Tải bản đầy đủ (.pdf) (69 trang)

Xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho học sinh lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.03 MB, 69 trang )

TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC
=====o0o=====

NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG
CÁC KIỂU LIÊN KẾT CÂU
CHO HỌC SINH LỚP 5
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Phƣơng pháp dạy học Tiếng Việt

HÀ NỘI, 2016


TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC
=====o0o=====

NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG
CÁC KIỂU LIÊN KẾT CÂU
CHO HỌC SINH LỚP 5
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Phƣơng pháp dạy học Tiếng Việt
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học:
TS. Phạm Thị Hòa


HÀ NỘI, 2016


LỜI CẢM ƠN
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới các thầy cô giáo trường
Đại học sư phạm Hà Nội 2, khoa Giáo dục Tiểu học, tổ Phương pháp dạy học
Tiếng Việt đã tận tình truyền thụ cho em kiến thức, phương pháp giảng
dạy,… giúp cho việc học tập, nghiên cứu, tiếp thu tri thức, trau dồi chuyên
môn nghiệp vụ của em đạt kết quả như mong muốn.
Đặc biệt, em xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo - TS Phạm
Thị Hòa, người đã hướng dẫn, động viên và tận tình giúp đỡ em hoàn thành
khóa luận của mình.
Đồng thời, em cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến các thầy
cô giáo cùng các em học sinh trường Tiểu học Tiến Thắng A, huyện Mê Linh,
thành phố Hà Nội đã giúp em trong quá trình khảo sát thực tế.
Với điều kiện thời gian nghiên cứu và vốn kiến thức còn hạn chế, chắc
chắn đề tài của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được
sự góp ý, chỉ bảo của các quý thầy cô và các bạn để khóa luận này được hoàn
thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 5 năm 2016
Sinh viên

Nguyễn Thị Thanh Nhàn


LỜI CAM ĐOAN
Em xin cam đoan khóa luận tốt nghiệp với đề tài: “Xây dựng hệ thống
bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho học sinh lớp 5” là
kết quả mà em đã trực tiếp nghiên cứu, tìm tòi thông qua sự hướng dẫn của

thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè và nghiên cứu tài liệu.
Khóa luận này là kết quả của riêng cá nhân em, hoàn toàn không trùng
với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Những điều em nói ở trên là
hoàn toàn đúng sự thât. Nếu sai, em xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 5 năm 2016
Sinh viên

Nguyễn Thị Thanh Nhàn


KÝ HIỆU VIẾT TẮT

HS

: Học sinh

HSTH

: Học sinh tiểu học

NXB

: Nhà xuất bản

SGK

: Sách giáo khoa

TH


: Tiểu học

Tr.

: Trang

TV

: Tiếng Việt


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................ 1
1. Lí do chọn đề tài...................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ......................................................................................... 3
3. Mục đích nghiên cứu ............................................................................... 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................... 5
5. Nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................................. 5
6. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................... 5
7. Cấu trúc khoá luận................................................................................... 6
PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................ 7
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN.............................................. 7
1.1. Cơ sở lí luận ......................................................................................... 7
1.1.1. Cơ sở ngôn ngữ học........................................................................ 7
1.1.2. Cơ sở giáo dục ............................................................................ 16
1.1.3. Cơ sở tâm lí học ........................................................................... 20
1.2. Cơ sở thực tiễn ................................................................................... 22
1.2.1. Nội dung bài học về liên kết câu trong SGK TV5 .......................... 22
1.2.2. Thực trạng dạy sử dụng liên kết câu trong trường TH .................. 23
1.2.3. Thực trạng sử dụng liên kết câu của HSTH .................................. 24

1.2.4. Thực trạng việc xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kĩ năng sử
dụng các kiểu liên kết câu ở các trường TH ........................................... 28
Chương 2. HỆ THỐNG BÀI TẬP LĨNH HỘI CÁC KIỂU LIÊN KẾT CÂU
TRONG CÁC VĂN BẢN TẬP ĐỌC........................................................... 30
2.1. Nguyên tắc xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kĩ năng lĩnh hội và sử
dụng các kiểu liên kết câu ......................................................................... 30


2.2. Hệ thống bài tập lĩnh hội các kiểu liên kết câu trong các văn bản
Tập đọc. ................................................................................................... 31
Chương 3. HỆ THỐNG BÀI TẬP RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG CÁC
KIỂU LIÊN KẾT CÂU CHO HỌC SINH LỚP 5 TRONG PHÂN MÔN TẬP
LÀM VĂN ................................................................................................... 42
KẾT LUẬN ................................................................................................. 54
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hoá - hiện đại hoá với những
biến đổi toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá
đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung và khoa học giáo
dục nói riêng. Sự phát triển của thời đại có những ảnh hưởng sâu sắc đến nền
giáo dục nước nhà. Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nền giáo dục là đào tạo những
con người phát triển đủ đức, đủ tài, đủ năng lực để xây dựng và phát triển đất
nước, đưa đất nước hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hoá dân tộc, hoà nhập nhưng không hoà tan.
Trước yêu cầu mới của đất nước, ngày 09 tháng 12 năm 2000 Quốc hội
đã có Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ

thông. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội 2001 - 2010 đã nêu rõ việc "khẩn trương biên soạn và đưa vào sử dụng ổn
định trong cả nước bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, phù hợp với
yêu cầu phát triển mới''.
Nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiểu học (TH) cũng có những
thay đổi cho phù hợp với thời đại. TH là bậc học nền tảng, cung cấp cho HS
(HS) những cơ sở ban đầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ, là hành trang cần
thiết giúp các em học tốt hơn ở những bậc học sau.
Cũng như các môn học khác, chương trình môn Tiếng Việt cũng được
biên soạn mới với mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất là hình thành và phát
triển ở HS tiểu học (HSTH) kĩ năng sử dụng TV (nghe, nói, đọc, viết) để HS
học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.
Chương trình TV đặt mục tiêu rèn luyện kĩ năng lên hàng đầu, để giúp
HS có thể nghe, nói, đọc, viết tốt. Chương trình sách giáo khoa (SGK) TV bậc

1


Tiểu học nói chung và SGK TV 5 nói riêng không trình bày kiến thức như là
các kết quả có sẵn mà tập trung xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tâp để hướng
dẫn HS thực hiện hoạt động, từng bước chiếm lĩnh kiến thức đồng thời hình
thành kĩ năng sử dụng TV cho riêng mình.
Trong các hoạt động rèn luyện kĩ năng sử dụng câu, hoạt động rèn luyện
kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu được GV đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ liên
kết câu dù là nội dung mới được đưa vào trong chương trình tiểu học nhưng
lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Liên kết câu là yếu tố cơ bản, quan trọng
nhất xuyên suốt trong tất cả văn bản nói và văn bản viết. Nhờ có liên kết câu
mà các văn bản mạch lạc, rõ ý nghĩa hơn, cả văn bản thống nhất một nội
dung, thể hiện rõ ý tưởng mà tác giả muốn truyền đạt. Nhờ liên kết câu mà

các câu văn trong cùng một đoạn văn, bài văn trở nên mượt mà hơn, logic,
chặt chẽ hơn, dễ hiểu hơn.
Tuy có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng thời gian dành cho dạy - học
liên kết câu của phân môn Luyện từ và câu không nhiều nên rất khó để có thể
khắc sâu và mở rộng vốn hiểu biết về liên kết câu cho HS. Trong các lỗi nói
và viết, các em còn mắc khá nhiều lỗi do chưa biết cách sử dụng liên kết câu
hoặc đã biết sử dụng nhưng còn chưa phù hợp, chưa linh hoạt. Hơn nữa, các
công trình nghiên cứu về liên kết câu rất nhiều nhưng nghiên cứu về kĩ năng
sử dụng liên kết câu cho học sinh tiểu học (HSTH) nói chung và HS lớp 5 nói
riêng còn rất ít. Trong SGK, các bài tập để rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu
liên kết câu còn nghèo nàn, trong sách tham khảo thì nằm rải rác, chưa mang
tính tổng quát, chưa đi sâu cụ thể từng dạng bài. Vì thế HS ít được thực hành
luyện tập kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu.
Hiện nay mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (VNEN) đã được triển
khai thí điểm ở gần 2000 trường tiểu học trên địa bàn cả nước. Mô hình
trường học mới góp phần chú trọng phát triển năng lực của từng cá nhân HS.

2


Điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình trường học mới Việt Nam VNEN so
với mô hình truyền thống là không yêu cầu bắt buộc các HS phải hoàn thành
bài tập cùng một tiến độ như nhau. Vì thế khi tham gia giảng dạy theo mô hình
trường học mới, GV luôn phải chuẩn bị sẵn hệ thống các bài tập củng cố, ôn
luyện hoặc nâng cao kiến thức cho đối tượng HS khá - giỏi khi các em đã hoàn
thành xong bài học trong sách. Việc cung cấp cho HS hệ thống bài tập rèn
luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu là một biện pháp giúp các em ôn
luyện và nâng cao cách sử dụng các kiểu liên kết câu một cách thành thạo từ đó
tăng cường khả năng viết văn và giao tiếp của các em. Vì vậy việc xây dựng hệ
thống bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho HS là việc

làm cần thiết với tất cả những giáo viên (GV) đang giảng dạy theo chương trình
hiện hành và theo mô hình trường học mới VNEN.
Từ những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài: “Xây dựng hệ
thống bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho HS lớp 5”.
2. Lịch sử vấn đề
Dạy và học liên kết câu là một nhiệm vụ khó khăn và đã được không ít
các nhà giáo dục nghiên cứu, tìm hiểu.
Thứ nhất, đó là các công trình nghiên cứu về liên kết câu:
- Hệ thống liên kết văn bản Tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm (2006, NXB
Giáo dục)
- Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Diệp Quang Ban (1998, NXB
Giáo dục)
Trong hai cuốn sách này, các tác giả đã cung cấp đầy đủ kiến thức về câu
và liên kết câu trong Tiếng Việt. Đây là cơ sở lí luận quan trọng cho việc dạy
học liên kết câu ở Tiểu học .
Thứ hai, đó là các công trình nghiên cứu về việc dạy liên kết câu cho HS
tiểu học. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy những công trình

