VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGÔ THỊ THANH
ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG
QUA GÓC NHÌN VĂN HÓA DÂN GIAN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA DÂN GIAN
HÀ NỘI – năm 2017
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGÔ THỊ THANH
ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG
QUA GÓC NHÌN VĂN HÓA DÂN GIAN
Chuyên ngành: VĂN HÓA DÂN GIAN
Mã số: 62 22 01 30
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÊ TRUNG HOA
HÀ NỘI - năm 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện, sáng tạo.
Các dữ liệu và số liệu trong Luận án là trung thực, khách quan, có nguồn gốc
rõ ràng. Kết quả khoa học của Luận án chưa từng được công bố trên bất kỳ
nguồn thông tin nào.
Người thực hiện Luận án
NGÔ THỊ THANH
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các bảng
MỞ ĐẦU
Trang
1. Tính cấp thiết của đề tài ..........................................................................................1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ..........................................................................3
3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu .........................................................4
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ......................................................4
5. Những đóng góp mới của luận án ...........................................................................6
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án .................................................................8
7. Cơ cấu của luận án ..................................................................................................9
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ
LÝ LUẬN ...................................................................................................................10
1.1. Nhận xét về nguồn tư liệu, tài liệu .......................................................................10
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu ..........................................................................14
1.3. Cơ sở lý luận nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn văn hóa dân gian ...................26
1.4. Cơ sở thực tiễn nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn văn hóa dân gian ................43
CHƯƠNG 2. CHỦ THỂ VÀ QUÁ TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA CHI PHỐI
NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG ........................47
2.1. Khái quát lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Long.......................................................47
2.2. Bức tranh văn hóa tộc người qua địa danh tỉnh Vĩnh Long .................................51
2.3. Ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đến nguồn gốc hình thành
địa danh tỉnh Vĩnh Long .............................................................................................67
CHƯƠNG 3. ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG HÌNH THÀNH VÀ BIẾN ĐỔI
TRONG KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN VĂN HÓA .........................................76
3.1. Địa danh trong không gian văn hóa tỉnh Vĩnh Long............................................76
3.2. Địa danh phản ánh thời gian văn hóa tỉnh Vĩnh Long .........................................91
CHƯƠNG 4. NHẬN XÉT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH TỈNH VĨNH
LONG QUA GÓC NHÌN VĂN HÓA DÂN GIAN.................................................121
4.1. Quy luật văn hóa dân gian chi phối địa danh tỉnh Vĩnh Long .............................121
4.2. Tiểu vùng văn hóa tỉnh Vĩnh Long trong mối quan hệ với vùng văn hóa Tây
Nam Bộ qua địa danh ..................................................................................................132
4.3. Đề xuất các giải pháp ứng dụng kết quả nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long qua
góc nhìn văn hóa dân gian ...........................................................................................140
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1: Thống kê địa danh tỉnh Vĩnh Long
PHỤ LỤC 2: Quy ước nhóm địa danh được lý giải trong luận án
PHỤ LỤC 3: Các đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Long dưới triều Nguyễn và
thuộc Pháp
PHỤ LỤC 4: Bản đồ tỉnh Vĩnh Long xưa và nay
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
TT
NGUYÊN VĂN
CHỮ VIẾT TẮT
1
Đồng bằng Sông Cửu Long
ĐBSCL
2
Huyện Bình Minh
H.BM
3
Huyện Bình Tân
H.BT
4
Huyện Long Hồ
H.LH
5
Huyện Mang Thít
H.MT
6
Huyện Tam Bình
H.TB
7
Huyện Trà Ôn
H.TO
8
Huyện Vũng Liêm
H.VL
9
Nam Bộ
NB
10
Nam Kỳ
NK
11
Tây Nam Bộ
TNB
12
Thành phố Vĩnh Long
13
United Nations Educational Scientific and Cultural
Organization.
14
Văn hóa dân gian
Tp.VLo
UNESCO
VHDG
DANH MỤC CÁC BẢNG
TT
TÊN BẢNG
TRANG
1.1
Thống kê địa danh tỉnh Vĩnh Long
45
2.1
Các bang của người Hoa dựa trên phương ngữ của
người Hoa di cư
59
3.1
Các đơn vị quy đổi của thước ruộng dưới triều Nguyễn
103
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Để góp phần tìm hiểu về đời sống văn hóa, lịch sử của địa phương tại một
thời điểm và hoàn cảnh nhất định, các nhà nghiên cứu thường dựa trên cơ sở ngôn
ngữ học để truy tìm những minh chứng để có thể giải mã được các vấn đề của thời
đại có liên quan. Một trong những đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ mang nhiều
lớp nghĩa đáng tin cậy nhất đó là địa danh, bởi về bản chất, chúng chính là “những
tấm bia lịch sử - văn hóa bằng ngôn ngữ” [55; tr.77]. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử,
bên cạnh chức năng định danh, địa danh luôn là trang sử sống động ghi chép lại
nhiều biến cố xã hội, là nơi thể hiện những tâm tư, tình cảm và ước vọng của
nhân dân…
Chính vì vậy, hiện nay, để góp phần nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học
thường chọn địa danh làm khách thể nghiên cứu. Trước hết, địa danh sẽ góp phần lý
giải được các giá trị, thành tố văn hóa và cả tiến trình hình thành, biến đổi văn hóa
trong lịch sử. Thứ đến, việc nghiên cứu địa danh dưới góc độ văn hóa cũng là một
công việc góp phần hoàn thiện về mảng nghiên cứu địa danh Việt Nam còn khá mới
mẻ. Thực tế, trong thời gian qua, việc nghiên cứu địa danh dưới góc độ ngôn ngữ đã
mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Các nhà ngôn ngữ đã có đóng góp lớn
trong việc lý giải cặn kẽ và chi tiết về quá trình hình thành phân chia địa danh theo
ngữ nguyên, nghiên cứu về mặt cấu tạo, nguồn gốc, ý nghĩa và cả những biến chuyển
của địa danh… Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiên cứu địa danh dưới góc độ ngôn
ngữ vẫn chưa lý giải một cách thấu đáo về bức tranh toàn cảnh của đời sống sinh
hoạt, tâm thức của người dân bản địa. Bàn luận về vấn đề này, Nikonov trong công
trình Những cách nghiên cứu địa danh khẳng định ngôn ngữ học cần có những trợ
lực trong việc nghiên cứu địa danh. Vì vậy, việc lý giải địa danh đòi hỏi phải có
nhiều góc nhìn - trong đó, góc nhìn văn hóa học phải được nhìn nhận với vai trò vừa
kế thừa những thành tựu của ngôn ngữ học, song song đó, văn hóa học lại cũng vừa
đóng vai trò then chốt trong việc lý giải địa danh một cách toàn diện, đi sâu vào giải
mã đời sống văn hóa dân gian trong việc đặt tên địa danh…
1.2. Ngoài tính cấp thiết của đề tài về mặt lý luận, chúng tôi xác định phạm vi
nghiên cứu địa danh về mặt không gian thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long vì lý do sau:
Đồng bằng Sông Cửu Long là một bộ phận châu thổ của sông Mêkông. Sau khi
qua Phnom Pênh, sông Mêkông chảy qua vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bằng hai
nhánh: bên phải là sông Bassac (sông Hậu) và bên trái là sông Mê Kông (sông Tiền).
