Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

QUẢN LÝ BẢO TỒN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU Ở TIÊN YÊN VÀ ĐẦM HÀ – QUẢNG NINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (516.21 KB, 15 trang )

QUẢN LÝ BẢO TỒN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU
Ở TIÊN YÊN VÀ ĐẦM HÀ – QUẢNG NINH
Hoàng Văn Thắng
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường,
Đại học Quốc gia Hà Nội

Abstract
Scientific surveys have demonstrated the richness in biodiversity of Tien Yen and Dam Ha
districts, with a variety of ecosystems and species. The mangrove ecosystem of northeastern
Quang Ninh province in general, and of Tien Yen and Dam Ha districts specifically, plays a
very important role and generates great services to the socio-economy and the environment of
the area. It performs a great role in coastal protection, protection from typhoons and storms
and erosion prevention, especially in the context of climate change. It is home to many
valuable aquatic species which local people heavily depend on. Nevertheless, the mangrove
ecosystems there have been under great pressure from population growth and development
activities as well as ineffective management measures. Community-based conservation
management (CBCM) is a natural resource management process which involves those people
who are dependent on the natural resources, with scientific and technical assistance from
scientists, and mechanisms and financial support from the local authorities. The CBCM
model has demonstrated its positive results in natural resource management and conservation
in the coastal and estuarine area in the context of sustainable development and climate
change.
MỞ ĐẦU
Theo các nghiên cứu mới đây của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia
đang phát triển bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu với những điều
kiện khí hậu khắc nghiệt hơn như hạn hán, lụt lội, cháy rừng..., sẽ làm tăng khả năng suy giảm
hoặc biến mất của các hệ sinh thái và các loài (Trương Quang Học và Nguyễn Đức Ngữ,
2009).
Con người, kể cả các cộng đồng sinh sống tại các khu vực cửa sông, ven biển và đặc biệt là ở
các nước đang phát triển, sống phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên (đa dạng


sinh học). Tuy nhiên, cũng chính con người đã và đang sử dụng một cách không bền vững các
tài nguyên thiên nhiên của mình, trong đó, có các hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển và rừng
ngập mặn. Nhiều hệ sinh thái rừng ngập mặn bị khai thác một cách quá mức, thậm chí khai
thác hủy diệt. Hậu quả là nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các tài nguyên phi gỗ khác đã
bị suy giảm một cách nghiêm trọng, nhiều cánh rừng ngập mặn đã bị chặt phá hoặc chuyển
sang nuôi trồng thủy, hải sản... Đây cũng chính là một trong những yếu tố gây nên biến đổi
khí hậu.

105


Rừng ngập mặn (RNM) Việt Nam nói chung, của khu vực miền Đông Quảng Ninh (Tiên Yên
và Đầm Hà) nói riêng, có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường, sinh thái và kinh tế, xã hội. Các
nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ rõ sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái RNM
với nhiều quần xã khác nhau. Ngoài ra, RNM còn có giá trị to lớn về phòng hộ ven biển chắn
sóng, gió bão và lũ lụt, xói mòn, bảo vệ nguồn hải sản vùng Đông Bắc của đất nước và cuộc
sống của người dân ven biển, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên,
RNM tại khu vực này đang chịu sức ép rất lớn từ các hoạt động phát triển và sự gia tăng dân
số, quản lý và bảo tồn không hiệu quả.
Báo cáo tập trung vào việc phân tích và đánh giá mô hình quản lý bảo tồn dựa vào cộng đồng
trong bối cảnh biến đổi khí hậu được thử nghiệm tại hai xã Đông Hải – Tiên Yên và Đại Bình
– Đầm Hà trong khuôn khổ nhiệm vụ Nhà nước về bảo vệ môi trường “Triển khai áp dụng và
hoàn thiện mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng phục vụ phát triển bền
vững vùng cửa sông, ven biển xã Đông Hải – huyện Tiên Yên và xã Đại Bình – huyện Đầm
Hà, tỉnh Quảng Ninh” được thực hiện từ năm 2008 đến nay.
1. QUẢN LÝ BẢO TỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1.1. Quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng
Quản lý bảo tồn tài nguyên dựa vào cộng đồng là quá trình quản lý tài nguyên do những

người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đề xướng. Quản lý tài nguyên ven biển dựa vào cộng
đồng là chiến lược toàn diện, nhằm xác định những vấn đề mang tính chất nhiều mặt, ảnh
hưởng đến môi trường ven biển, thông qua sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng
ven biển. Quản lý bảo tồn tài nguyên dựa vào cộng đồng cũng là một quá trình, mà qua đó
những cộng đồng ven biển được tăng quyền lực về chính trị và kinh tế để họ có thể đòi hỏi và
giành được quyền kiểm, soát quản lý và tiếp cận một cách hợp pháp đối với nguồn tài nguyên
ven biển của họ. Sự vận động nhằm khởi xướng một vấn đề như thế tốt hơn hết phải được bắt
đầu từ bản thân cộng đồng. Tuy nhiên, do yếu về quyền lực nên hầu hết các cộng đồng đều
thiếu khả năng tự khởi xướng quá trình thay đổi.
Quản lý bảo tồn dựa vào cộng đồng cần phải đảm bảo các thành tố: (i) cải thiện quyền hưởng
dụng các nguồn tài nguyên; (ii) xây dựng nguồn nhân lực; (iii) bảo vệ môi trường; và (iv) phát
triển sinh kế bền vững.

1.2. Cơ sở khoa học và thực tiễn đối với xây dựng và áp dụng thử nghiệm mô
hình
Rừng ngập mặn nói riêng và thiên nhiên của nước ta nói chung đã bị suy giảm đến mức độ
báo động do nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu quản lý bảo tồn có tầm quan trọng đặc biệt.
Tuy nhiên, việc quản lý đến nay hầu như vẫn chưa có được những tiến bộ mang tính đột phá
là do chưa có sự tham gia “tích cực” của nhân dân nói chung và các cộng đồng địa phương
nói riêng. Hay nói một cách khác, cần có một sự thay đổi trong toàn bộ xã hội về quản lý bảo
vệ đa dạng sinh học và thiên nhiên. Heathcote (1998) cho rằng, quản lý thiên nhiên nói chung
là một tiến trình nhằm thiết lập một chương trình về thay đổi xã hội. Tác giả cho rằng: “Thay
đổi xã hội không thể có nếu những cộng đồng bị tác động không cho thay đổi là cần thiết”. Do
106


đó, công việc quy hoạch bảo tồn không chỉ phải quan tâm đến sản phẩm cuối cùng, mà còn
phải quan tâm cả quá trình quy hoạch, để có được một quy hoạch đáp ứng nguyện vọng và
nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là những cộng đồng bị tác động. Bởi vậy, việc tham gia vào
quá trình quy hoạch bảo tồn rừng ngập mặn của các cộng đồng có liên quan (stakeholders) là

khâu then chốt. Đó cũng chính là vai trò của cộng đồng có liên quan trong việc bảo tồn rừng
ngập mặn và đa dạng sinh học, hay nói một cách khác là quản lý bảo tồn dựa vào cộng đồng
(community-based conservation management).
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng là
một công việc khá mới mẻ và còn nhiều thách thức. Bên cạnh việc đảm bảo các nguyên tắc,
thì việc quản lý bảo tồn dựa vào cộng đồng cần phải phù hợp với các thể chế, chính sách của
trung ương cũng như của địa phương. Sự ủng hộ và tham gia của chính quyền địa phương là
vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, áp dụng thử nghiệm mô hình này.

