Tải bản đầy đủ (.pdf) (111 trang)

Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện phú bình, tỉnh thái nguyên từ năm 1986 đến năm 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.07 MB, 111 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN MAI BIỂN

CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH,
TỈNH THÁI NGUYÊN TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2015

LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN VĂN

Thái Nguyên - 2016


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN MAI BIỂN

CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH,
TỈNH THÁI NGUYÊN TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2015
Chuyên ngành : Lịch sử Việt Nam
Mã số : 60.22.03.13

LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN VĂN

Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Xuân Minh

Thái Nguyên - 2016


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và
kết quả nghiên cứu trong Luận văn này là hoàn toàn trung thực và chưa được sử
dụng để bảo vệ một học vị nào. Các tài liệu tham khảo có nguồn trích dẫn rõ ràng.
Thái Nguyên, tháng 09 năm 2016
Tác giả

Nguyễn Mai Biển

i


LỜI CẢM ƠN
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy, cô giáo đã tham gia
giảng dạy lớp Cao học Lịch sử Việt Nam - những người thầy đã trang bị cho
tác giả tri thức và kinh nghiệm quý báu trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tác giả xin trân trọng cảm ơn các thầy, cô giáo thuộc Phòng Đào tạo;
Khoa Lịch Sử Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, các bạn bè,
đồng nghiệp đã động viên, nhiệt tình giúp đỡ tác giả và tạo điều kiện thuận
lợi cho tác giả hoàn thành luận văn này.
Tác giả xin cảm ơn Ủy ban Nhân dân huyện Phú Bình, Phòng Nông
nghiệp huyện Phú Bình, Ủy ban Nhân dân các xã trong huyện Phú Bình đã
giúp đỡ tác giả có nguồn tài liệu phong phú phục vụ nghiên cứu đề tài.
Đặc biệt, tác giả xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Xuân
Minh – người đã nhiệt thành, ân cần hướng dẫn, chỉ dạy và giúp đỡ tác giả
hoàn thành Luận văn này.
Thái Nguyên, tháng 9 năm 2016
Tác giả

Nguyễn Mai Biển


ii


MỤC LỤC
Trang
Trang bìa phụ
Lời cam đoan...................................................................................................... i
Lời cảm ơn ........................................................................................................ ii
Mục lục ............................................................................................................ iii
Danh mục các bảng........................................................................................... iv
Danh mục các hình .............................................................................................v
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài........................................................................................ 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề......................................................................... 3
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài. ............................ 8
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu ................................................ 9
5. Bố cục của đề tài ......................................................................................10
Chương 1. KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN
TRƯỚC NĂM 1986 ........................................................................................12
1.1. Khái quát về huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên....................................12
1.1.1. Sơ lược lịch sử hành chính, vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên .............12
1.1.2. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên.......................................................14
1.2. Kinh tế, xã hội huyện Phú Bình trước năm 1986 ...................................16
1.2.1. Tình hình kinh tế ................................................................................16
1.2.2. Tình hình xã hội .................................................................................21
Tiểu kết chương 1 ........................................................................................24
Chương 2. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH
TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG 10 NĂM ĐẦU ĐỔI MỚI (1986 - 1996) ......25
2.1. Đường lối đổi mới của Đảng và sự vận dụng của Đảng bộ địa phương .....25
2.2. Chuyển biến kinh tế...............................................................................28

2.2.1. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ....................................................28
2.2.2. Nông - lâm - ngư nghiệp.....................................................................30
2.2.3. Thương mại, dịch vụ ..........................................................................39

iii


2.2.4. Xây dựng cơ sở hạ tầng ......................................................................39
2.3. Chuyển biến xã hội................................................................................41
2.3.1. Dân số - Lao động - Việc làm.............................................................41
2.3.2. Về thu nhập - đời sống.......................................................................43
2.3.3. Về giáo dục ........................................................................................45
2.3.4. Về văn hoá - thể dục thể thao .............................................................47
2.3.5. Y tế - Môi trường ...............................................................................49
2.3.6. Công tác an ninh quốc phòng .............................................................53
Tiểu kết chương 2 ........................................................................................55
Chương 3. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH
TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA,
HIỆN ĐẠI HÓA (1997 - 2015) .......................................................................56
3.1. Chuyển biến kinh tế...............................................................................56
3.1.1. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ....................................................56
3.1.2. Nông - lâm - ngư nghiệp.....................................................................61
3.1.3. Thương mại, dịch vụ ..........................................................................68
3.1.4. Xây dựng cơ sở hạ tầng ......................................................................71
3.2. Chuyển biến xã hội................................................................................73
3.2.1. Dân số - lao động - việc làm ...............................................................73
3.2.2. Về thu nhập - đời sống.......................................................................74
3.2.3. Về giáo dục ........................................................................................76
3.2.4. Về văn hoá - thể dục thể thao .............................................................81
3.2.5. Y tế - Môi trường ...............................................................................82

