Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

HỢP ĐỒNG QUYỀN CHỌN TRONG PHÒNG NGỪA RỦI RO HỐI ĐOÁI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (285.87 KB, 6 trang )

HỢP ĐỒNG QUYỀN CHỌN TRONG PHÒNG NGỪA RỦI RO HỐI ĐOÁI – VẤN
ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM
TS. Kiều Hữu Thiện* Học viện Ngân hàng
Hoạt động kinh tế đối ngoại nảy sinh nhu cầu thanh toán trao đổi các đồng tiền khác
nhau, kèm theo quá trình này thì nguy cơ rủi ro hối đoái luôn tiềm ẩn phức tạp. Để
phòng ngừa rủi ro này, người ta có thể sử dụng nhiều biệp pháp, công cụ khác nhau,
trong đó hợp đồng quyền chọn thường được sử dụng. Tùy theo tính chất của các loại
giao dịch trên thị trường mà khách hàng có thể lựa chọn sử dụng một loại hợp đồng phù
hợp đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro và kinh doanh. Bài viết này đề cập đến những
vấn đề lý luận về hợp đồng quyền chọn trong phòng ngừa rủi ro hối đoái và thực tiễn
triển khai tại Việt Nam hiện nay.
1. Khái quát chung về hợp đồng quyền chọn
Quyền chọn là một công cụ cho phép người nắm giữ nó được mua (nếu là quyền chọn
mua) hoặc bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng nhất định tài sản với một mức giá
xác định và trong một khoảng thời gian xác định. Việc mua/bán thực hiện thông qua các
hợp đồng trong đó các đối tác chủ yếu là bên bán quyền và bên mua quyền. Hợp đồng
quyền chọn có các loại: Quyền chọn mua và quyền chọn bán.
Quyền chọn mua bao gồm: Mua quyền chọn bán (Buy a Put) hoặc Mua quyền chọn mua
(Buy a Call).
Mua quyền chọn mua: Là hợp đồng trong đó người mua hợp đồng có quyền mua một loại
tiền nhất định bằng một đồng tiền khác tại một thời điểm được xác định trong tương lai
theo tỷ giá được thỏa thuận tại thời điểm ký hợp đồng .
Mua quyền chọn bán: Là hợp đồng trong đó người mua hợp đồng có quyền bán một loại
tiền nhất định để lấy một đồng tiền khác tại thời điểm xác định trong tương lai theo mức
tỷ giá được thỏa thuận tại thời điểm ký hợp đồng.
Quyền chọn bán cũng bao gồm 2 loại: Bán quyền chọn bán (Sell a Put) hoặc Bán quyền
chọn mua (Sell a Call).
Trong một hợp đồng quyền chọn có 2 đối tác tham gia: Bên bán quyền chọn và bên mua
quyền chọn. Bên bán quyền thường là các công ty kinh doanh quyền chọn. Thông qua
việc bán quyền chọn, họ sẽ thu được khoản phí. Sau khi đã thu phí từ những người mua
quyền thì bên bán phải có nghĩa vụ luôn sẵn sàng tiến hành thanh toán cho bên mua tại


mức tỷ giá đã thỏa thuận nếu người mua thực hiện quyền chọn của mình.
Bên mua quyền thường là các nhà xuất nhập khẩu, nhằm phòng vệ rủi ro đối với các hoạt
động xuất hay nhập khẩu thì họ có thể thông qua các hợp đồng quyền chọn và họ sẽ phải
trả khoản phí nhất định cho các công ty kinh doanh quyền chọn. Sau khi đã trả một khoản
phí nhất định cho người bán quyền chọn, người mua có quyền quyết định thực hiện hoặc
không thực hiện quyền chọn của mình tùy thuộc vào lợi ích trong giao dịch mua bán
trong tương lai khi hợp đồng đáo hạn.
Như vậy, hợp đồng quyền chọn ràng buộc nghĩa vụ vô điều kiện đối với người bán hợp
đồng, trong khi đó với người mua quyền thì có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thực
hiện hợp đồng. Đặc điểm này cho thấy rằng bản chất của loại hợp đồng quyền chọn cũng
tương tự loại hợp đồng bảo hiểm. Nó bảo đảm cho người mua có một sự bảo vệ trong
trường hợp tỷ giá thị trường diễn biến theo hướng bất lợi trong tương lai. Có nghĩa là,
đứng từ phía người mua hợp đồng, họ chỉ thực hiện hợp đồng khi tỷ giá thị trường trong
tương lai diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngược lại, nếu tỷ giá thị trường diễn biến
thuận lợi thì người mua sẽ không thực hiện hợp đồng, tức là họ sẽ thực hiện mua hay bán
ngoại tệ trên thị trường.


