Tải bản đầy đủ (.pdf) (44 trang)

Chính sách của hàn quốc đối với trung quốc từ năm 2000 đến năm 2016 (tóm tắt trích đoạn)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (899.73 KB, 44 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

LÊ CÔNG CHUNG

CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC
TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2016

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUAN HỆ QUỐC TẾ

Hà Nội - 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

LÊ CÔNG CHUNG

CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC
TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2016

Luận văn thạc sĩ chuyên ngành: Quan hệ quốc tế
Mã số: 60310206

Người hướng dẫn khoa học: Tiến sỹ Hoàng Minh Hằng

Hà Nội -2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả


nghiên cứu trong luận án hoàn toàn trung thực, khách quan và chưa từng được
công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.
Học viên

Lê Công Chung


Lời cảm ơn
Trong quá trình thực hiện luận văn, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất quý
báu và hiệu quả từ nhiều cá nhân và đơn vị. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết
ơn sâu sắc đến Tiến sỹ Hoàng Minh Hằng - người hướng dẫn khoa học đã tận
tình giúp đỡ tôi suốt thời gian học tập và thực hiện đề tài.
Chân thành cảm ơn Ban Đào tạo Sau đại học – Đại học Khoa học xã hội
& Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội; Cám ơn các thầy cô giáo đã trực tiếp
giảng dạy mang lại cho tôi nhiều kiến thức bổ trợ, vô cùng có ích trong những
năm học vừa qua; Cám ơn Khoa Quan hệ quốc tế trường Đại học Khoa học xã
hội & Nhân văn Đại học quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi
trong quá trình học tập
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Thông
tấn xã Việt Nam đã hỗ trợ tôi trong quá trình tìm kiếm và sưu tầm tư liệu.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cám ơn đến gia đình, bạn bè, những người đã luôn
bên tôi, động viên và khuyến khích tôi trong quá trình thực hiện đề tài nghiên
cứu của mình.
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

Lê Công Chung


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1

1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài .................................................... 2
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................. 8
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 9
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................. 10
6. Đóng góp của đề tài..................................................................................... 10
6.1 Về mặt khoa học ........................................................................................ 10
6.2. Về mặt thực tiễn........................................................................................ 11
7. Kết cấu luận văn: ......................................................................................... 11
Chương 1. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI CHÍNH SÁCH CỦA
HÀN QUỐC ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC KỂ TỪ NĂM 2000 .................... 12
1.1 KHÁI QUÁT CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI TRUNG
QUỐC TRƯỚC NĂM 2000 ........................................................................... 12
1.1.1 Giai đoạn trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao
1992 ................................................................................................................. 12
1.1.2 Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2000................................................... 14
1.2 BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC BƯỚC VÀO THẾ KỶ XXI ............ 17
1.2.1 Bối cảnh quốc tế ..................................................................................... 17
1.2.2 Bối cảnh khu vực .................................................................................... 19
1.2.3. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ............................................... 22
1.2.4 Điều chỉnh chính sách của Trung Quốc chi phối tới quan hệ hai nước ........ 27
1.3 BỐI CẢNH BÊN TRONG ........................................................................ 29
1.3.1. Tình hình Hàn Quốc kể từ năm 2000 .................................................... 29
1.3.2. Định hướng điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc ......... 31
Chương 2. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC ĐỐI
VỚI TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2016 ...... 35


2.1 CHÍNH SÁCH TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ ..................................... 35
2.1.1 Xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.................................. 35

2.2.2 Thực hiện chính sách "cân bằng" với Trung Quốc nhằm giảm bớt sự lệ
thuộc vào Mỹ ................................................................................................... 45
2.1.3 Tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa
và cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ............................................... 49
2.2 CHÍNH SÁCH TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ .......................................... 53
2.3 CHÍNH SÁCH TRÊN LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG - AN NINH ............... 66
Chương 3. MỘT VÀI ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT VÀ GỢI Ý CHÍNH
SÁCH CHO VIỆT NAM .............................................................................. 73
3.1 Một vài đánh giá, nhận xét về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với
Trung Quốc (2000 - 2016)................................................................................ 73
3.1.1 Một vài đánh giá, nhận xét..................................................................... 73
3.1.2 Những thành công và hạn chế trong chính sách của Hàn Quốc đối
Trung Quốc giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016 ........................................ 76
KẾT LUẬN .................................................................................................... 86
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 88


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ADIZ

Air Defense Identification Zone:
Khu vực nhận diện phòng không

APEC

Asia-Pacific Economic Cooperation:
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

AIIB


Asian Infrastructure Investment Bank:
Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á

ARF
ASEAN

ASEAN Regional forum: Diễn đàn an ninh khu vực
Association of Southeast Asian Nations
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á

ASEM

Asia-Europe Meeting
Hội nghị thượng định Á - Âu

FTA

Free Trade Agreement
Hiệp định Thương mại tự do

EAS

East Asian Summit
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á

GDP

Gross Domestic Product
Tổng sản phẩm quốc nội


IMF

International Monetary Fund
Qũy Tiền tệ Quốc tế

IS

Organization calling itself the Islamic State
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng

RCEP

Regional Comprehensive Economic Partnership
Hiệp định đối tác toàn diện khu vực

TPP

Trans-Pacific Partnership
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương

WB

World Bank
Ngân hàng Thế giới

WTO

World Trade Organization
Tổ chức thương mại thế giới



MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng ở Đông Á rất gần
gũi về địa lý và có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa cũng như
phong tục tập quán. Tuy nhiên, quan hệ hai nước cho đến trước khi Chiến
tranh lạnh kết thúc đã trải qua nhiều thăng trầm và bị gián đoạn trong suốt
một thời gian dài. Nguyên nhân chính ngoài rào cản về ý thức hệ còn do
những tính toán, cân nhắc về lợi ích trong quan hệ quốc tế của mỗi nước.
Sau khi ký kết Thông cáo chung bình thường hóa quan hệ vào năm 1992,
quan hệ Hàn - Trung ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy, chỉ chưa
đầy 20 năm hai nước đã nâng cấp từ quan hệ "đối tác hợp tác" (1998) lên
"đối tác hợp tác toàn diện" (2003) và tiếp đó là "quan hệ đối tác chiến lược"
(2008) và "đối tác chiến lược đi vào thực chất" (2013). Không chỉ phát triển
mạnh quan hệ song phương cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, sự ràng buộc đan
xen về lợi ích quốc gia giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng ngày càng lớn.
Mặc dù vậy, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều là những cường quốc đang
trỗi dậy mạnh mẽ, nên giữa hai nước không tránh khỏi những mâu thuẫn va
chạm, tranh giành về lợi ích quốc gia. Hiện nay, giữa Hàn Quốc và Trung
Quốc đang tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với bãi đá Ieodo/Tô
Nham, dù rằng không quá căng thẳng như tranh chấp quần đảo Điếu
Ngư/Xen-ca-cư giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông hay tranh
chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN ở Biển Đông, nhưng việc gần
đây Trung Quốc chuyển từ "giấu mình chờ thời" sang giai đoạn "hành động
quyết đoán" trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ khiến Hàn Quốc lo ngại.
Trong khi đó, sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và việc giải quyết vấn đề
phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên lại phụ thuộc rất lớn vai trò của
Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu trong chính sách của Hàn Quốc là xây dựng
mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Trung Quốc làm nền tảng để tăng cường
1



quan hệ kinh tế - thương mại, thúc đẩy và mở rộng hợp tác quốc phòng an
ninh... góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hàn Quốc tại khu vực và thế
giới, đặc biệt là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vấn đề phi hạt nhân hóa
bán đảo Triều Tiên và tiến tới hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Chính vì xuất phát từ những mục tiêu quốc gia nói trên, Hàn Quốc đã điều
chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn từ "dựa" vào Mỹ "chống"
Trung Quốc để từng bước xây dựng quan hệ đối tác hợp tác và từng bước
nâng cấp thành "quan hệ đối tác chiến lược", trở thành người điều phối, cân
bằng trong quan hệ tam giác Trung – Hàn – Mỹ tại khu vực.
Tuy giữa Hàn Quốc và Việt Nam có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng
giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt đều chịu ảnh hưởng trong
quá trình trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ.
Chính vì vậy, chính sách đối ngoại cân bằng của Hàn Quốc là kinh nghiệm
quí đối với Việt Nam trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ với Trung
Quốc và Mỹ, để nâng cao vị trí quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn chủ đề nghiên cứu về "Chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2016" làm đề tài luận văn
của mình.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
2.1 Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Mặc dù giữa hai nước có sự khác biệt về thể chế chính trị, nhưng do tốc
độ phát triển nhanh chóng của cặp quan hệ Hàn – Trung vượt lên trên các cặp
quan hệ khác, nên đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cặp quan hệ này,
đặc biệt là những nghiên cứu về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hàn
Quốc để trở thành một lực lượng đóng vai trò cân bằng ở khu vực Đông Bắc Á,
hay thông qua việc điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ để xích lại gần hơn với
Trung Quốc giúp cho mối quan hệ của hai nước không ngừng được mở rộng,


2


thúc đẩy đi vào chiều sâu. Liên quan đến đề tài của luận án, trong phạm vi các
công trình và tài liệu có thể tiếp cận được, xin tổng hợp lại như sau:
Nhóm thứ nhất, những công trình nghiên cứu về chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc trên lĩnh vực chính trị - đối ngoại tiêu biểu là:
"South Korea Seeks to Balance Relations with China and the United States"
(Han Suk-hee, Hàn Quốc tìm cách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và
Mỹ) (Đại học Yonsei 11/2012); "Relations between the Republic of Korea
and the People’s Republic of China: Comtemporary realities and trends"
(Sira, Quan hệ giữa Cộng hòa Hàn Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa:
Thực tại và tương lai) (2015); "China-Korea Relations: Prospects for a
Strategic Partnership?" (Scott A. Snyder, Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc:
Triển vọng cho một đối tác chiến lược) (9/2015); "The Korean Peninsula—
Balancing Relations with the United States and China" (Bán đảo Triều Tiên
cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc), (Tạp chí East Asian Strategic
Review, 03/006)... Nhóm những công trình nghiên cứu này trên cơ sở phân
tích bối cảnh quốc tế, khu vực và những nước lớn làm thay đổi đường lối đối
ngoại của Hàn Quốc từ chính sách thân Mỹ, đồng minh của Mỹ tại khu vực
Đông Bắc Á đã dần từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình trở
nên độc lập, tự chủ, ngày càng thân thiện, cân bằng hơn với Trung Quốc
nhằm xây dựng một môi trường hòa bình ổn định và phát triển trong khu vực
có lợi cho việc giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và sự nghiệp thống
nhất tổ quốc của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, những nghiên cứu còn đề cập tới
những thách thức của Hàn Quốc trong việc lựa chọn giải quyết mối quan hệ
đồng minh Hàn – Mỹ và quan hệ đối tác chiến lược Hàn - Trung.
Nhóm thứ hai, một số nghiên cứu trên lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa
hai nước gồm có một số công trình nghiên cứu tiêu biểu: "South Korea's
Economic Dependence on China" (Steven Denney, Sự phụ thuộc kinh tế của

