Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

TOEIC tiêu chuẩn đánh giá năng lực sử dụng tiếng anh của sinh viên tại trường đại học văn hiến

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (278.07 KB, 6 trang )

TOEIC – TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC SỬ DỤNG
TIẾNG ANH CỦA SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN
ThS. Nguyễn Thọ
Trung tâm Ngoại Ngữ Tin học
1. Tầm quan trọng của tiếng Anh và thực trạng trong việc dạy và học tiếng Anh ở
Việt Nam
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chúng ta không thể phủ nhận rằng tiếng Anh
đang đóng một vai trò rất quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế quốc tế, văn hóa, giáo dục
đến chính trị, khoa học. Đây là ngôn ngữ phổ dụng ở nhiều khu vực và lãnh thổ trên thế
giới. Trên thực tế, khả năng giao tiếp Anh ngữ quốc tế luôn là một trong những điều kiện
tiên quyết đối với bất kỳ một học sinh, sinh viên có kế hoạch du học ở nước ngoài và đối
với những người nộp hồ sơ xin việc làm tại các cơ quan trong và ngoài nước. Hòa nhập
vào xu thế chung của thế giới, người Việt Nam nói chung, giới trẻ Việt nói riêng đều
nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh giao tiếp quốc tế trong phát triển sự nghiệp riêng
hay chung của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy rằng năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh)
của sinh viên Việt Nam nói chung còn rất thấp. Theo kết quả khảo sát của một nhóm
nghiên cứu thuộc trường Đại học KHXH&NV TP.HCM về trình độ Anh ngữ của sinh
viên Việt Nam (đề tài sinh viên đầu năm 3 ở các trường đại học lớn tại TP.HCM), trình
độ tiếng Anh của các sinh viên này chỉ đạt trong khoảng 360 – 370 điểm TOEFL. Điểm
này sẽ tương đương với khoảng 330 – 350 điểm TOEIC hoặc 3.5 điểm IELTS. Theo đánh
giá của Hiệp hội Trắc nghiệm Anh ngữ châu Âu (Hội đồng Anh), đây là trình độ rất thấp
so với năng lực sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Ở trình độ này, người sử dụng ngôn ngữ
không thể tham gia vào các cuộc đàm thoại trao đổi ý kiến mà chỉ có thể tiếp nhận những
thông tin cơ bản, đơn giản trong những bối cảnh quen thuộc. Như vậy, với thực trạng
này, sinh viên cũng chỉ đạt trình độ khoảng 400 điểm TOEIC – tương đương với khoảng
400 điểm TOEFL hoặc 4.0 điểm IELTS khi họ ra trường. Với trình độ này sinh viên tốt
nghiệp vẫn chưa có đủ năng lực sử dụng ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển
dụng.



Trước thực trạng này, Ban Lãnh đạo và sinh viên của trường Đại học Văn Hiến
cần phải có sự nhìn nhận thực tế, cần phải có một chiến lược giảng dạy và học tập cụ thể.
Sinh viên cần phải có một trình độ Anh ngữ giao tiếp quốc tế (TOEIC chuẩn tốt nghiệp)
thích hợp để tự tin hội nhập quốc tế, đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng việc làm.
2. Tại sao chọn TOEIC làm chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp?
Đến nay ở Việt Nam đã xuất hiện một lượng lớn các kỳ thi tiếng Anh quốc tế uy
tín như IELTS, TOEFLibt, FCE, B1, B2. Tuy nhiên, TOEIC (Test of English for
International Communication) vẫn đáng được xem là kỳ thi tối ưu nhất bởi vì nó có các
mặt tích cực như sau:
Thứ nhất, tính chính xác và độ tin cậy của kỳ thi TOEIC là rất cao. Thực tế,
TOEIC do Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận rất uy tín
trên thế giới, biên soạn. Nó có độ uy tín, tính phổ dụng và tính khách quan cao trong việc
đánh giá năng lực ngôn ngữ của người học. Một số người đã đặt ra câu hỏi về tính chính
xác và khách quan của TOEIC vì nó chỉ kiểm tra hai kỹ năng: Nghe hiểu và Đọc hiểu của
thí sinh trong khi các kỳ thi khác lại kiểm tra bốn kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết của
ngôn ngữ. Thực ra, mặc dù chỉ có hai kỹ năng trong kỳ thi, nhưng trong quá trình làm bài
kiểm tra, bốn kỹ năng nói trên của thí sinh đã được kiểm tra toàn diện. Đó là bởi vì kỹ
năng Nghe hiểu chứng tỏ cho ta thấy khả năng Nói; và kỹ năng Đọc hiểu thể hiện khả
năng Viết của thí sinh. Khi người học tiếng Anh gặp khó khăn trong vấn đề Nghe hiểu,
có nghĩa rằng họ đang có vấn đề với khả năng phát âm chuẩn, nói lưu loát, văn phạm và
vốn từ vựng còn hạn chế. Tương tự, nếu họ có vấn đề với khả năng Đọc hiểu, có nghĩa
rằng người học sẽ bị hạn chế trong kỹ năng Viết. Như vậy, một kỳ thi chỉ có hai kỹ năng
nhưng lại có thể đánh giá toàn diện bốn kỹ năng ngôn ngữ của thí sinh. Thế nên, TOEIC
có tính tiện dụng rất cao. Chính vì do tính tiện dụng và uy tín cao nên TOEIC ngày càng
trở nên phổ dụng tại rất nhiều khu vực trên thế giới như Châu Âu (Pháp) và Châu Á
(Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan).
Mặt khác, vấn đề đầu tư thời gian và tài chính của người học cho kỳ thi TOEIC
cũng là một yếu tố quan trọng, được các trường học và sinh viên quan tâm. Chi phí cho
một kỳ thi TOEIC quốc tế chỉ ở mức 730.000 VND – bằng khoảng 30% so với chi phí
của các kỳ thi quốc tế khác như IELTS hoặc TOEFLibt. Ngay cả khi so với các kỳ thi

