TẠI SAO KHÔNG NÊN TIN VÀO CHÍNH
MÌNH
rubi | October 10, 2016 | Nhận Thức & Hành Vi | No Comments
Bertrand Russell có một câu nói nổi tiếng là “Vấn đề của thế giới chính là lũ điên thì lại chắc chắn về
bản thân mình còn người thông minh thì lúc nào cũng trăn trở về điều đó.”
Sau nhiều năm chiêm nghiệm, tôi đã nhận ra được tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự an yên
giữa những bất ổn và mơ hồ, giữa những thắc mắc về niềm tin và mộng ước, và hơn cả giữa
những hoài nghi về chính bản thân mình. Trong các bài viết trước đây, tôi thường xuyên lặp đi lặp
lại một thông điệp là bộ não của chúng ta thực chất không hề đáng tin chút nào. Chúng ta không hề
có bất cứ một cơ sở nào về việc chúng ta đang nói, nghĩ, làm,…
Nhưng tôi chưa có dịp để đưa ra những lý giải và dẫn chứng cụ thể cho vấn đề trên. Và bây giờ là
lúc thích hợp để chúng ta cùng nhau khám phá ra 8 lý do theo góc nhìn tâm lý học tại sao chúng ta
không nên tin chính bản thân mình.
1. CHÚNG TA CÓ XU HƯỚNG THIÊN VỊ CHO BẢN
THÂN VÀ TRỞ NÊN ÍCH KỶ DÙ KHÔNG HỀ NHẬN RA
Có một thuật ngữ trong tâm lý học mang tên Góc nhìn sai lệch của người quan sát (the ActorObserver Bias).
Chẳng hạn nếu bạn thấy một người vượt đèn đỏ ở ngã tư đường, có thể bạn sẽ nghĩ người này thật
đáng trách, chỉ vì không kiên nhẫn chờ nổi vài giây mà đã gây nên nguy hiểm cho bao nhiêu người
đi đường.
Ngược lại, nếu bạn chính là người đang vượt đèn đỏ, bạn sẽ tự nhủ với bản thân mình rằng đó chỉ
là do vô ý mà thôi, bởi vì cái cây chết tiệt kia chắn mất tầm nhìn, bởi vì xưa giờ người vượt đèn đỏ
có gây ra hề hấn gì đâu.
Cùng một hành động, nhưng nếu người khác làm thì họ nghiễm nhiên trở thành một tên khốn, còn
nếu bạn làm thì đó chỉ là do vô ý.
Chúng ta đều có những lúc như thế, đặc biệt là khi phải đối diện với các vấn đề mâu thuẫn. Khi nói
về một người đã từng làm tổn thương mình, chúng ta sẽ mô tả họ như một giống loài vô cảm, thiếu
trách nhiệm, có ác ý làm hãm hại người khác. (1)
Tuy nhiên, khi chúng ta nói về việc mình đã làm tổn thương ai đó, chúng ta sẽ viện đủ lý do chỉ để
biện minh rằng hành động của chúng ta hoàn toàn hợp lý. Trong trường hợp này, tâm trí chúng ta
ngụy biện rằng những tổn thương mà chúng ta gây ra cho người khác không đáng là bao, thế nên
việc bị buộc tội bản thân thật là vô lý.
Cả hai góc nhìn này đều hoàn toàn sai. Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng cả thủ phạm và nạn
nhân đều sẽ xuyên tạc sự thật bằng cách kể lại câu chuyện kèm theo quan điểm của mình.
Steven Pinker gọi hiện tượng này là Lỗ hổng Luân lý (Moralization Gap).(2) Bất cứ khi nào xung đột
xuất hiện, chúng ta thường sẽ đánh giá quá cao thiện chí của bản thân và ngược lại, đánh giá xấu
chủ ý của người khác. Điều này khiến chúng ta luôn tin rằng những người kia đáng để bị trừng phạt
trong khi chúng ta phải được khoan hồng.
