Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Đương sự và việc xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.08 KB, 12 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là một loại quan hệ diễn ra phổ biến trong
đời sống xã hội. Quan hệ này có sự tham gia của khá nhiều nhóm chủ thể khác
nhau vì những mục đích nhất định. Trong đó, một trong các chủ thể không thể
thiếu của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, tạo nên vụ án dân sự đó chính là
đương sự trong vụ án. Để vụ án dân sự được giải quyết đúng đắn thì cần phải
xác định thật đúng đắn tư cách pháp lí của đương sự trong vụ án dân sự đó. Vậy
đương sự trong vụ án dân sự là gì? và việc xác định tư cách pháp lý của đương
sự trong vụ án dân sự được xem xét như thế nào? trong phạm vi bài tập nhóm
tháng, nhóm 3 đi tìm hiểu đôi nét về một số khía cạnh của vấn đề này thông qua
đề tài:
“Đương sự và việc xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự”

NỘI DUNG
I.

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐƯƠNG SỰ
1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự
Qúa trình tố tụng dân sự có sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó, chủ thể
tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi
ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách và hoạt động
tố tụng của họ chịu sự chi phối của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến
hành tố tụng, được gọi là đương sự trong vụ án dân sự.
Đương sự trong vụ án dân sự được Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ
sung năm 2011 (Sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự 2004) quy định tại
Điều 56:
“1. Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm
nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Như vậy, về mặt chủ thể, đương sự trong vụ án dân sự có thể là cá nhân,
bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có
quốc tịch. Đương sự cũng có thể là cơ quan, bao gồm: cơ quan Nhà nước, đơn vị


1


vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện
theo pháp luật ( thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền; hoặc là tổ
chức bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức tham gia tố tụng
dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Mọi cơ quan, tổ chức đều có thể được coi là đương sự trong vụ án dân sự, bất
kể cơ quan, tổ chức đó có có tư cách pháp nhân hay không. Thực tiễn xét xử cho
thấy đây là quy định mang tính khả thi và bao quát hơn về các chủ thể tham gia
vào quan hệ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Điều này cũng được coi
là điểm tiến bộ của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 so với quy định đương sự trong
vụ án dân dự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân của pháp luật tố tụng dân sự
trước đó. Và cũng vì thế nên trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mới được Quốc
hội thông qua ngày 25/11/2015 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016
vẫn giữ nguyên quy định như trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004 khi quy định về
đương sự: “Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm
nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” (Khoản 1 Điều
68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Về mặt tư cách pháp lý, đương sự trong vụ án dân sự bao gồm:
Nguyên đơn dân sự, “là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ
chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án
dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu
Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ
trách cũng là nguyên đơn” (Khoản 2 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự 2004).
Bị đơn dân sự, “là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ
chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án
dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm

phạm” (Khoản 3 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự 2004).
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, “là người tuy không khởi kiện,
không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi,
nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị
và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.” (đoạn 1 Khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự
2004).
Đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về đương sự cũng vẫn chỉ theo
hướng liệt kê thành phần đương sự như Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã quy
định, cả hai Bộ luật đều không có điều luật nào định nghĩa về đương sự trong vụ
án dân sự.
2


2. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự
của đương sự
a. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của đương sự
Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong
tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực
pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004).
Để một chủ thể tham gia được vào quá trình tố tụng dân sự thì năng lực pháp
luật tố tụng dân sự được coi là điều kiện cần với chủ thể đó. Chủ thể đã được
pháp luật thừa nhận có năng lực pháp luật tố tụng dân sự sẽ có quyền tham gia tố
tụng dân sự và trong quá trình tố tụng mọi chủ thể đều có năng lực pháp luật tố
tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình. Điều này thể hiện đặc trưng cơ bản của quan hệ pháp luật Tố
tụng dân sự là các chủ thể có quyền bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ.
Năng lực pháp luật Tố tụng dân sự gắn bó mật thiết với năng lực pháp luật
dân sự, cho nên, đối với cá nhân, khả năng cá nhân có các quyền và nghĩa vụ

