Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHUYÊN đề KINH tế CHÍNH TRỊ sản XUẤT, tái sản XUẤT xã hội, TĂNG TRƯỞNG KINH tế, PHÁT TRIỂN KINH tế và TIẾN bộ xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (162.63 KB, 18 trang )

2
SẢN XUẤT, TÁI SẢN XUẤT XÃ HỘI, TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, PHÁT TRIỂN
KINH TẾ VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI
LỜI NÓI ĐẦU

Trong Kinh tế chính trị Mác – Lênin, tái sản xuất, tăng trưởng kinh tế
và tiến bộ xã hội là những phạm trù cơ bản và cũng là những vấn đề rất quan
trọng của mỗi quốc gia dân tộc. Ngày nay, tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh
tế và tiến bộ xã hội đang là vấn đề có tính toàn cầu. Vì vậy, nghiên cứu tăng
trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, và tiến bộ xã hội là vấn đề kinh tế - chính trị
có tính chiến lược đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.


3
1. SẢN XUẤT VÀ TÁI SẢN XUẤT XÃ HỘI

1.1. Sản xuất xã hội
1.1.1. Vai trò của sản xuất xã hội và các yếu tố cơ bản của quá trình lao
động sản xuất

- Sản xuất vật chất là yêu cầu khách quan, là cơ sở của sự tồn tại và
phát triển của xã hội loài người.
Sản xuất của cải vật chất là tất cả các quá trình con người tác động
vào tự nhiên, biến đổi các vật thể của tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phù
hợp với nhu cầu của mình.
Xã hội sẽ không thể tồn tại nếu ngừng hoạt động sản xuất. Bởi vậy, sản
xuất ra của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội loài người, là hoạt động
cơ bản nhất trong mọi hoạt động của con người. Chân lý vĩnh hằng ấy được
C.Mác khái quát: xã hội loài người muốn tồn tại trước hết cần phải có ăn,
mặc, ở, đi lại… rồi sau đó mới đến các hoạt động khác như chính trị, khoa
học, nghệ thuật, tôn giáo…


Quá trình sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội đồng thời là quá trình
phát triển và hoàn thiện bản thân con người. Lịch sử phát triển của nền văn minh
nhân loại gắn liền và dựa trên sự phát triển và hoàn thiện nền sản xuất xã hội.
Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ
hiện đại, cơ cấu kinh tế có sự biến đổi, lĩnh vực sản xuất phi vật thể (dịch vụ)
phát triển mạnh mẽ và ở một số quốc gia nó đã, đang và sẽ đóng góp một tỷ
trọng lớn trong thu nhập quốc dân.
- Các yếu tố cơ bản của quá trình lao động sản xuất
Bất kỳ một quá trình sản xuất nào cũng bao gồm ba yếu tố cơ bản đó là:
sức lao động; đối tượng lao động; tư liệu lao động.
Sức lao động là tổng hợp thể lực và trí lực của con người được sử dụng
trong quá trình lao động. Nó là khả năng lao động của con người, là yếu tố vật
chất, là điều kiện tiên quyết của sản xuất ở bất cứ xã hội nào.
Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo
ra các sản phẩm phục vụ các nhu cầu của đời sống con người.
Khi sức lao động hoạt động thì trở thành lao động. Sử dụng sức lao
động là lao động, nó khác hoàn toàn với hoạt động bản năng của loài vật


4

Đối tượng lao động là bộ phận của giới tự nhiên mà lao động của con
người tác động vào làm thay đổi hình thái của nó cho phù hợp với mục đích
của con người. Đối tượng lao động gồm hai loại: Loại có sẵn trong tự nhiên
và loại đã qua sự tác động của lao động.
Loại có sẵn trong tự nhiên là loại mà lao động của con người tác động
vào chỉ tách nó ra khỏi môi trường tồn tại của nó là có thể sử dụng được như
gỗ trong rừng, cá dưới sông, biển, khoáng sản trong lòng đất…
Loại đã qua sự tác động của lao động gọi là nguyên liệu như thép thỏi
trong nhà máy, gỗ trong xưởng mộc, sợi trong nhà máy dệt…

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, con người ngày càng tạo ra
nhiều đối tượng lao động có chất lượng cao và dần tách khỏi quá trình lao
động trực tiếp mà chỉ đóng vai trò vận hành, điều khiển từ xa.
Tư liệu lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ
truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động nhằm biến đối
tượng lao động thành sản phẩm thoả mãn nhu cầu của con người.
Tư liệu lao động được chia thành ba loại: Thứ nhất, công cụ lao động
hay công cụ sản xuất là bộ phận quan trọng nhất của tư liệu lao động, nó tác
động trực tiếp vào đối tượng lao động, quyết định trực tiếp năng suất lao
động. Trình độ công cụ lao động là cơ sở để phân biệt sự khác nhau giữa các
thời đại kinh tế; thứ hai, tư liệu lao động dùng để bảo quản những đối tượng
lao động gọi chung là hệ thống các yếu tố phục vụ trực tiếp cho quá trình sản
xuất như băng chuyền, ống dẫn, hầm chứa, cần trục…; thứ ba, những yếu tố
vật chất khác không tham gia trực tiếp quá trình sản xuất, nhưng có tác dụng
quan trọng đến toàn bộ nền sản xuất xã hội như đường xá, sân bay, bến cảng,
phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, viễn thông … gọi chung là kết cấu
hạ tầng của sản xuất xã hội.
Trong các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất, sức lao động luôn là
yếu tố cơ bản, có tính chất quyết định. Trước đây, nền sản xuất chủ yếu dựa
vào công cụ thủ công và sức cơ bắp là chính thì nay trong nền kinh tế hiện
đại, trí tuệ trở thành tài nguyên vô cùng quý giá, trở thành nền kinh tế tri thức
của nhân loại. Do đó, giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu của
mỗi quốc gia dân tộc.


