Tải bản đầy đủ (.pdf) (1,478 trang)

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Huyền Tán

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.55 MB, 1,478 trang )

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN
Đại Sư Khuy Cơ biên soạn
Việt dịch: Cố Hòa thượng Thích Chân Thường
Biên soạn: Giáo sư Trương Đình Nguyên
Tu chỉnh và hiệu đính: Tỳ kheo: Thích Đồng Bổn
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2005

Lời Giới Thiệu
Một trong những bộ kinh quan trọng nhất của hệ tư tưởng
Phật giáo Bắc truyền, không những có ảnh hưởng to lớn
đối với tín đồ Phật giáo mà còn lôi cuốn được sự quan tâm
của giới nghiên cứu, học giả Đông Tây, là Kinh Diệu Pháp
Liên Hoa. Đây là bộ kinh ẩn chứa nhiều nghĩa lý sâu sắc,
vượt tầm tư duy và suy luận của đời thường. Để giúp mọi
người có thể lãnh hội được triết lý cũng như tính thực tiển
1


của nó, nhiều tác phẩm nghiên cứu, luận giải, trước tác rất
công phu và có giá trị đã ra đời. Pháp Hoa Huyền Tán của
Đại sư Khuy Cơ là một trong số ấy.
Ở Việt Nam, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có một vị trí vô
cùng quan trọng trong việc học và hành trì lời Phật dạy, vì
đa số Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Với tâm nguyện
giúp đỡ Phật tử Việt Nam thực hành đúng tôn chỉ và mục
đích của Pháp Hoa, Cố Hòa thượng Thích Chân Thường,
một bậc cao tăng thạc đức, đặc biệt dành nhiều thời gian và
tâm lực để chuyển dịch tác phẩm Pháp Hoa Huyền Tán từ
chữ Hán ra chữ Việt. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh
khách quan, bản dịch này chưa có nhân duyên ấn hành sâu
rộng.


Để hoàn thành tâm nguyện của bậc Tôn sư, hàng môn đồ
pháp quyến của Cố Hoà thượng đã dày công biên tập, hiệu
đính và kết hợp với Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
để in ấn tác phẩm nghiên cứu có giá trị này.
Nay, chúng tôi kính giới thiệu đến chư Tăng Ni, Phật tử và
các độc gỉa bộ Pháp Hoa Huyền Tán này.
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Lời Dịch Giả
2


Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh đại thừa thậm thâm vi
diệu của Phật giáo. Đã có nhiều bộ kinh sớ giải như :
• Pháp Hoa Huyền Nghĩa của ngài Pháp Vân đời Lương.
• Pháp Hoa Tam Đại Bộ của ngài Thiên Thai Trí Khải Đại
sư đời Tùy.
• Pháp Hoa Nghĩa Sớ – Pháp Hoa Huyền Luận – Pháp Hoa
Lược Sớ – Pháp Hoa Dụ Ý – Pháp Hoa Luận Sớ của ngài
Gia Tường Đại sư Cát Tạng đời Tùy.
• Pháp Hoa Kinh Yếu Giải của ngài Giới Hoàn đời Tống.
Song đặc biệt vẫn là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Huyền
Tán của ngài Khuy Cơ – Từ Ân Đại sư biên soạn đời
Đường. Bộ kinh luận này gồm 10 quyển, mỗi quyển chia
làm hai phần : Bản và Mạt. Nhằm giải thích ý nghĩa thậm
thâm vi diệu của bộ kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa.
Trong phẩm Pháp Sư, đức Phật dạy rằng : “Này Dược
Vương ! Kinh điển của ta nói nhiều vô lượng nghìn muôn
ức, đã nói, đương nói, sẽ nói mà trong đó Kinh Pháp Hoa
rất là khó tin, khó hiểu… Sau khi Như Lai diệt độ người

nào có thể biên chép, thụ trì đọc tụng cúng dàng, vì người
khác mà nói, thời được Như Lai lấy y trùm cho, lại được
các đức Phật hiện tại ở phương khác hộ niệm cho. Người
đó có sức tin lớn, sức trí nguyện và sức căn lành, phải biết
người đó cùng Như Lai ở chung, được Như Lai lấy tay xoa
đầu”.
3


Nhận thấy lợi ích lớn lao như vậy, tôi không quản tài sơ trí
hẹp, thành tâm phiên dịch bộ kinh này ra nghĩa tiếng Việt
với bản nguyện “Phục vụ chúng sinh tức cúng dàng chư
Phật”. Trong khi phiên dịch chắc chắn có nhiều phần
khiếm khuyết, kính mong các bậc cao minh – thiện tri thức
từ bi hoan hỷ phủ chính cho.
Champigny, mùa Phật đản năm Quý Dậu
Phật lịch 2537
Tỳ Kheo Chân Thường khể thủ

