Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

HD 02 đề thi THPT QG 2017 (9)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (447.67 KB, 5 trang )

HÀNH TRÌNH 80 NGÀY ĐỒNG HÀNH CÙNG 99ER
BIÊN TẬP: KỸ SƯ HƯ HỎNG

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút

Họ và tên thí sinh: .........................................................
Số Báo Danh: ................................................................

ĐỀ SỐ 2/80

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4
...Liệu bạn có hạnh phúc hơn nếu như bạn giàu có hơn? Nhiều người tin rằng ”có”. Nhưng các nghiên
cứu trong nhiều năm qua chỉ ra rằng người có tiền bạc dồi dào hơn chỉ hạnh phúc hơn rất ít so với người có
thu nhập thấp, thậm chí chưa chắc đã hạnh phúc hơn.
Tính trung bình, dân Mỹ giàu hơn dân Niu Di – lân nhưng họ không hạnh phúc hơn. Người dân ở
những nước giàu có như Áo, Pháp, Đức dường như cũng chẳng hạnh phúc hơn là bao so với người dân ở
những nước nghèo hơn như Bra – xin và Phi – lip – pin.
... Tuy nhiên dường như có điều gì đó rất mâu thuẫn về điều này. Nếu tiền bạc không mang lại hạnh
phúc thì tại sao tất cả chính phủ các nước lại tập trung vào việc tăng thu nhập quốc dân theo đầu người? Tại
sao rất nhiều người trong chúng ta lại phải gắng sức kiếm nhiều tiền hơn nếu tiền bạc không làm chúng ta
hạnh phúc hơn?
(Theo Thương Vũ, tuoitreonline, 13/5/2007)
Câu 1. Ngữ liệu trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)
Câu 2. Điều rất mâu thuẫn mà tác giả nói tới trong đoạn trích là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao người có tiền bạc dồi dào hơn chỉ hạnh phúc hơn rất ít so với người có thu
nhập thấp, thậm chí chưa chắc đã hạnh phúc hơn? (1,0 điểm)
Câu 4. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng) trả lời câu hỏi: Theo anh/ chị thế nào là người giàu có ? (1,0 điểm)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)


Câu 1. (2,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 từ bàn về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc.
Câu 2. (5,0 điểm)
.
Nhận định về phong cách Nguyễn Thi, sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao (tập II) viết:
“Có thể nói, Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời,
bộc trực, căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước.”
Qua ba nhân vật: Việt, Chiến và chú Năm trong trích đoạn “Những đứa con trong gia đình”, anh (chị)
hãy làm rõ nhận định trên.

…………………. Hết …………………….

Kỹ Sư Hư Hỏng – Cung cấp tài liệu ôn thi THPT mới nhất

Trang 1


ĐÁP ÁN NGỮ VĂN ĐỀ 02
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm): Ngữ liệu trên bàn về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc của con người
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đủ ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2. (0,5 điểm)
Điều rất mâu thuẫn mà tác giả nói đến trong đoạn trích là: tiền bạc không mang lại hạnh phúc cho con
người nhưng chính phủ các nước vẫn chú trọng vào vấn đề tăng thu nhập bình quân theo đầu người và chúng
ta vẫn phải gắng sức kiếm nhiều tiền hơn.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng đủ ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3. (1,0 điểm): Học sinh có thể trả lời bằng các ý như sau:
Người có tiền bạc dồi dào chưa chắc đã hạnh phúc hơn hoặc hạnh phúc hơn rất ít so với người có thu

nhập thấp vì:
- Hạnh phúc thuộc phạm trù tinh thần. Tiền bạc mang giá trị vật chất. Tiền bạc chỉ là điều kiện cần,
không phải là hạnh phúc.
- Người nhiều tiền bạc dồi dào thường là người phải nỗ lực phấn đấu, làm việc nhiều, đối mặt với với
thử thách trong cuộc sống; gánh vác trách nhiệm...Họ phải chịu nhiều áp lực, ít có thời gian nghỉ ngơi, thụ
hưởng cuộc sống, chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng cảm xúc... Tức là họ ít khi được thỏa mãn về tinh thần.
- Điểm 1,0 : Trả lời đúng, đủ ý trên.
- Điểm 0,5: Trả lời được ½ trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4: (1,0 điểm) Học sinh bày tỏ quan niệm của bản thân về người giàu có song cần thể hiện nhận thức đúng
đắn, tích cực. Có thể theo gợi ý sau:
Giàu có là sự đầy đủ, dồi dào. Người giàu có trước hết là người có đầy đủ dồi dào về tâm hồn, lòng nhân ái, về
sức khỏe, và tiền bạc. Sự giàu có đó phải đem lại cho con người ta hạnh phúc, vui vẻ, viên mãn trong cuộc sống.
- Điểm 1,0: Trả lời đúng, đủ ý trên.
- Điểm 0,5: Trả lời được 1/2 số ý trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Phần II. Làm văn
Câu 1: (2,0 điểm)
a. Về hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về đoạn văn nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn có kết cấu
chặt chẽ, thể hiện rõ ràng, thuyết phục chính kiến của người viết.
- Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, diễn đạt.
- Dung lượng: khoảng 200 từ.
b. Về nội dung
* Giải thích: Tiền bạc chỉ của cải nói chung. 8Hạnh phúc là niềm vui, sự sung sướng, thỏa mãn của con
người về đời sống vật chất và tinh thần.
* Bàn luận vấn đề:
- Vai trò của tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống con người.

Kỹ Sư Hư Hỏng – Cung cấp tài liệu ôn thi THPT mới nhất


Trang 2


+ Tiền bạc là điều kiện cần để duy trì, là nền tảng để xây dựng hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc khi
nghèo đói, thiếu thốn, thất học, ốm đau không có tiền chữa bệnh. Tiền bạc là phương tiện để con người thực
hiện ước mơ, ý tưởng của bản thân.
+ Hạnh phúc là yếu tố tinh thần quan trọng trong cuộc sống: Làm cho tâm hồn, tình cảm con người trở
nên phong phú, đem đến cho con người niềm vui, niềm tin yêu cuộc đời; Đó là niềm khao khát, kiếm tìm của
bất kì ai; Hạnh phúc khiến cho con người trở nên tốt đẹp hơn.
- Mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc :
+ Tiền bạc góp phần làm gia tăng hạnh phúc; Kiếm tiền cũng là một cách để con người khẳng định năng
lực bản thân, giúp đỡ người khác, đóng góp cho quê hương, đất nước.
+ Nhưng tiền bạc không làm nên tất cả. Hạnh phúc không mua được bằng tiền. Hạnh phúc tạo dựng từ
tiền bạc không bền vững. Hạnh phúc phải được xây dựng từ tình yêu thương, sự chân thành. Tiền bạc được
đánh đổi từ hạnh phúc là những đồng tiền vô nghĩa
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Có nhận thức đúng đắn về vai trò của tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Biết cân bằng giữa hai yếu
tố vật chất và tinh thần, tránh xa lối sống vật chất, hưởng thụ, ích kỷ,...
+ Kiếm tiền làm giàu bằng con đường chân chính, có bản lĩnh, tỉnh táo để không bị tiền bạc quyến rũ. Cân
bằng việc lao động kiếm tiền và nghỉ ngơi thư giãn, thụ hưởng cuộc sống làm cho mình hạnh phúc.
Câu 2. (5,0 điểm)
1. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn
bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn
đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu cụ thể:
2.1.
Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần nmở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí
và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng

tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy
đủ yêu cầu trên ; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu mở hoặc kết bài, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn.
2.2 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: làm rõ nhận định: Nguyễn Thi là nhà văn của người nông
dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời, bộc trực, căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước qua
ba nhân vật Việt, Chiến và chú Năm trong trích đoạn “Những đứa con trong gia đình” .
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai luận đề, lạc đề.
2.3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự
hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm); biết kết hợp
giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm). Có thể trình bày theo định hướng sau:
a. Giới thiệu về tác giả, vấn đề nghị luận
- Nguyễn Thi là tấm gương sáng về phẩm chất nhà văn – chiến sĩ. Cuộc đời cầm bút của ông gắn bó sâu
nặng với mảnh đất và con người Nam bộ, đặc biệt trong thời kì chống Mĩ cứu nước.
- Nêu nhận định.
- Giới hạn: tác phẩm Những đứa con trong gia đình, ba nhân vật Chiến, Việt, chú Năm.

