Tải bản đầy đủ (.pdf) (57 trang)

Thế giới nhân vật trong tác phẩm tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nguyễn nhật ánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (971.38 KB, 57 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC
-----------------------

ĐÀO THỊ THANH HẢI

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM
TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH
CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học thiếu nhi

Người hướng dẫn khoa học
TS. NGUYỄN THỊ NHÀN

HÀ NỘI, 2016


LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến Tiến sĩ
Nguyễn Thị Nhàn, người đã tận tình hướng dẫn, định hướng cho tôi trong
suốt quá trình thực hiện đề tài. Cô đã đưa ra những góp ý cụ thể cho công
trình và luôn động viên để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, cô giáo trong Khoa Ngữ Văn,
những thầy cô đã từng dạy dỗ tôi, Thư viện trường nơi tôi tìm được nhiều
kiến thức và tài liệu hỗ trợ cho việc làm khóa luận này, trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2 đã nhiệt tình giảng dạy và tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt
thời gian của khóa học.
Tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ,
động viên tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành khóa luận này.


Hà Nội, tháng 5 năm 2016
Sinh viên

Đào Thị Thanh Hải


LỜI CAM ĐOAN
Đề tài khóa luận: “Thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh” được tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn
của cô Nguyễn Thị Nhàn. Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng cá nhân tôi. Kết quả thu được trong đề tài là hoàn toàn trung thực và
không trùng với kết quả nghiên cứu của tác giả khác.
Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 5 năm 2016
Sinh viên

Đào Thị Thanh Hải


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài......................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2
3. Mục đích nghiên cứu.................................................................................. 6
4. Nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................................. 7
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................................. 7
6. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 7
7. Cấu trúc khóa luận ..................................................................................... 8
NỘI DUNG ....................................................................................................... 9
Chương 1. ĐẶC ĐIỂM THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM

TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH ........................................................ 9
1.1. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật ................................................ 9
1.1.1. Khái niệm nhân vật ........................................................................... 9
1.1.2. Thế giới nhân vật ............................................................................ 11
1.2. Những kiểu loại nhân vật nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh .................................................................................................. 13
1.2.1. Nhân vật trẻ em ............................................................................... 14
1.2.2. Nhân vật người lớn ......................................................................... 26
1.2.3. Nhân vật là loài vật ......................................................................... 35
1.3. Những bài học từ thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh .................................................................................................. 39
Chương 2. NGHỆ THUẬT KHẮC HỌA THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG
TÁC PHẨM TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH ................................ 44
2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình .............................................................. 44
2.2. Nghệ thuật miêu tả hành động .............................................................. 46


2.3. Nghệ thuật miêu tả nội tâm ................................................................... 47
2.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ ............................................................... 48
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 50
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 52


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Sự tràn ngập của các tác phẩm văn học dịch đã và đang không
ngừng tạo nên những “cơn sốt” trong độc giả nhỏ. Khiến con đường giành lại
tình cảm của người đọc đối với văn học Việt Nam vẫn còn là một thử thách
cam go, đòi hỏi tâm huyết, tài năng và sự nhạy cảm của những tác giả tận tụy
hết mình với trẻ em. Trong số những cây bút viết cho thiếu nhi hiện nay phải

kể đến Nguyễn Nhật Ánh người kể chuyện cho thiếu nhi với hơn 100 tác
phẩm. Một số tác phẩm của anh được giải thưởng văn học cả trong nước và
quốc tế, chúng được dịch sang cả tiếng nước ngoài. Nguyễn Nhật Ánh trở
thành một hiện tượng độc đáo. Cùng với một số tác giả tài năng của xứ Quảng
viết cho thiếu nhi như Võ Quảng, Quế Hương, Nguyễn Quang Sáng, Thanh
Quế, … Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học thiếu nhi
nước nhà. Nhiều thế hệ độc giả yêu thích tác phẩm của anh. Trẻ em tìm thấy
tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình, người lớn thì nhận
được một “tấm vé” về lại tuổi thơ.
1.2. Trong mỗi tác phẩm văn học không thể thiếu vắng nhân vật. Nhân
vật là phương diện quan trọng bậc nhất của tác phẩm văn học, là phương tiện
cơ bản giúp người nghệ sỹ miêu tả đời sống con người thông qua những hình
tượng nghệ thuật. Do đó, nghiên cứu văn chương từ góc độ này sẽ làm sáng tỏ
nhiều điều về thể loại, trào lưu, quan niệm văn học, phong cách sáng tạo…
Như vậy, việc chiếm lĩnh các mặt giá trị của tác phẩm sẽ khó có thể thực hiện,
nếu không tìm hiểu phương diện nhân vật một thành quả nghệ thuật quan
trọng trong sáng tác của mỗi nhà văn.
1.3. Với khối lượng sáng tác khổng lồ của nhà văn, và hầu hết là truyện
viết cho tuổi thơ và tuổi mới lớn, nhân vật chủ yếu trong các sáng tác của ông

