Tải bản đầy đủ (.docx) (25 trang)

Qúa trình du nhập của islam giáo vào Đông Nam Á

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (360.82 KB, 25 trang )

1.Lý do chọn đề tài.
Đông Nam Á từ lâu đã được coi là khu vực có lịch sử lâu đời với tư cách là trung tâm
kinh tế, văn hóa phong phú, đa dạng và là một trong những chiếc nôi của lịch sử loài
người. Bên cạnh đó khu vực này còn là nơi có nền văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều màu
sắc nhưng lại rất thống nhất với nhau. Tính thống nhất đó được xây dựng trên cơ tầng văn
hóa bản địa đặc sắc của một chỉnh thể văn hóa Đông Nam Áđã có từ thời tiền sử, tính đa
dạng cũng thuộc về bản chất của nền văn hóa đặc sắc ấy khi nó không ngừng tiếp biến với
các nền văn hóa khác để thu nhận, để cải biến và phát triển trong suốt hàng ngàn năm qua.
Ở Đông Nam Á bức tranh về tôn giáo là vô cùng đa dạng,mang nhiều dáng vẻ khác
nhau. Bởi trong quá trình phát triển lịch sử, nơi này đã hội tụ đầy đủ các ý thức hệ tư
tưởng của cả Phương Đông lẫn Phương Tây.Trong quá trình xâm nhập và phát triển của
mình tại đây, Islam giáo (Hồi giáo) đã có một địa vị chắc chắn ở nhiều nước. Và trong
bức tranh văn hóa tôn giáo Đông Nam Á,với vai trò là một trong ba tôn giáo lớn trên thế
giới thì Islam cũng là một trong số những tôn giáo đã góp phần tạo nên sự đa dạng về mặt
tôn giáo nơi đây. Islam không chỉ có vị trí và vai trò đặc biệt trong cộng đồng các quốc
gia A Rập mà còn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cộng đồng Islam ở Đông Nam
Á. Nói đến sự lan truyền Islam ra bên ngoài, chắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến sự du nhập thông
qua các cuộc “chiến tranh thần thánh dưới ngọn cờ tôn giáo”của mình khi lan truyền
sang nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, khi đến với Đông Nam Á Islam lại trở nên “hòa
diệu” hơn hẳn, khi theo chân các thương nhân đến bằng con đường thương mại hòa bình,
đó chính là sự khác biệt, mỗi tôn giáo khi đến với khu vực này đều mang một màu sắc
riêng và có những đặc điểm riêng trong quá trình du nhập để cư dân nơi đây có thể tiếp
nhận và phát triển chúng, có chăng khi Islam hay bất kì một tôn giáo nào khác khi đến
Đông Nam Á cũng“đều tự tước bỏ đi những giáo lí và thực hành cứng nhắc, hòa vào các
tín ngưỡng tôn giáo truyền thống và do vậy tự biến đổi để được chấp thuận và tồn tại”.
Vì những lý do trên nên tôi chọn: “Đặc điểm của quá trình du nhập Islam
giáo vào khu vực Đông Nam Á” làm đề tài tiểu luận.


Trong thời gian nghiên cứu đề tài, tôi đã cố gắng thu thập và xử lí tài liệu đểphục vụ
cho bài viết. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn và kiến thức của bản thân còn nhiều hạn chế.


Vì vậy không tránh khỏi những thiêu sót, rất mong được sự đóng góp ý kiến để bài tiểu
luận được hoàn chỉnh hơn.

1 Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á, và đã có
các công trình nghiên cứu về Hồi Giáo đã được xuất bản thành sách, các tạp chí Đông
Nam Á, với khả năng của mình tôi chỉ mới tiếp cận được một số tài liệu như sau.
Nghiên cứu về hồi giáo nói chung có các tác giả sau: Tác giả Nguyễn Thanh Xuân (
ban tôn giáo chính phủ) viết về đạo hồi trong cuốn “một số tôn giáo ở việt nam”, Mai
Thanh Hải, “Tôn giáo thế giới và Việt Nam”; các tác giả nước ngoài như: Coedes G. E.
D, “Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông”…trong các tác phẩm này ,các nhà
nghiên cứu nói chung đều đã đưa ra những nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng về sự ra
đời, giáo lý, đức tin ,sự phát triển của đạo hồi đến các khu vực khác nhau trên thế giới,
trong đó có cả khu vực đông nam á.
Trương Sĩ Hùng (chủ biên) trong cuốn “mấy tín ngưỡng tôn giáo đông nam á”. đã
trình bày một cách khái quát về quá trình hình thành các cộng đồng hồi giáo ở đông
nam á, đưa ra các giả thiết về nguồn gốc hồi giáo đông nam á, những điều kiện thuận
lợi cho hồi giáo du nhập vào đông nam á… .tuy trọng tâm của công trình không phải
chỉ nghiên cứu về sự du nhập hồi giáo vào đông nam á nhưng đã đưa ra được những
nhận định, đánh giá, suy luận khá hợp lý và thú vị.
Trong đề tài cấp bộ của viện nghiên cứu Đông Nam Á (2004) mang tên “vai trò
của hồi giáo trong đời sống chính trị hiện đại các nước Đông Bam Á” do Ngô Văn
Doanh chủ biên. vấn đề hồi giáo trong thời kỳ trung, cận đại có được đề cập tuy nhiên
do giới hạn của đề tài nên các tác giả giành phần lớn công trình để trình bày về vai trò
của hồi giáo trong đời sống chính trị hiện đại của các nước đông nam á hải đảo.


Do điều kiện khách quan cũng như trình độ của bản thân còn hạn chế nên có thể
còn rất nhiều nguồn tài liệu có liên quan khác mà tôi chưa tiếp cận khai thác được.
mong quý thầy cô bổ sung góp ý để bài tiểu luận được hoàn thiện hơn.


2 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu: Đặc điểm của quá trình du nhập Islam giáo vào khu vực
Đông Nam Á.
Phạm vi nghiên cứu: Khu vực Đông Nam Á.

3 Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của đề tài là phương pháp lịch sử và phương
pháp logic nhằm nêu lên nội dung cốt lõi và những đặc trưng của vấn đề. Đồng thời
kết hợp phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu.
4 Đóng góp của đề tài
Bài viết được tập hợp dựa trên nhiều tài liệu, đặc biệt là tài liệu thành văn. Bài viết
này có thể được dùng làm tư liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến đề tài này.
5 Bố cục đề tài
Chương 1: Vài nét khái quát về Đông Nam Á.
Chương 2: Đặc điểm của quá trình du nhập Islam giáo vào khu vực Đông Nam Á
6 Nội dung
Chương 1: Vài nét khái quát về Đông Nam Á

1

2

Tổng quan về Đông Nam Á
Tín ngưỡng bản địa và các tôn giáo ở Đông Nam Á trước khi Islam giáo du nhập

Chương 2: Đặc điểm của quá trình du nhập Islam giáo vào khu vực Đông Nam Á
2.1. Sơ lược về Islam giáo
2.2. Những bước đầu của quá trình du nhập Islam giáo vào Đông Nam Á
2.3. Đặc điểm của quá trình du nhập Islam giáo vào khu vực Đông Nam Á

2.3.1. Islam du nhập vào Đông Nam Á chủ yếu theo đường biển dưới hình thức giao
lưu, buôn bán
2.3.2. Islam du nhập vào Đông Nam Á bằng phương thức hoà bình


2.3.3. Islam du nhập vào Đông Nam Á đã có sự pha trộn giữa Islam chính thống với
các cơ tầng văn hoá có nguồn gốc Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc và những yếu tố tín
ngưỡng tiền Islam ở địa phương
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC

CHƯƠNG 1:
VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

1

Tổng quan về Đông Nam Á
Đông Nam Á có vị trí địa lí nằm trong phạm vi khoảng từ 92 0đến 1400 kinh Đông
và khoảng từ 280 vĩ Bắc đến 150 vĩ Nam [9;10]. Phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây
Bắc giáp với Ấn Độ - hai nền văn minh lớn và rực rỡ của thế giới trong thời kì cổ trung
đại, phía Tây là Ấn Độ Dương và hai mặt Đông, Nam được bao bọc bởi Thái Bình
Dương. Đông Nam Á gồm hai vùng lãnh thổ khác nhau rõ rệt: một phần là lục địa (Việt
Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma), một phần là vùng hải đảo (Inđonexia,
Philippin, Malaysia, Singapore, Brunei).
Đông Nam Á được coi là “ hành lang” cầu nối giữa phương Đông (Trung Quốc,
Nhật Bản..) và phương Tây (Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải). Thậm chí cho đến gần đây
sau khi đánh giá lại sự cống hiến về văn hóa và vai trò lịch sử của Đông Nam Á, một số
nhà nghiên cứu vẫn gọi khu vực này là “ống thông gió” hay “ngã tư đường” [9;9] . Cho
đến trước thế kỉ XVI, Đông Nam Á đã nổi lên như một trong những trung tâm văn minh,
một khu vực địa lý- lịch sử- văn hoá. Đương nhiên, trong quá trình phát triển, Đông Nam

Á chịu ảnh hưởng của các nền văn minh bên ngoài, song sự tác động này không vì thế
biến khu vực này thành khu vực “Ấn Độ hoá” hay “Hán hoá”, mà nó đã lựa chọn những
gì thích hợp nhất trong những thế giới ấy, đồng thời hoà nhập với các đặc điểm của mình,
chứ không phải tiếp thu tất cả những gì xa lạ với nó. Cùng sinh tụ trên một khu vực địa
lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên một nền văn hoá bản địa có cội nguồn chung từ
thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ. Trong tính
thống nhất của khu vực, nền văn hoá đó có nguồn gốc và bản sắc riêng của mỗi dân tộc,
được phát triển liên tục suốt chiều dài lịch sử.


Đông Nam Á là một trong những cái nôi trồng trọt cổ của loài người. Nông nghiệp
lúa nước đã trở thành cội nguồn, thành mẫu số chung của nền văn minh khu vực. Đó là
một nền văn minh có đủ sắc thái đồng bằng, biển, rừng với đủ các dạng kết cấu đan xen,
phức tạp...Nhưng mẫu số chung vẫn là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, văn hoá
xóm làng. Chính vì yếu tố nền nông nghiệp lúa nước mà sông ngòi nơi đây có một vị trí
đặc biệt quan trọng trong đời sống cư dân Đông Nam Á. Với năm dòng sông lớn ở lục địa
là sông Hồng, Sông Mêkong, sông Mê Nam (Chaophaya), Salween, Iraoadi đã tạo nên
những đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ hiếm thấy, các dòng sông lại chắp nối liên
kết giữa đồng bằng và biển rộng. Yếu tố biển cũng là một yếu tố quan trọng không kém,
là một biển phụ của Thái Bình Dương, Biển Đông có vị trí tương đối khép kín, nhưng
đây chính là ngư trường chủ yếu của cư dân Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhờ vào yếu tố
biển mà quá trình xúc tiến thương mại của Đông Nam Á và những vùng khác diễn ra dễ
dàng và thuận tiện hơn.
Vào những thế kỉ tiếp giáp công nguyên, trước sự xâm nhập của hai nền văn minh
Trung Hoa và Ấn Độ, nền văn hoá chung của Đông Nam Á có những thay đổi và các
thành tố của nó trở thành cơ tầng Đông Nam Á của tất cả các nền văn hoá dân tộc, được
bảo lưu như là kho vốn chung của các nước Đông Nam Á, tạo nên truyền thống liên kết
với nhau.Trong những điều kiện lịch sử cụ thể, với các ứng xử không giống nhau trong
quá trình tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và sau này của các nền văn hoá Âu,
Mỹ, các cư dân trong vùng đã xây dựng nền văn hoá quốc gia-dân tộc độc đáo, đa dạng,

phong phú nhưng vẫn có những nét tương đồng khu vực. Sau một thời gian tiếp thu và
chọn lọc, các dân tộc Đông Nam Á đã xây dựng một nền văn hoá riêng của mình và đóng
góp vào kho tàng văn hoá chung của loài người những giá trị tinh thần độc đáo.
Là khu vực dường như mang những yếu tố “trời cho”, với vị trí địa lí “ngã tư
đường” thuận tiện cho giao lưu kinh tế, nền nông nghiệp lúa nước minh chứng cho một
thời kì văn minh, phát triển. Bên cạnh đó, đời sống vật chất tinh thần của cư dân nơi đây
khá cao, từ thuở bình minh khi hình thành đã có những tín ngưỡng bản địa, về sau là sự
tiếp biến từ các nền văn hóa xung quanh, thu nhận và hình thành nền văn hóa cho mình
và của mình. Với những “đặc ân”đã nêu trên, khu vực này như một điểm đến đầy hứa
hẹn không chỉ đơn thuần là giao thương, mà còn là sự giao lưu của nhiều nền văn hóa
trên thế giới.

2

Tín ngưỡng bản địa và các tôn giáo ở Đông Nam Á trước khi
Islam giáo du nhập

Phát sinh và quần cư trên một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan hùng
vĩ, sản vật phong phú, đất đai màu mỡ nên cư dân Đông Nam Á đã xây dựng cho mình


những nét sinh hoạt văn hóa riêng, thể hiện được những nét tính cách và tâm hồn của con
người vùng nhiệt đới gió mùa. Ngay từ thời xa xưa cư dân Đông Nam Á đã sùng bái các
hiện tượng tự nhiên, thờ cúng tổ tiên. Chính các tập tục, tín ngưỡng truyền thống ấy đã
được cư dân nơi đây bảo tồn và lưu truyền suốt bao thế hệ. Về sau khi họ đã tiếp thu các
tôn giáo lớn của thế giới như Phật giáo, Ấn Độ giáo rồi đến Islam giáo hay Cơ Đốc, thì
hầu hết các tôn giáo ấy khi đến với Đông Nam Á đều được thiết lập trên nền tảng của các
tín ngưỡng và tập tục tín ngưỡng địa phương, hay nói cách khác: “Bất kì tôn giáo nào khi
tới Đông Nam Á đều tự tước bỏ đi những giáo lí và thực hành cứng nhắc, hòa vào các tín
ngưỡng tôn giáo truyền thống và do vậy tự biến đổi để được chấp thuận và tồn tại”.

[4;169]
Đông Nam Á, một khu vực lịch sử - địa lý - văn hoá lâu đời, là một trong những cái
nôi của loài người. Do vậy, từ rất sớm những cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra các
hình thức tôn giáo nguyên thuỷ như: Vật linh giáo, Tôtem giáo, Shaman giáo, thờ mẫu,
thờ cúng tổ tiên… Tuy sắc thái, biểu hiện của nó ở mỗi quốc gia là khác nhau nhưng tất
cả đều có một mẫu số chung chính là đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Đó chính là “sự đa dạng trong thống nhất” trong hình thức tôn giáo, tín ngưỡng Đông
Nam Á. Đó cũng chính là những cơ sở để cư dân Đông Nam Á chủ động tiếp thu những
tinh hoa văn hoá của khu vực và thế giới.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, các quốc gia trong khu vực Đông
Nam Á dù ít, nhiều cũng đã chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của nền văn hoá
văn minh Ấn Độ. Điều đáng nói là các tôn giáo Ấn Độ cũng đã có mặt ở đây từ rất sớm
và có vai trò hết sức to lớn đối với quá trình truyền bá văn minh Ấn Độ đến Đông Nam
Á. Ấn Độ Giáo (ban đầu là Bàlamôn giáo sau cải biên gọi là Hinđu giáo) và Phật giáo
chính là những tôn giáo sớm nhất được truyền vào Đông Nam Á đều có nguồn gốc từ Ấn
Độ. Các tôn giáo này đã có ảnh hưởng hết sức sâu sắc vào lòng xã hội Đông Nam Á
truyền thống và góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền văn hoá Đông Nam Á phong
phú, đặc sắc. nhưng nó cũng đã chịu sự thẩm thấu, biến cải và pha trộn của các yếu tố của
nền văn hoá bản địa để mang những mầu sắc mới so với chính nó buổi ban đầu.
Cho nên, trước khi Islam du nhập vào, đời sống tôn giáo của khu vực Đông Nam Á
hết sức đa dạng và phức tạp. Ngoài tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thuỷ của khu vực, Đông
Nam Á đã tiếp thu những tôn giáo đến từ Ấn Độ, Trung Quốc. Đại đa số các quốc gia
Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng của các tôn giáo đến từ Ấn Độ. Có thể ở nơi này, nơi
kia có sự lựa chọn Ấn giáo hay Phật giáo, Phật giáo đại thừa hay tiểu thừa, nhưng không
chỉ thế, tất cả đều cho thấy, trước khi Islam xuất hiện, tôn giáo, tín ngưỡng Ấn Độ đã ăn


sâu, bám rễ, chi phối toàn bộ đời sống các quốc gia Đông Nam Á. Sự ảnh hưởng đó mạnh
đến nỗi người ta gọi Đông Nam Á chính là khu vực “Ấn Độ hoá”…
Thực tiễn, ngay trước khi Islam du nhập vào, ở Đông Nam Á, nền văn hóa Ấn Malayu đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vì vậy, nó tạo ra một chỗ trống về tư tưởng

để Islam - một tôn giáo phù hợp với những yêu cầu của lịch sử Đông Nam Á bấy giờ len
vào và phát triển mạnh mẽ.

