Tải bản đầy đủ (.doc) (209 trang)

BÌNH THƠ TỪ 100 BÀI THƠ HAY THẾ KỶ XX - TẬP II

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (560.48 KB, 209 trang )

BÌNH THƠ TỪ 100 BÀI THƠ HAY THẾ KỶ XX - TẬP II
BÌNH THƠ
TỪ 100 BÀI THƠ HAY THẾ KỶ XX
TẬP II
VŨ QUẦN PHƯƠNG (Chủ biên)

1. BÍCH KHÊ
Sinh: (1916 – 1945)
Quê: Quảng Ngãi.
Tác phẩm thơ đã in: Tinh huyết, Thơ Bích Khê.
Tì Bà
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: Em ơi


Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng


Tình tang tôi nghe nhu tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: Em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu

Buồn lưu cây đàn tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn tương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
Lời bình
Tạo nên khúc Tì bà bằng ngôn ngữ thơ, Bích Khê có hai sở
hữu:


Thứ nhất là một mối tình run rẩy với giai nhân “Ôi! Nàng năm
xưa quên lời thề”. Tất cả những thiết tha, đắm say, mơ mộng dành
cho người đẹp giờ đây dồn hết cho âm nhạc, dâng lên cao nhất từ
đoạn ba tới đoạn năm, người đọc gặp ở đây tình – nhạc, nhạc – tình
hoà lẫn, hiện hình trong cùng một lúc xúc cảm, câu chữ, hình ảnh,
âm điệu… Khó mà tách bóc trước sau những yếu tố trên trong
những cặp đôi hay đến chót vót.
– Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ


– Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

– Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Nhưng điệu Tì bà phải dần dần hạ xuống bởi niềm say đắm
miên man của chàng thi sĩ chỉ là đơn độc.
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Không phải sở hữu người tình mà sở hữu một mối tình không,
người thi sĩ đã lấy mối đau đớn hi sinh kia làm “vốn” tạo nên khúc Tì
bà thơ truyền đời. Nảy sinh từ cao thượng ấy, Bích Khê đã mang tới
cho thơ Việt những cấy ghép mới đầy cách tân so với thơ mới đương
thời: trăng thiu, đêm hiu. Hành xử táo bạo “tiên phong” ấy vẫn cứ là


một kêu gọi không bao giờ lùi bước trước sáng tạo thơ cho tới hôm
nay và mãi mãi.
Sở hữu thứ hai với tác giả Tì bà là thiên nhiên mùa thu tuyệt
vời. Vừa hỗ trợ, làm mồi dẫn, vừa là lối thoát cho trái tim đau đớn.
Ngay vào bài đã song song có mặt cùng với nàng là mùa thu huyền
diệu. Vô cùng tinh tế, ý nhị, vừa kín đáo lại vừa mênh mang:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Khúc cuối bản Tì bà, giải thoát cho nỗi vô vọng về người đẹp,

đã thánh thót những dây đàn hoà nhập vào mùa thu trùm phủ khắp
trời đất, buồn nhưng đẹp đến vô bờ:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
Không phải tắt âm với lá rụng với tuyệt vọng mà mở ra, dậy
lên men sống của sắc đẹp mùa thu… Cây đàn tì bà – trái tim người
nghệ sĩ – thi sĩ trong bao khắc khoải vẫn dâng hiến cho đời vẻ đẹp
bất tuyệt.
Trong lá thư gửi Hàn Mặc Tử, Bích Khê công bố một quyết
định: trong khoảng thời gian ba đến sáu tháng hoặc sẽ bẻ bút, hoặc
sẽ trở nên một thi sĩ phi thường. Tập thơ Tinh huyết chính là sản
phẩm phi thường ấy, trong đó cùng với một số bài thơ “trổ hoài
nghi” (Điểm lạ trổ hoài nghi – Bích Khê), có Tì bà. Dụng ý nghệ
thuật xây dựng một áng thơ gồm toàn những từ ở thanh điệu bằng
ngang (bằng cao) và thanh điệu bằng thấp (bằng có dấu huyền),
thật dễ nhận ra. Nhưng một tay thợ chữ khéo cũng có thể gắng gỏi