1


là nhân vật trẻ em. Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh thu hút được nhiều sự
quan tâm của giới chuyên môn. Hiện hay đã có khá nhiều công trình nghiên
cứu lớn nhỏ, nhưng bản thân tôi xuất phát từ lòng yêu mến trẻ thơ, khâm phục
những tài năng của tác giả, yêu thích những sáng tác của nhà văn, tôi lựa chọn
đề tài Thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của
Nguyễn Nhật Ánh làm vấn đề cho lí luận của mình. Khóa luận có mong muốn,
mang lại cái nhìn mới về thế giới nhân vật, đồng thời muốn chiếm lĩnh giá trị

nhân văn - thẩm mỹ của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh, cũng như lí giải sức sống
mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc.
2. Lịch sử vấn đề
Ở Việt Nam, đầu thế kỉ XX bắt đầu xuất hiện các tác phẩm văn học viết
cho thiếu nhi, nhưng phải đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền văn
học thiếu nhi mới chính thức được hình thành. Từ sự đa dạng của chủ thể
sáng tác, văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển với sự phong phú về đề tài,
thể loại và phong cách nghệ thuật. Sự đa dạng và phong phú đó đồng hành
cùng văn học thiếu nhi từ văn học dân gian đến văn học viết. Trong thời kì
này, đã xuất hiện một số truyện đồng thoại của Tô Hoài như: Đám cưới chuột,
Võ sĩ Bọ Ngựa, Dế Mèn phiêu lưu kí, tác giả đã mượn hình thức đồng thoại,
mượn hình tượng con vật để chuyển tải những vấn đề mang tính xã hội. Tuy
trước Cách mạng tháng Tám chưa thực sự có phong trào sáng tác cho trẻ em
nhưng những tác phẩm của giai đoạn này đã đặt nền móng đầu tiên cho văn
học thiếu nhi nước nhà. Các nhà văn sau 1975 đã chú ý khai thác trẻ em trong
nhiều mối quan hệ: gia đình, nhà trường, đất nước. Những cảm xúc đầu đời
của trẻ và mặt trái của cuộc sống mới cũng đi vào văn học thiếu nhi. Điều đó
thể hiện rất rõ trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như: Kính vạn
hoa, Chuyện xứ Langbiang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Tôi
thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, văn học

2


thiếu nhi Việt Nam đã phát triển phong phú, đa dạng và thực sự trở thành một
bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc.
Trong những nhà văn viết truyện cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh nhà
văn gây được sự chú ý của dư luận ngay từ khi các sáng tác đầu tiên ra đời.
Đã có một số công trình tìm hiểu, đánh giá nội dung - hình thức biểu hiện
trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh nhưng chủ yếu là đặc điểm chung,

hoặc các bài nghiên cứu, đánh giá về truyện thiếu nhi này chỉ nằm xen kẽ
trong nhận định cụ thể. Sau đây là một số công trình, nhận định và đánh giá
mà chúng tôi thống kê được có liên quan đến nhân vật trong các tác phẩm
thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh.
Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã được những độc giả nhỏ tuổi nhắc đến với
bao tình cảm yêu mến bởi ông là nhà văn của các em, viết vì thiếu nhi và cho
thiếu nhi. Ông thường giữ nét đặc trưng trong văn phong của mình với sự hài
hước, đáng yêu khiến cho độc giả luôn giữ nụ cười trên môi khi thưởng thức
những tác phẩm của ông. Đây là giá trị tinh thần to lớn mà Nguyễn Nhật Ánh
đã mang đến cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Theo thống kê của nhà
xuất bản Kim Đồng, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đạt tới
con số kỉ lục. Một tác phẩm khá quen thuộc của nhà văn là Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh là tác phẩm nằm trong loạt các sáng tác mới nhất của nhà văn
viết theo lối văn hóm hỉnh, dí dỏm mà đựng đầy những kỉ niệm về tuổi thơ,
Nguyễn Nhật Ánh lại kể cho chúng ta những câu chuyện mà đã từ lâu rồi ta
đã lãng quên. Ngày 9-12-2010 tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là
truyện dài mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được nhận giải văn chương
ASEAN. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn được nhắc đến khá nhiều trên các diễn
đàn văn học, văn hóa, giải trí và cả tạp chí chuyên môn. Tuy nhiên những bài
viết có liên quan đến nhân vật đặc biệt là nhân vật trẻ em trong tác phẩm của
ông thì còn riêng lẻ và chưa có hệ thống. Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu

3


đề tài, chúng tôi được tiếp xúc với các tài liệu sau: Tên tuổi của Nguyễn Nhật
Ánh và một loạt tác phẩm của ông xuất hiện khá nhiều trên các báo, tạp chí,
trên các trang thông tin điện tử, trong các cuốn sách nghiên cứu về văn học
thiếu nhi Việt Nam cũng như ở cả những tài liệu không trực tiếp liên quan đến
văn học. Trước hết là ở các ấn phẩm mang tính chất chuyên ngành như các

sách nghiên cứu về văn học thiếu nhi, trong số các tài liệu trên đáng chú ý
nhất là công trình Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam do hai tác giả
Vân Thanh và Nguyên An biên soạn. Hai tác giả đã sưu tầm và giới thiệu một
loạt các bài viết về văn học thiếu nhi Việt Nam, trong đó có nhiều bài của các
tác giả khác nhau như Lã Thị Bắc Lý, Nguyễn Hương Giang, Thu Việt, Văn
Hồng, có đề cập đến Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm của ông. Trong bài viết
của Lã Thị Bắc Lý, mặc dù vẫn trích dẫn Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm
của ông như một minh họa cho các luận điểm về văn học thiếu nhi trong thời
kì đổi mới nhưng tác giả Bắc Lý đã có nhiều đoạn mang tính chất giới thiệu,
phân tích khái quát giá trị của tác phẩm Kính vạn hoa, bộ truyện dài đầu tiên
của Nguyễn Nhật Ánh. Thêm vào đó, tác giả Hương Giang đã dành một bài
viết để nói về Nguyễn Nhật Ánh và một loạt các tác phẩm của nhà văn như:
Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối. Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá cao
không chỉ bởi vì ông đã viết nhiều, viết hay về văn học thiếu nhi mà nhà văn
đã chạm tới mảng đề tài còn ít và khó viết như đề tài về trường học và việc
học của trẻ em. Thông qua tất cả những trang viết ấy, Nguyễn Nhật Ánh còn
đóng vai trò là một người thầy, một nhà giáo dục, giúp nuôi dưỡng tâm hồn
trẻ thơ. Lòng tin yêu cuộc sống và nghị lực vượt khó khăn là những đức tính
tốt đẹp của thiếu nhi đã được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh truyền tải qua câu
chuyện của mình một cách gần gũi với thiếu nhi nhất. Lê Phương Liên trong
bài viết Văn xuôi và trẻ em đã nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một
tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có một “khóe văn” riêng.

