Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Nghệ thuật tự sự trong văn xuôi đỗ kim cương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (881.24 KB, 126 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

LÃ THỊ HỒNG NGÂN

NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG VĂN XUÔI ĐỖ KIM CUÔNG
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện

HÀ NỘI - 2016


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới thầy giáo, PGS. TS Nguyễn
Ngọc Thiện người đã hướng dẫn tận tình để tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới Ban giám hiệu trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2, phòng Sau đại học, quý thầy cô đã trực tiếp giảng dạy tôi
trong suốt khóa học.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, cô trong Hội đồng chấm luận văn
đã dành thời gian đọc và đóng góp ý kiến.
Xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ động viên của gia đình, bạn bè và đồng
nghiệp đã giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để tôi hoàn thành luận văn này.
Mặc dù đã có những cố gắng, tìm tòi nhất định, song chắc chắn luận
văn không tránh khỏi hạn chế. Vì vậy, tôi rất mong nhận được những ý kiến
đóng góp của thầy, cô và các bạn để luận văn được hoàn thiện hơn.



Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2016
Học viên

Lã Thị Hồng Ngân


LỜI CAM ĐOAN

Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy giáo,
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Tôi xin cam đoan:
- Luận văn là kết quả nghiên cứu tìm tòi của riêng tôi.
- Những tư liệu được trích dẫn trong luận văn là trung thực.
- Những gì được triển khai trong luận văn không trùng khít với bất kì
công trình nghiên cứu của các tác giả nào đã được công bố trước đó.

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2016
Học viên

Lã Thị Hồng Ngân


MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU .............................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................. 3
3. Mục đích nghiên cứu ................................................................................... 5
4. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................. 5
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................. 6

6. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 6
7. Đóng góp của luận văn................................................................................ 7
8. Cấu trúc của luận văn ................................................................................ 7
PHẦN NỘI DUNG .......................................................................................... 8
Chương 1. HIỆN THỰC PHẢN ÁNH .......................................................... 8
VÀ NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI ĐỖ KIM CUÔNG ....... 8
1.1. Hiện thực phản ánh trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông ............................. 8
1.1.1. Đề tài chiến tranh................................................................................... 8
1.1.2. Đề tài đời sống xã hội thời hậu chiến ................................................. 14
1.2.1. Điểm nhìn trần thuật............................................................................ 21
1.2.1.1. Khái niệm điểm nhìn .......................................................................... 21
1.2.1.2. Điểm nhìn trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông ......................................... 24
1.2.2. Giọng điệu người kể truyện ................................................................. 36
1.2.2.1. Khái niệm giọng điệu ......................................................................... 36
1.2.2.2. Giọng điệu trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông ........................................ 38
Chương 2. NHÂN VẬT TRONG VĂN XUÔI ĐỖ KIM CUÔNG ........... 50
2.1. Khái niệm nhân vật ................................................................................ 50
2.2. Nhân vật trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông ............................................. 52
2.2.1. Nhân vật người lính ............................................................................. 52


2.2.1.1. Người lính trên chiến trường ............................................................. 52
2.2.1.2. Người lính sau chiến tranh. ............................................................... 60
2.2.2. Nhân vật phụ nữ .................................................................................. 66
2.2.3. Các loại nhân vật khác ........................................................................ 70
2.3. Một số biện pháp khắc họa nhân vật ................................................... 72
2.3.1. Nghệ thuật khắc họa ngoại hình ......................................................... 72
2.3.2. Nghệ thuật khắc họa tâm trạng nhân vật ........................................... 76
2.3.2.1. Đối thoại............................................................................................. 76
2.3.2.2. Độc thoại nội tâm ............................................................................... 79

2.3.3. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện............................................. 85
Chương 3. CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU TRONG VĂN XUÔI ĐỖ KIM
CUÔNG .......................................................................................................... 90
3.1. Cốt truyện trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông .......................................... 90
3.1.1. Khái niệm cốt truyện ............................................................................ 90
3.1.2. Cốt truyện trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông .......................................... 91
3.1.2.1. Cốt truyện trong truyện ngắn ............................................................. 91
3.1.2.2. Cốt truyện trong tiểu thuyết ............................................................... 96
3.2. Kết cấu trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông.............................................. 102
3.2.1. Khái niệm kết cấu............................................................................... 102
3.2.2. Kết cấu trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông ............................................. 103
3.2.2.1. Kết cấu đơn tuyến............................................................................. 103
3.2.2.2. Kết cấu đa tuyến. .............................................................................. 106
3.2.2.3. Kết cấu đảo trật tự thời gian và kết cấu truyện lồng trong truyện. . 109
KẾT LUẬN .................................................................................................. 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 118


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Đỗ Kim Cuông sinh năm 1951, bút danh Đỗ Hồng Hà, Trà Lý,
Trâm Anh. Sinh ra ở Thái Bình, nhưng suốt một thời tuổi trẻ, Đỗ Kim Cuông
gắn bó với miền Trung. Năm 1968, ông gia nhập quân đội rồi vào chiến đấu ở
chiến trường Trị Thiên - Huế và khu Năm, đến sau ngày thống nhất đất nước,
ông đến với giảng đường đại học, vào học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư
phạm Huế (1976-1980). Ra trường, ông về dạy học và làm công tác văn hóa văn nghệ tại Nha Trang, rồi ra Hà Nội. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng
khác nhau: nguyên Vụ trưởng Vụ văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung
ương), hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học

nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông là tác giả của nhiều tiểu thuyết như: Người
đàn bà đi trong mưa (1986); Một nửa đại đội (1987); Hai người còn lại
(1987); Vùng trời mộng ảo (1991); Giáp ranh (1995); Miền hoang dã (1999);
Thung lũng tử thần (2000); Phòng tuyến sông Bồ (2010); Sau rừng là biển
(2011); Lỗi hẹn với Sêpôn (2013)… Ngoài ra ông còn hàng chục tập truyện
ngắn như: Đá trắng (2004); Đêm ngâu (2005); Chuyện tình ở biển (2006);
Một mảnh hồn quê (2007); Tự thú người gác rừng (2008); Người kéo vó bè
(2008); Chớp biển (2009)… Có thể nói, Đỗ Kim Cuông là cây bút có nhiều
đóng góp cho văn học hiện đại Việt Nam với số lượng tác phẩm khá lớn. Ông
xuất hiện từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước với những sáng tác nổi bật về
đề tài chiến tranh và đời sống xã hội thời hậu chiến. Mảng đề tài quen thuộc
và gần gũi này thực sự đem lại tên tuổi cũng như tiếng vang của ông trong
làng văn Việt Nam những năm cuối thế kỉ trước và đầu thế kỉ này. Với những
đóng góp của mình, nhà văn Đỗ Kim Cuông đã nhận được nhiều giải thưởng
văn chương như: Giải A cho tiểu thuyết Phòng tuyến sông Bồ trong cuộc thi


