiếp, văn hóa và xã hội. Với tư cách là thành quả của
trí tuệ con người, ngôn ngữ và cấu trúc của nó chỉ rõ trí tuệ làm việc như thế nào. Cấu
trúc của ngôn ngữ phản ánh những tiêu chí chức năng dựa trên sự sử dụng ngôn ngữ
như một công cụ giao tiếp. Mặc dù các quan hệ giữa nhiều hình thái ngôn ngữ với ý
nghĩa của chúng mang tính võ đoán nhưng chúng thường mang tính biểu trưng. Với tư
cách là phương tiện giao tiếp giữa các thành viên của xã hội thì ngôn ngữ phản ánh
nhiều bình diện của một nền văn hóa nhất định. Cấu trúc của ngôn ngữ được cấu tạo
bởi hai nhân tố quan trọng: nhân tố bên trong, nghĩa là trí tuệ của cá thể người nói và
nhân tố bên ngoài, nghĩa là nền văn hóa chung cho nhiều người nói cùng một thứ


17

tiếng. Ngôn ngữ học tri nhận là một bộ phận của khoa học tri nhận và có mối liên hệ
trực tiếp với tâm lí học, văn hóa học và thần kinh học cũng như với nhân chủng học và
triết học. [31, 41]
1.13. Tiểu kết
Tri giác là cách thức để chúng ta thấu hiểu thế giới xung quanh. Chúng ta thu thập
thông tin về thế giới xung quanh thông qua năm giác quan. Sau đó tri giác gán ý nghĩa
cho các thông tin thu thập được. Quá trình tri giác có bản chất tự nhiên. Tuy nhiên nó
không chỉ đơn thuần là thu lại chính xác những gì bên ngoài. Trong quá trình tri giác
chúng ta sắp xếp, cấu trúc và thông dịch thông tin thu thập được rồi gán ý nghĩa cho
sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan bên ngoài. Sự vật hiện tượng có thể giống
nhau nhưng sự thông dịch và thấu hiểu ở mỗi cá nhân là khác nhau vô cùng. Do đó khi
con người sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với nhau chắc chắn quá trình đó và kể cả
những khác biệt theo chủ thể tri nhận cũng sẽ được phản ánh lên ngôn ngữ bởi lẽ suy
cho cùng thì nhận thức phản ánh ngôn ngữ. Cụ thể trong luận văn này chúng tôi muốn
tìm hiểu, nghiên cứu nhóm động từ tri giác.
Động từ tri giác đã nhận được nhiều sự quan tâm trong các công trình nghiên cứu
ngôn ngữ học trên thế giới bởi sự phong phú cấu trúc đa nghĩa (Viberg, 1983, 1984)

[55] [56], sự đa đặc tính cú pháp (Horie, 1993) [45], (Gisborne, 1996) [44] hay tính đa
nghĩa và sự phát triển ngữ nghĩa của động từ tri giác tiếng Anh (Sweetser, 1990)
[51]… Tuy nhiên động từ tri giác trong tiếng Việt thì chưa nhận được nhiều sự quan
tâm, nghiên cứu. Đặc biệt, nghiên cứu động từ tri giác theo quan diểm ngôn ngữ học
tri nhận thì có thể nói là chưa có, bất chấp việc không thể phủ nhận rằng động từ tri
giác tiếng Việt không kém phần lý thú, ý vị, có nhiều sức thu hút trong quá trình
nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt trên nhiều phương diên. Đó chính là động lực, cũng là
mục tiêu mà chúng tôi muốn nghiên cứu nhóm động từ tri giác dưới cái nhìn của ngôn
ngữ học tri nhận cũng như mong muốn góp một phần vào công cuộc nghiên cứu ngôn
ngữ nói chung và nghiên cứu tiếng Việt nói riêng.


18

Chương 2

KHÔNG GIAN TRI NHẬN CỦA ĐỘNG TỪ TRI GIÁC
2.1.