4


Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng không ngoài quy
luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài sự tự phát hiện ra
chất hài hước của chính mình” [7]. Các sáng tác như Tôi là Bêtô và Cho tôi
xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là những tác

phẩm được không chỉ trẻ em mà cả người lớn yêu thích.
Luận văn Đặc điểm truyện Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Bùi Thu Thủy
đã chỉ ra đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức trong bốn tập truyện gồm
Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và Tôi là
Bêtô. Từ những khái quát đó chúng ta có thể đánh giá được đóng góp và vị trí
của Nguyễn Nhật Ánh trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhà nghiên cứu
Vân Thanh đã từng nhiều lần nhắc đến thành công của Nguyễn Nhật Ánh
trong sáng tác dành cho thiếu nhi. Trong bài viết Nguyễn Nhật Ánh nhà văn
lôi cuốn trẻ thơ, tác giả đã đề cập đến đề tài, chủ đề, nhân vật, giọng điệu và
giới thiệu khái quát về tập truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nguyễn
Nhật Ánh đã làm được một điều kì diệu, đó là đem đến cho bạn đọc trẻ thơ sự
thú vị và niềm vui háo hức mong chờ những tác phẩm tiếp theo của anh. “Và
quả nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã không làm bạn đọc thất vọng. Anh tiếp tục
trình làng Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Vẫn với lối viết dí dỏm kiểu Kính vạn
hoa, Tôi là Bê tô nhưng dấu ấn tâm trạng tác giả đã in đậm nét hơn, tâm
trạng của con người càng đi xa tuổi thơ càng da diết nhớ về tuổi thơ. Đây là
tập sách được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng ASEAN,
2010. Cùng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Lá nằm trong lá, Có hai
con mèo ngồi bên cửa sổ… Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện sức viết bền bỉ của
mình” [8].
Nhà văn Lê Minh Khuê trên báo Tiền phong đã nhận xét: “Nguyễn Nhật
Ánh trong sáng từ cách nghĩ, cách cảm, từ ngôn ngữ đối thoại, từ cách miêu
tả đến xây dựng nhân vật. Tất cả đều đầy sức khơi gợi tới cái đẹp. Anh khơi
dậy sự tự tin, tin vào sức mạnh của trí tuệ, tin vào con đường của mỗi người

5


trong đời. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh in hàng chục ngàn bản mỗi cuốn,
là sự chờ đợi háo hức như chờ đợi người “hò hẹn” của các em. Mấy ai được

hạnh phúc như anh” [6]. Nhà văn có một khoảng trời riêng và thực sự làm
chủ khoảng đất sáng tạo của mình đó chính là lý do người đọc háo hức chờ
đón tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh. “Mỗi cuốn truyện là một tuổi thơ
trọn vẹn, lần nào cũng như bắt đầu lại từ đầu, với những ký ức lung linh hoa
lá và những trải nghiệm khóc cười rất thật tưởng chừng không có bóng dáng
của “hư cấu văn học”. Cũng vì thế mà khó có thể xác định nhà văn viết cho
về thế hệ nào, thời đại nào. Có cảm tưởng, người đọc sau trăm năm nữa vẫn
sẽ có được một Nguyễn Nhật Ánh đồng hành với ký ức tuổi thơ của mình như
thế này mà thôi” [1]. Tác giả Nguyễn Thụy Anh cảm thấy tuổi thơ của chính
mình và bạn bè cũng như thế hệ sau sẽ luôn đồng hành cùng ký ức trong mỗi
cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Bên cạnh các ấn phẩm trên, các bài viết
về Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm của ông còn xuất hiện trên các báo như
báo Lao động, Thanh niên, các tạp chí và nhiều trang thông tin điện tử như
Evan.net, Phongdiep.net, ... bộ truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được
dựng thành phim cho thiếu nhi, các tác phẩm khác cũng được dựng thành
phim như Cô gái đến từ hôm qua, Kính vạn hoa và một số truyện của Nguyễn
Nhật Ánh đang có dự án chuyển thể thành truyện tranh. Có thể thấy Nguyễn
Nhật Ánh là tác giả đang rất được quan tâm và giành được nhiều tình cảm ưu
ái của độc giả ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, các bài viết ở ấn phẩm kể trên dù rất
phong phú nhưng chủ yếu tìm hiểu trên một tác phẩm riêng lẻ của nhà văn
chứ không phải trên một tập hợp các tác phẩm, hoặc chủ yếu là thể hiện
những cảm nhận khi đọc các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
3. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này chúng tôi tập trung tìm hiểu toàn diện, cụ thể, sâu
sắc hơn về đặc điểm thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên
cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh.