Vĩnh Long là một trong mười ba tỉnh thành có vị trí địa lý nằm giữa hai con sông lớn
nhất của khu vực, điều đó khiến vùng đất này trở thành dãy cù lao được bồi tụ bởi
nguồn phù sa dồi dào cùng với một hệ thống kênh rạch chằng chịt, Vĩnh Long là một
1
tỉnh mang đầy đủ đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Trong lịch sử, Vĩnh Long
vốn là một trong những vùng đất thu hút các lưu dân đến khai phá, khẩn hoang lập ấp
đầu tiên ở Tây Nam Bộ. Từ sau thế kỷ XVII, ba tộc người Khmer, Việt, Hoa đã cùng
chung vai sát cánh với nhau sinh sống trên mảnh đất giàu phù sa này, quá trình giao
lưu văn hóa vì thế cũng diễn ra khá phong phú tạo nên những nét văn hóa độc đáo
cho tỉnh Vĩnh Long. Vùng đất Vĩnh Long từng là nơi hội tụ, một trong những trung
tâm hành chính đóng vai trò “kinh đô” của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, khởi
đầu với tên gọi là Long Hồ dinh (năm 1732). Vì vậy, có thể nói, Vĩnh Long là tỉnh có
bề dày văn hóa trong khu vực.
Chính vị thế về lịch sử và truyền thống văn hóa nói trên, vùng đất Vĩnh Long
trở thành một trong những cái nôi văn hóa đầu tiên, có ảnh hưởng đến sự hình thành
văn hóa của khu vực. Trong giai đoạn hiện nay, vùng văn hóa Tây Nam Bộ được
Chính phủ quan tâm trong Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm Tây Nam
Bộ do Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt
Nam tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu theo công văn số 5798/VPCP-KGVX
ngày 17/07/2013, vì thế, văn hóa tỉnh Vĩnh Long là một đề tài mang tính cấp thiết,
nguồn đề tài quan trọng trong tổng thể nghiên cứu về văn hóa Tây Nam Bộ.
1.3. Hơn nữa, hiện nay, việc phát triển các đô thị và xây dựng nông thôn mới là
một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở các tỉnh thành trong cả nước. Để thực hiện,
tỉnh Vĩnh Long cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu vực chức
năng, khu dân cư, mở thêm các tuyến đường mới, tiến hành công tác điều chỉnh địa
giới hành chính ở một số địa phương… Việc tạo cơ sở khoa học nhằm đáp ứng nhu
cầu đặt tên mới hoặc đổi tên các địa danh sau khi thiết lập các tuyến đường, điều
chỉnh địa giới hành chính... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là vấn đề mang tính cấp
thiết. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu đề tài sẽ góp phần giải quyết được vấn đề
thiết thực của địa phương là đặt và đổi tên đường phố trên cơ sở vốn văn hóa lịch sử
của tỉnh nhà theo tinh thần Nghị định số 91/2005/NĐ-CP Về việc ban hành quy chế
đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, thực hiện về phát triển nông
thôn bền vững theo Quyết định số 432/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển bền
vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ký ngày 12 tháng 4 năm 2012.
Chính vì ba nhóm lý do cấp thiết nêu trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu
“Địa danh tỉnh Vĩnh Long qua góc nhìn văn hóa dân gian” làm vấn đề nghiên cứu
của luận án Tiến sỹ, chuyên ngành Văn hóa dân gian nhằm giải quyết các vấn đề
nghiên cứu lý luận về địa danh, đồng thời, góp một phần nhỏ vào sự phát triển hoạt
động khoa học công nghệ và văn hóa – xã hội ở địa phương nói riêng, vùng Tây Nam
Bộ nói chung.
2
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
2.1.1. Về mặt lý luận: Luận án cung cấp nguồn tư liệu tổng quát về địa danh
tỉnh Vĩnh Long từ trong lịch sử cho đến hiện tại, làm cơ sở dữ liệu cho các nghiên
cứu tiếp theo về tỉnh Vĩnh Long và vùng Tây Nam Bộ; Nghiên cứu cơ sở lý thuyết
giải mã địa danh dưới góc nhìn văn hóa dân gian; Đề tài khẳng định địa danh tỉnh
Vĩnh Long nói riêng và TNB nói chung là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể
của quốc gia và nhân loại, làm cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa có trong
địa danh trước bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2.1.2. Về mặt thực tiễn: Qua nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long, luận án tìm
ra được luận cứ nhằm củng cố minh chứng về quá trình khẩn hoang vùng đất Tây
Nam Bộ của người Việt trong lịch sử, nêu những nét tương đồng và khác biệt của
vùng văn hóa tỉnh Vĩnh Long trong mối quan hệ vùng văn hóa Tây Nam Bộ. Bên
cạnh đó, đề tài góp phần xây dựng cơ sở khoa học lựa chọn hoặc loại bỏ những địa
danh không phù hợp với truyền thống văn hóa, cách mạng tỉnh Vĩnh Long, góp phần
hạn chế sự lược bỏ tùy tiện một số địa danh, giúp cho công tác bảo tồn và phát huy
bản sắc văn hóa có trong địa danh thực hiện đúng địa chỉ theo Nghị định số
91/2005/NĐ-CP Về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình
công cộng; Đề xuất các tiêu chí khoa học để đặt địa danh trong quá trình xây dựng và
củng cố vững chắc nông thôn dựa trên các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với đặc
điểm từng vùng, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt
Nam theo Quyết định số 432/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt
Nam giai đoạn 2011 – 2020 ký ngày 12 tháng 4 năm 2012; Thực hiện Chương trình
bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và nếu có thể được, luận án là cơ sở để tỉnh Vĩnh
Long nói riêng, vùng Tây Nam Bộ nói chung xây dựng hồ sơ Không gian văn hóa và
đặc trưng ngôn ngữ qua địa danh vùng Tây Nam Bộ để đệ trình UNESCO công nhận
là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong giai đoạn tới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Thống kê, phân loại địa danh tỉnh Vĩnh Long.
- Khái quát về cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu địa danh; Đề xuất được
phương pháp nghiên cứu địa danh qua góc nhìn văn hóa dân gian; Đề xuất được nội
hàm các thuật ngữ nghiên cứu địa danh qua góc nhìn văn hóa dân gian.
- Giải mã được đời sống văn hóa dân gian tỉnh Vĩnh Long qua địa danh và
ngược lại; Tìm ra các giá trị văn hóa truyền thống qua địa danh tỉnh Vĩnh Long.
- Nhận diện được các quy luật hình thành văn hóa dân gian qua địa danh trong
mối quan hệ vùng văn hóa Tây Nam Bộ.
3
- Đề xuất, khuyến nghị công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian
qua địa danh.
3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Các thành tố văn hóa dân gian tỉnh Vĩnh Long, cụ thể là sự vận động của đời
sống văn hóa dân gian hình thành nên địa danh.
3.2. Khách thể nghiên cứu
Sở dĩ, người viết lựa chọn địa danh tỉnh Vĩnh Long làm khách thể nghiên cứu là
bởi vì địa danh lưu giữ các yếu tố dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng,
tôn giáo, đặc điểm địa hình địa chất… và ghi dấu cả sự biến động của lịch sử. Vì vậy,
việc lựa chọn khách thể nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long sẽ góp phần rất lớn làm
sáng tỏ đối tượng nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Vĩnh Long.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
3.3.1. Về không gian: Địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Để có một cái nhìn sâu và tổng
quát hơn về quá trình hình thành và lưu truyền vốn văn hóa dân gian của tỉnh nhà,
không gian nghiên cứu sẽ được mở rộng sang các địa danh (có ảnh hưởng về văn hóa
đối với người dân trong từng thời kỳ lịch sử), đó là một số địa danh thuộc về tỉnh
Vĩnh Long xưa (nay vẫn thuộc địa giới tỉnh nhà).
3.3.2. Về thời gian: Chúng tôi tiến hành khảo sát từ giai đoạn hình thành
Vương quốc Phù Nam, thời điểm các Chúa Nguyễn thành lập Long Hồ Dinh (năm
1732) cho đến nay.
