GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
GIÁO TRÌNH
LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Tái bản có sửa chữa, bổ sung)
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN
GIÁO TRÌNH QUỐC GIA CÁC BỘ MÔN KHOA HỌC
MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. Đồng chí Đào Duy Tùng, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch;
2. Đồng chí Nguyễn Đức Bình, giáo sư, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung
ương Đảng, phụ trách khối Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo, Phó Chủ
tịch;
3. Đồng chí Nguyễn Đình Tứ, giáo sư, phó tiến sĩ, Bí thư Trung ương
Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó chủ tịch;
4. Đồng chí Nguyễn Khánh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch;
5. Đồng chí Nguyễn Duy Quý, giáo sư, tiến sĩ, Uỷ viên Trung ương Đảng,
Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng thư ký
6. Đồng chí Đặng Xuân Kỳ, giáo sư, ủy Viên Trung ương Đảng, Viện
trưởng Viện Mác - Lê nin, Uỷ viên;
7. Đồng chí Trần Chí Đáo, phó giáo sư, phó tiến sĩ, Thứ trướng Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Uỷ viên;
8. Đồng chí Trần Ngọc Hiên, giáo sư, phó tiến sĩ, Phó Giám đốc Học viện
Nguyễn Ái Quốc, Uỷ viên;
9. Đồng chí Trần Xuân Trường, giáo sư, Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, Uỷ viên;
10.
Đồng chí Dương Phú Hiệp, phó giáo sư, phó tiến sĩ,
Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Uỷ viên;
11.Đồng chí Hà Học Hợi, phó giáo sư, Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn
hoá Trung ương, Uỷ viên;
12.
Đồng chí Nguyễn Văn Phùng, giáo sư, Uỷ viên;
13.
Đồng chí Đỗ Nguyên Phương, phó giáo sư, phó tiến sĩ,
Phó Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc, Uỷ viên.
(Theo Quyết định số 255-CT ngày 13/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng)
I. BAN BIÊN SOẠN
1.GS. Nguyễn Văn Phùng
Trưởng ban
2. GS. Kiều Xuân Bá
Ủy viên
3. PGS. Vũ Văn Bân
Ủy viên
4. GS. Đậu Thế Biểu
Ủy viên
5. GS, TS. Nguyễn Quốc Dũng
Ủy viên
6. PGS. Lê Mậu Hãn
Ủy viên
7. PGS. Lê Thế Lạng
Ủy viên
8. PGS, TS. Trình Mưu
Ủy viên
9. PGS, TS Lê Ngọc
Ủy viên
10. GS, TS. Trịnh Nhu
Ủy viên
11 PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
Ủy viên
12. PGS, TS. Nguyễn Quý
Ủy viên
13. PGS, TS. Nguyễn Quang Tạo
Ủy viên
II. CỘNG TÁC VIÊN
1. Lê Viết Hảo
2. PGS, TS. Trịnh Vương Hồng
3. TS. Hồ Khang
4. Nguyễn Toàn Minh
5. Hoàng Thanh Quang
6. PGS, TS. Triệu Quang Tiến
7. Hồ Hữu Vinh
8. Nguyễn Danh Tiên
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong thời đại mới - thời đại quá độ
từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ Cách mạng Tháng
Mười Nga năm 1917. Đảng ra đời trong thời kỳ phong trào công nhân và
phong trào yêu nước Việt Nam phát triển sôi nổi trong những năm 20 của
thế kỷ XX và đang có dấu hiệu của cao trào mới.
Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng
tập, lãnh đạo và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đúng quỹ đạo
của thời đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai cấp công nhân và của dân
tộc Việt Nam. Chính vì vậy, suốt chặng đường hơn bảy thập kỷ qua, phát
huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt
qua bao gian nan, thử thách, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc. Sự lãnh đạo sáng
suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách đổi mới nội dung và phương pháp
giảng dạy các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thống
nhất trong hệ thống trường Đảng và Nhà nước, Hội đồng Trung ương chỉ
đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản
Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam gồm ba phần:
- Phần thứ nhất: Đảng ra đời và lãnh đạo giành chính quyền (19301945).
- Phần thứ hai: Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến và xây dựng
chế độ mới (1945-1975).
- Phần thứ ba: Đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (19752000).
Kết luận
Giáo trình này đóng vai trò là khung định hướng về những quan
điểm cơ bản cho việc giảng dạy và học tập môn lịch sử Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Trong lần tái bản này, giáo trình tiếp tục được sửa chữa, bổ sung
những kết quả nghiên cứu mới, theo đúng Văn kiện Đảng toàn tập, các kết
luận, đánh giá của Đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng và một số Nghị quyết
Hội nghi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoả VIII và khoá IX.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2006
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
LỜI GIỚI THIỆU
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn học được giảng dạy trong
hệ thống trường Đảng và các trường đại học, cao đẳng ở nước ta từ hơn
bốn mươi năm nay. Trong thời gian đó đã có nhiều tập giáo trình, đề
cương bài giảng về môn học này được biên soạn và ấn hành phù hợp với
các đối tượng và yêu cầu đào tạo khác nhau.
Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập lý luận trong
thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII đã quyết định tổ chức
việc biên soạn bộ giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Giáo trình này được biên soạn trong hoàn cảnh Đảng Cộng sản Việt
Nam đang lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, trong đó có đổi mới tư duy lý luận.
Ban biên soạn đã tổ chức biên soạn Giáo trình Lịch sử Đảng theo tinh
thần đổi mới đó. Những kết quả nghiên cứu mới, những tư liệu mới được
phát hiện về lịch sử Đảng, nhất là những kết luận quan trọng của Bộ
Chính trị khoá VII năm 1993 về nhiều vấn đề của lịch sử Đảng, những kết
luận của các Hội nghị Trung ương khoá VII và khoá VIII có liên quan đến
lịch sử Đảng, những tổng kết của các Đại hội VI, VII, VIII và IX của Đảng
đã được quán triệt và thể hiện trong giáo trình.
Giáo trình gồm ba phần với chín chương và phần kết luận, phản ánh
những chặng đường Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đầy khó
khăn, thử thách và những thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta suốt từ
năm 1930 đến sát thời điểm Đại hội IX của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được nghiên cứu, tổng kết
một cách toàn diện và sâu sắc, khẳng định ý nghĩa lịch sử lớn lao và
những kinh nghiệm quý báu mà Cách mạng Tháng Tám mang lại cho dân
tộc ta và đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm và lý luận của cách mạng
giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đại hội II (1951), Đại hội III (1960) và đặc biệt Đại hội IV của Đảng
(1976) đã tổng kết sâu sắc quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
ở Việt Nam.
Các cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống chủ nghĩa đế quốc,
thực dân cũng đã được giới sử học ở trong và ngoài nước nghiên cứu,
tổng kết. Đặc biệt, Đảng đã thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị
khoá VII có nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị tổng kết lý luận và thực tiễn các
cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Đại hội VIII (1996) và Đại hội IX (2001) đã có những tổng kết quan
trọng chặng đường 10 năm và 15 năm đổi mới, làm rõ những vấn đề lý
luận và thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa những kết
quả nghiên cứu và tổng kết quan trọng đó.
Trong khi khẳng định mặt cơ bản là những thành tựu những thắng
lợi vĩ đại qua các chặng đường lịch sử Đảng, giáo trình cũng đề cập và
phân tích sâu sắc những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong quá trình
Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Quá trình lãnh đạo cách mạng cũng là quá trình xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nội dung và bài học về xây dựng Đảng qua
các thời kỳ lịch sử cũng được bước đầu thể hiện trong giáo trình.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định, “là cả một pho lịch sử bằng vàng”. Kho tàng lịch sử quý giá đó
không chỉ ở những sự kiện lịch sử oanh liệt, hào hùng của Đảng và dân
tộc mà điều có ý nghĩa lớn lao là những kinh nghiệm, những bài học lịch
sử, những vấn đề lý luận cách mạng Việt Nam được tổng kết từ hiện thực
lịch sử với những sự kiện hào hùng đó. Những kinh nghiệm và bài học lịch
sử được các tác giả thể hiện trong các chương ở từng thời kỳ lịch sử,
chẳng hạn kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kinh
nghiệm đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng trong những năm 19451946, kinh nghiệm các cuộc kháng chiến, những bài học trong thời kỳ đổi
mới v.v.. Những bài học tổng quát Đảng lãnh đạo cách mạng hơn bảy
mươi năm qua được trình bày ở phần kết luận của giáo trình. Về phương
diện lý luận, Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần tổng
kết, làm rõ lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, những vấn đề lý luận
chiến tranh nhân dân giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, lý luận về thời kỳ quá
độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Khi biên soạn giáo trình, các tác giả coi trọng trình bày sự kiện, diễn
biến lịch sử đồng thời chú trọng tổng kết kinh nghiệm từ hiện thực lịch sử.
Tránh cả hai khuynh hướng sai dễ thấy trong sử học: hoặc là nặng về kể
lể miêu tả các sự kiện lịch sử mà không quan tâm khái quát thành những
kết luận có tính lý luận, hoặc là xu hướng đem những nguyên lý hoặc kết
luận có sẵn rồi chứng minh bằng thực tiễn lịch sử Việt Nam, không phải từ
thực tế Việt Nam mà tổng kết thành lý luận. Giáo trình đã cố gắng kết hợp
chặt chẽ lý luận với thực tiễn Việt Nam. Lịch sử Đảng phản ánh quá trình
Đảng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn Việt Nam,
đồng thời cũng là quá trình Đảng tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam
để phát triển và làm phong phú thêm lý luận đó.
Để làm rõ hơn ranh giới giữa lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc thời kỳ
có sự lãnh đạo của Đảng, Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
trình bày đậm nét sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng trước hết
là ở đường lối đúng đắn, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin phù hợp với thực tiễn nước ta. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở vai
trò và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào cách mạng của
quần chúng nhân dân thực hiện cương lĩnh, đường lối để giành thắng lợi
trong từng thời kỳ cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện khả năng
nắm bắt và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, giải quyết đúng đắn
các mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân và khi đã nắm chính
quyền còn là quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, quan hệ giữa Đảng với
toàn bộ hệ thống chính trị. Lịch sử Đảng cũng làm rõ quá trình và kinh
nghiệm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức ở từng chặng
đường của lịch sử Đảng.
Giáo trình có sự chú ý phân biệt lịch sử Đảng với lịch sử quân sự,
lịch sử các cuộc kháng chiến. Lịch sử Đảng chú trọng nêu bật vai trò lãnh
đạo của Đảng trong các cuộc chiến tranh cách mạng với nội dung đường
lối quân sự của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng của
Đảng, khoa học nghệ thuật quân sự của Đảng mà không đi sâu vào diễn
biến chi tiết cụ thể của kháng chiến, của từng chiến dịch, trận đánh.
Đương nhiên, sự phân biệt ranh giới giữa lịch sử Đảng với lịch sử dân tộc
và lịch sử các cuộc kháng chiến diễn ra trong cùng một thời gian và không
gian như vậy cũng chỉ là tương đối. Vấn đề quan trọng là cần nắm vững
đối tượng nghiên cứu của từng chuyên ngành lịch sử đó để lựa chọn nội
dung một cách hợp lý.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh
đạo và rèn luyện. Lịch sử Đảng gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp
cách mạng “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp
đẽ” của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi mãi soi sáng sự
nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Vì vậy, việc trình bày lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam không tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh trong từng
chặng đường lịch sử và ở mỗi lĩnh vực hoạt động lãnh đạo của Đảng. Các
tác giả đã cố gắng thể hiện yêu cầu này trong từng chương, đồng thời
cũng lưu ý để không trùng lặp với Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi biên soạn giáo trình, các tác giả chú trọng nguyên tắc tính đảng
và tính khoa học nhằm phản ánh đúng hiện thực lịch sử, đồng thời quán
triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, phản ánh và phục vụ nhiệm
vụ chính trị của Đảng và cách mạng vì lợi ích giai cấp và dân tộc. Tính
đảng và tính khoa học thống nhất với nhau trong sự phản ánh trung thực,
khách quan quá trình lịch sử dựa trên lý luận và phương pháp khoa học
để nhận thức và lý giải đúng đắn sự vận động phát triển biện chứng của
lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được Hội đồng Trung
ương chỉ đạo biên soạn giáo trình xác định là phục vụ cho việc nghiên
cứu, học tập của hệ cử nhân chính trị. Với hệ đào tạo đó, giáo trình trang
bị những kiến thức cơ bản, có hệ thống về lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Nam, vừa cung cấp tri thức, sự kiện lịch sử, vừa nâng cao trình độ nhận
thức chính trị, trình độ phương pháp luận và năng lực tư duy của người
học, đồng thời coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lý
tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Giáo trình quốc gia là sự định hướng thống nhất về những nội dung
cơ bản môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở những nội dung
của giáo trình này, các trường đại học, cao đẳng xây dựng chương trình
và bài giảng thích hợp với đặc điểm và yêu cầu từng đối tượng đào tạo cụ
thể.
Các tác giả đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, song Giáo
trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việc Nam lần biên soạn này chắc không
tránh khỏi những thiếu sót cả về nội dung, kết cấu và hình thức trình bày.
Các tác giả mong nhận được nhiều ý kiến phê bình xây dựng để giáo trình
có thể được bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện trong các lần tái bản.
BAN BIÊN SOẠN
PHẦN THỨ NHẤT: ĐẢNG RA ĐỜI VÀ LÃNH ĐẠO GIÀNH CHÍNH
QUYỀN (1930 - 1945)
CHƯƠNG I: NGUYỄN ÁI QUỐC TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC, ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI (1911 - 1930)
I. CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC ĐẦU THẾ KỶ
XX
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả chuẩn bị công phu về tư
tưởng, chính trị và tổ chức của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của các chiến
sĩ cách mạng tiền bối, đáp ứng nhu cầu lịch sử của đất nước ta đầu thế kỷ
XX, phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
1. Xã hội thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam
Cuối thế kỷ XIX, sau khi cơ bản kết thúc giai đoạn vũ trang xâm
lược, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Để bóc lột được lợi
nhuận thuộc địa tối đa, thực dân Pháp duy trì phương thức sản xuất
phong kiến, thiết lập một cách hạn chế phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa. Chúng thực hiện chính sách độc quyền kinh tế về các mặt: xuất
nhập khẩu, khai thác mỏ, giao thông vận tải, ngân hàng, tài chính, thuốc
phiện, muối, rượu, chiếm đất lập đồn điền, lập ra hàng trăm thứ thuế vô lý
và vô nhân đạo. Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta
càng nghèo khổ, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng thực hành chính sách
chuyên chế về chính trị, làm cho dân ta không có một chút tự do, dân chủ
nào. Để ngăn chặn tình đoàn kết của dân tộc ta, chúng thực hiện chính
sách “chia để trị”.
