Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Thực tiễn và đột phá trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ở trung quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (378.47 KB, 15 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Phạm Sỹ Thành

Thực tiễn và đột phá trong cải cách doanh
nghiệp Nhà nước ở Trung Quốc
Luận văn ThS. Đông Phương học

HÀ NỘI - 2005


A. MỞ ĐẦU
Sự xuất hiện của kinh tế nhà nước 1 luôn gắn liền với sự ra đời của nhà nước.
Những hình thức nguyên thuỷ của kinh tế nhà nước đã xuất hiện ngay từ thời kỳ
chiếm hữu nô lệ (ở phương Tây) hoặc thời kỳ hình thành những nhà nước sơ khai (ở
phương Đông cổ đại). Qua các thời kỳ phát triển của lịch sử, kinh tế nhà nước đã có
nhiều bước phát triển mới với sự đa dạng về hình thức tổ chức và sự nhảy vọt về
quy mô. Có thể khẳng định kinh tế nhà nước đã tồn tại phổ biến ở nhiều quốc gia
trên thế giới, chúng không chỉ phát triển mạnh mẽ trong lòng hệ thống kinh tế xã
hội chủ nghĩa mà có thời gian từng là trụ cột về kinh tế ở nhiều nước tư bản chủ
nghĩa. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nét nhất giữa hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa
với tư bản chủ nghĩa là ở các nước xã hội chủ nghĩa "... biển cả mênh mông của
kinh tế quốc doanh bao vây các hòn đảo kinh tế tư nhân nhỏ bé " [13, 40]. Ở bất kỳ
quốc gia xã hội chủ nghĩa nào chúng ta cũng thấy nhận định khái quát trên là hoàn
toàn có cơ sở. Các nước xã hội chủ nghĩa đều đã dựng lên rất nhiều doanh nghiệp
nhà nước (DNNN). Ưu thế tuyệt đối về quy mô và số lượng so với khối doanh
nghiệp tư nhân đã giúp các DNNN không chỉ có thể tham gia vào hầu hết các lĩnh
vực của đời sống kinh tế, nắm giữ và khống chế các ngành kinh tế huyết mạch, mà
thậm chí còn cho phép chúng đảm trách nhiều chức năng xã hội.
Là hai nước xã hội chủ nghĩa ở vùng Viễn Đông, Trung Quốc và Việt Nam


cũng không nằm ngoài khuôn mẫu phát triển chung đó. Cả hai quốc gia đều đã đi
theo con đường mà Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khác từng
trải nghiệm. Ngay sau khi thực hiện xong nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm, việc
xây dựng và phát triển khu vực kinh tế nhà nước đều đã được đưa lên hàng đầu, trở
thành nhiệm vụ trọng yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế của cả hai nước. Lưu
Thiếu Kỳ trong một bài phát biểu năm 1949 đã nhấn mạnh: "... phải lấy việc phát
triển kinh tế quốc doanh làm chủ thể. Xây dựng rộng rãi kinh tế hợp tác xã, đ ồng

1

"Kinh tế nhà nước là khu vực kinh tế d o nhà nước nắm giữ, dựa trên cơ sở quan trọng là sở hữu của
nhà nước... Theo đó, kinh tế nhà nước bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế mà nhà nước là chủ thể,
có quyền tổ chức, chi phối hoạt động theo hướng đã định" [25, 29].


thời phải làm cho kinh tế hợp tác xã và kinh tế quốc doanh kết hợp chặt chẽ với
nhau" [73, 19].
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian phát triển và phát huy nhiều vai trò quan trọng
dưới sự "bảo trợ" của nhà nước, các DNNN ở Trung Quốc nói riêng - và các nước
xã hội chủ nghĩa khác nói chung - đều đã nhanh chóng bộc lộ nhiều yếu kém. Hiệu
quả sản xuất không cao, những gánh nặng khổng lồ về tài chính do ngân sách nhà
nước liên tục phải bù lỗ cho doanh nghiệp, cơ cấu việc làm ngày càng phình to... tất
cả điều đó khiến DNNN rơi vào một nghịch lý: vừa là chủ thể nuôi sống, tạo công
ăn việc làm cho hàng chục triệu người trong xã hội, kiểm soát và nắm nhiều huyết
mạch kinh tế nhưng đồng thời cũng là đối tượng tạo ra những gánh nặng lớn cho
nền kinh tế. Sự yếu kém của các DNNN không chỉ gây nên những hậu quả kinh tế
trực tiếp, dễ nhận thấy mà ở một mức độ sâu sắc hơn sự yếu kém ấy còn tiềm ẩn
những hậu quả chính trị - xã hội khôn lường. Bởi lẽ, ở các nước xã hội chủ nghĩa,
DNNN không chỉ đơn thuần là một thực thể kinh tế mà còn là biểu trưng của cả một
hệ thống chính trị. Nói cách khác, đã có một thời kỳ người ta phân biệt chủ nghĩa tư