Tâm trí chúng ta lúc này hoạt động một cách vô thức vì kể cả khi đang biện minh cho chính mình,
chúng ta đều luôn nghĩ nó hoàn toàn hợp lý. Nhưng thực ra sự thật không phải như vậy.
2. BẠN KHÔNG HỀ BIẾT ĐIỀU GÌ LÀM MÌNH HẠNH
PHÚC (HOẶC ĐAU KHỔ)
Trong cuốn sách Stumbling on Happiness, Daniel Gibert, nhà tâm lý học tại đại học Harvad, đã chỉ
ra việc chúng ta rất tệ trong việc nhớ điều gì tác động đến cảm xúc của bản thân trong quá khứ
cũng như tương lai.
Chẳng hạn, nếu đội thể thao ưa thích của bạn bị thua tại giải thi đấu lớn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng
buồn. Nhưng hóa ra trí nhớ về việc bạn cảm thấy buồn như thế nào lại không liên quan gì đến việc
bạn cảm thấy buồn trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, mỗi khi nhớ về những điều
tệ hại lúc xưa, chúng ta thậm chí còn thêm thắt quá nhiều cảm xúc tiêu cực so với tình hình thực tế
lúc đó. Tương tự, khi nhớ về những kí ức tốt đẹp lúc trước, chúng ta thường cho là chúng vui hơn
so với thực tế lúc đó.
Thế nên khi hoạch định về tương lai, chúng ta thường đánh giá quá cao niềm hạnh phúc mà những
điều tốt đẹp sẽ mang lại cũng như tin rằng những điều không may mắn sẽ làm chúng ta cảm thấy tệ
hại khôn cùng. Để rồi chúng ta thường không nhận ra được bản thân mình đang thực sự cảm thấy
như thế nào trong thời khắc của hiện tại.
Đây cũng là một lý do mà mọi người biện minh về việc không thể theo đuổi được hạnh phúc. Tất cả
mọi thông tin chỉ ra rằng chúng ta thậm chí còn không biết hạnh phúc thực chất như thế nào thì làm
sao có thể thực sống trong hạnh phúc.
3. CHÚNG TA DỄ BỊ LỢI DỤNG ĐỂ ĐƯA RA NHỮNG
QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM
Bạn đang đi trên đường thì bỗng có một người lạ lịch sự đến gần với mong muốn được tặng cho
bạn vài cuốn sách báo “miễn phí”, ngay khi bạn cầm lấy chúng thì họ hỏi bạn tham gia cái này cái
kia và quyên cho họ chút tiền vì họ đang gặp khó khăn. Đã bao giờ bạn lâm vào tình huống này
chưa? Bạn biết là điều này thật kì cục và bạn muốn từ chối. Nhưng mà, cái này được tặng free đấy
với cả bạn chả muốn bị coi là kẻ hờ hững với hoàn cảnh khó khăn chút nào.
Yeah, đó chính là mấu chốt của vấn đề.
Hóa ra là, quyết định của con người dễ bị chi phối bằng nhiều cách khác nhau, một trong số đó là
việc tặng “quà” cho họ trước khi yêu cầu họ trả lại (điều này khiến khả năng giữ lại món quà cao
hơn).
Hoặc thử cách này, lần tới nếu bạn thấy một dòng người xếp hàng dài ngoằng và muốn chen lên
trước, chỉ việc đưa ra một lý do cho mọi người – bất cứ lý do nào – chẳng hạn “Tôi đang vội” hoặc
“Tôi đang ốm”. Theo thí nghiệm, chỉ cần nhờ lý do ngắn gọn này mà bạn có đến 80% cơ hội thành
công để chen lên trước hơn là không đưa ra lời giải thích. Điều tuyệt vời nhất là: cái lý do bạn đưa
ra không cần phải logic hay có ý nghĩa gì cả.(3)
Các nhà kinh tế học thành vi đã chỉ ra rằng chúng ta dễ dàng có xu hướng tập trung vào một loại giá
thành hơn các loại khác dù chả vì lý do gì. Hãy nhìn vào hình vẽ dưới đây:
Ở phía bên trái, sự khác biệt về giá có vẻ lớn và không hợp lý. Thế nhưng, nếu thêm chai rượu mức
giá $50 như hình bên phải thì đột nhiên, chai rượu với giá $30 bỗng trở thành một mức vừa phải và
có lẽ là một món hời.
