Tải bản đầy đủ (.pdf) (186 trang)

luận án đặc điểm LƯỢNG từ TIẾNG hán HIỆN đại TRONG sự đối CHIẾU với LOẠI từ TƯƠNG ĐƯƠNG TIẾNG VIỆT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.51 MB, 186 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----------

ĐỖ THỊ KIM CƯƠNG

ĐẶC ĐIỂM LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI
TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI LOẠI TỪ TƯƠNG ĐƯƠNG
TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam (Lí luận Ngôn ngữ)
Mã số: 62.22.01.02 (62.22.01.01)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn: GS.TS NGUYỄN VĂN KHANG

HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi dưới sự
hướng dẫn khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Khang. Các kết quả thu được
trong luận án là hoàn toàn trung thực, khách quan và không trùng lặp với bất kỳ
công trình nào đã công bố.

Tác giả

Đỗ Thị Kim Cương



LỜI CẢM ƠN
Trước hết tôi xin bày tỏ sự kính trọng và biết ơn sâu sắc đến GS.TS Nguyễn
Văn Khang, người Thầy kính mến đã trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình
thực hiện luận án. Thầy đã tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, tạo mọi điều kiện tốt nhất,
động viên để tôi có thể hoàn thành công việc nghiên cứu của mình.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô và bạn bè đồng môn trong Bộ môn
Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, cán bộ Phòng Sau đại học, Phòng Hợp tác Quốc tế,
trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các nhà khoa học đáng kính trong các Hội đồng
đánh giá luận án đã ủng hộ tích cực, giúp đỡ tận tình trong suốt thời gian học tập,
nghiên cứu để tôi có được kết quả hoạt động khoa học như ngày hôm nay.
Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các Thầy Cô và các bạn sinh viên Khoa
Tiếng Trung trường Đại học ngoại ngữ, ĐH Huế, các bạn lưu học sinh Trung Quốc
đã và đang học tập tại trường Đại học KHXH & NV (ĐHQG Hà Nội) và ĐHSP Hà
Nội, các sinh viên chuyên ngành tiếng Việt Nam, Khoa Ngữ văn Đông Nam Á,
trường Đại học Cao Hùng (Đài Loan)... đã nhiệt tình tham gia các bài khảo sát trực
tiếp cũng như trực tuyến, giúp tôi có được những kết quả tốt nhất để hoàn thành
luận án này.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bạn bè, đồng nghiệp những người đã giúp đỡ
tôi, sẻ chia với tôi không chỉ trong chuyên môn mà cả trong cuộc sống để tôi có
động lực, quyết tâm hoàn thành công việc nghiên cứu.
Lời cảm ơn cuối cùng, tôi muốn dành cho cha, cho mẹ, cho anh chị đã đùm
bọc, che chở, an ủi tôi, là điểm tựa lớn nhất của cuộc đời tôi trên mỗi bước đường,
nhất là thời gian tôi tập trung cho luận án.
Tôi vô cùng biết ơn chồng và hai con, những người luôn sát cánh, động viên,
dành hết mọi quan tâm cho tôi; nhất là các con đã chịu thiệt thòi, để tôi có đủ nghị
lực hoàn thành công trình này.
Tôi nhận thức rằng, mặc dù bản thân đã nỗ lực cố gắng để hoàn thiện luận
án, nhưng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Tôi mong nhận được những ý kiến
đóng góp quí báu của quí Thầy Cô và đồng nghiệp, xin chân thành cảm ơn.

Hà Nội, ngày....... tháng 03 năm 2017

Đỗ Thị Kim Cương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
1. Lí do chọn đề tài .................................................................................................. 1
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án ....................................................................... 2
3. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 3
4. Đối tượng, phạm vi và nguồn tư liệu nghiên cứu ................................................ 4
5. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án ............................................................... 6
6. Bố cục của luận án ............................................................................................... 7
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN.... 8
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................................... 8
1.1.1. Tình hình nghiên cứu về lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt ............... 8
1.1.2. Nghiên cứu đối chiếu lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt ................. 15
1.2. CƠ SỞ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ............................. 18
1.2.1. Khái quát về loại từ trong các ngôn ngữ trên thế giới................................ 18
1.2.2. Khái quát về lượng từ trong Hán ngữ học và loại từ trong Việt ngữ học ... 24
1.2.3. Quan điểm của luận án về lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt........... 32
1.2.4. Một số vấn đề về ngôn ngữ học đối chiếu ................................................. 35
1.3. TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 ................................................................................. 39
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN (ĐỐI
CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT) ................................................................................ 41
2.1. GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU............................................................................. 41
2.2. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA DANH LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN (ĐỐI
CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT) .................................................................................... 41
2.2.1. Quan niệm về nghĩa của danh lượng từ tiếng Hán..................................... 41
2.2.2. Tiêu chí nhận diện nghĩa của danh lượng từ tiếng Hán ............................. 42

2.2.3. Phạm trù ngữ nghĩa của danh lượng từ tiếng Hán (đối chiếu với tiếng Việt).... 44
2.3. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN (ĐỐI
CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT) .................................................................................... 64
2.3.1. Quan niệm về nghĩa của động lượng từ tiếng Hán .................................... 64


2.3.2. Tiêu chí nhận diện nghĩa của động lượng từ tiếng Hán ............................. 65
2.3.3. Cấu trúc nghĩa của động lượng từ tiếng Hán ............................................. 67
2.4. TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 ................................................................................. 72
CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGỮ PHÁP CỦA LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN (ĐỐI
CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT) ................................................................................ 74
3.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA LƯỢNG TỪ TRONG DANH NGỮ TIẾNG HÁN (ĐỐI
CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT) ................................................................................... 74
3.1.1. Khái niệm chung về danh ngữ .................................................................. 74
3.1.2. Vị trí của lượng từ trong danh ngữ tiếng Hán (đối chiếu với tiếng Việt) ... 76
3.1.3. Khả năng kết hợp của lượng từ tiếng Hán (đối chiếu với tiếng Việt) ......... 82
3.2. ĐẶC ĐIỂM CỦA LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN TRONG CÂU (ĐỐI CHIẾU
VỚI TIẾNG VIỆT) ............................................................................................... 94
3.2.1. Chức vụ cú pháp của danh lượng từ .......................................................... 94
3.2.2. Chức vụ cú pháp của động lượng từ.......................................................... 98
3.2.3. Một số trường hợp cú pháp đặc biệt .......................................................... 99
3.2.4. Hình thức lặp lượng từ ............................................................................ 101
3.3. TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 ............................................................................... 103
CHƯƠNG 4. ỨNG DỤNG THỰC TẾ: KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SỬ DỤNG
LƯỢNG TỪ CỦA NGƯỜI VIỆT HỌC TIẾNG HÁN VÀ LOẠI TỪ CỦA
NGƯỜI TRUNG QUỐC HỌC TIẾNG VIỆT.................................................. 105
4.1. KHÁI QUÁT VỀ LỖI VÀ PHÂN TÍCH LỖI ............................................... 106
4.1.1. Khái quát về lỗi sử dụng lượng từ/ loại từ ............................................... 106
4.1.2. Khái quát về phân tích lỗi sử dụng lượng từ/ loại từ ............................... 107
4.1.3. Đối tượng khảo sát và đối chiếu.............................................................. 109