Cùng với độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị, về văn hoá,
thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, nhằm giam hãm dân tộc ta
trong vòng nô lệ.
Những chính sách trên của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt
Nam thay đổi, từ một xã hội phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một xã
hội thuộc địa, nửa phong kiến.
Về cơ cấu xã hội, bên cạnh giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp
nông dân đã tồn tại từ lâu, xuất hiện giai cấp công nhân, giai cấp tiểu tư
sản thành thị và giai cấp tư sản.
Nhân dân ta bị bần cùng hoá, công nhân, nông dân nghèo đói, tiểu
tư sản phá sản, trí thức thất nghiệp, tư sản dân tộc, địa chủ nhỏ và vừa bị
chèn ép.
Chính sách thống trị của Pháp và bọn tay sai đã tạo ra hai mâu
thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam thuộc địa, nửa phong kiến: mâu thuẫn
giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp và mâu
thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là giữa nông dân với giai cấp địa
chủ phong kiến. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta
với bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Độc lập dân tộc và người cày có
ruộng là hai yêu cầu cơ bản của xã hội Việt Nam thuộc địa, nửa phong
kiến, nhưng độc lập dân tộc là yêu cầu chủ yếu trước mắt, phản ánh
nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp, giai cấp trong dân tộc.
2. Phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
a) Phong trào yêu nước của nông dân và sĩ phu yêu nước
Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, với tinh thần
yêu nước nồng nàn, bất chấp chủ trương đầu hàng của triều đình phong
kiến, nhân dân cả nước đã vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Chúng đã vấp phải một phong trào đấu tranh vũ trang quyết liệt và kéo dài,
hễ phong trào này bị dập tắt, thì phong trào khác tiếp theo, không hề
ngưng nghỉ, thật đúng với lời tuyên bố đanh thép của Nguyễn Trung Trực
trước giờ xử tử: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam
đánh Tây”.
Ngày 5/7/1885, phái kháng chiến còn sót lại trong triều đình Huế do
Tôn Thất Thuyết dẫn đầu đánh đồn Mang Cá và toà khâm sứ Trung Kỳ. Bị
thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra vùng núi Quảng Trị. Ngày
13-7-1885, nhà vua xuống chiếu “Cần Vương”. Phong trào “Cần Vương'
nhanh chóng lan ra nhiều địa phương ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và cả Nam Kỳ.
Ngày 1-11-1888, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt. Phong trào “Cần Vương” còn
kéo dài cho đến khi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng thất bại (1896).
Trong thời gian đó, các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống Pháp không
ngừng bùng nổ ở khắp các miền của đất nước. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất
tiêu biểu cho ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường, bền bỉ của nông dân
Việt Nam là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Thực
dân Pháp đã bốn lần dùng lực lượng lớn tiến công Yên Thế, nhưng đều bị
nghĩa quân đánh bại. Chỉ sau khi Hoàng Hoa Thám hy sinh (10-3-1913),
cuộc khởi nghĩa Yên Thế (kéo dài 30 năm từ 1883-1913) mới kết thúc.
b) Phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản
Sau khi phong trào “Cần Vương” thất bại, nhiều sĩ phu yêu nước
hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước mới.
Đầu thế kỷ XX, trào lưu dân chủ tư sản qua sách báo của Khang
Hữu Vi, Lương Khải Siêu, gương Duy Tân của Nhật Bản, cuộc vận động
hiến pháp của Trung Quốc (1898), cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc
(1911) đã lôi cuốn nhiều sĩ phu yêu nước, tiêu biểu là Phan Bội Châu và
Phan Châu Trinh.
Là ngọn cờ của phong trào yêu nước chống Pháp hồi đầu thế kỷ,
lúc đầu Phan Bội Châu chủ trương lập chế độ quân chủ lập hiến, năm
1904 đã lập Duy Tân hội để khôi phục độc lập dân tộc. Tuy vậy, ông vẫn
chưa thấy vai trò chủ lực của nông dân.
Năm 1912, ông cùng một số nhà yêu nước lập ra Việt Nam Quang
phục hội, từ bỏ lập trường quân chủ lập hiến, chuyển sang lập trường dân
chủ tư sản với chủ trương: đánh đuổi giặc Pháp, thành lập Cộng hoà dân
quốc Việt Nam. Năm 1924, ông quyết định cải tổ Việt Nam Quang phục hội
thành Việt Nam Quốc dân Đảng, vạch đường lối chính trị phỏng theo
cương lĩnh Trung Hoa Quốc dân Đảng do Tôn Dật Tiên lãnh đạo. Ông
cũng có cảm tình với nước Nga Xôviết, chủ nghĩa xã hội và có ý đặt hy
vọng vào Nguyễn Ái Quốc.
