Tải bản đầy đủ (.pdf) (85 trang)

Vai trò nhân viên công tác xã hội đối với trẻ em bị HIVAIDS từ thực tiễn các trung tâm bảo trợ xã hội, tỉnh bà rịa – vũng tàu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.35 MB, 85 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG

VAI TRÒ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ HIV/AIDS TỪ THỰC TIỄN
CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI,
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Chuyên ngành:

Công tác xã hội

Mã số:

60.90.01.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS.TS. NGUYỄN HỮU MINH

HÀ NỘI, 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng, số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn
Thạc sĩ Công tác xã hội về “Vai trò nhân viên công tác xã hội đối với trẻ em
bị HIV/AIDS từ thực tiễn các Trung tâm bảo trợ xã hội, tỉnh Bà Rịa –


Vũng Tàu” là hoàn toàn trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác
trong cùng lĩnh vực.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan này.
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Thùy Hương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU…………………………………………………………………....01
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA NHÂN
VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ HIV/AIDS.............12
1.1. Khái niệm và đặc điểm của trẻ em có HIV/AIDS....................................12
1.2. Lý luận về vai trò của nhân viên công tác xã hội...……………………..18
1.3. Cơ sở pháp lý liên quan đến chính sách đối với trẻ em có HIV/AIDS và
nhân viên công tác xã hội....................................................................... ....... .22
Chương 2: THỰC TRẠNG VỀ VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN CÔNG
TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ HIV/AIDS TẠI TRUNG TÂM
BẢO TRỢ TRẺ EM VŨNG TÀU, TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU ..........28
2.1. Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu …………...………..…….. 28
2.2. Nhu cầu trợ giúp về công tác xã hội của trẻ HIV/AIDS và việc đáp ứng
các nhu cầu đó của Trung tâm………….……………………………………32
2.3. Thực trạng về vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với trẻ em có
HIV/AIDS............................................................................... ..................... ...43
2.4. Những yếu tố tác động, làm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của
nhân viên công tác xã hội đối với trẻ em có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ
trẻ em Vũng Tàu............................................................................... .............. 54
2.5. Sự cần thiết phải có nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ trẻ HIV/AIDS tại
Trung tâm……………………………………………………………………60
Chương 3: KHUYẾN NGHỊ NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN

CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ HIV/AIDS TẠI TRUNG
TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM VŨNG TÀU, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.. 65
3.1. Các khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi
chính sách....................................................................................................... .65
3.2. Các khuyến nghị đối với nhân viên công tác xã hội trợ giúp trẻ em có
HIV/AIDS tại các Trung tâm có chăm sóc trẻ HIV/AIDS..............................67
KẾT LUẬN……….……………….………………………………..……..................…69
TÀI LIỆU THAM KHẢO…..……………………………………….......................72
PHỤ LỤC...........................................................................................................81


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
HIV/AIDS hiện nay được xem là “căn bệnh thế kỷ”, là mối đe dọa cho
con người bởi khả năng gây tử vong cao, sự lây lan nhanh chóng, và hiện nay
vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể chữa được bệnh này cũng như chưa
có vắc xin phòng bệnh.
Ở Việt Nam, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức
tạp. Nó xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành và có xu hướng ngày càng lan rộng,
đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội và
sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, dưới tác động của công tác giáo dục
và truyền thông thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về dự phòng lây
nhiễm HIV/AIDS ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, phải gánh
chịu nhiều hậu quả nặng nề chính là trẻ em. Ở Việt Nam, con số trẻ em bị
nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng đang ngày càng gia tăng. Ảnh
hưởng của HIV/AIDS đối với trẻ em là rất lớn, thậm chí có tính chất quyết
định đối với cuộc sống của các em, nhất là những trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp
(trẻ có/nhiễm HIV/AIDS).
Công tác xã hội (sau đây viết tắt là CTXH) là một ngành nghề tương

đối mới mẻ ở Việt Nam. Tuy vậy, từ khi mới ra đời, nó đã ứng dụng vào rất
nhiều hoạt động, đặc biệt là hoạt động trợ giúp người yếu thế. Một trong
những nhóm người yếu thế mà CTXH hướng đến hỗ trợ là đối tượng trẻ em
có HIV/AIDS. Trong đó, vai trò của các nhân viên công tác xã hội (sau đây
viết tắt là NVCTXH) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp đỡ đối tượng
đương đầu và vượt qua hoàn cảnh.
Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo số liệu thống kê của Uỷ ban
Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến ngày 30/6/2016, lũy tích số người

1


nhiễm HIV của tỉnh là 3.899 trường hợp, trong đó số người nhiễm HIV còn
sống tiếp cận được 2.143, chuyển AIDS là 3.146. Riêng trong 6 tháng đầu
năm 2016, toàn tỉnh phát hiện mới 52 trường hợp nhiễm HIV, 43 bệnh nhân
AIDS và 14 người tử vong do AIDS.
Trong số đó, trẻ em có HIV/AIDS là 91 em (điều trị thuốc ARV 82
em), đã đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu chăm sóc 18 em. Trước
đây, Trung tâm chỉ có chức năng tiếp nhận và chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ
rơi, trẻ lang thang. Nhưng trước thực tế là các gia đình có bố mẹ, hoặc bố
hoặc mẹ có HIV/AIDS đã chết, hoặc không đủ điều kiện để chăm sóc trẻ nên
đã đưa trẻ gửi vào Trung tâm nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã bổ sung thêm chức
năng chăm sóc trẻ có HIV/AIDS cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu. Vì
vậy, việc nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và thể hiện vai trò của
NVCTXH tại Trung tâm này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, từ khi Trung
tâm được bổ sung thêm chức năng này, chưa có một NVCTXH nào có đào tạo
bài bản để làm việc với trẻ có HIV/AIDS, hoặc nếu có nhân viên nào được tạo
điều kiện để bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ CTXH thì cũng được phân công
vào các công việc chưa phù hợp hoặc luân chuyển, biệt phái trong ngành. Đội
ngũ nhân viên vẫn là những bảo mẫu chăm sóc trẻ mồ côi, không có kiến thức

