Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

TIỂU LUẬN MÔN TỔNG QUAN VĂN HỌC THẾ KỶ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.81 KB, 6 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ

BÀI TIỂU LUẬN CUỐI KỲ
Môn : Tổng quan văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX
Giảng viên hướng dẫn: TS. Phan Mạnh Hùng
Họ tên sinh viên: Đỗ Khương Duy
MSSV: 1457050009
Lớp : Ngôn ngữ K14
Tác phẩm chọn làm tiểu luận:

- Tiểu thuyết “Làm đĩ” của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng

Tp.Hồ Chí Minh, tháng 06 năm 2016


ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
Vào đầu thế kỷ XX, thực dân dân Pháp đã bắt đầu công cuộc đẩy mạnh quá trình khai
thác thuộc địa, dẫn đến có nhiều sự thay đổi trong xã hội ở nước ta trên nhiều phương
diện, về giáo dục, chính trị, văn hóa ..v..v Theo dõi tiến trình văn học ở giai đoạn
trước, giai đoạn trung đại , mở đầu từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, chúng ta có thể dễ
dàng nhận thấy được văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng rất đậm nét của văn học cổ
điển Trung Quốc. Tuy nhiên bước sang thời kỳ hiện đại, văn học Việt Nam đã có
những bước chuyển mình mạnh mẽ và sâu sắc, tự bản thân lột bỏ “chiếc áo văn hóa
Trung Hoa” cũ kỹ lâu đời để tiếp nhận những làn gió tư tưởng mới từ phương Tây.
Có thể nói, thời kỳ hiện đại là thời kỳ bùng nổ của văn học Việt Nam, văn học thời kỳ
này dường như được phục hưng hóa với sự xuất hiện rầm rộ và phong phú của các
thể loại văn học, từ thơ và kịch; tiểu phẩm, kịch thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết cho
đến phóng sự và tùy bút..v..v..Bên cạnh sự phát triển về thể loại thì cũng không thể
không nói đến sự xuất hiện của một số cây bút nổi tiếng , những nhà văn hiện thực


với những tác phẩm đã đưa họ đến gần với đọc giả, với công chúng và được công
nhận là những nhà văn hiện thực thành công nhất cho đến ngày hôm nay. Đó chính là
Ngô Tất Tố với Tắt Đèn, Nguyên Hồng với Bỉ Vỏ hay Nguyễn Công Hoan với Người
ngựa ngựa người, Nam Cao với Sống Mòn và đặc biệt là “ông vua phóng sự đất Bắc”
Vũ Trọng Phụng với bộ ba tiểu thuyết đặc sắc : Làm đĩ, Giông tố , Số đỏ.
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912 tại làng Hảo, tỉnh Hưng Yên. Sau
khi học hết bậc tiểu học, ông bắt đầu đi làm thêm để kiếm sống. Ít lâu sau đó, ông bắt
đầu văn nghiệp của mình bằng cách chuyển sang làm báo và viết văn chuyên nghiệp.
Trong suốt cuộc đời 27 năm thật ngắn ngủi của mình (từ 1912 đến 1939), với 9 năm
cầm bút, Vũ Trọng Phụng đã có một khối lượng đồ sộ những tác phẩm gồm khoảng 9
tập tiểu thuyết, 30 tập truyện ngắn, 7 vở kịch cùng hàng trăm bài báo tranh luận và
phê bình văn học. Năm 1936 là một trong những mốc thời gian quan trọng của bất cứ
ai nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, bởi đó chính là thời điểm mà tính phóng sự trong
ngòi bút của ông bộc lộ và phát triển một cách tài hoa nhất. Chỉ trong năm đó, ông đã
cho ra đời lần lượt 4 cuốn tiểu thuyết là Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ, tất cả
những cuốn tiểu thuyết đó đều đi sâu vào những vấn đề của xã hội. Trong đó, Làm đĩ
là một cuốn tiểu thuyết có đề tài đặc biệt, nó và phóng sự Lục xì của ông là 2 tác
phẩm duy nhất đánh thẳng vào đề tài chuyện tình dục nam – nữ, một đề tài khá tế nhị
trong đời sống xã hội của một nước chịu ảnh hưởng nặng nề và lâu đời của tư tưởng
đạo đức Nho giáo, hay chi tiết hơn là tư tưởng đạo đức Khổng –Mạnh của văn hóa
Trung Quốc lúc bấy giờ. Với việc đi vào đề tài còn mới mẻ này lúc đó, Vũ Trọng


Phụng đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi mãnh liệt, nhiều người cho là ông đã vi
phạm thuần phong mỹ tục khi viết ra một thứ văn như thế , Thái Phỉ, trên báo Tin
Văn ( số ngày 1/9/1936) đã chỉ trích Vũ Trọng Phụng “Văn chương Vũ Trọng Phụng
là thứ văn chương dâm uế”…..thậm chí cho đến sau này, vẫn còn nhiều nhà văn, nhà
phê bình đã tìm đủ mọi cách chứng minh “Làm đĩ” là một cuốn sách mang đề tài dâm
ô, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc giáo dục đạo đức và tu dưỡng tâm hồn đối với thế
hệ trẻ Việt Nam.