5

1.1.2. Hai mặt của nền sản xuất xã hội

- Lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực sản xuất của một xã hội

nhất định, ở một thời kỳ nhất định.
Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ tác động giữa con người với tự
nhiên, phản ánh khả năng chinh phục tự nhiên của con người trong hoạt động
thực tiễn của quá trình sản xuất của cải vật chất. Các yếu tố trong cấu trúc lực
lượng sản xuất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là yếu tố
chủ thể. Lực lượng sản xuất phát triển từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại.
- Quan hệ sản xuất biểu hiện mối quan hệ kinh tế giữa người với người
trong quá trình sản xuất, phản ánh mặt xã hội của sản xuất.
Quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của sản xuất, biểu hiện mối quan
hệ giữa người với người trên ba mặt: Thứ nhất, quan hệ giữa người với người
trong việc chiếm hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội (quan hệ sở
hữu); thứ hai, quan hệ giữa người với người trong việc tổ chức quản lý quá
trình sản xuất xã hội (quan hệ tổ chức quản lý); thứ ba, quan hệ giữa người
với người trong phân phối sản phẩm xã hội (quan hệ phân phối).
Với tư cách là một hệ thống, các mặt trên có mối quan hệ mật thiết và
tác động qua lại lẫn nhau, trong đó quan hệ sở hữu giữ vai trò quyết định, quan
hệ quản lý và quan hệ phân phối tác động trở lại quan hệ sở hữu. Sự thống nhất
và tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tạo thành
phương thức sản xuất. Trong sự thống nhất biện chứng này, quan hệ sản xuất
phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tức là lực lượng
sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất tác động trở lại lực
lượng sản xuất. Đó là quy luật kinh tế chung của mọi phương thức sản xuất.
Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đến lực lượng sản xuất diễn ra
theo hai chiều hướng: một là, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát
triển của lực lượng sản xuất sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; hai là,
quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.
1.2. Tái sản xuất xã hội
1.2.1. Khái niệm và các kiểu tái sản xuất


Tái sản xuất là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại thường xuyên và
phục hồi không ngừng.


6

Căn cứ theo quy mô, người ta chia ra thành hai loại, gồm tái sản xuất
giản đơn và tái sản xuất mở rộng.
Tái sản xuất giản đơn là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô
như cũ. Tái sản xuất giản đơn là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất nhỏ.
Trong tái sản xuất giản đơn năng suất lao động rất thấp, thường chỉ đạt mức
đủ nuôi sống con người, chưa có sản phẩm thặng dư, hoặc nếu có một ít sản
phẩm thặng dư thì cũng chỉ để sử dụng cho tiêu dùng cá nhân chứ chưa đủ để
mở rộng sản xuất.
Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn
hơn trước. Tái sản xuất mở rộng là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất lớn.
Để có tái sản xuất mở rộng đòi hỏi quy mô của các nguồn lực sản xuất đều
phải tăng lên, phải có sản phẩm thặng dư để đầu tư thêm vào sản xuất. Như
vậy, loại hình tái sản xuất mở rộng đòi hỏi xã hội phải đạt trình độ năng suất
lao động vượt ngưỡng của sản phẩm tất yếu và tạo ra sản phẩm thặng dư ngày
càng nhiều. Bởi vì, sản phẩm thặng dư dùng để đầu tư thêm vào sản xuất mới
là nguồn lực trực tiếp của tái sản xuất mở rộng. Tiết kiệm trong sản xuất và
trong tiêu dùng suy đến cùng đều là tiết kiệm thời gian, giảm lao động tất yếu,
tăng lao động thặng dư. Chính vì thế, tiết kiệm thời gian là đòi hỏi đối với
mọi xã hội muốn chuyển từ tái sản xuất giản đơn lên tái sản xuất mở rộng.
Ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, xu hướng vận động hướng tới
luôn là tái sản xuất mở rộng, vì chỉ có tái sản xuất mở rộng mới đáp ứng nhu
cầu ngày càng tăng của xã hội.
Trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội cho thấy việc chuyển
từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là quá trình lâu dài gắn liền

với quá trình chuyển nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn. Quá trình chuyển
tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là một yêu cầu khách quan
của cuộc sống. Vì dân số thường xuyên tăng lên và do nhu cầu về vật chất,
tinh thần của con người cũng thường xuyên tăng lên. Do đó, xã hội phải
không ngừng mở rộng sản xuất, làm cho số lượng và chất lượng của cải ngày
càng nhiều hơn, tốt hơn.
Tái sản xuất mở rộng gồm hai hình thức là tái sản xuất mở rộng theo
chiều rộng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu.