chuyên môn về CTXH để làm việc với trẻ em có HIV/AIDS. Hoạt động chủ
yếu vẫn là những chăm sóc tối thiểu như cho ăn - mặc, chở đi học, khi đau
bệnh thì đưa đi bệnh viện khám, uống thuốc,…; mà nhu cầu cần được trợ giúp
của trẻ HIV/AIDS không chỉ dừng lại ở những những nội dung đó.
Theo chủ trương chung về tinh giản biên chế nên không có định suất
dành cho NVCTXH. Mặt khác, nghề CTXH tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang
trong giai đoạn hình thành, kinh nghiệm CTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS
chưa nhiều, và nhận thức của các cơ quan, ban ngành, của xã hội về vai trò
của NVCTXH đối với các đối tượng yếu thế nói chung chưa thật sự được
đánh giá đúng mức. Chính vì lý do trên mà tôi thực hiện nghiên cứu đề tài:
“Vai trò NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS tại các Trung tâm Bảo trợ xã
hội, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Luận văn sẽ nghiên cứu lý luận và đánh giá

2


thực trạng vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS tại các Trung
tâm bảo trợ xã hội của tỉnh hiện nay và đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp
các cơ quan chức năng, những nhà quản lý và các cán bộ, nhân viên thực thi
chính sách về bảo trợ xã hội có những đánh giá và quan tâm đúng mức về vai
trò của NVCTXH đối với các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em HIV/AIDS
tại các Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, để hướng tới việc tranh thủ
sự ủng hộ, vận động, đề xuất, tạo điều kiện, cơ chế cho NVCTXH hoạt động
và phát huy vai trò của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong thời gian qua, vai trò của NVCTXH đối với đối tượng yếu thế
đã và đang ngày càng được xã hội đánh giá cao trong hoạt động nghề
nghiệp. Có một số tác giả đã tiến hành nghiên cứu về vai trò của NVCTXH
trong hỗ trợ tâm lý cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS; vai trò của NVCTXH
trong trợ giúp gia đình có trẻ tự kỷ; và một số đề tài liên quan đến vai trò của

NVCTXH khác, cụ thể như:
- Đề tài nghiên cứu “Vai trò của NVCTXH trong việc hỗ trợ trẻ em bị
ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hòa nhập học đường” năm 2012 của tác giả Phạm
Văn Tư, Trưởng bộ môn cơ sở Công tác xã hội, Khoa Công tác xã hội, Đại
học Sư phạm Hà Nội. Nghiên cứu này diễn ra tại Hà Nội, Thái Nguyên,
Tuyên Quang và Quảng Ninh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: NVCTXH can
thiệp, hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bằng phương pháp CTXH cá
nhân theo tiến trình cụ thể nhằm giúp trẻ phát huy được tiềm năng của bản
thân trong việc giải quyết vấn đề của mình, trong đó có việc đi học.
NVCTXH sử dụng phương pháp CTXH nhóm để can thiệp, hỗ trợ trẻ bị ảnh
hưởng bởi HIV/AIDS tại một địa bàn cụ thể, thông qua việc sinh hoạt nhóm,
giúp các em chia sẻ, đồng cảm và đặc biệt là giúp các em có cơ hội đi học.
Nghiên cứu này cũng đã cho thấy NVCTXH sử dụng kỹ năng biện hộ để
giúp bảo vệ quyền được đến trường của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS,....

3


- Luận văn thạc sĩ “Vai trò của NVCTXH trong hỗ trợ tâm lý cho đối
tượng nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm khám chữa bệnh Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình” năm 2013 của tác giả Trần Thị Hoa.
Mục đích của đề tài nghiên cứu này nhằm làm rõ vai trò của NVCTXH trong
tham vấn cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS đương đầu và vượt qua khủng
hoảng, giảm căng thẳng tâm lý. Trong vai trò này, NVCTXH sẽ tư vấn giúp
cho các em vượt qua những trở ngại tâm lý như sự kỳ thị, xa lánh của những
người xung quanh. Cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết về căn bệnh
HIV/AIDS mà trẻ đang mắc phải cũng như những quyền mà trẻ được hưởng.
Bên cạnh đó, giúp trẻ tiếp cận với các nguồn lực về kinh tế và những dịch vụ
y tế cần thiết.
- Đề tài nghiên cứu “Vai trò của NVCTXH chuyên nghiệp trong bệnh

viện hiện nay” năm 2013 của tác giả Dương Thị Phương (Nghiên cứu tại
bệnh viện Nhi Trung ương) làm rõ vai trò của NVCTXH là người hỗ trợ, kết
nối – trung gian và vai trò giáo dục trong trợ giúp đối tượng. Qua nghiên cứu
cho thấy đội ngũ NVCTXH này đã và đang cung cấp hệ thống dịch vụ trợ
giúp về tinh thần và vật chất đến bệnh nhân và thân nhân của họ để có thể
khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, phần nào hỗ trợ cho quá trình điều
trị được thực hiện tốt hơn.
- Nghiên cứu “Vai trò của NVCTXH trong trợ giúp gia đình có trẻ tự
kỷ tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ” năm 2014 của tác giả Đào Thị Lương,
được tiến hành tại huyện Văn Giang – Hưng Yên. Mục đích và phạm vi
nghiên cứu của đề tài này là khẳng định vai trò của NVCTXH trong trợ giúp
gia đình có trẻ tự kỷ tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ. NVCTXH thực hiện
vai trò tham vấn chính sách, kết nối gia đình trẻ với các hệ thống khác như:
trường học các cấp, địa phương, các nhà tài trợ,…Trong quá trình thực hiện
vai trò này, NVCTXH gặp khó khăn ở việc thực tế hiện nay các nguồn lực
hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình trẻ không nhiều, vì vậy các phụ huynh có con bị

