Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (297.99 KB, 9 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH – NHÀ NƯỚC

TIỂU LUẬN
MÔN: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VÀ HIỆN
ĐẠI VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Đề tài: VỀ CÔNG BẰNG, BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG HỆ
THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Giảng viên hướng dẫn: TS ĐỖ MINH KHÔI
Họ và tên: Lê Thị Thu Thảo
MSHV: 1523020081
Lớp CHL_23 Chuyên ngành Hành chính – Hiến pháp

Tp. Hồ Chí Minh ngày 08, tháng 04, năm 2016


BÀI TẬP GIỮA KỲ MÔN: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VÀ HIỆN ĐẠI VỀ
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Đề bài: Đọc, tóm tắt, đánh giá, bình luận bài viết “ Về công bằng, bình đẳng giới
trong hệ thống chính trị ở Việt Nam” của Tiến sĩ Võ Thị Mai.
Bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ không còn là vấn đề riêng của nữ giới, của
một quốc gia mà là mục tiêu phấn đấu thúc đẩy sự thực hiện của nhiều quốc gia, nhiều
dân tộc trên thế giới. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong
những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ có tiếng nói đại diện cho
giới mình, được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong
việc tham gia vào quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Ở
nước ta, mặc dù đã có những thành tựu về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện
công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành
tựu về giải phóng phụ nữ thì vai trò tham chính của phụ nữ trong nền chính trị vẫn còn
hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Xuất phát từ thực tiễn đó, bài viết “Về công


bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị Việt Nam” đã tập trung vào việc phân
tích nguyên nhân của thực trạng này. Từ đó đưa ra những giải pháp để thực hiện thắng
lợi mục tiêu công bằng, bình đẳng giới, phấn đấu cho công bằng xã hội và quyền tự do
của con người. Bài viết của Tiến sĩ Võ Thị Mai (Viện khoa học tổ chức, Ban Tổ chức
Trung ương) đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội số 3.2007 giới thiệu một số
nội dung chủ yếu của đề tài “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ
thống chính trị ở Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Do không có điều kiện tiếp cận với Đề tài
này nên sau đây phần tóm tắt và bình luận đánh giá chỉ giới hạn trong phạm vi bài viết
đăng trên tạp chí này. Những nội dung khác trong Đề tài không được đề cập trong bài
viết sẽ không được bình luận, đánh giá.
1. Mục tiêu
Việc tóm tắt, bình luận, đánh giá bài viết nhằm hướng đến mục tiêu đầu tiên là
hiểu được nội dung, quan điểm của tác giả muốn truyền đạt tới người đọc. Việc nắm
bắt nội dung đó phải được thể hiện bằng cách tóm tắt được nội dung bài viết hay nói
cách khác là phải phản ánh được bài viết theo hình thức ngắn gọn, súc tích hơn nhưng
vẫn đảm bảo truyền tải đủ ý tưởng của tác giả (tức phải phản ánh đúng và đủ nội
dung). Cuối cùng là bản thân người đọc sẽ phải thực hiện việc phản biện, so sánh,
phân tích, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này. Đây được coi là một quá trình
nhận thức bất cứ vấn đề, sự vật, hiện tượng nào đó trong xã hội đều phải trải qua các
giai đoạn từ đọc, hiểu (tóm tắt), phân tích, bình luận và đánh giá. Mục tiêu cuối cùng
của chuỗi hoạt động này là giúp người đọc hình thành nên kỹ năng nghiên cứu khoa
học. Vì bản chất hoạt động nghiên cứu khoa học là sự tìm ra kiến thức mới, chưa từng
được công bố trong bất kỳ công trình nào. Nhưng nghiên cứu khoa học phải dựa trên
những kiến thức đã có trước khi nghiên cứu, trên cơ sở kiến thức này người nghiên
cứu mới sáng tạo, phát triển ý tưởng mới của mình.


