Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾP cận tư TƯỞNG văn hóa của c mác và PH ĂNG GHEN TRONG tác PHẨM TUYÊN NGÔN của ĐẢNG CỘNG sản

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (79.8 KB, 5 trang )

Tiếp cận những tư tưởng văn hoá của Mác và Ăngghen trong
"Tuyên ngôn của Đảng cộng sản"

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Liên đoàn những người Cộng sản trao cho, vào
tháng giêng năm 1848, vài tuần trước khi nổ ra cuộc cách mạng tháng Hai ở Pháp, Mác
và Ăngghen đã gửi bản thảo "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" tới Luân Đôn để kịp cho
tổ chức quốc tế này công bố cương lĩnh của mình. Trong vòng 10 năm, "Tuyên ngôn" đã
được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu truyền ở châu Âu những năm 50 - 60 của thế kỷ XIX,
sau đó nó được truyền sang phương Đông và vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ này
trên báo "Chuông rè" của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
Từ khi ra đời tới nay, các tư tưởng cách mạng của Mác và Ăngghen có sức mạnh
to lớn trong tiến trình phát triển văn hoá của nhiều dân tộc. Trải qua 150 năm, phương
pháp phân tích các thời đại văn hoá của Mác, các vấn đề cơ bản của văn hoá chính trị,
văn hoá lao động, văn hoá đạo đức, văn hoá thẩm mỹ, văn hoá gia đình mà "Tuyên ngôn"
đã đề cập, vừa chứng tỏ sự trưởng thành của thế giới quan mácxít, vừa mang lại một tầm
nhìn mới thực sự khoa học giúp nhiều dân tộc thay đổi tình trạng văn hoá bi đát của
mình, tiến lên xây dựng một nền văn hoá kiểu mới.
GẦN 160 năm qua, những tư tưởng cách mạng của Mác và Ăngghen trong
"Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" đã mở đường cho cuộc đấu tranh nhằm xoá bỏ tình
trạng đau khổ và khốn khó, bất bình đẳng trong các mối quan hệ giữa con người với con
người. Dưới ánh sáng của những tư tưởng cách mạng và khoa học của "Tuyên ngôn", ba
phong trào lớn của thế kỷ thứ XX: phong trào độc lập dân tộc, phong trào dân chủ, phong
trào xã hội chủ nghĩa đã hình thành và đã lần lượt xoá bỏ nhiều quan hệ văn hoá của chủ
nghĩa phong kiến, chống lại sự áp bức bóc lột tàn nhẫn của giai cấp tư sản và tiến lên xây
dựng nền văn hoá mới của chủ nghĩa xã hội.
160 năm qua, từ khi "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" ra đời, diện mạo văn hoá
của loài người đã thay đổi một cách rất cơ bản. Những người bị áp bức, bị bóc lột ở nhiều
nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã vùng lên tự giải phóng mình và xây dựng
cuộc sống mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới, ở đó không có sự áp bức, bóc lột tàn
nhẫn; nhân dân lao động tự làm chủ vận mệnh của mình. Dưới ánh sáng của "Tuyên
ngôn", cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội suốt thế kỷ XX


đã sắp xếp lại các giá trị văn hoá cơ bản ở nhiều dân tộc. Quyền sống, quyền tự do, quyền
làm người trong một số nước châu á, châu Mỹ, châu Phi dần dần được khôi phục. Sự áp
đặt các hệ chuẩn văn hoá khác lạ của dân tộc này lên dân tộc khác đã bị lên án. Những
xiềng xích phong kiến, "những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những
quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn xưa" tạo nên mọi sự thiêng liêng trong
bất bình đẳng ở nhiều nền văn hoá được rũ bỏ một cách mau chóng. "Tuyên ngôn của
Đảng cộng sản" cũng đã chứng minh tính tất yếu của phong trào xã hội chủ nghĩa và sự
hình thành những hệ thống giá trị mới trong nền văn hoá mới, ở đó lao động, giao tiếp,
gia đình và nhân cách khác hẳn với nền văn hoá của giai cấp tư sản - nền văn hoá không
để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối "tiền
trao cháo múc" không tình không nghĩa. Các tư tưởng của Mác và Ăngghen về văn hoá
được trình bày trong "Tuyên ngôn" mang tính khoa học và cách mạng rất sâu sắc.


Trước Mác và Ăngghen, lịch sử văn hoá của nhân loại được xem xét một cách rất
phiến diện và thần bí. Những nhà văn hoá học theo hệ thống triết học duy tâm khách
quan đã cho rằng sự vận động của văn hoá, nghệ thuật, của phong tục, tập quán được bắt
nguồn từ sự vận động của tinh thần và có tính định mệnh. Không ít nhà văn hoá học theo
chủ nghĩa duy tâm chủ quan khẳng định các dục vọng của cá nhân là cội nguồn của mọi
sự vận động văn hoá. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, Mác và Ăngghen
trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", từ quan điểm hình thái kinh tế - xã hội đã coi
động lực thực sự của mọi sự vận động văn hoá là do sự vận động của phương thức sản
xuất quyết định. Nền văn hoá Hy Lạp được quy định bởi phương thức sản xuất cổ đại. Nó
đã bị phương thức sản xuất của chế độ phong kiến có năng suất cao hơn giải thể. Đến
lượt mình, nền văn hoá thiêng liêng ngàn năm của giai cấp phong kiến lại bị phương thức
sản xuất tư bản chủ nghĩa hùng mạnh làm cho "tan ra mây khói". "Giai cấp tư sản đã dìm
những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm
tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ... Nó đã tạo ra những kỳ
quan khác hẳn những kim tự tháp Aicập, những cầu dẫn nước ở Lamã, những nhà thờ
kiểu gôtích...".

Phân tích lịch sử văn hoá trên quan điểm hình thái kinh tế - xã hội, trong "Tuyên
ngôn của Đảng cộng sản", Mác và Ăngghen đã phác hoạ tính hai mặt của phương thức
sản xuất tư bản chủ nghĩa. Một mặt, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với nền đại
công nghiệp của mình đã xoá bỏ nhiều phần giá trị trong nền văn hoá của giai cấp phong
kiến, tạo ra một nền văn minh mới; mà ở đó, con người được thoả mãn rất nhiều các nhu
cầu mới; tính hạn hẹp và phiến diện dân tộc dần được cởi mở; nông thôn tiến dần đến
thành thị; một nền văn hoá nghệ thuật có tính chất thế giới đang được nảy nở.
Trong một thời gian rất ngắn không đầy một thế kỷ, giai cấp tư sản đã tạo ra
những lực lượng sản xuất đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng
lại. Song mặt khác, những thành tựu kỳ diệu nhất của giai cấp tư sản lại là kết quả của
một phương thức bóc lột mang tính phản văn hoá - bóc lột giá trị thặng dư và tự do cạnh
tranh tàn bạo. Cùng với việc tổ chức sản xuất một cách khoa học, để đạt được lợi nhuận
tối đa, giai cấp tư sản đã tạo ra một tình trạng tha hoá rất lớn trong phân phối tổng sản
phẩm xã hội, làm phân hoá mau chóng, sâu rộng giữa người giàu và người nghèo. Và
chính vì thế, trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", Mác và Ăngghen đã khẳng định
phương thức sản xuất tư bản đã đẻ ra rất nhiều những phản văn hoá từ trong thiết chế nền
tảng của nó. Trong văn hoá lao động, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo nên tình
trạng người áp bức bóc lột người dã man chưa từng có trong lịch sử. Với nguyên lý đạt
năng suất cao bằng các biện pháp công nghiệp đơn thuần, một mặt giai cấp tư sản phá vỡ
mọi giá trị truyền thống mà hàng ngàn năm nhân loại mới tạo ra được; mặt khác, kiểu sản
xuất ấy đã thủ tiêu mọi hứng thú của con người trong lao động. Trong văn hoá giao tiếp,
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo nên tình trạng trả tiền ngay, không tình nghĩa,
"biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi", còn "gia đình tư sản... dựa trên tư
bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình dưới hình thức hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn
tại đối với giai cấp tư sản... Kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình đối với
người vô sản và kèm theo nạn mãi dâm công khai".
Cùng với cách nhìn nhận tổng thể các thiết chế văn hoá nền tảng trong xã hội tư
sản, Mác và Ăngghen đã áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc phân tích các
quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa và đã nhìn thấy tận cùng những mâu thuẫn trong sự
phát triển của chủ nghĩa tư bản với các tiền đề diệt vong tất yếu của các quan hệ sản xuất



tư bản chủ nghĩa, cũng như sự xuất hiện một quan hệ văn hoá mới có tính chất cách
mạng, đối lập với văn hoá của chủ nghĩa tư bản. Mác và Ăngghen đã khẳng định với một
niềm tin khoa học rằng: "Giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính
nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như
nhau".
Giai cấp tư sản trong quá trình phát triển của mình, khi thống nhất các quốc gia
dân tộc, đồng thời nó lại nhân danh một dân tộc này áp bức bóc lột một dân tộc kia. Mác
và Ăngghen đã tố cáo nhà nước tư sản luôn luôn phản bội lại nền văn hoá dân tộc và đã
quan tâm đến chủ nghĩa dân tộc thuần tuý. Khác với giai cấp tư sản, để xây dựng được
một nền văn hoá dân tộc mới, giai cấp vô sản trước hết phải tự tổ chức dân tộc mình, xoá
bỏ ách áp bức bóc lột dân tộc. Phản đối chủ nghĩa dân tộc thuần tuý của giai cấp tư sản,
Mác và Ăngghen lần đầu tiên trong lịch sử văn hoá đã nêu lên chủ nghĩa quốc tế trong
văn hoá. Gắn liền văn hoá dân tộc với tinh hoa của nhân loại, gắn liền nhân dân lao động
của tất cả các nước cùng chung một mục đích chống áp bức và bóc lột là một tư tưởng
văn hoá lớn trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản". C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Hãy
xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng
sẽ bị xoá bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa
thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo". Tư tưởng mới của C.Mác và
Ph.Ăngghen về tính dân tộc thực tế là một động lực vô cùng mạnh mẽ để xây dựng một
nền văn hoá kiểu mới.
Cùng với sự phân tích các mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế của nền
văn hoá dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chú ý đặc biệt
đến các giá trị văn hoá đạo đức kiểu mới. Theo các ông, một nền đạo đức mới không thể
xuất phát từ các quan hệ người bóc lột người như nền đạo đức của giai cấp tư sản, một
nền đạo đức không tình nghĩa. Trái với tất cả các luận điểm đã cũ rích của giai cấp bóc
lột cho rằng chỉ có những ai có tài sản thì mới có đạo đức, Mác và Ăngghen cho rằng vấn
đề cơ bản của mọi đạo đức, trong đó có văn hoá đạo đức kiểu mới, là vấn đề quan hệ giữa
lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Con người có ý thức hay không có ý thức rút cuộc vẫn

lấy các quan hệ thực tiễn làm cơ sở cho văn hoá đạo đức. Với quan niệm đó, các ông chỉ
rõ, trong mọi xã hội, "những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là
những tư tưởng của giai cấp thống trị". Vì thế, văn hoá đạo đức phong kiến là tàn dư của
một phương thức sản xuất đã qua, văn hoá đạo đức tư sản là đạo đức của phương thức
sản xuất đang thống trị, còn đạo đức vô sản là đạo đức của tương lai - đạo đức phát triển
cao và mang tính nhân loại.
Đối lập với những giá trị đạo đức ích kỷ, hại người, ăn bám, đạo đức trong nền
văn hoá của giai cấp vô sản phù hợp với các lợi ích căn bản của nhân dân lao động, chống
mọi áp bức bóc lột. Một trong những vấn đề cơ bản nhất của văn hoá đạo đức đó là vấn
đề tự do. Quan niệm về tự do đầu tiên và tự do cuối cùng trong nền văn hoá của giai cấp
vô sản hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa tự do vô chính phủ của giai cấp tư sản. Mác và
Ăngghen cho rằng con người tự quyết định mọi hành vi của mình trong tính tất yếu của
hoàn cảnh xã hội, và đó không có nghĩa là con người không có tự do. Khi giai cấp và đấu
tranh giai cấp còn tồn tại thì đạo đức mới vẫn xuất hiện trên cơ sở giai cấp. Những tham
vọng của các nhà đạo đức cũ về một quan hệ đạo đức vĩnh cửu đứng trên mọi giai cấp,
thích hợp với mọi thời đại, mọi dân tộc đều là những ảo tưởng. Tự do đạo đức là phải
nhận thức được tính tất yếu trong các hoạt động của mình. Không có cơ sở nào khác để


lựa chọn đúng đắn hành vi, để đánh giá đúng đắn hành vi ngoài căn cứ vào tính tất yếu
của hành vi.
Theo quan điểm của Mác và Ăngghen, mọi văn hoá đạo đức đều có tính khách
quan của nó. Các ông khẳng định rằng một nền đạo đức có nhiều hứa hẹn nhất, được
nhiều người tán thành nhất và tồn tại lâu dài nhất là đạo đức vô sản.
Cùng với sự phân tích tính tất yếu khách quan của những giá trị đạo đức vô sản,
trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", Mác và Ăngghen đã để ra một số lượng trang
đáng kể để phân tích mâu thuẫn giữa sản xuất tư bản và sản xuất nghệ thuật, đề xuất việc
giải quyết mâu thuẫn ấy trong nền văn hoá do giai cấp vô sản lãnh đạo. Ngoài ra, các ông
còn đề cập tới các nền văn hoá của chủ nghĩa phong kiến, của chủ nghĩa lãng mạn.
Coi văn hoá nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, Mác và Ăngghen cho rằng,

văn hoá nghệ thuật muốn làm tròn nhiệm vụ của mình phải phản ánh đời sống xã hội và
tham gia cải tạo xã hội. Trong xã hội có giai cấp, văn hoá nghệ thuật phải có tính giai
cấp. Giai cấp thống trị thường sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để duy trì quyền
lực của nó. Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, "giai cấp tư sản tước hết hào quang thần
thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật
gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả
lương của nó".
Chủ nghĩa tư bản đã từng hô hào tự do sáng tạo, nhưng chúng đã dùng đủ mánh
khoé để chi phối tự do đó. Sự xung đột trong nội bộ giai cấp tư sản là không tránh khỏi.
"Cũng như xưa kia, - các ông viết, - một bộ phận của quý tộc chạy sang hàng ngũ giai cấp
tư sản; ngày nay, một bộ phận của giai cấp tư sản cũng chạy sang hàng ngũ giai cấp vô
sản, đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận,
toàn bộ quá trình vận động lịch sử".
Sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm tiêu tan bao nhiêu hứng thú nghệ thuật của các
nghệ sĩ của chính giai cấp mình, và ở vào những giờ phút quyết định, nhiều nghệ sĩ tư sản
đã đến với những người vô sản, tập hợp thành một lực lượng sáng tác rộng rãi mang ý
thức hệ vô sản. Và nền nghệ thuật này có khả năng cải tạo sâu sắc các khuyết tật mà xã
hội tư sản để lại trên mỗi con người.
Mác và Ăngghen coi nghệ thuật của giai cấp vô sản phải gắn liền với đời sống
hiện thực và cuộc đấu tranh chống ý thức hệ tư sản. Và những nghệ sĩ mang ý thức hệ vô
sản, với lý tưởng về một xã hội hoàn thiện không tự hạ mình xuống đến chỗ "giấu giếm
những quan điểm và ý định của mình". Họ cần công khai tuyên bố mục tiêu xoá bỏ mọi
áp bức bóc lột và xây dựng một xã hội mới.
Những tư tưởng khoa học và cách mạng của "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" đã
bước vào nền văn hoá nước ta từ những năm 20 của thế kỷ này, khi mà hệ tư tưởng
phong kiến cũng như tư sản đã tỏ ra bất cập trước khát vọng giải phóng dân tộc của nhân
dân ta. Một chủ nghĩa yêu nước kiểu mới, chủ nghĩa yêu nước gắn ý thức dân tộc và tinh
thần quốc tế do "Tuyên ngôn" đề xuất đã xuất hiện trong văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh
đạo của Đảng cộng sản. Mục tiêu xoá bỏ áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội công bằng,
ấm no hạnh phúc mà "Tuyên ngôn" đã nêu, thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước Việt

Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nền văn hoá Việt Nam có sự chuyển biến rất
sâu rộng. Năm 1943, với "Đề cương về văn hoá Việt Nam", nền văn hoá do Đảng ta lãnh
đạo sẽ tiến từ nền văn hoá dân chủ mới đến nền văn hoá xã hội chủ nghĩa. Với ba nguyên
tắc lớn: Dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá và về mặt xã hội lấy giai cấp công


nhân làm gốc, về chính trị lấy độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội làm gốc, về tư
tưởng lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc, nền văn hoá mới ở
Việt Nam đã đấu tranh chống lại các phong tục, tập quán lạc hậu và những tư tưởng văn
hoá phản động của giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản theo các chỉ dẫn cơ bản của
"Tuyên ngôn của Đảng cộng sản".
Sau cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc nước ta
bước vào một cuộc cải tạo và xây dựng lớn. Để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ
nghĩa, Đảng cộng sản đã nâng nền văn hoá Việt Nam lên một tầm cao mới. Lý tưởng về
một xã hội không có áp bức bóc lột giai cấp, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc
của "Tuyên ngôn" đã thôi thúc chúng ta xây dựng nền văn hoá có nội dung xã hội chủ
nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong gần ba thập kỷ, nền văn hoá có nội dung xã hội
chủ nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo nên rất nhiều giá trị văn hoá mới, mở đầu cho
quá trình gắn các giá trị văn hoá truyền thống với hiện đại, gắn các giá trị văn hoá dân tộc
với tinh hoa văn hoá nhân loại, hoà nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá trong cộng đồng dân
tộc, mở đầu cho một thời kỳ mới, thiết lập các chuẩn mực mới cho văn hoá lao động, văn
hoá giao tiếp, văn hoá gia đình và nhân cách văn hoá.
Tuy nhiên, do điểm xuất phát xây dựng nền văn hoá mới của chúng ta quá thấp về
cơ sở hạ tầng, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt và kéo dài, cùng
với tình hình chính trị quốc tế, chúng ta phải chuyển sang những bước quá độ nhỏ hơn,
lâu dài hơn để tiến tới mục tiêu sau cùng của những giá trị văn hoá bất tử mà "Tuyên
ngôn của Đảng cộng sản" đã nêu lên. Hiện nay chúng ta đang xây dựng nền văn hoá tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bước quá độ nhỏ đầu tiên theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay,
chúng ta đã gặp đúng những chỉ dẫn mà Mác và Ăngghen đã nêu trong "Tuyên ngôn của

Đảng cộng sản" về tác động tiêu cực của chế độ tư bản đối với văn hoá. Đảng và nhân
dân ta đang làm tất cả những gì có thể để gìn giữ và phát huy cho được bản sắc dân tộc
của văn hoá mà vẫn gắn liền với các giá trị phổ biến và văn minh của nhân loại. Hướng
về những giá trị nền tảng của dân tộc, đấu tranh kiên quyết với các phản văn hoá của tàn
dư phong kiến, của chế độ tư bản để xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc mà đặc trưng cơ bản của nó là "dân tộc, hiện đại, nhân văn" là hoạt động thiết
thực nhất để kỷ niệm 160 năm ngày ra đời của bản tuyên ngôn bất hủ của những người
cộng sản trong văn hoá nhân loại.



×