quốc gia như A, B, C, TOEIC vẫn được chuộng hơn vì chi phí của kỳ thi này thấp hơn so


với ba kỳ thi A, B, C cộng lại, trong khi đó giá trị của TOEIC sẽ chiếm ưu thế hơn, theo
yêu cầu của nhà tuyển dụng, so với giá trị của các chứng chỉ quốc gia này.
Ngoài ra, TOEIC được chọn làm chuẩn đầu ra do nó phù hợp với mục tiêu và
chính sách đào tạo của trường Đại học Văn Hiến, phù hợp với nhu cầu học tập của sinh
viên cũng như nhu cầu của xã hội. Mục tiêu đào tạo của Nhà trường là cung cấp nguồn
nhân lực chất lượng cao, nâng cao uy tín chất lượng đào tạo lên tầm quốc tế, giúp sinh
viên tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng, tự tin hội nhập quốc tế.
Ngày nay hầu hết các tổ chức kinh tế đều yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có số điểm
TOEIC theo chuẩn của từng tổ chức (mức tối thiểu là 500 điểm). Do vậy, sinh viên cần
phải có điểm chuẩn TOEIC khi ra trường để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Tóm lại, chọn TOEIC làm chuẩn đầu ra cho sinh viên tại trường Đại học Văn Hiến
là vì bản thân nó có độ uy tín và tính phổ dụng, tính khách quan cao. TOEIC phù hợp với
việc đầu tư thời gian và tài chính của sinh viên. Đồng thời việc xác định điểm chuẩn
TOEIC cho sinh viên tốt nghiệp có thể giúp Nhà trường khẳng định uy tín đào tạo của
mình với nhà tuyển dụng. Hơn nữa, chuẩn TOEIC sẽ giúp cho cả Nhà trường và sinh viên
luôn ý thức đến việc rèn luyện, học tập và nâng cao, đổi mới chất lượng giảng dạy và học
tập.
3. Tác động của TOEIC chuẩn đầu ra
Sự áp dụng TOEIC làm chuẩn đầu ra sẽ có các tác động tích cực đối với các bộ
phận cụ thể của hệ thống đào tạo tại trường Đại học Văn Hiến.
3.1. Đối với sinh viên
Trong thời gian học TOEIC tại Nhà trường, sinh viên có động cơ và mục tiêu cụ
thể khi học tiếng Anh. Thứ nhất, số điểm TOEIC được thể hiện trong bảng điểm trong
suốt tám học kỳ. Đây là một yếu tố kích thích người học trong suốt bốn năm học đại học,
vì nó chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thời gian đầu tư cho sự rèn luyện khả năng sử dụng
ngôn ngữ và sự nỗ lực học tập của sinh viên. Thứ hai, trong suốt thời gian học TOEIC tại
trường, sinh viên học cách sử dụng ngôn ngữ - rèn luyện bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc,

Viết – kỹ năng giao tiếp quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của việc học TOEIC đối với sinh
viên dù chuyên hay không chuyên ngữ Anh văn là dùng các kỹ năng giao tiếp của ngôn
ngữ để truyền tải và tiếp thu thông tin trong môi trường làm việc quốc tế.


Hơn nữa, như đã đề cập, chương trình học TOEIC có đặc tính tập trung việc rèn
luyện và nâng cao hai kỹ năng Nghe hiểu và Đọc hiểu. Đây là hai kỹ năng mà sinh viên
Việt Nam yếu kém và cần phải học tập. Như vậy, chương trình đào tạo TOEIC chuẩn đầu
ra sẽ đáp ứng được yêu cầu học tập của sinh viên.
3.2. Đối với giảng viên
Vì đây là chương trình có đặc tính tập trung vào kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giao
tiếp quốc tế chứ không phải tập trung vào kiến thức hay sự am hiểu về ngôn ngữ, nên
trong quá trình giảng dạy chương trình từ cơ bản đến nâng cao, TOEIC giúp người dạy
luôn ý thức cải thiện và nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Họ không còn quá
nặng nề vào lối dạy học truyền thống (dịch từ ngữ và văn phạm), chuyển sang lối dạy
năng động hơn – dạy giao tiếp, chú trọng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Từ đó, chất lượng
giảng dạy của giảng viên sẽ đáp ứng được nhu cầu giao tiếp tiếng Anh của sinh viên
trong bối cảnh kinh tế hội nhập. Điều này sẽ giúp cho sinh viên nâng cao sự tự tin và khả
năng tìm việc sau khi ra trường.
3.3. Đối với Nhà trường
TOEIC chuẩn đầu ra sẽ giúp Nhà trường đánh giá kết quả đào tạo, góp phần nâng
cao uy tín của trường về sản phẩm đào tạo của mình. Điểm chuẩn TOEIC làm điều kiện
tốt nghiệp thực sự là cầu nối giữa Nhà trường (là cơ sở đào tạo hay là đơn vị cung cấp
nguồn nhân lực) với đơn vị sử dụng lao động (nhà tuyển dụng). Khi sinh viên tốt nghiệp
tham gia tuyển dụng, điểm TOEIC chuẩn đầu ra có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao
chất lượng đào tạo của Nhà trường. Từ đó, uy tín về chất lượng đào tạo của trường sẽ
được khẳng định.
4. Chương trình TOEIC chuẩn đầu ra tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Đại học
Văn Hiến
Với tiêu chí “nâng cao uy tín chất lượng đào tạo của trường Đại học Văn Hiến” và

“nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ và sự tự tin cho sinh viên”, tùy theo điểm thi đầu
vào (hình thức thi xếp lớp – điểm chuẩn đầu vào là 250 điểm), Trung tâm Ngoại ngữ Tin học Đại học Văn Hiến đã xây dựng chương trình đào tạo TOEIC chuẩn đầu ra như
sau:
4.1. Lớp Pre-TOEIC


Đây là khóa học dành cho sinh viên chưa đạt điểm chuẩn đầu vào – dưới 250
điểm. Nó kéo dài 72 tiết (tương đương với 54 giờ đồng hồ). Trong khóa học này, sinh
viên sẽ được dạy bốn kỹ năng giao tiếp tổng quát của ngôn ngữ song song với việc ôn
luyện các điểm văn phạm then chốt và lượng từ vựng căn bản (600 từ) thường xuyên xuất
hiện trong các bài thi TOEIC quốc tế. Sau khi kết thúc khóa học, người học sẽ đạt điểm
TOEIC tối thiểu là 300 điểm.
4.2. Lớp TOEIC 350
Sinh viên trong khóa học này sẽ tiếp tục được rèn luyện và nâng cao bốn kỹ năng
giao tiếp. Ở giai đoạn này người học cần phát triển tốt các kỹ năng giao tiếp mới có thể
làm tốt bài thi trong các kỳ thi TOEIC quốc tế. Song song đó, sinh viên sẽ được làm quen
với các dạng câu hỏi trong một bài thi TOEIC cũng như làm quen với các chiến lược trả
lời câu hỏi cơ bản để làm nền tảng cho việc học nâng cao trong các khóa học tiếp theo.
Bên cạnh đó, vốn từ vựng và các điểm văn phạm tiếng Anh cũng tiếp tục được mở rộng
và nâng cao. Sau khi kết thúc khóa học kéo dài 72 tiết này, sinh viên sẽ đạt điểm tối thiểu
là 350 điểm.
4.3. Các lớp tiếp theo (TOEIC 450, TOEIC 550, trở lên)
Trong các khóa học này, Trung tâm sẽ đào tạo cho sinh viên các kỹ năng ngôn ngữ
trong các tình huống giao tiếp cụ thể song song với việc dạy các kỹ năng và chiến lược
làm bài nâng cao giúp người học biết cách chọn câu trả lời một cách hiệu quả để đạt điểm
cao trong các kỳ thi quốc tế.
Hiện tại, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Đại học Văn Hiến đã sẵn sàng với đề
cương giảng dạy chi tiết dựa trên giáo trình phù hợp với mục tiêu nêu trên. Định hướng
phát triển trong tương lai của Trung tâm là sẽ phát triển giáo trình và phương pháp giảng
dạy ngày càng hiệu quả hơn theo sát với mô hình bài thi TOEIC quốc tế mới nhất.

5. Đề xuất và kết luận
5.1. Đề xuất
Qua những cơ sở lý luận trên, có thể kết luận rằng chuẩn TOEIC là lựa chọn phù
hợp trong việc đánh giá và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại trường Đại học
Văn Hiến. Áp dụng chuẩn TOEIC không những góp phần nâng cao uy tín chất lượng đào
tạo của Nhà trường mà còn đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong xu thế hội nhập hiện


nay. Với những phân tích trên, Ban lãnh đạo Nhà trường nên chính thức khuyến nghị các
bộ phận đào tạo (khoa và bộ môn) và sinh viên tại trường thực hiện các điều sau:
- Chuẩn TOEIC tốt nghiệp đối với sinh viên tất cả các khoa và bộ môn sau bốn năm
học phải đạt tối thiểu là 550 điểm (tương đương với 5.0 điểm IELTS hoặc 500
điểm TOEFLibt). Với trình độ này người học có thể sử dụng tiếng Anh giao tiếp
một cách khá thoải mái. Mức điểm này có thể giúp sinh viên tốt nghiệp vượt trội
hơn một tí so với các ứng cử viên xin việc làm khác tại cùng cơ quan tuyển dụng
việc làm (mức tối thiểu để được xét duyệt hồ sơ xin việc là 500 điểm TOEIC).
- Theo số liệu của một khảo sát gần đây về chuẩn đánh giá quốc tế trong đào tạo
tiếng Anh với giáo dục bậc đại học tại Việt Nam, cho thấy điểm bình quân mà sinh
viên năm thứ nhất đại học đạt được là từ 220 – 245/990 điểm TOEIC. Như vậy,
với mức điểm này, sinh viên cần phải học tối thiểu 300 giờ đồng hồ - tương đương
với 400 tiết học để có thể đạt điểm chuẩn tốt nghiệp 550 điểm TOEIC. Có nghĩa
rằng sinh viên cần phải bắt đầu học chương trình TOEIC chuẩn đầu ra ngay từ học
kỳ 1 của năm thứ nhất tại Nhà trường. Có như vậy sinh viên mới có thể tự tin và
cảm thấy thoải mái trong việc học hành và thi cử của họ trong khoảng thời gian
sắp tốt nghiệp.
- Nhằm tạo ra động lực lớn cho sinh viên tích cực tham gia học tập và rèn luyện,
nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, các Khoa và Bộ môn nên chính thức xây
dựng bảng quy đổi điểm từ TOEIC quốc tế (thang điểm 990) sang thang điểm 10
và ghi vào bảng điểm từng học kỳ cho sinh viên.
5.2. Kết luận

Sau khi tìm hiểu kỹ về thực trạng năng lực sử dụng Anh ngữ và nhu cầu học tập
của sinh viên tại trường Đại học Văn Hiến cũng như nhu cầu của xã hội, Trung tâm
Ngoại ngữ - Tin học Đại Học Văn Hiến nhận thấy đây thực sự là một bước đi đúng đắn
và sẽ tạo nên những tác động tích cực đến toàn bộ hệ thống đào tạo và uy tín của Nhà
trường. Nó sẽ tạo ra nhiều kết quả vượt bậc đối với chất lượng giảng dạy và học tập, nâng
cao năng lực sử dụng tiếng Anh của sinh viên tại trường.



×