1. Như một yêu cầu tất yếu của đời sống
Ranh giới và sự đan xen các phương thức biểu đạt, cũng như thể loại chủ đạo và sự pha trộn,
xâm lấn lẫn nhau giữa các thể loại trong mỗi sáng tạo văn học nghệ thuật là tất yếu. Bởi nghệ
thuật chính là cuộc sống. Cuộc sống không phải là một mớ hỗn độn phi logic, nhưng cũng không
phải là các khoản mục có ranh giới trắng đen, cao thấp quá rạch ròi; cuộc sống như nó vốn có
vừa tỏ, vừa mờ; vừa thực, vừa ảo; vừa tường minh chính xác, vừa mơ hồ huyền hoặc… Trong
khi quan niệm về các phương thức và yêu cầu phản ánh cuộc sống theo những nét đặc trưng của
các phương thức cũng chỉ mang tính chất tương đối. Và vì thế việc gọi một văn bản-tác phẩm là
truyện ngắn hay tùy bút, thơ hay văn xuôi; miêu tả hay kể chuyện, tự sự hay thuyết minh… suy
cho cùng cũng chỉ là tương đối.
Những tác phẩm như Bông hồng vàng, Bình minh mưa[1], “Đaghetxtan của tôi”[1]…là tiểu
thuyết hay truyện vừa; ký sự hay tự truyện; văn xuôi hay thơ; tùy bút hay lí luận về phương pháp
sáng tác…? Rất khó trả lời theo cách hiểu thông thường bởi chúng đều là những tác phẩm vượt
ra ngoài định nghĩa và biến thể của loại hình văn học. Nó được viết một cách rất tự do, phóng
khoáng. Rất nhiều tác phẩm văn học được viết với một bút pháp đa dạng, đa phương thức nhằm
tái hiện lại những sắc màu sinh động của cuộc sống. Ở những tác phẩm này các thể loại đan xen
nâng đỡ hỗ trợ lẫn nhau. Nghị luận mà vẫn dạt dào cảm xúc; tùy bút mà rất giàu tự sự, đầy chi
tiết, sự kiện, nhân vật; đối thoại, độc thoại; miêu tả mà vẫn đậm chất nghị luận, nhiều trang miêu
tả miên man, lẫn với giọng triết lí, những ngẫm suy thời cuộc; thuyết minh mà đầy tính nghệ
thuật, rất nhiều bài bút kí viết theo phương thức giới thiệu đặc điểm, nêu rõ công năng, bày vẽ
cách làm…thế mà vẫn tràn ngập chất thơ, lênh láng một cái tôi trữ tình,… Thực tiễn sáng tác cho
thấy thật khó mà tìm được một văn bản chỉ sử dụng đơn nhất một phương thức phản ánh. Trong
cuốn “Văn miêu tả và kể chuyện”, khi giới thiệu một số đoạn văn, tập hợp chúng trong phần trích
tuyển, nhà văn Phạm Hổ đã phải thừa nhận rằng: “Muốn chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện
riêng, nhưng không thể làm được. Vì chỉ có một đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể
chuyện, còn phần lớn, cả hai thể loại đều xen lẫn vào nhau”[1]
Tuy sự đan xen, hoà trộn các phương thức trong cùng một văn bản dường như là một tất yếu,
nhưng không thấy ranh giới của các phương thức ấy trong việc tiếp nhận thưởng thức văn bảntác phẩm cũng là một hạn chế- một bằng chứng về việc không hiểu bản chất của sáng tạo nghệ
thuật; không thấy cái hay cái tinh tế và kì diệu của tác phẩm văn chương. Một nhà văn Pháp
viết :"Một trăm thân cây bạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cả trăm.
Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây bạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào
cũng khác nhau. Trong đời ta gặp bao nhiêu người, phải thấy ra mỗi người mỗi khác nhau,
không một ai giống ai. "[1]. Cũng như hồi nào Khái Hưng bất chợt nhìn những chiếc lá rụng và
thấy thật kì diệu trong mỗi dáng lá rơi: “Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình
riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống đất như
cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn
vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay
giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng, khoan
khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng,(...) Có chiếc lá như sợ hãi ngần ngại rụt rè, rồi như
gần tới mặt đất còn cất mình muốn bay trở lên cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một
bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại. Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu
hiện cho một cảnh biệt ly."[1]
Mỗi cây bạch dương, mỗi ngọn lửa, mỗi chiếc lá rụng đều rất khác nhau, đều có một “linh hồn
riêng”, để làm nên sự đa dạng của đời sống. Cũng như thế, mỗi thể loại, mỗi phương thức phản
ánh cuộc sống cũng cần có sắc màu riêng để nó trở thành chính nó.
Đọc, thưởng thức, thẩm định và đánh giá văn bản – tác phẩm cần thấy vai trò và vẻ đẹp được tạo
nên bởi ranh giới và phi ranh giới, hay chính là thấy những “lằn ranh” của các phương thức và
thể loại văn học. Đó cũng là một phương diện cần chú ý trong việc dạy đọc-hiểu và tạo lập trong
nhà trường phổ thông. Mục tiêu và yêu cầu ấy đã được thể hiện bằng chủ trương giúp học sinh
nhìn thấy sự kết hợp của các phương thức thức biểu đạt trong mỗi thể loại khi đọc- hiểu cũng
như khi tạo lập văn bản trong nhà trường phổ thông.