Hàn Quốc vào Trung Quốc, website:thediplomat.com, 9/2015); "Trade,
3


Investment and Economic Intergration of south Korea and china" (Joon- Kyung
Kim, Jangseon Kim and Chung H. Lee, Thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế
của Hàn Quốc và Trung Quốc) (7/2006); "South Korea export growth slows to
trickle as China demand wanes" (tăng trưởng xuất khẩu Hàn Quốc chậm do nhu
cầu suy giảm từ thị trường Trung Quốc suy yếu) (01/2016); "Economic
Integration in Northeast Asia: Challenges and Strategies for South Korea" (Karyiu Wong, Hội nhập kinh tế ở Đông Bắc Á: Thách thức và chiến lược cho Hàn
Quốc, Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn) (8/2006)... Nhóm này gồm các công trình
nghiên cứu chính sách kinh tế của Hàn Quốc với Trung Quốc trên hai phương
diện, hợp tác song phương và đa phương giữa hai nước từ khi bình thường hóa
quan hệ; lợi ích trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc khiến nền kinh tế Hàn
Quốc ngày càng phụ thuộc, gắn chặt vào nền kinh tế Trung Quốc; sự tương hỗ
lẫn nhau của hai nền kinh tế cũng là một trong những động lực thúc đẩy hợp tác
kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai nước... khiến nền kinh tế hai nước ngày
càng phụ thuộc lẫn nhau...; Về hợp tác đa phương, nổi bật có một số nghiên cứu:
"东北亚的再平衡" (Tôn Hưng Kiệt, Tái cân bằng ở Đông Bắc Á) (11/2015); "
中日韩恢复三国峰会" (khôi phục cuộc gặp thượng định 3 nước Trung – Nhật
– Hàn) (11/2015)... đề cập tới thực trạng "kinh tế nóng, chính trị lạnh" giữa 3
nước Trung – Nhật – Hàn tại khu vực Đông Bắc Á; những bất đồng nhận thức
lịch sử và tranh chấp lãnh thổ đã ảnh hưởng đến lòng tin chính trị giữa các nước,
mâu thuẫn với hợp tác kinh tế sôi động giữa hợp tác kinh tế của 3 nước đang
diễn ra trong những năm qua...
Nhóm thứ 3, những nghiên liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh:
Đông Bắc Á là khu vực tương đối phức tạp và nhạy cảm, vì nơi đây vẫn tồn
tại những di sản của thời kỳ Chiến tranh lạnh và những căng thẳng trên bán
đảo Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ


4


Nhân dân Triều Tiên, trong đó nổi bật là các công trình như: "东北亚安全形

势与中韩关系" (Xu hướng an ninh Đông Bắc Á và quan hệ Trung – Hàn,
Tạp chí Hòa bình và phát triển, số 5/2110); "试论―六方会谈‖与韩中关系"
(Lý Nhạn Ngọc, Bàn về đàm phán 6 bên và quan hệ Hàn – Trung) (6/2010); "

韩国李明博政府与中韩关系" (Văn Chính Nhân và Lý Xuân Phúc, Chính
phủ Ly Miêng Pắc và quan hệ Trung – Hàn); "中韩如何避免萨德危机升级

? " (Trung – Hàn làm thế nào để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của
THAAD)...... Những nội dung nghiên cứu này phản ánh quan điểm của Chính
phủ Hàn Quốc đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc; những quan ngại về tốc độ
hiện đại hóa quốc phòng quá nhanh của Trung Quốc và tham vọng chủ quyền
lãnh thổ của Trung Quốc; thực tại tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á;
nhân tố để Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác quốc phòng an ninh với Trung Quốc
đó là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hướng tới xây dựng
một khu vực hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực Đông Bắc Á... Tuy
nhiên, vấn đề chương trình hạt nhân và những hành động gần đây của nhà
lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un đã tác động tiêu cực đến quan hệ Hàn –
Trung sau khi Trung Quốc đồng minh truyền thống và quốc gia có ảnh hưởng
nhất đối với Triều Tiên không thể thuyết phục để Triều Tiên từ bỏ chương
trình hạt nhân và tên lửa của mình đã quyết định đàm phán với Mỹ xây dựng
hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ
Hàn Quốc.
2.2 Tình hình nghiên cứu trong nước
Hàn Quốc được đánh giá là mẫu hình thành công trong những nỗ lực kết
giao với các nước lớn trên thế giới nhờ chính sách đối ngoại tích cực, linh hoạt

