Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Một Số Kinh Nghiệm Trong Đào Tạo Giáo Viên Tại CHLB Đức

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (305.34 KB, 23 trang )

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TẠI
CHLB ĐỨC
TS Nguyễn Văn Cường- Đại học Potsdam- CHLB Đức
PGS.TS Cao Thị Hà- Trường ĐHSP Thái Nguyên
TS Nguyễn Danh Nam- Trường ĐHSP Thái Nguyên

1. Một số thông tin chung về giáo dục của CHLB Đức
CHLB Đức có diện tích là 357.340,08 km² và dân số 81,1 triệu dân (20.5% dân
số có nguồn gốc di dân). Đây là Quốc gia giàu nhất châu Âu và là nước xuất khẩu
lớn nhất thế giới. CHLB Đức hiện có khoảng 11 triệu học sinh, trong đó có 8,4
triệu học sinh phổ thông; 2,5 triệu học sinh ở các trường nghề ; 2,5 triệu học sinh
vừa làm vừa học (ước tính hàng năm có khoảng 803.000 học sinh bỏ học); 2,6
triệu sinh viên đại học; khoảng 787000 giáo viên; khoảng 97.300 giảng viên đại
học, trong đó có 45000 giáo sư. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục khoảng 177
tỉ Euro (trong khi đó chi cho quốc phòng chỉ có 31,7 tỉ) trong tổng số 780 tỉ cho
an sinh xã hôi (số liệu 2012). Hàng năm nhà nước chi khoảng 11000 Euro một
năm cho mỗi sinh viên/học sinh (trong khối OECD là 9500 Euro)
CHLB Đức là quốc gia có chế độ liên bang, phân quyền. Mỗi bang có một bộ
giáo dục, hệ thống giáo dục và các luật giáo dục riêng. Bộ giáo dục và nghiên cứu
liên bang, Hội nghị các bộ trưởng văn hoá giáo dục (KMK) và Uỷ ban liên bang –
bang có nhiệm vụ đảm bảo sự thống nhất cần thiết.
Theo quy định của hiến pháp, toàn bộ ngành giáo dục chịu sự quản lý của nhà
nước. Quyền thành lập các trường ngoài công lập được đảm bảo thông qua những
quy chế riêng. Giáo dục là bao cấp của nhà nước và được quy định trong hiến
pháp về quyền con người. Ở CHLB Đức, mỗi tiểu bang có quyền quyết định về
chính sách giáo dục của bang, chính quyền liên bang không quyết định chính sách
giáo dục chung trên toàn quốc. Để đảm bảo có sự thống nhất và liên thông trên
toàn quốc, hội nghị bộ trưởng giáo dục các bang (gọi tắt là KMK) sẽ quy định
những điểm chung nhất cho giáo dục của các bang. Mặt khác, tất cả các quyền
dành cho các cơ sở giáo dục đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và phải được
công khai. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài 9 hoặc 10 năm đến trường tùy theo


bang. Nghĩa vụ học nghề tiếp theo là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ đi
học phổ thông nếu không học tiếp đại học.


Chương trình giáo dục phổ thông do các bang quyết định. Ở bình diện liên
bang ban hành chuẩn giáo dục các môn học ở các cấp học. Các bang ban hành
chương trình khung riêng cho bang, là cơ sở để các trường xây dựng chương trình
dạy học riêng phù hợp với đặc thù của trường. Sách giáo khoa do các nhà xuất bản
tổ chức biên soạn dựa trên các chương trình đào tạo và sau khi được bộ giáo dục
thẩm định thì các trường và giáo viên có thể tự chọn sách giáo khoa cho mỗi môn
học.
Không có một hệ thống giáo dục chung trên toàn liên bang Đức, mà mỗi bang
lại có một hệ thống giáo dục riêng. Tuy nhiên, giáo dục phổ thông Đức của CHLB
có thể chia như sau:
- Bậc Tiểu học thường kéo dài đến hết lớp 6, ở bậc này HS học chung nhau
và sau khi hết lớp 6 thì có thể học theo các hướng khác nhau. Nói chung HS
không có lưu ban. Đến bậc Trung học, Đức nói chung và bang Brandenburg nói
riêng chia bậc Trung học thành Trung học 1 và trung học 2 (tương đương với
THCS và THPT của Việt Nam) học sinh có thể tham gia vào học một trong 3 loại
hình trường.
- Trung học Gymnasium: là loại trường định hướng khoa học, trường này
thường dành cho các học sinh có năng lực học tập, học sinh học tại các trường này
hầu hết sẽ vào học tại các trường Đại học sau khi tốt nghiệp Trung học.
- Trung học nghề: Đây là loại hình trường chiếm số lượng khá lớn của bang,
học sinh học tại các trường này sẽ có định hướng vào học các trường nghề ở bậc
học tiếp theo. Trong các loại hình trường này, học sinh học nhẹ hơn về kiến thức
khoa học nhưng số tiết học nghề trong mỗi tuần là khá lớn.
- Trung học hỗn hợp: Đây là loại hình trường kết hợp giữa trường trung học
Gynasium và trường nghề. Trường này thường dành cho các học sinh có thể vào
học tại các trường Đại học (sau khi học bổ sung một số kiến thức) hoặc học tại các

trường kĩ thuật cao.
-

Hệ thống giáo dục sau phổ thông của CHLB Đức cũng khá phức tạp, do

trong bài viết này trọng tâm vào những kinh nghiệm trong đào tạo GV tại CHLB
Đức nên chúng tôi chỉ phân tích những điểm cốt yếu của hệ thống GD phổ thông
của Đức, nền tảng cho việc đào tạo GV. Tổng thể về hệ thống giáo dục của CHLB
Đức chúng ta có thể tìm hiểu trong tài liệu [1].


Như vậy, hệ thống giáo dục của CHLB Đức là một hệ thống được phân chia rõ
ràng dựa vào năng lực của người học; Học sinh nào có khả năng học tốt thì có thể
học tại các trường Gynasium còn lại học sinh sẽ học tại các trường phổ thông định
hướng nghề hoặc các trường hỗn hợp. Trong GD, người ta nói sự phân hóa thành
các loại hình như trên là dựa vào trình độ của học sinh và sự phân hóa này giúp
cho HS có thể phát triển tốt năng lực của bản thân. Tuy nhiên, về bản chất thì sự
phân hóa này bị ảnh hưởng từ sự phân hóa giai cấp giàu nghèo trong xã hội Đức.
Một thực tế cho thấy hầu hết các học sinh học tại các trường Gynnasium đều là
con em các gia đình giàu có hoặc con em của các gia đình mà bố mẹ là viên chức
nhà nước, con em có bố mẹ là người lao động thì cơ hội học tập ở các trường này
là rất ít. PISA đã phê phán nước Đức rất nhiều về sự phân hóa này, vì không đảm
bảo sự công bằng trong giáo dục.
Năm 2000 nước Đức tham gia chương trình đánh giá PISA và gặp phải “cú
sốc PISA“, đây trở thành cú hích quan trọng cho việc đổi mới GD tại CHLB Đức
trong những năm qua. Mặc dù không tuyên bố một chương trình quốc gia tổng
quát về cải cách giáo dục, từ sau năm 2000 hàng loạt các dư án và chương trình
cải cách được thực hiện ở bình diện liên bang và các bang. Có thể kể ra một số xu
hướng cải cách giáo dục phổ thông như sau:
- Giảm tổng thời gian học phổ thông xuống 12 năm đối với học sinh

Gymnasium để rút ngắn thời gian học nhằm khuyến khích học lên đại học,
- Cải cách cấu trúc hệ thống trường học theo xu hướng giảm bớt sự phân hóa
ngoài quá sớm ở bậc trung học cơ sở, kết hợp hai nhánh Realschule và
Hauptschule vào một loại hình trường,
- Tăng cường các trường học cả ngày ở bậc tiểu học,
- Tăng cường giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật vào các trường phổ thông bình
thường, trong đó học sinh vẫn nhận được hỗ trợ của giáo dục đặc biệt, giảm thiểu
các trường đặc biệt độc lập,
- Xây dựng chuẩn năng lực các môn học phổ thông ở bình diện liên bang,
- Xây dựng chương trình khung mới ở các bang dựa trên chuẩn môn học,
- Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng trường học, đánh giá và kiểm định
chất lượng trường học định kỳ,
- Thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tập trung (cấp bang) đối với bậc trung học cơ sở
và trung học phổ thông,
- Tăng cường bồi dưỡng giáo viên.


Từ năm 2000 việc đào tạo GV ở Đức cũng thay đổi. Trước đây, giáo dục đặc biệt
phát triển rất mạnh ở Đức, tuy nhiên hiện nay dưới áp lực của XH thì giáo dục đặc
biệt đang cần phải hòa nhập vào xã hội, điều này đang là vấn đề đặt ra với các nhà
sư phạm vì quan điểm của giáo dục hòa nhập là tạo điều kiện thuận lợi nhất để
mỗi HS phát triển được tốt nhất năng lực của bản thân. Muốn vậy GV phải có
năng lực làm việc với cac nhóm không đồng nhất trong khuôn khổ của giáo dục
hòa nhập. Mỗi GV phải có năng lực chuẩn đoán về KN nhận thức của từng em
trong lớp học có các nhóm không đồng nhất để có tác động SP đến từng em. GV
phải có KN làm việc với các nhóm HS khuyết tật, HS có khó khăn về tâm lí hoặc
HS có vấn đề về XH, bên cạnh đó là các HS có năng khiếu. Đây được coi như là
năng lực mới của GV tại Đức.
2. Một số kinh nghiệm trong đào tạo GV tại CHLB Đức
2.1. Một số nét chung về đào tạo GV tại CHLB Đức: Mặc dù CHLB Đức có

nên giáo dục theo chế độ phân quyền, tuy nhiên để đảm bảo những thống nhất cơ
bản trong đào tạo GV trên toàn quốc cũng như tạo những điều kiện thuận lợi để
GV được đào tạo ở bang này có thể xin được việc làm ở các bang khác thì KMK
đã ban hành “chuẩn đào tạo giáo viên”, chuẩn này chủ yếu đề cập đến những
chuẩn mà GV cần đat được trong lĩnh vực KHGD (tạm dịch là chuẩn đào tạo GV
– Khoa học giáo dục). Ngoài ra KMK còn thỏa thuận “các yêu cầu chung về nội
dung cho các tiểu bang về nội dung đào tạo GV đối với các môn khoa học chuyên
ngành và lý luận dạy học chuyên ngành” và “chuẩn đào tạo GV – khoa học chuyên
ngành”. Ngoài ra chính phủ Đức còn quy định việc đào tạo GV phải đào tạo 2
chuyên ngành, thời gian đào tạo để trở thành giáo viên chia ra làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đào tạo trong trường ĐH: Thời gian đào tạo trong trường ĐH là 5 năm
trong đó được chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn đào tạo cử nhân (Bachelor of Education): Giai đoạn này kéo dài trong
3 năm, SV học trong 6 học kì với 180 tín chỉ (trung bình 30 tín chỉ/ học kì, 1 tín chỉ
bằng 15 giờ, bao gồm cả thời gian tự học);
+ Giai đoạn đào tạo thạc sĩ (Master of Education): giai đoạn này kéo dài trong 2
năm, SV học trong 4 kì với 120 tín chỉ.
- Giai đoạn đào tạo tập sự: Sau khi nhận được bằng master, để trở thành GV thì SV
cần đăng kí đào tạo tập sự tại bộ giáo dục của bang, thời gian đào tạo tập sự là 01
năm (một số bang là 1.5 – 2 năm). Thời gian này SV chủ yếu làm công tác thực tập
giảng dạy tại trường phổ thông và sau đó sẽ tham gia kì thi quốc gia để trở thành
GV tại các trường phổ thông.


2.2. Chuẩn đào tạo giáo viên
2.1.1. Chuẩn đào tạo giáo viên – Khoa học giáo dục
Có thể coi định hướng chuẩn và năng lực là một định hướng cơ bản trong
cải cách giáo dục nói chung và cải các đào tạo GV nói riêng tại CHLB Đức. Ở
nước này, chuẩn đào tạo GV được sử dụng như một công cụ để đảm bảo chất
lượng đào tạo theo định hướng năng lực. Chuẩn tạo ra sự rõ ràng về mục tiêu và

nền tảng cho việc kiểm tra có hệ thống việc đạt mục tiêu. Ngày 16.12.2004 Hội
nghị Bộ trưởng văn hoá giáo dục (KMK) đã ký “Thoả thuận về Chuẩn đào tạo GV
– Khoa học giáo dục”. Chuẩn này trình bày những năng lực trong khoa học giáo
dục có ý nghĩa đặc biệt đối với đào tạo nghề nghiệp và và cuộc sống nghề nghiệp
thường nhật và có thể kết nối với bồi dưỡng giáo viên đồng thời là cơ sở cho việc
xây dựng chương trình đào tạo GV bao gồm cả các phần đào tạo thực tiễn và đào
tạo GV tập sự ở các bang.
Chuẩn đào tạo GV được xây dựng dựa trên mô hình năng lực nghệ nghiệp giáo
viên, trong đó bao gồm những lĩnh vực năng lực sau đây:
-

Lĩnh vực năng lực dạy học: GV là các chuyên gia về dạy và học . Lĩnh vực
này gồm 3 năng lực:

+ Năng lực 1: GV lập kế hoạch dạy học phù hợp với chuyên môn và công
việc và tiến hành nó khách quan và cụ thể về chuyên môn;
+ Năng lực 2: GV hỗ trợ việc học của học sinh qua việc tổ chức các tình
huống học. Họ động viên học sinh và tạo cho chúng có năng lực thiết lập các mối
liên hệ và vận dụng kiến thức đã học.
+ Năng lực 3: GV khuyến khích các khả năng tự quyết định học và làm việc
của học sinh.
-

Lĩnh vực năng lực giáo dục, GV thực thi nhiệm vụ giáo dục của mình.
Lĩnh vực này gồm 3 năng lực:
+ Năng lực 4: GV biết các điều kiện sống về xã hội và văn hóa của học sinh

và tác động đến phát triển cá nhân của họ trong khuôn khổ nhà trường.
+ Năng lực 5: GV truyền đạt các giá trị và chuẩn mực và hỗ trợ việc đánh
giá và hành động tự quyết của học sinh.

+ Năng lực 6: GV tìm ra các giải pháp tiếp cận cho những khó khăn và
xung đột trong nhà trường và giờ học.


-

Lĩnh vực năng lực đánh giá: GV thực thi nhiệm vụ đánh giá của mình một

cách công bằng và có ý thức trách nhiệm. Trong lĩnh vực này gồm 2 năng lực:
+ Năng lực 7: GV chẩn đoán các tiền đề và quá trình học tập của các học
sinh; khuyến khích học sinh có mục đích và tư vấn người học và cha mẹ học sinh.
+ Năng lực 8: GV nắm bắt các thành tích của học sinh trên cơ sở các thước đo
đánh giá minh bạch.
-

Lĩnh vực năng lực đổi mới /phát triển: GV liên tục phát triển tiếp tục các
năng lực của mình. Trong lĩnh vực này gồm 3 năng lực:

+ Năng lực 9: GV ý thức được các yêu cầu đặc biệt của nghề giáo viên. Họ
hiểu nghề mình như là một viên chức công với trách nhiệm và nghĩa vụ đặc biệt .
+ Năng lực 10: GV hiểu nghề của mình như là nhiệm vụ học thường xuyên.
+ Năng lực 11: GV tham gia vào việc lập kế hoạch và triển khai các dự án,
dự định của nhà trường.
Nội dung những năng lực này được cụ thể hóa trong những tiêu chuẩn được mô tả
trong tài liệu chuẩn.
2.2.2. Các yêu cầu chung về nội dung đào khoa học chuyên ngành và lý luận
dạy học chuyên ngành
Bên cạnh việc ban hành chuẩn đào tạo GV – khoa hoc giáo dục, Hội nghị Bộ
trưởng văn hóa, giáo dục đã thỏa thuận “Các yêu cầu chung về nội dung cho các
tiểu bang về nội dung đào tạo GV đối với các môn khoa học chuyên ngành và lý

luận dạy học chuyên ngành”. Các chuẩn đối với các môn khoa học giáo dục cũng
như các yêu cầu đối với các môn khoa học chuyên ngành và lý luận dạy học chuyên
ngành tạo thành cơ sở cho việc công nhận và đánh giá các khóa học đào tạo giáo
viên. Mục đích bao trùm là đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống đại học Đức và vì
lợi ích của các học viên mà đảm bảo sự công nhận lẫn nhau giữa các tiểu bang đối
với các kết quả học tập và các bằng tốt nghiệp đã đạt được để chuẩn bị cho nghề
nghiệp giáo viên. Các yêu cầu đối với nội dung khoa học chuyên ngành và lý luận
dạy học chuyên ngành được xây dựng trong sự hợp tác với các nhà khoa học
chuyên ngành, các nhà lý luận dạy học chuyên ngành và các hiệp hội chuyên môn
và các tổ chức giáo viên. Trong khuôn khổ khung này, các bang và các trường đại
học có thể tự mình quy định các trọng tâm và các khác biệt, đồng thời cũng có thể
quy định các yêu cầu bổ sung. Trong thỏa thuận khung này bao gồm 21 ngành đào
tạo GV. Đối với mỗi ngành đào tạo, thỏa thuận khung này quy định về:


-

Đặc điểm năng lực đặc trưng cho chuyên ngành
Nội dung dạy học chuyên ngành
Nội dung lý luận dạy học chuyên ngành

Ví dụ trong thỏa thuận khung về chuyên ngành lịch sử đưa ra những lĩnh vực nội
dung như sau, các lĩnh vực nội dung này được mô tả trong thỏa thuận khung dành
cho ngành đạo tạo GV bậc THCS và bậc THPT:
-

Các phương pháp và lý thuyết của khoa học lịch sử
Lịch sử cổ đại
Lịch sử thời trung cổ
Thời cận đại

Lịch sử hiện đại và hiện tại (thế kỷ 19/20)
Các chủ đề bao trùm các thời đại
Lý luận dạy học lịch sử

2.2.3. Chuẩn đào tạo GV – Các khoa học chuyên ngành
Tiếp theo việc ban hành chuẩn đào tạo GV – khoa hoc giáo dục, và “Các
yêu cầu chung về nội dung cho các tiểu bang về nội dung đào tạo GV đối với các
môn khoa học chuyên ngành và lý luận dạy học chuyên ngành”, hội nghị các Bộ
trưởng văn hoá đã quyết định tiếp tục phát triển "Các chuẩn đào tạo GV - Các khoa
học chuyên ngành". Các tiêu chuẩn đào tạo GV cho các khoa học chuyên ngành
được xây dựng với sự cộng tác của các hiệp hội chuyên ngành.
Cần lưu ý rằng ở Đức, trong đào tạo giáo viên, lý luận dạy học chuyên
ngành thường được xếp trong khối môn học về chuyên ngành mà không không
xếp trong các khoa học giáo dục, vì LLDH chuyên ngành trước hết dựa trên nội
dung, phương pháp và cấu trúc của khoa học chuyên ngành. LLDH chuyên ngành
là cầu nối giữa khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục. LLDH chuyên
ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo GV chuyên ngành.
Ví dụ chuẩn đào tạo GV môn Toán (2008) là khuyến nghị của Hội các nhà Toán
học Đức (DMV), Hội lý luận dạy học về toán (GDM), Hiệp hội hỗ trợ giảng dạy
toán học và khoa học tự nhiên (MNU). Chuẩn đào tạo GV môn toán sắp xếp nội
dung chuyên ngành toán theo các nhóm sau đây:
-

Số học và đại số – tư duy theo số và cấu trúc
Hình học – cấu trúc hoá của không gian và hình dạng
Đại số tuyến tính – tuyến tính hoá và toạ độ hoá
Hàm số và giải tích – tư duy theo hàm số và vô cùng nhỏ
Xác suất thống kê – phân tích dữ liệu và mô hình hoá ngẫu nhiên
Mô hình hoá và toán học ứng dụng – ứng dụng của toán học
Các năng lực lý luận dạy học chuyên ngành



2.3. Mô hình đào tạo giáo viên ở CHLB Đức từ sau 2000
2.3.1. Giai đoạn đào tạo trong trường Đại học: Sự thay đổi cơ bản về mô hình
đào tạo GV trong cuộc cải cách giáo dục từ năm 2000 nhằm thực hiện quá trình
Bologna là thực hiện đào tạo giáo viên theo hai bậc nối tiếp Bachelor và Master.
Quy định khung của quá trình Bologna về thời gian đào tạo đại học và tín chỉ theo
hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu ECTS của hai bậc này như sau:
-

Bậc Bachelor: Thời gian đào tạo từ 6-8 học kỳ, tương ứng 180-240 tín chỉ

(LP = ECTS ), mỗi học kỳ tương ứng 30 tín chỉ. Trong đó mỗi tín chỉ tương đương
30 giờ làm việc, bao gồm cả giờ lên lớp và giờ tự học.
-

Bậc Master: từ 2-4 học kỳ, tương đương 60-120 tín chỉ

-

Tổng thời gian đào tạo cả hai bậc để đạt trình độ Master là 10 học kỳ, tương
ứng 300 tín chỉ.

Dựa trên quy định khung này hầu hết các bang ở Đức đã chuyển đổi hệ
thống đào tạo GV sang hệ thống phân bậc hai giai đoạn. Trong đó chương trình
đào tạo GV cho trường Gymnasium cấu trúc tương đối thống nhất là bậc Bachelor
bao gồm 6 học kỳ (180 tín chỉ) và bậc Master là 4 học kỳ (120 tín chỉ), phù hợp
với quy định khung của quá trình Bologna. Tuy nhiên đối với chương trình đào tạo
GV tiểu học và THCS thì hiện nay có khác nhau giữa các bang, trong đó bậc
Bachelor là 6 học kỳ nhưng ở bậc Master thì từ 2-4 học kỳ. Theo yêu cầu chung

của KMK thì đào tạo GV cần theo quy khung chung là 10 học kỳ. Ở CHLB Đức,
SV cần có trình độ Master thì mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo GV tập sự.
Vì vậy tốt nghiệp bậc Bachelor trong chương trình đào tạo GV chưa được phép trở
thành GV. Đặc điểm của chương trình đào tạo Bachelor là tính đa giá trị của bằng
Bachelor, có nghĩa là người tốt nghiệp không bị ràng buộc duy nhất vào hướng
học lên bậc Master theo chương trình đào tạo GV mà có thể tìm việc làm ở thị
trường lao động theo các hướng khoa học chuyên ngành mà họ đã học. Tuy nhiên,
nét đặc thù của mô hình đào tạo GV của Đức theo mô hình phân 2 bậc nối tiếp này
là ngay trong bậc Bachelor đã có nội dung về khoa học giáo dục và thực tiễn phổ
thông.
Theo quy định của Hội nghị các bộ trưởng giáo dục và văn hoá 2005, tên
gọi bằng tốt nghiệp đối với các khoá đào tạo Bachelor và Master trong đào tạo
giáo viên thống nhất đối với các bang như sau:
-

Bachelor of Education (B.Ed.)


-

Master of Education (M.Ed.)

Hội nghị các bộ trưởng giáo dục và văn hoá cũng xác định các loại hình
giáo viên sau đây trong hệ thống giáo dục của CHLB Đức:
-

Loại hình giáo viên 1: giáo viên tiểu học

-


Loại hình giáo viên 2: giáo viên tiểu học và tất cả hay từng loại trường
riêng của bậc trung học cơ sở

-

Loại hình giáo viên 3: giáo viên đối với tất cả hay từng loại trường riêng
của bậc trung học cơ sở

-

Loại hh ình giáo viên 4: giáo viên của bậc trung học phổ thông (các môn phổ
thông) hay đối với trường Gymnasium

-

Loại hình giáo viên 5: giáo viên của bậc trung học phổ thông (các môn
nghề) hay đối với trường Gymnasium

-

Loại hình giáo viên 6: giáo viên sư phạm đặc biệt.

Xây dựng, cải cách các chương trình đào tạo là quyền của các trường đại
học dựa trên các quy định chung của KMK về chuẩn GV và các quy định chung
về nội dung đào tạo GV các chuyên ngành cũng như các quy định về đào tạo đại
học của bang. Việc cải cách chương trình đào tạo theo mô hình mới đồng thời với
việc mô đun hóa chương trình đào tạo và sử dụng hệ thống tín chỉ ECTS. Các mô
đun cần được mô tả bao gồm cả chi phí lao động và các điểm tín chỉ được cho (về
nội dung và mức độ được nêu trong những giải thích ở phần phụ lục). Việc mô tả
một mô đun trong chương trình dạy học ít nhất gồm có:

a) Các nội dung và mục tiêu trình độ của mô đun
b) Các hình thức dạy học
c) Các điều kiện để tham gia
d) Khả năng sử dụng của mô đun
e) Những điều kiện đối với việc cho điểm thành tích
f) Điểm tín chỉ và điểm
g) Tần số sử dụng mô đun
h) Công sức lao động
i) Thời lượng các mô đun


2.3.2. Đào tạo giáo viên tập sự (Vorbereitungsdienst)
Đào tạo GV tập sự được gọi là giai đoạn 2 của đào tạo GV sau giai đoạn
đào tạo đại học. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo đại học, những người tốt
nghiệp các ngành đào tạo giáo viên được tuyển vào cơ sở đào tạo GV tập sự theo
nhu cầu tuyển dụng GV của bang. Việc đào tạo GV tập sự được thực hiện tại các
cơ sở đào tạo GV tập sự của các bang, ví dụ tại bang Brandenburg là Viện đào tạo
GV của bang. Cơ sở này trực thuộc bộ giáo dục và văn hóa của bang và không
thuộc các trường đại học.
Việc đào tạo GV tập sự có mục tiêu hình thành năng lực cho các giáo viên
tập sự thực thi nghề giáo viên. Điều đó có nghĩa là GV tập sự tiếp thu khả năng
hành động nghề nghiệp của người giáo viên: dạy học, giáo dục, tư vấn, đánh giá,
đổi mới, tổ chức và quản lý.
Chương trình đào tạo tập sự bao gồm xêmina chính, các xêmina chuyên
ngành tại cơ sơ đào tạo tập sự và đào tạo thực tiễn nhà trường tại các trường tham
gia đào tạo:
Xêmina chính có nội dung của khoa học giáo dục, đặc biệt là của lý luận dạy học
đại cương dưới góc độ thực tiễn nhà trường, bên cạnh đó là pháp luật và quản lý
nhà trường. Kế hoạch xêmina chính nêu rõ các mô đun bắt buộc và các mô đun tự
chọn bắt buộc. Các chủ đề phức hợp và liên kết các môn học được chú ý.

Các xêmina chuyên ngành đề cập đến các đối tượng của thực tiễn dạy học chủ yếu
dưới các góc độ lý luận dạy học chuyên ngành, trình bày, thảo luận và thử nghiệm
các hình thức và phương pháp dạy học khác nhau. Ngoài ra còn có các hình thức
đào tạo khác, như tuần lễ sư phạm phương tiện dạy học, thực tập dự giờ, hay các
dự án.
Đào tạo thực tiễn nhà trường diễn ra tại các trường phổ thông. Ở đó, các GV thực
tập được chăm sóc bởi đội ngũ giáo viên của trường. Quá trình đào tạo thực tiễn
nhà trường gồm 12 giờ mỗi tuần bao gồm các cuộc dự giờ, lên lớp có hướng dẫn,
dạy độc lập cũng như các nhiệm vụ khác liên quan đến việc tổ chức giờ học và
cuộc sống nhà trường. Việc dạy học độc lập bắt đầu bằng bốn giờ và trong năm
đào tạo thứ 2 sẽ là 8 giờ.
Quá trình đào tạo GV tập sự theo mô hình trước năm 2000 kéo dài 2 năm.
Với mô hình phân bậc Bachelor và Master thì thời gian đào tạo tập sự được rút
ngắn còn 18 tháng do thời gian thực tập sư phạm của khóa đào tạo Master được


công nhận. Giai đoạn đào tạo tập sự kết thúc bằng kỳ thi quốc gia thứ hai. Từ năm
2019, đào tạo giáo viên tập sự ở bang Brandenburg rút ngắn còn 12 tháng.
Như vậy việc đào tạo và tuyển dụng GV ở CHLB Đức do nhà nước kiểm
soát thông qua các kỳ thi quốc gia và quá trình đào tạo tập sự. Việc tồn tại một cơ
sở đào tạo chuyên trách chăm lo đào tạo GV tập sự trực thuộc bộ giáo dục ở mỗi
bang là nét riêng biệt của hệ thống đào tạo GV ở Đức. Do vậy ở Đức không tồn tại
hệ thống cấp phép hành nghề GV độc lập. Trong cuộc cải cách giáo dục và đào tạo
GV hiện nay, vấn đề này cũng không được đặt ra. Việc đổi mới đào tạo GV tập sự
hiện nay theo hướng tăng cường mối liên hệ của giai đoạn đào tạo tập sự và giai
đoạn đào tạo GV ở trường đại học.
2.4. Bồi dưỡng giáo viên ở CHLB Đức
Bồi dưỡng giáo viên là nhằm phục vụ cho việc bảo đảm, mở rộng và củng
cố những kiến thức và khả năng tiếp thu được trong đào tạo và thực tiễn nghề
nghiệp cũng như việc thích ứng về nội dung với các điều kiện khung và yêu cầu

nghề nghiệp đang thay đổi. Việc bồi dưỡng giáo viên nhằm hỗ trợ các trường
trong quá trình phát triển của mình và như vậy góp phần vào việc bảo đảm và phát
triển chất lượng dạy học và quản lí trong nhà trường.
Nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của các GV cũng được quy định trong luật
nhà trường của một số bang. Theo mục 67 khoản 3 Luật nhà trường bang
Brandenburg (BbgSchulG), giáo viên cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức
và khả năng của mình và có thể đưa vào những biện pháp đào tạo nâng cao với
mức độ phù hợp trong thời gian không có giờ dạy.
Có thể khái quát các chương trình bồi dưỡng GV ở ba bình diện sau đây
tương ứng với các cơ quan chủ trì khác nhau:
-

Các chương trình bồi dưỡng GV cấp nhà nước (trung ương): Các chương

trình bồi dưỡng này do các bang chủ trì, thông qua những đơn vị được ủy quyền,
-

Các chương trình bồi dưỡng GV địa phương: do cơ quan quản lý giáo dục

các địa phương chủ trì.
-

Các chương trình bồi dưỡng GV của trường.

Tương tự như vậy, về địa điểm diễn ra hoạt động bồi dưỡng cũng có các
khóa bồi dưỡng ở các cơ sở trung ương, các khóa bôi dưỡng GV tại địa phương và
bồi dưỡng GV tại trường.


Sau đây trình bày hệ thống các chương trình bồi dưỡng GV ở bang

Brandenburg. Các chương trình bồi dưỡng GV cấp nhà nước bao gồm:
-

Chương trình bồi dưỡng GV cho nội bộ trường (SchiLF), được tiến hành

trong từng trường cho các giáo viên nhà trường. Các buổi đào tạo nâng cao nội bộ
trường đi song song với quá trình phát triển trường được tiến hành trong khuôn
khổ tự chịu trách nhiệm của nhà trường theo cách thức đặc biệt.
-

Các chương trình bồi dưỡng GV của các cơ quan giáo dục nhà nước

(BUSS), là hệ thống tư vấn và hỗ trợ cho các trường và các cơ quan quản lý giáo
dục nhà nước. Nó có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nâng cao, phối hợp, chăm
sóc và tổ chức đối với phát triển dạy học và nhà trường và đồng thời phục vụ cho
việc hỗ trợ các cơ quản lý giáo dục. Lực lượng giáo viên, các hội nghị chuyên
môn, lãnh đạo nhà trường, các nhóm điều khiển trường và các đồng nghiệp trong
trường nhận được sự tư vấn và hỗ trợ cơ bản qua hệ thống này. Ở BUSS có các
nhà tư vấn cho các hướng chuyên môn khác nhau làm việc. Họ được bổ nhiệm bởi
các cơ quan quản lý giáo dục và xác nhận trình độ bởi học viện nhà trường và
phương tiện bang Berlin-Brandenburg. Giáo viên và các trường có thể liên hệ với
các nhà tư vấn chịu trách nhiệm, khi có nhu cầu tư vấn và bồi dưỡng.
-

Các chương bồi dưỡng của Học viện nhà trường và phương tiện dạy học

bang Berlin-Brandenburg (LISUM), là một cơ sở chung của các bang Berlin và
Brandenburg. Các bang Berlin và Brandenburg năm 2007 đã thành lập học viện
đặc biệt để đạt được một sự hài hoà các hệ thống đang tồn tại trong các lĩnh vực
trung tâm của chính sách giáo dục. Cơ sở pháp lý là một hiệp định nhà nước giữa

các bang Berlin và Brandenburg, luật nhà trường của bang Berlin và luật nhà
trường của bang Brandenburg. LISUM có các chương trình bồi dưỡng và tạo nâng
cao trình độ sau:
Nâng cao trình độ cho:


Lãnh đạo các trường, thanh tra nhà trường / thanh sát nhà trường, tâm lý học
nhà trường,



Các hướng dẫn viên (Multiplikator) (Berlin) và các nhà tư vấn (Brandenburg)
cho các môn học và các chủ đề liên môn



Các điều phối viên khu vực



Những nhà đào tạo nâng cao trong lĩnh vực tham gia tư vấn cho cha mẹ, và
giám sát




Các nhà tư vấn chuyên môn cũng như lực lượng giáo viên của con đường giáo
dục thứ hai (trường bưởi tối, trường bổ túc) / trường bổ túc từ xa




Các cộng tác viên của công tác đào tạo thường xuyên, đào tạo người lớn tuổi



Các nhóm mục tiêu khác nhau trong lĩnh vực sư phạm phương tiện, công tác
phương tiện và các hệ thống hỗ trợ đa phương tiện trên cơ sở mạng



Lực lượng giáo viên trong quan hệ với các thử nghiệm nhà trường và mô hình
cũng như trong các dự án



Lực lượng giáo viên từ đào tạo nghề nghiệp với sự hỗ trợ qua các nhà tư vấn
về đào tạo nghề.
-

Các chương trình của Học viện đào tạo giáo viên của bang (LaLeb), Bộ

giáo dục, Thanh niên và Thể thao bang Brandenburg, các cơ quan giáo dục nhà
nước, Viện nhà trường và phương tiện dạy học bang Berlin-Brandenburg và các
nhà cung cấp khác cùng tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao cho đối với lực
lượng giáo viên với sự hỗ trợ của mạng bồi dưỡng GV (FortbildungsNetz). Đối
với lực lượng giáo viên, qua trang web họ có thể tìm thấy tất cả các khoá bồi
dưỡng liên quan. Thông qua các truy cập cá nhân có thể đăng ký cho các bài
giảng hay kết nối mạng FortbildungsNetz cho riêng mình.
-


Các chương trình của Viện nâng cao trình độ sư phạm xã hội BerlinBrandenburg (SFBB),

- Các chương trình của cơ quan hỗ trợ và tư vấn sư phạm xã hội (SpFB) và
- Các chương trình của Bộ giáo dục, thanh niên và thể thao (MBJS).
Tất cả những nhà cung cấp chương trình đào tạo nâng cao trình độ cho giáo
viên bên ngoài phạm vi hoạt động của Bộ được gọi là các cơ sở chủ quản khác.
Những chương trình được họ cung cấp có thể được đưa vào các chương trình đào
tạo nâng cao giáo viên nhà nước, chừng nào chúng đáp ứng được các mục tiêu và
yêu cầu.
2.5. Mô hình đào tạo giáo viên tại trường ĐHTH Potsdam
2.5.1. Giới thiệu về trường ĐH Potsdam: ĐH Potsdam là trường lớn nhất của
bang Brandenburg, trường hiện có 5 khoa (khoa Luật, khoa Triết học, khoa Khoa
học xã hội và nhân văn, khoa Toán – khoa học tự nhiên, khoa Kinh tế và khoa học
xã hội, khoa Luật) với 20.000 SV trong đó có 5000 SV sư phạm, đây là trường
duy nhất của bang có đào tạo GV. Trước năm 1991, tiền thân của trường là


trường ĐHSP nhưng hiện nay là trường ĐH đa ngành, việc này dẫn đến tình trạng
là các SV sư phạm có thể phải học chung với các SV khác. Tuy nhiên, nhiệm vụ
của trường là đào tạo GV đáp ứng yêu cầu GD của bang, do vậy việc đào tạo GV
ngày càng được quan tâm và nhà trường có trách nhiệm đảm bảo chất lượng cho
SV. Mặc dù SV sư phạm học chung với SV chuyên ngành khi học các môn khoa
học cơ bản tuy nhiên trường đã xây dựng chương trình đào tạo sao cho một số
hướng vào CT ở trường PT, tới đây trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo riêng
cho SV sư phạm. Các ngành đào tạo GV ở trường ĐH Potsdam gồm: GV tiểu
học; GV Tiểu học trọng tâm giáo dục hòa nhập; GV Trung học I và II (THCS và
THPT).
Mô hình đào tạo GV tại Potsdam theo môn hình truyền thống của Đông Đức
cũ, đó là đào tạo kiến thức lí thuyết gắn với thực hành và do vậy ngay từ năm thứ
nhất SV đã được ra trường phổ thông. SV cần đóng vai trò là người giáo viên ngay

từ những học kì đầu tiên để họ có thể hình thành được tình yêu nghề nghiệp, hoặc
họ có thể chuyển nghề nếu họ không thấy phù hợp. Quy chế chung để tào tạo GV
ở Đức là đào tạo GV 2 môn và theo cấu trúc: đào tạo KH chuyên ngành (nhìn
chung đào tạo 2 môn) + Đào tạo LLDH chuyên ngành (là cầu nối) + Đào tạo khoa
học giáo dục (đào tạo về SP tâm lí học, chính sách của nhà trường và luật nhà
trường). Đây là mô hình mà trường ĐH Potsdam đã thành công trong công cuộc
đổi mới đào tạo giáo viên tại Đức).
2.5.2. Cấu trúc khóa học đào tạo GV tại ĐH Potsdam: Khóa học có cấu tạo từ
hai bậc: bậc Bachelor và bậc Master. Chương trình được xây dựng theo mô đun.
Khối lượng của các chương trình được đo theo điểm tín chỉ (LP). Việc phân phối
chương trình học định hướng theo các quy định của Quy chế về Bachelor và
Master trong đào tạo GV.
2.5.3. Thời gian khoá học: Thời gian quy định của bậc Bachelor of Education là
6 học kỳ (180 LP) bao gồm cả thời gian hoàn thành luận văn Bachelor. Thời gian
quy định của học Master of Education đối với giáo viên cấp trung học cơ sở và
cấp tiểu học tại các trường phổ thông là 3 học kỳ (90 LP) và đối với giáo viên tại
các trường Gymnasium là 4 học kỳ (120 LP) bao gồm cả thời gian hoàn thành
luận văn Master.
2.5.4. Cấp độ tốt nghiệp: Trường ĐHTH Potsdam thông qua các khoa tương ứng
cấp bằng “Bachelor of Education” và “Master of Education”, viết tắt là “B.Ed.”
và “M.Ed.”.


Chương trình học của trường ĐHTH Potsdam hiện nay có các khoá đào tạo
cho các loại hình giáo viên sau đây:
a) Giáo viên tiểu học
b) GV tiểu học với trọng tâm giáo dục hòa nhập
c) GV trung học I và II (các môn học phổ thông) (THCS và THPT)
Các khoá học này được đặc trưng bởi:



Bằng tốt nghiệp bậc “B.Ed.” và “M.Ed.”



Mô đun hoá và sử dụng hệ thống tín chỉ châu Âu



Các kỳ thi song hành với quá trình học



Sự xen kẽ về chuyên môn và nhân sự giữa giai đoạn thứ nhất và thứ hai
của quá trình đào tạo giáo viên, qua đó việc gắn với thực tiễn được tăng
cường



Tạo ra một cải cách về nội dung với việc tăng cường các khoa học nghề
nghiệp (khoa học giáo dục).

Các thông tin về các tín chỉ cần đạt trong từng phần của khóa học phân bậc với các
bằng tốt nghiệp Bachelor/Master cho GV Tiểu học có thể thấy ở bảng sau đây (LP
= tín chỉ):


Các thông tin về các tín chỉ cần đạt trong từng phần của khóa học phân bậc với các
bằng tốt nghiệp Bachelor/Master cho GV THPT có thể thấy ở bảng sau đây.


2.5.5. Các môn và các tổ hợp
Trong khoá đào tạo GV ở CHLB Đức nói chung và tại ĐH Potsdam nói
riêng, việc chọn các tổ hợp các môn tương đối tự do chỉ có một số giới hạn là từ
các đặc thù của từng loại hình giáo viên cũng như môn học (chẳng hạn GV Tiểu
học trọng tâm là giáo dục hòa nhập hoặc GV âm nhạc). Trong khoá Master of
Education, các môn đã được người học chọn trong quá trình học Bachelor of
Education sẽ được học tiếp trong bậc học này.
2.5.6. Thực tập nghề nghiệp
ĐH Potsdam là một trong các trường ĐH rất quan tâm đến việc thực tập nghề
nghiệp cho SV. Ngay từ năm thứ nhất (của các ngành đào tạo GV) SV đã được đi
thực tập tại các trường phổ thông, trong suốt thời gian học, Sv trải qua 5 kì thực
tập.
*) Các kỳ thực tập trong giai đoạn Bachelor:


- Thực tập định hướng: Được thực hiện ngay sau học kì I, thời gian của đợt thực
tập định hướng là 3 tuần, công việc chính của SV trong đợt thực tập này là là dự
giờ. Đợt thực tập này cũng có thể được tổ chức theo 2 mô hình:
+ Thời gian thực tập ngay sau HK I, trong đó SV có 2 tuần dự giờ và 1 tuần
đánh giá, phân tích các giờ dạy (mô hình này dành cho đào tạo GV Trung học I và
GV Trung học II); Ưu điểm của mô hình này là: sau khi kết thúc 1 học kì SV tập
trung vào giải quyết một vấn đề giáo dục phức hợp.
+ Thời gian thực tập tích hợp ngay trong học kì I: mô hình này kéo dài suốt học kì
I và mô hình này thường dành cho đào tạo GV tiểu học, mỗi tuần SV sẽ có một
buổi thực tập tại trường tiểu học. Ưu điểm của mô hình này là hàng tuần SV đều
được trải nghiệm thực tiễn tại trường Tiểu học.
Các năng lực được hình thành trong đợt thực tập này là: Năng lực quan sát. Trong
đợt thực tập này SV quan sát giờ học với tư cách họ là nhà sư phạm, từ quan sát
này họ có thể soi rọi vào bản thân. Trong giai đoạn này mỗi SV có thể chọn cho
mình một trọng tâm, chẳng hạn SV tập trung quan sát xem GV mở bài, giải bài

quyết các tình huống sư phạm như thế nào. Mỗi quan sát đều được SV ghi chép lại
sau đó giải thích bằng kiến thức lí luận. Quan trọng trong giai đoạn này là phát
triển tâm lí nghề nghiệp cho SV.
- Thực hành sư phạm–tâm lý học: Đợt thực tập này có thể tổ chức trong các kì từ
học kì 3 – học kì 5, thời gian thực tập là 3 tuần. Trong thời kì này SV chưa dạy
nhưng phải tiến hành một hoạt động sư phạm chẳng hạn như lãnh đạo một nhóm
hoạt động âm nhạc hoặc thể thao hoặc đến nhà HS để thực hiện các công tác giáo
dục hoặc hỗ trợ HS giải quyết các bài tập về nhà. Sản phẩm là : báo cáo thực tập
và một bài trình bày.
Năng lực được hình thành là: Tự tổ chức và chụi trách nhiệm về tổ chức một hoạt
động sư phạm. Chẳng hạn khi tổ chức một hoạt động cho các nhóm không đồng
nhất thì SV phải rút ra những điều mà họ đã làm được và những điều chưa làm
được.
- Thực tập về lý luận dạy học chuyên ngành (FTP): Lần đầu tiên SV được
trực tiếp thực tập về giảng dạy, được phác thảo kế hoạch dạy một bài học và chuẩn
bị những tình huống ngoài kế hoạch. Đợt thực tập này thường được tổ chức trong
các học kì cuối của khóa học Bachelor. Mỗi tuần trong học kì này SV sẽ xuống
trường phổ thông 1 ngày, mỗi nhóm gồm 3 SV, khi 1 SV dạy thì 2 SV còn lại dự
giờ cùng GV hướng dẫn, sau đó sẽ tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm. Như
vậy trong đợt này lần đầu tiên SV được chuẩn bị, thực hiện và đánh giá một giờ
học. Năng lực trọng tâm được hình thành trong giai đoạn này là: SV phát triển
năng lực DH và đó là năng lực nghề nghiệp.
*) Các kỳ thực tập trong giai đoạn Master:
- Thực tập chẩn đoán tâm lý: Đợt thực tập này thường được tổ chức trong học kì
đầu của giai đoạn Master, thời gian thực tập là 1 tuần. Trong đợt thực tập này SV
cần biết quan sát và đánh giá tâm lí của HS, SV phải có khả năng tìm hiểu HS


bằng các câu hỏi để từ đó phân tích và đánh giá để đưa ra các chuẩn đoán tâm lí
của HS. Trước khi đi thực tập, SV sẽ được huấn luyện để đặt các câu hỏi, quan

quan sát HS và phân tích các kết quả để đưa ra các chuẩn đoán tâm lí của HS.
Công việc của SV trong đợt thực tập này không chỉ dự giờ mà còn tiếp xúc với
HS ngoài giờ để có thể hiểu về tâm lí HS. Năng lực trọng tâm hướng đến trong đợt
thực tập này là: năng lực quan sát HS, năng lực sử dụng các câu hỏi và trao đổi để
chuẩn đoán được tâm lí của HS.
- Thực tập giảng dạy tại trường phổ thông: Đợt thực tập này được tổ chức trong kì
3 của giai đoạn Master, thời gian thực tập là 14 tuần. Trong đợt thực tập này, SV
sẽ dự giờ, thực hiện các giờ dạy với sự chỉ đạo của GV hướng dẫn là giảng viên
đại học và cuối cùng là tự thực hiện các giờ dạy. Mỗi SV phải dạy 30 giờ cho mỗi
bộ môn (60 giờ cho 2 môn) và SV phải trình bày hồ sơ mô tả về tiến trình thực
tập. Năng lực trọng tâm được hướng tới là: Tập luyện một cách phức hợp 5 lĩnh
vực năng lực của GV.
Như vậy, các đợt thực tập này đều đảm bảo giúp cho SV những năng lực được
phát triển theo chuẩn mà KMK ban hành. Mỗi giai đoạn thực tập đều phải được
xem xét xem nó phù hợp với việc phát triển năng lực nào đó cho SV so với chuẩn
mà do KMK đề xuất hay không.
2.6. Một số điều kiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo GV tại ĐH Potsdam:
Do ĐH Potsdam là đại học đa ngành, để đảm bảo chất lượng trong đào tạo GV
trường đã thành lập trung tâm đào tạo GV và nghiên cứu khoa học giáo dục. Trung
tâm đào tạo GV là mô hình mà có tại nhiều trường ĐH có đào tạo GV của nhiều
nước trên thế giới (theo nghiên cứu của GS Viktor Jakupec) nhưng có thể mang
các tên khác nhau. Tuy nhiên các trung tâm này đều có một số mục tiêu chung là
cung cấp các dịch vụ đào tạo cho các khoa; cung cấp các dịch vụ giáo dục cho
các nhà lãnh đạo và các nhà quản lí; quản lí và tổ chức các hoạt động dạy học;
nghiên cứu, thực nghiệm khoa học giáo dục; khuyến khích người học đạt được
khả năng học tập suốt đời, học độc lập, học lẫn nhau và học thông qua công việc.
Ở CHLB Đức, để tăng cường chất lượng đào tạo GV trong các trường ĐH đa
ngành, từ năm 2000 KMK đã khuyến nghị việc thành lập các trung tâm đào tạo
GV. Trung tâm đào tạo GV của ĐH Potsdam là đơn vị tổ chức phi tập trung
chung của các khoa với năng lực quyết định, điều khiển và có nguồn lực cùng với

các khoa đào tạo GV chụi trách nhiệm tổng thể về việc đào tạo giáo viên cũng như
nghiên cứu khoa học giáo dục. Mục tiêu của trung tâm này là: khuyến khích các
SV tốt vào các trường sư phạm; đưa ra các khung đào tạo GV; đại diện cho các
yêu cầu và mối quan tâm bao quát của đào tạo GV ở các trường ĐH. Nhiệm vụ
của trung tâm là:


-

Cùng tham gia vào việc tổ chức và thực hiện của ngành đào tạo GV, bao
gồm cả thực tập trường học;
Điều phối và hỗ trợ nghiên cứu khoa học giáo dục;
Cùng tham gia vào quá trình đánh giá giảng dạy và nghiên cứu trong quá
trình kiểm định;
Hợp tác với các trường phổ thông và các cơ sở ngoài trường phổ thông và
đại học về đào tạo GV;
Cùng tham gia vào quá trình bổ nhiệm;

Như vậy, TTĐTGV của ĐH Potsdam là cơ sở liên ngành theo chiều ngang đối với
cơ cấu đại học của các ngành có đào tạo GV, là trung tâm liên kết giữa dạy học và
nghiên cứu, hoạt động tư vấn, điều phối và dịch vụ trong khuôn khổ của việc đào
tạo GV.
*) Cấu trúc của TTĐT GV của ĐH Potsdam:
- Giám đốc TTĐTGV GS.TS Andreas Musil (GS luật công, thẩm phán tòa án hành
chính Berlin – Brandenburg, phó hiệu trưởng trường ĐH Potsdam) là người lãnh
đạo chung.
- Giám đốc điều hành, là người trực tiếp điều hành các hoạt động chuyên môn của
trung tâm;
- Trợ lí giám đốc điều hành; quản lí hành chính; quản lí tài chính và một số cán bộ
phụ trách các nhóm làm việc.

- Các nhóm làm việc của TTĐTGV:
+ Nhóm học thực tiễn, nhiệm vụ của nhóm là tổ chức việc học thực tiễn thông qua
các văn phòng thực tập (bachelor và master); tham gia xây dựng nội dung, kế
hoạch và tiếp tục phát triển hoạt động thực tiễn với mục tiêu coi thực tập trường
học là một thành phần trong đào tạo GV.
+ Nhóm đảm bảo chất lượng, là một phần trong bộ phận đảm bảo chất lượng giáo
dục của ĐH Potsdam. Nhóm đảm bảo chất lượng đào tạo GV gồm có đại diện của
4 khoa có đào tạo GV. Nhiệm vụ trọng tâm của nhóm là khởi động và điều phối
phát triển chất lượng trong đào tạo GV tại ĐH Potsdam, trong đó bao gồm việc
điều phối xây dựng và kiểm định chương trình đào tạo đến công tác khảo thí và
kiểm định và phối hợp với các cơ quan kiểm định ngoài trong việc kiểm định các
điều kiện đảm bảo chất lượng ddaof tạo GV.


+ Nhóm nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp nghề, nhóm này có nhiệm vụ phát triển
và triển khai một hệ thống kiểm tra sự phù hợp nghề; hỗ trợ quá trình tự đánh giá
của sinh viên về sự phù hợp nghề giáo viên.
+ Nhóm bồi dưỡng và đào tạo nâng cao, nhóm này có nhiệm vụ lập kế hoạch điều
phối các chương trình bồi dưỡng giáo viên cho tất cả các loại hình trường phổ
thông và các bậc học; tham gia phát triển chương trình cấp bang cho việc đào tạo
bổ sung cho đội ngũ GV ở các môn thiếu giáo viên.
- Hội đồng: Đây là bộ phận có thẩm quyền cao nhất quyết định hoạt động
của TTĐTGV của ĐH Potsdam, là cơ quan bậc cao với các nhiệm vụ được xác
định trong điều lệ. Hội đồng là “giao diện” giữa TTĐTGV và đội ngũ tham gia
đào tạo GV và NCKH giáo dục trong các khoa. Hội đồng còn có nhiệm vụ thông
qua thành phần ban nhân sự, các mối quan tâm trong đào tạo GV và kế nối nghiên
cứu khoa học. Thành phần của hội đồng gồm: 7 GS đại học (HL), 01 giảng viên
(aM), 04 sv (St) và 01 nhân viên kĩ thuật và hành chính (MTV). Cơ cấu của các
thành phần của hội đồng phân bổ cho các khoa dựa vào số lượng sinh viên của
khoa.

3.

Một số điểm khác biệt trong công tác đào tạo GV tại Việt Nam
-

Đào tạo GV của Việt Nam hiện nay theo mô hình truyền thống, đó là đào

tạo GV trong các trường sư phạm. Mô hình này có ưu điểm là chương trình đào
tạo ngay từ đầu đã có định hướng với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay đào
tạo trong các trường sư phạm chủ yếu là đào tạo GV phổ thông dạy 1 môn, điều
này sã gây lên những khó khăn nhất định cho các trường phổ thông khi phân công
nhiệm vụ giảng dạy cho giáo viên và gây lên những lãng phí nhất định (trong khi
đó ở Đức đào tạo GV bắt buộc phải đào tạo 2 môn với lí do cốt lõi là để thuận lợi
cho các trường khi phân công giảng dạy). Hiện nay ở nước ta các trường cao đẳng
sư phạm vẫn đảm nhiệm việc đào tạo GV dạy 2 môn cho các trường phổ thông.
Tuy nhiên mô hình này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, chất lượng
tuyển sinh đầu vào ở các trường cao đẳng sư phạm là khá thấp, điều này ảnh
hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tao. Thứ hai, vì thời gian đào tạo trong các
trường cao đẳng sư phạm là 3 năm trong khi đó SV phải học cả các kiến thức về
khoa học giáo dục, khoa học chuyên ngành (2 chuyên ngành), lí luận DH chuyên
ngành (2 chuyên ngành) và thực tập sư phạm. Với khoảng thời gian đào tạo ngắn
như vậy sẽ rất khó để có thể đào tạo được người GV đáp ứng được yêu cầu thực
tiễn (ngoài ra còn chưa tính đến chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
phục vụ đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm). Như vậy, để trở thành người


GV có thể giảng dạy 2 môn ở trường phổ thông (dù là loại hình trường nào) thì
CHLB Đức cần khoảng thời gian đào tạo 6 năm liên tục với điều kiện về cơ sở vật
chất và đội ngũ đạt tiêu chuẩn, trong khi Việt Nam là từ 3 – 4 năm. Vậy phải
chăng để đổi mới GD phổ thông cần đổi mới từ công tác đào tạo GV sao cho

không lãng phí và đảm bảo chất lượng.
-

Cấu trúc khóa học trong chương trình đào tạo GV của Việt Nam chưa thật

hợp lí, hiện nay các trường ĐHSP của Việt Nam đều đang đào tạo GV 1 môn
trong thời gian là 4 năm, SV tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân và có thể giảng dạy
ngay tại các trường phổ thông sau khi trải qua cuộc thi tuyển của trường hoặc của
sở, một số có thể thành giảng viên của các trường ĐH hoặc cao đẳng. Trong khi
đó, ở CHLB Đức sau thời gian học liên tục 5 năm tại trường ĐH, SV sẽ được nhận
bằng thạc sĩ và có thể giảng dạy 2 môn tại trường phổ thông, nhưng trước khi trở
thành GV thực thụ họ cần có thời gian tập sự 1 năm dưới sự giám sát chặt chẽ của
các bộ giáo dục của các bang và phải trải qua kì thi tuyển giáo viên cấp Quốc gia.
Như vậy, đào tạo GV của chúng ta hiện nay đang vừa “ vừa thừa vừa thiếu“, thừa
vì 4 năm mới đào tạo được GV dạy 1 môn, thiếu vì chưa chuẩn bị kĩ những điều
kiện thực tiễn để SV tốt nghiệp có thể trở thành GV thực thụ.
-

Chương trình đào tạo tại các trường sư phạm của Việt nam còn nặng về
đào

tạo lý thuyết và thiếu thực tâp và thực tiễn. Chương trình đào tạo của các trường
ĐH sư phạm hiện nay được xây dựng từ 130 – 135 tín chỉ (theo hệ thống tín chỉ
của Mỹ), trong đó thời gian sinh viên đi thực tế và thực tập tại trường phổ thông
khoảng 10 – 12 tuần (tương đương với khoảng 10 tín chỉ). Một số trường ĐHSP
chia thời gian thực tập, thực tế làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn thực tế: thường được tổ chức trong học kì 3 – 4 và kéo dài trong 2
tuần. Trong đợt thực tập này SV sẽ xuống hẳn trường phổ thông, nhiệm vụ chính
của SV trong đợt thực tập này là là dự giờ và làm quen với công việc của GV chủ
nhiệm lớp.

+ Giai đoạn thực tập sư phạm: thường được tổ chức ở học kì cuối cùng, đợt thực
tập này thường kéo dài 8 tuần. SV sẽ xuống các trường phổ thông và làm các công
việc như một người giáo viên thực sự. SV vận dụng tất cả các kiến thức đã học
vào làm công tác giảng dạy và giáo dục HS, thường mỗi SV được yêu cầu dạy có
đánh giá từ 8 – 10 tiết (nội dung các tiết dạy khác nhau) và làm công tác chủ
nhiệm lớp (theo nhóm từ 2 – 3 SV). Việc hướng dẫn giảng dạy, chủ nhiệm lớp và


đánh giá SV trong đợt thực tập này hoàn toàn do các trường phổ thông nhận SV
thực tập đánh giá (các trường ĐHSP và các trường phổ thông có thống nhất với
nhau về các mẫu phiếu đánh giá và các tiêu chí đánh giá), một số giảng viên của
trường ĐHSP được phân công để tư vấn thêm cho SV về chuyên môn.
Vây, chỉ với khoảng 10 tuần học thực tiễn có thể nói là quá ít để SV tốt nghiêp
trong các trường ĐHSP có đủ kinh nghiệm để trở thành người GV thực thụ.
-

Lương GV của CHLB Đức đang được trả cao thứ 3 thế giới và GV ở Đức

thuộc tầng lớp có thu nhập khá và ổn định, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút
được những sinh viên giỏi trở thành GV và điều này cũng là điều kiện quan trọng
để GV ở Đức chuyên tâm với nghề nghiệp (thường GV phổ thông ở Đức làm việc
khoảng 30 – 32 giờ trong tuần và nước Đức là một trong các nước có tuổi nghỉ
hưu khá cao). Trong những năm gần đây, GV ở nước ta cũng là những người có
thu nhập khá ổn định, tuy nhiên với mức lương đó và những khó khăn khi tìm việc
sau khi tốt nghiệp đang là những rào cản trong việc thu hút được các sinh viên giỏi
vào công tác trong ngành giáo dục.
4.

Kết luận: Từ những kết quả học tập trong khoảng thời gian ngắn tại trường


ĐH Potsdam và từ những nghiên cứu tài liệu, chúng tôi xin mạnh dạn tổng kết lại
một số kinh nghiệm cũng như mạnh dạn đưa ra một số điểm khác biệt trong đào
tạo GV của CHLB Đức và của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, những nghiên cứu
về bản chất như: triết lí đào tạo GV, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo GV
và đặc biệt là đội ngũ giảng viên của các trường ĐH giữa 2 nước vẫn còn là những
vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn mà trong thời gian này chúng tôi chưa đủ năng lực
để nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường, Đào tạo giáo viên tại bang Brandenburg,
(bài giảng cho khóa học Establishment of centers for pedagogical excellence,
under 2929 – VIE (SF) second upper secondary Education deverlopment project),
university of Potsdam, 2015.
[2]. Nguyễn Văn Cường, Ngành giáo dục ở CHLB Đức- ngành giáo dục trong bối
cảnh xã hội, (bài giảng cho khóa học Establishment of centers for pedagogical
excellence, under 2929 – VIE (SF) second upper secondary Education
deverlopment project), university of Potsdam, 2015.


[3]. Bern Meier, Nguyễn Văn Cường, Đào tạo giáo viên ngày nay- những vấn đề
thời sự trong đào tạo giáo viên tại Đức và việc thử giải quyết chúng theo các tiếp
cận, (bài giảng cho khóa học Establishment of centers for pedagogical excellence,
under 2929 – VIE (SF) second upper secondary Education deverlopment project),
university of Potsdam, 2015.
[4]. Roswitha Lohwaber, Đào tạo giáo viên tại đại học Potsdam ( bài giảng cho
khóa đào tạo bài giảng cho khóa học Establishment of centers for pedagogical
excellence, under 2929 – VIE (SF) second upper secondary Education
deverlopment project), university of Potsdam, 2015 , university of Potsdam, 2015.
[5]. Frank Tosh, Phát triển năng lực tích lũy trong khuôn khổ học thực tiễn, (bài
giảng cho khóa học Establishment of centers for pedagogical excellence, under
2929 – VIE (SF) second upper secondary Education deverlopment project),

university of Potsdam, 2015.
[6]. Mirko Wendland, Đảm bảo chất lượng đào tạo GV trong khung quản lí chất
lượng của đại học Potsdam, bài giảng cho khóa học Establishment of centers for
pedagogical excellence, under 2929 – VIE (SF) second upper secondary Education
deverlopment project), university of Potsdam, 2015.



×