6



Khảo sát một số phương diện nghệ thuật cơ bản trong việc khắc họa thế
giới nhân vật, từ đó khẳng định tài năng và những đóng góp của Nguyễn Nhật
Ánh trong nền văn học thiếu nhi.
Nghiên cứu, khảo sát đề tài này chúng tôi nhằm góp phần giáo dục lối
sống, nhân cách và tình cảm bạn bè.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu những tri thức lý luận liên quan đến đề tài như: thể loại
truyện, vấn đề nhân vật, các biện pháp nghệ thuật khắc họa nhân vật.
- Đặc điểm thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên
cỏ xanh.
- Nghệ thuật khắc họa thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh.
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
- Chúng tôi tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh.
- Khóa luận khảo sát văn bản Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nhà xuất
bản trẻ, 2015.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
- Các kiểu loại nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
- Mộ số phương diện nghệ thuật cơ bản khắc họa nhân vật trong tác
phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
6. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích nghiên cứu, tôi đã vận dụng một số phương pháp
nghiên cứu sau:
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp thống kê

7



- Phương pháp hệ thống
- Các thao tác khoa học: phân tích, tổng hợp, bình giảng, miêu tả, …
7. Cấu trúc khóa luận
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung khóa luận gồm 2 chương:
Chương 1: Đặc điểm thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh.
Chương 2: Nghệ thuật khắc họa thế giới nhân vật trong tác phẩm Tôi
thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

8


NỘI DUNG
Chương 1
ĐẶC ĐIỂM THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM
TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH

1.1. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật
1.1.1. Khái niệm nhân vật
Trước nay đã từng tồn tại nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân vật
văn học. Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi xin chỉ dẫn ra một số
quan niệm về vấn đề này như sau:
Trước hết, giáo trình Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên đã nêu lên
định nghĩa khá kĩ về khái niệm nhân vật văn học: “Nói đến nhân vật văn học
là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện
văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh…đó là
những nhân vật không tên như thằng bán tơ, một mụ nào trong Truyện Kiều
của Nguyễn Du … đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần
thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội

dung, ý nghĩa con người… Khái niệm nhân vật có khi chỉ sử dụng một cách
ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật
trong tác phẩm. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có
những dấu hiệu để ta nhận biết” [9, tr.277].
Trong giáo trình Lí luận văn học do giáo sư Hà Minh Đức chủ biên, các
tác giả lại cho rằng: “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang
tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ một chi tiết biểu hiện đầy đủ
của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình
về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách… và cần chú ý thêm một điều: Thực ra khái
niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng lớn hơn nhiều,

9


đó không chỉ là những con người, những con người có tên và không tên, được
khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có
thể là sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người…
cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà chỉ là một
hiện tượng về con người hoặc liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật
trong tác phẩm” [4, tr.126].
Khái niệm nhân vật văn học còn được trình bày sáng rõ trong cuốn Từ
điển thuật ngữ văn học (nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn
Khắc Phi chủ biên) với nội dung cơ bản giống với cách định nghĩa trong cuốn
Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên: “Nhân vật văn học là con người cụ
thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên
riêng (Tấm, Cám, Chị Dậu, Anh Pha) cũng có thể không có tên riêng. Khái
niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con
người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm… Nhân
vật văn học là một đơn vị đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con
người có thật trong đời sống” [5, tr.235].

Nói tóm lại, các nhà nghiên cứu lí luận văn học bằng cách này hay cách
khác khi định nghĩa nhân vật văn học vẫn căn bản gặp nhau ở những nội hàm
không thể thiếu của khái niệm này: Thứ nhất, nó phải là đối tượng mà văn học
miêu tả, thể hiện bằng phương tiện văn học. Thứ hai, đó là những con người
hoặc những con vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng mang tính ước lệ và có tính
cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ
quan của người nghệ sĩ.
Đối với mỗi nhân vật văn học thì tính cách được coi là đặc điểm quan
trọng nhất, là nội dung của mọi nhân vật văn học. Đôxtôiepxki cũng từng
khẳng định: “Đối với nhà văn, toàn bộ vấn đề là ở tính cách”. Tính cách có ý
nghĩa rất lớn như vậy nên trước kia một số giáo trình Nga đã gọi tính cách là

10


nhân vật. Ở đây, cần hiểu tính cách là phẩm chất xã hội lịch sử của con người
thể hiện qua cá nhân gắn liền với phẩm chất tâm sinh lí của họ. Tính cách
cũng là nhân vật nhưng là nhân vật được thể hiện với một chất lượng và nghệ
thuật cao hơn, tuy chưa đạt tới mức độ là điển hình và tính cách cũng là tự nó
bao hàm những thuộc tính có nét cụ thể, độc đáo của một con người cá biệt
nhưng lại mang cả những nét chung, tiêu biểu cho nhiều người khác ở một
mức độ nhất định đồng thời cũng có một quá trình phát triển hợp với logic
khách quan của đời sống.
Như vậy, nhân vật có hạt nhân tính cách. Trong tác phẩm văn chương, có
nhân vật được khắc họa tính cách nhiều hay ít nhưng cũng có nhân vật không
được khắc họa tính cách.
1.1.2. Thế giới nhân vật
Thế giới nhân vật là hệ thống các nhân vật được tổ chức tạo thành một
chỉnh thể nghệ thuật, trong đó mỗi nhân vật là một yếu tố của chỉnh thể. Mỗi
thế giới nhân vật được quy định bởi cách tổ chức, sắp xếp theo ý đồ nghệ

thuật, sự sáng tạo của nhà văn làm sao cho các nhân vật trong tác phẩm liên
kết, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau để cùng phản ánh đời sống, thể hiện tư
tưởng tác giả và điều nhà văn muốn nói cùng bạn đọc.
Xét về phía độc giả, thế giới nhân vật là sự cảm nhận của người đọc về
hình tượng các nhân vật trong tác phẩm từ hình dáng đến nội tâm, việc làm,
các loại quan hệ chằng chịt của chúng. Từ đó, rút ra được những hiểu biết, ý
nghĩa của tác phẩm về nhiều phương diện theo tiêu chuẩn cái đẹp nghệ thuật
trong sự vận động không ngừng của đời sống ý thức nhân loại nói chung. Thế
giới nhân vật trong thơ với chủ thể trữ tình đóng vai trò chủ đạo và quanh nó
là các kiểu nhân vật trữ tình. Đối với thơ trữ tình vai trò của chủ thể có một ý
nghĩa đặc biệt quan trọng. Cái tôi có vị trí quan trọng trong thơ với tư cách là
người sáng tạo. Thơ trữ tình chú trọng đến vẻ đẹp của tâm trạng con người và

