Tải bản đầy đủ (.pdf) (185 trang)

Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học và biện pháp kỹ thuật đối với một số dòng, giống mận tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (10.92 MB, 185 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

NGUYỄN THỊ THU HÀ

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC
VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ĐỐI VỚI MỘT SỐ DÒNG,
GIỐNG MẬN TẠI HUYỆN BẮC HÀ, TỈNH LÀO CAI

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC CÂY TRỒNG

THÁI NGUYÊN – NĂM 2016


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

NGUYỄN THỊ THU HÀ

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC
VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ĐỐI VỚI MỘT SỐ DÒNG,
GIỐNG MẬN TẠI HUYỆN BẮC HÀ, TỈNH LÀO CAI

Ngành: Khoa học cây trồng
Mã số:62.62.01.10.

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC CÂY TRỒNG

Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Ngô Xuân Bình
2. TS. Nguyễn Duy Lam


THÁI NGUYÊN – NĂM 2016


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, chưa từng được ai sử dụng và
công bố trong bất cứ công trình nào khác.
Luận án đã sử dụng một số thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau,
các thông tin này đều được trích dẫn rõ nguồn gốc.

Tác giả luận án

Nguyễn Thị Thu Hà


ii

LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học
và biện pháp kỹ thuật đối với một số dòng, giống mận tại huyện Bắc Hà,
tỉnh Lào Cai”, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan, các nhà
khoa học, các cán bộ và các hộ nông dân ở địa phương mà đề tài đã triển khai,
tôi xin bày tỏ sự cảm ơn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo – Bộ phận sau
đại học, khoa Nông học, khoa Công nghệ sinh học & Công nghệ thực phẩm,
các đơn vị chức năng Trường Đại học Nông Lâm. Ban giám hiệu, khoa Kỹ
thuật Nông Lâm, các đơn vị chức năng và các đồng nghiệp Trường Cao đẳng
Kinh tế - Kỹ thuật, đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi thực hiện đề tài trong những

năm qua.
Tôi xin tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới GS.TS. Ngô Xuân Bình và TS.
Nguyễn Duy Lam - những Thầy giáo hướng dẫn khoa học, đã tận tình giúp
đỡ, truyền tải những kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện đề tài và hoàn
thành bản luận án này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn bè thân hữu trong và ngoài cơ quan,
người thân trong gia đình luôn hết lòng động viên, khích lệ và giúp đỡ vô tư,
nhiệt tình dành cho tôi trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành
luận án này.


iii

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ...................................................................................................... i
LỜI CẢM ƠN ........................................................................................................... ii
MỤC LỤC................................................................................................................ iii
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT........................................................................ vi
DANH MỤC CÁC BẢNG ..................................................................................... vii
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ...................................................................................x
Phần 1: MỞ ĐẦU ......................................................................................................1

1. Tính cấp thiết của đề tài ............................................................................ 1
2. Mục tiêu của đề tài .................................................................................... 2
3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài .................................................. 2
3.1. Ý nghĩa khoa học ................................................................................... 2
3.2. Ý nghĩa thực tiễn.................................................................................... 3
4. Những đóng góp mới của luận án ............................................................. 3
Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU ......................................................................4


1.1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài ................................................. 4
1.2. Nguồn gốc, phân loại ............................................................................. 5
1.2.1. Nguồn gốc.....................................................................................................5
1.2.2. Phân loại........................................................................................................6
1.3. Đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái của cây mận............................ 8
1.3.1. Đặc điểm thực vật học..................................................................................8
1.3.2. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây mận .................................... 12
1.3.3. Yêu cầu sinh thái của cây mận ................................................................. 15
1.4. Tình hình sản xuất mận trên thế giới và Việt Nam.............................. 18
1.4.1. Tình hình sản xuất mận trên thế giới........................................................ 18
1.4.2. Tình hình sản xuất mận ở Việt Nam......................................................... 20
1.4.3. Tình hình sản xuất mận ở huyện Bắc Hà................................................. 22


iv

1.5. Những kết quả nghiên cứu về cây mận trên thế giới và ở Việt Nam... 23
1.5.1. Những kết quả nghiên cứu trên thế giới................................................... 23
1.5.2. Những kết quả nghiên cứu ở Việt Nam ................................................... 31
1.6. Tóm tắt tổng quan tài liệu trong mối quan hệ với nội dung của đề tài 43
Chương 2: NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ..........................45

2.1. Vật liệu, địa điểm và thời gian nghiên cứu .......................................... 45
2.1.1. Vật liệu nghiên cứu ................................................................................... 45
2.1.2. Thời gian, địa điểm nghiên cứu................................................................ 46
2.2. Nội dung nghiên cứu............................................................................ 46
2.2.1. Nội dung 1: Nghiên cứu đặc điểm hình thái và một số đặc điểm nông
sinh học của một số dòng, giống mận tại Bắc Hà.............................................. 46
2.2.2. Nội dung 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật với
dòng mận số 6 và số 8 ......................................................................................... 46

2.3. Phương pháp nghiên cứu và các chỉ tiêu theo dõi ............................... 46
2.3.1. Nội dung 1: nghiên cứu đặc điểm hình thái và một số đặc điểm nông
sinh học của một số dòng, giống mận tại Bắc Hà.............................................. 46
2.3.2. Nội dung 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật với
dòng mận số 6 và số 8 ......................................................................................... 50
2.4. Phương pháp xử lý số liệu.................................................................... 54
Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN ..................................55

