Tải bản đầy đủ (.doc) (114 trang)

CẢM QUAN PHẬT GIÁO TRONG TIỂU THUYẾT GIÀN THIÊU của võ THỊ hảo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (542.21 KB, 114 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

VŨ THỊ MAI LAN

CẢM QUAN PHẬT GIÁO TRONG TIỂU THUYẾT
GIÀN THIÊU CỦA VÕ THỊ HẢO

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS. Nguyễn Văn Long

HÀ NỘI, 2014


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới thầy giáo, PGS
Nguyễn Văn Long – người đã tận tình chỉ bảo và hướng dẫn tôi trong quá
trình thực hiện đề tài này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong khoa ngữ văn,
trường đại học sư phạm Hà Nội đã tận tình giảng dạy trong quá trình tôi
học tập tại trường.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã
luôn khích lệ, động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập và thực
hiện luận văn.

Hà Nội, tháng 10 năm 2014


Tác giả luận văn

Vũ Thị Mai Lan


MỤC LỤC

VŨ THỊ MAI LAN.................................................................................. 1
CẢM QUAN PHẬT GIÁO TRONG TIỂU THUYẾT .......................1
GIÀN THIÊU CỦA VÕ THỊ HẢO.....................................................1


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
1. Trong văn học nghệ thuật từ Đông sang Tây, từ xưa tới nay, tôn giáo,
trong đó có Phật giáo là nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào và vô tận. Việt Nam là
một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo nên văn học Việt Nam mang
dấu ấn Phật giáo đậm nét và liên tục. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học Việt
Nam là khá toàn diện và sâu sắc. Những ảnh hưởng đó thể hiện trên nhiều bình diện
từ ý thức hệ tư tưởng đến cảm hứng sáng tác, từ kiểu thức tư duy, triết lý, cách nhìn
nhận con người và xã hội đến tổ chức kết cấu tác phẩm, quá trình xây dựng hình
tượng... Phật giáo không chỉ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho nhiều
nghệ sĩ mà còn làm nên giá trị tư tưởng và sức hấp dẫn của tác phẩm.
Cảm quan Phật giáo vốn có truyền thống lâu đời trong văn học dân tộc. Từ
sau năm 1945, do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh dẫn đến sự phát triển riêng
biệt của văn học, nguồn cảm hứng này bị đứt đoạn trong một thời gian. Sau năm
1986, trong quỹ đạo vận động đổi mới của văn học Việt Nam, tìm về những giá trị
văn hóa truyền thống là một nguồn động lực của giới văn nghệ sĩ. Vì vậy, cảm quan
Phật giáo trong văn học lại hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Điều đó đã góp phần
tích cực làm thay đổi diện mạo văn xuôi Việt Nam đương đại. Một số tiểu thuyết

lịch sử văn hóa mang cảm quan Phật giáo ra đời những năm gần đây là những tác
phẩm có giá trị, gây được sự quan tâm đáng kể của dư luận như Giàn thiêu (Võ Thị
Hảo, 2003); Đức Phật, nàng Savitri và tôi (Hồ Anh Thái, 2007); Đội gạo lên chùa
(Nguyễn Xuân Khánh, 2011)...
2. Cùng với những tên tuổi như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh
Thái, Nguyễn Bình Phương..., Võ Thị Hảo là nhà văn góp phần tạo ra xu hướng
cách tân trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Các nhà văn này đã mang vào văn
học hơi thở của cuộc sống và con người hiện đại. Để làm được điều đó, trước hết họ
phải tự làm mới chính mình. Cùng với một quan niệm mới mẻ về hiện thực và con
người, một văn phong táo bạo, họ cũng tích cực đổi mới nghệ thuật tự sự trên nhiều
phương diện. Tìm về với các hệ tư tưởng văn hóa truyền thống trong đó có Phật

1


giáo cũng là một yếu tố khiến tác phẩm của họ gây được sự chú ý trong đời sống
văn học hiện nay. Tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là một tác phẩm như thế.
Giàn thiêu được đánh giá là một bước ngoặt trong sáng tác của Võ Thị Hảo, một tác
phẩm ghi được dấu ấn trong lòng người đọc, có vị trí đáng kể trong tiểu thuyết
đương đại Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm được nhiều công trình nghiên cứu văn
học bình luận, khám phá. Trong tình hình đó, chúng tôi chọn đề tài “Cảm quan
Phật giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo” hy vọng góp thêm một
hướng tiếp cận, một góc nhìn, một cách khám phá giá trị tư tưởng và sức hấp dẫn
của tác phẩm. Đồng thời, phần nào nhận diện vài đặc điểm của xu hướng văn học
mang cảm quan Phật giáo trong văn xuôi đương đại Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề:
Ngay từ thời điểm ra đời, Giàn thiêu đã gây được ấn tượng với người đọc,
nhận được sự quan tâm, đánh giá của nhiều nhà phê bình.
Trong bài viết “Những thông điệp từ lửa và nước” trên báo Văn nghệ tháng 4
năm 2004, PGS.TS Trần Khánh Thành đã đánh giá rất cao sức cuốn hút của văn

chương Võ Thị Hảo: “Viết, với Võ Thị Hảo là truyền lửa từ trái tim mình tới bạn
đọc”[41;6]. Tác giả cũng chỉ ra: “Dựa vào những tư liệu lịch sử và những huyền
tích dân gian, Võ Thị Hảo đã sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật sinh động vừa
thực vừa ảo, vừa bình thường vừa dị thường, vừa rõ ràng vừa mộng mơ. Trong thế
giới đó có cả cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn, có
tình yêu và có thù hận, nghĩa là kiếp nhân sinh muôn đời với bao hạnh phúc và
khổ đau...”[41;6]. Nhà nghiên cứu Trần Khánh Thành cũng nhận định: “Thế giới
Giàn thiêu có nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Viết về đau khổ thất bại, Võ Thị
Hảo không phải phụ họa cho triết lý “Đời là bể khổ”. Bởi chị hiểu rằng, con
người, chính con người có thể mang đến hạnh phúc và gây nên khổ đau cho đồng
loại”[41;6].
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong lời giới thiệu mở đầu cuốn Giàn
thiêu nhân dịp tái bản năm 2005 có bài viết “Giàn thiêu – xứ sở của lối văn
chương mê hoặc và huyền bí”. Ông cũng đánh giá rất cao sức hấp dẫn của ngòi bút

2


Võ Thị Hảo: “Văn Võ Thị Hảo không chỉ là những dòng chữ. Không chỉ là truyện
ngắn hay tiểu thuyết. Văn Võ Thị Hảo có nhiều tầng hình tượng mà mỗi lần tiếp
cận, người đọc lại ngạc nhiên thấy mình khám phá ra một lớp ngữ nghĩa khác ẩn
mình sau mỗi câu chữ. Đó là lối văn đã được tác giả thổi linh hồn. Linh hồn đó
tạo nên những câu văn huyền ảo mê hoặc, thậm chí ma quái.
Giàn thiêu được cấu trúc nên bởi lối văn chương như thế”[17;8].
Tại buổi tọa đàm về Giàn thiêu (có mặt đông đảo các nhà văn, nhà nghiên
cứu phê bình văn học như Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường, Hoàng Ngọc Hiến,
Châu Diên, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Thị Minh Thái...) diễn ra ngày 19/10/2005
tại viện Goethe do công ty văn hóa truyền thông Võ Thị tổ chức, các nhà phê bình
Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến cùng có chung một nhận xét, rằng Giàn
thiêu là một tiểu thuyết, nghĩa là Giàn thiêu trước hết không phải một truyện lịch

sử, không phải là minh họa lịch sử mà là một sự tư duy lại lịch sử bằng phương
pháp tiểu thuyết. Mặc dù buổi tọa đàm có chủ định đề cập đến toàn bộ sáng tác của
Võ Thị Hảo, song một điều dễ nhận thấy là hầu hết ý kiến của cử tọa đều xoay
quanh tiểu thuyết Giàn thiêu. Đó cũng là điều dễ hiểu vì cuốn tiểu thuyết này đã
đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Võ Thị Hảo.
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong bài viết: “Tiểu thuyết và lịch sử - nhân
đọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo” trên báo điện tử Vietnam.net, ngày 31/10/2005 khi
đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật Từ Lộ khẳng định rằng Võ Thị Hảo đã
biến một nhân vật trong truyền thuyết và lịch sử thành nhân vật tiểu thuyết: “Truyền
thuyết về xuất thân và quá trình tu tập và hành đạo của Từ Ðạo Hạnh trong Thiền
uyển tập anh, nguồn sử liệu đã bị huyền thoại hoá thành truyền thuyết về gốc tích
vua Lý Thần Tông (do Từ Ðạo Hạnh đầu thai làm con Sùng Hiền hầu) và chuyện
vua bị hoá hổ, sau được sư Minh Không chữa khỏi, ghi trong Ðại Việt sử ký toàn
thư, đã được tác giả Giàn thiêu tiếp nhận, xem hai tiểu truyện ấy như những kiếp
sống của cùng một con người. Hai thiên tiểu sử này, − một cái đương nhiên thấm
đẫm huyền thoại cả Phật giáo Mật tông lẫn Ðạo giáo, cái còn lại lẽ ra phải thuần
lý kiểu Nho gia nhưng đã không thể chối từ đưa huyễn tượng vào chính sử. Tuy

3


nhiên, điều quan trọng nhất lại là đọc ra từ hai thiên tiểu sử vô tình bị buộc vào
nhau này một vài nét nghĩa nhân sinh phổ biến. Võ Thị Hảo đã làm được điều này
và từ các chất liệu về hai nhân vật lịch sử truyền thuyết hoá, nhà văn đã xây dựng
nên một nhân vật tiểu thuyết”[4].
Trong công trình nghiên cứu về Văn xuôi Việt Nam sau 1975 của PGS.TS
Nguyễn Thị Bình, tiểu thuyết Giàn thiêu cũng giành được một vị trí trang trọng.
Khảo sát một số loại hình tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam thời đổi mới, tác giả
coi Giàn thiêu là một trong những sáng tác tiêu biểu của loại hình tiểu thuyết hư cấu
lịch sử. Tác giả đặt Giàn thiêu trong tương quan đối sánh với một số tiểu thuyết lịch

sử khác và chỉ ra rằng: “Đến Giàn thiêu thì chủ đề lịch sử hoàn toàn mờ nhạt. Bút
pháp huyền thoại hóa như lớp sương khói dày trùm phủ lên các đường viền sự kiện,
các mối quan hệ và ngay lập tức gián cách người đọc với lịch sử. Võ Thị Hảo hầu
như lãng quên việc dựng lại bức tranh lịch sử - dù có lấy một biến cố trong chính
sử làm điểm khởi đầu – mà dồn hết tâm sức vào những câu chuyện lẫn lộn thực hư,
những số phận lạ lùng, quá đỗi cá biệt. (...) những chủ đề đậm chất tiểu thuyết
được làm nổi bật: đó là khát vọng về tự do, là con người truy tìm bản thể, là bi kịch
của lòng thù hận, là sức mạnh bất diệt của tự nhiên... Các chi tiết sử liệu chỉ là cái
vỏ vay mượn để tác giả suy tư về “kiếp nhân gian” nhiều mộng mị, lầm lạc và nhân
thể trình bày quan niệm về văn chương, về ý thức phái tính của riêng mình...”
[6;137]. Như vậy, do đánh giá cao Giàn thiêu ở phương diện là một tiểu thuyết lịch
sử nên những nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình chủ yếu khai thác
những thành công và đổi mới về mặt thể loại của tiểu thuyết. Cảm quan Phật giáo
không phải là yếu tố được bàn tới trong công trình này. Tuy nhiên, một vài nhận xét
của tác giả vẫn là những gợi ý đối với người viết khi triển khai đề tài luận văn.
Khi tìm hiểu “Vấn đề ngôn ngữ trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương
đại”, tác giả Đỗ Hải Ninh cũng chỉ ra dấu ấn Phật giáo trong ngôn ngữ của tiểu
thuyết Giàn thiêu: “Giàn thiêu là cuốn tiểu thuyết chồng xếp nhiều lớp trầm tích:
lịch sử, huyền thoại, tôn giáo… bởi vậy ngôn ngữ có cái ảo diệu, mê hoặc mang
màu sắc tôn giáo, gần gũi với tín ngưỡng dân gian.(...) Viết về lịch sử thời Lý, với

4


nhân vật trung tâm là Từ Lộ (Từ Đạo Hạnh) trải qua ba kiếp trầm luân, ngôn
ngữ trong Giàn thiêu mang đậm nét nhân sinh quan Phật giáo”[31].
Bài viết “Giàn thiêu của Võ Thị Hảo” trên trang blog cá nhân của TS. Lê
Thanh Nga là bài viết quan tâm nhiều nhất đến nguồn cảm hứng tôn giáo trong tác
phẩm. Bài viết này còn được đăng trên trang web của Sở khoa học công nghệ Nghệ
An với tiêu đề: Võ Thị Hảo và giàn thiêu nhân thế. TS. Lê Thanh Nga cho rằng:

“Có lẽ vấn đề mà Võ Thị Hảo quan tâm khắc họa hơn cả là số phận con người với
tư cách là một cá thể tồn tại trong cõi nhân gian. Trở lại với vòng luân hồi đầy nợ
trần ai của Từ Lộ - Đạo Hạnh và Dương Hoán - Thần Tông, ta sẽ thấy điều này
được nhà văn thể hiện một cách thật da diết. Võ Thị Hảo về cơ bản trung thành với
các huyền tích dân gian khi kể về kiếp luân hồi của Từ Lộ, song, nhà văn đã gắn
cho các huyền tích ấy một ý nghĩa khác có dáng dấp của triết học hiện đại”[34].
Tác giả chỉ ra rằng sự lựa chọn của Từ Lộ (sang Thiên Trúc học đạo, giao hoan với
Nhuệ Anh trước khi lên đường, trở lại cõi tục với giấc mộng đế vương) là biểu hiện
của khát vọng khẳng định bản ngã. “Như vậy thực chất cuộc hóa thân của Từ Đạo
Hạnh chính là cuộc hồi hương của một con người trong hành trình tìm kiếm bản
ngã, và phải chăng đó mới thực sự là “quá trình tìm kiếm chân tâm”. Đây là cái
nhìn mang màu sắc triết học đời sống thế kỉ XX, tuy nhiên ở một góc nhìn nào đó là
rất gần gũi với triết lí Phật giáo Việt Nam thời Lí - Trần, nhất là thời Trần, khi các
thiền sư thường cổ vũ cho việc nhập thế để thực hiện bổn phận - một nét độc đáo
của tông phái Đại Thừa khi du nhập vào Việt Nam. Với Giàn thiêu, có thể thấy
rằng trong cuộc luân hồi vô chung vô thủy, quả khó nói được là cái gì làm cho
người ta thỏa mãn, hạnh phúc cũng chỉ là quan niệm và chân lí là cái gì đó thật
bấp bênh”[34]. Khi so sánh tiểu thuyết của Võ Thị Hảo với Con gái thủy thần của
Nguyễn Huy Thiệp và Man Nương của Phạm Thị Hoài, tác giả nhận định: “nếu tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài xuất phát từ nguyên lí Mẹ của nền
văn hóa lúa nước, thì tư tưởng của Võ Thị Hảo có thể đặt trong mối quan hệ với tư
tưởng của Đức Phật coi đời là bể khổ, là hiện thực trầm luân để nhận ra sự giao
thoa của triết học Phật giáo với triết học và sự cảm thấy của con người hiện đại

5


trong thế giới thường biến. Ngoài việc tiếp thu tư tưởng Phật giáo coi đời là cõi
trầm luân của số phận, là nơi để con người tồn tại trong nhân quả và duyên nghiệp,
dấu ấn của tư tưởng hiện đại còn để lại trong cái nhìn về con người như là nạn

nhân của nỗi cô đơn và lưu đày”[34]. Như vậy, đây là bài viết khai thác kĩ nhất vấn
đề Phật giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu mà chúng tôi bao quát được. TS Lê Thanh
Nga chỉ ra rằng cái nhìn hiện thực và con người của Võ Thị Hảo trong tiểu thuyết
vừa xuất phát từ tư tưởng Phật giáo vừa mang dấu ấn triết học hiện đại. Những nhận
định của TS Lê Thanh Nga một phần là gợi ý, một phần cũng là quan điểm đối thoại
sẽ được chúng tôi triển khai trong nội dung của luận văn này.
Gần đây, PGS.TS Lê Dục Tú khi tìm hiểu Cảm quan tôn giáo trong văn xuôi
Việt Nam đương đại đã từ mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học để khái quát diện
mạo của xu hướng cảm quan tôn giáo trong văn xuôi Việt Nam đương đại bằng ba
đặc điểm: Đức tin tôn giáo cứu rỗi con người; Thuyết nhân quả của đạo Phật; Cảm
quan tôn giáo và tinh thần giải thiêng. Khi triển khai luận điểm thứ nhất, tác giả
nhận định rằng trong tác phẩm của mình các nhà văn một mặt thể hiện đức tin tôn
giáo cứu rỗi con người nhưng mặt khác đức tin tôn giáo dường như cũng đang dần
đổ vỡ trước hiện thực phi lý, đầy rẫy cái ác và sự giả dối. Giàn thiêu được chọn là
một trong những dẫn chứng cho luận điểm này: “Từ Lộ (Giàn thiêu) muốn đi tu để
học đạo pháp cao cường để báo oán. Chàng muốn trả thù pháp sư Đại Diên - kẻ đã
phá nát gia đình chàng, giày xéo cuộc đời chàng, ngang nhiên chém chết cha mẹ
chàng - những người chỉ biết dùng đạo từ bi để đối nhân xử thế; dù khi đại sư Thập
Quang đã cảnh báo: “Con đường đến với Đức Phật ngắn nhất không phải đi trên
những đống xương hận thù”. Còn Nhuệ Anh, nàng tiểu thư khuê các “đẹp mong
manh” lại xuống tóc đi tu khi vừa bước qua tuổi mười chín, căn duyên cũng chỉ tại
một chữ “tình”. Nàng đã bỏ nhà, bỏ cha mẹ, quên thân vì Từ Lộ để rồi cuối cùng
mới biết những gì mình hy sinh thật hão huyễn. Nhận thức được sai lầm của mình
cũng là lúc Nhuệ Anh đến được bến bờ của giác ngộ để làm một con người tự do,
không còn vướng bận bởi khổ đau, tục lụy”[49]. Ở luận điểm thứ hai, tác giả cũng
chỉ ra biểu hiện của “thuyết nhân quả của đạo Phật” trong tác phẩm: “Từ Lộ

6



trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo từ một chàng trai trẻ thư sinh bị ngọn lửa hận thù
thiêu đốt đã trở thành một nhà tu hành khổ luyện, một đại sư nhưng vì trong lòng
vẫn “đầy toan tính những con đường giành giật lấy chiếc giường xa hoa dâm loạn”
nên cho đến cả kiếp thứ hai Từ Lộ vẫn mãi mãi lầm lạc, quẩn quanh trong cõi u mê
của dục vọng. Ở kiếp thứ hai, Từ Lộ đã được hưởng mọi vinh hoa phú quý, xung
quanh chàng không thiếu các cung tần mỹ nữ vây quanh nhưng cái mà chàng
không bao giờ còn có được đó là tình yêu của Nhuệ Anh, thứ tình yêu thanh sạch,
tận hiến mà chàng đã từng có trong tay nhưng Từ Lộ đã đánh đổi nó để lấy sự hận
thù”[49]. Vì là một bài viết khái quát nên tác giả chỉ đề cập đến tiểu thuyết Giàn
thiêu như một dẫn chứng cho luận điểm trong bài viết chứ không phân tích đánh giá
riêng về cảm quan tôn giáo trong Giàn thiêu.
Có thể thấy, Giàn thiêu đã trở thành tâm điểm của nhiều buổi tọa đàm, tranh
luận, nghiên cứu trên văn đàn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiếm có một cuốn tiểu thuyết nào của một nhà văn nữ lại được bàn luận nhiều đến
thế trên các trang báo viết, báo điện tử, hay trong các buổi tọa đàm về văn học. Sau
khi cuốn tiểu thuyết ra đời, nó cũng được một số khóa luận, luận văn thạc sĩ khoa
học ngữ văn chọn làm đối tượng nghiên cứu, chẳng hạn: Giàn thiêu của Võ Thị Hảo
(2007) của Nguyễn Thị Như Tươi đánh giá tổng quát về Giàn thiêu ở cả nội dung tư
tưởng và nghệ thuật; Mẫu gốc lửa và nước trong tiểu thuyết Giàn thiêu (2007) của
Đào Vũ Hòa An đưa ra cách tiếp nhận tác phẩm từ phương diện biểu tượng, từ đó
chỉ ra những đóng góp của Võ Thị Hảo đối với văn học Việt Nam đương đại; Giàn
thiêu nhìn từ thi pháp học (2008) của Nguyễn Thị Vân Anh đặt Giàn thiêu trong bối
cảnh phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thời kì đổi mới, tìm hiểu thế giới
nhân vật, tổ chức trần thuật, ngôn ngữ, giọng điệu để khẳng định những đóng góp
của tác phẩm.
Các ý kiến đánh giá về Giàn thiêu khá phong phú, đa dạng, có nhiều hướng
khám phá và tiếp cận. Các nhà nghiên cứu phần lớn đã tiếp cận Giàn thiêu trên
phương diện thể loại và phương diện đề tài. Một số khác tìm hiểu và tiếp cận tiểu
thuyết trên phương diện nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn


7


ngữ, giọng điệu, hệ thống biểu tượng... Những ý kiến đó đã khẳng định những đóng
góp của Võ Thị Hảo đối với tiểu thuyết lịch sử nói riêng và tiểu thuyết đương đại
nói chung.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có công trình chuyên biệt
nào nghiên cứu một cách hệ thống về cảm quan Phật giáo trong tác phẩm này. Các
bài viết mà chúng tôi bao quát được đã đưa ra một vài nhận xét về nhân vật Từ Lộ,
về cách xử lí chất liệu huyền tích dân gian, về nội dung tư tưởng cũng như ngôn
ngữ nghệ thuật của tác phẩm có gắn với yếu tố Phật giáo nhưng chưa lí giải, phân
tích một cách thấu đáo. Chúng tôi coi đó là những gợi ý quý báu để tiếp thu, kế thừa
và phát triển khi thực hiện đề tài. Cũng có ý kiến có thể là tiền đề của sự đối thoại
khi triển khai vấn đề trong luận văn này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Ở luận văn này, chúng tôi khảo sát những phương diện nội dung tư tưởng và
đặc điểm nghệ thuật mang dấu ấn cảm quan Phật giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu
của Võ Thị Hảo. Đó là một yếu tố làm nên giá trị, sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết
lịch sử tạo nên nhiều dư luận này. Về văn bản, chúng tôi căn cứ vào văn bản tiểu
thuyết Giàn thiêu do nhà xuất bản Phụ nữ tái bản năm 2005. Trong quá trình nghiên
cứu, chúng tôi có đối chiếu tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo với tiểu thuyết
Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái và tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của
nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
4. Đóng góp của luận văn:
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa, học hỏi thành tựu của những người đi trước
cùng với kết quả làm việc độc lập, chúng tôi hy vọng luận văn này sẽ đưa ra một
cách tiếp cận mới cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của Giàn thiêu, góp thêm
một góc nhìn, một cách khám phá giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm. Từ đó chỉ ra
những đóng góp của nhà văn Võ Thị Hảo với văn học Việt Nam đương đại và giúp
người đọc hình dung được phần nào diện mạo của xu hướng cảm quan Phật giáo

trong văn xuôi đương đại Việt Nam.

8


5. Phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình thực hiện luận văn này, chúng tôi đã vận dụng chủ yếu một
số phương pháp sau đây:
-

Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích những dấu ấn cảm quan Phật

giáo từ một số bình diện nội dung, tư tưởng và nghệ thuật trong tiểu thuyết Giàn
thiêu, từ đó tổng hợp để đi đến những đánh giá chung về tác phẩm.
-

Phương pháp so sánh, đối chiếu: so sánh, đối chiếu dấu ấn cảm quan Phật

giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo với một số tác phẩm đậm nét cảm
quan Phật giáo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại như Đức Phật, nàng Savitri
và tôi (Hồ Anh Thái); Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh)...
- Phương pháp khảo sát, thống kê: khảo sát và thống kê các yếu tố kì ảo, các
bình diện không gian, thời gian nghệ thuật, các đơn vị từ vựng, đặc trưng ngôn ngữ
mang dấu ấn cảm quan Phật giáo; từ đó đưa ra những nhận xét về đặc sắc nghệ
thuật của tác phẩm.
-

Phương pháp liên ngành: Vận dụng những kiến thức văn hóa, tôn giáo, đặc

biệt là Phật giáo (Thiền tông và Mật tông) để lí giải những đóng góp về nội dung tư

tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết Giàn thiêu.
6. Cấu trúc luận văn:
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Tiểu thuyết Giàn thiêu trong sáng tác của Võ Thị Hảo và trong
xu hướng cảm quan Phật giáo của văn xuôi Việt Nam đương đại.
Chương 2: Cảm quan Phật giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu nhìn từ bình
diện nội dung, tư tưởng.
Chương 3: Cảm quan Phật giáo trong tiểu thuyết Giàn thiêu nhìn từ một số
yếu tố nghệ thuật.

9


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: TIỂU THUYẾT GIÀN THIÊU TRONG SÁNG TÁC CỦA
VÕ THỊ HẢO VÀ TRONG XU HƯỚNG CẢM QUAN PHẬT GIÁO
CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Tiểu thuyết “Giàn thiêu” trong sáng tác của Võ Thị Hảo
Võ Thị Hảo sinh năm 1956 ở Diễn Bình – Diễn Châu – Nghệ An. Mảnh đất
xứ Nghệ khô cằn, khắc nghiệt đã tạo nên cho chị khả năng chịu đựng kiên cường,
bền bỉ, dẻo dai như chị từng nói: “Tôi cảm ơn những kỉ niệm, mà đau khổ nhiều hơn
là hạnh phúc, vì chính chúng đã tạo ra tôi… làm nên Võ Thị Hảo – người viết nên
những câu văn vừa bạo liệt vừa huyễn hoặc”
Tốt nghiệp khoa văn, chuyên ngành Hán Nôm, đại học Tổng hợp Hà Nội,
năm 1977, chị về làm biên tập viên rồi phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa dân
tộc. Năm 1996, chị chuyển sang công tác tại báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh,
làm trưởng văn phòng đại diện cho tờ báo này tại Hà Nội. Rồi chị lại chuyển sang
làm trưởng ban thư kí tòa soạn cho báo Gia đình xã hội, sau đó là báo Vì trẻ thơ, rồi
lại quay về báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2006, chị xin nghỉ hưu

non để dành thời gian cho công việc viết lách và đầu tư kinh doanh. Cùng với hai cô
con gái Uyên Ly và Hạnh Ly, hiện chị đang là giám đốc công ty văn hóa và truyền
thông Võ Thị.
Cái tên Võ Thị Hảo đã từng gây ấn tượng mạnh trên văn đàn vào thập niên
90 của thế kỉ trước bằng ngòi bút sắc sảo, tinh tế, cá tính và tài hoa với những tập
truyện ngắn mang màu sắc rất lạ như Người sót lại của rừng cười, Biển cứu rỗi,
Vườn yêu. Ẩn đằng sau những câu chữ trau chuốt là những tâm sự day dứt khôn
nguôi về số phận con người, về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Khi nhận diện đội
ngũ nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn đương đại, PGS. TS Lê Dục Tú chỉ ra chất
nữ tính trong văn chương Võ Thị Hảo: “Truyện của Võ Thị Hảo chinh phục bạn
đọc bởi tấm lòng nhân ái của một người đàn bà cầm bút nặng tình yêu con người
và cuộc đời, với lối viết giàu tư duy hướng nội, nhẹ nhàng mà sắc sảo, riết róng mà
đồng cảm. Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, đậm đặc trong các trang viết của Võ

10


Thị Hảo là chân dung những người đàn bà với những vui buồn, sướng khổ, được
mất của đời người. Họ có thể bất hạnh với nhiều bi kịch ngang trái nhưng vẫn luôn
hiện lên với trái tim trong sáng, thánh thiện, giàu đức hy sinh và một tâm hồn nhân
ái, bao dung”[48]. Mấy năm gần đây, chị lại làm độc giả sửng sốt bởi những tập
truyện ngắn đậm chất liêu trai như Hồn trinh nữ, Góa phụ đen, Những truyện không
nên đọc lúc nửa đêm... Tài năng của Võ Thị Hảo không chỉ được khẳng định ở lĩnh
vực truyện ngắn, Giàn thiêu - tiểu thuyết đầu tay của chị đã thực sự chinh phục
người đọc bằng lối viết già dặn, đầy kinh nghiệm với lối tư duy mới về tiểu thuyết
mà không phải nhà văn nào cũng đạt được. Ngay sau khi ra đời, Giàn thiêu đã được
trao giải nhất của Hội nhà văn Hà Nội cho những tác phẩm hay năm 2003. Đáng
tiếc là sau Giàn thiêu, tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ viết về đề tài hiện đại của Võ Thị Hảo
chưa đến được với công chúng. Với mười tập truyện ngắn, một tiểu thuyết đã được
in cùng với ba kịch bản phim truyện, cái tên Võ Thị Hảo đang là mối quan tâm,

bình luận của nhiều nhà văn, nhà phê bình và độc giả. Chị được đánh giá là một cây
bút sắc sảo, giàu nữ tính, giản dị trong đời thường và mạnh mẽ trong văn chương.
Giàn thiêu - một cuốn tiểu thuyết lịch sử đậm chất huyền ảo - như một duyên
phận với Võ Thị Hảo. Chị tâm sự: “Tôi còn ghi nhớ công ơn của một người bạn đã
gợi ý cho tôi rằng nhân vật này, đề tài này là rất hợp với cách viết của tôi, thế là tôi
bắt đầu đặt tay lên những cuốn chính sử và tôi đã nhìn thấy họ. Tôi bèn đuổi theo
họ. Và liền tô lên họ một lớp kí ức dã sử cộng thêm lôgic của đời sống thời Lý Trần
có rất nhiều nhân vật mang tính đa diện, đủ để tạo cảm hứng cho tiểu thuyết. Người
bạn còn giục tôi đừng lười biếng nữa, thế là khoảng thời gian hơn hai năm trời cho
cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay của mình đã hoàn thành. Nếu chỉ cộng những ngày
ngồi vào bàn thì chưa đầy hai tháng là xong”. Võ Thị Hảo đã làm việc công phu và
cho ra đời một tác phẩm mà ở đó “có sự kết hợp tuyệt vời giữa chính sử và dã sử,
những giai thoại, những huyền tích dân gian hòa trộn với trí tưởng tượng của nhà
văn. (...) Tất cả tạo nên bức tranh sống động về một giai đoạn triều Lý vừa hiện
thực vừa huyền ảo. Tác giả đã có một bứt phá khi rẽ ra khỏi lối đi đã quen chân với
mình, tạo ra những tầng suy tư không bằng phẳng, một giọng điệu tự nhiên và bình

11


dị hơn”(trích nhận xét của ban giám khảo khi trao giải thưởng của Hội nhà văn Hà
Nội). Nhà nghiên cứu Trần Khánh Thành khi đọc Giàn thiêu cảm nhận: “Giàn
thiêu, ấn tượng chói và bỏng rát, ngột và xót xa, đã cuốn hút và xâm chiếm lòng
tôi”[41;6]. Trả lời câu hỏi của phóng viên: Trong những đứa con tinh thần của chị,
"Giàn thiêu" được xếp ở vị trí thứ bao nhiêu về sự ưu ái? Chị đã xếp Giàn thiêu ở vị
trí thứ nhất. Vì nếu không, tôi đã không đủ kiên nhẫn để viết nhiều chữ đến thế.
Trước Giàn thiêu, Võ Thị Hảo chủ yếu viết truyện ngắn về số phận của người phụ
nữ. Lịch sử, Phật giáo đều không phải là mảnh đất quen thuộc trong sáng tác của
chị. Vì vậy, có thể khẳng định Giàn thiêu đã đánh dấu bước phát triển mới trong sự
nghiệp sáng tác của Võ Thị Hảo.

Giàn thiêu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hoành tráng với hai mươi lăm
chương, ra đời sau gần hai năm nghiền ngẫm, sáng tạo của Võ Thị Hảo. Tác giả
chọn nhân vật chính của tiểu thuyết là Từ Đạo Hạnh, một thiền sư được coi là một
hiện tượng độc đáo trong lịch sử Phật giáoViệt Nam, trung tâm của mối giao thoa
văn hóa - tôn giáo - triết học, một nhân vật đặc biệt với vẻ huyền bí, phức tạp số
một trong các nhân vật lịch sử - huyền thoại ở Việt Nam. Hơn nữa, nói như Võ Thị
Hảo, Từ Đạo Hạnh còn là thanh nam châm hút theo những nhân vật khác, cũng là
những thiền sư đã ghi dấu ấn trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc như Minh
Không, Giác Hải, Đại Điên. Nguồn sử liệu, thư tịch về thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Việt
Nam vô cùng phong phú. Nguyễn Quang Khải trong bài “Góp phần tìm hiểu về thiền sư
Từ Đạo Hạnh” liệt kê những tài liệu có ghi chép về Từ Đạo Hạnh mà ông bao quát được
như sau. Sách chữ Hán gồm: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Việt sử
tiêu án (Ngô Thì Sĩ), An Nam chí lược (Lê Trắc), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh và Kiều
Phú), Thiền uyển tập anh, Kiến văn tiểu lục (Lê Quí Đôn), Lịch triều hiến chương loại
chí (Phan Huy Chú), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Thiền uyển kế
đăng lục (Hòa thượng Phúc Điền), Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục (Đạo nhân tam
quán Tam thanh soạn), Bắc thành địa dư chí lục, An Nam chí nguyên (Cao Hùng Trưng),
… Và gần đây có một số sách tiếng Việt có đề cập ít nhiều đến ngài: Việt Nam Phật giáo
sử lược (Nguyễn Lang, 1974), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Nguyễn Tài Thư chủ biên,
1991), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (Lê Mạnh Thát, 1999), Chùa Hà Nội (Lạc Việt,

12


2009), Thiền tăng truyện ký (Thích Thanh Ninh, Nguyễn Thế Vinh, Đinh Thế Hinh,
2010), Chùa Việt Nam tiêu biểu (Đỗ Hoài Tuyên, Nguyễn Đức Lữ, Nguyễn Quang Khải,…
2011)[21]. Chắc chắn, trong quá trình thai nghén cho những ý tưởng của cuốn tiểu thuyết,
nhà văn đã tiếp xúc với một phần nguồn tư liệu khổng lồ trên. Những tình tiết về cuộc đời
nhân vật Từ Lộ trong tiểu thuyết của Võ Thị Hảo khá sát với hành trạng thiền sư Từ Đạo
Hạnh trong các tài liệu nêu trên, nhất là Thiền uyển tập anh. Tác phẩm này ra đời


khoảng giữa thế kỉ XIV, là tác phẩm văn học chức năng tôn giáo ghi chép Phật
thoại về cuộc đời, hành trạng các thiền sư với cảm hứng tôn sùng ngưỡng vọng.
Trong sách này, truyện Thiền sư Đạo Hạnh cho biết thiền sư thuộc thế hệ thứ mười
hai của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Truyện chủ yếu kể về quãng đời Từ Lộ - Đạo
Hạnh mang đậm màu sắc kì ảo. Qua đó, người đọc biết được xuất thân bình thường
và cuộc đời phi thường của thiền sư. Võ Thị Hảo bám khá sát vào những tình tiết về
cuộc đời nhân vật trong Phật thoại nhưng cảm hứng sáng tạo, tinh thần phản ánh,
nội dung tư tưởng, bút pháp nghệ thuật thì khác biệt rất nhiều. Trong tác phẩm văn
học chức năng tôn giáo, cốt truyện và tình tiết là cái được tô đậm nhưng nhân vật
không có đời sống tâm lí, thiếu hẳn cá tính, được khắc họa chủ yếu qua hành động.
Ở những tác phẩm đó, các thiền sư mới xuất hiện như một loại người mà chưa phải
con người. Võ Thị Hảo đã lấp đầy khoảng trống tâm lí ấy bằng cảm thức hiện đại và
xây dựng nhân vật với đời sống nội tâm tinh tế, phức tạp trong tinh thần đối thoại
với cảm hứng ngợi ca ngưỡng vọng của văn bản trung đại. Nếu ở Thiền uyển tập
anh, Từ Đạo Hạnh như một tấm gương tu hành đắc đạo có phép thuật thần kì thì
trong tiểu thuyết của Võ Thị Hảo, Từ Lộ với những kiếp luân hồi của chàng hoàn
toàn không phải là một vị thánh với công đức, ân huệ rực rỡ mà là biểu tượng cho
màn vô minh tăm tối của con người. Trải hai kiếp, tu luyện khổ hạnh hành xác hay
đứng ở đỉnh cao quyền lực, bản ngã của Từ chỉ càng tăng trưởng, nhân vật chưa
từng thoát khỏi tham, sân, si để thể nhập chân tâm, trở về với tự tính trong sạch của
con người, và vì thế chưa bao giờ và không thể nào đắc đạo, giải thoát. Theo nhà
văn Võ Thị Hảo: “Từ Lộ - Lý Thần Tông hay Từ Đạo Hạnh đều là một nhân vật đa
diện, với rất nhiều lầm lạc và rất nhiều khát vọng. Khát vọng quyền lực, ham hố lạc
thú và sự yếu đuối của ông ta trong việc trị nước đã làm khổ nhiều người và làm

13


khổ chính mình. Một vài truyền thuyết xung quanh ông đã bộc bạch niềm thông thái

của nhân gian với những hiện tượng linh thiêng huyền bí. Ông là nhân vật có thực
nhưng không thực đến độ đóng khung làm nghèo nàn trí tưởng tượng. Tôi cần ông,
vì ông có những khoảng trống mà tôi có thể bù đắp và đưa ông trở lại thế gian này,
với những thiết tha bồi hồi của cõi người – của ngày hôm nay”. Như vậy, lịch sử và
huyền tích dân gian chỉ là chất liệu để tác giả dày công nhào nặn, hư cấu, sáng tạo
nên thế giới trong tiểu thuyết. Sự kiện lịch sử chỉ là cái vỏ để tác giả trình bày
những suy tư, chiêm nghiệm, triết lí về cuộc sống và con người. Giáo lý Phật tuy
đậm nét trong Giàn thiêu nhưng đó không phải là thứ triết lý tĩnh mà nó luôn luôn
động, luôn được đặt trong sự chiêm nghiệm, phân tích, đối thoại với cuộc đời, với
con người trước những khát vọng rất nhân bản. Từ nhận thức của con người
đương đại, Võ Thị Hảo đã giải phóng cách nhìn ra khỏi sự sùng bái lịch sử, tôn
giáo. Nhà văn luôn đặt lịch sử và những phạm trù của tôn giáo trong sự giả định
và thụ hưởng nó bằng chính tinh thần nhân văn hiện đại. Tuy lịch sử và tôn giáo
không phải là mục đích của nhà văn, giáo lý Phật không phải là chủ đích của tác
phẩm nhưng không thể phủ nhận những triết thuyết Phật giáo đã chi phối sự cảm
nhận về con người và cách cắt nghĩa hiện thực của tác giả. Cũng không thể phủ
nhận điều đó góp phần làm nên giá trị, sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết này.
Trong buổi tọa đàm xung quanh sáng tác của nhà văn Võ Thị Hảo tại viện
Goethe, khi trả lời nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan về khuynh hướng thẩm mĩ riêng
của nhà văn thể hiện qua nhan đề các chương trong tác phẩm, Võ Thị Hảo đã nói:
“Tôi không điên, không căng thẳng. Tôi chỉ thấy rõ ràng một điều là khi mình gọi
thì chúng sẽ tới, cả Niết Bàn, Địa Ngục, thần tiên và ngạ quỷ, những mặt người, cái
rốn chu sa màu đỏ của Ngạn La, cảm xúc yêu đương,... Cả màu sắc, âm thanh... tôi
chỉ việc đuổi theo chúng để ghi lại, tôi không tưởng tượng ra chúng”[33]. Trả lời
câu hỏi của phóng viên: Vậy ngòi bút của chị sẽ xuôi theo hay lật lại những gì
chính sử đã khẳng định về nhân vật này (Từ Đạo Hạnh)? Nhà văn cho biết: Giàn
thiêu xuất phát từ chính sử, nhưng tôi tuân theo số mệnh của nhân vật, không nghĩ

14



gì đến ''xuôi theo'' hay ''lật lại''. Tức là, với Võ Thị Hảo, chính sử và huyền tích dân
gian chỉ là chất liệu nhào nặn nên một cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa của nó.
Ngay trang đầu tiên của tiểu thuyết, Võ Thị Hảo đã dẫn lời Phật làm đề từ:
“Ơ các tỳ kheo! Nếu các người lại để mình mắc vào thuyết ấy, nếu các người ưa
thích nó, nếu các người mê luyến nó, gìn giữ nó như một kho bảo vật, nghĩa là các
người bị ràng buộc vào nó, thì các người đâu có hiểu rằng giáo lí của ta có khác
nào chiếc bè đưa qua sông chứ không phải để buộc trói người vào đó...
Ơ các tỳ kheo! Có người kia đi đến một vùng nước rộng, thấy mé mình đứng
rất nguy hiểm và ghê sợ, còn mé bên kia thì yên ổn và hiền lành. Muốn sang qua
đó, thì không cầu. Anh ta bèn nghĩ: hay ta bẻ cây làm tạm một chiếc bè để đưa ta
qua sông. Sau khi đến mé bên kia rồi, anh ta bèn nghĩ: Nhờ chiếc bè này mà ta qua
được bên này, như vậy ta phải đội nó trên đầu ta hoặc vác nó trên vai ta...!”
[17;17]. Những lời trên được trích từ kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya) dẫn lời
Phật. Phật đã sánh giáo lí của mình chẳng khác nào chiếc bè dùng chở người qua
sông (từ bến mê qua bờ giác ngộ) chứ không phải để cất giữ và vác nó lên vai, là
ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là mặt trăng thật. Người học Phật cũng
không nên để mình bị ràng buộc, bị dính mắc vào đâu cả, dù đó là chân lí. Đó là
tinh thần vô trước trong Phật giáo. Bị trói buộc vào bất cứ giáo lí, quan niệm nào,
con người sẽ không thể tìm thấy tự do, hạnh phúc, còn nói chi đến giải thoát. Có lẽ
đó cũng là tư tưởng chủ đạo mà Võ Thị Hảo muốn gửi gắm trong tiểu thuyết này:
khát vọng tự do. Với nhân vật Từ Lộ, tự do là khát vọng chưa bao giờ được thỏa
mãn. Suốt hai kiếp sống, Từ Lộ - Thần Tông không thôi day dứt một niềm tiếc nuối
tê tái: “ta đã lỡ mất kiếp này” bởi lẽ luôn luôn nhân vật bị định mệnh tăm tối, lòng
thù hận, thói đam mê quyền lực và sắc dục cầm tù. Dù mang hình tướng Từ Lộ, Từ
Đạo Hạnh hay Lý Thần Tông, chưa bao giờ con người ấy được sống đúng là mình.
Lúc nào con người ấy cũng thấy thiếu vắng. Để cho lòng thù hận dẫn dắt, Từ Lộ đã
chối bỏ tình yêu với Nhuệ Anh. Say sưa cung vàng điện ngọc, Thần Tông không thể
đến với sư bà Động Trầm hay với cung nữ Ngạn La như tiếng gọi từ sâu thẳm trái


15


tim. Thế là giữa bao nhiêu lạc thú, ngài vẫn không hạnh phúc, vẫn bị dày vò bởi
một cơn khát vô hình mà dai dẳng. Những giọt sữa Dã Nhân, khúc đồng dao của
Ngạn La, cơn mưa mát lành trời ban cho tấm lòng từ bi của Nhuệ Anh phần nào làm
vơi cơn khát, xoa dịu tâm hồn đầy u uẩn của ngài. Chỉ khi ở cùng những người ấy,
Từ Lộ - Thần Tông mới tìm lại được mình, tìm lại niềm khao khát cái đẹp hồn
nhiên, thuần hậu. Hoá ra khi không được là mình thì dù có nhân danh bổn phận,
danh dự hay quyền uy, Từ Lộ - Thần Tông vẫn là kẻ bất hạnh với trái tim khuyết
tật, lúc nào cũng khắc khoải nhớ và khát thứ tự do đã đánh mất. Chìm đắm trong vô
minh, bị hận thù, quyền lực và nhục dục ràng buộc, cho đến cuối tác phẩm, thân xác
Đạo Hạnh vẫn không rã nát, vẫn lơ lửng ở cõi trầm luân. Ngược lại, với Nhuệ Anh
và đại sư Minh Không, tự do là được sống là mình, là phụng sự chúng sinh, tự do là
giác ngộ và giải thoát. Như vậy, có thể khẳng định triết lí Phật giáo về tự do là cấu
tứ lớn của toàn bộ tác phẩm.
Mượn lời Phật làm lời đề từ có lẽ còn là lời tác giả nhắn nhủ đến người đọc
của mình. “Giáo lí của ta là chiếc bè đưa qua sông chứ không phải để trói buộc vào
đó”. Nhà văn không có ý định biến tác phẩm của mình, kinh nghiệm lịch sử của
mình thành chân lí duy nhất trước bạn đọc. Bạn đọc có quyền chiêm nghiệm, phán
đoán, thậm chí hoài nghi và đưa ra kết luận của riêng mình. Bạn đọc không còn
đứng ngoài tác phẩm.
Lời đề từ trích từ kinh Phật cùng nhân vật chính là một thiền sư cho thấy
Phật giáo là một nguồn cảm hứng của tác phẩm. Cách cảm nhận, lí giải, cắt nghĩa
hiện thực và khuynh hướng thẩm mĩ của tác giả mang dấu ấn Phật giáo ở cả bình
diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Đặt Giàn thiêu của Võ Thị Hảo vào bối cảnh
tiểu thuyết Việt Nam đương đại, chúng ta sẽ thấy đây là hướng đi của một số cây
bút tiểu thuyết hiện nay.

1.2.


Tiểu thuyết “Giàn thiêu” trong xu hướng cảm quan Phật giáo của
văn xuôi Việt Nam đương đại.

16


Phật giáo là một tôn giáo vì con người và về con người với chủ trương bình
đẳng, vô phân biệt, hướng con người đến tình thương yêu bao la, mênh mông, với tư
tưởng từ bi hỷ xả, và đặc biệt chú trọng đến những con người đau khổ. Chính tư
tưởng từ bi, bình đẳng này khiến Phật giáo dễ dàng bắt nhịp với nền tảng văn hóa, tư
tưởng của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam với nền văn minh lúa nước, biết sống thuận
theo thiên nhiên, vốn có tư tưởng dân chủ, rộng mở, phóng khoáng, nhân ái, vị tha
nên khi Phật giáo vào Việt Nam, dân tộc ta đã biết tự mở cửa tiếp thu tinh hoa của tư
tưởng Phật giáo rồi tiếp biến, chuyển hoá nó thành cái riêng của mình, phù hợp với
dân tộc mình và truyền phát, nhân rộng tư tưởng ấy từ đời này sang đời khác. Mặt
khác, Phật giáo còn là một nhu cầu của tinh thần con người, là sự nâng đỡ hỗ trợ rất
cần thiết cho đời sống con người. Con người ta ai cũng có nhu cầu giải tỏa tâm linh,
giải phóng tâm trí để thoát khỏi những lo âu phiền muộn trong cuộc sống đời thường
vốn dĩ đầy rẫy nhọc nhằn này. Để thoát khỏi những phiền muộn lo âu ấy, con người
tìm đến tôn giáo như là tìm về cội nguồn, nhờ vậy con người mới cảm thấy có sự
cân bằng, an nhiên, thanh thản. Về mặt tâm lý, thực tế là mỗi khi con người ta gặp
phải những bất an, bất trắc, thì người ấy thường tìm đến những nơi không gian
thiêng liêng như cửa chùa, chốn Thiền môn để vãng cảnh, chiêm bái… nhờ thế mới
cảm thấy lòng mình nhẹ tênh thanh thản, bao nhiêu lo âu phiền muộn đều tiêu tan.
Đó chính là biểu hiện của sự nâng đỡ, sự hỗ trợ, sự ích dụng của tôn giáo đối với sự
sống con người.
Phật giáo vào nước ta rất sớm và đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với văn học
nước nhà. Từ lâu, Phật giáo đã là một nguồn mạch khơi dậy nhiều cảm hứng cho
văn học Việt Nam, góp phần tạo nên nhiều giá trị cho văn học. Những tư tưởng, mô

típ, hình ảnh, nhân vật... Phật giáo đã trở thành những chất liệu, hình tượng văn học
hấp dẫn, đầy sức hút cả ở văn học dân gian lẫn văn học viết. Ở thời trung đại, văn
học Lý Trần thấm nhuần cảm quan Phật giáo, thậm chí có thể khẳng định rằng có
một nền văn học Phật giáo Lý Trần với lực lượng sáng tác đông đảo, với hệ thống
thể loại riêng biệt. Những nội dung thuộc lĩnh vực Phật học, Thiền học như vấn đề
hữu - vô, sắc - không, chân - vọng, sinh - tử, nghiệp duyên, nhân quả, chân như, niết

17


bàn v.v.. đã được các tác giả đề cập rõ nét trong thơ văn Lý Trần. Ngay cả trong một
số thơ văn của các nhà Nho thời Lê - Nguyễn ít nhiều cũng có chịu ảnh hưởng tư
tưởng Phật Thiền dù đậm dù nhạt như thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều,... Đến thời hiện đại, ở giai
đoạn 1930 – 1945, những tác phẩm mang cảm quan Phật giáo mờ nhạt hơn, có thể
kể ra Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan...
Sang giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước đổi mới năm
1986, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, văn học phục vụ chính trị và cổ vũ chiến đấu
nên cảm quan tôn giáo vắng bóng trong văn học. Thậm chí, nếu tác phẩm thời kì
này có nói đến tôn giáo thì đều nhằm mục đích bài trừ mê tín dị đoan để xây dựng
nền văn hóa của chế độ mới. Sau đổi mới năm 1986, xu hướng tìm về khôi phục
những giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có Phật giáo trở thành nhu cầu của
xã hội nói chung cũng như văn học nói riêng. Các nhà văn tìm thấy ở những hệ tư
tưởng – tôn giáo truyền thống nguồn cảm hứng sáng tác. Một loạt tác phẩm tìm về
với nguồn cảm hứng Phật giáo liên tiếp ra đời: Nhân sứ, Bụt mệt của Hòa Vang;
Đường Tăng của Trương Quốc Dũng, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu của
Nguyễn Khải; Luân hồi của Tạ Duy Anh; Man Nương của Phạm Thị Hoài; Con gái
thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, Giọt máu, Con thú lớn nhất của
Nguyễn Huy Thiệp; Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Cõi
người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái… Đó là những truyện ngắn, tiểu

thuyết khơi vào vùng tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo một thời đã bỏ ngỏ. Nhìn từ
diện mạo, có thể thấy ở văn xuôi Việt Nam đương đại, Phật giáo không còn là ý
thức hệ tư tưởng với mục đích tuyên truyền giáo lý và giáo huấn như trong văn học
Phật giáo thời Lý Trần; Phật giáo trở thành nguồn cảm hứng chi phối cách nhìn
hiện thực, con người, chi phối kết cấu tác phẩm, các thủ pháp xây dựng hình tượng,
giúp nhà văn truyền tải những thông điệp về nhân sinh, những suy tư về cõi người.
Sau đổi mới năm 1986, văn học Việt Nam có nhiều chuyển biến đáng ghi
nhận ở hầu hết các thể loại, trong đó có tiểu thuyết. Có thể nói đây là thời kì nở rộ

18


của tiểu thuyết Việt Nam. Đội ngũ người viết ngày càng đông đúc, số lượng tác
phẩm dồi dào, đề tài vô cùng đa dạng và phong phú, biên độ hiện thực được nới
rộng… tạo nên sức hấp dẫn với nhiều thế hệ bạn đọc, đem đến cho văn học một sức
sống mới. Thành công của tiểu thuyết trong văn học giai đoạn này cho thấy nhu cầu
phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, nhiều chiều trong đó có thế giới tâm linh bí
ẩn và phức tạp, đời sống tâm hồn phong phú và đầy biến động của con người và nhu
cầu khơi sâu thêm những vấn đề của triết lí nhân sinh. Trong dòng chảy đó, tiểu
thuyết Việt Nam đã phân nhánh theo nhiều hướng khác nhau. Trong “Một số
khuynh hướng tiểu thuyết nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay”, PGS.TS Nguyễn
Thị Bình có nêu ra năm khuynh hướng tiểu thuyết chính là: tiểu thuyết theo phong
cách lịch sử hóa, tiểu thuyết theo phong cách tự thuật, tiểu thuyết tư liệu – báo chí,
tiểu thuyết hiện thực kiểu truyền thống, tiểu thuyết theo phong cách hậu hiện đại.
Đó là cái nhìn bao quát trên đại thể, trong khi thực tế văn học có thể sinh động hơn
rất nhiều, thậm chí có sự giao thoa giữa các khuynh hướng ở mỗi tác giả, tác phẩm.
Trong đó, tiểu thuyết lịch sử là loại hình rõ nét trên cái nền phong phú, bề bộn của
tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Hầu hết các tiểu thuyết lịch sử ấy dù ít dù nhiều,
dù đậm dù nhạt đều có yếu tố Phật giáo. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000) của Nguyễn
Xuân Khánh; bộ tiểu thuyết Ba nhà cải cách (tập hợp ba tác phẩm viết về Khúc

Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ ) của Vũ Ngọc Tiến, hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ
sộ của nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải là Bão táp triều Trần (tập hợp bốn cuốn
tiểu thuyết viết về triều Trần được in rải rác từ trước) và Tám triều vua Lý đều chứa
đựng trong đó rất nhiều tư tưởng Phật giáo. Trong hầu hết các tiểu thuyết lịch sử
của văn học Việt Nam đương đại, người đọc dễ dàng tìm thấy những nhân vật thiền
sư, nhà sư như là biểu tượng cho văn hóa tư tưởng, cho sức sống trường tồn của dân
tộc. Cũng dễ hiểu bởi các tiểu thuyết này phản ánh bộ mặt xã hội Việt Nam thời
trung đại, nhất là dưới các triều đại Lý - Trần, giai đoạn mà Phật giáo là quốc giáo,
Phật giáo ăn sâu vào đời sống tư tưởng cũng như cách hành xử của con người thời
bấy giờ. Gần đây, một số tiểu thuyết lịch sử văn hóa thấm đẫm cảm quan Phật giáo
ra đời được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, ghi được dấu ấn trong tiểu thuyết đương

19


đại Việt Nam. Sau Giàn thiêu phải kể đến Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007) của
Hồ Anh Thái, Đội gạo lên chùa (2011) của Nguyễn Xuân Khánh... Một loạt những
tác phẩm trên (cả truyện ngắn và tiểu thuyết) cho thấy, sự trở lại của xu hướng văn
học mang cảm quan Phật giáo trong văn xuôi, nhất là trong tiểu thuyết Việt Nam
đương đại đã khẳng định cảm quan Phật giáo là một mạch nguồn trong văn học dân
tộc. Mạch nguồn ấy lúc ngầm chảy, lúc dào dạt như chưa từng đứt đoạn trong văn
học dân tộc. Bởi triết lí Phật giáo vừa thẩm thấu vào nội dung tư tưởng làm nên giá
trị nhân bản của tác phẩm, vừa chi phối hình thức biểu đạt tạo sự hấp dẫn đối với
người đọc. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chọn đối chiếu Giàn thiêu của
Võ Thị Hảo với tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007) của Hồ Anh Thái
và tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (2011) của Nguyễn Xuân Khánh để chỉ ra sự gặp gỡ
cũng như điểm khác biệt trong cảm quan Phật giáo ở ba tác phẩm này. Cùng với
Giàn thiêu, đây là hai tiểu thuyết đậm nét cảm quan Phật giáo đồng thời tạo được
nhiều sự quan tâm của dư luận.
Nhà văn Hồ Anh Thái có nhiều năm học tập, làm việc, sinh sống ở Ấn Độ,

lại có bằng tiến sĩ văn hóa phương Đông. Anh tự nhận mình có duyên với Ấn Độ.
Để viết tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, nhà văn đã đi khảo sát hầu khắp
lãnh địa của các vương quốc thời Phật ở miền Bắc và Trung Ấn. Anh cũng tận dụng
điều kiện sáu năm trời trên đất Ấn Độ để tìm tài liệu, thậm chí là những văn bản cổ
quý hiếm trong các thư viện, rồi xử lí tài liệu, huy động cả những kiến thức rút tỉa từ
kinh điển Phật giáo, chuyển hóa tài liệu thành hình tượng văn học. Sau hai mươi
năm miệt mài nghiên cứu và nung nấu, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi ra
đời, là tác phẩm đầu tiên trong văn học Việt Nam viết về đức Phật và Ấn Độ cổ đại.
Trong tiểu thuyết, nhà văn đã lí giải được những điều kiện cần thiết để Phật giáo ra
đời và được đón nhận. Giữa lúc tư tưởng Bà la môn đã trở nên lỗi thời, phản tiến bộ
thì tư tưởng của đức Phật diệt trừ khổ đau, tự do lựa chọn chân lí, bình đẳng, nhân
ái, tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng mọi sinh linh trên thế gian nhanh chóng được
tiếp nhận trên một diện rộng. Xuyên suốt tác phẩm là cuộc đời tám mươi năm của
đức Phật, một nhà hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát, được

20


tác giả tái hiện như một con người sống động thực sự. Người đọc có thể trải nghiệm
rất nhiều tư tưởng của Phật qua những câu chuyện trong cuộc đời của Người: từ
thiếu thời, tuổi thanh niên cùng quá trình tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh tu hành
xác, đắc đạo, quá trình hình thành phát triển và hoàn thiện tổ chức Phật giáo... Hình
ảnh đức Phật xuất hiện thật dung dị và gần gũi với con người. Nhà văn cho ta thấy
vẻ đẹp và sức mạnh kì lạ của đức Phật bắt nguồn từ chính tấm lòng nhân ái, độ
lượng, bao dung có sức cảm hóa mãnh liệt của Người.
Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi được kết cấu thành 19 chương:
chín chương về đức Phật, bảy chương về nàng Savitri, ba chương về tôi - nhà
nghiên cứu Ấn Độ. Tưởng như cách biệt nhưng ba câu chuyện ấy không tách lìa
nhau, chúng xen lẫn vào nhau để dẫn tới một chủ đề chung nhất. Kết cấu ấy đã tạo
ra một thế giới nghệ thuật với nhiều thời gian và không gian đồng hiện như những

vòng tròn đồng tâm: vòng ngoài cùng là hành trình của tôi và Savitri – hậu thân đi
tìm Phật tích; vòng bên trong là hành trình của Savitri – tiền thân, nàng công chúa
với tình yêu dành cho đức Phật; vòng trong cùng là hành trình của Siddhatha đi tìm
chân lý. Mặc dù phần kể về cuộc đời đức Phật được viết cô đọng nhất nhưng nó là
trung tâm, là ngọn đuốc để soi chiếu các phần còn lại của tiểu thuyết.
Ấn tượng nhất, sống động nhất trong tiểu thuyết là nàng Savitri. Savitri là
chìa khóa mở cánh cửa lịch sử một cách thần tình phù hợp với thuyết luân hồi của
đạo Phật. Savitri, công chúa tiền kiếp với Savitri, người kể chuyện Phật là một gạch
nối hợp lí quá khứ với hiện tại. Nàng Savitri sống gấp gáp, hưởng thụ vội vàng là
biểu tượng đam mê dục lạc. Nàng Savitri cá tính mạnh mẽ, yêu ghét phân minh,
ngang tàng mà đằm thắm. Cho đến cuối cùng, Savitri vẫn không là tín đồ, không
quy y. Với Siddhattha, tình yêu lớn nhất dành cho chân lý, với Savitri chân lý lớn
nhất là tình yêu. Hai hành trình đó không loại bỏ nhau mặc dù chúng khác nhau từ
khởi điểm, sự khác biệt giữa mê và ngộ. Savitri là nhân vật sống động, tất cả các
động thái của nàng làm nổi bật nhân vật chính là đức Phật vĩ đại, người tĩnh tâm tìm
kiếm chân lí, gặp nhiều trắc trở nhưng luôn giữ được thư thái cân bằng. Thế cân
bằng giữa hai nhân vật có tính cách tĩnh và động ấy làm cho tiểu thuyết hấp dẫn.

21


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tạo cơ hội bình đẳng cho độc giả khi
tiếp cận văn bản, cả người chưa sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc với văn hóa
Ấn, nhà văn cho rằng: “Tôi vẫn nghĩ tính bao trùm của giáo lí Phật giáo rộng lớn
đến độ chạm đến mọi vấn đề của đời sống. Bạn cứ thử đưa ra một vấn đề gì đó
tưởng là mới mẻ mà xem, ngẫm kĩ thì mới thấy là 2500 năm trước, Phật đã nói rồi.
Nhiều triết thuyết sau này cũng thừa hưởng ít nhiều của Phật giáo. Vậy trở lại với
tiểu thuyết, không chỉ là chuyện dục lạc mà thôi, chuyện hận thù và báo thù của đạo
sư Bà La Môn, của Savitri, chuyện yêu thương với đồng loại, với mọi chúng sinh
đều không ra ngoài vòng triết thuyết và giáo lí của Phật”[40,441]. Trong tiểu

thuyết, nhân vật tôi - nhà nghiên cứu Ấn Độ cảm nhận:“Sau một chuyến du hành
qua đời Phật, người ta không còn là người của trước chuyến đi nữa”[40,427]. Có
phải, tấm lòng bao dung mênh mông tràn ngập tình yêu với mọi sinh linh của đức
Phật đã đánh thức Phật tính vĩnh hằng ở mỗi người.
Khác với thế hệ của Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, nhà văn Nguyễn Xuân
Khánh đến với văn học từ năm 1959. Truyện ngắn đầu tay của ông Một đêm được
giải nhì cuộc thi viết về đời sống bộ đội trong hòa bình của tạp chí Văn nghệ quân
đội. Rồi Nguyễn Xuân Khánh bị treo bút, qua nhiều năm tháng thăng trầm trong
cuộc đời, vừa kiếm sống vừa tích lũy trải nghiệm và không thôi đam mê sáng tác,
ông đã khẳng định bản lĩnh, tư tưởng của mình khi mới xuất bản bộ ba tiểu thuyết
dày dặn cả về dung lượng lẫn nội lực: Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2005),
Đội gạo lên chùa (2011). Nhà văn đã viết bằng chính trải nghiệm, sự say mê và am
hiểu sâu sắc lịch sử, đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc. Ông đi sâu vào vấn đề
tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt như đạo Mẫu, đạo Phật (đã được
Việt hóa) và khẳng định sức mạnh của văn hóa tôn giáo bản địa là căn cốt tạo nên
sức sống của một dân tộc. Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã đánh giá: “Có thể
nói, đến bộ ba hư cấu lịch sử này, Nguyễn Xuân Khánh đã gác sang bên những trăn
trở về đổi mới bút pháp để đi sâu vào những đổi mới về tư tưởng. Tư tưởng chứ
không phải nghệ thuật tiểu thuyết, mới là mục đích chính yếu và đóng góp chính
yếu của Nguyễn Xuân Khánh trong tư cách tiểu thuyết gia”[12;196].

22


×