3


nghiên cứu có đề cập đến vấn đề dạy học liên kết câu cho HS Tiểu học nhưng
chỉ viết ở mức độ sơ bộ.
- GS. TS Lê Phương Nga, trong cuốn “Bồi dưỡng HS khá - giỏi Tiếng
Việt ở Tiểu học” (NXB Đại học Sư Phạm, 2015) đã nêu lên các dạng bài tập
thực hành rèn luyện kĩ năng sử dụng liên kết câu nhưng tác giả chưa đi sâu
vào rèn kĩ năng cho HS từng khối lớp.
- Chuyên đề dạy học Luyện từ và câu ở Tiểu học, Chu Thị Thủy An,
Chu Thị Hà Thanh: Các tác giả đã đưa ra những nhận xét về vai trò, sự cần
thiết của việc dạy học liên kết câu trong trường Tiểu học. Sách còn đưa ra các

thông tin đổi mới về nội dung chương trình SGK và phương pháp dạy học
theo chương trình mới. Tài liệu này chỉ dừng ở mức nêu vai trò tác dụng của
việc dạy học liên kết câu mà chưa đi vào các chỉ dẫn rèn kĩ năng sử dụng
phép liên kết.
- Có một số khóa luận tốt nghiệp Đại học và Sau Đại học bàn đến việc
dạy liên kết câu. Khóa luận tốt nghiệp đại học của Trần Thị Thanh Hương
(2005, Đại học Vinh) với đề tài: “Một số biện pháp hướng dẫn HS lớp 5
luyện tập về liên kết câu trong giờ Luyện từ và câu, Tập làm văn”. Tác giả đã
khát quát chung về liên kết câu và đưa ra biện pháp hướng dẫn HS lớp 5 luyện
tập về liên kết câu trong giờ Luyện từ và câu, Tập làm văn.
Bên cạnh việc kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước,
chúng tôi mạnh dạn tiến hành điều tra thực nghiệm một khía cạnh khác. Đó là
xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho
HS lớp 5.
3. Mục đích nghiên cứu
Khoá luận nhằm xây dựng hệ thống bài tập để rèn luyện kĩ năng sử dụng
các kiểu liên kết câu cho HS lớp 5 từ đó nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt
cho các em

4


4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khoá luận là hoạt động xây dựng hệ thống bài
tập rèn luyện kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu cho HSTH.
4.1. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của khóa luận là hoạt động xây dựng hệ thống bài
tập liên kết câu với các phép liên kết câu mà HS lớp 5 đã học, đó là liên kết
câu bằng cách lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ và từ ngữ nối.

5. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, khóa luận đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Tìm hiểu cơ sở lí thuyết liên quan đến đề tài làm căn cứ xây dựng hệ
thống bài tập.
- Tìm hiểu nội dung các kiểu liên kết câu trong các bài tập đọc trong
SGK TV5.
- Tìm hiểu thực trạng dạy và học việc sử dụng liên kết câu ở 1 số trường
trong vài năm trở lại đây.
- Xây dựng 1 hệ thống bài tập phong phú đa dạng giúp HS lĩnh hội các
kiểu liên kết câu trong các văn bản tập đọc và rèn kĩ năng sử dụng các kiểu
liên kết câu cho HS lớp 5 trong phân môn TLV.
6. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lí luận
Chúng tôi sử dụng phương pháp này để nghiên cứu các tài liệu lí luận
liên quan đến dạy học nói chung và đặc biệt là dạy và học liên kết câu.
- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Phương pháp này dùng để nghiên cứu khả năng thực tế của HS trong
việc nhận diện và sử dụng phép liên kết câu trong học tập và giao tiếp làm cơ
sở để xây dựng hệ thống bài tập.

5


- Phương pháp xử lí thông tin.
Nghiên cứu, phát hiện năng lực, thực trạng nhận diện và sử dụng phép
liên kết câu trong học tập của HS.
Thu lượm tài liệu, kết quả khảo sát để hỗ trợ quá trình đưa ra bài tập.
Phân tích và vận dụng những vấn đề lí thuyết đã nghiên cứu vào thực tế
giảng dạy các bài thực hành Tiếng Việt.
7. Cấu trúc khoá luận

Khoá luận này gồm 3 phần: phần mở đầu và phần kết luận và phần nội
dung. Trong đó, phần nội dung có 3 chương chính sau:
Chương 1. Cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn
Chương 2. Hệ thống bài tập lĩnh hội các kiểu liên kết câu trong các văn
bản tập đọc
Chương 3. Hệ thống bài tập rèn kĩ năng sử dụng các kiểu liên kết câu
cho HS lớp 5 trong phân môn TLV.

