1
MỞ ĐẦU
Khi nghiên cứu các đặc điểm tâm lý dân tộc chúng ta không thể không
nói tới các vấn đề ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và ý thức quốc gia. Ba vấn
đề này luôn nằm trong mối liên hệ biện chứng với nhau và ảnh hưởng đến đời
sống xã hội của địa phương, cũng như của quốc gia. Nói cách khác, chúng tác
động tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau. Tuỳ theo thời điểm, hoàn cảnh, đặc điểm
của mỗi dân tộc mà ý thức nào thể hiện nổi trội hơn và được quan tâm hơn.
Ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và ý thức quốc gia được hiểu là sự
nhận thức tích cực của chủ thể về cộng đồng, dân tộc, quốc gia và được biểu
hiện bằng thái độ và hành động mà cá nhân nhận thấy cần phải có đối với
cộng đồng, dân tộc, quốc gia của mình. Ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và ý
thức quốc gia là ý thức về nhóm ở ba cấp độ khác nhau. Giải quyết mối quan
hệ và xây dựng một mối quan hệ hài hoà giữa ý thức cộng đồng , ý thức dân
tộc và ý thức quốc gia là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Mối quan hệ
này có liên hệ trực tiếp đến sự ổn định của đất nước và an ninh quốc gia.
NỘI DUNG
1. Vấn đề ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và ý thức quốc gia
1.1. Ý thức cộng đồng
Có một điểm cần được chú ý khi dùng khái niệm cộng đồng là cộng
đồng là khái niệm mở. Cộng đồng có thể hiểu là một nhóm xã hội nhỏ (cộng
đồng dòng họ), một nhóm xã hội lớn (cộng đồng làng xã, buôn làng), nhóm
xã hội rất lớn (cộng đồng một dân tộc, cộng đồng một tộc người). Ở đây chỉ
tìm hiểu cộng đồng ở cấp độ nhỏ: cộng đồng dòng họ và cộng đồng làng xã,
buôn làng.
Trong cộng đồng, các cá nhân có những mối liên hệ và phối hợp hành
động với nhau trực tiếp hơn. Sự ảnh hưởng giữa các cá nhân với nhau cũng rõ
2
nét hơn. Khái niệm cộng đồng trong nghiên cứu này là các thôn, buôn, ấp…
và ở các đô thị là các tổ dân phố. Đối với xã hội Việt Nam mà gần 80% dân
số là cư dân nông nghiệp, sống ở nông thôn thì cộng đồng có đặc điểm rất
riêng và có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của người dân. So với dân tộc và
quốc gia thì cộng đồng là nhóm gần các cá nhân nhất. Trong cộng đồng các
mối quan hệ có tính trực tiếp hơn, sự phối hợp hành động trực tiếp hơn. Ý
thức cộng đồng là ý thức về nhóm chúng ta - những suy nghĩ tích cực của cá
nhân về nhóm chúng ta, những thái độ và hành vi cho nhóm, vì lợi ích của
nhóm chúng ta. Khi nói tới ý thức cộng đồng của một dân tộc là nói tới hai
khía cạnh: Cộng đồng cư dân và cộng đồng dòng họ. Hai cộng đồng này đều
có ý nghĩa quan trọng đối với các thành viên của một dân tộc.
* Cộng đồng cư dân
Trong lịch sử dân tộc ta, cộng đồng cư dân (cộng đồng làng xã) có vai
trò to lớn đối với mỗi gia đình và cá nhân. Trong xã hội phong kiến cộng
đồng làng xã có tính độc lập tương đối. Một số nhà nghiên cứu gọi đây là một
cát cứ, một “quốc gia nửa tự trị”. Sở dĩ cộng đồng làng xã được gọi như vậy
là do một số đặc điểm sau:
Cộng đồng làng ngoài việc thực hiện các luật pháp của nhà nước phong
kiến, nó còn một hệ thống chuẩn mực riêng, rất chặt chẽ và có vai trò to lớn
trong việc điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng, nó được
ghi trong các hương ước của làng. Ở khu vực Bắc Bộ,Trung Bộ các chuẩn
mực cộng đồng này được gọi là lệ làng, ở Tây Nguyên nó được gọi là luật tục.
Cách thức tổ chức cộng đồng dân cư ở các dân tộc khác nhau, thuộc các
khu vực khác nhau cũng có những điểm khác nhau.
Cộng đồng dân cư của người Việt - dân tộc Kinh (thường gọi là cộng
đồng làng xã) được bao bọc bởi luỹ tre làng. Trong xã hội cũ đó là cộng đồng
tương đối khép kín. Sự khép kín này do nền sản xuất mang tính chất tự cung,
tự cấp cao và thương nghiệp không phát triển qui định. Làng xã với tư cách là
3
một hệ thống nửa tự trị và nó tất yếu phải có tài sản riêng, sở hữu riêng và tài
sản này chính là công điền công thổ. Trong xã hội phong kiến, nhà nước chỉ
quản lý tới làng, còn làng trực tiếp quản lý các thành viên trong cộng đồng
của mình. Làng là khâu trung gian giữa nhà nước và mỗi người dân.
Mỗi làng có hương ước riêng. Hương ước ảnh hưởng tới việc định
hướng hành vi và thực hiện hành vi của các thành viên trong cộng đồng. Nhiều
khi các chuẩn mực này của cộng đồng còn ảnh hưởng lớn hơn cả luật pháp của
nhà nước (“phép vua thua lệ làng”). Bản hương ước qui định quyền lợi, trách
nhiệm, nghĩa vụ và cách thức ứng xử của các thành viên trong cộng đồng. Với
việc thực hiện hương ước và cách thức tổ chức của cộng đồng làng đã hình
thành nên ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên đối với cộng đồng làng và
qua đây hình thành nên ý thức về chúng ta, tình cảm chúng ta - ý thức cộng
đồng và tình cảm cộng đồng của các thành viên đối với cộng đồng của mình.
Sự tổ chức cộng đồng làng xã có những nét riêng nhất định đối với các
khu vực khác nhau tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán và văn hoá nói chung
của các dân tộc. Ở khu vực miền núi phía Bắc, cách thức tổ chức cộng đồng
dân cư của các dân tộc thiểu số có những nét riêng. Bản làng của các dân tộc
thiểu số ở khu vực Tây Bắc là cộng đồng của những dòng họ thuộc một hoặc
hai, ba dân tộc cùng cư trú. Mỗi bản có một ranh giới rõ rệt được qui định cụ
thể bằng văn bản hay truyền miệng. Nhiều bản chỉ có một dân tộc sinh sống,
có những bản có một vài dân tộc sinh sống. Ở những bản chỉ có một dân tộc
sinh sống thì tinh thần cộng đồng có những nét khác với những bản có đa dân
tộc sinh sống. Họ dễ hoà nhập với nhau hơn, tinh thần giúp đỡ và tương trợ
nhau dễ dàng hơn vì các thành viên có cùng một dòng họ hay cùng một dân
tộc (cùng ngôn ngữ, cùng phong tục tập quán...).
Các dân tộc khác nhau thì cách tổ chức cộng đồng làng bản cũng có
những điểm khác nhau nhất định. Chẳng hạn, đối với dân tộc Thái đơn vị định
4
cư nhỏ nhất gọi là bản (một số nơi gọi là chòm, xóm). Mỗi bản có tên gọi
riêng theo truyền thuyết địa phương. Mỗi bản có từ 40 - 50 nóc nhà, có bản
đến 100 nóc nhà. Mỗi bản có ranh giới cụ thể, có khu rừng, ruộng, đất bãi thả
trâu bò, rừng cấm, bãi tha ma, và nguồn nước riêng. Những yếu tố này cùng là
một cơ sở quan trọng để tạo nên tính cộng đồng của các thành viên trong bản.
Đối với các dân tộc như: Hmông, La ha, Mảng, Giáy các bản ở vùng cao
và có quy mô nhỏ hơn các bản của dân tộc Thái. Mỗi bản chỉ có 3 đến 4 dòng
họ, thậm chí chỉ có 1 đến 2 dòng họ. Quy mô mỗi bản chỉ có từ 15 đến 20 hộ
gia đình với 14 đến 16 nóc nhà (có nóc nhà có 2 đến 3 hộ cùng sinh sống).
Đối với các dân tộc thiểu số Tây Bắc, cộng đồng bản làng là nơi cộng
sinh (cùng sinh sống), cộng cảm (tình cảm chúng ta) và cộng mệnh (cùng
chung số mệnh) của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và của dân tộc.
Đối với dân tộc Việt ở đồng bằng hay các dân tộc thiểu số ở khu vực
miền núi, cộng đồng luôn luôn đóng vai trò quan trọng đối với việc chống
giặc ngoại xâm, chống thiên tai bão lụt, và đối với cuộc sống sinh hoạt hàng
ngày của người dân. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tắt lửa tối đèn có
nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, ốm đau, trong các công việc lớn như cưới
xin, ma chay, làm nhà, giỗ chạp…
* Cộng đồng dòng họ
Nếu so với cộng đồng làng xã (cộng đồng dân cư) thì cộng đồng dòng
họ có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các gia đình và mỗi cá nhân. Vì trong
cộng đồng này các thành viên gần gũi nhau hơn, quan hệ với nhau trực tiếp
hơn, sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau lớn hơn nhiều so với cộng đồng làng xã.
Trong tâm thức của người Việt Nam, nhất là người nông dân luôn luôn
hiện diện một suy nghĩ “Chim có tổ, người có tông”. Tình cảm dòng họ là
tình cảm thiêng liêng và tự nhiên, nẩy sinh từ mối quan hệ máu thịt. Do vậy,
cách ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng dòng họ khác với tình cảm
5
trong cộng đồng làng xã. Vì nếu tình cảm trong cộng đồng làng xã là tình cảm
chúng ta thì tình cảm trong cộng đồng dòng họ là tình cảm chúng tôi. Người
ta quan niệm “Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”. Cộng đồng dòng họ
vừa là chỗ dựa về vật chất và chỗ dựa tinh thần của mỗi cá nhân trong dòng
họ. Trong dòng họ người ta không cảm thấy bị đứt đoạn với các tiền nhân, với
cội nguồn và không cảm thấy bị cô đơn trong xã hội và cuộc đời.
Những người trong cùng một dòng họ thường có chung một niềm tự
hào, niềm vinh dự về dòng họ của mình, cũng như luôn chia sẻ với nhau
những niềm vui và nỗi buồn. Họ tự hào về dòng họ mình to lớn, có nhiều
người đỗ đạt cao trong thi cử, thăng tiến trên con đường công danh, có vị trí
cao trong xã hội. Người xưa quan niệm “Một người làm quan cả họ được
nhờ” nên trong dòng họ càng có nhiều người làm quan to thì các thành viên
trong dòng họ càng được nhờ cậy. Khi có ai đó làm mất thanh danh của dòng
họ thì không chỉ có lỗi với những người đang sống, mà còn có tội với tổ tông.
Tình cảm dòng họ đã trở thành một yếu tố điều chỉnh hành vi của mỗi
cá nhân. Các cá nhân trong ứng xử thường quan tâm hơn đến những người
trong họ. Cái mà các nhà tâm lý học gọi là sự thiên vị với nhóm nội. Tình cảm
dòng họ, huyết thống là yếu tố quan trọng tạo nên sự cố kết, tinh thần tương
thân tương ái giữa các thành viên trong một dòng họ. Trong những lúc khó
khăn nhất, trong lúc làm các công việc lớn của gia đình (cưới xin, ma chay,
làm nhà, ốm đau...) trước hết người ta nhờ sự giúp đỡ của dòng họ. Đây là
cộng đồng có sự cố kết, đồng cảm và hợp tác cao nhất của các dân tộc.
Truyền thống tốt đẹp của dòng họ là động lực thôi thúc sự phấn đấu và
ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của các thành viên. Nó trở thành
sự trăn trở, suy nghĩ và hành động của các cá nhân để giữ gìn thanh danh và
làm vẻ vang hơn cho dòng họ mình.
Chúng ta hãy tìm hiểu về vai trò của dòng họ của một số dân tộc thiểu
số ở nước ta. Đối với các dân tộc, dòng họ luôn có vai trò to lớn và không thể
6
thiếu được, thì với các dân tộc thiểu số dòng họ càng có vai trò to lớn hơn. Sở
dĩ như vậy vì so với dân tộc Kinh cuộc sống của nhiều dân tộc thiểu số còn
khó khăn hơn. Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì sự đùm bọc giúp đỡ lẫn
nhau trọng cộng đồng dòng họ là rất cần thiết. Những đặc điểm tâm lý của
cộng đồng dòng họ còn bị qui định bởi môi trường thiên nhiên mà dân tộc đó
sinh sống, cách thức tổ chức sản xuất, tính cách dân tộc, phong tục tập quán
của dân tộc...
Chúng ta hãy phân tích cộng đồng dòng họ ở tộc người Dao và Hmông
ở khu vực phía Bắc nước ta để thấy được sự cố kết và đặc thù của cộng đồng
dòng họ của các dân tộc này.
Tính cộng đồng của người Dao được thể hiện rõ nét qua tình cảm và
tập quán quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng họ. Nhờ có
các quan hệ này mà mỗi người Dao từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành
đều được sự quan tâm của gia đình và cộng đồng dòng họ. Chính điều này đã
làm cho trong quá trình sống và trưởng thành của mỗi người Dao hình thành
nên một nét tính cách - tính cách sống dựa vào cộng đồng, muốn được cộng
đồng quan tâm giúp đỡ, không muốn xa rời cộng đồng...
Về cộng đồng dòng họ của người Hmông. Ở người Hmông dòng họ có
một vị trí vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố cốt lõi cấu thành dòng họ của
người Hmông và thể hiện bản sắc của dân tộc này. Dòng họ là nền tảng của xã
hội Hmông truyền thống và chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày
của cả cộng đồng (Vương Duy Quang, 2005). Dân tộc Hmông ở Việt Nam có
khoảng hơn 20 dòng họ. Đó là các dòng họ: Vàng, Giàng, Sùng, Ly, Thào,
Mùa, Cháng, Lù, Vừ, Vì, Hờ, Hạng, Dinh, Cứ, Hầu... Khái niệm dòng họ và
cộng đồng dòng họ của người Hmông có nét khác với một số dân tộc khác.
Khái niệm này rộng hơn.
Dòng họ của người Hmông gồm những người Hmông thuộc các thế hệ
khác nhau sinh ra từ một ông tổ và vợ con của họ. Theo hình tượng của người
7
Hmông thì cộng đồng dòng họ là những người có “cùng một cây người”. Nếu
xét theo lễ nghi tín ngưỡng chúng ta mới hiểu được phạm vi cộng đồng dòng
họ của người Hmông. Theo quan niệm của người Hmông, cộng đồng dòng họ
phải là các thành viên có chung một tín hiệu thể hiện qua tín ngưỡng tôn giáo
- đó là có “cùng ma”(thôngx đangz). Dấu hiệu cùng ma là đặc trưng vô cùng
quan trọng của dòng họ người Hmông. Đây là yếu tố duy nhất để phân biệt
dòng họ này với dòng họ khác, đây cũng là nền tảng cơ bản tạo nên sự cố kết
bền vững của cộng đồng dòng họ ở dân tộc Hmông.
* Hạn chế của cộng đồng dòng họ và cộng đồng làng xã
Từ sự phân tích trên về cộng đồng dòng họ của các dân tộc ở nước ta,
chúng ta thấy dòng họ có ý nghĩa và vai trò rất to lớn về cả đời sống vật chất
lẫn đời sống tinh thần đối với các thành viên. Bên cạnh mặt tích cực trên,
cộng đồng dòng họ xét theo mối quan hệ với cộng đồng làng xã (thôn bản,
buôn làng) cũng có những mặt hạn chế. Do tình cảm huyết thống, tình cảm
dòng họ đã tạo nên tư tưởng hẹp hòi, cục bộ trong nhìn nhận và ứng xử trong
cộng đồng làng xã. Trong quan hệ với các thành viên khác của cộng đồng
làng xã người ta trước hết thường hay nghĩ đến “tình cảm chúng tôi”, nghĩ về
lợi ích dòng họ mình trước. Điều này sẽ dẫn tới sự thiên vị, đố kỵ ganh ghét
và có thể dẫn tới xung đột giữa dòng họ này với dòng họ khác trong cộng
đồng làng xã.
Xét từ góc độ của cộng đồng làng xã, bên cạnh những mặt tích cực,
cộng đồng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân. Trong suốt
một thời gian dài, cộng đồng là nơi hình thành và duy trì tư tưởng bình quân
chủ nghĩa, tư tưởng cào bằng. Do vậy, nó hạn chế sự phát triển năng lực, sáng
tạo của các cá nhân. Người ta chỉ chú ý nhiều đến nhu cầu tập thể, lợi ích của
tập thể, xem nhẹ nhu cầu và lợi ích của các thành viên cộng đồng. Điều này
làm cho các cá nhân bị tan vào trong cộng đồng, cái tôi của các cá nhân bị che
khuất sau cái chúng ta. Cộng đồng làng xã cũng là nơi duy trì các tập tục, luật
tục hà khắc đối với các thành viên. Ví dụ, phụ nữ trong làng bị chửa hoang thì
8
bị buộc bè trôi sông. Cộng đồng làng xã cũng luôn tạo nên một dư luận mạnh
mẽ và khắt khe với những hành vi vi phạm các chuẩn mực của cộng đồng.
1.2. Ý thức dân tộc
Nếu ý thức cộng đồng là ý thức về nhóm chúng ta thì ý thức dân tộc là
ý thức về nhóm dân tộc chúng ta. Tức là ý thức chúng ta này ở một phạm vi
rộng hơn. Do dân tộc là nhóm xã hội lớn, nên giao tiếp giữa các thành viên
của nhóm mang tính gián tiếp hơn. Sự ảnh hưởng của dân tộc đến các thành
viên ít hơn, gián tiếp hơn sự ảnh hưởng của cộng đồng đến các cá nhân.
Khi định nghĩa về dân tộc các nhà tâm lý học cho rằng dân tộc là một
cộng đồng tâm lý, trong đó ý thức dân tộc là một thành tố quan trọng. Nó giúp
cho các thành viên có được nhận thức mình là một phần của cái “chúng ta” và
họ luôn tìm được chỗ dựa cho cuộc sống của mình trong cộng đồng đó.
Không phải ngẫu nhiên mà những người sáng lập ra Tâm lý học dân tộc đã
cho rằng: “Dân tộc là tập hợp của những người mà những người ấy luôn tự
xếp mình vào tập hợp đó”. Với định nghĩa này cho thấy ý thức dân tộc là tiêu
chí quan trọng nhất để xác định một dân tộc. Nó cũng là yếu tố quan trọng
nhất của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Điều này đúng với cả một
dân tộc với nghĩa là một quốc gia hay dân tộc với ý nghĩa là một tộc người.
Ý thức dân tộc là ý thức về cộng đồng của mình, mà mình luôn luôn
thuộc về cộng đồng đó. Cá nhân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ cộng
đồng dân tộc của mình để nó tồn tại và không bị tan biến vào cộng đồng dân
tộc khác. Ý thức dân tộc được thể hiện rõ khi các thành viên của dân tộc giao
tiếp với dân tộc khác, khi lợi ích và sự tồn tại của dân tộc bị đe doạ (khi dân
tộc đứng trước sự xâm lăng của một dân tộc khác hay đứng trước các thảm
hoạ thiên nhiên.
Có thể nói, ý thức dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng hàng
đầu để đảm bảo cho sự trường tồn của một dân tộc. Khi một dân tộc còn hiện
diện ý thức dân tộc ở các thành viên thì dân tộc đó còn tồn tại. Trái lại, khi mà
9
các thành viên không còn ý thức dân tộc thì dân tộc đó bị dân tộc khác đồng
hoá. Một số minh chứng sinh động cho vấn đề này là dân tộc Việt Nam bị
phong kiến Trung Hoa đô hộ một ngàn năm. Song dân tộc ta vẫn tồn tại, mà
không bị đồng hoá, không bị biến mất. Sự đô hộ của Pháp gần một thế kỷ và
sự xâm lược của Mỹ hơn 20 năm với tất cả sức mạnh của mình, song Pháp và
Mỹ cũng không khuất phục được dân tộc ta. Chúng ta đã chiến thắng. Dân tộc
Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển.
Ý thức dân tộc không chỉ thể hiện trong việc bảo vệ sự tồn tại của một
dân tộc, mà còn thể hiện khi mà dân tộc đứng trước các thảm họa thiên nhiên
- khi mà tính mạng và lợi ích của dân tộc bị đe doạ. Trong lịch sử của dân tộc
ta đã và sẽ luôn tồn tại một đạo lý, một tinh thần “lá lành đùm lá rách”,
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau
cùng”. Tinh thần này xuất hiện trong khi đất nước bị bão lụt, hạn hán. Khi đó
tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc được thể hiện rõ nét. Tinh thần và ý
thức dân tộc mang tính nhân văn này thể hiện cả ở trong cộng đồng dân tộc
thành viên (tộc người) và trong cộng đồng dân tộc mang tính quốc gia (dân
tộc Việt Nam).
Ý thức dân tộc cũng được thể hiện khi các cá nhân ý thức về cội nguồn,
về bản sắc của dân tộc mình. Ở đây, ý thức dân tộc thể hiện như niềm tự hào
dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc (tộc người), trong đó dân tộc Kinh chiếm đa
số. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng. Văn hoá của các dân tộc thành
phần tạo thành bản sắc văn hoá chung của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử
dân tộc, các dân tộc thành viên luôn có ý thức bảo lưu và phát triển văn hoá
của mình. Bản sắc văn hoá của các dân tộc thể hiện qua nhiều khía cạnh như:
trang phục, nhà ở, lễ hội, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật. Nếu phân tích trang
phục của các dân tộc ta thấy mỗi dân tộc thiểu số có một loại trang phục
riêng, đặc biệt trang phục của phụ nữ. Chúng khác nhau về hoa văn, về hình
thức, về cách ăn mặc và cả những yếu tố trang trí kèm theo. Chúng ta thấy
trang phục của phụ nữ các dân tộc bản địa Tây Nguyên khác với trang phục
10
của phụ nữ các dân tộc thiểu số phía Bắc, khác với trang phục của phụ nữ
Khơ me Nam Bộ và khác với ttrang phục của phụ nữ Chăm ở vùng Bình
Thuận, Ninh Thuận và An Giang.
Ý thức giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình là sự phản ánh ý thức
dân tộc. Vì việc giữ gìn bản sắc riêng là ý thức khẳng định sự tồn tại của một
dân tộc, để khẳng định dân tộc đó không bị đồng nhất bởi dân tộc khác.
Có thể nói, khi chúng ta nói tới ý thức dân tộc thực tế là chúng ta nói
tới tự ý thức dân tộc. Như đã phân tích ở trên, tự ý thức dân tộc là đặc trưng
quan trọng nhất để xác định về một dân tộc. Tự ý thức dân tộc là cơ sở để mỗi
thành viên xác định cho mình cách thức ứng xử và hành động trong quan hệ
của cộng đồng, cũng như trong quan hệ với các dân tộc khác. Tự ý thức dân
tộc được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống các dân tộc.
1.3. Ý thức quốc gia
So với hai nhóm xã hội trên thì quốc gia là nhóm xã hội lớn nhất (một
quốc gia có thể có nhiều dân tộc, trong đó có một dân tộc đa số và các dân tộc
thiểu số). Ý thức quốc gia là ý thức về đất nước mình và được thể hiện rõ nhất
qua tình yêu đất nước, lòng tự hào đất nước và tinh thần sẵn sàng hy sinh khi
đất nước đứng trước các nguy cơ đe doạ (khủng hoảng kinh tế, chính trị, thiên
tai, sự xâm lược của kẻ thù…). Khi chúng ta nói tôi là người con dòng họ
Nguyễn hay họ Vũ thì đó là ý thức về cộng đồng dòng họ, khi chúng ta nói tôi
là người con của dân tộc Việt (Kinh) hay dân Thái, Êđê, Gia rai... thì đó là ý
thức dân tộc. Khi chúng ta nói tôi là người con của nước Việt Nam, tôi là một
người Việt Nam thì đó là ý thức quốc gia. Ý thức quốc gia ở đây cũng có thể
gọi là ý thức dân tộc, khi quốc gia được xem là một dân tộc. Ví dụ, ý thức của
dân tộc Việt Nam.
11
Nếu ý thức tộc người như là một nhân tố có tính quyết định đối với sự tồn tại
của một tộc người thì ý thức quốc gia là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu đối với
sự tồn tại của một quốc gia (dân tộc). Trong ý thức quốc gia bao gồm cả ý
thức về lãnh thổ của quốc gia mình.
Như ở trên đã phân tích, trải qua ngàn năm đô hộ của phong kiến Trung
Hoa, qua hàng thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp và qua mấy thập kỷ xâm lược
của Mỹ dân tộc ta vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển. Đó trước hết là nhờ vào
ý thức quốc gia (ý thức về dân tộc Việt Nam). Ý thức quốc gia là động lực để
chúng ta đứng lên chiến đấu chống lại sự xâm lược của kẻ thù, đảm bảo sự tồn
tại của dân tộc ta. Ý thức quốc gia khẳng định sự hiện diện của một dân tộc
(trong dân tộc đó có nhiều dân tộc thành phần) trong cộng đồng thế giới.
Điều đáng nói là khi lợi ích của một quốc gia bị đe doạ, trước hết là lãnh
thổ, biên giới, độc lập dân tộc... thì ý thức quốc gia ở mỗi dân tộc trong cộng
đồng quốc gia đó trỗi dậy và hợp lại thành ý thức chung - ý thức của cả dân
tộc (quốc gia), trở thành sức mạnh vật chất và tinh thần để chống lại kẻ thù và
bảo vệ đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta, các dân tộc
từ tỉnh phía Bắc đến các dân tộc ở khu vực miền Trung và miền Nam đều đồng
sức, đồng lòng chiến đấu và hy sinh cho độc lập dân tộc. Khi đó lợi ích của
quốc gia được đặt lên trên lợi ích của gia đình, dòng họ và dân tộc của mình.