làm được chúng ta phục cảm tài năng một thi sĩ với không ít khám
phá ngôn ngữ thơ trong Tì bà. Những lửng lơ quấn quýt (đoạn 1,
đoạn 2), những dâng cao tha thiết (đoạn 3, đoạn 4, đoạn 5), vẻ
mỏng gầy thất vọng (đoạn 6), sự lan tỏa hòa đồng (đoạn 7), thanh
bằng chảy suốt bài thơ đã đắc lực góp vào thể hiện những cung bậc
tình cảm đan xen ấy. Trong âm nhạc, sự láy lặp từ và nhịp rất quan
trọng để tạo giai điệu. Bích Khê nắm vững đặc điểm nghệ thuật đó
để sáng tác một bài thơ biểu hiện một bản nhạc, chứ không phải
làm lời, làm ca từ cho một nhạc sĩ phổ nhạc. Tài năng chính ở chủ
động đầy tự tin ấy. Đây là một văn bản thơ hẳn hoi, hoàn chỉnh. Chỉ
có thơ mới tạo được thứ nhạc này:
– Tôi qua tim nàng vay du dương

– Tình tang tôi nghe như tình lang
Lợi thế lặp lại, láy lại từ ngữ cấu tạo song song trong hai câu,
hoặc ngay trong một câu để tạo giai điệu dằn vặt hoặc mê đắm
cuốn đi đã bộc lộ tài năng kiến trúc ngôn ngữ khó trộn lẫn của Bích
Khê. Một người bạn vừa tặng tôi một tập thơ mới hiện đại. Tôi thích
bởi thơ này gần gũi với nhịp điệu những ngày tôi đang sống. Trong
mấy ngày chịu ám ảnh của âm nhạc Tì bà được viết cách đây quá
nửa thế kỉ, tự nhiên thưởng thức của tôi cứ bị vòng trở lại…
TRÚC THÔNG

2. TRẦN ĐĂNG KHOA
Sinh: 1958. Quê: Hải Dương.
Hiện sống và viết tại Hà Nội.
Tác phẩm thơ đã in: Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng
trời, Khúc hát người anh hùng (trường ca), Bên cửa sổ máy
bay, Thơ Trần Đăng Khoa.


Gửi Bác Trần Nhuận Minh
Bỏ làng ra thành phố
Hai anh em thợ cày
Thân cũng như hoa cỏ
Hồn gửi vào gió mây

Người bảo bác theo Đỗ
Em phải học Lí thôi
Bác đã bay dưới đất
Em đành đi trên giời

Bác âm thầm chìm nổi

Cùng kiếp người lang thang
Em lông nhông bầu bạn
Với kiến đen chó vàng

Bao nhiêu là giun dế
Đã khiêng vác em lên
Tên tuổi em xủng xoảng
Những mõ ran trống rền…

Bác làm bông lau ngàn
Thả hồn vào hoang vắng


Khi buồn thì hát ca
Lúc lui thì im lặng

Em quấy bầu trăng gió
Bác gánh bao nỗi người
Sánh đôi mà đơn độc
“Đi mang mang trong đời”

Giờ thì em đã chán
Nhũng vinh quang hão huyền
Muốn làm làn mây trắng
Bay cho chiều bình yên

Trả niềm vui cho cỏ
Trả nỗi buồn cho cây
Lại áo tơi nón lá
Ta về với luống cày


Đất trời thì chật hẹp
Làng quê thì mênh mông
Thung thăng em với bác
Ta cưỡi thơ ra đồng.
Lời bình