1.3. Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế-xã hội và các hệ sinh thái
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP, 2007) đã chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong 5
nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất trước sự biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển
dâng cao lên 1 m, Việt Nam sẽ mất khoảng 5% diện tích tự nhiên, 11% số người mất nhà cửa,
giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Và nếu nước biển
dâng lên 3-5 m, đồng nghĩa với thảm họa có thể xảy ra ở Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) (Jeremy, 2008) nhận định rằng, hậu quả của mực nước biển dâng
sẽ là một thảm họa với Việt Nam. Các dự báo của Việt Nam với UNFCCC (2003) cho rằng,
nước biển sẽ tăng lên 9 cm vào năm 2010, 33 cm vào năm 2050, 45 cm vào năm 2070 và 1 m
vào năm 2100. Việt Nam có một đường bờ biển dài, và như vậy, khoảng 1.700 km (hay
khoảng 60%) đất ngập nước ven biển Việt Nam sẽ bị đe dọa do mực nước biển dâng và do đó
sẽ tác động xấu đến ngành thủy sản, cũng như các cộng đồng ven biển.
Với nhiệt độ tăng từ 1,5-2,5oC, dự kiến sẽ có những biến đổi về cấu trúc và chức năng của các
hệ sinh thái trên cạn và các loài sinh vật chủ đạo. Ở một số vùng, khi có sự biến đổi một cách
mạnh mẽ về khí hậu, có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái và tàn lụi của một số hệ sinh thái
và sự diệt chủng của một số loài động, thực vật. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể
làm mất đi nhiều khu rừng ngập mặn rất có giá trị của nhiều quốc gia. Biến đổi khí hậu sẽ gây
ra nguy cơ cháy rừng do nhiệt độ không khí tăng cao và giảm lượng mưa. Sự gia tăng khí nhà
kính, dẫn đến quá trình axit hóa nước biển và đại dương... Kết quả này tác động một cách
mạnh mẽ lên các hệ sinh thái dưới nước như các rạn san hô, thảm cỏ biển, các loài động vật
thân mềm...

Trên Trái đất, đại dương chiếm đến 70% bề mặt Trái đất. Trong khi đó, các vùng ven biển và
cửa sông có các hệ sinh thái đa dạng và có năng suất cao nhất, bao gồm các rạn san hô, rừng
ngập mặn, các thảm cỏ biển... Các hệ sinh thái biển và ven biển rất dễ bị tổn thương do tác
động của biến đổi khí hậu, kể cả những tác động của con người, bao gồm khai thác quá mức,
hủy hoại môi trường, ô nhiễm... Tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng lên các
hệ sinh thái này thể hiện chủ yếu ở các mặt: gia tăng xói mòn ven biển, mở rộng vùng lũ lụt
ven biển, xâm nhập của nước biển vào đất liền tại các cửa sông, vùng đầm phá và các hệ sinh

107


thái đất ngập nước khác, làm tan băng ở các vùng cực, ảnh hưởng đến thành phần và sự phân
bố của các loài (Lưu Đức Hải, 2009).
Tác động lên sản xuất lương thực, thực phẩm: Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới tốc độ
tăng trưởng của cây trồng cũng như vật nuôi và góp phần làm lây lan dịch bệnh. Các tác động
này cũng sẽ dẫn đến thay đổi về chế độ chiếu sáng (nắng nóng) và lượng mưa (nước), gây suy
thoái đất, xói mòn đất màu, cháy... Bên cạnh đó, bản thân nền nông nghiệp cũng góp phần
làm thay đổi khí hậu, chẳng hạn như thay đổi mục đích sử dụng đất, cách thức canh tác (ngâm
nước trong các vùng trồng lúa, mía, đốt đồng sau thu hoạch, sử dụng phân bón và thuốc trừ
sâu... chính là nguồn khí thải nhà kính – ước tính nông nghiệp thải khoảng 20% lượng khí nhà
kính trên toàn cầu. Diện tích đất trồng lúa bị suy giảm (nhất là các vùng ven biển do bị ngập
mặn hoặc bị nhiễm mặn). Sản lượng lương thực cũng như thủy sản có nguy cơ bị suy giảm do
các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như các tác động vật lý khác của tự nhiên.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng sẽ gây nên những tác động không nhỏ lên vùng đới bờ –
nhất là các đảo và quốc đảo, tác động lên sức khỏe và cư dân vùng cửa sông, ven biển, nguồn
nước..., an ninh môi trường, an ninh quốc gia... (Trương Quang Học và Nguyễn Đức Ngữ,
2009). Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết bất thường hoặc cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên
hơn như bão, lũ, hạn hán, sóng thần...
2. ÁP DỤNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ BẢO TỒN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
Theo Phan Nguyên Hồng và cộng sự (1993), rừng ngập mặn xã Đông Hải, huyện Tiên Yên và

xã Đại Bình, huyện Đầm Hà nằm trong khu vực I: ven biển Đông Bắc, từ mũi Ngọc đến mũi
Đồ Sơn. Theo đó, khu vực nghiên cứu nằm trong tiểu khu 1 thuộc khu vực I – ven biển Đông
Bắc, từ Mũi Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh) đến Đồ Sơn (Hải Phòng).
Trước đây, khu vực này có diện tích rừng ngập mặn khá lớn – tới khoảng 5.000 ha – là một
trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của khu vực phía Bắc Việt Nam với chất
lượng rừng tốt, phong phú về chủng loại, đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân. Tuy
nhiên, do quá trình khai thác và sử dụng không hợp lý, nên diện tích RNM đã bị giảm nhiều,
chỉ còn khoảng 3.000 ha. Mặc dù vậy, diện tích rừng ngập mặn và tài nguyên đất ngập nước
vùng cửa sông, ven biển này vẫn đang tiếp tục bị đe dọa và có nguy cơ bị suy thoái nghiêm
trọng nếu không có những biện pháp kịp thời để bảo tồn và sử dụng một cách bền vững, mà
chủ yếu là do các nguyên nhân chính sau đây: (i) khai thác quá mức nguồn lợi lâm, thủy sản;
(ii) nuôi trồng thủy sản không bền vững; (iii) phá rừng phòng hộ; (iv) khai thác du lịch; (v) sử
dụng cho mục đích khác, kể cả việc chôn lấp rác thải không hợp lý.