6


PHẦN NỘI DUNG
Chƣơng 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Cơ sở ngôn ngữ học
1.1.1.1. Khái niệm liên kết câu
Ngôn ngữ học là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ qua lại,
ràng buộc và chi phối lẫn nhau. Tác giả Trần Ngọc Thêm đã khẳng định
liên kết câu trong văn bản là một trong những yếu tố đặc trưng, là nhân tố
quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu trở thành văn bản.
Vậy liên kết câu trong văn bản là gì? Giải quyết câu hỏi này đã có nhiều
nhà nghiên cứu đưa ra những cách lí giải khác nhau về sự liên kết câu trong
văn bản:
Theo K.Boost tính liên kết như là những sợi dây kéo dài từ câu này sang
câu kia tạo thành một mạng lưới dày đặc, trong đó mỗi câu riêng biệt gắn bó
chặt chẽ với những câu còn lại.
Tác giả Diệp Quang Ban trong “Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết
đoạn văn” đã định nghĩa “liên kết là thứ quan hệ nghĩa giữa hai yếu tố ngôn
ngữ nằm trong hai câu theo quan hệ giải thích nghĩa cho nhau. Nói chi tiết
hơn, liên kết là thứ quan hệ giữa hai yếu tố ngôn ngữ mà muốn hiểu được cụ

thể yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia và trên cơ sở đó hai
câu chứa chúng liên được với nhau” [4, tr.222].
Tác giả Nguyễn Quý Thành trong “Câu tiếng Việt và việc luyện câu cho
HS Tiểu học” nhận định mối liên hệ giữa các câu trong ngôn bản được gọi là
sự liên kết câu.
Theo GS.TS Lê A “Tính liên kết trong văn bản là những mối quan hệ
qua lại chặt chẽ giữa các câu, giữa các đoạn, giữa các phần, các bộ phận của
văn bản.” [16, tr.26].

7


Trong số các tác giả viết về liên kết câu trong văn bản, tác giả Trần Ngọc
Thêm là người trình bày khái niệm và khảo sát liên kết trong Tiếng Việt một
cách hệ thống và tập trung hơn cả. Có thể tóm tắt những quan điểm chính của
ông như sau:
- Liên kết là mạng lưới các mối quan hệ giữa các câu trong một văn bản.
- Liên kết là yếu tố quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu
thành văn bản.
- Liên kết có hai mặt là liên kết nội dung và liên kết hình thức.
Như vậy, khái niệm liên kết câu trong văn bản đã được nhiều tác giả
bàn đến như một trong những đặc trưng quan trọng của văn bản. Tuy nhiên,
có thể nói rằng định nghĩa về tính liên kết của tác giả Phan Mậu Cảnh trong
“Lí thuyết và thực hành văn bản Tiếng Việt” mang tính khái quát hơn cả: liên
kết là mạng lưới các mối quan hệ về nội dung giữa các thành tố trong văn bản
được thể hiện qua những hình thức liên kết nhất định đồng thời là mối quan
hệ giữa văn bản và những nhân tố ngoài văn bản được thể hiện qua những dấu
hiệu nhất định.
1.1.1.2. Các kiểu liên kết câu
Các câu trong văn bản liên kết với nhau về nội dung và hình thức. Hai

mặt này có quan hệ biện chứng với nhau khiến văn bản là một thể thống nhất
đáp ứng yêu cầu giao tiếp. “Liên kết nội dung được thể hiện bằng một hệ
thống các phương thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng
để diễn đạt sự liên kết nội dung.” [16, tr.24].
* Liên kết nội dung, theo GS Trần Ngọc Thêm, có thể hiểu như sau: tất
cả các câu trong ngôn bản đều phối hợp với nhau một cách hài hòa, bổ sung
cho nhau để cùng thể hiện một nội dung. Liên kết nội dung trong văn bản thể
hiện trên hai bình diện: liên kết chủ đề và liên kết logíc.
Liên kết chủ đề: Mỗi văn bản đều nhất quán nói về một chủ đề nhất định
(chủ đề: đề tài, vật, việc được nói đến). Vì thế một văn bản có tính liên kết về nội