dân sự do pháp luật quy định cũng có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi
người đó chết đi. Còn đối với cơ quan, tổ chức, năng lực pháp luật tố tụng dân
sự của cơ quan, tổ chức xuất hiện kể từ khi cơ quan, tổ chức đó được thành lập
và chấm dứt cùng thời điểm cơ quan, tổ chức đó chấm dứt hoạt động. Đặc biệt,
xác định năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài thì
phải tuân theo pháp luật của nước mà cơ quan, tổ chức đó được thành lập, trừ
trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Với tổ chức quốc tế thì năng
lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định trên cơ sở điều ước Quốc tế là căn cứ
để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức quốc tế hoặc điều ước
Quốc tế đã được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
b. Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự
Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định: “Năng lực hành vi
Tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ Tố tụng dân sự
hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia Tố tụng dân sự”. Đến Bộ luật Tố
tụng dân sự 2015, nội dung này vẫn được giữ nguyên và quy định tại Khoản 2
Điều 69 của Bộ luật. Tùy vào độ tuổi, trí tuệ, khả năng nhận thức… mà năng lực
hành vi tố tụng dân sự được biểu hiện ở mức độ khác nhau, quy định chi tiết tại
các khoản 3,4,5,6 Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Do có mối quan hệ mật
thiết với năng lực hành vi dân sự nên thông thường cá nhân chỉ được coi là có
năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ khi có từ đủ mười tám tuổi trở lên , trừ
trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp pháp luật có quy
định khác, thì người chưa đủ mười tám tuổi vẫn có thể có đầy đủ năng lực hành
vi tố tụng dân sự hoặc ngược lại người từ đủ mười tám tuổi trở lên vẫn có thể
3


không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự (Theo Điều 16 Nghị quyết
03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy

định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung theo luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự).
Đối với đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi
dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp cho những người này tại Toà án cũng giống như quy định cho
đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi, đều là do người đại
diện hợp pháp của họ thực hiện.
Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham
gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng
của mình thì “được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến
quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có
quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những
việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tại Tòa án do người đại
diện hợp pháp của họ thực hiện” (khoản 6 Điều 57). Người đại diện hợp pháp
của đương sự trong những trường hợp này được xác định theo Điều 150 của Bộ
luật dân sự, bao gồm cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với đương sự.
Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp (là người đứng
đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan, tổ chức ủy
quyền nhân danh mình) tham gia tố tụng (khoản 7 Điều 57).
Như vậy, đối với cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự không đồng
nghĩa là có năng lực hành vi tố tụng dân sự và không giống năng lực pháp luật
Tố tụng dân sự, năng lực hành vi Tố tụng dân sự của các chủ thể không phải là
như nhau với mọi chủ thể mà nó là yếu tố luôn có sự biến động, các chủ thể
khác nhau, với các độ tuổi khác nhau thì mức độ của năng lực hành vi Tố tụng
dân sự của chủ thể cũng được xác định khác nhau.
Về cơ bản, quy định của Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 đã thể hiện
khá đầy đủ các nội dung cơ bản của năng lực pháp luật Tố tụng dân sự và năng
lực hành vi Tố tụng dân sự của đương sự. Do đó, quy định của Bộ luật Tố tụng
dân sự 2015 về vấn đề này vẫn trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Tố
tụng dân sự hiện hành, tuy nhiên có bổ sung thêm một số quy định mới về việc

xác định năng lực hành vi Tố tụng dân sự đối với đương sự là người từ đủ 18
tuổi trở lên nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận
thức, làm chủ hành vi và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự, cũng
như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người từ đủ sáu tuổi
đến chưa đủ mười lăm tuổi nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó
khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Quy định chi tiết tại Đoạn 2 Khoản 3 và
đoạn 2 Khoản 5 Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, các trường hợp
này sẽ xác định theo quyết định của Tòa án.
3. Quyền và nghĩa vụ của đương sự
4


Bộ luật Tố tụng dân sựhiện hành và cả Bộ luật Tố tụng dân sự mới ban hành
năm 2015 đều dành những điều khoản riêng biệt để quy định một cách chi tiết,
rõ ràng theo phương thức liệt kê các quyền và nghĩa vụ dân sự của đương sự
trong vụ án dân sự. Thông qua đó, đương sự có thể tự mình xác định rõ trong Vụ
án dân sự mình tham gia, mình được hưởng các quyền gì và đồng thời phải thực
hiện những nghĩa vụ gì. Về nguyên tắc, các đương sự có các quyền và nghĩa vụ
ngang nhau khi tham gia tố tụng.
Quyền và nghĩa vụ chung của đương sự được quy định tại Điều 58 Bộ luật
Tố tụng dân sự 2004. Đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các quyền và nghĩa vụ
này được ghi nhận lại tại Điều 70 và có bổ sung thêm quy định về quyền và
trách nhiệm của đương sự trong việc cung cấp bản sao chứng cứ cho các đương
sự khác tại Khoản 9 của Điều luật.
Đương sự tham gia vụ án dân sự với tư cách pháp lí khác nhau còn có thể có
thêm các quyền và nghĩa vụ pháp lý khác nhau. Cụ thể, đương sự tham gia quá
trình Tố tụng dân sự với tư cách là nguyên đơn thì ngoài các quyền và nghĩa vụ
chung của đương sự theo Điều 58, nguyên đơn còn có quyền “Rút một phần
hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thay đổi nội dụng yêu cầu khởi kiện” (Khoản 2
Điều 59 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004). Đương sự tham gia quá trình Tố tụng dân

sự với tư cách là bị đơn thì có thêm quyền và nghĩa vụ : được Tòa án thông báo
về việc bị khởi kiện; chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của
nguyên đơn; đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến
yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn
(Điều 60 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004). Đương sự tham gia quá trình Tố tụng
dân sự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì có thể có thêm
yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập thì có các
quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn theo Điều 59 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
Nếu họ tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi; hoặc tham
gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có thể có các quyền, nghĩa
vụ của nguyên đơn theo Điều 59 hoặc của bị đơn theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng
dân sự 2004.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của đương sự ngay cả trong trường
hợp đương sự là cá nhân đã chết, hoặc đương sự là cơ quan, tổ chức đã giải thể,
chấm dứt hoạt động, cũng như bảo vệ quyền và nghĩa vụ của những người tham
gia tố tụng khác trong vụ án dân sự mà một hoặc các bên đương sự đã chấm dứt
sự tồn tại, Bộ luật Tố tụng dân sựcòn quy định thêm về trường hợp kế thừa
quyền, nghĩa vụ tố tụng (Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004). Theo đó, trên
cơ sở kế thừa quyền và nghĩa vụ về tài sản, trường hợp đương sự là cá nhân
đang tham gia tố tụng vì một lí do nào đó chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản
của họ được thừa kế thì những người này có thể cử ra một người đại diện tham
gia tố tụng. Nếu quyền và nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án ra
quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
5


Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động
thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức đó hoặc
đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó sẽ là người kế thừa quyền và nghĩa

vụ tố tụng. Nếu quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức ấy không được chủ thể
nào khác kế thừa thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của
pháp luật. Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân, người đại diện đang
tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người đại diện khác để tham gia tố
tụng, “nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt
động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng”
(Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004).
II. Việc xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự
1. Căn cứ xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự

Để bảo đảm cho đương sự tham gia quá trình tố tụng thực hiện đúng quyền
và nghĩa vụ của mình, bảo đảm quyền và lợi ích của họ cũng như bảo đảm sự
khách quan, đúng đắn trong giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, cần xác định
đúng đắn tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự. Hay nói khác đi là
cần xác định chính xác xem trong vụ án dân sự đó đương sự tham gia tố tụng
với tư cách là nguyên đơn, bị đơn hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự dựa trên các quy
định của pháp luật Tố tụng dân sự ghi nhận tại các khoản 2,3 và 4 Điều 56 Bộ
luật Tố tụng dân sự 2004. Theo đó, có thể xác định tư cách pháp lý của đương
sự trong vụ án dân sự dựa trên các căn cứ sau:
Thứ nhất, xác định tư cách của đương sự dựa trên cơ sở của việc xác định
chủ thể đó là chủ thể có quyền khởi kiện, chủ thể bị khởi kiện hay là chủ thể có
quyền yêu cầu, liên quan đến việc giải quyết yêu cầu.
Thứ hai, xác định tư cách đương sự trên cơ sở sự liên quan về quyền lợi,
nghĩa vụ, thời điểm tham gia tố tụng của đương sự.
Thứ ba, căn cứ vào thời điểm tham gia tố tụng để xác định tư cách tham gia
của đương sự là nguyên đơn hay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
2. Cách thức xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự
a) Nguyên đơn
Khoản 2, Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự ghi nhận: “Nguyên đơn trong vụ

án dân sự là người khời kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức do bộ luật
6


này quy định khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng
quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm hại.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu
cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mà
mình phụ trách cũng là nguyên đơn”.
Qua quy định này, ta có thể nhận thấy rằng: để trở thành nguyên đơn thì cá
nhân, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng những yêu cầu sau:
Thứ nhất, khi các chủ thể cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị
xâm hại. Điều này cho thấy việc nguyên đơn tham gia tố tụng mang tính chủ
động, khi nhận thấy quyền lợi của bản thân bị xâm hại chủ thể tự mình yêu cầu
cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình. Nó trái ngược lại với tính bị
động của bị đơn khi tham gia tố tụng. Việc yêu cầu bảo vệ quyền lợi bị xâm hại
xuất phát từ ý chí chủ quan của nguyên đơn. Về nguyên tắc, quyền lợi chỉ có thể
có được hoặc bị xâm phạm khi các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật nội
dung (quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình…) mà nguyên đơn là một bên chủ thể.
Thứ hai: Có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng
dân sự. Để tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn phải
có năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự vì ngoài việc có khả
năng pháp luật quy định thì nguyên đơn còn phải tự mình thực hiện quyền và
nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng.
Thứ ba, các chủ thể trở thành nguyên đơn khi tự mình khởi kiện hoặc được
người khác khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình hoặc lợi ích công cộng, lợi ích thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Đối với chủ thể là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ hoặc cơ
quan, tổ chức thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự được
Tòa án thụ lý thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó trở thành nguyên đơn. Trường

hợp cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, bị mất hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi tố tụng dân sự, được người đại diện hợp pháp của họ khởi kiện
vụ án dân sự thì người được bảo vệ quyền lợi cũng được xác định là nguyên
đơn. Việc quy định nhiều chủ thể có thể trở thành nguyên đơn cho thấy sự quan
tâm của pháp luật tới việc đảm bảo lợi ích của mọi chủ thể trong xã hội.
Thứ tư: Đơn khởi kiện. Để khởi kiện và xác định tư cách là nguyên đơn thì
chủ thể phải có đơn khởi kiện và gửi đơn kiện tới Tòa án. Đơn khởi kiện phải

7


đầy đủ nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự
2004.
Trong trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung
trong tranh chấp mà cùng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nội
dung tranh chấp đó thì Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bên nào trước thì bên đó
được xác định là nguyên đơn.
Như vậy, nguyên đơn trong vụ án dân sự có thể được xác định trong ba
trường hợp: là người tự mình khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của chính mình; là người khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích
chung của cộng đồng, của nhà nước; hoặc cũng có thể là người được người khác
khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Chẳng hạn, Công ty vệ
sinh môi trường tỉnh H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc anh X phải bồi thường
thiệt hại do hành vi xả rác thải sinh hoạt bữa bãi ra sông gây ô nhiễm môi trường
chung. Lúc này, đối tượng được bảo vệ là lợi ích chung của cộng đồng và Công
ty vệ sinh môi trường tỉnh H chính là nguyên đơn của vụ án dân sự.
Ngoài nguyên đơn là người có đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền
lợi của cá nhân, lợi ích công cộng…thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan cũng trở thành nguyên đơn trong trường hợp:
+ Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn

giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn.
+ Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ với yêu
cầu độc lập trở thành nguyên đơn.
b) Bị đơn
Nếu nguyên đơn là một trong những đương sự đóng vai trò quan trọng trong
vụ án dân sự, tạo điều kiện tiên quyết để có vụ án dân sự phát sinh tại Tòa thì bị
đơn đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bị đơn
luôn đi kèm với nguyên đơn, tư cách bị đơn được xác định cùng với tư cách
nguyên đơn.
Khoản 3, Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Bị đơn trong vụ án
dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan tổ chức khác do
Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi
cho rằng quyề và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.
8


Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xác định là bị đơn trong vụ án dân sự khi đáp
ứng được những điều kiện sau:
Thứ nhất, là người bị nguyên đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự
khởi kiện. Việc tham gia tố tụng của bị đơn mang tính thụ động do bị bắt buộc
tham gia tố tụng. Họ tham gia tố tụng không phải do họ gửi đơn khởi kiện tới
Tòa án mà buộc phải tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn. Điều
này trái ngược với tính chủ động của nguyên đơn gửi đơn tới Tòa khi nhận thấy
quyền lợi bị xâm hại. Cùng lúc với việc nguyên đơn khởi kiện vụ án dân sự tại
Tòa án thì tư cách bị đơn cũng được xác lập, đó là người mà nguyên đơn cho
rằng đã có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của mình và khi xét xử thì bị đơn
được triệu tập nhằm giải quyết quyền lợi của nguyên đơn. Bị đơn tham gia tố
tụng để trả lời về việc kiện do bị nguyên đơn khởi kiện theo quy định của pháp
luật.

Thứ hai, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự: Cũng
giống như nguyên đơn, bị đơn cũng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực
chủ thể tham gia tố tụng. Vì quá trình giải quyết vụ án dân sự là một quá trình
phức tạp bao gồm nhiều thủ tục, nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, trong đó bị
đơn có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn khác nhau của quá trình đó để thực
hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng. Thông thường cá nhân được coi là có
năng lực hành vi tố tụng dân sự khi đã đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực
hành vi dân sự. Đối với người chưa đủ 18 tuổi, người bị mất năng lực hành vi
dân sự thì người đại diện hợp pháp của họ là người thay mặt họ để thực hiện
những quyền và nghĩa vụ tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự trước Tòa án (khoản 4, 5, 6 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004).
Thứ ba, Bị đơn là người được giả thiết là người có hành vi xâm phạm đến
quyền lợi của nguyên đơn. Bị đơn được xác định cùng với nguyên đơn khởi kiện
vụ án dân sự tại Tòa. Nếu nguyên đơn trong vụ án dân sự là người giả thiết cho
rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì bị đơn là người được
giả thiết cho rằng đã xâm phạm quyền lợi của nguyên đơn. Việc xác định bị đơn
có xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn hay không phải dựa vào quyết định
của Tòa án.
Chẳng hạn, trong vụ án dân sự giữa Công ty vệ sinh môi trường tỉnh H và
anh X kể trên thì anh X được xác định là bị đơn của vụ án dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa nguyên đơn có thể trở thành
bị đơn và bị đơn trở thành nguyên đơn. Theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 219 Bộ
9


luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn trở thành bị đơn trong trường hợp nguyên đơn
rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố. Người có
nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn khi nguyên đơn rút toàn bộ
yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của họ.

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo quy định tại khoản 4, Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiểu một cách chung nhất là người tham gia tố
tụng vào vụ án đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của mình.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác với nguyên đơn và bị đơn, họ
không phải là người khởi kiện cũng không phải là người bị kiện. Việc tham gia
tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự có thể do
họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự khác hoặc theo yêu cầu của Tòa
án. Một trong những căn cứ chủ yếu để người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
tham gia tố tụng là quyền đòi bồi hoàn như: quyền của chủ phương tiện đối với
người lái xe của họ trong trường hợp chủ phương tiện phải bồi thường cho
người bị hại do người lái xe gây ra; quyền và nghĩa vụ của người thứ ba liên
quan khi giải quyết chia tài sản chung với vợ chồng….
Để xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,
trước hết ta căn cứ vào việc xác định tư cách đương sự trước đó của Tòa án.
Cũng giống như bị đơn, sự xuất hiện của người có quyền lợi phụ thuộc vào việc
thực hiện quyền khởi kiện của nguyên đơn và việc thụ lý vụ án dân sự của Tòa
án. Nếu nguyên đơn không khởi kiện và Tòa án không thụ lý vụ án dân sự thì
không thể xuất hiện tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm hai loại: người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan tham gia tố tụng độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
tham gia tố tụng không độc lập.
Thứ nhất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập là
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập với nguyên đơn
và bị đơn. Trong vụ án dân sự, lợi ích pháp lý của người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan tham gia tố tụng độc lập luôn độc lập với lợi ích pháp lý của nguyên
đơn, bị đơn nên yêu cầu của họ có thể chống cả nguyên đơn, bị đơn.

10



Thứ hai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc
lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào
nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, khi tham gia tố tụng, lợi ích pháp lý của họ phụ
thuộc vào lợi ích pháp lý của nguyên đơn hoặc bị đơn. Tuy nhiên, họ vẫn có
quyền quyết định trong phạm vi quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, cách phân loại này đến nay vẫn mới chỉ là phân loại dựa trên
thực tiễn xét xử, còn Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và Bộ luật Tố tụng dân
sự mới 2015 vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc phân loại người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan như kể trên.

KẾT LUẬN
Đương sự đóng vai trò quan trọng trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, do
đó, việc xác định tư cách pháp lý của đương sự trong vụ án dân sự cũng có ý
nghĩa rất lớn. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc vụ án dân sự có được giải quyết
một cách đúng đắn và quyền và lợi ích của các chủ thể có được bảo vệ hay
không. Trên cơ sở sự ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật cùng những
kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động xét xử của các chủ thể có thẩm quyền, các
vấn đề về đương sự và việc xác định tư cách pháp lý của đương sự sẽ ngày càng
được giải quyết triệt để.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự năm 2005
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011.
3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
4. Học viện Tư pháp, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà
Nội, 2007.
5. Http://www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com
6. Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa

án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất
“Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung
theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

11


7. Nguyễn Thái Phúc, bài viết: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố
tụng dân sự”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 10/2005.
8. Nguyễn Triều Dương, bài viết: “Về đương sự trong tố tụng dân sự”, Tạp chí luật
học, Đặc san góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, 2004.
9. Trần Anh Tuấn, bài viết: “Quyền khởi kiện và việc xác định tư cách tham gia tố
tụng”, tạp chí Tòa án nhân dân, số 23, số ra tháng 12/2008.
10.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự, Nxb. Công an
nhân dân, Hà Nội, 2011.

MỤC LỤC

12



×