MẤY LỜI GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ TÁC PHẨM
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN
Bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Huyền Tán này là do Đại sư
Khuy Cơ đời Đường biên soạn ra. Đại sư vốn tục danh là
Uất Trì Hồng Đạo, người ở Trường An (nay thuộc thành
phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc), xuất gia làm đệ tử
ngài Huyền Trang (tục gọi là Đường Tam Tạng), theo học
tông chỉ của Du Già, Duy Thức.
Ngài là bậc Cao Tăng, một vị đại Luận sư đã viết tất cả
100 bộ luận để giải thích kinh Phật, đặc biệt là kinh điển
đại thừa. Do vậy, Ngài được người đương thời gọi là Bách

bản Luận sư. Trên đường vân du thuyết pháp, ngài thường
4


dùng 3 cỗ xe, nên còn được gọi là Tam xa Pháp sư. Ngài
đã từng theo ngài Huyền Trang dịch kinh tại Phiên Kinh
viện ở chùa Từ Ân thuộc Trường An, ở đó ngài rất siêng
trong công việc trước tác, dịch thuật.
Các tác phẩm của ngài từ đây truyền đi được gọi là Từ Ân
giáo, sau được tôn là Pháp tướng – Hiển lý tông. Ngài đã
viết sớ giải cho nhiều bộ kinh, như các Kinh Di Lặc
Thượng Sinh, Diệu Pháp Liên Hoa v.v… Sớ giải của Kinh
Pháp Hoa chính là bộ sách Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Huyền Tán này.
Sách này còn gọi là Pháp Hoa Huyền Tán, có chỗ còn gọi
là Pháp Hoa Kinh Sớ, là một trong những bộ sớ giải quan
trọng nhất, nổi tiếng nhất về Kinh Pháp Hoa. Mọi người
học Phật điều biết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường gọi
tắc là Kinh Pháp Hoa, là một trong số kinh điển quan trọng
nhất của Phật giáo đại thừa. Cho nên ở các nước theo Phật
giáo đại thừa, ngoài việc phiên dịch kinh này ra ngôn ngữ
bản quốc, các vị Cao Tăng thạc học đều viết các sách sớ
giải về kinh này.
Để giải thích Kinh Pháp Hoa, ta thấy ngoài bộ Huyền Tán
này, ở Trung Quốc còn có rất nhiều bộ luận sớ khác như
Pháp Hoa Huyền Luận, Pháp Hoa Nghĩa Sớ của Cát Tạng
đời Tùy, Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Triù Khải đời Tùy,
Pháp Hoa Kinh Hội Nghĩa của Trí Húc đời Minh v.v….

5



Ở Việt Nam ta, ngoài bản diễn Nôm Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh của ngài Huyền Cơ Thiện Giác, sách Pháp Hoa Quốc
Ngữ Kinh của Lão Thiền Diệc Ngu ra, còn có một số sách
sớ giải về Kinh Pháp Hoa như thời Minh Mạng triều
Nguyễn có bộ Pháp Hoa Đề Cương của Minh Chính
thuyền sư, hoặc như thời nay có Pháp Hoa Đề Cương Yếu
Nghĩa của Hòa thượng Thích Từ Thông …
Các sách nói trên, mỗi bộ mỗi vẻ, đều nhằm giải thích
Kinh Pháp Hoa, đều giúp cho việc tìm hiểu nghĩa lý sâu xa
của bộ kinh này. Riêng bộ Pháp Hoa Huyền Tán của ngài
Khuy Cơ (còn gọi là Đại sư Từ Ân) được coi là quan trọng
bậc nhất, bởi lẽ sách này ngoài việc nêu ra các nghĩa lý
tinh yếu của Kinh Pháp Hoa, còn giải thích cặn kẽ đến
từng câu từng chữ của kinh này thông qua bản Hán dịch,
đồng thời còn giải thích văn tự của bản Hán dịch. Pháp
Hoa Huyền Tán còn chỉ ra một số từ dịch sai so với nguyên
bản gốc Phạm. Có thể nói những ai muốn hiểu thấu nghĩa
lý thâm diệu của Pháp Hoa, không thể không đọc sách này.
Sách này chia thành 10 quyển. Mỗi quyển lại chia thành
hai phần : Bản và Mạt (trước, sau). Về bố cục, sách này đại
thể có thể chia làm hai phần :
• Phần đầu tác giả giải thích một cách tổng quát về Kinh
Pháp Hoa từ tên gọi, tông chỉ của bộ kinh này cho đến tính
xác tín và vị trí của kinh này trong Phật giáo đại thừa.

6



• Phần sau tác giả giải thích kinh văn lần lượt từng phẩm
theo thứ tự sắp xếp trong Kinh.
Khi giải thích mỗi phẩm, đầu tiên tác giả cũng nêu lên và
giải quyết các vấn đề có tính chất tổng quát của phẩm đó,
theo phương pháp mà tác giả đặt tên là :“Tam môn phân
biệt”.
“Tam môn phân biệt” nhằm giải quyết 3 vấn đề :
1. Lai ý : dụng ý của phẩm đó, hoặc vì sao mà có phẩm đó.
2.Thích danh : giải thích tên gọi của phẩm đó, thông qua
việc giải thích tên phẩm nêu lên nội dung cơ bản của phẩm
đó.
3.Giải phương : giải đáp các thắc mắc quanh phẩm đó.
Sau phần này, tác giả lần lượt giải thích từng phần, từng
đoạn, từng câu kinh văn trong phẩm, bằng cách đầu tiên
dẫn kinh văn, sau đó giải thích. Khi dẫn kinh văn, để khỏi
rườm rà tác giả chỉ nêu lên mấy chữ đầu và mấy chữ cuối
của đoạn được dẫn, phần bị tỉnh lược ở giữa được thay
bằng chữ “chí” (tới). Cách dẫn kinh cụ thể theo công thức
sau : [-Kinh văn : “XXX” chí “XXX” ], X là chữ được
dẫn.
Phần giải thích được mở đầu bằng : “Tán viết” (Tán rằng),
cũng có khi được mở đầu bằng “Luận vân” (Luận rằng).