7

Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng là sự mở rộng quy mô sản xuất
chủ yếu bằng cách tăng thêm các yếu tố đầu vào (vốn, tài nguyên, sức lao
động…). Do đó, số sản phẩm làm ra tăng lên. Còn năng suất lao động và hiệu
quả sử dụng các yếu tố sản xuất không thay đổi.
Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu là sự mở rộng quy mô sản xuất
làm cho sản phẩm tăng lên chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động và nâng cao
hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất. Còn các yếu tố đầu vào của
sản xuất căn bản không thay đổi, có thể giảm đi hoặc tăng lên, nhưng mức
tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố
đầu vào. Điều kiện chủ yếu để thực hiện tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu
là ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
Tái sản xuất xã hội là sự thống nhất và tác động lẫn nhau giữa các
khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng. Mỗi khâu có vị trí khác nhau
nhất định, song giữa chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau.
1.2.2. Các khâu của quá trình tái sản xuất và mối quan hệ của nó

- Sản xuất và tiêu dùng
Trong quá trình tái sản xuất, sản xuất là khâu mở đầu, trực tiếp tạo ra

của cải vật chất cho xã hội, phục vụ cho tiêu dùng. Sản xuất giữ vai trò quyết
định đối với tiêu dùng bởi có sản xuất mới tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng.
Quy mô và cơ cấu sản phẩm do sản xuất tạo ra quyết định quy mô và cơ cấu
tiêu dùng; chất lượng và tính chất của sản phẩm quyết định chất lượng và
phương thức tiêu dùng. Tiêu dùng là khâu cuối cùng kết thúc một quá trình tái
sản xuất hay một chu kỳ sản xuất. Chỉ khi đi vào tiêu dùng, được tiêu dùng,
thì sản phẩm mới hoàn thành chức năng là sản phẩm. Tiêu dùng là nhu cầu và
là mục đích của sản xuất. Sự phát triển đa dạng hoá về nhu cầu của người tiêu
dùng là động lực quan trọng của sự phát triển sản xuất. Với tư cách là mục
đích và là động lực của sản xuất, tiêu dùng ảnh hưởng trở lại với sản xuất. Vì
vậy, tiêu dùng có tác động mãnh mẽ đối với sản xuất. Sự tác động này có thể
theo hai chiều hướng: Thúc đẩy mở rộng sản xuất nếu sản phẩm tiêu thụ được
và ngược lại, sản xuất suy giảm khi sản phẩm không tiêu thụ được.
Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng luôn là “thượng đế”. Sự
phát triển và sự đa dạng về nhu cầu của người tiêu dùng là động lực quan
trọng của sự phát triển sản xuất.


8

- Phân phối, trao đổi và sản xuất
Trong mỗi chu kỳ tái sản xuất, phân phối và trao đổi là những khâu
trung gian nối sản xuất với tiêu dùng. Phân phối bao gồm: phân phối cho sản
xuất và phân phối cho tiêu dùng cá nhân.
Phân phối cho sản xuất là sự phân chia các yếu tố sản xuất (tư liệu sản
xuất và người lao động) cho các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất khác
nhau, tạo ra các sản phẩm khác nhau. Sự phân phối này, nếu chỉ xét một chu
kỳ sản xuất riêng biệt, thì dường như có trước sản xuất, quyết định quy mô và
cơ cấu sản xuất. Nhưng xét trong tính chất liên tục của sản xuất, thì nó thuộc
về quá trình sản xuất, do sản xuất quyết định.

Phân phối cho tiêu dùng là sự phân chia sản phẩm cho các cá nhân tiêu
dùng theo tỷ lệ đóng góp của họ vào việc tạo ra sản phẩm. Sự phân phối này
là kết quả trực tiếp của sản xuất, do sản xuất quyết định.
Sản xuất quyết định phân phối về các mặt: Số lượng và chất lượng sản
phẩm, đối tượng phân phối; quy mô và cơ cấu của sản xuất quyết định quy
mô và cơ cấu của phân phối; quan hệ sản xuất quyết định quan hệ phân phối;
tư cách của các cá nhân tham gia vào sản xuất quyết định tư cách của họ tham
gia vào quan hệ phân phối và quyết định hình thức phân phối đối với họ. Tuy
nhiên, phân phối tác động trở lại sản xuất. Một hình thức phân phối phù hợp
sẽ tạo ra động lực cho sản xuất, và ngược lại, một hình thức phân phối không
phù hợp sẽ là một yếu tố kìm hãm sự phát triển của sản xuất.
Trao đổi bao gồm cả trao đổi hoạt động thực hiện trong quá trình sản
xuất, thuộc về sản xuất. Trao đổi sản phẩm là một khâu trung gian giữa một
bên là sản xuất và phân phối với một bên là tiêu dùng. Sự trao đổi này là sự
kế tiếp của phân phối, là sự phân phối lại cái đã được phân phối để đem lại
cho cá nhân những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Sự trao đổi này
do sản xuất quyết định: cường độ và hình thức trao đổi do trình độ phát triển
và kết cấu của sản xuất quyết định. Song, trao đổi cũng tác động trở lại đối
với sản xuất và tiêu dùng khi nó phân phối lại, cung cấp sản phẩm cho sản
xuất và tiêu dùng, thúc đẩy hay cản trở sản xuất và tiêu dùng.
Sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng là một thể thống nhất của quá
trình tái sản xuất xã hội. Chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó
sản xuất là gốc, là cơ sở, là tiền đề đóng vai trò quyết định; tiêu dùng là động