4


bệnh tự kỷ hầu như đều phải tự mày mò phương hướng giải quyết các vấn đề
xung quanh việc trong gia đình có thành viên mắc bệnh tự kỷ.
Tóm lại, theo những tài liệu và thông tin mà tác giả thu thập được thì
những nghiên cứu chỉ dừng lại ở những vấn đề hỗ trợ, can thiệp cho đối tượng
tiếp cận dịch vụ, tham vấn cho đối tượng hay chỉ tập trung theo hướng nghiên
cứu về một/một số vai trò của NVCTXH trong quá trình trợ giúp thân chủ.
Các đề tài đó chỉ mới nghiên cứu trong phạm vi các vấn đề tương ứng với
từng trường hợp hoặc nhóm đối tượng cụ thể theo tình hình thực tiễn ở một số
địa bàn đặc thù của từng địa phương đó. Còn một số vấn đề mà luận văn này
hướng tới như vai trò của NVCTXH đối với trẻ có HIV/AIDS như thế nào,

những yếu tố nào cản trở hoặc thúc đẩy việc thực hiện vai trò của NVCTXH
đối với trẻ có HIV/AIDS, thì các nghiên cứu trước đây chưa thực hiện.
Việc nghiên cứu vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS từ
thực tiễn các Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có giá trị
tham khảo đối với cơ quan, tổ chức hữu quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong
quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển nghề CTXH nói chung, CTXH
đối với trẻ em có HIV/AIDS nói riêng.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Làm rõ vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS tại Trung
tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu – cơ sở duy nhất có chức năng nhiệm vụ chăm
sóc nuôi dưỡng trẻ em có HIV/AIDS của tỉnh. Qua đó cho thấy sự cần thiết
phải có NVCTXH được đào tạo, huấn luyện bài bản về chuyên môn CTXH để
làm việc tại các Trung tâm chăm sóc trẻ HIV/AIDS.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn về vai trò của
NVCTXH, một số vai trò chính của NVCTXH đối với trẻ em HIV/AIDS từ
thực tiễn Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu trong hệ thống các Trung tâm
bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

5


- Xác định nhu cầu trợ giúp về CTXH của trẻ em có HIV/AIDS và các
yếu tố ảnh hưởng đến trẻ.
- Đánh giá thực trạng vai trò của NVCTXH tại Trung tâm Bảo trợ trẻ
em Vũng Tàu đối với việc giúp đỡ trẻ em có HIV/AIDS cũng như các yếu tố
ảnh hưởng (cản trở và thúc đẩy) để nâng cao vai trò của NVCTXH đối với trẻ
em có HIV/AIDS.
- Đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của NVCTXH đối

với trẻ em có HIV/AIDS tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, trên cơ sở
đó phát triển cho các Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh có chức năng chăm
sóc trẻ em HIV/AIDS sau này.
4. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Vai trò của NVCTXH đối với trẻ có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ
trẻ em Vũng Tàu.
4.2. Khách thể nghiên cứu
- Nhà quản lý, chuyên gia.
- Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu.
- Trẻ có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu.
4.3. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về không gian: Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh trong phạm vi
nghiên cứu là các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội tỉnh. Trong phạm vi đề tài này chỉ tập trung nghiên
cứu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu (vì trong hệ thống các cơ sở bảo
trợ xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là cơ sở duy nhất có chức năng
tiếp nhận và chăm sóc trẻ em HIV/AIDS).
- Phạm vi về thời gian nghiên cứu: giai đoạn 2008 – 2014 đến nay.
- Giới hạn nội dung nghiên cứu: Trong CTXH đối với trẻ em
HIV/AIDS có rất nhiều vấn đề mà trẻ nhiễm cần được hỗ trợ, và vai trò của
NVCTXH cũng được thể hiện ở rất nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, trong
phạm vi đề tài này chỉ tập trung nghiên cứu và làm rõ 04 vai trò chính, quan

6


trọng của NVCTXH đối với thực tiễn cụ thể của Trung tâm Bảo trợ trẻ em
Vũng Tàu, mà những vai trò này hiện nay còn đang bỏ ngỏ, chưa được
Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu thực hiện tốt, các vai trò đó là: người

kết nối nguồn lực; người giáo dục; người chăm sóc, trợ giúp; và là người tạo
sự thay đổi.
- Phạm vi về khách thể: Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc 18 trẻ có
HIV/AIDS ở các độ tuổi khác nhau và tình trạng bệnh tật khác nhau. Trong
phạm vi đề tài này chỉ nghiên cứu trên 10 trẻ có HIV/AIDS trong độ tuổi từ 6
đến dưới 16 tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm còn/có khả năng giao
tiếp, 03 cán bộ quản lý cấp Sở và phòng chuyên môn thuộc Sở, 03 chuyên gia
của tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực CTXH với trẻ có
HIV/AIDS (Tổ chức Cô nhi thế giới – Wordwide Orphans FoundationWWO), 30 cán bộ và nhân viên đang làm việc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em
Vũng Tàu – những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em có HIV/AIDS và
có thời gian công tác tại Trung tâm giai đoạn 2008 – 2014 đến nay.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
- Các phương pháp lý luận được sử dụng trong quá trình nghiên cứu:
dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, các quan điểm của
Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
nói chung và trẻ em có HIV/AIDS nói riêng.
- Nghiên cứu vấn đề lý luận trong hệ thống: nghiên cứu hệ thống những
lý thuyết về nhu cầu, về vai trò, các yếu tố có liên quan như dịch vụ hỗ trợ của
CTXH đối với trẻ em HIV/AIDS, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội đối với
trẻ em HIV/AIDS, các mô hình tác động của hệ thống dịch vụ CTXH, v.v...
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu như sau:
- Phương pháp nghiên cứu, tổng hợp, tài liệu
Dựa trên việc tham khảo các tài liệu, thông tin có liên quan đến vấn đề
nghiên cứu thu thập được từ các nguồn như: số liệu của các cuộc điều tra và