8


dung là các câu, các phần trong văn bản đều phải xoay quanh chủ đề chung.
Liên kết logíc là “sợi dây nối kết hợp lí giữa vật, việc với đặc trưng của
chúng trong một câu và giữa đặc trưng này với đặc trưng kia trong những câu
liên kết với nhau” [6, tr.136].
* Liên kết hình thức là “hệ thống các phương thức liên kết hình thức” [6,
tr.121].
“Phương thức liên kết là biện pháp sử dụng các phương tiện ngữ âm,từ
vựng ngữ pháp để liên kết câu” [18, tr.159]. Mỗi cặp câu có thể liên kết với
nhau bằng một hoặc nhiều phương thức.
Đã có nhiều công trình khác nhau nghiên cứu về các phương thức liên kết
trong Tiếng Việt như “Hệ thống liên kết văn bản Tiếng Việt” (Trần Ngọc Thêm,
1985), “Hệ thống liên kết lời nói trong Tiếng Việt” (Nguyễn Thị Việt Thanh,
1999), “Văn bản và liên kết trong Tiếng Việt” (Diệp Quang Ban, 1998)….
Các công trình khác nhau đưa ra cách phân loại các phương thức liên kết
hình thức khác nhau, tuy nhiên chúng tôi thấy GS Nguyễn Minh Thuyết trong
“Hỏi - Đáp về dạy học Tiếng Việt 5” đã nêu lên bảy phương thức liên kết câu

một cách rõ ràng, đơn giản và cụ thể. Có thể trình bày ngắn gọn bảy phương
thức đó như sau:
* Phương thức lặp (phép lặp) là biện pháp sử dụng trong câu đứng sau
yếu tố ngôn ngữ đã xuất hiện ở câu trước để liên kết câu. Đây là một dạng
thức liên kết phổ biến nhất trong văn bản.
Ví dụ:
Hoa tay càng nhiều thì vẽ càng đẹp. Nếu con có mười cái hoa tay, con sẽ
vẽ đẹp nhất lớp, con viết chữ cũng đẹp nhất lớp.
(Nguyễn Nhật Ánh)
Dựa vào phương tiện liên kết câu, người ta chia phương thức lặp thành 3
tiểu loại:

9


- Thứ nhất, lặp ngữ âm là một dạng của phương thức lặp mà ở đó yếu tố
được lặp là các phương tiện ngữ âm (vần, nhịp, số lượng âm tiết trong một câu).
Lặp âm tiết thường có tính chất chơi chữ, mang màu sắc tu từ.
Ví dụ:
Ðòn gánh / có mấu
Củ ấu / có sừng
Bánh chưng / có lá
Con cá / có vây
Ông thầy / có sách
Ðào ngạch / có dao
Thợ rào / có búa...
- Thứ hai, lặp từ vựng là một dạng của phương thức lặp mà ở đó yếu tố
được lặp là thực từ, cụm từ (danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, hư từ, các
loại cụm từ). Lặp từ vựng là phương thức ngữ pháp quan trọng để liên kết chủ
đề (duy trì chủ đề). Tuy nhiên nếu lạm dụng dễ dẫn đến lỗi lặp và làm cho văn

bản nặng nề, nhàm chán.
Ví dụ:
Buổi sáng, Bé dậy sớm ngồi học bài. Dậy sớm học bài là một thói quen
tốt. Nhưng phải cố gắng lắm mới có được thói quen ấy. Rét ghê. Thế mà Bé
vùng dậy, chui ra được khỏi cái chăn ấm. Bé ngồi học bài.
(Tô Hoài)
- Thứ ba, lặp cú pháp là một dạng của phương thức lặp mà ở đó yếu tố
được lặp là cấu trúc câu.
Ví dụ:
Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
(Tố Hữu)
Lặp cú pháp là phương tiện liên kết logic, mang lại tính mạch lạc, chặt
chẽ cho văn bản, đôi khi nó còn tạo ra giá trị nghệ thuât cao.

10


* Phương thức thay thế từ ngữ (sau đây gọi tắt là phép thế hoặc phương
thức thế) là biện pháp sử dụng trong câu những từ đồng nghĩa hoặc đồng sở
chỉ với từ ngữ đã xuất hiện ở câu trước để liên kết câu.
Ví dụ:
“Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tưởng đến một
trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như
tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã
xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng.”
(Nguyễn Thi)
Phương thức thế gồm 2 kiểu:
Thứ nhất là thế đại từ. Đây là một dạng của phương thức thế mà ở đó
yếu tố dùng để thế là đại từ. Phương thức thế đại từ không những có tác dụng

duy trì chủ đề, rút gọn văn bản, tránh lặp mà còn góp phần quan trọng trong
việc rèn luyện kĩ năng sử dụng đại từ cho học sinh.
Ví dụ 1:
“Rõ ràng Trống Choai của chúng ta đã hết tuổi bé bỏng thơ ngây. Chú
chẳng còn phải quấn quýt quanh chân mẹ nữa rồi.”
(Hải Hồ)
Thứ hai là thế đồng nghĩa hoặc đồng sở chỉ. Đây là một dạng của
phương thức thế mà ở đó yếu tố dùng để thay thế là các từ ngữ đồng nghĩa
hoặc đồng sở chỉ. Ngoài chức năng liên kết chủ đề, phương thức này còn có
tác dụng giúp cho việc diễn đạt sinh động hơn và cung cấp thêm thông tin cho
người đọc.
Ví dụ:
Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương,
chàng thư sinh họ Trương thấy ông luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiến vị
Quốc công Tiết chế có thể rối trí. Vị Chủ tướng tài ba không quên một trong

