Tải bản đầy đủ (.doc) (185 trang)

Hoạt động mưu sinh của người kháng ở xã chiềng bôm, huyện thuận châu, tỉnh sơn la

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (801.02 KB, 185 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bản chất nền kinh tế truyền thống của phần lớn các dân tộc thiểu số ở
nước ta là nền kinh tế mang tính tự nhiên, tự cấp và tự túc. Khi bước vào thời
kỳ Đổi mới, nền kinh tế này phải chuyển sang kinh tế hàng hoá nhiều thành
phần. Cùng với sự chuyển đổi đó là tình trạng gia tăng dân số, thu hẹp diện
tích rừng, sự suy giảm nhanh chóng chất lượng đất,… Từ đây, đang có rất
nhiều vấn đề được đặt ra trong công cuộc cải thiện sinh kế, cần sự quan tâm,
giải quyết kịp thời nhằm hướng tới sự ổn định và phát triển tộc người.
Không ít những chương trình, dự án phát triển đã và đang được thực
hiện ở miền núi Việt Nam, tuy nhiên, nền kinh tế của các dân tộc thiểu số ở
đây vẫn đang phát triển một cách hết sức khó khăn, thiếu sự hợp lý và bền
vững. Với nhiều nguyên nhân, chúng ta đang chậm trễ trong việc tìm ra một
chiến lược phát triển phù hợp, thích ứng và khả dụng đối với mỗi dân tộc, mỗi
vùng miền.
Là một trong 21 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me ở nước
ta, cho đến nay, với những lý do khách quan như dân số ít, sinh sống ở vùng
sâu, vùng xa, vùng kém phát triển về kinh tế - xã hội, nên dân tộc Kháng
nhận được rất ít sự quan tâm nghiên cứu, trong đó, nghiên cứu về hoạt động
mưu sinh lại càng hiếm thấy.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện đề tài “Hoạt động mưu sinh của
người Kháng ở xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La” sẽ không
chỉ làm sáng tỏ những tri thức và kinh nghiệm để thích ứng với môi trường tự
nhiên của người Kháng mà còn tìm ra những biến đổi và bất cập của nó với
phát triển bền vững trong điều kiện mới. Trên cơ sở tương đồng về điều kiện
1
tự nhiên cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động mưu sinh của
người Kháng ở Chiềng Bôm mang những nét khá tiêu biểu cho một số dân tộc
thiểu số và miền núi Tây Bắc. Vì vậy, từ kết quả nghiên cứu, luận án hi vọng
sẽ cung cấp nguồn tư liệu hữu ích, làm cơ sở cho việc hoạch định những
chương trình hỗ trợ cần thiết phục vụ công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế -


xã hội, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường sống,… nhằm hướng tới phát
triển bền vững không chỉ với cộng đồng người Kháng mà còn ở các dân tộc
thiểu số khác trên địa bàn Tây Bắc nước ta.
Do quá trình tộc người cũng như lịch sử phát triển kinh tế - xã hội
chung ở Tây Bắc, dân tộc Kháng cùng với một số cư dân thuộc nhóm ngôn
ngữ Môn - Khơ me đã và đang chịu sự ảnh hưởng của người Thái trên mọi
phương diện. Sự đồng hoá trong lịch sử cộng với xu hướng giao lưu, tiếp xúc
mạnh mẽ với các dân tộc khác trong giai đoạn hiện nay đã làm cho nền văn
hoá bản địa của người Kháng rất khó nhận diện. Trong bối cảnh đó, luận án
còn hi vọng sẽ góp phần tìm ra những yếu tố mang sắc thái văn hoá Kháng
trong hoạt động mưu sinh còn tồn tại đến ngày nay.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Luận án nhằm đạt được một số mục tiêu nghiên cứu sau:
- Cung cấp nguồn tư liệu mới, cụ thể và có hệ thống về hoạt động mưu
sinh truyền thống của người Kháng ở xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu,
tỉnh Sơn La.
- Phân tích và lý giải sự biến đổi hoạt động mưu sinh của người Kháng ở
Chiềng Bôm từ khi thực hiện §ổi mới đến nay.
- Xác định những vấn đề đặt ra cho hoạt động mưu sinh của người Kháng
hiện nay trong mối quan hệ với phát triển bền vững như tăng trưởng kinh tế,
ổn định xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ tài nguyên môi sinh,…
2
- Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tư liệu cần thiết, làm cơ sở
cho việc hoạch định những chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho
các dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng người Kháng nói riêng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các hoạt động mưu sinh của người
Kháng ở xã Chiềng Bôm. Chúng tôi đã chọn một số bản người Kháng (Poọng,
Hốn, Tịm,…) trong xã làm điểm nghiên cứu sâu và có khảo sát một số bản
người Thái cận cư để thực hiện các nghiên cứu so sánh.

Về thời gian, luận án nghiên cứu các hoạt động mưu sinh của người
Kháng qua hai giai đoạn, trước Đổi mới và từ Đổi mới (1986) đến nay.
Giai đoạn trước Đổi mới được xác định trong luận án này là vài thập niên
trước khi công cuộc Đổi mới diễn ra. Sở dĩ phân chia thành hai giai đoạn,
lấy mốc là năm 1986 vì đây là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ VI, Đại hội khởi xướng công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước,
đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng về đường lối, chủ trương phát triển
kinh tế của Đảng và Nhà nước ta từ quan liêu bao cấp sang cơ chế thị
trường. Kể từ sau năm 1986, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của tất cả
các dân tộc trên đất nước ta, trong đó có người Kháng đã có những thay
đổi, chuyển biến mạnh mẽ. Từ đó đến nay, thực hiện chủ trương phát triển
kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, được sự hỗ trợ
của Nhà nước về mọi nguồn lực, người Kháng nói chung và người Kháng ở
Chiềng Bôm nói riêng đang trong tiến trình xoá đói giảm nghèo, từng bước
ổn định đời sống. Tuy nhiên, cũng có không ít những thách thức đang đặt
ra đối với họ trong quá trình phát triển. Xem xét hoạt động mưu sinh của
người Kháng ở trước và sau Đổi mới sẽ cho thấy sự thích ứng, biến đổi
cũng như xu hướng phát triển của các hoạt động này dưới tác động của
những điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
3
4. Nguồn tư liệu của luận án
Nguồn tư liệu để hoàn thành luận án chủ yếu là tài liệu điền dã do
chúng tôi thu thập tại địa bàn nghiên cứu. Đó là kết quả của các cuộc phỏng
vấn, thảo luận, trao đổi,… với lãnh đạo địa phương và người dân ở các bản
người Kháng, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2006
đến nay. Tác giả đã thực hiện 5 đợt khảo sát thực địa, được bố trí vào các
tháng khác nhau để đảm bảo có cái nhìn tổng thể và đa dạng về chu trình mưu
sinh khép kín hàng năm của họ.
Bên cạnh nguồn tư liệu điền dã, luận án còn sử dụng các nguồn tài liệu
thứ cấp như các văn bản (Nghị quyết, Thông tư, Nghị định,…) về các chủ

trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo của
Chính phủ Việt Nam; các Nghị quyết, báo cáo tổng kết, số liệu thống kê hàng
năm,… của tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu và xã Chiềng Bôm. Ngoài các
nguồn tư liệu trên, luận án còn kế thừa các kết quả nghiên cứu về hoạt động
kinh tế của người Kháng và của các tộc người khác đã được công bố làm
nguồn tư liệu.
5. Đóng góp của luận án
- Là công trình nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống về hoạt động mưu
sinh của dân tộc Kháng ở Chiềng Bôm.
- Phân tích một cách hệ thống và toàn diện về sự tác động của hoạt
động mưu sinh tới phát triển bền vững để từ đó, tìm ra những bất cập trong
phát triển sinh kế của người Kháng trong giai đoạn hiện nay.
- Tư liệu và những kết quả nghiên cứu được công bố trong luận án có ý
nghĩa trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định các chương trình, chính sách
liên quan đến đất đai, môi trường, an ninh lương thực, giảm nghèo và phát
triển bền vững,… ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.
4
6. Kết cấu của luận án
Ngoài các phần: Mở đầu, Kết quả và bàn luận, Kết luận và Phụ lục,
luận án được bố cục thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và
phương pháp nghiên cứu
Chương 2. Tổng quan về người Kháng ở Việt Nam và người Kháng
ở địa bàn nghiên cứu
Chương 3. Hoạt động mưu sinh của người Kháng ở xã Chiềng Bôm
trước Đổi mới (1986)
Chương 4. Hoạt động mưu sinh của người Kháng ở xã Chiềng Bôm
từ Đổi mới (1986) đến nay - Thực trạng biến đổi và những tác động đến
phát triển bền vững
5

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Liên quan đến lịch sử nghiên cứu của đề tài, có 2 vấn đề cần tập trung
làm rõ, đó là tình hình nghiên cứu về hoạt động mưu sinh nói chung và
nghiên cứu về hoạt động mưu sinh của người Kháng nói riêng.
1.1.1. Nghiên cứu về hoạt động mưu sinh
Đến nay, chúng ta đã được tiếp cận một số công trình của các học giả
nước ngoài nghiên cứu về kinh tế, trong đó chủ yếu là các vấn đề liên quan
đến hoạt động nông nghiệp [6],[26],[73],…
Ở công trình Sự xuất hiện và phát triển của nông nghiệp [6], các tác giả
V.D. Blavaski - A.V. Nikitin cho rằng, nông nghiệp xuất hiện ngay trong thời
đại công xã nguyên thủy và là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển
của năng suất lao động và sự tích lũy tài sản, dẫn tới chỗ củng cố và thịnh đạt
của xã hội nguyên thủy. Từ đó, tác giả khẳng định, nông nghiệp là một trong
những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Về lĩnh vực nghiên cứu dân tộc
học nông nghiệp, G.G.Gromop và IU.F. Nôvichkop [26] đã chỉ ra một cách
đúng đắn rằng, việc nghiên cứu kỹ thuật học nông nghiệp cần phải xem xét
những điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế - xã hội mà các dân tộc nông
nghiệp đang phát triển ở trong các giai đoạn lịch sử sống trong điều kiện đó.
Đồng thời, họ cũng phê phán các quan điểm của một số học giả khi đánh giá
quá cao ý nghĩa của đặc tính dân tộc riêng biệt khi nghiên cứu về dân tộc học
nông nghiệp. Cũng với quan điểm trên, khi bàn về dân tộc học nông nghiệp
Đông Nam Á [73], N.N. Tsebocsarop khẳng định, những đặc trưng văn hóa
nông nghiệp các dân tộc ở Đông Nam Á đã hình thành từ những điều kiện
6
lịch sử nhất định và nó được định đoạt bởi sự phát triển kinh tế - xã hội và
hoàn cảnh tự nhiên. Tuy nhiên, những đặc trưng đó được củng cố bởi truyền
thống, trở thành những đặc điểm đối với các dân tộc riêng biệt trong một thời

kỳ lâu dài, dần dần biến mất với sự xuất hiện trong các dân tộc ấy nền nông
nghiệp cơ giới hiện đại.
“Phương cách sinh tồn” và “phương thức mưu sinh” là những khái
niệm được sử dụng trong một nghiên cứu của A. Schultz và H. Lavenda khi
nghiên cứu về kinh tế [49]. Các tác giả cho rằng, con người tự tạo ra những
phương thức sử dụng các mối quan hệ giữa họ với nhau và với môi trường tự
nhiên để kiếm sống. Sinh tồn là một từ được dùng để chỉ việc thoả mãn những
nhu cầu vật chất thiết yếu nhất để sinh tồn của con người, chủ yếu là nhu cầu
về thức ăn, quần áo và chỗ ở. Những cách khác nhau mà con người ở các xã
hội khác nhau dùng để thoả mãn những nhu cầu này được gọi là những
phương cách sinh tồn,… Các tác giả này đã đề xuất một sơ đồ các thành tố
hợp thành phương cách sinh tồn, theo đó, mỗi phương cách sinh tồn gồm hai
thành tố cấp một là Thu lượm lương thực và Sản xuất lương thực. Ở cấp độ
hai, sản xuất lương thực lại gồm hai thành tố hợp thành là Chăn nuôi và
Trồng trọt. Ở cấp độ ba, trồng trọt lại hợp thành bởi ba thành tố bộ phận là
Nông nghiệp quảng canh, Nông nghiệp thâm canh và Nông nghiệp cơ giới
hóa mang tính chất công nghiệp.
Ở nước ta, từ sau những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây, đã có một số
lượng đáng kể bài viết của các tác giả mang tính chuyên đề về các hoạt động
kinh tế của các dân tộc, đăng trên các tạp chí và thông báo khoa học chuyên
ngành. Vốn là nguồn sống quan trọng của các cư dân miền núi nên ngay từ
thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, nương rẫy đã là đề tài được các nhà nghiên
cứu tập trung khai thác [31], [46], [62], [63], Từ các nghiên cứu, hoạt động
canh tác nương rẫy được khẳng định như một cơ sở quan trọng của nền kinh
7
tế mang nặng tính tự cấp và tự túc. Loại hình canh tác này chủ yếu dựa vào tự
nhiên, không phát huy được tiềm năng đất đai, dẫn đến sự suy thoái nghiêm
trọng rừng và nguồn tài nguyên môi sinh. Dù mới dừng lại ở việc mô tả, ít so
sánh và chưa thật hệ thống, nhưng những bài viết ở giai đoạn này đã để lại
nguồn tư liệu quý giá trong việc nhận diện những đặc điểm kinh tế ở một giai

đoạn lịch sử nhất định của các dân tộc thiểu số trên đất nước ta.
Bên cạnh đó, những khảo tả về hoạt động kinh tế luôn chiếm một vị trí
quan trọng với dung lượng đáng kể trong hầu hết các sách và giản chí dân tộc
học thời kỳ này [61], [82], Ở mỗi nghiên cứu, các tác giả đều nhấn mạnh vị
trí của các hoạt động kinh tế trong đời sống tộc người mà trong đó, nổi lên vai
trò của hoạt động trồng trọt. Trên cơ sở trình độ phát triển xã hội và điều kiện
tự nhiên có được, các tộc người ở nước ta đã cố gắng dựa vào tự nhiên, cải tạo
và ứng xử hài hoà với tự nhiên để từ đó hình thành nên hệ sinh thái nông
nghiệp truyền thống.
Từ năm 1975 đến nay, đất nước được thống nhất đã tạo điều kiện cho
các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các lĩnh vực đời sống, trong đó có kinh tế
của các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước. Dưới dạng tạp chí, có thể kể
đến một loạt bài nghiên cứu về dân tộc học nông nghiệp của tác giả Lê Sĩ
Giáo [20], [21], [22],… về sự chuyển đổi các loại hình trồng trọt vùng cao
phía Bắc Việt Nam của Nguyễn Anh Ngọc [46], [47], Qua những nghiên
cứu này, các tác giả đã tập trung vào các vấn đề như định canh định cư, sự
chuyển đổi của nền sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá, chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi,… Từ đó, bước đầu đưa ra
những xu hướng, quan điểm trong vấn đề cải tạo và phát triển trong sản xuất
nông nghiệp vùng cao. Bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh tế của từng tộc
người còn được mô tả và phân tích một cách cụ thể qua hàng loạt các giản chí
hay dưới dạng những chuyên đề [2], [5],… Ở các khảo cứu của mình, tác giả
8
Trần Bình đã khẳng định, tập quán mưu sinh là một trong những thành tố
quan trọng của văn hoá tộc người, có mối quan hệ hữu cơ với văn hoá đảm
bảo đời sống, văn hoá xã hội và văn hoá nhận thức. Từ đó, tác giả cho rằng,
nhiều dự án phát triển kinh tế không thu được hiệu quả như mong muốn một
phần là do không dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng tập quán, tri thức mưu
sinh của cư dân địa phương. Tuy nhiên, các công trình kể trên tập trung phần
lớn vào việc trình bày hoạt động kinh tế dưới dạng những tri thức, đặc trưng

văn hoá truyền thống, phần nhiều mang tính chất mô tả, ít sự phân tích và so
sánh. Những biến đổi, thích ứng cũng như sự lý giải những bất cập của nó
trong điều kiện hiện nay còn chưa được quan tâm nghiên cứu.
Thời gian gần đây, nhằm đưa ra những cơ sở cho việc hoạch định và
phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đã và đang xuất hiện ngày càng
nhiều tác giả có hướng nghiên cứu sâu về vấn đề kinh tế tộc người trong bối
cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Những tiềm năng, lợi thế cũng như khó
khăn, thách thức của mỗi tộc người trong công cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế
tự cấp, tự túc sang kinh tế thị trường là những vấn đề được các học giả tập
trung nghiên cứu. Khi bàn về hệ sinh thái nông nghiệp [68] hay vấn đề tam
nông ở nông thôn Việt Nam [11], các tác giả đều có chung nhận định về sự
khó khăn của hệ thống nông nghiệp miền núi trong xu hướng phát triển nền
kinh tế đất nước. Ở những nghiên cứu về sở hữu và sử dụng đất đai [39], về
trồng trọt truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên [16],… các tác
giả đã đi đến khẳng định, vấn đề sở hữu và sử dụng đất đai cũng như các hình
thức trồng trọt truyền thống trong điều kiện hiện nay đang mâu thuẫn gay gắt
với nhu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ rừng. Vì thế, tiếp tục cải tạo
và phát triển từng hình thức trồng trọt để tiến tới một nền sản xuất nông
nghiệp vừa mang mục đích hàng hoá, vừa mang mục đích bảo vệ tài nguyên
môi sinh là nhu cầu tất yếu trong thời kỳ này.
9
Đến những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, nghèo đói được
Chính phủ Việt Nam chính thức đặt ra như một vấn đề mang tính quốc gia
cần được đối mặt và giải quyết. Theo đó, xu hướng tìm hiểu về thực trạng
sinh kế với mục tiêu xoá đói giảm nghèo ngày càng nhận được sự quan tâm
của các nhà khoa học [9], [17], [38],…. Trong mỗi nghiên cứu, các tác giả
luôn đánh giá cao vai trò của việc cải thiện sinh kế trong xoá đói giảm nghèo,
nâng cao mức sống cho người dân. Kết quả của những nghiên cứu này đã cho
thấy, với xuất phát điểm thấp, nghèo đói đang là hiện thực diễn ra phổ biến và
sâu sắc ở nhiều dân tộc thiểu số trên cả nước. Trong những giải pháp được đề

xuất nhằm cải thiện tình hình trên thì các giải pháp về phát triển sinh kế luôn
được chú trọng.
Cùng với nghèo đói, vấn đề kế thừa tri thức địa phương trong phát triển
sinh kế cũng ngày càng được quan tâm trong những nghiên cứu về nông
nghiệp và nông thôn. Đã có một thời gian dài, kiến thức bản địa không được
coi trọng trong phát triển sinh kế, bị coi là lạc hậu và đang dần bị xói mòn.
Nhưng hiện nay, các tác giả đều chỉ ra rằng, sự tôn trọng tri thức tộc người
mới có thể làm tăng tính hiệu quả cho các dự án phát triển nông thôn. Trong
hai thập niên qua, ở nước ta đã xuất hiện khá nhiều các công trình khảo cứu
về tri thức địa phương và vấn đề này đang giữ một vị trí quan trọng trong các
dự án phát triển nông nghiệp vùng cao Việt Nam. Trong lĩnh vực sinh kế,
người ta thường xem xét tri thức địa phương trong sản xuất nông, lâm nghiệp,
quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý cộng đồng [7], [34], [71],… “Đánh
giá kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong sản xuất nông nghiệp và
quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam” (được thực hiện tại Trung tâm
Sinh thái và môi trường - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) có thể coi là
một trong những dự án nghiên cứu về tri thức địa phương đầu tiên ở nước ta.
Trong đó, những kết quả của dự án về hoạt động sinh kế của một số dân tộc
10
vùng cao như Hmông, Thái, Dao, Tày, Ê-đê, Ba-na,… đã được công bố trong
cuốn Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý
tài nguyên thiên nhiên [71]. Qua tìm hiểu về kỹ thuật truyền thống trong nông
nghiệp và quản lý tài nguyên của các dân tộc miền núi, các tác giả đã khẳng
định, tri thức địa phương phải được coi là một tài nguyên trí tuệ quý giá, vì
vậy, phải được trân trọng và tận dụng tối đa trong quá trình phát triển bền
vững vùng cao.
Trong nghiên cứu ứng dụng hiện nay, qua tìm hiểu và đánh giá thực
trạng sinh kế, các tác giả thường đi tới tiếp cận và phân tích các vấn đề có liên
quan tới phát triển bền vững tộc người. Không ít các chương trình, dự án
giảm nghèo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (Ngân hàng phát triển

Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển,
…), các tổ chức phi chính phủ trong nước (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo
phát triển nông thôn, Trung tâm Sức khoẻ cộng đồng và phát triển,…) cũng
như các viện nghiên cứu lớn ở Việt Nam (Viện Dân tộc học, Viện Xã hội học,
Viện Chính sách và phát triển Nông nghiệp nông thôn,…) đã có những tài trợ
hoặc nghiên cứu độc lập về các vấn đề nêu trên. Có thể kể đến một số chương
trình, dự án như Giảm nghèo cho các địa phương Việt Nam (Dự án Việt Nam
- Canada), Các dân tộc thiểu số trong môi trường chuyển đổi (Dự án hợp tác
Thái Lan - Việt Nam - Thuỵ Điển,…), Cơ chế ứng phó với tình trạng khan
hiếm lương thực của các dân tộc thiểu số ở vùng cao Việt nam và Cộng hoà
dân chủ nhân dân Lào: Nâng cao năng lực và hợp tác nghiên cứu giữa Viện
Dân tộc học (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Văn hoá Lào (Dự án tài trợ của
Rockefeller Foundation),… Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy, mặc
dù đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước
nhưng nền kinh tế ở các dân tộc thiểu số và miền núi nước ta đang phát triển
một cách hết sức khó khăn, thiếu sự hợp lý và bền vững [45], [52], [64], [74],
… Theo các tác giả, bền vững về kinh tế đòi hỏi phải đảm bảo kết hợp hài hoà
11
giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, cân đối tốc
độ phát triển kinh tế với việc sử dụng các điều kiện nguồn lực, tài nguyên
thiên nhiên, khoa học công nghệ,… Để đạt được mục tiêu này, một số giải
pháp nhằm cải thiện thực trạng sinh kế của các dân tộc được các nhà nghiên
cứu đặt ra như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tạo thị
trường tiêu thụ nông sản ổn định, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật,…
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực sinh kế cũng đang nhận được
sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trẻ, thể hiện ở một số công trình luận
văn, luận án đã được công bố trong thời gian gần đây [19], [29], [30], [57],
[58],…
Nhìn chung, qua những nghiên cứu về hoạt động mưu sinh hiện nay, các

tác giả đã thể hiện sự đổi mới trong cách tiếp cận cũng như phân tích vấn đề.
Ngoài phương pháp truyền thống, các phương pháp trong nhân học như liên
ngành, đa ngành, nghiên cứu có người dân tham gia (PRA), xã hội học tộc
người, sử dụng bảng hỏi định tính, định lượng đang được áp dụng ngày
càng phổ biến. Bên cạnh đó, việc đánh giá sinh kế bền vững từ góc độ phân
tích “vốn” hay còn gọi là “nguồn lực sinh kế” cũng đang là một hướng tiếp
cận mới và bắt đầu được áp dụng trong các nghiên cứu, dự án phát triển [8],
[32], [51], [55], [56],
Với sự đổi mới về phương pháp, vấn đề sinh kế đã được nhìn nhận một
cách khách quan, có hệ thống và nằm trong mối quan hệ tổng hoà, biện chứng
với các lĩnh vực khác của đời sống tộc người. Các tác giả đã tìm tòi, phân tích
và đề ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những bất cập đang nảy sinh
trong phát triển kinh tế của các dân tộc trên cả nước. Phần lớn các nghiên cứu
đều cho rằng, trong điều kiện mới, những hoạt động kinh tế truyền thống đang
ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn cần phải cải tạo để hướng tới một sinh kế
bền vững. Trong đó, xu hướng đi tìm giải pháp cho một số vấn đề như an toàn
12
lương thực, xoá đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh kế kết hợp với ổn định xã
hội và bảo vệ tài nguyên môi sinh,… đón nhận được nhiều sự quan tâm hơn
cả. Có thể khẳng định, chính những kết quả nghiên cứu về lĩnh vực hoạt động
mưu sinh trong những thập niên qua đã có những đóng góp rất quan trọng tới
việc hoạch định các đường lối, chủ trương lớn trong sự nghiệp phát triển dân
tộc và miền núi nước ta.
1.1.2. Nghiên cứu về hoạt động mưu sinh của dân tộc Kháng
Cho đến nay, Kháng là một dân tộc còn rất ít được chú ý nghiên cứu.
Ngoại trừ những bài viết nhỏ trên các báo địa phương, người Kháng mới chỉ
được đề cập trong một vài công trình mang tính giới thiệu đại cương dân tộc
học. Đặc biệt, chưa thấy xuất hiện một chuyên khảo nào đề cập đến lĩnh vực
kinh tế của riêng tộc người này.
Đầu tiên, phải kể đến cuốn sách Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền

Bắc Việt Nam [70]. Trong đó, tác giả đã dành trên 20 trang để giới thiệu tổng
quan về người Kháng (Xá), từ địa vực cư trú, thể chất, kinh tế (trồng trọt,
chăn nuôi, nghề phụ), sinh hoạt vật chất (nhà cửa, quần áo, trang sức), văn
hoá tinh thần (hôn nhân và gia đình, tín ngưỡng và kiêng kị),… Tiếp đó, ở
công trình Nh÷ng nhãm d©n téc thuéc ng÷ hÖ Nam ¸ ë T©y B¾c ViÖt Nam
[81], tác giả Nguyễn Trúc Bình cũng đã dành gần 50 trang viết về nhóm
người này, trong đó, có khoảng 20 trang đề cập đến sinh hoạt kinh tế và đời
sống vật chất. Ngoài ra, dân tộc Kháng còn được giới thiệu một cách khái
lược trong cuốn C¸c d©n téc Ýt ngêi ë ViÖt Nam (Các tỉnh phía Bắc) [88].
Trong nghiên cứu này, hầu hết các lĩnh vực liên quan đến dân tộc Kháng đều
được đề cập đến như kinh tế, văn hoá, xã hội,… Tuy nhiên, là công trình giới
thiệu khái quát về từng tộc người nên phần viết về mưu sinh ở đây chưa được
thật chi tiết. Ngoài các nghiên cứu trên, vấn đề kinh tế của người Kháng còn
được đề cập trong một vài nghiên cứu nhỏ khác [1], [35], trong đó, các tác
13
giả cũng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đại cương những đặc điểm
về kinh tế, bên cạnh các lĩnh vực khác như xã hội, ngôn ngữ, tôn giáo,
Chính vì thế, ngoài việc xếp họ vào nhóm các dân tộc nói ngôn ngữ Môn -
Khơ me (dòng Nam ¸), các nhà nghiên cứu chưa đưa ra nhận xét, kết luận gì
mang tính đặc trưng về kinh tế của cộng đồng tộc người này. Nhìn chung, tất
cả các công trình trên phản ánh bức tranh đơn sơ về dân tộc Kháng ở thời
điểm cách đây hơn ba chục năm.
Sau những nghiên cứu từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ
trước, mấy chục năm tiếp theo, việc tìm hiểu về dân tộc Kháng vẫn chưa
thực sự được chú ý. Thời gian gần đây, một số nghiên cứu về người Kháng
nói chung cũng như về vấn đề kinh tế nói riêng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ
khái quát, chủ yếu là dưới dạng giới thiệu về một dân tộc ít được mọi người
biết tới. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới hai công trình hết sức quan
trọng và có ý nghĩa đối với lịch sử nghiên cứu về người Kháng vừa được
xuất bản trong thời gian qua, cuốn Văn hoá dân gian của người Kháng ở

Tây Bắc [50] và Dân tộc Kháng ở Việt Nam [33]. Trong cuốn Dân tộc
Kháng ở Việt Nam, chương II Đời sống kinh tế chiếm một dung lượng đáng
kể. Tác giả của luận án này cũng may mắn được tham gia điền dã, khảo sát
và đóng góp một phần nhỏ về mặt tư liệu trong quá trình hoàn thành cuốn
sách.
Nhìn chung, ở những công trình trên, vấn đề sinh kế của các tộc người
nói chung cũng như của người Kháng nói riêng bước đầu đã được đề cập ở
những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, những phân tích, lý giải về sự thích ứng
của sinh kế trong điều kiện và hoàn cảnh mới, cũng như tìm hiểu một cách hệ
thống về sự tác động của nó trong mối quan hệ với phát triển bền vững… còn
chưa thực sự được làm rõ.
1.2. Một số khái niệm
14
1.2.1. Khái niệm “hoạt động mưu sinh”
“Hoạt động mưu sinh” là một thành tố quan trọng trong đời sống tộc
người, nó có tác động mật thiết và có sự ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối
với các thành tố khác như chính trị, văn hoá, xã hội,… Mưu là cách thức,
phương cách, còn sinh là sinh sống, tồn tại. Hiểu theo nghĩa triết tự và chung
nhất, “hoạt động mưu sinh” là những cách thức, những phương cách kiếm
sống nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất: ăn, mặc, ở và sinh hoạt của con
người, của cộng đồng và của các tộc người.
“Hoạt động mưu sinh” thường được sử dụng trong dân tộc học/nhân
học như là khái niệm đồng nghĩa hay tương đương với các thuật ngữ như
“hoạt động kinh tế”, “kinh tế tộc người”, “sinh kế tộc người”, “phương thức
mưu sinh”, “tập quán mưu sinh”, “văn hoá sản xuất”, hay “phương cách
sinh tồn”,… Nhìn chung, những khái niệm này được sử dụng để chỉ các hoạt
động sản xuất hay săn bắt, thu hái, trao đổi,… nhằm tạo ra các sản phẩm đáp
ứng nhu cầu ăn, mặc, ở và sinh hoạt của con người.
Khi phân tích về khái niệm này, học giả Tôn Thu Vân (Trung Quốc)
cho rằng, một xã hội muốn sinh tồn phải được thoả mãn một loạt nhu cầu của

các thành viên trong đó - khống chế và quy phạm hành vi của con người, đảm
bảo an ninh xã hội, kết hôn nam nữ, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ sau, trong
đó, quan trọng nhất là phải phát triển một bộ phương pháp có thể mưu cầu ăn,
mặc và ở trong môi trường sinh tồn. Phương pháp và thủ đoạn thấp nhất mà
kiểu mưu cầu ăn, mặc và ở này có thể duy trì sinh tồn cần phải có chính là
sinh kế (subsistence), hoặc gọi là chiến lược sinh tồn (survive strategy); còn
phương thức sinh kế là thủ đoạn mưu sinh của các quần thể nhân loại áp dụng
để thích ứng với môi trường khác nhau.
Thuật ngữ “sinh kế” (livelihood) từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trên
thế giới. Robert Champers được coi là một trong những người đầu tiên tiếp
15
cận khái niệm này vào những năm 80 thế kỷ trước. Ông cho rằng, “sinh kế”
gồm năng lực, tài sản, cách tiếp cận (sự dự trữ, tài nguyên, quyền sở hữu,
quyền sử dụng) và các hoạt động cần thiết cho cuộc sống. Tổ chức CRD khi
triển khai các chương trình hoạt động phát triển cộng đồng tại Việt Nam cho
rằng, sinh kế là “tập hợp tất cả các nguồn lực và khả năng mà con người
có được, kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm
để kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của họ”.
Còn theo định nghĩa trong khung phân tích sinh kế bền vững của DFID (Bộ
phát triển quốc tế Anh) thì “sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản
(bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết
để kiếm sống” [51].
Ở nước ta, thuật ngữ “sinh kế” mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần
đây và cũng dựa trên kết quả từ sự tiếp cận các khái niệm của các tác giả nước
ngoài. Với sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của Việt Nam, phần
lớn các học giả nước ta đều cho rằng, một sinh kế bao gồm năng lực tiềm
tàng, tài sản (nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất,…) và các hoạt
động cần có để kiếm sống. Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa một cách đơn
giản: “Sinh kế là việc làm để kiếm ăn, để mưu sống”.
Về mặt nội hàm và ngữ nghĩa, các thuật ngữ trên chỉ có chút khác biệt

về sắc thái và cách sử dụng. Về cơ bản, giữa chúng có sự tương đồng, với
mục tiêu chung là nghiên cứu cách thức kiếm sống của con người, nhằm đáp
ứng các nhu cầu ăn, mặc, ở và sinh hoạt. Trên thực tế, chúng ta có thể bắt gặp
cách sử dụng các thuật ngữ này ở những công trình khác nhau. Trong đó, “tập
quán hoạt động kinh tế” hay “tập quán mưu sinh” là những thuật ngữ được
tác giả Trần Bình sử dụng phổ biến khi nghiên cứu về hoạt động kinh tế của
các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam [2], [5].
16
Nhìn dưới giác độ phân ngành, “hoạt động mưu sinh” và các thuật ngữ
nói trên là những thuật ngữ cơ bản và tương đương của một chuyên ngành
nghiên cứu mà dân tộc học/nhân học vẫn gọi là dân tộc học kinh tế, nhân học
kinh tế hay còn được gọi bằng thuật ngữ kép là dân tộc học/nhân học kinh tế.
Về nội hàm, không khác nhiều so với học giả nước ngoài, các nhà dân tộc học
Việt Nam cũng quan niệm “hoạt động mưu sinh” hợp thành bởi nhiều thành
tố và chia thành những cấp độ khác nhau.
Gắn với đối tượng nghiên cứu của luận án, “hoạt động mưu sinh” được
sử dụng để nghiên cứu phương cách kiếm sống của các dân tộc đang ở trình
độ phát triển kinh tế - xã hội tiền công nghiệp, bao gồm 5 thành tố: trồng trọt,
chăn nuôi, nghề thủ công, trao đổi và khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Theo
đó, ở cấp độ một, “hoạt động kinh tế” chia làm hai thành tố là hoạt động sản
xuất và hoạt động chiếm đoạt. Ở cấp độ hai, trong hoạt động sản xuất bao
gồm 4 thành tố bộ phận: trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công và trao đổi hàng
hóa; còn trong hoạt động chiếm đoạt bao gồm 3 thành tố bộ phận: săn bắn,
đánh cá và hái lượm. Ở cấp độ ba, trồng trọt có thể chia thành ruộng nước,
nương rẫy và làm vườn; chăn nuôi có thể chia thành chăn nuôi gia súc và
chăn nuôi gia cầm; nghề thủ công có thể gồm các nghề cụ thể như đan lát, dệt
vải, rèn, gốm; trao đổi có thể bao gồm trao đổi nhằm mục đích tự cấp tự túc
và trao đổi nhằm mục đích hàng hóa, Chính do quan niệm này mà phần hoạt
động kinh tế trong các giản chí dân tộc học hay trong các chuyên khảo dân tộc
học kinh tế, các nhà dân tộc học Việt Nam thường trình bày các vấn đề theo

trình tự: trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công gia đình, trao đổi và khai thác
nguồn lợi tự nhiên (hay kinh tế chiếm đoạt). Đây cũng là trình tự trình bày
của tác giả ở chương 3 của luận án.
1.2.2. Khái niệm “nguồn lực mưu sinh”
17
Trong luận án này, chúng tôi đồng nhất khái niệm nguồn lực mưu sinh
và vốn sinh kế. Hiện nay, khái niệm về các nguồn lực hay vốn rất đa dạng với
sự xuất hiện ngày càng nhiều của những định nghĩa mới. Mỗi học giả hay tổ
chức nghiên cứu trên thế giới lại đưa ra những quan điểm không giống nhau.
Tuy nhiên, qua sự tham khảo các quan điểm đang được ứng dụng rộng rãi
(chủ yếu là của DFID), luận án lựa chọn phân tích 5 nguồn lực mưu sinh với
những nội hàm như sau:
Nguồn lực con người (vốn con người) bao gồm kinh nghiệm, kỹ năng,
tri thức, sức khỏe,… tạo điều kiện cho con người tham gia các hoạt động sinh
kế và đạt được các mục tiêu sinh kế của họ. Số lượng, chất lượng lao động
của mỗi con người, mỗi hộ gia đình là những yếu tố làm nên nguồn lực này.
Mỗi hộ gia đình có quy mô khác nhau, trình độ giáo dục, kỹ năng nghề
nghiệp và tình trạng sức khoẻ khác nhau,… Vì vậy, nguồn lực về con người ở
mỗi gia đình cũng khác nhau.
Nguồn lực xã hội (vốn xã hội), được hiểu bao gồm các mạng lưới, các
mối quan hệ xã hội, các tổ chức xã hội, các nhóm chính thức cũng như phi
chính thức mà con người tham gia để từ đó, con người được những cơ hội và
lợi ích khác nhau trong việc theo đuổi các mục tiêu sinh kế.
Nguồn lực tự nhiên (vốn tự nhiên), bao gồm các nguồn tài nguyên thiên
nhiên mà con người tận dụng chúng để tiến hành các hoạt động mưu sinh như
tài nguyên rừng, đất đai, khí hậu, sông suối,…
Nguồn lực vật chất (vốn vật chất), được hiểu là các công trình hạ tầng
và xã hội cơ bản, các tài sản của hộ gia đình để hỗ trợ cho các hoạt động mưu
sinh (còn gọi là vốn do con người làm nên). Cơ sở hạ tầng có thể được hiểu là
điều kiện nhà ở, hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước và năng lượng, Các

tài sản mà hộ gia đình sử dụng để nâng cao năng suất và hiệu quả trong các
18
hoạt động sinh kế bao gồm nhà ở, các loại máy móc, phương tiện đi lại, dụng
cụ gia đình…
Và cuối cùng, nguồn lực tài chính (vốn tài chính) bao gồm tiết kiệm và
ứng dụng, những nguồn tài chính có sẵn để con người triển khai các hoạt
động mưu sinh. Thông thường, có hai nguồn tài chính cơ bản: nguồn vốn sẵn
có (tiết kiệm, gửi ngân hàng, vay tín dụng, vật nuôi,…) và nguồn vốn vào
thường xuyên (lương hưu, trợ cấp, các khoản tiền chuyển nhượng từ Nhà
nước,…)
1.2.3. Khái niệm “biến đổi” và “biến đổi sinh kế”
Biến đổi (change) được hiểu là quá trình vận động, phát triển của tất cả
các xã hội. Nhìn ở khía cạnh lịch sử, mọi xã hội, mọi lĩnh vực đều đang diễn ra
quá trình biến đổi, đan xen những sự tiếp nối và biến đổi.
Theo S.C. Dube, có 3 loại thuyết về biến đổi là thuyết khải hoàn, coi sự
vận động của thế giới là tất yếu đi đến cái tốt đẹp; thuyết tiến hoá, nhìn nhận sự
vât biến đổi theo quá trình, cái sau phát triển hơn cái trước và thuyết chu kỳ,
nhìn nhận sự vật phát triển theo quy luật chung, có sinh thành, tiêu vong và sau
đó, cái mới lại tiếp tục xuất hiện [60].
Nghiên cứu về biến đổi văn hóa (cultural transition), Dennis O’Neil đã
cho rằng, tất cả các nền văn hóa đều phải đổi thay, đồng thời cũng xuất hiện xu
hướng chống lại sự thay đổi. Theo tác giả, có 3 nguồn gốc dẫn tới biến đổi
hoặc chống lại sự biến đổi, đó là: áp lực về công việc (Forces at work within a
society); sự liên hệ giữa các xã hội (Contact between societies) và sự biến đổi
của môi trường tự nhiên (Changes in the natural environment). Các thiết chế
văn hóa hội nhập với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau là nguyên nhân chính dẫn
đến biến đổi [42].
Biến đổi sinh kế (livelihood transition) là thuật ngữ mới xuất hiện ở những
nghiên cứu về sinh kế trong thời gian gần đây. Trong công trình của mình, các
tác giả Champer, Ashley, D.Carney đã bắt đầu đưa ra các chỉ số và khung phân

19
tích về biến đổi sinh kế, bao gồm: 1.Biến đổi về cơ cấu thu nhập; 2.Biến đổi về
phân công lao động; và trong nghiên cứu về sinh kế nông thôn, còn có thêm
một chỉ số nữa: 3.Quá trình chuyển đổi sinh kế từ nông nghiệp thuần tuý sang
nông nghiệp kết hợp với phi nông nghiệp (dịch vụ, làm thuê, công chức ) [92],
[101].
Ngoài các chỉ số trên, trong một nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam, tác
giả Kees Vannde Vart (và cộng sự) còn đưa ra một chỉ số khác, giúp nhận diện
sự biến đổi sinh kế, đó là: 4. Mức độ phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài và
các dạng thức di cư [97].
Trong luận án này, những chỉ số đó được đề cập và hàm chứa trong nội
dung của chương 4, khi xem xét về thực trạng biến đổi sinh kế của người
Kháng từ Đổi mới đến nay và những tác động tới phát triển bền vững. Chúng
tôi đã xem xét tới các chỉ số, được tổng hợp từ các khung phân tích nêu trên,
tuy nhiên, mức độ của sự biến đổi ở mỗi chỉ số tại địa bàn nghiên cứu là không
giống nhau. Trong khi những biến đổi về cơ cấu thu nhập, về chuyển đổi sinh
kế từ nông nghiệp thuần tuý sang nông nghiệp kết hợp với phi nông nghiệp,…
biểu hiện và được phân tích khá cụ thể thì việc tìm hiểu về mức độ phụ thuộc
vào nguồn lực bên ngoài chưa thật rõ ràng.
Nhìn chung, biến đổi là một quy luật vận động tất yếu của tất cả mọi sự
vật, hiện tượng, trong đó có hoạt động sinh kế. Trong bối cảnh hiện nay, dưới
tác động của các chính sách Nhà nước, của quá trình giao lưu và hội nhập, sự
biến đổi trong sinh kế của các tộc người lại càng diễn ra sâu sắc hơn. Với
nghiên cứu này, chúng tôi luôn coi sự biến đổi trong sinh kế của người Kháng
như một quy luật tất yếu và xem xét chúng trong một bối cảnh cụ thể dẫn tới sự
biến đổi đó.
1.2.4. Khái niệm “phát triển bền vững”
Hiện nay, vấn đề phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm lớn
của toàn nhân loại, con người đang đứng trước một thách thức là làm thế nào
để tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo ổn định xã hội, phát triển văn hoá và

20
giữ gìn tài nguyên môi sinh. Thuật ngữ Phát triển bền vững (sustainable
development) xuất hiện đầu tiên vào năm 1980 với nội dung đơn giản: “Sự
phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn
phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi
trường sinh thái học”. Sự ra đời của khái niệm này đã phản ánh sự quan ngại
đối với một số quốc gia tăng trưởng kinh tế vội vã, chọn cách phát triển thiển
cận, xem sự tăng trưởng kinh tế như là thước đo duy nhất của sự phát triển
mà không để ý đến sự nguy hại dài lâu đến môi trường sinh thái,… Năm
1987, Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển đã đưa ra một định nghĩa
về Phát triển bền vững và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà nghiên
cứu, đó là sự phát triển mà thỏa mãn được các nhu cầu của hiện tại nhưng
không làm tổn hại đến khả năng của thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn các
nhu cầu của họ…
Trong truyền thống, theo cách hiểu thông dụng, khi xem xét về nội hàm
của phát triển bền vững, người ta thường chỉ chú ý đến 3 trụ cột là kinh tế, xã
hội và môi trường. Phát triển bền vững về kinh tế được hiểu là sự đối nghịch
với sự gia tăng sản xuất không giới hạn, phục vụ thị trường bằng mọi cách,
thương mại hóa bất cứ hàng hóa hoặc dịch vụ nào, tìm lợi nhuận tối đa trong
mọi hoàn cảnh. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi phải cân nhắc ảnh
hưởng bây giờ hay sau này. Phát triển bền vững về xã hội là nhằm tiến tới
một xã hội công bằng, cuộc sống an bình, đề phòng những tai biến, không có
người sống ngoài lề xã hội hoặc bị xã hội ruồng bỏ. Một xã hội không thể
phát triển bền vững nếu con người trong đó bị đe doạ vì bệnh tật, đói nghèo,
thiên tai,… Phát triển bền vững về môi trường là phải bảo vệ khả năng tái
sinh của hệ sinh thái, nhịp độ gia tăng sử dụng tài nguyên có khả năng tái sinh
phải thấp hơn tốc độ tái sinh và mức độ ô nhiễm phải thấp hơn khả năng tái
tạo của môi trường, môi sinh.
21
Gần đây, tính bền vững về văn hoá là một thuật ngữ mới được cộng

đồng quốc tế quan tâm, thể hiện sự nỗ lực trong việc đề cao vai trò của văn
hoá như một yếu tố thứ 4 trong phát triển bền vững. Theo đó, bền vững về
văn hoá là sự phát triển, làm mới và duy trì văn hoá để tạo ra các mối quan hệ
tích cực và lâu bền giữa con người với con người và giữa con người với tự
nhiên. Như vậy, kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường là những yếu tố hợp
thành các vấn đề chung của phát triển, chúng luôn gắn bó, hoà nhập vào nhau
và phải được nhìn nhận một cách tổng hoà, có hệ thống.
Ở nước ta, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã được nhận thức
rất sớm và thể hiện trong nhiều chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Ngay từ
Đại hội III năm 1960 và Đại hội IV năm 1976, Đảng ta đã đặt mục tiêu “tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Đại hội VII thông
qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000, nhấn mạnh:“Tăng
trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn
hoá, bảo vệ môi trường”. Đại hội VIII nêu bài học:“Tăng trưởng kinh tế gắn
liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo
vệ môi trường sinh thái”. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010
thông qua tại Đại hội IX khẳng định: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền
vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và
bảo vệ môi trường”. Đại hội X nêu bài học về phát triển nhanh và bền vững,
trong đó, ngoài các nội dung phát triển kinh tế, xã hội, môi trường còn bổ
sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và xác định
mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là “Phấn đấu tăng
trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với
phát triển con người”. Như vậy, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã
sớm được Đảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và
đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến
22
trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Nhà nước ta cũng đã có
những cam kết mạnh mẽ về vấn đề này.
Mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi đã được thể

hiện rõ qua các chiến lược phát triển đất nước như nội dung Nghị quyết đại
hội IX, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX),… Theo đó, mục tiêu
phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi đến năm 2020 là phấn đấu tăng
trưởng nhanh về kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội, bảo tồn và phát triển văn
hoá, cải thiện chất lượng y tế và giáo dục, bảo vệ tài nguyên môi sinh.
1.3. Cơ sở lý thuyết
Luận án được hoàn thành trên cơ sở phép biện chứng của Chủ nghĩa duy
vật lịch sử. Trong đó, chúng tôi xem xét các vấn đề hình thành, tồn tại và phát
triển của các hoạt động mưu sinh trong mối quan hệ qua lại và biện chứng với
các thành tố khác như môi trường tự nhiên, môi trường văn hoá - xã hội, điều
kiện lịch sử và tâm lý tộc người,…
Luận án nghiên cứu các hoạt động mưu sinh của người Kháng dưới
góc độ nhân học văn hoá. Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu các cách thức mang
tính văn hoá của con người nhằm thực hiện các hành vi kinh tế, xem xét
các hoạt động kinh tế trong bối cảnh văn hoá - xã hội của tộc người và từ
đó, tìm ra mối quan hệ giữa các hoạt động kiếm sống với những đặc trưng
văn hoá tộc người. Vì vậy, việc nghiên cứu về hoạt động mưu sinh của
người Kháng trên phương diện nhân học là nghiên cứu về một thành tố
quan trọng của văn hoá Kháng.
Khái niệm Dân tộc học/Nhân học kinh tế, mà nội dung nghiên cứu cốt lõi
là hoạt động mưu sinh, hoạt động sinh kế hay hoạt động kinh tế, có những
khác biệt so với khái niệm Kinh tế học. Dân tộc học/Nhân học kinh tế nghiên
cứu các hoạt động kinh tế dưới giác độ của Dân tộc học/Nhân học. Về
23
phương pháp nghiên cứu, Dân tộc học/Nhân học kinh tế nghiên cứu kinh tế
các dân tộc trước hết bằng các phương pháp tiếp cận Dân tộc học/Nhân học,
sau đó mới kết hợp với các phương pháp liên đa ngành khác, còn kinh tế học
nghiên cứu kinh tế trước hết bằng các phương pháp chuyên ngành kinh tế, sau
đó mới kết hợp với các phương pháp liên đa ngành khác. Về nội dung nghiên
cứu, Dân tộc học/Nhân học kinh tế quan tâm đến sự tương đồng và khác biệt

của các hoạt động kinh tế, qua đó, góp phần lý giải sự tương đồng và khác
biệt về đặc trưng tộc người và đặc trưng văn hoá tộc người giữa các dân tộc,
đồng nghĩa với Dân tộc học/Nhân học kinh tế luôn gắn với tộc người và văn
hoá tộc người, trong khi đó, Kinh tế học quan tâm đến năng suất, chất lượng
và hiệu quả sản xuất, qua đó, tìm ra những quy luật vận động và phát triển của
các hoạt động sản xuất, ít gắn với tộc người và văn hoá tộc người.
Để hoàn thành luận án, chúng tôi áp dụng những lý thuyết và cách tiếp
cận của Dân tộc học - Nhân học như thuyết Vùng văn hóa, Tương đối luận
văn hóa, Sinh thái học nhân văn, Khung sinh kế bền vững, Dưới đây, chúng
tôi chỉ phân tích một cách cụ thể hai lý thuyết (cách tiếp cận) cơ bản, được áp
dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu, đó là:
* Lý thuyết về sinh thái học nhân văn
Ở khía cạnh văn hóa, vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, thuật
ngữ Nhân học sinh thái được một số các nhà nhân học người Mỹ sử dụng
trong các nghiên cứu. Lý thuyết này giải thích sự ảnh hưởng qua lại giữa môi
trường tự nhiên và văn hoá. Cách tiếp cận nghiên cứu của Nhân học sinh thái
là đi vào tìm hiểu sự tương tác giữa tự nhiên và văn hoá, đó là một mối quan
hệ năng động và sáng tạo. Có thể kể đến một số nhà nghiên cứu người Mỹ
ủng hộ cho trường phái lý thuyết này như M.Beits, Andrew Vayda,
Royppaport,… Theo quan niệm của các học giả này, nghiên cứu sinh thái văn
hoá là sự phân tích mối quan hệ giữa một nền văn hoá và môi trường của nó.
24
Trong luận án này, môi trường được hiểu bao gồm môi trường tự nhiên và
môi trường xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển các đặc điểm văn hoá, trong
đó, mỗi thành viên ứng xử theo cách khác nhau sẽ có những mức độ thành
công khác nhau trong việc sinh tồn và tái sản xuất. Cách thức ứng xử của tộc
người sẽ có những biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, văn hoá
mưu sinh của dân tộc Kháng được xem như là sự thích nghi của văn hoá tộc
người đối với môi trường.
Vài thập niên gần đây, “hệ sinh thái nhân văn” hay còn gọi là “sinh thái

học nhân văn” là những khái niệm cơ bản đang được áp dụng khá phổ biến
khi tiếp cận và phân tích hệ tài nguyên nông thôn. Theo Rambo và Sajise, các
khái niệm này dựa trên quan điểm cho rằng, có mối quan hệ có hệ thống giữa
xã hội loài người (hệ thống xã hội) và môi trường tự nhiên (hệ sinh thái).
Những mối quan hệ này ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên và đến những tác
động môi trường do con người gây ra [10].
Cụ thể hơn, Gerald G. Marten và Daniel M. Saltman cho rằng, “sinh thái
học nhân văn” cung cấp chính thể luận cần thiết để nhận thức thấu đáo về sự
tương tác giữa hệ sinh thái nông nghiệp và hệ thống xã hội của con người.
Trong đó, các lĩnh vực nông nghiệp là hệ sinh thái (được gọi là hệ sinh thái
nông nghiệp) với một lượng lớn các hợp phần tự nhiên và sinh học tương tác,
phụ thuộc lẫn nhau. Người nông dân được xem là một bộ phận trong hệ thống
xã hội của con người. Hệ sinh thái nông nghiệp tương tác với hệ sinh thái gần
kề và với các hệ thống xã hội của những người làm nông nghiệp ở đó. Những
mối tương tác này bao hàm cả những trao đổi về năng lượng, vật chất và
thông tin ở trong và ở giữa hai hệ thống đó (xem hình vẽ). Hệ sinh thái nông
nghiệp và hệ thống xã hội cũng có thể tương tác với nhau ở trong cùng phạm
vi. Một ít mét vuông đất trồng trọt cũng là một hệ sinh thái và như vậy cũng
25

×