7


Chính là qua phần giải thích này, mà người đọc có thể hiểu
được ý nghĩa thâm diệu của Kinh Pháp Hoa.
Hơn nữa, qua phần giải thích này còn có thể giúp cho
người tu Phật có được các tri thức phong phú về Phật giáo

đại thừa, vì trong phần này tác giả đã viện dẫn rất nhiều
kinh điển đại thừa.
Đối với người tu Phật, bộ Pháp Hoa Huyền Tán này có thể
coi là bộ sách giáo khoa về Kinh Pháp Hoa, về Phật giáo
đại thừa. Đối với người giảng kinh, có thể coi đây là bộ
giáo án quý báu để giảng kinh này. Đối với người nghiên
cứu, có thể coi đây là bộ sách tham khảo rất có giá trị. Tóm
lại, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, bộ sách này đem lại
lợi ích to lớn trong việc hoằng pháp lợi sinh.
Chính vì nhận thấy ý nghĩa hoằng pháp vô cùng to lớn của
bộ Pháp Hoa Huyền Tán này, mà cố Hòa thượng Thích
Chân Thường, một vị chân tu có nhiều công đức trong sự
nghiệp hoằng dương Phật pháp, người đã từng phiên dịch,
tổ chức phiên dịch ấn tống nhiều bộ kinh điển nhà Phật,
cũng là người sau khi đã làm nhiều công đức hoằng pháp
tại quê hương lại cùng một số Cao Tăng Việt Nam khá,c
đem Phật giáo sang truyền bá tại Châu Âu và là người xây
dựng lên chùa Quan Âm ngay tại Paris, thủ đô nước Pháp.
Khi còn tại thế, Ngài đã từng có tâm nguyện tha thiết là
muốn phiên dịch và ấn tống bộ sách này để lợi lạc quần
sinh. tiếc thay công việc chưa xong thì người đã vội về cõi
8


Phật. Nay các Pháp tử, Pháp tôn cùng Pháp quyến của
người, tuân theo lời di huấn của người, đã nối tiếp và hoàn
thành công việc to lớn khó khăn đang còn dang dở đó của
người. Công quả ấy đã viên thành, người ở cõi Cực Lạc
hẳn đã mãn nguyện.
Tôi là người từ lâu đã để tâm vào việc nghiêm cứu Phật

học, đã từng được đọc sách này, nay lại được may mắn là
người đầu tiên được đọc bản thảo bản dịch ra tiếng Việt.
Tôi vô cùng tán thán công đức to lớn của cố Hòa thượng
Chân Thường và những vị nối chí người bởi lẽ phiên dịch,
tổ chức phiên dịch, ấn tống bộ sách này là một công việc
vô cùng to lớn vô cùng khó khăn. (To lớn vì sách này rất
đồ sộ, gần bằng nửa bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, việc biên
dịch in ấn phải tốn nhiều sức người, sức của. Khó khăn vì
ngôn ngữ văn bản rất khó, phạm vi tri thức Phật học mà tác
giả đề cập đến, hoặc viện dẫn từ Kinh Luật Luận rất rộng).
Vậy mà nay công việc ấy đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ cũng như mọi công việc to lớn
khác trong thiên hạ, việc phiên dịch in ấn bộ sách lớn như
thế này dù đã hoàn thành song khó có thể nói là đã “Vạn
vô nhất thất”. Những mong đọc giả đọc bản dịch sách này
với thiện tâm tùy hỉ sẽ góp phần giúp cho bản dịch sách
này được hoàn thiện hơn, bởi lẽ bất cứ một sự hoàn thành
nào đó đều chỉ là tương đối, cũng như trong kinh Dịch, sau
quẻ Ký tế áp cuối tượng trưng cho sự hoàn thành, đến quẻ

9


Vị tế là quẻ cuối cùng tượng trưng cho sự vẫn chưa hoàn
thành.
Hà nội, ngày 2 tháng 9 năm 1995
Giáo sư Trương Đình Nguyên
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ DỊCH GIẢ
THÍCH CHÂN THƯỜNG
(1912 – 1993)

• Đạo hiệu : Thích Chân Thường, pháp húy Bản Như.
• Thế danh : Trần Đức Ký, sanh năm Nhâm Tý 1912.
• Quê quán : làng Trà Trung, tổng Trà Lũ, phủ Xuân
Trường, tỉnh Nam Định.
• Xuất gia : năm Canh Thìn, lúc 38 tuổi.
• Sơn môn : đầu Phật với Tổ Trà Trung – Linh Ứng.
• Thụ giới : thụ Cụ túc giới năm 1950 tại bản tự.
• Học đạo : Tổ Tuệ Tạng, chùa Vọng Cung, Nam Định.
Hành đạo: năm Giáp Ngọ 1954, vào Sài Gòn, chuyên tu
pháp môn Tịnh độ và bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi
sanh ở đây.
Kiến tạo : năm Mậu Tuất 1958, kiến tạo chùa An Lạc,
đường Phạm Ngũ Lão, quận Nhất, Sài Gòn. Ngoài ra, ngài

10


còn kiến tạo 2 Tịnh xá, một ở Biên Hòa và một ở Thủ Dầu
Một.
Tham học:
• Năm 1961, sang nước Cao Miên nghiên cứu giáo lý
Theravàdà.
• Năm 1968, sang Ấn Độ nghiên cứu Mật giáo.
• Năm 1972, sang Trung Quốc nghiên cứu Cổ bản.
• Hoằng dương : Là người khai sáng 2 ngôi chùa Việt Nam
đầu tiên trên đất Pháp :
• Năm Giáp Thìn 1964, sang Pháp khai sáng chùa Linh
Sơn, ở Joinville Bon, ngoại ô Paris. Sau này giao lại cho
Hòa thượng Thích Huyền Vi kế nhiệm.
• Năm Mậu Thân 1968, khai sáng chùa Quán Âm, ở

Champigny sur Marne, ngoại ô Paris.
• Thành lập Hội Phật giáo Quán Âm Paris, trụ sở tại chùa
Quan Âm, đó cũng là trụ xứ hoằng đạo của Ngài trên đất
Pháp cho đến lúc cuối đời.
Sự nghiệp phiên dịch và ấn hành :
Chư kinh Nhật tụng. (biên soạn)
Kinh A Di Đà. (phiên dịch)
Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân. (phiên dịch)
Kinh Đại Bát Niết Bàn. (biên soạn)
Kinh Pháp Hoa Huyền Tán. (phiên dịch)
Thế giới An Lập Đồ, (phiên dịch)
Kinh Địa Tạng. (biên soạn)
11


Kinh Phổ Môn. (phiên dịch)
Kinh Vô Lượng Thọ. (phiên dịch)
Phổ Đà sơn dị truyện. (phiên dịch)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. (biên soạn)
Công đức viên mãn : Ngài viên tịch ngày 18 tháng 12
năm 1993 (tức ngày 6 tháng 11 năm Quý Dậu) tại chùa
Quan Âm Paris, Pháp Quốc.
Trụ thế : Ngài thụ mệnh 82 tuổi đời và có 42 tuổi đạo.
QUYỂN THỨ NHẤT (PHẦN TRƯỚC)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn.
O . DẪN NHẬP
Từng nghe : Đấng Chí Giác khéo khai quyền hiển thực,
nhân cơ duyên của muôn vật mà trình bày về sự tướng, bậc
thánh nhân nhiều phương pháp diệu mầu theo phẩm loại
của chúng sinh mà giảng giải về nội dung. Rung núi dung

hòa mà làm đẹp cho cả cõi đại thiên. Dâng biểu ủy thuận
mà làm bến làm bờ hàng tám vạn. Rợp mây từ mà che
rộng, đổ mưa pháp để mát xa. Tưới hai cây cho cây được
nở hoa, nhuần ba cỏ để cỏ càng tươi tốt. Song vì lũ lái trẻ
đã mệt vì đường xa hiểm trở, nên ngài mới dẫn dụ dần dần
tới lối hóa thành; Đàn con thơ quen nghịch với xe dê, nên
ngài cuối cùng đã phải giảng giải cho để chúng tấn tới
dùng xe trâu lớn.
12


Do vậy, bậc thánh vương từng đánh bại mười quân đã cởi
hạt châu sáng trong búi tóc, đấng y vương từng lập ra bát
đế đã trao cho liều thuốc hay ở trong tay. Lời văn hay ra
ngoài sự lý, nghĩa sâu sắc vượt cả trăm tông. Tóm cả thất
địa mà chỉ đẹp cửu phần, đứng đầu ngũ thừa mà riêng nỗi
ngàn thuở. Lớn lao thay ! Nêu một thực mà bao trùm cõi
thái hư, rung hai quyền để tóm thâu cả vạn tượng. Há có
thể dùng các mỹ từ bao la, cao diệu để hình dung tông chỉ
cao xa sâu sắc của kinh này được !
Để dẫn vào nhân duyên Phật thuyết Kinh Diệu Pháp Liên
Hoa này, đó là phần Tổng luận.

I. PHẦN TỔNG LUẬN
A . GIẢI THÍCH KINH PHẨM
Đầu tiên nêu tên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đó là nêu tóm
tắt ý nghĩa cao lớn tuyệt vời, nêu lên tên gọi chung của cả
một bộ kinh.
- Tự phẩm đệ nhất : đó là để soi tỏ các tiêu đề to lớn về
nghĩa loại, nói rõ các mục có ý nghĩa khác nhau.

- Pháp : bao hàm ý nghĩa phép tắc đường lối để noi theo.
Vì bao gồm mọi điều tốt lành nên gọi là Diệu.
- Hoa : chỉ chung cho các loại hoa, nhưng nêu Liên (là hoa
sen) lên, vì hoa này gồm đủ mọi vẻ đẹp của các loại hoa
(trong kinh này). Thể và nghiệp đều được trình bày, pháp
13


và dụ đều được nêu lên. Đường bán, mãn khi đã hiểu rồi,
lối thủ xả mới được nổi rõ.
- Kinh : là Thường là Pháp, là Nhiếp là Quán. Thường, là
đường lối cho trăm vua; Pháp, để đạo đức cho ngàn thuở.
Nhiếp, là tập hợp mọi đạo lý nhiệm mầu; Quán, để điều
phục các chúng sinh dung tục. Những mong cho tất cả đều
lìa bến khổ, cuối cùng được lên bờ giác.
- Tự : là do là thủy, trình bày nhân do giáo khởi, làm bước
mở đầu để pháp được hưng sùng.
- Phẩm : là loại là biệt, để khu biệt các loại khác nhau của
tông chỉ huyền diệu, để phân tích các ý nghĩa khác biệt của
giáo nghĩa sâu xa.
Kinh có 28 phẩm loại nhằm nói rõ chân tông. Phẩm này về
thứ tự thì đứng đầu, nên gọi là đệ nhất.
Đệ là thứ, chỉ ngôi vị. Nhất là cao nhất, là đứng đầu.
B . GIẢI THÍCH BẰNG SÁU MÔN
Trước khi đi vào giải thích kinh văn, đầu tiên là dùng sáu
môn mà phân thích:
I. Duyên khởi của kinh.
II. Tông chỉ của kinh.
III. Tên gọi của kinh phẩm.
IV. Việc đặt bỏ kinh phẩm.