7



các nghiên cứu về trẻ em HIV/AIDS; số liệu trong các báo cáo của Sở Lao
động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của Trung tâm Phòng
chống HIV/AIDS – Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Bảo trợ trẻ
em Vũng Tàu; báo cáo đánh giá của tổ chức WWO; sách, báo, tạp chí trong
nước; thông tin từ mạng Internet; các văn bản và định hướng của Nhà nước
trong lĩnh vực liên quan đến đề tài.
- Phương pháp chuyên gia: người thực hiện tiến hành lựa chọn và
phỏng vấn sâu 03 chuyên gia của tổ chức phi Chính phủ (WWO) hoạt động
trong lĩnh vực CTXH với trẻ em HIV/AIDS. Họ là những NVCTXH chuyên
nghiệp đã từng tham gia quản lý, điều phối, thực hiện dự án hỗ trợ trẻ em có
HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu giai đoạn 2008 – 2014.
Đây là những người có hiểu biết sâu, có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn trong
CTXH đối với trẻ em HIV/AIDS. Các ý kiến của chuyên gia sẽ được xem
như là cơ sở, là mốc chuẩn để so sánh, nêu bật việc thực hiện một số vai trò
giữa NVCTXH chuyên nghiệp và nhân viên của Trung tâm (những người làm
CTXH) trong quá trình hỗ trợ trẻ có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em
Vũng Tàu. Ý kiến của chuyên gia giúp làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu, nhất
là hiểu được các nhu cầu trợ giúp về CTXH của trẻ có HIV/AIDS, đánh giá
được những yếu tố chính ảnh hưởng đến trẻ, cũng như những yếu tố làm ảnh
hưởng đến việc thực hiện vai trò của NVCTXH trong hoạt động nghề nghiệp
của họ và đề xuất các khuyến nghị nhằm góp phần nâng cao vai trò của
NVCTXH tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội có chăm sóc trẻ em HIV/AIDS
của tỉnh trong thời gian tới. Các ý kiến của chuyên gia sẽ là những gợi ý hữu
ích giúp quá trình nghiêu cứu và tác nghiệp của người viết thêm thuận lợi và
hiệu quả hơn.
- Phương pháp phỏng vấn sâu:
Tiến hành phỏng vấn sâu với 03 người ở cấp quản lý (01 lãnh đạo Sở,
02 lãnh đạo Phòng chuyên môn của Sở), 03 chuyên gia của tổ chức phi Chính
phủ WWO tại Việt Nam trong dự án hỗ trợ trẻ HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo


8


trợ trẻ em Vũng Tàu, 10 trẻ có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng
Tàu.
Phương pháp phỏng vấn sâu nhằm tìm hiểu thêm về chính sách của Nhà
nước từ Trung ương đến địa phương trong việc ưu đãi cho trẻ em có
HIV/AIDS; tìm hiểu nhận thức, đánh giá, cách nhìn nhận của những nhà quản
lý, chuyên gia đối với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của NVCTXH cũng như
những yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao vai trò của NVCTXH; thu thập,
tìm hiểu nhu cầu trợ giúp về CTXH của trẻ em có HIV/AIDS; tìm hiểu tâm
tư, tình cảm và nguyện vọng của trẻ và các yếu tố ảnh hưởng đến trẻ, qua đó
thể hiện vai trò và thấy được sự cần thiết của NVCTXH đối với trẻ có
HIV/AIDS trong thực tế.
Do nhóm trẻ em có HIV/AIDS có khả năng giao tiếp được không
nhiều, nên việc chọn mẫu được thực hiện theo phương pháp lập danh sách
toàn bộ trẻ em có HIV/AIDS có khả năng giao tiếp (10 trẻ) để thực hiện khảo
sát.
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Tiến hành điều tra bằng bảng
hỏi đối với 30 cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu – những
người thường tiếp xúc với trẻ em HIV/AIDS và có thời gian công tác tại
Trung tâm giai đoạn 2008 – 2014 đến nay.
Thông qua quá trình điều tra bằng bảng hỏi sẽ đánh giá được mức độ
nhận thức, hiểu biết của cán bộ, nhân viên Trung tâm về vai trò, sự cần thiết
của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS; tìm hiểu phương pháp, kỹ năng
làm việc hiện nay của họ đối với trẻ em có HIV/AIDS cũng như những đề
xuất của họ nhằm nâng cao vai trò của NVCTXH đối với trẻ có HIV/AIDS.
- Phương pháp quan sát:
Quan sát thực tế tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, tiếp xúc trực
tiếp với Ban lãnh đạo, đội ngũ nhân viên và nhóm trẻ có HIV/AIDS đang

được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Giai đoạn quan sát thực tế được tiến hành
trong suốt quá trình nghiên cứu, xác định vai trò của NVCTXH đối với trẻ em
có HIV/AIDS tại Trung tâm.