Tỷ giá áp dụng trong thanh toán quyền chọn là tỷ giá quyền chọn. Ngoài yếu tố cung- cầu
thì tỷ giá quyền chọn còn chịu sự chi phối bởi mức phí quyền chọn và do vậy, loại tỷ giá
này có thể có sự chênh lệch đáng kể so với tỷ giá giao ngay hay tỷ giá kỳ hạn. Về nguyên
tắc, các công ty kinh doanh quyền chọn chấp nhận bất cứ mức tỷ giá nào do khách hàng
đưa ra, song để có lợi từ hợp đồng này thì họ sẽ tính mức phí (giá) quyền chọn. Mức giá
của quyền chọn cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào xác suất thực hiện hợp đồng khi đáo
hạn. Nếu xác suất thực hiện hợp đồng lúc đáo hạn càng cao thì giá quyền chọn sẽ càng
cao và ngược lại.
2. Phòng ngừa rủi ro hối đoái bằng hợp đồng quyền chọn
Đối với các nhà xuất nhập khẩu, các hợp đồng quyền chọn có ý nghĩa vô cùng quan
trọng, bởi nó cho phép họ tự phòng vệ rủi ro trong điều kiện tỷ giá thị trường biến động
phức tạp, tương tự như loại công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá hiệu quả.

Ví dụ, ngày 15/4/2011, Công ty A của Việt Nam xuất khẩu lô hàng thủy sản sang Mỹ với
hạn ngạch 125 triệu EUR theo phương thức L/C kỳ hạn thanh toán tiền hàng là 8 tháng.
Có nghĩa là phải tới 8 tháng sau khi xuất hàng thì công ty A mới nhận được thanh toán
tiền hàng xuất khẩu. Như vậy, công ty này có trạng thái trường là 125 triệu EUR và trạng
thái này được duy trì liên tục trong thời hạn 8 tháng. Khi tỷ giá EUR/VND trên thị trường
giảm xuống, công ty này sẽ bị đối mặt với rủi ro thua lỗ/ giảm lãi so với kế hoạch. Để
phòng vệ rủi ro thì bắt buộc công ty A phải làm mất trạng thái về EUR thông qua một
hợp đồng phái sinh (bán khống). Về nguyên tắc, công ty A có thể sử dụng các hợp
forward, option hay future để phòng vệ rủi ro.
Thông qua hợp đồng kỳ hạn (forward): Giả sử rằng công ty A tìm đến NHTM B và ký
một hợp đồng bán (forward) 125 triệu EUR với kỳ hạn 8 tháng. Về lý thuyết thì tỷ giá
forward sẽ được xác định theo công thức sau đây:
(RT – RC)t
F=S+S
1 + RC.t
Trong đó:
F: Tỷ giá kỳ hạn
S: Tỷ giá giao ngay tại thời điểm ký hợp đồng forward
RT: Lãi suất của VND tính theo năm
RC: Lãi suất của EUR tính theo năm
T: Kỳ hạn của hợp đồng forward tính theo năm (t= 8/12 = 2/3)
Trong thực tế thì tỷ giá forward có thể được thương lượng giữa NHTM và khách hàng.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khi công ty A đã ký bán forward 125 triệu EUR thì phải ràng
buộc vô điều kiện trong việc thực thi hợp đồng này, cho dù tỷ giá thị trường sau 8 tháng
có sự biến động như thế nào chăng nữa.
Có các tình huống sau đây sau 8 tháng:
1. F>Se (Se là tỷ giá tại thời điểm hợp đồng forward đáo hạn). Khi đó, với việc ký
hợp đồng forward thì công ty A có lợi.
2. Flỗ (vì nếu như công ty A không bị ràng buộc bởi hợp đồng forward mà đem bán

125 triệu EUR ở thị trường theo tỷ giá Se thì có lợi hơn).
Thực tế này cho thấy rằng, mặc dù công cụ forward giúp các nhà xuất nhập khẩu biết
trước tỷ giá mà họ có thể nhận được khi mua hay bán ngoại tệ trong tương lai, nhưng rủi
ro vẫn tiềm ẩn.


Thông qua hợp đồng future: Công ty A có thể ký bán future các hợp đồng về EUR (100
hợp đồng) kỳ hạn tương đương 8 tháng. Trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng
này, nếu như EUR giảm giá thì công ty có thể tìm đến thị trường và ký mua 100 hợp
đồng tương lai về EUR và khi đó, các nhà quản lý thị trường sẽ thực hiện đóng tài khoản
của công ty và công ty sẽ được hưởng phần chênh lệch do tỷ giá thay đổi này.
Chẳng hạn: Tại thời điểm ngày 15/4/2011, công ty A ký bán 100 hợp đồng future theo tỷ
giá EUR/USD = 1,2135. Nhưng tại thời điểm 28/9/2011, tỷ giá EUR/USD = 1,2121. Nếu
như công ty A cho rằng đây là mức tỷ giá lý tưởng để mua vào thì công ty này sẽ tiếp tục
ký mua future 100 hợp đồng về đồng EUR (đúng bằng số hợp đồng ký bán ngày
15/4/2011). Số lãi thu được (chưa tính thuế và phí) là: (1,2135 – 1,2121) x 125 triệu EUR
= 175.000 EUR. Số lãi này sẽ giúp công ty A bù trừ số thua lỗ do bán 125 triệu EUR tại
thời điểm sau 8 tháng.
Thông qua hợp đồng option: Công ty A sẽ tìm đến một công ty chuyên kinh doanh quyền
chọn và ký bán option 125 triệu EUR. Giả sử mức phí quyền chọn theo thỏa thuận là 500
VND trên mỗi EUR giao dịch. Có nghĩa là ngay tại thời điểm ký hợp đồng option thì
công ty A phải thanh toán cho người bán quyền là 62.500 triệu VND.
Tại thời điểm hợp đồng đáo hạn, có các tình huống sau đây:
(i) Nếu tỷ giá option + phí quyền chọn < tỷ giá giao ngay tại thời điểm đáo hạn: Công ty
A sẽ không thực hiện hợp đồng option mà sẽ bán 125 triệu EUR trên thị trường sẽ có lợi
hơn.
(ii) Nếu tỷ giá option + phí quyền chọn > tỷ giá giao ngay tại thời điểm đáo hạn: Công ty
A sẽ thực hiện quyền chọn và thông báo cho đối tác là người bán quyền chọn biết ý định
của mình.
3. Điều kiện để triển khai các hợp đồng option