bản và chủ nghĩa xã hội chủ yếu dựa trên việc một hệ thống được xây dựng dựa trên
chế độ tư hữu và kinh tế tư nhân còn hệ thống kia được xây dựng trên nền tảng của
chế độ công hữu và kinh tế nhà nước: "Chủ nghĩa xã hội khác biệt với chủ nghĩa tư
bản đầu tiên và trước hết ở việc thay thế sở hữu tư nhân bằng sở hữu công cộng, vì
vậy sự triệt tiêu sở hữu tư nhân, sự hình thành và ổn định sở hữu công cộng là một
giá trị đích thực" [14, 85].
Có thể hiểu được lý do tại sao mỗi khi đề cập đến tầm quan trọng của nhiệm vụ
cải cách DNNN, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường gắn hai mệnh đề "doanh
nghiệp nhà nước" và "chủ nghĩa xã hội" với nhau. Hội nghị TW 3 khoá XII Đảng
Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc
trước hết cần phải là chủ nghĩa xã hội có các doanh nghiệp tràn đầy sức sống "
[124, 273-274]. Giang Trạch Dân cũng từng nêu rõ: "Chuyển đổi cơ chế kinh doanh
của DNNN,... đưa doanh nghiệp ra thị trường, tăng sức sống của chúng, nâng cao
tố chất của chúng là khâu trung tâm xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ


nghĩa, là mấu chốt củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa và phát huy tính ưu việt của
chủ nghĩa xã hội" [11, 199]. Việc gắn liền mệnh đề "cải cách DNNN" với "xây
dựng chủ nghĩa xã hội" như trên không hẳn là sự ngẫu nhiên mà có lẽ đó chính là
một sự tự nhận thức rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc sẽ lâm vào
khủng hoảng nếu không giải quyết tốt nhiệm vụ cải cách tạo nên sức sống cho hệ
thống DNNN.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc khắc phục những "căn bệnh cố hữu"
của DNNN, nhận thức được ý nghĩa sống còn của việc xây dựng một khu vực kinh
tế nhà nước vững mạnh, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã
khởi động những cải cách đối với khu vực DNNN, những cải cách này sau đó được
kéo dài đến cuối những năm 70. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các cải cách này
vẫn chỉ mang tính thử nghiệm, không có hệ thống. Thêm vào đó, tác độ ng của tình
hình chính trị bất ổn ở Trung Quốc giai đoạn "Đại cách mạng văn hoá" cũng khiến
những cải cách này không phát huy được tác dụng. Vì lý do đó, mốc cải cách

DNNN ở Trung Quốc thường được tính từ năm 1978, cùng với công cuộc cải cách
mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và lãnh đạo.
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ trước đến nay, cải cách DNNN luôn được xem là một nhiệm vụ cấp thiết và
nóng bỏng, bởi lẽ việc vực dậy các DNNN bên cạnh ý nghĩa kinh tế lớn lao còn có
nhiều ý nghĩa chính trị - xã hội. Cải cách DNNN tuy hướng đến đối tượng trực tiếp
là các doanh nghiệp nhưng các cải cách này lại có phạm vi liên đới rất rộng. Nói
cách khác, để làm tốt công tác cải cách DNNN cần phải tiến hành đồng bộ các cải
cách thuộc nhiều lĩnh vực khác như: cải cách hành chính, cải cách chế độ bảo hiểm
xã hội, cải cách chế độ quản lí tài sản nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, xây
dựng hệ thống pháp luật v.v...Thực tiễn cải cách đầy nóng bỏng và gian truân khiến
cho các đề tài nghiên cứu về con đường cải cách DNNN luôn mang tính thời sự và
có ý nghĩa thực tiễn cao. Xét trong phạm vi của đề tài, tính cấp thiết của luận văn
được thể hiện ở những điểm sau:


Trước hết, mặc dù công cuộc cải cách DNNN ở Trung Quốc đã tiến hành được
hơn 25 năm. Trong suốt thời gian đó, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp cải
cách, nhưng nhìn chung hiệu quả đạt được của các biện pháp cải cách này chưa cao.
Cải cách DNNN nhiều lúc rơi vào tình trạng bế tắc, hiện tượng khó khăn cũ chưa
giải quyết xong, căn bệnh mới do các biện pháp mới gây ra đã xuất hiện là khá phổ
biến. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp mới nhằm nâng
cao đến mức tối đa hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN cho đến nay vẫn
luôn là mối quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế, của nhiều nhà nghiên cứu ở
trong và ngoài Trung Quốc. Cải cách là một quá trình "không ngừng" và do đó
nghiên cứu về cải cách cũng phải là một quá trình mang tính "liên tục".
Hai là, ngày nay, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối
với khu vực và thế giới. Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng, có
nhiều điểm phát triển tương đồng, Trung Quốc lại đi trước Việt Nam trên bước
đường cải cách. Vì vậy, việc theo sát nghiên cứu tình hình cải cách DNNN ở Trung

Quốc sẽ giúp Việt Nam rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt trong
bối cảnh các DNNN ở Việt Nam có quá trình hình thành, phát triển cũng như cũng
mắc phải những "căn bệnh" giống như các DNNN ở Trung Quốc.
Ba là, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo về đề tài cải
cách DNNN ở Trung Quốc và Việt Nam, tuy nhiên số lượng các công trình có nội
dung so sánh về cải cách DNNN ở hai quốc gia tương đối ít. Đặc biệt, vấn đề nhận
thức để rút ra những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam từ thực tiễn
cải cách DNNN ở Trung Quốc vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Đã đến lúc cần
có nhiều hơn nữa các đề tài nghiên cứu gắn việc nghiên cứu thực tiễn cải cách của
Trung Quốc với việc đúc kết kinh nghiệm cho Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng
xuất phát điểm và thực tiễn cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam luôn có những
điểm khác biệt nhất định nên không thể và không phải bất cứ lúc nào, bất cứ lĩnh
vực nào cũng có thể nói đến việc "học tập kinh nghiệm". Tuy nhiên, thực tiễn đi
trước của nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng ít nhất sẽ cung cấp cho Việt
Nam những "gợi mở" có ý nghĩa và giá trị.


2. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài
Cải cách DNNN được đánh giá là "khâu trung tâm " của cải cách thể chế kinh tế
và luôn là "điểm nóng" thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, do vậy,
việc nghiên cứu cải cách DNNN là một việc làm có ý nghĩa khoa học sâu sắc và có
ý nghĩa thực tiễn thiết thực.
Xét về ý nghĩa khoa học, việc nghiên cứu cải cách DNNN luôn đưa lại những
đóng góp lớn lao về mặt lý luận kinh tế. Lý luận về chế độ sở hữu, lý luận về doanh
nghiệp, lý luận về hình thức thực hiện của chế độ sở hữu, lý luận về chủ nghĩa xã
hội giai đoạn đầu v.v... đều trực tiếp hoặc gián tiếp được đề cập và tìm hiểu trong
suốt quá trình nghiên cứu về cải cách DNNN. Trong đó có những lý luận kinh tế
không chỉ liên quan trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp mà còn có tác động
lâu dài đến chiều hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc như: lý luận về chế
độ sở hữu, về hình thức thực hiện của chế độ sở hữu, lý luận chủ nghĩa xã hội giai

đoạn đầu.
Về ý nghĩa thực tiễn, trên cơ sở nghiên cứu, trình bày một cách có hệ thống tiến
trình cải cách DNNN ở Trung Quốc, luận văn tiến hành những tổng kết về mặt lý
luận nhằm cung cấp những lý luận có tính tham khảo bổ ích đối với Việt Nam.
3. Mục đích nghiên cứu
Thứ nhất, luận văn tiến hành nghiên cứu, trình bày một cách hệ thống về quá
trình cải cách DNNN ở Trung Quốc; tìm cách lý giải sự hình thành, phát triển,
nguyên nhân dẫn đến những "căn bệnh" cũng như những biện pháp cải cách đ ã
được đề xuất và thực thi.
Thứ hai, tổng kết những lý luận phục vụ thiết thực cho công cuộc cải cách
DNNN (như: lý luận về chế độ cổ phần, lý luận về chế độ DNHĐ, lý luận DNNN
rút lui toàn diện v.v...) đồng thời bước đầu nhận thức về những quy luật phát triển
của DNNN.
Thứ ba, luận văn hướng đến mục đích làm tài liệu tham khảo cho sinh viên
ngành Trung Quốc học, khoa Đông phương học hoặc những người quan tâm đến
mảng đề tài cải cách DNNN.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong toàn bộ quá trình thực hiện, luận văn hướng đến những đối tượng chính
sau:
- Các lý luận, lý thuyết kinh tế đã được đề xuất hoặc được tổng kết từ thực tiễn
cải cách DNNN ở Trung Quốc.
- Các biện pháp cải cách đã được thực thi nhằm đưa các doanh nghiệp trở lại
với quỹ đạo vận hành có hiệu quả tuân theo quy luật kinh tế.
- Các biện pháp cải cách DNNN ở Việt Nam
Phạm vi thời gian được lựa chọn trong luận văn là giai đoạn từ 1978 đến nay
(củaTrung Quốc) và từ 1986 đến nay (của Việt Nam). Phạm vi không gian là Trung
Quốc và Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, luận văn đã sử dụng một số phương
pháp nghiên cứu quen thuộc:
- Phương pháp biên niên sử
- Phương pháp thống kê, phân tích - tổng hợp
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
- Phương pháp nghiên cứu định lượng
Trong đó những phương pháp nghiên cứu được sử dụng nhiều nhất là phương
pháp biên niên sử, phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp thống kê và
phương pháp so sánh - đối chiếu.
6. Lịch sử nghiên cứu vấn đề1
Là một lĩnh vực cải cách then chốt, cải cách DNNN luôn nhận được sự chú ý,
quan tâm đặc biệt của các học giả trong và ngoài Trung Quốc. Mặc dù tính đến nay
lịch sử cải cách DNNN ở Trung Quốc chưa phải là dài (khoảng 55 năm nếu tính từ
những cải cách giai đoạn những năm 50 của thế kỷ XX) nhưng một khó khăn mà

Tất cả các công trình được đề cập đến trong mục nà y đều có thể được tìm thấy trong phần Thư mục
tà i liệu tham khảo của luận văn nà y
1


bất cứ ai cũng có thể gặp phải khi bắt tay vào viết phần Lịch sử nghiên cứu vấn đề
là số lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu về mảng đề tài này. Do hạn chế về nặng
lực ở thời điểm hiện tại và sự hạn chế về thời gian, nguồn tư liệu tiếp cận và của
trình độ hiện tại, luận văn này chỉ nghiên cứu lịch sử vấn đề dựa trê n các tài liệu
hiện có trong quá trình làm luận văn. Điều này khó tránh khỏi những nhận định chủ
quan, khiếm khuyết, khó tránh khỏi việc khái quát không thật đầy đủ tất cả các
khuynh hướng, các dòng tư tưởng nghiên cứu về cải cách DNNN. Tuy vậy, luận
văn cũng cố gắng tổng kết, khái quát một cách khoa học và khách quan về các xu
thế, các trường phái nghiên cứu cải cách DNNN trên cơ sở các tài liệu này.

Nhìn chung, nếu xét về nội dung những công trình nghiên cứu về cải cách
DNNN ở Trung Quốc (và Việt Nam) có thể được chia theo 3 khuynh hướng chủ yếu
sau:
(1). Những công trình nghiên cứu tổng thể cải cách kinh tế ở Trung Quốc (từ
1978 đến nay). Trong đó coi cải cách DNNN như một bộ phận quan trọng, không
thể tách rời, không thể không đề cập đến của cải cách kinh tế.
(2). Những công trình nghiên cứu tổng thể cải cách DNNN, trong đó có tính
đến tất cả các giai đoạn từ khi cải cách được bắt đầu và tiến hành nghiên cứu về hầu
hết các biện pháp đã được áp dụng trong tiến trình cải cách ấy.
(3). Những công trình nghiên cứu sâu về một số mặt của cải cách DNNN . Nói
cách khác, các công trình này xét tới cải cách DNNN trong những "vùng" nhất định,
với một/một vài biện pháp cải cách.
Nếu xét theo tính chất, những nghiên cứu này có thể được chia thành 2 dòng
chính, bao gồm:
(I). Những công trình tổng kết, có tính chất như một giáo trình giản lược về cải
cách DNNN. Trong các công trình này, chúng ta có thể dễ dàng có được một cái
nhìn tổng thể và khá toàn diện về quá trình cải cách DNNN ở Trung Quốc (và Việt
Nam). (II). Những công trình có cách nhìn mang tính đề xuất biện pháp, thường là
xét đến mặt trái của các biện pháp cải cách, có cách tiếp cận "lật lại vấn đề" hoặc
những nghiên cứu đề xuất được những biện pháp cải cách mới mẻ nhất, vượt ra