Hạn chế lớn của ông là chủ trương dựa vào Nhật để đuổi Pháp. Sau
này, trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
tịch, Trần Dân Tiên đã nhận xét con đường đó chẳng khác gì “đưa hổ cửa
trước, rước beo cửa sau”.
Con đường cứu nước của Phan Bội Châu đã không thành công.
Trong bản hồi ký cuối đời ông viết: “Than ôi? Cuộc đời của tôi là một trăm
thất bại mà không một thành công”.
Phan Châu Trinh là nhà yêu nước dân chủ nhiệt thành. Ông kịch liệt
tố cáo bọn quan lại phong kiến sâu mọt, kết tội tên vua bù nhìn Khải Định
và tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Ông chủ trương “khai dân trí, chấn
dân khí, hậu dân sinh”. Hạn chế lớn của Phan Châu Trinh là đường lối cải
lương phản đối bạo động (“bạo động tắc tử”) và muốn dựa vào Pháp để
chống phong kiến. Dù là cải lương, ông vẫn bị thực dân Pháp bắt giam,
đày đi Côn Đảo. Con đường cứu nước của Phan Châu Trinh đã thất bại,
đúng như nhận xét của Trần Dân Tiên, vì sai lầm chẳng khác gì “xin giặc
rủ lòng thương”.
Lòng yêu nước và gương hoạt động của hai cụ Phan đã cổ vũ nhân
dân ta qua nhiều thế hệ.
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có điểm giống nhau là chưa tiếp
cận được xu thế của thời đại mới, do đó không tìm ra con đường cứu
nước mới, con đường giành độc lập triệt để do nhân dân lao động làm chủ
đất nước, lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư
sản đã nói lên một sự thật: con đường dân chủ tư sản cũng không cứu
được nước. Ở nước thuộc địa, nửa phong bến Việt Nam, giai cấp tư sản
dân tộc có vai trò nhất định trong sự nghiệp cứu nước, nhưng họ chỉ có
thể phát huy vai trò đó với sự giúp đỡ của Đảng, của giai cấp công nhân.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), tính chất thời đại thay đổi,
đòi hỏi con đường giải quyết mâu thuẫn xã hội phải thay đổi và giai cấp
lãnh đạo cách mạng cũng phải thay đổi.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng về đường lối cứu
nước đã diễn ra sâu sắc, trầm trọng trên đất nước ta. Việc tìm lối ra cho
cuộc khủng hoảng là nhu cầu nóng bỏng nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ.
II. NGUYỄN ÁI QUỐC TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
1. Quá trình tìm tòi con đường cứu nước mới của Nguyễn Ái
Quốc
Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19-5-1890, quê ở làng Kim Liên, huyện
Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học
lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, đau xót
trước cảnh lầm than của đồng bào, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh
đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời đất nước ra tìm đường cứu
nước, xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.
Trên lộ trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua
những bước ngoặt lớn.
- Một là: Nhận ra hạn chế của các nhà yêu nước đương thời.
Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng không đồng ý đi theo
con đường của một người nào. Trong khi nhiều người còn ngưỡng mộ
cách mạng tư sản, Người đã vượt qua sự hạn chế tầm nhìn của họ, đi tìm
con đường cứu nước khác.
- Hai là: Tìm ra chỗ hạn chế của cách mạng dân chủ tư sản là
những cuộc cách mạng không giải phóng được công nông và quần chúng
lao động.
Một cuộc khảo sát có một không hai ở Mỹ, Anh và Pháp đã giúp
Nguyễn Ái Quốc nhận ra là ở đâu cũng có hai loại người: người giàu và
người nghèo, người áp bức và người bị áp bức. Càng ngày Người càng
hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa đế quốc.
Ngày 6-7-1911, Nguyễn Tất Thành đến cảng Mácxây, thấy nhiều
phụ nữ nghèo khổ, Nguyễn Tất Thành nói với người bạn “Tại sao người
Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”.
Làm thuê trên chiếc tàu đi vòng quanh châu Phi, tận mắt trông thấy
những cảnh khổ cực, chết chóc của người da đen dưới roi vọt của bọn
thực dân, Nguyễn Tất Thành nghĩ: Đối với bọn thực dân, tính mạng của
người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.
Giữa tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, Người dành
một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành
cho học tập, nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776. Khi thăm pho
tượng Thần Tự do, Nguyễn Tất Thành không để ý đến ánh hào quang
quanh đầu tượng mà xúc động trước cảnh những nô lệ da đen dưới chân
tượng.
Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành từ Mỹ sang Anh và cuối năm
1917 trở lại Pháp.
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) giết hại biết bao sinh
mạng, phá hủy vô vàn của cải. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu thêm
bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Quá trình nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và
Cách mạng tư sản Pháp (1789) đã giúp Nguyễn Ái Quốc học hỏi được
nhiều điều. Tuy vậy, Người vẫn đánh giá những cuộc cách mạng tư sản là
“những cuộc cách mạng không đến nơi”.
