Vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Tư pháp địa phương
trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Hiện nay, cơ quan Thi hành án dân sự đã được tổ chức theo hệ thống dọc từ
Trung ương xuống địa phương, cụ thể ở Trung ương Bộ Tư pháp chịu trách
nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thi hành án
dân sự và cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục
Thi hành án dân sự) giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công
tác thi hành án dân sự và thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án
dân sự theo quy định của Chính phủ (Điều 167 Luật Thi hành án dân sự). Ở
cấp tỉnh, cấp huyện thì Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân
sự có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện một số trách
nhiệm, quyền hạn trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định của Luật
Thi hành án dân sự (khoản 6 Điều 14 và khoản 6 Điều 16 Luật Thi hành án
dân sự). Tuy vậy, các cơ quan Tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư
pháp và Ban Tư pháp xã) vẫn có một vai trò quan trọng nhất định đối với
công tác thi hành án dân sự. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập
một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án
dân sự và cơ chế phối hợp giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan
Thi hành án dân sự.
1. Bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp đặc biệt
Theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì một trong
các tiêu chuẩn bắt buộc để được bổ nhiệm làm Chấp hành viên đó là phải qua
kỳ thi và trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên ở các ngạch tương ứng.
Quy định này là một bước triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ
Chính trị: “Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm
vào các chức danh tư pháp”. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Chấp hành viên trong
thời gian trước mắt cũng có trường hợp ngoại lệ, cụ thể Mục 3 Nghị quyết số
24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành
án dân sự đã quy định: “Để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức
làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong
giai đoạn hiện nay, giao Chính phủ quy định những cơ quan Thi hành án dân
sự cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân
luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ
ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành”.
Thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày
09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ
quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự quy
định đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp làm thành viên Hội đồng tuyển chọn
Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự. Hội đồng tuyển chọn Chấp
hành viên cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn: Tuyển chọn
người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và
của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP làm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành
viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ
nhiệm; xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Chấp hành
viên cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đối với những trường hợp quy
định tại Điều 19 Luật Thi hành án dân sự.
2. Chỉ đạo thi hành án dân sự
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự rất cần có sự hợp tác, phối
hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó Ủy ban nhân dân theo
quy định của Luật Thi hành án dân sự có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều 13
Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự
trên địa bàn thực thi chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự; chỉ đạo các
cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự để
thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án
dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ
chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh,
chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ
quan Thi hành án dân sự cùng cấp. Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
cấp huyện và các cơ quan Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự thể hiện
thông qua việc thực hiện các chức năng của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân
sự. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân
dân quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 173; Khoản 1, Khoản 2 Điều 174
Luật Thi hành án dân sự và Điều 13 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày
09/09/2009 của Chính phủ theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án
dân sự cùng cấp, bao gồm: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có
liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng
chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật
tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan Thi
hành án dân sự cùng cấp.
Để giúp Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực thi hành án dân
sự, đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp có trách nhiệm tham gia làm Ủy viên
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLTBTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 giữa Bộ Tư pháp,
Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thì
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn theo chức năng, cụ thể: i) Xây dựng dự thảo chương trình, kế
hoạch của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các
cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng
chế thi hành án dân sự, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. ii) Giúp
Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo
của Ủy ban nhân dân về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên
quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án
dân sự. iii) Đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải
quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong chỉ đạo việc tổ
chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo
việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. iv) Tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan
với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân
sự. v) Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc
thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, ý kiến của Ủy ban
nhân dân về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi
hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. vi) Đề
nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập
thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
vii) Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời
đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản nêu trên, khi tham gia với tư cách
là Ủy viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, cùng với các thành viên khác
của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp có
các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: i) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban
Chỉ đạo Thi hành án dân sự. ii) Đề xuất biện pháp giải quyết những vướng
mắc, khó khăn trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan
trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân
sự theo quy định. Chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong các cuộc họp
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; trường hợp vượt quá thẩm quyền quyết
định, phải xin ý kiến của Thủ trưởng đơn vị và cũng phải chịu trách nhiệm
cá nhân về ý kiến đó. iii) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của ngành, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất chỉ đạo đối với
tập thể, cá nhân thuộc ngành, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi
hành án dân sự theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự.
iv) Cùng tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình xem xét, giải quyết các vấn
đề có liên quan đến chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan
trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân
sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số
14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011,
thuộc chức năng quản lý của ngành, đơn vị mình và truyền đạt ý kiến kết
luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tới ngành, đơn vị
mình để phối hợp thực hiện. v) Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra
việc thực hiện chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong
thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối
với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch số
14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 theo
quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. vi) Thực hiện các
nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự phân công.
3. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan Thi hành án dân
sự địa phương
Để tiếp tục giúp Ủy ban nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước
trong lĩnh vực tư pháp nói chung, lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng, ngày
27/8/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2153/QĐ-BTP
ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan Tư pháp và cơ quan Thi
hành án dân sự địa phương. Quy chế này đã quy định nguyên tắc phối hợp,
hình thức phối hợp, trách nhiệm phối hợp và nội dung phối hợp giữa Sở Tư
pháp với Cục Thi hành án dân sự; giữa Phòng Tư pháp với Chi cục Thi hành
án dân sự trên 11 lĩnh vực chủ yếu gồm: Thi đua, khen thưởng; báo cáo công
tác; kiểm tra thi hành án dân sự; xây dựng thể chế, chính sách thi hành án
dân sự; phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự; trợ
giúp pháp lý về thi hành án dân sự; bán đấu giá tài sản thi hành án; theo dõi
thi hành pháp luật về thi hành án dân sự; trao đổi, cung cấp thông tin; giao
ban định kỳ; tổng kết và triển khai công tác năm và các nội dung khác. Nội
dung cụ thể của cơ chế phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan Thi hành
án dân sự bao gồm:
a) Về nguyên tắc, hình thức phối hợp: Việc phối hợp giữa các cơ quan Tư
pháp và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được thực hiện theo nguyên
tắc bình đẳng, trách nhiệm. Cơ quan Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự
phải chủ động thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời; khuyến khích trao
đổi, phối hợp đối với những vấn đề khác có liên quan nhằm thực hiện tốt
chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Việc
phối hợp giữa hai hệ thống cơ quan này phải bảo đảm bảo mật thông tin theo
quy định của pháp luật. Việc phối hợp được thực hiện theo các hình thức cơ
quan chủ trì gửi lấy ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan phối hợp, tổ chức
cuộc họp, giao ban định kỳ, cử người tham gia trực tiếp và trao đổi qua thư
điện tử, điện thoại và các hình thức khác.
b) Trách nhiệm phối hợp: Khi nhận được văn bản gửi lấy ý kiến hoặc đề
nghị của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến
bằng văn bản theo yêu cầu về thời hạn, nội dung xin ý kiến của cơ quan chủ
trì và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời. Trường hợp còn thiếu hồ sơ, cơ
quan chủ trì có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu cần thiết cho cơ quan phối
hợp. Trường hợp việc phối hợp được thực hiện thông qua cuộc họp thì cơ
quan phối hợp có trách nhiệm cử người có đủ thẩm quyền dự họp và chịu
trách nhiệm về ý kiến của người được cử tham dự họp. Trường hợp cơ quan
chủ trì đề nghị cử người tham gia trực tiếp vào các Tổ biên tập, Đoàn thanh
tra, kiểm tra hoặc hình thức khác, thì cơ quan phối hợp có trách nhiệm cử
người có đủ thẩm quyền tham gia và chịu trách nhiệm về quyết định cử
người của mình. Cơ quan Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn tham gia hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự thực
hiện các công việc cần thiết có liên quan đến thi hành án dân sự.
c) Nội dung phối hợp:
Một là, về công tác Thi đua khen thưởng: Tùy từng trường hợp cụ thể, khi
có chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc của Bộ Tư pháp, cơ
quan Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp tổ
chức sơ kết, tổng kết chung về công tác thi đua, khen thưởng theo quy định.