Trần Đăng Khoa là em ruột Trần Nhuận Minh. Thuở chín –
mười tuổi, chú bé Khoa ở xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách, tỉnh Hải
Dương làm thơ nổi tiếng như một thần đồng thì anh Trần Nhuận
Minh của chú dạy học và lầm lụi làm thơ về than, về mỏ ở thị xã
Hòn Gai. Anh Minh được về hậu vận. Bây giờ thì cả hai anh em, kẻ
trước người sau, đều đã được Giải thưởng Nhà nước về thơ. Bài thơ
này như một trích ngang lí lịch nghệ thuật của hai anh em do chú
em láu lỉnh Trần Đăng Khoa tự khai.
Mở đầu tự nhận: anh em mồ xuất thân thợ cày, bỏ làng ra
phố. Cái nguồn gốc xuất thân ấy tạo thuận lợi cho tác giả dùng
giọng thơ nửa khôn nửa dại, nghe chất phác thật thà mà ranh ma
sắc sảo. Cái biến báo lấp lửng đùa đùa vốn là khẩu khí thường ngày
của Khoa vào bài thơ tự trào này hóa ra đắc địa. Thân cũng như hoa
cỏ – Hồn gửi vào gió mây. Hai câu thơ thâu tóm thân và phận, nói
ra bằng giọng khiêm nhường thân như cỏ mà nghĩa lí lại sang trọng,
hồn ôm trời. Bác theo chân ông Đỗ, em học trò ông Lí. Theo và học
là khiêm nhường lắm lắm. Nhưng ông Đỗ là ông thánh thơ Đỗ Phủ
và ông Lí là ông tiên thơ Lí Bạch. Hai ông khổng lồ của thơ Đường.
Một ông hiện thực thâm trầm, một ông lãng mạn phóng khoáng.
Ông hiện thực bao quát việc dưới đất, ông lãng mạn mê say việc
trên trời. Bác Minh nhà chú Khoa thuộc phía dưới đất. Thơ Trần
Nhuận Minh trong mươi năm cuối thế kỉ XX quả có bước tiến vượt

bậc trong việc dựng chân dung xã hội và chân dung nhân vật, khắc
họa khá tài tình một thực trạng hiện thực nhiều nghịch lí, nhiều xót
thương. Tác giả phân công ông anh dưới đất. Nhưng dưới đất mà
bay, bay dưới đất. Còn mình thì trên giời. Nhưng trên giời mà lại đi
đi trên giời. Bảo Khoa nói thế là để tôn trọng anh và tự giễu cái may
về “hộ khẩu” của mình cũng đúng mà bảo là Khoa coi trên giời cũng
như dưới đất, thì cũng không sai. Nhất là cái chữ đành, Em đành đi


trên giời. Thiết gì giời. Đâu thì cũng là chỗ đặt chân. Bạn đọc khó
tính bảo ông này kiêu ngầm: cho hắn lên giời mà hắn cũng chán
chết. Có lần tôi còn nghe một bạn thơ bình luận vui, vui mà cũng
khiếp: “Anh hắn chiếm dưới đất, còn hắn: trên giời – thế thì thiên
hạ hết chỗ”. Cũng là suy diễn. Trên trời dưới đất là thoát thai từ
khái niệm lãng mạn và hiện thực thôi. Khoa có nói gì đến độc chiếm
không gian đâu.
Về các nhân vật của thơ Trần Nhuận Minh, tác giả nói đúng:
Bác âm thầm chìm nổi – Cùng kiếp người lang thang. Nhân vật thơ
của Trần Nhuận Minh trong giai đoạn thành công nhất của ông là
những người cùng khổ, gánh chịu nhiều bất công. Cái tình của Trần
Nhuận Minh đối với họ sâu đậm, ông chìm nổi với họ. Khoa viết thế
là hiểu lòng anh, là biểu dương anh. Còn Khoa, so sánh với anh, thì
thơ thẩn chỉ là một thứ lông nhông. Em lông nhông bầu bạn – Với
kiến đen chó vàng. Kiến, chó, giun, dế… quả là các “nhân vật”
thường gặp trong thơ chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa dạo ấy.
Bài thơ có kết cấu song song, đoạn nói anh so sánh liền với
đoạn nói em. Tài năng ông em chín sớm, quá sớm, thành một hiện
tượng độc đáo, chưa có tiền lệ. Tài năng ông anh lại chín muộn. Mà
thơ thì đang nói ở đoạn đầu đời Trần Đăng Khoa ý tứ, khi nói về sự
nghiệp của anh, giọng thơ ông trân trọng, cách nhìn thân kính, nhận

ra nỗi vui buồn kín đáo của anh trong niềm cảm thông xa vắng:
Bác làm bông lau ngàn
Thả hồn vào hoang vắng
Khi buồn thì hát ca
Lúc vui thì im lặng
Còn khi nói về mình, ông xuê xoa tếu táo, thoáng chút giễu
cợt, cố xóa đi cái ấn tượng “thần đồng” mà người đời gán cho mình.


Bao nhiêu là giun dế
Đã khiêng vác em lên
Tên tuổi em xủng xoảng
Những mõ ran trống rền…
Cũng có người cho là Khoa tự kiêu, coi thiên hạ hâm mộ thơ
mình như giun dế. Trong đời, tôi không thấy thế, mà trong các câu
thơ này cũng không có ý ấy. Đoạn này tác giả Trần Đăng Khoa đang
nói tới những nhân vật trong thơ của “bác Minh” và của mình. Trần
Nhuận Minh viết về thợ mỏ, thơ ông gánh nông nỗi con người nơi bờ
lau bãi gió. Còn thơ Khoa thì nhung nhăng chuyện con giun đào đất,
cây dưa đủng đỉnh, con chó sợ tiếng bom, con mèo chơi tam cúc,
ông trăng thì như quả bóng thằng nào đá lên trời… Khoa thấy thơ
anh mình mang nghĩa lớn, mà phận anh (khi ấy) thì đơn độc. Còn
mình trăng gió đâu đâu, chẳng làm no làm ấm được ai mà tên tuổi
lại xủng xoảng. Lúc bé chắc cũng thích. Bây giờ hiểu việc đời thấy
cũng hão huyền, nhí nhố, ồn ào. Lòng người thơ muốn yên tĩnh lại.
Vật của cỏ thì trả cho cỏ, buồn của cây thì trả cho cây mà quay về
nghe thật lấy lòng mình. Ngược với hai câu đầu của bài thơ, giờ đây
Khoa rủ anh bỏ phố về làng, về lại nơi bắt đầu, áo tơi nón lá, nhưng
cõi lòng thanh nhẹ thung thăng. Ý thơ nhuốm vị tiêu dao Lão Trang.
Khoa viết bài thơ này ở tuổi bốn mươi. Nguyện vọng “về hưu” sớm

quá! Tôi không tin. Có lẽ do cái thế tư duy của thơ đẩy đến tình thế
ấy. Thơ nói, chứ chưa phải Khoa nói. Thực tế, lúc này Khoa đang mở
một hướng mới cho ngòi bút, ấy là văn xuôi. Văn xuôi Khoa vui
hóm, mà lại sâu sắc thâm trầm. Và Trần Nhuận Minh khai sinh mạch
thơ hiện thực đầy sức nặng, rất được công chúng tin cậy. Ông được
bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Làm việc năng nổ lắm.
Không có chuyện về làng đâu. Dù bây giờ ra đồng anh em họ không


cưỡi trâu mà cưỡi thơ như hai ông tiên ấy. Họ cũng chả về. Khoa
hay nói trạng, cũng là cách ướm thử lòng mình vào lại cõi hàn vi
như một rèn luyện, một nhắc nhở: Đừng có hoắng! Thế thôi!
Ý thơ Đất trời thì chật hẹp – Làng quê thì mênh mông ngỡ như
nói ngược, nhưng chính là đúc kết một chiêm nghiệm, thầm lặng
hiểu tấm lòng thơm thảo hồn nhiên của người dân quê. Đến đây thì
không thể nào nói Trần Đăng Khoa khinh bạc độc giả khi đọc câu
thơ Bao nhiêu là giun dế – Đã khiêng vác em lên.
Đặc sắc của bài thơ này là tình chân thực, giọng bình đạm, cho
thấy tình anh em thương trọng nhau thấm thía. Còn muốn tìm bài
độc đáo, tiêu biểu của đời thơ Trần Đăng Khoa thì vẫn phải tìm ở
giai đoạn Góc sân và khoảng trời thơ ấu.
13–9–2007
VŨ QUẦN PHƯƠNG