Hãy thử xem một ví dụ khác nữa. Có người nói rằng bạn cần phải chi $2,000 cho chuyến đi Paris
bao gồm bữa ăn sáng hoặc một chuyến đi Rome kèm bữa ăn sáng hoặc một chuyến đi Rome
không kèm bữa ăn sáng. Hóa ra việc đưa thêm một lựa chọn “Rome không kèm ăn sáng” đã giúp
cho nhiều người chọn Rome kèm ăn sáng hơn Paris. Tại sao vầy? Bởi vì nếu so sánh với chuyến đi
Rome mà không có bữa ăn sáng, việc đi Rome kèm bữa ăn sáng có vẻ là một món hời. Thế là não
bộ của chúng ta nhanh chóng quên đi mất chúng ta vẫn còn một sự lựa chọn nữa mang tên Paris.
(4)
4. BẠN THƯỜNG CHỈ DÙNG LOGIC VÀ LÝ LUẬN ĐỂ
LÝ GIẢI CHO NHỮNG NIỀM TIN CÓ SẴN CỦA BẢN
THÂN
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng kể cả những người đã bị tổn hại chức năng thị lực trên não bộ
vẫn có thể “thấy” được ngay cả khi họ không nhận ra. Những người mù hay nói rằng họ không thể
nhìn thấy được tay của mình ngay cả khi đưa nó ra trước mặt. Nhưng nếu có một ánh đèn lóe lên
ngay trước mắt họ, dù ở phía bên phải hay trái, họ vẫn thường đoán chính xác được đèn lóe lên
bên nào.
Và dù vậy, họ vẫn cứ nói bạn rằng đó hoàn toàn là đoán đại mà thôi.
Họ không hề có một gợi ý nào về việc đèn sáng bên nào nhưng vẫn có nhận định được ánh đèn
nằm ở đâu.
Điều này thể hiện một sự trớ trêu nực cười: kiến thức và cảm giác biết kiến thức đó hoàn toàn
không liên quan đến nhau.(5)
Và cũng giống như những người mù, chúng ta đều có kiến thức mà lại thiếu đi cảm giác biết kiến
thức. Nhưng điều ngược lại, bạn có thể cảm tưởng là mình đã biết điều đó rồi mặc dù thực ra bạn
không hề, cũng hoàn toàn là thật.
Đây chính là nguồn cơn cho mọi thiên vị cũng như ngụy biện. Chúng ta không nhận thức được sự
khác biệt giữa cái mình thực sự biết và cái mình tưởng là mình biết. Do đó, các lý do kèm động cơ
và các ngụy biện đã được xác nhận cứ liên tục diễn ra trong đời sống hàng ngày.
5. CẢM XÚC CHI PHỐI NHẬN THỨC CỦA BẠN NHIỀU
HƠN BẠN NGHĨ
Nếu giống như hầu hết mọi người, bạn thường có xu hướng đưa ra những quyết định tồi dựa trên
cảm xúc. Đồng nghiệp chỉ buông vài câu bông đùa về đôi giày của bạn mà bạn đã nhảy dựng đứng
lên, bởi vì đó là di vật bà người bà đã mất trao lại. Thế là bạn quyết định “phải bằm nát lũ người này
ra”, bỏ việc và sống dựa vào tiền phúc lợi. Đây hoàn toàn là một quyết định không hợp lý.
Nhưng việc tệ nhất chưa phải nằm ở đây đâu.