Ý thức quốc gia không chỉ thể hiện qua các cuộc chiến đấu chống ngoại
xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, mà còn thể hiện trong công cuộc xây dựng đất
nước, bảo tồn văn hoá dân tộc. Phát triển kinh tế để khẳng định vị thế của một
quốc gia (dân tộc) trên trường quốc tế là sự thể hiện về ý thức quốc gia của
một dân tộc. Ý thức quốc gia luôn luôn đi cùng với tinh thần tự hào dân tộc,
tinh thần tự cường dân tộc. Cũng như ý thức dân tộc, ý thức quốc gia còn thể
hiện qua việc giữ gìn và bảo lưu bản sắc văn hoá của một đất nước. Bản sắc
văn hoá của các dân tộc tạo thành bản sắc văn hoá của một quốc gia. Trong
khi các dân tộc giữ gìn và phát triển văn hoá của dân tộc mình thì đồng thời
họ cũng giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá của đất nước.
12
Điều đáng quan tâm là văn hoá của mỗi dân tộc cũng như văn hoá của
đất nước luôn luôn đứng trước những thách thức to lớn do sự hoà nhập văn
hoá giữa các nền văn hoá khác nhau. Trong quá trình hoà nhập văn hoá luôn
diễn ra các xu hướng hoặc là chấp nhận hoặc là phản đối, kỳ thị nền văn hoá
mới. Đã có thời kỳ người phương Đông từ chối, kỳ thị văn hoá phương Tây.
Từ chỗ kỳ thị, người phương Đông đang dần chấp nhận văn hoá phương Tây.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công là những dẫn chứng. Trong khi
chấp nhận các giá trị mới, các dân tộc vẫn có ý thức giữ gìn các giá trị truyền
thống của dân tộc mình.
Việc phát triển kinh tế và chấp nhận những giá trị mới mà vẫn giữ được
các giá trị tinh thần truyền thống là một công việc rất khó khăn. Có thể lấy
những vấn đề của chúng ta làm dẫn chứng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, các đô thị
ở nước ta đã bị Âu hoá. Lối sống phương Tây tràn vào đô thị nước ta đã làm
cho các giá trị truyền thống của dân tộc bị đe doạ và có những giá trị đã thay
đổi. Ngày nay, khi mà xu thế hội nhập khu vực và quốc tế của chúng ta ngày
càng lớn thì không ít thanh niên đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ của thị hiếu thẩm
mỹ phương Tây. Họ thích nghe nhạc rock, pop, hiphop hơn ca nhạc truyền
thống của dân tộc như chèo, tuồng, dân ca, hát ca trù... Họ thích đến sàn nhảy
hơn là đến các nhà hát truyền thống. Họ chải tóc, nhuộm tóc, ăn mặc theo trào
lưu mới. Như vậy, khi các cá nhân hay các nhóm xã hội này tiếp nhận các giá
trị văn hoá mới, họ đã không có ý thức về giữ gìn văn hoá của dân tộc mình.
Để khẳng định bản sắc của một đất nước, ở đây ý thức quốc gia có một vai trò
quan trọng. Các dân tộc chấp nhận các giá trị mới để giúp mình phát triển,
song vẫn luôn ý thức làm thế nào để gìn giữ và nối tiếp được các giá trị truyền
thống trong dòng chảy của thời gian.
1.4. Mối quan hệ giữa ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và ý thức
quốc gia
Ý thức cộng đồng dòng họ, ý thức cộng đồng làng bản, ý thức dân tộc
(tộc người) và ý thức quốc gia luôn luôn có quan hệ và tác động qua lại với
13
nhau. Ở trong mỗi con người có thể đều tồn tại tất cả các loại ý thức trên. Tuỳ
thuộc vào các hoàn cảnh cụ thể mà mỗi loại ý thức trên được bộc lộ ra rõ hơn.
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nhất là khi giải quyết các công việc lớn
của các gia đình như: cưới xin, ma chay, ốm đau, bệnh tật, chia sẻ những khó
khăn vui buồn... thì ý thức cộng đồng dòng họ được thể hiện nhiều hơn. Khi
giải quyết những công việc chung của cộng đồng làng xã như: lễ hội, bão lụt,
thiên tai, dựng nhà văn hoá, nhà rông và cả những việc như cưới xin, ma chay
của các gia đình thì ý thức cộng đồng làng xã được thể hiện rõ hơn. So với ý
thức cộng đồng dòng họ và ý thức cộng đồng làng xã thì ý thức tộc người và ý
thức quốc gia (ý thức dân tộc) dường như thể hiện ở mức độ khiêm tốn hơn.
Ý thức dân tộc và ý thức quốc gia được thể hiện rõ khi lợi ích của dân tộc,
quốc gia bị đe doạ, khi dân tộc có những ngày lễ lớn như các ngày lễ, ngày
tết. Các dân tộc thiểu số ở nước ta ngoài các ngày lễ chung của đất nước mỗi
dân tộc có một số ngày lễ riêng. Đây là dịp để các dân tộc củng cố tinh thần
cộng đồng và sự cố kết của dân tộc mình. Việc tổ chức các ngày lễ của các
dân tộc đã phản ánh ý thức tộc người rõ nét. Đó là ý thức để khẳng định bản
sắc và vị thế của tộc người mình trong cộng đồng quốc gia.
Từ góc độ của Tâm lý học dân tộc, chúng ta cần phân tích về sự ảnh
hưởng lẫn nhau của các dạng ý thức này như thế nào. Từ mối quan hệ: Cộng
đồng dòng họ - Cộng đồng làng xã - Cộng đồng dân tộc - Cộng đồng quốc gia
chúng ta có các dạng ý thức: ý thức về dòng họ của mình (ý thức về chúng
tôi) - ý thức về cộng đồng làng xã của mình (ý thức về chúng ta) - ý thức về
tộc người mình - ý thức về quốc gia, đất nước mình. Ở đây lại xuất hiện một
khía cạnh tâm lý dân tộc khác tương ứng: Tình cảm chúng tôi - Tình cảm
chúng ta - Tình cảm tộc người - Tình cảm đất nước. Có thể nói đây là 4 mức
độ từ thấp đến cao về phạm vi của ý thức và tình cảm.
Điều đáng quan tâm là sự chịu ảnh hưởng của các dạng ý thức này như
thế nào. Nếu ý thức cộng đồng dòng họ được đặt lên trên ý thức cộng đồng
làng xã, ý thức dân tộc, ý thức quốc gia thì sẽ dẫn tới sự cục bộ, phe phái và
14
có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của cộng đồng làng xã. Khi ý thức tộc người
được đặt lên trên cả ý thức quốc gia và lợi ích tộc người đặt lên trên lợi ích
quốc gia thì có thể dẫn tới tư tưởng ly khai của các tộc người. Chẳng hạn, dân
tộc Rumani đã ly khai khỏi Nam Tư để thành lập nhà nước Kosôvô.
Điều quan trọng là trong các chính sách về dân tộc, trong quan hệ và
hợp tác giữa các dân tộc của một quốc gia làm thế nào để bốn dạng ý thức này
nằm trong một sự thống nhất, hỗ trợ cho nhau, không mâu thuẫn và đối lập
với nhau.
Giải quyết mối quan hệ và xây dựng một mối quan hệ hài hoà giữa ý
thức cộng đồng dòng họ, ý thức cộng đồng làng xã, ý thức dân tộc và ý thức
quốc gia là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Mối quan hệ này có liên hệ
trực tiếp đến sự ổn định của đất nước và an ninh quốc gia. Đây là nhiệm vụ
phức tạp và khó khăn, đòi hỏi Nhà nước phải có một chính sách dân tộc đúng
đắn, một chính sách đại đoàn kết dân tộc hợp lý.
2. Vấn đề bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên quân đội
hiện nay
Xu thế toàn cầu hóa đang tạo ra cơ hội nhưng cũng đưa lại những
thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Do đó, khơi dậy,
phát huy và bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thanh
niên - những người chủ tương lai của đất nước là một việc làm cấp bách, có ý
nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Nếu như khái niệm dân tộc, dùng để chỉ một cộng đồng người xuất hiện
trong lịch sử, có chung đời sống kinh tế, lãnh thổ, tiếng nói và đời sống văn
hóa, thì ý thức tự tôn dân tộc trước hết là sự bảo vệ, sự đề cao lịch sử, lãnh
thổ, tiếng nói, đặc điểm kinh tế và bản sắc văn hóa của chính dân tộc đó.
Là một hình thái của ý thức xã hội, một phạm trù lịch sử, ý thức tự tôn
dân tộc Việt Nam cũng có những đặc điểm phát triển theo lịch sử. Ý thức tự
15
tôn dân tộc là ý thức về sự tồn tại vững bền, sức sống mãnh liệt của dân tộc,
bảo vệ cội nguồn, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước
hết là những giá trị như yêu nước, cần cù, sáng tạo, nhân ái, khoan dung, hiếu
học; tự hào về truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu
tranh cách mạng của dân tộc; tinh thần sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ, tinh thần tự giác trong đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm
thất bại hoàn toàn mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích của quốc gia
dân tộc; ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ các di sản văn hóa
vật thể, phi vật thể của dân tộc và tính đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu
số, thuần phong mỹ tục, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, môi trường tự
nhiên, đa dạng sinh học và môi trường xã hội lành mạnh; ý thức bảo vệ chế
độ, bảo vệ Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân trong nước và kiều bào
ta ở nước ngoài. Ý thức tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự giác sống và làm
việc theo hiến pháp, pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập
quán của cộng đồng dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới có chọn
lọc, giữ gìn và quảng bá hình ảnh và nét đẹp của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp và
tin cậy với bạn bè quốc tế trong giao lưu, hội nhập.
Trong điều kiện ngày nay, ý thức tự tôn dân tộc còn là tinh thần dám
nghĩ, dám làm, sáng tạo trong học tập, lao động, đời sống; tinh thần vươn lên,
lập thân, lập nghiệp, tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng cho mình và
cho xã hội; tinh thần đấu tranh với quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cái sai,
cái xấu,... để làm lành mạnh hóa xã hội tạo địa bàn cho sự phát triển của xã
hội, dân tộc.
Tựu trung lại, có thể hiểu ý thức tự tôn dân tộc là tinh thần đề cao
những đặc điểm, những giá trị cốt lõi của dân tộc mình nhằm giữ gìn, vận
dụng và phát triển những đặc điểm, những giá trị đó để bảo đảm toàn vẹn lãnh
thổ, nền độc lập, tự chủ, và sự phát triển trường tồn của dân tộc.
