Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

VĂN CHƯƠNG ĐÍCH THỰC và TIỂU THUYẾT hạ cấp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (105.31 KB, 4 trang )

Nếu bạn là người thích đọc tiểu thuyết, bạn đi vào hiệu sách và dạo quanh một
vòng, bạn sẽ thấy lẫn lộn những cuốn tiểu thuyết hạ cấp với văn chương đích thực.
Thậm chí các tác phẩm văn chương sẽ bị để trong xó xỉnh, còn những cuốn tiểu
thuyết thị trường lại nghiễm nhiên chiếm vị trí đẹp đẽ nhất trên giá sách. Đó là cách
sắp xếp sách ở các trung tâm phát hành Việt Nam, từ nhà sách lớn như Fahasa cho
đến những hiệu sách nhỏ trên phố Đinh Lễ. Điều này tạo ra sự khó khăn cho độc giả
trong việc lựa chọn sách hay, nhất là với những độc giả trẻ không có nền tảng đọc
sách từ nhỏ. Sự sắp xếp này chỉ là một biểu hiện của thực trạng hỗn loạn các giá trị
và sự sụp đổ các chuẩn mực nội dung, hiện đang diễn ra trong thị trường sách hiện
nay, đặc biệt là trong lĩnh vực văn chương.
Câu tục ngữ xưa của các cụ “Vàng thau lẫn lộn” là lời diễn tả đúng đắn nhất cho thị
trường sách tiểu thuyết ở Việt Nam. Những tác phẩm văn chương đích thực được
xếp ngang hàng, thậm chí lép vế so với những cuốn tiểu thuyết nghiệp dư, văn
phong xộc xệch, thậm chí chắp vá và ăn cắp bản quyền. Những cuốn tiểu thuyết hạ
cấp lại trở thành sách “hot” với doanh thu lên đến hàng trăm triệu, nhờ đầu tư vào
PR. Những chiêu trò PR giữa thời buổi rối ren đã làm đảo lộn tất cả các chuẩn mực
của xã hội. Một ví dụ điển hình nhất có thể kể đến cuốn tiểu thuyết tình cảm có yếu
tố lịch sử “Thành Kỳ Ý” của nữ nhà văn Lê Ngọc Linh (Do Nhà xuất bản Văn Học,
nhà sách Đông A và Comicola hợp tác xuất bản). Cuốn tiểu thuyết này vận động gây
quỹ trên mạng lên đến 200 triệu. Một số tiền không nhỏ đã được nhà văn đầu tư cho
các thao tác truyền thông như thuê người quay video diễn cảnh trong truyện, chạy


quảng cáo, tổ chức sự kiện rầm rộ. Thế nhưng, sau khi cuốn sách ra đời, đọc giả vô
cùng tức giận vì nội dung sách tệ hại, sai văn phạm tiếng Việt và đặc biệt là đạo văn
rồi chắp vá từ nhiều sách báo (Đọc thêm về sự việc đạo văn trong “Thành Kỳ Ý” tại
đây: ) Trong khi ấy, biết cuốn tiểu thuyết văn chương
kinh điển của nước ngoài được dịch và xuất bản ở Việt Nam cũng chưa từng mang
lại lợi nhuận nhanh chóng như vậy. Tôi được biết, khi bộ sách văn chương Nga do
dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch, Nhà sách Đông Tây ấn hành, ra mắt bạn đọc, bộ sách
không được sự quan tâm xứng đáng của truyền thông cũng như của những độc giả


trẻ. Dường như đa số độc giả trẻ không còn có thể phân biệt được đâu là văn
chương đích thực và đâu là những cuốn tiểu thuyết thị trường thậm chí hạ cấp.
Tiểu thuyết thị trường không phải sách văn chương, dù được viết bằng văn xuôi.
Tiểu thuyết thị trường viết ra nhằm mục đích để bán, và để bán với doanh số lớn, nó
phải làm hài lòng số đông. Tiểu thuyết thị trường ve vuốt người đọc bằng một thực
tại chắp vá những cuộc đời nhạt nhẽo, làm sướt mướt hóa hoặc ghê rợn hóa, thậm
chí là phiêu lưu hóa sự nhạt nhẽo ấy. Đọc xong một cuốn tiểu thuyết thị trường, cho
dù có cuốn hút, ta cũng thấy đó là sự lãng phí thời gian. Bởi lẽ, chức năng thật sự
của tiểu thuyết thị trường chính là “giết thời gian”. Về bản chất, đọc một cuốn tiểu
thuyết thị trường chẳng khác nào như bạn lên facebook, lướt News Feed và đọc
những lời kể lể tâm sự của bạn bè. Nhưng thôi, tiểu thuyết thị trường cũng là cách
kiếm sống của những tay thợ viết. Người ta có thể đi thu gom rác, có thể dọn rửa
nhà vệ sinh để kiếm sống, thì cũng có thể viết tiểu thuyết mua vui, thiết nghĩ cũng
chẳng lấy gì đáng bị lên án.
Cần lên án ở đây chính là những cuốn tiểu thuyết hạ cấp! Thế nào là tiểu thuyết hạ
cấp? Một cuốn tiểu thuyết hạ cấp nhất thiết phải được viết bởi một nhà văn hạ cấp,
bất chấp đạo đức nghề nghiệp, không từ thủ đoạn để tìm kiếm lợi nhuận và sự nổi
tiếng. Một trong các thủ đoạn nhơ bẩn nhất có lẽ là đạo văn, dù cho đạo ít hay đạo
nhiều, đạo ý tưởng hay đạo câu chữ. Nói chung, những nhà văn này vốn không có
tài năng nhưng lại thèm khát nổi tiếng, thế là mắt la mày liếm, tìm kiếm trong các tác
phẩm ít được quan tâm những đoạn hoặc ý thú vị, rồi cắt dán vào tác phẩm của
mình. Một đặc điểm nhận dạng những cuốn tiểu thuyết này đó là câu cú lủng củng,
thiếu logic, đoạn trên đoạn dưới không liên quan. Tiếp đó phải kể đến thủ thuật câu
cảm xúc của người đọc. Nhà văn hạ cấp đủ thông minh sẽ biết các mô tuýp tình


huống nào thì kích động được cảm xúc của độc giả. Ví như phải để soái ca hộc máu
vì trúng độc thay người yêu thì sẽ câu được nước mắt của các em gái tuổi teen, hay
phải tả cảnh giết người phanh xác mới khiến độc giả ghê rợn, hay các màn cung
đấu phải bất chấp nhân tính mới làm vừa lòng được các bà chị bị chồng bỏ… Thế là

nhà văn cứ nhai đi nhai lại các trạng thái cảm xúc tiêu cực ấy từ đầu đến cuối
truyện. Đọc xong, độc giả sẽ bị ám ảnh bởi trạng thái tiêu cực ấy đến mức tự đồng
nhất cuốn tiểu thuyết với cuộc đời, khiến nhãn quan về cuộc sống trở nên u ám. Tuy
nhiên, không thể phủ nhận, các nhà văn hạ cấp rất giỏi truyền thông và sẵn sàng chi
mạnh tay cho truyền thông, bởi không có truyền thông thì họ cũng hết đất sống.
Tiểu thuyết thị trường và tiểu thuyết hạ cấp cho đến nay vẫn chưa được kiểm duyệt
một cách kỹ lưỡng về chất lượng. Những nhà kiểm duyệt dễ dàng bỏ qua các vấn
đề về văn phạm hoặc đạo văn. Điều này vô tình tiếp tay cho một thị hiếu đọc dễ dãi
và kém cỏi đang ngày một bành trướng ở Việt Nam. Sự lên ngôi của tiểu thuyết thị
trường và tiểu thuyết hạ cấp đã khiến văn chương đích thực đang bị cô lập trong
những nhóm nhỏ tâm huyết. Một điều dễ nhận thấy, các nhà sách một thời in sách
văn chương lừng lẫy như Nhã Nam, Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Nhà xuất bản
Kim Đồng… giờ đây cũng đang phải chuyển dần sang thứ tiểu thuyết thị trường,
thậm chí in sách trẻ em để sinh tồn. Những cuốn văn chương đích thực khi được in
ra là cả sự nỗ lực của tác giả hoặc dịch giả, và nhà xuất bản, nhà sách. Bởi họ
không thể kiếm lời bằng văn chương, nên chọn lựa xuất bản một cuốn văn chương,
đối với họ, là một cuộc chơi mà trong đó chỉ cần hòa vốn là may.
Cách đây 1500 năm, nhà phê bình văn học đầu tiên của Trung Quốc đã viết “Văn
chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm”, tức là văn chương được đúc kết từ sâu thẳm
bên trong nhà văn, tất cả cảm xúc, tất cả tư duy, tất cả tâm huyết, tất cả ước mơ và
kỳ vọng… Người viết văn giống như con trai, đúc rút tất cả hỉ nộ ái ố của đời mình
để kết tinh thành viên ngọc quý. Bởi vậy, mọi hỉ nộ ái ố của họ đều độc đáo, mọi
hình thức diễn đạt đều độc đáo. Tiếc rằng, khi người ta đã quá quen với chuỗi hạt
bằng nhựa sẽ không thể nhận ra viên ngọc trai quý báu bị che lấp. Chỉ có những ai
có kinh nghiệm trong việc “mò trai” mới tìm được viên ngọc quý giữa hổ lốn hàng giả
nhái. Những cuốn sách quý, cũng giống như những viên ngọc quý, tối thiểu là không
có những tì vết về văn phạm, và hơn thế nữa, nó có thể vượt qua thử thách về thời
gian bất chấp mọi trào lưu cứ lên rồi lại xuống.



Sự lẫn lộn vàng thau này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường về tư duy của cả
một thế hệ sau. Hãy tưởng tượng 10 năm nữa thôi, những độc giả trẻ bây giờ đang
đắm chìm trong văn chương hạ cấp sẽ nắm giữ vai trò làm chủ đất nước, làm chủ
gia đình mình! Những người chủ của đất Việt mà không có khả năng dùng tiếng Việt
một cách đúng đắn. Những người chủ sẵn sàng lan truyền thứ văn hóa hạ cấp mà
chắc chắn sẽ bị vứt vào máy xén giấy ở phương Tây. Những người chủ ấy sẽ lấy
hàng giả, hàng nhái, hàng thấp cấp làm tiêu chuẩn để tạo dựng nền văn hóa và giáo
dục cho nhiều thế hệ con cháu sau này. Và ta hãy tưởng tượng về một nước Việt
như thế!
Đã đến lúc, Việt Nam thật sự cần có những chuẩn mực để đánh giá và xếp hạng các
tác phẩm nào được coi là văn chương, đâu là tiểu thuyết thị trường, đồng thời cũng
đưa ra cơ chế ngăn cấm và xử phạt các tác phẩm hạ cấp. Chừng nào chưa đưa ra
được những chuẩn mực ấy, cho dù chúng ta có cổ vũ văn hóa đọc đến đâu, văn hóa
đọc nói riêng và văn hóa Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tụt dốc mà thôi.



×