CẢM NHẬN CÁ NHÂN VỀ TÁC PHẨM
Nhìn vào tổng thể các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, có thể thấy được là những tác
phẩm của ông đều có một xu hướng chung, đó là thể hiện thái độ phê phán, châm
biếm, mỉa mai đối với thực trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là một xã hội thối
nát, bị thực dân Pháp âm thầm thực hiện chính sách nô dịch văn hóa. Chính quyền
Pháp khuyến khích những hoạt động như mê tín dị đoan, các tệ nạn như cờ bạc, mại
dâm , rượu chè….và hạn chế những hoạt động giáo dục, ngăn chặn những thông tin
tiến bộ từ thế giới bên ngoài. Điều đó đã dẫn tới sự ngu dốt, tha hóa của một số bộ
phận người dân, người giàu có thì chạy theo “lối sống Âu hóa” nửa mùa và kệch
cỡm, quay cuồng trong thuốc phiện và mại dâm, kẻ nghèo khó thì bị chà đạp bởi
đồng tiền, quyền lực và bế tắc trong cuộc sống tăm tối ở nơi tận cùng của xã hội. Tuy
nhiên, có một sáng tác nổi trội của Vũ Trọng Phụng lại không thể hiện chính diện đề
tài trên như các tác phẩm khác của ông mà lại chọn một đề tài khác, có thể nói là còn
khá mới lạ vào thời điểm đó. Tác phẩm với một cái tên gọi có thể nói là khá “kêu”,
nói về một nghề mà lại không phải nghề, lạ mà cũng chẳng lạ quen mà cũng chẳng
quen. Đó chính là “Làm đĩ”
“Làm đĩ” khác với những cuốn tiểu thuyết cùng thời như Giông tố hay Số đỏ, nó đề
cập trực tiếp tới vấn đề chuyện tình dục giữa nam –nữ, một đề tài mà có lẽ vào giai
đoạn đó, chỉ có Vũ Trọng Phụng mới dám can đảm dùng ngòi bút chạm vào. Mặc dù
nói là thời kỳ hiện đại nhưng xã hội Việt Nam lúc đó vẫn còn khá khép kín, vẫn còn
chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng kín đáo của phương Đông cũng như tư tưởng
nho giáo của Trung Quốc. Nên việc Vũ Trọng Phụng viết “Làm đĩ” có thể được coi
như một việc làm khác người, viết một cuốn sách mà có đề tài khiến người ta chỉ đọc
qua tựa đề đã thấy đỏ mặt tía tai là một việc làm mạo hiểm, vì nếu không được đón
nhận, cuốn sách đó sẽ trở thành một “vết nhơ” trong sự nghiệp của tác giả và có thể
bị tẩy chay trên văn đàn vì viết một thứ văn không đáng để đọc. Nhân vật chính trong
“Làm đĩ” là Huyền, một cô gái được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có,
gia giáo nề nếp “Ừ thì con gái nhà giàu, bố có chức phận,mẹ là người đứng đắn,
dòng dõi nhà quan, lại thêm có chú ruột là một vị bác sĩ y khoa…”. Cha của Huyền



là một người đàn ông gia trưởng, thường được người ta gọi bằng “ông phán” , một
người đàn ông có tính nết kì cục, có thể thẳng miệng mà chửi mắng đứa con gái ruột
của mình là “đồ đĩ”chỉ vì nó mặc chiếc quần lụa màu trắng, trong khi chính bản thân
ông ta cũng đâu có “nết na” hơn bao nhiêu, cũng mang về nhà vợ bé rồi làm những
chuyện mà ông cấm con gái tò mò chỉ cách con gái ông một bức vách, tuy làm việc
cho Pháp “thầy em mỗi ngày bốn buổi chiễm chệ trên chiếc xe nhà sơn đen từ nhà ra
đi hoặc từ sở trở về nhà…” nhưng ông lại mang một tư tưởng cổ hủ và cố chấp. Từ
ngày bé, mỗi khi Huyền có những thắc mắc hay tò mò xung quanh vấn đề giới tính
nam – nữ, ông và những người lớn trong nhà đều trả lời lảng tránh hoặc nạt nộ để cô
không hỏi nữa “Do thế, dẫu còn bé dại, em cũng vẫn băn khoăn tự hỏi”Người ta làm
thế nào mà có con?Bao giờ em có con?” Hay như :
-Em liền hỏi me
“ Me ơi, sao bụng me to thế?
“Vì chị Huyền sắp có em bé nữa đấy, chị Huyền ạ”
….
-Em lại hỏi
“Thế đẻ ra bằng chỗ nào?”
Đến đây thì đẻ em câm nín. Cô em cười mà bảo :
“Đẻ ra bằng nách”
-Em tin ngay và lúc ấy thấy như buồn ở nách vì có ai cù em. Bèn lại hỏi :
“Làm thế nào thì có con ?”
-Đẻ em chưa kịp đáp, thầy em đã sa sầm nét mặt xuống mà rằng : “Thế mà cũng nói
mãi được!” –Quay về em – “Đi chơi! Đi ngay!.....”
Sự tò mò về giới tính của Huyền mãi không có lời giải đáp, cô cứ bị vây quanh bởi
những lời nói thô tục của những người ở trong nhà, không thì là những kiến thức “tự
tìm hiểu” qua đám trẻ nhỏ. Sự tò mò ấy cứ lớn dần, lớn dần lên thành một niềm khao
khát mãnh liệt trong tâm hồn của một cô gái đang tuổi xuân thì, Huyền cứ như bị giày
vò giữa nỗi khát khao ấy, thắc mắc không được giải đáp, mất ngủ vì những âm thanh

ái tình mà cha cô với người vợ bé gây ra làm cho Huyền mụ mị hẳn đi. Để rồi cô gặp
được Lưu – người anh họ đang ở trọ tại nhà Huyền và không tự chủ được ngã vào
vòng tay của anh, bắt đầu một mối duyên oan trái và cũng là mở đầu cho số phận bi


thảm của Huyền sau này. Lưu yêu Huyền, nhưng tình cảm của anh lúc bấy giờ và
chính bản thân anh không đủ dũng cảm để vượt qua cái gọi là định kiến xã hội, gia
phong nề nếp, luân lý gia đình nên anh cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ quẩn và tự tử. Sau
khi Lưu chết, Huyền bị ép gả cho Kim, nhưng cô lại tiếp tục vướng phải bi kịch lần
nữa, chồng cô bị giang mai do thói ăn chơi phóng túng của giới thượng lưu nên chỉ
có sinh hoạt với vợ một cách hời hợt “nửa đời nửa đoạn”. Với mục đích tư lợi cá
nhân, Kim đem Huyền ra “nhử” bạn là Tân, một con người giàu có, và hiển nhiên là
cũng đào hoa. Từ chỗ còn e ngại ban đầu, Huyền dần dần có cảm tình với Tân qua
những lần đi chơi, gặp mặt rồi thành một đôi tình nhân từ lúc nào chẳng hay. Những
ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi với Tân kết thúc khi chồng cô lại lật lọng, bắt cô thú
tội với mình và từ đó xem cô như kẻ ăn người ở trong nhà không hơn không kém. Bị
hành hạ và ngược đãi , Huyền tìm đến Tân để bám vào anh, mong muốn anh có thể
cho cô một lối thoát nhưng lại bị Tân lạnh lùng chối bỏ với cái ly do của kẻ đào hoa
“mục đích của ái tình không phải là hôn sự”. Để trả công, Tân rút chiếc nhẫn vàng ở
ngón tay ra đưa cho Huyền nhưng cô đã ném chiếc nhẫn vào mặt kẻ bạc tình rồi chạy
đi. Thời gian sau đó, Huyền nghe tin kẻ đạo đức giả ngày xưa đang ở Sài Gòn, thế là
cô quyết tâm khăn gói lên đường vào Sài Gòn để tìm gặp và giết chết Tân. Nhưng
vào tới Sài Gòn, tìm không được Tân, tiền hết, sức lực cũng cạn, Huyền bắt đầu bán
thân và thả mình vào trụy lạc. Cuộc đời của Huyền có thể ví như một dây chuyền
domino vậy, từ sai lầm với Lưu rồi đến Kim và bi kịch bị phản bội với Tân,mà hết
thảy những sai lầm đó có lẽ đều bắt nguồn từ cha mẹ cô, sai lầm nối sai lầm khiến
cho bất hạnh luôn dồn dập ập đến với cô gái nhỏ đã từng rất hạnh phúc “Cái tuổi tốt
đẹp nhất đời! Họ hàng nhà em ai cũng khen em xinh, hôn hít em, cho em tiền, cắn
má, cắn tay em nữa” , để rồi khi miếng domino cuối cùng của cuộc đời cô đổ ập
xuống thì người con gái đó đã không còn là một cô gái yêu đời hồn nhiên như tuổi

thơ nữa mà bị tha hóa vào guồng quay ăn chơi trụy lạc, phải làm một cái nghề mà
không biết có phải được gọi là nghề không .Một cái nghề mà chắc hẳn lúc còn vui
tươi cô không nghĩ là nó sẽ gắn với cuộc đời mình, nghề làm đĩ !
“Làm đĩ” tựa như một cuốn tự truyện của nhân vật Huyền, bên cạnh những vấn đề về
chuyện tình dục; giới tính, nó còn thể hiện sự đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ
gắn liền với khát khao tính dục của bản thân. Với tinh thần nhân đạo sâu sắc được gột
tả qua từng trang viết, Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy được cả một quá trình
dài bị tha hóa của Huyền, được chia làm 4 giai đoạn (Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy
chồng, Trụy lạc) , từ một cô học trò nhỏ thiên chân trong sáng, ngây thơ hồn nhiên


đã trở thành một cô gái điếm, sống trong cảnh tăm tối dơ bẩn và ô nhục. Ngoài những
chuyện phòng the, Vũ Trọng Phụng còn đưa cả vào “Làm đĩ” những bài học về giáo
dục giới tính như “Ái tình với sinh thực khí” hay “ Những sự hại về thủ dâm và ý
dâm” nhưng sự tinh tế của tác giả chính là ở chỗ không để cho những trang sách đó
làm “verdett”, làm chủ đạo chính trong tác phẩm mà khiến cho số phận của nhân vật
trong tác phẩm bị phai nhòa. Mặc dù phải sống trong chốn ô nhục và tăm tối nhưng
Huyền vẫn không hề tuyệt vọng, cô vẫn bình thản ghi chép lại những gì đã xảy ra và
trải qua trong cuộc đời của mình một cách chân thực và sâu sắc nhất , để cho thiên hạ
có thể hiểu, mọi người có thể hiểu vì sao cô lại lầm đường lạc bước vào chốn u tối
này. Khác với Số đỏ , với ngòi bút sắc sảo, cứng chắc và đanh thép cùng với góc nhìn
thưởng thức của một người phê phán đương thời, ở “Làm đĩ” người ta có thể nhận ra
một Vũ Trọng Phụng nhẹ nhàng hơn, sâu lắng hơn, đau xót và thông cảm chân thành
với nhân vật hơn. Nhân vật Huyền đã từng nói về cái sau này của mình “Sau này em
sẽ chết trên kiệu bát cống có nhiều ông Bắc đẩu bội tinh đi đưa hay chết khốn nạn
trong phúc đường, thì bất quá cũng đến vậy mà thôi. Ai hoài hơi đi lo rằng trên rừng
xanh một chiếc lá vàng đã rụng!” Dường như chỉ có ở đây, Vũ Trọng Phụng mới có
được những lời văn trữ tình như thế, nó mượt mà, giàu cảm xúc chứ không phải châm
biếm, mỉa mai thật sắc nhọn “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”
như ở trong Số đỏ.


KẾT LUẬN
“Làm đĩ” là một tác phẩm mang nhiều giá trị, nó vừa là một tiểu thuyết hiện thực đi
sâu vào một vấn đề của xã hội lúc bấy giờ mà ít ai dám đề cập đến, vừa chứa đựng
tinh thần nhân đạo cùng tính nhân văn sâu sắc .Nếu đặt “Làm đĩ” trong khía cạnh văn
học, đây hoàn toàn là một tác phẩm đáng để đọc, đáng để suy ngẫm và đáng để trân
trọng chứ không phải để đem ra phê phán, chỉ trích đề tài của nó, còn nếu đặt trong
một khía cạnh nào đó, “Làm đĩ” có thể coi như một cuốn sách về giáo dục giới tính
khoa học và có hình thức rất đặc biệt, vì bên cạnh chức năng giáo dục giới tính, nó
còn lồng ghép một câu chuyện, một nhân vật trong văn học, đây là điều mà chưa có
một cuốn sách giáo dục giới tính nào hiện nay có thể làm được như thế. Bên cạnh đó,
ngoài tài năng văn chương sẵn có, Vũ Trọng Phụng còn vận dụng cả cái tâm, cái tình,
cái nhạy cảm của mình về con người, về cuộc đời để đặt vào trong tác phẩm, điều đó
giúp cho “Làm đĩ” có thể tồn tại được cho tới ngày hôm nay mà không phải bị lãng
quên trong suốt tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.



×