3.2.6. Công tác an ninh quốc phòng .............................................................86
Tiểu kết chương 3.........................................................................................87
KẾT LUẬN .....................................................................................................88
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..............................................................................93
PHỤ LỤC ........................................................................................................99

iv


DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 2.1. Tình hình chăn nuôi của huyện Phú Bình từ 1991 đến 1995 ............ 37
Bảng 3.1. Số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện phân theo
ngành Công nghiệp (2005 - 2010) .................................................. 58
Bảng 3.2. Số lao động công nghiệp trên địa bàn huyện từ 2005 - 2010............ 59
Bảng 3.3. Giá trị sản lượng công nghiệp – thủ công nghiệp trên địa bàn
huyện (2005 - 2010) ....................................................................... 60
Bảng 3.4. Diện tích - sản lượng cây lúa (1998 - 2010)..................................... 62
Bảng 3.5. Tổng diện tích và sản lượng cây lương thực và công nghiệp trên
địa bàn huyện (1996 - 2000) ........................................................... 64
Bảng 3.6. Diện tích - sản lượng một số cây ăn quả (1996 - 2010).................... 65
Bảng 3.7. Năng suất lương thực từ năm 2011 - 2015 ....................................... 67
Bảng 3.8. Số trường, lớp, giáo viên và học sinh phổ thông trên địa bàn
huyện (2007 - 2010) ....................................................................... 80
Bảng 3.9. Cơ sở y tế, giường bệnh và cán bộ y tế trên địa bàn huyện (2006 - 2010).. 83

iv


DANH MỤC CÁC HÌNH, BIỂU ĐỒ

Trang
Biểu đồ 2.1. Bình quân lương thực (người/năm) từ 1986 - 1996 ......................34
Biểu đồ 3.1. Thu nhập bình quân đầu người huyện Phú Bình từ năm 1991
đến năm 2010 ..............................................................................75

v


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Kinh tế được coi là thước đo trình độ phát triển của mọi quốc gia trên thế
giới. Chính vì thế mà tất cả các quốc gia trên thế giới dù đi theo thể chế xã hội
nào cũng đều có những chiến lược để phát triển kinh tế của đất nước.
Kinh tế là cơ sở của mọi quan hệ xã hội và giữ vai trò quyết định đối với
sự phát triển của xã hội. Bằng những chính sách kinh tế cụ thể, nhà nước sẽ
điều tiết nền sản xuất vật chất - đó là cơ sở phát triển của xã hội. Qua đó xác
định được triển vọng và nhịp độ phát triển của xã hội.
Trên bước đường phát triển và hội nhập kinh tế của mỗi quốc gia, dân
tộc, kinh tế địa phương có phần đóng góp không nhỏ. Kinh tế địa phương được
ví như tế bào trong cơ thể sống của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Đại hội đại
biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (12/1976) đã xác định:
“Xây dựng, phát triển kinh tế trung ương kết hợp với kinh tế địa phương. Đầu
tư phát triển kinh tế địa phương là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, tất yếu
trên bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong nền kinh tế xã hội
chủ nghĩa, kinh tế trung ương giữ vai trò quan trọng, kinh tế địa phương giữ
vai trò chủ đạo, kinh tế địa phương gồm kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch lưu thông phân phối ở các
địa phương là một bộ phận tất yếu cấu thành trong cơ cấu thống nhất của nền
kinh tế cả nước, phát triển theo đường lối chung và dưới sự chỉ đạo chặt chẽ
của địa phương” [19].

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 - 1975),
nước ta chuyển sang giai đoạn đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã
hội. Trong 10 năm đầu (1976 - 1986) đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai kế
hoạch nhà nước 5 năm do Đại hội IV (12/1976) và Đại hội V (3/1982) của
Đảng đề ra, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, chúng ta gặp không ít khó
khăn, yếu kém, cả sai lầm, khuyết điểm.

1


Đến năm 1986, đất nước vẫn ở vào tình trạng nghèo nàn lạc hậu, kinh tế
tăng trưởng chậm, trì trệ. Để thoát khỏi tình trạng đó, Đại hội toàn quốc lần thứ
VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó lấy đổi
mới kinh tế làm trọng tâm. Qua các kì đại hội tiếp theo (Đại hội VII, VIII, IX,
X), Đảng ta tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh đường lối đổi mới đất nước theo
hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đường lối đổi mới của Đảng được quán triệt ở tất cả các địa phương
trong cả nước, đem lại những chuyển biến to lớn trong mọi mặt của đời sống
kinh tế, xã hội. Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa
phương đã thực hiện khá thành công đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt, cơ
cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội. Từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, huyện Phú Bình đã có nền kinh
tế đa ngành nghề; từ cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - công nghiệp và dịch vụ,
đã chuyển thành cơ cấu nông - lâm nghiệp - thủy sản - dịch vụ - công nghiệp
xây dựng [31, tr.11].
Trên khắp địa bàn huyện Phú Bình, làng xóm, đồng ruộng không ngừng
được cải tạo, nhiều mô hình kinh tế mới được áp dụng có hiệu quả đã đem lại
năng suất, chất lượng tốt. Ngành Nông nghiệp có giá trị sản xuất ngày càng
tăng, sản xuất ra nhiều loại hàng hoá đáp ứng yêu cầu của thị trường. Những
khu công nghiệp, những trung tâm dân cư mới đã và đang được hình thành, các
công trình xây dựng phục vụ sản xuất và dân sinh được đưa vào sử dụng ngày