Cơ chế tri nhận; Mô hình tri nhận của động từ tri giác

2.1.1. Cơ chế tri nhận

2.1.2. Mô hình tri nhận

INPUT
(NHẬP)
nhìn, nghe,
ngửi, nếm, sờ


2.2.

PROCESSING
(XỬ LÝ)

OUTPUT
(XUẤT)
nhìn thấy, nghe
thấy, ngửi thấy,
nếm thấy, sờ thấy

Khung tri nhận của động từ tri giác

Khung tri nhận của các động từ tri giác bao gồm các yếu tố như sau:
2.2.1. Chủ thể tri nhận
Trong một hoạt động tri nhận bắt buộc phải có chủ thể tri nhận (perceptor /


19

perceiver) hay cũng có thể gọi là nghiệm thể (experiencer) hay tác thể (agent). Đối với
nhóm các động từ tri giác thì chủ thể tri nhận là đối tượng chủ thể thực hiện các hành
động tri giác.
Vd: Con bé nhìn quanh. [TYSCT, 384]
She looked around, and then lowered her voice. [LAW, 343]
2.2.1.1. Tính chủ ý
Động từ tri giác có thể được xác minh dựa trên tính chủ ý của chủ thể tri nhận. Một
số động từ tri giác đòi hỏi một chủ thể tri nhận có chủ ý (tác thể) (agent) và số khác thì
lại đòi hỏi một chủ thể tri nhận không có chủ ý (nghiệm thể) (experiencer).
-Không có chủ ý (non-volitional), chủ thể là nghiệm thể (experiencer):

Vd:-Hồi đó tôi cũng có thấy nhiều nhà bị lở nhưng không ngờ lở mau như vậy.
[TYSCT, 34]
Back then I had seen it coming, but I really never imagined. [LAW, 18]
-Có chủ ý (volitional), chủ thể là tác thể (agent):
Vd:-Tôi nhìn vào đôi mắt anh mênh mang buồn. [TYSCT, 398]
I looked into the immense sadness in his eyes and my heart ached. [LAW, 365]
2.2.1.2. Chủ thể tri nhận có chủ ý
Là chủ thể tri nhận chủ động hướng sự chú ý của mình đến đối tượng tri nhận.
Vd: -Nàng cúi nhìn hắn lọt thỏm trong chiếc xe lăn tay. [TYSCT, 410]
Bending her head, she looked at him, sitting in his wheelchair. [LAW, 376]
2.2.1.3. Chủ thể tri nhận không có chủ ý
Là chủ thể tri nhận không chủ động hướng sự chú ý đến đối tượng tri nhận.
Vd: -Bà ngước lên, chợt thấy ông cũng đang loay hoay tìm cái gì đó. [TYSCT, 133]
She looked up and suddenly saw him, also hard at work searching for something.
[LAW, 114]
2.2.2. Thực thể được tri nhận
Trong một hoạt động tri nhận ngoài chủ thể tri nhận còn có đối tượng tri nhận hay
thực thể được tri nhận, cái được tri nhận (perceived) hoặc cũng có thể coi là kích thích
(stimulus).
Vd: Nàng bỗng chăm chú nhìn tận mặt hắn và cất giọng êm đềm. [TYSCT, 411]
She looked intently at his face and murmured gently. [LAW, 376]
2.2.3. Cơ quan tri giác


20

Con người chắc chắn sẽ không thể tri nhận được thế giới bên ngoài nếu như không
thông qua các cơ quan tri giác. Tương ứng với mỗi cơ quan tri giác trong mỗi ngôn
ngữ dành cho nó một số động từ tri giác nhằm biểu thị hoạt động của từng cơ quan.
Vd: -Thị giác:

Hắn cay đắng nhìn nàng. [TYSCT, 416]
He looked at her bitterly. [LAW, 380]
Thốt nhiên tôi nhìn thấy Roza trên ô cửa sổ đối diện. [TYSCT, 500]
Suddenly I saw Roza standing in one of the windows. [LAW, 449]
-Thính giác:
Tôi lặng nghe Muôn hát, thấy giọt nước mắt lăn trên gò má của cô. [TYSCT, 533]
While she sang I listened in silence, watching the tears spill down her cheeks. [LAW,
479]
Lúc tưởng anh ăn cơm thì đến bậc sáu mươi mốt cầu thang gỗ Trân nghe thấy anh hát
vống lên một bài gì đó. [TYSCT, 188]
When she was sure he was having his meal, she would hear him break suddenly and
loudly into song just as she reached the 61st stair. [LAW, 179]
-Khướu giác:
Tôi cúi xuống ngửi hoa.
I bent down to smell the flowers. [47]
Cũng lạ, hễ mưa là ông ngửi thấy mùi mốc ở cơ thể mình, mùi rửa nát ở đồ vật.
[TYSCT, 586]
Whenever it rained he would smell that musty scent from his own body, the decaying
odor of all his possessions, lying around him in the flat. [LAW, 538]
-Vị giác:
Mặn hay không chúng tôi đâu đã được nếm thử. [TYSCT, 552]
We haven’t tasted it. [LAW, 508]
Anh có thể nếm thấy tỏi trong món kho này.
You can taste the garlic in this stew. [47]
-Xúc giác:
Mì rút tay khỏi áo Ngoan, sờ nhẹ lên môi Ngoan. [TYSCT, 221]
Mi withdrew her hands and raised them to touch Ngoan's lips softly. [LAW, 206]
Tỉnh dậy, sờ lên mặt chỉ thấy máu. [TYSCT, 115]



21

When I woke up and reached up to wipe my face, I felt that it was covered in blood.
[LAW, 98]
2.2.4. Cách thức tri nhận
Là cái cách mà hoạt động tri nhận được tiến hành.
Vd: Hắn cay đắng nhìn nàng. [TYSCT, 416]
He looked at her bitterly. [LAW, 380]
2.2.5. Vị trí tri nhận
Là các vị trí mà theo đó hoạt động tri nhận diễn ra.
2.2.5.1. Vị trí của chủ thể tri nhận
Là vị trí của chủ thể khi thực hiện hoạt động tri nhận.
Vd: Bà ngồi ở bậc cửa đến canh ba, nhìn xéo sang nhà người hàng xóm thấy đèn vẫn
sáng, bà đứng vụt dậy, chạy sang. [TYSCT, 134]
She sat on the doorstep until the third cock's crow, looking sideways at her neighbor's
house where the lamp was still burning. [LAW, 116]
2.2.5.2. Vị trí của thực thể được tri nhận
Là vị trí của kích thích tri nhận được phát ra để dẫn dắt hoạt động tri nhận được
diễn ra.
Vd:-Cô nhìn chồng tạp chí và báo ở trên bàn. [TYSCT, 145]
She looked at the stack of magazines and newspapers on the table. [LAW, 126]
2.2.6. Đường dẫn tri nhận
Là đường đi của các kích thích giác quan từ nguồn cho đến chủ thể tri nhận.
Vd: Nhìn qua vai anh, tôi thấy một thiếu phụ, thân hình đẫy đà, đang đứng trên lề
đường đối diện. [NCPLCSH, 70]
Looking over his shoulder, I saw that on the pavement opposite there stood a large
woman. [TAOSH, 75]
2.2.7. Nguồn
Là thực thể phát hay tạo ra các kích thích giác quan nhận được.
Vd: Trong lúc nói chuyện, tôi thường nghe thấy tiếng đàn dương cầm vẳng vọng,

thoảng xa. [TYSCT, 519]
Now and then, whenever we spoke, I would hear the sound of a piano playing
somewhere in her house. [LAW, 467]
2.2.8. Chiều tri nhận


×