Hai là, về báo cáo công tác: Chậm nhất là 10 ngày làm việc trước khi báo
cáo công tác thi hành án dân sự theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản gửi dự thảo Báo
cáo đến cơ quan Tư pháp để tham gia ý kiến. Trong thời hạn 05 ngày làm
việc kể từ khi nhận được dự thảo báo cáo, cơ quan Tư pháp tham gia ý kiến
và gửi lại cho cơ quan Thi hành án dân sự. Hết thời hạn nói trên, nếu cơ
quan Tư pháp không có ý kiến, coi như nhất trí với dự thảo báo cáo. Trong
trường hợp cần báo cáo gấp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp,
cơ quan Thi hành án dân sự mời đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp tham gia
họp, trực tiếp có ý kiến về các vấn đề quan trọng trong dự thảo báo cáo. Cơ
quan Tư pháp gửi báo cáo công tác năm cho cơ quan Thi hành án dân sự
cùng cấp để biết và ngược lại.
Ba là, về kiểm tra thi hành án dân sự: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể
từ ngày ra Kết luận kiểm tra công tác thi hành án ở địa phương theo yêu cầu
của Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật, cơ quan Thi hành án dân
sự gửi Kết luận kiểm tra cho cơ quan Tư pháp cùng cấp biết. Sở Tư pháp
giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đôn đốc việc thực hiện Kết luận và báo cáo
kết quả với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Bốn là, về xây dựng thể chế, chính sách thi hành án dân sự: Cơ quan Thi
hành án dân sự tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân mời đại diện cơ quan Tư pháp tham gia Tổ soạn thảo,
Tổ biên tập chỉ thị, đề án, chính sách về thi hành án dân sự tại địa phương
thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Cơ quan Tư pháp cử người tham gia Tổ
soạn thảo, Tổ biên tập và có ý kiến đối với dự thảo chỉ thị, đề án, chính sách
về thi hành án dân sự.
Năm là, về phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến thi hành án dân
sự: Chậm nhất là 10 ngày làm việc trước khi trình cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến
thi hành án dân sự, cơ quan Tư pháp gửi cơ quan Thi hành án dân sự tham
gia ý kiến. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo
chương trình, kế hoạch, cơ quan Thi hành án dân sự tham gia ý kiến bằng
văn bản và gửi về cơ quan Tư pháp. Hết thời hạn nói trên, nếu cơ quan Thi
hành án dân sự không có ý kiến, coi như nhất trí với dự thảo. Trong quá
trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Thi hành
án dân sự chủ động thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chương
trình, kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Sáu là, về trợ giúp pháp lý về thi hành án dân sự: Chậm nhất là 10 ngày làm
việc trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương
trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý liên quan đến công tác thi hành án dân sự,
cơ quan Tư pháp gửi cơ quan Thi hành án dân sự tham gia ý kiến. Trong
thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo chương trình, kế
hoạch nói trên, cơ quan Thi hành án dân sự tham gia ý kiến bằng văn bản và
gửi về cơ quan Tư pháp. Hết thời hạn nói trên, nếu cơ quan Thi hành án dân
sự không có ý kiến, coi như nhất trí với dự thảo. Cơ quan Thi hành án dân sự
có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện để công chức thi hành án dân sự
làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong thi hành án dân sự.
Bảy là, về bán đấu giá tài sản thi hành án: Chậm nhất là 10 ngày làm việc
trước khi ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản thi
hành án dân sự cho các tổ chức bán đấu giá tài sản trong phạm vi địa
phương, Sở Tư pháp gửi dự thảo văn bản hướng dẫn đến Cục Thi hành án
dân sự để tham gia ý kiến. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được dự thảo văn bản hướng dẫn nói trên, Cục Thi hành án dân sự tham gia
ý kiến bằng văn bản và gửi về Sở Tư pháp. Hết thời hạn nói trên, nếu Cục
Thi hành án dân sự không có ý kiến, coi như nhất trí với dự thảo.
Trong trường hợp phát sinh các vấn đề quan trọng hoặc các vụ việc lớn về
bán đấu giá tài sản thi hành án, cần phải thanh tra và xử lý vi phạm đối với
tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án trong phạm vi địa phương
theo thẩm quyền hoặc phải kiểm tra đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá
tài sản thi hành án theo định kỳ, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết,
Sở Tư pháp mời đại diện Cục Thi hành án dân sự tham gia Đoàn thanh tra,
Đoàn kiểm tra, mời đại diện Cục Thi hành án dân sự họp, bàn bạc, cho ý
kiến về các nội dung quan trọng. Trong trường hợp có vướng mắc hoặc phát
hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác bán đấu giá tài sản như kết
quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự
và bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự phối hợp kịp
thời giải quyết theo quy định pháp luật.