3.1. Kết quả nghiên cứu đặc điểm hình thái và một số đặc điểm nông sinh
học của một số dòng, giống mận tại Bắc Hà, Lào Cai................................ 55
3.1.1. Kết quả nghiên cứu các chỉ tiêu về hình thái........................................... 55
3.1.2.Kết quả nghiên cứu một số đặc điểm nông sinh học của các dòng, giống
mận........................................................................................................................ 67
3.1.3. Một số nhận xét từ những kết quả nghiên cứu về đặc điểm nông sinh
học của các dòng giống mận trồng thử nghiệm ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai97


v

3.2. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật với dòng
mận số 6 và số 8 .......................................................................................... 98
3.2.1. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng phân bón lá đến đến tỷ lệ đậu quả, năng
suất và chất lượng của dòng mận số 6 và số 8................................................... 98
3.2.2. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp cắt tỉa cành đến tỷ lệ
đậu quả, năng suất và chất lượng dòng mận số 6 và số 8 ............................... 103
3.2.3. Kết quả nghiên cứu biện pháp kỹ thuật xử lý hạt mận phục vụ cho nhân
giống.................................................................................................................... 109
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ...................................................................................122
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................125



vi

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Đ/C

:

Đối chứng

CU

:

Chilling Units (độ lạnh)

N

:

Đạm nguyên chất

P205

:

Lân nguyên chất

K20


:

Kali nguyên chất

LSD

:

Least Significant Difference (sai khác nhỏ nhất có ý nghĩa)

Cs

:

Cộng sự

CT

:

Công thức

NXB

:

Nhà xuất bản

FDP


:

Fruit Development Period (giai đoạn phát triển của quả)

NC

:

Nguyên chất

FAO

:

Food and Agriculture Organization
(tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc)

VCR

:

Value Cost Ratio (tỷ suất lợi nhuận)


vii

DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1. Tình hình sản xuất mận ở các vùng trên thế giới qua các năm .......19
Bảng 1.2.Tình hình sản xuất mận ở một số nước trên thế giới năm 2013.......20
Bảng 1.3. Tình hình sản xuất mận ở một số tỉnh trong nước năm 2013..........21

Bảng 1.4. Tình hình sản xuất mận của huyện Bắc Hà qua các năm ................22
Bảng 1.5. Độ dốc đất trồng mận huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai ........................23
Bảng 1.6. Lượng phân bón ở mức thâm canh cao cho cây ăn quả hạt cứng
(mật độ trồng 400 cây/ha).................................................................37
Bảng 1.7. Lượng phân bón ở mức thâm canh trung bình cho cây ăn quả
hạt cứng (mật độ trồng 400 cây/ha)..................................................38
Bảng 1.8. Ảnh hưởng của chất kích thích đến sự ra hoa của giống mận
Simka và Blackember (Sapa, 2005) .................................................40
Bảng 3.1. Đặc điểm hình thái lá các dòng, giống mận thí nghiệm ..................56
Bảng 3.2. Đặc điểm thân, cành các dòng, giống mận thí nghiệm....................58
Bảng 3.3. Đặc điểm hình thái hoa các dòng, giống mận thí nghiệm ...............61
Bảng 3.4. Đặc điểm hình thái quả và năng suất các dòng, giống mận thí
nghiệm ..............................................................................................63
Bảng 3.5. Đặc điểm chất lượng quả các dòng, giống mận thí nghiệm ............65
Bảng 3.6. Động thái tăng trưởng chiều cao cây các dòng, giống mận thí
nghiệm ..............................................................................................68
Bảng 3.7. Động thái tăng trưởng đường kính gốc các dòng, giống mận thí
nghiệm ..............................................................................................69
Bảng 3.8. Động thái tăng trưởng đường kính tán các dòng, giống mận thí
nghiệm ..............................................................................................71
Bảng 3.9. Thời gian sinh trưởng các đợt lộc, ra hoa và mang quả ..................72
Bảng 3.10. Đặc điểm sinh trưởng lộc xuân của các dòng, giống mận.............74
Bảng 3.11. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc Xuân của cácdòng, ..............75
Bảng 3.12. Đặc điểm sinh trưởng lộc Hè các dòng, giống mận thí nghiệm ....78


viii

Bảng 3.13. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc Hè của các dòng, giống mận......79
Bảng 3.14. Đặc điểm sinh trưởng lộc Thu các dòng, giống mận thí

nghiệm ..............................................................................................81
Bảng 3.15. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc Thu của các dòng, giống mận ......82
Bảng 3.16. Một số chỉ tiêu sinh trưởng cành quả và năng suất cành quả
của dòng mận số 8 (cành non < 1 năm tuổi) ....................................86
Bảng 3.17. Một số chỉ tiêu sinh trưởng cành quả và năng suất cành quả
của dòng mận số 8 (cành già > 1 năm tuổi)......................................89
Bảng 3.18. Mối liên hệ giữa sinh trưởng cành mẹ với tỷ lệ đậu quả và
năng suất vụ sau của giống mận số 8 ...............................................91
Bảng 3.19. Thời kỳ ra hoa của các dòng, giống mận.......................................93
Bảng 3.20. Một số sâu, bệnh hại chủ yếu trên các dòng, giống mận...............95
Bảng 3.21. Ảnh hưởng của phun chế phẩm phân bón lá đến tỷ lệ đậu quả
và năng suất của................................................................................99
Bảng 3.22. Ảnh hưởng của phun chế phẩm phân bón lá đến chất lượng
quả của các dòng mận số 6 và số 8.................................................101
Bảng 3.23. Đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng chế phẩm phân
bón lá cho dòng mận số 6 và số 8...................................................102
Bảng 3.24. Ảnh hưởng của các biện pháp cắt tỉa cành đến tỷ lệ đậu quả
và năng suất quả của dòng mận số 6 và số 8 ..................................105
Bảng 3.25. Ảnh hưởng của các biện pháp cắt tỉa cành đến chất lượng quả
của dòng mận số 6 và số 8..............................................................107
Bảng 3.26. Đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng biện pháp cắt tỉa
cho dòng mận số 6 và số 8..............................................................108
Bảng 3.27. Ảnh hưởng phương pháp xử lý nhiệt độ lạnh và ủ cát đến khả
năng nảy mầm của hạt dòng mận số 8............................................110
Bảng 3.28. Ảnh hưởng phương pháp xử lý nhiệt độ lạnh và ủ cát đến khả
năng nảy mầm của hạt mận Tam hoa .............................................111
Bảng 3.29. Ảnh hưởng của nhiệt độ xử lý đến khả năng nảy mầm của hạt
mận dòng 8 .....................................................................................112