4.1.4. Mục đích khảo sát và đối chiếu ............................................................... 109
4.2. KẾT QUẢ KHẢO SÁT LỖI SỬ DỤNG LƯỢNG TỪ VÀ LOẠI TỪ .......... 110
4.2.1. Kết quả khảo sát lỗi sử dụng loại từ tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc
...............................................................................................................110


4.2.2. Khảo sát lỗi sử dụng lượng từ tiếng Hán của sinh viên Việt Nam (trên các
loại văn bản viết) .............................................................................................. 114
4.2.3. Khảo sát lỗi sử dụng lượng từ tiếng Hán của sinh viên Việt Nam (bằng
bảng hỏi và trắc nghiệm online) ....................................................................... 123
4.3. BÀN LUẬN ................................................................................................. 134
4.3.1. Tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi................................................................ 134
4.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc mắc lỗi .............................................. 135
4.4. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC LỖI SỬ DỤNG LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN VÀ
LOẠI TỪ TIẾNG VIỆT ..................................................................................... 138
4.4.1. Về vấn đề khắc phục lỗi.......................................................................... 138
4.4.2. Đề xuất phương pháp sư phạm đối với việc dạy-học lượng từ/ loại từ .... 139
4.5. TIỂU KẾT CHƯƠNG 4 ............................................................................... 143
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 145
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ........................... 150
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................. 151
PHỤ LỤC


DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. Quá trình xuất hiện thuật ngữ lượng từ trước 1980 ........................ 10
Bảng 1.2. Quá trình sử dụng thuật ngữ lượng từ sau 1980 ............................. 11
Bảng 1.3. Hệ thống từ loại tiếng Hán hiện đại ............................................... 12
Bảng 1.4. Phân chia từ loại tiếng Việt theo tổ chức đoản ngữ ........................ 14
Bảng 1.5. Loại từ - một tiểu loại của danh từ đơn vị ...................................... 15

Bảng 1.6. Biểu thức có chứa loại từ............................................................... 19
Bảng 1.7. Phân chia lượng từ tiếng Hán ........................................................ 26
Bảng 1.8. Phân loại loại từ tiếng Việt ............................................................ 31
Bảng 2.1. Phạm trù ngữ nghĩa của lượng từ cá thể ........................................ 44
Bảng 2.2. Lượng từ 个 và loại từ tương đương trong tiếng Việt .................... 46
Bảng 2.3. Đặc điểm sắc thái của loại từ chỉ người tiếng Việt......................... 48
Bảng 2.4. Nghĩa của loại từ chỉ bất động vật ................................................. 54
Bảng 4.1. Phân loại lỗi sử dụng loại từ tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc .... 110
Bảng 4.2. Tổng hợp thông tin khảo sát lỗi dùng lượng từ tiếng Hán ............ 115
Bảng 4.3. Kết quả khảo sát nguyên nhân mắc lỗi lượng từ tiếng Hán .......... 122
Bảng 4.4. Thống kê số lượng trả lời bảng hỏi và test on-line ....................... 123
Bảng 4.5. Nhóm lượng từ có tỉ lệ dùng đúng cao nhất ................................. 124
Bảng 4.6. Nhóm lượng từ có tỉ lệ dùng đúng thấp nhất và ít sử dụng .......... 125
Bảng 4.7. Nhóm lượng từ có tỉ lệ dùng đúng thấp, nhưng thường hay sử dụng.. 128


DANH MỤC HÌNH
Hình 1.1. Loại từ - công cụ phạm trù hóa danh từ ......................................... 21
Hình 1.2. Loại từ trong kết cấu đoản ngữ ...................................................... 27
Hình 1.3. Hệ thống lượng từ tiếng Hán.......................................................... 33
Hình 2.1. Đặc điểm nổi trội “把” ................................................................... 44
Hình 2.2. Lược đồ ngữ nghĩa của lượng từ 个 ge........................................... 45
Hình 2.3. Trật tự kết hợp 个 ge + danh từ ...................................................... 55
Hình 3.1. Cấu trúc danh ngữ cơ bản tiếng Việt (Thompson).......................... 75
Hình 3.2. Mô hình danh ngữ tiếng Việt có hai trung tâm ............................... 75
Hình 3.3. Vị trí của lượng từ trong danh ngữ tiếng Hán................................. 77
Hình 3.4. Thay đổi vị trí các thành tố trong DN............................................. 78
Hình 3.5. Vị trí các định ngữ trong danh ngữ ................................................ 78
Hình 3.6. Kết cấu danh ngữ tiếng Việt .......................................................... 79
Hình 3.7. So sánh mô hình DN tiếng Hán và tiếng Việt................................. 80

Hình 3.8. Cấu trúc quan hệ giữa các thành tố trong danh ngữ tiếng Hán ....... 81
Hình 3.9. Cấu trúc quan hệ giữa các thành tố trong danh ngữ tiếng Việt........ 81
Hình 3.10. Danh ngữ trống ............................................................................ 83
Hình 3.11. Kết cấu [số + lượng + danh] trong tiếng Hán ............................... 83
Hình 3.12. Kết cấu cụm định ngữ (CĐN) ...................................................... 92
Hình 3.13. Kết cấu danh ngữ mở rộng ........................................................... 92
Hình 4.1. Mối quan hệ trong thuyết phân tích lỗi ........................................ 106
Hình 4.2. Kết quả khảo sát lỗi loại từ tiếng Việt .......................................... 114
Hình 4.3. Kết quả khảo sát lỗi lượng từ tiếng Hán ....................................... 116
Hình 4.4. Nguyên nhân mắc lỗi lượng từ tiếng Hán..................................... 123


MỘT SỐ QUY ƯỚC TRÌNH BÀY TRONG LUẬN ÁN
1. Một số chữ viết tắt thường dùng:
Tiếng Việt
DT:

danh từ

ĐLT: động lượng từ

DN:

danh ngữ

LGN: lượng ngữ (cụm lượng từ)

ĐN:

định ngữ


TTN: trung tâm ngữ

ĐT:

đại từ chỉ thị

TPP: thành phần phụ

LT:

loại từ

ST:

số từ; CST: cụm số từ

CLT: cụm loại từ

TT:

tính từ (hình dung từ)

LGT: lượng từ

tr.:

trang

DLT: danh lượng từ


x.:

xin xem

Tiếng Anh
Att:

tính từ/ĐN trang trí

CL:

classifier/ loại từ

CLN: danh từ biệt loại

DemNum: đại từ chỉ thị
Num:

số từ

2. Một số kí hiệu khác:
Dấu / : hay, hoặc

Dấu  : có thể chuyển thành

Dấu +: có

Dấu ><: tương phản, đối lập


Dấu - : không

Dấu ≠ : khác nhau

* không chấp nhận (sai)