CHƯƠNG 2:
ĐẶC ĐIỂM CỦA QUÁ TRÌNH DU NHẬP ISLAM GIÁOVÀO KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
2.1. Sơ lược về Islam giáo
Islam hay còn gọi là Đạo Hồi là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới. Trong tiếng
A Rập thì Islam có nghĩa là “sự phục tùng, sự tuân lệnh” và những người theo Islam giáo
đều được gọi là Muslim – tín đồ Hồi giáo. Những Muslim sẽ luôn phải thể hiện Đức tin
tuyệt đối của mình đối với Đấng Tối Cao đó là Thánh Allah. Tôn giáo độc thần này xuất
hiện ở phía Tây A Rập vào đầu thế kỉ thứ VII và nhà Tiên tri Mohammed (570 – 632)
chính là người đã sáng lập ra tôn giáo này, ông là một nhân vật lịch sử vĩ đại, kiệt xuất.
Ông là người thuộc bộ Lạc Ca rét, sinh tại Méc ca năm 570. Mồ côi cha mẹ từ sớm, từ bé
phải đi chăn gia súc, phải dẫn đường cho thương nhân qua sa mạc để kiếm sống [1;94] .
Cũng như nhiều tôn giáo khác, Islam ra đời cũng xuất phát từnhững điều kiện kinh tế, xã
hội, tư tưởng và tôn giáo đặc trưng. Tuy nhiên, sự ra đời của Islam lại mang những nét
đặc biệt mà không một tôn giáo nào có được.
Mỗi tôn giáo đều hình thành cho mình những đặc trưng riêng biệt để không hòa lẫn
vào những tôn giáo khác. Và Islam cũng vậy, một trong số những đặc trưng của tôn giáo
này đó là đối với các tín đồ Islam dù bất cứ đâu, thuộc dân tộc nào, thì sự phục tùng luôn
là “nguyên tắc tối thượng”. Đối với họ, không có Chúa Trời nào khác ngoài Thánh Allah
và Đấng Tiên tri của ngài chính là Mohammed. Chính sự ra đời của kinh Koran và Islam
giáo đã đánh dấu những bước ngoặc lịch sử của người A Rập. Niềm tin của các tín đồ đối


với Islam giáo luôn là tuyệt đối và họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt 5 bổn phận quan trọng
hay còn gọi là “5 cốt đạo”, đó là:

1


2

3
4

5

Biểu lộ đức tin, mỗi tín đồ Islam giáo phải xác nhận rằng chỉ có một Thượng đế
tối cao duy nhất là Đức Allah, ngoài ra không có một vị thần nào cả và xác nhận
Mohammed là sứ giả của Ngài.
Cầu nguyện, hằng ngày mỗi tín đồ Islam giáo phải cầu nguyệntheo nghi thức đủ
5 lần. Hướng duy nhất mà khi cầu nguyện các tín đồ hướng tới là Thánh địa
Mecca.
Bố thí (Zakat), việc bố thí cho người nghèo khó là nghĩa vụ và bổn phận của tín
đồ Islam giáo.
Ăn chay tháng Ramadan, trừ trẻ em và phụ nữ mang thai và người ốm , còn lại
tất cả các tín đồ Islam giá đều phải kiêng ăn từ lúc rạng sáng đến khi mặt trời
lăn mỗi ngày trong tháng chay Ramadan (tháng 9 theo Hồi lịch).
Hành hương (Hajj), hành hương về Thánh địa Mecca, thành phố quê hương của
nhà Tiên tri Mohammed, trung tâm của thế giới Islam giáo, nơi có đền Kaaba
thiêng liêng là ước nguyện cả đời của mỗi tín đồ Islam giáo và cũng là bổn phận
của họ. Mỗi tín đồ Hồi giáo phải hành hương về Thánh địa Mecca ít nhất một
lần trong đời.

Ngoài 5 trụ cột trên, nhiều người còn cho rằng “Thánh chiến” (Jihad) là trụ cột thứ
sáu của Islam giáo. Niềm tin đó được xem là giáo luật và là pháp lý tôn giáo đối với mọi
tín đồ.
2.2. Đặc điểm của quá trình du nhập Islam giáo vào khu vực Đông Nam Á
2.2.1. Islam du nhập vào Đông Nam Á chủ yếu theo đường biển dưới hình
thức giao lưu, buôn bán

Xét về vị trí địa lí và lịch sử thì Đông Nam Á là khu vực nằm giữa hai nền văn
minh lớn của thế giới cổ trung đại. đó là Trung Quốc ở phía bắc và Ấn Độ ở phía tây.
Đông Nam Á lại là khu vực địa lí khá đặc biệt, vừa nằm trên lục địa vừa nằm trên hải
đảo và hầu như tất cả các quốc gia trong khu vực đều có biển và các cảng biển. Do điều
kiện tự nhiên thuận lợi và sản vật phong phú, từ xa xưa rất lâu trước khi Hồi giáo đến, cư
dân Đông Nam Á đã có quan hệ buôn bán giao thương với các thương nhân nước ngoài
đến từ: Trung Quốc, Ba Tư, Ấn Độ , Ai Cập, Hi Lạp, La Mã,...những quan hệ buôn bán
này chủ yếu diễn ra bằng đường biển. Các thương nhân, thương thuyền đến và đi qua các


cảng ở Đông Nam Á không phải chỉ để trao đổi các mặt hàng: gốm sứ, vàng bạc, tơ lụa
của Trung Quốc, Ấn Độ mà còn để mua các sẩn vật nhiệt đới địa phương Đông Nam Á.
Trong sử thi ramayana của ấn độ đã nói về các địa danh của Đông Nam Á như:
yavadripa (hòn đảo vàng bạc), và tập vayu purana cũng nói đến malayadvipa, nhưng
đánh vần là yamadvipa, mà theo các nhà nghiên cứu thì yamadvipa tức là sumatra hoặc
là tên địa phương dùng để chỉ chung giava và sumatra. dưới ánh sáng của những lời
tường thuật ban đầu phong phú hơn nhiều của Trung Quốc về Đông Nam Á thì dường
như những diễn biến sớm nhất trong thương mại Ấn Độ và Đông Nam Á là với sumatra,
các cảng đông nam của đảo này cũng đã đi tiên phong trong việc mở các chuyến công du
thương mại trực tiếp sớm nhất sang trung quốc qua biển đông [8, 32-33].
Từ những thế kỉ đầu công nguyên đến thế kỉ XI, XII cùng với sự xuất hiện của hàng
loạt tiểu quốc ở Đông Nam Á trên cơ sở nền văn hoá bản địa kết hợp với những yếu tố
văn minh bên ngoài như Trung Quốc và Ấn Độ, thì quan hệ thông thương buôn bán của
Đông Nam Á với bên ngoài ngày càng phát đạt, số lượng tàu buôn nước ngoài đến Đông
Nam Á ngày càng nhiều hơn. Giai đoạn này các cảng thị ở Đông Nam Á trở thành các
trung tâm giao lưu buôn bán quan trọng trên hành trình buôn bán Đông Tây. Giai đoạn
này cũng có sự góp mặt của các thương nhân Islam ở Đông Nam Á.
Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết thì thương nhân Islam ARập có mặt ở Đông
Nam Á từ rất sớm (thế kỉ VII - VIII). Tuy nhiên cho đến thế kỉ IX thì quan hệ buôn bán
của họ đối với khu vực này vẫn chưa phát triển. Đối với người A Rập, trong thời gian

này Đông Nam Á chỉ được xem là “trạm nghỉ chân” trên con đường giao thương hàng
hải từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Các nguồn tài liệu A Rập có nhắc tới các bờ biển thuộc
Tây Bắc và Đông Sumatra, đảo Riaulinga và Pulau Tioman, nhưng không có tài liệu về
sự buôn bán có tổ chức của người Arập ở khu vực này cho đến giữa thế kỉ. Có nguồn sử
liệuđã cho rằng: “Chứng cứ đầu tiên được thừa nhận về hoạt động Islam ở đây chỉ là
báo cáo của Marco Polo năm 1292 có đề cập đến thành phố Perlak ở miền Bắc
Sumatra đã theo Islam”.
Sang thế kỉ XIII, thương mại của người Muslim A Rập ở Đông Nam Á gần như đã
bị thay thế bởi thương mại của người Muslim Ấn Độ. Đây là thời kì mà đa số các nhà
nghiên cứu đánh giá Islam đã thực sự xâm nhập vào quần đảo Malaysia - Indonesia và vai
trò truyền bá Islam vào Đông Nam Á cũng đa số do người Ấn Độ thực hiện. Sở dĩ như
vậy vì, sau khi triều đại Abbasid ở Batđa (Irac) bị người Mông Cổ tấn công và lật đổ năm


1258 thì con đường buôn bán hương liệu từ phương Đông qua vịnh Ba Tư đến bờ biển
Levantine rồi lên Bắc Âu đã thực sự bị đóng cửa. Từ đó xuất hiện con đường buôn bán
mới từ phía Đông đến Ấn Độ, sau đó đến Aden ở miền Nam Arabia, qua Hồng Hải đến
Alexandria và tiếp tục đi lên phía Bắc. Trong khi đó, nhà vua Ai Cập lúc bấy giờ chỉ cho
phép tàu bè của người Islam qua cảng Alexandria nên các cảng Islam Cambay, Surat và
Diu ở Gujerat (Ấn Độ) đã trở nên náo nhiệt và trở thành các trung tâm vận chuyển hương
liệu quan trọng. Hơn nữa đây cũng là thời kì Châu Âu phục hưng đang thịnh vượng. Cho
nên nhu cầu về hương liệu của Phương Đông ngày càng tăng lên. Điều đó khiến các
thương gia Gujerat (Ấn Độ) giành được vị trí nổi bật trên thị trường hương liệu. Với số
lượng các thương gia Gujerat ở Malacca - một thị trấn lớn ở quần đảo Malaya - Indonesia
đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phái đoàn truyền bá Islam tại đây và các nơi khác trong
khu vực. Theo các nhà nghiên cứu thì các thương gia Islam đã tới Indonesia và Malaysia
buôn bán, định cư và kết hôn với các phụ nữ địa phương đặc biệt là con em các gia đình
quí tộc. Tuy nhiên, không chỉ có các thương nhân Islam Ấn Độ ở Gujerat mà còn có các
thương gia Islam Ấn Độ khác từ Malabar và bờ biển Coromandel ở phía Nam, hay từ
Bengal thuộc Đông Ấn Độ... Ở các thời điểm khác nhau cũng đã góp phần truyền bá

Islam cho các cư dân Đông Nam Á hải đảo.
Trong khi đó, tuy rằng số lượng cũng như vai trò của người Islam Trung Quốc, Ba
Tư, Ai Cập không thể nào sánh được với người A Rập và Ấn Độ trong quá trình truyền bá
Islam vào khu vực Đông Nam Á, nhưng cũng cần phải thừa nhận họ cũng có những đóng
góp nhất định trong quá trình du nhập Islam vào khu vực này thông qua đường biển. Bởi
vì cùng với người A Rập, Ấn Độ thì người Ba Tư và người Trung Quốc từ lâu cũng là
những thương nhân hàng hải rất nổi tiếng. Từ sớm họ đã tham gia vào con đường giao
thương trên biển Đông - Tây. Hơn nữa, người Ba Tư đã chịu ảnh hưởng của Islam. Với cơ
tầng là nền văn minh ra đời trước văn minh Islam, tuy nhiên đến thời kì Đế quốc A Rập
Islam lớn mạnh, làm chủ Trung Cận Đông thì người Ba Tư cũng bị sự hấp dẫn của Islam
thu phục. Tuy nhiên, các cuộc chinh phục của người Mông Cổ đã tách rời nước Ba Tư ra
khỏi thế giới Islam Trung Đông, đã tạo điều kiện cho việc hình thành một nuớc Ba Tư
hùng mạnh có biên giới hoạch định rõ ràng. Đặc biệt là dưới triều đại Islam Xaphavit
(1499 - 1722) đế quốc Ba Tư phát triển hưng thịnh. Cùng với đó là quá trình giao thương
hàng hải phát triển đến tận Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.
Người Trung Quốc cũng đã sớm tiếp xúc với văn minh Islam (vào thế kỉ VIII, IX).
Thông qua con đường “tơ lụa” ở phía Tây Bắc các thương nhân Islam đã đến Trung
Quốc. Ở Phía Nam, các cảng biển ở Quảng Châu, Dương Châu... chính là đích đến của
các thương nhân Islam trên hành trình dài từ Tây sang Đông.


Qua đó để chúng ta thấy rằng, con đường du nhập Islam vào Đông Nam Á chủ yếu
thông qua đường biển dưới hình thức giao lưu trao đổi buôn bán của các thương nhân.
Nơi tiếp nhận Islam đầu tiên ở Đông Nam Á là các nước hải đảo: Indonesia sau đó đến
Malaysia và từ các trung tâm này Islam tiếp tục lan toả đến các quốc gia khác ở hải đảo
như Philippin, Brunei, Singapore và các quốc gia trên lục địa như Việt Nam, Campuchia,
Thái Lan. Riêng Mianmar là quốc gia ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng trực tiếp của Islam
ở Bengal (Ấn Độ). Trong giai đoạn đầu, Islam cũng chủ yếu du nhập vào Mianma bằng
đường biển - các thương nhân Islam Bengal đã tới vùng bờ biển phía Tây của Mianmađể
buôn bán và Islam đã ảnh hưởng tự nhiên tới cư dân bản địa.

Rõ ràng đây là đặc điểm khác của quá trình du nhập Islam vào Đông Nam Á so với
quá trình du nhập Islam vào các khu vực khác trên thế giới. Islam qua quá trình lan toả
của mình đến các khu vực trên thế giới hầu hết bằng đường bộ, do những khu vực này
có địa lý ít bị chia cắt bởi rừng núi và Đại Dương như ở Đông Nam Á. Điều này thuận
lợi cho các đoàn quân chinh phục Islam xâm lược. Ví như trường hợp của Ấn Độ và
Trung Quốc xa xôi, tuy rằng con đường giao thương buôn bán, du nhập Islam bằng
đường biển cũng khá phổ biến nhưng đường bộ mới là con đường du nhập chủ yếu của
Islam vào các khu vực này. Vùng Tây Ấn Độ ngày nay thuộc bang Penjab hay vùng lưu
vực sông Hằng đã bị các vua Islam trị vì ở Afghanistan như Mahmud, vua nước Ghazna,
Muhammad, vua nước Ghur đến chiếm đóng từ thế kỉ XII lập ra vương quốc Delhi.
Vương quốc Islam này giành được độc lập vào năm 1206 và tồn tai mãi đến năm 1526
dưới năm triều đại khác nhau. Nhưng chỉ từ năm 1526 khi Bubur - con cháu dòng dõi
Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ) chiếm được tiểu vương quốc Delhi rồi mở mang thành
một đế quốc rộng lớn thì Islam mới thực sự phát triển trên đất Ấn Độ dưới một triều đại
huy hoàng - Triều đại Môgôn tồn tại cho đến năm 1858, khi người Anh tới chiếm Ấn Độ
thành lập thuộc địa.
Còn Islam “Truyền vào Trung Quốc đã có lịch sử 3000 năm” [10;830]. Vào thời kì
nhà Đường, giao thông buôn bán trên biển cũng như trên đất liền đã khá phát đạt. Các
Muslim A Rập, Ba Tư và Trung Á theo con đường tơ lụa cổ xưa trên bộ dọc từ Nam ra
Bắc Thiên Sơn, hành lang Hà Tây đến kinh đô Tràng An. Ở trên biển, họ căng buồm vạn
dặm xuất phát từ vịnh Ba Tư và biển A Rập, qua Belgan, qua eo biển Malaysia tới
Quảng Châu, Dương Châu… của Trung Quốc. Tuy thế, nhưng tuyến đường bộ mới là
tuyến đường chính để Islam truyền vào Trung Quốc, đặc biệt là thời kì Mông Cổ tấn
công vào Trung Quốc xâm lược Trung Quốc nên lập ra triều Nguyên, đã đem Islam tiếp
thu truyền vào Trung Quốc tạo nên những cộng đồng Muslim lớn ở Trung Quốc.


2.2.2. Islam du nhập vào Đông Nam Á bằng phương thức hoà bình
Sự ra đời xác lập và phát triển của Islam được gắn bằng máu và nước mắt, gắn liền
với các cuộc chiến tranh và xung đột tôn giáo cũng như chính trị đẫm máu. Đây là một

đặc trưng cơ bản của Islam mà hầu như tất cả các nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử, tôn
giáo... trên thế giới đều phải thừa nhận.
Islam nảy sinh trên một vùng đất khô cằn nằm giữa hai trung tâm văn hoá chính trị
thời bấy giờ trong vùng là đế quốc Cơ Đốc giáo Byzantine ở phía Tây và đế quốc Ba Tư
thuộc triều đại Xatxanit ở phía Đông, bên cạnh đó có bán đảo A Rập lại là xứ sở đa thần
giáo. Bởi vậy, ngay từ khi mới ra đời Islam đã là cơ sở để tập hợp các bộ lạc trên bán đảo
A Rập chống lại sự tấn công của hai đế quốc lớn trên và các tôn giáo khác. Trong kinh
Koran của người Islam nhiệm vụ “thánh chiến” là điều bắt buộc mọi tín đồ phải tuân theo
và coi như nghĩa vụ thiêng liêng là phải chiến đấu để bảo vệ tôn giáo hay tấn công để dẫn
dắt mọi người tiến lên trên đường phục tùng Thượng Đế. Các cuộc thánh chiến đầu tiên
xảy ra khi đấng Tiên tri Mohammad lãnh đạo giáo dân chống lại các cuộc tấn công và bao
vây của Mecca. Về sau khi đế quốc A Rập Islam ra đời đã tiến hành hàng loạt các cuộc
chinh phục để cướp bóc của cải để mở rộng lãnh thổ của mình. Islam cùng với quá trình
đó đã làm chủ toàn bộ bán đảo A Rập, lan rộng sang Bắc Phi, Trung Á, Nam Âu, Trung
Âu,... Trong khi đó ở phương Đông xa xôi, Islam đã xâm nhập tới tận Trung Quốc, Ấn
Độ thông qua các cuộc tấn công xâm lấn của các bộ lạc du mục theo Islam (Người Trung
Quốc gọi họ là người Hồi Hột). Đặc biệt với việc xác lập sự thống trị của triều Nguyên và
vương triều Islam Delhi, sau đó là vương triều Môgôn thì Islam lại càng xâm nhập mạnh
mẽ hơn vào xã hội và văn hoá của hai nền văn minh lớn của thế giới này.Đặc trưng này đã
tạo nên bản chất “hiếu chiến” của Islam so với các tôn giáo lớn khác trên thế giới.
Tuy nhiên đặc trưng đó lại không được phản ánh rõ nét trong quá trình du nhập
Islam vào Đông Nam Á. Điều đặc biệt của quá trình Islam lan tỏa đến khu vực Đông
Nam Á xa xôi, khác với tất cả các khu vực khác trên thế giới là Islam đến Đông Nam Á
bằng phương thức hoà bình: “Điều rõ ràng là khi Islam đến Đông Nam Á, đã không có
chiến tranh tôngiáo xảy ra, trừ một vài cuộc đụng độ nhỏ không đáng kể ở
Philippines”[6;371]. Điều này đã được lý giải như sau:
Thứ nhất, chúng ta có thể suy ra từ đặc điểm đầu tiên. Do Islam được truyền vào
Đông Nam Á thông qua con đường thương mại hàng hải, Islam do các thương nhân vượt
hàng vạn hải lí đường biển mang đến. Bởi vậy, những giáo lí, giáo luật khắt khe của tôn
giáo nguyên thuỷ đã bị sóng nước lênh đênh “nhào nặn” làm cho “mềm mại” hẳn đi.

Hơn nữa, người mang Islam đến Đông Nam Á lúc này là với cương vị người đến giao
thương để cùng có lợi chứ không phải mang tư thế của người vừa giành thắng lợi trên


chiến trường để áp đặt tôn giáo. Mặt khác, trên thực tế Islam đến Đông Nam Á khi mà
đế quốc Islam ở Trung Đông đã suy yếu, không còn đủ khả năng cũng như sức mạnh để
các đoàn quân Islam vượt trùng khơi đem lưỡi gươm đến áp đặt tôn giáo ở khu vực này.
Trong khi đó, xét về mặt bản chất Islam vào thời điểm này tiến bộ hơn so với các
tôn giáo khác cùng thời. Khi đến Đông Nam Á, Islam được xem là một tôn giáo đơn giản,
bình đẳng của dân chúng đối lập với Ấn Độ giáo - là tôn giáo của vua chúa và hệ thống
đẳng cấp khắt khe, cũng như Phật giáo là tôn giáo không phù hợp với nền văn hoá ngoại
thương. Mặt khác, Islam lại dễ thích ứng với các tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương.
Khi du nhập vào Đông Nam Á nó “có xu hướng tha thứ các tập quán và tín ngưỡngkhông
hợp lệ với luật tục khắt khe của Islam chính thống”[8;336]. Do đó, Islam làm cho các cư
dân Đông Nam Á thấy dễ gần gũi, dễ tiếp xúc, có lợi cho mình nên đã dần chấp nhận và
tự nguyện đi theo. Các vương triều phong kiến thì không cảm thấy lo sợ mất quyền lợi,
địa vị khi tiếp thu tôn giáo này. Vì thế, trong quá trình Islam hoá đã không có một cuộc
chiến tranh tôn giáo nào xảy ra. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó.
Thực vậy, không hề có một thế lực bên ngoài nào vào xâm chiếm các nước trong
khu vực Đông Nam Á để cưỡng ép cư dân địa phương cải giáo theo Islam. Mà Islam đã
theo chân các thương nhân A Rập, Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc đến các cảng biển ở khu
vực Đông Nam Á để buôn bán và theo tập quán sinh hoạt tôn giáo của mình, họ đã truyền
bá Islam cho các cư dân địa phương. Đầu tiên theo các nhà nghiên cứu thì “Các thương
gia Islam đã đến Indonesia và Malaysia buôn bán, định cư và kết hôn với các phụ nữ địa
phương, đặc biệt là con em các gia đình quý tộc. Giới quý tộc người bản địa từ lâu đã
ngưỡng mộ và thèm khát sự giàu có của phương Tây do đó đã sẵn sàng mở cửa chào đón
và kết thân với các thương gia Islam và tiếp nhận tôn giáo của họ”[123.doc]. Trong khi
đó, lúc này các triều đình phong kiến bản địa như Srivijaya, sau đó là Majapahit chưa
quan tâm lắm đến vai trò và ảnh hưởng của Islam. Cho nên quá trình trao đổi, buôn bán
và truyền giáo của các thương nhân ngoại quốc diễn ra ở các tiểu quốc ven biển hết sức

thuận lợi vì không có sự can thiệp của các đế chế trên. Từ đó, các tiểu quốc thuộc
Indonesia ngày nay đã dần hình thành các cộng đồng Islam lớn mạnh. Từ đây các
Sultanate được thành lập vừa để bảo vệ công việc buôn bán vừa để phát triển tôn giáo ra
các vùng xung quanh và vào sâu trong đất liền. Cứ như vậy, các Sultanate lớn mạnh dần
lên tiến đến áp chế các vương triều trước đây khống chế họ. Kết quả là từ thế kỷ XIII XIV, một số khu vực trên đất Indonesia ngày nay mà tiêu biểu là Pasai đã trở thành tiểu
quốc Islam. Pasai chính là “Trung tâm truyền bá tôn giáo quan trọng đầu tiên của tôn
giáo mới ở Đông Nam Á”[8;321]. Trong khi đó Malaysia được cải giáo muộn hơn, vào
thế kỷ XV. Việc truyền giáo vào Malaysia cũng không thấy có dấu hiệu của bạo lực,


chiến tranh mà tương đối hoà bình, nhưng lại khá rầm rộ. Như đã trình bày ở trên về quá
trình du nhập Islam vào Malaysia, theo “Truyện sử Malayu” (Sejrah Malayu), nhà lãnh
đạo của bang Malacca là M. Iskander Shah (1414 - 1424) là người đầu tiên truyền bá và
mở rộng phạm vi Islam trên toàn bộ bán đảo Malacca. Từ đây, Malacca không những là
một trung tâm buôn bán quan trọng mà còn là một trung tâm truyền giáo lớn nhất ở Đông
Nam Á thời bấy giờ. Các tiểu quốc khác coi Malacca là tấm gương, là chỗ dựa về kinh tế,
chính trị, quân sự và tinh thần của họ. Mới đầu các tiểu quốc miền duyên hải phía bắc
Đemak, Tuban, Madina, Surabaja... đi vào quỹ đạo buôn bán với Malacca, rồi dần dần bị
lệ thuộc về tinh thần và trở thành các tiểu quốc Islam. Qua mối quan hệ ngày càng chặt
chẽ giữa Malacca và các cảng phía Bắc Java, Islam đã đến khu vực này. Cũng bằng con
đường doanh thương Islam từ Malacca đã đến Terengganu, Pattani, Kelantan, Siak,
Kalimatan. Các Sultan của Malacca thấy rõ Islam là vũ khí sắc bén, giúp họ tạo dựng một
cộng đồng Islam lớn để thực hiện ý đồ bành trướng lãnh thổ và truyền bá văn hoá của
mình, đã tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ các tiểu quốc đấu tranh thoát khỏi quyền lực của
vương quốc Phật giáo - Ấn Độ giáo Majapahit để giành độc lập với điều kiện các tiểu
quốc đó phải quy theo Islam. Hơn nữa, tước hiệu Sultan của Islam và sự thành công của
Melacca chính là cơ sở lôi cuốn giới quý tộc của các tiểu quốc khác cải giáo, tạo cơ hội
cho Islam phát triển mạnh mẽ. Từ đây Islam đã không chỉ mau chóng lan tỏa đến hầu hết
các bang của Malaysia ngày nay mà còn lan rộng sang cả các quốc gia trong khu vực từ
hải đảo đến lục địa.

Khi nghiên cứu về quá trình du nhập Islam vào Philippines, tuy rằng còn có những
yếu tố truyền thuyết mơ hồ do thiếu cơ sở tài liệu đáng tin cậy, nhưng các nhà nghiên cứu
cũng không hề thấy các cuộc xung đột tôn giáo lớn nào xảy ra. Mà dựa vào Salsila (sự
tích các phả hệ) của đảo Sulu thì một người Islam A Rập tên là Sarij Auliya Makhdum
nào đó đã đến truyền bá Islam ở Sulu vào khoảng năm 1380. Ông ta cũng chính là người
đã từng cải giáo cho vua Malacca - Sultan Muhammad Shah trước đó. Hay như một Raah
Baguinda nào đó đã từ Menang Kabau, Borneo đến Sulu, rồi Abu Bakar cũng đã đến đây
và cưới con gái của Raah Baguinda làm vợ và trở thành người kế vị vị vua này trên quần
đảo. Abu Bakar được ghi nhận là có công đầu đưa Islam đến Sulu và cũng đóng góp lớn
trong việc bảo vệ và phát triển Islam trong tiểu quốc của mình. Trong khi đó ở Mindanao
thì cũng theo Salsila địa phương, một Sharij Kabung Suan nào đó đã đến và thành lập tiểu
quốc Islam ở đây (Sultanate Maguendanao) giống như tiểu quốc của Abu Bakar ở Sulu.
Điều đó cho thấy Islam được truyền bá đến Philippines là do công lao của cá nhân chứ
không phải do một đội quân hùng hậu mang đến. Những cá nhân tín đồ Islam ấy đã dần
chiếm được địa vị trong xã hội để rồi cư dân bản địa tự nguyện tin theo họ, tin theo tôn
giáo mới mà không hề có sự áp đặt bằng sức mạnh vũ lực đối với người bản xứ.


Ở Đông Nam Á lục địa, các cộng đồng Islam cũng được thiết lập ở Mianma, Thái
Lan, Việt Nam, Campuchia. Tuy nhiên các cộng đồng Islam ở khu vực này chỉ là những
cộng đồng dân cư thiểu số, không phát triển mạnh mẽ như ở các nước Đông Nam Á hải
đảo. Bởi vì khi tới đây Islam đã vấp phải một lực cản lớn từ Phật giáo và nền văn hoá
Phật giáo - Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi Islam đến đây đã nảy
sinh các cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Islam với Phật giáo và Ấn Độ giáo hay các cuộc
xung đột kiểu như vậy.
Thực tế lịch sử cho thấy, bốn tỉnh Islam phía Nam Thái Lan là Pattani, Narathivat,
Yala và Satun chính là kết quả của qúa trình lịch sử khi người Thái tiến xuống phía Nam
và thành công trong việc thôn tính các tiểu quốc của người Malaysia. Vì vậy quá trình
Islam hoá khu vực này gắn liền với quá trình Islam hoá của Malaysia và Indonesia. Có
nghĩa là quá trình đó đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước. Vào thế kỷ XIV, vương quốc

Pattani đã tiếp nhận Islam do các thương nhân Islam đang cư trú ở Sumatra và Melacca
truyền đến. Điều này phù hợp với điều kiện cũng như bối cảnh chung của quá trình du
nhập Islam vào khu vực. Cần phải nói thêm rằng, đây chính là giới hạn cuối cùng của
Islam truyền vào lục địa Đông Nam Á bởi vì lúc này nó đã vấp phải lực cản của Phật
giáo - tôn giáo đã thấm sâu rộng vào trong lòng xã hội, văn hóa của người Thái. Do đó
nó không thể tiếp tục tiến lên được nữa.
Ở Việt Nam, người Chăm là cộng đồng theo Islam và do điều kiện lịch sử đã hình
thành hai cộng đồng Islam khác nhau Chăm Bàni (Islam cũ) và Chăm Islam (Islam mới).
Qua phần trình bày khái quát ở trên, chúng ta thấy rõ việc hình thành nên các cộng đồng
Islam này là do các biến cố lịch sử, người Chăm lưu tán sang các nước xung quanh đặc
biệt là do tiếp xúc với người Malaysia theo Islam nên đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của họ
và quyết định cải giáo, bỏ đạo Balamôn theo Islam, sau đó trở về tiếp tục truyền giáo cho
đồng bào mình khiến cho Islam xâm nhập khá sâu sắc vào xã hội của người Chăm.
Trong khi đó ở Mianma, tuy rằng khác với các nước Đông Nam Á còn lại ở lục
địa, Islam du nhập vào từ Indonesiavà Malaysia thìIslam truyền vào Mianma từ Ấn Độ.
Nhưng rõ ràng đó cũng là quá trình lan toả tự nhiên bởi vì các khu vực Tây Bắc của
Mianma vốn có quan hệ giao lưu buôn bán lâu đời với khu vực Belgan (Đông Ấn Độ).
Do đó các thương nhân Islam Ấn Độ đến Mianma sinh sống làm ăn tiếp xúc với cư dân
địa phương, lâu dần đã truyền bá tôn giáo của mình cho họ, tạo nên các cộng đồng Islam
ở đây. Hay trong thời kỳ Mianma bị thực dân Anh xâm lược, sau đó sáp nhập vào Ấn
Độ thì đã xuất hiện một làn sóng di cư tị nạn của người Islam Ấn Độ sang Mianma, làm
cho cộng đồng Islam ở nước này đông thêm.


Như vậy thì rõ ràng cũng giống như đối với khu vực hải đảo, ở các nước Đông Nam
Á lục địa, Islam xâm nhập vào cũng chính là do tiếp xúc lịch sử giữa các cư dân và các
nền văn hoá địa phương hoặc ngoại lai theo Islam. Sự tiếp xúc này hoàn toàn là tự nhiên
và mang tính chất hoà bình. Nếu nói rằng Islam xâm nhập vào Đông Nam Á lục địa là
hoàn toàn thuận lợi là không đúng bởi vì nó đã phải chịu sự ngăn cản rất lớn của nền văn
hoá Phật giáo, Ấn giáo có lịch sử tồn tại lâu bền và sâu đậm trong các nền văn hoá bản

địa. Bên cạnh đó còn có một lý giải hết sức thú vị đó là, Islam là tôn giáo của các thương
gia, hệ thống giáo lý và thực hành nghi lễ của nó đơn giản hơn nhiều so với Phật giáo và
Ấn giáo. Bởi vậy, nó chỉ thích hợp nhất đối với các nền văn hoá mà hoạt động kinh tế
thiên về thương nghiệp, buôn bán. Mà so với Đông Nam Á lục địa thì Đông Nam Á hải
đảo chính là nơi mà các hoạt động kinh tế thương nghiệp diễn ra hết sức sôi động. Cư dân
Đông Nam Á hải đảo là những người rất thành thạo về đi biển, về gió mùa... Từ lâu ở
Đông Nam Á hải đảo đã hình thành lên các cảng thị buôn bán sầm uất, tập trung rất nhiều
hàng hoá của các trung tâm văn minh trên thế giới như Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ... còn
ở Đông Nam Á lục địa, hoạt động kinh tế chủ yếu là canh tác nông nghiệp (trồng lúa
nước), ngoại thương cũng có nhưng chỉ nhỏ giọt ở một số vùng ven biển mà thôi. Bởi vậy
thực tế là Islam chỉ xâm nhập và tồn tại được ở các khu vực ven biển mà không thể đi sâu
hơn nữa vào lục địa Đông Nam Á. Tuy thế cũng có thể thấy rõ rằng, mặc dù có sự đối
kháng lẫn nhau giữa Islam với Phật giáo và Ấn giáo nhưng sự đối kháng ấy chưa đến mức
xảy ra những cuộc xung đột vũ trang lớn.
2.3.3. Islam du nhập vào Đông Nam Á đã có sự pha trộn giữa Islam chính thống
với các cơ tầng văn hoá có nguồn gốc Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc và những yếu
tố tín ngưỡng tiền Islam ở địa phương
Thứ nhất, nói về nguồn gốc Islam Đông Nam Á. Như đã trình bày ở trên, nguồn gốc
Islam rất đa dạng và phức tạp, không những từ A Rập mà còn cả Ba Tư, Ấn Độ, Trung
Quốc... bởi vậy lẽ đương nhiên là khi Islam được đưa đến Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc...
thì nó đã không còn giữ nguyên được tất cả màu sắc, bản chất tôn giáo ban đầu nữa mà
phần nào cũng đã bị bản địa hoá ngay trên những vùng đất này. Và khi Islam đến Đông
Nam Á từ các vùng đất khác nhau đó, nó cũng mang theo những nét cải biến, đặc thù của
các nền văn hoá ấy.
Thứ hai, đến lượt mình, nền văn hoá bản địa Đông Nam Á vốn có đặc trưng là được
hình thành dựa trên sự tiếp thu chọn lọc các yếu tố văn hoá ngoại lai trên cơ sở gìn giữ và
duy trì những nét văn hoá đặc sắc của khu vực. Đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo bất kì
tôn giáo nào, khi tới Đông Nam Á đều tự tước bỏ đi những giáo lí và thực hành cứng
nhắc, hoà vào các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống và do vậy tự biến đổi để được chấp



thuận và tồn tại. Trước khi Islam đến Đông Nam Á thì Phật giáo và Ấn Độ giáo đều có
ảnh hưởng rất sâu sắc đối với nền văn hoá xã hội Đông Nam Á và trở thành một phần
quan trọng của văn hoá Đông Nam Á, mang màu sắc riêng của văn hoá Đông Nam Á.
Islam đến đây cũng đã phải chịu chung số phận như vậy. Nhưng Islam còn làm được
nhiều điều hơn các tôn giáo trước đó, đặc biệt ở các nước thuộc khu vực hải đảo, khi mà
nó đã giành thắng lợi để trở thành tôn giáo thống trị khu vực này. Điều này có được là do
ưu thế tự thân của Islam - một tôn giáo ra đời sau, tiếp thu nhiều yếu tố tiến bộ, không có
sự phân biệt đẳng cấp - địa vị xã hội. Hơn nữa, ban đầu Islam đến Đông Nam Á là dòng
Islam Sufism - mang nhiều nét thần bí, phù hợp với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của
người dân Đông Nam Á, mặt khác Islam Sufism lại có xu hướng “tha thứ các tập quán và
những tín ngưỡng không phù hợp với luật tục khắt khe của Islam chính
thống”[8;336].Biểu hiện cho thấy sự pha trộn kể trên chính là sự du nhập và tiếp thu của
chủ nghĩa thần bí Islam - Islam Sufism.
Các Sufism không chỉ tuân phục ý chí và luật lệ của Thượng Đế “ở bề ngoài” như
các tín đồ bình thường mà họ còn làm cao hơn thế nữa. Họ cố gắng để tiếp xúc với
thượng đế một cách gần gũi hơn và nhắm tới việc hợp nhất bản thân mình với sự tồn tại
của thượng đế. Họ làm điều đó bằng những bí pháp và những phép thuật. Và xung quanh
việc tìm kiếm những bí thuật Sufism đã hình thành nên rất nhiều các tập tục thờ phụng
với những vẻ đẹp lạ thường, những bậc thầy tâm linh, những câu chuyện ngụ ngôn và
thông thái, sự thông linh, những trường phái thiền định và những bí thuật để xuất hồn hay
tham thiền nhập định qua múa hát và đọc thần chú.
Nhiều học giả cho rằng, Islam khi đến Ấn Độ đã tiếp thu chủ nghĩa thần bí của
phương Đông. Một phần vì thế mà Islam đã dễ dàng thâm nhập vào các cư dân đã sống
trong ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Do vậy, những người dân Đông Nam Á bản địa đã
tương đối dễ dàng trong việc tiếp thu Islam và đây cũng là xứ sở hiếm hoi mà Islam
không phải dùng đến “bạo lực” để loại trừ những tôn giáo đã được thiết lập ở đây trước
đó. Ngược lại với kinh nghiệm song song tồn tại với các tôn giáo khác ở Ấn Độ, Islam lại
tiếp tục“uốn mình biến đổi” theo các phong tục truyền thống của địa phương. Tuy thế có
một thực tế là Islam không chỉ đến Ấn Độ và Đông Nam Á thì nó mới tiếp nhận các yếu

tố thần bí phương Đông mà các yếu tố này vốn đã có trong truyền thống văn hoá của các
cư dân vùng bán đảo A Rập, nơi phát sinh của Islam và chúng đã đi vào các tập tục Islam
một cách tự nhiên. Các vị vua xem việc làm chủ các kiến thức (các giáo lí Islam) và vận
dụng chúng vào cuộc sống để làm lợi cho các thần dân là nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Để thực hiện được điều đó chỉ có quyền lực về chính trị, kinh tế, quân sự và pháp lí thì
chưa đủ mà họ còn cần phải có một sức mạnh thần bí siêu nhiên để các thần dân sùng bái


và tin tưởng. Vì vậy, một trong những giáo lí thần bí thu hút được sự quan tâm đặc biệt của
các vị vua ở Đông Nam Á hải đảo trong thời kì đầu của quá trình Islam hoá là học thuyết về
“con người hoàn hảo”. Khái niệm về con người hoàn hảo, hay con người thần thánh xuất
hiện dần trong các ghi chép ở Đông Nam Á từ thế kỉ XV. Trong biên niên sử của tiểu quốc
Islam Pasai - Hykayat Raja-raja Pasai kể rằng “một Sultan Hồi thế kỉ XIV của Pasai, một
trong những tiểu quốc đầutiên theo Islam đã có ma thuật do cải theo Islam”. Trong niên
giám Malayu cũng tìm thấy hình ảnh những ông vua hoàn hảo, đó là Sultan Mansur (1456 1477) một người rất am hiểu về chủ nghĩa thần bí và Sultan Ahmad (lên ngôi năm 1511) có
pháp thuật, hay như theo D.G.E Hall thì “sau khi Melacca thất thủ và khi Acheh nắm quyền
lãnh đạo thì hai nhân vật mặc khải thần linh người Sumatra là Ham Zach ở Barus và
Shmas Al-Din ở Pasai đãtruyền bá các học thuyết có tác động đến toàn bộ thế giới Mã
Lai”[8;326].
Như những điều đã nói ở trên, thì chính những yếu tố thần bí trong Islam đã được
các cư dân Đông Nam Á tiếp nhận và góp phần đẩy nhanh quá trình cải giáo ở khu vực
này nhờ khả năng kết hợp lí tưởng Islam với những tín ngưỡng và khái niệm tôn giáo địa
phương. Nhưng vấn đề mà chúng ta cần thấy ở đây là chủ nghĩa thần bí Sufism chính là
thể hiện cho sự pha trộn giữa Islam chính thống với các cơ tầng văn hoá Ấn Độ, Ba Tư và
các yếu tố văn hoá bản địa Đông Nam Á để mở đường cho Islam phát triển trên mảnh đất
này. Các nhà truyền giáo Ấn Độ và Ba Tư đã say sưa gieo các ý tưởng Islam và những
đặc trưng của chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa phiếm thần, mê tín dị đoan vào nền văn hoá
bản địa đồng thời họ cũng biến đổi và dung hoà các tư tưởng Islam với tập tục truyền
thống địa phương làm cho Islam không còn giữ nguyên được các nguyên tắc và tập tục
Islam chính thống mà trở thành cái gọi là “Islamdân gian”. Và trong khi đó những người

Islam A Rập tuy là những người đã đề ra các học thuyết chính thống của Islam đến cho cư
dân Đông Nam Á, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ không góp phần làm cho
Islam Đông Nam Á mang tính chất “dân gian”. Điều ngạc nhiên là hầu hết những người
A Rập đến đây đều thờ cúng thần linh. Họ thờ cúng những ngôi mộ của các thương gia A
Rập, những người đã đi khắp nơi từ làng này đến làng khác để buôn bán hoặc truyền bá
Islam, mang theo những hòn đá thiêng, bùa ngải trong tay để biểu diễn ma thuật và bói
toán.
Có thể nói chính sự kết hợp, pha trộn ấy của Islam Đông Nam Á đã tạo nên tính
đặc thù của Islam Đông Nam Á so với Islam chính thống và các khu vực khác trên thế
giới về các sinh hoạt tôn giáo, thực hành nghi lễ hay các quan hệ xã hội. Đây là vấn đề
thú vị, cần có sự nghiên cứu sâu hơn.
KẾT LUẬN


Đông Nam Á là một khu vực địa lý - lịch sử - văn hoá quan trọng trong lịch sử thế
giới. Trước khi có sự hội nhập với các nền văn minh bên ngoài, các cư dân bản địa Đông
Nam Á đã “có một nền văn hoá khá cao”. Mặc dù trong quá trình phát triển, văn hoá Đông
Nam Á có chịu sự tác động, ảnh hưởng của các nền văn minh láng giềng, nhưng nó “không
bị đồng hoá”, mà “lựa chọn” những gì thích hợp và “hoà nhập” với các đặc điểm của
mình, chứ không hoàn toàn tiếp thu tất cả những gì xa lạ với nó.Có chung một khu vực địa
lý, có chung một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, cho nên văn hoá Đông Nam Á“có
tính thống nhất của khu vực”. Nhưng trong những điều kiện lịch sử cụ thể, do những ứng
xử khác nhau trong quá trình tiếp xúc với văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, cộng với nguồn
gốc riêng của mình, mà mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đất nước có nền văn hoá với “bản sắc
riêng của mình”, được phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể gọi đây là “sự thống
nhất trong đa dạng”. Các dân tộc Đông Nam Á đã đóng góp vào kho tàng văn hoá chung
của loài người “những giá trị tinh thần độc đáo”.
Trong kho tàng văn hoá đặc sắc ấy, Islam là một nét riêng, đặc biệt là sau khi xâm
nhập và hoà nhậpnó đã thể hiện bản sắc văn hoá Đông Nam Á một cách rõ nét. Một vùng
đất vốn là nơi ăn sâu, bám rễ của những nền văn hóa láng giềng, vậy nhưng, chỉ riêng

việc Islam giáo đến Đông Nam Á bằng “con đường hoà bình và thông qua thương mại” –
theo chân các thương nhân mà đi sâu vào đời sống cư dân bản địa, Islam khi đến với
Đông Nam Á không có chiến tranh tôn giáo cũng đã thấy sự hoà nhập dễ dàng của Islam
giáo vào đây và những điều kiện lịch sử hoàn toàn có lợi cho sự du nhập này.Những đặc
điểm này là riêng, là duy nhất minh chứng cho sự khác biệt của Islam giáo khi đến với
vùng đất đa tôn giáo – vùng đất Đông Nam Á.
Nếu như chúng ta ví những tôn giáo hiện diện ở Đông Nam Á nào là Phật giáo, Ấn
giáo hay Islam giáo như là “một diễn viên”, thì khu vực Đông Nam Á chính một “sân
khấu trình diễn” của các tôn giáo và mỗi tôn giáo lại phô diễn một nét đặc sắc riêng của
mình, không hòa lẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn (2006), Giáo trình tôn giáo học, Nxb Đại học sư
phạm.
2 Ngô Văn Doanh (1999), Hồi giáo trong đời sống chính trị Đông Nam Á, NXB Thế
giới.
3 Coedes G. E. D (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nguyễn Thừa
Hỷ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.


4 Phạm Đức Dương (2001), Trần Thị Thu Lương, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Giáo
dục.
5 Mai Thanh Hải, Tôn giáo thế giới và Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
6 Trương Sĩ Hùng (2003), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb Thanh niên,
Hà Nội.
7 Trịnh Huy Hóa (2012), Hồi giáo, Nxb Trẻ.

8 d.e.g.hall ( 1997), lịch sử Đông Nam Á, nxb chính trị
9 Lương Ninh (2008), Lịch sử Đông Nam Á, NxbGiáo dục.

10 Hoàng Tâm Xuyên (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
Tạp chí:

1 Nguyễn Thị Mai Hoa (2011), “Hồi giáo ở Đông Nam Á”: kỷ yếu hội nghị khoa
2

3
4
5
6
7

học cán bộ nữ 9, ĐHQGHN.
Phạm Thị Thanh Huyền, Một số vấn đề về quá trình du nhập của Hồi giáo vào
Đông Nam Á hải đảo, Tạp chí khoa học Đại học khoa học sư phạm Hà Nội, số
6/2013VN.
Lương Thị Thoa, “Thử tìm hiểu vài nét về đạo Hồi”, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo,
số 5/2001.
Ngô Văn Doanh, Các quốc gia Hồi giáo đầu tiên ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên
cứu Đông Nam Á, số 4/2009.
Bùi Thị Ánh Vân, Nét mới trong bức tranh tôn giáo Đông Nam Á thế kỉ XIII, Tạp
chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 5/2009.
Nguyễn Nhật Linh, Thương nhân Hồi giáo và quan hệ thương mại giữa Đông
Nam Á và Tây Á thế kỉ XV – XVII, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 6/2007.
Hồ Thị Thanh Nga, Về những yếu tố văn hóa bản địa trong Islam giáo ở Đông
Nam Á hải đảo, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 1/2008.

Internet:



PHỤ LỤC


ThánhđườngHồigiáo ở Malaysia


Thánh đường ở Brunei


Các tín đồ đang hành hương

Các tín đồ hành hương về thánh địa Mecca


Lễ hội Eidul Fitr ở Đông Nam Á



×