11


những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người.
Chuyến này, Hưng Đạo Vương lai kinh cùng nhà vua dự Hội nghị Diên Hồng.
Từ đây, Ông sẽ đi thẳng ra chiến trận. Vào chốn gian nguy trước vận nước
ngàn cân treo sợi tóc mà Người vẫn bình thản, tự tin, đĩnh đạc đến lạ lùng.
(Lê Vân)
* Phương thức tỉnh lược là biện pháp lược bỏ trong câu sau từ ngữ xuất
hiện ở câu trước để liên kết câu.
Ví dụ:
Chúng ta phải tiến lên, cách mạng phải tiến lên nữa. Nếu ɸ1 không tiến
lên tức là ɸ2 thoái. Và nếu ɸ3 thoái thì những thắng lợi đã đạt được không
thể củng cố và phát triển.

(Hồ Chí Minh)
Trong ví dụ trên phép tỉnh lược được sử dụng trong câu 2: ɸ1 tỉnh lược
từ “chúng ta”,ɸ2 và ɸ3 tỉnh lược từ “cách mạng”.
Phép tỉnh lược có tác dụng duy trì chủ đề và rút gọn văn bản.
* Phương thức liên tưởng là biện pháp sử dụng trong câu sau những từ
ngữ chỉ sự vật, hiện tượng liên quan gần gũi nhưng không đối lập với từ ngữ
chỉ sự vật, hiện tượng đã xuất hiện ở câu trước để liên kết câu. Phép liên
tưởng có tác dụng duy trì chủ đề văn bản và góp phần quan trọng trong mở
rộng vốn từ cho HS.
Ví dụ:
Mặt trời lên bằng hai con sào thì ông về đến con đường nhỏ rẽ về làng.
Không cần phải hỏi thăm nữa cũng nhận ra rặng tre ở trước mặt kia là làng
mình rồi. Cái chấm xanh sẫm nhô lên đó là cây đa đầu làng. Càng về đến gần
càng trông rõ những quán chợ khẳng khiu nấp dưới bóng đa.
(Nguyễn Ðịch Dũng)
*Phương thức nghịch đối là biện pháp sử dụng trong câu sau những từ
ngữ chỉ sự vật, hiện tượng tương phản, trái ngược với từ ngữ chỉ sự vật, hiện
tượng đã xuất hiện ở câu trước để liên kết câu.

12


Ví dụ:
Những vấn đề vật chất giải quyết không khó đâu. Bây giờ các đồng chí
gặp khó khăn, theo tôi nghĩ, một phần lớn là do không có người quản lí. Có
người quản lí rất tận tụy, đồng thời rất kiên trì, thì giải quyết được rất
nhiều việc.
(Phạm Văn Ðồng)
Do phương thức sử dụng chủ yếu các từ ngữ chỉ sự vật, hiện tượng
tương phản nên phương thức nghịch đối có tác dụng mở rộng chủ đề. Phương

thức này mang đậm màu sắc của một biện pháp tu từ - biện pháp tương phản.
* Phương thức tuyến tính là biện pháp sử dụng trật tự trước sau trên hình
tuyến của các câu có quan hệ nghĩa chặt chẽ với nhau để tạo liên kết giữa
chúng. Trong liên kết bằng phép tuyến tính, nếu thay đổi trật tự của các câu
thì sẽ dẫn đến sự thay đổi của nội dung văn bản. Vì thế phép tuyến tính có tác
dụng mang lại tính mạch lạc rất cao cho văn bản.
Ví dụ:
Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật
cũng cần tiến bộ mạnh.
(Hồ Chí Minh)
* Phương thức nối là biện pháp sử dụng trong câu sau các từ ngữ có tác
dụng chuyển tiếp để liên kết câu. Phương thức nối có tác dụng liên kết logic,
nó mang lại sự chặt chẽ, mạch lạc cho văn bản.
Ví dụ:
Ngày nào cũng vậy, suốt buổi, tôi chui vào trong cùng hang, hì hục đào
đất để khoét một cái ổ lớn, làm thành cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng
biết lo xa như các cụ già trong họ dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm
những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp
nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được.
(Tô Hoài)

13


Dựa theo loại từ ngữ dùng làm phương tiện để nối, người ta chia phương
thức nối thành 3 tiểu loại sau:
- Thứ nhất, nối bằng quan hệ từ: Đây là một dạng của phương thức nối
mà ở đó yếu tố dùng để nối là các quan hệ từ, chẳng hạn như: và, với, hay,
hoặc, nhưng, mà, thì, của, bằng, như, để, ….
Ví dụ:

“Tôi là em út, bé nhất nên được mẹ tôi sau khi dắt vào hang, lại bỏ theo
một ít ngọn cỏ non trước cửa, để tôi nếu có bỡ ngỡ, thì đã có ít thức ăn sẵn
trong vài ngày. Rồi mẹ tôi trở về.”
(Tô Hoài)
- Thứ hai, nối bằng tổ hợp từ: Đây là một dạng của phương thức nối mà
ở đó yếu tố dùng để nối là một số tổ hợp từ thường gặp như: ngoài ra, thêm
vào đó, hơn nữa, nhìn chung là, nói tóm lại, nói chung, sang đến,…
Ví dụ:
Sang đến anh hoa muồng thì đã ngả hẳn sang sắc vàng chanh. Nhưng
nói chung, đó toàn là những màu sắc sặc sỡ như muốn phô hết ra ngoài.
(Vân Long)
- Thứ ba, nối bằng trợ từ, phó từ như cũng, lại, vẫn, cứ, còn, càng, đã,
đang, sẽ,…
Ví dụ:
Gà lên chuồng từ lúc nãy. Hai bác ngan cũng đã ì ạch về chuồng rồi.
Chỉ có hai chú ngỗng vẫn tha thẩn đứng giữa sân.
(Tô Hoài)
Mỗi cặp câu có thể liên kết với nhau bằng một hay nhiều phương thức.
Ví dụ:
Nhưng khi lửa ở cây gạo sắp lụi thì nó lại bén sang những cây vông
cạnh cầu Thê Húc. Rồi thì cả bãi vông lại bừng lên, đỏ gay, đỏ gắt suốt cả
tháng tư.
(Vân Long)

14


Hai câu văn trên tác giả vừa sử dụng phương thức lặp từ vựng (vông),
vừa sử dụng phương thức liên tưởng đồng loại (cây gạo - cây vông), và
phương thức nối (rồi).

Chú ý:
Trong liên kết câu người ta sử dụng các phương tiện liên kết câu.
Phương tiện liên kết câu là yếu tố ngôn ngữ được sử dụng nhằm bộc lộ mối
liên hệ giữa các câu, các bộ phận có liên kết với nhau. Mỗi cặp câu có thể sử
dụng một hay nhiều phương tiện liên kết câu.
Có các phương tiện liên kết câu sau:
+ Phương tiện ngữ âm (vần, nhịp, số lượng âm tiết)
+ Phương tiện từ vựng (danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, hư từ, các
loại cụm từ).
+ Phương tiện cú pháp (cấu trúc câu).
Ví dụ:
“Tre anh hùng lao động! Tre anh hùng chiến đấu!”
(Thép Mới)
Mỗi cặp câu có thể liên kết với nhau bằng một hay nhiều phương thức và
phương tiện liên kết.
Ví dụ:
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà.
Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha.
(Tố Hữu)
Hai câu thơ trên vừa sử dụng phương tiện ngữ âm (lặp vần “a”, nhịp 4/3,
số lượng âm tiết là 7), vừa sử dụng phương tiện từ vựng (lặp Bác, miền Nam,
nỗi) và phương tiện cú pháp (lặp cấu trúc câu chủ ngữ - vị ngữ - thành phần
phụ chú). Đồng thời, hai câu thơ trên cũng sử dụng phương thức lặp (Bác,
miền Nam, nỗi), phương thức thế (Bác - Cha), phương thức liên tưởng (nhớ mong).

15


1.1.1.3. Các kiểu liên kết câu được học ở Tiểu học
Có rất nhiều phương tiện và phương thức để liên kết câu nhưng trong

chương trình Tiểu học, các em chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu 3 phương thức liên
kết câu đó là:
+ Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ (tuần 25, tiết 1).
+ Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ (tuần 25, tiết 2).
+ Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối (tuần 27, tiết 2).
SGK bố trí tiết “Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ” học
đầu tiên, sau đó là tiết dạy “Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ
ngữ” cuối cùng là tiết “Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối”. Cách bố
trí như vậy là hợp lý, vì trong nhận diện các kiểu liên kết câu, phép lặp dễ
nhận diện nhất, sau đó đến phép thế và cuối cùng là phép nối. Cách sắp xếp
này đảm bảo tính khoa học, tăng dần về độ khó kiến thức cho các em, phù
hợp với mục tiêu giáo dục.
1.1.2. Cơ sở giáo dục
1.1.2.1. Bài tập
a) Khái niệm bài tập
Theo từ điển TV, bài tập là “bài ra cho HS làm để vận dụng những điều
đã học” [14, tr.33]. Đây là quan niệm được nhiều tác giả của nhiều công trình
nghiên cứu lí luận giáo dục và lí luận dạy học sử dụng để nghiên cứu về bài
tập. Quan niệm này chủ yếu phù hợp với các bài học về lí thuyết và vận dụng
thực hành theo lí thuyết. Đây là dạng bài mà nội dung học có sự phân biệt
rạch ròi giữa lí thuyết và thực hành (phần vận dụng) trong đó lí thuyết được
dạy trước và phần vận dụng được dạy sau bằng một hệ thống các bài tập.
Nghĩa là các bài tập ở phần lí thuyết chủ yếu giúp HS nắm chắc các khái niệm
lí thuyết, củng cố các đơn vị kiến thức vừa học.
Bài tập là những nhiệm vụ, công việc được giao cho mỗi nhóm hoặc mỗi