Kể cả khi chúng ta đã nhận thức được việc cảm xúc chi phối các quyết định, chúng ta đã tránh việc
đưa ra các quyết định trong lúc đang có nhiều cảm xúc trong lòng, thì đây vẫn không phải là một giải
pháp lâu dài. Bởi vì, cảm xúc có thể ảnh hưởng đến chúng ta hàng tháng, hàng năm, kể cả khi
chúng ta đã nguôi giận và bắt đầu “phân tích” tình huống trước đó. Những cảm xúc ngắn hạn tại
một thời điểm nào đó, hóa ra, lại có tác động lâu dài đến các quyết định chúng ta đưa ra sau này.(6)
Lấy ví dụ như thế này. Một người bạn bỗng muốn rủ bạn đi uống nước. Nhưng vì lý do nào đó, cơ
chế phòng vệ của bạn bỗng được dựng lên. Bạn không muốn gập đầu cái rụp dù bạn cũng rất quý
anh bạn ấy và muốn được trò chuyện với anh ta nhiều hơn. Bạn thận trọng trong việc đưa ra một
phương án dù bạn không hiểu tại sao mình phải như vậy.
Điều mà bạn đã lãng quên chính là bạn đã từng có một người bạn tính tình nóng lạnh thất thường
trước đây. Anh chàng đó cứ thỉnh thoảng lại nổi đóa lên bất thường với bạn. Bạn bước tiếp trong
cuộc sống và dần quên mất những chi tiết đó trong quá khứ. Mối quan hệ giữa bạn và người cũ
thậm chí còn quay trở lại bình thường.
Lúc đó bạn đã có đôi lần cảm thấy tổn thương và bực bội. Có thể về mặt nhận thức, bạn đã quên đi
câu chuyện cũ, nhưng cảm xúc của bạn thì không. Nó vẫn đã từng nhớ mình đã cảm thấy buồn bã
như thế nào. Để rồi khi giờ đây đối diện với một người hoàn toàn khác, trong một tình huống hoàn
toàn khác, nó vô thức dựng lên hàng rào bảo vệ cho chính bạn.
Chúng ta thường dựa vào kí ức về những cảm xúc mà chúng ta đã có trong một thời điểm nào đó
trước đây để làm nền tảng đưa ra nhiều quyết định sau đó. Vấn đề là, bạn hoàn toàn không có ý
thức về điều này. Cảm xúc mà bạn đã có 3 năm trước đây có thể ảnh hưởng đến bạn bất cứ lúc
nào.
Bàn về trí nhớ…
6. TRÍ NHỚ KHÔNG HỀ ĐÁNG TIN
Elizabeth Loftus là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực trí nhớ và cô ấy là
người đầu tiên nói với chúng ta rằng trí nhớ của mình hoàn toàn không hề đáng tin.
Về cơ bản, cô nhận ra rằng trí nhớ của chúng ta về các sự kiện trong quá khứ thường bị thay đổi
bởi các sự kiện khác lúc xưa và/hoặc các thông tin thiếu chính xác mới. Cô đã khiến cho nhiều
người nhận ra rằng lời khai từ nhân chứng không hẳn là một chứng cứ đáng tin.(8)
Loftus và các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng:
Trí nhớ của chúng ta không chỉ bị mất dần mà còn dễ đưa ra các thông tin sai lệch theo thời
gian.
Cảnh báo mọi người rằng kí ức của họ chứa các thông tin sai lệch cũng không giúp làm
giảm đi các thông tin sai lệch.
Bạn càng có tính cảm thông nhiều bao nhiêu thì bạn càng dễ đồng nhất các thông tin sai
lệch vào trong trí nhớ của mình bấy nhiêu.
Trí nhớ của chúng ta không chỉ bị thay đổi bởi các thông tin sai lệch mà có thể toàn bộ kí ức
của chúng ta đã bị tạo ra. Điều này thường diễn ra khi người tạo ra kí ức của chúng ta lại chính
là những người mà chúng ta tin tưởng.
Vì thế, kí ức của chúng ta hoàn toàn không hề đáng tin như mình đã nghĩ – thậm chí với những việc
chúng ta nghĩ là đúng thì chỉ có phần chúng ta nghĩ là sự thật mà thôi.
Trên thực tế, các nhà thần kinh học đã dự đoán lúc nào con người sẽ nhớ sai thông tin dựa trên các
hoạt động trí não của bạn. Tại sao vậy?