9


- Phương pháp phân tích:
Sử dụng chương trình SPSS để xử lý, phân tích bảng hỏi; trích dẫn nội
dung phỏng vấn sâu qua băng ghi âm, biên bản ghi chép theo chủ đề phân
tích.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Những thông tin thu thập được từ luận văn đã chỉ rõ được vai trò của
NVCTXH trong hỗ trợ đối tượng yếu thế nói chung và trẻ em có HIV/AIDS
nói riêng. Trên cơ sở các khái niệm, cơ sở lý luận về trẻ em có HIV/AIDS, về
các đặc điểm, nhu cầu của trẻ HIV/AIDS, vai trò của NVCTXH đã được làm
rõ, góp phần làm phong phú thêm hệ thống cơ sở dữ liệu cho việc phân tích lý
luận về vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS nói riêng và lý
luận về vai trò của NVCTXH nói chung. Đồng thời, luận văn là nguồn tài liệu
tham khảo cho các nghiên cứu sau này về lĩnh vực nghiên cứu vai trò của
NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Nghiên cứu vấn đề vai trò của NVCTXH có ý nghĩa thiết thực và trực
tiếp đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giúp các nhà quản lý, các cơ quan chức
năng hiểu đúng và đủ về vai trò, tầm quan trọng, ảnh hưởng của NVCTXH
đối với việc trợ giúp các đối tượng yếu thế nói chung, đặc biệt là trẻ em có
HIV/AIDS sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh. Sự có mặt của
NVCTXH tại các Trung tâm với việc thực hiện các vai trò của họ sẽ đồng
hành, giúp trẻ HIV/AIDS có thể sống và lớn lên một cách tự tin và có khả

năng ứng phó trong cuộc sống thường ngày. Hay nói một cách khác là trẻ
được quan tâm, chăm sóc, yêu thương một cách phù hợp để trẻ em có thể phát
triển lành mạnh và sống một cuộc sống có chất lượng hơn; giúp cán bộ, nhân
viên tại Trung tâm có nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của mình đối
với trẻ em có HIV/AIDS nhằm cải thiện và nâng cao dần chất lượng đáp ứng
các nhu cầu về CTXH ở trẻ. Đồng thời, qua đó cũng là cơ sở để đề xuất tham
mưu tỉnh bố trí định suất NVCTXH và tạo điều kiện để NVCTXH thể hiện

10


vai trò của mình tại các Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh nói chung và Trung
tâm có chức năng chăm sóc trẻ HIV/AIDS nói riêng, nhằm mục đích hỗ trợ
tốt hơn cho đối tượng cần sự trợ giúp. Ngoài ra, qua quá trình thực hiện đề tài,
bản thân tác giả sẽ học hỏi và tích lũy được một số kiến thức, kỹ năng, kinh
nghiệm về CTXH.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo,
đề tài được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về vai trò của NVCTXH đối với trẻ
em có HIV/AIDS.
Chương 2: Vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS tại
Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chương 3: Khuyến nghị nâng cao vai trò của NVCTXH đối với trẻ em
có HIV/AIDS tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu.

11



Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA
NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ HIV/AIDS
1.1. Khái niệm và đặc điểm của trẻ em có HIV/AIDS
1.1.1. Khái niệm về trẻ em có HIV/AIDS
*Khái niệm trẻ em
Theo Công ước về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc thì: “Trẻ em mọi
người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định
tuổi thành niên sớm hơn” [10, tr.02].
Còn theo Luật Trẻ em do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ban hành ngày 05/4/2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16
tuổi”[04, tr.01].
Trong luận văn này, chọn khái niệm trẻ em theo quy định của Luật Trẻ
em.
*Khái niệm HIV/AIDS
Theo Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn
dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ban hành năm 2006, thuật ngữ HIVvà
AIDS được hiểu như sau [05, tr.01]:
- HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency
Virus”, là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, làm cho cơ thể suy
giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Acquired Immune
Deficiency Syndrome”, là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV
gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư
và có thể dẫn đến tử vong.
* Khái niệm trẻ em có HIV/AIDS

12



Từ cơ sở hai khái niệm “Trẻ em” và “HIV/AIDS” nêu trên, chúng ta có
thể hiểu khái niệm về “Trẻ em có HIV/AIDS” như sau: “Là người dưới 16
tuổi có HIV/AIDS trong cơ thể, được xét nghiệm có HIV dương tính - H+ “
(thường gọi là “bị nhiễm HIV/AIDS”, hay còn gọi là “bị ảnh hưởng trực tiếp
bởi HIV/AIDS”, hoặc là “người có H”).
1.1.2. Đặc điểm tâm sinh lý - xã hội và nhu cầu của trẻ em có
HIV/AIDS
1.1.2.1. Đặc điểm tâm sinh lý - xã hội của trẻ em có HIV/AIDS
* Đặc điểm về sinh lý
Hầu hết trẻ bị nhiễm HIV khi mới sinh ra đều bình thường, khoẻ mạnh,
chỉ có một số ít có cân nặng thấp so với tuổi thai.
Với những trẻ bị lây nhiễm trong hoặc sau khi sinh thì một vài tuần sau
sinh có thể có những biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, quấy khóc, khám có thể thấy
thấy gan lách to (gần giống với giai đoạn tiền triệu chứng của người lớn
nhiễm HIV).
Các biểu hiện lâm sàng:
- Hạch to: thường thấy hạch to nhỏ không đều ở nhiều nơi, nhiều nhất
là vùng cổ, dưới hàm, nách, bẹn; thường không đau, mật độ chắc, diễn biến
dai dẳng.
- Gan lách to: có thể gặp gan to hoặc lách to riêng biệt, hoặc cả gan
lách đều to (thường to ít và không có biến đổi đặc biệt về hình thể và tính
chất).
- Không tăng cân hoặc sút cân: thường xảy ra ở giai đoạn muộn, trẻ sút
cân nhiều ở giai đoạn AIDS tiến triển muộn và đặc biệt có nhiễm trùng cơ
hội.
- Sốt kéo dài: giai đoạn đầu thường sốt dai dẳng không có quy luật,
không rõ nguyên do, có thể nặng lên khi có nhiễm trùng cơ hội. Sốt thường
kéo dài hơn 1 tháng.