16


cá nhân trong khuôn khổ một chương trình học tập nhằm rèn luyện kĩ năng

hay tăng cường kiến thức cho người học.
Từ hai định nghĩa này có thể hiểu bài tập không chỉ dùng với mục đích
giúp người học củng cố vận dụng kiến thức đã học, rèn luyện kĩ năng tương
ứng mà còn giúp họ hình thành tri thức mới, phát triển các kĩ năng khác.
Trong các bài học thực hành rèn luyện kĩ năng, bài tập được coi là cơ
bản, chủ yếu để thực hiện mục đích. Bài tập là yếu tố không thể thiếu, có vai
trò hết sức quan trọng. Mặt khác theo quan điểm phát huy tính tích cực chủ
động của HS trong giờ học, hệ thống bài tập hiện nay không chỉ đơn thuần là
bài tập rèn luyện kĩ năng thực hành mà còn là cả một con đường để HS tự tìm
kiếm, chinh phục tri thức, hình thành những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết cho
mình.
Tóm lại, bài tập là một hệ thống tin xác định bao gồm điều kiện và yêu
cầu được đưa ra trong quá trình dạy học, đòi hỏi người học phải có lời giải
đáp. Nếu một loạt các bài tập cùng kiểu lặp đi, lặp lại tới mức độ cần thiết thì
sẽ khắc sâu kiến thức, hình thành nên những kĩ năng, kĩ xảo tương ứng.
Thông qua đó, người học sẽ đạt tới một kết quả nào đó trong học tâp.
Dạy HS sử dụng các kiểu liên kết câu là giúp các em hình thành và phát
triển các kĩ năng để cuối cùng các em biết tạo lập các văn bản nói, văn bản
viết có sử dụng liên kết câu chặt chẽ, hay, sinh động. Muốn đạt được mục
đích trên con đường ngắn nhất có tính chất bắt buộc là con đường thực hành
và thực hành thông qua hệ thống bài tập bao giờ cũng đem lại hiệu quả toàn
diện, tốt nhất. Nói cụ thể hơn, trong dạy thực hành rèn luyện kĩ năng sử dụng
các kiểu liên kết câu thì việc rèn luyện thông qua hệ thống bài tập là vô cùng
cần thiết. Vấn đề đặt ra là hệ thống bài tập đó được xây dựng như thế nào?
b) Hệ thống bài tập
Trong cuốn từ điển “Từ và ngữ Hán - Việt” khái niệm hệ thống được

17



hiểu là tập hợp những bộ phận có liên hệ chặt chẽ với nhau theo thứ tự sắp
xếp có quy củ và liên tục. Bản chất cốt lõi của khái niệm hệ thống được thực
hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất là nội tại có tính chất logic rất rõ của từng
thành tố riêng biệt với những thành tố khác trong một dãy các thành tố. Thứ
hai là tính chất tổng thể hợp thành của một đối tượng từ những thành tố cùng
loại hay có cùng chức năng.
Như vậy, hệ thống có thể được hiểu là tập hợp những thành tố có liên hệ,
quan hệ với nhau, tác động lẫn nhau tạo nên một chỉnh thể mới. Hệ thống bài
tập là một tập hợp nhiều bài tập khác nhau được xếp thành các nhóm, trong
mỗi nhóm có thể có những nhóm nhỏ hơn, theo một trình tự nhằm thực hiện
những chủ đích chung. Thông thường để đảm bảo tính khoa học về quá trình
nhận thức của người học, hệ thống bài tập được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến
khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức đơn lẻ đến những kiến thức tổng
hợp nhằm rèn luyện, phát triển tổng hợp những kĩ năng cụ thể cho người học.
Trong dạy học, muốn phát triển một kĩ năng của HS, người dạy phải xác định
được hệ thống hành động, cách thực hiện hành động và các tình huống trong
thực tế để HS thực hành luyện tập. Các hành động này được cụ thể hoá bằng
một hệ thống bài tập. Giải quyết được toàn bộ những yêu cầu của hệ thống bài
tập, HS sẽ có được những kĩ năng, kĩ xảo và năng lực tương ứng.
c) Cơ sở xây dựng bài tập
Để hoạt động thực hành đạt hiệu quả, hệ thống bài tập phải được xây
dựng trên những cơ sở khoa học.
Trước hết các bài tập phải đáp ứng được mục tiêu môn học. Các bài tập
phải đảm bảo tính chính xác về nội dung, cấu tạo ngữ pháp, phong phú về
hình thức, phù hợp với năng lực của HS.
Khi thiết kế hệ thống bài tập cần chú ý tuân thủ một số nguyên tắc của
dạy học luyện từ & câu như nguyên tắc giao tiếp; nguyên tắc tích hợp; nguyên
tắc trực quan; nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống của từ, câu;…

18



×