Chiến tranh kết thúc, các nước thắng trận họp Hội nghị hoà bình ở
Véc xây (Pháp) để chia phần. Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu
nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị bản yêu sách 8 điểm. Trong khi
chờ đợi giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết, Người chỉ đề cập những yêu
sách “tối thiểu” và “cấp thiết”. Tổng thống Mỹ Uynxơn (Wilson), tác giả
chương trình 14 điểm với chiêu bài dân tộc tự quyết cũng có mặt ở Hội
nghị. Nhưng những yêu sách dù khiêm tốn của Người không được Hội
nghị đáp ứng.
Sự kiện này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ “chủ nghĩa Uynxơn chỉ
là một trò bịp bợm lớn...”. Những lời tuyên bố tự do của nhà chính trị tư
sản trong lúc chiến tranh thực ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp
các dân tộc. Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào
mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Đầu năm 1919, Nguyễn
Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ hồi bấy giờ Người
có dịp tiếp xúc, hoạt động với nhiều nhà chính trị nổi tiếng ở Pháp. Nguyễn
Ái Quốc tìm hiểu và hoạt động trong phong trào công nhân, liên lạc và
cùng hoạt động với nhiều nhà cách mạng ở nhiều thuộc địa Pháp.
- Ba là: Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi
theo Quốc tế Cộng sản.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi là sự kiện chính trị
lớn nhất của thế kỷ XX, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, thời
đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế
giới, thời đại thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô
sản.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đặt ra sự lựa chọn mới đối
với những người cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc cho một số ít
người hay cho đại đa số người? Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa tư bản
hay độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội?
Khi được biết thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn
Ái Quốc ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục Lênin. Người đã tham
gia nhiều cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quả cách
mạng. Tháng 3-1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) ra đời, có ảnh
hưởng lớn đến phong trào cách mạng thế giới. Năm 1920, cuộc đấu tranh
giữa hai con đường diễn ra quyết liệt trong nhiều đảng công nhân và ngay
trong Đảng Xã hội Pháp: tiếp tục theo Quốc tế thứ hai tức là tiếp tục con
đường cải lương hay đi theo Quốc tế thứ ba, con đường cách mạng.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất
những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương
đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở tìm
hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng
dân tộc, nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ ba khác hẳn với
những lời tuyên bố suông của Quốc tế thứ hai. Luận cương của Lênin đã
có ảnh hưởng quyết định đến lập trường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc:
Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tán thành Quốc tế thứ ba, đặt cách
mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản, trở thành một
trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu
tiên của Việt Nam.
Qua mười năm sống và làm việc ở những nước tư bản phát triển,
Nguyễn Ái Quốc không choáng ngợp trước sự giàu có của giai cấp tư sản
mà lại nhận thấy chế độ tư bản có nhiều khuyết tật. Người khẳng định dứt
khoát chủ nghĩa tư bản không cứu được nước, không cứu được dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã giúp Nguyễn Ái
Quốc nhanh chóng nhận ra chân lý thời đại: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những
người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Khác với các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc có một
phương pháp nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu
với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu
chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có
chọn lọc.
Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã được
thể hiện nổi bật trong việc vận dụng học thuyết Mác - Lênin, vạch ra
đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta.
2. Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin và chuẩn bị thành lập Đảng
a) Tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp, liên kết cách mạng giải
phóng dân tộc thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước đế quốc
Trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào truyền bá
chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Quá trình đó cũng là quá trình Người từng
bước vạch đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam.
Tháng 4-1921, khi còn ở Pháp, trong bài báo Đông Dương, Người
phê phán sai lầm của một số đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển
“chưa quan tâm đến vấn đề thuộc địa”. Tháng 5 năm đó cũng trong bài
báo Đông Dương, Người cho rằng “chế độ cộng sản có áp dụng được ở
châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng”. Người dự đoán “ngày mà
hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ
sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình
thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều
kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ
những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn
toàn”.
Tháng 7-1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số chiến sĩ cách mạng ở
nhiều nước thuộc địa Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa. Tuyên ngôn của
Hội do Người khởi thảo đã nêu bật tư tưởng tự lực tự cường: “Công cuộc
giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân
anh em”.
Hội đã ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Trong truyền đơn cổ
động mọi người mua báo, Nguyễn Ái Quốc đã phát triển lời kêu gọi đoàn
kết quốc tế của Mác và Lênin: “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại!”.
Báo Người cùng khổ đã tạo “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các
nước bị áp bức”, “đã làm cho nước Pháp chân chính biết rõ những việc
xảy ra trong các thuộc địa”, “đã thức tỉnh đồng bào chúng ta”, “khiến cho
đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng, bác
ái”. Ngoài việc viết bài cho báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn viết
bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân. Người đã dự Đại hội lần
thứ nhất và thứ hai của Đảng Cộng sản Pháp. Người tiếp tục chỉ ra sai
lầm của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề thuộc địa.
Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu viết tác phẩm nổi tiếng
Bản án chế độ thực dân Pháp nhằm vạch trần bản chất chủ nghĩa đế quốc
và kêu gọi “Dân bản xứ không cam chịu nhục được mãi, phải vùng lên”.