Họ lý giải điều này dựa trên việc so sánh trí nhớ với bộ nhớ của máy tính. Ban đầu, bộ nhớ sẽ ghi
lại hết tất cả mọi thứ được đưa vào. Sau đó, chúng chậm dần, làm mất hoặc hư các file dữ liệu
ngay sau khi bạn đã tạm dừng sử dụng. (10)
Nhưng bộ não của chúng ta không chỉ chứa spreadsheet, và file chữ hay GIFs. Trí nhớ giúp chúng
ta học được từ các sự kiện trong quá khứ để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho
tương lai. Nhưng trí nhớ thực chất còn có 1 chức năng quan trọng và phức tạp khác mà chúng ta ít
khi nghĩ đến.
Là người, chúng ta cần sự nhận dạng, chúng ta cần có cảm giác về việc “chúng ta là ai”, để từ đó
điều hướng được các tình huống xã hội phức tạp cũng như để hoàn thành xong công việc. Trí nhớ
giúp chúng ta biết được sự nhận dạng nhờ các câu chuyện trước đó.
Bằng cách này, việc kí ức có chính xác hay không không quan trọng. Điều mấu chốt chính là các
câu chuyện của quá khứ đã tạo nên nhận thức về chính bản thân. Và thay vì phải sử dụng trí nhớ
với độ chính xác tuyệt đối để thực hiện điều này, chúng ta thực chất chỉ cần các kí ức mờ nhạt, sau
đó thêm thắt vào các chi tiết khác nhau để phù hợp với “cái tôi” mà chúng ta tạo ra và chấp nhận.
Có thể bạn nhớ rằng anh hay bạn bè đã từng bắt nạt mình rất nhiều và mình đã cảm thấy tổn
thương như thế nào. Với bạn, đó là lý giải cho việc bản thân dễ nhạy cảm, hay lo lắng và khá e dè.
Nhưng có lẽ kí ức đó không hề làm bạn tổn thương nhiều như mình đã nghĩ. Có lẽ khi nhớ về việc
anh trai đã bắt nạt bạn lúc xưa, bạn đã dùng những cảm xúc ngay lúc này – nhạy cảm, lo lắng và e
dè – và neo nó vào kí ức cũ, dù đống cảm xúc đó có khi lại chả hề liên quan gì đến việc anh trai đã
bắt nạt bạn.
Kể từ giờ phút này, kí ức về việc ông anh trai đã nhẫn tâm và làm bạn tổn thương, dù đúng hay
không, cũng đã gắn vào đặc điểm nhận dạng của bạn – một người dễ nhạy cảm, hay lo lắng. Đồng
thời, đặc điểm này đã khiến bạn đưa ra những hành động đáng xấu hổ và tạo thêm nhiều đau khổ
trong cuộc đời mình.
Có phải bạn đang hỏi tôi là: “Mark, vậy thì việc “tôi nghĩ tôi là ai” chỉ là một đống những ý tưởng bịa
đặt do não bộ tạo ra thôi ư?”
Vâng, đúng thế đấy.
7. ‘BẠN KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU MÌNH NGHĨ
Hãy xem xét khía cạnh này: cách bạn thể hiện bản thân trên Facebook có lẽ không thực sự giống
như cách bạn thể hiện bản thân khi rời “thế giới ảo”. Cách bạn hành xử lúc ở gần ông bà có lẽ sẽ
khác khá nhiều so với lúc đi chơi với bạn bè. Bạn có “cái tôi tại công việc”, “cái tôi tại nhà””, “cái tôi
trong gia đình”, “cái tôi khi ở một mình” và còn rất nhiều “cái tôi” khác nữa mà bạn dùng để điều
hướng và sống sót trong thế giới xã hội phức tạp này.
Nhưng đâu mới là cái tôi “đích thực”?
Chúng ta có thể nghĩ rằng có lẽ một trong những bản sao ở trên thể hiện chính mình thực nhất.
Nhưng một lần nữa, tất cả những việc bạn làm chỉ là lặp đi lặp lại câu chuyện vốn đã chiếm hữu
trong đầu mình, những câu chuyện được tạo ra bởi các thông tin sai lệch.
Trong hơn một vài thập kỉ, các nhà tâm lý học xã hội đã khám phá ra một sự thật mà chúng ta khó
lòng nào chấp nhận: cái tôi đích thực (core self) – cái tôi không thay đổi, cái tôi bất biến – chỉ
là ảo tưởng mà thôi. (11) Một nghiên cứu mới đang bắt đầu chỉ ra việc cách thức bộ não tạo nên
cảm giác về cái tôi cũng như việc sử dụng các thuốc gây ảo giác có thể tạm thời làm thay đổi sự
vận hành của não bộ, khiến não tạo ra những ảo giác tạm thời về các định dạng bản thân.(12)
Điều trớ trêu là tất cả những thí nghiệm này – tuy được xuất bản trong những cuốn sách đắt tiền,
được viết bởi những chuyên gia có tiếng – hóa ra chỉ đang lặp lại các triết lý truyền thống phương
Đông mà các thiền sư giảng giải trong suốt hàng thế kỉ nay. Trong khi việc duy nhất mà các thiền sư
làm chỉ là ngồi yên trong các hang động và không nghĩ gì cả trong vài năm.(13)
Ở phương Tây, con người thường xuyên đề cao cái tôi cá nhân trong nhiều nền văn hóa – chưa kể
tới trong ngành công nghiệp quảng cáo – khiến chúng ta không ngừng tìm cách “định dạng” bản
thân mà hiếm khi chịu dừng lại đủ lâu để tự vấn rằng liệu điều này có cần thiết để lao đầu vào hay
không. Có lẽ ý tưởng về việc “nhận dạng bản thân” vừa hại vừa giúp chúng ta. Có lẽ nó đang trói
buộc chúng ta nhiều hơn là giải phóng chính mình. Tất nhiên, thật tuyệt khi bạn biết mình muốn
hoặc thích gì, nhưng bạn vẫn có thể theo đuổi ước mơ và mục tiêu của bản thân mà không cần phải
dựa vào ý niệm chắc chắn về sự định dạng.
Nhà hiền triết Lý Tiểu Long đã từng phát ngôn:
8. TRẢI NGHIỆM THỂ CHẤT CỦA BẠN TRONG THẾ
GIỚI NÀY KHÔNG HOÀN TOÀN LÀ THẬT
Chúng ta đang sở hữu một hệ thống thần kinh phức tạp. Nhờ có nó mà thông tin không ngừng
được truyền đến não bộ. Theo một số tính toán, hệ thống giác quan – thị giác, xúc giác, khứu giác,
thính giác, vị giác và sự cân bằng – gửi 11 triệu bit thông tin đến não chỉ trong vài giây. (14)
Nhưng kể cả như thế, chúng ta vẫn không thể nhận thức được những sự vật sự việc li ti, khó nhìn
thấy. Ánh sáng mà chúng ta thấy được chỉ là một phần nhỏ trong dải quang phổ điện từ. Chúng ta
không thể thấy được điều này trong khi các loài chim hay côn trùng lại có thể. Chó có thể nghe và
ngửi được những thứ mà chúng ta thậm chí không ý thức được sự tồn tại. Hệ thần kinh của chúng
ta hoạt động vừa như bộ máy thu thập thông tin vừa như bộ máy lọc thông tin.
Hơn hết, tâm thức của con người chỉ có thể kiểm soát được 60 bit thông tin trong một giây khi
chúng ta đang tham gia vào các hoạt động gắn với trí thông minh (đọc sách, chơi nhạc cụ, …) (15)
Có nghĩa là, bạn chỉ có thể ý thức được khoảng 0.000005454% phần thông tin mà não bộ nhận
được trong khi đang còn tỉnh.
Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng là với mỗi chữ mà bạn nhìn thấy và đọc trong bài viết này, có
536,303,630 chữ khác mà bạn không thể nhìn thấy.
Về cơ bản, đó là cách chúng ta sống trong thế giới này mỗi ngày.