Tám là, về công tác theo dõi thi hành pháp luật về thi hành án dân
sự: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Thi hành án dân
sự có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Tư pháp theo quy định
của pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật. Trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Tư pháp kiến nghị, trao đổi về
những vấn đề liên quan đến vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách,
pháp luật thi hành án dân sự hoặc các hiện tượng vi phạm pháp luật trong thi
hành án dân sự.
Chín là, về việc trao đổi, cung cấp thông tin: Cơ quan Tư pháp mời đại diện
cơ quan Thi hành án dân sự tham dự các hội nghị chuyên đề hoặc các hội
nghị khác của cơ quan Tư pháp có nội dung liên quan đến công tác thi hành
án dân sự. Cơ quan Thi hành án dân sự mời đại diện cơ quan Tư pháp tham
dự các hội nghị chuyên đề hoặc các hội nghị khác của cơ quan Thi hành án
dân sự có nội dung liên quan đến công tác tư pháp. cơ quan Tư pháp cung
cấp cho cơ quan Thi hành án dân sự những thông tin thuộc trách nhiệm quản
lý của mình có liên quan đến thi hành án dân sự; chỉ đạo đơn vị trực thuộc
phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh tài sản thi
hành án, kê biên tài sản thi hành án và cung cấp các thông tin có liên quan
đến công chứng, chứng thực và giao dịch bảo đảm.
Mười là, về giao ban định kỳ: Định kỳ 3 tháng một lần, cơ quan Tư pháp và
cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị giao ban về công tác tư pháp và
công tác thi hành án dân sự. Khuyến khích cơ quan Tư pháp và cơ quan Thi
hành án dân sự tổ chức giao ban hàng tháng để trao đổi, hỗ trợ tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là đối với
công tác thi hành án dân sự.
Mười một là, về tổng kết và triển khai công tác năm: Tùy từng trường hợp
cụ thể, khi có chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc của Bộ
Tư pháp, cơ quan Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự
cùng cấp tổ chức tổng kết, triển khai công tác năm chung theo quy định.
Chậm nhất là 10 ngày làm việc trước khi trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp
phê duyệt chương trình, kế hoạch tổng kết và triển khai công tác năm quy
định tại Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 2153/QĐ-BTP ngày 27/8/2013, cơ
quan Tư pháp gửi cơ quan Thi hành án dân sự tham gia ý kiến. Trong thời
hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo chương trình, kế hoạch
nói trên, cơ quan Thi hành án dân sự tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi về
cơ quan Tư pháp. Hết thời hạn nói trên, nếu cơ quan Thi hành án dân sự
không có ý kiến, coi như nhất trí với dự thảo.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV
ngày 28/4/2009 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp
của Ủy ban nhân dân cấp xã thì Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp có nhiệm vụ tham mưu, giúp
Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công
tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn
bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v, trong đó có lĩnh
vực pháp luật về thi hành án dân sự như xây dựng, phối hợp xây dựng, thẩm
định, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp
dự thảo các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi thẩm
quyền của Ủy ban nhân dân trong lĩnh vực tư pháp; dự thảo quyết định, chỉ
thị thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về
quản lý công tác tư pháp ở địa phương, trong đó có các văn bản pháp luật về
thi hành án dân sự; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi
hành án dân sự, v.v.
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ban Tư pháp cấp xã giúp việc cho Ủy
ban nhân dân cấp xã và thực hiện sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của
các cơ quan Tư pháp cấp trên trong việc thực hiện các công việc về tư pháp
nói chung, trong đó lĩnh vực về thi hành án dân sự như tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về thi hành án dân sự; thực hiện việc niêm yết thông báo về
thi hành án dân sự; hỗ trợ, phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp
hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án; v.v.
Cùng là các cơ quan chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn
nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, cơ quan Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự
địa phương trong thời gian qua đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của
mỗi hệ thống theo quy định, hy vọng rằng với Quy chế phối hợp giữa hai hệ
thống cơ quan mới được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, trong thời gian tới
hiệu quả, chất lượng của công tác tư pháp nói chung, công tác thi hành án
dân sự nói riêng sẽ được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản
lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.
Nguyễn Văn Nghĩa