V. Thứ tự của kinh phẩm.
VI. Bố cục và Giải thích kinh văn.
I . DUYÊN KHỞI CỦA KINH
14


Nhân duyên Phật thuyết Kinh Pháp Hoa được trình bày
tóm lược qua năm nghĩa :
Một là để thù đáp nhân thỉnh.
Hai là để phá nghi chấp.
Ba là để nêu rõ ký hành.
Bốn là để lợi ích cho bấy giờ và mai sau.
Năm là để nêu bật thời cơ.
I. 1- THÙ ĐÁP NHÂN THỈNH
Trong thù đáp nhân thỉnh có hai nghĩa :
A. THÙ NHÂN
B. THÙ THỈNH.
A. THÙ NHÂN
Thù nhân có sáu nhân :
1. Thù hành nhân.
2. Thù nguyện nhân.
3. Thù cầu nhân.
4. Thù trì nhân.
5. Thù tướng nhân.
6. Thù thuyết nhân.
Phật quả chẳng có thể tự dưng mà thành, mà phải do
nghiệp hành mới được. Hành chẳng khởi lý lẽ, ắt vì nguyện
lợi sinh. Hạnh nguyện khi tự khởi lên, nhưng không có
duyên thì chẳng thể một mình mà gặp được. Dẫu gặp
duyên để cầu trọng, nhưng không thể khinh xuất mà thành

quả được. Phải do tu trì học tập, mới có thể đắc quả được.
Đắc quả đã viên mãn rồi, thì sẽ trình bày để đáp ứng yêu
cầu của ngoại vật. Muốn nêu rõ tính chất thâm diệu của
tông chỉ kinh văn, thì trước hết thể hiện cái nhân đại tướng.
15


Đại tướng đã tỏ, lý phải phô trần, cho nên nêu rõ Phật vốn
xuất thế là một việc lớn vậy. Do đó thù nhân có đủ sáu
nghĩa này.
1) Thù hành nhân : Trong phẩm Phương Tiện đã bàn luận,
giải thích về tám pháp thậm thâm, nói rằng: Phật đã từng
thân cận trăm ngàn vạn ức vô số chư Phật, thực hành hết
thảy vô lượng đạo pháp của chư Phật, dũng mãnh tinh tiến,
danh tiếng vang khắp, thành tựu được pháp thậm thâm (rất
sâu) chưa từng có. Các pháp khó hiểu, Như Lai biết được
tùy nghi mà thuyết ý nghĩa khó hiểu, đó là pháp mà các
hàng Thanh văn, Bích chi Phật chẳng thể biết được.
Tám pháp thậm thâm gồm : một là thụ trì đọc tụng thậm
thâm, hai là tu hành, ba là quả hạnh, bốn là tăng trưởng
công đức tâm, năm là khoái diệu sự tâm, sáu là vô thượng,
bảy là nhập, tám là bất cọng Thanh văn, Bích chi Phật sở
tác chủ trì thậm thâm.
Kinh chỉ có sáu pháp, không có pháp thứ bảy thứ tám, tới
dưới sẽ biết. Đạo pháp chư Phật đã thực hành hết rồi, tu
hành đầy đủ cái nhân của Nhất thừa chủng trí, mới được
Phật quả. Cho nên nay thù nhân mà thuyết diệu pháp này
để khuyến tu nhân hành.
2) Thù nguyện nhân : có nghĩa là trong phẩm Phương Tiện
nói rằng : “này Xá Lợi Phất ! hãy nghe cho kỹ, ta vốn đặt

lời thệ nguyện muốn khiến cho hết thảy chúng sinh đều
được bằng ta không khác. Như điều nguyện xưa kia nay đã
đầy đủ, hóa độ hết thảy chúng sinh khiến họ ngộ nhập Phật
đạo”. Phẩm Thọ Lượng viết rằng: “ta thường tự nghĩ như
16


vầy : làm cách nào để khiến chúng sinh được nhập Phật
đạo, mau chóng thành tựu Phật thân. Dù trong các nhân
xưa kia hay ở quả ngày nay, ta đều luôn luôn phát nguyện
khiến cho chúng sinh được giống như thân ta, được nhập
Phật đạo”. Cho nên thù đáp bản nguyện mà thuyết kinh
này, cũng là khiến chúng sinh cùng phát nguyện này, để
hạnh và nguyện phù hợp với nhau, đạt tới mức xuất thế.
3) Thù cầu nhân : có nghĩa là như phẩm Thiên Thụ nói: “ta
trong thời quá khứ cầu Kinh Pháp Hoa không hề lơ là mỏi
mệt, ở trong nhiều kiếp thường làm quốc vương cầu đạo
Bồ đề, chẳng hề thoái chuyển, đánh trống ra lệnh cho khắp
bốn phương. Bấy giờ có vị tiên đến bạch với quốc vương
rằng : “ta có kinh Đại thừa gọi là Kinh Diệu Pháp Liên
Hoa. Nếu chẳng trái ý ta, ta sẽ tuyên thuyết cho”. Quốc
vương nghe tiên nói thế, thì vui mừng phấn khởi, liền nghe
theo tiên cung cấp mọi thứ cần dùng cho tiên, thậm chí lấy
thân mình làm giường làm ghế, thân tâm chẳng mỏi, phụng
sự tiên đó trải hàng ngàn năm, vì mục đích cầu pháp mà
khiến tiên không thiếu thốn thứ gì. Quốc vương thời đó
nay là thân ta đấy. Vị tiên thời đó nay là Đề Bà Đạt Đa. Vì
Phật quá khứ nguyện hạnh sở dĩ thành ắt do duyên hội,
hằng trọng kinh này. Ở nơi thiện hữu, chuyên sự cầu kinh
này, cho nên ta nay tuyên thuyết khiến mọi người sinh tâm