11


cuộc sống khách quan. Cùng một đối tượng phản ánh, nhà tiểu thuyết quan
tâm đến chất liệu của hiện thực khách quan, đến tính sự kiện còn nhà thơ thì
quan tâm chủ yếu đến vẻ đẹp bên trong, cái đẹp truyền cảm của đối tượng.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết đông đúc hơn và nhân vật
tồn tại trên nền bối cảnh hiện thực xã hội. Nếu như trong tiểu thuyết truyền
thống hầu hết chỉ có một nhân vật kể chuyện với một điểm nhìn duy nhất thì
trong tiểu thuyết hiện đại, các nhà văn có thể xây dựng nhiều nhân vật kể
chuyện, nhiều điểm nhìn từ nhiều khoảng, góc thời gian và không gian khác
nhau. Nhân vật trong tiểu thuyết từ cuộc đời bước vào tác phẩm đã được bồi
đắp thêm những phẩm chất mới, nguồn sinh lực mới. Mục đích cuối cùng là
nhân vật trong tác phẩm phải sinh động hơn, chân thực hơn và điển hình hơn
nguyên mẫu đời thường. Với ý thức sáng tạo đó, các nhà tiểu thuyết đã xây
dựng nên những nhân vật có một đời sống đầy đặn từ nội tâm đến ngoại hình,
từ cảm xúc đến lí trí, từ suy nghĩ đến hành động. Nghĩa là họ có đủ mọi thứ để

làm nên một cuộc đời, một thân phận. Nhân vật trong tiểu thuyết thường đa
dạng, phức tạp và nhiều màu sắc. Về bản chất thế giới nhân vật tiểu thuyết có
được sự bề thế mà các thể loại khác khó sánh kịp. Khác với tiểu thuyết là thể
loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện
ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản
chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế,
trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nếu mỗi nhân
vật của tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là mảnh nhỏ
của thế giới ấy. Truyện ngắn không hướng tới việc khắc họa tính cách điển
hình nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn
thường hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng
thái tồn tại của con người.
Truyện ngắn là (hình thức tự sự ngắn gọn) nên nhân vật của truyện ngắn
cũng chịu sự chi phối của đặc điểm này. Nhân vật của truyện ngắn cũng là

12


nhân vật tự sự nhưng có những điểm khác so với nhân vật tự sự của tiểu
thuyết. Nếu ở tiểu thuyết nhân vật chính được xây dựng là một thế giới thì
nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Các tác giả của truyện
ngắn thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất
trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người chứ không nhằm tới
việc khắc hoạ những tính cách điển hình, có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong
tương quan với hoàn cảnh như ở tiểu thuyết. Nhân vật trong truyện ngắn
thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội hoặc trạng thái tồn tại
của con người chứ không phải là toàn bộ tồn tại của con người trong mọi mối
quan hệ đối với xã hội. Thế giới nhân vật trong tác phẩm là một tổ chức nghệ
thuật thống nhất. Các nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ và sống động như cuộc
sống thực ngoài đời, nhưng cô đọng, súc tích và ấn tượng hơn. Chủ đề tư

tưởng tác phẩm thường được biểu hiện qua hệ thống nhân vật, nhất là qua
hình tượng nhân vật chính.
1.2. Những kiểu loại nhân vật nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là truyện dài mới nhất của nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn truyện được nhận giải văn chương ASEAN. Viết về
một tuổi thơ nghèo khó ở vùng làng quê Việt Nam. Bên cạnh đề tài tình yêu
quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những
nhân vật phản diện và đặt ra các vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. 81
chương ngắn, mang nhiều tình tiết thú vị trong câu chuyện của cậu bé Thiều
đang ở tuổi 15, tuổi bắt đầu biết để ý bạn gái. Khung cảnh, là một ngôi làng
nhỏ với những mối quan hệ khá phức tạp, giữa người với người, người với
vật, người với ma cùng với sự đói kém, thiên tai và nhiều tình tiết bất ngờ và
cảm động khác, diễn ra trong suốt hơn 300 trang sách. Cuốn sách vì thế mà có
sức ảnh hưởng, thu hút, hấp dẫn không thể bỏ qua đối với bạn đọc. Tôi thấy
hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh thật sự là một cuốn truyện dài