Người nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải
phóng dân tộc qua hình ảnh chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa hai vòi.
Muốn giết con vật ấy “người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta
chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp
vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Tác
phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp có giá trị lớn về mặt lý luận, thực tiễn,
đồng thời có giá trị về văn học.
Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc phê phán vua Khải Định khi ông ta
sang Pháp dự hội chợ thuộc địa. Qua truyện ngắn Lời than vãn của Bà
Trưng Trắc, vở kịch Con rồng tre, Người lên án ông ta là “đớn hèn, bất lực
và ngu dốt”, cam tâm làm tôi tớ cho thực dân Pháp.
Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Pêtơrôgrát (Liên Xô). Ở đó,
Người có điều kiện học tập, nghiên cứu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác Lênin. Người phát triển thêm những quan điểm chính trị của mình đã hình
thành ở Pháp. Người tiếp tục tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc. Qua bài
Hành hình kiểu Linsơ, Người coi tội ác đó “chiếm vị trí vinh dự trong toàn
bộ những tội ác của nền văn minh Mỹ”. Người vạch trần”chính sách thực
dân trá hình” của đế quốc Anh muốn chiếm cả Trung Quốc, phê phán đế
quốc Ý đồng lõa với đế quốc Pháp đàn áp phong trào cách mạng ở Bắc
Phi.
Tháng 10-1923, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế
Nông dân. Đại hội bầu Người vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân và
Ban Chấp hành cử Người làm ủy viên Đoàn chủ tịch. Năm 1924, Người
dự các Đại hội của Thanh niên, Phụ nữ quốc tế. Công hội đỏ và Đại hội
lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Người tiếp tục phê bình thiếu sót của
nhiều đảng cộng sản ở Tây âu về vấn đề thuộc địa và thẳng thắn nêu thiếu
sót đó của cả Quốc tế Cộng sản.
Người rất chú ý nghiên cứu chế độ mới ở Liên Xô. Người nhận rõ
lúc này dù thiếu thốn, nhân dân Liên xô đã dành cho trẻ em những “cái gì
tốt nhất”, nhà nước hết sức chăm lo việc giáo dục và y tế cho nhân dân.
Người viết nhiều bài báo nêu cao công lao vĩ đại, đạo đức cao cả của Lê
nin.
Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc)
làm nhiệm vụ đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản và trực tiếp chuẩn bị
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người cùng với một số nhà cách mạng lập Hội liên hiệp các dân tộc
bị áp bức Á Đông, do ông Liêu Trọng Khải (Trung Quốc) làm Hội trưởng và
Người làm Bí thư.
b) Thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
Tháng 6-1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc thành
lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhằm tập hợp những thanh niên
yêu nước Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa, chuẩn bị thành lập
Đảng. Người mở những lớp huấn luyện cán bộ và ra tờ báo Thanh niên.
Phần lớn những thanh niên đã được huấn luyện trở về nước hoạt động và
số còn lại sang Liên Xô tiếp tục học tập. Hội đã truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vào công nhân, nông
dân và các tầng lớp nhân dân.
Năm 1928, Hội đề ra chủ trương “vô sản hoá”, đưa hội viên vào các
nhà máy, hầm mỏ, đồn điền. Chủ trương này có tác dụng rèn luyện những
người trí thức tiểu tư sản về lập trường giai cấp công nhân và bước đầu
kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào
yêu nước.
Hội kết nạp ngày càng nhiều hội viên, năm 1928 có 300 hội viên,
năm 1929 có 1.700 hội viên, nếu kể cả hội viên dự bị thì có gần 3.000
người. Từ năm 1926 đến năm 1929, Hội có cơ sở ở nhiều trung tâm kinh
tế chính trị trong cả nước, trở thành lực lượng chính trị yêu nước lớn
mạnh nhất đất nước, hoàn thành ý định của người sáng lập hội là chuẩn bị
tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản.
c) Phác thảo đường lối cứu nước
Nguyễn Ái Quốc phác thảo đường lối cứu nước từ năm 1921 và thể
hiện tập trung trong tập bài giảng ở lớp chính trị tại Quảng Châu, năm
1927 được in thành sách lấy tên là Đường Cách mệnh. Nội dung cơ bản
của tác phẩm như sau:
- Một là: Chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích
của đại đa số dân chúng.
Nguyễn Ái Quốc giới thiệu những cuộc cách mạng điển hình trên thế
giới, từ Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776 đến Cách mạng tư sản Pháp
năm 1789, từ Công xã Pari năm 1871 đến Cách mạng Tháng Mười Nga
năm 1917 và sau khi so sánh cách mạng tư sản với cách mạng vô sản,
Người khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là
cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân
chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc
địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu
cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”.
Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là
đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng
cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối
như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Nguyễn Ái Quốc
nhấn mạnh: “làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số
nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần,
thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Đây là điểm xuất phát và là điểm
khác nhau cơ bản giữa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc với các
con đường cứu nước trước kia.
