Tải bản đầy đủ (.pdf) (229 trang)

Luận văn thạc sĩ nghiên cứu địa danh tỉnh bình thuận

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (40.14 MB, 229 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Văn Phụng

NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH
TỈNH BÌNH THUẬN

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Văn Phụng

NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH
TỈNH BÌNH THUẬN
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số
: 60 22 01

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. LÊ TRUNG HOA

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012



LỜI CẢM ƠN
Địa danh học là một ngành khoa học còn non trẻ ở Việt Nam. Những
vấn đề lý luận của nó còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Tuy vậy, những
thành tựu nghiên cứu về địa danh học bước đầu cũng rất đáng trân trọng. Với
niềm đam mê nghiên cứu một ngành học mới mẻ và niềm mong ước được
khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên dưới góc nhìn
ngôn ngữ học nên tôi mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu là “Nghiên cứu địa
danh tỉnh Bình Thuận”.
Trong quá trình thực hiện luận văn tôi đã đón nhận được rất nhiều sự
giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, khuyến khích.
Qua đây, tôi xin gởi lời cám ơn chân thành đến PGS. TS. Lê Trung Hoa
- giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, đã tận tâm chỉ bảo, góp ý, cung cấp nhiều
tài liệu khoa học quý báu để tôi hoàn thành luận văn.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô giảng dạy chuyên ngành Ngôn ngữ
học cho lớp Cao học Lý luận ngôn ngữ khóa 19, trường ĐHSP tp. Hồ Chí
Minh đã trực tiếp truyền đạt cho tôi những kiến thức khoa học sâu sắc về
Ngôn ngữ học và hướng dẫn, giảng giải cho tôi cách thức thực hiện luận văn
tốt nghiệp một cách tận tình, chu đáo.
Cảm ơn Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Thuận, Ban giám hiệu
trường Trung học phổ thông Đức Linh và quý thầy, cô giáo trong tổ Ngữ văn,
trong trường đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên
cứu.
Cảm ơn Thư viện tỉnh Bình Thuận, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành
phố trong tỉnh, ông Lâm Tấn Bình - Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hóa
Chăm tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận; các anh Qua Đình Lang, Kinh Duy
Trịnh (Tuy Phong) - là những người nghiên cứu tiếng Chăm đã góp ý, giúp đỡ
tôi trong việc tìm kiếm những tư liệu cần thiết để hoàn thành nội dung luận
văn.

Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn đối với gia đình, bạn bè đồng
nghiệp đã giúp đỡ, động viên, khuyến khích tôi trong suốt quá trình học tập và
nghiên cứu.
Luận văn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, kính mong quý thầy cô tiếp tục
chỉ dẫn để luận văn đạt kết quả tốt hơn. Xin chân thành cảm ơn!
Bình Thuận, ngày 25 tháng 2 năm
2012
Nguyễn Văn Phụng


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN .................................................................................................................. 3
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề....................................................................................................................... 2
2.1. Tình hình nghiên cứu địa danh ở Việt Nam .................................................................. 2
2.2. Nghiên cứu địa danh ở Bình Thuận ............................................................................... 4
3. Đối tượng nghiên cứu ........................................................................................................... 4
4. Mục đích nghiên cứu ........................................................................................................ 4
5. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................................................... 5
5.1. Phương pháp thu thập, xử lý tư liệu .............................................................................. 5
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại .................................................................................. 6
5.3. Phương pháp điền dã ..................................................................................................... 7
5.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu .................................................................................... 7
5.4.1. So sánh, đối chiếu đồng đại .................................................................................... 7
5.4.2. So sánh, đối chiếu lịch đại ...................................................................................... 7
5.5. Phương pháp khảo sát bản đồ ........................................................................................ 7
6. Giới hạn của đề tài ................................................................................................................ 8
7. Bố cục của luận văn .............................................................................................................. 8


Chương 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ...................................... 9
1.1. Những tiền đề lý luận .................................................................................................... 9
1.1.1. Định nghĩa địa danh................................................................................................ 9
1.1.2. Đối tượng nghiên cứu của địa danh học ............................................................... 13
1.1.3. Phân loại địa danh ................................................................................................ 14
1.2. Những tiền đề thực tiễn ............................................................................................... 19
1.2.1. Vài nét về lịch sử và địa giới hành chính tỉnh Bình Thuận .................................. 19
1.2.2. Tổng quan về địa lí, kinh tế, xã hội ...................................................................... 24
1.2.3. Đặc điểm dân cư ................................................................................................... 29
1.2.4. Đặc điểm ngôn ngữ............................................................................................... 33
1.2.5. Kết quả thu thập và phân loại địa hình ở tỉnh Bình Thuận ................................... 34
1.3. Tiểu kết ........................................................................................................................ 37

Chương 2 :ĐỊA DANH TỈNH BÌNH THUẬN ............................................................ 40
2.1. Phương thức định danh ................................................................................................ 40


2.1.1. Phương thức tự tạo ............................................................................................... 41
2.1.2. Phương thức chuyển hóa ...................................................................................... 48
2.2. Cấu tạo địa danh .......................................................................................................... 52
2.2.1. Danh từ chung và tên riêng................................................................................... 53
2.2.2. Thành tố chung ..................................................................................................... 56
2.2.3. Giải thích một vài danh từ chung và thành tố chung trong địa danh ở tỉnh Bình
Thuận .............................................................................................................................. 60
2.2.4. Cấu tạo địa danh Bình Thuận ............................................................................... 62
2.3. Một số nguyên nhân làm biến đổi địa danh ................................................................. 68
2.3.1. Nguyên nhân bên ngoài địa danh ......................................................................... 69
2.3.2. Nguyên nhân bên trong địa danh .......................................................................... 75
2.4. Đặc điểm chuyển biến của địa danh chỉ địa hình ........................................................ 78
2.4.1. Về nguồn gốc ........................................................................................................ 79

2.4.2. Đặc điểm chuyển biến của địa danh chỉ địa hình ................................................. 79
2.5. Đặc điểm chuyển biến của địa danh hành chính ......................................................... 82
2.5.1. Về nguồn gốc ngôn ngữ........................................................................................ 82
2.5.2. Đặc điểm về quá trình chuyển biến địa danh hành chính ..................................... 84
2.6. Đặc điểm chuyển biến của địa danh chỉ công trình xây dựng ..................................... 88
2.6.1. Về nguồn gốc ngôn ngữ........................................................................................ 89
2.6.2. Về quá trình chuyển biến của tên đường phố ....................................................... 90
2.7. Tiểu kết ........................................................................................................................ 91

Chương 3: NGUỒN GỐC - Ý NGHĨA CỦA MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở BÌNH
THUẬN VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC ..................................................... 93
3.1. Nguồn gốc ý nghĩa của một số địa danh ở Bình Thuận................................................... 93
3.1.1. Một số địa danh có nguồn gốc rõ ràng ..................................................................... 93
3.1.2. Một số địa danh có nguồn gốc, ý nghĩa đang còn tranh cãi ................................. 97
3.2. Giá trị phản ánh hiện thực ......................................................................................... 102
3.2.1. Phản ánh lịch sử .................................................................................................. 103
3.2.2. Phản ánh về địa lí .............................................................................................. 105
3.2.3. Phản ánh kinh tế ................................................................................................. 106
3.2.4. Phản ánh về dân tộc học ..................................................................................... 107
3.2.5. Phản ánh về tín ngưỡng, tôn giáo ....................................................................... 108
3.2.6. Phản ánh về văn học ........................................................................................... 109
3.2.7. Phản ánh về ngôn ngữ ........................................................................................ 109
3.2.8. Phản ánh về văn hóa ........................................................................................... 111


3.2.9. Phản ánh về giao thông....................................................................................... 113
3.3. Tiểu kết ...................................................................................................................... 113

KẾT LUẬN .................................................................................................................. 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................... 120



BẢNG QUY ĐỊNH CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
1. Ký hiệu :
- [x, tr. y] : x là tên tác phẩm, tài liệu trích dẫn ghi theo số thứ tự trong phần
Tài liệu tham khảo ở cuối luận văn, tr. y là số trang. Trường hợp tác phẩm có
từ hai trang trở lên thì số trang được ngăn cách với nhau bằng dấu gạch ngang.
Ví dụ [67, tr. 34] hay [104, tr. 12-17].
-→

:

chuyển biến thành

-//

:

phiên âm âm vị học

-[]

:

phiên âm ngữ âm học

2. Quy ước cách viết tắt
- BB

:


huyện Bắc Bình

- cf

:

dẫn theo tác giả

- Ds

:

dân số

- Dt

:

diện tích

- ĐL

:

huyện Đức Linh

- H.

:


huyện

- HT

:

huyện Hàm Tân

- HTB

:

huyện Hàm Thuận Bắc

- HTN

:

huyện Hàm Thuận Nam

- Kp.

:

khu phố

- KCN

:


khu công nghiệp

- KDL

:

khu du lịch

- LG

:

thị xã La Gi

- Ltr.

:

lý trình

- P.

:

phường

- PQ

:


huyện đảo Phú Quý

- Q.

:

quận

- PT

:

thành phố Phan Thiết

- Th.

:

thôn

- TL

:

huyện Tánh Linh

- TP

:


huyện Tuy Phong


- Tp.

:

thành phố

- Tt.

:

thị trấn

- Tx.

:

thị xã

- X.

:




MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Địa danh học là một ngành của ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu nguồn
gốc, ý nghĩa, cấu tạo, các phương thức đặt địa danh và những biến đổi của địa
danh. Tác giả Lê Trung Hoa cho rằng “Địa danh là những từ hoặc ngữ, được
dùng làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chánh, các
vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều” [48, tr.
18].
Vì địa danh có quan hệ đến nhiều nhiều lĩnh vực (như sử học, địa lý học,
địa lý lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử ngôn ngữ, phương ngữ học …)
và có số lượng lớn trong môn từ vựng học nên việc nghiên cứu khá phức tạp.
Thực tế, khảo sát các địa danh từ hai phương diện đồng đại và lịch đại
giúp chúng ta khám phá ra nhiều thông tin khác nhau, ẩn chứa nhiều tầng văn
hoá độc đáo. Tác giả A.V.Superanxkaja viết : “Địa danh như đài kỷ niệm ngôn
ngữ độc đáo và bảo giữ những thông tin về văn hoá (từ được sử dụng với tư
cách là cơ sở tên gọi, căn cứ vào cách gọi tên, mối quan hệ của tên gọi với giá trị
lịch sử - văn hoá của đối tượng). Nhiều địa danh cũng giống các tượng đài kiến
trúc bất hủ, mặt vật chất, đặc thù của mình - là vật chất ngôn ngữ để từ đó xây
dựng nên tên gọi. Nhiều nhà nghiên cứu còn gọi địa danh là những “hoá thạch”,
những “trầm tích” để ta lần mở lại quá khứ. Có thể coi địa danh học là mảnh đất
màu mỡ luôn hứa hẹn cho người nghiên cứu những phát hiện bất ngờ, thú vị.
Nghiên cứu địa danh chẳng những giúp ta hiểu biết các bức tranh toàn cảnh về
sự ra đời của một tộc người, một vùng đất, một dân tộc, về sự giao thoa tiếp xúc
văn hóa, sự bảo lưu các giá trị văn hóa, lịch sử của một địa bàn trong những thời
kỳ lịch sử khác nhau mà còn phản ánh những biểu hiện của sự biến đổi và phát
triển ngôn ngữ của dân tộc đó.
Bình Thuận là địa danh chung chỉ vùng đất Nam Trung Bộ thời các đời
chúa Nguyễn cho mở mang khai khẩn. Những tên gọi Thuận Thành Trấn


(1693), phủ Bình Thuận (1697), tỉnh Bắc Bình và tỉnh Bình Thuận (1967), tỉnh

Bình Tuy (1968), tỉnh Thuận Hải (1975), tỉnh Bình Thuận (1991) … nói đến
sự biến đổi về địa danh trong sự hình thành và phát triển của vùng đất có địa
hình đa dạng : vừa có địa hình miền núi, trung du, đồng bằng và vùng biển
này.
Bình Thuận còn là vùng đất đặc biệt, là nơi hội tụ của rất nhiều dân cư từ
khắp các tỉnh thành trên cả nước về sinh sống, là nơi có nhiều dân tộc sinh sống
có nền văn hóa khá độc đáo như Chăm, Raglai, Cơ Ho, Nùng, Mạ, Châu Ro,
Tày, Hoa … Việc “gánh tên làng, tên xã trong những chuyến di dân”1 và nhiều
địa danh mang dấu ấn các dân tộc Chăm, Cơ Ho … rất lý thú (Đa Kai, Tà Pứa,
Phan Rí …) là những điểm khác biệt so với nhiều địa danh trong cả nước.
Nghiên cứu địa danh tỉnh Bình Thuận cho tôi hiểu rõ hơn về lịch sử, văn
hóa, địa hình, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử … của quê hương.
Vì những vấn đề được đề cập ở trên, tôi quyết định chọn đề tài “Nghiên
cứu địa danh tỉnh Bình Thuận” cho luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu địa danh ở Việt Nam
Trước năm 60 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu địa danh chủ yếu là ghi
chép, giải thích địa danh ở góc độ lịch sử - địa lý hay đơn thuần ở một góc độ
nào đó. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu của dạng nghiên cứu địa danh
phôi thai này là Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư (thế
kỷ XV) của Ngô Sĩ Liên, Ô châu cận lục (1553) của Dương Văn An, Phủ biên
tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (1809-1819) của
Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam
nhất thống chí (1882) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Từ vựng làng xã ở Bắc
Kỳ (1928) do Ngô Vi Liễn biên soạn…

1

Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm



Từ những năm 60 (thế kỷ XX) địa danh học bắt đầu hình thành và có
những tác phẩm đi sâu nghiên cứu địa danh dưới các góc độ văn hóa, ngôn ngữ,
địa lý, lịch sử. Một số tác phẩm nổi bật là Đất Việt trời Nam (1960) của Thái
Văn Kiểm, Đất nước Việt Nam qua các thời đại (1964) của Đào Duy Anh, Mối
liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông (1964) của
Hoàng Thị Châu, Thử bàn về địa danh Việt Nam của Trần Thanh Tâm và Một số
vấn đề về địa danh của Nguyễn Văn Âu…
Sự xuất hiện của các tác giả Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường ghi
lại những cái mốc quan trọng cho sự khẳng định một ngành khoa học hứa hẹn
nhiều triển vọng trong tương lai. Các công trình Những đặc điểm chính của địa
danh ở thành phố Hồ Chí Minh (sau này in thành sách là Địa danh thành phố
Hồ Chí Minh, 1991; Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh, 2002) và
Địa danh Việt Nam, 2006 của Lê Trung Hoa và công trình Những đặc điểm
chính của địa danh Hải Phòng của Nguyễn Kiên Trường là những công trình
nghiên cứu sâu sắc và bề thế nhất về địa danh hiện nay.
Mấy năm trở lại đây một số luận án tiến sĩ, thạc sĩ nghiên cứu về địa danh
học được đánh giá cao là Nghiên cứu địa danh Quảng Trị (2003) của Từ Thu
Mai, Những đặc điểm chính của địa danh Đăk Lăk (2005) của Trần Văn Dũng,
Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai (2006) của Võ Nữ Hạnh Trang,
Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long (2008) của Nguyễn Tấn Anh
và Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai (2009) của Nguyễn Thái Liên Chi.
Ngoài ra còn có một số công trình về từ điển địa danh đáng chú ý như Sổ
tay địa danh Việt Nam (1995) của Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam
(1998) của Nguyễn Dược - Trung Hải, Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng
(1998) do Ngô Đăng Lợi chủ biên hay Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ
Chí Minh (2003) do Lê Trung Hoa chủ biên.
Các công trình nghiên cứu trên đây khẳng định ta đã xác lập được những
cơ sở lý luận, đối tượng và các phương pháp nghiên cứu địa danh làm tiền đề để
tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn về ngành học mới mẻ và hấp dẫn này.



2.2. Nghiên cứu địa danh ở Bình Thuận
Cho đến nay các công trình nghiên cứu về địa danh ở Bình Thuận còn rất
sơ lược. Có thể kể một số công trình như Địa bạ triều Nguyễn - phần Bình
Thuận (1996) của Nguyễn Đình Đầu, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, (2005, Đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Sở) của nhà văn Phan Minh Đạo, Bản sắc truyền thống
Bình Thuận qua các địa danh hành chính - lịch sử - cách mạng - kháng chiến dân gian trên địa bàn thành phố Phan Thiết (2005) do nhóm tác giả Lâm Quang
Hiền, Phan Minh Đạo, Đỗ Quang Vinh biên soạn, Huyền thoại xứ biển - đất
phương nam Bình Thuận của Phan Chính, Lịch sử truyền thống các địa phương
trong tỉnh do các huyện, thị xã, thành phố biên soạn phục vụ công tác giáo dục
truyền thống.
Như thế, đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu địa danh tỉnh
Bình Thuận một cách hệ thống về khía cạnh ngôn ngữ. Do đó, việc tiến hành
nghiên cứu địa danh Bình Thuận về mặt ngôn ngữ là cần thiết và hữu ích.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là toàn bộ hệ thống địa danh tỉnh Bình
Thuận. Đó là, địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên hay còn gọi là địa danh địa
hình (như tên núi, đồi, sông, lạch, gò, bãi …), địa danh là các công trình xây
dựng thiên về không gian hai chiều (như tên cầu, cống, chợ, đường phố, công
viên…), địa danh chỉ các đơn vị hành chính (như tên ấp, xã, phường, huyện …),
địa danh chỉ các vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng (như vùng cổng Chữ
Y, khu Lê Hồng Phong, xóm Đạo, chiến khu Lê …).

4. Mục đích nghiên cứu
Luận văn này là sự thể nghiệm lần đầu trong nghiên cứu địa danh ở Bình
Thuận. Trên kết quả khảo sát, thống kê, phân tích hệ thống địa danh chúng tôi
tập trung tìm hiểu đặc điểm về cấu tạo và phương thức định danh, những chuyển
biến về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, cũng như ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh tỉnh



Bình Thuận. Địa danh học là một khoa học còn trẻ ở nước ta, nội dung luận văn
mô tả những địa danh thuần Việt, Hán Việt, địa danh một số dân tộc thiểu số …
nhằm minh họa thêm một số vấn đề lý luận của địa danh học. Mặt khác, luận
văn còn làm rõ các giá trị phản ánh hiện thực, mối quan hệ giữa địa danh với các
ngành khoa học khác như địa lý, khảo cổ, văn hóa, nhân chủng, xã hội, dân tộc
học.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở các nguyên tắc là phải am hiểu địa bàn, địa hình nghiên cứu,
tìm các hình thức cổ của địa danh, thận trọng trong việc vận dụng các phương
pháp ngôn ngữ học khi phân tích địa danh, trong luận văn này chúng tôi sử dụng
các phương pháp nghiên cứu như sau:
5.1. Phương pháp thu thập, xử lý tư liệu
Đây là bước đầu tiên trong nghiên cứu địa danh của chúng tôi. Chúng tôi
tiến hành thu thập, xử lý địa danh trên các nguồn tư liệu khác nhau như sau :
5.1.1. Các nguồn tư liệu lưu trữ hành chính từ xưa đến nay của các địa
phương có liên quan đến địa danh tỉnh Bình Thuận. Phần lớn các tư liệu này lưu
giữ trong niên giám, hồ sơ lưu trữ của cơ quan hành chính nhà nước, tác phẩm
biên khảo đánh máy hoặc viết tay. Đây đều là những tài liệu có tính pháp lý, tính
chính xác cao giúp người thu thập tư liệu hiểu được ngọn nguồn sự ra đời, mất
đi của các địa danh, đặc biệt là địa danh hành chính.
5.1.2. Các loại bản đồ về địa hình, hành chính, kinh tế, quân sự giúp
chúng tôi rất nhiều trong việc xác định tọa độ, vị trí, địa điểm các địa danh, hiểu
rõ hơn sự xuất hiện, phân bố địa danh trên các địa bàn và từ đó xác định các yếu
tố chung của các nhóm địa danh trong tỉnh. Các loại bản đồ theo từng thời kỳ
khi tiến hành so sánh, đối chiếu cho chúng ta thấy được sự ra đời, chuyển biến,
mất đi, xuất hiện mới của các địa danh cả về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa.
5.1.3. Các loại sách báo, tác phẩm văn học viết về địa phương là những tư
liệu quý giá giúp chúng tôi hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của các địa danh. Các



sách lịch sử địa phương, biên khảo về địa phương do chính người trong tỉnh biên
soạn, sáng tác gắn liền với cuộc sống của họ nên độ chính xác và sâu sắc rất cao.
Đọc các tác phẩm của Phan Minh Đạo, Võ Nguyên, Lê Nguyên Ngữ, Nguyễn
Hiệp, Phan Chính … chúng tôi tìm thấy trong đó nhiều nội dung bàn về địa danh
lý thú, mới mẻ và độc đáo.
5.1.4. Tư liệu điền dã được thu thập và xử lý thông qua các lần đi thực tế.
Chúng tôi đã có nhiều chuyến đi điền dã về với vùng thôn quê của huyện Bắc
Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh và Đức Linh.
Các già làng, trưởng bản mà chúng tôi gặp thưa chuyện, phỏng vấn đều trả lời
khá đấy đủ các chi tiết về sự hình thành, chuyển biến của một số địa danh mà
nếu chỉ dựa tư liệu sách vở thật khó lòng biết hết ý nghĩa, nguồn gốc của chúng.
5.1.5. Sách lý luận chuyên đề về địa danh học, từ vựng học liên quan đến
địa danh và các loại từ điển khác nhau là những tài liệu hết sức quan trọng giúp
chúng tôi có cơ sở lý luận vững chắc, xác định đúng hướng nghiên cứu, thu hẹp
thời gian trong công việc nghiên cứu và giải thích được nguồn gốc, ý nghĩa của
từng địa danh cần tìm.
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại
Trên cơ sở các nguồn tư liệu đã thu thập và xử lý bước đầu, chúng tôi tiến
hành thống kê, phân loại và miêu tả các địa danh. Để có nhận định chính xác
nhất chúng tôi thống kê 3022 địa danh các loại. Từ việc phân ra từng loại địa
danh, chúng tôi rút ra đặc điểm riêng của từng loại và đặc điểm mang tính khái
quát chung cho địa danh của toàn tỉnh. Địa danh từng loại được phân ra cụ thể là
địa danh chỉ địa hình, địa danh hành chính, địa danh thuần Việt, địa danh Hán
Việt, địa danh có nguồn gốc các dân tộc thiểu số…. Từ đây, các đặc điểm về cấu
tạo địa danh, phương thức định danh, những chuyển biến của địa danh được
người viết miêu tả, kết luận có cơ sở khoa học.


5.3. Phương pháp điền dã

Là phương pháp thu thập thông tin định tính rất có giá trị trong nghiên
cứu địa danh. Chúng tôi đã về với vùng dân tộc Chăm, Raglai ở Bắc Bình, Tuy
Phong, với bà con dân tộc Cơ Ho, Châu Ro tại Tánh Linh, Đức Linh và đến với
bà con dân tộc Kinh trên các vùng quê khác nhau để khảo sát, điều tra tên một
số địa danh ban đầu. Các chuyến đi đạt hiệu quả cao trong việc xác định thời
gian, các lý do đặt tên cho các địa danh. Đặc biệt các địa danh có nguồn gốc dân
tộc Chăm, Cơ Ho, phương pháp điền dã giúp cho người nghiên cứu tìm ra được
nguồn gốc, ý nghĩa mang tính thực tiễn và tính khoa học cao.
5.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Muốn thấy được các điểm tương đồng và dị biệt trong đặc điểm địa danh
ta phải sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu. Phương pháp này có hai nội
dung là so sánh, đối chiếu đồng đại và so sánh, đối chiếu lịch đại.
5.4.1. So sánh, đối chiếu đồng đại
Đây là phương pháp tìm ra nét tương đồng và dị biệt của địa danh vùng
này so với vùng khác trong thời điểm hiện tại. Ví dụ: yếu tố Đa (Đạ) xuất hiện
nhiều trong địa danh Bình Thuận và Đồng Nai bởi có các cộng đồng dân tộc Cơ
Ho, Châu Ro sinh sống (các huyện giáp ranh), nhưng các yếu tố gốc Chăm như
Phan, Cà trong các địa danh Bình Thuận thì ít được tìm thấy trong các địa danh
tỉnh Đồng Nai.
5.4.2. So sánh, đối chiếu lịch đại
Đây là phương pháp dùng để xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của
địa danh. Nó nghiên cứu sự biến chuyển ngữ âm của tiếng Việt và các quy luật
biến đổi ngữ âm của địa danh ấy trong lịch sử phát triển của xã hội. Luận văn
này có sử dụng phương pháp này ở mức độ hạn chế, trong các trường hợp cụ
thể.
5.5. Phương pháp khảo sát bản đồ


Do đặc điểm cấu tạo địa danh ở Bình Thuận là có nhiều địa danh Chăm,
Cơ Ho và có gốc Chăm, Cơ Ho … nên chúng tôi sử dụng phương pháp khảo sát

bản đồ để so sánh, đối chiếu theo diện đồng đại nhằm tìm ra những loại địa danh
có tần số xuất hiện nhiều ở một địa bàn để tập trung tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa
của từng nhóm địa danh. Ở Bình Thuận các địa danh mang yếu tố Tà, Phan,
Hàm, Cà, Đa (Đạ) đứng trước (Tà Pao, Phan Thiết, Hàm Tân, Cà Ná, Ma ó…)
… xuất hiện nhiều tại các vùng có đồng bào dân tộc Chăm và Cơ Ho sinh sống.
Phương pháp này cũng có thể khảo sát, đối chiếu các bản đồ theo lịch đại để
nhận ra các địa danh cũ đã biến mất, một số địa danh mới xuất hiện, những thay
đổi về ngữ âm, chữ viết rất lý thú.
Địa danh học liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau như ngôn
ngữ học, địa lý học, dân tộc học, xã hội học, văn hóa học, lịch sử học … Do đó,
việc nghiên cứu địa danh phải vận dụng phương pháp tổng hợp, liên ngành và đa
ngành. Nếu chỉ dừng lại ở một vài phương pháp đơn thuần chúng ta sẽ gặp
không ít khó khăn khi kết luận tính khoa học, chính xác, tính rõ ràng của vấn đề.
6. Giới hạn của đề tài
Luận văn tập trung mô tả, khảo sát, thống kê, phân tích, tìm hiểu hệ thống
địa danh về mặt ngôn ngữ trên diện đồng đại và sơ khởi tìm hiểu nguồn gốc, ý
nghĩa địa danh thuộc vùng dân tộc thiểu số khá độc đáo, lý thú như Chăm,
Raglai, Cơ Ho trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính gồm có ba chương:
Chương 1 : Những tiền đề lý luận và thực tiễn
Chương 2 : Cấu tạo và đặc điểm về mặt chuyển biến địa danh tỉnh Bình
Thuận
Chương 3 : Nguồn gốc, ý nghĩa của một số địa danh ở Bình Thuận và giá
trị phản ánh hiện thực


Chương 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Những tiền đề lý luận
1.1.1. Định nghĩa địa danh

Địa danh là vấn đề hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Địa danh cùng với tộc danh (ethnonymie) và nhân danh (anthroponmie) là ba bộ
phận của danh học. Từ địa danh học Toponymie xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ
(tức là môn tìm hiểu tên gọi các địa phương hay tên gọi địa lý). Địa danh lại có
thể chia thành các ngành như : địa danh địa lý, địa danh lịch sử, địa danh văn
hóa. Vậy địa danh là gì? Dưới đây chúng tôi điểm lại các định nghĩa về địa danh
của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Các tác giả Dương Thị The, Phạm Thị Thoa [10, tr. 11] khẳng định “Địa
danh của một vùng hay của một nước là tổng thể các tên riêng đặt ra để gọi các
đơn vị địa lý tự nhiên hay nhân văn của vùng ấy hay nước ấy”.
Theo tác giả A. V. Superanskaja “Địa danh là tên gọi các địa điểm được
biểu thị bằng những từ riêng. Đó là các tên gọi địa lý, địa danh hay
toponymia”… “Những địa điểm, mục tiêu địa lý đó là những vật thể tự nhiên
hay nhân tạo với sự định vị xác định trên bề mặt trái đất, từ những vật thể lớn
nhất (các lục địa và đại dương) cho đến những vật thể nhỏ nhất (những ngôi nhà,
vườn cây đứng riêng lẻ) đều có tên gọi [117, tr. 1 và 13].
Từ điển Bách khoa toàn thư Encyclopoedia Britannica [136] định nghĩa
“Địa danh là từ hoặc cụm từ được dùng để chỉ hoặc xác định một vị trí địa lý
như thị trấn, sông ngòi, núi non. Việc phân loại địa danh cần phải dựa vào từ
nguyên, dựa trên sự nghiên cứu lịch sử, thông tin địa lý. Địa danh học chia địa
danh ra làm hai nhánh : tên gọi các khu vực cư trú (habitation names) và tên gọi
những điểm đặc trưng (feature names). Tên gọi các khu vực cư trú được dùng để
chỉ một địa điểm mà con người sinh sống, sinh hoạt (như các khu dân cư, đơn vị
hành chính, các công trình xây dựng…). Còn tên gọi những điểm đặc trưng là
tên gọi chỉ các thực thể địa lý (như ao, hồ, sông, núi, đồng ruộng …).


Còn G. M. Kert lại viết : “Địa danh là tên gọi được đặt cho các đối tượng
địa lý, ra đời trong khu vực có người sinh sống, được tạo ra bởi một cộng đồng
dân cư, một tộc người. Chúng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng

ngày và các hoạt động chính trị - xã hội ở nơi đó [cf. 69, tr.16].
Nhìn tổng thể các tác giả nước ngoài quan niệm địa danh là tên gọi các
đối tượng địa lý, tức là chỉ nhìn địa danh ở nét khái quát nhất, cái nhìn thấy bên
ngoài rõ nhất trong nội hàm của khái niệm thuật ngữ này theo hướng tiếp cận
riêng của mỗi người.
Một số nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thể hiện quan điểm của riêng mình
về khái niệm địa danh.
Trên cơ sở cách hiểu của A. V. Superanskaja - nhà nghiên cứu địa danh
nổi tiếng của Xô-viết, nhà nghiên cứu Từ Thu Mai cho rằng : “Địa danh là
những từ ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị trí xác định trên bề mặt
trái đất. Mặc dù nằm trong hệ thống những loại hình khác nhau nhưng các đối
tượng địa lý bao giờ cũng xuất hiện trong thực tế với những cá thể độc lập”
[127, tr. 19].
Theo Nguyễn Kiên Trường “Địa danh là tên riêng chỉ các đối tượng địa lý
tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên bề mặt trái đất” [63, tr. 16].
Trần Văn Dũng viết “Địa danh là tên gọi những đối tượng địa lý tự nhiên
và địa lý do con người kiến tạo” … “Các đối tượng do con người kiến tạo (có
thể gọi là địa lý nhân văn) bao gồm : địa lý nơi cư trú, địa lý chỉ các công trình
xây dựng” [126, tr.15].
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Thị Châu khẳng định “Địa danh hay là
tên địa lý (toponym, geographical name) là tên vùng, tên sông, tên núi, là tên gọi
các đối tượng địa hình khác nhau, tên nơi cư trú, tên hành chính, … được con
người đặt ra” [145].
Bùi Đức Tịnh cho rằng “Địa danh là một danh từ có nghĩa tổng quát để
chỉ tên gọi các loại vật thể tự nhiên được phân biệt về phương diện địa lý, các vị


trí cần phân biệt trong sinh hoạt xã hội và các đơn vị được xác định trong các tổ
chức hành chính hay quân sự” [2, tr. 10].
Trong cuốn Một số vấn đề về địa danh Việt Nam (2008), tác giả Nguyễn

Văn Âu viết : “Địa danh học (Toponymie) là một môn khoa học chuyên nghiên
cứu về tên địa lý các địa phương. Địa danh chính là tên gọi địa lý các địa
phương” [74, tr. 5].
Một số tác giả thường định nghĩa địa danh bằng cách chiết tự “địa danh”
có nghĩa là tên đất. Đào Duy Anh trong Hán - Việt từ điển cho rằng địa danh là
“tên các miền đất” (nom de terre) [14, tr.268]. Còn nhà ngôn ngữ học Hoàng
Phê lại cho rằng “Địa danh là tên đất, tên địa phương” [22, tr. 314]. Các tác giả
của Từ điển Bách khoa Việt Nam thì cho rằng “Địa danh là tên gọi các lãnh thổ,
các điểm quần cư (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố), các quốc gia, các châu lục,
các núi, đèo, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, vũng, vịnh,
biển, eo biển, đại dương có tọa độ địa lý nhất định ghi lại trên bản đồ. Địa danh
có thể phản ánh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố tự nhiên và lịch sử
với những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của các lãnh thổ” [98, tr. 780].
Kết hợp với quan điểm địa lý, lịch sử và ngôn ngữ học, tác giả Hoàng Văn
Ma xem địa danh là “tên gọi địa hình, địa vật, địa điểm cư tụ dân cư … trong
một khu vực, một lãnh thổ nhất định được cộng đồng người nói thừa nhận và
được chuẩn hóa và cần được chuẩn hóa” [26, tr. 202].
Trong bài Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung
Trung Bộ, tác gải Hoàng Tất Thắng viết : “Địa danh là tên gọi của địa hình thiên
nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào
đó” [23].
Người có nhiều công trình nghiên cứu về địa danh hiện nay - PGS. TS Lê
Trung Hoa thì cho rằng “Địa danh là những từ hoặc ngữ, được dùng làm tên
riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ và
các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều. Trước địa danh ta có thể


đặt một danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh đó : sông Hương, huyện Mộ Đức
(Quảng Ngãi), vùng Ba Vì, thành phố Cần Thơ, đường Nguyễn Du …” [48, tr.
18].

Địa danh là một khái niệm rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều
ngành khoa học khác nhau. Ví như chỉ nói đến địa danh địa lý thôi thì nó đã
nghiên cứu các hiện tượng địa lý tự nhiên, các đối tượng địa lý kinh tế rồi,
huống hồ còn các ngành nhỏ như địa danh lịch sử, địa danh văn hóa nữa… cho
nên các quan điểm về địa danh trên đây tuy đã có cái nhìn khá sát với bản chất
của vấn đề song chưa nói hết được nội hàm của khái niệm. Các từ điển trong và
ngoài nước đều định nghĩa địa danh ở tầm quá khái quát, chỉ thấy địa danh liên
quan và dùng cho đất mà chưa thấy địa danh còn dùng để gọi tên các vùng lãnh
thổ, các công trình xây dựng… Có định nghĩa đi sâu vào cái cụ thể mà không
khái quát được vấn đề nên thiếu nội dung quan trọng (Từ điển Bách khoa Việt
Nam, thiếu các đơn vị hành chính, kinh tế, một số tên địa hình thiên nhiên, lại
thừa vì kể ra hàng loạt tên các đơn vị hành chính, kinh tế, một số tên địa hình
thiên nhiên nhưng chưa đủ …). Quan điểm của các tác giả Nguyễn Kiên Trường
và Trần Văn Dũng có nhiều nét tương đồng. Trong định nghĩa của Từ Mai Thu
và A. V. Superanskaja cụm từ “đối tượng địa lý” để chỉ các địa danh do con
người kiến tạo cho ta thấy chưa thật sự chính xác. Riêng định nghĩa của Hoàng
Thị Châu tính khái quát không cao chỉ thiên về cái khả năng định danh trong
ngôn ngữ của địa danh. Còn Nguyễn Văn Âu tập trung nhiều đến các đối tượng
thiên nhiên mà ít chú ý đến địa danh nhân tạo cho nên định nghĩa ấy thật chưa
khái quát hóa vấn đề.
Để định nghĩa địa danh theo chúng tôi cần phải làm sáng tỏ khía cạnh
định danh của nó và diễn đạt chính xác nội hàm của khái niệm. Tức, địa danh là
dùng để gọi tên các đối tượng nhằm để phân biệt đối tượng này với đối tượng,
sự vật khác và tính khoa học của khái niệm thể hiện như thế nào.
Địa danh liên quan đến nhiều lĩnh vực như địa lý học, sử học, dân tộc học,
xã hội học, khảo cổ học, lịch sử ngôn ngữ, nó là một bộ phận của danh học - một


bộ phận của ngôn ngữ học nhưng nó cũng rất thiết thân với đời sống con người,
do con người đặt ra nên các định nghĩa trên đây chưa lột tả hết nội hàm của khái

niệm, còn máy móc, rập khuôn.
Chúng tôi nhận thấy định nghĩa địa danh của tác giả Lê Trung Hoa dựa
theo tiêu chí loại hình là xác đáng hơn cả : “Địa danh là những từ hoặc ngữ được
dùng để đặt tên riêng của địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng
lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều” [48, tr. 18].
Đây cũng là tiền đề, nội dung lý luận làm cơ sở cho nội dung ngiên cứu của luận
văn này.
1.1.2. Đối tượng nghiên cứu của địa danh học
Khi muốn tìm hiểu một ngành khoa học nào đó ta phải xác định được đối
tượng của ngành khoa học đó. Xác định đúng đối tượng giúp cho việc nghiên
cứu đúng mục tiêu, tiết kiệm thời gian. Mới nhìn ta nghĩ đơn giản đối tượng của
địa danh học là địa danh. Nhưng thực tế đối tượng của địa danh rất phong phú,
thậm chí phức tạp nữa. Đối tượng của địa danh bao gồm các đối tượng tự nhiên
và các đối tượng nhân tạo. Vậy những tên gọi của đình, chùa, miếu, miễu, nhà
thờ, nhà hát, công ty, trường học, cơ quan, bệnh viện, viện, khách sạn, nhà hàng
… chúng có phải là những địa danh không?
Đọc một số công trình nghiên cứu như Từ điển bách khoa địa danh Hải
Phòng, Từ điển Hà Nội - Địa danh, các tác giả này cho rằng các công trình thiên
về không gian ba chiều như tên đình, chùa, miếu, miễu, nhà thờ, nhà hát, công
ty, trường học, cơ quan, bệnh viện, viện, khách sạn, nhà hàng … là những địa
danh. Các quan điểm này không được phần lớn giới nghiên cứu đồng tình.
Như chúng ta đã biết, địa danh xét về mặt bản chất cấu tạo là một đơn vị từ ngữ,
có chức năng định danh sự vật, do đó, địa danh là một bộ phận của từ vựng. Mà
ngành từ vựng học có một ngành nhỏ là danh xưng học (onomasiologie) chuyên
nghiên cứu tên riêng chia làm ba nhánh nhỏ là nhân danh học, hiệu danh học và
địa danh học. Nhân danh học thì nghiên cứu tên riêng của người (gồm họ, tên
đệm, tên chính, tự, hiệu, bút danh …), hiệu danh học nghiên cứu tên các thiên


thể, nhãn hiệu, biển hiệu … và địa danh học cũng nghiên cứu tên riêng nhưng

liên quan đến một vùng lãnh thổ nhất định và có tính bền vững. Như vậy, địa
danh học chuyên nghiên cứu về nguồn gốc, ý nghĩa và những chuyển biến của
địa danh. Tức là, đối tượng nghiên cứu của địa danh học là những từ ngữ được
dùng để đặt tên riêng của địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các công
trình xây dựng, các vùng lãnh thổ thiên về không gian hai chiều. Cũng có nghĩa
là địa danh học và hiệu danh học có đối tượng nghiên cứu không giống nhau. Từ
đây chúng ta dễ hiểu vì sao các tên gọi của đình, chùa, miếu, miễu, nhà thờ, nhà
hát, công ty, trường học, cơ quan, bệnh viện, viện, khách sạn, nhà hàng … nhiều
nhà nghiên cứu không cho là những địa danh. Chúng tôi thống nhất với cách lý
giải rất thuyết phục với tiêu chí rõ ràng của tác giả Lê Trung Hoa rằng “Tên
các công trình thiên về không gian hai chiều là địa danh, còn tên các công trình
thiên về không gian ba chiều là hiệu danh”. [48, tr. 14-15].
1.1.3. Phân loại địa danh
Phân loại địa danh là việc phân chia địa danh thành các kiểu nhóm khác
nhau, dựa trên những đặc tính cơ bản của chúng. Mục đích của việc phân loại
địa danh ra các kiểu, các nhóm khác nhau là để tiến hành phân tích, đánh giá
trong nghiên cứu được nhanh chóng, thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn. Việc phân
loại địa danh cho đến nay vẫn còn là vấn đề khá phức tạp và chưa có cách phân
loại nào thống nhất giữa các nhà nghiên cứu trong nước.
Dựa vào hai tiêu chí ngữ nguyên và đối tượng mà địa danh phản ánh các
nhà nghiên cứu địa danh phương Tây và Xô-viết có những cách phân chia địa
danh khác nhau. Theo Lê Trung Hoa, nhà địa danh học người Pháp A. Dauzat,
trong cuốn La toponymie Fracaise mặc dù không lập bảng phân loại cụ thể
nhưng trong nội dung nghiên cứu tác giả đã chia địa danh ra làm bốn phần là : i)
Vấn đề những cơ sở tiền Ấn - Âu; ii) Các danh từ tiền Latinh về nước trong thủy
danh học; iii) Các từ nguyên Gô-Loa - La-mã; iv) Địa danh học Gô-loa - La-mã
của vùng Auvergne và Valay [48, tr.49]. Cũng theo Lê Trung Hoa, trong cuốn
Les noms de lieux tác giả Charles Rostaing chia cuốn sách ra 11 chương để



nghiên cứu địa danh. Đó là : i) Những cơ sở tiền Ấn-Âu; ii) Các lớp tiền Xêntich; iii) Lớp Gô-loa; iv) Những phạm vi Gô-loa - La-mã; v) Các sự hình thành
La-mã; vi) Những đóng góp của tiếng Giéc-manh; vii) Các hình thức của thời
phong kiến; viii) Những danh từ có nguồn gốc tôn giáo; ix) Những hình thái
hiện đại; x) Các địa danh và tên đường phố; xi) Tên sông và núi.
A.V. Superanskaja trong cuốn Chto takoe toponimika chia địa danh ra làm
7 loại : i) Phương danh; ii) Thủy danh; iii) Sơn danh; iv) Phố danh; v) Viên
danh (tên các quảng trường, công viên); vi) Lộ danh (tên các đường phố); vii)
Đạo danh (tên các đường giao thông trên đất, dưới đất, trên nước, trên không)
[117, tr.8].
Hai nhà địa danh học Xô-viết nổi tiếng G.L.Smolisnaja và M.V.
Gorbanevskij trong cuốn Toponimija Moskvy thì chia địa danh ra làm 4 loại là :
i) Phương danh (tên các địa phương); ii) Sơn danh (tên núi, gò, đồi…); iii) Thủy
danh (tên các dòng chảy, hồ, vũng…); iv) Phố danh (tên các đối tượng trong
thành phố). [48, tr. 10-11].
Trên đây là các quan điểm về phân loại địa danh của các nhà nghiên cứu
địa danh nước ngoài. Nhìn chung họ xác định tiêu chí phân loại chưa rõ ràng
nên cách phân loại mang tính khái quát không cao, đôi khi gây rắc rối. Vậy các
tác giả trong nước phân loại địa danh như thế nào?
Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910) là người đầu tiên đưa ra vấn đề phân loại
địa danh trong cuốn Sử học bị khảo, phần Địa lý khảo [16, tr. 44-47]. Tiếp đến
là Hoàng Thị Châu với quan điểm phân loại địa danh ra hai hệ thống tiểu địa
danh (tên thôn xóm, gò đồi, khe suối, đầm hồ …) và đại địa danh (tên lục địa,
đại dương, nước, vùng, thủ đô, thành phố, sông, biển, …) [145].
Trần Thanh Tâm trong “Thử bàn về địa danh Việt Nam” [121, tr. 60-73]
thì chia địa danh Việt Nam ra làm sáu loại gồm : i) Loại đặt theo địa hình và đặc
điểm; ii) Loại đặt theo vị trí không gian và thời gian; iii) Loại đặt theo tín
ngưỡng, tôn giáo; iv) Loại đặt theo hình thái, đất đai, khí hậu; v) Loại đặt theo


đặc sản, nghề nghiệp và tổ chức kinh tế; vi) Loại đặt theo sinh hoạt xã hội. Nhà

nghiên cứu Nguyễn Văn Âu lại phân loại địa danh theo ba cấp : loại, kiểu và
dạng. Trong đó có hai loại (tự nhiên và kinh tế-xã hội), 7 kiểu địa danh là thủy
danh, sơn danh, lâm danh, làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố và quốc gia và 12
dạng địa danh là sông ngòi, hồ đầm, đồi núi, hải đảo, rừng rú, truông, trảng,
làng, xã, huyện, quận, thị trấn, tỉnh, thành phố và quốc gia [74, tr. 5-6].
Tác giả Trần Văn Dũng chia địa danh Đăk Lăk thành hai nhóm : nhóm địa
danh chỉ các đối tượng tự nhiên và nhóm địa danh chỉ các đối tượng do con
người tạo nên (địa danh nơi cư trú và công trình xây dựng). Dựa vào tiêu chí
ngữ nguyên tác giả phân loại địa danh thành năm loại : i) Loại địa danh gốc bản
địa (đặt theo cách và tiếng nói dân tộc thiểu số, những người dân bản địa); ii)
Loại địa danh thuần Việt; iii) Loại địa danh Hán Việt; iv) Loại địa danh gốc
khác; v) Loại địa danh chưa xác định được nguồn gốc. Căn cứ vào ý nghĩa của
địa danh tác giả lại chia địa danh ra làm hai loại là loại địa danh có ý nghĩa rõ
ràng và địa danh mang tính võ đoán hoặc còn nhiều ý kiến chưa thống nhất [126,
tr 21-22].
Nguyễn Kiên Trường khi nghiên cứu địa danh Hải Phòng đã dựa vào ba
tiêu chí : tiêu chí loại hình, tiêu chí nguồn gốc ngữ nguyên và tiêu chí chức năng
giao tiếp. Với tiêu chí loại hình tác giả chia làm hai nhóm là : địa danh chỉ đối
tượng địa lý tự nhiên và địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn. Trong đó, nhóm
địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn gồm các tiểu nhóm : i) Nhóm địa danh cư
trú - hành chính và các địa dnah gắn với hoạt động của con người, do con
người tạo nên; ii) Nhóm địa danh đường phố và địa danh chỉ công trình xây
dựng. Với tiêu chí nguồn gốc ngữ nguyên, tác giả phân chia địa danh thành các
tiểu loại : i) Địa danh Hán – Việt; ii) Địa danh Thuần - Việt; iii) Địa danh có
nguồn gốc tiếng Pháp; iv) Địa danh có nguồn gốc từ phương ngữ Quảng Đông;
v) Địa danh có nguồn gốc khác như Tày-Thái, Việt-Mường…; vi) Địa danh có
nguồn gốc hỗn hợp; vii) Địa danh chưa xác định được nguồn gốc [63, tr. 41-45].


Đáng chú ý hơn cả là quan điểm phân loại dựa vào các tiêu chí theo đối

tượng (tự nhiên/không tự nhiên) và tiêu chí ngữ nguyên của tác giả Lê Trung
Hoa [48, tr. 15-17]. Theo đó, dựa vào tiêu chí đối tượng địa danh được chia
thành hai nhóm : i) Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên (địa danh chỉ địa hình);
ii) Địa danh chỉ các đối tượng nhân tạo gồm ba tiểu loại là địa danh chỉ các
công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều, địa danh hành chính và địa
danh vùng (chưa có ranh giới rõ ràng). Theo tiêu chí ngữ nguyên địa danh chia
thành : i) Địa danh thuần Việt; ii) Địa danh Hán Việt; iii) Địa danh bằng các
ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Tày, Thái,
Mường…); iv) Địa danh ngoại ngữ (chủ yếu là địa danh gốc Pháp, ngoài ra còn
có gốc Indonesia, Malaysia).
Từ việc liệt kê các quan điểm phân loại địa danh của các tác giả trong và
ngoài nước, chúng tôi có mấy nhận xét như sau:
Cách phân loại của Đặng Xuân Bảng còn rất sơ lược. Các tác giả Hoàng
Thị Châu và Trần Thanh Tâm xác định phương thức đặt địa danh và cách phân
loại chưa cụ thể, thiếu rõ ràng. Nguyễn Văn Âu phân loại dựa vào đặc điểm địa
lý - xã hội nhưng cách phân loại không lôgich, trùng lặp và rối rắm. Ví như cách
gọi “địa danh tự nhiên” và “địa danh kinh tế - xã hội” chưa ổn, mà chỉ chia địa
danh ra làm hai loại thì trên thì một số địa danh thuộc vùng như miền Đông Nam
Bộ, khu Văn Thánh, miệt Cao Lãnh … hoặc địa danh chỉ các công trình xây
dựng thiên về không gian hai chiều như cầu Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Tất
Thành, công viên Lê Thị Riêng không biết chia ở loại nào…Trần Văn Dũng
không dùng tên địa danh hành chính trong khi phân loại và tác giả cho rằng các
đơn vị dưới phường, xã, thị trấn như thôn, buôn, ấp … đều không phải là đơn vị
hành chính. Cũng theo Trần Văn Dũng, tên gọi và cách đặt tên gọi các điểm dân
cư (dù là đơn vị hành chính hay không, dù là tên dân gian hay tên do chính
quyền đặt) đều có những đặc điểm cơ bản giống nhau. Điều này chưa chính xác.
Vì là chúng có điểm khác nhau : địa danh do dân gian đặt thì không xác định
được ranh giới, diện tích và dân số, còn địa danh do nhà nước đặt có ranh giới rõ



×