và thực dụng. Chính sách ngoại giao này đã không ngừng nâng tầm vị thế và vai
5


trò quốc tế của Hàn Quốc đối với khu vực và thế giới. Trong đó, chính sách đối
ngoại của Hàn Quốc với Trung Quốc là một thành công lớn trong việc làm thay
đổi quan hệ song phương giữa hai quốc gia, chuyển từ "đối đầu, thù địch" sang
quan hệ "đối tác, hợp tác chiến lược" thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Do Hàn
Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam,
do vậy có rất nhiều công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc
đối với Trung Quốc, bao gồm cả các tài liệu của nước ngoài được dịch sang
tiếng Việt cũng được đi sâu khai thác trên nhiều bình diện, nhưng tựu chung có
thể được chia thành các nhóm cơ bản sau đây:
Nhóm thứ nhất, nghiên cứu chung và riêng về chính sách của Hàn Quốc đối
với các nước Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh. Tiêu biểu nhất trong mảng
nghiên cứu chung về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong mối liên hệ với các
quốc gia đồng minh và các chủ thể chính trị ở Đông Bắc Á là cuốn: "Hàn Quốc
với khu vực Đông Á sau Chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc" do
Nguyễn Hoàng Giáp chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành vào năm 2009; Võ
Hải Thanh: "Quan hệ hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với các nước trong khu vực
Đông Bắc Á" (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, 2005);.... Những công trình
này, các tác giả đã khái quát sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của với các nước
trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với
các nước nhằm hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường khu vực thuận lợi cho phát
triển kinh tế ở trong nước; đồng thời, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề an
ninh – chính trị trên bán đảo Triều Tiên; một nghiên cứu khác do Ngô Xuân Bình
chủ biên, Nxb Từ điển Bách khoa ấn hành (2012) có tên: "Quan hệ Việt Nam –
Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới" cũng dành một dung lượng đáng kể (35
trang) để phân tích và nêu bật những chuyển biến trong chính sách của Hàn Quốc
đối với các nước Đông Bắc Á, lấy bối cảnh quốc tế làm trung tâm. Theo đó, từ

chỗ duy trì "quan hệ băng giá" với các nước XHCN (Trung Quốc, CHDCND
Triều Tiên) trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã chủ động đa dạng hóa
6


quan hệ khi tình hình quốc tế trở nên hòa dịu. Các tác giả cũng khẳng định, với
chính sách đối ngoại linh hoạt, Hàn Quốc đang giữ thế chủ động trong việc đưa
Đông Bắc Á tiến vào kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng thông qua 3 bước: (1)
Theo đuổi giao lưu và hợp tác liên Triều, (2) thiết lập hệ thống hợp tác kinh tế khu
vực và (3) xây dựng cơ sở hạ tầng cho một trung tâm giao vận và kinh tế... Ngoài
ra, một số bài viết của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), như: "Chính sách ngoại
giao cân bằng của Hàn Quốc" (Tin tham khảo thế giới, 25/6/2005); "Chính sách
đối ngoại của Hàn Quốc - thực dụng và có trọng điểm" (Tin thế giới, 21/01/2008);
"Quan hệ Trung - Hàn trong bối cảnh 'trở lại châu Á' của Mỹ",
(website:Nghiencuubiendong, 10/9/2015); "Tổng thống đắc cử Hàn Quốc nhấn
mạnh chính sách đối ngoại tăng cường hợp tác" (Tin thế giới 18/01/2008)...
Những tài liệu nói trên phân tích và làm rõ hai đặc điểm trọng yếu của ngoại giao
Hàn Quốc, đó là: "ngoại giao vì sự ổn định kinh tế" và "ngoại giao tranh thủ sự
ủng hộ của thế giới" của Hàn Quốc. Nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác để
giảm áp lực về thiếu hụt năng lượng, tài nguyên và xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế
quốc tế cũng là nội dung mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.
Nhóm thứ hai, mang tính chất khái lược về lịch sử đi đến chính thức thiết
lập quan hệ hai nước và sự ràng buộc đan xen về lợi ích giữa hai quốc gia này
trên một số lĩnh vực, tiêu biểu là các bài viết: "Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc
kể từ khi bình thường hóa quan hệ" của Hoàng Minh Hằng (Tạp chí nghiên cứu
Nhật Bản và Đông Bắc Á, 10/2005); "Quan hệ với Trung Quốc là chìa khóa mở
ra tương lai cho Hàn Quốc" của Võ Hải Thanh (website:cks.inas.gov.vn, ngày
7/9/2012); "Mối quan hệ Seoul – Bắc Kinh: Hôm qua và ngày mai"
(website:cks.inas.gov.vn, ngày 24/10//2012)… Đi sâu luận giải về nguyên nhân
của quá trình đi đến bình thường hóa quan hệ Hàn – Trung muộn hơn so với các

cặp quan hệ khác trên thế giới, nhưng cùng với những thay đổi của thời gian, sự
ràng buộc trong quá trình phát triển giữa hai nước lại có những lợi ích phụ thuộc
vào nhau ngày càng lớn, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - thương mại. Chính
7