một nhiều chất lượng tốt…
Tuy nhiên, chuyển biến kinh tế - xã hội ở huyện Phú Bình còn có nhiều
bất cập và khó khăn cần giải quyết.
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Bình, mảnh đất giàu truyền
thống yêu nước và tinh thần cách mạng, tôi mong muốn được tìm hiểu lịch sử
quê hương mình, đặc biệt là truyền thống, nghị lực của nhân dân Phú Bình
đang được phát huy trong thời kì đổi mới. Qua đó có thể đóng góp một phần

2


nhỏ bé để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hơn nữa việc nghiên cứu
đề tài này sẽ cho tôi một nguồn tư liệu phong phú để giảng dạy ở trường phổ
thông sau này.
Với những lí do trên, được sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Xuân
Minh, tôi đã chọn vấn đề nghiên cứu “Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện
Phú Bình tỉnh Thái Nguyên từ năm 1986 đến năm 2015” làm Luận văn
Thạc sĩ Sử học.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tình hình kinh tế của địa phương trong cả nước nói chung, huyện Phú
Bình tỉnh Thái Nguyên nói riêng là vấn đề được các nhà lãnh đạo và các nhà
khoa học quan tâm với nhiều góc độ khác nhau, nhất là từ sau khi thực hiện
đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng.
Vấn đề kinh tế nói chung, trước hết phải đề cập đến tác phẩm của các
nhà lãnh đạo Đảng ta như:
Tác phẩm Nắm vững đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên xây
dựng kinh tế địa phương vững mạnh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1986 của
cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề cập đến vai trò của kinh tế địa phương đối với
sự phát triển của đất nước.
Tác phẩm Đổi mới sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động

Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội năm 1986 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
đã đề cập đến vấn đề kinh tế, chủ trương đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà
nước trong thời kì đổi mới.
Trong tác phẩm Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời
đại Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1987, cố Tổng Bí thư Trường Chinh phân
tích chủ trương của Đảng ta đề ra từ các Đại hội IV, V; khẳng định tính đúng
đắn và những thành tựu đạt được. Qua đó cũng chỉ ra những sai lầm, khuyết
điểm, nêu rõ sự cần thiết phải đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế.
Trong cuốn Về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nhà xuất bản
Chính trị Quốc gia (1998) nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nêu lên quan điểm

3


chủ trương của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời
cũng chỉ ra vị trí, vai trò, hướng đi của các ngành kinh tế, các tầng lớp, giai cấp
trong thời kì đổi mới.
Tác giả Nguyễn Trọng Phúc, trong cuốn sách Một số kinh nghiệm của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Nhà
xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2000), đã phân tích tính đúng đắn, sáng
tạo của Đảng và những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện
đường lối đổi mới đất nước.
Năm 2004, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội xuất bản cuốn sách Một số
vấn đề về kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời kì đổi mới của Nguyễn Văn
Thường. Trên cơ sở trình bày một số vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong
thời kì đổi mới, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp để khắc phục
những hạn chế, tiến nhanh trên con đường đổi mới.
Trong những năm gần đây, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và
Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ đã tập trung nghiên cứu những vấn đề kinh
tế - xã hội ở một số địa phương. Trong số đó, đáng chú ý là những công trình

khoa học sau đây:
- Đề tài Luận văn Thạc sĩ: Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo chuyển
dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ 1997
– 2004 của Vũ Quang Ánh, được bảo vệ năm 2005 tại Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Công trình này nêu bật vai
trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- xã hội thời gian từ lúc tách tỉnh 1997 đến năm 2004. Công trình cũng nêu rõ
những bài học kinh nghiệm nhằm gợi mở cho sự phát triển trong thời gian tới
của tỉnh.
- Đề tài cấp Bộ Giải pháp kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo và cải thiện
môi trường sống cho người dân nghèo khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên”
(2008) do Đồng Văn Đạt làm Chủ nhiệm. Đề tài nhằm giải quyết tình trạng