3.3.3. Về quy mô: Luận án khảo sát qua các tài liệu thành văn, tư liệu điều tra
điền dã; khảo sát địa danh hiện có và địa danh nay đã mất đi nhưng vẫn ẩn chứa
nhiều mã văn hóa dân gian quý báu; nghiên cứu địa danh hành chính (bao gồm địa
danh có nguồn gốc dân gian) và địa danh dân gian.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Xuất phát từ phương pháp luận xem văn hóa là nhân tố bên trong, là nền tảng
chi phối mọi hoạt động của xã hội. Văn hóa là cái gốc, là nguồn cội điều khiển mọi
hành vi của con người. Đây cũng chính là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xác
định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã
hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” và được
nhấn mạnh lại qua các kỳ đại hội Đảng. Trong luận án này, chúng tôi xem địa danh
được hình thành từ trong đời sống văn hóa dân gian. Dựa trên khách thể nghiên cứu
là địa danh, chúng tôi đã xác lập vai trò của văn hóa chi phối địa danh... Cụ thể, văn
hóa quyết định nguồn gốc hình thành địa danh, quy định cách thức đặt tên, cách thức
4
lan truyền địa danh; Văn hóa là nguồn, là “ngân hàng” tên gọi của một vùng đất, địa
phương...
Như vậy, với phương pháp luận nói trên, chúng ta sẽ bóc tách được các giá trị
văn hóa của dân tộc thông qua địa danh. Việc bảo tồn địa danh là bảo tồn tài sản văn
hóa quý giá của dân tộc… Chúng tôi cho rằng, với quan điểm của phương pháp luận
này, văn hóa cần phải được vận dụng vào thực tiễn để làm rõ vai trò chủ lực của
chúng. Cụ thể là làm rõ vai trò chi phối của văn hóa với địa danh. Các giá trị văn hóa
của địa danh có thể tác động đến lòng tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước của nhân
dân. Địa danh tác động đến nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế, về chủ
quyền lãnh thổ của vùng đất, địa phương, quốc gia. Quá trình hình thành địa danh
góp phần chứng minh vai trò chủ yếu của người Kinh đối với quá trình mở đất, bảo
vệ đất, lập đất trên vùng đất Tây Nam Bộ…
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu sau:
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Trong nhóm này, chúng tôi sử dụng
phương pháp thống kê và phân loại để thống kê các địa danh hiện có trên địa bàn tỉnh
và phân loại địa danh bước đầu theo danh pháp địa lý (như: hồ, kênh, rạch, sông, xẻo,
vùng, khu vực…). Sau đó, chúng tôi tiếp tục áp dụng phương pháp này để thống kê,
phân loại địa danh chịu sự chi phối của các thành tố văn hóa trong phần mã hóa các
địa danh (Phụ lục). Trên cơ sở này, chúng tôi khái quát được bức tranh chung của địa
danh tỉnh Vĩnh Long. Song song đó, để xử lý các dữ liệu là nguồn tư liệu, tài liệu
thành văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp phân tích tổng hợp; phương pháp
nghiên cứu lịch sử, phương pháp so sánh. Phương pháp bản đồ cũng được áp dụng
trong luận án nhằm phát hiện sự thay đổi của địa danh và địa giới tỉnh Vĩnh Long qua
từng thời kỳ lịch sử.
- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Với phương pháp điều tra điền dã,
chúng tôi sưu tầm và kiểm chứng được nguồn gốc hình thành và lưu truyền địa danh.
Song song đó, chúng tôi kết hợp phương pháp phỏng vấn sâu để tìm hiểu về vốn văn
hóa chi phối địa danh. Đối tượng khảo sát: Người dân tỉnh Vĩnh Long; Địa điểm:
huyện Bình Minh (H.BM), huyện Bình Tân (H.BT), huyện Long Hồ (H.LH), huyện
Mang Thít (H.MT), huyện Tam Bình (H.TB), huyện Trà Ôn (H.TO), huyện Vũng
Liêm (H.VL), thành phố Vĩnh Long (Tp.VLo). Phương pháp chọn mẫu: mẫu ngẫu
nhiên phân tầng. Quy mô khảo sát: 545 người, n = 5 người/xã.
- Nhóm phương pháp nghiên cứu toán học: Đây là phương pháp sử dụng phần
mềm Excel phục vụ cho công tác thống kê tần số phân bố của địa danh nhằm lý giải
các đặc trưng văn hóa tỉnh Vĩnh Long.
5
Ngoài ba nhóm phương pháp chung nói trên được dùng để nghiên cứu toàn luận
án, chúng tôi còn mạnh dạn đề xuất hệ phương pháp mới sử dụng cho việc giải mã
từng địa danh dưới góc nhìn văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng, bao gồm
năm phương pháp: phương pháp xác định thành tố văn hóa, phương pháp soi gương,
phương pháp tằm ăn lá, phương pháp mã hóa địa danh, phương pháp kiểm chứng dữ
liệu địa danh. Mục đích, ý nghĩa của năm phương pháp này áp dụng cụ thể trong việc
giải mã địa danh chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong phần 1.3.2.5.
5. Những đóng góp mới của luận án
5.1. Đóng góp mới về mặt khoa học
- Luận án khái quát và đề xuất cơ sở lý luận nghiên cứu địa danh qua góc nhìn
văn hóa dân gian, cụ thể là việc dùng các thành tố văn hóa làm kim chỉ nam đặt trong
mối liên kết với bộ tiêu chí giải mã địa danh gồm yếu tố tộc người, không gian và
thời gian văn hóa. Khi dùng các thành tố văn hóa làm đơn vị cơ sở, chúng tôi từng
bước giải mã các dữ kiện văn hóa đằng sau địa danh, đặt chúng trong sự vận động
của đời sống văn hóa dân gian gắn với diễn trình văn hóa của dân tộc. Điều này đã
khắc phục được một số lỗ hổng trong nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn ngôn ngữ.
Đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu văn hóa từ trước đến nay chưa chú trọng
đúng mức, họ chỉ quan tâm đến việc lý giải từng địa danh và đưa vào khung thời gian
và không gian văn hóa chứ chưa nhận diện được sự liên kết giữa các địa danh với
nhau, chưa phác thảo được tiến trình văn hóa dân tộc chi phối địa danh của một vùng
đất. Chính vì vậy, các nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn văn hóa trước đây còn chịu
ảnh hưởng của trường phái ngôn ngữ học, chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi để giải
mã địa danh một cách có hệ thống bằng một hệ phương pháp nghiên cứu cụ thể của
chuyên ngành.
- Luận án đã đề xuất mới hệ phương pháp truy tìm dữ liệu để nghiên cứu, giải
mã địa danh của một vùng đất dưới góc nhìn văn hóa, bao gồm: phương pháp xác
định thành tố văn hóa, phương pháp soi gương, phương pháp tằm ăn lá, phương pháp
mã hóa địa danh và phương pháp kiểm chứng dữ liệu địa danh. Luận án giới thuyết
mới một số phạm trù, khái niệm thuộc về bản chất của địa danh qua văn hóa dân
gian. Tiêu biểu là nhận diện được nội hàm địa danh hành chính có nguồn gốc dân
gian; đề xuất phân loại địa danh thành địa danh hành chính và địa danh dân gian; nêu
bật được đặc điểm của địa danh trong đời sống văn hóa dân gian. Qua quá trình
nghiên cứu, luận án còn giới thuyết mới một số quy luật văn hóa dân gian chi phối
quá trình hình thành và phát triển của địa danh như: Quy luật văn hóa dân gian chi
phối cách đặt địa danh, bao gồm: việc phát hiện Nguồn gốc địa danh xuất phát từ đời
sống văn hóa của địa phương; Tên gọi địa danh đáp ứng nhu cầu dễ nhớ; Từ ngữ đặt
tên cho địa danh chịu sự chi phối từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân; Tên
6
gọi địa danh được số đông hưởng ứng, nuôi dưỡng bằng con đường truyền miệng;
Tên gọi địa danh được đặt theo quy luật liên hoàn (việc phát hiện quy luật đặt địa
danh theo tính liên hoàn, kết hợp với việc giải mã địa danh mang thành tố “Cái”, luận
án góp phần cho ngành địa danh học Việt Nam trong việc giải mã và giải quyết một
số vấn đề còn đang tranh cãi về địa danh); Quy luật chuyển hóa giữa địa danh hành
chính và địa danh dân gian (giúp các nhà nghiên cứu không có cái nhìn cứng nhắc về
địa danh hành chính); Quy luật hình thành nguồn gốc phái sinh của địa danh (với
việc phát hiện quy luật này, chúng tôi đã góp phần giải quyết được các khái niệm
nhập nhằng khi xác định địa danh văn hóa, giải quyết được vấn đề địa danh có nhiều
nguồn gốc hình thành, chứng minh địa danh mang tính dân gian rất mạnh mẽ…);
Quy luật văn hóa dân gian chi phối quy luật ngôn ngữ; Quy luật chuyển hóa giữa địa
danh – hiệu danh – nhân danh.
5.2. Đóng góp mới về mặt thực tiễn
- Tạo cơ sở khoa học góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tỉnh Vĩnh
Long còn lưu giữ qua địa danh; Giúp việc bảo tồn vốn văn hóa dân gian của tỉnh
Vĩnh Long tiếp tục thực hiện đúng địa chỉ; Hạn chế được việc bảo tồn theo sự cảm
tính, chủ quan, tránh việc xóa sổ các địa danh dân gian trước bối cảnh công nghiệp
hóa hiện đại hóa đất nước theo tinh thần của Nghị định số 91/2005/NĐ-CP Về việc
ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Song song đó,
luận án cũng góp phần nhận diện được phạm vi áp dụng của Nghị định 91/2005/NĐCP tại Chương 1, Điều 1, cần được mở rộng đến các vùng nông thôn. Bổ sung những
tiêu chí đặt địa danh gắn với địa danh thuần Việt.
- Đóng góp cho Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trong quá trình
thực hiện việc xây dựng các công trình nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐTTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình
mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2020, phù hợp với
đặc điểm từng vùng, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn
Việt Nam theo Quyết định số 432/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững
Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ký ngày 12 tháng 4 năm 2012 (nhằm giải quyết vấn
đề trước mắt như địa phương tỉnh Vĩnh Long chưa có quỹ ngân hàng địa danh để đặt
cho các con đường ô tô ở ấp và liên ấp như chúng tôi đã nêu trong phần Phụ lục mục
17, 18 – B. Địa danh chỉ công trình xây dựng, hiện vẫn chưa được đặt địa danh
hoàn chỉnh).
- Góp phần phát huy việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, hàng hóa
gắn với các địa danh dân gian, địa danh mang lớp từ thuần Việt ở các địa phương,
khu vực, tạo bản sắc cho thương hiệu hàng hóa Việt Nam không lẫn lộn với thương
7
hiệu của người bạn láng giềng Trung Quốc, giữ gìn bản sắc riêng cho địa danh
quốc gia.
- Luận án góp phần đề xuất các chính sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa
phi vật thể qua địa danh, làm cơ sở khoa học để địa phương tiến hành Kiểm kê Di sản
địa danh và xin phép lập hồ sơ khoa học Không gian văn hóa và đặc trưng ngôn ngữ
qua địa danh vùng Tây Nam Bộ đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật
thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian tới. Cho dù được công nhận hay không,
chúng ta cũng giới thiệu được đến bạn bè quốc tế văn hóa truyền thống Tây Nam Bộ
và quá trình lập đất hợp pháp của người Việt đối với vùng đất phía Nam của tổ quốc.
Nhìn nhận địa danh là một sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể, luận án góp phần đề
ra giải pháp đổi tên chợ ở nông thôn và đặt địa danh dân gian trong các tuyến điểm
du lịch nhằm tạo tiền đề và thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn; Luận án góp
phần đề xuất việc đặt địa danh Hán Việt trong những trường hợp cần thiết trên địa
bàn Nam Bộ, chúng ta có thể dùng tên gọi các địa danh ra đời trong giai đoạn chúa
Nguyễn và triều Nguyễn để đặt cho các đối tượng. Điều đó góp phần khẳng định và
ghi nhớ quá trình khai phá vùng đất mới của ông cha ta, tạo cho địa danh mới (mang
lớp từ Hán Việt) có chiều sâu về mặt lịch sử.
- Góp phần đề xuất giải pháp chấn chỉnh vấn đề viết sai chính tả địa danh dân
gian trong giai đoạn hiện nay, nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Đóng góp cho Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền
vững vùng Tây Nam Bộ. Đề xuất áp dụng khung nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn
văn hóa với hệ phương pháp nghiên cứu mới của luận án, qua đó, nhân rộng việc
nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn văn hóa ở các tỉnh thành trong khu vực Tây Nam
Bộ hoặc thậm chí là cả Nam Bộ, nhằm tạo một bộ tư liệu lịch sử về địa danh. Công
trình là một minh chứng cho quá trình “Mở đất – Lập đất – Bảo vệ đất” với vai trò
chủ đạo của người Kinh và sự chung tay góp sức của đồng bào dân tộc anh em trong
lịch sử được viết không phải bằng nguồn sử liệu như từ trước đến nay mà bằng nguồn
tư liệu rất đặc biệt đó là địa danh.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Nhìn chung, kết quả của luận án thực sự là những đóng góp về hướng tiếp cận
mới trong khoa học nghiên cứu về địa danh dưới góc nhìn văn hóa, giải quyết được
một số vấn đề nghiên cứu về địa danh dưới góc nhìn văn hóa từ trước đến nay chưa
được làm sáng tỏ.
- Luận án đã góp phần xác định rõ, khái quát các vấn đề có liên quan về địa
danh và hệ thống các phương pháp tiếp cận, giúp cho các nghiên cứu tương tự có cơ
sở tham khảo khi nghiên cứu địa danh.
8
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án có ý nghĩa trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Vĩnh Long
nói riêng, các tỉnh thành Tây Nam Bộ nói chung. Kết quả nghiên cứu của luận án kịp
thời giải quyết được các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội có liên quan đến địa danh;
vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trước bối cảnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận án bao gồm 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận
Chương 2: Chủ thể và quá trình giao lưu văn hóa chi phối nguồn gốc hình thành
địa danh tỉnh Vĩnh Long.
Chương 3: Địa danh tỉnh Vĩnh Long hình thành và biến đổi trong không gian và
thời gian văn hóa.
Chương 4: Nhận xét kết quả nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long qua góc nhìn
văn hóa dân gian.
9
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Nhận xét về nguồn tư liệu, tài liệu
1.1.1. Nguồn tư liệu, tài liệu ngành địa lý, lịch sử
1.1.1.1. Để nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long, tác giả đã sử dụng nguồn tư
liệu lịch sử, sách biên khảo. Nhìn chung, đây là nguồn tư liệu quý hiếm, tập trung mô
tả về địa lý, thổ sản của một vùng đất, thường ra đời trong giai đoạn thời chúa
Nguyễn và triều Nguyễn. Chúng thường được biên soạn từ các vị quan được triều
đình cử đi kinh lý để thu thập tình hình thực tế của địa phương. Vì vậy, địa danh
trong các quyển sách này phần lớn được ghi lại bằng những mô tả thật chi tiết gắn
với các sự vật hiện tượng có liên quan, tất cả nhằm phục vụ cho việc cai trị của triều
đình phong kiến đương thời. Tiêu biểu cho nguồn tư liệu này, ta có các tác phẩm
như: Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn; Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806),
Lê Quang Định; Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức; Đại Nam liệt
truyện tiền biên (1841-1852), Quốc sử quán triều Nguyễn; Sử học bị khảo (1876),
Đặng Xuân Bảng; Đại Nam nhất thống chí (1882), Quốc sử quán triều Nguyễn biên
soạn; Quốc triều chánh biên toát yếu (1908), Cao Xuân Dục…
1.1.1.2. Loại tư liệu thứ hai là các tài liệu địa lý lịch sử ra đời trong giai đoạn
thuộc Pháp. Chúng được viết trong hoàn cảnh thực dân thăm dò, khám phá vùng đất
phía Nam tổ quốc để tiến hành khai thác thuộc địa như Monographie de la province
de Vinh Long (1904) do Imprimerie Ménard & Rey ấn hành; Annuaire général de L’
Indochine (1910); La Plaine des Joncs et sa mise envaleur (Victor De La-haye năm
1928)... Song song đó, trong thời gian này, một bộ phận người Việt ảnh hưởng Tây
học cũng xuất bản các tác phẩm viết về đặc điểm địa lý đương thời nhưng số lượng
không nhiều, tiêu biểu có thể kể đến quyển Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ (1875)
của Trương Vĩnh Ký đến nay vẫn còn giá trị hiện thực của nó.
1.1.1.3. Bên cạnh thể loại sách nói trên, các quyển địa chí được viết từ sau Cách
mạng tháng Tám được xem là nguồn tư liệu cung cấp nhiều thông tin để tiếp cận và
giải mã địa danh. Tiêu biểu, ta có Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long (1966); Vĩnh Long
xưa và nay (1967) của Huỳnh Minh và các sách địa chí viết ở giai đoạn về sau này
như: Địa chí tỉnh Cửu Long (1989), Trần Thanh Phương; Nghiên cứu địa bạ triều
Nguyễn (Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh) (2000), Nguyễn Đình Đầu; Địa chí tỉnh
Vĩnh Long (2013), Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long…
10
1.1.2. Nguồn tư liệu, tài liệu ngành ngôn ngữ học
Ngoài nguồn tư liệu trên, luận án còn sử dụng các loại từ điển để tra cứu nguồn
gốc địa danh và truy nguồn văn hóa dân gian (VHDG) như: Tự vị tiếng nói miền Nam
(1993), Vương Hồng Sển; Từ điển Phương ngữ Nam Bộ (1994), Nguyễn Văn Ái;
Việt Nam – Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 - 2002) (2003) của
Nguyễn Quang Ân; Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (2008), Nguyễn Đình Tư;
Từ điển địa danh Văn hóa Lịch sử Việt Nam (2011), Nguyễn Như Ý chủ biên; Từ
điển địa danh Nam Bộ (2014); Từ điển địa danh Trung Bộ (2015), Lê Trung Hoa…
Bên cạnh đó, luận án còn sử dụng nhóm tài liệu tham khảo nghiên cứu địa danh dưới
góc độ ngôn ngữ dựa trên các phân tích về ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học,
ngữ nghĩa học… bao gồm các công trình: Lược sử nguồn gốc địa danh Nam Bộ
(1999), Bùi Đức Tịnh; Chung quanh thuật ngữ “địa danh” (2000), Lê Trung Hoa;
Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự
so sánh với những dân tộc khác) (2002), Nguyễn Đức Tồn; Tìm hiểu nguồn gốc địa
danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học (2002), Lê Trung Hoa; Một số vấn đề về địa
danh học Việt Nam (2002), Nguyễn Văn Âu; Các phương pháp cơ bản trong việc
nghiên cứu địa danh (2002), Lê Trung Hoa; Lịch sử địa danh Việt Nam (2008), Vũ
Ngọc Khánh; Những đặc điểm chính của địa danh tỉnh Vĩnh Long (2008), Nguyễn
Tấn Anh; Văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ (2010), Lê Trung Hoa, Lý Tùng Hiếu;
Địa danh học Việt Nam (2011), Lê Trung Hoa… Song song đó, chúng tôi cũng tiếp
cận một số lượng lớn các công trình nghiên cứu đã công bố của Lê Trung Hoa bao
gồm 73/116 bài viết về địa danh học Việt Nam, trong đó có đề cập đến địa danh tỉnh
Vĩnh Long và Nam Bộ (NB) dựa trên việc phân nhóm địa danh theo thành tố chung...
1.1.3. Nguồn tư liệu, tài liệu ngành văn học
1.1.3.1. Trong nguồn tư liệu viết về địa danh tỉnh Vĩnh Long qua các thể loại
văn học, chúng tôi nhận thấy các thể loại văn xuôi (giai thoại, dã sử, cổ tích, truyện
tích) và thể loại văn vần (ca dao, dân ca, hò, vè, hát ru) chưa được đề cập khá đầy đủ
ở một số công trình. Riêng các thể loại còn lại như ca kịch và trò diễn dân gian có
tích truyện, chúng tôi chưa sưu tầm được nguồn tư liệu phản ánh qua địa danh tỉnh
Vĩnh Long. Xét nguồn tư liệu truyện kể NB, chúng tôi đồng ý kiến với tác giả Trần
Chinh là trong các tác phẩm như: Nghìn năm bia miệng (1992), Huỳnh Ngọc Trảng,
Nguyễn Ngọc Tường; Huyền thoại miệt vườn (1994), Nguyễn Phương Thảo; Nam Kỳ
cố sự (1997), Nguyễn Hữu Hiếu; Huyền thoại về tên đất (1998), Nguyễn Thái… là
nguồn truyện viết về địa danh NB nhưng không có địa danh viết về tỉnh Vĩnh Long
ngoại trừ công trình Nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua truyện tích và giả thuyết của
Nguyễn Hữu Hiếu (2013). Ngoài ra, trong nguồn tài liệu này, tiêu biểu chúng tôi
khảo sát các tác phẩm có quy mô nghiên cứu rộng như Tổng tập văn học dân gian
11
người Việt do Nhà xuất bản Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia chủ trì, phối hợp
với Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian tổ chức biên soạn trong hai năm 2001-2002,
bao gồm: Tục ngữ, tập 1, 2, Nguyễn Xuân Kính (chủ biên); Câu đố, tập 3, Trần Đức
Ngôn biên soạn; Truyền thuyết, tập 4, 5, Kiều Thu Hoạch (chủ biên); Truyện cổ tích,
tập 6, 7, Nguyễn Thị Huế (chủ biên); Truyện cười, tập 8, 9, Nguyễn Chí Bền (chủ
biên); Truyện ngụ ngôn, tập 10, Nguyễn Xuân Kính (chủ biên); Truyện nôm bình
dân, tập 12, Kiều Thu Hoạch (chủ biên); Vè, tập 13, 14, Vũ Tố Hảo biên soạn; Kho
tàng ca dao người Việt (2001), tập 1, tập 2, Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật
(chủ biên); Nhiều tác giả, Từ điển type truyện dân gian Việt Nam (2012)… và một số
tài liệu tham khảo như Bước đầu tìm hiểu nguồn truyện kể địa danh Việt Nam (1986),
Nguyễn Bích Hà; Truyện kể địa danh từ góc nhìn thể loại (1999), Trần Thị An;
Truyền thuyết dân gian và địa danh (1999)... Những tác phẩm văn học địa phương về
ca dao dân ca phản ánh địa danh tỉnh Vĩnh Long như: Dân ca Cửu Long chỉ có duy
nhất bài dân ca hò cấy (thế sự) đề cập đến địa danh xã Bình Hòa Phước thuộc tỉnh
Vĩnh Long; Ca dao, hò vè tỉnh Vĩnh Long phản ánh địa danh qua các thể loại ca dao,
hò, vè, tác phẩm đã phản ánh số lượng lớn về địa danh tỉnh Vĩnh Long; Nam Kỳ
phong tục nhơn vật diễn ca là công trình ghi lại địa danh tỉnh Vĩnh Long vào năm
1909; Văn hóa dân gian huyện Bình Tân sưu tầm một số câu ca dao, tục ngữ gắn với
địa danh huyện…
1.1.3.2. Nhìn chung, qua các công trình nghiên cứu về văn học nói trên, các
type nội dung có liên quan đến địa danh tỉnh Vĩnh Long được tổng kết như sau:
+ Thể loại văn xuôi
- Type truyện gắn với đời sống văn hóa ở địa phương: motif địa danh gắn với
địa hình, đất đai thổ nhưỡng; motif địa danh gắn với sinh hoạt văn hóa, phong tục tập
quán của nhân dân, trong đó bao gồm cả motif ghi lại sự kiện trong đời sống
hàng ngày.
- Type truyện gắn với lịch sử: motif truyện gắn với giai đoạn khẩn hoang (motif
gắn với Nguyễn Ánh; motif diệt cọp; motif bà mụ đỡ đẻ cho cọp; motif địa danh gắn
với người lập làng); motif địa danh gắn với sự kiện lịch sử.
+ Thể loại văn vần
Trên thực tế, các thể loại này về cơ bản không có sự tách bạch rõ ràng. Đôi lúc
chúng ta cũng nhận thấy nhiều câu ca dao trở thành bài hát ru, hoặc từ bài hát ru, ta
cũng có thể nghe những câu ca dao tương tự… Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy địa
danh được đề cập qua các thể loại trữ tình dân gian có các type nội dung sau:
- Type nội dung phản ánh đời sống văn hóa: địa danh tự hào về quê hương, đất
nước; địa danh gắn với tình yêu đôi lứa; địa danh phản ánh đời sống sinh hoạt của
người dân.
12
- Type nội dung gắn với lịch sử: địa danh phản ánh những sự kiện lịch sử xã
hội, đặc biệt là địa danh gắn với truyền thống chống giặc ngoại xâm; địa danh phản
ánh công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Nhìn chung, các thể loại thơ ca trữ tình dân gian ở nhiều khu vực tỉnh thành đều
có cùng phương thức thể hiện. Đối với các type truyện theo thể loại văn xuôi, văn
vần thì địa danh thường bị chi phối bởi motif thể hiện, tuy nhiên, trong một vài
trường hợp, đối với thể loại trữ tình dân gian thì type nội dung quy định các địa danh
được diễn đạt.
Xét về đặc điểm nội dung thể hiện trong các thể loại văn xuôi, chúng tôi nhận
thấy chúng phản ánh nguồn gốc hình thành địa danh. Nội dung thể loại trữ tình dân
gian đề cập đến các địa danh gắn với đời sống đương thời của người dân nhiều hơn.
1.1.4. Nguồn tư liệu, tài liệu ngành văn hóa
Chúng tôi nhận thấy, trong nhóm các tài liệu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa có
khá nhiều công trình liên quan đến việc giải mã nguồn gốc hình thành địa danh tỉnh
Vĩnh Long, mặc dù chúng không lý giải địa danh một cách trực tiếp. Có thể kể đến
các tác phẩm tiêu biểu như Người Việt gốc Miên (1969), Lê Hương; Tiểu luận cao
học nhân văn (1975) - Hội Thánh Di lạc Vĩnh Long, Hà Phước Thảo; Văn hóa dân
gian Nam Bộ những phác thảo (1997), Nguyễn Phương Thảo; Tôn giáo ở Vĩnh Long
– vài đặc điểm (1999), Trần Hồng Liên; Góp phần tìm hiểu về lịch sử văn hóa tâm
linh của các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long dưới góc độ quản lý nhà nước về vấn đề
dân tộc và tôn giáo (1999), Nguyễn Văn Diệu; Một số lễ tục dân gian người Khmer
Đồng Bằng Sông Cửu Long (1999), Trần Văn Bổn; Định cư của người Hoa trên đất
Nam Bộ (từ thế kỷ XVII đến năm 1945) (2000), Nguyễn Cẩm Thúy; Văn hóa dân
gian Việt Nam những phác thảo (2003), Nguyễn Chí Bền; Tìm hiểu văn hóa tỉnh
Vĩnh Long (2003), Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long; Văn hóa vùng và phân vùng
văn hóa ở Việt Nam (2004), Ngô Đức Thịnh; Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa
dân tộc (2005), Ngô Đức Thịnh; Đồng bằng Sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa và
văn minh miệt vườn (2007), Sơn Nam; Văn hóa dân gian huyện Bình Tân (2010),
Trần Văn Nam; Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (2013), Trần Ngọc Thêm…
1.1.5. Nguồn tư liệu bản đồ
So với các nguồn tư liệu khác, bản đồ được xem là loại tư liệu ghi lại một cách
khái quát nhất về địa danh của một vùng đất. Loại hình này sẽ giúp nhà nghiên cứu
nhận định được địa giới hành chính của vùng đất qua từng giai đoạn lịch sử. Trong
nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đã sử dụng các loại bản đồ sau để đối
chiếu địa danh, cụ thể như: bản đồ Nam Bộ thời Phủ Gia Định; bản đồ hành chánh
Nam Kỳ lục tỉnh 1836; Vĩnh Long toàn đồ (vẽ sau khi lập địa bạ, vì phủ Hoằng An đã
đổi ra phủ Hoằng Trị năm 1837); bản đồ An Nam Đại Quốc của Taberd ấn hành
13
năm 1838; bản đồ hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc; bản đồ hành chánh Nam Bộ
trước năm 1975; bản đồ tỉnh Vĩnh Long hiện nay bao gồm: bản đồ thành phố Vĩnh
Long, bản đồ huyện Trà Ôn, bản đồ huyện Mang Thít, bản đồ huyện Bình Minh, bản
đồ huyện Bình Tân, bản đồ huyện Long Hồ; bản đồ huyện Vũng Liêm, bản đồ huyện
Tam Bình.
1.1.6. Ngoài các nguồn tư liệu, tài liệu kể trên, chúng tôi còn sử dụng các văn
bản như: Báo cáo số 78 BC-SNV Tổng kết công tác quản lý địa giới hành chính các
cấp giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2012; Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Long của
Cục thống kê tỉnh Vĩnh Long; Thống kê công trình giao thông đường bộ ở Vĩnh
Long, Thống kê đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Long… Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử
dụng nguồn tư liệu qua quá trình điều tra điền dã. Đây là công tác hỗ trợ cho việc
nghiên cứu một số nguồn gốc địa danh chưa rõ nghĩa. Để thực hiện, chúng tôi tiến
hành khảo sát chủ yếu là người cao tuổi - những người còn lưu giữ vốn văn hóa
truyền thống của dân tộc trong giai đoạn trước và sau năm 1975.
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.2.1. Khái quát lịch sử nghiên cứu địa danh và văn hóa qua địa danh
1.2.1.1. Việc ghi nhớ và đặt tên địa danh xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt trong
cuộc sống. Nhưng có lẽ, khởi đầu cho việc nghiên cứu địa danh, chúng ta phải kể đến
Ban Cố, người đời Đông Hán, Trung Quốc (250 - 220 trước Công Nguyên). Trong
tác phẩm Hán thư – một loại sách tương tự như sách địa lý lịch sử ở nước ta, Ban Cố
đã liệt kê khoảng trên dưới 4000 địa danh cùng với những chú thích về địa lý, sinh
hoạt của người dân sở tại. Tương tự, thời Bắc Ngụy (515 - 526), Lệ Đạo Nguyên
trong bộ Thủy Kinh chú cũng đã ghi lại hơn 2300 địa danh lúc bấy giờ… [Dẫn theo
69; tr.20].