Kỹ Sư Hư Hỏng – Cung cấp tài liệu ôn thi THPT mới nhất

Trang 3


b. Chứng minh nhận định
- Khái quát về tác phẩm:
+ Tác phẩm viết năm 1966, là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Thi cũng như của văn xuôi chống Mĩ.
+ Truyện được kể theo ngôi thứ ba, nhưng chủ yếu qua dòng hồi tưởng của chính nhân vật. Điểm nhìn trần
thuật rất gần với ngôi thứ nhất.
+ Tình huống truyện: Việt bị thương nặng, lạc đồng đội, một mình nằm lại giữa chiến trường. Anh ngất đi,

tỉnh dậy nhiều lần, mỗi lần tỉnh dậy, dòng hồi ức lại đưa Việt về những kỉ niệm hồi còn ở nhà, chưa đi bộ đội.
Hình ảnh Việt, chú Năm, chị Chiến hiện lên là những người nông dân Nam bộ đậm nét qua nỗi nhớ của Việt.
- Những nét tính cách của người nông dân Nam Bộ qua ba nhân vật Việt, Chiến, chú Năm:
+ Hồn nhiên, bộc trực, yêu đời:
++ Việt: tính cách đơn giản, chỉ thích đi bộ đội để trả thù cho ba má; còn trẻ con: không sợ giặc nhưng sợ
đêm tối, tin có ma, đi bộ đội vẫn đem theo cái ná thun.
++ Chiến: mạnh mẽ, gân guốc; thân hình chắc nịnh, bắp tay tròn vo, sạm nắng, bước chân bình bịch; tháo
vát giỏi giang trong thu xếp việc nhà … Chiến là hình ảnh người mẹ đã mất.
++ Chú Năm: cuộc đời làm mướn cơ cực, nhưng hay hò, giọng hò gửi gắm nỗi lòng chú.
+ Lòng căm thù ngùn ngụt với quân cướp nước:
++ Việt và Chiến tranh nhau đi bộ đội để được trả thù cho ba má. Lời nói của Chiến thưa với chú Năm; lời
khẳng định của Việt với chị Chiến; tâm trạng của Việt lúc khiêng bàn thờ má đi gửi “còn mối thù thằng Mĩ thì
có thể rờ tới được vì nó đang đè nặng trên vai.”
++ Chú Năm: Lập cuốn sổ gia đình cho các cháu nhắc nhở các cháu mối thù giặc Mĩ; truyền giữ truyền
thống gia đình; gánh vác việc nhà cho hai cháu đi bộ đội một đợt; xúc động khi thấy các cháu đã lớn khôn, dặn
dò hai cháu xứng đáng với truyền thống gia đình (giọng hò của chú cuối tác phẩm).
+ Những con người giàu yêu thương: tình yêu giản dị mộc mạc nhưng cháy bỏng, sâu nặng; Chú yêu
thương hai cháu. Chị em thương yêu nhau. Việt và Chiến yêu thương ba má, chú Năm. Ở họ, tình yêu gia đình
hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước.
- Lí giải phong cách Nguyễn Thi
+ Nhà văn có vốn sống phong phú về Nam bộ, có sự gắn bó sâu nặng với người nông dân Nam bộ.
+ Nhà văn có biệt tài nhập sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để tạo ra những nhân vật có cá tính gân guốc,
quyết liệt. Đó là những người nông dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: đơn giản, bộc trực, căm
thù giặc ngút trời, giàu yêu thương; tình yêu gia đình, quê hương đất nước sâu nặng, gắn bó làm một.
c. Kết luận:
- Khẳng định vẻ đẹp người nông dân Nam bộ yêu nước, căm thù giặc, bộc trực hồn nhiên, sâu nặng nghĩa
tình trong tác phẩm chính là vẻ đẹp con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
- Đánh giá thành công nghệ thuật của tác phẩm: tạo tình huống, trần thuật, đặc biệt là nghệ thuật khắc họa
nhân vật.
- Đóng góp và vị trí của Nguyễn Thi trong văn xuôi chống Mĩ.

- Điểm 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên ;
- Điểm 2,0 - 2,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh)
còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,5 -1,75: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5 – 1,25: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
2.4. Sáng tạo (0,5 điểm)
Kỹ Sư Hư Hỏng – Cung cấp tài liệu ôn thi THPT mới nhất

Trang 4


- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố
biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu
sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc
nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan
điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
2.5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi.

Kỹ Sư Hư Hỏng – Cung cấp tài liệu ôn thi THPT mới nhất

Trang 5




×