- Hai là: Mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là
chủ nghĩa xã hội, muốn xoá bỏ chế độ người bóc lột người, muốn có tự
do, hạnh phúc, bình đẳng thật sự thì phải qua hai cuộc cách mạng: cách
mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai cuộc cách
mạng này có quan hệ mật thiết với nhau.
- Ba là: Về lực lượng cách mạng, công nông là gốc của cách mệnh,
học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. “Ai mà bị
áp bức càng nặng, thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng
quyết”. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc
của một hai người.
- Bốn là: Về phương pháp cách mạng.
Cùng với việc hoạch định đường lối cách mạng, Nguyên Ái Quốc
phác thảo cả phương pháp cách mạng. Người cho rằng giải phóng gông
cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại là công việc “to tát”, cho nên phải
“dùng hết sức”, phải “quyết tâm làm thì chắc được” thà chết tự do hơn
sống làm nô lệ”. Nhưng phải “biết cách làm thì mới chóng”. “Cách mệnh
trước hết phải làm cho dân giác ngộ”. Tiếp theo tư tưởng khởi nghĩa vũ
trang quần chúng giành chính quyền đề ra từ năm 1924, trong tác phẩm
này, Nguyễn Ái Quốc phát triển thêm: “dân khí mạnh thì quân lính nào,
súng ống nào cũng không chống lại nổi”. “Đời này làm chưa xong, đời sau
nối theo làm thì phải xong”. Về phương pháp cách mạng, quan điểm của
Nguyễn Ái Quốc là quan điểm cách mạng bạo lực. Người chỉ ra những
thiếu sót của những người đi trước như “xúi dân bạo động mà không bày
cách tổ chức”, hoặc “làm cho dân quen tính ỷ lại mà quên tính tự cường”.
Tóm lại là phải có sách lược, mưu chước, kế hoạch, biết lúc nào nên làm,
lúc nào chưa nên làm.
- Năm là: Đoàn kết quốc tế.
“Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ai
làm cách mạng trên thế giới là đồng chí của Việt Nam”. “Chúng ta cách
mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để
chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế)”. “An Nam
muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nhắc lại khẩu
hiệu của Quốc tế thứ ba “Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế
giới liên hợp lại”.
Đây là những quan điểm cơ bản về đoàn kết quốc tế mà Nguyễn Ái
Quốc đã viết trong nhiều tác phẩm và Người thực hiện ngay từ khi gia
nhập phong trào cộng sản quốc tế. Trong quan hệ giữa cách mạng nước
ta với bầu bạn thế giới, Nguyễn Ái Quốc chú ý hai điều:
• Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã.
• Cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động giành thắng lợi, không
ỷ lại, chờ đợi thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản. Đó cũng là bài
học đoàn kết quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường
của cách mạng nước ta từ khi Đảng lãnh đạo.
- Sáu là: Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng.
Ngay từ khi tìm được chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã
nắm vững quy luật, Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Muốn cho
Đảng vững phải làm cho trong Đảng ai cũng hiểu, ai cũng theo chủ nghĩa
ấy (chủ nghĩa Mác - Lênin). Đảng không có chủ nghĩa như người không có
trí khôn.
Sáu điểm trên đây là tư tưởng cốt lõi trong con đường cứu nước
của Nguyễn Ái Quốc.
Không những Nguyễn Ái Quốc nắm vững thực chất chủ nghĩa Mác Lênin, mà ngay từ đầu đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách
sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng nước mình.
Từ năm 1925 đến năm 1927, đồng thời với phong trào yêu nước
theo lập trường vô sản, xuất hiện phong trào yêu nước theo quan điểm
dân chủ tư sản:
- Phong trào đấu tranh sôi sục trong cả nước vào cuối năm 1925,
đòi trả lại tự do cho Phan Bội Châu.
- Phong trào yêu nước tổ chức đám tang Phan Châu Trinh, tháng 31926.
- Năm 1925 thành lập Việt Nam Nghĩa đoàn, năm 1927 đổi tên
thành Đảng Tân Việt.
- Đảng Thanh niên thành lập tháng 3-1926.
- Đảng An Nam độc lập do lưu học sinh Việt Nam ở Pháp tổ chức.
- Việt Nam quốc dân Đảng thành lập năm 1927.
Cùng với các tổ chức chính trị nói trên, nhiều tờ báo tiến bộ ra đời:
Báo La cloche félée (Tiếng chuông rè) từ số 53 (29-3-1926) đến số 60 (264-1926) lần lượt công bố toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của
Mác và Ăngghen, Tờ L’ Annam bác bỏ thuyết “Pháp Việt đề huề”, đăng
nhiều bài của báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Tờ
Jeune Annam (xứ An Nam trẻ) đăng một số bài của Nguyễn Ái Quốc. Các
tổ chức và những tờ báo trên đã có ảnh hưởng tới thanh niên, học sinh và
một số người thuộc tầng lớp trên.