NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ
Đối tượng nghị luận của kiểu bài này là một ý kiến, một quan niệm về tư tưởng, đạo lí. Tư
tưởng đạo lí được đưa ra nghị luận thường có ý nghĩa tích cực là chủ yếu, như: lối sống đẹp, vai trò
của lí tưởng trong cuộc sống, tình yêu thương,…Nói như vậy không có nghĩa là bài làm không mở
rộng, phê phán những quan niệm sai lầm. Đề bài cũng có thể nêu ra một quan niệm chưa thật đúng
đắn, thậm chí là sai lầm để yêu cầu người viết phê phán và xác định quan niệm đúng đắn. Viết bài
văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, ta có điều kiện bộc lộ quan điểm và rèn luyện nâng cao chất
lượng tư tưởng, đạo đức của mình.
Kiểu bài này thường có một số nội dung:
- Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Phân tích, đánh giá và chứng minh tính chất đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai
lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống.
Lưu ý: Khi làm bài, cần nêu và phân tích các dẫn chứng trong lịch sử, trong đời sống. Cũng
có thể lấy dẫn chứng trong văn học nhưng cần có mức độ để tránh lạc sang bài nghị luận văn học.
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
Nghị luận về một hiện tượng đời sống nhằm rèn luyện cho chúng ta ý thức quan tâm, có thái
độ và hành động đúng đắn trước các hiện tượng đời sống đang diễn ra. Đề tài nghị luận là các hiện
tượng đời sống đang được suy nghĩ, nghiền ngẫm trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là các
hiện tượng liên quan trực tiếp đến thanh niên, học sinh. Các hiện tượng này thường có ý nghĩa tích
cực như những tầm gương sáng giàu lòng bác ái, ý thức trách nhiệm, ý chí và nghị lực, tính sáng
tạo dám nghĩ dám làm. Tuy vậy, cũng như kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, kiểu bài này
cũng có thể bàn đến những hiện tượng tiêu cực cần phải phê phán như sự lười nhác, kém ý chí,
nghị lực, những thói quen xấu,…
Bài làm thường có một số nội dung sau:
- Giới thiệu hiện tượng đời sống cần bàn luận.
- Phân tích, lí giải mặt tích cực cũng như hạn chế của hiện tương đời cống cần bàn luận.
- Đề xuất bài học về cách sống, cách ứng xử nói chung và đối với bản thân.
Người viết cần nêu ra và phân tích các hiện tương đời sống có liên quan để làm sáng tỏ quan
điểm và sự đánh giá của mình. Cũng có thể nêu các dẫn chứng trong đời sống văn học nhưng cũng
có mức độ giống như khi làm văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT BÀI THƠ, ĐOẠN THƠ
Đối tượng nghị luận về thơ rất đa dạng: một bài thơ, đoạn thơ, một hình tượng thơ,…Nhiều
khi, đề bài chỉ yêu cầu phân tích một số phương diện nào đó của bài thơ như: phân tích vẻ đẹp
ngôn ngữ thơ hoặc phân tích hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa trong bài thơ
Tây Tiến của Quang Dũng. Bởi vậy, khi gặp kiểu đề này, ta cần phải dựa vào yêu cầu cụ thể để
phân tích, tránh tham lam, ôm đồm.
Phân tích thơ là một việc làm rất khó, người viết cần phải tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời
của bài thơ hoặc vị trí của đoạn trích và bám vào đặc trung thể loại mà cảm nhận và phân tích. Đó
là những đặc trưng về từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu và đặc biệt là cấu tứ của bài thơ, đoạn
thơ.Một bài thơ có thể phân tích trên nhiều phương diện nhưng cũng cần lựa chọn những phương
diện thật đặc sắc, nỗi bật, có giá trị nhất mà mình hứng thú để phân tích.
Nhìn chung, bài viết thường có một số nội dung sau:
- Giới thiệu khái quát bài thơ, đoạn thơ cần phân tích.
- Phân tích những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.
- Đánh giá chung về dài thơ, đoạn thơ.
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC
Đối tượng nghị luận của kiểu bài này là một ý kiến bàn về văn học. Ý kiến về văn học rất đa
dạng: về văn học sử, về lí luận văn học, về tác phẩm văn học, về tác giả văn học,… Để phát huy
tính chủ động, sáng tạo của người viết, đề bài không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu giải thích và
chứng minh một chân lí đã có sẵn mà còn yêu cầu người viết phải bày tỏ suy nghĩ, sự đánh giá
riêng đối với vấn đề được nêu ra. Người viết cần phải đánh giá đúng, sai và chứng minh ý kiến của
mình để thuyết phục người đọc. Không dừng lại ở những nội dung trên, người viết có thể mở rộng,
bàn luận đến quan hệ giữa mục dích sáng tác và nghệ thuật của tác phẩm văn chương, đề xuất
những bài học về sáng tạo và thưởng thức, đánh giá các tác phẩm văn chương.
Nhìn chung, bài viết thường có các nội dung sau:
- Nêu và giải thích ý kiến cần bàn luận.
- Phân tích, đánh giá và chứng minh các mặt đúng đắn hoặc han chế của ý kiến cần bàn luận.
- Rút ra các bài học về văn học và cuộc sống.
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM, MỘT ĐOẠN TRÍCH VĂN XUÔI
Đối tượng nghị luận của kiểu bài này có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác
phẩm, một đoạn trích văn xuôi nói chung (như phân tích truyện ngắn Tinh thần thể dục của
Nguyễn Công Hoan); có thể là một phương diện, thậm chí một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật
của tác phẩm (như phân tích ý nghĩa của hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của
Nguyễn Trung Thành); hoặc so sánh một hình tượng hoặc một phương diện nào đó của một tác
phẩm, một đoạn trích (như phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông qua hai tuỳ
bút Người lái đò Sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông ?).
Nếu đề bài yêu cầu phân tích giá trị nội dung và nghệ thậut của tác phẩm, đoạn trích văn xuôi
thì người viết cần bám sát vào đặc trưng như: cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, các sự việc
và chi tiết điển hình, những đặc sắc về ngôn ngữ mà phân tích để làm rõ các giá trị của tác phẩm.
Nếu đề bài định hướng vào một phương diện, một khía cạnh nhất định thì tất nhiên yêu càu
phải tập trung vào đó để phân tích, đánh giá. Đề so sánh thường tập trung vào một phương diện,
một hình tượng của tác phẩm. Người viết cần phân tích để làm sáng tỏ những nét tương đồng cũng
như khác biệt, qua đó làm nỗi bật giá trị của các tác phẩm cần so sánh.