13



- Tiêu chảy mạn tính: thường xảy ra ở giai đoạn AIDS tiến triển nặng,
kết hợp với nhiễm trùng đường ruột.
Ngoài ra, có thể gặp các tổn thương thần kinh, bệnh viêm phổi, viêm
tuyến mang tai, xuất huyết giảm tiểu cầu, tan máu tự nhiên, viêm cơ tim, viêm
thận,...và ung thư da dạng Sacoma Kaposi (mặc dù ở trẻ em hiếm gặp hơn
nhiều so với người lớn).
- Nhiễm trùng da: hay gặp do các loại vi-rút Herpes, tróc lở do tụ cầu,
liên cầu và có thể do một số loại nấm.
- Nhiễm trùng phổi: hay gặp nhất là viêm phổi do một số loại vi-rút hoặc
một số loại nấm, tỷ lệ mắc bệnh lao phổi ở những trẻ nhiễm HIV thường khá
cao.
- Nhiễm trùng tiêu hoá: thường xảy ra do mắc các loại vi khuẩn viêm dạ
dày – đường ruột như E. Coli, Salmonella, trực khuẩn lị,... và có thể do nấm,
đặc biệt là nấm Candida Albicans.
Ngoài những loại nhiễm trùng cơ hội hay gặp kể trên, còn có thể gặp
viêm màng não do nấm, viêm gan, vi-rút các loại.
(Nguồn: />s)
* Đặc điểm về tâm lý – xã hội
- Đối với trẻ 0 – dưới 6 tuổi: trẻ chưa có nhận thức về HIV và về thái
độ của những người xung quanh nên giai đoạn này tâm lý trẻ phát triển như
những trẻ em bình thường khác.
- Đối với trẻ 6 – 12 tuổi: các em đã phần nào cảm nhận, nhận thức được
tình trạng sức khoẻ của mình. Do đó, các em thường mang tâm lý ngại giao
tiếp, lo sợ về sự đau đớn do bệnh mang lại, về sự xa lánh và phân biệt đối xử
của những người xung quanh đối với các em.

14



- Trẻ thường thiếu thốn tình cảm gia đình, ruột thịt và nhận được ít tình
yêu thương, sự vuốt ve như các trẻ nhỏ bình thường khác; các em thường cảm
thấy buồn tủi, chán nản và sống khép mình.
Bên cạnh đó, do thiếu tình thương và sự giáo dục của cha mẹ, người
thân và sự ghẻ lạnh, tránh né của những người xung quanh nên các em thường
bị trầm cảm, chậm nói, chậm phát triển trí não, khả năng vận động kém do
không được chơi với các bạn cùng độ tuổi
Những em có HIV/AIDS rất sợ hãi trước những biểu hiện của bệnh trên
cơ thể mình, như: sốt, nhiễm trùng da, đau người,…Ở các em thường hình
thành nên ý nghĩ rằng sẽ chết sớm bởi đây là căn bệnh nguy hiểm chưa có
thuốc chữa.

Nguồn: />Từ những đặc điểm tâm lý trên, ta có thể thấy được những nhu cầu của
trẻ có HIV/AIDS.
1.1.2.2. Nhu cầu của trẻ em có HIV/AIDS
Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu của con người được
chia làm hai nhóm chính là nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao.
Có thể thể hiện những nhu cầu của trẻ em có HIV/AIDS theo mô hình
thang nhu cầu của Abraham Maslow (xem trang sau)

15


Sơ đồ 1.1. Tháp bậc thang nhu cầu của Maslow
(Nguồn: https:/www.google.com.vn/thap+nhu+cau+maslow)
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học về mặt lý luận, ta thấy nhu cầu chính
của trẻ em có HIV/AIDS nói chung rất đa dạng, nhưng vẫn tập trung vào các
nhu cầu sau:
- Nhu cầu được chăm sóc đời sống vật chất: nhu cầu căn bản nhất thuộc

thể chất và sinh lý đó là nhu cầu được chăm sóc đời sống vật chất như thức
ăn, nước uống, nơi ở, nghỉ ngơi. Đây là nhu cầu không thể thiếu và ảnh hưởng
trực tiếp đến sự sống còn của các em và cũng là quyền đầu tiên trong số
những quyền các em phải được hưởng theo Công ước của Liên hiệp quốc về
quyền trẻ em. Chỉ khi đáp ứng được đầu đủ nhu cầu này thì mới có thể tạo
điều kiện cho trẻ phát triển bình thường trước hết về mặt thể chất.
- Nhu cầu an toàn xã hội: được đảm bảo về sức khoẻ, tiếp cận với các
dịch vụ khám chữa bệnh thông thường cũng như đặc biệt là nhu cầu quan

16


trọng cần được đáp ứng đối với tất cả mọi người. Riêng đối với trẻ có
HIV/AIDS thì nhu cầu này là rất cần thiết bởi vì các em đã mang bệnh, khả
năng miễn dịch không thể bằng những trẻ bình thường khác, hoặc thường
xuyên sống với bệnh tật nên các em cần được kiểm tra sức khoẻ một cách đầy
đủ và thường xuyên.
Bên cạnh việc được đảm bảo về sức khỏe thì các em cũng cần được yêu
thương, chăm sóc, đặc biệt là từ những người gần gũi trẻ. Hầu hết trẻ có
HIV/AIDS đều mong muốn có người thân thiết để chia sẻ hoặc hỗ trợ tâm lý
khi cần thiết. Nếu không có cảm giác được yêu thương, che chở, trẻ dễ rơi vào
tâm trạng lo sợ, tự ti và khép mình.
- Nhu cầu xã hội: cùng với mong muốn được an toàn, trẻ có HIV/AIDS
cũng rất muốn được hoà nhập cuộc sống cộng đồng, muốn được tới trường
học tập, vui chơi giải trí như những đứa trẻ bình thường khác. Vui chơi, học
tập và giao lưu với bạn bè đều là những hoạt động chủ đạo của trẻ em. Do đó,
nếu những nhu cầu xã hội này được đáp ứng thì trẻ có HIV/AIDS sẽ có điều
kiện phát triển bình thường về trí não cũng như tâm lý, tình cảm. Nhưng hiện
nay, nhu cầu này chưa được đáp ứng tích cực bởi rất nhiều định kiến tiêu cực
trong xã hội, và để các em có thể đến trường một cách “công khai”, có thể hoà

nhập cuộc sống một cách “danh chính ngôn thuận” như những đứa trẻ bình
thường khác là một việc làm đòi hỏi phải có nhiều thời gian và sự nỗ lực, tận
tâm của từng cá nhân, tổ chức trong xã hội.
- Nhu cầu được tôn trọng: trẻ có HIV/AIDS thường lo sợ, tự ti trước
thái độ kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh. Các em luôn mong muốn
được mọi người tôn trọng, không phán xét, bình phẩm gì đến tình trạng bệnh
tật của các em.
Các em có thể tự đương đầu với với bệnh tật nhưng khó có thể vượt
qua rào cản tâm lý xã hội để có được một cuộc sống bình thường. Rào cản đó
là sự khinh rẻ, kỳ thị, sự sợ hãi của nhiều người đối với trẻ có HIV/AIDS.

17


Nhu cầu này của các em là hết sức chính đáng và cũng là điều mà các nhà
hoạt động trong lĩnh vực xã hội đang mong ước đạt được.
- Nhu cầu được khẳng định mình: trẻ có HIV/AIDS cũng có mong
muốn có được một vị trí trong xã hội, được thể hiện các vai trò với tư cách là
thành viên trong xã hội. Các em không chỉ khao khát đến trường học văn hoá,
vui chơi cùng bạn bè, mà còn muốn khẳng định bản thân mình, thể hiện mình
để người khác chú ý, tin tưởng.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu của trẻ em có HIV/AIDS về cơ bản cũng
giống như nhu cầu của những đứa trẻ bình thường khác. Trẻ cũng cần được
đáp ứng đầy đủ các nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ để có thể phát triển
bình thường về thể chất, trí tuệ cũng như tâm lý. Xét trên khía cạnh tâm sinh
lý thì trẻ em có HIV/AIDS lẽ ra là đối tượng cần được quan tâm đáp ứng nhu
cầu hơn những đứa trẻ bình thường, nhưng trên thực tế thì việc này còn gặp
rất nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức, cũng như nhiều thời gian hơn nữa.

(Nguồn: />1.2. Lý luận về vai trò của nhân viên công tác xã hội

1.2.1. Khái niệm “Nhân viên xã hội” (hay “Nhân viên công tác xã
hội”)
Theo “Nghề Công tác xã hội – nền tảng, triết lý và kiến thức” (Gina
A.Yap, Joel C.Cam, Bùi Thị Xuân Mai), thì: NVCTXH là người được đào tạo
công tác xã hội (có bằng đại học hay thạc sĩ), sử dụng kiến thức và kỹ năng để
cung cấp các dịch vụ xã hội cho các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng, tổ
chức hay xã hội. Nhân viên xã hội giúp con người tăng cường năng lực đối
phó và giải quyết vấn đề, và giúp họ tìm kiếm được các nguồn trợ giúp cần
thiết, tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các cá nhân và giữa con người với
môi trường xung quanh họ, làm cho các tổ chức có trách nhiệm với con người
và tác động đến chính sách xã hội [09, tr.46].

18


Tuy nhiên, ở Việt Nam, NVCTXH được quy định là có bằng trung cấp
về CTXH hay các ngành liên quan gần [09, tr.46].
1.2.2. Vai trò của nhân viên công tác xã hội
Vai trò của CTXH là can thiệp vào cuộc sống của cá nhân, gia đình,
nhóm người có cùng vấn đề, cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm hỗ trợ
thân chủ đạt được sự thay đổi về mặt xã hội, giải quyết các vấn đề trong các
mối quan hệ với con người và để nâng cao an sinh xã hội.
Để đạt được điều này, ngành CTXH phải thực hiện các nhiệm vụ tham
vấn, trị liệu, giáo dục, thương lượng, hoà giải, hỗ trợ, hoạch định và nghiên
cứu. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà NVCTXH sẽ phối hợp thực
hiện các nhiệm vụ trên cũng như chọn phương pháp thực hiện phù hợp.
Nói cách khác, khi NVCTXH ở những vị trí khác nhau thì vai trò và
các hoạt động của họ cũng rất khác nhau, tùy theo chức năng và nhóm đối
tượng mà họ làm việc
Theo quan điểm của Feyerico (1973), NVCTXH có những vai trò sau

[09, tr.47]:
- Vai trò là người vận động nguồn lực: là người trợ giúp thân chủ (cá
nhân, gia đình, cộng đồng,..) tìm kiếm nguồn lực (nội lực, ngoại lực) cho việc
giải quyết vấn đề. Nguồn lực có thể bao gồm về con người, về cơ sở vật chất,
về tài chính, kỹ thuật, thông tin, sự ủng hộ về chính sách, chính trị và quan
điểm,…
- Vai trò là người kết nối – còn gọi là trung gian: NVCTXH là người có
được những thông tin về các dịch vụ, chính sách và giới thiệu cho thân chủ
các chính sách, dịch vụ, nguồn tài nguyên đang sẵn có từ các cá nhân, cơ
quan, tổ chức, để họ tiếp cận với những nguồn lực, chính sách, tài chính, kỹ
thuật, để có thêm sức mạnh trong giải quyết vấn đề.
- Vai trò là người biện hộ: là người bảo vệ quyền lợi cho thân chủ để họ
được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ, đặc biệt trong

19


những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ, chính sách lẽ ra họ được
hưởng.
- Vai trò là người vận động/hoạt động xã hội: là nhà vận động xã hội, tổ
chức các hoạt động xã hội để biện hộ, bảo vệ quyền lợi thân chủ, cổ vũ tuyên
truyền.
- Vai trò là người giáo dục: là người cung cấp kiến thức, kỹ năng liên
quan tới vấn đề họ cần giải quyết, nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình,
nhóm hay cộng đồng qua tập huấn, giáo dục cộng đồng để họ có hiểu biết, tự
tin và tự nhìn nhận vấn đề, đánh giá vấn đề, phân tích và tìm kiếm nguồn lực
cho vấn đề cần giải quyết.
- Vai trò là người tạo sự thay đổi: NVCTXH được xem như người tạo
ra sự thay đổi cho cá nhân, giúp họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi tiêu
cực, hướng tới những suy nghĩ và hành vi tích cực.

- Vai trò là người tư vấn: NVCTXH tham gia như người cung cấp
thông tin tư vấn cho các thân chủ cần có những thông tin như thông tin về
chăm sóc sức khoẻ sinh sản, thông tin về bảo vệ môi trường, dinh dưỡng cho
trẻ nhỏ hay người cao tuổi.
- Vai trò là người tham vấn: NVCTXH trợ giúp gia đình và cá nhân tự
mình xem xét vấn đề và tự thay đổi.
- Vai trò là người trợ giúp xây dựng và thực hiện kế hoạch cộng đồng:
trên cơ sở nhu cầu của cộng đồng đã được cộng đồng xác định, NVCTXH
giúp cộng đồng xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện,
hoàn cảnh, tiềm năng của cộng đồng để giải quyết vấn đề của cộng đồng.
- Vai trò là người chăm sóc, người trợ giúp: NVCTXH còn được xem
như người cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho những cá nhân, gia đình không
có khả năng tự đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của mình và giải quyết vấn đề.

20


- Vai trò là người xử lý dữ liệu: với vai trò này, NVCTXH nhiều khi
phải nghiên cứu, thu thập thông tin và phân tích thông tin. Trên cơ sở đó, tư
vấn cho thân chủ để họ đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Vai trò là người quản lý hành chính: NVCTXH khi này thực hiện
những công việc cần thiết cho việc quản lý các hoạt động, chương trình, lên
kế hoạch và triển khai kế hoạch, chương trình phục vụ cho cá nhân, gia đình
và cộng đồng.
- Người tìm hiểu, khám phá cộng đồng: NVCTXH đi vào cộng đồng để
xác định vấn đề của cộng đồng, để đưa ra những kế hoạch trợ giúp, theo dõi,
giới thiệu chuyển giao những dịch vụ cần thiết cho các nhóm thân chủ trong
cộng đồng.
1.2.3. Vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với trẻ có HIV/AIDS
Từ cơ sở phân tích đặc điểm tâm sinh lý – xã hội, nhu cầu của trẻ

HIV/AIDS và lý luận về vai trò của NVCTXH, thấy rằng NVCTXH đòi hỏi
phải là những người có kiến thức, kỹ năng về hoạt động CTXH. Đối với trẻ
có HIV/AIDS, vai trò của NVCTXH tập trung nhất ở các hoạt động như: là
cầu nối giữa trẻ với các nguồn lực hỗ trợ của xã hội, là người có trách nhiệm
vận động, tìm kiếm và kết nối, giới thiệu các dịch vụ trợ giúp về CTXH nhằm
đạt hiệu quả tối đa nguồn lực hỗ trợ cho trẻ. NVCTXH có vai trò to lớn trong
hoạt động tư vấn, giáo dục, trợ giúp chăm sóc, tư vấn, tham vấn, biện hộ, vận
động xã hội, tạo sự thay đổi đối với trẻ có HIV/AIDS. Việc triển khai thực
hiện các hoạt động CTXH đối với trẻ HIV/AIDS có kết quả như thế nào phụ
thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là việc NVCTXH thực
hiện các vai trò của mình ở mức độ nào. NVCTXH là người trực tiếp đánh
giá, chẩn đoán những vấn đề của trẻ HIV/AIDS trong cuộc sống hàng ngày và
xây dựng kế hoạch tiến trình trợ giúp cụ thể. Vì vậy, nếu trình độ, năng lực
của NVCTXH yếu kém thì có thể đánh giá, nhận diện sai vấn đề của trẻ, dẫn
đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động hỗ trợ trẻ kém hiệu quả.

21


Trong luận văn này, vai trò của NVCTXH đối với trẻ em có HIV/AIDS
sẽ được tập trung nghiên cứu ở các vị trí: là người kết nối nguồn lực; người
giáo dục; người chăm sóc, trợ giúp; và là người tạo sự thay đổi.
1.2.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của
NVCTXH đối với trẻ HIV/AIDS
1.2.4.1. Các yếu tố thuận lợi: môi trường làm việc thuận lợi, có chính
sách thu hút đối với NVCTXH; nhận thức đầy đủ và sự quan tâm đúng mức
của các nhà quản lý đối với nghề CTXH và vai trò của NVCTXH; NVCTXH
yêu nghề, luôn có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn; có nhiều
hơn chính sách ưu tiên, phù hợp với trẻ có HIV/AIDS; trẻ có HIV/AIDS đáp
ứng tốt các dịch vụ CTXH được cung cấp. Các yếu tố trên có tác dụng thúc

đẩy tích cực đến việc thực hiện và nâng cao vai trò của NVCTXH.
1.2.4.2. Các yếu tố rào cản: có tác dụng làm cản trở, hạn chế việc thực
hiện và nâng cao vai trò của NVCTXH, bao gồm các yếu tố: phương pháp, kỹ
năng làm việc của NVCTXH chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chính sách đãi
ngộ đối với NVCTXH chưa thu hút; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận
thức của NVCTXH còn hạn chế; nhân sự không ổn định, thiếu cả chất và
lượng; thiếu sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ các NVCTXH.
1.3. Cơ sở pháp lý liên quan đến chính sách đối với trẻ em có
HIV/AIDS và nhân viên công tác xã hội
1.3.1. Những văn bản liên quan đến trẻ em HIV/AIDS
Hiện nay, đã có những chính sách, quy định đối với trẻ em có
HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương, cụ thể như sau:
* Cấp Trung ương:
Các nội dung của chính sách được tập trung ở các mặt: quản lý nhà
nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; cung cấp
thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo

22


×