13


tuyệt vời. Bạn đọc có thể coi đó là một tấm vé khác để quay về tuổi thơ mà
Nguyễn Nhật Ánh đã dành tặng cho chúng ta. Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên
một bức tranh muôn màu, muôn vẻ về một tuổi thơ đầy màu sắc, hồn nhiên
nhưng cũng không ít những buồn vui. Đọc tác phẩm này, bạn khó có thể mà
dứt ra được. Bạn có thể vừa khóc vì xúc động, vừa cười vì sự ngây ngô của
những đứa trẻ. Bạn tức giận về những hành động ức hiếp quá đáng của Thiều
đối với Tường; hay sự nể phục, lòng thương anh vô hạn của cậu em Tường.
Người em trai có một trái tim nhân hậu và bao dung; bạn cũng có thể tò mò
với tình cảm của chú Đàn và chị Vinh, của Thiều và Mận hay của Tường và
Nhi. Cuốn sách lôi cuốn bạn đọc theo những cung bậc cảm xúc, để rồi khi gấp

cuốn sách lại bạn có thể nở một nụ cười hạnh phúc.
Mỗi nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều mang một vẻ riêng, cái
láu lỉnh của nhân vật này, cái láu cá của nhân vật kia, cái tốt, cái xấu, cái đố
kị, cái vị tha, cái day dứt, cái hối hận tất cả đều hiện ra rõ ràng, và mặc nhiên,
nó đi kèm với cái tên mỗi nhân vật… Khảo sát thế giới nhân vật trong tác
phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh chúng tôi chia
theo lứa tuổi người lớn và trẻ em. Ngoài ra, còn có các con vật. Hai nhóm
nhân vật ấy được thể hiện ở những góc độ và khía cạnh khác nhau nhưng tất
cả đều nằm trong một hệ thống, thống nhất và hài hòa.
Nhân vật trung tâm của truyện là Thiều, Thiều đang trải qua khoảng thời
gian có những xáo trộn mãnh liệt về cuộc sống và tâm hồn. Trong câu chuyện
thì Thiều có cậu em trai tên là Tường. Xung quanh Thiều còn là những người
bạn làng xóm, cùng học ở trường. Đó là cái Mận, thằng Sơn. Còn bao con
người khác nữa như bé Nhi, chú Đàn, ông Tư Cang…
1.2.1. Nhân vật trẻ em
Nguyễn Nhật Ánh kể lại cho chúng ta những câu chuyện mà từ lâu rồi ta
đã lãng quên. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khai thác một góc khác của

14


những ngày thơ bé. Tác phẩm nổi bật và xuyên suốt, từ khi bắt đầu cho tới khi
kết thúc câu chuyện là hai anh em Thiều và Tường nhân vật trung tâm được
nhắc tới. Từ hai nhân vật này, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng các nhân vật
xuất hiện trong các mối quan hệ với hai nhân vật chính. Đó là bạn bè cùng
trang lứa với Thiều, là mối quan hệ thầy trò và các nhân vật là người thân
trong gia đình của Thiều và Tường đó là bố mẹ, chú Đàn, bà nội. Bên cạnh
đó, những nhân vật xuất hiện trong vai trò là làng xóm mà nhân vật chính gặp
gỡ ngoài xã hội, đem lại những diễn biến bất ngờ tạo nên những mối quan hệ
rất tự nhiên.

1.2.1.1. Những đứa trẻ ở lứa tuổi học trò
Tuổi học trò dù vui buồn, có nước mắt hay nụ cười, nhưng chắc chắn đó
là nơi cất giữ một phần tâm hồn mà bạn không bao giờ muốn đánh mất. Là
nguồn sức mạnh đủ nâng đỡ bạn vượt qua những sóng gió của thời trưởng
thành. Vì lẽ đó, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ đưa bạn đọc trôi ngược
dòng thời gian, về và sống lại một lần nữa tuổi học trò. Cũng giống như việc
giữ lại một phần tâm hồn mình, để mỗi khi mỏi mệt với những bộn bề hoang
mang của cuộc sống, ta có quyền lựa chọn, là để mình trôi về với một miền ký
ức xanh mượt, là để tâm hồn được tưới mát bởi cái hồn nhiên trong trẻo của
tuổi học trò.
Tình bạn được thiết lập trong môi trường học đường, trong khoảng thời
gian rất đẹp của con người. Tuổi học đường, lứa tuổi với những mơ mộng,
đầy cảm xúc nhưng cũng xen lẫn những nông nổi và đôi chút dại khờ. Tình
bạn trong cuộc sống không thể thiếu nhất là đối với lứa tuổi mới lớn, lứa tuổi
mà tình bạn là một thứ gì đó vô cùng quan trọng. Người bạn là người có thể
chia sẻ với ta mọi việc, từ những niềm vui cho đến những nỗi buồn. Là người
có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích để ta vượt qua những khó khăn, vượt
qua nhưng bối rối, những hoang mang. Có những tình bạn cùng tiến cũng có
những tình bạn cùng giúp nhau trong học tập để cùng nhau tốt hơn.

15


Giữa một cộng đồng trường, lớp thì xung quanh Thiều cũng có những
người bạn như con Mận, con Xin, thằng Sơn. Lứa tuổi học trò với những kỉ
niệm, những trò đùa trêu chọc bạn:
“Hằng ngày tôi và thằng Sơn vẫn hay trêu nó. Đang ngồi học, tôi
thình lình quay sang nó:
- Ăn không, Xin?
- Ăn gì?