ngoài khuôn khổ gò bó của các lý luận cải cách đương thời, ít chịu ảnh hưởng của
các Nghị quyết, Quyết định chính thống.
Công trình về lý luận đầu tiên luận văn muốn đề cập tới là hai tác phẩm nổi
tiếng của Kornai János - nhà kinh tế học người Hungari: cuốn Con đường dẫn tới
nền kinh tế thị trường (với tên nguyên văn The Road to a Free Economy - Shifting
from a Socialist System: The Example of Hungary - Con đường dẫn tới nền kinh tế
tự do - chuyển từ hệ thống xã hội chủ nghĩa: thí dụ của Hungari ) - được dịch và
xuất bản bằng tiếng Việt năm 2001 và cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa được dịch và

xuất bản năm 2002. Mặc dù cả hai công trình này đều không lấy Trung Quốc làm
đối tượng nghiên cứu chính nhưng giá trị của chúng là giúp người đọc có một cái
nhìn tổng thể, rõ ràng và mạch lạc về diện mạo kinh tế - chính trị - xã hội của các
nước xã hội chủ nghĩa. Đó sẽ là cái nền quý báu cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu về
thực tiễn cải cách ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa cụ thể (như trường hợp luận văn
này lựa chọn là Trung Quốc và Việt Nam). Cả hai tác phẩm trên đều có một phần
nội dung dành để nhìn nhận về cải cách DNNN ở các nước xã hội chủ nghĩa (trong
đó cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa có những nghiên cứu sâu và trên một phạm vi
rộng hơn cả) . Là "nhà phân tích và phê phán chủ nghĩa cộng sả n có con mắt sắc
sảo nhất thế giới " (theo đánh giá của Lawrence H. Summers - Kinh tế gia Trưởng
của Ngân hàng thế giới), Kornai János đã nghiên cứu một cách khách quan về
những căn bệnh chung mà tất cả các DNNN thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa mắc
phải. Trong khi trình bày về lĩnh vực này, ông đã có một đóng góp rất quan trọng
cho việc nghiên cứu về DNNN sau này khi đưa ra lý thuyết về sự "ràng buộc ngân
sách mềm" hoặc "chế độ ước thúc ngân sách mềm". Nội dung của lý thuyết này chỉ
ra rằng sở dĩ đa phần các DNNN không mấy quan tâm đến hiệu quả kinh tế, không
cảm thấy gánh nặng của việc thua lỗ do liên tục được nhà nước "bù lỗ" cũng như
liên tục được cấp ngân sách cho các năm tài chính tiếp sau, điều đó được gọi là
"ràng buộc ngân sách mềm". Khi áp dụng lý thuyết này vào nghiên cứu, nó được
công nhận rộng rãi như một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng
"vô trách nhiệm, thiếu hiệu quả" trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh


nghiệp. Tuy nhiên, là một "tín đồ của tự do hoá kinh tế" - như bản thân tác giả thừa
nhận - [13, 42], những chủ trương cải cách DNNN mà K. János đưa ra đòi hỏi có
một sự đánh giá nghiêm túc và kiểm định chặt chẽ trước khi đưa vào áp dụng ở
những nước thực hiện cải cách theo phương thức tiệm tiến như Trung Quốc và Việt
Nam.
Một học giả ngoài Trung Quốc nữa mà luận văn muốn nhắc đến là Marie
Lavigne (Pháp) với công trình Các nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập

trung sang kinh tế thị trường. Mặc dù đối tượng được tập trung nghiên cứu là "quá
trình tư nhân hoá" các DNNN ở các nước Đông Âu và Liên Xô nhưng đó thực sự là
những tham khảo bổ ích cho các nghiên cứu muốn tiến hành so sánh về quá trình
cải cách DNNN của hai trường phái "cải cách tiệm tiến" và "cải cách sốc".
Công trình nghiên cứu của các tác giả: Ngô Kính Liên (1999 và 2004 - 81, 82)1;
Trương Trác Nguyên, Hoàng Phạm Chương và Lợi Quảng An (1999 - 96); Nguyễn
Kim Bảo (2002 và 2004 - 2, 3); Lê Hữu Tầng, Lê Hàm Nhạc (đồng chủ biên) (2002
- 28)... có thể được xếp vào khuynh hướng (1). Tác giả Nguyễn Kim Bảo (2002) đã
xem xét cải cách DNNN chủ yếu từ giai đoạn xây dựng chế độ DNHĐ (1992 đến
2002), tính cập nhật và hệ thống là hai ưu điểm nổi bật của công trình. Lê Hữu
Tầng, Lê Hàm Nhạc (2002) đã tổng kết khá đầy đủ và mạch lạc, mang tính trường
quy về bước đi của cải cách DNNN ở Trung Quốc kể từ năm 1978. Không thể nghi
ngờ về tính chính thống của các quan điểm và số liệu được nêu ra tuy nhiên hạn chế
của cuốn sách là phần so sánh về cải cách DNNN ở hai nước (tr. 645 - 667) vẫn
nặng về trình bày, phân tích mà thiếu hẳn sự so sánh mang tính khái quát cần thiết.
Những công trình nghiên cứu tổng thể cải cách DNNN thuộc khuynh hướng (2)
có thể nêu ra ở đây như: Trương Văn Bân (1996 - 4); Võ Đại Lược, Cốc Nguyên
Dương (chủ biên) (1997 - 18); Trần Giai Quý, Hoàng Tốc Kiến (2000 - 111);
Hoàng Công Thi, Nguyễn Thị Thanh Thảo (1999 - 32); Trương Chí Cương, Tả Thái