2

sáng tác văn học do Quân chủng Hải quân tổ chức (1995); Giải Cây bút vàng
do Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Văn nghệ Công an tặng (1998); Giải A
cuộc thi truyện vừa do Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Tác phẩm mới tổ
chức (1998); giải thưởng Văn học Sông Mê Công (2013)...
1.2. Những nghiên cứu về Đỗ Kim Cuông mới chỉ dừng lại ở các bài
viết nhỏ lẻ của Thi Thi, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Hiệp, Ngọc Diệp, Mai
Quốc Liên, Nguyễn Thế Quang…Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là những nhận
định mang tính khoa học chuyên sâu về đóng góp của nhà văn cho nền văn học
đương đại. Cho đến nay, những nghiên cứu về Đỗ Kim Cuông mới chỉ là những
bài viết phê bình ngắn, cảm nhận về một tác phẩm cụ thể hoặc những bài phỏng

vấn trực tiếp nhà văn về vấn đề nhân vật, hoàn cảnh ra đời cũng như thông điệp
mà nhà văn gửi gắm qua tác phẩm trên các báo, các tạp chí mà thôi. Do vậy,
chúng tôi xác định luận văn này là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu một
cách toàn diện về nhà văn Đỗ Kim Cuông.
1.3. Trong khoa nghiên cứu văn học, Tự sự học là một bộ môn nghiên
cứu giàu tiềm năng, giúp ta có thể khám phá hết nghệ thuật, tài năng qua ngòi
bút của nhà văn và có thể đánh giá được dấu ấn của thời đại trong văn
chương. Theo giáo sư Trần Đình Sử trong cuốn Tự sự học - một số vấn đề lí
luận và lịch sử thì “nội dung của khoa học tự sự là nghiên cứu cấu trúc văn
bản tự sự và những vấn đề có liên quan” [41, tr.16], “Tự sự học giúp hiểu rõ
mọi hình thức tự sự, nghệ thuật và phi nghệ thuật” [41, tr.19].
Việc lựa chọn đề tài: Nghệ thuật tự sự trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông
của chúng tôi bắt nguồn từ tầm quan trọng cũng như khả năng của tự sự học
trong nghiên cứu văn học. Qua đó, chúng tôi góp phần khẳng định vị trí và
những đóng góp của Đỗ Kim Cuông trong văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài
ra, thực hiện đề tài này chúng tôi cũng muốn nhận diện sâu sắc hơn sự phát
triển và dấu ấn của lý thuyết tự sự trong văn xuôi Việt Nam hiện đại qua sáng
tác của một nhà văn.


3

Có thể nói, Đỗ Kim Cuông là một nhà văn có vị trí và đóng góp vào
tiến trình phát triển của văn xuôi hiện đại Việt Nam, nhưng lại chưa có một
công trình nghiên cứu nào về ông toàn diện và quy mô để xác lập được những
cống hiến xứng đáng của ông. Do vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài: Nghệ thuật
tự sự trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu
sâu về nội dung phản ánh và giá trị nghệ thuật cũng như những đặc sắc về
phong cách, bút pháp tự sự của Đỗ Kim Cuông qua văn xuôi của ông.
2. Lịch sử vấn đề

Nhà văn Đỗ Kim Cuông cho tới nay đã cho xuất bản 18 tiểu thuyết và
hơn mười tập truyện ngắn. Đây là số lượng tương đối lớn với sự nghiệp văn
chương của một nhà văn. Đỗ Kim Cuông thực sự thành công nổi bật với thể
loại tiểu thuyết và truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh và đời sống xã hội
thời hậu chiến. Từ những tác phẩm đầu tay Người đàn bà đi trong mưa (tiểu
thuyết -1986), Một nửa đại đội (tiểu thuyết - 1987), Hai người còn lại (tiểu
thuyết - 1987) đến những tác phẩm vừa xuất bản như Sau rừng là biển (tiểu
thuyết - 2011), Trang trại hoa hồng (tiểu thuyết - 2016), bạn đọc nhận thấy
nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Đỗ Kim Cuông là hình ảnh người
lính như chính lời tự bạch của tác giả: “Những người lính là nhân vật của tôi.
Niềm hạnh phúc của tôi trên mỗi trang sách. Ngày nay những anh lính cụ Hồ
ấy có người đã trở thành viên chức, nhà doanh nghiệp, trí thức, có nhiều
người trở về với con trâu, cái cày, ... Dù thế nào đi chăng nữa, họ còn theo tôi,
tạo cho tôi niềm cảm hứng trên mỗi trang viết” [11, tr.185].
Ông là một nhà văn đi ra từ một người lính thứ thiệt, đã từng tham
chiến ở một vùng đất máu lửa là chiến trường Trị Thiên Huế, giai đoạn từ
1968 đến 1975. Đó là khoảng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh.
Những năm tháng trở về thời bình, lúc đi dạy học, làm báo, viết văn, đi qua
nhiều vùng đất nước, bằng sự trải nghiệm của chính mình và đồng đội, nhà


4

văn đã gặp lại những người từng mặc áo lính, ngồi sau xe ôm của họ, lắng
nghe biết bao chuyện cảm động, đồng cảm với họ để viết về họ chân thực và
sâu sắc. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên khi đọc Phòng tuyến sông Bồ nhận
thấy “Ngồn ngộn những sự kiện, những con người, những số phận, tính cách
ấy không thể thoát ra ngoài cuộc chiến. Chiến tranh, chiến trường, con người
và số phận của nó là vấn đề của tiểu thuyết này. Tác giả có một vốn sống, vốn
cảm xúc đồ sộ, và anh đã trải nó ra trong từng câu văn, từng tình huống, tâm