- Ăn xin chứ ăn gì!
- Ôi, đói bụng quá! Ăn không, Xin?
- Ăn gì?
- Ăn xin!
Bị trêu “ăn xin”, lần nào con Xin cũng thút thít khóc. Nó giận dỗi
ngoảnh mặt đi chỗ khác, không thèm trò chuyện với bọn tôi.
Nhưng tính nó mau quên. Qua ngày hôm sau nó lại mắc lỡm hai đứa
tôi một cách dễ dàng. Nghe tôi hỏi “Ăn không, Xin?” nó lại láu táu “Ăn gì?”.
Để rồi sau đó rơm rớm nước mắt cả buổi. Cả ngàn lần như vậy.
Có nghĩa cả ngàn lần tôi thấy nó khóc” [2, tr.77].
Có thể nói những khoảnh khắc về tình bạn ở lứa tuổi học trò hết sức hồn
nhiên, vô tư. Đem lại cho bạn đọc những cảm xúc trong veo, những kỉ niệm
về tuổi học trò.
Đời một con người, có bao mối quan hệ, bao cuộc gặp gỡ và bao cuộc
chia xa. Mỗi sự gặp gỡ, mỗi mối duyên ấy đều để lại trong lòng người những
cảm xúc, những dấu ấn khó quên. Bước đến trường là tình cảm của thầy cô
yêu thương truyền kiến thức, sẻ chia kinh nghiệm, định hướng tương lai và
xây dựng nhân cách. Gieo hạt mầm tri thức, thầy cô như những con ong chăm
chỉ, cần mẫn đem lại mật ngọt cho đời. Họ bước qua cuộc đời ta trong một
khoảng thời gian ngắn nhưng lại mang đến cho chúng ta cả một hành trình.

16


Một người thầy, với ngoại hình gầy gò, cặp mắt kính dày cộm khiến trò
thất vọng (Thầy mừng lắm, tác giả Trương Thị Thu Hương), một người thầy
với quần vải bạc phếch. Áo thì trắng chả ra trắng, ghi chả ra ghi. Sơ-vin vào
nhìn trông vẫn “chuối”. Mặt thầy dài thượt, hai má chĩa ra hai cái xương trông
giống ông quảng cáo sữa tăng cân dành cho người gầy cũng khiến em không
thích (Cái đuôi của thầy - Đình Trung). Nhưng ẩn sau hình ảnh ấy lại là một

con người khác, con người của lòng nhân ái, của tình thương và sự bao
dung.Và tình cảm, mối quan hệ giữa thầy và trò cũng không thể thiếu trong
câu chuyện của cậu bé Thiều. Thầy Nhãn, xuất hiện trong mối quan hệ là thầy
giáo của Thiều đồng thời là cha của chị Vinh, thầy được biết đến là một người
nghiêm khắc. Thầy luôn có định kiến và ngăn cản mối tình của chú Đàn và
chị Vinh. Thiều một cậu học trò học giỏi nhưng cũng không kém phần nghịch
ngợm, chính lá thư của chú Đàn gửi chị Vinh nên Thiều đã bị thầy Nhãn phạt:
“Kết quả đến nhãn tiền: Thầy Nhãn kêu tôi lên bảng và trước cặp mắt tò mò
của lũ bạn, thầy bẹo tai tôi đau điếng, gần như sách hẳn người tôi lên khiến
tôi suýt rớt cả tai, răng nghiến ken két” [2, tr.86]. Từ sau lần đó khiến Thiều
hễ gặp thầy Nhãn là lại co rúm hết cả người.
Mái trường với hàng phượng vĩ, ghế đá, lớp học, chỗ ngồi thân quen.
Với phấn trắng bảng đen, những tiết học, những bài kiểm tra đều ghi dấu
trong miền ký ức mỗi người. Và hơn tất cả, lung linh, tươi đẹp tỏa sáng là tình
cảm thầy trò được kết lại, bện chặt bởi sợi dây vô hình.
Mùa hè rộn rã tiếng ve, dội vang trong tai của học trò. Bắt đầu mùa học
là bắt đầu cả một trang giấy trắng, kết thúc một mùa học là kết thúc một trang
ký ức. Những màu sắc khi ấy vui, buồn lẫn lộn đang xen vào nhau khó mà
quên được! Trong cái không gian đó, bên cạnh tình bạn bè, tình thầy trò thì
lứa tuổi học trò cũng bắt đầu có những mộng mơ, những thay đổi hay biểu
hiện của lứa tuổi mới lớn, lứa tuổi hồng. Mỗi người cũng đều có một góc suy

17


tư riêng như Mận trong tác phẩm được miêu tả là một cô bé nhỏ nhắn dễ
thương cùng với hoàn cảnh éo le đến đáng thương. Từ khi ba Mận bị bệnh thì
cuộc sống của gia đình trở nên khó khăn vô cùng vì vậy mà Mận liên tục phải
chịu những trận đòn roi:
- “Mày đang phơi hai bàn tay kiểu mới à?

Lần khác tôi hỏi, khi thấy nó hai tay chống cằm, cùi tay tựa lên bậu
cửa sổ, thừ mặt trông ra.
- Không. Mình có phơi bàn tay đâu. - Nó đáp, giọng rầu rầu - Mình
đang phơi khuôn mặt.
- Mặt mày làm sao mà phơi? Mày vừa tắm xong à?
- Không. Mẹ mình vừa đánh đòn mình.
Tôi không hỏi nữa. Vì tôi hiểu rồi. Con Mận đang hong khô những
giọt nước mắt. Tội nó ghê!” [2, tr.20].
Cuộc sống, hoàn cảnh gia đình Mận éo le nhưng cô bé vẫn có những
khoảnh khắc riêng. Cũng tuổi thơ ấu lớn lên cùng hai anh em Thiều và Tường,
hàng ngày cùng vui chơi, cùng cắp sách đến trường. Theo lời của Thiều thì con
bé học dốt lắm bởi vì nó không có thời gian học. Ba nó từ khi mắc bệnh đã bị
mẹ nó khóa trái trong căn phòng hàng ngày nó phải phụ giúp mẹ nó bán hàng.
Tuổi thơ ai cũng có nỗi buồn và kỉ niệm, riêng với bé Mận bên cạnh nỗi
buồn về gia đình thì nó còn có những người bạn để tâm sự, để chia sẻ đó là
cậu bé Thiều.
Trước những khó khăn mà Mận gặp phải Thiều đã chia sẻ giúp đỡ để
Mận vượt qua. Cậu có những quan tâm, của những người bạn quan tâm nhau
chỉ mong có thể an ủi giúp Mận phần nào [2, tr.182; 185]. Xét trên phương
diện tình bạn, từ đây cũng bắt đầu có những thay đổi những chi tiết thú vị cho
thấy tình yêu lứa tuổi hồng, tuổi học trò hết sức trong sáng và ngây thơ “Con
Mận là con gái, nửa đêm tự nhiên chạy ra ngủ chung với tôi, chắc nó ngượng