4


nghèo đói, cải thiện môi trường sinh sống. Các tác giả đã nêu ró việc giải quyết
tình trạng nghèo đói không những nâng cao đời sống kinh tế, mà nó còn cải
thiện những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự bình đẳng của các tầng lớp cư dân.
Nghèo đói và suy giảm môi trường có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Nếu
làm tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, đời sống người dân sẽ nâng cao về mọi
mặt; ngược lại, họ cũng hiểu được hậu quả khi nguồn tài nguyên bị khai thác
bừa bãi, quá mức.
- Đề tài Luận án Tiến sĩ: Những chuyển biến kinh tế - xã hội ở nông thôn
tỉnh Vĩnh Long thời kỳ đổi mới (1986 – 2005) của Nghiên cứu sinh Nguyễn
Bách Khoa, được bảo vệ năm 2009 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Công trình đã nghiên cứu sự chuyển
biến kinh tế - xã hội nông thôn Vĩnh Long trong những năm đổi mới (1986 2005), trong đó tập trung vào các ngành công - nông - thương nghiệp và phản ánh
sự thay đổi về đời sống xã hội của nhân dân nơi đây. Tác giả nêu lên những bài
học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp nhằm tạo ra những bước bứt phá mới

trong giai đoạn tiếp theo của công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
- Trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên (2009),
tr.115-119, có bài viết “Sự phân hóa mức thu nhập của người dân trên địa bàn
tỉnh Thái Nguyên”. Tác giả Bùi Đình Hòa nêu rõ: Thu nhập của người dân trên
địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự phân hóa rõ nét. Mức thu nhập phân hóa theo
không gian địa lí, theo cơ cấu thu nhập và theo từng hộ gia đình khác nhau.
Những huyện có thu nhập thấp tập trung ở vùng nông thôn, địa phương có thu
nhập cao tập trung ở thành phố Thái Nguyên và các huyện, thị xã có khu công
nghiệp phát triển. Sự phân hóa này thể hiện rõ mối tương quan trong phân hóa
tỉ lệ hộ nghèo. Đó là mối tương quan tỉ lệ thuận. Như vậy, xuất phát từ sự phân
hóa thu nhập ta có thể xác định rõ sự phân hóa các hộ đói nghèo trên địa bàn
tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển toàn diện con
người tỉnh Thái Nguyên.

5


- Năm 2010, học viên Đinh Thị Thu Hoài bảo vệ thành công đề tài Luận
văn Thạc sĩ: Chuyển biến kinh tế xã hội ở thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh, tỉnh
Quảng Trị) giai đoạn 1986 - 2005. Tác giả đã phản ánh sự năng động sáng tạo
của Đảng và nhân dân nơi đây trong công cuộc đổi mới. Thành tựu nhân dân
thị trấn Hồ Xá đạt được đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển xã hội cả bề
rộng lẫn chiều sâu. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế
của huyện, vào chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa của đất nước.
- Năm 2010, học viên Nguyễn Thị Kim Nhung bảo vệ thành công Luận
văn Thạc sĩ với đề tài: Chuyển biến kinh tế xã hội huyện Việt Yên tỉnh Bắc
Giang trong thời kỳ đổi mới (1986-2005). Tác giả đã phán ánh những kết quả
của Đảng bộ huyện và nhân dân huyện Việt Yên trong quá trình đổi mới trên
các lĩnh vực kinh tế, xã hội; nêu rõ những hạn chế cần khắc phục và rút ra một

số bài học kinh nghiệm.
- Đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu và đánh giá chỉ số phát triển con người (HDI)
ở tỉnh Thái Nguyên (2010) do Nghiên cứu sinh Vũ Vân Anh làm Chủ nhiệm.
Đề tài gồm 3 chương, đã đề cập cơ sở lí luận và thực tiễn về sự phát triển con
người nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Đối với địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đề
tài vận dụng mô hình tam giác để tính toán và đánh giá chỉ số HDI; đánh giá
yếu tố lịch sử, tự nhiên, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến con người và phát triển
con người tỉnh Thái Nguyên; phân tích những cơ hội và năng lực mới để con
người Thái Nguyên phát triển toàn diện như cơ hội có việc làm, nâng cao thu
nhập, xóa đói giảm nghèo...; nêu lên thực trạng phát triển con người của tỉnh
Thái Nguyên qua chỉ số HDI, theo công thức của UNDP và một số chỉ tiêu mở
rộng. Từ đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp phát triển toàn diện con người tỉnh
Thái Nguyên qua chỉ số HDI trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Cũng trong năm 2010, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái
Nguyên có bài viết: Nguồn lao động và vấn đề sử dụng lao động, giải quyết

6


việc làm ở tỉnh Thái Nguyên (tr.43-49). Tác giả đã tập trung phân tích những
thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên là có dân số tương đối
đông, lực lượng lao động dồi dào và có trình độ chuyên môn kĩ thuật khá cao.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn lao động cũng đặt ra những thách thức
không nhỏ trong điều kiện của một tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển. Tỉ lệ
lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn lớn (65,08%), năng suất lao
động thấp. Xu hướng chung là có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ lao động
trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ lệ lao động
trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
- Năm 2013, Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Mỹ Hạnh bảo vệ thành công
Luận án Tiến sĩ với đề tài: Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái

Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010. Tác giả đã vận dụng các tiêu chí để phân
tích, đánh giá quá trình chuyển biến của nền kinh tế và đời sống xã hội tỉnh
Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010. Từ đó tác giả rút ra một số kinh
nghiệm chủ yếu góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong
những giai đoạn tiếp theo.
- Năm 2014, học viên Trần Quốc Hoa bảo vệ đề tài Luận văn Thạc sĩ:
Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất tại huyện Phú Bình tỉnh Thái
Nguyên. Tác giả đã nghiên cứu, làm rõ vấn đề giải quyết việc làm cho các hộ
dân bị Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tác giả cũng đề
xuất một số giải pháp giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất trên địa
bàn huyện Phú Bình nói riêng và cho tỉnh Thái Nguyên nói chung, góp phần ổn
định đời sống cho những người dân bị thu hồi trên địa bàn.
- Năm 2015, với đề tài Luận văn Thạc sĩ Kinh tế và Quản trị kinh doanh:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện Phú Bình, học viên Kiều Thị Thao
đã phân tích thực trạng nguồn nhân lực địa phương; đề xuất nhiều giải pháp
tích cực nhằm nâng cao nguồn nhân lực của huyện, góp phần thúc đẩy sự phát
triển kinh tế, xã hội của huyện.

7


- Năm 2015, học viên Ngô Thị Hồng Nhung đã thực hiện thành công đề
tài: Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
(2009-2014). Tác giả đã phản ánh chân thực, chi tiết khách quan quá trình xây
dựng nông thôn mới của huyện Phú Bình; nêu rõ những hạn chế trong quá trình
xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Như vậy, cho đến nay chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về
chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từ năm
1986 đến năm 2015 dưới góc độ khoa học Lịch sử. Tuy nhiên, những công
trình nghiên cứu và tài liệu trên là nguồn tư liệu quý báu giúp tác giả hoàn

thành nghiên cứu đề tài Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình, tỉnh
Thái Nguyên từ năm 1986 đến năm 2015.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài.
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu về chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Phú
Bình, tỉnh Thái Nguyên trong thời kì đổi mới (1986 - 2015).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: Đề tài đi sâu phân tích làm rõ sự chuyển biến về
kinh tế, xã hội huyện Phú Bình trong hai giai đoạn 1986 - 1996 và 1997 - 2015.
- Phạm vi không gian: Huyện Phú Bình, gồm 21 đơn vị hành chính trực thuộc.
- Phạm vi thời gian: Từ năm 1986 đến năm 2015. Tuy nhiên, để làm rõ
yêu cầu của đề tài, Luận văn còn đề cập tình hình kinh tế, xã hội của huyện Phú
Bình trước năm 1986.
3.3. Nhiệm vụ của đề tài
Đề tài tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:
- Nghiên cứu thực trạng kinh tế, xã hội của huyện Phú Bình, tỉnh Thái
Nguyên trước năm 1986.
- Phân tích quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình từ năm
1986 đến năm 1996.

8


- Phân tích quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Phú Bình từ
năm 1997 đến năm 2015.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
4.1. Nguồn tài liệu
Để hoàn thành Luận văn này, tác giả đã tham khảo, sử dụng một số
nguồn tư liệu sau:
- Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần VI, VII, VIII, IX, X, XI; các

nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội.
- Các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo của Đảng bộ tỉnh, Huyện uỷ, Ủy ban
Nhân dân, các phòng, ban ngành huyện Phú Bình.
- Các công trình khoa học đã được công bố liên quan đến đề tài.
- Nguồn tư liệu khảo sát điền dã: Thực hiện Luận văn, tác giả còn khai
thác tư liệu thông qua các cuộc điều tra thực địa ở một số nhà máy, xí nghiệp
đóng trên địa bàn huyện để đảm bảo tính chính xác và nội dung phong phú hơn
cho đề tài.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả sử dụng phương pháp lịch sử kết
hợp với phương pháp lôgic là chủ yếu. Tác giả đã sử dụng phương pháp lịch sử
đề tìm hiểu về sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình từ năm 1986 đến
năm 2015. Với phương pháp này, tác giả đã phân tích hoàn cảnh cụ thể của
huyện trong từng thời kì để từ đó thấy được sự đúng đắn về chủ trương đường
lối của Đảng trong phát triển kinh tế, xã hội. Thông qua các nguồn sử liệu, tác
giả phản ánh một cách trung thực, chi tiết, đầy đủ về tình hình kinh tế, xã hội
của Phú Bình trong các năm từ 1986 đến 2015.
Trên cơ sở phân tích các sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể, tác giả đi đến
khái quát, rút ra nhận định, đánh giá chuyển biến tình hình kinh tế, xã hội
huyện Phú Bình từ năm 1986 đến năm 2015.
Ngoài ra, các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, phương pháp
điền dã... cũng được tác giả vận dụng trong quá trình thực hiện đề tài.

