Tải bản đầy đủ (.pdf) (71 trang)

Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng việt trên ba bình diện kết học, nghĩa học và dụng học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (934.34 KB, 71 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐẶNG HOÀNG LAN

TỔ HỢP ĐẶC NGỮ Ở CUỐI CÂU TIẾNG VIỆT
TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC, NGHĨA HỌC VÀ DỤNG HỌC

Chuyên Ngành: Ngôn ngữ học
Mã số

: 60 22 02 40

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. NGUYỄN VĂN HIỆP

HÀ NỘI, 2017


LỜI CAM ĐOAN
Luận văn Thạc sĩ này do tôi nghiên cứu và được thực hiện dưới sự
hướng dẫn của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp. Để hoàn thành luận văn này, ngoài
các tài liệu tham khảo đã liệt kê, tôi cam đoan không sao chép các công trình
hoặc nghiên cứu của người khác.
Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2017
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Đặng Hoàng Lan



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................... 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐẾ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ................. 6
1.1. Một số vấn đề lý luận quan trọng về tổ hợp đặc ngữ để làm cơ sở cho việc
nghiên cứu của luận văn ................................................................................................ 6
1.2. Ba bình diện nghiên cứu của tín hiệu ..................................................................... 11
1.3. Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt .................................................................... 17
Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................ 26
Chương 2: TỔ HỢP ĐẶC NGỮ Ở CUỐI CÂU TIẾNG VIỆT NHÌN TỪ BÌNH
DIỆN KẾT HỌC ......................................................................................................... 27
2.1. Vị trí của các tổ hợp đặc ngữ trong câu ................................................................. 27
2.2. Các khuôn kết hợp của tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt .............................. 30
Tiểu kết chương 2 ........................................................................................................ 34
Chương 3: TỔ HỢP ĐẶC NGỮ Ở CUỐI CÂU TIẾNG VIỆT NHÌN TỪ BÌNH
DIỆN NGHĨA HỌC

................................................................. 35

3.1. Tổ hợp đặc ngữ biểu thị tình thái nhận thức (Epistemic Modality) ....................... 35
3.2. Tổ hợp đặc ngữ biểu thị tình thái đạo nghĩa (Deontic Modality) .......................... 43
3.3. Phân biệt tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa .............................................. 45
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................................ 48
Chương 4: TỔ HỢP ĐẶC NGỮ Ở CUỐI CÂU TIẾNG VIỆT NHÌN TỪ BÌNH
DIỆN DỤNG HỌ ......................................................................................................... 49
4.1. Đóng góp của các tổ hợp đặc ngữ vào việc hình thành hiệu lực tại lời của câu
nói .................................................................................................................................. 49
4.2. Đóng góp của các tổ hợp đặc ngữ vào việc hình thành phong cách thể loại ................. 58
Tiểu kết chương 4 ........................................................................................................ 61
KẾT LUẬN .................................................................................................................. 62

TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................... 63


DANH MỤC BẢNG BIỂU

Số hiệu
bảng

1.1

Tên bảng

Tổ hợp đặc ngữ cuối câu Tiếng Việt trong các tác
phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945

Số
trang

21-25


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ
bản và quan trọng nhất của các thành viên trong cộng đồng người. Trong quá
trình sử dụng ngôn ngữ, với mục đích giao tiếp, con người hoàn toàn không
thờ ơ với từ ngữ được dùng. Thông qua từ ngữ, họ có thể bộc lộ quan điểm,
cách đánh giá của mình đối với người nghe, về sự việc được đề cập tới – hay
nói cách khác, đó là dùng những từ, nhóm từ biểu thị tình thái để biểu thị
quan điểm của mình.

Hiện nay, những vấn đề về tình thái và phương tiện biểu thị tình thái
đang trở thành đối tượng được giới ngôn ngữ học trong và ngoài nước đặc
biệt quan tâm. Như mọi người đều biết, Charles Bally từng cho rằng tính tình
thái là linh hồn của câu. Không thể có câu nói được hiện thực hóa nếu trong
câu đó ta không tìm thấy một biểu hiện nào của tình thái. Nếu như trong tiếng
Anh, chức năng truyền tải thông tin tình thái chủ yếu được thực hiện chủ yếu
bằng con đường ngôn điệu kết hợp với vị trí và nghĩa của các trợ động từ tình
thái, bằng hệ thống thức (mood), thì đối với Tiếng Việt, trong số các phương
tiện biểu thị tình thái, không thể không kể đến các tổ hợp đặc ngữ (idioms) ở
cuối câu.Việc sử dụng các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu như một phương tiện
ngữ dụng có khả năng chuyển tải những sắc nghĩa sinh động, đa dạng, uyển
chuyển là nét đặc thù của tiếng Việt.
Trong quá trình giao tiếp, hay như trong các tác phẩm văn học nếu muốn
thật sự lưu loát trong ứng xử, cũng như trau chuốt hơn trong các câu thoại của
nhân vật ở các tác phẩm văn học, việc sử dụng hợp lý các tổ hợp đặc ngữ nếu
biết vận dụng khéo léo sẽ tạo được cái nhìn chuyên nghiệp hơn trong sử dụng

1


ngôn từ giao tiếp, tạo sự cảm nhận gần gũi hơn (phương diện liên nhân), cũng
như thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác của các tác giả văn học.
Tuy nhiên, việc quan tâm, nghiên cứu về các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu
tiếng Việt trong giới Việt ngữ học cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, hầu như có
công trình nghiên cứu chuyên biệt nào đặt vấn đề tìm hiểu về các tổ hợp đặc
ngữ cuối câu tiếng Việt. Đây cũng chính là lý do chúng tôi lựa chọn đề tài
“Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt trên ba bình diện kết học, nghĩa học
và dụng học” cho luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Tình thái là một vấn đề rất rộng và phức tạp, việc nghiên cứu về các

phương tiện biểu thị tình thái được rất nhiều nhà ngôn ngữ học đặc biệt quan
tâm. Tuy nhiên, về tổ hợp đặc ngữ, hầu như chưa có một công trình chuyên
biệt nào, phần lớn các công trình nghiên cứu đều tập trung vào xem xét các
phương tiện biểu thị tình thái khác như ngôn điệu hay các tiểu từ tình thái.
Trong một số công trình nghiên cứu, mặc dù không trực tiếp quan tâm đến
vấn đề tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt, nhưng trong quá trình xử lý các
vấn đề về tình thái hay các phương tiện biểu thị tình thái, các tác giả cũng ít
nhiều động chạm đến vấn đề này. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như:
Hoàng Tuệ, Cao Xuân Hạo, Phan Mạnh Hùng, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp,
Hồ Thị Kiều Oanh…
Có thể nói, các nghiên cứu về tình thái của tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã
gợi mở cho nhiều nghiên cứu về phương tiện biểu thị tình thái, trong đó có
vấn đề tổ hợp đặc ngữ xuất hiện sau này. Trong “Về một khía cạnh phân tích
tầm tác động tình thái”, tác giả nghiên cứu các vấn đề như: điều kiện để tình
thái xuất hiện ở cuối câu, khả năng kết hợp của các tiểu từ tình thái cuối câu
tiếng Việt. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã có đóng góp rất lớn trong việc miêu
tả và phân loại các tiểu từ tình thái cuối câu một các rõ ràng. Bài viết “Hướng

2


đến một cách miêu tả và phân loại các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt”
của ông đã góp phần làm nên cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề này.
Trong bài viết “ Các kiểu tố hợp tiểu từ tình thái tiếng Việt và ranh giới
từ (1985), tác giả Phan Mạnh Hùng đã có những nhìn nhận sâu sắc về tiểu từ
tình thái tiếng Việt trong khung nghiên cứu từ loại như vị trí các từ tiểu từ
trong hệ thống từ loại, khả năng các tiểu từ kết hợp với nhau…
Đi sâu vào miêu tả những phương tiện của tiếng Việt trong việc diễn đạt
ý nghĩa tình thái, tác giả Cao Xuân Hạo trong “Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp
chức năng”(2006), ông đề cập đến vấn đề tình thái qua rất nhiều chi tiết về đề

tình thái, siêu đề và thuyết tình thái – thuyết giả. Ông xem chúng như những
phương tiện đặc thù của tiếng Việt trong việc diễn đạt ý nghĩa tình thái.
Những công trình, bài viết mà chúng tôi chọn lọc và nêu ra ở trên sẽ là
căn cứ hữu ích và căn bản giúp chúng tôi hoàn thiện đề tài của mình. Mặt
khác, nó cũng cho thấy vấn đề nghiên cứu chuyên sâu của chúng tôi về tổ hợp
đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt thực sự là một vấn đề mới, hấp dẫn và đáng
được quan tâm.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn mang ý nghĩa là sự kế thừa, tiếp tục các kiến thức, lý thuyết
của những xu hướng ngôn ngữ theo hướng kết học, ngữ nghĩa học và ngữ
dụng học trong Tiếng Việt. Việc nghiên cứu đề tài này nhằm làm rõ thêm khái
niệm và những đặc điểm về kết cấu, vai trò của các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu
Tiếng Việt, từ đó có thể vận dụng đúng, có hiệu quả các tổ hợp đặc ngữ trong
quá trình tạo lập các văn bản nói cũng như văn bản viết.
Với những mục tiêu này, chúng tôi tập trung giải quyết những nhiệm vụ
sau đây:
- Tiếp thu thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt ngữ học, đưa ra khái niệm,
nội dung và vai trò của tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt.

3


- Thu thập và khảo sát ngữ liệu, lọc ra các dẫn chứng có biểu thị tổ hợp đặc
ngữ ở cuối câu.
- Từ các dẫn chứng đã thu thập, miêu tả, phân tích các tổ hợp đặc ngữ đó dựa
trên 3 bình diện kết học, nghĩa học và dụng học.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi xác định đối tượng nghiên cứu của
đề tài là các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt.
Để tạo sự phong phú về ngữ liệu cũng như để có được độ tin cậy trong quá

trình thống kê, phân tích và nhận xét, chúng tôi khoanh vùng phạm vi nghiên
cứu, lựa chọn ngữ liệu trong các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Là các phương pháp thường dùng trong ngôn ngữ học, cụ thể là 3
phương pháp chính như sau:
5.1. Phương pháp khái quát hóa – hệ thống hóa vấn đề:
Dựa trên những nền tảng lý thuyết tiếp thu được từ những nhà ngôn ngữ
học đi trước, luận văn tổng hợp và học hỏi từ những công trình nghiên cứu có
liên quan, nắm vững phần lý thuyết đó, và lấy đó làm cơ sở để tiến hành công
việc khảo sát, thu thập, và phân tích ngữ liệu trên 3 bình diện.
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại:
Trong phạm vi đã khoanh vùng là các tác phẩm văn học trong giai đoạn
1930 – 1945 của nhiều tác giả khác nhau, tôi sử dụng phương pháp phân loại ,
thống kê để chọn lọc, từ đó xác định và hệ thống hóa các tổ hợp đặc ngữ cuối
câu Tiếng Việt, làm cơ sở cho việc phân tích ngữ liệu trên 3 bình diện.
5.3. Phương pháp miêu tả, phân tích:
Được sử dụng để phân tích đặc điểm cấu tạo của các tổ hợp đặc ngữ: mỗi
tổ hợp đặc ngữ do những thành tố nào tạo nên? Đặc điểm của các thành tố ấy?
Bên cạnh đó, với tư cách là một phương tiện biểu thị tình thái, tổ hợp đặc ngữ

4


còn là chỉ dấu cho các yếu tố ngoài ngôn ngữ như ngữ cảnh tình huống, yếu tố
dụng học và các tác động của các chiến lược giao tiếp ở người sử dụng các tổ
hợp đặc ngữ đó. Mỗi tổ hợp đặc ngữ, trong những ngữ cảnh nhất định sẽ có
những ý nghĩa khác nhau. Do vậy, việc phân tích các tổ hợp đặc ngữ luôn được
xem xét một cách toàn diện, và đặt trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Về lý luận: Thông qua việc phân tích các tổ hợp đặc ngữ trên 3 bình

diện kết học, ngữ học và dụng học, luận văn sẽ có đóng góp nhất định trong
việc làm rõ hơn đặc điểm, vai trò của một trong những phương tiện biểu thị
tình thái trong Tiếng Việt.
- Về thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu về tổ hợp đặc ngữ sẽ giúp ích rất
nhiều trong việc phân tích các văn bản văn học. Đồng thời, giúp cho người
nói, người viết có thể vận dụng một cách hợp lý, có hiệu quả các tổ hợp đặc
ngữ đó trong quá trình tạo lập văn bản nói cũng như văn bản viết.
7. Cơ cấu của luận văn
Cơ cấu của luận văn gồm có 3 phần chính:
- Phần Mở đầu
- Phần Nội dung: gồm 4 chương:
+ Chương 1: Những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài.
+ Chương 2: Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt nhìn từ bình diện kết học.
+ Chương 3: Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt nhìn từ bình diện nghĩa học.
+ Chương 4: Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt nhìn từ bình diện dụng học.
- Phần Kết luận.
- Ngoài ra còn có Danh mục Tài liệu tham khảo và Nguồn ngữ liệu trích dẫn,
phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và hoàn thiện luận văn.

5


Chương 1
NHỮNG VẤN ĐẾ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Một số vấn đề lý luận quan trọng về tổ hợp đặc ngữ để làm cơ sở cho
việc nghiên cứu của luận văn
Như đã trình bày, tình thái là một vấn đề rất rộng và phức tạp. “Cho đến
nay rất khó có thể tìm thấy hai tác giả có quan niệm hoàn toàn thống nhất với
nhau về tình thái của ngôn ngữ” hoặc “không có phạm trù nào mà bản chất
ngôn ngữ học và thành phần các ý nghĩa bộ phận lại gây ra nhiều ý kiến khác

biệt và đối lập nhau như phạm trù tình thái” [15, tr.25]. Perkins từng cho rằng
việc “Nghiên cứu tình thái thì rất giống như là cố di chuyển trong một căn
phòng chật kín người sao cho không lên bước chân người khác”. Trong ngôn
ngữ học hiện nay, khái niệm tình thái được các nhà ngôn ngữ học định nghĩa
theo nhiều hướng khác nhau. Song, dù định nghĩa theo chiều hướng nào đi
nữa, tất cả đều tập trung vào một phạm trù ngữ nghĩa rộng lớn, xoay quanh
quanh mối quan hệ tay ba giữa người nói, nội dung miêu tả trong phát ngôn
và thực tế mà ở đó vai trò của người nói được đề cao nhằm mục đích thể hiện
những quan điểm, thái độ khác nhau thông qua những phát ngôn của họ.
Những nội dung tình thái khi được truyền tải thông qua phát ngôn
thường được thể hiện bằng những hình thức ngôn ngữ nhất định. Theo
Nguyễn Văn Hiệp: “Nếu chúng ta hiểu tình thái theo một nghĩa rộng, xem
như là “tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn bộ nội dung
mệnh đề” thì trong thực tế, các nội dung tình thái được biểu thị xuyên thấm
qua nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau, từ ngữ điệu, trật tự từ, các thành tố cấu
trúc thuộc bậc câu, bậc trên câu và bậc dưới câu” [18, tr.7]. Mỗi đơn vị biểu
thị tình thái khác nhau không chỉ bao gồm những thuộc tính ngữ nghĩa chung
mà còn chứa đựng những nét riêng của những sắc thái mà đơn vị này biểu

6


hiện. Hình thức ngôn ngữ biểu hiện những ý nghĩa tình thái như vậy được gọi
là các hình thức biểu hiện tình thái hay các phương tiện biểu thị tình thái.
Các phương tiện biểu thị tình thái là phạm trù quan trọng đã được nhiều
nhà ngôn ngữ học quan tâm và được xem là nội dung quan trọng của bất kì
một ngôn ngữ nào. Bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều tồn tại các
phương tiện biểu thị tình thái. Theo Hoàng Trọng Phiến: “Trong các ngôn ngữ
khác nhau tính tình thái được biểu hiện khác nhau”. Các phương tiện biểu thị
tình thái này được xem xét, phân loại và xếp vào 3 nhóm chính, bao gồm:

phương tiện từ vựng, phương tiện ngữ pháp và phương tiện ngữ điệu.
Tuy nhiên, Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập, nên các phương tiện
biểu thị tình thái trong Tiếng Việt sẽ có các đặc trưng khác. Bên cạnh ngữ
điệu và ngữ pháp, nhóm phương tiện từ vựng cũng có vai trò vô cùng quan
trọng, một cách tổng quát nhất, Tiếng Việt bao gồm các phương tiện biểu thị
tình thái sau:
1. Các phó từ làm thành phần phụ của ngữ vị từ: đã, sẽ, đang, từng, vừa,
mới, cũng, đếch, luống, cam, hẵng, hề, mót, ứ, càng, chẳng, chưa, cũng chỉ,
tiếp, cũng, lại, vẫn, lên, ra, đi…
2. Các vị từ tình thái tính làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ: toan, định,
cố, muốn, đành, được, bị, bỏ, hãy, đừng, chớ, chớm, ngưng, ngừng, nghỉ, hả,
dứt, sức, đam ra, sinh, sinh ra, lỡ, trót, nỡ, nhỡ, thành ra, lo, ngại, định bụng,
tính, thà, sắp, hòng, bèn…
3. Các vị từ chỉ thái độ mệnh đề trong cấu trúc chỉ thái độ mệnh đề: tôi e
rằng, tôi sợ rằng, tôi nghĩ rằng,…
4. Các quán ngữ tình thái: ai bảo, nói gì thì nói, ngó bộ, thảo nào, tội gì,
đằng thằng ra, kể ra, nhỡ ra, may ra, tội gì, việc gì, dù vậy, vậy thì, mới được,
làm như thể…

7


5. Các vị từ ngôn hành trong kiểu câu ngôn hành (với điều kiện về ngôi,
chỉ tố thời,…) như: ra lệnh, van xin, đề nghị, yêu cầu,…
6. Các thán từ: eo ôi, chao ôi, ồ,…
7. Các tiểu từ tình thái cuối câu và tổ hợp đặc ngữ (idiom) tương đương:
à, ư, nhỉ, nhé, thôi, chứ, đi, mất, thật, cũng nên, lại còn, thì chết, chắc,hẳn,
nào, với, vậy, mà, ấy ạ, thế, đâu, chăng, ru, phỏng, sao, thì có, thì may, thì
hơn, là hơn, cả đấy, là may, là cùng, lại còn…
8. Các vị từ đánh giá và tổ hợp có tính đánh giá: may (là), may một cái

(là), đáng buồn (là), đáng mừng (là), đáng tiếc (là),…
9. Các trợ từ: được, lại, đến, những, mỗi, nào, ngay, cả, chính, đích thị,
đã, mới, chỉ,…
10. Các đại từ nghi vấn được dùng trong câu phủ định – bác bỏ: P làm
gì?P thế nào được?; các liên từ dùng các câu hỏi: hay P? hay là P?...
11. Các từ chêm xen biểu thị nghĩa tình thái: mua cha nó cho rồi, nó biết
đếch gì, mua cha nó cho rồi…
12. Kiểu câu điều kiện, giả định: nếu…thì, giá…thì, cứ…thì…
[20, tr.140-141]
Trong Tiếng Việt, có thể thấy, các tiểu từ tình thái cuối câu có thể kết
hợp với nhau tạo thành các kết hợp hai thành tố hoặc ba thành tố, hay còn có
thể gọi là “kết hợp đôi” và “kết hợp ba”. Trong cuốn “Cơ sở ngữ nghĩa phân
tích ngữ pháp”, tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã đưa ra hai cách giải thuyết:
+ Cách giải thuyết thứ nhất xem các kết hợp như vậy là một đơn vị đặc
ngữ độc lập, trọn vẹn, có nghĩa riêng biệt, khác biệt với các kết hợp khác và
khác biệt với các tiểu từ tình thái cấu tạo nên nó.
+ Cách giải thuyết thứ hai, xem các kết hợp này là các kết hợp có nguyên
do ngữ nghĩa, theo đó, mỗi tiểu từ tình thái có đóng góp riêng vào ngữ nghĩa

8


chung của phát ngôn và giữa chúng có sự phân công chức năng, thể hiện ở
tầm tác động của chúng đối với nội dung mệnh đề và giữa chúng với nhau.
Trong phạm vi đề tài, chúng tôi không dựa trên cách giải thuyết nào, tuy
nhiên chú ý hơn vào cách giải thuyết thứ nhất – xem sự kết hợp của các tiểu từ
tình thái ở cuối câu Tiếng Việt như những đơn vị, hay tổ hợp đặc ngữ độc lập.
Được phái sinh từ ngôn liệu, các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu cũng phản
ánh một khía cạnh phát triển rất thú vị của Tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập
điển hình. Nhờ nguồn gốc phái sinh từ các vị từ ngôn liệu, ý nghĩa của các

dạng thức của tổ hợp đặc ngữ trở nên khái quát hơn. Cụ thể hơn là từ những
nội dung phản ánh thế giới, mang nghĩa miêu tả, dạng thức của các tổ hợp đặc
ngữ đã chuyển sang biểu thị những nội dung tình thái, thể hiện sự đánh giá
nào đó của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu.
Là một hình thức biểu thị tình thái, các tổ hợp đặc ngữ đóng vai trò tình
thái ngữ thường gặp là: thì chết, thì thôi, thì phải, thì khốn, thì chớ, thì có, là
cùng, là may, nữa là, lại còn, còn gì, mới chết, mới phải, mới được… Tuy
nhiên, nhìn lại lịch sử ngôn ngữ học, có thời điểm, trong một thời gian dài,
cương vị của những tổ hợp đặc ngữ cuối câu Tiếng Việt, tương tự như của các
tiểu từ tình thái không hề được xác định một cách rõ ràng rằng chúng là thành
phần của câu hay của tổ từ tổ, hay chỉ có thể xác định chúng một cách chung
chung như là các tác tử logic – tình thái… Vấn đề như vậy, sở dĩ là do “một
hệ luận không tường minh của quan niệm phân tích thành phần câu chỉ dựa
trên các ngôn ngữ biến tố của châu Âu theo đó chỉ có thực từ mới có tư cách
thành phần câu [19, tr.310].
Sự nhìn nhận vai trò của các tổ hợp đặc ngữ cũng như các tiểu từ tình
thái ở cuối câu chỉ được khẳng định rõ ràng trong cách tiếp cận của ngữ dụng
học ngữ pháp chức năng. Vai trò của các tiểu từ cũng như các tổ hợp đặc ngữ
tiếng Việt “phải được nhìn nhận lại theo quan điểm tiếng Việt” [1, tr.77-78].

9


Do sự tác động của ngữ cảnh, về nguyên tắc, mọi thành phần thông tin xuất
hiện trong câu đều có khả năng chuyển đổi về giá trị thông báo. Bởi vậy, các
tổ hợp đặc ngữ, cũng như các tiểu từ tình thái cuối câu có thể được xếp vào
nhóm các phương tiện biểu hiện thông tin ngữ dụng bổ trợ, mà theo Lê Đông,
chúng “có thể tham gia tích cực vào việc hình thành một số kiểu hành vi ngôn
ngữ gián tiếp”.
Đặc biệt hơn cả, Cao Xuân Hạo sử dụng cấu trúc Đề - Thuyết – được

xem như cấu trúc cơ bản của câu tiếng Việt, nhằm xem xét một cách đầy đủ
nhất các yếu tố biểu thị tình thái của câu. Trong cấu trúc này, một số yếu tố
làm phần Đề, hay còn gọi là Đề tình thái và một số yếu tố làm phần Thuyết,
hay còn gọi là Thuyết tình thái.
Mặc dù các yếu tố biểu thị tình thái nói chung, cũng như các tiểu từ tình
thái và các tổ hợp đặc ngữ nói riêng đã được nhìn nhận như một thành phần
câu, song cương vị và vai trò của các yếu tố này, trên cơ sở lý thuyết ngữ
pháp truyền thống, vẫn chưa được xem xét một cách tương xứng. Cuốn Thành
phần câu tiếng Việt của tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp
xuất bản năm 1998 được xem như một bước ngoặt, một lần nữa khẳng định
các tiểu từ tình thái cũng như các tổ hợp đăc ngữ cuối câu tiếng Việt là thành
phần phụ của câu, và tình thái ngữ là tên gọi chung cho các thành phần ấy.
Cũng giống như bất kì tình thái ngữ nào, đóng vai trò là thành phần phụ của
câu các tổ hợp đặc ngữ luôn đứng sau nòng cốt câu, đánh dấu lực ngôn trung cơ
sở - là lực ngôn trung ứng với những dấu hiệu hình thức tổng thể của câu.
Ví dụ:
- Dễ chỉ những tiền thuê nhà ở Hà Nội, mỗi tháng cụ cũng đã thu tới
năm trăm rồi còn gì!... (Khái Hưng).
-> Tổ hợp đặc ngữ còn gì đánh dấu lực ngôn trung cơ sở của câu là một
nhân định dùng để bác lại một nhận định đối lập trước đó.

10


Bên cạnh đó, các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt hoạt động như
những chỉ báo cho những thông tin phi miêu tả đi kèm với lõi thông tin ngôn
liệu của câu, nhằm mục đích tường minh hóa kiểu hành động ngôn từ mà phát
ngôn thể hiện. Các thông tin phi miêu tả này được phân thành 4 nhóm:
- Nhóm thông tin gắn với những kiểu tình huống giao tiếp nhất định.
- Nhóm thông tin cho biết giả định của người nói đối với trạng thái hiểu

biết và nhận thức của người nghe.
- Nhóm thông tin cho biết vai trò, vị thế của các bên giao tiếp.
- Nhóm thông tin định hướng cho phản ứng hồi đáp.
Tất cả các tổ hợp đặc ngữ, dù thể hiện dưới bất kì dạng thức, sắc thái
nào, cũng đều biểu thị những nội dung thông tin như vậy.
1.2. Ba bình diện nghiên cứu của tín hiệu
Theo lí thuyết về tín hiệu học (Semiotics), mọi tín hiệu ngôn ngữ, để
hiểu một cách toàn diện nhất, cần được nghiên cứu từ ba bình diện: kết học
(Syntactics), nghĩa học (Semantics), và dụng học (Pragmatics).
Ngôn ngữ được xem như một hệ thống tín hiệu phức tạp, và rõ ràng, các
tổ hợp đặc ngữ - một bộ phận của tình thái ngữ - với tư cách là thành phần
phụ của câu, cũng không nằm ngoài hệ thống đó. Do vậy, các tổ hợp đặc ngữ
cũng cần được xem xét trên ba bình diện kết học, nghĩa học và dụng học.
1.2.1. Bình diện kết học
Kết học nghiên cứu mối quan hệ giữa các tín hiệu ngôn ngữ với nhau
trong các cấu trúc hình thức. Được nhìn nhận như một thành phần phụ của
câu, các từ biểu thị tình thái (tình thái ngữ) mặc nhiên sẽ có mối quan hệ với
câu nói chung, và biểu thị những ý nghĩa tình thái khác nhau. Khi xem xét các
tiểu từ tình thái, Phan Mạnh Hùng đã từng chỉ ra, đó là: “những từ có chung
những đặc điểm hình thức và ngữ nghĩa: chúng thường đứng ở cuối câu, có

11


quan hệ với cả phát ngôn nói chung và biểu đạt những ý nghĩa tình thái khác
nhau” [22, tr.3].
Cao Xuân Hạo, trong chuyên luận của mình, đã miêu tả “những yếu tố
biểu thị tình thái của câu trong cấu trúc cú pháp cơ bản” vào cấu trúc Đề Thuyết, gồm những yếu tố tình thái làm thành Đề của câu (có thể được đánh
dấu bằng thì hoặc là), những yếu tố tình thái được xử lí như một phần Thuyết
(những phần “Thuyết tình thái” đặt sau thì hoặc là) [10, tr.176-182].

Nguyễn Văn Hiệp, trong cuốn Thành phần câu tiếng Việt, đã khẳng
định: “Trong mô hình cấu trúc trừu tượng của câu, tình thái ngữ là thành phần
phụ của câu luôn luôn đứng sau nòng cốt câu, có nhiệm vụ bổ sung những ý
nghĩa về tình thái cho câu. Tình thái ngữ không tham gia vào kết cấu phân
đoạn thực tại câu” [29, tr. 256].
Ở bất kì ngôn ngữ nào, giữa hai từ hay giữa hai cấu trúc bất kì đều có thể
tồn tại quan hệ ngữ pháp, bởi thế, cũng trong cuốn sách này, Nguyễn Văn
Hiệp cũng đưa ra gợi ý thao tác hình thức của V.S. Panfilov để chứng minh
mối quan hệ giữa tình thái ngữ với toàn bộ nòng cốt câu: “Sự tồn tại mối quan
hệ ngữ pháp giữa hai từ (trong biến thể tối thiểu) được chứng minh bằng khả
năng tổ hợp này được dùng độc lập, đặc biệt, bằng khả năng dùng nó với tính
cách là biến thể rút gọn của một kiến trúc phức tạp hơn” [15, tr.19].
Sự đối lập giữa tình thái và mệnh đề trong cấu trúc nghĩa của câu nói có
thể được xem là sự đối lập cơ bản nhất được thừa nhận rộng rãi trong ngôn
ngữ học và được lấy làm cơ sở cho lí thuyết về tình thái.
1.2.2. Bình diện nghĩa học
Nghĩa học xem xét mối quan hệ giữa tín hiệu ngôn ngữ với hiện thực bên
ngoài mà những tín hiệu ngôn ngữ đó biểu thị. Trong cuốn Ngữ nghĩa học –
Từ bình diện hệ thống đến hoạt động, Đỗ Việt Hùng cho rằng: “Nội dung
thông tin hay ý nghĩa mệnh đề bắt nguồn từ sự việc, hiện tượng…của thế giới

12


bên ngoài. Thế giới bên ngoài là cơ sở để hình thành nên ý nghĩa mệnh đề
nhưng đó chỉ là ý nghĩa mệnh đề có tính tiềm năng của phát ngôn. Để phát
ngôn được hiện thực hóa, trở thành một đơn vị của giao tiếp thực tế cần phải
được tình thái hóa. Như vây, về bản chất, phát ngôn là sự tình thái hóa nội
dung mệnh đề” [24, tr. 210].
Đề cập đến nội dung tình thái trong phạm vi nghĩa học, Nguyễn Văn

Hiệp trong cuốn Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp đã nêu ra một số đối lập
chủ yếu của tình thái trong ngôn ngữ, có thể liệt kê như:
+ Đối lập giữa tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa. Theo đó, tình
thái nhận thức là dạng tình thái thể hiện cái vị thế hiểu biết của cá nhân người
nói đối với tính chân thực của điều được nói đến trong câu, dựa trên những
bằng chứng hoặc cơ sở lý luận mà người nói có được. Tình thái đạo nghĩa là
loại tình thái có liên quan đến nhân tố ý chí của người nói, liên quan đến tính
hợp thức về đạo đức hay các chuẩn mực xã hội khác đối với hành động do
một người nào đó hay chính người nói thực hiện. Điểm chung của cả hai loại
tình thái này là đều bao gồm tính chủ quan và tính không thực hữu. Trong
phạm vi tình thái chủ quan, cả tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa đều
được xem xét trên ba khía cạnh: tính tất yếu, tính khả năng và tính hiện thực.
+ Đối lập giữa tình thái nhận thức và tình thái căn bản: Sự đối lập giữa
tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa là mối quan hệ được chấp chận ở
nhiều nhà ngữ học, tuy nhiên, một số khác lại cho rằng mối quan hệ đó chỉ
mang ý nghĩa cốt lõi bởi theo Coates, nghĩa tình thái là loại nghĩa mang tính
thang độ, ngoài ý nghĩa mang tính cốt lõi, còn có cả ý nghĩa mang tính ngoại
vi. Do đó cần đưa ra một thuật ngữ trung tính hơn, đó là thuật ngữ tình thái
căn bản [20, tr. 113]. Thuật ngữ này không chỉ bao gồm tình thái đạo nghĩa
mà trong đó còn bao hàm cả tình thái trạng huống – mang tính khách quan, nó

13


liên quan đến các yếu tố cảnh huống có tính vật lý bên ngoài, không có sự
can thiệp của nhân tố ý chí hay mong muốn của người nói đối với sự việc.
+ Đối lập giữa tình thái hướng tác thể và tình thái hướng người nói: Tình
thái hướng tác thể biểu thị những điều kiện bên trong và bên ngoài của tác thể
đối với việc thực hiện hành động được nói đến trong câu. Loại tình thái này
được thể hiện sự bắt buộc, sự cần thiết, năng lực, mong muốn. Tình thái

hướng người nói là loại tình thái được thấy trong những câu nói áp đặt, đề
nghị một hành động hoặc một cách ứng xử nào đó. Ngoài ra, loại tình thái này
cũng được biểu hiện thông qua những phát ngôn mà qua đó người nói đóng
thuận, cho phép người nghe thực hiện hành động.
+ Đối lập giữa tình thái của mục đích phát ngôn và tình thái của lời phát
ngôn: Tình thái của mục đích phát ngôn là loại tình thái thuộc phạm vi dụng
học, vốn chỉ bộc lộ đầy đủ khi ta xét đến tình huống sử dụng. Trong khi đó,
tình thái của lời phát ngôn lại thuộc bình diện nghĩa học, liên quan đến thái độ
của người nói đối với điều được nói ra trong câu cũng như quan hệ giữa chủ
thể và vị thể của mệnh đề được biểu đạt.
+ Những đối lập tình thái mang tính “lập trường” thuộc chủ quan của
người nói đối với những điều được nói trong câu: đánh giá sự tình là tích cực
hay tiêu cực; đánh giá về lượng nhiều hay ít; đánh giá về chủng loại là phong
phú hay nghèo nan; đánh giá về thời điểm là sớm hay muộn;…Những nội
dung này thể hiện “lập trường”, thuộc về chủ quan của người nói và không
được đề cập đến trong khung nội dung tình thái khách quan.
1.2.3. Bình diện dụng học
Dụng học quan tâm đến mối quan hệ giữa tín hiệu ngôn ngữ và những
tác động của nó tới đối tượng sử dụng, cũng như đối tượng tiếp nhận những
tín hiệu đó. Bàn về tình thái trên bình diện dụng học, không thể không đề cập

14


đến hai lý thuyết chính trong ngữ dụng học, bao gồm hai khía cạnh: Lý thuyết
về hành vi ngôn ngữ và lý thuyết về hội thoại.
Khía cạnh thứ nhất, lý thuyết về hành vi ngôn ngữ, một cách dễ hiểu là
lý thuyết về sự hoạt động của ngôn ngữ - đây là khía cạnh cơ bản, trọng tâm
và nền tảng của Ngữ dụng học – được phát hiện và nêu ra đầu tiên bởi Austin,
sau đó được phát triển rộng hơn bởi J.R.Searle. Lý thuyết này tập trung vào

mối quan hệ giữa người nói và sự việc được đề cập đến, do đó, có thể xem là
lý khung lý thuyết phù hợp nhất để nghiên cứu những vấn đề về tình thái.
Theo đó, mỗi hành vi ngôn ngữ phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định,
khi đưa ra một phát ngôn, mỗi người đều thực hiện ba hành vi: hành vi phát
ngôn, hành vi mệnh đề và hành vi tại lời.
Mọi hành vi tạo lời chỉ có thể thực hiện được, và được thực hiện một
cách có hiệu quả chỉ khi đảm bảo đủ 4 điều kiện sau: điều kiện nội dung mệnh
đề, điều kiện chuẩn bị, điều kiện chân thành và điều kiện căn bản. Dựa trên
rất nhiều tiêu chí, trong đó có 3 tiêu chí quan trọng hơn cả, bao gồm: đích tại
lời, hướng khớp ghép giữa lời với hiện thực và trạng thái tâm lí được biểu lộ,
Searle đã đưa ra 5 nhóm phạm trù (nhóm hành động ngôn từ) cơ bản thuộc
hành vi tại lời: Nhóm xác tín (Assertives), nhóm điều khiển (Directives),
nhóm kết ước (Commisives), nhóm biểu lộ (Expressives) và nhóm tuyên bố
(Declarations).
Từ những lý thuyết về hành vi tại lời kể trên, có thể dễ dàng nhận thấy
tình thái của hành động phát ngôn bao gồm:
+ Tình thái hành động tại lời, tập trung vào những kiểu mục đích phát
ngôn được ngữ pháp hóa.
+ Tình thái của của lời được phát ngôn, thể hiện sự cam kết của người
nói đối với hành động tại lời thông qua hình thức là những cam kết, thái độ và

15


sự đánh giá của người nói đối với những đối tượng, sự việc được đề cập đến
trong lời nói.
Hai kiểu ý nghĩa tình thái trên phản ánh những bình diện chủ quan của
ngôn ngữ cũng như hoàn cảnh giao tiếp, do vậy, đó cũng là những kiểu tình
thái thuộc phạm vi dụng học.
Khía cạnh thứ hai, lý thuyết về hội thoại. Hội thoại là hình thức giao tiếp

thường xuyên của ngôn ngữ. Bất kì hành vi ngôn ngữ nào, cũng không thể
nghiên cứu nếu như không có sự xâu chuỗi, hay nói cách khác, là phải đặt
chúng vào mối quan hệ giữa các hành vi ngôn ngữ trước và sau nó. Trong một
cuộc hội thoại, bao giờ cũng cần kể đến các yếu tố: cuộc thoại, lượt lời, tham
thoại, cặp thoại với tham thoại dẫn nhập và hồi đáp, hồi đáp tích cực và tiêu
cực. Mọi cuộc hội thoại diễn ra đều phải tuân thủ theo những quy tắc nhất
định. Theo C.K.Orecchioni, các quy tắc hội thoại có thể được phân chia thành
3 nhóm chính:
+ Nhóm các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời.
+ Nhóm các quy tắc chi phối cấu trúc của hội thoại.
+ Nhóm các quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân trong hội thoại.
Ngoài ra, theo Đỗ Hữu Châu, ngoài 3 nhóm trên, có thể bổ sung thêm:
+ Nhóm quy tắc điều hành nội dung của hội thoại.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh về lý thuyết hội thoại, quan hệ liên nhân cũng
đóng một vai trò không hề nhỏ. Đây là mối quan hệ được hình thành giữa
những người đối thoại với nhau. Quan hệ này có thể được xem xét trên hai
trục tọa độ: trục ngang thể hiện khoảng cách tình cảm gần gũi, thân tình hay
xa lạ giữa những người tham gia hội thoại và trục dọc thể hiện vị thế xã hội
của những người tham gia vào cuộc hội thoại đó.
Như vậy, lý thuyết về ba bình diện kết học, nghĩa học và dụng học có thể
xem là một trong những nền tảng cơ bản và quan trọng trong hoạt động phân

16


tích, nghiên cứu về tình thái. Và rõ ràng, việc nghiên cứu các tổ hợp đặc ngữ một phần của tình thái ngữ với vai trò biểu thị tình thái cũng không thể nằm
ngoài các bình diện đó.
1.3. Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt
1.3.1. Quan điểm về “Tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt”
Trong nghiên cứu tiếng Việt, khi phân định và mô tả từ loại, các nhà

nghiên cứu thường trình bày một cách sơ lược một lớp từ chuyên biểu thị tình
thái câu nói. Lớp từ này thường được nêu với nhiều tên gọi khác nhau: tiểu từ
kết thúc, trợ từ ngữ khí, trợ từ, ngữ khí từ, tình thái từ… Tuy nhiên, như đã
nêu ở trên, việc nghiên cứu về các phương tiện biểu thị tình thái là một nội
dung rất rộng, do vây, trong phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ tập trung xem xét sự
kết hợp của các tiểu từ tình thái ở cuối câu Tiếng Việt như những đơn vị, hay
tổ hợp đặc ngữ độc lập.
Các tổ hợp đặc ngữ này đứng ở cuối câu, nhìn chung, biểu thị nhiều sắc
thái khác nhau. Đó có thể là sự quan tâm, là một cách khơi gợi sự chú ý, bày
tỏ sự kính trọng, sự tin tưởng, hay là thái độ hoài nghi, mỉa mai, vui mừng, lễ
phép… của người nói đối với người nghe, hoặc đối tượng, sự vật, sự việc
được nhắc đến trong quá trình hội thoại, trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Đóng vai trò như một thành phần phụ của câu, tổ hợp đặc ngữ luôn
đứng ở cuối câu, đánh dấu lưc ngôn trung cơ sở của câu, đây là loại lực ngôn
trung tương ứng với những dấu hiệu hình thức tổng thế của câu. Vấn đề này
sẽ được đề cập chi tiết hơn trong các chương sau.
Cao Xuân Hạo là người có công rất lớn trong việc nghiên cứu, phân
tích các yếu tố biểu thị tình thái. Thông qua cách tiếp cận ngữ pháp chức
năng, ông xếp một số yếu tố biểu thị tình thái đó vào cấu trúc Đề - Thuyết,
xem các yếu tố đó với tư cách là thành phần cấu trúc cơ bản trong câu tiếng
Việt. Tuy nhiên, chúng tôi không xem xét nhiều đến Thuyết chính danh thông

17


thường vẫn được đề cập, mà đối tượng được quan tâm ở đây là Thuyết tình
thái. Thuyết tình thái là yếu tố tình thái được đặt sau các tác tử phân giới thì,
là [10, tr.181 - 182]. Đôi khi, sự xuất hiện của thì và là trong câu khiến người
đọc dễ nhầm lẫn giữa Thuyết tình thái và Thuyết chính danh. Để hiểu và phân
biệt rõ hơn, ta xem xét các ví dụ sau:

- Khe khẽ chứ…Anh ấy dậy bây giờ thì chết. (Nam Cao)
=> [Thuyết tình thái]
- Ai bảo, vạch áo cho người xem lưng, dại thì chết (Chu Hà)
=> [Thuyết chính danh]
- Rứa à ?…Nó hỏng rồi à, thì thôi! (Tam Kính)
=> [Thuyết tình thái]
- Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi (Nguyễn Công Hoan)
=> [Thuyết chính danh]
Có thể dễ dàng nhận thấy, “những từ ngữ được xử lý như những phần
Thuyết trên đây chỉ có tính chất tình thái trong những câu mà phần đi trước
(Đề) tự nó đã có ý nghĩa tương đối trọn vẹn mang một nội dung mệnh đề độc
lập… (tuy về hình thức có thể chưa thành câu). Song những từ ngữ ấy khi
được dùng cuối những câu mà phần Đề đi trước xét về nội dung chưa thành
một nhận định (một mệnh đề hay một sở thuyết) mà chỉ là một sở đề đơn
thuần, thì những từ ngữ đó trở thành một phần Thuyết chính danh bên trong
phần cốt lõi của mệnh đề được biểu thị” [10, tr.182].
Tương tự như sự dễ nhầm lẫn giữa Thuyết chính danh và Thuyết tình
thái, do cấu tạo, vị trí tương đối giống nhau, các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu
tiếng Việt cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các vị ngữ thực thụ có cấu trúc tương
đồng. Thậm chí đôi khi khó có thể phân định rạch ròi cương vị cũng như chức
năng của chúng trong câu. Xét 2 ví dụ sau:

18


- Vợ Bách Lý Hề cũng âu yếm chồng đến thế là cùng!
(Tam Kính)
Đây là câu có tổ hợp đặc ngữ đóng vai trò là thành phần phụ của câu,
đứng sau nòng cốt câu, mang ý nghĩa tình thái cụ thể, trong ngữ cảnh giao
tiếp cụ thể.

- Con đường ấy kéo dài đến đấy là cùng.
“Là cùng” trong trường hợp này đóng vai trò vị ngữ, chỉ có cấu trúc
tương đồng với tổ hợp đặc ngữ ở ví dụ trên mà thôi, chứ không có chức năng
biểu thị tình thái.
Đáng chú ý hơn cả, cũng giống như các tiểu từ tình thái ở cuối câu, các
tổ hợp đặc ngữ cũng mang tính khái quát với đặc điểm cơ bản mà theo
Glebova, được thể hiện thông qua việc ý nghĩa của các tổ hợp đó được bắt
nguồn từ chức năng ngữ pháp của chúng. Nói đến chức năng ngữ pháp, ở đây
là nói đến các tổ hợp đặc ngữ với tư cách là thành phần câu, và đương nhiên,
để được xem xét với tư cách đó, nó cần được đặt trong mối quan hệ với nòng
cốt câu. Mối quan hệ này được Panfilov sử dụng thao tác hình thức để chứng
minh, theo đó, ta thấy: “Sự tồn tại mối quan hệ giữa hai từ (trong biến thể tối
thiểu) được chứng minh bằng khả năng tổ hợp này được dùng độc lập, đặc
biệt,bằng khả năng dùng nó với tính cách là biến thể rút gọn của một kiến trúc
phức tạp hơn. [18, tr.19]. Một cách dễ hiểu hơn, theo tác giả Nguyễn Văn
Hiệp, có thể sử dụng thao tác trên nhằm xem xét, phân tích mối quan hệ giữa
nòng cốt câu với các thành phần phụ có quan hệ với nó, cụ thể ở đây là tổ hợp
đặc ngữ ở cuối câu do mối quan hệ ngữ pháp trong câu không chỉ là mối quan
hệ giữa 2 từ hay giữa 2 kết cấu. Nói cách khác, tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu
tiếng Việt có thể được sử dụng một cách độc lập trong nhiều hoạt động, nhiều
phạm vi, ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ:

19


- Khi nào không làm được nữa thì chết m chết đói hay chết rét cũng được.
(Nguyễn Khắc Mẫn)
- Vậy…À có…À tôi về bằng ô tô cũng được.
(Hướng Minh)
- Các con có thể ở hẳn nhà hay là…xin vào trường làng học chữ tây

cũng được…
(Như Phong).
- Mẹ đi nấu cháo con nhé. Rồi chiều hẵng uống thuốc cũng được.
(Bùi Hiển)
Rõ ràng, từ những ví dụ đã liệt kê, có thể thấy “cũng được” là một tổ
hợp đặc ngữ, có thể sử dụng một cách độc lập trong nhiều bối cảnh riêng biệt,
cụ thể.
Như vậy, qua những phân tích trên, có thể đưa ra một cách nhìn khái
quát nhất về tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt, đó là một dạng thức của
tình thái ngữ, luôn đứng ở cuối câu, đánh dấu lực ngôn trung cơ sở của câu,
có thể sử dụng một cách độc lập trong nhiều bối cảnh riêng biệt, cụ thể.
1.3.2. Thống kê các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu Tiếng Việt dựa trên ngữ liệu
trong các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945
Để nhận biết các tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt, cần phải dựa vào
các tiêu chí sau đây:
+ Thứ nhất, đó phải là một tổ hợp từ được sử dụng một cách độc lập ở cuối
câu tiếng Việt.
+ Thứ hai, phát ngôn phải được đặt trong những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
+ Thứ ba, mệnh đề đi trước tổ hợp đặc ngữ phải có một lõi miêu tả nhất định.
+ Thứ tư, các tổ hợp đặc ngữ phải có vai trò biến các lõi miêu tả trong các nội
dung mệnh đề hướng đến việc thể hiện, biểu đạt thái độ, cách đánh giá của vai
nói đối với vai nghe hoặc sự vật hiện tượng diễn ra xung quanh.

20


Thống kê tổ hợp đặc ngữ ở cuối câu tiếng Việt trên cơ sở nguồn ngữ
liệu là các tác phầm văn học giai đoạn 1930 – 1945, chúng tôi thu được kết
quả như sau:
Bảng 1.1: Tổ hợp đặc ngữ cuối câu Tiếng Việt

trong các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945

Stt

1
2

Tổ hợp
đặc ngữ
chỉ thế
thôi
chứ gì

Số lần
xuất

Ví dụ

hiện
11

- Chàng đi cho khỏi cái khổ đó, chỉ thế thôi (Nhất Linh)

28

- Cụ biết thì thú tội với cụ là cùng chứ gì. (Khái Hưng)
- Lại “ngư nhãn, giải nhãn” chứ gì. Cứ nhìn tăm nước

3


chứ gì
nữa

11

to được bằng cái mắt cua thì là sủi sủi vừa và khi tăm
nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ gì nữa.
(Nguyễn Tuân)

4

5

6

7

8

9

chứ còn

có khác
có thế
thôi
còn gì
còn hơn
cũng
được


22

11

13

17

14

72

- Xa thế mà những đi cùng về thì hết ngày chứ còn gì ?
(Nam Cao)
- Tiểu tiết hàn có khác! Hôm nay rét nhất cả! (Nguyễn
Khắc Mẫn)
- Vì tôi là người đại lượng, có thế thôi. (Vũ Trọng
Phụng)
- Dễ chỉ những tiền thuê nhà ở Hà Nội, mỗi tháng cụ
cũng đã thu tới năm trăm rồi còn gì!... (Khái Hưng)
- Gia đình như thế thà chẳng có gia đình còn hơn.
(Khái Hưng)
- Chị đã nói bên này chật hẹp thì để thầy giáo qua bên
tôi ở cho vui cũng được (Tam Kính)
21


×