Tải bản đầy đủ (.pdf) (217 trang)

Phương thức mưu sinh của cư dân ở xã nghi sơn, huyện tĩnh gia, tỉnh thanh hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.63 MB, 217 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

VŨ VĂN TUYẾN

PHƯƠNG THỨC MƯU SINH CỦA CƯ DÂN Ở XÃ NGHI
SƠN, HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

HÀ NỘI - 2017


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

VŨ VĂN TUYẾN

PHƯƠNG THỨC MƯU SINH CỦA CƯ DÂN Ở XÃ NGHI
SƠN, HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số

: 62 31 03 02.

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:


PGS.TS. Bùi Xuân Đính

HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu nêu trong luận án là hoàn toàn trung thực và chưa được ai công bố
trong bất kỳ công trình khoa học nào khác. Những luận điểm mà Luận án kế thừa
của những tác giả đi trước đều được trích dẫn nguồn chính xác, cụ thể.

Tác giả luận án


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận án Tiến sĩ với đề tài: “Phương thức mưu sinh của cư dân

ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa”, tôi xin chân thành cảm ơn:
Lãnh đạo trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cùng các
đồng nghiệp, bạn bè, các thành viên trong gia đình đã tạo mọi điều kiện về thời
gian, lịch công tác để tôi hoàn thành luận án.
Khoa Dân tộc học & Nhân học thuộc Học viện Khoa học Xã hội đã giúp đỡ
tôi trong quá trình học tập và hoàn thành các thủ tục của khóa đào tạo.
Lãnh đạo và người dân địa phương xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh
Hóa đã nhiệt tình giúp đỡ, cộng tác trong suốt quá trình chúng tôi điền dã, khảo sát
tại địa bàn nghiên cứu.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Bùi Xuân Đính,
người thầy đã tận tình hướng dẫn và cho tôi những đóng góp quý báu cùng sự khích

lệ, động viên tinh thần to lớn.
Chúng tôi tự đáy lòng xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 03 năm 2017
Tác giả luận án


MỤC LỤC
Trang
Lời cam đoan
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các bảng, hộp
MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.2. Cơ sở lý thuyết của luận án
1.3. Khái quát địa bàn nghiên cứu
Tiểu kết Chương 1
CHƯƠNG 2: CÁC HÌNH THỨC ĐÁNH BẮT HẢI SẢN
2.1. Các hình thức đánh bắt gần bờ
2.2. Các hình thức đánh bắt xa bờ
2.3. Những yếu tố tác động đến hoạt động khai thác hải sản
2.4. Một số nhận xét về các hình thức đánh bắt hải sản
Tiểu kết Chương 2
CHƯƠNG 3: CÁC HÌNH THỨC MƯU SINH KHÁC
3.1. Các hình thức mưu sinh gắn với đánh bắt hải sản
3.2. Nuôi trồng hải sản
3.3. Dịch vụ, buôn bán nhỏ
3.4. Làm công nhân tại khu kinh tế Nghi Sơn
Tiểu kết Chương 3

CHƯƠNG 4: CÁC YẾU TỐ XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA LIÊN QUAN ĐẾN
HOẠT ĐỘNG MƯU SINH
4.1. Các yếu tố xã hội
4.2. Các yếu tố văn hóa
4.3. Những thuận lợi, khó khăn của cư dân Nghi Sơn trong giai đoạn hiện nay
Tiểu kết Chương 4
KẾT LUẬN
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

1
11
11
24
37
47
49
50
60
69
76
80
82
82
102
106
107
110
112

112
129
140
145
147
151
152


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

CRD

: The centre for Rural Development in Central Viet Nam
(Trung tâm phát triển Nông thôn miền Trung)

DFID

: Department for International Development
(Bộ phát triển quốc tế Anh)

Ha

: Héc ta

IUCN

: International Union for Conservation of Nature and
Natural Resources
(Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên

thiên nhiên)

Km

: Ki-lô-mét

KKT

: Khu kinh tế

LHD

: Lọc hóa dầu

MLXH

: Mạng lưới xã hội

MTTQ

: Mặt trận tổ quốc

Nxb

: Nhà xuất bản

PTBV

: Phát triển bền vững


Tr

: Trang

TT

: Thứ tự

UBND

: Ủy ban nhân dân

VH-VH

: Văn hóa - xã hội

VXH

: Vốn xã hội


DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, HỘP

Bảng
Hộp
Bảng 1.1
Bảng 1.2.
Bảng 2.1
Bảng 2.2
Bảng 2.3

Bảng 2.4
Hộp 2.1
Hộp 2.2
Hộp 3.1
Hộp 3.2
Hộp 3.3
Hộp 3.4
Hộp 3.5
Hộp 3.6
Hộp 3.7
Bảng 4.1
Bảng 4.2
Hộp 4.1
Hộp 4.2

Tên bảng

Trang

Dân số các thôn xã Nghi Sơn năm 2015
Cơ cấu kinh tếxã Nghi Sơn những năm gần đây
Số lượng tàu thuyền ở Nghi Sơn
Thống kê các hình thức đánh bắt gần bờ ở xã đảo
Nghi Sơn
Lịch con nước được đúc rút của ngư dân xã đảo
Nghi Sơn
Sự phân bố của các loại hải sản ở Nghi Sơn
Vấn đề thu nhập của nghề câu vàng
Vấn đề thu nhập của nghề mành chụp
Rủi ro của nghề phơi cá khô

Chủ thu mua hải sản cho ăn ứng
Lợi nhuận của nghề cung cấp dầu
Về thu nhập của nghề làm thuê
Lý do dùng cá tươi làm thức ăn
Nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt
Vấn đề bỏ nghề biển chuyển sang làm công nhân
Số tàu cá có quan hệ chung thuyền - chung lưới ở
Nghi Sơn
Thống kê hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2015
Ngư dân và tâm lý sinh con
Nguyên do của việc gọi anh em, con cháu cùng đi
đánh bắt

45
46
51
59
73
74
65
68
85
93
99
102
104
105
109
119
126

115
118


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Việt Nam là quốc gia ven biển, với hơn 3.200 km đường bờ biển,
hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Từ xa xưa, tổ tiên người Việt và một số tộc người
thiểu số đã chiếm lĩnh vùng biển, đảo để mưu sinh bằng các nguồn lợi của
biển và hải đảo; đồng thời để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cũng từ rất sớm đã
hình thành các cộng đồng cư dân ven biển và trên các đảo, mà các nhà dân tộc
học phân thành loại hình làng ven biển và làng đảo. Có nhiều làng đảo được
cả nước biết đến và giới nghiên cứu quan tâm, như làng đảo Quan Lạn (huyện
Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), làng đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải
Phòng), các làng trên đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)...
Đề tài về biển và hải đảo hàm chứa nhiều nội dung nghiên cứu dưới
nhiều chuyên ngành khác nhau. Dưới góc độ Nhân học, một trong những vấn
đề cần được đi sâu nghiên cứu là thích ứng với môi trường biển, đảo, thể hiện
ở phương thức mưu sinh của các cộng đồng cư dân thuộc các dạng cảnh quan
có các đặc điểm khác nhau về địa hình, thổ nhưỡng ở đảo, khí hậu, thủy văn,
tài nguyên của biển...; hay ngư trường biển nói chung.
1.2. Phương thức mưu sinh là một thành tố quan trọng trong đời sống
tộc người, có quan hệ mật thiết và có ảnh hưởng lớn đối với các thành tố khác
như chính trị, văn hóa, xã hội… Phương thức mưu sinh của cư dân không đơn
thuần là kiếm sống mà còn chứa đựng nhiều các yếu tố văn hóa, xã hội, như
thiết chế xã hội và các mối quan hệ xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng (gắn với các
kiêng kỵ, lễ nghi), các phong tục tập quán liên quan đến hoạt động mưu sinh
của cộng đồng cư dân.
Nghiên cứu phương thức mưu sinh của các cộng đồng cư dân ven biển
và hải đảo để thấy được nhận thức, cách ứng xử của con người đối với môi

1


trường biển, đảo. Gắn với các phương thức mưu sinh này là các thiết chế xã
hội và quan hệ xã hội, các phong tục tập quán, các tín ngưỡng và kiêng kỵ...
Đó là những yếu tố cấu thành văn hóa của cộng đồng cư dân.
Về mặt thực tiễn, nghiên cứu các hoạt động mưu sinh để thấy được
những thuận lợi và khó khăn cũng như những thách thức của các cộng đồng
cư dân trong giai đoạn hiện nay; tạo cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải
pháp giúp các cộng đồng cư dân khai thác một cách hợp lý, bền vững các
nguồn lợi từ biển và hải đảo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời
vươn ra làm chủ ngoài khơi, góp phần vào việc khẳng định và bảo vệ chủ
quyền biển đảo Việt Nam.
1.3. Thanh Hóa là một trong những tỉnh ven biển ở nước ta, với chiều
dài 102 km bờ biển, có các cửa biển Lạch Trường, Lạch Bạng..., các đảo Hòn
Mê, Hòn Nẹ... và đảo Nghi Sơn là một trong những hòn đảo lớn của huyện
Tĩnh Gia, có cư dân định cư rất sớm.
Nghi Sơn trước đây là một làng cổ với tên gọi Biện Sơn. Cư dân ở đây
chủ yếu làm nghề chài lưới và tham gia bảo vệ an ninh trên đảo. Nơi đây có
địa thế hiểm yếu, từng là căn cứ quân sự của các triều đại phong kiến và đặc
biệt quan trọng vào thời Tây Sơn (phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn). Biện
Sơn cùng với làng Diêm Phố (huyện Hậu Lộc) là hai làng ngư nghiệp truyền
thống điển hình của tỉnh Thanh Hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cư
dân làng đảo Biện Sơn vẫn duy trì và bảo tồn được nghề truyền thống của cha
ông. Cùng với quá trình mưu sinh, cư dân trên đảo đã tạo lập những thiết chế
văn hóa, các hình thái tín ngưỡng mang những sắc thái đặc trưng riêng của
vùng biển đảo...
Ngày nay, Nghi Sơn không chỉ có tiềm năng kinh tế, mà còn có một vị
trí chiến lược trên vùng biển cực Nam của tỉnh Thanh Hóa. Để thuận tiện cho


2


việc phát triển kinh tế - xã hội, năm 1984, cù lao Biện Sơn thuộc xã Hải
Thượng được tách riêng thành xã Nghi Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia. Đặc biệt,
ngày 14 tháng 01 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận
Nghi Sơn là xã đảo. Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa,
xã đảo Nghi Sơn được quy hoạch nằm trong khu kinh tế Nghi Sơn - khu kinh
tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung. Vì vậy, nghiên
cứu sinh kế của xã đảo Nghi Sơn để giúp cho cộng đồng cư dân ở đây phát
triển bền vững, với các nội dung là khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên để
phát triển kinh tế; giữ gìn nguồn tài nguyên và môi trường vùng biển đảo; giữ
vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn trên biển; bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn trở thành
khu kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ.
Vì lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Phương thức mưu sinh của cư
dân ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa” làm đề tài luận án tiến
sĩ, chuyên ngành Nhân học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Làm rõ các phương thức mưu sinh hiện nay của cư dân ở xã đảo Nghi
Sơn (cơ sở ra đời, tồn tại, cách thức tổ chức, vai trò của các hình thức mưu
sinh), cùng các yếu tố xã hội và văn hóa liên quan đến hoạt động mưu sinh;
- Chỉ ra những vấn đề đang đặt ra về mưu sinh của cộng đồng cư dân
trên đảo, tạo cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp giúp cư dân xã đảo
Nghi Sơn phát triển bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất
nước, nhất là bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

3



2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
- Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về phương thức mưu sinh
của cư dân biển và hải đảo nói chung và cư dân đảo Nghi Sơn nói riêng;
- Khảo sát thực tế để thu thập các nguồn tư liệu về phương thức mưu
sinh của cư dân xã đảo Nghi Sơn hiện nay trong mối quan hệ với các yếu tố
truyền thống;
- Trên cơ sở làm rõ các khái niệm có liên quan, lựa chọn khung lý
thuyết phù hợp làm cơ sở cho việc luận giải những khía cạnh liên quan đến
phương thức mưu sinh của cư dân xã đảo Nghi Sơn hiện nay;
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phương thức mưu sinh hiện nay của
cư dân Nghi Sơn cũng như các yếu tố xã hội, văn hóa có liên quan.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là các khía cạnh của phương
thức mưu sinh cùng các khía cạnh có liên quan đến mưu sinh hiện nay của cư
dân xã đảo Nghi Sơn.
- Phạm vi nghiên cứu của luận án, về không gian nghiên cứu là xã đảo
Nghi Sơn. Về thời gian, luận án tập trung nghiên cứu phương thức mưu sinh
hiện nay của cư dân Nghi Sơn trong sự so sánh với các yếu tố mưu sinh
truyền thống. Từ xa xưa, cư dân Nghi Sơn sống chủ yếu bằng các hình thức
đánh bắt hải sản ở ven bờ. Trước tác động của gia tăng dân số, của việc khai
thác thiếu hợp lý nguồn tài nguyên trên biển, nhiều hình thức khai thác hải
sản không còn được duy trì hoặc phải chuyển đổi. Trước yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới (năm 1986), nhất là từ khi
giải thể hợp tác xã (năm 1990), cùng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật,

4



nghề khai thác hải sản ở Nghi Sơn từng bước được nâng cấp, nhiều hình thức
mưu sinh mới, gắn với nghề cá xuất hiện. Tất cả các hoạt động mưu sinh này
sẽ được đề cập đến trong luận án.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án tiếp cận vấn đề phương thức mưu sinh của cư dân xã đảo Nghi
Sơn từ góc độ Dân tộc học/Nhân học kinh tế, chú trọng các hình thức mưu
sinh trong mối quan hệ với văn hóa của cư dân cũng như các yếu tố môi
trường sống và các yếu tố thiết chế xã hội trong mối quan hệ với phong tục,
tập quán; tôn giáo, tín ngưỡng. Cách tiếp cận này hoàn toàn khác với tiếp cận
Kinh tế học, chú trọng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, từ đó
tìm ra những quy luật vận động và phát triển của các hoạt động sản xuất.
Khi tiến hành nghiên cứu về phương thức mưu sinh, luận án xem xét
các vấn đề trên cơ sở lý luận là phép biện chứng của chủ nghĩa duy vật lịch
sử. Sự hình thành, tồn tại và phát triển của các hình thái kinh tế luôn nằm
trong mối quan hệ biện chứng với các thành tố khác trong đời sống như môi
trường tự nhiên, môi trường văn hóa, xã hội, điều kiện lịch sử…
4.2. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Căn cứ vào chuyên ngành đào tạo, luận án sử dụng đồng thời nhiều
phương pháp khác nhau của khoa học xã hội, lấy phương pháp tiếp cận Dân
tộc học/Nhân học làm trọng tâm. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được áp
dụng trong quá trình hoàn thành luận án:
Kế thừa các tài liệu thứ cấp: để hoàn thành luận án chúng tôi đã đọc và
kế thừa từ các công trình sách, tạp chí đã xuất bản; kết quả các chương trình,
dự án nghiên cứu do các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện

5


liên quan đến đề tài, các tài liệu thống kê và báo cáo tổng kết của chính

quyền, ngành ở các cấp. Đối với cả hai nguồn tư liệu (các tài liệu thứ cấp và
các công trình nghiên cứu), chúng tôi đối chiếu và kiểm tra chéo bằng các tài
liệu thu được trên thực địa.
Phương pháp điền dã Dân tộc học
Để hoàn thành luận án, chúng tôi đã tiền hành bảy đợt điền dã thực tế
để thu thập tư liệu:
- Đợt một, vào tháng 04 năm 2014, tập trung tìm hiểu về địa bàn nghiên
cứu, đến tham quan các công trình tôn giáo, tín ngưỡng; điều tra hồi cố các
bậc cao niên về lịch sử cư dân trên đảo, về thiết chế tổ chức làng xã, các
phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống, các hình thức đánh bắt hải sản
truyền thống cũng như các kiêng kỵ và nghi lễ có liên quan; tìm hiểu nghề
nuôi trồng hải sản trên biển mới xuất hiện ở địa phương.
- Đợt hai diễn ra vào tháng 7 năm 2015 với công việc chính là thu thập
số liệu về phương tiện và ngư cụ đánh bắt hải sản truyền thống và những biến
đổi hiện nay.
- Đợt ba, vào tháng 08 năm 2015, làm việc với bốn vị trưởng thôn để
tìm hiểu thực trạng đời sống gia đình, dòng họ của bà con cư dân trong thôn;
gặp gỡ để thu thập tư liệu ở các hộ làm nghề mành chụp, nghề lưới giã, nghề
câu vàng, nghề câu trong lộng; trong đó có một số chủ hộ làm nghề mành
chụp làm ăn thua lỗ và không tìm được bạn thuyền, phải bán thuyền để đi làm
công nhân bên khu kinh tế Nghi Sơn.
- Đợt bốn diễn ra vào tháng 03 năm 2016, tập trung phỏng vấn và thu
thập tư liệu về nghề lưới bát quái, nghề làm nước mắm, chế biến cá khô.

6


- Đợt năm diễn ra vào tháng 5 năm 2016, tham dự lễ hội cầu ngư của
dân làng; thu thập tư liệu về nghề sửa chữa tàu thuyền, nuôi cá lồng và công
việc thu mua hải sản trên biển.

- Đợt sáu, vào tháng 7 năm 2016, tiến hành thu thập tư liệu về nghề đá
lạnh, nghề cung cấp xăng dầu, thu mua hải sản, làm nước mắm, buôn bán
nhỏ, tình hình ngư dân bỏ nghề đi biển, chuyển sang làm công nhân tại khu
kinh tế Nghi Sơn.
- Đợt bảy, vào tháng 8 năm 2016, chúng tôi rà soát lại các nguồn tư liệu
lần cuối, xác minh lại một số nghi vấn.
Số ngày của mỗi đợt điền dã tùy theo tính chất công việc ở thực địa và
điều kiện ở cơ quan. Tại mỗi đợt nghiên cứu ở địa bàn, sau khi trình bày mục
đích, nội dung và kế hoạch nghiên cứu với đại diện chính quyền địa phương,
chúng tôi xác định và tiếp xúc với các thông tín viên là các bậc cao niên am
hiểu về cuộc sống xưa kia của cư dân, cán bộ tại cơ sở, những người đang làm
nghề nuôi trồng thủy sản, nghề đánh cá ngoài biển, nghề thu mua hải sản,
nghề đá lạnh, nghề sửa chữa tàu thuyền, nghề làm mắm, phơi cá khô… và
người dân để thu thập thông tin.
Sau khi có được danh sách các cộng tác viên, chúng tôi tiến hành các công
việc cụ thể của hoạt động điền dã:
- Quan sát, chụp ảnh, ghi chép các hiện tượng “tai nghe, mắt thấy” của
các cộng đồng ngư dân.
- Tham dự một số công việc lao động sản xuất của ngư dân, như một số
hình thức đánh bắt, trong đó có cả câu mực; phân loại hải sản trên tàu; phơi cá
khô…), một số sinh hoạt trong gia đình (chế biến món ăn), các sinh hoạt văn
hóa, tín ngưỡng, lễ hội của ngư dân, để tìm hiểu các hoạt động này.

7


- Phỏng vấn ngư dân làm nghề đánh bắt ở ngư trường xa, gần; các cư
dân làm nghề phơi cá khô và làm nước mắm; các chủ thu mua hải sản, cung
cấp xăng dầu và làm đá lạnh; những ngư dân bỏ nghề đi biển để đi làm công
nhân tại khu kinh tế Nghi Sơn; một số vị là lãnh đạo xã, các trưởng phó thôn.

Ngoài phỏng vấn và điều tra hồi cố, chúng tôi còn thiết kế những buổi
thảo luận nhóm (từ 4 - 6 người) để thu thập tư liệu. Mỗi vấn đề liên quan đến
từng khía cạnh của cuộc sống quá khứ và hiện tại, tôi thường chọn độ tuổi
thuộc các thế hệ khác nhau.
Trong phỏng vấn, điều tra hồi cố và thảo luận nhóm, ngoài ghi chép,
chúng tôi sử dụng máy ghi âm nhằm đảm bảo thông tin không bị phản ánh sai
lệch, giúp loại bỏ những hạn chế trong khi ghi chép. Sau mỗi ngày phỏng vấn,
chúng tôi mở lại băng ghi âm để bổ sung vào sổ những điểm còn chưa rõ.
Sau mỗi ngày điền dã, tôi nạp thông tin vào máy tính và suy nghĩ về vấn đề
chưa rõ để tiếp tục hỏi vào ngày hôm sau.
Phương pháp nghiên cứu so sánh và và phương pháp thống kê
Trên cơ sở thu thập những tư liệu từ thực địa như sản phẩm đánh bắt qua
các chuyến ra khơi, qua các tháng, các mùa trong năm, chúng tôi thống kê trên
bảng để có thể phân tích và làm rõ công việc đánh bắt và chế biến sản phẩm
của ngư dân ở từng thời điểm. Dựa vào kết quả thống kê chúng tôi còn so sánh
sản phẩm của ngư dân vào các mùa trước đây và hiện nay giống và khác nhau
như thế nào, có ảnh hưởng gì đến những biến đổi trong phương thức mưu sinh.
Sử dụng nghiên cứu đồng đại và lịch đại để so sánh về phương thức
mưu sinh của ngư dân Nghi Sơn trong thời gian trước đây và hiện nay, cụ thể
là so sánh các hoạt động mưu sinh, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, ảnh
hưởng từ các chính sách của nhà nước… của cộng đồng ngư dân trong xã.

8


Tóm lại, trên cơ sở so sánh về các phương thức mưu sinh trong quá khứ
và hiện nay, luận án chỉ ra những biến đổi trong tổ chức đánh bắt, sử dụng
ngư cụ, địa bàn đánh bắt, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của ngư dân.
Đây cũng là cơ sở để giúp đề xuất những chính sách phát triển bền vững với
cộng đồng ngư dân.

Tham khảo ý kiến chuyên gia
Để có thể thu thập được tương đối đầy đủ nguồn tư liệu, giải mã một
cách thấu đáo các hiện tượng trong phương thức mưu sinh của ngư dân,
chúng tôi tranh thủ ý kiến của một số nhà nghiên cứu chuyên sâu về cộng
đồng cư dân trong cả nước, như PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu (Bảo tàng Dân
tộc học Việt Nam), PGS. TS. Lâm Bá Nam (Hội Dân tộc học và Nhân học
Việt Nam) - tham khảo nhiều lần trong quá trình điều tra tư liệu và viết luận
án; hay các nhà quản lý có am hiểu về vùng ven biển Thanh Hóa như TS.
Phạm Văn Tuấn (tham khảo ý kiến tháng 10/2016), TS. Nguyễn Văn Dũng
(tham khảo ý kiến tháng 6/2016), Ông Lê Minh Châu - Hội nghề cá Thanh
Hóa (tham khảo ý kiến tháng 7/2016). Các chuyên gia đã chỉ cho tôi hướng
tiếp cận vấn đề, các kinh nghiệm điền dã (tiếp xúc và phỏng vấn ngư dân,
những điểm lưu ý khi thu thập tư liệu, các kiêng kỵ của ngư dân), để tôi tiếp
xúc với ngư dân được thuận lợi.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về phương thức mưu sinh của
cư dân trên một xã đảo cụ thể; chỉ ra những yếu tố tác động đến mưu sinh, đặc
trưng về mưu sinh trước môi trường biển đảo; các khía cạnh xã hội và văn hóa
liên quan đến mưu sinh của cư dân xã đảo Nghi Sơn.
- Luận án nêu chỉ ra khó khăn và thách thức về mưu sinh của cư dân xã
đảo Nghi Sơn, tạo cơ sở khoa học để cấp ủy, chính quyền địa phương tham

9


khảo trong việc đề ra các giải pháp giúp cộng đồng cư dân xã đảo khắc phục khó
khăn, phát huy thuận lợi, phát triển theo hướng bền vững.
- Luận án góp thêm tư liệu vào việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về
phương thức mưu sinh, về ngư dân, làng xã người Việt.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án góp phần chỉ ra cơ sở hình thành, tồn tại và biến đổi của phương
thức mưu sinh; mối quan hệ của phương thức mưu sinh với các yếu tố môi
trường, văn hóa, xã hội… qua thực tế địa bàn nghiên cứu.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Nêu những vấn đề đang đặt ra đối với phương thức mưu sinh của cư dân
xã đảo Nghi Sơn, tạo cơ sở khoa học cho các cấp, các ngành có liên quan tham
khảo trong việc đề ra các chính sách phát triển đối với xã đảo.
- Là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh
viên nghiên cứu về cư dân vùng biển đảo.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Luận án được
chia thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và địa bàn
nghiên cứu
Chương 2: Các hình thức đánh bắt hải sản
Chương 3: Các hình thức mưu sinh khác
Chương 4: Các yếu tố xã hội và văn hóa liên quan đến hoạt động mưu sinh.

10


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu về phương thức mưu
sinh của cư dân biển và hải đảo
1.1.1.1. Những nghiên cứu của các học giả nước ngoài

Vấn đề ngư dân và việc khai thác nguồn lợi biển được nhiều học giả
trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong thời gian qua. Cụ thể, trong Nhân học
biển (Maritime Anthropology), có một số công trình tiêu biểu về ngư dân và
nghề đánh bắt như sau:
Trước tiên có thể kể đến các công trình nghiên cứu về vấn đề thích ứng
với môi trường biển, khai thác nguồn lợi và các khía cạnh văn hóa, xã hội của
cộng đồng ngư dân như Anthropology of fishing (Nhân học ngư nghiệp) của James
M. Acheson (1981) thuộc bộ môn Nhân học, đại học Maine đã nói về quá trình làm
quen và thích nghi với môi trường biển của con người. Và tác giả xem việc thích nghi
với môi trường biển là thành tựu nổi bật của con người.
Bức khảm văn hóa châu Á của Jonh Clammer (2001) đã nêu ra hệ
thống tổ chức kinh tế và phương thức kiếm sống của nông dân, người chăn
nuôi và ngư dân. Tác giả cho biết tổ chức kinh tế, xã hội của ngư dân thay đổi
theo vị trí sinh thái, trình độ kỹ thuật và mối quan hệ của họ với chế độ kinh
tế rộng lớn hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của Jonh Clammer chưa đi sâu phân
tích về văn hóa của ngư dân ở các quốc gia trong khu vực, những điểm tương
đồng và khác biệt về phong tục, tập quán của họ.

11


Chandana Sarma thuộc bộ môn Nhân học, trường Đại học Cotton và
A.N.M IrshadAli (2005) thuộc Sở Nhân chủng học, trường Đại học Gauhati
đã cùng nhau nghiên cứu về kinh tế, xã hội cũng như sự biến đổi nghề nghiệp
của cộng đồng ngư dân ở Assam, Ấn Độ. Bài viết “A Fishing Community of
Assam, Their Society and Economy” (Cộng đồng ngư nghiệp Assam - xã hội
và kinh tế) trên tạp chí Human ecology của hai tác giả đã đề cập đến nghề
nghiệp, cấu trúc và tổ chức xã hội, các hoạt động đánh bắt của ngư dân ở làng
Boripara thuộc ngoại ô thành phố Guwahati. Các tác giả cũng đã mô tả về
công cụ đánh bắt cá của ngư dân trong các mùa, tổ chức lao động, tín ngưỡng,

những điều kiêng kỵ và chỉ ra sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến cuộc
sống của ngư dân, đặc biệt là sự thay đổi nghề nghiệp của thế hệ trẻ - một bộ
phận ngư dân đã chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, các tác giả chưa chỉ ra
nguyên nhân sâu xa của việc thay đổi nghề nghiệp của ngư dân và những định
hướng có tính chiến lược phát triển bền vững nghề cá quy mô nhỏ ở đây.
Edward W.Glazier (2006) thuộc Đại học Hawaii trong cuốn sách
Hawaiian fishermen (case studies in cultural anthropology) (Ngư dân
Hawaiian - Nghiên cứu về nhân học văn hóa), đã đề cấp đến các khía cạnh
văn hóa của nghề cá ở Hawaii và mô hình đánh cá bằng thuyền nhỏ trong thời
kỳ cả thế giới quan tâm đến vấn đề đại dương và tài nguyên biển. Tác giả
cũng đề cập đến tương lai của nghề cá ở Hawaii, cũng như sự tồn tại của nghề
biển trong giai đoạn biến đổi toàn cầu hiện nay. Có thể nói, cuốn sách là một
điển hình trong nghiên cứu trường hợp về ngư dân với nghề cá quy mô nhỏ. Tuy
nhiên, do tập trung vào một cộng đồng ngư dân với nghề cá quy mô nhỏ mà tác giả
chưa so sánh với những cộng đồng ngư dân khác để thấy được điểm giống và khác
nhau trong phương thức mưu sinh của ngư dân Hawaii với cộng đồng ngư dân khác.

12


Các công trình nghiên cứu về vấn đề quản lý nghề cá và việc phát triển
bền vững nghề cá, tiêu biểu là Nhà nhân học Mỹ, James R. McGoodwin (1990)
đã dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về cộng đồng ngư dân và
quản lý nghề cá. Đã có nhiều các công trình nghiên cứu được xuất bản, trong đó
tiêu biểu là cuốn Crisis in the wold’s fisheries: people, problems, and policies
(Khủng hoảng ngư nghiệp trên thế giới: con người, các vấn đề tồn tại và chính
sách). Công trình đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các khía cạnh của nghề
cá như văn hóa, kinh tế, chính trị, môi trường và những vấn đề đe dọa ngư dân
trên thế giới. Đặc biệt, tác giả đã đánh giá một cách cơ bản về chính sách quản
lý, khai thác nghề cá cũng như chia sẻ các quan điểm nhân học liên quan đến

cộng đồng ngư dân thế giới. Tuy nhiên, nội dung cuốn sách chỉ đề cập đến
nghiên cứu nghề cá ở tầm vĩ mô, chưa đề cập đến trường hợp cụ thể.
Ricardo Perez (2005) trong cuốn The State and small - scale fisheries
in Puerto Rico (Nhà nước và các cộng đồng ngư nghiệp quy mô nhỏ ở Puerto
Rico), nghiên cứu dưới góc độ nhân học và lịch sử ở Puerto Rico từ năm 1996
đến năm 2002, đã đưa ra những lý do dẫn đến sự phát triển hạn chế của ngành
công nghiệp đánh bắt cá quy mô nhỏ ở Puerto Rico. Viện dẫn cho lý do tại
sao đánh bắt cá thương mại ở Puerto Rico vẫn không thể phát triển nhanh kể
từ những năm 1950 đến nay, tác giả cho rằng chương trình hiện đại hoá ngành
công nghiệp đánh bắt cá ở đây không phù hợp, ngư dân phụ thuộc quá nhiều
vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tác giả có một cái nhìn sơ lược về quá trình quản
lý biển ở Puerto Rico. Ông cũng chỉ ra những mâu thuẫn trong việc phát triển
nghề cá và bảo tồn nguồn lợi thủy sản của nhà nước. Tuy nhiên, nghiên cứu
này chưa đi sâu phân tích về văn hóa của cộng đồng ngư dân nơi đây.
Cuốn Fisheries Management in Australia (Quản lý ngư nghiệp ở Úc)
của Daryl Mc Phee (2008) đã phân tích toàn diện, đa chiều và có tính thực tế
cao về vấn đề quản lý nghề cá ở Úc. Công trình cũng mang đến cho người
13


đọc một cái nhìn mới về khái niệm quản lý nghề cá gắn với hành vi của con
người, trong đó nhu cầu cơ bản là việc bảo vệ hệ sinh thái biển và các thành
phần của nó. Cuốn sách cũng đề cập đến một loạt các chủ đề hiện đại như:
chia sẻ nguồn lợi thủy sản giữa ngư dân và thương gia, quy hoạch công viên
hải dương, môi trường pháp lý và chính sách hiện hành, khuôn khổ tham vấn
và sự tham gia quản lý môi trường đánh bắt thuỷ sản. Tuy nhiên, những vấn
đề của nghề cá ở địa phương được đề cập đến, tác giả chủ yếu đề cập đến
những kinh nghiệm về quản lý nghề cá quy mô lớn ở tầm quốc gia.

Dean Adams (2012) với cuốn Four thousand hooks (Bốn nghìn lưỡi

câu), là hồi ký trung thực mô tả về một kỷ nguyên mới cho ngành đánh bắt cá
trên vùng biển Alaska. Câu chuyện vừa mang tính phiêu lưu hấp dẫn, miêu tả
phương pháp đánh bắt, cách sống và cách làm việc để duy trì sự sống của
những gia đình sống trên tàu đánh cá ở miền Tây Bắc nước Mỹ qua nhiều thế
hệ. Để có được những câu chuyện này, trước đó, tác giả là người trực tiếp
tham gia đánh cá trên tàu từ năm 15 tuổi, sau đó đã theo học đại học và có
bằng cử nhân, thạc sĩ của khoa Thủy sản (Đại học Washington).
Có thể nói, những nghiên cứu của các tác giả nói trên đã đề cập đến các
khía cạnh như quy mô nghề cá, sự quản lý của nhà nước đối với nguồn lợi
biển; cũng như đưa ra những hoạch định để phát triển bền vững nghề cá. Tuy
nhiên, các công trình nghiên cứu nói trên mang tầm quốc gia, quốc tế, vì vậy
chưa phản ánh hết yếu tố đặc trưng trong việc khai thác nguồn lợi biển của
từng cộng đồng ngư dân, việc tiếp tục nghiên cứu các hoạt động mưu sinh và
biến đổi chúng trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp các cấp chính quyền hoạch
định chính sách nhằm phát triển bền vững vùng biển đảo nước ta.

14


1.1.1.2. Nghiên cứu của các học giả trong nước
Trước những năm đổi mới, nghiên cứu về ngư dân ở Việt Nam còn lẻ
tẻ, được lồng vào nghiên cứu chung, chưa được tách ra độc lập. Tiêu biểu
trong số đó là nhà Dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã bàn đến ứng xử của người
nông dân trước môi trường biển. Ông nhấn mạnh “Mặc dù không có truyền
thống về biển, nhưng do tiếp xúc với biển đã khá lâu nên ở vùng biển, người
Việt đã hình thành một số tập quán sông nước” [25, tr. 654].
Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh trong một số công trình viết về văn
hóa cũng đề cập đến yếu tố biển trong văn hóa Việt Nam với nhận định chung
là: “Văn hóa Việt Nam xa rừng, nhạt biển” hay “Việt Nam chúng ta xưa kia
cũng như ngày nay không có một văn hóa biển điển hình, mà chỉ là những yếu

tố văn hóa biển đan xen với văn hóa nông nghiệp tạo nên một sắc diện văn
hóa đặc thù của cư dân ven biển”.
Năm 1960, Vụ Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm đã xuất bản một loạt
các công trình giới thiệu về các công cụ đánh bắt thủy hải sản ở Việt Nam
như Giới thiệu lưới đánh cá chim; Giới thiệu lưới thủ Đồ Sơn; Giới thiệu
nghề lưới rê; Giới thiệu nghề lưới xút; Lưới chồng tơ đánh cá trích; Lưới giả
đói (loại nhỏ) Nghệ An… Các nghiên cứu trên giới thiệu, khảo tả chi tiết chiều
dài, chiều rộng, chất liệu tạo thành lưới, phương pháp sử dụng và kỹ thuật
dùng các loại lưới đó đối với việc đánh bắt từng loài cá.
Trên Tạp chí Dân tộc học có đăng một số bài của các tác giả như
“Quan hệ hôn nhân và gia đình người Hoa ở Bạch Long Vĩ” của Nguyễn Trúc
Bình (1973); “Vài nét về truyền thống lấn biển mở rộng diện tích trồng trọt
của làng Trà Cổ” (Móng Cái) của Ngô Đức Thịnh, Phạm Đức Dương (1977);
“Vài nét về tình hình các làng xã làm nghề cá ven biển các tỉnh phía Bắc” của
Nguyễn Dương Bình (1984); “Vài nét về đời sống của ngư dân vùng biển

15


Đông Bắc Việt Nam” của Diệp Trung Bình (1985); “Vấn đề dân số kế hoạch
hóa gia đình một huyện ven biển đồng bằng sông Hồng” của Đoàn Đình Thi
(1997)... Nhìn chung, các bài viết này phản ánh tình hình các làng xã làm
nghề cá ở ven biển các tỉnh phía Bắc, những vấn đề có liên quan đến cư dân
ven biển như hôn nhân, gia đình, việc khai thác nguồn lợi từ thời xa xưa, tình
hình nghiên cứu về nguồn lợi, mức độ khai thác và bảo quản lâu bền nguồn
lợi cá biển Việt Nam.
Trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật những năm gần đây có một số các bài
viết về văn hóa biển Việt Nam, trong đó đáng chú ý là bài Truyền thống văn hóa
biển cận duyên của người Việt của Ngô Đức Thịnh (2010). Trên cơ sở nghiên cứu
tư liệu về các dạng thuyền ven biển nước ta, cũng như sản lượng đánh bắt cá của

nhiều địa phương ven biển, tác giả đã đi đến kết luận: người Việt có truyền thống
văn hóa biển cận duyên. Đặc trưng cơ bản nhất của truyền thống biển cận duyên
là sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt
hải sản, việc khai thác thủy hải sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu nền kinh tế
nông nghiệp truyền thống, đáp ứng nhu cầu tự túc tự cấp mang tính địa phương
của người nông dân. Tuy nhiên, nhận xét này chỉ đúng với ngư dân ở Bắc Bộ và
một phần Bắc Trung Bộ mà thôi .
Vũ Ngọc Ân với công trình Nghề đánh cá biển kết hợp ánh sáng ở
miền Bắc Việt Nam mô tả chi tiết hình dáng, cấu tạo của lưới và cách đánh bắt
kết hợp ánh sáng của ngư dân vùng biển miền Bắc Việt Nam [5].
Có thể nói, trước năm 1980, các nghiên cứu về cư dân ven biển chưa
nhiều, không gian nghiên cứu chủ yếu ở miền Bắc.
Từ những năm 1990 trở đi, nghiên cứu về cộng đồng ngư dân ở Việt
Nam được đẩy mạnh, nhiều công trình nghiên cứu về biển và cộng đồng ngư
dân được xuất bản.

16


Trước hết là các công trình nghiên cứu về biển, văn hóa biển Việt Nam
nói chung và văn hóa biển của các cộng đồng ngư dân nói riêng, như Biển
với người Việt cổ của Trần Quốc Vượng - Cao Xuân Phổ nêu vị trí của biển
trong đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của người Việt từ trước đến nay;
Biển trong văn hóa người Việt của Nguyễn Thị Hải Lê.
Cuốn Người Việt với biển của Nguyễn Văn Kim (chủ biên, 2011) giới
thiệu về đặc điểm, vị trí, vai trò của biển trong quá trình chiếm cứ văn hóa của
cộng đồng cư dân vùng ven biển, những vấn đề về an ninh quốc phòng của biển
Đông trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Văn hóa dân gian làng ven biển do Ngô Đức Thịnh chủ biên (2000), đề
cập đến khía cạnh lịch sử và văn hóa dân gian của các làng ven biển tiêu biểu

(Trà Cổ, Quan Lạn, Đồ Sơn, Kẻ Mom, Phương Cần, Cửa Sót, Nhượng Bạn,
Cảnh Dương và Thuận An…). Qua nghiên cứu về nguồn gốc dân cư, kỹ thuật
đánh bắt, nguồn tài nguyên khai thác, các tác giả kết luận người Việt có truyền
thống khai thác biển cận duyên, chứ không phải là biển đại dương. Đặc biệt, tác
giả cũng cho biết tại các tỉnh miền Trung, một số ít hộ gia đình thuộc diện giàu có,
họ có nguồn lực tài chính đủ để trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại, có thể
đánh bắt xa bờ dài ngày mang lại nguồn thu nhập lớn. Trong khi đó, phần lớn các
hộ đều không có khả năng tiếp cận nguồn tài chính để mua thuyền và công cụ
đánh bắt hải sản, thông thường một vài người góp vốn mua thuyền làm ăn chung,
những người không có vốn đi làm thuê cho các chủ thuyền với thu nhập thấp.
Dưới góc độ văn hóa truyền thống, có các công trình Lễ hội dân gian của ngư dân
Bà Rịa - Vũng Tàu của Phan An, Đinh Văn Hạnh, Tín ngưỡng cư dân ven biển
Quảng Nam - Đà Nẵng (hình thái, đặc trưng và giá trị) của Nguyễn Xuân Hương,
Văn hóa tín ngưỡng cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre của Dương Hoàng
Lộc… Nguyễn Đăng Vũ (2003) với luận án tiến sĩ lịch sử “Văn hóa dân gian
của cư dân ven biển Quảng Ngãi” phản ánh khá toàn diện bức tranh văn hóa
17


dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây: từ tín ngưỡng, lễ hội cho đến nghệ
thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, ngữ văn dân gian.
Phạm Thanh Tịnh (2012) nêu lên những đặc trưng của người Bồ Lô
ven biển Hà Tĩnh trên hai bình diện: những tri thức, tín ngưỡng dân gian gắn
liền với biển và nếp sống của cư dân trên thuyền, đặc biệt ở ba lĩnh vực lớn đó
là đời sống văn hóa tinh thần, đời sống văn hóa vật chất, tổ chức xã hội qua
luận án tiến sĩ Tìm hiểu văn hóa dân gian người Bồ Lô ven biển Hà Tĩnh.
Tạp chí Bảo tàng và Nhân học đã dành riêng số 2 (2014) về chuyên đề văn
hóa biển. Từ góc nhìn nhân học bảo tàng, Nguyễn Duy Thiệu với Lối sống ngư
dân vùng biển đảo Việt Nam đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về lối sống/văn hóa
của ngư dân Việt Nam. Kenneth Ruddle với Nghiên cứu tri thức sinh thái địa

phương trong các xã hội nghề cá Việt Nam và ứng dụng vào thực tiễn (Lê Phương
Thảo dịch) đề cập việc ứng dụng tri thức sinh thái địa phương trong việc thích ứng
với biến đổi khí hậu và quản lý của cư dân.
Nguyễn Văn Dũng (2016) với luận án tiến sĩ ngữ văn Từ ngữ nghề nghiệp
nghề biển ở Thanh Hóa (từ bình diện ngôn ngữ - văn hóa), khái quát toàn diện
nghề biển ở Thanh Hóa từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng
Xương, Tĩnh Gia. Từ bình diện ngôn ngữ - văn hóa, tác giả luận án phản ánh
những đặc trưng của các từ ngữ chỉ công cụ, phương tiện đánh bắt; hoạt
động nghề biển và sản phẩm nghề biển của ngư dân Thanh Hóa.
Ngoài ra, còn rất nhiều các bài viết của các tác giả nghiên cứu về các khía
cạnh chuyên sâu của các vùng biển và cộng đồng ngư dân trong cả nước như:
Nguyễn Thị Phương Thảo (2009) với Lễ hội Quan Lạn, nét văn hóa độc đáo của
ngư dân biển đảo Vân Đồn. Lê Thanh Tùng (2009), với Văn hóa cư dân biển đảo
Cát Bà. Đặng Thị Thúy Hằng (2014), với Vài nét về biến đổi văn hóa vùng ven
biển Hà Tĩnh. Trịnh Sinh (2010) với Người Sa Huỳnh và giao lưu văn hóa trên

18


×