9


5. Đóng góp của luận văn
Tác giả làm rõ sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình từ năm
1986 đến năm 2015. Qua đó thấy được sự thay đổi rõ rệt về mọi mặt của huyện
Phú Bình từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới cho đến năm 2015. Thấy được

sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời là sự
đồng lòng nhất trí của quần chúng nhân dân hưởng ứng chủ trương của Đảng.
Đây cũng là một nguồn tư liệu đáng tin cậy cho việc giảng dạy Lịch sử
địa phương cũng như các ngành khác khi nghiên cứu về lịch sử, kinh tế xã hội
huyện Phú Bình từ năm 1986 đến năm 2015.
6. Bố cục của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung
Luận văn được xây dựng thành 3 chương.
Chương 1: Kinh tế, xã hội huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên trước năm 1986.
Chương 2: Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình tỉnh Thái
Nguyên trong 10 năm đầu đổi mới (1986 - 1996).
Chương 3: Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Phú Bình tỉnh Thái
Nguyên trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997 - 2015).

10


BẢN ĐỒ HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN

11


Chương 1
KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN
TRƯỚC NĂM 1986
1.1. Khái quát về huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên
1.1.1. Sơ lược lịch sử hành chính, vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
Phú Bình là một huyện trung du, miền núi thuộc khu vực Đông Nam của
tỉnh Thái Nguyên. Thời nhà Lý, vùng đất Phú Bình gọi là huyện Tư Nông
thuộc phủ Thái Nguyên; thời Lê Sơ, thuộc thừa tuyên Thái Nguyên, thừa tuyên

Ninh Sóc. Đến thế kỉ XIX, năm 1831, vua Minh Mạng triều Nguyễn cải cách
hành chính, đổi trấn thành tỉnh; trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh Thái Nguyên,
gồm 2 phủ: Phú Bình và Thông Hóa; huyện Tư Nông (thuộc Phủ Phú Bình, xứ
Thái Nguyên) có 9 tổng, với 54 xã, thôn. Cuối thế kỉ XIX, vùng đất xã Hà Châu
và xã Nga My ngày nay được cắt khỏi huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc
Ninh để nhập vào huyện Tư Nông, tỉnh Thái Nguyên. Đầu thế kỉ XX, chính
quyền thực dân Pháp đặt cấp châu, huyện trực thuộc cấp tỉnh. Huyện Tư Nông
đổi thành huyện Phú Bình, gồm 9 tổng, 45 xã.
Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
kí Sắc lệnh số 148/SL ngày 25/3/1948, bãi bỏ các đơn vị hành chính cấp phủ và
tổng, thống nhất quản lí chính quyền 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) trong
toàn quốc. Ngày 1/7/1956, Khu Tự trị Việt Bắc được thành lập; huyện Phú
Bình sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang, huyện Phổ Yên nhập vào tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 15/6/1957, hai huyện nói trên lại chuyển về tỉnh Thái Nguyên. Từ ngày
21/4/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra
Nghị quyết số 103NQ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở sáp nhập hai
tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; huyện Phú Bình là 1 trong 13 huyện, thành của
tỉnh Bắc Thái. Ngày 6/11/1996, tại kì họp thứ 10, Quốc hội (khoá IX) nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra nghị quyết chia tách và điều chỉnh một
số tỉnh trong cả nước. Tỉnh Bắc Thái được chia tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên
và Bắc Kạn.

12


Từ đó đến nay, huyện Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên có 20 xã, 1 thị
trấn, bao gồm 311 xóm và 4 tổ dân phố; huyện lị đặt tại thị trấn Hương Sơn,
cách thành phố Thái Nguyên 28 km theo Quốc lộ 37. Huyện Phú Bình có tọa
độ địa lí từ 21023’ đến 21035’ vĩ Bắc, giữa 105051’ đến 106002’ kinh Đông;
phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ, phía đông và phía nam lần lượt giáp huyện Yên