ix

Bảng 3.30. Ảnh hưởng của nhiệt độ xử lý đến khả năng nảy mầm của hạt
mận Tam hoa ..................................................................................114
Bảng 3.31. Khả năng ra lá của dòng mận số 8...............................................115
Bảng 3.32. Khả năng ra lá của giống mận Tam hoa ......................................115
Bảng 3.33. Tăng trưởng chiều cao cây của dòng mận số 8 ...........................116
Bảng 3.34. Tăng trưởng chiều cao cây của giống mận Tam hoa...................117
Bảng 3.35. Tăng trưởng đường kính gốc của dòng mận số 8........................118
Bảng 3.36. Tăng trưởng đường kính gốc của mận Tam hoa .........................119


x

DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ

Hình 3.1. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc xuân của các dòng, giống
mận thí nghiệm .................................................................................76
Hình 3.2. Nguồn gốc phát sinh cành vụ Xuân năm 2014 ................................76
Hình 3.3. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc Hè của các dòng,....................80
Hình 3.4. Nguồn gốc phát sinh cành vụ Hè năm 2014 ....................................80
Hình 3.5. Động thái tăng trưởng chiều dài lộc thu của các dòng, ...................83
Hình 3.6 Nguồn gốc phát sinh cành vụ Thu năm 2014 ...................................83
Hình 3.7. Nguồn gốc cành mang hoa năm 2014..............................................84
Hình 3.8. Nguồn gốc mối liên hệ giữa các đợt lộc năm 2014 .........................85
Hình 3.9. Tương quan giữa đường kính cành với năng suất............................87
Hình 3.10. Tương quan giữa chiều dài cành với năng suất (cành < 1 năm tuổi) ...88
Hình 3.11. Tương quan giữa số lá/ cành với năng suất (cành < 1 năm
tuổi)...................................................................................................88
Hình 3.12. Tương quan giữa đường kính cành với năng suất (cành > 1

năm tuổi) ...........................................................................................90
Hình 3.13. Tương quan giữa chiều dài cành với năng suất (cành > 1 năm tuổi) .....90
Hình 3.14. Tương quan giữa số lá/cành với năng suất (cành > 1 năm tuổi)....91
Hình 3.15: Đồ thị động thái nảy mầm hạt mận dòng 8..................................113
Hình 3.16. Đồ thị biểu diễn tốc độ tăng trưởng chiều cao cây của dòng
mận số 8 ..........................................................................................116
Hình 3.17. Đồ thị biểu diễn tốc độ tăng trưởng đường kính gốc của dòng
mận số 8 ..........................................................................................118


1

Phần 1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cây mận châu Á (Prunus salisina L.) là một loài cây ăn quả có giá trị
dinh dưỡng và giá trị hàng hoá khá cao. Trên thị trường thế giới, quả mận
được xếp sau dứa, chuối, cam, quýt, xoài, bơ, song nó lại được trao đổi rộng
rãi trên thị trường nhất là mận khô. Đặc biệt về mặt chất lượng, mận là loại
quả ôn đới được đánh giá cao về hàm lượng vitamin A chỉ sau quả mơ và bí
đỏ. Quả mận chứa 0,6 % chất khoáng như Fe, Ca, P, Mg, K, Mn... Cây mận
có phổ thích nghi khá rộng tại vùng ôn đới và á nhiệt đới, có thể làm cây phủ
xanh đất trống đồi núi trọc, cây chắn gió, cây cảnh, hạn chế sự xói mòn, góp
phần cải thiện điều kiện môi sinh.
Cây mận có một vị trí rất quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của
huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, mận được coi là cây trồng giúp xoá đói giảm
nghèo cho bà con dân tộc của huyện. Giống mận được trồng chủ yếu tại đây
là giống mận Tam hoa và một số giống mận địa phương như: mận Hậu, mận
Tả Hoàng Ly, mận Tráng Ly, mận Tím, mận Tả Van. Mận Tam hoa Bắc Hà là
sản phẩm quả mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến từ những năm 1980.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 1980 – 2000, tỷ trọng thu nhập từ cây mận
Tam hoa chiếm 40 đến 75% tổng thu nhập của nhiều hộ nông dân; diện tích
trồng mận của Bắc Hà lớn nhất năm 1998 đạt 2.100 ha với sản lượng khoảng
1.300 - 1.500 tấn [18], [39]. Tuy nhiên, từ năm 2006 diện tích trồng mận bắt
đầu giảm mạnh do giá bán mận quả thấp, thêm vào đó việc phát triển trồng ồ
ạt mận Tam hoa không theo quy hoạch ở các địa phương vùng núi thấp thuộc
các tỉnh miền núi phía Bắc, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu nên giá bán
mận quả lên tục giảm, người dân không đầu tư nhiều dẫn đến cây mận nhanh
già cỗi, năng suất, chất lượng quả suy giảm, cây mận bị chặt bỏ và thay thế
bằng cây trồng khác.


2

Hiện nay ước tính diện tích trồng mận của toàn huyện chỉ còn khoảng
hơn 500 ha, được trồng chủ yếu trên đất vuờn quanh nhà, đất ruộng có độ dốc
thấp [18]. Khó khăn của người dân Bắc Hà đang gặp phải trong sản xuất mận
là thời gian thu hoạch ngắn trong 1 tháng mà sản lượng mận hàng năm lại rất
lớn. Để duy trì và phát triển cây mận đặc sản của Bắc Hà, cần thiết có thêm
các giống mận sinh trưởng khỏe có mẫu mã quả đẹp, chất lượng tốt, có thời
gian chín sớm hơn và muộn hơn các giống bản địa để rải vụ thu hoạch, góp
phần đa dạng hoá sản phẩm mận quả đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất
và cũng chính là những nội dung của đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm nông
sinh học và biện pháp kỹ thuật đối với một số dòng, giống mận tại huyện
Bắc Hà, tỉnh Lào Cai”.
2. Mục tiêu của đề tài
Đánh giá một số đặc điểm nông sinh học và biện pháp kỹ thuật phù hợp
cho một số dòng, giống mận có triển vọng tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
3.1. Ý nghĩa khoa học

- Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học có tính hệ thống về đặc điểm
nông sinh học và biện pháp kỹ thuật cho một số dòng, giống mận nhập nội và lai
tạo từ các giống mận của Nhật Bản trồng tại Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài bổ sung thêm những tư liệu khoa học mới
về đặc điểm nông sinh học và biện pháp kỹ thuật cho một số dòng, giống mận
mới được trồng thử nghiệm ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, góp phần làm phong phú
thêm kho tư liệu về cây mận nói chung ở Việt Nam.
- Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa
trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập cũng như chỉ đạo sản xuất cho các
vùng sản xuất mận ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.


3

3.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Kết quả nghiên cứu của đề tài là những luận cứ cho việc xây dựng kế
hoạch phát triển sản xuất cây mận ở huyện Bắc Hà, và là tài liệu tham khảo quý
cho công tác giảng dạy ở các trường nông nghiệp, đồng thời là những gợi ý cho
các nghiên cứu tiếp theo về cây mận ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
- Việc áp dụng trồng những dòng, giống mận có triển vọng phù hợp với
điều kiện sinh thái của huyện Bắc Hà và các biện pháp kỹ thuật đi kèm, góp
phần nâng cao năng suất, rải vụ thu hoạch, đa dạng hoá sản phẩm và tăng thu
nhập cho người trồng mận.
4. Những đóng góp mới của đề tài luận án
Đã tuyển chọn được 2 dòng mận triển vọng tại Bắc Hà là dòng số 6 và số
8 có nguồn gốc là những con lai của các giống mận Nhật Bản, có thời gian
chín sớm (dòng số 6) và chín muộn (dòng số 8) so với giống mận Tam hoa
(giống chủ lực của Bắc Hà), góp phần rải vụ thu hoạch.
Đề tài đã xác định được đặc điểm sinh trưởng của các đợt lộc – cành,
thời kỳ rụng lá, ra hoa đậu quả và thời gian chín của các dòng/giống mận

trồng thử nghiệm và đã xác định được nguồn gốc các loại cành và mối tương
quan giữa tuổi cành, độ lớn cành và số lá trên cành với tỷ lệ đậu quả và năng
suất của 02 dòng mận có triển vọng. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa khoa
học cho việc đề xuất các biện pháp kỹ thuật cắt tỉa phù hợp, tạo điều kiện cho cây
ra hoa đậu quả đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Xác định được một số biện pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón lá Đầu
trâu 902, cắt tỉa 30% số cành trên cây thời kỳ rụng lá để tăng tỷ lệ đậu quả
cũng như năng suất và chất lượng quả
Xác định được biện pháp làm tăng khả năng nảy mầm của hạt mận bằng
xử lý lạnh ở nhiệt độ 5 0C trong 2 tháng, góp phần rút ngắn thời gian nhân
giống các dòng, giống mận phục vụ sản xuất.


4

Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài
Mận là loại cây ăn quả lâu năm chịu ảnh hưởng rất rõ các điều kiện
ngoại cảnh, biểu hiện qua sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng quả.
Những đặc trưng, đặc tính của cây mận biểu hiện ra trong một đời hay một
năm đều là kết quả phản ánh tổng hợp giữa đặc điểm của giống với điều kiện
ngoại cảnh. Việc điều tra, phân tích đặc điểm thực vật học, sinh vật học của
giống mận ở các điều kiện ngoại cảnh khác nhau, sẽ phân biệt được giống và
xác định được khả năng thích ứng của giống cho từng vùng sinh thái, đồng
thời điều tra tình hình trồng trọt, sẽ là cơ sở đề ra được những biện pháp kỹ
thuật nông nghiệp có hiệu quả. Do đó điều tra sinh vật học cây ăn quả là một
trong những biện pháp cơ bản để nghiên cứu quy luật sinh trưởng phát triển
của cây và làm nền tảng cho những thí nghiệm khoa học về cây ăn quả nói
chung và cây mận nói riêng.

Năng suất của cây mận phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng mà cây nhận
được trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển. Bón phân đầy đủ, cân đối,
cung cấp đủ nước và dinh dưỡng đúng lúc là điều kiện tiên quyết để đảm bảo
cho năng suất mận cao và ổn định. Việc đốn tỉa, tạo tán cho cây ăn quả ôn đới
nói chung và cây mận nói riêng là một biện pháp kỹ thuật cần thiết. Đốn tỉa,
tạo tán cho cây mận sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn, số cành hữu hiệu
nhiều, khả năng phân hoá mầm hoa và tỷ lệ đậu quả của mận cũng cao hơn,
chu kỳ kinh tế của cây cũng sẽ kéo dài hơn.
Lớp vỏ cứng của hạt mận ngăn cản sự thẩm thấu của hơi nước, phôi hạt
sẽ không hút được nước để nảy mầm. Bên canh đó, sự tồn tại của axit absicic
trong hạt sẽ ức chế khả năng nảy mầm của hạt và gây ra hiện tượng ngủ nghỉ


5

của phôi hạt. Hiện tượng ngủ nghỉ của hạt sẽ được phá vỡ khi ủ hạt trong cát
ẩm. Tuy nhiên, nhiệt độ ủ hạt, thời gian ủ hạt phụ thuộc vào yêu cầu độ lạnh
của giống. Sự ngủ nghỉ của hạt còn có thể được phá vỡ khi sử dụng Giberellic
axit (GA3) để xử lý hoặc xử lý bằng nhiệt độ lạnh (Koornnef et al., 2002;
Loreti, Morini, 2008) [71], [72].
Ở Việt Nam các vùng có tiềm năng lớn để phát triển cây mận như: Mộc
Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), hàng ngàn ha chỉ trồng duy nhất một giống
mận Tam hoa và một vài giống mận địa phương khác, thời gian thu hoạch
ngắn (trong vòng 1 tháng) nên khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là mận chủ
yếu phục vụ ăn tươi rất khó chế biến. Mặt khác do được trồng trọt lâu năm,
thiếu đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, chưa có một quy trình sản
xuất thích hợp phổ biến cho người nông dân, người dân phát triển cây mận
theo hướng tự phát, chỉ chú trọng mở rộng diện tích trồng và đợi ngày thu
hoạch, không quy hoạch thiết kế, không hoặc rất ít chăm sóc vườn quả, không
đốn tỉa để cây ra hoa đậu quả trên cành già cỗi, không pḥng trừ sâu bệnh

hại… Kết quả là vườn cây nhanh già cỗi, năng suất và chất lượng quả giảm
mạnh, sản phẩm khó tiêu thụ, mất dần chỗ đứng trên thị trường.
Chính vì vậy để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của
cây mận, việc nghiên cứu chọn tạo và thử nghiệm các giống mận mới thích
nghi với vùng sinh thái cụ thể và các biện pháp kỹ thuật đi kèm là rất cần thiết.
1.2. Nguồn gốc, phân loại
1.2.1. Nguồn gốc
Trước đây nhiều giả thiết cho rằng cây mận trên thế giới có nguồn gốc từ 3
trung tâm khởi nguyên cây trồng khác nhau là châu Âu, hình thành nhóm mận
châu Âu, châu Á (Trung Quốc) hình thành nên nhóm mận châu Á và châu Mỹ
hình thành nên nhóm mận châu Mỹ. Thực tế cũng cho thấy hiện nay ba vùng trên
là những vùng sản xuất mận chủ yếu trên thế giới. Theo các tác giả Salunkhe,


6

Kadam (1995) [85], Weinberger (1975) [101], thì cây mận có nguồn gốc từ
Trung Quốc và một phần ở châu Mỹ.
Cây mận có lịch sử trồng thuần hoá lâu đời, Trung Quốc có lịch sử trồng
mận lâu đời nhất trên 3000 năm, sau đó mận được di thực sang Nhật Bản (hơn
2000 năm). Châu Âu gồm các nước Pháp, Đức, Rumani, Nga,... Châu Mỹ gồm
các nước Mỹ, Chile, Brazil cũng có lịch sử trồng mận hàng trăm năm. Do có lịch
sử trồng mận khá lâu đời và sự khác biệt tương đối rõ rệt về hình thái, chất lượng
quả nên nhiều nhà khoa học đã cho rằng nguồn gốc mận xuất phát từ 3 trung tâm
khởi nguyên thuộc ba châu lục vừa nêu trên. Ngày nay các kết quả phân tích di
truyền ở mức độ phân tử đã chứng minh mận được trồng trên thế giới hiện nay có
nguồn gốc họ hàng với mận châu Á (Trung Quốc) và châu Mỹ hoặc là con lai
giữa các giống mận hay con lai giữa mận và các loài kế cận với mận như mơ.
1.2.2. Phân loại
Cây mận có tên khoa học là Prunus salicina, thuộc họ hoa hồng

Rosaceae, họ phụ Prunoideae, nhóm Prunus. Họ hoa hồng có trên 30 giống
trong đó có các loại cây ăn quả trồng phổ biến như cây dâu tây, cây táo ta, cây
mận, cây đào (Salunkhe, Kadam, 1995; Watkins, 1976) [85], [97]. Trên thế
giới có 3 loại mận chính đó là:
- Mận châu Âu (Prunus domestica L.): Đây là cây ôn đới có nhiễm sắc
thể (2n = 48), loại này đòi hỏi nhiệt độ thấp trong mùa Đông, nếu nhiệt độ
cao, thì cây không ra nụ hoa được. Mận châu Âu được trồng phổ biến ở Nga,
Nam Tư, Đức, Rumani, Mỹ... (Dardick et al., 2011; Paunovic, 1998)
[63],[80]. Đây là loại mận có quả to, cây mọc thẳng đứng, gỗ có mầu nâu
thẫm, cành có gai hoặc không có gai, lá to, xanh đậm, phía dưới mặt lá màu
xanh nhạt, mép lá có răng cưa tròn. Hoa mọc đơn hay mọc thành chùm 2 - 3
hoa, cánh hoa màu trắng đôi khi có mầu xanh nhạt. Quả to, nhỏ mầu sắc khác
nhau: hình tròn, hình trứng, hình quả lê, hình tròn dài,.... Mận không trồng


7

được ở xứ nóng, khi trồng ở xứ nóng cây vẫn sống nhưng sinh trưởng chậm,
không ra hoa kết quả (Vũ Công Hậu, 2000; Cambrink, 1993; Crane., and
Lawrence, 1952) [14], [56], [61].
Châu Âu hiện đang trồng khoảng 10 loài mận khác nhau với các mục
đích sử dụng: thu quả làm thực phẩm, cây cảnh và làm gốc ghép. Các loài này
chủ yếu có nguồn gốc từ miền Tây Á di thực vào vùng Địa Trung Hải rồi sau
đó sang châu Âu và châu Phi. Cũng có một số loài mới được hình thành là kết
quả của quá trình lai tự nhiên giữa các kề cận với mận. Nhưng loài có ý nghĩa
về kinh tế và hàng hoá phải kể đến là mận Prunus domestica hay mận châu
Âu (European plum) (Crane , Lawrence, 1952) [61].
Mận châu Âu (P. domestica) được di thực bằng hạt qua con đường tơ lụa
vùng tây Á, sau đó lan truyền sang châu Âu. Mận châu Âu về thực chất là
dạng lục bội thể có số lượng nhiễm sắc thể (2n = 6x = 48; x = 8). Trước đây

các nhà khoa học đưa ra giả thiết mận châu Âu là con lai tự nhiên giữa hai
loài mận Prunus cerasifera (2n = 16; x = 8) và prunus spinosa (2n = 32), rồi
sau đó cũng bằng các tác nhân tự nhiên, các con lai bị nhân đôi số lượng
nhiễm sắc thể để trở thành loài mới P. domestica (Cambrink, 1993; Crane,
1952) [56] [61].
Châu Âu hiện có bộ giống mận khá phong phú, cây sinh trưởng khoẻ, lá
to, dài, quả chín tuỳ theo giống từ tháng 7 đến tháng 10. quả to, ngọt kèm theo
vị chua nhẹ, phần lớn khi chín vỏ quả vẫn giữ được màu xanh, có một số ít có
màu đỏ, vàng hoặc phớt hồng. Mận châu Âu có khả năng chịu rét tốt và hầu
như không ra quả trong điều kiện nóng ẩm (Endlich and Murawaki, 1962;
Salesses, 1977 ; Watkins, 1976) [65], [84], [97].
- Mận châu Mỹ (Prunus Americana Marsh) gồm các loài có nguồn gốc
bản địa và một phần có nguồn gốc từ châu Á. Các giống mận du nhập vào Mỹ
đầu thế kỷ 19 từ châu Á phần lớn là giống mận Nhật Bản Japanese plum. Bộ
giống mận châu Mỹ khá phong phú gồm khoảng 19 loài khác nhau chủ yếu để


8

thu quả. Một số rất ít được trồng để sử dụng làm cây cảnh hoặc gốc ghép.
Mận châu Mỹ có bộ nhiểm sắc thể (2n = 16), thân cao, cành có nhiều gai,
cành non có cạnh. Phiến lá hình chuỳ, có mầu hồng hay mầu nâu vàng điển
hình. Quả to hơn mận châu Á, vị chua nhẹ rất hợp khẩu vị với người châu
Mỹ. Cây có khả năng chịu rét rất tốt (Vũ Công Hậu, 2000; Salunkhe, Kadam,
1995) [14], [85].
- Mận châu Á (Prunus salicina L.) Đây là giống mận đòi hỏi ít lạnh hơn
mận châu Âu, có bộ nhiễm sắc thể (2n = 16). Đây là giống mận được trồng
phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, miền Bắc Việt Nam, vùng Địa Trung Hải
và Califoocnia,... Loại mận này thường có tán hình mâm xôi hay hình tháp,
thân gỗ nhỏ, vỏ cây mầu nâu xám, cành nhẵn không có lông. Lá xanh có hình

tròn dài hoặc hình trứng đảo ngược, đầu lá nhọn hoặc hơi nhọn, mép lá có
răng cưa nhỏ. Hoa nhiều, mọc thành chùm 3 cái, cánh hoa có mầu trắng,
vàng, tím hoặc màu xanh, rất sai quả, năng suất cao, chất lượng tốt (Vũ
Công Hậu, 2000; Salunkhe, Kadam, 1995) [14], [85].
Châu Á hiện nay đang có một bộ giống mận tương đối phong phú,
khoảng trên 500 giống thuộc gần 10 loài. Mận trồng chủ yếu để thu sản phẩm
quả và làm gốc ghép. Trong các loài đang trồng ở châu Á mà tập trung chủ
yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…loài Prunus salicina (còn có tên gọi
khác là Japanese plum: mận Nhật Bản) là có ý nghĩa về kinh tế và giá trị hàng
hoá hơn cả, bởi vậy khi nói sản phẩm mận châu Á nghĩa là nói đến sản phẩm
của mận P. Salicina (Ward G., & Lin, 1998) [98].
1.3. Đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái của cây mận
1.3.1. Đặc điểm thực vật học
1.3.1.1. Rễ
Cây mận có bộ rễ ăn không sâu, chủ yếu tập trung ở tầng đất mặt từ 0 –
50 cm tuỳ theo từng loại đất. Một số rễ cái ăn sâu giúp cho cây đứng vững
không bị đổ. Với đặc điểm phân cành sớm và nhiều cành nhỏ, cộng với một


9

số rễ cái ăn sâu, bộ lá nhỏ nhẹ, cây mận ít bị đổ do gió bão. Ngoại trừ mận
được trồng trên đất mùn đá vôi, cây có thể bị đổ do nguyên nhân đất quá tơi
xốp và dễ bị sụt lở. Cây mận có hệ thống rễ tơ hút nước và dinh dưỡng chủ
yếu ở lớp đất mặt (sâu khoảng 25 cm trở lên) do vậy cây chịu hạn kém đặc
biệt là thời kỳ ra hoa, ra lộc và quả lớn. Rễ ăn ngang, chiều ngang gấp đôi chiều
rộng tán cây. Khác với các loài cây ăn quả ngủ đông khác, rễ mận nhất là phần
nổi trên mặt đất thường có các mầm ngủ, trong điều kiện thích hợp các mầm ngủ
có thể bật thành các cây con. Lợi dụng đặc điểm này, người trồng vườn đã nhân
giống mận bằng phương pháp giâm rễ. Rễ mận thường phát triển mạnh theo

chiều ngang, các mầm ngủ của rễ phần sát mặt đất khi tiếp xúc với ánh sáng, gặp
điều kiện thuận lợi về ẩm độ thường mọc thành cây con. Quan sát khoảng không
gian mọc của cây con cho thấy: rễ mận thường phát triển rộng hơn tán cây khá
nhiều (tuy nhiên sự phát triển của bộ rễ còn phụ thuộc vào hình thức nhân giống)
(Nguyễn Hoàng Anh, 2008; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 2002;
Viện bảo vệ thực vật, 2006; Marini L.P et al., 2008;Vũ Công Hậu, 2000;
Salunkhe D.K., Kadam, 1995) [1], [4], [14] , [51], [73], [85].
1.3.1.2. Thân, cành
Mận thuộc loại thân gỗ nhỡ (một số giống có 1 thân chính và 2 - 3 thân
phụ), cây cao trung bình, cành mảnh dẻ, tán xoè rộng, sức nảy chồi mạnh.
Hình dáng của cây phụ thuộc vào giống, các giống mận đắng, mận chua,
mận thép có tán hình trứng ngược, mận Tam hoa có hình mâm xôi dẹt.
Chiều cao, đường kính tán của một số giống mận ở tuổi 8 là: mận Tam hoa
cao 2,85m, đường kính tán 5,44m; mận chua cao 3,2m, đường kính tán
3,4m; Mận thép cao trung bình 4,25m, đường kính tán 3,85m (Nguyễn Hoàng
Anh, 2008: Tôn Thất Trình, 2004; Trung tâm Unesco, 2007; Viện Bảo vệ thực vật,
2005) [1], [43], [48], [50].
Đối với cây mận, cành quả hoặc sẽ thành cành quả hoặc không phụ
thuộc vào sức sinh trưởng của cành (đường kính, số lá, chiều dài), mà còn phụ


10

thuộc nhiều vào tuổi cành. Những cành ra vào cuối thu năm trước có thể ra rất
nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp. Cành quả hoặc cành mẹ có thể có
đường kính rất nhỏ và có độ tuổi từ 7 tháng tuổi đến nhiều năm tuổi. Cành cấp
I và cấp II ở cây mận cao tuổi đôi khi cũng ra hoa và đậu quả rất tốt. Điều này
cũng cho thấy để trở thành cành mẹ hoặc cành quả ở mận phụ thuộc vào độ
chín sinh lý, thời gian ngủ nghỉ qua đông để đảm bảo độ chín sinh lý cần thiết.
Ở những nước có khả năng thâm canh cao, hình dáng bộ tán mận không trở

nên quan trọng do cành được uốn nằm trên các giàn giống như giàn nho, giàn
mướp ở Việt Nam hoặc được uốn cố định theo bốn phía trên khung dây thép
định sẵn (Lê Đức Khánh, Hà Minh Trung, 2006: Nissen và cs., 2004) [22], [25].
1.3.1.3. Lá
Lá mận có hình dạng tương đối đồng nhất giữa các loài. Hình dạng bầu
dục của lá là một đặc trưng hình thái của cây mận. Độ lớn của lá rất khác
nhau tuỳ thuộc vào từng loài và từng giống, nhìn chung chiều rộng của lá dao
động từ 1cm – 4cm, chiều dài từ 1,5cm – 10cm. Gân lá nổi rõ, mép lá có hình
răng cưa rõ nét hoặc không rõ nét tuỳ vào từng giống và từng loài, đỉnh lá
nhọn hoặc hơi tù. Màu sắc lá cũng rất khác nhau tuỳ theo giống, có các màu
đặc trưng: đỏ, đỏ tím, xanh, xanh đậm, xanh nhạt.... Lá mận rụng vào mùa
Đông từ tháng 10  tháng 12 hoặc sớm hơn. Những vườn mận giai đoạn còn
non (kiến thiết cơ bản) trồng ở vùng nóng ẩm lá có thể rụng không triệt để,
đôi khi còn lại một số lá già ngả màu xanh vàng, chỉ đến khi cây ra hoa số lá
này mới rụng hết để cành bật lộc mới. Lá mận rụng càng sớm và càng triệt để
chứng tỏ điều kiện ngoại cảnh và nội tại giúp cây có quá trình ngủ sâu trong
vụ đông, thì hoa nở càng nhiều và tỷ lệ đậu quả rất cao.
1.3.1.4. Hoa
Màu sắc hoa mận tuỳ từng giống có màu hồng hoặc tím pha lẫn với màu
chủ đạo là màu trắng, mọc đơn hoặc thành chùm có 2 - 5 hoa. Hoa mận thuộc


11

loại hoa nhỏ, tính theo hình chiếu không gian của hoa, đường kính hoa dao
động từ 5 mm – 25 mm. Thông thường, ở cây mận đường kính hoa tỷ lệ thuận
với độ lớn của quả. Hoa mận gồm 5 cánh hoa nở đều về 4 phía, phần đài hoa
bao bọc lấy bầu, có từ 20 – 30 chỉ nhị, chiều cao của chỉ nhị tương đương với
chiều cao của cánh hoa, bao phấn không mở sớm mà mở vào thời điểm khi
cánh hoa đã mở. Khi hoa nở đầu đầu nhị hoa phát triển vươn lên ngay kề cạnh

bao phấn. Hoa mận nở vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm, những
giống mận có vị chua hoa thường nở sớm hơn và quả chín sớm hơn. Các nước
châu Á nhất là Trung Quốc và Việt Nam, giống mận chín sớm rất có ý nghĩa
về kinh tế do bán được giá cao hơn. Phần lớn các giống mận không có khả
năng tự thụ nghĩa là: khi tự thụ quá trình thụ tinh không xảy ra làm tỷ lệ đậu
quả rất thấp, thậm chí hoa rụng 100%. Do đó muốn thu được năng suất cao,
cần thiết phải trồng xen vườn mận với các giống mận khác làm cây cho nguồn
hạt phấn.
1.3.1.5. Quả
Mận thuộc loại quả hạch, vỏ quả nhẵn và mỏng, quả to hay nhỏ, hạt dóc
hay không là tuỳ theo giống. Các giống mận châu Á quả nhỏ hơn mận châu
Âu và châu Mỹ. Quả mận được chia làm 3 loại: nhỏ, trung bình và to. Loại
quả nhỏ khoảng 80 – 100 quả /kg, loại quả trung bình từ 20 – 30 quả/kg, loại
quả to khoảng 8 – 10 quả/kg. Màu sắc quả thay đổi rất nhiều theo giống và
điều kiện sinh thái, màu sắc từ đỏ tươi, tím, vàng. Một số giống khi chín màu
sắc không thay đổi, vẫn giữ nguyên màu xanh. Các giống mận châu Mỹ và
châu Âu khi quả chín còn phủ thêm một lớp phấn trắng bên ngoài, lớp phấn
có tác dụng bảo vệ quả chống sự xâm nhiễm của vi khuẩn, nấm, tránh cho quả
hấp thu nhiệt vào thời điểm trời quá nóng. Các giống mận chín sớm khoảng từ
giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, các giống chín trung bình vào tháng 5, 6 và kéo
dài sang tháng 7, các giống mận chua chín sớm hơn giống mận ngọt. Nhìn


12

chung thời gian chín của mận thay đổi theo từng vùng sinh thái và đặc điểm
giống (Okie et al.,1998) [78].
1.3.2. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây mận
1.3.2.1. Giai đoạn sinh trưởng
Mận là cây ăn quả thân gỗ nhỏ, lá rụng vào mùa Đông. Thời kỳ cây còn

non sinh trưởng nhanh, trong 1 năm cành có thể sinh trưởng đạt tới 2 - 3 lần.
Tuổi thọ của cây tuỳ thuộc vào chủng loại giống, kỹ thuật trồng trọt.... Mận
trồng bằng hạt có tuổi thọ cao hơn cây ghép và chiết, giống mận Trung Quốc
có tuổi thọ cao hơn giống mận châu Âu. Sự nảy mầm tương đối mạnh, cây ra
2 - 3 đợt lộc mỗi năm vào vụ Xuân, Hè, Thu. Chồi lá phát sinh ở ngọn cành
và từ nách lá mọc cả chồi lá và chồi hoa. Sau khi thu hái quả thì chồi ngọn
của cành quả năm trước vươn dài thành cành quả mới và kéo dài liên tục trong 4 - 5
năm liền (Vũ Công Hậu, 2000): Trần Thế Tục, 1994:, Tôn Thất Trình, 2004)
[14], [43], [45], [46].
Cây ăn quả hạt cứng yêu cầu độ lạnh thấp là cây rụng lá, lá chỉ ra trong
một mùa. Lá phát triển liên tục từ khi nảy mầm vào tháng 1 cho đến khi lá bắt
đầu rụng vào tháng 10, 11, 12. Sau khi rụng lá cây bước vào giai đoạn ngủ
nghỉ. Ở giai đoạn ngủ nghỉ cây ngừng hoạt động (Đặng Vũ Thị Thanh, Lê
Đức Khánh, 2013; Topp, 2008) [39], [90].
Các giai đoạn phát triển riêng rẽ hình thái của các cơ quan chính (nụ,
hoa, lá, quả) từ khi nảy nụ, ra chồi đến khi lá rụng chính là chu kỳ sinh trưởng
hang năm của cây. Sự xuất hiện của từng giai đoạn riêng rẽ trong năm phụ
thuộc vào kỹ thuật trồng trọt và khả năng thích hợp của giống với môi trường
sống (Bassi, Monet, 2008) [53].
Thời gian ra hoa, nảy chồi của mận phụ thuộc vào yêu cầu độ lạnh và độ
mẫn cảm của giống với nhiệt độ. Khi cây đã tích luỹ đủ độ lạnh và nhiệt độ
không khí tăng đạt đến ngưỡng phát triển, cây sẽ ra nụ và nảy chồi. Những năm


13

có mùa Đông lạnh và mùa Xuân ấm áp là điều kiện thuận lợi cho mận, đào đâm
chồi nảy lộc. Thông thường nụ hoa ra trước chồi 1 tuần (Đặng Vũ Thị Thanh, Lê
Đức Khánh, 2013; Trung Ha Minh, Le Duc Khanh, 2003) [39], [91].
Hàng năm mận có 2 đợt ra chồi chính (thời kỳ ra cành mới).

- Chồi Xuân bắt đầu từ khi ra chồi vào tháng 12, tháng 1 cho đến cuối
tháng 4. Dinh dưỡng dành cho chồi Xuân chủ yếu lấy trong nguồn dự trữ từ
mùa Thu năm trước. Một số dinh dưỡng cũng được lấy từ hoạt động của bộ rễ
vào đầu mùa Xuân. Vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 chồi Xuân đã thành thục và
dinh dưỡng bắt đầu được dự trữ vào trong cây.
- Chồi Hè ra trong khoảng tháng 7, 8 cho đến cuối tháng 11 đầu tháng 12
thì rụng. Dinh dưỡng cung cấp cho đợt lộc này lấy từ hoạt động của bộ rễ và
dinh dưỡng dự trữ từ đợt ra chồi mùa Xuân. Ở những cây khoẻ các lá này tồn
tại trên cây cho đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Khi lá chuẩn bị rụng,
dinh dưỡng dự trữ sẽ được chuyển vào trong thân cây và rễ trong giai đoạn
cây qua đông. Việc dự trữ này thường kèm theo hiện tượng sần sùi của thân
và bề mặt bị rạn nứt (Nissen R.J., 1998) [77].
1.3.2.2. Giai đoạn phát triển
Cây mận thường ra hoa ở các cành bên một năm tuổi. Hàng năm mận,
đào bắt đầu phân hoá mầm hoa, chồi lá vào các tháng 7, 8, 9. Sau thời gian
ngủ nghỉ, cây mận sẽ nảy nụ, đâm chồi vào tháng 12, tháng 1. Chồi thường
hình thành ở nách lá (mắt lá). Khi cây đã tích luỹ đủ độ lạnh và nhiệt độ môi
trường thích hợp chồi hoa được kích hoạt và sưng lên, sau đó chồi được tách
ra, cánh hoa xuất hiện, hoa nở và được thụ phấn. Sau khi thụ phấn cánh hoa
rụng và tiếp theo sẽ là các bộ phận khác (Nissen et al., 2004) [25].
Sự sinh trưởng phát dục của quả có thể chia làm 3 thời kỳ (Campbell
J. et al., 1998) [55]:


×