9

lực, là mục đích của sản xuất; phân phối và lưu thông là những khâu trung
gian tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển.
1.2.3. Nội dung chủ yếu của tái sản xuất xã hội


Trong bất cứ xã hội nào, quá trình tái sản xuất xã hội cũng bao gồm
những nội dung chủ yếu sau: tái sản xuất của cải vật chất cho xã hội; tái sản xuất
sức lao động; tái sản xuất quan hệ sản xuất; tái sản xuất môi trường tự nhiên.
- Tái sản xuất ra của cải vật chất
Trong xã hội, của cải vật chất được sản xuất ra bao gồm tư liệu sản xuất
và tư liệu tiêu dùng, vì xã hội tiêu dùng tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.
Do vậy, tái sản xuất ra của cải vật chất bao gồm tái sản xuất ra tư liệu sản xuất
và tái sản xuất ra tư liệu tiêu dùng. Tái sản xuất của cải vật chất là điều kiện
cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong tái sản xuất của cải vật chất, việc
tái sản xuất tư liệu sản xuất có ý nghĩa quyết định đối với tái sản xuất tư liệu
tiêu dùng. Việc tái sản xuất tư liệu tiêu dùng có ý nghĩa quyết định đối với tái
sản xuất sức lao động của con người.
- Tái sản xuất sức lao động
Tái sản xuất ra sức lao động là dùng một số vật phẩm tiêu dùng để đáp
ứng nhu cầu của cá nhân người lao động và gia đình họ nhằm khôi phục và
tạo ra năng lực lao động để tiếp tục sản xuất. Tái sản xuất ra sức lao động là
một tất yếu khách quan, vì quá trình sản xuất đồng thời là quá trình sử dụng,
tiêu hao sức lao động.
Trong các hình thái kinh tế xã hội khác nhau, việc tái sản xuất sức lao
động có sự khác nhau. Sự khác nhau này do trình độ phát triển lực lượng sản
xuất khác nhau, nhưng trước hết là do bản chất của quan hệ sản xuất thống trị
quy định. Nhìn chung, quá trình tái sản xuất sức lao động diễn ra trong lịch sử
thể hiện ở sự tiến bộ xã hội. Tất nhiên, tiến bộ luôn gắn liền với sự phát triển
của những thành tựu khoa học, công nghệ mà thời đại sáng tạo ra, vì vậy, tái
sản xuất sức lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối
của các nhân tố sau:
Quy luật nhân khẩu. Quy luật này đòi hỏi phải đảm bảo sự phù hợp giữa
nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội.

Tốc độ tăng dân số và lao động.


10

Xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao
động (thủ công hay cơ khí hóa, tự động hóa).
Năng lực tích lũy vốn để mở rộng sản xuất của các quốc gia trong từng
thời kỳ nhất định.
Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt chất lượng thể hiện ở sự tăng
lên về thể lực và trí lực của người lao động qua các chu kỳ sản xuất. Nó phụ
thuộc vào nhiều nhân tố như: mục đích của nền sản xuất của mỗi xã hội; chế
độ phân phối sản phẩm và địa vị của người lao động; những đặc trưng mới
của lao động do cách mạng khoa học – công nghệ; chính sách y tế, giáo dục
và đào tạo của mỗi quốc gia.
- Tái sản xuất quan hệ sản xuất
Nền sản xuất xã hội chỉ có thể diễn ra trong những quan hệ sản xuất
nhất định. Quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất và sức lao động gắn liền
với tái sản xuất quan hệ sản xuất.
Sau mỗi chu kỳ sản xuất, quan hệ sản xuất được tái hiện, quan hệ giữa
người với người về sở hữu tư liệu sản xuất, về quản lý sản xuất và phân phối
sản phẩm được củng cố phát triển và hoàn thiện hơn, làm cho quan hệ sản
xuất thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tạo điều kiện để
nền sản xuất xã hội ổn định và phát triển.
- Tái sản xuất ra môi trường sinh thái
Môi trường sinh thái là một trong những nhân tố quan trọng của quá
trình tái sản xuất, bởi vì quá trình tái sản xuất không thể tách rời điều kiện tự
nhiên với môi trường sống của sinh vật và con người. Vì thế, tái sản xuất ra
môi trường sinh thái là tất yếu khách quan. Thực chất của tái sản xuất ra môi
trường sinh thái là là giữ gìn, tái tạo môi trường tự nhiên.

Trong thời gian khá dài, con người chưa nhận thức được tầm quan
trọng của các yếu tố tự nhiên đối với đời sống của mình, do đó đã dẫn đến
tình trạng các yếu tố của môi trường tự nhiên bị huỷ hoại: trái đất bị nóng lên,
tầng ôzôn bị thủng, các cánh rừng bị chặt phá, mực nước biển dâng cao, bão
lụt, sóng thần… Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ gìn cân
bằng sinh thái là một trong những vấn đề có tính cấp bách của nhân loại.
Theo số liệu thống kê năm 2007, cả nước có 135 khu công nghiệp, khu
chế xuất, mỗi năm thải ra môi trường hơn 3 triệu tấn chất thải công nghiệp,


11

trong đó khoảng 50% lượng chất thải này tập trung ở các tỉnh, thành phố kinh
tế trọng điểm phía Nam. Kết quả nghiên cứu của Bộ tài nguyên và môi trường
cho biết, hàng năm trung bình các khu công nghiệp cả nước thải ra môi
trường khoảng 130.000 tấn chất thải nguy hại, riêng vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam chiếm khoảng 75%, dự báo nhiệt độ sẽ tăng tại các tỉnh phía Nam
từ 0,1 – 0,50 C vào năm 2010, từ 0,4 – 3 0 C năm 2070. Tại các tỉnh phía Bắc
từ 0,3 – 0,70 C vào năm 2010, từ 1,2 – 4,50 C (2070). Mực nước biển sẽ dâng
cao từ 3 - 90cm vào năm 2070, khoảng 1700km2 vùng ven biển bị chìm…
Thực hiện tái sản xuất ra môi trường sinh thái diễn ra trên phạm vi toàn
cầu là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp giữa tất cả
các quốc gia. Tuy nhiên, ở phạm vi từng quốc gia cũng có nhiều vấn đề quan
trọng cần phải giải quyết và thực hiện một cách đồng bộ, liên tục.
Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý, bảo đảm khai thác tài
nguyên hợp lý và tiết kiệm; xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về
phục hồi môi trường các khu khai thác khoáng sản và các hệ sinh thái đã bị
xâm phạm, bảo đảm cân bằng sinh thái”1 và “áp dụng các biện pháp mạnh
mẽ để ngăn chặn các hành vi huỷ hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường, từng
bước khắc phục tình trạng xuống cấp, cải thiện môi trường, đặc biệt tập

trung nạn cháy rừng, ô nhiễm các lưu vực sông, các đô thị và khu công
nghiệp, nơi có đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế”2.
Các nội dung chủ yếu nói trên của tái sản xuất có quan hệ mật thiết và
thường xuyên tác động lẫn nhau, đòi hỏi trong quá trình vận dụng không được
xem nhẹ một nội dung nào.
2. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI

2.1. Tăng trưởng kinh tế
2.1.1. Khái niệm và vai trò của tăng trưởng kinh tế

- Khái niệm: Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng tổng sản phẩm quốc
dân trong một thời kỳ nhất định
Thực chất đó là sự tăng lên về quy mô sản lượng của nền kinh tế trong
một thời gian nhất định. Sự tăng trưởng được so sánh theo các thời điểm gốc

1,2
2

Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.222, 223


12

sẽ phản ánh tốc độ tăng trưởng. Đó là sự gia tăng quy mô sản lượng nhanh
hay chậm so với thời điểm gốc.
Tăng trưởng kinh tế, dưới dạng khái quát, là sự gia tăng của tổng sản
phẩm quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một thời
gian nhất định (thường tính cho một năm).
Tổng sản phẩm quốc dân là tổng giá trị tính bằng tiền của những hàng
hoá và dịch vụ cuối cùng do công dân một nước sản xuẩt ra từ các yếu tố sản

xuất của mình trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Tổng sản phẩm quốc nội là tổng giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng
hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên lãnh thổ một nước trong một
thời gian nhất định (thường là một năm).
- Vai trò của tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc
gia. Nó là điều kiện cần thiết đầu tiên để khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc
hậu; để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân cư như: tăng tuổi
thọ, giảm suy dinh dưỡng, giảm bệnh tật, phát triển giáo dục, văn hoá, thể
thao.v.v… Tất nhiên thành quả của tăng trưởng kinh tế phải sử dụng công
bằng, hợp lý mới có những tác dụng đó.
Tăng trưởng kinh tế còn là tiền đề vật chất để củng cố an ninh quốc
phòng của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện
tiên quyết cho việc chống tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và
trên thế giới.
Ngày nay, tăng trưởng kinh tế bền vững còn gắn liền với bảo vệ môi
trường sinh thái và tiến bộ xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững là
vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia muốn
khắc phục sự lạc hậu, vươn tới giàu có, là điều kiện vật chất để tạo thêm việc
làm, giảm thất nghiệp và nâng cao mức sống của nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề
này chỉ được giải quyết có hiệu quả khi có mức tăng dân số hợp lý.
2.1.2. Các nhân tố tăng trưởng kinh tế

- Vốn
Vốn là toàn bộ của cải vật chất do con người tạo ra được tích lũy lại và
những yếu tố tự nhiên như đất đai, khoáng sản được sử dụng vào quá trình sản xuất.


13


Vốn tồn tại dưới hai hình thức: vốn hiện vật và vốn tài chính. Vốn hiện
vật tồn tại dưới hình thức vật chất của quá trình sản xuất như nhà xưởng, máy
móc, thiết bị, nguyên vật liệu …Vốn tài chính là vốn tồn tại dưới hình thức
tiền tệ hay các loại chứng khoán. Vốn có vai trò rất quan trọng để tăng trưởng
kinh tế. Vai trò của nhân tố vốn đối với tăng trưởng kinh tế không chỉ thể hiện
ở mức vốn đầu tư mà còn ở hiệu suất sử dụng vốn.
- Con người
Con người là nhân tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế bền vững. Tất
nhiên, đó là con người có sức khoẻ, có trí tuệ, có kỹ năng cao, có ý chí và
nhiệt tình lao động và được tổ chức hợp lý. Nếu tăng trưởng kinh tế chủ yếu
dựa trên việc khai thác tài nguyên thì sự tăng trưởng đó không thể bền vững,
do tài nguyên có hạn. Ngược lại, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa
vào nhân tố con người, đây là yếu tố quyết định trong nền kinh tế tri thức, vì
tài năng và trí tuệ của con người là bền vững vô tận. Con người sáng tạo ra kỹ
thuật, công nghệ và sử dụng kỹ thuật, công nghệ, vốn để sản xuất. Muốn phát
huy nhân tố con người phải có hệ thống giáo dục tốt. Vì vậy, phát triển giáo
dục - đào tạo là để phát huy nhân tố con người. Đó chính là sự đầu tư cho phát
triển. Việc này chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong việc đào tạo và sử dụng,
tuyển chọn nhân tài.
- Khoa học và công nghệ
Khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế.
Đây là nhân tố cho phép tăng trưởng kinh tế và tái sản xuất mở rộng theo
chiều sâu. Khoa học và công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất lao động cao, chất
lượng sản phẩm tốt, lao động thặng dư lớn, tạo ra nguồn tích lũy lớn từ nội bộ
nền kinh tế để đầu tư cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Ngày nay,
khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực
của tăng trưởng kinh tế.
- Cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Nó bao
gồm: cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và cơ cấu thành phần kinh tế. Cơ cấu kinh tế

hợp lý thể hiện ở chỗ xác định đúng tỷ trọng, vai trò, thế mạnh của các ngành,
các vùng, các thành phần kinh tế, từ đó phân bố các nguồn lực phù hợp (vốn,
sức lao động…). Cơ cấu kinh tế hợp lý có tác dụng phát huy các thế mạnh,


14

các tiềm năng, các yếu tố sản xuất của đất nước có hiệu quả, là yếu tố quan
trọng của sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
- Thể chế chính trị và quản lý nhà nước
Đây là một nhân tố quan trọng và có quan hệ với các nhân tố khác. Thể
chế chính trị ổn định và tiến bộ cùng với sự quản lý có hiệu quả của nhà nước
tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, khắc phục được
những khuyết tật của những kiểu tăng trưởng kinh tế đã có trong lịch sử như:
gây ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo sâu sắc, sự phát triển chênh
lệch quá lớn giữa các khu vực; đồng thời sử dụng và phát triển có hiệu quả
các nhân tố vốn, con người, khoa học, công nghệ, mở rộng tích luỹ, tiết kiệm
và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài (vốn, công nghệ…) để tăng trưởng kinh
tế có hiệu quả.
2.1.3. Các kiểu tăng trưởng kinh tế

Theo tính chất của tái sản xuất, có kiểu tăng trưởng kinh tế theo chiều
rộng và kiểu tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.
- Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là tăng yếu tố đầu vào như; lao
động, đất đai, tiền vốn trên cơ sở kỹ thuật cũ. Kiểu tăng trưởng này đã có từ
rất lâu trong lịch sử phát triển sản xuất của nhân loại (xã hội chiếm hữu nô lệ,
chế độ phong kiến).
- Tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là sự tăng trưởng dựa trên cơ sở
sự biến đổi về chất của các yếu tố sản xuất. Ở đây, nhân tố chủ yếu để tăng
trưởng là việc sử dụng những công nghệ mới, những nguyên vật liệu mới và

nguồn năng lượng trí tuệ mới cũng như cải tiến việc sử dụng những yếu tố
của sản xuất. Định hướng chủ yếu của tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là
tăng chất lượng sản phẩm, tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, tăng
năng suất lao động, tiết kiệm nguồn nguyên liệu.
Tóm lại, tùy theo điều kiện lịch sử và trình độ xã hội hoá sản xuất mà
có thể có nhiều kiểu tăng trưởng kinh tế khác nhau. Việc lựa chọn kiểu tăng
trưởng kinh tế tuỳ thuộc vào trình độ xã hội hoá và vào chính sách kinh tế vĩ
mô của từng nước, ở từng thời kỳ khác nhau.


15

2.2. Phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội
2.2.1. Phát triển kinh tế và vai trò của phát triển kinh tế

- Khái niệm: Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với
sự hoàn thiện cơ cấu, thể chế kinh tế, và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Muốn phát triển kinh tế phải có sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên
không phải sự tăng trưởng kinh tế nào cũng dẫn tới phát triển kinh tế.
- Biểu hiện của sự phát triển kinh tế
Một là, sự tăng lên của GNP, GDP hoặc GNP tính theo đầu người, tức
là sự tăng trưởng kinh tế phải lớn hơn mức tăng dân số. Đồng thời đó phải là
sự tăng trưởng kinh tế ổn định và vững chắc.
Hai là, sự thay đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng tỷ trọng của ngành
dịch vụ và công nghiệp trong GNP tăng lên còn tỷ trọng của nông nghiệp
giảm xuống, nhưng giá trị tuyệt đối của các ngành đều tăng lên.
Ba là, chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân cư phải được cải thiện,
tăng lên. Muốn vậy, không phải chỉ có GNP (hoặc GDP) theo đầu người tăng
lên, mà còn phải phân phối công bằng, hợp lý kết quả tăng trưởng, bảo đảm sự
tăng lên của thu nhập thực tế, chất lượng giáo dục, y tế… mà mỗi người dân

được hưởng, ổn định lạm phát, ngăn ngừa khủng hoảng nhờ có thể chế kinh tế
tiến bộ, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Vai trò của phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế là động lực đẩy nhanh tốc độc tăng trưởng kinh tế.
Phát triển kinh tế là cơ sở để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Phát triển kinh tế tạo tiền đề củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế
độ chính trị, uy tín của nhà nước.
Ngày nay, phát triển kinh tế còn được bổ sung thêm tiêu chuẩn về chất
lượng sản phẩm cao, phù hợp với sự biến đổi của nhu cầu xã hội, bảo vệ môi
trường và bảo đảm công bằng xã hội. Sự phát triển không ngừng của sản xuất,
của kinh tế là cơ sở của mọi sự phát triển trong đời sống xã hội. Phát triển
kinh tế suy đến cùng là sự phát triển của lực lượng sản xuất (bao gồm tư liệu
lao động và người lao động). Do vậy, muốn phát triển kinh tế, mấu chốt là
phải phát triển lực lượng sản xuất.
2.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế

- Những yếu tố thuộc về lực lượng sản xuất


16

Các yếu tố thuộc lực lượng sản xuất tạo thành các yếu tố đầu vào của
sản xuất. Số lượng và chất lượng của các yếu tố đầu vào quyết định đến số
lượng, chất lượng của hàng hoá và dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển
kinh tế. Trong lực lượng sản xuất, ngoài các điều kiện tự nhiên, tài nguyên
thiên nhiên thì yếu tố con người và khoa học, công nghệ có vai trò hết sức to
lớn. Ngày nay khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khoa học và
công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia. Công nghệ
tiên tiến, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, nếu được vận dụng phù hợp, sẽ
sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào, tăng năng suất lao động, tạo ra hàng

hoá có chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là yếu tố quan
trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất luôn luôn là con người, đặc
biệt trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Chỉ con
người mới là nhân tố năng động, sáng tạo ra công nghệ mới và sử dụng công
nghệ để tạo ra của cải vật chất. Vì vậy, đầu tư cho các lĩnh vực để phát huy
nhân tố con người chính là đầu tư vào phát triển kinh tế.
- Những yếu tố thuộc về quan hệ sản xuất
Quan hệ sản xuất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế theo hai chiều
hướng: một là, thúc đẩy phát triển kinh tế khi quan hệ sản xuất phù hợp với
trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; hai là, quan hệ sản xuất kìm hãm
sự phát triển kinh tế nếu không có sự phù hợp. Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù
hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tức là có chế độ và các
hình thức sở hữu tư liệu sản xuất phù hợp, các hình thức tổ chức kinh tế năng
động, hiệu quả, các hình thức phân phối thu nhập công bằng, hợp lý, kích
thích tính tích cực, sáng tạo của người lao động… làm cho các nguồn lực của
nền kinh tế được khai thác, sử dụng có hiệu quả, thì quan hệ sản xuất ấy thúc
đẩy kinh tế phát triển.
Cơ chế kinh tế cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn, kích thích hay cản trở
sự phát triển kinh tế như kinh tế tự nhiên, kinh tế tập trung bao cấp.
Ngày nay, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế kinh tế thích hợp nhất đối với sự phát triển
nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Những yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng


17

Kiến trúc thượng tầng có tác động đến sự phát triển kinh tế. Sự tác
động này có đặc điểm:

Một là, các yếu tố khác nhau của kiến trúc thượng tầng có mức độ tác
động khác nhau đến sự phát triẻn kinh tế. Chẳng hạn, các yếu tố như tư tưởng,
đạo đức… tác động gián tiếp đến phát triển kinh tế, còn các yếu tố như chính
trị, pháp luật, thể chế… lại tác động trực tiếp, mạnh mẽ hơn.
Hai là, tác động của kiến trúc thượng tầng đến sự phát triển kinh tế
cũng có thể diễn ra theo hai chiều hướng: thúc đẩy sự phát triển kinh tế nếu
nó phù hợp hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế nếu nó không phù hợp với cơ
sở hạ tầng, với những yêu cầu khách quan của cuộc sống. Ví dụ: những chính
sách kinh tế, pháp luật kinh tế nếu phù hợp sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và
ngược lại, nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.
2.2.3. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội

- Tiến bộ xã hội là sự phát triển con người một cách toàn diện, phát
triển các quan hệ xã hội công bằng và dân chủ.
Tiến bộ xã hội là quy luật phát triển khách quan của lịch sử xã hội, là sự
thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội, hình thái sau cao hơn hình thái trước.
Tăng trưởng và phát triển là cơ sở vật chất cho tiến bộ xã hội và ngược
lại, tiến bộ xã hội thúc đẩy cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tiến bộ xã
hội thể hiện ở các mặt:
Một là, sự tiến bộ về kinh tế, sự phát triển kinh tế bền vững.
Hai là, sự phân phối thành quả của tiến bộ kinh tế một cách công
bằng, dân chủ.
Ba là, đời sống văn hóa không ngừng nâng lên.
Ngày nay, người ta đã nêu lên những tiêu chí có ý nghĩa tham khảo về
tiến bộ xã hội. Theo đó, nhân tố trung tâm của tiến bộ xã hội là chất lượng
cuộc sống của con người xét cả về mặt nhu cầu, mức sống, tuổi thọ và trí tuệ.
Trên cơ sở đó, Liên hợp quốc đưa ra khái niệm Chỉ số phát triển con
người (HDI- Human Development Index) làm tiêu chí để đánh giá sự phát
triển, sự tiến bộ của một quốc gia. HDI mở ra một cách nhìn mới, một cách
tiếp cận mới, có nhân tố hợp lý mà chúng ta cần tham khảo. Chỉ số HDI được

xây dựng trên ba chỉ tiêu cơ bản nhất, thể hiện sự phát triển là:


18

Tuổi thọ bình quân là chỉ tiêu được đo bằng thời gian sống bình quân
của mỗi người dân trong một quốc gia từ khi ra đời đến lúc chết. Tuổi thọ
phản ánh chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, cả trình độ y tế và
chính sách quốc gia về kinh tế - xã hội… Đó là ý nghĩa quan trọng hàng đầu
của chỉ số phát triển con người (HDI).
Thành tựu giáo dục: Chỉ tiêu này có hai nội dung chính: trình độ học
vấn của người dân và số năm được giáo dục bình quân.
Mức thu nhập bình quân đầu người: Là mức GDP tính theo đầu người.
Nếu một nước có GDP theo đầu người cao thì điều này có ý nghĩa quan trọng
để nâng HDI lên, có nghĩa là tăng trưởng GDP cao thì HDI cũng cao lên và
ngược lại.
HDI phản ánh được ba mặt quan trọng của chất lượng cuộc sống của
con người là tuổi thọ, trình độ học vấn, trí tuệ qua giáo dục và GDP/ người.
Đó là một chỉ tiêu tổng hợp quan trọng đánh giá sự tiến bộ xã hội. Nếu xã hội
phát triển đồng bộ, cân đối, hài hòa cả ba mặt trên, HDI sẽ cao; ngược lại,
phát triển lệch lạc HDI sẽ thấp. Vì vậy, nhiệm vụ trung tâm trong thời gian tới
của Việt Nam là bằng mọi cách nâng cao nhịp độ tăng trưởng kinh tế, giảm tỉ
lệ sinh đẻ xuống 1,8% /năm và nâng tuổi thọ bình quân lên trên 70 tuổi. HDI
có thể là một chỉ tiêu tham khảo khi đánh giá sự tiến bộ của một nước. Tuy
nhiên, chỉ tiêu này không phản ánh được sự khác biệt của các chế độ xã hội,
không phản ánh được nhiều quan hệ xã hội hay chỉ tiêu xã hội khác.
Sự phát triển theo hướng tiến bộ xã hội đó tuân theo những quy luật
khách quan về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất, của kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Học thuyết của
Mác về tiến bộ xã hội có ý nghĩa khoa học và cách mạng sâu sắc, là cơ sở cho

nhận thức và cải tạo xã hội theo hướng ngày càng tiến bộ.
- Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội
Tiến bộ xã hội là kết quả của sự phát triển kinh tế và mọi sự phát triển
kinh tế được coi là tiến bộ trước hết phải là sự phát triển thúc đẩy sự tiến bộ xã
hội. Tiến bộ xã hội xác định rõ các nhu cầu xã hội, nhu cầu đời sống cần phải
đáp ứng. Những nhu cầu đó là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến lượt nó
phát triển kinh tế lại tạo ra những nhu cầu mới thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.


19

Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội về thực chất là
mối quan hệ giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với sự phát triển của
quan hệ sản xuất và của kiến trúc thượng tầng, tức là sự phát triển của hình
thái kinh tế - xã hội. Ở đây, không phải chỉ có sự tác động một chiều của sự
phát triển kinh tế, sự phát triển của lực lượng sản xuất đối với sự phát triển của
quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng, mà là mối quan hệ biện chứng, có
sự tác động qua lại, trong đó quan hệ sản xuất cũng như kiến trúc thượng tầng
có thể có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.
KẾT LUẬN

Lý luận về tái sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và tiến bộ
xã hội đã và đang được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách sáng tạo sát
thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử
cụ thể. Những thành tựu đó khẳng định tính đúng đắn của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.
Tái sản xuất xã hội, tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và tiến bộ xã
hội là những vấn đề lý luận chung nhất, nó lý giải, phân tích các khái niệm,
phạm trù, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế với tiến bộ
công bằng xã hội. Cho đến nay, những vấn đề lý luận nêu trên vẫn rất cần

được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn.



×