Thế và huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp thị xã Phổ Yên, phía
tây bắc giáp thành phố Thái Nguyên.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 249,36 km2. Sự kiến tạo địa chất và
các dòng sông Cầu, sông Máng, kênh Đông (thuộc hệ thống đại thuỷ nông) chia
cắt Phú Bình thành 3 vùng:
+ Vùng 1: (Tả ngạn sông Máng) gồm 7 xã miền núi: Đồng Liên, Bàn Đạt,
Đào Xá, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hoà và 1 xã trung du Bảo Lý.
+ Vùng 2: Có địa hình trung bình gồm 6 xã và 1 thị trấn: Xuân Phương, Kha
Sơn, Dương Thành, Thanh Ninh, Lương Phú, Tân Đức và thị trấn Hương Sơn.
+ Vùng 3: (Vùng nước kênh Núi Cốc) có 6 xã: Hà Châu, Nga My, Điềm
Thuỵ, Thượng Đình, Nhã Lộng, Úc Kỳ.
Địa hình huyện Phú Bình tương đối bằng phẳng. Vùng đồi núi hình bát
úp thấp dưới 100 mét; nơi thấp nhất, khoảng 10 mét, thuộc địa phận xã Dương
Thành và nơi cao nhất, khoảng 250 mét so với mặt nước biển, thuộc đỉnh đèo
Bóp (xã Tân Kim). Địa hình có độ dốc giảm dần theo hướng tây bắc - đông
nam. Vùng đồi núi trung du xen với đồng bằng phù sa sông Cầu là điều kiện tự
nhiên để huyện Phú Bình phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây
lương thực.
Khí hậu, thời tiết ở huyện Phú Bình có đặc điểm chung của khí hậu miền
Bắc Việt Nam: Nóng ẩm, mưa nhiều. Trong năm có 2 mùa chính: Mùa hè từ
tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7, trung
bình khoảng 36’C. Mùa đông lạnh và khô, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau,

13


nhưng đến sớm và kết thúc muộn hơn so với các tỉnh đồng bằng khoảng 10
ngày; thường có gió mùa đông bắc; nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1, nhiệt độ
trung bình khoảng 16’C. Vì cách xa biển đến 200 km nên nơi đây rất ít chịu
ảnh hưởng từ biển. Lượng mưa trung bình hằng năm dưới 500m. [59, tr.10].

Đặc điểm khí hậu ở huyện Phú Bình khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Huyện Phú Bình có điều kiện phát triển hệ thống giao thông đường bộ
liên tỉnh và nội tỉnh để mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương
khác. Không chỉ phát triển đường bộ mà hệ thống giao thông đường thủy của
Phú Bình cũng thuận lợi nhờ vào các con sông. Sông Cầu là tuyến giao thông
đường thủy quan trọng, phục vụ nhu cầu vận tải cát, sỏi, nguyên vật liệu xây
dựng. Nhưng những năm gần đây do tình trạng khai thác cát sỏi không được
quy hoạch và quản lí tốt nên nhiều đoạn bị đào bới nham nhở, gây cản trở cho
giao thông đường thủy. Nhờ có con sông này mà có mối quan hệ giao lưu văn
hoá giữa hai miền đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền đệm trung du với
miền núi cao phía Bắc.
1.1.2. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên đất
Theo số liệu thống kê năm 1985, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là
28.171 ha, trong đó đất nông nghiệp có 22.751 ha (chiếm 80,76%). Như vậy,
đất nông nghiệp của huyện chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng diện tích đất tự
nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Diện tích đất trồng
cây hằng năm là 12.076 ha, chiếm 42,3% diện tích đất nông - lâm nghiệp
[65,tr3]. Đất lâm nghiệp của huyện là 8.200 ha, toàn bộ diện tích đất lâm
nghiệp của huyện đều là rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Diện tích nuôi trồng
thủy sản là 18 ha (chiếm 0,06%) diện tích đất nông lâm nghiệp.
Phú Bình có 3 loại đất chính: Đất phù sa: Diện tích khoảng 9.448 ha,
chiếm 33,5% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố tập trung chủ yếu dọc

14


Sông Cầu và các sông suối trên địa bàn huyện. Đất phù sa của huyện thường có
thành phần cơ giới trung bình, đất ít chua, hàm lượng dinh dưỡng khá, rất thích

hợp cho phát triển các loại cây trồng nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng ngắn
ngày (lúa, ngô, đậu đỗ, rau mầu).
Đất bạc màu: Diện tích chỉ có 2.331 ha, chiếm 8,27% diện tích tự nhiên
Loại đất này phân bố ở các huyện phía nam tỉnh. Đất bằng hiện đã được sử
dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa: diện tích 580 ha, chiếm 2,06 % diện
tích tự nhiên. Loại đất này phân bố phân tán ở hầu khắp các thung lũng trên địa
bàn các huyện trong tỉnh, hiện đã được sử dụng trồng lúa và một số cây trồng
ngắn ngày khác.
Nhìn chung đất đai Phú Bình được đánh giá là có chất lượng xấu, nghèo
chất dinh dưỡng, khả năng giữ nước và giữ ẩm kém, độ mùn tổng số thấp từ
0,5% đên 0,7%, độ PH cao từ 4 đến 5% [65,tr4]. Với tài nguyên đất đai như
vậy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao.
- Tài nguyên rừng
Phú Bình là huyện có rất ít rừng tự nhiên, bởi địa hình của huyện tương
đối bằng phẳng. Trong tổng số 5.199 ha diện tích rừng của huyện Phú Bình
(năm 1985), thì Phú Bình có đến 4.560 ha diện tích là rừng trồng, còn lại là
rừng tự nhiên ít năm [65, tr3].
- Tài nguyên nước
Nguồn nước cung cấp cho Phú Bình chủ yếu của sông Cầu và các suối,
hồ, đập. Sông Cầu là một sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chiều dài
đoạn sông chảy qua Phú Bình là 29 km. Sông có lưu lượng nước lớn, khoảng
135m3. Nhờ có lưu lượng nước lớn như vậy mà từ xa xưa, sông Cầu đã trở
thành một trong những tuyến đường thuỷ quan trọng đảm nhận việc giao lưu
buôn bán giữa các địa phương dọc hai bên bờ sông với một số địa phương