2.1. Đặc điểm tự nhiên của khu vực
2.1.1. Vị trí địa lý
+ Xã Đông Hải, huyện Tiên Yên là một xã miền núi ven biển nằm ở phía Đông, cách huyện
lỵ Tiên Yên khoảng 17 km, có diện tích tự nhiên là 4.824,74 ha (số liệu kiểm kê đất đai
năm 2005).
+ Xã Đại Bình, huyện Đầm Hà là một xã miền núi ven biển nằm về phía Nam cách thị trấn
Đầm Hà khoảng 5 km, với tổng diện tích tự nhiên đất nổi là 3.022,17 ha.
108


2.1.2. Địa hình
Nhìn chung cả Đông Hải và Đại Bình đều mang đặc điểm của địa hình vùng núi ven biển phía
Đông Bắc Bắc Bộ có tính đa dạng khá cao.
+ Xã Đông Hải có địa hình dốc thoải từ Bắc xuống Nam, phía Bắc đường 18A là vùng đồi
núi thấp có độ cao từ 25-350 m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất 387,3 m. Phía Nam
đường 18A là vùng gò đồi xen lẫn các dải đất hẹp có độ cao từ 10-50 m, thoải dần ra phía

biển là vùng bồi tụ có độ cao từ 1,5-3 m. Vùng ven biển này được cải tạo thành đất canh
tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồi núi chiếm 70% diện tích tự nhiên của xã, sắp
xếp theo cánh cung Đông Triều – Móng Cái với độ dốc từ 15-25º. Địa hình đồi có mật độ
chia cắt trung bình từ 1-2,3 km.
+ Đại Bình cũng có địa hình đặc trưng của vùng núi và ven biển, với độ cao từ 1,5-78,5 m
và bị hệ thống sông, suối chia cắt mạnh. Vùng đất canh tác nông nghiệp (lúa) của Đại
Bình thuộc tiểu vùng phù sa cổ với độ cao từ 3,5-14 m so với mực nước biển. Địa hình
dốc thoải, lượn sóng, quá trình feralit mạnh, tạo thành kết von đá ong, đất lẫn nhiều sắt,
các vết vàng, đỏ loang lổ. Vùng đất bồi tụ ven biển có địa hình thoải dần ra biển với độ
cao từ 1,5-3 m. Khu vực này đã được người dân khai thác một phần cho nuôi trồng thủy
hải sản, phần lớn còn lại là các bãi sú vẹt, cồn cát ven biển bị ngập nước thủy triều.
2.1.3. Khí hậu
a) Nhiệt độ không khí:
Nhiệt độ trung bình năm của khu vực là 22,4oC, dao động từ 18-28oC. Nhiệt độ trung bình cao
nhất là 28oC vào tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 14,3oC vào tháng 1 và 2
hàng năm. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối là 36,9oC và thấp nhất tuyệt đối là 1,5oC, tổng tích ôn khí
khoảng 6.800-7.000oC.
b) Lượng mưa:
Hai xã nghiên cứu chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Bắc, nên lượng mưa trung bình là tương
đối lớn, vào khoảng 1.868 mm. Lượng mưa hàng năm cao nhất là 2.200 mm và thấp nhất là
1.400 mm. Lượng mưa phân theo hai mùa rõ rệt, mùa mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 9 hàng
năm, chiếm từ 75-80% tổng lượng mưa trong năm, mưa thấp nhất từ tháng 10 đến tháng 4
năm sau với tổng lượng mưa chiếm khoảng 20-25% lượng mưa hàng năm.
c) Lượng bốc hơi và độ ẩm không khí:
Đông Hải và Đại Bình là vùng có lượng bốc hơi lớn, lượng bốc hơi trung bình nhiều năm là
700-800 mm. Trong đó, lượng bốc hơi tháng cao nhất là 82 mm (tháng 4) và tháng thấp nhất
là 61 mm (tháng 1). Độ ẩm không khí trung bình 79-87%, tháng thấp nhất là 70-75% (tháng
10 và tháng 11) và tháng cao nhất là 92% (tháng 3 và tháng 4). Nhìn về tổng thể, đây là khu
vực có độ ẩm không khí trong năm tương đối cao, tuy nhiên ở các tháng 1 và tháng 12 hàng
năm, thường xảy ra hạn hán và sương muối, làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

d) Gió, bão:
Đông Hải và Đại Bình có hai loại gió chính thổi theo hướng Bắc và Đông Bắc, Nam và Đông
Nam:
109


+ Mùa hè, gió thường thổi theo hướng Nam và Đông Nam từ biển vào từ tháng 5 đến tháng
9, mang theo nhiều hơi nước, dễ gây ra mưa lớn, nên lượng mưa hàng năm vào mùa này
cao hơn các vùng khác, chính vì vậy, khu vực này cũng thường chịu ảnh hưởng của bão
trong thời gian này.
+ Mùa đông, gió thường thổi theo hướng Bắc và Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Tốc độ gió trung bình 3-4 m/s. Gió mùa Đông Bắc thường gây lạnh, giá rét, thời tiết khô
hanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và gia súc, gia cầm.
+ Bão: Đây là hai xã miền núi ven biển, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão.
Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tháng có nhiều bão là tháng 7
và tháng 8 hàng năm, với tốc độ gió từ 20-40 m/s, thường gây ra mưa lớn, gió mạnh,
lượng mưa trong bão đo đượn từ 100-200 mm.
2.1.4. Thủy văn
a) Xã Đông Hải:
Chế độ thủy văn của xã Đông Hải chịu ảnh hưởng của nhiều dạng địa hình. Hầu hết các khe
suối đều bắt nguồn từ các dãy núi phía Tây và phía Bắc chảy xuống sông Hà Thanh và một số
sông khác rồi đổ ra biển. Trên địa bàn, hiện có các hệ thống sông chính là: hệ thống sông
Chùa Sâu – Cái Mắm, là hai hệ thống sông cung cấp nước lợ chủ yếu cho nguồn lợi và nuôi
trồng thủy sản (sông Chùa Sâu là dòng sông chung với sông Cái Ruộng của Đại Bình cùng
chảy ra biển và gặp sông Cái Mắm). Sông Hà Thanh là nguồn sông nước ngọt chính cung cấp
nước cho sản xuất và sinh hoạt của xã. Về mùa mưa, từ các khu vực đồi núi phía Bắc và Tây
Bắc, lượng nước dồn nhanh về sông chính, tạo nên dòng chảy lớn và xiết gây lũ lụt và sạt lở.
Về mùa khô, mực nước các dòng sông thường rất thấp, đôi khi cạn kiệt.
b) Xã Đại Bình:
Sông Đồng Lốc là một trong hai con sông chính của huyện Đầm Hà, chảy theo hướng Tây

Bắc – Đông Nam. Các sông đều bắt nguồn từ các dãy núi cao ở phía Bắc và Tây Bắc, chảy ra
biển. Các sông đều ngắn và dốc, lưu lượng sông khá lớn (trên 900 m/s), đặc biệt là về mùa
mưa. Vào mùa mưa, thường xảy ra lũ lụt đột ngột, trong khi đó, mùa khô lại thường khô cạn.
Bên cạnh sông Đồng Lốc, Đại Bình còn có hệ thống sông chung với Đông Hải của Tiên Yên,
đó là sông Cái Ruộng (hay còn gọi là sông Chùa Sâu) ở phía Nam và sông Tài Giàu ở phía
Đông.
2.1.5. Hải văn
Khu vực phía Nam và Đông Nam của xã Đông Hải cũng như của xã Đại Bình chịu ảnh hưởng
của chế độ nhật triều thuần nhất (một lần nước lên và một lần nước xuống trong ngày). Về
mùa hè, nước thường lên vào buổi chiều, còn mùa đông, nước thường lên vào buổi sáng. Biên
độ triều dao động từ 3-4 m (Móng Cái là 4,25 m). Thủy triều mạnh trong năm vào các tháng
1, 2, 6, 7, 8 và 10. Trong một tháng mặt trăng, có hai kỳ nước cường xen lẫn hai kỳ nước kém
(biên độ dao động triều 0,5-1 m). Trong tháng 6-8, dòng triều chủ yếu song song với đường
bờ, tốc độ cực đại có thể lên đến 100 cm/s.

110


2.2. Tài nguyên thiên nhiên
2.2.1. Tài nguyên đất
a) Xã Đông Hải:
Trên cơ sở kiến tạo địa chất, địa hình, có thể chia xã Đông Hải thành hai vùng chính là vùng
đồi núi và vùng đất bằng ven biển.
+ Vùng đồi núi: có thể chia thành 4 loại:
Đất lúa nước vùng đồi núi;
 Đất feralit điển hình nhiệt đới ẩm (từ 25-175 m) được chia thành 2 loại;
 Đất feralit trên núi (từ 175-400 m) gồm hai loại;
 Đất feralit màu vàng nhạt trên núi cao (từ 400 m trở lên).



+ Đất bằng ven biển: Bao gồm các cồn cát, bãi cát và đất mặn. Do tác động của con người,
một phần đã được chuyển thành đất trồng lúa, trồng màu. Diện tích còn lại rất thuận lợi
cho việc nuôi trồng thủy sản.
b) Xã Đại Bình:
Nhìn chung, về cơ bản, Đại Bình cũng có các loại đất cơ bản giống với Đông Hải, với các loại
đất chính như sau:
+ Đất phèn có màu nâu, xám nâu: Thành phần cơ giới thịt nhẹ, có khả năng sử dụng cho sản
xuất nông nghiệp, nhưng hạn chế;
+ Đất feralit biến đổi do trồng lúa, đất dốc tụ, bạc màu: Có tầng sét loang lổ, đất glây chua.
Thích hợp cho phát triển cây trồng ngắn ngày hàng năm;
+ Nhóm đất cát ven biển và đất mặn: Phát sinh do sự xâm nhập của thủy triều, gây mặn bề
mặt hoặc mạch ngầm. Những vùng nhô cao lên khỏi các bãi bùn thường có một lớp muối
trắng. Đất có màu nâu xám, ít chua đến trung tính, thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt
nhẹ.
2.2.2. Tài nguyên nước
+ Nguồn nước mặt: Cả Đông Hải và Đại Bình đều có nguồn tài nguyên nước mặt khá phong
phú. Với lượng mưa trung bình hàng năm lớn, vào mùa mưa, nước mặt của khu vực là rất
dồi dào, chất lượng khá tốt, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp cũng như
sinh hoạt. Bên cạnh đó, do hệ thống sông suối khá dầy đặc, nên nước mặt được cung cấp
cho các vùng dưới hạ lưu là khá tốt. Tuy nhiên, nước mặt của khu vực phân bố không đều
cả về thời gian và không gian, do đặc điểm thời tiết, khí hậu cũng như phân bố không đều
của các sông suối bị địa hình chia cắt. Vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, các
sông suối đều cạn và ít nước. Vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, các sông suối, ao hồ
đều đầy nước và nhiều khi gây ra ngập lụt.
+ Nguồn nước ngầm: Tổng trữ lượng nước ngầm của cả Đông Hải và Đại Bình là khá lớn,
có chất lượng tốt. Hiện tại, phần lớn cư dân của khu vực đều đang sử dụng nước giếng làm
nước sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Mực nước ngầm khá cao, nhiều nơi chỉ cách mặt

111



đất vài mét, trung bình 3-4 m. Tuy nhiên, một số khu vực ven biển có hiện tượng nhiễm
mặn về mùa khô.
+ Tài nguyên nước mặn: Khu vực có diện tích mặt biển khá rộng với chất lượng nước biển
được đánh giá là tương đối tốt, ít chịu ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm có nguồn gốc tự
nhiên và nhân tạo. Mặt khác, do được các đảo ở phía Nam bao bọc như đảo Vạn Vược, núi
Cuống, Vân Đồn nên đã tạo ra một vùng vịnh ven bờ ít sóng, biên độ triều lớn, rất phù
hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật biển, kể cả hải sản.
2.2.3. Tài nguyên sinh học
a) Xã Đông Hải có 2.856,4 ha rừng (chiếm 59,20% diện tích đất tự nhiên), trong đó có 500 ha
rừng phòng hộ (chủ yếu là rừng ngập mặn). Ngoài ra, xã còn có khoảng 4.122 ha rừng sản
xuất như thông (mã vĩ), keo tai tượng (hoặc lai), bạch đàn..., hàng năm cung cấp sản lượng gỗ
khai thác các loại đạt 115 m3. Bên cạnh đó, Đông Hải còn nhiều các loại lâm sản ngoài gỗ
như tre, nứa, song, mây... và các loại cây dược liệu.
b) Xã Đại Bình có 1.105,68 ha đất rừng (tính năm 2005), chiếm 36,59% tổng diện tích tự
nhiên, trong đó có 77,8 ha rừng sản xuất và rừng trồng, 1.027,88 ha rừng phòng hộ – chủ yếu
là rừng phòng hộ ven biển (rừng ngập mặn).
Biển của Tiên Yên và Đầm Hà nói chung, Đông Hải và Đại Bình nói riêng là nơi sinh sống
của nhiều loài thủy, hải sản có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao. Hệ sinh vật biển ở khu vực
này đa dạng, là một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh các loài thủy sản có giá
trị kinh tế, khu vực này còn có nhiều loài chim di cư cũng như chim định cư sinh sống, là đối
tượng nghiên cứu khoa học cũng như du lịch sinh thái lý tưởng.
Hoàng Văn Thắng và cs. (2008) đã điều tra, xác định được tại khu vực có: 69 loài thực vật
nổi, 58 loài động vật nổi, 33 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 159 loài thực vật bậc cao (trong đó
có 25 loài ngập mặn chính thức), 240 loài động vật đáy, 112 loài côn trùng, 96 loài cá, 43 loài
lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 13 loài thú. Trong đó, có 5 loài đặc hữu, 30 loài hiếm và 5
loài bị nguy cấp. Đây là những số liệu tương đối đầy đủ đầu tiên về các loài sinh vật đã được
xác định tại vùng cửa sông ven biển Đông Hải – Tiên Yên và Đại Bình – Đầm Hà, Quảng
Ninh.
2.2.4. Cảnh quan và môi trường ven biển

Khu vực nghiên cứu nhìn chung khá đa dạng, có các cảnh quan vùng cửa sông (cửa sông hình
phễu) ven biển, vịnh biển, các vụng nhỏ giữa các đảo. Tại những cảnh quan trên, có các hệ
sinh thái (HST) đặc trưng, có thể kể như: HST nước mặn, HST nước lợ cửa sông, HST đất
ướt ven biển, HST vùng triều, HST tùng áng (vũng vịnh nhỏ giữa các đảo), HST rừng ngập
mặn và HST đầm nuôi.

2.3. Tai biến thiên nhiên
Hàng năm, khu vực Tiên Yên và Đầm Hà chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão và khoảng
tới 3-4 cơn bão ảnh hưởng gián tiếp. Tháng có nhiều bão đổ bộ vào Tiên Yên là tháng 7 và
tháng 8, sớm hơn các khu vực khác ở miền Bắc. Phần lớn các cơn bão đổ bộ vào Tiên Yên là
bão vừa và nhỏ (tốc độ gió từ cấp 8 đến cấp 10). Vào mùa bão, trung bình mỗi tháng có 1 cơn
bão, có tháng đến 3 hoặc 4 cơn. Ngược lại, nhiều tháng, nhiều năm không có cơn bão nào.
112


Sản phẩm đi kèm với bão thường là mưa to gió lớn và gây ra lũ lụt tại nhiều khu vực. Tốc độ
gió lớn nhất khi có bão tới trên 20 m/s, thậm chí không hiếm những cơn bão tốc độ lớn hơn 40
m/s, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực nuôi trồng thủy sản. Bão kèm theo mưa lớn,
lượng mưa của các cơn bão đổ bộ trực tiếp ít nhất cũng trên 100 mm, có khi tới 300-400 mm,
gây ngọt hóa đột ngột hoặc lũ lụt phá vỡ các ao đầm nuôi trồng thủy sản. Cùng thời gian khi
mưa về, nhiệt độ không khí lại càng giảm nhanh, làm cho rủi ro của nuôi trồng thủy sản càng
cao.

2.4. Đặc điểm kinh tế-xã hội, nhân văn khu vực Đông Hải và Đại Bình
2.4.1. Tình hình sản xuất nông nghiệp
Diện tích đất nông nghiệp của cả 2 xã Đại Bình và Đông Hải không nhiều, tuy nhiên, ở đây có
đến khoảng 77-80% hộ dân làm nông nghiệp.
Xã Đại Bình có 288,43 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 180,16 ha là đất trồng lúa,
68,38 ha là đất trồng cây hàng năm như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, khoai tây và rau củ
các loại, còn lại 39,89 ha là đất trồng cây lâu năm.

Xã Đông Hải có 385,44 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 312,00 ha là đất trồng lúa,
38,54 ha là đất trồng cây hàng năm như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, khoai tây và rau củ
các loại, còn 34,90 ha là đất trồng cây lâu năm.
Tại khu vực nghiên cứu, người dân canh tác 2 vụ lúa: vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm bắt đầu
từ tháng 2 đến tháng 5, trong khi vụ mùa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 (âm lịch). Tuy
nhiên, nhiều diện tích đất chỉ trồng được 1 vụ lúa do không đủ nước tưới, vụ còn lại người
dân phải trồng màu. Cây lương thực chính trong vùng là lúa. Cây màu ở đây chủ yếu là ngô,
khoai lang, khoai sọ, lạc, đỗ tương, đậu các loại, rau các loại và một số cây công nghiệp như
thanh hao hoa vàng.
Năng suất lúa trong vùng không cao, ở những chân ruộng tốt, năng suất là 100 kg/sào/vụ,
những ruộng khác có năng suất thấp hơn, trung bình khoảng 70-80 kg/sào/vụ. Năng suất ngô
đạt 39,5 tạ/ha, khoai lang có năng suất 57 tạ/ha, đậu tương 9 tạ/ha, lạc 9 tạ/ha.
2.4.2. Tình hình nuôi và khai thác thủy sản
a) Tình hình nuôi thủy hải sản:
Bờ biển dài, diện tích bãi triều lớn của hai xã Đại Bình và Đông Hải có nguồn lợi thủy sản tự
nhiên đa dạng và phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Chất đáy tại các vùng bãi triều
ven biển trong khu vực rất phù hợp cho việc phát triển nuôi các loài nhuyễn thể có giá trị như
ngao, sò, khu vực nghiên cứu có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản nước lợ.
Trước năm 1993, từ bờ ngăn đất làm nông nghiệp của các xã ra phía biển đều là các bãi triều.
Hưởng ứng chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhân dân đầu tư đánh bắt và
nuôi trồng thủy hải sản của Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên và Đầm Hà, phong trào nuôi
trồng thủy sản đã được bắt đầu tại khu vực từ năm 1994. Trước năm 2003, chủ yếu dân trong
vùng tự ngăn đầm, đắp đập nuôi trồng thủy sản mà không có sự chỉ đạo của chính quyền các
cấp. Từ năm 2003, chính quyền các địa phương đã xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản
mặn lợ với mục đích khai thác lợi thế của địa phương mình. Chính quyền địa phương đã
113


khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi thủy sản. Hình
thức nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đối tượng nuôi bán thâm

canh chủ yếu là tôm sú, tôm he chân trắng Nam Mỹ và tôm he Nhật Bản. Đối tượng nuôi
quảng canh cải tiến bao gồm một số loài cá nước lợ như cá vược và cá song. Vùng nuôi trong
bãi được sử dụng để nuôi ngao, nghêu, sò theo hình thức quây lưới quanh khu vực nuôi. Vùng
nuôi biển (eo, vịnh, biển nông) nuôi cá bằng lồng, bè nổi và quây lưới chắn. Trong khu vực,
chưa có thâm canh cá nước ngọt.
Việc nuôi thủy hải sản những năm đầu đã thu hút một lực lượng lao động đáng kể, góp phần
giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong khu vực. Tuy
nhiên, việc nuôi thủy hải sản tại khu vực đã không mang lại những kết quả như mong muốn.
Một số diện tích ao đầm nuôi không hiệu quả, bị vỡ đê do bão và triều cường. Việc nuôi thủy
sản tại khu vực chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp về con
giống, thức ăn, thị trường, bảo vệ môi trường, nguồn lợi... Do đó, sự phát triển nuôi trồng
thủy sản tại khu vực không ổn định và nhiều hộ làm ăn bị thua lỗ (Bảng 1).
Bảng 1. Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy hải sản tại hai xã
Đại Bình và Đông Hải năm 2007-2008
Xã Đại Bình
Diện tích/sản lượng thủy hải sản

Xã Đông Hải

Năm
2007

Năm
2008*

Năm
2007

Năm
2008*


18,4 ha

21,2 ha

-

-

20 ô lồng

28 ô lồng

-

-

-

227 ha

-

-

6 ha

4,43 ha

-


-

189,4 tấn

42 tấn

155 tấn

31,8 tấn

30,4 tấn

-

50 tấn

-

7 tấn

-

48 tấn

-

- Nuôi nhuyễn thể

140 tấn


-

20 tấn

-

- Sản lượng cá nước ngọt

12 tấn

-

37 tấn

-

140,6 tấn

115 tấn

331 tấn

218,2 tấn

A. Diện tích nuôi trồng thủy hải sản
- Diện tích nuôi tôm
- Nuôi lồng bè
- Nuôi nhuyễn thể
- Diện tích nuôi cá nước ngọt

B. Sản lượng nuôi trồng thủy hải sản
- Sản lượng tôm
- Sản lượng nuôi ô lồng

C. Sản lượng khai thác hải sản tự nhiên

Nguồn: UBND xã Đại Bình và UBND xã Đông Hải, 2007, 2008.
Ghi chú: Năm 2008*: Chỉ tính 6 tháng đầu năm.
Tuy số liệu các năm và các loài nuôi chưa thật đầy đủ, nhưng có thể thấy số diện tích nuôi
tôm tuy không nhiều nhưng có tăng lên qua các năm, sản lượng tôm gần như không đổi. Điều
này cho thấy năng suất tôm bị suy giảm và cũng phù hợp với kết quả điều tra trong 44 hộ ở
thôn Làng Ruộng và 60 hộ ở thôn Cái Khánh. Không có hộ nào trong số 44 hộ ở Làng Ruộng
114


có đầm tôm và chỉ có 2 hộ ở Cái Khánh có đầm tôm, nhưng không cho năng suất do tôm chết.
Số lượng ô lồng nuôi cá cũng không ổn định và có chiều hướng giảm sút. Riêng diện tích nuôi
cá nước ngọt và diện tích nuôi nhuyễn thể có chiều hướng gia tăng.
Ở xã Đại Bình, số hộ nuôi thủy hải sản tăng qua các năm. Năm 2008, số đầm nuôi cá nước
ngọt là nhiều nhất (57 đầm) của các thôn Đồng Mương, Làng Ruộng và Nhâm Cao; 9 đầm
nuôi tôm thuộc thôn Nhâm Cao và Xóm Khe; 3 đầm nuôi lồng bè thuộc thôn Làng Ruộng; 25
đầm nuôi ngao nằm ở Chương Cả.
Đa số các hộ có đầm vào các năm 2001 đến 2004. Chỉ có một vài hộ có đầm năm 2006-2007.
Trước đây, người dân nuôi cua, cá nước ngọt và tôm. Nhưng nay đối tượng nuôi chủ yếu tập
trung vào cá nước ngọt và ngao. Nuôi tôm không đúng kỹ thuật hoặc tại những khu vực điều
kiện tự nhiên không thuận lợi sẽ tạo ra nhiều rủi ro, không thích hợp với người nghèo, đã gây
nên một số hiệu quả tiêu cực và nguy hiểm, làm cho người nghèo trở nên nghèo hơn.
b) Tình hình khai thác hải sản:
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, ở cả hai xã Đại Bình và Đông Hải, nghề đánh cá
khơi và bám khơi phát triển chậm, chưa có tàu đánh cá ở các ngư trường vùng khơi. Tuy

nhiên, sản lượng khai thác hải sản tự nhiên trong khu vực cao hơn nhiều so với sản lượng
nuôi. Năm 2008, xã Đại Bình có 27 hộ đánh bắt với 29 chiếc tàu công suất 6-20 CV và xã
Đông Hải có 19 hộ. Trong thời gian gần đây, một số hộ dân có trang bị thêm các ngư cụ khai
thác cá ngừ, cá song, sam biển, sứa…, nên sản lượng khai thác cũng như giá trị tổng sản
lượng cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Ngoài khai thác hải sản gần bờ, việc khai thác hải sản tại các bãi triều được phát triển mạnh
mẽ. Đây là nơi tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trung bình và nghèo không chỉ của
hai xã Đại Bình và Đông Hải, mà còn của các xã lân cận. Có thể thấy điều này qua kết quả
điều tra tại 44 hộ thôn Làng Ruộng (Đại Bình) và 60 hộ thôn Cái Khánh (Đông Hải). Trong số
104 hộ điều tra, chỉ có 28 hộ không đi khai thác hải sản ngoài bãi triều (20 hộ của Ràng
Ruộng và 8 hộ của Cái Khánh).
Đối tượng khai thác rất đa dạng: các loại cá, tôm, vạng, ngán, sâu đất (còn gọi là bông thùa),
sá sùng, bạch tuộc, hà, ốc các loại, v.v... Trong số các sản phẩm trên, tôm, cá là những loài có
giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, một số động vật thân mềm khác cũng có giá trị cao như ngán
(50.000 đ/kg), sá sùng (40.000 đ/kg), ốc đĩa (90.000 đ/kg). Thông thường thì người dân chỉ
khai thác một số loài nhất định. Trung bình mỗi ngày một người bắt được 1,5-2 kg sâu, 10-15
kg vạng hay 1 kg ngán. Thu nhập trung bình cũng được 50.000 đ/ngày, có khi được hơn
100.000 đ/ngày hoặc nhiều hơn và hầu như họ không mất tiền đầu tư.
Các hoạt động khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn lợi như dùng mìn đánh bắt cá gần đây
đã giảm, nhưng vẫn còn xuất hiện ở một số nơi trong địa bàn xã và huyện, phần lớn là do
những người từ nơi khác đến thực hiện. Những hoạt động này trong tương lai cần được ngăn
cấm hoàn toàn để bảo toàn nguồn lợi và đảm bảo an toàn tính mạng cho chính người dân.
Tóm lại, Nguồn thu nhập chính của người dân trong khu vực cửa sông ven biển xã Đại Bình,
huyện Đầm Hà và xã Đông Hải, huyện Tiên Yên là từ các nguồn lợi khai thác và nuôi trồng
thủy sản như tôm, cua và cá. Nguồn thu đứng thứ 2 là dựa vào canh tác đất nông nghiệp, lúa
115


nước 1 vụ và 2 vụ. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa nước 1 vụ và 2 vụ ở các thôn trong xã rất
nhỏ, sản lượng lương thực thu được trực tiếp từ trồng lúa còn thấp, chưa đảm bảo được an

toàn lương thực cho người dân.

2.5. Những tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực
Trong những năm qua, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư, phân bón tăng cao,
đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
Trong những năm gần đây, nhiều diện tích đất bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến diện tích canh
tác và năng suất cây trồng. Năm 1992, Đại Bình – Đầm Hà bị vỡ đê Đồng Bí sau cơn bão số
2. Hậu quả là khoảng 162 ha khu vực Đồng Bí đã bị ngập mặn, làm mất khoảng 30 ha diện
tích đất trồng lúa, nhiều chục ha bãi chăn thả và đầm nuôi thủy sản nước lợ. Trong những năm
gần đây, khoảng 5 ha của khu Tài Dàu – Đại Bình cũng bị nhiễm mặn do thủy triều tràn đê.
Năm 2004, khu vực Cái Khánh của Đông Hải – Tiên Yên cũng bị nhiễm mặn khoảng 2 ha do
triều cường thấm qua đê.
Có thể thấy, với diện tích đất trồng lúa rất hạn chế trong khu vực, thì sự nhiễm mặn đã ảnh
hưởng lớn đến đời sống của người dân. Theo kết quả điều tra 44 hộ của thôn Làng Ruộng
(Đại Bình) và 60 hộ thôn Cái Khánh (Đông Hải), có đến 10 hộ mất trắng vụ chiêm năm 2007.
Điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn lương thực của 2 xã. Số hộ thiếu thóc ăn trong 23 tháng/năm vào những lúc giáp hạt tương đối nhiều, đặc biệt là tại thôn Cái Khánh, nơi có
nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số. Theo kết quả điều tra, có đến 45/60 hộ tại thôn Cái Khánh
thiếu thóc ăn, thậm chí có hộ thiếu thóc ăn trong 6 tháng.
Theo đánh giá của người dân địa phương, các loài tôm cá và các nhuyễn thể khác ít dần trong
những năm gần đây, đặc biệt là cua còn rất ít. Khối lượng các loại hải sản đánh bắt được cũng
ít đi. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng lại tăng lên, nên thu nhập của người dân từ nguồn hải sản
cũng tương đối cao, bổ sung được sự thiếu hụt thóc gạo do ít ruộng canh tác và đất xấu. Đặc
biệt, đối với các hộ gia đình chưa được cấp đất canh tác thì tiền bán hải sản khai thác được là
nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.
Qua các phiếu điều tra, nhận thức của người dân về nguồn lợi hải sản của địa phương tương
đối rõ ràng. Mọi người đều nhận thức được vai trò của rừng ngập mặn đối với môi trường
sống của các loài hải sản. Hầu như toàn bộ số người được điều tra đều đề nghị cần có giải
pháp bảo vệ bền vững rừng ngập mặn của địa phương.
Trong năm 2008, Tiên Yên và Đầm Hà, nhất là Tiên Yên đã phải gánh chịu một trận lũ lịch
sử trong vòng 50 năm. Trong đó, Tiên Yên ước tính thiệt hại trên 26 tỷ đồng, Đầm Hà ước

tính thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Đây là chưa kể huyện bên cạnh là Bình Liêu ước tính thiệt hại
trên 50 tỷ đồng cùng với nhiều người bị thiệt mạng.

2.6. Kết quả xây dựng và áp dụng thử nghiệm mô hình
1. Cộng đồng tham gia và đồng thuận trong việc thực hiện.
2. Kiến thức và nhận thức của cộng đồng về vai trò và giá trị của rừng ngập mặn, nhất là
trong bối cảnh biến đổi khí hậu được nâng cao.

116


3. Quy chế phối hợp giữa hai xã cũng như quy chế quản lý và sử dụng tài nguyên thiên
nhiên của hai thôn được cộng đồng nhất trí thông qua và được chính quyền và đại diện các
đoàn thể, nhân dân cam kết, ban hành và triển khai.
4. Ban quản lý được thành lập để giám sát các hoạt động khai thác và bảo tồn hệ sinh thái
rừng ngập mặn.
5. Các công việc được triển khai: Cộng đồng được sự hỗ trợ về thể chế, chính sách, tài
chính và kỹ thuật, kể cả sự hỗ trợ về tài chính cho các mô hình sinh kế bền vững.
6. Rừng ngập mặn và các tài nguyên của rừng ngập mặn sẽ được quản lý và sử dụng hợp
lý hơn, đặc biệt là trong vấn đề chắn sóng, gió bão và xói mòn bờ biển.
7. Đây là mô hình quản lý, bảo tồn dựa vào cộng đồng được triển khai tại hai xã có hệ sinh
thái rừng ngập mặn tự nhiên điển hình tại miền Đông Quảng Ninh. Đây cũng có thể được coi
là một mô hình có sự kết hợp của các nhà: Nhà Quản lý, Nhà Khoa học và Nhà Nông, một mô
hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng cửa sông, ven biển.
2.6.1. Hiệu quả về kinh tế-xã hội tại khu vực xây dựng mô hình
+ Việc cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn sẽ hạn
chế được những bất cập mà chính quyền và các cơ quan chức năng đang gặp phải trong
quá trình quản lý và bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái rừng ngập mặn.
+ Hạn chế được việc khai thác tài nguyên rừng ngập mặn và đất rừng một cách bừa bãi,
không hợp lý, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường rất khó khắc phục cũng như sẽ rất

tốn kém trong quá trình hồi phục; giảm nhẹ được các tác động tiêu cực của biến đổi khí
hậu.
+ Tất cả các thành phần, hộ gia đình đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Tất cả mọi người
dân đều được quyền sử dụng, khai thác, quản lý và có trách nhiệm đối với tài nguyên của
hệ sinh thái rừng ngập mặn tại địa phương.
+ Tài nguyên rừng ngập mặn, đặc biệt là các loài thủy, hải sản sẽ được khai thác và sử dụng
hợp lý và bền vững, đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng một cách lâu dài không làm
suy kiệt nguồn tài nguyên và hủy hoại môi trường.
+ Các mô hình sinh kế bền vững được giới thiệu và áp dụng tại địa phương.
+ Cộng đồng các dân tộc và lãnh đạo địa phương tại thôn Cái Khánh và thôn Làng Ruộng đã
hiểu biết hơn cũng như có kiến thức hơn về rừng ngập mặn, biến đổi khí hậu và phát triển
bền vững.
2.6.2. Hiệu quả về tổ chức quản lý tài nguyên RNM tại địa phương
a) Trước khi xây dựng mô hình:
+ Trước khi Dự án được triển khai, việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng ngập mặn tại
địa phương hoàn toàn theo cơ chế cũ và thụ động, chỉ dựa vào kiểm lâm địa phương và
chính quyền các cấp, người dân không tham gia vào công tác quản lý và bảo tồn nguồn tài
nguyên này, nên rất nhiều các hoạt động khai thác không hợp lý đã xảy ra.

117


+ Việc quản lý không có sự tham gia của người dân địa phương còn dẫn đến một số mâu
thuẫn giữa chính quyền và nhân dân, giữa người làm đầm và nhân dân và đặc biệt là
không nhận được sự đồng thuận và tham gia của người dân địa phương.
b) Sau khi xây dựng mô hình:
+ Mô hình quản lý, sử dụng tài nguyên dựa vào cộng đồng không chỉ cung cấp các kiến
thức, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, mà còn cung cấp một công cụ hữu hiệu cho cộng
đồng trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên của họ. Trong quá trình triển khai mô hình,
chính quyền và nhân dân địa phương có thể đúc rút những kinh nghiệm, cải tiến, bổ sung

và chỉnh sửa những nội dung và cách thức mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của họ.
+ Sau khi tham gia thực hiện mô hình, chính quyền cũng như nhân dân địa phương đã nắm
được các bước, nguyên tắc cũng như trình tự xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình. Trên
cơ sở đó, họ có thể tự củng cố hoặc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình qua các thôn
khác.
KẾT LUẬN
Khu RNM Đông Hải – Tiên Yên và Đại Bình – Đầm Hà còn giữ được tính chất tự nhiên còn
sót lại của RNM ở miền Bắc Việt Nam. RNM ở đây có giá trị to lớn trong việc chắn sóng,
bão, bảo vệ bờ biển, bảo vệ nguồn hải sản vùng Đông Bắc của đất nước và cuộc sống của
người dân ven biển.
Chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Đông Hải và Đại Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc
quản lý và sử dụng có hiệu quả rừng ngập mặn tại đây. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và
những khó khăn khác nhau, kể cả về kiến thức, kỹ thuật và cơ sở vật chất, ở Đông Hải và Đại
Bình trước đây, hoạt động bảo vệ rừng chưa được quan tâm đầy đủ so với hoạt động nuôi
trồng thủy sản, nên RNM bị phá hại nhiều.
Mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng phục vụ phát triển bền vững đã
được xây dựng có kết quả và áp dụng thử nghiệm thành công đối với hệ sinh thái rừng ngập
mặn tại thôn Cái Khánh – xã Đông Hải – Tiên Yên và Làng Ruộng – xã Đại Bình – Đầm Hà,
Quảng Ninh. Mô hình là kết quả kế thừa kinh nghiệm trong nước và quốc tế, là mô hình có sự
kết hợp thành công giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng. Mô hình có tính khả thi
và có thể nhân rộng và áp dụng cho các địa phương có điều kiện tương tự.
Việc xây dựng và triển khai thử nghiệm mô hình khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên
rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của
chính quyền cũng như nhân dân các dân tộc tại xã Đông Hải – Tiên Yên và Đại Bình – Đầm
Hà. Mô hình đã được địa phương coi như là một giải pháp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn
trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn tại địa phương,
đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Biến đối khí hậu đã có những tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội cũng như tài nguyên thiên
nhiên của khu vực, thể hiện ở việc giảm diện tích canh tác do bị nhiễm mặn, vỡ đê bao, năng
suất cây trồng giảm, sản lượng thủy sản ngày càng thấp...


118


Việc cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ góp phần tích
cực không chỉ vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, mà còn góp phần
tích cực vào việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực cửa sông, ven biển,
góp phần vào phát triển bền vững khu vực và đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lưu Đức Hải (Chủ biên), 2009. Biến đổi khí hậu Trái đất và giải pháp phát triển bền vững
ở Việt Nam. NXB Thống kê, Hà Nội, 130 trang.
2. Heathcote, Isobel W., 1998. Intergrated Watershed Management: Priciple and Practice.
School of Engineering University of Guelph.
3. Trương Quang Học và Nguyễn Đức Ngữ, 2009. Một số điều cần biết về biến đổi khí hậu.
NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 154 trang.
4. Phan Nguyen Hong and Hoang Thi San, 1993. Mangroves of Vietnam. IUCN: 16-17.
5. Jeremy Carew-Reid, 2008. Rapid Assessment of the Extent and Impact of Sea Level Rise
in Vietnam. ICEM.
6. Hoàng Văn Thắng (Chủ trì) và cs., 2008. Triển khai áp dụng và hoàn thiện mô hình quản
lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững vùng cửa sông,
ven biển xã Đông Hải – huyện Tiên Yên và xã Đại Bình – huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng
Ninh. Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hà Nội.
7. UBND huyện Đầm Hà, 2007. Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất chi
tiết đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2010 xã Đại Bình, huyện Đầm
Hà, tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh.
8. UBND xã Đại Bình, 2007. Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2008. Huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.
9. UBND xã Đại Bình, 2008. Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2008. Huyện

Đầm Hà, Quảng Ninh.
10. UBND xã Đông Hải, 2007. Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2008. Huyện Tiên Yên, Quảng
Ninh.
11. UBND xã Đông Hải, 2008. Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2008. Huyện
Tiên Yên, Quảng Ninh.
12. UNDP, 2007. Báo cáo phát triển con người 2007/2008. Hà Nội.

119



×