Để tiện cho việc theo dõi, luận văn quy ước tại phần nà y số đứng trước trong ngoặc đơn () là năm
xuất bản, tái bản của công trình, số đứng sau là số thứ tự của công trình được đề cập t rong Thư mục
tà i liệu tham khảo.
1


Hàng (2002 - 50); Vương Quế Đức (2000 - 58); Vương Đông Giang (chủ biên)
(1998 - 62).
Cuốn Bàn về cải cách toàn diện DNNN của Trương Văn Bân có một thời gian
được coi là cuốn sách phản ánh khá toàn diện về cải cách DNNN ở Trung Quốc.

Trong công trình này, Trương Văn Bân đã có đóng góp lớn khi tiến hành những
nghiên cứu sâu sắc về vấn đề "nhân cách hoá tài sản" (tức là quy quyền tài sản về
một chủ thể xác định, cụ thể). Thực chất của nội dung này là làm rõ mối quan hệ về
quyền tài sản giữa nhà nước với doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng "khuyết
thiếu chủ sở hữu". Chính ở điểm này, chúng ta nhận thấy nhãn quang khoa học nhạy
bén của tác giả, khi ngay từ năm 1996 ông đã ý thức được tầm quan trọng của việc
nghiên cứu về quyền tài sản đối với thực tiễn cải cách DNNN - một đề tài đang trở
nên nóng bỏng trong 1-2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điểm hạn chế của tác giả là đã
đưa ra quá nhiều vấn đề (22 chương) trong khi thiếu đi một sự sắp xếp, hệ thống
hoá và khái quát cần thiết.
Hai tác giả Võ Đại Lược, Cốc Nguyên Dương là một trong số ít những người
đầu tiên tiến hành những nghiên cứu mang tính chất so sánh - đối chiếu về cải cách
DNNN ở hai nước. Nội dung so sánh khá toàn diện khi xét tới cả các cải cách đồng
bộ, song hành với cải cách DNNN như cải cách chế độ bảo hiểm xã hội, cải cách
thể chế quản lí tài sản nhà nước v.v... Mặc dù vậy, do vào thời điểm năm 1997, cải
cách DNNN ở Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn, bế tắc, cải cách DNNN
ở Việt Nam vừa mới khởi động được 10 năm nên những nội dung so sánh cũng như
những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa được nhiều. Phần
khiến người đọc chú ý nhiều chính là so sánh về biện pháp cổ phần hoá các DNNN
ở hai quốc gia. Theo tác giả, ở Trung Quốc cổ phần hoá và công ty hoá chỉ là một
nội dung (cổ phần hoá là để thực hiện xây dựng chế độ DNHĐ với hình thức chủ
yếu là các công ty) trong khi đó ở Việt Nam cổ phần hoá và công ty hoá là hai quá
trình hoàn toàn khác nhau.
Đóng góp của Hoàng Công Thi, Nguyễn Thị Thanh Thảo (1999) là trên cơ sở
nghiên cứu về thực tiễn cải cách DNNN ở Trung Quốc đã rút ra được 7 bài học,


kinh nghiệm có thể áp dụng cho cải cách DNNN ở Việt Nam (Bài học về đa dạng
hoá chế độ sở hữu và tổ chức loại hình doanh nghiệp; về cổ phần hoá; về thành lập
các tập đoàn doanh nghiệp; về trao quyền tự chủ cho các DNNN; về quản lí giám

sát vốn và tài sản trong các DNNN; về xây dựng chế độ DNHĐ; về kết hợp cải cách
DNNN với các cải cách đồng bộ khác).
Là công trình nằm trong bộ sách nhằm kỷ niệm 20 năm cải cách mở cửa của
Trung Quốc, cuốn 20 năm cải cách DNNN ở Trung Quốc do Vương Đông Giang
chủ biên (1998) có thể được coi là công trình tổng kết đầy đủ và chính thống nhất
về cải cách DNNN tính đến thời điểm đó. Tuy nhiên, hạn chế của tác giả là chịu ảnh
hưởng nhiều của các văn kiện, nghị quyết nên công trình nghiên cứu này mang tính
trường quy khá lớn, tính chất gợi mở của một công trình nghiên cứu quả thực không
nhiều. Công trình Khu vực kinh tế quốc doanh ở các nước đang phát triển châu Á
hàm chứa một nội dung bao quát rộng hơn nhiều so với tên gọi của nó (bởi trong đó
có đề cập đến các trường hợp của châu Mỹ Latinh hay châu Phi). Các tác giả của
công trình đã có đóng góp rất lớn khi phân tích và tìm cách lý giải cặn kẽ những lí
do dẫn đến sự hình thành của DNNN ở các nước đang phát triển cũng như nguyên
nhân dẫn đến tính kém hiệu quả của bộ phận kinh tế này. Nhưng, có lẽ điểm hạn
chế của công trình là khi xét đến sự hình thành của DNNN ở các nước thuộc hệ
thống xã hội chủ nghĩa, các tác giả đã không tính đến một nhân tố có ảnh hưởng rất
lớn đến quá trình này, đó là hệ thống các lý luận kinh tế, các quan điểm kinh tế của
những nhà mác-xít "kinh điển" như Mác, Ăngghen, Lênin, Stalin v.v...
Những nội dung chủ yếu mà các công trình thuộc khuynh hướng (3) tiếp cận
bao gồm:
- Vấn đề xây dựng chế độ DNHĐ: có thể kể đến Đặng Vinh Lâm, Trương Dụng
Cương (1997 - 79); Trương Thụ Thành (1995 - 117) và Trương Uy Uy (2002 130).
- Biện pháp cổ phần hoá: có các công trình của Trần Văn Chử (2003 - 7), Phạm
Ngọc Côn (2001 - 8) nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là Lịch Dĩ Ninh - nhà kinh tế học


nổi tiếng của Trung Quốc - với cuốn Cải cách kinh tế Trung Quốc và chế độ cổ
phần (1992 - 101).
- Đề tài cải cách thể chế quản lí tài sản nhà nước là đối tượng nghiên cứu trong
các công trình của Hồ Điếu (2003 - 56); Nguỵ Trì Hạo (2002 - 63); Nguỵ Kiệt,

Triệu Tuấn Siêu (2003 - 74); Quý Hiểu Nam (chủ biên) (2003 - 91); Trương Trác
Nguyên (2003 - 94); Lưu Thanh (2003 - 115) và Hoàng Quần Tuệ (2003 - 122).
- Các vấn đề lý luận có liên quan trực tiếp đến cải cách DNNN như lý luận về
chế độ công hữu, lý luận về chế độ DNHĐ, lý luận về cổ phần hoá, lý luận về quyền
tài sản v.v... đã được các tác giả Long Đăng Cao (2004 - 48); Hàn Triều Hoa (2003
- 67); Triệu Hiểu Lôi (2001 - 85); Từ Hướng Nghệ (2003 - 92); Chu Kỳ Nhân (2000
- 99); Chu Khắc Nhiệm (2003 - 100); Đinh Nhiệm Trọng (2004 - 120) và Tiết Hán
Vĩ (2002 - 131) trình bày trong các công trình nghiên cứu của mình.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu mang tính chất tổng kết như đã nêu ở trên
có một khuynh hướng nghiên cứu rất quan trọng không thể không đề cập đến là
những công trình nghiên cứu hướng đến mặt trái của các biện pháp cải cách, hướng
đến việc xem xét khả năng và mức độ thất bại mà các biện pháp cải cách này có thể
gặp phải. Chính những công trình nghiên cứu như vậy đã góp phần làm cho cái nhìn
về cải cách DNNN thêm đa dạng và toàn diện, đồng thời cũng chính từ những
nghiên cứu ấy, người ta có thể nhìn về thực tiễn cải cách DNNN bằng con mắt chân
thực và sống động hơn.
Đầu tiên, có thể kể đến Lưu Lực với công trình Toàn cầu hoá kinh tế lối thoát
của Trung Quốc là ở đâu? (2002 - 17). Trong bối cảnh "xây dựng chế độ DNHĐ là
phương hướng của cải cách DNNN ở Trung Quốc" được nêu lên thành một khẩu
hiệu và hưởng ứng rầm rộ ở khắp mọi nơi thì công trình nghiên cứu của Lưu Lực
dường như trở thành một khuông nhạc "lạc điệu", đi ngược dòng phát triển chung.
Bởi trong đó, ông đã chỉ ra rằng xây dựng chế độ DNHĐ tuy là một giải pháp quan
trọng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới nhưng hoàn toàn không phải là liều
thuốc tiên để cứu chữa các DNNN. Lưu Lực đã trực tiếp chỉ ra 3 khiếm khuyết lớn
của chế độ DNHĐ, đó là: chế độ DNHĐ chưa thể giải quyết vấn đề quyền tài sản


mơ hồ; chế độ DNHĐ không thể giải quyết được tình trạng can thiệp hành chính
của nhà nước; chế độ DNHĐ không thể giải quyết được vấn đề tự hạch toán kinh
doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó có lẽ chính là "bản lĩnh khoa học" của Lưu

Lực bởi ngay tiếp đó quan điểm của ông đã nhận được sự tán đồng của Lưu Minh
Viễn và Vương Minh Nhãn (2002 - 132). Trong công trình của mình, Lưu Minh
Viễn và Vương Minh Nhãn đã chỉ ra những hạn chế của việc áp dụng máy móc các
mô hình DNHĐ ở phương Tây vào thực tiễn Trung Quốc. Quả thực, những nhận
định về việc Trung Quốc chưa biết cách xây dựng DNHĐ là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, phương châm xây dựng chế độ DNHĐ "quyền tài sản rõ ràng, quyền hạn và
trách nhiệm rạch ròi, chính phủ và doanh nghiệp tách bạch, quản lí khoa học " chỉ
là định hướng chung, rất trừu tượng. Dẫn đến việc xây dựng DNHĐ như thế nào
phần lớn vẫn chỉ là sự mày mò của từng địa phương, từng bộ ngành. Xuất phát từ
thực tế này, hai tác giả đã khẳng định "Trung Quốc chỉ có thể xuất phát từ tình hình
thực tế của mình, sáng tạo nên một chế độ DNHĐ mang đặc sắc Trung Quốc" [132,
36]. Những luận điểm của Lưu Lực, Lưu Minh Viễn, Vương Minh Nhãn càng trở
nên thuyết phục hơn sau khi bản báo cáo của Trương Uy Uy tiến hành đánh giá hiệu
quả sản xuất kinh doanh của 100 doanh nghiệp thí điểm xây dựng chế độ DNHĐ
(2002 - 130) đưa ra kết luận: "ngoài tỷ lệ nợ, tỷ lệ lợi nhuận, hiệu suất vận hành, số
công nhân viên chức và thu nhập tiêu thụ của các doanh nghiệp sau khi tiến hành
công ty hoá đều không có những chuyển biến rõ nét " [130, 27]. Điểm đáng tiếc duy
nhất là các nghiên cứu của Trương Uy Uy mới chỉ dừng ở mức tiến hành đối với
100 doanh nghiệp thí điểm và dừng ở thời điểm năm 1997.
Về biện pháp cổ phần hoá, Cúc Vinh Hoa là một trong số ít các học giả hoài
nghi về hiệu quả của biện pháp này. Dù vậy, những nhận định của ông về hạn chế
của biện pháp cải cách này, trong đó đặc biệt là vấn đề lợi ích của các cổ đông nhỏ
bị xâm phạm, là hoàn toàn đáng tin cậy.
Cuối cùng, trong các công trình nghiên cứu của Nghiêm Hán Bình (2003 - 43),
Hồng Minh Dũng (2004 - 54), Chu Bân (2002 - 57), Vương Hồng (2001 - 70), Kỷ
Ngọc Sơn và Cao Hữu Phúc (2003 - 112), Bạch Vĩnh Tú và Nghiêm Hán Bình


(2003 - 121) và Thẩm Việt (2003 - 133), chúng ta có thể tìm thấy một dòng lý luận
mới về cải cách DNNN: lý luận về việc DNNN rút lui toàn diện khỏi lĩnh vực mang

tính cạnh tranh. Lý luận này được xem như "ánh sáng cuối đường hầm", mở ra một
tương lai tươi sáng hơn cho sự phát triển của các DNNN.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, phần nội
dung chính của luận văn có kết cấu gồm 5 chương:
Chương 1. Hệ thống DNNN ở Trung Quốc trước 1978 - Những thách đố của
thể chế
Chương 2. Hành trình tìm sức sống - Những biện pháp cải cách trực tiếp
DNNN và các cải cách đồng bộ bên ngoài
Chương 3. Triển vọng cải cách DNNN ở Trung Quốc - Những bài học kinh
nghiệm đối với Việt Nam



×