I - KHÁI NIỆM
1. Đồng nghĩa:
1.1 Các quan điểm về đồng nghĩa:
Đồng nghĩa vốn là một hiện tượng đã được thảo luận và minh hoạ một cách
phong phú từ nhiều quan điểm, không chỉ trên phương diện ngữ nghĩa học, từ vựng
học, mà còn cả phê bình văn học. Đây cũng là vấn đề được quan tâm, chú ý trong
những giáo trình về phong cách học.
Trên thực tế nghiên cứu, có nhiều quan điểm khác nhau về cách định nghĩa,
phân loại hiện tượng đồng nghĩa:
John Lyons viết trong “Ngữ nghĩa học dẫn luận” (John Lyons, 1995. Linguistic
Semantics: An Introduction. Cambridge University
Press) : “Những biểu thức có cùng
nghĩa là những
biểu thức đồng nghĩa(synonymous). Có hai điểm cần lưu ý về định
nghĩa này. Thứ nhất, nó không giới hạn quan hệ đồng nghĩa trong phạm vi từ vị: nó
tính đến cái khả năng những biểu thức đơn giản về từ vựng có thể có cùng nghĩa với
những biểu thức phức hợp về từ vựng. Thứ hai, nó cho rằng sự đồng nhất về nghĩa là
tiêu chí của đồng nghĩa, chứ không phải
sự giống nhau.” Từ đó John Lyons nhấn
mạnh khái niệm đồng nghĩa hoàn toàn ( absolute synonymy) và đồng nghĩa không
hoàn toàn (partial synonymy), phân biệt với khái niệm g ần nghĩa (near-synonyms).
Trong “Nguyên lí về tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ và hệ quả của nó
trong sáng tác văn chương”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa
học Huế, Tập 2, Số 2 (2014), khi bàn về hệ quả của tính võ đoán (của ngôn ngữ) có
quan điểm: “Do ngôn ngữ mang tính võ đoán nên các tín hiệu ngôn ngữ luôn luôn tồn
tại dưới dạng các biến thể. Tín hiệu ngôn ngữ có hai mặt: cái biểu đạt (CBĐ) và cái
được biểu đạt (CĐBĐ), do đó cũng tồn tại hai loại biến thể: biến thể về CBĐ và biến
thể về CĐBĐ. Biến thể về CBĐ (công thức n/1) nghĩa là cùng một nội dung có nhiều
hình thức biểu đạt khác nhau, cùng một ý nghĩa có nhiều âm thanh khác nhau, cùng
một đối tượng có nhiều tên gọi khác nhau. Nói cách khác, thực chất của biến thể về
cái biểu đạt chính là các
hiện tượng đồng nghĩa. Sở dĩ nói là hiện tượng đồng nghĩa
vì đồng nghĩa xảy ra trên các cấp độ của ngôn ngữ: cấp độ từ vựng, cấp độ cú pháp
và cả cấp độ văn bản.”. Đồng thời cũng đưa ra 2 khái niệm đồng nghĩa cố định và
đồng nghĩa lâm thời.
Trong phạm vi bài thuyết trình này, chúng tôi chọn khái niệm đồng nghĩa cố
định và đồng nghĩa lâm thời xét trên cấp độ từ và ngữ để làm cơ sở triển khai đề tài
và khảo sát dẫn chứng.
1.2 Đồng nghĩa cố định và đồng nghĩa lâm thời:
Các hiện tượng đồng nghĩa tồn tại dưới 2 dạng: cố định và lâm thời.
Đồng nghĩa cố định là hiện tượng xảy ra giữa các đơn vị tồn tại sẵn có trong
hệ thống ngôn ngữ, do cộng đồng sáng tạo, quy ước từ lâu đời, mang tính chuẩn mực,
Nam Linh - Văn học & Ngôn ngữ - ĐH KHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM
truyền thống, được chấp nhận và sử dụng phổ biến trong cộng đồng dùng ngôn ngữ
đó.
VD: hiện tượng các từ đồng nghĩa ăn, xơi, chén,…; chết, tạ thế, hi sinh,...
Đồng nghĩa cố định được sử dụng rộng rãi trong các phong cách ngôn ngữ (đa
phong cách), không mang sắc thái tu từ biểu cảm. Vì vậy ít được vận dụng trong văn
chương.
Đồng nghĩa lâm thời là dạng đồng nghĩa chỉ xuất hiện trong từng ngữ cảnh cụ
thể, gắn liền với sự sáng tạo, cảm xúc thẩm mĩ của cá nhân người nói.
Đồng nghĩa lâm thời hình thành và tồn tại trên cơ sở hình ảnh và ngữ cảnh cụ
thể, mang tính cá nhân, do đó không cố định và không phổ biến. Các yếu tố đồng
nghĩa lâm thời chỉ đồng nghĩa trong phạm vi ngữ cảnh được nói tới, ngoài ngữ cảnh
đó thì không còn đồng nghĩa nữa.
VD:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức” (Sóng - Xuân Quỳnh)
Ở đây “sóng” đồng nghĩa với em, nhưng tách khỏi ngữ cảnh bài thơ thì không
còn đồng nghĩa nữa.
Đồng nghĩa lâm thời được dùng nhiều trong sáng tác văn chương do mang
đậm sắc thái cá nhân, có tính liên tưởng, biểu cảm cao, giàu giá trị nghệ thuật.
2. Đồng nghĩa cố định trong văn chương xét trên cấp độ từ - Từ đồng nghĩa:
2.1 Định nghĩa:
“Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng nhau về nghĩa, khác nhau về âm
thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong
Nam Linh - Văn học & Ngôn ngữ - ĐH KHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM
cách… nào đó, hoặc đồng thời cả hai.” (Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng
Trọng Phiến,Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb.Giáo dục Việt Nam)
2.2 Phân loại: Có nhiều cách phân chia
Chia 2: Từ đồng nghĩa hoàn toàn (hùm-cọp-hổ; sinh-đẻ…) và từ đồng nghĩa
bộ phận (cho-biếu-tặng; sai-lầm…)
Chia 3: Từ đồng nghĩa ý niệm: giống nhau về nghĩa, khác nhau ở sắc thái ý
nghĩa (đừng-chớ; gia đình-gia quyến; mức-mực; địch-giặc-thù;...)
Từ đồng nghĩa phong cách: giống nhau về nghĩa, khác nhau ở sắc thái
phong cách (ăn mày-ăn xin-hành khất; ốm-đau; cha-bố-tía-thầy;...)
Từ đồng nghĩa ý niệm-phong cách: giống về nghĩa cơ bản, khác nhau
ở sắc thái ý nghĩa và phong cách (chết-tạ thế-hi sinh-viên tịch…)
2.3 Nguồn gốc:
Do cấu tạo đơn vị mới
Do vay mượn từ nước ngoài
Do sự phát triển nghĩa của từ
3. Đồng nghĩa lâm thời trong văn chương xét ở cấp độ từ, ngữ:
3.1 Định nghĩa
Là những từ, ngữ được dùng để chỉ (gọi) cùng một sự vật, hiện tượng nào đó
trong một ngữ cảnh cụ thể, mà nét nghĩa này của từ chỉ được tạo ra trong ngữ cảnh đó,
khi tách khỏi ngữ cảnh thì nét nghĩa này không còn nữa.
3.2 Cơ sở sinh ra từ, ngữ đồng nghĩa lâm thời (đồng nghĩa ngữ cảnh)
Giải thích theo Hoàng Tất Thắng trong “Nguyên lí về tính võ đoán của tín hiệu
ngôn ngữ và hệ quả của nó trong sáng tác văn chương”, đồng nghĩa lâm thời sinh ra
do biến thể của cái biểu đạt (của tín hiệu ngôn ngữ), điều này lại có được nhờ tính võ
đoán của ngôn ngữ. Cụ thể là, tín hiệu ngôn ngữ là sự hợp nhất của cái biểu đạt với cái
được biểu đạt, do có tính võ đoán nên quan hệ giữa hai mặt này là không có lí do, cho
nên không có gì quy định mỗi cái biểu đạt phải đi với một cái được biểu đạt nhất định,
từ đó sinh ra hiện tượng cùng một sự vật, hiện tượng (tức cái được biểu đạt) nhưng có
nhiều cách diễn đạt khác nhau (tức cái biểu đạt).