15


khác. Đoạn Sông Cầu qua Thái Nguyên chảy theo hướng bắc - nam, uốn khúc

quanh những xóm làng trù phú lâu đời. Kết quả điền dã cho thấy dòng sông có
độ rộng hẹp khác nhau ở từng đoạn sông, khúc sông. Đoạn sông Cầu chảy từ
đập thác Huống (xã Đồng Liên) qua 9 xã rồi đổ về Chã (Phổ Yên) có chiều dài
29km, có lưu lượng nước trung bình vào mùa mưa từ 280 đến 610m3, vào mùa
khô từ 6.3 đến 6.5m3. Do chảy qua địa hình huyện tương đối bằng phẳng,
không có nhiều ghềnh đá cho nên dòng sông như mở rộng ra, trung bình
khoảng 120m, lòng sông cũng nông hơn, nước chảy hiền hoà hơn so với vùng
thượng nguồn.
Ngoài sông Cầu, trên địa bàn huyện còn có sông Đào (còn gọi là sông
Máng) bắt nguồn từ đập thác Huống (xã Đồng Liên) chảy qua bộ phận 9 xã đổ
về sông Thương (Bắc Giang) với chiều dài 31km. Hằng năm, sông Đào cung
cấp nước tưới cho 1.800 ha ruộng của Phú Bình và hàng ngàn ha ruộng của các
huyện Hiệp Hoà, Tân Yên, Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó là hệ
thống đại thuỷ nông hồ Núi Cốc và 119 hồ trữ nước cung cấp nước tưới cho
hơn 1.000 ha đất canh tác thuộc các xã Tây Nam, Tây Bắc của huyện.
- Tài nguyên khoáng sản
Huyện Phú Bình không có các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn như ở
các huyện khác của tỉnh. Do vậy, huyện không có tiềm năng phát triển các
ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim. Tuy nhiên, Phú Bình có nguồn
cát, đá sỏi ở sông Cầu. Đây là nguồn vật liệu xây dựng khá dồi dào, phục vụ
cho các hoạt động khai thác đáp ứng cho nhu cầu xây dựng trong huyện và địa
bàn lân cận.
1.2. Kinh tế, xã hội huyện Phú Bình trước năm 1986
1.2.1. Tình hình kinh tế
Trong hoàn cảnh lịch sử mới, từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, Đảng
Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Đại hội đã

16



đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước 5
năm (1976 - 1980) nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu về lương thực, thực
phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng, cải thiện một bước đời sống
vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo tích lũy cho công nghiệp hóa
xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV
(12/1976) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ II (4/1977),
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XVI (1977) đề ra phương
hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kì 2 năm (1977 - 1979)
là: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan
hệ sản xuất mới; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; ra
sức phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường công
tác lưu thông phân phối; ra sức phát triển và mở rộng các mặt hàng xuất khẩu;
giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng các
hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…” [3, tr.263]
Là một vùng quê thuần nông nên cơ cấu kinh tế của huyện Phú Bình chủ
yếu là nông nghiệp. Đến năm 1985, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
huyện lần thứ XVIII, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ khoa học kĩ thuật được áp dụng, nhiều
giống lúa mới có năng suất cao được gieo trồng. Nhờ đó, nhiều hợp tác xã nông
nghiệp đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra về năng suất và sản lượng. Tổng sản
lượng lương thực toàn huyện năm 1985 đạt 35.662 tấn (có 30.559 tấn thóc và
5103 tấn màu quy thóc) [3, tr.295]. Trong 3 năm từ 1977 đến 1979, huyện Phú
Bình đã thực hiện có hiệu quả việc đưa giống lúa có năng suất cao vào sản xuất
như giống Bao thai lùn, Nông nghiệp 8 sớm, Nông nghiệp 5, Nông nghiệp 22,
Nông nghiệp 294… Cơ cấu vụ mùa được thay đổi ngày càng phù hợp hơn.
Năm 1979, trong số 1.600 ha cấy lúa sớm đã có 800 ha cấy giống lúa sớm năng
suất cao.

17



×