18


lắm. Mặc tôi huyên thuyên, nó không nói gì. Tôi tính ba hoa thêm vài câu nữa
nhưng thấy nó ngó lơ chỗ khác, liền nín thinh. Bữa đó, trước khi dỗ giấc tôi
vẫn kịp nhìn thấy con Mận chèn cái gối ở giữa tôi và nó. Con gái ý tứ ghê”
[2, tr.188]. Một thứ tình cảm trong sáng trước hết là tình cảm bạn bè quý mến

giúp cô bé Mận vượt qua sự buồn rầu, cái nghèo của cuộc sống.
Sự mộng mơ, lãng mạn của những đứa trẻ còn được thể hiện qua mảnh
quế cay cay, thơm thơm mà Thiều để dành cho cô bạn mình thích [2, tr.272].
Trong cuộc sống mỗi chúng ta không hề đơn độc và lẻ loi. Bênh cạnh
chúng ta, xung quanh chúng ta, ngoài người thân còn có bạn bè. Những người
tốt bụng luôn quan tâm, giúp đỡ chúng ta vượt qua được khó khăn trong cuộc
sống, giúp chúng ta có thêm nghị lực, mục tiêu cho cuộc sống.
Lứa tuổi đang có những xáo trộn về tâm lý những suy tư, sự mộng mơ
chỉ chiếm một phần trong tâm hồn mỗi đứa trẻ, sự phát triển đồng đều về mọi
mặt thì cũng không thể thiếu những trò chơi tinh nghịch, láu cá của tuổi thơ.
Khi đọc tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh
chúng ta đều nhận thấy, khi người ta có nhiều thứ để đi chơi và nhiều nơi để
chọn như ra công viên nước lướt ván hoặc đắm mình trong các game online
hiện đại. Tuổi thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, là khi bạn còn hòa mình
với thiên nhiên, khi bạn thấy góc vườn nhà mình sao rộng thế và là khi bạn
mặc nguyên quần áo rầm mưa ngoài trời hay bứt lá, lượn nắp keng chơi bày
hàng hay lùng sục các bờ ao tìm hoa dủ dẻ. Những khoảnh khắc, hết sức hồn
nhiên của hai anh em Thiều và Tường được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả hết sức
tự nhiên. Những đứa trẻ lớn lên ở vùng làng quê nghèo Việt Nam hàng ngày,
nơi vui chơi của chúng đó là những đường làng, lũy tre, bờ sông hay cả bãi
tham ma nơi mà anh em Thiều, Tường thường chơi các trò: chuồn chuồn cắn
rốn biết bơi, bắt sâu róm, thổi xoáy cát để tìm con cúc, chơi ném đá, bắt ve
sầu, chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng.

19


“Nhụy hoa phượng có cọng dài và mảnh, đầu hình hạt gạo, màu nâu.
Trẻ con bọn tôi hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng. Hai con gà là hai
cái nhụy móc đầu vào nhau, giựt mạnh, đầu gà nào đứt trước là gà ấy thua.

Mỗi độ hè về, tôi cũng hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng, nhưng lúc
này tôi đang thích trò ném đá” [2, tr.44].
- “Tường nè. - Giọng tôi chùng xuống.
- Gì hở anh?
- Sắp đến mùa hè rồi đó.
- Dạ.
- Khi nào mùa hè tới, lũ ve sầu trở lại, tao sẽ dẫn mày đi rình bắt ve ve.
- Ôi, thích quá! Bắt bằng mủ mít hở anh?
- Ờ, bằng mủ mít. Tao sẽ vót hai cái que thật dài. Mày một cái, tao
một cái. Rồi mình bôi mủ mít lên đầu que.
- Em biết rồi như năm ngoái chứ gì?
Năm ngoái hai anh em tôi trưa nào cũng dọ dẫm ven bờ rào rình bắt
ve ve dưới cái nắng chói chang. Nắng mùa hè rơi xuống từng bựng, hong
vàng lá gòn nhà ông Ba Huấn, lá nhãn lồng nhà thầy Nhãn, lá vú sữa trong
vườn nhà bà tôi và hong vàng tóc hai anh em tôi.
Chiều nào đi bắt ve về, mặt mày tôi và Tường cũng đỏ lơ đỏ lưỡng,
đầu tóc xác xơ và đỏ quạch như hai cây chổi rơm. Mẹ tôi la một trận, dọa
méc ba khiến tôi và Tường sợ xanh mặt nhưng qua hôm sau hai anh em trốn
ngủ trưa lẻn ra sau hè cầm que đi rảo dọc các bờ rào để ngoáng tìm lũ ve
đang đồng ca râm ran trên các tàng cây” [2, tr.99].
Nguyễn Nhật Ánh cũng phải rất hiểu và dày công tìm kiếm để đem đến
cho những đứa trẻ làng quê đủ loại trò chơi dân gian. Những trò chơi tưởng
đã bị lãng quên bỗng có sức hút chưa từng thấy, đưa bạn đọc trở lại làm đứa
trẻ thuở lên mười, hiếu động với muôn vàn tưởng tượng ngây thơ. Tôi thấy

20


×