1.2.1.2. Ở Việt Nam, địa danh được ghi lại cũng vào thời điểm nói trên nhưng
căn cứ từ các dữ kiện tạo thành hai quan điểm trong giới học thuật như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, địa danh nước ta được nhắc đến khởi đầu từ các
sử gia Trung Quốc và phần lớn chúng được quan tâm dưới cái nhìn của kẻ cai trị và
xâm lược. Các học giả dẫn luận, để phục vụ cho mưu đồ đen tối ấy, vào những năm
TCN, sử gia Tiền Hán thư đã quan tâm ghi chép lại địa giới của quận Giao Chỉ (Bắc
Việt Nam). Tiếp theo đó, các sử gia Hậu Hán thư, Tấn thư, Thủy Khâm, Thông điển,
Thái Bình hoàn vũ ký… cũng lần lượt biên chép lại địa danh cổ ở Việt Nam. Giả
thuyết này được số đông các nhà nghiên cứu đồng ý như Đặng Xuân Bảng (trong Sử
học bị khảo, ông đã dùng các bộ sử của Trung Quốc để nghiên cứu địa danh nước ta);
14
Sử gia Đào Duy Anh; Nguyễn Văn Âu… và hầu hết các nhà ngôn ngữ học sau này
như Khổng Thị Kim Liên1; Trần Thị Phương Hằng2…
Quan điểm thứ hai cho rằng, địa danh Việt Nam được nghiên cứu sớm từ chính
người Việt của chúng ta. Đó là Dương Phù, người Nam Hải (thuộc quận Giao Chỉ),
ông đã bỏ tâm huyết để ghi chép lại địa danh trong quyển Dị vật chí. Tuy vậy, quyển
sách này hiện nay đã mất và chỉ được lưu lại trong kho tàng thư tịch Trung Quốc.
Quan điểm này được các nhà nghiên cứu trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam, nhà
nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn… tán thành.
Nhìn chung, hai quan điểm trên đều xác nhận địa danh Việt Nam được ghi
chép, sưu tập vào giai đoạn đầu công nguyên và hiện chúng chỉ còn lưu giữ trong các
thư tịch cổ Trung Quốc. Điều đó, khiến nhiều học giả chỉ chấp nhận các kết luận
nghiên cứu về sau dựa vào thư tịch cổ còn lại của Việt Nam.
Khảo sát số lượng sách địa lý lịch sử bằng tài liệu Hán Nôm cho thấy, sách Đại
Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết năm 1759 đã thống kê tại thời điểm đó ta có được
116 bộ sách trong thiên Nghệ văn chí. Đến năm 1819, Lịch triều Hiến Chương loại
chí của Phan Huy Chú ra đời, trong thiên Văn tịch chí ông đã liệt kê được 207 bộ
sách Hán Nôm. Tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp giới thiệu
429 bộ sách, trong đó có 116 bộ sử và 37 bộ sách địa lý.
Cụ thể, theo Lê Quý Đôn trong Nghệ văn chí, vào đời vua Lý Anh Tông, ấn
phẩm đầu tiên về địa danh là Nam Bắc phiên giới địa đồ (1172) nay đã mất. Tiếp
theo đó, bộ sách thứ hai xuất hiện vào đời Trần với tựa đề là An Nam chí lược do Lê
Tắc biên soạn (1333). Mặc dù tác phẩm đã cung cấp nhiều tư liệu về đời sống cung
đình, các nhân vật lịch sử cùng những tư liệu về địa danh nước ta nhưng An Nam chí
lược vẫn không được xem là vốn di sản văn hóa của dân tộc. Bởi, tác phẩm được viết
trong khoảng thời gian Lê Tắc trốn sang Trung Quốc. Cho nên, thực tế An Nam chí
lược vẫn còn nhưng bị xem như đã mất. Chính vì lý do này mà khi tiếp xúc với các
nghiên cứu bình luận về sách địa lý lịch sử, chúng ta nhận thấy đa số các học giả đều
công nhận bộ sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi là bộ địa chí đầu tiên nghiên cứu về
địa danh toàn vẹn nhất ở nước ta, có giá trị cao về mặt phương pháp tiếp cận địa lý
học lịch sử.
Sau Dư địa chí, ta có thể kể các tác phẩm như Thiên hạ bản đồ; Hồng Đức bản
đồ (1490), Ô châu cận lục của Dương Văn An (1553); Phủ biên tạp lục của Lê Quý
Đôn (1776)… Đến thời nhà Nguyễn, với chiến lược mở rộng bờ cõi cai trị về phía
Nam, triều đình đã chú trọng đến việc biên soạn các bộ sách lịch sử của quốc gia, cụ
thể là họ đã thành lập Quốc sử quán – cơ quan biên soạn lịch sử chính thống của nhà
1
2
Trong đề tài luận văn thạc sỹ Nghiên cứu địa danh huyện Bình Liêu và thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh.
Trong đề tài luận văn thạc sỹ Nghiên cứu địa danh thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
15
nước. Vì thế, địa danh được đề cập đến khá nhiều trong các bộ địa chí như: Hoàng
Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang Định (1806); Lịch triều Hiến Chương loại
chí của Phan Huy Chú (1819); Các trấn, tổng xã danh bị lãm (1820)3; Gia Định
thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820); Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy
Chú (1833); Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng (1883); Đại Việt dư địa chí toàn
biên, Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu (1882); Đại Nam quốc cương
giới vực biên của Hoàng Hữu Xứng (1886)…
Đến năm 1858, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, việc nghiên cứu địa danh
phần lớn cũng nằm trong giai đoạn thực dân phương Tây chủ trương ghi chép phong
tục tập quán và tên gọi các vùng đất nhằm phục vụ mưu đồ cai trị. Các tác phẩm viết
về địa danh ra đời đầu tiên trong giai đoạn này đa số là của người Pháp, tiêu biểu
như: Quelques mots sur la Cochinchine của tác giả L.De Coincy viết năm 1866 (tác
phẩm đã đề cập đến các địa danh Nam Bộ như Đồng Nai, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tây
Ninh, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho…); Monographie de la province de Vinh Long (1904);
Monographie de la province de Bienhoa (1924) của M. Robert. Ngoài ra, chúng ta
cũng có thể tìm thấy một số tác phẩm khác trong luận văn: Première étude sur les
sources annamites de l’histoire d’Annam của Cadière & Pillot (1904) và luận văn
Bibliographie Annamite của Gaspardone (1934)... Song song đó, trong giai đoạn này,
các học giả Việt Nam cũng có một số tác phẩm ghi chép về địa danh như Petit cours
de géographie de la Basse – Cochinchine của Trương Vĩnh Ký4 (1875);
Nomenclature des communes du Tokin của Ngô Vĩ Liên (1928)5.
Bước sang thế kỷ XX, các sách địa chí không còn là lĩnh vực thống lĩnh nghiên
cứu về địa danh. Mặc dù thể loại sách địa chí trong giai đoạn 1954 - 1975 phát triển
rầm rộ ở miền Nam và đã cho ra đời ngành địa chí văn hóa và địa chí VHDG vào
năm 1985. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, việc nghiên cứu về địa danh chuyên sâu phải kể
đến các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học.
So với thế giới, ngành địa danh học ở Việt Nam đã đi sau khá xa, bởi “Đến giữa
thế kỉ XX, giai đoạn hình thành của địa danh học thế giới coi như chấm dứt để
chuyển sang giai đoạn phát triển thì địa danh học Việt Nam mới dần hình thành” [69,
tr.22]. Mặc dù vậy, ngành địa danh học Việt Nam cũng có những thuận lợi riêng. Các
học giả nước ta có điều kiện hơn trong việc tiếp xúc với những thành tựu nghiên cứu
về địa danh trên thế giới như tác phẩm Nguồn gốc và sự phát triển địa danh viết năm
1926 của A.Dauzat (người Pháp); Các khuynh hướng nghiên cứu địa danh của
N.I.Nikonov (1964); E.M.Murrzaev với Những khuynh hướng nghiên cứu địa danh
Bản dịch Tiếng Việt: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX – thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra.
Bản dịch tiếng Việt: Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ.
5
Bản dịch tiếng Việt: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ.
3
4
16
học (1964); George Stewart với Địa danh trên toàn cầu (1975); Superanskaja với Địa
danh học là gì? (1985); Robert Renick với tác phẩm Làm thế nào để nghiên cứu địa
danh? (2005)… Qua quá trình tiếp cận với hệ thống lý luận về địa danh học thế giới,
các nhà nghiên cứu đã vận dụng và phát triển lý luận phù hợp với tình hình nghiên
cứu địa danh ở Việt Nam.
Chúng ta có thể điểm qua một vài công trình đi tiên phong trong lĩnh vực này
như: Mối quan hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông của
Hoàng Thị Châu (1964); Thử bàn về địa danh Việt Nam của Trần Thanh Tâm
(1976)... Và có thể nói, lần đầu tiên, công trình nghiên cứu địa danh được thể hiện
đầy đủ nhất phải kể đến luận án tiến sỹ Những đặc điểm chính của địa danh ở thành
phố Hồ Chí Minh của Lê Trung Hoa (1990) (in thành sách Địa danh ở thành phố Hồ
Chí Minh (1991); Luận án tiến sỹ Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng
của Nguyễn Kiên Trường (1996)… Trong giai đoạn phát triển, ngôn ngữ học cũng
bắt đầu cho ra đời các tác phẩm được tập hợp dưới dạng từ điển địa danh như: Từ
điển Bách khoa địa danh Hải Phòng do Ngô Đăng Lợi chủ biên (1998); Từ điển địa
danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Lê Trung Hoa chủ biên (2003)6...
Mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể nhưng cơ sở lý luận nghiên cứu
địa danh chỉ thực sự bắt đầu được xác lập khi công trình Những nguyên tắc cơ bản
trong việc nghiên cứu địa danh (1989) và Các phương pháp cơ bản trong việc nghiên
cứu địa danh (2002) của Lê Trung Hoa ra đời. Cho đến năm 2006, tác phẩm Địa
danh học Việt Nam của ông được xuất bản đã chính thức đặt nền móng cho cơ sở lý
luận địa danh học ở Việt Nam. Với “quyển cẩm nang” này, người nghiên cứu về địa
danh sẽ được cung cấp các nguyên tắc, phương pháp, nguồn tư liệu và cả những kinh
nghiệm để khảo sát địa danh…
Trong quá trình nghiên cứu, địa danh học được phân thành các chuyên ngành:
Địa danh địa lý, Địa danh lịch sử và Địa danh văn hóa. Có thể kể đến các nghiên cứu
dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa như luận án tiến sỹ của Từ Thu Mai Nghiên cứu địa
danh Quảng Trị (2004). Trong chương bốn, tác giả đã nghiên cứu các đặc trưng văn
hóa thể hiện qua thành tố ngôn ngữ địa danh; Các phương diện văn hóa trong địa
danh Quảng Trị. Với cách phân chia này, luận án đã tiếp cận địa danh qua góc nhìn
ngôn ngữ - văn hóa. Tương tự cách tiếp cận của Từ Thu Mai, công trình Từ điển địa
danh văn hóa lịch sử Việt Nam của Nguyễn Như Ý (2011) đã phân loại địa danh theo
các thành tố văn hóa. Chúng bao gồm: các di tích lịch sử (đền, đình, chùa, lăng, miếu,
phủ, quán, đài tưởng niệm…); những địa danh gắn với di chỉ khảo cổ; địa danh là các
làng nghề truyền thống… Bên cạnh đó, nhiều luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học về sau
Công trình tái bản mang tên Từ điển Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008. In thành quyển Sổ tay
tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013.
6
17
cũng phát triển theo cách tiếp cận nói trên. Điều này đã làm gợi mở hướng nghiên
cứu mới về văn hóa ở Việt Nam: nghiên cứu văn hóa qua địa danh.
Hướng nghiên cứu này đã thật sự xuất hiện trong các công trình nghiên cứu địa
danh của ngành văn hóa học từ khoảng những năm 2000 đến nay. Chúng hầu hết đều
là những bản luận văn thạc sỹ. Trong công trình của mình, các tác giả vận dụng cơ sở
lý thuyết văn hóa để lý giải địa danh, bước đầu đóng góp về cơ sở lý luận trong
nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ. Người khởi xướng cho các nghiên cứu dưới góc
độ văn hóa qua địa danh phải kể đến Lê Trung Hoa. Ông đã hướng dẫn các đề tài như
Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Võ Nữ Hạnh Trang (2006); Khía cạnh
văn hóa của địa danh ở tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Thị Ngọc Bích (2008); Văn hóa
qua địa danh tỉnh Khánh Hòa của Huỳnh Lê Thị Xuân Phương (2009)…; Sau này,
Trần Trí Dõi cũng đã hướng dẫn các luận văn như: Địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc
dưới góc nhìn văn hóa của Cao Thị Nhật Diễm (2012)…
Các lý thuyết về địa văn hóa, lịch sử văn hóa, loại hình văn hóa… đã được các
luận văn nói trên tiếp cận. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đi vào chiều sâu gắn
địa danh ở nhiều góc nhìn, cách tiếp cận vẫn chịu sự ảnh hưởng của các trường phái
lý thuyết nghiên cứu về ngôn ngữ học… Điều đó có nghĩa là các công trình về địa
danh dưới góc nhìn văn hóa chưa được nghiên cứu một cách toàn diện về mặt lý luận,
vấn đề giải mã văn hóa qua địa danh chưa thật đầy đủ, hệ thống, đòi hỏi phải có
những công trình nghiên cứu văn hóa chuyên sâu hơn.
Nhận xét:
Điểm qua lịch sử nghiên cứu địa danh học Việt Nam cho thấy, khởi thủy, chúng
được quan tâm ghi chép từ những bộ sách địa lý lịch sử hay còn gọi là sách địa chí đề
cập đến địa giới, sông núi, phong tục, đặc sản của quốc gia hoặc địa phương. Nội
dung của sách địa chí phản ánh khá nhiều đặc điểm văn hóa của vùng miền nên có
thể nói, sách dư địa chí là nguồn tư liệu cơ bản và quý hiếm cho các nghiên cứu về
địa danh. Qua quá trình phát triển đến năm 1985, thể loại địa chí được thể hiện
chuyên sâu hơn trong các nghiên cứu về địa chí văn hóa và địa chí VHDG. Tuy
nhiên, để nghiên cứu địa danh dưới góc độ văn hóa thì phải kể đến các công trình
xuất phát từ ngành ngôn ngữ học. Trong quá trình vận động và phát triển của khoa
học về địa danh, nhìn chung, các công trình nghiên cứu văn hóa qua địa danh còn
chưa hoàn thiện về mặt phương pháp và lý luận, việc giải mã văn hóa qua địa danh
vẫn chưa xác định rõ đối tượng nghiên cứu, các công trình chịu ảnh hưởng khá đậm
nét trường phái lý thuyết về ngôn ngữ học.
Có thể kết luận rằng, các nghiên cứu lý luận về địa danh dưới góc nhìn văn hóa
là một lĩnh vực mới, chỉ bắt đầu manh nha trong giai đoạn hiện nay.
18