những điều đó đã giúp hai nước vượt qua những rào cản bất đồng về ý thức hệ
để nhanh chóng thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến
lược và ngày càng đi vào thực chất trong tương lai...
Nhóm thứ ba, nghiên cứu chung về những đối sách của Hàn Quốc nhằm đối
phó trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Tiêu biểu trong mảng nghiên cứu
này là: "Đối sách của Hàn Quốc trước Trung Quốc", website:tiasang.com.vn của
Nguyễn Việt Hải; "Sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược ứng phó của Hàn
Quốc" của Kiều Dung (website:cks.inas.gov.vn, ngày 15/7/2015),... nhóm này với
góc độ tiếp cận đi sâu luận giải lợi ích kinh tế đưa lại đối với Hàn Quốc, nhưng
đồng thời đưa ra những cảnh báo về sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung
Quốc của hàng hóa xuất khẩu Hàn Quốc sẽ là con dao "hai lưỡi" đối với nền kinh
tế Hàn Quốc trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc…; Đáng chú ý,
tài liệu tham khảo số 12-2007 của TTXVN đã dành riêng một chuyên khảo về:
"Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc" nhằm phân tích chính sách đối ngoại và an
ninh của quốc gia này trong tương quan địa – chính trị Đông Bắc Á theo chuỗi
quan hệ móc xích: Hàn Quốc và Mỹ - liên minh không bình đẳng; Hàn Quốc và
CHDCND Triều Tiên – liên minh hoài nghi; Hàn Quốc và Trung Quốc – liên
minh cân bằng. Qua đó, nghiên cứu này đã đưa ra giả định về "chính sách ngoại
giao cân bằng" của Hàn Quốc nhằm "mở nút" cho mối quan hệ "tay ba" trên bán
đảo Triều Tiên Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu của các học giả chưa đề
cập sâu tới chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc trong quan hệ Hàn Trung, hoặc chỉ những bài viết của học giả Trung Quốc chưa đề cập tới những vấn
đề mang tính nhạy cảm như: Mặt trái sự trỗi dậy của Trung Quốc là tham vọng
chủ quyền lãnh thổ; Ý đồ cạnh tranh giữa vai trò chủ đạo của Trung Quốc tại khu
vực Đông Bắc Á... Do vậy, đây cũng chính là mục tiêu mà luận văn này muốn

tiếp tục kế thừa và phát triển.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
8


3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài phân tích làm rõ một cách hệ thống và toàn diện chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc giai đoạn 2000 - 2016 trên một số lĩnh vực quan trọng.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, người nghiên cứu sẽ thực hiện những nhiệm
vụ cơ bản sau:
- Trình bày cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối
với Trung Quốc giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016; trong đó, phân tích
khái quát về chính sách của Hàn Quốc theo từng giai đoạn (1948 – 1992)
kể từ khi Hàn Quốc lập quốc cho đến khi hai nước chính thức thiết lập
quan hệ ngoại giao; giai đoạn sau khi bình thường hóa quan hệ đến năm
2000. Đồng thời, nêu bật những chuyển biến mới của tình hình quốc tế,
khu vực và trong nước từ sau Chiến tranh lạnh.
- Nhận diện và phân tích những nội dung chủ yếu trong chính sách của
Hàn Quốc đối với Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2016; qua đó, nêu lên
những điều chỉnh chiến lược trong chính sách của nước này trên các lĩnh vực
hợp tác song phương.
- Rút ra nhận xét, đánh giá về chính sách của Hàn Quốc trên cả hai mặt
thành công và hạn chế. Trên cơ sở đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong
việc điều chỉnh chính sách đối ngoại cho Hàn Quốc và Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc giai đoạn từ năm 2000
đến năm 2016.
4.2. Phạm vi nghiên cứu


9


- Về mặt không gian, đề tài tập trung nghiên cứu chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc trên 3 lĩnh vực quan hệ cơ bản là chính trị - đối
ngoại, kinh tế và an ninh - quốc phòng.
- Về mặt thời gian, đề tài dành trọng tâm nghiên cứu chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Về phương pháp luận: Về mặt phương pháp luận, các vấn đề đặt ra trong
luận án được nghiên cứu chủ yếu dựa trên phương pháp luận của Chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế và đường lối đối ngoại
của Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề quan hệ quốc tế để xem xét, đánh
giá chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc.
- Về phương pháp nghiên cứu, đây là đề tài nghiên cứu lịch sử nên
phương pháp lịch sử, phương pháp logic và sự kết hợp giữa chúng được
sử dụng như dòng mạch chủ yếu. Bên cạnh đó, đề tài còn vận dụng linh
hoạt một số phương pháp khoa học liên ngành của các ngành Quan hệ
quốc tế, Quan hệ kinh tế quốc tế, Địa - Chính trị... như các phương pháp:
Phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê, dự báo khoa học khi đi
sâu nghiên cứu từng nội dung cụ thể nhằm nhìn nhận và đánh giá vấn đề
một cách xác thực.
6. Đóng góp của đề tài
6.1 Về mặt khoa học
- Luận án là công trình khoa học ở Việt Nam có tính cập nhật một cách
chi tiết về chính sách của Hàn Quốc với Trung Quốc từ năm 2000 đến 2016,
góp phần khỏa lấp khoảng trống trong các nghiên cứu về chính sách đối ngoại
của Hàn Quốc thời hiện đại.
- Từ việc phân tích cơ sở, mục tiêu, biện pháp triển khai thực thi, luận án đã

rút ra một số nhận xét về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong giai đoạn này
(đặc biệt là những thành công đạt được và hạn chế cơ bản của các chính sách).
10


- Nhận biết sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong việc
xích lại gần hơn với Trung Quốc để cân bằng với Mỹ từ những năm đầu của
thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, xác định một số vấn đề đặt ra cho Hàn Quốc và
liên hệ đối với Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

6.2. Về mặt thực tiễn
- Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu và giảng
dạy cho sinh viên và học viên cao học các chuyên ngành: Lịch sử thế giới,
Quan hệ quốc tế, Quốc tế học, Đông phương học và những ai quan tâm đến
vấn đề này.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án (ở một mức độ nhất định) có thể
cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà
hoạch định chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại. Từ đó, tiếp tục
củng cố và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với cả Hàn Quốc và Trung
Quốc là những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam
7. Kết cấu luận văn:
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 3 chương chính:
Chương 1: Những yếu tố tác động tới chính sách của Hàn Quốc đối với
Trung Quốc kể từ năm 2000. Chương này phân tích những điều kiện khách
quan và chủ quan tác động tới việc hoạch định chính sách của Hàn Quốc đối với
Trung Quốc kể từ sau năm 2000.
Chương 2: Một số nội dung chính sách của Hàn Quốc đối với Trung
Quốc giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016. Chương này đi sâu phân tích
những nội dung chính sách chủ yếu của Hàn Quốc đối với Trung Quốc trên các
mặt chính trị - đối ngoại, kinh tế và quốc phòng - an ninh giai đoạn từ năm 2000

đến năm 2016.

11


Chương 3: Một vài đánh giá, nhận xét và gợi ý chính sách cho Việt
Nam. Chương này đưa ra những đánh giá và nhận xét về chính sách của Hàn
Quốc đối với Trung Quốc trong 15 năm qua và nêu một số gợi ý chính sách cho
Việt Nam.

Chương 1
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC
ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC KỂ TỪ NĂM 2000
1.1 KHÁI QUÁT CHÍNH SÁCH CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI
TRUNG QUỐC TRƯỚC NĂM 2000
1.1.1 Giai đoạn trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại
giao 1992
Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng với nhau nằm ở khu
vực Đông Bắc Á, rất gần gũi về mặt địa lý, giữa hai nước có nhiều điểm
tương đồng về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán... Cũng giống như Việt
Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, bán đảo Triều Tiên phải chịu sự đô hộ xâm
lược và áp đặt ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, do vậy
bán đảo Triều Tiên nói chung và Hàn Quốc ngày nay nói riêng chịu ảnh
hưởng sâu sắc của nền văn hóa Trung Hoa, trong đó có các tư tưởng triết học
Trung Quốc.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Trung Quốc đã đưa
Chí nguyện quân sang chi viện cho Triều Tiên chống lại lực lượng liên quân
do Mỹ hỗ trợ, đẩy liên quân sâu hơn về phía Nam vĩ tuyến 38, dẫn đến chia
cắt lâu dài bán đảo Triều Tiên cho đến ngày nay. Sau cuộc chiến tranh Triều
Tiên, Trung Quốc cùng với Liên Xô đã hỗ trợ về kinh tế, chính trị, quân sự ...

cho Triều Tiên để đối phó với Hàn Quốc dưới sự bảo trợ của Mỹ. Xuất phát
từ bối cảnh quốc tế và đối đầu căng thẳng ý thức hệ, nên trong giai đoạn đầu
12


của cuộc Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ đối đầu, thù
địch. Hàn Quốc coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh của mình vì Trung
Quốc ủng hộ Triều Tiên, viện trợ cho chế độ chính trị của Triều Tiên, lấy
Triều Tiên làm lực lượng đối trọng lại với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giai đoạn từ giữa những năm 1970 đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc,
Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại, chuyển từ quan hệ đối đầu và thù
địch với Trung Quốc sang hòa hoãn và hợp tác. Vào những năm 70 và 80 của
thế kỷ XX, mặc dù vẫn coi nhau là kẻ thù, nhưng quan hệ hai nước đã dần đi
vào hòa hoãn. Hai nước đã bắt đầu đi vào xây dựng các quan hệ khác tách rời
với chính trị. Ngày 05/3/1983, một chiếc máy bay hàng không dân dụng của
Trung Quốc trên hành trình bay từ Tứ Xuyên về Thượng Hải đã bị không tặc
khống chế phải hạ cánh xuống sân bay Hàn Quốc, dẫn tới những cuộc tiếp
xúc đầu tiên giữa quan chức hai nước để bàn thảo giải quyết. Năm 1986, cùng
với việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 10 và Thế vận hội
Olympic mùa hè năm 1988, Hàn Quốc đã thực hiện điều chỉnh mạnh mẽ
chính sách ngoại giao của mình trong quan hệ với các nước, không phân biệt
thể chế chính trị; năm 1990, Trung Quốc cũng tổ chức Đại hội thể thao châu
Á lần thứ 11, phía Hàn Quốc coi đây là thời cơ quan trọng để thúc đẩy quan
hệ với Trung Quốc. Phía Hàn Quốc đã cử đoàn vận động viên thể thao hơn
700 người tham gia thi tài ở các nội dung của đại hội; các doanh nghiệp Hàn
Quốc đã chi tới hơn 5 triệu USD cho chi phí quảng cáo trong thời gian diễn ra
đại hội; các tập đoàn xe hơi của Hàn Quốc đã tài trợ cho ban tổ chức khoảng
100 chiếc xe hơi để phục vụ cho các hoạt động đi lại, trong trong thời gian
diễn ra đại hội có tới 4000 lượt du khách Hàn Quốc tới thăm Trung Quốc. Để
đáp lại thái độ thiện chí của phía Hàn Quốc, khi tổ chức các nghi thức chào cờ

nhận huy chương của các vận động viên Hàn Quốc, phía Trung Quốc sử dụng
từ "Đại Hàn dân quốc bằng tiếng Anh". Sau khi Hàn Quốc thiết lập văn
13


phòng đại diện thương mại tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc (01/1991) và
Hiệp hội Hoa thương của Trung Quốc thiết lập văn phòng đại diện tại thủ đô
Xơ-un (4/1991), Hàn Quốc đã đẩy mạnh điều chỉnh chính sách đối ngoại, chủ
động thúc đẩy trao đổi giao lưu văn hóa, trao đổi thương mại với Trung Quốc
từ nước thứ 3 sang trao đổi buôn bán trực tiếp. Hai nước tiến tới thiết lập quan
hệ ngoại giao chính thức.
1.1.2 Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2000
Sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc điều
chỉnh chính sách đối ngoại, cải thiện quan hệ với các nước lớn, nhằm tìm
kiếm lợi ích chiến lược, trong đó có Trung Quốc. Tháng 01/1991, Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận sự tồn tại song song của hai
nhà nước độc lập trong thời kỳ quá độ đi đến thống nhất, đó là Hàn Quốc và
Triều Tiên ngày nay. Ngày 24/8/1992, Chính phủ Đại Hàn dân quốc chính
thức thừa nhận "trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc" đồng thời
chấm dứt quan hệ chính thức về mặt ngoại giao với Đài Loan đã kéo dài sau
43 năm, và cùng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại
giao chính thức. Việc Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với
Đài Loan, công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, chính là
nhân tố quan trọng để Trung Quốc đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với
Hàn Quốc.
Từ ngày 27 đến 30/9/1992, chỉ sau hơn một tháng thiết lập quan hệ ngoại
giao, Tổng thống Hàn Quốc Rô Tê U đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên
cấp nhà nước tới Trung Quốc, mở ra một thời kỳ lịch sử phát triển quan hệ
rực rỡ giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký các Hiệp định

mậu dịch, bảo hộ và đầu tư giữa hai chính phủ, thảo luận thẳng thắn các vấn

14


đề hai nước cùng quan tâm, cũng như xác định phương hướng phát triển quan
hệ hai nước trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Có thể nói, việc Hàn Quốc điều chỉnh chính sách theo hướng xích lại
gần hơn với Trung Quốc, hay Hàn Quốc chủ động thúc đẩy quan hệ với
Trung Quốc là hoàn toàn phù hợp với xu hướng trong quan hệ quốc tế thời
kỳ sau Chiến tranh lạnh đang diễn ra mạnh mẽ. Về phía Hàn Quốc, giới
chức lãnh đạo Xơ-un thấy được sức hấp dẫn từ thị trường gần 1,3 tỷ dân,
trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia đang phát triển, công cuộc cải cách
kinh tế đang được chính phủ đẩy mạnh, cần rất nhiều vốn, công nghệ, kỹ
thuật, kinh nghiệm quản lý hiện đại nhưng phải chịu chính sách bao vây cô
lập của Mỹ và các nước phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Cũng cần nói thêm rằng, bản thân Trung Quốc giai đoạn này đang rất muốn
phát triển quan hệ với các nước phát triển, nhất là Hàn Quốc, một quốc gia
đồng minh của Mỹ, để giảm bớt sức ép, cô lập ngoại giao từ bên ngoài 1.
Giai đoạn 1994 - 1998, Tổng thống Kim Dâng Sam lên nắm quyền đã
thực hiện những cải cách mạnh mẽ về chính trị, đề cao giá trị tự do dân chủ
trong xã hội Hàn Quốc theo mô hình phát triển của các nước như Mỹ và
phương Tây. Về kinh tế, những thành tựu đã đạt được từ "Kỳ tích sông Hàn"
trong giai đoạn những năm 70 và 80 đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước
công nghiệp với nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là sự
nổi lên của các tập đoàn công nghiệp lớn như Hyundai, Sam Sung, LG,
Daewoo... Trong khi đó, vấn đề dân số lão hóa dẫn tới thiếu hụt nguồn lao
động và chi phí thuê lao động trong nước của Hàn Quốc ở giai đoạn này bắt
đầu ngày càng có xu hướng lên cao... khiến giới đầu tư của Hàn Quốc bắt đầu
tìm kiếm các thị trường ở các nước trong khu vực để gia công sản xuất nhằm


1

Hoàng Minh Hằng, "Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc kể từ khi bình thường hóa quan hệ", Tạp chí nghiên
cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 5 (59), 10/2005, trang 74.

15


giảm bớt giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa trên
trường quốc tế. Về đối ngoại, trên cơ sở lợi ích chính trị và kinh tế từ những
năm đầu thiết lập quan hệ ngoại giao đưa lại cho Hàn Quốc, chính phủ của
Tổng thống Kim Dâng Sam tiếp tục chính sách coi Trung Quốc là đối tác,
củng cố và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Phân tích từ
góc độ chính trị có thể tạo dựng ảnh hưởng sâu hơn vai trò của Hàn Quốc ở
châu Á, đây cũng cho thấy sự khác biệt về nhận thức giữa Hàn Quốc và Nhật
Bản. Từ góc độ của các nhà đầu tư, các nhà đầu tư vừa và nhỏ, các ngành chế
tạo Hàn Quốc coi thị trường Trung Quốc hấp dẫn là vì giá thuê nhân công lao
động tương đối thấp và sự hấp dẫn từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
của chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ.
Khi hai nước bước sang thế kỷ XXI với hành trang là "Tuyên bố chung
Hàn – Trung" được đưa ra năm 1998, trong chuyến thăm Trung Quốc của
Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê-chung. Bản Tuyên bố nêu rõ: (1) "Xây dựng
mối quan hệ hợp tác Trung – Hàn hướng tới thế kỷ XXI" nhằm mục đích
thiết lập quan hệ cho tương lai dựa trên nguyên tắc của "Hiến chương Liên
hợp quốc", tinh thần "Thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa
Đại Hàn Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" và quan hệ láng
giềng thân thiện, láng giềng hữu nghị, láng giềng hợp tác được tăng cường
giữa hai nước; (2) Tiếp tục theo đuổi đàm phán 4 bên, từng bước thiết lập
một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; (3) Mở rộng và tăng

cường trao đổi, thăm viếng giữa các nhà lãnh đạo, cơ quan Chính phủ, Quốc
hội và đảng phái chính trị của hai nước. Hàn Quốc coi việc tăng cường tiếp
xúc trao đổi với Trung Quốc để hai bên có thể thấy rõ được lập trường của
nhau đối với những vấn đề mang lại lợi ích cho hai nước và cho hòa bình, ổn
định và hợp tác khu vực2.
2

"Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc", Tài liệu tham khảo đặc biệt, số ra ngày 17/11/1998.

16


1.2 BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC BƯỚC VÀO THẾ KỶ XXI
1.2.1 Bối cảnh quốc tế
Bước vào thế kỷ XXI, về cơ bản hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn
là xu hướng chính của thế giới. Tuy nhiên, thế giới đứng trước những bất
ổn mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức an ninh đe dọa hòa bình, ổn
định và phát triển.
Mở đầu là sự kiện khủng bố 11/9 ở Mỹ dẫn tới việc Mỹ triển khai các
hoạt động chống khủng bố trên toàn cầu, trong đó có việc Mỹ phát động
cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq để tiêu diệt tận gốc cái gọi là "căn
cứ địa" của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Hoạt động chống khủng bố của Mỹ
đã tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị trên toàn cầu. Việc Mỹ và các
nước phương Tây sử dụng cuộc "cách mạng màu" lợi dụng vấn đề dân chủ,
nhân quyền để kích động, chia rẽ nội bộ tìm cách lật đổ một số chính phủ
cầm quyền không phù hợp với "lợi ích của Mỹ", gây bất ổn tại một số quốc
gia thuộc Liên Xô cũ ("Cách mạng Hoa Hồng" tại Gruzia năm 2003; "Cách
mạng Cam" tại Ukraine năm 2004; "Cách mạng Hoa Tulip" tại Kyrgyzstan
năm 2005 và "Mùa xuân A-rập" tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi những
năm 2011 dẫn đến những sụp đổ của chính phủ đương nhiệm (tại Ai-cập,

Libia, Tunisia...) hoặc hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại Xirya để lật đổ chính
quyền của Tổng thống Assat, đặc biệt bất ổn những năm gần đây liên quan
đến cuộc khủng hoảng và nội chiến tại U-crai-na; sự mở rộng của "Tổ chức
nhà nước Hồi giáo tự xưng" (IS) và hoạt động chống lại lực lượng này do
Mỹ đứng đầu; căng thẳng tranh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa
Đông và Biển Đông... Ngoài ra, các vấn đề an ninh phi truyền thống như
thiên tai, dịch Ê-bô-la, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia khác diễn biến
phức tạp, tác động mạnh mẽ tới hòa bình, an ninh thế giới. Trong đó có vấn
đề IS, nhất là vấn đề U-crai-na có nguy cơ gây khủng hoảng trên toàn cầu,

17


thậm chí có thể dẫn tới đối đầu quân sự Đông – Tây nếu một trong các bên
mắc sai lầm.
Nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức đó là cuộc khủng
hoảng tài chính ngân hàng xuất phát từ Mỹ năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ
công tại châu Âu năm 2011... đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng
nền kinh tế toàn cầu. Những năm gần đây, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật
Bản, các nước EU... tuy đã tăng trưởng trở lại nhưng còn thiếu tính bền vững,
trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc sau một thời gian dài tăng trưởng nhanh
đã có dấu hiệu bão hòa, giảm tốc độ: Năm 2014, tăng trưởng kinh tế thế giới
chỉ đạt khoảng 2,8%, Mỹ chỉ khoảng 1,7%, Trung Quốc 7,4%, Nga 0,7%...;3
tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 vẫn ở trạng thái chậm, trong đó,
nguyên nhân là do những bất ổn về chính trị tại khu vực Trung Đông, châu
Phi, U-crai-na; việc Mỹ chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3, EU phá giá
đồng Euro, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá dầu thế giới giảm mạnh kéo
theo những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela,
Iran, Arập-xê-út.... phải đối mặt với nhiều thách thức, tiêu dùng thế giới
giảm... làm cho tiến trình phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục chậm và đứng

trước nhiều thách thức.
Quan hệ giữa các nước lớn có những chuyển biến lớn từ đối đầu hoặc
liên minh, hoặc liên kết với nước này chống lại nước kia chuyển sang vừa hợp
tác vừa đấu tranh cùng tồn tại hòa bình, xây dựng các quan hệ đối tác mang
tính chiến lược, tăng cường đối thoại trong quan hệ quốc tế. Phát triển kinh tế
trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược của mối quốc gia. Cạnh
tranh kinh tế ngày càng chiếm ưu thế so với chạy vũ trang, sức mạnh kinh tế
trở thành nhân tố quyết định của mỗi quốc gia. Cuộc cách mạng khoa học và
công nghệ, toàn cầu hoá, khu vực hoá ngày càng diễn ra nhanh chóng và các
3

"Tổng quan về kinh tế thế giới năm 2015 và dự báo năm 2016" website:tapchicongsan.org, ngày
21/01/2016.

18


×