cầu trọng
4) Thù (ứng) trì nhân : có nghĩa là như trong tám pháp
thậm thâm ở đằng trước :
- Thứ nhất là Phật đã từng thân cận trăm ngàn vạn ức vô số
17


chư Phật, gọi là thụ trì đọc tụng thậm thâm. Đầu tiên y Bồ
tát cúng năm hằng sa Phật.
- Thứ hai y Bồ tát cúng sáu hằng sa Phật.
- Thứ ba y Bồ tát cúng bảy hằng sa Phật.
- Thứ tư y Bồ tát cúng tám hằng sa Phật; gặp nhiều thiện
hữu, thụ trì lâu dài.
Thêm nữa, Thích Ca Như Lai thời quá khứ tự thân là
Thường Bất Khinh Bồ tát, sau khi Uy Sơn Vương Phật
nhập diệt, ngài tu hành hạnh bất khinh, lúc lâm chung nghe
trong hư không thuyết hai mươi ngàn vạn ức bài kệ của
Kinh Pháp Hoa, ngài đều thụ trì được cả, được sáu căn
thanh tịnh, lại tăng thêm thọ mệnh hai trăm tám vạn ức nado-tha tuổi, giảng rộng kinh này, sau lúc mệnh chung được
gặp hai ngàn ức Phật đều gọi là Nhật Nguyệt Đăng Minh,
ngài thường trì kinh này, nhờ nhân duyên ấy lại gặp hai
ngàn ức Phật cùng gọi là Vân Tự Tại Đăng Vương. Ngài
cùng ở trong pháp chư Phật này mà thụ trì kinh này,
thường được sáu căn thanh tịnh.
Vị Bồ tát Thường Bất Khinh đó chính là thân ta đấy, vì
thời xưa thường trì kinh này, cho nên nay ta thuyết kinh
này khuyên thường thụ trì.
5) Thù (đáp) tướng nhân : sau khi thành Phật rồi, lúc sắp
thuyết kinh này, trước tiên Phật thuyết Kinh Vô Lượng
Nghĩa cho Bồ tát, sau đó nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ tam

muội.
Trời mưa bốn hoa, đất rung sáu loại, bốn chúng chiêm
ngưỡng, tám bộ hoan hỉ. Ngài phóng hào quang thấu suốt
18


xa rộng, chúng thấy thế rồi sinh nghi. Di Lặc phát vấn, Văn
Thù bảo rằng : “cứ như ta suy đoán thì nay Phật Thế tôn
định thuyết đại pháp, mưa mưa đại pháp, thổi loa đại pháp,
khua trống đại pháp, diễn nghĩa đại pháp. Ta thời quá khứ
đã từng thấy điềm lành này. Chư Phật phóng hào quang
này rồi thì thuyết đại pháp, thậm chí thuyết rộng. Ngày nay
Như Lai hẳn sẽ thuyết kinh đại thừa gọi là Kinh Diệu Pháp
Liên Hoa.
Chư Phật ba đời lúc sắp thuyết kinh này, ắt trước tiên có
bấy nhiêu tướng lớn, chẳng giống kinh khác, vì các kinh
khác không có tướng lớn ban đầu này. Tướng đã phi
thường, nên cần phải nói rõ điều này, tức là sắp thuyết kinh
này thì trước tiên thị hiện tướng lớn, trước tiên thị hiện
tướng lớn chính là để thuyết kinh này.
6) Thù (đáp) thuyết nhân : như kinh phần dưới nói rằng,
chư Phật Như Lai chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất
hiện ở đời, cho tới thuyết rộng ra : không có đệ tử Thanh
văn, chỉ giáo hóa Bồ tát, cứu cánh khiến họ được Nhất thiết
chủng trí. Cho nên chư Phật ba đời thành đạo, cứu cánh ắt
thuyết nhất thừa, đều là phương tiện thú cầu trong nhân. Tu
học tuy mãn, chưa từng diễn thuyết. Ngày nay cơ hội
không thể bỏ uổng, nên theo nhân cũ mà thuyết diệu pháp
này.
Nghĩa loại như trên kinh văn nêu rất nhiều, vì e rộng dài,

nên chỉ lược thuật qua.
B. THÙ THỈNH
Thù thỉnh có nghĩa là thù đáp lời cầu thỉnh. Trong kinh nói
19


: “Bồ tát mới sanh ra đã bước bảy bước, phóng đại quang
minh chiếu khắp mười phương nhìn xem bốn phía, làm
tiếng sư tử gầm mà thuyết kệ rằng:
Ta sinh thai phần hết,
Đây là thân cuối cùng.
Ta đã được giải thoát,
Sẽ lại độ chúng sinh.”
Thề như vậy rồi thân dần khôn lớn, ra chơi bốn cửa thấy
tướng già, ốm, chết, và tướng Sa môn. Đã hỏi biết rồi liền
muốn bỏ thân thuộc, cầu quả vô thượng. Nửa đêm quan sát
thấy các kỹ nhân, hậu phi, thể nữ dáng như xác thối rất
đáng chán ngán. Liền sai Xa Nặc thắng ngựa Kiền Đệ. Chư
thiên nâng chân, nửa đêm ra khỏi thành, đi mười bốn do
tuần tới trong rừng nơi vị tiên Bạt Già Bà ở, lấy dao gọt
tóc, đem áo đẹp báu đổi lấy áo da hươu, sai Xa Nặc trở về
báo với vua cha, rồi ở chỗ lục sư ngoại đạo cạnh sông Ni
Liên để hàng phục họ.
Ngài đã phải sáu năm khổ hạnh, cần cù khổ sở hơn họ,
hằng ngày phải ăn vừng ăn lúa mạch. Sau, ngài chán vì họ
chẳng tu đúng đạo, bèn ăn cháo sữa, nhận cỏ Cát tường, tới
cây Bồ đề, ngồi tòa Kim cương, dùng lực trí tuệ hàng phục
quân ma, chứng đại Bồ đề mãi mãi vượt ra khỏi ba cõi.
Bấy giờ chúa của tam thiên đại thiên giới cùng chư thiên
khác kéo đến chỗ Phật thỉnh chuyển pháp luân. Hóa Phật

tán dương, khuyên hãy tạm dùng cách quyền nghi mà
thuyết. Thời cơ chưa chín, hãy thuyết phương tiện, chưa
thuyết thực pháp.
20


Nay đã hợp cơ nghi, nhóm các ngài Thu Tử thỉnh Phật
thuyết về cảnh giới cõi quyền thừa và thực thừa. Nhóm các
ngài Văn Thù thỉnh thuyết về hạnh an lạc của thừa. Nhóm
các ngài Di Lặc thỉnh thuyết về quả Chân ứng thân, nên
kinh phần dưới nói rằng : “lúc ta mới ngồi đạo tràng, quan
sát cây cối và kinh hành, trong hai mươi mốt ngày, thường
ngẫm sự này. Thậm chí tầm niệm về lực phương tiện mà
chư Phật quá khứ đã vận hành, ta nay đắc đạo cũng nên
thuyết tam thừa. Khi ta suy nghĩ như vậy thì mười phương
Phật đều thị hiện Phạm âm mà úy dụ ta rằng : “Lành thay!
Thích Ca Văn, hãy theo như hết thảy chư Phật mà sử dụng
lực phương tiện. Do phương tiện ấy hãy thuyết tam thừa.”
Nay cơ nghi đã chín, nhóm các ngài Thu Tử thỉnh giảng rõ
chân tông, nói rõ Nhất thừa thực tướng đó. Cho nên kinh
phần dưới nói rằng: “ngươi đã tha thiết thỉnh cầu ba lần. Ta
nay đâu thể chẳng thuyết”. Trong phẩm An Lạc Hạnh, Văn
Thù phát ra lời thỉnh, Thế tôn thuyết rộng về bốn An lạc
hạnh. Trong phẩm Thọ Lượng, cũng lại như vậy, Di Lặc
thỉnh cầu ba lần. Phật dạy : “các ngươi nên tin, nên hiểu lời
thành thực của Như Lai”, ba lần khuyên tin, mới thuyết về
sự Chân ứng thân. Bởi vậy vì thù thỉnh mà thuyết Kinh
Pháp Hoa này.
I. 2- PHÁ NGHI CHẤP
Trong phá nghi chấp có hai:

A. PHÁ NGHI. B. PHÁ CHẤP.
A. PHÁ NGHI .
Có nghĩa là Phật từ khi thành đạo chỉ ghi nhận Bồ tát sẽ
21


được làm Phật, chẳng nói Thanh văn có được Phật quả.
Hàng Thanh văn nghi rằng mình mãi mãi chẳng thành
Phật, nên Xá Lợi Phất rất tự cảm thương nỗi mình bị mất
Như Lai vô lượng tri kiến. Cho tới thuyết rộng ra, mà nay
tòng Phật được nghe pháp (vị tằng hữu) chưa từng được
nghe, đoạn trừ điều nghi hối. Các vị tiểu Bồ tát xưa được
nghe về đại thừa, cũng nghi rằng chỉ riêng Bồ tát chứng
đắc Bồ đề, còn Thanh văn không được dự phần. Hoặc các
vị tiểu Bồ tát bất định tính ngờ rằng trong quả Phật Bồ đề,
mình cũng không có phần, do đó cả ba thừa đều có lưới
nghi. Bởi vậy, kinh này nói: “dù là Thanh văn hay là Bồ
tát, đã được nghe pháp của ta thuyết giảng, thậm chí chỉ
một bài kệ thì cũng đều được thành Phật, không phải nghi
ngại”.
Lại nói : “những người cầu đạo tam thừa nếu có ai còn có
điều nghi hối thì Phật sẽ đoạn trừ giúp, khiến không còn
một chút nào”. Cũng nói: “Bồ tát nghe pháp này, lưới nghi
đều đã phá trừ, một ngàn hai trăm La hán cũng đều sẽ được
làm Phật”. Trong này vừa có phá nghi vừa có phá hối. Xưa
hối vì tu tiểu thừa chẳng được làm Phật, nay được nghe,
nên trừ được hối xưa vì biết rằng tiểu thừa chính là cái
nhân của đại thừa.
Về nghi thì cả ba thừa đều có, riêng hối thì chỉ tiểu thừa
mới có, lấy rộng bao hẹp nên chỉ nói phá nghi, chẳng nói

trừ hối. Từ trong quyển sau sẽ giải thích điều sai biệt, nên
thuyết diệu pháp này là để phá nghi.
B. PHÁ CHẤP
22


1. Phân loại Thanh văn
a. Có hai loại Thanh văn :
a.1- Quyết định chủng tính, được quả Thanh văn định nhập
vô dư Niết bàn, thân diệt trí diệt. Cho nên các kinh nói
rằng: “người khác khi Niết bàn thì thiện căn sẽ hết, nhưng
thiện căn của Bồ tát thì không thế”.
a.2- Bất định tính, loại đã thoái rồi lại phát đại Bồ đề tâm.
Lúc đầu là định tính, sau là bất định tính.
b. Có bốn loại Thanh văn :
Song Du Già và Pháp Hoa luận nói rằng Thanh văn có bốn
loại :
b.1- Quyết định chủng tính, còn gọi là thú tịch.
b.2- Tăng thượng mạn, đó là loại phàm phu được đệ tứ
thiền gọi là A la hán.
b.3- Bất định tính, loại đã thoái rồi lại phát đại Bồ đề tâm,
còn gọi là bất định chủng tính.
Hơn nữa, trong số những người được thụ ký trong hội Pháp
Hoa, Thanh văn được gọi là loại thoái Bồ đề tâm. Nhóm
các ông Xá Lợi Phất đều là loại này, cho nên kinh phẩm
Tựa viết rằng : “bảo cho Xá Lợi Phất biết ! ta xưa dạy các
ngươi chí nguyện Phật đạo. Các ngươi nay đều quên, mà tự
cho mình đã được diệt độ”.
Kinh Ưu Bà Tắc nói : “Xá Lợi Phất tu đạo đại thừa, trải
sáu mươi kiếp nhân vì chuyện thí nhỡn, đại hạnh khó

thành, nên thoái cầu tiểu quả”. Thu Tử cũng nói: “đời đời
đã từng theo Phật thụ hóa”. Phẩm Hóa Thành Dụ nói : “các
chúng sinh được mười sáu vị vương tử giáo hóa, đó là
23


bước đầu kết duyên ở thời quá khứ”. Do đó mà gọi là thoái
Bồ đề tâm. Chẳng phải hạng bất định tính đều là loại thoái
chuyển đó. Cũng có những người ngày xưa chưa cầu quả
đại thừa, ngày nay chỉ từ quả tiểu thừa mà hướng tới đại
thừa, vì là bất định tính.
b.4- Loại ứng hóa. Ứng hóa chẳng phải là chân thực.
Nhiếp Đại Thừa luận nói rằng : “các đại Bồ tát cùng chư
Phật hóa hiện làm Thanh văn, để dẫn thực Thanh văn
hướng theo đại thừa”. Nhóm các ông Phú Lâu Na đều
thuộc loại này.
2. Thụ ký.
Pháp Hoa luận viết : “trong này chỉ có hai loại Thanh văn
được thụ ký. Đó là loại thoái tâm và loại ứng hóa, còn loại
thú tịch và loại Tăng thượng mạn thì Phật chẳng thụ ký vì
căn chưa chín”. Bồ tát được thụ ký, tuy vẫn nói chung rằng
người tu hành đạo Bồ tát sẽ được làm Phật, vì luận nói
rằng : “thụ ký cho là để phát tâm”. Loại thoái Bồ đề tâm
chính đương lúc căn đã chín muồi, thuyết cho họ về Nhất
thừa chính là phá sự chấp trước của họ.
Ứng hóa chẳng phải là chân thực, không có điều chấp gì
đáng phá, chỉ thị hiện ra tướng có thể như thế. Loại tăng
thượng mạn đã là loại dị sinh. Căn chưa chín nên Phật
chẳng thụ ký cho.
Bồ tát được thụ ký, tức là Thường Bất Khinh, khi đã đầy

đủ nhân tu, Phật thụ ký cho, khiến ông tin rằng mình có
Phật tính, hơn nữa còn vì đã dần dần phát tâm tu đạo đại
thừa.
24


Hạng thú tịch đã không có đại thừa tính, làm sao mà xét tới
căn tính của họ chín hay chưa? nên nói rằng: thú tịch do
không có đại thừa tính, vì căn chẳng chín, nên Phật chẳng
thụ ký cho.
Bồ tát được dự thụ ký vì có đầy đủ lý tính nhân, dần khiến
họ tin tưởng vào đại thừa là pháp chẳng ngu, chứ chẳng
phải là vì họ căn chưa chín kỹ, sau sẽ chín kỹ. Cho nên
chẳng phải là cho Bồ tát dự thụ ký để khiến họ phát tâm
hướng theo đại thừa. Nói rằng họ sẽ thành Phật : là vì Bồ
tát có nguyện tâm, nên phương tiện hóa độ cho họ khiến họ
sinh tín ý.
Như Kinh Bát Nhã nói : “ta đều khiến nhập vô dư Niết bàn
chẳng phải đều nhập hết các Bồ tát được thụ ký”. Đối với
hạng thú tịch cũng thế, nếu cho thú tịch giống với tăng
thượng mạn thì chẳng những chẳng được gọi là thú tịch,
mà còn chẳng hợp với giáo nghĩa. Do thú tịch và tăng
thượng mạn gộp làm một chỗ mà nói, nên người chủ trì
việc phiên dịch cũng nói là vì căn chưa chín nên phải
khiến họ phát tâm. Đúng ra phải nên nói hạng thú tịch do
căn chưa chín nên chẳng được thụ ký. Bồ tát được thụ ký
cốt để phát tâm tín giải đại thừa.
Hạng tăng thượng mạn vì căn chưa chín, nên Phật chẳng
thụ ký cho. Bồ tát được thụ ký, để cho họ phát tâm hướng
cho đại thừa. Nếu hạng thú tịch sau cũng thành Phật thì trái

với giáo văn mọi chỗ như trong Kinh Niết Bàn v.v... đã
dẫn.
3. Bồ tát Đốn ngộ, Tiệm ngộ.
25


×