2. Tóm tắt nội dung bài viết
Với mục tiêu và ý nghĩa trên, người đọc sẽ được thực hiện những công việc cụ
thể. Sau đây là nội dung tóm tắt của bài viết:

Bài viết của tác giả Võ Thị Mai được bố cục ba phần rõ ràng. Trong phần thứ
nhất, tác giả đã đưa ra những vấn đề lý luận về công bằng, bình đẳng và công bằng,
bình đẳng giới trong hệ thống chính trị. Tiếp theo, trong phần hai tác giả đưa ra thực
trạng công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Phần này
cũng đi vào phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới trong
hệ thống chính trị. Trên cơ sở những nguyên nhân đó, phần thứ ba tác giả đưa ra một
số giải pháp để đảm bảo cho phụ nữ được bình đẳng tham gia vào hoạt động của hệ
thống chính trị.
Phần thứ nhất, tác giả đưa ra khái niệm chung về công bằng, bình đẳng và khái
niệm công bằng, bình đẳng giới. Theo đó, công bằng có nghĩa là “hợp lý” và “bình
đẳng tức là công bằng”. Công bằng giới được xem xét dưới góc độ khác biệt giới, bất
bình đẳng giới và áp bức giới (bất công). Công bằng giới chấp nhận những sự khác
biệt, sự không bằng nhau, sự không giống nhau về năng lực, thể chất, trí tuệ và cả sự
ngang bằng nhau về quyền cơ bản, và cả về cơ hội phát triển mỗi giới.
Còn bình đẳng là sự bằng nhau. Bình đẳng giới được hiểu là bằng nhau về
quyền cơ bản và về cơ hội phát triển cho cả nam và nữ giới. Bình đẳng giới được hiểu
theo hai nghĩa: một là, bình đẳng về nguyên tắc (mục tiêu bình đẳng); hai là, bình đẳng
toàn diện (lý tưởng bình đẳng). Như vậy, bình đẳng là sự bằng nhau, còn công bằng là
sự hợp lý. Sự hợp lý bao hàm cả thể trạng bất bình đẳng, nhưng chấp nhận được, chịu
đựng được. Bình đẳng giới là điều kiện, tiền đề cho mục tiêu công bằng giới nói
chung; là mục tiêu lâu dài; đồng thời là mục tiêu quan trọng của những nỗ lực phát
triển hệ thống xã hội tổng thể.
Theo tác giả, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị tức là làm sao cho cả hai
giới phát huy được các quyền cơ bản và cơ hội cơ bản, điều kiện thuận lợi để phát
triển. Điển hình cho mô hình bình đẳng giới là ở Thụy Điển. Ở quốc gia này, bình
đẳng giới được xem như một nguyên tắc chung, thống nhất không thể thiếu trong
đường lối chính trị của đảng phái và nhà nước. Từ đây, tác giả liên hệ sang quan điểm
chính trị của Việt Nam về bình đẳng giới. Theo đó, ở nước ta bình đẳng giới có hai
bình diện: thứ nhất, bình đẳng về các quyền và cơ hội cơ bản. Điều này được thể hiện
trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và các công ước quốc tế về các quyền kinh

tế, xã hội và văn hóa; các quyền dân sự kinh tế mà Việt Nam là thành viên. Thứ hai,
bình đẳng giới là bình đẳng về các quyền tự do lựa chọn cơ hội bình đẳng, sân chơi
bình đẳng trong hệ thống chính trị.
Phần thứ hai, tác giả đưa ra các kết quả khảo sát thực tế của đề tài. Mô hình
bình đẳng giới của tỉnh Tuyên Quang và xã Ea Tiêu, tỉnh Đăk Lăk, mô hình cân bằng


quyền lực giới ở Thụy Điển được dẫn ra là một trong những mô hình bình đẳng giới
điển hình trong và ngoài nước.
Vận dụng nguyên tắc bình đẳng giới trong việc lựa chọn nhân sự vào hệ thống
chính trị tác giả phân tích dưới hai góc độ là tiêu chuẩn cán bộ và hoạt động lãnh đạo,
quản lý. Trong tiêu chuẩn cán bộ thì tiêu chuẩn là như nhau thì phải được hưởng
lương như nhau nhưng trong một số lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại thì có sự
khác nhau. Từ đây tác giả khẳng định một lần nữa: “bình đẳng là công bằng, nhưng
công bằng không nhất thiết lúc nào cũng là bình đẳng”. Còn dưới góc độ lãnh đạo
quản lý trong hệ thống chính trị thì phải phát huy được năng lực ưu trội của hai giới.
Nữ giới ưu trội ở tính nghiêm túc, cẩn thận, chu đáo, cụ thể, thuyết phục; còn nam giới
ưu trội ở tầm nhìn chiến lược cơ bản, lâu dài, năng động, quyết đoán. Hơn nữa với
tính chất đặc thù của hoạt động chính trị lại rất cần sự tham gia của nữ giới. Vì chúng
ta không thể phủ nhận được những khả năng tiềm tàng, tài năng, những lợi thế của phụ
nữ để đáp ứng được những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý. Để minh chứng cho
nhận định trên, tác giả đưa ra bảng số liệu về đánh giá năng lực tham mưu của cán bộ
nam và cán bộ nữ.
Với những đặc điểm nội trội như vậy nữ giới hoàn toàn có đủ điều kiện tham
gia hoạt động chính trị. Nhưng một thực tế rằng vẫn tồn tại nhiều mô hình bất bình
đẳng, mô hình độc quyền nam giới. Trên thế giới, chưa có một quốc gia nào được
công nhận đã đạt bình đẳng nam nữ. Phụ nữ chưa hoàn toàn bình đẳng với nam giới
nhất là cơ hội tiếp cận các nguồn lực, tiếng nói và quyền đại diện. Thực trạng này cũng
tồn tại ở Việt Nam, các số liệu dẫn chứng hầu hết không có nữ giữ các chức vụ lãnh
đạo, quản lý ở các Bộ, Vụ. Không có hoặc thiết vắng phụ nữ cấp ủy viên Bộ chính trị,

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội…
Lý giải cho thực trạng trên tác giả cho rằng vì phụ nữ thiếu năng lực cạnh tranh,
năng lực toàn diện, thiếu tính bền vững và hiệu quả cao để có thể đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, phụ nữ còn gặp những rào cản về văn hóa
truyền thống, tập tục phong kiến, tư tưởng “trọng nam kinh nữ”. Phụ nữ còn chịu
“thách thức kép”: ở nhà thì việc nội trợ là việc đàn bà; còn ở cơ quan thì việc làm
quan là việc đàn ông.
Phần thứ ba, từ thực trạng và lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, tác
giả đưa ra một loạt những giải pháp nhằm nâng cao sự tham gia của nữ giới vào hoạt
động của hệ thống chính trị. Các giải pháp đi tập trung vào nâng cao nhận thức, quan
điểm bình đẳng giới, đa dạng hóa giá trị, tăng quyền và mở rộng cơ hội lựa chọn; hoàn
thiện pháp luật nhằm xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số cụ thể; hoàn thiện cơ chế,
chính sách hỗ trợ nữ giới; xã hội hóa công tác bình đẳng giới; thành lập bộ phận cán
bộ chuyên trách về công tác cán bộ nữ; xây dựng mô hình lãnh đạo cân xứng, hài hòa
giới về cả nhân sự lãnh đạo cũng như số lượng cơ cấu.
3. Nhận xét, đánh giá, bình luận, quan điểm cá nhân


Trong quá trình đọc và tóm tắt nội dung của bài viết, cá nhân người đọc có một
số nhận xét sau:
Thứ nhất, bài viết được đưa ra trong bối cảnh vấn đề công bằng, bình đẳng giới
đang là một trong những mục tiêu quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Liên hợp quốc xác định : Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho
phụ nữ là một trong tám mục tiêu của thiên niên kỷ. Ở nước ta, trong tiến trình xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước ta luôn hướng tới mục tiêu xây
dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hoàn toàn
phù hợp với mục tiêu, định hướng của Đảng và nhà nước ta về việc thực hiện công
bằng, bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Bài viết tập trung vấn đề công bằng, bình đẳng
giới trong hệ thống chính trị - một lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì khi phụ
nữ tham gia chính trị họ sẽ trở thành người có quyền quyết định chính sách, pháp luật,

thực hiện việc quản lý nhà nước và thực sự trở thành người làm chủ đất nước. Nhưng
trên thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn về bình đẳng giới trên hành trình đến với các
vị trí lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, bài viết càng có ý nghĩa hơn khi mô tả thực trạng
bất bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và góp phần gợi ý một số chính sách, giải
pháp nhằm từng bước tăng cường hơn nữa vị thế chính trị cho phụ nữ Việt Nam trong
bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Thứ hai, bài viết có bố cục khá lôgic khi dẫn dắt người đọc đi từ những vấn đề
lý luận về công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị đến thực trạng mô hình
bất bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam, có lý giải những nguyên nhân dẫn đến thực
trạng. Và cuối cùng là đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế của thực tiễn.
Thứ ba, việc sử dụng phương pháp khảo sát thực tế là điểm sáng của bài viết.
Các số liệu của bảng Đánh giá năng lực tham mưu của cán bộ nam và cán bộ nữ, số
lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước tạo nên sự
tin cậy cho bài viết. Những số liệu này cũng góp phần phản ánh thực trạng bất bình
đẳng giới trong hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam. Không chỉ có những khảo sát
ở trong nước mà tác giả còn tiếp cận khảo sát một sô mô hình bình đẳng giới trên thế
giới, điển hình là Thụy Điển.
Ngoài những ưu điểm trên thì theo người đọc bài viết này còn một số hạn chế
như:
Thứ nhất, trong phần thứ nhất, khi đưa ra các khái niệm về công bằng, bình
đẳng giới thì không thấy tác giả trích dẫn là lấy những khái niệm, quan điểm đó ở đâu,
trong từ điển hay theo quan điểm của nhà nghiên cứu nào nhưng cũng không nói rõ là
quan điểm của tác giả. Điều này gây nên sự nghi ngờ về tính khoa học, tính đúng đắn
của các khái niệm khi đưa ra cho người đọc. Đồng thời cũng gây lúng túng cho người
đọc khi muốn tiếp cận những khái niệm này dưới góc độ, quan điểm khác nhau trong
giới khoa học.


Thứ hai, trong phần khảo sát thực tế, tác giả đưa ra một số mô hình công bằng,
bình đẳng ở trong và ngoài nước nhưng chưa hiệu quả. Ở Việt Nam, tác giả đưa ra mô

hình ở Tuyên Quang, ở xã Ea Tiêu thuộc tỉnh Đăk Lăk nhưng đây là những tỉnh vùng
sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì mô hình bình đẳng giới không tiến bộ, điển hình
bằng những tỉnh phát triển. Ngay cả việc dẫn chiếu đến mô hình của Thụy Điển – là
một nước có những nhiều thành tựu về phát triển con người, giải phóng phụ nữ thì tác
giả cũng không mô tả rõ mô hình này thực hiên công bằng, bình đẳng giới trong hệ
thống chính trị như thế nào.
Thứ ba, về thực trạng bất bình đẳng giới trong hệ thống chính trị của Việt Nam
thì tác giả đã đưa ra những số liệu thực tế để chứng minh thực trạng này. Nhưng những
số liệu này lại chưa đầy đủ, mới chỉ đưa số liệu cụ thể về số lượng lãnh đạo, quản lý
trong các cơ quan cấp Bộ, các Vụ mà chưa có số liệu cụ thể của các tổ chức đảng, cơ
quan khác. Bởi lẽ, trong hệ thống chính trị bao gồm rất nhiều thiết chế như Đảng cộng
sản, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Nếu chỉ lấy số liệu của các Bộ, Vụ mà
thiếu đi sự khảo sát ở trong tổ chức Đảng, trong cơ quan nhà nước như Quốc hội, Hội
đồng nhân dân các cấp thì chưa thuyết phục.
Thứ tư, khi đi vào phân tích nguyên nhân gây nên thực trạng bất bình đẳng giới
trong hệ thống chính trị tác giả mới chỉ đưa ra được những nguyên nhân mang tính
khách quan từ phía xã hội. Như việc phụ nữ thiếu năng lực để có thể đáp ứng yêu cầu
lãnh đạo, quản lý, rào cản từ phía xã hội, gia đình, văn hóa truyền thống, phong tục,
tập quán, đặc biệt là sự nhận thức và định kiến của xã hội, của nam giới. Nhưng bài
viết chưa đưa ra được những nguyên nhân về mặt chủ quan, đó là những hạn chế về cơ
chế, chính sách của nhà nước đối với phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói
riêng.
Thứ năm, phần giải pháp tác giả đưa ra khá nhiều giải pháp cần thực hiện.
Nhưng hầu hết các giải pháp chỉ mang tính hô hào, chung chung mà chưa cụ thể, thực
tế. Chưa có giải pháp mang tính đột phá và chiến lược. Điều này cũng khó tránh khỏi
vì vấn đề “Làm thế nào để thực hiện công bằng, bình đẳng giới hiệu quả?” không chỉ
là vấn đề của Việt Nam mà là của cả thế giới. Nó là vấn đề phức tạp, không thể giải
quyết trong ngày một ngày hai mà hiện giờ vẫn đang làm tốn nhiều chất xám của các
nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách.
Trên đây là một số nhận xét, đánh giá của cá nhân người đọc khi tiếp cận bài

viết này. Sau đây, người đọc xin đưa ra một số quan điểm cá nhân về vấn đề này.
Người đọc xin giới hạn bình luận vấn đề liên quan đến nội dung môn học đó là nhấn
mạnh vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới trong hệ
thống chính trị Việt Nam hiện nay.
Thực hiện công bằng, bình đẳng giới không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước nó
cũng là nhiệm vụ của từng cá nhân và của cả xã hội. Nhưng với ví trí, vai trò trung tâm
của mình Nhà nước phải là chủ thể vừa thực hiện nhanh nhất, có hiệu quả nhất các


mục tiêu về bình đẳng giới vừa là chủ thể khuyến khích, động viên, hướng dẫn các chủ
thể khác trong xã hội thực hiện mục tiêu này.
Hơn nữa, nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng trong
hệ thống chính trị ngoài những nguyên nhân đến từ xã hội như bài viết đã đưa ra thì
còn có nguyên nhân từ phía chính sách, pháp luật của nhà nước. Thứ nhất, phải kể đến
là các cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng
cán bộ nữ chưa có tính chiến lược lâu dài và thiếu tính đột phá. Cụ thể, công tác quy
hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ chưa thể hiện quan điểm giới và không
phù hợp với Luật bình đẳng giới (phụ nữ sinh con và nuôi con nhỏ phải mất từ 5 năm
đến 8 năm và nghỉ hưu sớm hơn nam 5 tuổi song tuổi quy hoạch giống như nam giới,
tuổi đào tạo thấp hơn nam giới), hầu hết các đơn vị còn phân biệt tuổi đề bạt, bổ nhiệm
giữa nam và nữ. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay của phụ nữ, đặc biệt là trong cán bộ
công chức, thấp hơn nam giới 5 tuổi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ
trong hệ thống chính trị còn hạn chế. Thứ hai, hệ thống chính sách đối với phụ nữ nói
chung và cán bộ nữ nói riêng chưa kịp thời và thiếu đồng bộ nên chưa động viên,
khuyến khích được phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, xã hội và nắm giữ các vị
trí cao trong xã hội. Các chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ
nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ, đặc biệt đối với cán bộ nữ là trí thức, công
nhân, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo cũng như chính sách đặc thù đối với
cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số,
cán bộ nữ đi học có con nhỏ đều chưa có. Điều này dẫn tới còn thiếu hành lang pháp lý

và chính sách nhằm khuyến khích, ủng hộ phụ nữ tham gia các hoạt động của hệ thống
chính trị1. Thứ ba, trong công tác giáo dục chưa có chính sách tạo điều kiện cho nữ
giới nâng cao trình độ học vấn. Vì đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để
đề bạt, bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Tuy nhiên, thực
tế cho thấy, mức độ chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ ở cấp học càng cao thì càng
lớn. Tỷ lệ nữ giới đạt học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, giáo sư thấp hơn khoảng từ 5 đến
18 lần so với nam giới. Năm 2007, tỷ lệ cán bộ nữ được phong hàm phó giáo sư chỉ
chiếm 11.67%, trong khi tỷ lệ này của nam giới là 88,33%. Đối với học hàm giáo sư,
phụ nữ cũng chỉ chiếm 5,1% nam giới chiếm tới 94,9%. Học vị tiến sĩ, nam giới –
82,98%, phụ nữ - 17,02%2.
Từ một số nguyên nhân chủ quan và thực tế trên, thiết nghĩ nhà nước với tiềm
lực lớn nhất về kinh tế và chính trị, là chủ thể ban hành và thực hiện các quyết sách
liên quan đến bình đẳng giới thì phải là chủ thể có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo
1 Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, Báo điện tử Đảng
cộng sản Việt Nam, < truy cập lúc 12h 30 ngày 04/04/2016.

2 Theo Báo cáo kết quả giám sát thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, năm 2009, www.na.gov.vn.


đảm công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị. Để thực hiện thắng lợi mục
tiêu bình đẳng giới trong hệ thống chính trị thì nhà nước cần đảm bảo thực hiện một số
biện pháp sau:
Thứ nhất, để có một người phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo đòi
hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn
cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia
của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào
tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền
vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tránh tình trạng
khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính

sách đối với phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng nhằm tạo điều kiện phát huy
tiềm năng của phụ nữ. Quan tâm đặc biệt tới xây dựng chính sách cho các đối tượng
cán bộ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ nữ đi học có
con nhỏ. Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật lao động và các luật liên quan về vấn đề
nghỉ hưu của nữ cán bộ, công chức.
Thứ ba, nhà nước cần đầu tư, phát triển rộng khắp các dịch vụ xã hội liên quan
đến gia đình với mức chi phí phù hợp để nhiều gia đình có thể sử dụng các dịch vụ
này. Vì lãnh đạo, quản lý cũng là một loại lao động chất lượng cao, đòi hỏi nhiều trí
tuệ và chất xám. Trong khi đó, phụ nữ hầu như phải dành nhiều thời gian và tâm sức
hơn nam giới cho công việc gia đình. Do đó, để phụ nữ có thể phát huy hết khả năng
của mình trong công tác lãnh đạo, quản lý thì phải phát triển tốt các dịch vụ liên quan
đến gia đình như nhà trẻ, nhà hàng, dịch vụ dọn dẹp nhà cửa… nhằm giải phóng phụ
nữ khỏi một phần công việc gia đình, có thời gian tham gia vào hoạt động chính trị.
Nền chính trị nước ta được xây dựng theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, nhân dân làm chủ” nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh”. Là bộ phận của xã hội, hệ thống chính trị không nằm ngoài
dòng chảy chủ đạo hướng tới sự bình đẳng giới. Theo đó, nâng cao năng lực và sự
tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị không phải là vấn đề của riêng phụ nữ
mà là vấn đề của toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm, ban
hành các chính sách, pháp luật phù hợp để khuyến khích, động viên, tạo điều kiện tối
đa cho phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị. Có như vậy thì Nhà nước mới thực sự
trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội, quản lý xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế
hiện nay, Nhà nước ta đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới, lý luận
và thực tiễn cách mạng đòi hỏi phải đặt vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền
chính trị hiện đại. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước phải coi đó là một bộ phận không
tách rời của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.





×