3. NGUYỄN KHUYẾN
Sinh: (1835 – 1909). Quê: Hà Nam.
Còn được gọi là Tam nguyên Yên Đổ.
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Lời bình
Bài này nên gọi bằng tên Nôm là Câu cá mùa thu. Đây là một
trong ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến
có tài lưu giữ phong cảnh thôn quê đồng bằng Bắc Bộ cuối thế kỉ
XIX, đầu thế kỉ XX. Cảnh quê trong thơ ông so với cảnh thật bây giờ
thì khác biệt lắm, nhưng so với các thế kỉ trước như trong thơ
Nguyễn Ức thời Trần hay trong thơ Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi
thời Hồ, thời Lê thì không khác mấy. Có lẽ nền kinh tế tiểu nông tự
cấp tự túc ngưng đọng hàng chục thế kỉ tạo nên tình thế ấy.
Trước hết hãy xét các chi tiết hiện thực được dùng làm nguyên
liệu cho thơ. Một cái ao, đủ rộng để người câu cá có thể dùng
thuyền, dù là con thuyền nhỏ, một lối ngõ trúc đủ dài để lượn quanh
co. Hai mươi năm đổ lại đây, giá đất lên cao, ao chuôm ở nông thôn
bị lấp đi nhiều. Mấy cái ao rộng trước từ đường Nguyễn Khuyến ở
thôn Bùi đã được xếp loại di tích văn hoá mới còn nguyên vẹn cho
khách về thăm dễ hình dung cảnh trí bài thơ này. Nhưng các ngõ thì
trúc không còn mà cũng không còn được quanh co nữa, tốn đất, lại
khó cho xe máy đi nhanh. Nói thế để thấy thơ phong cảnh quê
hương làng nước nhà mình của Nguyễn Khuyến hay của một ai hậu
thế như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… đã dần
dà trở thành hiện vật hình ảnh trong bảo tàng tâm hồn của chúng ta
rồi. Mỗi lần đọc là một lần ta sống lại cảnh xưa và nhập vào hồn cũ.

Bài thơ làm theo luật Đường, tiếng rằng tám câu, nhưng bốn
câu giữa thu lại chỉ là hai cặp. Có mở ra mà ôm cảnh cũng chẳng
được bao nhiêu. Nhà thơ buộc phải dùng thủ pháp chấm phá, điểm
vài nét mà tạo thần thái cho cảnh sắc, đánh thức vào tưởng tượng
của người đọc. Những bạn đọc trẻ hôm nay không kịp biết nông
thôn xưa chắc sức cảm thông lưu luyến với bài thơ này cũng có


phần trở ngại. Không biết ngành điện ảnh có lưu giữ được những
hình ảnh quê hương ta của thời xa cũ ấy không.
Thơ nói chuyện câu cá, nên mở bài Nguyễn Khuyến vào ngay
cái ao và con thuyền câu nhỏ. Hai giác quan được huy động ngay
trong câu thơ đầu: lạnh lẽo và trong veo, gợi hơi thu xứ Bắc. Con
thuyền câu trong ao vốn nhỏ, nhưng trạng từ tẻo teo lại làm cho nó
nhỏ thêm. Trời thu cao và rộng nên con thuyền hoá nhỏ hơn, cái
ngõ trúc cũng vì thế mà quanh co hơn. Tả dưới đất mà cho cảm
nhận trên trời. Đấy là chỗ tinh tế có sẵn trong hồn Nguyễn Khuyến,
không phải do khôn ngoan của bút pháp mà nghĩ ra đâu, nên giọng
thơ thanh thoát thoải mái, không định mà thành.
Ở trên tôi có nói bốn câu giữa thành hai cặp, ấy là hai câu thực
ba bốn và hai câu luận năm sáu. Dưới bút Nguyễn Khuyến, bốn câu
này đều là thực cả, không luận chi hết. Hai câu đối nhau, lại cùng tả
cảnh dễ thành áp đặt, công thức kiểu con chó đi ra thì con mèo phải
đi vô, như hồi nào các nhà Thơ mới chế giễu thơ cổ điển. Nguyễn
Khuyến tài hoa, ông đối lời, nhưng ý thơ thì lại đi liền trong một vế.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Đối rất chỉnh từng loại từ, nhưng câu dưới mở không gian rộng
hơn, động hơn, tốc độ hơn, khẽ đưa vèo. Tránh được đơn điệu trong
lặp ý, lại tạo sinh động cho cảnh. Nhưng cặp đối sau đó, tác giả

không lập lại dạng thức này. Ông giữ nguyên nhịp độ chuyền ý
trong hai câu như nhau, cả hai đều là cảnh tĩnh, nhưng hướng một
cảnh theo chiều cao, một cảnh theo chiều rộng; Tầng mây lơ lửng
trời xanh ngắt gợi một chiều cao sâu thẳm ở trên đầu. Ngõ trúc
quanh co khách vắng teo. Con ngõ như hẹp lại và dài ra, lại vắng


người đi, nên mở một chiều ngang cũng sâu hút, tịch mịch. Không
gian lặng lại, bất động, chuẩn bị sự bất động của con người ở ý kết.
Con người, cố nhiên là ông câu cá, ở đây là chính tác giả. Nếu
sa vào cảnh nữa thì lạc đề, phải trở lại chuyện câu cá. Người câu mà
như không câu, có giật, có lôi gì đâu, cứ tựa gối buông cần, tự lúc
nào rồi vẫn im như tượng. Không cả chút nhấp nháy trên phao.
Không hiểu sao ba chữ đ trong cá đâu đớp động lại gợi một sự
nghiêng tai lắng nghe mà không thấy tiếng. Nhưng không phải sự
nghiêng tai của ông câu. Sự nghiêng tai của người đọc. Ông câu
trầm tư quá. Không hiểu ông câu cá hay câu tâm hồn mình.
Bài thơ tả ít mà gợi được thần thái phong cảnh mùa thu xứ
Bắc. Bút pháp kĩ càng mà lại thoải mái, tự nhiên. Đấy cũng là đặc
điểm của tài thơ Nguyễn Khuyến. Nhưng đẹp, tinh thì vẫn chỉ là một
bài thơ phong cảnh, kiểu Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ. Người,
ông câu, cũng là một yếu tố của cảnh. Bạn đọc hôm nay khi sử
dụng một bài thơ thèm được sở hữu nhiều hơn thế. Có lẽ đấy là lí do
để sau Nguyễn Khuyến, thơ nước ta phải chuyển sang hình thức mới
sao cho chất chứa được nhiều hơn việc của lòng người.
14 – 7 – 2007
VŨ QUẦN PHƯƠNG

4. YẾN LAN
Sinh: (1916 – 1988). Quê: Bình Định.

Tác phẩm thơ đã in: Những ngọn đèn, Tôi đến tôi yêu, Lẵng
hoa hồng, Giữa hai chớp lửa, Én đào, Thơ Yến Lan.
Bến Mi Lăng
Bến Mi Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu


Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời gõ vàng, trời thiếu những gì sao

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây chủ bến Mi Lăng

Nhưng đêm kia đến một chàng kị mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu li
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
Đế thuyền hồn bơi khỏi bến Mi Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng



Bến Mi Lăng còn lạnh, bến Mi Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Lời bình
Thuở Yến Lan viết Bến Mi Lăng ông đang ở Trường thơ loạn
(thơ điên) cùng Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử mà tuyên ngôn là lời
tựa tập thơ Điêu tàn. Nhưng Yến Lan không “điên cuồng” như Hàn
Mặc Tử, Chế Lan Viên mà “Yến Lan đi quá xa” trong miền mơ mộng,
như Hoài Thanh nhận xét. Bài thơ Bến Mi Lăng chính là “Cả trời
thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta”, theo với cái say trăng
trên Bến Mi Lăng của Yến Lan.
Bài thơ mở ra với cái vô sự của tất cả, cả cảnh vật và con
người đều vô sự. “Bến Mi Lăng nằm không”, một cái bến cô liêu,
một không gian tịch liêu; một con thuyền “đợi khách”, con thuyền
cũng nằm im trên bến vì không có khách sang sông. Vắng khách,
ông lái chẳng chở đò đã đành, mà cũng “chẳng buông câu” kiếm
dăm ba con cá ăn, hay để tiêu sầu. Ông lái đò không uống rượu vì
“rượu hết rồi”; ông lái đò không đọc sách để “Trăng thì đầy rơi vàng
trên mặt sách”. Ông lái đò không thổi sáo, không “run người ra
tiếng địch” không nhờ tiếng sáo chở hồn “lên tắm bến trăng cao”.
ông lái tôn trọng cái “đìu hiu” của đất, cái “tĩnh mịch” của trời, cứ để
cho tất cả trời đất vạn vật trong trạng thái tự nhiên, như nhiên. Trời
đêm ấy “võ vàng” như gầy hơn, tiều tụy hơn vì trăng tỏ nhưng sao
mờ “trời thiếu những vì sao”. Không gian có gió, nhưng gió quá nhẹ,
gió mơ hồ chỉ đủ để khẽ lay động mấy sợi râu, gợi thêm chút buồn
cho ông lái đò: “Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Dòng chảy dưới
bến cũng chỉ là một dòng quẩn đưa những xác lá vàng “trôi quanh
thuyền”, chẳng cuốn lá đi xa. “Những lá vàng quá lạnh” vì chúng đã
là những xác lá chết, đã lìa cành quẩn theo dòng nước lạnh. “Chiều”



của Yến Lan không giống “chiều” của Hồ Dzếnh. “Chiều” Hồ Dzếnh
như một tình nhân trong phút chia tay lưu luyến, bịn rịn cứ muốn
níu kẻo “ngày” lại: “Chiều chậm đưa chân ngày”. Còn “chiều” của
Yến Lan là thứ “chiều nghi ngút”, một thứ chiều vừa đơn côi vừa tủi
buồn, nó “dài trôi về nẻo quạnh”, để nhanh chóng bàn giao cho
“đêm” quản lí toàn bộ không gian bến Mi Lăng: “Để đêm buồn vây
phủ bến Mi Lăng”. Yến Lan đã công phu chuẩn bị đến như thế để
đắm mình trong đêm trăng bến Mi Lăng, ru hồn với trăng và bị
trăng hút hồn.
Đây không phải là “nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự” (Trăng
nhàn hạ soi bóng người nhàn hạ) của Trần Nhân Tông khi ông về
chơi ở Hành cung Thiên Trường; mà cũng không phải cái thứ môtip
ông lão chài hóa đá trong Vọng Trường Dụng của Vương Xương Linh
đời Đường bên Trung Quốc, đừng nhọc lòng đi tìm mối liên hệ xa xôi
như thế làm gì. Đây hẳn hoi là cảm xúc, cảm nhận của một hồn thơ
lãng mạn mơ mộng bậc nhất, “đi quá xa” trong miền mộng mơ của
Thơ mới đương thời.
Hoài Thanh đã rất tinh tế và nhạy cảm khi khái quát cái chất
của các thi sĩ Bình Định là “cái vầng trăng vẫn thường ám ảnh” hồn
thơ họ. Nếu có mối liên hệ nào của Yến Lan với Hàn Mặc Tử trong
Trường thơ loạn thì đó chính là cái bến sông trăng và con thuyền
hồn, con thuyền chở trăng về với người, chở hồn người lên với trăng
như thiết lập một giao thông huyết mạch cho THƠ. Nếu thiếu
TRĂNG thì THƠ không chảy trong huyết quản của thi sĩ. Trăng là
khoảng vọng Mĩ Nhân của Hàn Mặc Tử: “Trăng nằm sóng soãi trên
cành liễu – Đợi gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn). Nhưng trăng của
Yến Lan lại khác: “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách”, trăng rắc
bụi vàng lên nẻo đường dương thế khiến cho chàng kị mã đến bến
Mi Lăng một đêm trăng phải… “gọi đò, gọi đò như hối hả – Sợ trăng



vàng rơi khuất lối chưa đi” mà có thể lạc đường. Áo chàng kị mã có
màu “ngọc lưu li” xanh biếc đã “nhúng đầy trăng”. Trăng dát vàng
lên cành cây ngọn lá “Tiếng gọi đò” được nhắc đến năm lần rung lên
giữa hư không của đêm trăng vàng bến Mi Lăng chẳng lay động
được ai, chỉ làm “run rẩy cả ngành trăng”:
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Trăng Mi Lăng là những sợi tơ trời quấn quýt lấy hồn người:
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng… trăng
Cái đêm trăng vàng đầy tơ vương Mi Lăng đã làm một điều tội
lỗi: nó quyện hồn Yến Lan vào hồn ông lái đò rồi cả hai khua nhẹ
mái chèo “Để thuyền hồn bơi khỏi bến Mi Lăng”, “Chở mãi hồn lên
tắm bến trăng cao”.
Say trăng đến hồn lìa khỏi xác, say trăng đến chết thì là thứ
say cao nhất rồi. Nhưng say trăng là say Cái Đẹp, là say Mộng.
Thiếu trăng, thiếu cái đẹp, thiếu mộng thì lấy gì cho máu chảy trong
tim, trong huyết quản của thi sĩ?
Thi sĩ tôn thờ Cái Đẹp suốt đời đi tìm cái đẹp, gắn bó phần hồn
tinh túy với trăng, hiện thân của cái đẹp, đến chết vẫn vương sợi tơ
trời. Khi đã nâng hồn lên tầng của cái đẹp vĩnh hằng thì sẽ bay sạch
mùi độ nhật kiếm cơm của ông lái đò, mùi tanh của con cá câu trên
bến Mi Lăng, bay sạch men rượu dễ làm ta không tỉnh táo, sẽ không
còn phải nghe tiếng hối thúc của chàng kị mã hối hả cưỡi ngựa qua
đò đi tìm hư danh trên những nẻo đường trần thế. Hồn lãng mạn
của Yến Lan chính thức nằm trong Trường thơ loạn cùng Chế Lan
Viên là ở ý nghĩa này. Nó tạo ra “cái không khí lạ lạ nhưng nhẹ
nhàng dễ khiến người ta thích” (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nanh.



ĐẶNG TƯƠNG NHƯ

5. VŨ ĐÌNH LIÊN
Sinh: (1913 – 1996). Quê: Hải Dương
Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê triết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài giời mưa bụi bay.


Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?
(1936)
Lời bình
Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng
của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo từng nét
Như phượng múa rồng bay.
Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời
khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê,
bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo
nghiệp khoa bảng. Đỗ cao thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì
cũng ông cử, ông tú, chứ ông đồ là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành,
danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lí số ở nơi
đô hội như có lần Tản Đà đã làm. Ngày Tết, mài mực bán chữ ngoài
vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của Nho gia. Chữ thì cho chứ ai
lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và
cũng thán phục cái thứ chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ,
nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang
cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là
cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu:
cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ có nhiều nhặn gì


đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng
nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ đến cương vị người bán, thì
đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống
được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này. Nhưng
cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay

đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì mà quyến
luyến cái thứ chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ
của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài giời mưa bụi bay.
Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô
gái hết nhan sắc. Còn duyên kẻ đón người đưa – Hết duyên đi sớm
về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện
thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ,
cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như
nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi
sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện
thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ “đắt
khách” nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa thu
rơi trên mặt giấy nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng


đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên
cái chợ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động
của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra
như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội
qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông
đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không

ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể,
hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ
mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn,
vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết
những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này
với đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng
cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.
Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trống của đoạn thơ
trước khi vào bốn câu kết:
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Hãy trở lại câu thơ đầu bài Mỗi năm hoa đào nở để thấy quy
luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn vẫn ngồi đấy,
nhưng năm nay ông không còn kiên nhẫn được nữa: Không thấy
ông đồ xưa. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của
một nghề, mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức
của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến
tiếc, nhưng quá muộn rồi. Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi
hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. Hai câu thơ hàm
súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là


đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì
thuộc về dân tộc. Về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai
thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài
ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi,
đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ
muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng

gợi bâng khuâng luyến nhớ. Câu thơ không phải là nỗi đau nức nở,
nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.
VŨ QUẦN PHƯƠNG

6. HỮU LOAN
Sinh: 1916. Quê: Thanh Hóa.
Hiện sống và viết tại Thanh Hóa.
Tác phẩm thơ đã in: Màu tím hoa sim.
Đèo Cả
Đèo Cả! Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
sầu đại dương!

Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương
Bên quán “Hồng quân”
người
ngựa
mỏi


Nhìn dốc ngồi than
thương
ai
lên
đường
Chầy ngày
lạc giữa núi
Sau chân

lối vàng
xanh tuôn
Dưới cây
bên suối độc
Cheo leo chòi canh
như biên cương
Tóc râu
trùm lai rộng
Không nhận ra
người làng
Ngày thâu
vượn hú
Đêm canh
gặp hùm lang thang
Rau khe


cơm vắt
Áo phai
màu chiến trường

Gian nguy
lòng không nhạt
Căm thù
trăm năm xa
Máu thiêng
sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
ông cha
“Cần xây chiến lũy ngất

đây hình hài niên hoa
–Xâm lăng!
Xâm lăng!
Súng thèm
gươm khát…”
– Ai ngân lung lay
đêm quê nhà!
Nhớ lần theo Đèo Cả
Hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau bữa


×