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Lượng từ trong tiếng Hán và loại từ trong tiếng Việt có những đặc điểm
mang tính đặc thù ngữ pháp-ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ. Vì thế, lượng từ trong
tiếng Hán và loại từ trong tiếng Việt đã được giới Hán ngữ học và Việt ngữ học quan
tâm nghiên cứu từ lâu. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, loại từ (tiếng Anh: classifier,
tiếng Pháp: classificateur, tiếng Nga: классификатор) - “một vấn đề lí thú nhất và
phức tạp nhất của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, được xếp riêng ra một phạm trù:
những ngôn ngữ có loại từ (classifier languages)”. Thuộc phạm trù “ngôn ngữ có loại
từ”, lượng từ trong tiếng Hán và loại từ trong tiếng Việt được coi là thành phần bắt
buộc nằm ở vị trí giữa số từ hoặc từ chỉ lượng và danh từ trong kết cấu danh ngữ.
1.2. Đến nay, đã có không ít những công trình nghiên cứu về lượng từ tiếng
Hán và loại từ tiếng Việt ở các bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Các nhà
ngôn ngữ học không dừng lại ở việc khảo sát, luận giải mà có xu hướng đúc kết
thành những phổ quát (universals) trong các ngôn ngữ tự nhiên để phân loại loại
hình ngôn ngữ dựa vào cấu trúc có chứa các đơn vị lượng từ hoặc loại từ. Tuy
nhiên, do tính chất phức tạp của lớp từ này mà đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề
chưa thống nhất trong giới nghiên cứu như về tên gọi, tiêu chí phân định, đặc điểm
ngữ pháp-ngữ nghĩa và cách sử dụng của chúng. Vì thế, thiết nghĩ, tiếp tục nghiên
cứu toàn diện hơn lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt sẽ góp phần làm sáng tỏ
thêm bản chất từ loại của lớp từ này trong lý thuyết ngôn ngữ học đại cương.

1.3. Về vấn đề nghiên cứu đối chiếu giữa lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng
Việt, đã có một số công trình và các bài viết nhỏ lẻ gần đây. Tuy vậy, để hiểu rõ
hơn bản chất của lượng từ và loại từ trong mỗi ngôn ngữ cũng như trong việc đối
dịch, cần thiết phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống. Nhằm
phân tích một cách hệ thống, dựa vào những đặc điểm tương đồng và khác biệt ẩn
chứa trong tầng sâu ngữ nghĩa phản ánh thế giới khách quan của mỗi cộng đồng bản
ngữ thông qua lớp từ loại đặc biệt này, luận án tập trung nghiên cứu đặc điểm của
lượng từ tiếng Hán hiện đại (trong sự đối chiếu với loại từ tương đương tiếng Việt).


2
Đề tài luận án mang tính đối chiếu theo hướng tiếp cận đa ngữ luận để phân tích các
hiện tượng từ vựng, ngữ pháp, cũng như cách sử dụng trong một ngôn ngữ này so
sánh với một ngôn ngữ khác (ở đây là tiếng Hán và tiếng Việt) đang được giới ngôn
ngữ học Việt Nam quan tâm.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích của luận án
Mục đích của luận án là làm rõ những đặc điểm cơ bản của lượng từ tiếng
Hán hiện đại biểu hiện trên bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp. Thông qua việc sử
dụng lượng từ tiếng Hán và các đơn vị tương đương ở tiếng Việt theo cách đa ngữ
luận, chúng tôi tập trung làm sáng tỏ hơn những đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp của
lớp từ này trong hai ngôn ngữ Hán và Việt được ngôn ngữ học thế giới gọi là
“classifier”.
2.2. Nhiệm vụ của luận án
Từ mục đích nói trên, luận án có các nhiệm vụ như sau:
(i) Tổng quan tình hình nghiên cứu về loại từ trên thế giới, trước hết là lượng
từ trong tiếng Hán và loại từ trong tiếng Việt, tập trung vào các quan điểm phân
định “lượng từ” và “loại từ”; hệ thống hóa một số vấn đề cơ bản về lí thuyết liên
quan đến đề tài, đưa ra những nhận xét phục vụ cho hướng nghiên cứu của luận án;
(ii) Mô tả và phân tích những đặc điểm ngữ nghĩa của lượng từ trong tiếng

Hán hiện đại có đối chiếu với loại từ tương đương trong tiếng Việt;
(iii) Phân tích những đặc điểm ngữ pháp của lượng từ tiếng Hán hiện đại
trong sự đối chiếu với loại từ tương đương tiếng Việt;
(iv) Ứng dụng thực tế: khảo sát lỗi sử dụng lượng từ tiếng Hán của người Việt
học tiếng Trung Quốc và lỗi sử dụng loại từ tiếng Việt của người Trung Quốc học tiếng
Việt; đề xuất hướng khắc phục lỗi sử dụng lượng từ trong tiếng Hán và loại từ trong
tiếng Việt, đồng thời minh họa cho những đặc điểm ngữ nghĩa - ngữ pháp của lớp từ này
trong ngôn ngữ đang bàn.


3
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đề tài, các phương pháp và thủ pháp
sau đây được sử dụng và kết hợp sử dụng:
3.1. Phương pháp miêu tả
Phương pháp miêu tả xem xét ngôn ngữ như một cấu trúc hệ thống ở các
bình diện, cấp độ và thuộc tính của các đơn vị ngôn ngữ theo quan điểm ngữ học.
Việc miêu tả các đơn vị ngôn ngữ được tiến hành thông qua khảo sát kết hợp với
quan sát trực tiếp do người nghiên cứu thực hiện.
Phương pháp miêu tả được hỗ trợ bởi các thủ pháp như sau:
(i) Thủ pháp phân tích nghĩa tố
Phân tích nghĩa tố (phân tích thành tố nghĩa) là việc xem xét cơ cấu nghĩa của từ
để xác định trường nghĩa và nét nghĩa được sắp xếp theo các trục quan hệ. Như vậy,
thủ pháp phân tích nghĩa tố sẽ xem xét “từ” ở các trường từ vựng trong các mối quan
hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố tạo nghĩa. Phân tích nghĩa tố được ứng dụng để thực
hiện toàn bộ nội dung Chương 2 và một phần Chương 3 của luận án.
(ii) Thủ pháp phân tích phân bố
Đây là thủ pháp đắc lực cho việc nghiên cứu tiếng Hán và tiếng Việt - những
ngôn ngữ cùng loại hình không có đặc trưng hình thái học thực sự. Muốn biết được
đặc điểm ngữ pháp của lượng từ hay từ loại nói chung của tiếng Hán và tiếng Việt,

chúng ta phải xem xét trên bình diện khả năng kết hợp và khả năng đảm nhận các
chức vụ cú pháp. Có thể nói, “từ” được đặt (phân bố) trên trục ngữ đoạn để xem xét;
thủ pháp phân tích phân bố được sử dụng để thực hiện Chương 3 của luận án.
(iii) Thủ pháp thống kê và phân loại
Thủ pháp này được sử dụng đồng thời với các phương pháp nghiên cứu
chính và thủ pháp khác trong quá trình thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu phục vụ
cho đề tài. Thống kê và phân loại các số liệu và hiện tượng ngôn ngữ và các biến
thể của hiện tượng (các nhóm và tiểu nhóm lượng từ và loại từ) được trình bày ở
các dạng thức biểu bảng, hình và biểu đồ minh họa bổ sung cho các phần biện giải.