2. Ranh giới và sự hòa trộn của một số kiểu phương thức biểu đạt
2.1. Tự sự và miêu tả
Trong thực tế, rất ít khi người ta chỉ thuần túy làm văn miêu tả. Miêu tả, như một bài văn độc lập
có lẽ, chỉ tồn tại trong nhà trường (với ý nghĩa rèn tập cho học sinh một số loại kĩ năng như quan
sát, miêu tả, người, vật…quanh mình). Còn nói chung, văn miêu tả thường được xem như một
công cụ, một kĩ năng để làm văn bản tự sự (một kiểu văn bản tổng hợp).
Chẳng hạn, trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) cũng có nhiều đoạn miêu tả: một bức tranh mùa
xuân trong sáng, “dập dìu tài tử giai nhân”, một cảnh mùa thu “long lanh đáy nước in trời”,
những bức chân dung sống động về Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, những nét chấm
phá thần tình về Mã giám sinh, Tú Bà, Sở Khanh,… Nhưng đó là những đoạn miêu tả nằm
trong Truyện Kiều, phục vụ cho mục đích tự sự của Nguyễn Du về những biến cố, những nhân
vật đã xuất hiện và ít hoặc nhiều, trực tiếp hay gián tiếp tác động đến số phận của Thúy Kiều
suốt hơn mười lăm năm lưu lạc .
Cũng như vậy, Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) xoay quanh cuộc gặp mặt khác thường giữa một
người là tử tù của chế độ phong kiến với những người là đại diện cho pháp luật nhà nước phong
kiến. Ở đây, Nguyễn Tuân đã phải làm rõ quan hệ giữa các nhân vật (ông Huấn Cao, viên quản
ngục, thầy thơ lại).
Trong truyện ngắn này cũng có những đoạn vẽ chân dung, tả tính cách nhân vật. Nhưng những
đoạn văn miêu tả như vậy thực ra cũng không phải thuần túy là văn miêu tả vì chúng được lồng
vào lời kể, lời trần thuật để thực hiện chức năng chung của văn bản tự sự.
Tuy ranh giới giữa miêu tả và tự sự không thật rõ, hoặc không phải bao giờ cũng rõ rệt, nhưng
xét trên đại thể, tự sự khác với miêu tả ở chỗ tự sự, xét về bản chất là kể lại, thuật lại sự việc, câu
chuyện theo một quá trình diễn biến nào đó. Sự việc, câu chuyện thì có bắt đầu, có phát triển, có
kết thúc. Còn miêu tả là tả lại, “vẽ” lại bằng lời một cảnh, một người, một vật. Như vậy, khi kể
chuyện, người ta phải làm rõ diễn biến sự việc hoặc, chú ý làm rõ các quan hệ, trạng thái đời
sống theo quá trình biến đổi đa dạng, phức tạp của nó. Chỉ cần so sánh các đoạn văn sau, ta cũng
thấy rõ một số điểm khác biệt giữa hai kiểu văn bản này:
a)
Đoạn tả chị Dậu
“Trong tay bồng đứa con gái hai tuổi, chị Dậu thơ thẩn ngồi trên chiếc chõng long nan. Cái
nhanh nhảu của đôi mắt sắc ngọt, cái xinh xắn của cặp môi đỏ tươi, cái mịn màng của nước da
đen giòn và cái nuột nà của người đàn bà hai mươi bốn tuổi, vẫn không đánh đổ những cái lo
phiền buồn bã trong đáy tim. Nét mặt rầu rầu, chị im lặng nhìn sự ngoan ngoãn của hai đứa con
nhỏ“[1]
b) Đoạn kể về chị Dậu
“Đàn chó cứ vây kín chung quanh chị dậu như quân đèn cù. Hình như chúng nó muốn cố làm
hết phận sự với chủ: con nào con nấy nhe răng lè lưỡi, chỉ chực vồ vào hai chân chị chàng đáng
thương.
Cái nón dùng làm khí giới đã bị đàn vật cắn rách tan tành. Chị Dậu luống cuống không biết làm
thế nào. Bí quá, chị phải giơ hai nắm tay đánh nhau bộ với “đội lính coi nhà“ của ông Nghị.“[1]
Ở Đoạn a), tất cả các chi tiết hầu như tập trung vẽ ngoại hình, tả tâm trạng, làm nổi rõ chân dung
chị Dậu. Dễ dàng nhận ra đây là một đoạn văn thuộc kiểu văn bản miêu tả. Ngô Tất Tố chỉ tập
trung vẽ chân dung chị Dậu. Ở đoạn b), các chi tiết tập trung thuật lại, kể lại một sự việc, hành
động đã xảy ra: vừa bước vào sân nhà Nghị Quế, để thương lượng chuyện bán con, bán chó, đã
bị đội lính giữ nhà của ông Nghị xông ra cắn, chị Dậu phải tìm mọi cách chống cự lại chúng.
Đoạn b) là đoạn rất có “chuyện” chúng là văn tự sự, đoạn a) chỉ là những bức vẽ, những tấmn
ảnh, chúng không có “chuyện”, và là văn miêu tả.
Trong văn bản miêu tả, người ta phải chú ý đến việc làm sao cho cảnh, người, vật hiện lên với
đầy đủ đường nét, màu sắc, tiết tấu riêng của nó. Vì vậy, phải chú ý đặc biệt đến việc quan sát.
Tùy theo yêu cầu của việc miêu tả mà chọn vị trí, thời điểm quan sát cho thích hợp. Có thể quan
sát đối tượng từ một hay nhiều góc độ, thời điểm.
Tuy nhiên như trên đã nêu, trong thực tế, các đoạn văn miêu tả và kể chuyện không tồn tại đơn
độc, chúng “xen lẫn nhau”, là “phương tiện” của nhau... Hãy đọc đoạn văn sau:
“ Không ! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn, nhưng lại đáng buồn theo một
nghĩa khác. Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão
Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao trong nhà. Tôi
xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai
mắt long lên sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sủi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một
cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đên hai giờ
đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và
bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi và Binh Tư hiểu. Nhưng nói ra làm gì nữa ! Lão Hạc ơi ! Lão
hãy yên lòng mà nhắm mắt ! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho
lão...”
( Trích truyện Lão Hạc của Nam Cao )
Rõ ràng trong đoạn trích trên khi kể lại sự việc, các tác giả vừa miêu tả vừa lồng vào những cảm
tưởng và những suy nghĩ của mình chứ đâu chỉ có đơn thuần kể việc. Những yếu tố miêu tả và
những suy nghĩ, cảm tưởng trong hai đoạn văn trên đã có tác dụng làm cho việc kể chuyện thêm
sinh động và buộc người đọc phải trăn trở, suy nghĩ về câu chuyện trong đó.
Văn tự sự tất nhiên khi cần có sử dụng đến miêu tả. Nhưng bản thân việc miêu tả, ngay cả trong
trường hợp chiếm một tỉ lệ rất lớn trong văn bản, chưa thành văn tự sự. Ví dụ: trong Truyện
Kiều, nếu tách riêng tất cả những đoạn văn miêu tả chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng,
Mã giám sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến,…. rồi đặt chúng cạnh nhau
chưa thể thành việc, thành chuyện gì cả. Vì đó mới chỉ là những tấm ảnh, những bức vẽ chân
dung nhân vật, giúp người ta hình dung rõ hơn về hình dáng, tính tình của họ. Nhưng cũng trong
tác phẩm này, những đoạn văn tự sự của Nguyễn Du lại mang một ý nghĩa khác hẳn.
Sự phân biệt ở đây chỉ là rất tương đối. Phân biệt miêu tả với kể chuyện không chỉ đơn thuần là
dựa vào hình thức bên ngoài (như: trong đoạn văn có miêu tả (hoặc kể chuyện) nhiều hay ít, dài
hay ngắn...), mà còn phải dựa vào bản chất bên trong của cảm hứng sáng tạo. Cụ thể hơn, nếu
thực chất của cảm hứng sáng tạo trong đoạn văn thiên về kể chuyện thì dù có miêu tả nhiều hay
ít, đó vẫn là một đoạn văn kể chuyện; trái lại, nếu thực chất sáng tạo của đoạn văn thiên về miêu
tả, thì dù có truyện hay không, đó vẫn là một đoạn văn miêu tả.
Xét trong tổng thể thì những bài viết lấy miêu tả làm mục đích chủ yếu thuộc về các thể loại như:
phóng sự, tuỳ bút, ghi chép...; còn trong truyện ngắn, tiểu thuyết... thì miêu tả chỉ là những đoạn,
làm phương tiện cho truyện mà thôi.
2.2. Tự sự và biểu cảm
Nếu như văn tự sự thuật lại, kể lại những gì đã diễn ra, đang và sẽ diễn ra mà con người chứng
kiến hoặc tham gia thì văn biểu cảm chỉ tập trung bày tỏ một quan niệm, bộc lộ một thái độ, ghi
lại một ý nghĩ, một cảm tưởng…
Cũng như văn miêu tả, văn biểu cảm, ít khi sử dụng độc lập. Nó thường được sử dụng phối hợp
với văn miêu tả, tự sự, văn thuyết minh,…
Truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn, Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Tỏa nhị
Kiều của Xuân Diệu, Mợ Du của Nguyên Hồng, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu,… thường
được xem là những truyện ngắn trữ tình bởi chúng rất giàu tính biểu cảm. Trong Cố hương của
Lỗ Tấn, thỉnh thoảng ta nghe thấy một thứ tiếng nói vọng lên từ tâm hồn nhân vật Tấn, người kể
chuyện xưng “tôi”, rất biểu cảm: “Tôi nằm xuống, nghe nước róc rách vỗ vào mạn thuyền. Biết
là tôi đang đi theo con đường của tôi. Tôi nghĩ bụng: tôi và Nhuận Thổ, tuy cách bức đến như
thế này, nhưng con cháu chúng tôi vẫn còn thân thiết với nhau. Chẳng phải là cháu Hoàng đang
mơ tưởng nhớ đến Thủy Sinh đó ư? Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không
bao giờ phải cách bức nhau cả… Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau
mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ và đần độn như
Nhuận Thổ; cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ và tàn nhẫn như bao nhiêu người khác.
Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng gtôi chưa từng được sống.”
Tự sự và biểu cảm cũng có mối quan hệ xen lồng. Trong văn biểu cảm cũng có thể có những câu
chuyện, nhân vật... nghĩa là các yếu tố tự sự. Tuy nhiên, các yếu tố tự sự này không phát triển
thành những mâu thuẫn phức tạp vì chúng chỉ là phương tiện để biểu lộ tình cảm hay thuyết
minh cho một tư tưởng nào đó của chủ thể mà thôi.
Cũng như với văn bản miêu tả, văn biểu cảm và tự sự thường không tách khỏi nhau trong thực tế.
Những đoạn văn biểu cảm thường được trích ra từ những truyện ngắn hay tiểu thuyết, và trái lại,
trong các tác phẩm biểu cảm vẫn có những đoạn văn tự sự.
Trong văn bản tự sự, ngoài các yếu tố tình tiết, yếu tố miêu tả cảnh vật, con người... còn có yếu
tố biểu cảm. Những yếu tố biểu cảm (vui, buồn, giận hờn, lo âu, mong ước, hi vọng, nhớ
thương...) luôn luôn hòa quyện vào cảnh vật, sự việc đang diễn ra, đang được nói đến. Khi viết
văn tự sự, người viết sẽ kết hợp kết hợp phương thức biểu cảm trong bài viết của mình khi muốn
bày tỏ cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm ở người nghe, người đọc. Các yếu tố biểu cảm trong văn
bản tự sự thường được biểu hiện qua ba dạng thức sau đây:
a) Cảm xúc được biểu hiện, được bày tỏ qua các nhân vật, nhất là qua ngôi kể thứ nhất. Ví như
nhân vật bé Hồng trong Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng đã bày tỏ thái độ đau xót của
mình với những hủ tục: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá
những cố tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết
vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Thấy rõ nhất là nhân vật bộc
lộ cảm xúc qua các từ cảm thán, các câu cảm thán, các câu hỏi tu từ. Ví như, nhân vật “tôi” đã
bộc lộ sự đau xót của mình khi nghe tin lão Hạc xin Binh Tư bả chó thông qua một loạt từ cảm
thán và câu cảm thán, câu hỏi tu từ: “Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm
liều như ai hết... Một người thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó! Một người nhịn
ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính
ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng
buồn...” (Lão Hạc - Nam Cao).
b) Cảm xúc được tác giả bày tỏ trực tiếp thông qua các động từ chỉ cảm xúc để diễn tả những
cung bậc trong trạng thái tình cảm của mình, đoạn văn sau là điển hình cho dạng thức này:
“Tôi yêu Sài Gòn da diết như người đàn ông vẫn ôm ấp bóng dáng mối tình đầu chứa nhiều
ngang trái. Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ
thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui
buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh” (Nhớ Sài Gòn - Minh Hương).
c) Tự thân cảnh vật, sự việc diễn biến mà cảm xúc tràn ra, thấm vào lời văn, trang văn do người
đọc cảm nhận được. Thông thường, cảnh vật, sự việc ấy được tác giả sử dụng nhiều từ có tính
biểu cảm, đặc biệt là những từ láy để miêu tả, thông qua sự miêu tả đó, người đọc nhận thấy
được cảm xúc mà tác giả muốn gửi gắm trong đó. Ví dụ: “Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một
ngày trong trẻo sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc Bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu
của sự sống con người thì, sau mỗi lần dông tố, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như
vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đàhơn hết cả mọi khi,
và cát lại vàng ròn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày dông bão, thì nay
lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi” (Cô Tô - Nguyễn Tuân), trong đoạn văn này, ta thấy cảm
xúc đã hòa quyện vào cảnh vật: Nguyễn Tuân đã phát hiện ra vẻ đẹp tinh khôi và hấp dẫn của Cô
Tô sau cơn bão. Chẳng cần bày tỏ trực tiếp, chỉ qua cách tái hiện lại cảnh vật, người đọc thấy
Nguyễn yêu da diết và nặng lòng với Cô Tô, một mảnh hồn của đất nước trên vùng vịnh Bắc Bộ,
đến mức nào!
2.3. Tự sự và thuyết minh
Tự sự và thuyết minh là hai kiểu văn bản rất khác nhau. Nhưng trong văn bản thuyết minh, khi
cần, người ta cũng lồng ghép vào một số đoạn văn tự sự. Ví dụ khi thuyết minh về một thắng tích
lịch sử, người ta có thể đưa vào một số đoạn trần thuật một sự kiện lịch sử, kể lại một huyền
thoại,… liên quan trực tiếp đến thắng tích lịch sử ấy. Khi thuyết minh một vấn đề văn hóa, văn
học, người ta có thể thuật, tóm tắt lại một tác phẩm văn học làm cơ sở, luận cứ cho việc thuyết
minh sinh động, sáng rõ thuyết phục hơn.
Sự lồng ghép này có thể ứng dụng rất phổ biến trong loại truyện viết về các danh nhân, các nhà
văn hoá- khoa học, các nhà văn- nghệ sĩ lớn; truyện về các nhân vật lịch sử... Chẳng hạn trích
đoạn sau đây kể về cuộc đời Võ Nguyên Giáp, một nhân vật lịch sử của Việt Nam thời hiện đại.
Nếu đọc toàn bộ văn bản tự sự này, ta sẽ thấy người viết giới thiệu rất nhiều những con người, số
liệu và sự kiện lịch sử có thật một cách khách quan nhằm giúp người đọc thấy rõ chân dung của
nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp. Đó chính là vai trò của văn thuyết minh trong tự sự :“
Khoảng đầu tháng 10.1930, trong cuộc khủng bố Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và
bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ
Thuần Nho và các thầy giáo Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp
của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại
Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế tiếp tục làm báo Tiếng dân, Võ Nguyên Giáp bèn trở về quê
rồi ra Hà Nội, miệt mài tự học chương trình hai lớp đệ tam, đệ tứ trung học và chương trình
bằng Tú tài phần I. Lúc này, Trường Trung học Albert Sarraut tại Hà Nội mở một lớp thí sinh tự
do cho những ai muốn dự thi Tú tài phần II. Võ Nguyên Giáp đăng ký thi và đã đỗ đầu. Bạn học
cùng lớp này có Phạm Huy Thông. Sau khi có bằng tú tài toàn phần, Võ Nguyên Giáp được
nhận vào dạy ở Trường tư thục Thăng Long về Lịch sử và Pháp văn.” [1]
Ngược lại trong văn tự sự, khi cần, người ta cũng lồng ghép vào một số đoạn thuyết minh với
những số liệu, sự kiện, chi tiết rất cụ thể nhằm tạo ấn tượng sâu đậm về đối tượng được nói tới.
Chẳng hạn đoạn viết về cây xà nu trong thiên truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành:
“Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có
bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít
loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh
nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ
nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại
bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không
lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được
đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết
nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng
vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm
ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”
Trong một số truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử; một số tiểu thuyết hiện đại, các nhà văn có xu
hướng lồng ghép những trang, đoạn thuyết minh để tăng cường giá trị nhận thức của tác phẩm về
mặt lịch sử và khoa học. Hạt cơ bản của Michel Houellbec hoặc Tô tem sói của Khương Nhung
là những tác phẩm như vậy.
2.4. Tự sự và nghị luận
Tự sự là kể chuyện thông qua các sự việc, nhân vật, chi tiết, cốt truyện..., còn nghị luận là bàn
bạc, thuyết phục bằng lí lẽ, chứng cứ. Một bên sử dụng nhiều hư cấu, tưởng tượng... bên kia chủ
yếu dùng tư duy lô-gic, luận lí... Như thế hai kiểu văn bản này rất khác nhau. Tuy nhiên, khác
nhau không phải là không có mối quan hệ. Do nhu cầu tái hiện lại cuộc sống một cách đa dạng
và phong phú, có thể nói văn bản tự sự “thu nạp” trong mình tất cả các dạng thức phản ánh cuộc
sống, trong đó có nghị luận. Con người ngoài đời có tất cả các cung bậc tình cảm và cũng có
nhiều trăn trở băn khoăn, nhiều suy ngẫm, triết luận... thì trong văn học cũng có các nhân vật
tương ứng. Chính vì thế, yếu tố nghị luận thể hiện rõ ở văn bản tự sự trong những truyện với các
tình huống và nhân vật mang nhiều dằn vặt, suy tư, triết lý. Trong các tác phẩm của Nam Cao,
không chỉ những truyện viết về đề tài trí thức như Sống mòn, Đời thừa, Trăng sáng, Mua nhà,
mà ngay cả truyện viết về nông dân như Chí Phèo, Lão Hạc cũng rất nhiều câu văn, đoạn văn
mang tính triết lí sâu sắc, thể hiện rõ sự lập luận chặt chẽ. Hãy đọc đoạn văn sau đây: “Chao ôi!
Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu
ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là
những người đáng thương, không bao giờ ta thương...”, hoặc “ Một người đau chân có lúc nào
quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì
người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”[1] v.v.
Các yếu tố nghị luận cũng không nhằm mục đích nào khác là khắc sâu, tô đậm thêm tính cách
nhân vật và khơi gợi trong người đọc những suy ngẫm về con người, cuộc đời. Văn bản tự sự sau
đây là một văn bản chứa các yếu tố nghị luận như thế.
Bức tranh tuyệt vời[1]
Một hoạ sĩ suốt đời mơ ước vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết
được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời : "Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, vì niềm
tin nâng cao giá trị con người".
Hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời : "Tình yêu là điều đẹp nhất trần
gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ khóc than, làm
cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu".
Cuối cùng hoạ sĩ gặp một người lính mới từ trận mạc trở về. Được hỏi, người lính trả lời : "Hoà
bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hoà bình ở đó có cái đẹp". Và hoạ sĩ tự hỏi mình : "Làm
sao tôi có thể vẽ cùng lúc niềm tin, hoà bình và tình yêu ?".
... Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người
vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông tràn ngập hạnh phúc và bình an. Hoạ sĩ đã hiểu thế
nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là : "Gia đình".
Thật vậy, gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của
người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh
phúc, là sự ân cần, là lòng chung thuỷ. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học
những điều hay lẽ phải, niềm tin và lí tưởng sống.
- Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ.
- Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng là mĩ vị.
- Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu.
- Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui hạnh phúc.
2.5. Miêu tả và biểu cảm
Nhìn chung, văn biểu cảm phân biệt với văn miêu tả một cách rõ rệt. Nếu miêu tả nhằm tái hiện
đối tượng trong thế giới khách quan, thì văn biểu cảm lấy việc biểu lộ nội tâm chủ thể làm mục
đích. Phương thức miêu tả là sử dụng các chất liệu tạo hình, còn biểu cảm thì sử dụng các chất
liệu gợi tình.
Trong văn biểu cảm cũng sử dụng khá phổ biến các yếu tố miêu tả như màu sắc, ánh sáng, âm
thanh... Nhưng, chúng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Chẳng hạn, trong đoạn thơ
sau đây của Tố Hữu:
“Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...”
(Tố Hữu- Tâm tư trong tù)
Rất nhiều âm thanh được dùng để miêu tả cuộc sống nô nức bên ngoài nhà lao, nhưng tất cả chỉ
để bộc lộ nỗi cô đơn, tù hãm của tác giả bên trong nhà lao.
Trong văn miêu tả, trái lại, cũng có rất nhiều yếu tố cảm xúc, nhưng các yếu tố cảm xúc đó cũng
không nằm trong chủ đích của người viết (nói) mà chỉ là phương tiện để miêu tả cảnh vật, con
người thêm sinh động và có hồn. Ví dụ:
“Trời quang, lấp lánh sao, hứa một đêm phẳng lặng. Gió sông lên đầy. Làng mạc xa xa, chìm mờ
trong bóng tối, đôi lúc để lọt ra vài tiếng chó sủa ma. Mấy điểm đèn hạt đậu run trên sông như
những con mắt buồn từ kiếp trước. Bỗng giữa khoảng triền miên rộng rãi, ngân đưa một điệu hát
lơ lửng bay trên dòng nước, một điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ:
Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền
Muốn về bên ấy, nhưng duyên lỡ rồi !
Nhịp hát gần lại và xa đưa theo chiếc thuyền nhỏ, cô độc, ảo não, trong sự tỏ bày của một tấm
lòng thương nhớ mênh mông”[1]...
Rất nhiều từ ngữ tả tình, gợi tình, nhưng cái buồn “từ kiếp trước” ấy chỉ cốt làm cho cảnh vật có
được cái linh hồn huyền bí của một đêm sông nước tĩnh mặc.
Trong văn miêu tả lại có những đoạn văn tả nội tâm, thật khó phân biệt với văn biểu cảm, nhất là
khi miêu tả nội tâm của chính mình:
... “Tôi luôn cảm thấy buồn và cô đơn. Nhất là buổi chiều. Những người đi làm đồng hay đi đâu
đó đều trở về nhà, hí húi nấu cơm và bận rộn với bao nhiêu công việc gia đình. Những lúc ấy, tôi
một mình đi bộ ra cánh đồng. Mộ mẹ tôi kia- một nấm đất con con nằm giữa đồng lúa. Tôi hái
một bó hoa có đủ các màu để lên góc mộ. Rồi tôi ngồi xuống bên cạnh. Mặt đất âm ấm quen
thuộc và gần gũi. Phút chốc, tôi như bị ngợp đi trước một thiên nhiên rộng lớn lung linh màu sắc
và vang động những âm thanh. Một cơn mưa bóng mây. Phía chân trời ửng lên màu hồng tía vừa
rực rỡ vừa im lìm. Những bông lúa trổ nhánh màu xanh lục vươn cao toả những chiếc lá dài sắc
nhọn vào trong hoàng hôn tím lịm. Bầy châu chấu bay lên, cánh mỏng nhiều màu sắc va vào
nhau tiếng rào rào như mưa sa. Cái áo trắng tôi đang mặc đã đổi sang màu tím sẫm của hoàng
hôn. Tôi bàng hoàng khi từ đâu đó cất lên tiếng sáo diều nghiêng trầm lảnh lói- những âm thanh
trong trẻo hoà vào trong trời đất mênh mông rợp bóng mây ngũ sắc. Ôi thiên nhiên rộng lớn,
hùng vĩ, kì lạ có thấy chăng kiếp người nhỏ bé, khổ ải và ngắn ngủi. Mẹ ơi, sao mẹ không còn
sống đến hôm nay để con trò chuyện với mẹ, để con khóc với mẹ. Bà thương con, nhưng bà già
rồi, con không muốn làm bà buồn khổ. Chỉ có mẹ, con tin thế, là mẹ hiểu con. Mẹ ở đâu ? Nước
mắt tôi chảy dài xuống má...”[1]
Những nhận xét và đánh giá đều tập trung vào làm rõ thêm đặc điểm và yêu cầu của một đoạn
văn tự sự có kết hợp với yếu tố miêu tả và biểu cảm. Chẳng hạn với đoạn văn của
Nam Cao sau đây:
“ Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi chơi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
- Cậu vàng đi đời rồi, ông giáo ạ !
- Cụ bán rồi ?
- Bán rồi. Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm
choàng lấy lão mà oà lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như
trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à ?
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu
lão ngoẹo về môt bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu
khóc...”
( Trích Lão Hạc - Nam Cao )
Sự việc trong đoạn văn của Nam Cao rất đơn giản, chỉ là việc lão Hạc báo tin đã bán cậu vàng
cho ông giáo biết, nhưng Nam Cao đã lồng vào đó các yếu tố miêu tả và biểu cảm rất đậm nét.
Đó là việc ông tập trung tả lại chân dung đau khổ của lão Hạc với những chi tiết rất độc đáo: nụ
cười như mếu, mắt lão ầng ậng nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại, cái
đầu lão ngoẹo về môt bên, cái miệng móm mém mếu như con nít. Lão hu hu khóc. Các yếu tố
miêu tả và biểu cảm trên đã khắc sâu vào lòng bạn đọc một lão Hạc khốn khổ về hình dáng bên
ngoài và đặc biệt là thể hiện được rất sinh động sự đau đớn, quằn quại về tinh thần của một
người trong giây phút ân hận, xót xa “già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”
Tóm lại, các yếu tố miêu tả và biểu cảm này làm cho ý nghĩa của truyện càng thêm thấm thía và
sâu sắc. Nó cũng giúp tác giả thể hiện được thái độ trân trọng và tình cảm yêu mến của mình đối
với nhân vật và sự việc. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là các yếu tố tự sự không quan
trọng. Ngược lại nếu bỏ hết các yếu tố kể trong đoạn văn trên chỉ để lại các câu văn miêu tả và
biểu cảm thì không có chuyện. Bởi vì cốt truyện là do sự việc và nhân vật cùng với những hành
động chính tạo nên. Các yếu tố miêu tả và biểu cảm chỉ có thể bám vào sự việc và nhận vật mới
phát triển được. Nòng cốt của đoạn văn tự sự là sự việc và nhân vật chính. Các yếu tố miêu tả,
biểu cảm phải dựa vào sự việc và nhân vật chính để phát triển. Những yếu tố này kết hợp, đan
xen, thậm chí nhiều khi như hoà lẫn trong một đoạn văn. Tuy vậy các yếu tố miêu tả và biểu cảm
dù chiếm tỉ lệ nhiều hay ít cũng chỉ tập trung làm sáng tỏ cho sự việc cũng như nhân vật chính
mà thôi.
2.6. Nghị luận và các phương thức khác
Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng trong đời sống xã hội, có vai trò rèn
luyện tư duy và năng lực biểu đạt những vấn đề có ý nghĩa trong thực tế đời sống. So với các
kiểu văn bản như kể chuyện, miêu tả, biểu cảm... văn nghị luận có những điểm khác biệt.
Nếu như văn miêu tả, kể chuyện chỉ qua một số từ ngữ mà lột tả và làm sống dậy trước mắt
người đọc thần thái của sự vật, sự việc... thì văn nghị luận lại tiêu biểu cho cách nói chặt chẽ,
hùng hồn và giàu sức thuyết phục. Nếu như văn hư cấu tác động nhiều vào trí tưởng tượng, kích
thích óc quan sát… thì văn nghị luận tác động mạnh mẽ vào nhận thức lí tính, nâng cao khả năng
lập luận, rèn luyện tư duy lô-gic cho người viết.
Khác với văn hình tượng, văn nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu
bằng lí lẽ và lập luận. Nếu như văn hư cấu nhằm kích thích trí tưởng tượng, xây
dựng óc quan sát tinh tế với tình cảm chân thực, những khám phá hồn nhiên về thiên nhiên, về
đời sống gia đình, xã hội... thì văn nghị luận nhằm hình thành và phát triển khả năng lập luận
chặt chẽ, trình bày những lí lẽ và dẫn chứng một cách sáng sủa, giàu sức thuyết phục, diễn tả
những suy nghĩ và nêu ý kiến riêng của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong
văn học, nghệ thuật. Hãy đọc và so sánh các đoạn văn sau:
Đoạn 1: “... Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời sau
rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần, rồi tắt hẳn.
Trên quãng đồng ruộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại thoảng những hương thơm ngát.
Sau tiếng chuông của ngôi chùa cổ một lúc lâu, thật là sáng trăng hẳn; trời bây giờ trong vắt,
thăm thẳm và cao; mặt trăng nhỏ lại sáng vằng vặc ở trên không và du du như sáo diều; ánh trăng
trong chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường nhựa trắng xoá.
Trong cái vườn nhỏ trên bờ ao, Tuấn nằm trên chõng kê vào bóng tối, ngửa mặt lên trời. Chàng
nhìn trăng qua cành lá tre, cạnh lá sắc và đen như mực vắt qua mặt trăng, như một bức tranh Tàu.
Rêu ở tấm đá bờ ao cạnh đó bốc lên hơi lạnh. Bức tường hoa giữa vườn sáng ánh trăng lên, lá
lựu dày và nhỏ lấp lánh như thủy tinh.
Bóng cây trông mát quá, thân mật và kín đáo”...
(Thạch Lam- Nắng trong vườn)
Đoạn 2: “ Nhìn chung trong thơ cổ điển của ta, bao gồm từ Chu Mạnh Trinh trở lên, nếu xét về
khía cạnh có tính dân tộc hơn cả, có lẽ thơ Hồ Xuân Hương “thì treo giải nhất chi nhường cho
ai!”. Thơ Xuân Hương Việt Nam hơn cả, vì đã thống nhất được đến cao độ hai tính cách dân tộc
và đại chúng. Xuân Hương cũng là một “nhà nho” chẳng kém ai, cũng giỏi chữ Hán, khi cần
cũng ra được câu đối “mặc áo giáp dài cài chữ đinh”, cũng giỏi chiết tự “duyên thiên đầu dọc,
phận liễu nét ngang”, và dùng tên các vị thuốc bắc một cách tài tình. Nhưng Xuân Hương không
chịu khoe chữ. Xuân Hương đối lập hẳn với cái thái cực Ôn Như hầu, bài Cung oán ngâm
khúc của ông: “Áng đào kiểm đâm bông não chúng- Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành” lổn
nhổn những chữ Hán nặng trình trịch.”[1]
Đọc hai đoạn văn trên đây, người đọc có thể dễ dàng nhận ra đâu là văn nghị luận, đâu là văn hư
cấu tưởng tượng. Những gì tạo nên đặc sắc của lối văn hình tượng và những gì tạo nên nét riêng
của văn nghị luận ?
Đoạn 1 là đoạn văn được rút trong tập Nắng trong vườn của Thạch Lam viết trước cách mạng
Tháng Tám. Đoạn văn dùng hư cấu, tưởng tượng để tả lại cảnh một đêm trăng sáng miền quê,
đẹp đẽ và yên bình. Trong đêm trăng ấy, cố nhiên, hình ảnh đầu tiên và chủ đạo là hình ảnh vầng
trăng. “Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời sau rặng tre đen của làng xa”... “Ánh trăng
trong chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường nhựa trắng xoá”.
Để viết được những câu văn miêu tả giàu sức hấp dẫn như vậy, nhà văn cần trước hết một sự
nhạy cảm và tinh tế trong quan sát. Tác giả thấy, lúc đầu, “mặt trăng tròn, to và đỏ”, nhưng về
sau “mặt trăng nhỏ lại sáng vằng vặc ở trên không”. Ấy là một sự thật, nhưng phải là người có
óc quan sát tinh tế mới thấy được. Hình ảnh mặt trăng có sức hấp dẫn còn là do nhà văn rất
phóng túng trong liên tưởng, so sánh, ẩn dụ: ánh trăng được ví như nước, cho nên mới
“chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường nhựa trắng xoá”.
Miêu tả trăng nhưng không chỉ có trăng. Bên cạnh vầng trăng còn có hình ảnh “mấy sợi
mây...vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần...”; hình ảnh đồng ruộng có “cơn gió nhẹ hiu hiu
đưa lại thoảng những hương thơm ngát”; đặc biệt hơn còn có “tiếng chuông của ngôi chùa cổ”,
một âm thanh càng gợi cái vắng vẻ và chiều sâu huyền bí của đêm trăng. Rồi cả “rêu ở tấm đá
bờ ao”, dưới ánh trăng và hình như vì có ánh trăng mà cũng “bốc lên hơi lạnh”; “bức tường hoa
giữa vườn” cũng “sáng ánh trăng lên”; và cuối cùng, ánh trăng làm cho những “lá lựu dày và
nhỏ lấp lánh như thủy tinh”...
Khai thác vẻ đẹp của đêm trăng, nhà văn Thạch Lam đã tìm thấy cái vẻ đẹp rất thanh tú, tao
nhã hiếm thấy, và đặc biệt là cả một nét đẹp thâm trầm, bí ẩn của đêm trăng vạn đại. Cho nên,
hình ảnh “bóng cây” dưới đêm trăng cũng sao mà bí ẩn và như có linh hồn: “Bóng cây trông mát
quá, thân mật và kín đáo”... Nổi bật trong bút pháp miêu tả của Thạch Lam là một kiểu hội họa
bằng lời tràn ngập chất thi vị. Có rất nhiều ý, nhiều từ ngữ giống như trong một bài thơ:“... Ngày
chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi... Mấy sợi mây còn vắtngang qua, mỗi lúc một mảnh dần,
rồi tắt hẳn.... Ánh trăng trong chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường nhựa
trắng xoá”...
Trái lại với đoạn 1, đoạn 2 là một đoạn văn nghị luận đặc sắc. Điều gì giúp ta nhận ra đó là văn
nghị luận ?
Trước hết ở đoạn văn sau hiện thực được nói tới không phải là sự vật, sự việc, con người. Ở đây
người viết không nhằm miêu tả, dựng lên trước mắt người đọc cảnh vật một đêm trăng tuyệt đẹp
( như đoạn 1) mà tập trung nêu lên ý kiến, thể hiện quan điểm, thái độ của mình trước một vấn đề
của cuộc sống. Đó chính là luận điểm mà người viết muốn làm sáng tỏ, muốn thuyết phục người
đọc, người nghe và thuyết phục chính mình.
Linh hồn của bài văn nghị luận là luận điểm, tức là tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đánh giá
của người viết được thể hiện dưới hình thức những câu văn có tính chất khẳng định hay phủ
định. Trong đoạn văn thứ 2, luận điểm mà Xuân Diệu muốn khẳng định và làm sáng tỏ là: Nhìn
chung trong thơ cổ điển của ta, bao gồm từ Chu Mạnh Trinh trở lên, nếu xét về khía cạnh có tính
dân tộc hơn cả, thơ Hồ Xuân Hương là tiêu biểu nhất.
Có thể nói mỗi loại văn có một vẻ đẹp riêng. Nếu như văn miêu tả, kể chuyện chỉ qua một số từ
ngữ mà lột tả và làm sống dậy trước mắt người đọc thần thái của sự vật, sự việc... thì văn nghị
luận lại tiêu biểu cho cách nói chặt chẽ, hùng hồn và giàu sức thuyết phục. Do đặc điểm này mà
người viết văn nghị luận cần phải biết tư duy trừu tượng, nghĩa là phải có quan điểm, có quan
niệm, có chủ kiến; đồng thời phải biết vận dụng các thao tác phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn
dịch, so sánh... một cách hợp lý, hợp logic để phát biểu những nhận định, tư tưởng, suy nghĩ, thái
độ trước một vấn đề đặt ra. Đó chính là vẻ đẹp và cũng là yêu cầu của lập luận trong văn nghị
luận.
3. Vài lời kết
Bất kỳ một văn bản nào cũng là kết quả của sự phản ánh cuộc sống theo một hoặc vài phương
thức biểu đạt chính nào đó. Trong thực tế không có văn bản nào chỉ sử dụng duy nhất một
phương thức biểu đạt, mà bao giờ cũng có sự kết hợp đan xen giữa phương thức chính và các
phương thức bổ trợ. Chính đặc điểm này làm nên sự tinh tế, sinh động và tính chính xác của các
văn bản. Và cũng chính nó làm cho việc phân loại văn bản chỉ mang tính tương đối.
Nhà trường phổ thông cần giúp HS hiểu và vận dụng được đặc điểm này trong việc dạy học đọc
hiểu cũng như tạo lập văn bản thì kết quả dạy học mới sâu sắc và có chất lượng. Chương trình và
SGK Ngôn ngữ và văn học nhiều nước rất chú ý điều này; chương trình và SGK Ngữ văn Việt
Nam sau 2000 cũng đã được xây dựng trên tinh thần ấy, nhưng tiếc rằng thực tiễn dạy học chưa
đáp ứng được những yêu cầu như thế.