trạng, đối thoại, khắc họa...” [28].
Cũng trong các sáng tác của mình, Đỗ Kim Cuông dành sự quan tâm
đặc biệt tới số phận của những người lính sau những năm tháng chiến đấu
gian khổ, may mắn sống sót trở về, lại hòa nhập vào cuộc sống đời thường
lam lũ, nghèo khó, trong cuộc vật lộn đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu… trong
cuộc chuyển mình để làm nên sự nghiệp đổi mới có ý nghĩa sinh tử của đất
nước, để nêu cao những phẩm giá tốt đẹp của người lính cụ Hồ. Sau rừng là
biển là cuốn tiểu thuyết thứ 18 của Đỗ Kim Cuông thể hiện rõ nội dung này.
Ngay đầu cuốn sách ông ghi: Tưởng nhớ những người bạn của tôi đã hy sinh
trên chiến trường Trị Thiên - Huế. Rời quân ngũ đã gần 40 năm mà trái tim
ông vẫn vẹn nguyên những tình cảm đằm thắm với những con người mà ông
đã cùng sống và chiến đấu, rồi làm sống lại hình ảnh họ với tất cả tình yêu,
nỗi xót thương và trân trọng. Đánh giá về cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Thế
Quang đã có cái nhìn khái quát “Trang trại Hoa Hồng đưa ta đến những
không gian rộng lớn từ làng quê Bắc Bộ đến giải đất miền Trung và Cao
nguyên, với những người lính, người dân quê, những người ông, người bà,
những người cha người mẹ cùng con cháu suốt những năm bom đạn rồi hòa
bình” [36, tr.40] và khẳng định: “Đây là cuốn tiểu thuyết có cốt truyện hấp
dẫn. Hình ảnh nhân vật, sự kiện liên tục tạo ra những bất ngờ... Đằng sau
những câu văn giản dị mà xúc động, một cách viết kiệm lời ta bắt gặp một Đỗ


5

Kim Cuông từng trải, điềm tĩnh, sâu sắc và nhân hậu” [36, tr.44]. Đây cũng là
những nét chính trong hầu hết các sáng tác của Đỗ Kim Cuông.
Nhiều người biết đến Đỗ Kim Cuông - một nhà văn. Về sau, khi đã làm
công tác quản lý, ông vẫn được yêu mến bởi những trang viết. Tác phẩm của
ông mộc mạc, dung dị, song ẩn chứa trong những con chữ là sự rộng mở của
một tấm lòng. Ông từng là người lính và cho đến giờ, truyện ngắn, tiểu thuyết

của ông vẫn đậm chất lính. Ông từng là nhà giáo, và cho đến giờ cốt cách của
ông vẫn như một nhà giáo. Cương vị của ông chính là sự phản ánh nhân cách
của một nghệ sĩ căn cốt dám sống, dám nghĩ, dám nói sự thật.
Đỗ Kim Cuông là một nhà văn có vị trí trong văn học Việt Nam sau
1986, nhưng những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông mới chỉ
dừng lại ở những bài viết nhỏ, đơn lẻ. Do vậy, với đề tài: Nghệ thuật tự sự
trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông, chúng tôi hy vọng sẽ mang tới cái nhìn tổng
quan, sâu sắc hơn về nhà văn và những cống hiến của ông trong văn học giai
đoạn từ 1986 tới nay.
3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài đã chọn, luận văn của chúng tôi nhằm:
- Làm rõ nội dung sáng tác của Đỗ Kim Cuông qua đề tài chiến tranh
và đời sống xã hội, con người thời hậu chiến.
- Làm rõ những đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn và tiểu
thuyết của Đỗ Kim Cuông.
- Qua những kết quả nghiên cứu, luận văn khẳng định những đóng góp
của ông trong văn xuôi Việt Nam đương đại.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Qua những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong văn xuôi Đỗ Kim
Cuông, luận văn có nhiệm vụ làm rõ tư tưởng nghệ thuật và phong cách tự sự
độc đáo của văn xuôi Đỗ Kim Cuông.


6

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, luận văn tập trung khảo sát, thống kê, phân tích
sáu tác phẩm tiêu biểu của ông. Đó là bốn tiểu thuyết: Vùng trời mộng ảo,
Nxb Phụ nữ năm 1999; Sau rừng là biển, Nxb Hội Nhà văn, 2011; Phòng

tuyến sông Bồ, Nxb Văn hóa dân tộc, 2012; Lỗi hẹn với Sêpôn, Nxb Hội Nhà
văn, 2013. Hai tập truyện ngắn: Đêm ngâu, Nxb Chính trị quốc gia, 1999;
Chuyện tình ở biển, Nxb Thanh Niên, 2003.
Với nhiệm vụ luận văn là tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong văn xuôi Đỗ
Kim Cuông nên những tác phẩm về thể loại tự sự liên quan đến đề tài cũng
được so sánh, đối chiếu.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Vận dụng lý thuyết tự sự học và các phương pháp nghiên cứu cụ thể để
làm rõ vấn đề người kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện,
giọng điệu và kết cấu trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp phân tích tác phẩm
Phương pháp này giúp người viết nhận thức được đặc sắc ở cả hai
phương diện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tuy vậy chúng tôi sẽ tập
trung một số tác phẩm nổi bật, những chi tiết cụ thể để làm rõ luận điểm.
6.2. Phương pháp hệ thống, tổng hợp
Để hiểu được nghệ thuật tự sự trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông, chúng
tôi xem xét các yếu tố, các khía cạnh tạo nên chỉnh thể của nghệ thuật tự sự.
Từ những tác phẩm tiểu thuyêt và truyện ngắn, chúng tôi tập trung, tổng hợp
để nêu bật những luận điểm cụ thể.
6.3. Phương pháp phân loại thống kê
Với từng khía cạnh, cấp độ nghệ thuật tự sự, chúng tôi khảo sát, phân
loại, thống kê bằng những số liệu cụ thể.


7

6.4. Phương pháp so sánh
Luận văn sử dụng so sánh, đối chiếu với một số nhà văn khác để làm rõ
những đặc sắc, riêng biệt trong nghệ thuật văn xuôi Đỗ Kim Cuông.