4
Thủ pháp thống kê và phân loại giúp tập hợp các biểu thức ngôn ngữ có chứa
lượng từ trong tiếng Hán và loại từ tiếng Việt, làm cơ sở để so sánh (về số liệu)
những đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, góp phần tạo nên bức tranh
tổng thể và toàn diện về lớp từ này.
Ngoài ra, trong luận án này, phương pháp miêu tả được ứng dụng để thực
hiện Chương 4 (khảo sát lỗi sử dụng lượng từ và loại từ) và một số phần liên quan
để miêu tả các đặc trưng ngữ nghĩa và ngữ pháp của các biểu thức có chứa lượng từ/
loại từ.
3.2 . Phương pháp đối chiếu
Phương pháp đối chiếu là nhằm so sánh cái này với một cái khác, thường
được lấy làm chuẩn nhằm tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau, từ đó biết rõ
hơn đặc trưng của những cái được so sánh. Như vậy, đối chiếu cũng là so sánh,
nhưng là so sánh giữa hai đối tượng trong đó có một đối tượng được lấy làm chuẩn.
Trong các nghiên cứu đối chiếu lượng từ tiếng Hán và loại từ tương đương tiếng
Việt, lượng từ tiếng Hán được lấy làm chuẩn để đối chiếu, loại từ tương đương
tiếng Việt là đối tượng để đối chiếu.
Phương pháp nghiên cứu đối chiếu có thể được thực hiện qua các bước như
miêu tả, xác định đối tượng, phân tích đối chiếu và theo các cách tiếp cận như

nghiên cứu đối chiếu một chiều hay nghiên cứu đối chiếu hai/ đa chiều. Nghiên cứu
đối chiếu một chiều xem xét ý nghĩa của một phạm trù (X) nào đó trong ngôn ngữ
này (A) và xác định những phạm trù (Y) biểu hiện ý nghĩa tương ứng trong ngôn
ngữ khác (B); bắt đầu từ việc miêu tả các hình thức trong ngôn ngữ A rồi đối chiếu
với những cái tương đương trong ngôn ngữ B; hoặc ngược lại, bắt đầu từ ngôn ngữ
B rồi đối chiếu với những tương đương trong ngôn ngữ A. Luận án chọn cách tiếp
cận đa ngữ luận để chứng minh cho những đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp của lớp từ
được gọi là “classifier” trong ngữ học thế giới.
4. Đối tượng, phạm vi và nguồn tư liệu nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: lượng từ trong tiếng Hán hiện đại đối chiếu với loại từ


5
tương đương trong tiếng Việt.
Phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ giới hạn trong danh sách các lượng từ
đích thực: lượng từ cá thể (thành phần chủ yếu của danh lượng từ); động lượng từ
(nhóm ĐLT có chức năng tu sức cho danh từ) tiếng Hán. Những lượng từ chỉ số
không có chức năng phân loại, hoặc có ranh giới không rõ ràng, không thuộc phạm
vi nghiên cứu của đề tài này.
Tư liệu được sử dụng trong đề tài gồm 3 nguồn chính, như sau:
1) Nguồn từ điển:
Nguồn từ điển được thống kê theo danh mục gồm có:
1. 陈保存等 (1988), 《汉语量词词典》, 福州:福建人民出版社.
2. 郭先诊 (2002), 《现代汉语量词用法词典》, 北京:语文出版社.
3. 刘学武, 邓崇谟(1989), 《现代汉语名词量词搭配词典》, 杭州:浙江教育出版社.
4. 吕叔湘 (1999), 《现代汉语八百词》(增订本), 北京:商务印书馆.
5. 殷焕光,何平(1991), 《现代汉语常用量词词典》, 济南:山东大学出版社.
6. 刘子平 (2013), 《汉语量词大词典》, 出 版 社: 上海辞书出版社
7. 黄居仁,陈克健,赖庆雄(1999), 《国语日报量词典》国语日报社
Trong danh mục từ điển kể trên, cuốn 汉语量词大词典 (Đại từ điển lượng

từ tiếng Hán) của tác giả 刘子平 (Lưu Tử Bình), Nhà xuất bản Từ thư Thượng Hải,
tháng 10/ 2013 được luận án khai thác triệt để, đồng thời là nguồn tư liệu chính.
2) Nguồn tài liệu viết:
Các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc: “Báu vật của đời” của Mạc
Ngôn 莫言著《丰乳肥臀》中国工人出版社 2003 年. (bản dịch của Trần Đình
Hiến, Nhà xuất bản Văn học) và một số tác phẩm tiêu biểu khác.
Một số tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại như: “Mùa lá rụng trong vườn”
(MLRTV) của Ma Văn Kháng, ...
Một số trích dẫn từ các trang mạng internet của Việt Nam và Trung Quốc.
Giáo trình Hán ngữ Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp, Nhà xuất bản Đại học Ngôn


6
ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Trung Quốc; một số tài liệu được khai thác trên các
trang báo điện tử của Trung Quốc và Đài Loan, như: hppt//www.wenku.baidu.com;
hppt//www.baike.baidu.com; hppt//www.cnki.cn.
3) Nguồn dữ liệu khảo sát (ứng dụng thực tế):
Các dữ liệu khảo sát “lỗi sử dụng loại từ” (người Trung Quốc học tiếng Việt)
và “lỗi sử dụng lượng từ” (người Việt học tiếng Trung Quốc) là nguồn dữ liệu phục
vụ cho đối tượng nghiên cứu trong Chương 4, gồm có:
Bài làm của sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt (đại học ở Việt Nam);
Bài làm của sinh viên Việt Nam học tiếng Hán (các Khoa tiếng Trung Quốc,
đại học ở Việt Nam);
Bài khảo sát “lượng từ” qua mạng (surveymonkey).
5. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
5.1. Ý nghĩa lí luận
Kết quả của luận án sẽ góp phần nghiên cứu loại hình học ngôn ngữ nói
chung và nghiên cứu lượng từ tiếng Hán, loại từ tiếng Việt nói riêng. Cụ thể là
nghiên cứu ngôn ngữ trên bình diện đa ngữ luận với những đặc điểm cấu trúc - hệ
thống và chức năng - hệ thống của lượng từ/loại từ trong các ngôn ngữ khác nhau

dựa trên những kết cấu có chứa lượng/ loại từ. Hướng tiếp cận của đề tài đang được
giới ngữ học quan tâm.
5.2. Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài có ý nghĩa thực tiễn vì đây là một nghiên cứu chuyên sâu góp phần
làm rõ một giá trị xác lập: một loại giá trị ngữ pháp vốn cần được phân tích, củng cố
qua tư liệu thực tế trong hai ngôn ngữ, tiếng Hán và tiếng Việt. Các kết quả nghiên
cứu có giá trị ứng dụng trong việc chuyển ngữ Hán-Việt và ngược lại; đồng thời có
đóng góp thiết thực cho việc dạy tiếng thực hành thông qua phân tích so sánh, đặc
biệt là việc khắc phục “lỗi sử dụng lượng từ” đối với người Việt học tiếng Hán và
ngược lại. Hiểu thấu đáo các đặc điểm về ngữ nghĩa, ngữ pháp của lượng từ sẽ giúp
người dạy cũng như người học có phương pháp dạy - học tiếng Hán hiệu quả hơn.


7
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm
có 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận
Hệ thống hoá và phân tích các kết quả nghiên cứu về loại từ, các quan niệm
về lượng từ trong tiếng Hán, có liên hệ với loại từ trong tiếng Việt. Từ đó, đưa ra
quan điểm của luận án về lượng từ/ loại từ và giới hạn đối tượng nghiên cứu.
Chương 2: Đặc điểm ngữ nghĩa của lượng từ tiếng Hán (đối chiếu với tiếng Việt)
Nhóm lượng từ cá thể (thuộc danh lượng từ) tiếng Hán được lựa chọn khảo sát
dựa trên các tiêu chí nhận diện nghĩa và được phân loại theo phạm trù. Động lượng từ
được xem xét dựa trên ý nghĩa sử dụng.
Chương 3: Đặc điểm ngữ pháp của lượng từ tiếng Hán (đối chiếu với tiếng Việt)
Ở bình diện ngữ pháp, lượng từ trong tiếng Hán được xem xét từ góc độ khả năng
kết hợp và cương vị cú pháp. Danh lượng từ và động lượng từ được khảo sát trực tiếp
trong kết cấu đoản ngữ và ở cấp độ câu.
Chương 4: Ứng dụng thực tế: khảo sát lỗi sử dụng lượng từ của người Việt

học tiếng Hán và loại từ của người Trung Quốc học tiếng Việt
Vận dụng kết quả nghiên cứu ở Chương 2 và Chương 3, trong Chương 4
chúng tôi tiến hành khảo sát lỗi sử dụng lượng từ trong tiếng Hán và loại từ trong
tiếng Việt. Đồng thời, chúng tôi phân tích các nguyên nhân mắc lỗi và đưa ra các
giải pháp khắc phục.


8
CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1.1. Tình hình nghiên cứu về lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt
1.1.1.1. Lượng từ trong từ loại tiếng Hán
Lượng từ được biết đến như một nội dung quan trọng trong lịch sử nghiên
cứu tiếng Hán gắn liền với quá trình phát triển hệ thống ngữ pháp, trước hết là hệ
thống từ loại của ngôn ngữ này. Trên cơ sở lí luận và hệ thống ngữ pháp phương
Tây truyền thống, Mã Kiến Trung (马建忠) lần đầu tiên (năm 1898) đã xây dựng hệ
thống ngữ pháp tiếng Hán với tác phẩm nổi tiếng Mã Thị Văn Thông (马氏文通)
[73]. Từ Mã Thị Văn Thông đến nay, quá trình nghiên cứu về từ loại tiếng Hán hiện
đại có thể được chia thành hai giai đoạn chính: (i) giai đoạn trước những năm 1980,
và (ii) giai đoạn từ sau những năm 1980 đến nay.
Trong giai đoạn trước những năm 80 của thế kỷ XX, các cuộc tranh luận về
vấn đề từ loại tiếng Hán chủ yếu xoay quanh các vấn đề: khả năng và tiêu chí phân
loại “từ”. Theo Mã Kiến Trung [73], Lê Cẩm Hy (黎锦熙) [78], việc phân định từ
loại dựa trên tiêu chí nghĩa của từ, nhưng hầu hết từ trong tiếng Hán là từ đa nghĩa,
vậy, căn cứ vào nghĩa nào để phân loại? Vì thế, “自无定义,故无定类” (không xác

định được nghĩa của từ, nên không phân loại được). Theo Cao Danh Khải (高名凯)
[75], “từ” trong tiếng Hán không thể phân loại được, bởi vì tiêu chí phân loại từ
phải dựa trên sự biến đổi hình thái của nó, trong khi đó tiếng Hán là ngôn ngữ
không biến hình (语法理论 “Ngữ pháp lí luận”). Trần Vọng Đạo (陈望道) [72] cho
rằng, việc phân định từ loại có thể dựa trên tiêu chí chức năng; tiêu chí chức năng
giới hạn ở sự tham gia của từ trong thành phần câu và trong tổ chức đoản ngữ, hoặc
cả hai. Kế thừa quan điểm của các bậc tiền bối, Quách Nhược (郭锐) [70] trong
cuốn “Nghiên cứu từ loại tiếng Hán hiện đại” chỉ ra rằng: tiêu chí phân định từ loại
là dựa vào ngữ nghĩa, trong đó bao gồm cả nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp. Lã
Thúc Tương (吕叔湘) [52] cho rằng, phân định từ loại phải căn cứ các tiêu chí gồm


9
cả ngữ nghĩa và chức năng: ngữ nghĩa là tiêu chí để phân định thực từ (实词), chức
năng là tiêu chí để phân định hư từ (虚词). Chu Đức Hy (朱德熙) [55] nhấn mạnh:
phân định từ loại không thể dựa vào hình thái mà chỉ có thể dựa vào chức năng ngữ
pháp. Trong giai đoạn này, hầu hết các học giả đều căn cứ vào phạm trù từ vựng ngữ pháp để phân định từ loại tiếng Hán thành 10 loại: danh từ, đại từ, số từ, lượng
từ, hình dung từ, động từ, phó từ, liên từ, trợ từ, tượng thanh từ.
Đồng thời với việc phân định từ loại nói chung, vấn đề tên gọi (thuật ngữ) của
lượng từ cũng được bàn luận trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp nổi tiếng. Mã
Kiến Trung trong Mã Thị Văn Thông sử dụng thuật ngữ 别称 (đơn vị biệt xưng) để
chỉ những từ ngữ dùng đo đếm sự vật. Vương Lực [60] đề xuất thuật ngữ 单位名词
(danh từ đơn vị) thay cho 别称 và coi lượng từ là một bộ phận của 数词 (số từ). Sau
này, trong cuốn Hán ngữ ngữ pháp sử (汉语语法史) Vương Lực [61]) cho rằng,
“danh từ đơn vị” là một tiểu loại của danh từ, biểu thị đơn vị chỉ người và vật và
thường đi với từ chỉ số lượng, vì thế gọi nó là “lượng từ” (量词). Lã Thúc Tương
[50] trong cuốn Trung Quốc ngữ pháp giản lược (中国文法要略) coi lượng từ như một
“đơn vị chỉ xưng” và gọi là “đơn vị từ” (单位词 ); về sau trong cuốn Nghiên cứu Ngữ
pháp (语法学习) ông gọi là “lượng từ” (量词 ). Trong cuốn Ngữ pháp tu từ giảng
thoại (语法修辞讲话) [54] viết chung với Chu Đức Hy, Lã Thúc Tương đã đổi thành

副名词 (phó danh từ) với lập luận: “phó danh từ biểu thị đơn vị của sự vật hoặc hành
động, còn có thể gọi là 单位词 (đơn vị từ) hay 量词 (lượng từ), nó là danh từ nhưng
là một dạng khác của danh từ”. Năm 1954 Chính phủ Trung Quốc công bố Dự thảo Hệ
thống chương trình giảng dạy ngữ pháp tiếng Hán (暂拟汉语教学语法系统), từ loại
“lượng từ” (量词) chính thức được thừa nhận.
Trên thực tế, những bàn luận về lượng từ vẫn chưa dừng lại ở thời điểm này mà
còn tiếp tục kéo dài đến những năm 1980. Các nhà Hán ngữ học [46], [52], [55], [60],
[72] đứng hẳn về bình diện ngữ pháp để xem xét lượng từ. Chu Đức Hy [55] đưa ra
một nhận định hết sức khái quát: “Lượng từ là từ có thể đi liền sau số từ”.


10
Bảng 1.1. Quá trình xuất hiện thuật ngữ lượng từ trước 1980
Tác giả

Lượng từ

Tác phẩm

Năm

马建忠

别称以计数者

《马氏文通》

1898

黎錦熙


量词(名量词)

《新著国语文法》

1924

单位指称(单位词)

《中国文法要略》

1924

副名词

《语法修辞讲话》

1953

量词

《现代汉语八百词》

1980

別稱, 附帶字, 附字词

《中国古文法》

1927


单位名词

《中国现代文法》

1944

单位名词

《中国语法理论》

1946

单位名词

《有关人物和行为的虚词》

1955

单位词(或称量词)

《汉语史稿》

1958

高名凱

辅名词

《汉语语法论》


1948

张志公 主編

量词

《暂拟汉语教学语法系统》

1956

陸志韦

助名词

《北京华单位词词集》

1956

陈夢家

单位词

《殷墟卜辞综述》

1956

周法高

单位词


《中国古代语法》

1959

丁聲樹等

量词

《现代汉语语法讲话》

1961

刘世儒

量词

《魏晋南北朝量词研究》

1965

朱德熙

量词

《汉语讲义》

1982

趙元任


分类词或个体量词

《汉语口语语法》

1968

陳望道

单位词

《文法简论》

1977

数量副词(动量词)
呂叔湘

王力

Trong giai đoạn từ sau những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, các nhà nghiên
cứu ngữ pháp đã thống nhất về cơ bản tiêu chí phân định từ loại tiếng Hán hiện đại
dựa trên chức năng ngữ pháp của từ bao gồm khả năng kết hợp và vị trí của nó
trong kết cấu cú pháp. Ví dụ, chức năng của hình dung từ là khả năng kết hợp với
phó từ, như 很 hěn (rất), sau hình dung từ có thể thêm 的 de, 了 le, có thể làm vị
ngữ, định ngữ. Lã Thúc Tương [51] trong cuốn Vấn đề phân tích ngữ pháp tiếng
Hán (汉语语法分析问题) đã phê phán các quan điểm chỉ chấp nhận một tiêu chí
trong phân tích ngữ pháp nói chung và trong phân loại từ loại nói riêng. Theo ông,



11
trong việc phân tích ngữ pháp, thường không thể tránh khỏi hiện tượng “trạng thái
trung gian” khi xác định ranh giới giữa từ với những đơn vị tương đương từ.
Căn cứ chủ yếu theo tiêu chí chức năng, từ loại (词类) trong tiếng Hán hiện
đại được phân chia thành hai nhóm: (i) thực từ (实词)/ thể từ và (ii) hư từ (虚詞);
tuy nhiên, tên gọi các tiểu loại trong mỗi nhóm có khác nhau tùy thuộc quan điểm
của từng tác giả (x. Lưu Nguyệt Hoa (刘月华) [49]; Hoàng Bá Vinh (黄柏荣) và
Liêu Tự Đông (廖序东) [77]; Chu Đức Hy (朱德熙) [55]). Trong cách phân loại
của các tác giả này, dù phân chia thành nhóm “thực từ”/ “thể từ” và “hư từ”, hầu hết
các nhà Hán ngữ học đã thừa nhận có một lớp từ loại độc lập và thống nhất tên gọi
của nó là “lượng từ” (量词), lượng từ luôn được xếp vào nhóm thực từ hoặc thể từ.
Ngoài ra, về mặt hình thức (cấu trúc), trong các nghiên cứu trước đây lượng từ
tiếng Hán thường được xem xét ở kết cấu [số + lượng + danh]. Trong các nghiên
cứu gần đây, Tai và Wang [140], Croft [93], Cheng và Sybesma [90], Tang [141] đã
chứng minh rằng, không phải tất cả các lượng từ đều có những đặc điểm ngữ nghĩa
và ngữ pháp giống nhau. Các tác giả này đã phân chia lớp từ này thành hai nhóm:
“loại từ” và “lượng từ” [140]; “loại từ” và “khối lượng từ” [90]; “loại từ thứ loại” và
“loại từ đo đạc” [141]. Tuy nhiên, Tai và Wang, Cheng và Sybesma sử dụng thuật
ngữ “loại từ” với nghĩa hẹp và chủ yếu là để chỉ “lượng từ cá thể”.
Bảng 1.2. Quá trình sử dụng thuật ngữ lượng từ sau 1980
Năm

Tác giả tiêu biểu

“lượng từ” (量词) và “phân loại từ” (分类词)

1980

呂叔湘 Lã Thúc Tương 个体量词 (lượng từ cá thể)


1982

朱德熙 Chu Đức Hy

个体量词 (lượng từ cá thể)

1990

Tai và Wang

分类词 (phân loại từ)

1994

Ahrens

分类词 (phân loại từ)

1994

Wang

分类词 (phân loại từ)

2003

Huang và Ahrens

分类词 (phân loại từ)


2005

Tang

类别分类词 (phân loại từ biệt loại)

2008

何杰 Hà Kiệt

个体量词 (lượng từ cá thể)

2009

Gao và Malt

个体分类词 (phân loại từ cá thể)


12
2010

Her và Hsieh

类别分类词 (phân loại từ biệt loại)

2011

Her One Soon


个体量词与非个体量词 (lượng từ cá thể và phi
cá thể)

2015

Huang

类别分类词 (phân loại từ biệt loại)

Cùng với các nhà nghiên cứu, giới giảng dạy tiếng Hán đã tập trung chú ý
đến khả năng và mức độ sử dụng lượng từ trong hoạt động ngôn ngữ. Các nghiên
cứu về phương diện này cho thấy, trong tiếng Hán có những lượng từ hoạt động với
tần số xuất hiện cao, ví dụ như 个 ge. Theo khảo sát của McEnery và Xiao [129]
trong tiếng Hán hiện đại, số lần xuất hiện của lượng từ 个 ge chiếm tới 63.5% trong
số lượng từ cá thể và 38.8% trong số các kết cấu có chứa lượng từ. Những lượng từ
không thông dụng, nhưng chuyên dụng/ chuyên chức (ví dụ: 本 đi với danh từ sách
báo; 条, 张, 块 đi với danh từ biểu thị hình dạng đặc trưng)... cũng được nhiều học
giả [77], [87], [88], [103] xem xét ở phương diện ứng dụng sư phạm.
Bảng 1.3. Hệ thống từ loại tiếng Hán hiện đại
Từ loại

Số lượng

%

Từ loại

Số lượng

%


名词 Danh từ

32,825

37.73 代词 Đại từ

313

0.36

动词 Động từ

22,662

26.05 数词 Số từ

178

0.20

形容词 Tính từ

6,448

7.41 介词 Giới từ

174

0.20


副词 Phó từ

1,361

1.56 助词 Trợ từ

167

0.19

101

0.12

10

0.01

量词 Lượng từ

618

0.71 叹词 Thán từ

连词 Liên từ

325

0.37 拟声词 Từ t. thanh


Từ loại khác1

21,819

25.08 Tổng mục từ

87,001 100.00

Nhìn chung, vấn đề phân loại từ loại tiếng Hán đã được bàn luận trong suốt
thời gian gần một thế kỷ (1898-1980). Trải qua nhiều tranh cãi, cuối cùng các nhà
Hán ngữ học đã đạt được những kết quả nhất định trong việc xử lí vấn đề phân loại từ
Từ điển tiếng Hán hiện đại (xuất bản lần thứ 5 năm 2008)《现代汉语词典(第 5 版)》[47] thống kê đầy đủ
danh sách từ loại tiếng Hán hiện đại (Bảng 1.3), các từ loại khác gồm: phương vị từ, tiểu từ cuối câu, từ và
đơn vị tương đương từ khác.
1


13
loại. Bên cạnh đó, vấn đề xác định tên gọi và vị trí từ loại của “lượng từ” trong ngữ
pháp tiếng Hán đã được giải quyết. Tuy nhiên, các nhà Hán ngữ học ở nước ngoài,
đặc biệt ở Hoa Kì và Đài Loan đã sử dụng thuật ngữ “loại từ” (类词) hoặc “phân loại
từ” (分类词) khi bàn về “lượng từ” tiếng Hán (x. Bảng 1.2). Cho dù vẫn còn nhiều ý
kiến khác nhau, nhưng nội dung về một số vấn đề cơ bản vẫn khá thống nhất, cụ thể
là về các tiêu chí phân loại từ loại. Hiện nay, đa số các chuyên gia đã đồng ý ở tiêu
chí chức năng ngữ pháp, còn tiêu chí ngữ nghĩa chỉ có tác dụng tham khảo.
1.1.1.2 . Loại từ trong từ loại tiếng Việt
Tương tự như trong Hán ngữ học, tình hình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt
khởi đầu là các nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề xác định từ loại. Chịu ảnh hưởng
của khái niệm từ loại (parts of speech) dựa trên cứ liệu ngôn ngữ Ấn-Âu, vấn đề từ

loại thường gắn với các phạm trù hình thái học. Trong nhiều thập kỷ, vấn đề đặt ra
cho Việt ngữ học là, khi gắn với phạm trù hình thái, đối với tiếng Việt (cũng như
tiếng Hán), những ngôn ngữ không biến hình, vấn đề từ loại giải quyết như thế nào?
Trước vấn đề này đã xuất hiện hai quan điểm: (i) phủ nhận phạm trù từ loại, và (ii)
thừa nhận sự có mặt của từ loại.
Quan điểm phủ nhận phạm trù từ loại (Lê Quang Trinh, Nguyễn Hiến Lê, Hồ
Hữu Tường...) đại diện là Hồ Hữu Tường [44] cho rằng: tiếng Việt cơ cấu theo một
lối khác hẳn so với các ngôn ngữ phương Tây (không có sự biến đổi hình thái) do
đó không có tự loại, mà, tuỳ thuộc vào vị trí trong câu mà có tính chất (thuộc tính)
nhất định, một từ có thể có nhiều thuộc tính khác nhau. Trương Văn Chình và
Nguyễn Hiến Lê [8] cho rằng, Việt ngữ không có phần từ pháp học như các ngôn
ngữ Tây phương nên cú pháp là phần quan trọng hơn cả trong ngữ pháp tiếng Việt.
Tuy nhiên, phần đông các tác giả Việt ngữ học thừa nhận phạm trù từ loại có
tồn tại trong các ngôn ngữ không biến hình (như tiếng Hán, tiếng Việt...). Tiêu chí
phân định từ loại ở các ngôn ngữ này không phải dựa vào đặc điểm hình thái, mà
dựa vào các tiêu chí ý nghĩa ngữ pháp và/hoặc thái độ ngữ pháp (khả năng kết hợp
và chức vụ cú pháp). Phân loại từ loại tiếng Việt dựa vào ý nghĩa của từ là xu hướng
của ngữ pháp truyền thống với các đại diện như: Trương Vĩnh Ký [152], Trần
Trọng Kim [26], Bùi Đức Tịnh [42], Nguyễn Lân [28]. Phân loại từ loại dựa vào khả


14
năng kết hợp của từ là quan điểm của nhóm tác giả theo trường phái “cấu trúc luận”
với các đại diện như: Lê Văn Lý [31], Nguyễn Phú Phong [37], Nguyễn Tài Cẩn [4],
[5]. Phân loại từ loại dựa vào cả ý nghĩa và khả năng kết hợp là phương pháp xử lí
tương đối triệt để của các tác giả Hoàng Tuệ, Lê Cận, Cù Đình Tú [43], Nguyễn Tài
Cẩn [4], [5], Đinh Văn Đức [10]), Diệp Quang Ban [3], Nguyễn Hồng Cổn [9]…
Nguyễn Tài Cẩn [4, tr.340-341], [5, tr.123-135] căn cứ vào khả năng tổ chức đoản
ngữ, phân chia từ loại tiếng Việt thành 9 nhóm được giới Việt ngữ học ủng hộ; theo
đó loại từ thuộc nhóm từ loại danh từ (x. Bảng 1.4).

Bảng 1.4. Phân chia từ loại tiếng Việt theo tổ chức đoản ngữ
Tổ chức đoản ngữ và từ loại
Từ loại liên quan đến tổ chức đoản ngữ

Từ loại không
liên quan

Từ loại có khả năng làm thành tố đoản ngữ
Từ loại có khả năng làm trung tâm đoản ngữ
Danh từ
(Loại từ)
1

Số từ

Đại từ

Động từ

Tính từ

2

3

4

5

Dạng thức hóa đoản ngữ

Làm thành Kết hợp 2 Kết hợp 1
tố phụ
chiều
chiều
Quan hệ
Phó từ
Trợ từ
từ
6
7
8

Thán từ
9

“Loại từ” là một trong số ít từ loại của tiếng Việt được chú ý nghiên cứu từ lâu và
được tranh luận sôi nổi trong giới Việt ngữ học ở trong nước và quốc tế. Trương Vĩnh
Ký [152] gọi lớp từ này là danh từ số. Tiếp đó, nhiều tác giả nghiên cứu về “loại từ” dưới
những tên gọi khác nhau như: tiền danh tự (Phan Khôi) [25], danh từ không biệt loại (Hồ
Lê) [30], phó danh từ (Nguyễn Kim Thản [39], danh từ đơn vị (Cao Xuân Hạo [15],
[16], [17], Nguyễn Thị Ly Kha [22]), danh từ đếm được (Diệp Quang Ban) [3]...
Thuật ngữ được phần đông các nhà nghiên cứu tiếng Việt sử dụng là loại từ,
như: Trần Trọng Kim [26], Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê [8], Hoàng Tuệ
[43], Lê Văn Lý [31], Nguyễn Tài Cẩn [4], [5], Phan Ngọc [36], Đinh Văn Đức [11],
Lê Xuân Thại [38], Lưu Vân Lăng [29], Trần Đại Nghĩa [34], Lý Toàn Thắng [41],
Nguyễn Phú Phong [37], Lê Ni La [27], Phạm Thị Thúy Hồng [19] và nhiều học giả
nước ngoài như Emeneau [97], Thompson [142], Nguyen Hung Tuong [132], Hui
Sim Sook [114], Tran Jennie [143], và nhiều tác giả khác. Tuy nhiên, tên gọi loại từ
vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, chủ yếu xoay quanh vấn đề thuật ngữ và bản
chất từ loại của nó. Các nghiên cứu về loại từ đưa ra nhiều quan điểm, nhưng có thể

được quy về hai nhóm chủ yếu: (i) quan điểm xem loại từ là một nhóm từ loại tồn


15
tại độc lập bên cạnh các từ loại khác, được cho là hư từ, có chức năng bổ trợ cho
danh từ (Emeneau [143], Phan Khôi [25], Trần Trọng Kim [26], Bùi Đức Tịnh
[42]…); (ii) quan điểm xem loại từ như một tiểu loại của danh từ, thực hiện chức
năng nghĩa học (Trương Vĩnh Ký [152], Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê [6],
Nguyễn Tài Cẩn [4], Diệp Quang Ban [3], Phan Ngọc [36], Cao Xuân Hạo [15], Hồ
Lê [30]…).
Nguyễn Tài Cẩn [5, tr.123-135] coi loại từ là một bộ phận của danh từ đơn vị
(đơn vị tự nhiên) được tóm lược trong Bảng 1.5 sau đây:
Bảng 1.5. Loại từ - một tiểu loại của danh từ đơn vị
Danh từ đơn vị (DĐV)

Chuyên dùng

Lâm thời

lần, lượt, phiên
giấc, nhát

quất một roi
đấm hai đấm

Đơn vị hành chính: khu, tỉnh, huyện, xã

Ước chừng
hồi, độ, lúc, khi


Kết hợp với “một ”: chút, chốc, lát

Chính xác
giờ, phút

Tiền tệ
đồng, hào

Tập hợp

Diện tích
mẫu, sào

dàn, đoàn, hàng

Trọng
lượng
cân, lượng

Chỉ đơn vị
hành động

Chỉ bộ phận

Chiều dài
tấc, thước

Có hệ thống cấp bậc
(HTCB)


Chỉ đơn
vị thời
gian

giọt, cục, miếng

Không có hệ thống
đấu, trượng

Chỉ động vật, thực vật

Chỉ đơn
vị ước
chừng

Chỉ đơn vị chính xác

Kết hợp đối xứng: bên, phía, nẻo

Đặc biệt

DĐV qui ước

con, cây, quả

Chỉ đồ đạc
cái, chiếc

con, đứa, thằng


Chỉ người

Loại từ
(ĐVTN)

(Nguồn: Lê Ni La [25, tr.52])
1.1.2. Nghiên cứu đối chiếu lượng từ tiếng Hán và loại từ tiếng Việt
Theo khảo sát của chúng tôi, đến nay, các nghiên cứu đối chiếu hai ngôn ngữ
Hán - Việt nói chung ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, và trên thực tế vẫn chưa
có một chuyên khảo nào mang tính hệ thống về lĩnh vực này ra đời. Các nghiên cứu
đối chiếu phần lớn chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ và chủ yếu thuộc về các đề
tài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Nghiên cứu đối chiếu lượng từ tiếng Hán và loại
từ tiếng Việt lại càng hiếm; các công trình nghiên cứu liên quan gần đây chủ yếu
được thực hiện tại các cơ sở đào tạo sau đại học ở Trung Quốc. Các nghiên cứu ở
Việt Nam cũng chỉ mới dừng lại ở một vài khoá luận của sinh viên và luận văn thạc
sĩ, tuy nhiên phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể


16
như luận văn thạc sĩ của Lê Linh Chi (Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2012)
với đề tài “Nhóm loại từ chỉ bất động vật trong tiếng Việt và các từ tương đương
trong tiếng Hán hiện đại”; Tạ Phi (Đại học Đà Nẵng, 2014) với đề tài “So sánh từ
chỉ loại trong tiếng Việt và tiếng Trung”. Trong luận văn này tác giả mới chỉ dừng
lại ở việc so sánh một số điểm tương đồng và khác biệt của từ chỉ loại tiếng Việt và
tiếng Trung Quốc, tuy nhiên chưa làm rõ được khái niệm về từ chỉ loại trong tiếng
Trung Quốc mà mặc định đó là nhóm lượng từ cũng như chưa đưa ra được danh
sách các từ chỉ loại (gồm những từ nào) để so sánh đối chiếu với tiếng Việt. Trường
hợp khác là luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Ngọc Hà [71] (Đại học Sư Phạm
Quảng Tây, Trung Quốc, 2007) với đề tài “Nghiên cứu so sánh đặc trưng ngữ pháp,
ngữ nghĩa của lượng từ cá thể tiếng Việt – tiếng Hán”. Tác giả này coi loại từ tiếng

Việt là lượng từ để đưa ra so sánh đối chiếu với lượng từ tiếng Hán, và ranh giới
giữa lượng từ cá thể và các nhóm khác như lượng từ tập hợp, lượng từ chứa đựng,
v.v. chưa được phân định rõ trong nghiên cứu này.
Luận án tiến sĩ của Trịnh Thị Vĩnh Hạnh [68] được hoàn thành năm 2013 tại
Đại học Sư phạm Đông Bắc (Trung Quốc) với đề tài “汉语, 越南语量词对比研究”
(Nghiên cứu đối chiếu lượng từ Hán-Việt). Đề tài này chủ yếu nghiên cứu “vật
lượng từ” trong tiếng Hán mà không đề cập đến “động lượng từ” - một đặc trưng
của lớp từ loại lượng từ tiếng Hán. Hạn chế của luận án này là chưa chỉ ra nhóm
lượng từ nào có tương đương với loại từ tiếng Việt mà chỉ đưa ra những kết quả
nghiên cứu chung chung của một số lượng từ thuộc nhóm “vật lượng từ” trong số
388 lượng từ theo danh sách tổng lượng từ mà tác giả liệt kê ra.
Luận án tiến sĩ của Vũ Thị Huệ [57] hoàn thành năm 2014 tại Đại học Tây
Nam (Trung Quốc) với đề tài “现代汉, 越语名量词对比研究” (Nghiên cứu đối
chiếu danh lượng từ trong tiếng Hán và tiếng Việt hiện đại). Luận án này tập trung
nghiên cứu các tiểu loại chuyên dụng và lâm thời của danh lượng từ. Tuy nhiên, tác
giả luận án cũng chưa đưa ra danh sách cụ thể của từng tiểu loại được khảo sát.
Trong số 547 lượng từ mà tác giả liệt kê (tổng lượng từ tiếng Hán) luận án chưa xác
định được số lượng cụ thể cần nghiên cứu cũng như chưa lí giải được lí do vì sao
không khảo sát đối chiếu các tiểu loại khác trong danh lượng theo phân loại của tác
giả (gồm có chuyên dụng, định lượng, chuẩn lượng, lâm thời và phức hợp).


×