Hợp đồng quyền chọn là một công cụ rất hiệu quả trong việc phòng ngừa rủi ro hối đoái,
bởi nó cho phép các nhà xuất nhập khẩu tự bảo vệ được những rủi ro khi tỷ giá thị trường
biến động theo chiều hướng bất lợi. Còn trong điều kiện thị trường bình thường thì họ sẽ
giao dịch mua bán trực tiếp trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, để các giao dịch option
được triển khai hiệu quả thì cần đáp ứng được các điều kiện nhất định. Cụ thể:
- Tỷ giá phải linh hoạt: Trong điều kiện áp dụng chế độ tỷ giá cố định thì các nhà xuất
nhập khẩu không cần thiết phải sử dụng các hợp đồng option bởi nó làm tăng chi phí giao
dịch. Nhưng nếu như chế độ tỷ giá thả nổi hoặc linh hoạt, sự biến động của tỷ giá sẽ tiềm
ẩn nguy cơ rủi ro hối đoái đối với các nhà xuất nhập khẩu và chính điều này buộc họ phải
tìm đến các công cụ phòng vệ rủi ro, mà các hợp đồng option là một sự lựa chọn.
- Thị trường hối đoái hoạt động hiệu quả: Đây là một điều kiện cần thiết vì nếu thị
trường hối đoái hoạt động kém hiệu quả, thiếu minh bạch, các công cụ của thị trường
không được giao dịch rộng khắp, khách hàng không nắm bắt được kịp thời và chính xác
các thông tin thị trường, thì tất yếu các giao dịch trên thị trường hối đoái sẽ phiến diện,
trong đó có giao dịch các hợp đồng quyền chọn.
- Nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường về vai trò và vị trí của các hợp đồng
quyền chọn với tư cách là một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả và là một loại hàng
hóa giao dịch trên thị trường hối đoái. Nếu bản thân các nhà xuất nhập khẩu không có sự
nhận thức đúng đắn về bản chất của loại hợp đồng này thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận
nó.
Hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp nước ta đã tham gia sâu rộng vào thị trường khu vực
và toàn cầu, song do có sự hạn chế về nguồn vốn kinh doanh và ý thức phòng ngừa rủi ro
trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chưa cao, nên các công cụ tài chính phái sinh


nói chung, trong đó có các hợp đồng quyền chọn, ít được họ chú ý vận dụng vì chúng ít
bị ràng buôc như là một trong những điều kiện của các hợp đồng thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tại các nước phát triển, tất cả các loại hình bảo hiểm
đều được họ đón nhận tích cực và coi đó là những phí tổn cần thiết nhằm bảo toàn các
khoản thu nhập trong kinh doanh. Vì vậy, để các công cụ phái sinh nói chung, hợp đồng

quyền chọn nói riêng, phát triển ở Việt Nam, giúp các nhà xuất nhập khẩu có thêm công
cụ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, công tác quảng bá tuyên truyền là rất cần thiết để tăng
cường sự nhận thức của khách hàng về các công cụ này.
Hơn nữa, bản thân các công cụ tài chính phái sinh nói chung, đặc biệt là công cụ quyền
chọn, là loại giao dịch tài chính bậc cao, nên nó đòi hỏi người sử dụng chúng phải có sự
nhận thức và hiểu biết sâu sắc về những đặc trưng của các nghiệp vụ này. Đây được xem
là cơ sở quan trọng để các hợp đồng tài chính phái sinh phát huy tác động tích cực trong
thực tiễn.
- Môi trường pháp lý: Các giao dịch trên thị trường tài chính nói chung, trong đó đặc biệt
là các giao dịch trên thị trường hối đoái, luôn có mức độ rủi ro tiềm ẩn rất cao và sự rủi ro
này có sức lây lan tới hầu hết các hoạt động kinh tế- xã hội. Chính vì thế, để các hợp
đồng tài chính phái sinh nói chung, trong đó có các hợp đồng quyền chọn được vận hành
hiệu quả thì nền tảng pháp lý phải được xây dựng và từng bước hoàn thiện, qua đó giúp
minh bạch hóa các giao dịch trên thị trường, tạo sự tin tưởng của các đối tác khi tham gia
thị trường này.
4. Những vấn đề đặt ra trong triển khai các hợp đồng option tại Việt Nam
Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
với các nền kinh tế khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt là sự mở rộng về hoạt động
thương mại quốc tế với mức độ mở cửa ngày càng sâu (hiện ở mức khoảng trên
150%GDP), thị trường xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng. Với một mức độ mở
cửa như vậy thì tất yếu đặt ra các nhu cầu về phát triển các giao dịch hối đoái để đáp ứng
cho các nhu cầu về mua bán ngoại tệ của các nhà xuất nhập khẩu và cung cấp các công
cụ để các nhà giao dịch kinh doanh kiếm lời và tăng tính lỏng cho thị trường hối đoái.
Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam hiện nay cho thấy rằng, các nhà xuất nhập khẩu Việt
Nam vẫn coi thị trường hối đoái đơn giản chỉ là nơi giúp họ mua bán ngoại tệ phục vụ
cho các hoạt động kinh doanh chính được thuận lợi. Vấn đề tìm kiếm các công cụ phòng
vệ rủi ro thực sự chưa được coi trọng. Hơn nữa, cũng do sự chưa chú trọng đúng mức đến
việc triển khai các công cụ tài chính phái sinh nên các giao dịch trên thị trường hối đoái
của Việt Nam khá nghèo nàn và đơn điệu, đặc biệt là trên thị trường chính thức. Điều này
thể hiện ở:

(i) Các giao dịch phái sinh có doanh số giao dịch thấp, diễn biến một chiều, chủ yếu ở
chiều mua và cũng chủ yếu tập trung vào một số loại giao dịch như swap, forward, các
giao dịch quyền chọn hay các hợp đồng tương lai (future) hoặc chưa được triển khai hiệu
quả (quyền chọn) hoặc là chưa được triển khai (future). Sự hoạt động yếu kém của các
giao dịch này đã khiến cho thị trường hối đoái của Việt Nam chưa phản ánh đúng tầm
mức và vị trí của thị trường, không thu hút được các chủ thể tham gia tích cực trên thị
trường.
(ii) Do các chủ thể trên thị trường hoạt động thiếu tích cực làm cho thị trường này không
phản ánh đúng các nhu cầu thực, một bộ phận không nhỏ các nhu cầu này được giao dịch
trên thị trường tự do. Điều này vừa làm gia tăng nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trong các giao
dịch hối đoái, vừa làm cho ngân hang Nhà nước Việt Nam (NHNN)- cơ quan quản lý


Nhà nước về hoạt động ngân hang- mất đi một công cụ để kiểm soát thị trường do không
nhận diện được kịp thời và chính xác các tương quan cung cầu về ngoại tệ.
(iii) Tính lỏng của thị trường hối đoái không cao, làm gia tăng mức độ rủi ro và tăng chi
phí giao dịch thị trường.
Đối với giao dịch quyền chọn, từ năm 2003, NHNN đã chính thức cho phép triển khai
giao dịch quyền chọn và lấy Eximbank làm thí điểm. Sau đó, công cụ này được triển khai
mở rộng tại các NHTMNN. Tuy nhiên, cho đến nay, các giai dịch này có doanh số giao
dịch hết sức nhỏ bé, cho thấy công cụ này rất khó khăn trong triển khai. Vậy đâu là
nguyên nhân của thực trạng này? Có nhiều lý do để giải thích, song chủ yếu là:
- Thứ nhất, chính sách tỷ giá và lãi suất ở nước ta hiện nay chưa thực sự linh hoạt. Mặc
dù Chính phủ đưa ra cam kết thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt, song trong thực tế thì
mức độ linh hoạt của tỷ giá VND chưa cao, diễn biến một chiều, chưa đặt ra yêu cầu bức
thiết cho các doanh nghiệp và tổ chức phải chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Quan sát
chiều hướng biến động của tỷ giá USD/VND cho thấy rằng tỷ giá luôn diễn biến theo
chiều hướng tăng một cách khá ổn định trong thời gian tương đối dài. Với diễn biến tỷ
giá như vậy thì chắc chắn các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu không muốn sử dụng các
hợp đồng quyền chọn vì sẽ làm phát sinh thêm chi phí mua quyền chọn. Đồng thời, với

diễn biến tỷ giá một chiều như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ.
- Thứ hai, thị trường ngoại hối hiện nay hoạt động còn khá đơn điệu, chủ yếu các NHTM
vẫn theo truyển thống là thực hiện các giao dịch giao ngay, còn các giao dịch phái sinh
chưa được chú ý do các NHTM chưa thực sự nhận thức hết ý nghĩa của các giao dịch
này, đồng thời phía đối tác là các khách hàng chưa có nhu cầu mua bán các công cụ phái
sinh. Chính vì thế, thị trường các giao dịch phái sinh ở Việt Nam hầu như vẫn ở trạng thái
sơ khai, doanh số giao dịch thấp, diễn biến theo hướng một chiều (chủ yếu chiều mua)
Các giao dịch trên thị trường hối đoái chỉ có thể phát triển khi tỷ giá và lãi suất biến động
theo đúng tương quan cung- cầu. Điều này giúp lý giải vì sao việc triển khai các hợp
đồng option tại Việt Nam rất khó khăn, không nhận được sự đón nhận của các chủ thể
trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một khi khách hàng luôn có
tâm lý coi thị trường ngoại hối đơn giản chỉ là nơi để mua bán ngoại tệ chứ chưa phải là
nơi để tìm kiếm các công cụ phòng vệ rủi ro và kinh doanh kiếm lời thì việc triển khai
các hợp đồng phái sinh chưa thể khả thi, nhất là với các hợp đồng quyền chọn, vốn chủ
yếu là để cho việc phòng vệ rủi ro tỷ giá hơn là với tư cách một công cụ giúp chủ động
nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp, tổ chức.
- Thứ ba, công tác quảng bá, tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của các công cụ phái sinh
hiện còn khá nhiều khó khăn và bất cập. Các nhà xuất nhập khẩu chưa thực sự có sự nhận
thức đúng về ý nghĩa của các công cụ này cho nên chưa sẵn sàng sử dụng chúng.
Bài học kinh nghiệm từ sự đổ vỡ tỷ giá dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Argentina
năm 2002 cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của công cụ này: Cho đến trước năm 2001,
Argentina duy trì chế độ tỷ giá cố định, chủ yếu duy trì cố định với USD trong một thời
gian khá dài, khiến cho các nhà xuất nhập khẩu, thậm chí ngay với chính các NHTM của
nước này chủ quan, không hề nghĩ tới sự cần thiết phải có biện pháp tự phòng vệ rủi ro tỷ
giá, cho dù các ngân hàng nước này cho vay hay thu nợ đều bằng USD. Cho đến khi
khủng hoảng kinh tế xảy ra, ngân hàng trung ương nước này không thể duy trì được tỷ
giá cố định 1 Peso = 1 USD, đã tạo ra một thảm khốc đối với nền kinh tế và đã khiến cho
quốc gia này buộc phải tuyên bố đô la hóa hoàn toàn.
- Thứ tư, môi trường pháp lý còn có những bất cập. Trong những năm gần đây, NHNN
cho phép các NHTM được thực hiện nhiều nghiệp vụ quyền chọn như quyền chọn ngoại



hối, quyền chọn vàng,… tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho nghiệp vụ phái sinh còn chưa đầy
đủ, cần phải tiếp tục có sự bổ sung hoàn thiện.
Câu chuyện của Argentina cách đây 10 năm có thể vẫn còn là bài học có giá trị đối với
các quốc gia mở cửa mà vẫn duy trì chế độ tỷ giá cố định hoặc không theo tín hiệu thị
trường. Nó cũng có giá trị đối với các doanh nghiệp cũng như bản thân chính các NHTM
khi vẫn chủ quan không tự phòng vệ. Ngay tại Việt Nam, trong các năm 2007- 2008 đã
có không ít doanh nghiệp bị thua lỗ nghiêm trọng do tỷ giá USD/VND đột ngột đảo chiều
giảm đi. Trên con đường mở cửa hội nhập, bản thân các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
phải tự nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm, nhất là những kinh nghiệm thất bại, lúc đó mới
hy vọng giúp họ có thể tự vững trước những thách thức bất thường của sự biến động khó
lường trên thị trường tài chính trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
- Phạm Huy Hùng (2007), Giải pháp phát triển các công cụ phái sinh ngoại hối tại
Việt Nam”, Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường phái sinh ở Việt Nam” NHNNVN.
- Nguyễn Thị Mùi (2007), Phát triển thị trường phái sinh ở Việt Nam hiện nay – Giải
pháp từ nhiều phía”, Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường phái sinh ở Việt Nam”
NHNNVN.
- Dennis G. Uymura; Donald R. Van Devente (1993): Finalcial Risk Management in
Banking: The theory & application of asset & liability management. Probus publishing
company. Cambridge. England
- Reto Gallati (2003), Risk Management and Capital Adequacy.



×