6.5. Phương pháp loại hình.
7. Đóng góp của luận văn
- Đây là công trình đầu tiên đi sâu vào nghiên cứu một số phương diện
trong nghệ thuật tự sự của văn xuôi Đỗ Kim Cuông.
- Luận văn làm rõ những đặc sắc phong cách và bút pháp nghệ thuật
của văn xuôi Đỗ Kim Cuông.
- Khẳng định giá trị và đóng góp của nhà văn đối với truyện ngắn và
tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
luận văn được triển khai trong ba chương:
Chương 1. Hiện thực phản ánh và người kể chuyện trong văn xuôi
Đỗ Kim Cuông.
Chương 2: Nhân vật trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông
Chương 3: Cốt truyện và kết cấu trong trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông


8

PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
HIỆN THỰC PHẢN ÁNH
VÀ NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI ĐỖ KIM CUÔNG
1.1. Hiện thực phản ánh trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông
Đỗ Kim Cuông là một nhà văn từng mặc áo lính. Mỗi khi ngồi trước
trang giấy, dường như kí ức của một thời xa lắc, xa lơ hiện về: “Suốt gần cả
chục năm trời tôi chỉ làm những việc: đi bám địch, chốt phục kích, đi mua gạo
dưới đồng bằng, đánh nhau với tụi Mỹ, Ngụy; và khi có dịp vào bãi đóng
quân của địch kiếm đồ hộp, gạo sấy… Đau đớn hơn cả là mỗi trận đánh trở về
tự tay mình đào huyệt chôn cất một vài bạn bè đồng học, đồng ngũ với mình

trong những cánh rừng, những thửa ruộng ngập nước ở vùng ven đô Huế,
Quảng Trị… Sau này khi đã trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cay
nghiệt, vượt lên sự túng thiếu, bần hàn những trang viết về người lính của tôi
lặng lẽ ra đời. Tôi viết như một niềm hối thúc nội tại, viết để trả món nợ cho
những người đã khuất và cho cả bao người lính sau cuộc chiến may mắn trở
về” [11, tr.182-184]. Từ lời trò chuyện ấy, cùng dõi theo hành trình sáng tác
của Đỗ Kim Cuông, bạn đọc nhận thấy hiện thực nổi bật trong các sáng tác
của nhà văn là Chiến tranh và Đời sống xã hội thời hậu chiến.
1.1.1. Đề tài chiến tranh
Chiến tranh - cho đến nay vẫn là một đề tài lớn, mang tầm vóc nhân
loại. Nó từng có bề dày trong tiến trình của lịch sử văn học thế giới. Sự hiện
diện của mảng đề tài này trong văn học chính là sự phản ánh sinh động nhất
bức tranh hiện thực cuộc sống trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt của từng
dân tộc và của cả loài người. Với Văn học Việt Nam, chiến tranh và người
lính từ lâu đã được xem như là đề tài có tính truyền thống. Điều này có cơ sở


9

thực tế lịch sử - xã hội Việt Nam. Ra đời phát triển trong môi trường, bối cảnh
lịch sử dân tộc suốt nghìn năm giặc phương Bắc xâm lăng, ngót trăm năm
dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và hàng mấy chục văm dưới chế
độ thực dân kiểu mới - đế quốc Mĩ, văn học Việt Nam là tấm gương phản ánh
trung thành và chân thực hiện thực cuộc sống của đất nước và con người
trong những cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước. Đề tài chiến tranh
trong văn học Việt Nam cũng tự nhiên từng bước hình thành qua mỗi chặng
đường phát triển của văn học dân tộc. Ở mỗi chặng đường, đề tài chiến tranh
lại được tiếp cận và phản ánh từ những góc độ khác nhau, theo những cảm
hứng khác nhau. Đặc biệt sau khi hòa bình và thống nhất đất nước, văn học
vẫn không thôi viết về chiến tranh và càng hăng hái trong nhiệm vụ phản ánh

đời sống thời hậu chiến. Lúc này người viết đã có độ lùi cần thiết để nhìn
nhận về cuộc chiến, để xâm nhập sâu hơn vào đời sống tinh thần của người
lính, vì vậy mà chiến tranh đã trở thành “siêu đề tài”, người lính trở thành
“siêu nhân vật” (Chu Lai), càng khám phá càng thấy độ sâu không mòn nhẵn.
Ở mảng văn xuôi viết về đề tài chiến tranh có thể kể tới các tác phẩm của nhà
văn Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Chu
Lai, Nguyễn Quang Sáng,...
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, trước khi trở thành cán bộ lãnh đạo tại các cơ
quan trung ương chỉ đạo văn học nghệ thuật, từng chiến đấu nhiều năm trên
chiến trường Trị Thiên Huế. Trong hơn hai chục tác phẩm đã xuất bản, nhà
văn dành nhiều tâm huyết và cả ngàn trang sách miêu tả những năm tháng hào
hùng và bi tráng của quân dân Thừa Thiên Huế mà ông là người trong cuộc.
Vốn sống đó là một mỏ quý vô tận đối với người sáng tác. Đã có hàng chục
cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn của các nhà văn trong cả nước viết về
cuộc chiến đấu của quân dân Trị Thiên chống ngoại xâm trong hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tác phẩm đã lên phim, lên


10

sân khấu. Đó là tiểu thuyết của các nhà văn như Phùng Quán, Xuân Thiều, Tô
Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường…nhưng có lẽ
vẫn chưa đủ. Ngồn ngộn hiện thực của cuộc sống và con người Trị Thiên trải
dài qua cả thế kỷ sống trong binh đao lửa đạn, giữa cái sống và cái chết. Ngay
cả những điều nhà văn biết, trải nghiệm về cuộc chiến ở vùng đất này đã khai
thác để đưa vào truyện ngắn, tiểu thuyết cũng chỉ là mảng nhỏ của bức tranh
chiến sự bộn bề. Với ông, viết về chiến tranh cách mạng là nỗi ám ảnh khôn
nguôi. Đó không chỉ còn là lựa chọn mà còn trở thành một thôi thúc tự nhiên.
Chỉ có điều, khi Đỗ Kim Cuông đến với “địa hạt” này, ở đó đã có những
“tượng đài” sừng sững về hiện thực chiến trường. Làm sao để viết về chiến

tranh, về người lính mà không trùng lặp, không để người đọc có cảm giác
“quen mòn”, đó là thách thức lớn đặt ra cho ngòi bút Đỗ Kim Cuông. Lật giở
những trang truyện của nhà văn, từ Hai người còn lại, Một nửa đại đội,
Phòng tuyến sông Bồ, Tự thú người gác rừng, Đá trắng, Lỗi hẹn với Sê
Pôn…bạn đọc hoàn toàn bị lôi cuốn. Sức hấp dẫn từ những trang văn không
phải ở kĩ thuật viết “hậu hiện đại” (Đỗ Kim Cuông không phải là nhà văn đam
mê theo đuổi mốt cách tân trong lối viết truyện này) mà chính bởi tâm huyết
của người cầm bút, vốn từng trải và cả nỗi thắc thỏm không yên của một
người từng đi qua chiến tranh đã lay động tâm hồn độc giả.
Tiểu thuyết Phòng tuyến sông Bồ: Ngồn ngộn những sự kiện, những
con người, những số phận, tính cách được khắc họa và những số phận, tính
cách ấy không thể thoát ra ngoài cuộc chiến tranh. Chiến tranh, chiến trường,
con người và số phận của nó là vấn đề của tiểu thuyết này. Tác giả có một vốn
sống, vốn cảm xúc đồ sộ và ông đã trải nó ra trong từng trang văn, từng tình
huống tâm trạng, đối thoại, khắc họa. Phòng tuyến sông Bồ mở ra bằng một
trận đánh phục kích. Tác giả chậm rãi mô tả trận đánh, cũng đồng thời làm
động tác giới thiệu nhân vật và tình huống. Một trận đánh cụ thể được tái hiện


11

với nhãn quan của người trong cuộc đã cho ta hiểu biết sinh động về cuộc
chiến vừa qua. Lồng vào đó nhà văn bắt đầu nêu lên tình huống: đơn vị chủ
lực của trận đánh đang bị giải thể để trở về địa phương bám dân, giữ đất, làm
du kích, giữ lấy chỗ đứng chân cho cách mạng. Lúc này là sau Mậu Thân, lực
lượng ta teo tóp, mỗi xã chỉ còn vài ba người, không còn quân. Đó là một tình
huống đầy kịch tính và trong tình huống đó, bộc lộ tính cách và tâm trạng của
từng nhân vật. Đó là những tính cách như Phong, Cường… những người chỉ
huy; mà cuộc đời họ gắn bó với đồng đội, với chiến trường như là sự gắn bó
tự nhiên, máu thịt. Nhưng bên trong, khuất sau những hành động là những

mối tình, những trắc trở, những âm thầm khổ đau hay hạnh phúc của Phong
và Tâm, của Cường và Hạnh… Không gian sự việc của tiểu thuyết mở ra quá
rộng, và Đỗ Kim Cuông thừa vốn sống để “tham lam” mở ra rộng, ôm chứa
cho hết những tháng ngày ông đã trải qua, nhưng đã “rộng” thì thường khó
“sâu”. Và các thủ pháp của tiểu thuyết, các cách kể chuyện, các thi pháp tiểu
thuyết; nhất là sự soi rọi ngọn đèn vào sâu hơn nữa nội tâm con người… vẫn
còn là một thách thức với nhiều tác giả viết về chiến tranh, ham “đại cảnh”
mà xao lãng cái “vi mô”. Nhưng có thể khẳng định, toàn bộ cuốn tiểu thuyết
là một cống hiến đáng quý cho văn học, cho cuộc sống, hôm nay và cả mai
sau. Nếu có ai đó làm phim về cuốn tiểu thuyết này, thì bản thân cuốn tiểu
thuyết với nhiều chi tiết đặc hiệu của nó, đã là những phần quý giá của một
kịch bản phim truyện. Cuộc sống đang có những biến động, thay đổi nhiều
chiều. Nhưng dù có thay đổi thế nào, cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta vừa
qua vẫn là một đề tài bất tận. Làm sao cho mỗi người hôm nay, mỗi người sắp
tới nhận được cái ánh lửa thiêng soi rọi từ cuộc chiến ấy, để mà sống mà làm
việc. Phòng tuyến sông Bồ của Đỗ Kim Cuông góp phần khơi lên ngọn lửa
thiêng quý giá ấy.


12

Viết về cuộc chiến mà mình đã đi qua với độ lùi của thời gian, Đỗ Kim Cuông
một mặt tìm kiếm những giá trị tinh thần cũ, tri ân sâu sắc những hy sinh
thiêng liêng của đồng đội, đồng bào, làm nổi rõ tầm vóc của cuộc chiến tranh
bằng những trận đánh và tượng đài bất tử của những người lính bình dị. Mặt
khác, tác phẩm cũng cho thấy rằng cần phải nhìn chiến tranh từ chiều kích
của thảm họa nhân văn của con người, chiến tranh với tất cả những xung
đột tàn nhẫn từ bên trong đến bên ngoài, không chỉ hủy hoại mạng sống
con người mà còn hủy hoại cả kí ức và khả năng sống bình thường của con
người, đầu độc cuộc sống của con người ở những tầng sâu nhất.

Những trang viết về sự thật gân guốc, cay đắng mà con người phải chịu
trong chiến tranh cũng được nhiều nhà văn khắc họa như hàng loạt tác phẩm:
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Thời xa
vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Bức tranh của
Nguyễn Minh Châu, Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh…Ở sáng tác
của Đỗ Kim Cuông cũng vậy.
Cuộc chiến được mô tả trong Phòng tuyến sông Bồ, Lỗi hẹn với Sê Pôn,
Đá trắng… không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng Ta và Địch mà còn là
trận chiến của những con người bình thường có, anh hùng có, hi sinh có, tính
toán có. Một mặt, Phòng tuyến sông Bồ ngợi ca những con người cùng chung
lý tưởng với những phẩm chất trong sáng tuyệt đẹp như Phong, Cường, Nhàn,
Thái Long, Tâm, Hạnh… “Cái nghiệt ngã của chiến tranh ít khi làm cho ai
khóc, nhưng trái tim người lính nhức nhối, vò xé họ trong cõi thẳm sâu. Không,
không thể tính hết bằng nước mắt. Họ cùng nhau chia từng bát cơm, hụm nước,
điếu thuốc, hòa với nhau niềm vui, nỗi cực nhọc… Họ bất tử, dầu họ chưa
được nhận phong anh hùng hay những tấm huân chương” [13, tr.62-63]. Mặt
khác Phòng tuyến sông Bồ cũng dựng lên chân dung những kẻ suy thoái về
tinh thần, đạo đức, sự thủ tiêu nhân cách một cách thảm hại như Thoan, Tam,


13

Lân và Lý - những kẻ cơ hội, toan tính, yếu hèn và bội phản, những kẻ mà
qua họ Phong nhận ra: “Tôi đã tìm ra mẫu người anh hùng trong tiểu đoàn 10,
trong những người lính C1 của tôi. Tôi đã tìm thấy ở em, ở thím Tư Biều, ở
ông già Miên… Bây giờ tôi lại tìm thấy một âm bản khác của chiến tranh, của
những con người như Lân, Tam, Thoan… Bất giác tôi thấy kinh tởm, buồn
nôn. Thực là khủng khiếp và ghê sợ” [13, tr.192]. Đó là góc khuất bi thảm của
chiến tranh mà ít nhà văn thời chiến có thể khắc họa. Âm hưởng nghiền ngẫm
các giá trị khác của cuộc chiến ở các tác phẩm này cũng là cảm hứng chung

của các tác phẩm viết về chiến tranh từ thập kỉ 80 trở đi.
Phần lớn tác phẩm của Đỗ Kim Cuông là viết về chiến tranh, nơi nhà
văn sống thời trai trẻ với bao lý tưởng, ước vọng. Cuộc sống vất vả không bóp
nghẹt tâm hồn lãng mạn, cảm xúc của nhà văn: “Hơn 40 năm trước, sau mỗi
lần bị quân Mỹ, quân Ngụy phục kích, chốt chặn ở Khe Trái, Đóc Đoác, địa
đạo 310; đánh nhau với tụi lính Bảo an, dân vệ, lính của sư đoàn 54 Ngụy ở
Dốc Đu, Dốc Cát, đồi Chóp Nón, Hòn Vượn, ở Phú Ổ La Chử, Văn xá Trung,
Văn xá Làng, Bồn Chí, Bồn Phổ… vừa đào đất chôn bạn mình, vừa giật mình
tự hỏi “Sao mi lại còn sống? Sau những trái mìn Claymo lửa xanh chớp lè?”.
Càng không mơ tưởng mình sẽ viết văn”. Vậy nhưng, văn chương trong ông
là một đời sống say mê, có thật. Ông viết văn như một chuyện tự nhiên, viết
về những đồng đội, về đồng bào, về vùng đất Thừa Thiên - Huế, về những
ngày chiến đấu oanh liệt… Viết về chiến tranh là viết về con người, nhà văn
không để các sự kiện đè bẹp con người. Hiện thực chiến tranh không phải là
mục đích tái hiện mà chỉ là đường viền làm nổi rõ số phận con người. Nhìn
chiến tranh từ góc độ số phận con người và thể hiện chiến tranh qua tâm trạng
con người, Đỗ Kim Cuông đã đi đến đáy cùng của hiện thực chiến tranh.
Hiện thực ấy được thể hiện trong một giọng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, chân
thật mà tinh tế. Cái sâu sắc và tinh tế ấy đến từ tâm hồn của người viết và sự


14

giàu có cảm xúc khởi nguồn từ những gian truân, hiểu đời của nhà văn Đỗ
Kim Cuông.
1.1.2. Đề tài đời sống xã hội thời hậu chiến
Thực chất, văn học “hậu chiến’ là một khái niệm ước lệ chỉ một giai
đoạn văn học sau chiến tranh mà cảm hứng chính của nó vẫn là suy ngẫm về
chiến tranh trong hoàn cảnh mới, của những con người vừa bước ra khỏi cuộc
chiến tranh, còn bị chi phối bởi quán tính của cuộc chiến. “Những cuộc chiến

tranh có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt người
vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị
thương. Những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa thay
bằng những luống cày mới, nhưng rất lâu, rất lâu trong những mẩu bánh vẫn
lưu lại mùi vị chua của bụi đất và thương đau” (Văn hóa và đời sống, Số 61980). Nhận định này của Bôrit Vaxiliep thật trùng khớp biết bao với hiện
thực hậu chiến ở Việt Nam. Khoảng thời gian từ 1975 đến 1986, Văn học Việt
Nam đã bắt đầu chạm tới mức xung đột không tránh khỏi của một xã hội đang
cố hàn gắn vết thương chiến tranh. Những xung đột đến mức đã có những
cuộc hoán vị giữa anh hùng và hèn yếu, cao thượng và tính toán, lí tưởng và
sa đọa… Những người lính trở về từ chiến tranh không còn quán tính sống
chết nữa, mà phải đối diện với trăm ngàn điều đời thường, nhiều sự oái oăm
bi hài, nhiều nghịch cảnh không thể cứu chữa. Văn học loay hoay trước
những sự lệch pha dữ dội giữa định hướng sáng tác cũ và những vấn đề đặt ra
của cuộc sống mới.
Nhìn lại quá khứ đã qua, khoảng cách thời gian đã đưa lại cho người
cầm bút những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc về số phận con người ở khía
cạnh mà trước đây luôn bị làm mờ đi, nhạt đi trước số phận dân tộc: khía cạnh
bi kịch cá nhân. Cảm hứng bi kịch là cội nguồn cho sự xuất hiện của một loại
nhân vật mang diện mạo tinh thần hoàn toàn mới trong văn học sau 1975,


15

nhất là sau năm 1986 nhờ nỗ lực đổi mới và dân chủ hóa đời sống văn hóa
văn nghệ thể hiện rõ qua các tác phẩm tiêu biểu như Thời xa vắng (Lê Lựu),
Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân),
Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày
dĩ vãng (Chu Lai)…
Nhà văn Đỗ Kim Cuông trong một lời trò chuyện cùng bạn đọc đã viết:
“Những trang viết về chiến tranh cách mạng, về cuộc sống ngày hôm nay,

phải khác với ngày hôm qua. Một độ lùi 30 năm đủ để cho nhà văn suy ngẫm
một cách nghiêm túc nhất về hiện thực của đời sống, của chiến tranh cách
mạng. Có những giá trị, chuẩn mực xã hội đã đổi thay. Nhà văn cần có một
cái nhìn mới, cách nghĩ mới về cuộc sống, con người để làm sao đưa đến cho
bạn đọc những trang viết chân thực nhất về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại
của dân tộc, về cuộc sống và con người Việt Nam với bao niềm vui, nỗi buồn,
hy vọng trong biến thiên của lịch sử…” (Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại –
Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản lần thứ 4/2010). Có lẽ, Sau rừng là biển đã
được tác giả viết với quan niệm và cách nhìn này, tuy nhiên, từ “lý thuyết”
đến thực tiễn sáng tạo bao giờ cũng có một khoảng cách. Bằng một kết cấu đa
chiều- cả về không gian, thời gian, giọng điệu nhân vật - nhà văn Đỗ Kim
Cuông qua 230 trang tiểu thuyết Sau rừng là biển đã cố gắng phản ánh một
hiện thực trong và sau chiến tranh phong phú, phức tạp, không dễ “kết luận”
như nó vốn có và như ông đã từng chứng kiến. Một cuốn tiểu thuyết hơn 200
trang nhưng mở ra cho người đọc những nẻo đến để đồng cảm với thân phận
con người, đặc biệt là số phận những người lính trở về sau chiến tranh.
Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là câu chuyện đơn giản và quen thuộc:
ba người lính quê một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, từng sống chết bên nhau ở Trị
Thiên, gặp lại nhau sau chiến tranh, những hồi ức xen lẫn với bao vất vả trong
cuộc mưu sinh hiện tại. Ba người lính không thuộc loại có nhiều “sao vạch”,


16

thời hậu chiến cũng không có công tích gì đặc biệt - Thái, nhân vật xưng “tôi”
rời chiến trận về dạy học; Huynh về làng quê, Hùng may mắn hơn, trở thành
sĩ quan, được đi học Liên Xô, nhưng rồi hư hỏng phải vào tù - “sự tích nhân
vật như thế tưởng cũng khó nâng tầm tư tưởng của tiểu thuyết. Vậy nhưng,
chính nhờ tác giả đưa nhân vật vào các “địa hạt” bình thường - giáo dục và
nông thôn - mà tác phẩm đã chạm đến những vấn đề xã hội triết lý sâu sắc.

Đây không phải là “dưới đáy” xã hội hay “mũi nhọn cuộc sống” như lâu nay
khi bàn đến đề tài trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng với cách lựa chọn
đó, tác giả đã tiếp cận cuộc sống thật của nhân dân với bao nỗi lo cơm áo
hàng ngày chứ không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” hay những chuyện
tình tay ba tay tư nơi công sở cùng những pha “sex” câu khách rẻ tiền. Sự
rộng lớn bao la cũng như phức tạp của cuộc sống, đời người ôm trọn trong đó
bao thân phận không ai giống ai. Những người lính cùng chung một chiến
hào, một lý tưởng, chung kẻ thù trong chiến tranh nhưng sau khi trở về với
cuộc sống đời thường, mỗi người đi theo một ngã rẽ khác nhau. Chính từ cuộc
sống tưởng như yên bình bên cạnh người thân sau lũy tre xanh hay trên giảng
đường… họ đã hiểu rằng, cuộc sống không phải như họ nghĩ. Kẻ thù không
hiện hình ngay trước mũi súng, mà ẩn náu trong sự việc hàng ngày, nằm trong
chính mối quan hệ tưởng như thân quen nhưng đầy rẫy éo le và phức tạp; nằm
trong đồng chí, bạn bè của anh và ngay trong bản thân anh.
Sau rừng là biển phản ánh khá dữ dội nhiều thân phận con người,
nhưng vẫn toát lên những điểm sáng nhân hậu, không chỉ Huynh, Toản, giáo
Thái, Kha, chị Nhàn và cả Hùng râu. Họ đều đáng yêu và đáng thương cả. Họ
là một phần làm nên hiện thực cuộc sống này. Cuộc sống của những người
lính trở về sống trong thời kì bao cấp, trong cuộc vật lộn giữa cái tốt và cái
xấu… trong cuộc lột xác để làm nên sự nghiệp đổi mới có ý nghĩa sinh tử của
đất nước, để bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của người lính cụ Hồ. Nhà văn


17

không thể chối bỏ được thực tại ấy và phải có trách nhiệm, lương tâm để phản
ánh hiện thực ấy một cách trung thực. Đó cũng còn là lời cảnh báo với xã hội.
Song văn chương không chỉ để phản ánh, giãi bày, nó phải tạo ra những hình
tượng nghệ thuật, trở thành điểm tựa cho người đọc, làm cho người đọc tin
vào những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống.

Không chỉ Sau rừng là biển mà các tác phẩm Người kéo vó bè, Đảo
chắn sóng, Người lính trẻ tóc bạc, Người chăn dê ở Thung Cò;…giúp ta
hiểu rõ hơn cách tiếp cận hiện thực cuộc sống thời hậu chiến của nhà văn
Đỗ Kim Cuông.
Ở mảng đề tài đời sống xã hội thời hậu chiến, ngòi bút Đỗ Kim Cuông
cũng hướng sự quan tâm tới những vấn đề của bối cảnh đất nước thời bao cấp
và hội nhập. Nghèo khó và thất học, hết cảnh thiếu đói thời bao cấp đến cuộc
sống đảo lộn vì nạn “vượt biên” rồi chiến tranh biên giới, đất nước trong cơ
chế thị trường với bóng dáng của những ông chủ, bà chủ trẻ là những vấn đề
được đặt ra trong tác phẩm Xóm nhỏ cuối ghềnh, Sau rừng là biển. Đề tài thế
sự, đạo đức với những vấn nạn về sự xuống cấp đạo đức của đời sống hôm
nay cũng khiến nhà văn quan tâm đặc biệt. Hình như cơ chế thị trường sơ khai,
sự cạnh tranh quyết liệt của thương trường, lòng ham muốn làm giàu bằng mọi
cách, có thể cả những bất công, lợi ích cá nhân, của nhóm,… đã tạo ra những tệ
nạn rất quỷ quyệt, ranh ma, tàn nhẫn trong những con người ngay cạnh chúng
ta. Không chỉ là tham nhũng, biển lận của công mà thói hách dịch, cửa quyền,
triệt hạ lẫn nhau, biến tổ chức thành nơi đấu đá của các phe nhóm… ít nhiều
được phản ánh trong các truyện ngắn Đêm trắng, Người chăn dê ở Thung Cò,
Người đàn bà xóm núi và tiểu thuyết Vùng trời mộng ảo, Sau rừng là biển.
Các tác phẩm ấy đã phần nào phản ánh những mảng tối nhức nhối của đời
sống: Ông chủ tịch huyện nọ đấu đá với ông bí thư, một ông chủ doanh
nghiệp nhà nước làm ăn có tiếng tăm phải vào tù vì tham nhũng, một anh lính


18

trở về từ chiến trường được đi đào tạo sĩ quan ở nước ngoài không vượt ra
khỏi cám dỗ của dục vọng và đồng tiền phải vào nhà đá… Nhưng ở những
câu chuyện đó ta nhận thấy cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa thiện và
ác, giữa lương tâm của những người có văn hóa thực sự, lo lắng cho cuộc

sống chung và những kẻ thoái hóa ở mọi cấp độ. Nếu sự thực đáng sợ trong
những tác phẩm mà ta vừa nhắc là điều không còn xa lạ, chúng ta vẫn thường
gặp trong đời sống hiện thực hôm nay, thì Đỗ Kim Cuông, bằng sự “trung
thực và dũng cảm” đã mổ xẻ vết thương đau nhưng cũng đồng thời gieo vào
lòng bạn đọc niềm tin vào những giá trị tốt đẹp nơi con người và cuộc sống
như ông từng trò chuyện: “Tôi còn sống được đến ngày hôm nay cũng như
còn viết được chính là tôi luôn có một niềm tin vào cuộc sống của con người.
Nhiều nhà văn khác cũng như tôi. Nếu mình không có một niềm tin vào cuộc
sống của con người thì cũng không viết được, không sống được. Bởi cuộc đời
này đôi khi đẩy mình vào thế bĩ cực và nhiều khi thất vọng, nhiều khi bàng
hoàng trước những gì đang diễn ra. Nhưng hãy tin ở con người, hãy tin ở các
nhà văn. Trong số hàng nghìn tác phẩm chúng tôi đọc, vẫn thấy lóe lên cái
đẹp cứu rỗi trong tác phẩm của các nhà văn” (An ninh Thế giới online,
18/12/2014).
Như vậy, với hành trình sáng tác hơn 40 năm, nhà văn Đỗ Kim Cuông
đặc biệt thành công với đề tài chiến tranh và đời sống xã hội thời hậu chiến.
các sáng tác của ông cho ta thấy cái nhìn đau đáu gần như xuyên suốt, tạo cho
người đọc nhiều ám ánh về hình tượng người lính trong và sau cuộc chiến.
Đồng thời cũng thấy được sự nhạy cảm của nhà văn trước những biến động
của thời đại để cho ra đời những tác phẩm thể hiện sự bám sát từng bước đi
của đời sống, đóng góp nhiều tiếng nói đa thanh cho văn học.
1.2. Người kể chuyện trong văn xuôi Đỗ Kim Cuông


19

Người kể chuyện là khái niệm trung tâm của Tự sự học. Đó là “một người
do nhà văn sáng tạo ra để thay mình thực hiện hành vi trần thuật” [40, 101].
Thuật ngữ “người kể chuyện” có từ năm 1490 (La tinh: Narrator), tuy nhiên lí
luận về nó thì phải đến thế kỉ XX mới phát triển (dẫn theo Phong Tuyết).

Tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm sáng tạo hư cấu của nhà văn
nhằm thể hiện một quan điểm, tư tưởng, ý đồ nghệ thuật. Trong thế giới ấy
nhà văn xây dựng một chỉnh thể nghệ thuật gồm nhiều yếu tố và người kể
chuyện là một trong những yếu tố quan trọng. Người kể chuyện là một sản
phẩm của sáng tạo nghệ thuật, nó khác với người kể chuyện ngoài thực tế. Đó
là một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm văn học được nhà văn trao cho nhiệm
vụ quan sát, theo dõi, ghi chép, phân tích, đánh giá, nó có chức năng tổ chức
các nhân vật khác.
Tuy vậy người kể chuyện không hoàn toàn trùng khít với tác giả tiểu
sử, người kể chuyện thống nhất nhưng không đồng nhất với tác giả tiểu sử.
Đây là một kiểu nhân vật đặc biệt, một hư cấu của nhà văn trong tương quan
với toàn bộ tác phẩm văn học. Tư tưởng, quan điểm của tác giả thực luôn lớn
hơn tư tưởng của người kể chuyện, nó được thể hiện trong toàn bộ tác phẩm.
Người kể chuyện có thể mang dáng dấp nào đó của nhà văn, nhưng đó không
phải là tác giả thực vì những gì nhà văn thể hiện qua người kể chuyện chỉ là
một mảnh nhỏ, một phần trong toàn bộ cuộc đời của nhà văn.
Trong cuốn Luận về tiểu thuyêt, M.Butos viêt “Người kể chuyện trong
tiểu thuyết không phải là ngôi thứ nhất thuần túy. Người đó chẳng bao giờ
hoàn toàn là chính bản thân tác giả. Không nên nhập làm một Robinsơn với
Defoe, Marcel với Proust. Bản thân người kể chuyện đã là một hư cấu, nhưng
giữa đám nhân vật tưởng tượng, tất cả dĩ nhiên ở ngôi thứ ba, y là đại diện của
tác giả…ta đừng quên rằng y cũng là đại diện của độc giả, nói chính xác là
điểm nhìn mà tác giả mời bạn đọc đặt mình vào để đánh giá, thưởng thức, rút


20

bài học cho mình về một chuỗi sự kiện nào đấy” [59, tr.264-265]. Như vậy,
người kể chuyện có vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học, nó không chỉ
là đại diện của nhà văn, là phương tiện trao gửi của nhà văn mà còn là cầu

nối, có tác dụng định hướng đối với độc giả.
Khi phân loại người kể chuyện, người ta có nhiều căn cứ:
Nếu căn cứ vào vị trí người kể chuyện trong tác phẩm có người kể
chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba. Người kể chuyện ngôi
thứ nhất xưng “Tôi” thường kể về câu chuyện của mình hoặc kể về câu
chuyện mà bản thân mình chứng kiến. Họ thường bộc lộ tính chủ quan và cảm
xúc cao độ, có thể mang quan điểm của tác giả nhưng không trùng khít với tác
giả. Người kể chuyện ngôi thứ ba thường đứng ở vị trí khách quan, không
dính líu đến câu chuyện, kể lại câu chuyện, có thể bộc lộ cảm xúc cũng có thể
không bộc lộ cảm xúc mà chỉ kể và tả. Ở đây người kể chuyện “giữ một
khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật, cốt truyện để rộng đường hư
cấu và đảm bảo tính khách quan của hiện thực” [21, tr.54].
Nếu căn cứ vào vai trò của người kể chuyện, ta có thể chia người kể
chuyện đáng tin cậy và người kể chuyện không đáng tin cậy. Ở đây lời của
người kể chuyện nếu thống nhất với quan điểm của tác giả, thống nhất với
đánh giá yêu, ghét của tác phẩm thì là người kể chuyện đáng tin cậy. Ngược
lại, nếu lời của người kể chuyện không thống nhất với quan điểm của tác
phẩm thì là người kể chuyện không đáng tin cậy.
Người kể chuyện là một yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm tự sự,
nó có vai trò quan trọng và bất biến. Nhà nghiên cứu Jonathan Culler từng nói
“Bất cứ trần thuật nào đều phải có người trần thuật, bất kể người trần thuật ấy
có được xác nhận rõ ràng hay không. Bởi vì vấn đề trung tâm của chủ đề mỗi
câu chuyện đều là mối quan hệ giữa người trần thuật hàm ẩn (phạm vi tri
thức, quan niệm giá trị) với câu chuyện mà nó kể ra” [40, tr.180].


×