Để bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ thanh niên quân đội hiện
nay, cần thực hiện đồng bộ một số nội dung cụ thể sau:
16
Một là, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự
chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng; mỗi cấp ủy đảng
và chỉ huy các cấp ở các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường cần quán triệt
vai trò, vị trí và nhiệm vụ của công tác giáo dục ý thức tự tôn dân tộc tộc trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, đề ra chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ
và kế hoạch hành động cụ thể trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn và phù hợp
với từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhằm đẩy mạnh công tác giáo
dục ý thức tự tôn dân tộc, làm cho thanh niên quân đội nhận thức, suy nghĩ và
hành động ngày càng phong phú, linh hoạt, năng động và sáng tạo.
Hai là, tổ chức các phong trào tôn vinh, phát huy và nhân rộng các giá
trị văn hóa truyền thống, lối sống đẹp trong các đơn vị, phát hiện những nhân
tố mới, điển hình trong các thế hệ thanh niên quân đội để tuyên truyền, giáo
dục kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời đấu tranh phê phán các phản giá
trị, phản văn hóa, lối sống thực dụng, hưởng lạc, nhân cách thấp hèn, đạo đức
thoái hóa vốn xa lạ với giá trị văn hóa của dân tộc, giá trị văn hóa của Đảng
và quân đội.
Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn, hội đồng quân
nhân trong đơn vị, đi đôi với việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh trong
giáo dục lòng tự tôn dân tộc, góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh
niên quân đội. Giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho thanh niên nói chung, thanh
niên quân đội nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội
do Đảng lãnh đạo, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương. Bởi vậy, việc thực
hiện công tác này luôn đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phối hợp được mọi
nguồn lực, mọi tiềm năng của xã hội và quân đội tạo thành một cơ chế chung,
thống nhất. Cơ chế phối hợp hoạt động và chỉ đạo chung về công tác thanh
niên quân đội cần được xây dựng trên những cơ sở pháp lý, có sự phân công
chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, đơn
vị. Trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính, trực
tiếp triển khai thực hiện.
17
Bốn là, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên
quân đội. Cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho lực lượng này, cần
phải đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên
cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, truyền thống dân tộc và
truyền thống cách mạng của Đảng, truyền thống của quân đội và đơn vị cho
cán bộ, chiến sĩ. Muốn vậy, trong quá trình thực hiện công tác giáo dục, phải
biết khéo léo khơi gợi và làm bật dậy trong họ lòng tự hào dân tộc, truyền
thống cách mạng của dân tộc, biết gạn đục khơi trong, nâng niu, trân trọng và
giữ gìn những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc, biết làm giàu tri thức
của bản thân bằng trí tuệ, tinh hoa nhân loại nhưng không bao giờ được lãng
quên cội nguồn, thờ ơ với truyền thống của quê hương và dân tộc.
Trong quá trình giáo dục, cần tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên
quân đội những nét đẹp truyền thống của văn hóa thẩm mỹ, đạo đức tốt đẹp của
văn hóa Việt Nam; cổ vũ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia
bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa dân gian, khơi dậy ý thức bảo tồn và
phát triển truyền thống văn hóa ở mỗi địa phương, đơn vị cũng như trong cả
nước. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du khảo, về nguồn; phát triển các đội
hình tuyên truyền viên xung kích, đội tuyên truyền viên trẻ ở từng đơn vị.
Đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, các loại văn hóa phẩm
lai căn, độc hại; hạn chế khuynh hướng sùng ngoại trong hưởng thụ văn hóa
của một bộ phận thanh niên nói chung hiện nay. Xây dựng môi trường văn
hóa lành mạnh ở đơn vị, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và
hoạt động của mỗi cán bộ, chiến sĩ và tập thể đơn vị; tạo ra đời sống tinh thần
cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển. Tích cực tham gia đấu tranh
chống các khuynh hướng thương mại hóa, hạ thấp tư tưởng và nghệ thuật của
sản phẩm văn hóa.
KẾT LUẬN
Bồi dưỡng, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ nói chung,
thanh niên nói riêng đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công
18
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược,
cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách. Trong xây dựng và phát triển nhân
cách toàn diện cho thanh niên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, có nhiều
hình thức và biện pháp khác nhau, trong đó giáo dục, bồi dưỡng ý thức tự tôn
dân tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần hình thành lối sống văn hóa
cho thanh niên. Bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên thực chất là
góp phần vào việc xây dựng con người mới phát triển toàn diện, tạo dựng
những quan hệ lành mạnh giữa con người với con người, giữa con người với
môi trường tự nhiên. Bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên là
hướng tới xây dựng một lối sống Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,
kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức cách mạng của
dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới vừa là mục tiêu, vừa là điều
kiện để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Dũng (2009), Tâm lý học dân tộc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà
Nội.
2. Trần Hiệp (chủ biên)(1997), Tâm lý học xã hội, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
3. Đỗ Long, Trần Hiệp (chủ biên) (1993), Tâm lý cộng đồng làng và di
sản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Pham Huy Lê, Vũ Minh Giang chủ biên (1994): Các giá trị truyền
thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình KHCN cấp Nhà nước
KX07, tập I, Hà Nội
5. Pham Huy Lê, Vũ Minh Giang chủ biên (1996): Các giá trị truyền
thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình KHCN cấp Nhà nước
KX07, tập II, Hà Nội
19
6. Phạm Xuân Nam chủ biên (2008): Triết lý phát triển ở Việt Nam
mấy vấn đề cốt yếu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội