MỤC LỤC
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các vấn đề về các mối quan hệ xã
hội ngày càng có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, mối quan hệ về hôn nhân và gia đình
cũng ngày càng trở nên nóng bỏng. Việc khách hàng đến gặp luật sư nhờ tư vấn về
các vấn đề hôn nhân và gia đình ngày càng tăng cao. Điều này buộc đội ngũ tư vấn
pháp luật về lĩnh vực hôn nhân và gia đình phải trau dồi thêm kiến thức chuyên
môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp. Song song cùng các kỹ năng tư vấn trực tiếp
bằng lời nói, các kỹ năng tư vấn bằng văn bản cũng cần phải được trau dồi kỹ càng
hơn để đáp ứng các nhu cầu thực tế của khách hàng tư vấn hiện nay. Chính vì thế,
em xin lựa chọn đề bài số 6: “Các kỹ năng cơ bản của phương thức tư vấn bằng
văn bản” để làm bài tập lớn học kỳ của mình.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái quát chung về kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
1. Khái niệm
Trước hết, Điều 28 Luật Luật sư 2006 nêu định nghĩa Tư vấn pháp luật là
“việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên
quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.” Theo đó, tư vấn pháp luật nói
chung là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch
vụ pháp lý nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
họ.
1
Về khái niệm tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Như đã
biết, quan hệ hôn nhân và gia đình là quan hệ phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và
gia đình và được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật về hôn nhân gia đình. Như
vậy, có thể hiểu tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là việc luật sư
hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc
thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Hiểu một cách cụ thể, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là việc
giải đáp các thắc mắc liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình từ đó đưa ra ý
kiến hướng dẫn các chủ thể tham gia quan hệ xử sự đúng quy định của pháp luật
Hôn nhân và gia đinh. Ngoài ra, tư vấn pháp luật trong lĩnh vự hôn nhân và gia
đình còn là việc cung cấp các thông tin pháp luật, dịch vụ pháp lý giúp cá nhân tổ
chức thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực hôn
nhân và gia đình.
2. Đặc điểm
Tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nhìn chung cũng bắt nguồn từ
những kỹ năng tư vấn chung. Tuy nhiên, do sự nhạy cảm và đặc thù của lĩnh vực
hôn nhân và gia đình, tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng có những
đặc điểm riêng như sau:
+ Thứ nhất, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình không tách
rời với tư vấn về tâm lý tình cảm.
+ Thứ hai, mục tiêu tiêu tư vấn của khách hàng thường không rõ ràng.
+ Thứ ba, khi đến tư vấn khách hàng thường mang nặng suy nghĩ chủ quan,
bảo thủ của bản thân.
2
+ Thứ tư, nhiều khi khách hàng đến với trung tâm tư vấn có thể chỉ có nhu
cầu chia sẻ, tâm sự.
+ Thứ năm, khách hàng thường yêu cầu tư vấn để họ đạt được ý định của
mình mà bất chấp lợi ích của chủ thể đối lập.
+ Thứ sáu, khách hàng thường yêu cầu người tư vấn giúp bảo vệ quyền và
lợi ích cho họ tại tòa bằng các mội quan hệ cá nhân.
+ Thứ bảy, tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình luôn đi kèm với công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Thứ tám, người tư vấn cần phải hiểu biết pháp luât, trung thực, kiên nhẫn,
giàu kinh nghiệm sống, có kiến thức tâm lý sâu, có khả năng phản ứng nhanh với
các tình huống.
3. Các phương thức tư vấn
Pháp luật không có quy định về các phương thức tư vấn. Việc lựa chọn
phương thức tư vấn nào là do người tư vấn và người được tư vấn thỏa thuận lựa
chọn. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy có hai phương thức tư vấn chính là tư
vấn bằng miệng và tư vấn bằng văn bản.
Phương thức tư vấn bằng miệng (hay còn gọi là tư vấn bằng lời nói) là việc
người tư vấn trả lời các yêu cầu của khách hàng trực tiếp dưới hình thức lời nói.
Phương thức tư vấn bằng văn bản là việc người tư vấn tìm hiểu yêu cầu của
khách hàng và soạn thảo một văn bản trả lời co khách hàng theo yêu cầu của họ.
3
II. Các kỹ năng cơ bản của phương thức tư vấn bằng văn bản
1. Các trường hợp sử dụng phương thức tư vấn bằng văn bản
Việc tư vấn bằng văn bản thông thường được tiến hành vì những lý do sau
đây:
- Khách hàng ở xa, không trực tiếp đến gặp Luật sư để xin tư vấn bằng
miệng
- Khách hàng muốn khẳng định độ tin cậy của giải pháp thông qua việc đề ra
các câu hỏi để Luật sư trả lời bằng văn bản
- Kết quả tư vấn bằng văn bản có thể được khách hàng sử dụng để phục vụ
cho những mục đích riêng của khách hàng
2. Các kỹ năng cơ bản của phương thức tư vấn bằng văn bản
2.1. Nghiên cứu kỹ yêu cầu của khách hàng
Khác với việc tư vấn trực tiếp bằng lời nói, việc tư vấn bằng văn bản tạo ra
cơ hội cho người tư vấn được nghiên cứu hồ sơ kỹ càng và chính xác hơn. Việc tư
vấn bằng văn bản có thể thực hiện theo hai hình thức dưới đây, tùy thuộc vào yêu
cầu của khách hàng:
- Khách hàng đến gặp trực tiếp luật sư, trực tiếp nêu yêu cầu với luật sư và
đề nghị họ tư vấn bằng văn bản. Ở giai đoạn này, cũng giống như tư vấn bằng lời
nói, luật sư cần phải có kỹ năng tiếp xúc khách hàng, lắng nghe khách hàng trình
bày, tóm tắt lại các tình tiết và đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề của
khách hàng.
4
- Khách hàng viết đơn, thư, chuyển fax … cho luật sư nêu rõ yêu cầu tư vấn
của mình dưới dạng các câu hỏi. Thông thường, với hình thức này, các yêu cầu
bằng văn bản của khách hàng thường đã rõ ràng, luật sư không phải sắp xếp các
vấn đề như trong việc tư vấn bằng lời nói.
2.2. Xem xét, xác minh vụ việc
Sau khi xác định được vấn đề khách hàng cần tư vấn, luật sư cần nghiên cứu
một cách kỹ lưỡng và thấu đáo hồ sơ của khách hàng và tìm ra những vấn đề mấu
chốt cần giải quyết. Luật sư có thể trao đổi thêm với khách hàng về yêu cầu của họ
để tái khẳng định yêu cầu này. Ngoài ra, để xem xét, xác minh vụ việc luật sư cũng
có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thêm các tài liệu liên quan nếu thấy cần thiết.
2.3. Tra cứu văn bản
Sau khi xem xét, xác minh vụ việc, luật sư cần xác định luật áp dụng và tra
cứu các văn bản pháp luật có liên quan. Khi thực hiện kỹ năng tra cứu văn bản
pháp luật, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Xác định hiệu lực về không gian và thời gian của văn bản
- Dựa vào tính chất pháp lý của dữ kiện để xác minh lĩnh vực pháp luật và
các văn bản pháp luật cần nghiên cứu. Dựa vào các câu hỏi pháp lý đã được mổ xẻ
khi nghiên cứu hồ sơ để tìm điều luật liên quan.
- Khi tìm kiếm văn bản pháp luật áp dụng, ngoài các văn bản luật, cần phải
tra cứu và đọc kỹ các văn bản hướng dẫn luật
5
2.4. Soạn văn bản trả lời
Do trong tư vấn bằng văn bản, luật sư đã có nhiều thời gian nghiên cứu các
yêu cầu của khách hàng một cách kỹ lượng và đầy đủ nhất nên một văn bản trả lời
tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu quan trọng như:
- Nội dung tư vấn phải thống nhất, đầy đủ, trọn vẹn, chính xác, phù hợp với
yêu cầu khách hàng quan tâm. Với những người không có trình độ chuyên môn,
nội dung tư vấn còn phải đơn giản, dễ hiểu.
- Văn bản tư vấn được trình bày rõ ràng, sáng sủa.
- Ngôn ngữ tư vấn phải chắc chắn, có sức thuyết phục
- Vấn đề tư vấn được giải thích cụ thể, việc đưa ra ý kiến tư vấn phải khách
quan, không thiên vị.
Để soạn thảo được một văn bản trả lời tư vấn cùng các yêu cầu trên, luật sư
tư vấn cần rèn luyện các kỹ năng:
- Tính logic: Tất cả các văn bản do luật sư soạn đòi hỏi tính lôgic rất cao,
nghĩa là phải được trình bày trong một trật tự lôgic. Để đảm bảo tính lôgic của văn
bản, trước khi bắt tay vào soạn thảo, người soạn cần hình dung trong đầu những
nội dung chính nào cần viết và xây dựng một đề cương hay dàn ý.
- Tính súc tích: Phải diễn đạt sự việc bằng số lượng từ ít nhất có thể. Điều đó
có nghĩa là tránh diễn đạt dài dòng, không nhắc lại hai ba lần cùng một sự việc và
đừng nói đến những điều không liên quan đến vấn đề mà khách hàng đặt ra. Tuy
nhiên, cũng cần chú ý đừng lạm dụng quá sự súc tích, diễn đạt quá ngắn gọn đến
độ khách hàng không hiểu được luật sư muốn nói gì.
6
- Tính chính xác: Văn bản do luật sư soạn phải đảm bảo độ chính xác của
ngôn từ, tránh sử dụng những từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đảm bảo
việc người đọc hiểu đúng ý của người soạn thảo.
- Ngôn ngữ thích hợp, lịch sự: Phải sử dụng ngôn ngữ trang trọng, lịch sự,
thể hiện đạo đức nghề nghiệp của nghề luật sư. Có rất nhiều tình huống chẳng hạn
như việc viết một ý kiến pháp lý, luật sư cần phải sử dụng các thuật ngữ chuyên
môn để diễn đạt. Tuy nhiên, nếu thuật ngữ này quá chuyên biệt khiến khách hàng
không thể hiểu được thì tốt hơn hết hãy dùng một từ phổ thông có nghĩa tương
đương hoặc định nghĩa hay giải thích thuật ngữ đó.
- Trả lời đúng hẹn: Một câu trả lời đúng hẹn hay trả lời sớm là phương cách
tốt nhất chứng tỏ thái độ chuyên nghiệp của luật sư và khiến cho khách hàng có
cảm tưởng là thực sự luật sư đang cố gắng để làm hài lòng họ.
- Trình bày văn bản: Phải trình bày văn bản tư vấn một cách cẩn thận, sáng
sủa. Chia đoạn nội dung văn bản và xuống dòng theo từng ý để khách hàng dễ đọc
và nắm bắt thông tin. Ngoài ra, khi soạn thảo xong văn bản cần rà soát lại toàn bộ
nội dung văn bản để sửa lỗi hình thức hoặc nội dung để gây thiện cảm cho người
đọc.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Thực hiện công việc tư vấn pháp luật, ngoài việc nắm chắc chuyên môn,
người tư vấn còn cần thành thạo những kỹ năng mềm về tư vấn. Bởi lẽ, việc áp
dụng linh hoạt các kỹ năng này sẽ khiến công việc của người tư vấn được thực hiện
dễ dàng hơn, đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của khách hàng và làm khách hàng hài
lòng khi đến với luật sư tư vấn.
7
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, Học viện tư pháp, Chủ biên TS.
Phan Chí Hiếu – ThS. Nguyễn Thị Hằng Nga, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,
2012
2. Bài viết: KỸ NĂNG SOẠN THẢO TƯ VẤN, Ý KIẾN PHÁP LÝ - Luật
sư. Nguyễn Mạnh Dũng, Thạc sỹ Luật Trường Queen Mary, ĐHTH Luân Đôn
(Anh)
8