Về khách quan đời sống, hình ảnh, màu sắc, trạng thái của sự vật, hiện tượng là
vô cùng phong phú, đồng thời lại luôn có mối liên hệ bản chất với nhau, chúng tác
động vào các giác quan của con người, gây những cảm xúc thẩm mĩ mới mẻ, những
nhận thức mới mẻ. Con người phát hiện và từ đó hình thành nên những liên tưởng
mới, tạo nên nhiều cách diễn đạt cho những sự vật, hiện tượng vốn có.
Mặt khác, tư duy, nhận thức của con người là luôn luôn vận động, trong quá
trình vận dụng ngôn ngữ, từ nhu cầu nói viết cho đúng, người ta nâng lên trình độ nói
viết cho hay, cho có hình ảnh, mang phong cách cá nhân. Vì vậy người ta luôn tìm tòi
Nam Linh - Văn học & Ngôn ngữ - ĐH KHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM
những cách diễn đạt mới, hay hơn, bóng bẩy hơn, giàu biểu cảm hơn, đặc biệt trong
sáng tác văn chương thì điều này lại càng quan trọng.
3.3 Các biểu hiện của đồng nghĩa lâm thời trong văn chương xét ở cấp độ từ, ngữ:
Đồng nghĩa lâm thời là cơ chế bên trong để tạo nên một số biện pháp tu từ như
ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hoá, chơi chữ… vì vậy, đây cũng chính là những hình
thức biểu hiện trên văn bản của hiện tượng đổng nghĩa lâm thời.
Ẩn dụ tu từ: là phương thức chuyển nghĩa của một đối tượng này thay cho đối
tượng khác khi hai đối tượng có một nét nghĩa tương đồng nào đó.
VD: “Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
“Khuôn trăng” là hình ảnh ẩn dụ để nói khuôn mặt của Thuý Vân.
Hoán dụ tu từ: là phương thức chuyển nghĩa bằng cách dùng một đặc điểm hay
một nét nghĩa tiêu biểu nào đó của một đối tượng để gọi tên chính đối tượng đó.
VD: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
Nói “áo quần” nhưng là để chỉ người đi chơi xuân.
So sánh tu từ: là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự
vật khác, miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó, để gợi ra hình ảnh cụ
thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức người đọc.
VD: “Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng sáo mới sa nửa vời”
Dẫn ngữ: là phương thức vay mượn danh ngôn, tục ngữ, điển cố, thơ văn… để
làm cho lí lẽ thêm vững chắc, màu sắc thêm phong phú. Trong văn học cổ rất hay
dùng phép dẫn ngữ, hiện tượng đồng nghĩa lâm thời thể hiện ở đây chính là mối quan
hệ giữa ngữ mà người nói, viết dùng với ý nghĩa muốn người nghe, đọc hiểu.
VD: “Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao.
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa.”
Nguyễn Du dẫn ngữ “cây quỳnh, cành giao”, gợi liên tưởng tới điển “Vương
Diễn như quỳnh lâm giao thụ” (người Vương Diễn đẹp như cây ngọc giao trong rừng
ngọc quỳnh), ý nói người con gái đẹp. Ở đây đồng nghĩa lâm thời với “hai kiều”(hai
người con gái đẹp), tức chỉ Thuý Vân, Thuý Kiều.
Ngoài ra đồng nghĩa lâm thời còn có nhiều hình thức biểu hiện khác, trên các
cấp độ khác nhau của ngôn ngữ, nhưng trong phạm vi bài thuyết trình hạn hẹp này
không đề cập hết được.
3.4 Hiệu quả biểu đạt.
Tạo cách diễn đạt mới, giàu biểu cảm, giàu hình ảnh.
…
Nam Linh - Văn học & Ngôn ngữ - ĐH KHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM