Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Tiểu luận Xã hội học kinh tế: TÓM TẮT ĐẶC TRƯNG CỦA BA DÒNG LÝ THUYẾT VỀ VỐN XÃ HỘI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (332.28 KB, 7 trang )

ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA XÃ HỘI HỌC
----------  ---------

TIỂU LUẬN GIỮA KỲ
MÔN: XÃ HỘI HỌC KINH TẾ
GIẢNG VIÊN: PGS. TS. TRỊNH VĂN TÙNG

ĐỀ BÀI: TÓM TẮT ĐẶC TRƯNG CỦA
BA DÒNG LÝ THUYẾT VỀ VỐN XÃ HỘI

Họ và tên: Nguyễn Việt Anh
Mã sinh viên: 12031110
Lớp: K57 Xã hội học

Hà Nội, tháng 4/2015
1


1. Dòng lý thuyết thứ nhất: Sức mạnh đến từ những liên hệ yếu (Đại diện:
Mark Granovetter)
Trong số nhiều lý thuyết về vốn xã hội, nổi bật là lý thuyết “Sức mạnh của các
liên hệ yếu” của nhà xã hội học người Mỹ Mark Granovetter. Ông định nghĩa một liên
hệ (và sức mạnh của nó) là “Sự phối hợp giữa thời lượng gặp nhau, cường độ xúc cảm,
thân mật (tin tưởng lẫn nhau) và các việc làm dành cho nhau trong lúc khó khăn đặc
trưng cho những liên hệ ấy”.(1) Hay nói cách khác, khi tiến hành phân tích mạng lưới,
nhà nghiên cứu cần phải phân biệt các mối quan hệ (mạnh/yếu) trong mạng lưới theo
các tiêu chí như sau: Độ dài của mối quan hệ - ở đây nhà nghiên cứu sẽ chú ý đến hai
yếu tố là “thâm niên” của mối quan hệ và thời gian sinh hoạt chung của các chủ thể
trong mạng; Xúc cảm, tình cảm của chủ thể trong các mối quan hệ; Sự tin cậy của các
quan hệ; Các tác động tương hỗ của các chủ thể trong các quan hệ; Tính “đa diện” của


các mối quan hệ, tức là sự đa dạng về nội dung của các quan hệ.(2)
Từ các tiêu chí đó, ông đã phân biệt các mối quan hệ yếu với các mối quan hệ
mạnh như sau: 1) Quan hệ yếu là các mối quan hệ không chiếm nhiều thời gian của
chủ thể, ít nội dung, cường độ xúc cảm yếu và sự tin cậy lẫn nhau không cao (chẳng
hạn quan hệ với bà con ở xa, quan hệ giữa những người “biết” nhau chứ không “thân”
với nhau). 2) Quan hệ mạnh là các mối quan hệ chiếm nhiều thời gian của các chủ thể,
đa nội dung, sự tin cậy và cường độ xúc cảm rất cao (chẳng hạn quan hệ giữa các
thành viên trong gia đình, các nhóm bạn thân,...).(2) Granovette cho rằng có một
“forbidden triad” (bộ ba bị ngăn cấm): Nếu lựa chọn hai cá nhân ngẫu nhiên, chẳng
hạn A và B, từ tập S=A, B, C, D, E,..., với điều kiện bất kì cá nhân nào trong tập này
đều có mối liên hệ với ít nhất một trong hai người. Theo lý thuyết xác suất, nếu như A
có mối liên hệ mạnh với cả B và C, thì mối liên hệ giữa B và C luôn tồn tại, dù là
mạnh hay yếu. (1)
Khi nghiên cứu các kiểu loại mạng lưới xã hội, ông cho biết mật độ và cường
độ của các mối liên hệ xã hội có tác dụng khác nhau đối với giao tiếp và sự hội nhập
xã hội. Trái với quan niệm thông thường, trong phân tích mạng lưới xã hội, ông không
cho rằng các mối quan hệ yếu không quan trọng bằng các mối quan hệ mạnh. Theo
ông, những người có mạng lưới xã hội dày đặc khép kín trong đó mọi người đều quen
biết và thân thiết nhau có thể sẽ tạo ra sự hạn chế trong việc trao đổi thông tin và cản
trở sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Bởi lẽ, các mối quan hệ mạnh có một nhược điểm
lớn là thường tự khép kín trong mạng lưới của mình và do các chủ thể thường dành
2


nhiều thời gian cho các mối quan hệ này nên thông tin lưu chuyển trong mạng thường
có tính lặp lại và ít mới mẻ.
Ngược lại, một mạng lưới xã hội gồm các mối liên hệ yếu ớt, lỏng lẻo, thưa thớt,
luôn luôn mở lại tỏ ra có sức mạnh và có lợi cho sự trao đổi thông tin và tạo ra sự hội
nhập với xã hội cũng như tạo cơ hội cho cá nhân theo đuổi mục đích của họ. Bởi lẽ,
các mối quan hệ yếu lại thường “hướng ngoại” hơn, thời gian quan hệ ít nên thông tin

sẽ phong phú và mới mẻ hơn. Xét về sự phong phú và mới mẻ của thông tin, các mối
quan hệ yếu mới là yếu tố chính làm tăng vốn xã hội của chủ thể chứ không phải là các
mối quan hệ mạnh bởi nó sẽ giúp mở rộng mạng lưới xã hội của cá nhân.(9)
Granovetter ví mối ràng buộc yếu giữa các nhóm thông qua hai cá nhân của hai nhóm
giống như một “cầu nối” (bridge). Ông đưa ra nhận định: “Những mối ràng buộc yếu
cung cấp cho mọi người khả năng truy cập tới những thông tin và những nguồn lực
nằm ngoài phạm vi mạng lưới xã hội của họ, trong khi những mối ràng buộc mạnh có
sức mạnh trợ giúp và tiếp cận dễ dàng hơn.” Granovetter gọi đó là “Sức mạnh đến từ
các liên hệ yếu”.
Nghiên cứu của Granovetter làm rõ quan niệm về chức năng và phi chức năng
hay nói dễ hiểu là chức năng tích cực và chức năng tiêu cực của mạng lưới xã hội nói
chung vốn xã hội nó riêng đối với hành vi, hoạt động của con người.(6) Ý nghĩa của các
liên hệ yếu trong trao đổi kinh tế là nó góp phần làm đa dạng hoá các nguồn thông tin
kinh tế; đồng thời cung cấp các thông tin mới (nếu không biết nhau thì không tiếp cận
được những thông tin mới mẻ ấy). Phần lớn các mạng lưới xã hội được vận hành nhờ
các mối liên hệ mạnh được xây dựng từ những người thân thiết, gần gũi nhau.
2. Dòng lý thuyết thứ hai: Vốn xã hội là cuộc đấu tranh ngấm ngầm để có
vị thế xã hội thuận lợi trong mạng lưới xã hội; là sự tương tác giữa trường và vị
thế cá nhân. Vốn xã hội mang đặc điểm biện chứng, là kết quả của một phép biện
chứng (Đại diện Pierre Bourdieu)
Trong tác phẩm Các hình thức của vốn (1986), Pierre Bourdieu đưa ra định
nghĩa về vốn xã hội: “Là tổng hợp các nguồn lực, hữu hình hay vô hình hoặc sự tích
lũy của một cá nhân hay một nhóm bởi một mạng lưới bền vững của các mối quan hệ
qua lại có mức độ thể chế hóa nhiều hay ít đã được thừa nhận. Phải thừa nhận rằng vốn
có thể mang đến một sự khác biệt về các hình thức mà không thể thiếu được trong việc
giải thích cấu trúc và những động lực về sự khác biệt giữa các xã hội.” (2)

3



Đưa ra khái niệm này, ông tập trung vào những điều lợi mà cá nhân có được
nhờ tham gia vào các nhóm, và vào việc chủ ý tạo dựng sự quảng giao nhằm tạo ra
nguồn lực này. Bourdieu phân biệt ba loại vốn: vốn kinh tế có được từ thu nhập, nắm
giữ và lưu thông kinh tế, tài chính; vốn văn hóa với việc xây dựng và tái tạo các giá trị,
các biểu trưng, các di sản; và vốn xã hội là toàn bộ các nguồn, các tiềm năng liên quan
đến các quan hệ bền vững của một thực thể xã hội, tạo nên niềm tin, sự cảm thông, sự
gắn kết, hợp tác và những hành động mang tính tập thể. Vốn xã hội này nằm ngoài tài
sản, vốn tư bản nhưng nằm trong các quan hệ của con người, của các chủ tài sản. Nó
thể hiện ra ngoài bằng: 1) niềm tin, sự tin cậy lẫn nhau; 2) sự tương hỗ, có đi có lại; 3)
các quy tắc, các hành vi mẫu mực, các chế tài; 4) sự kết hợp với nhau thành mạng
lưới.(10)
Bourdieu khẳng định rằng xã hội là một đấu trường giành vị thế. Kẻ thắng là
người dồi dào vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội.(5) Ông khẳng định rằng “khối
lượng vốn xã hội của một cá nhân cụ thể nào đó phụ thuộc vào mức độ liên hệ rộng
hay hẹp mà anh ta có thể huy động được trong thực tế, và vào khối lượng vốn kinh tế,
vốn văn hóa hay vốn biểu tượng của từng người mà anh ta có liên hệ”.(7) Có thể phân
giải vốn xã hội thành hai yếu tố: thứ nhất, bản thân quan hệ xã hội là cái cho phép các
cá nhân có quyền tiếp cận những nguồn lực thuộc sở hữu của những người cùng hội
với mình, và thứ hai, số lượng và chất lượng những nguồn lực này. Mạng lưới xã hội
không phải là một thứ trời cho mà phải được tạo dựng thông qua các chiến lược đầu tư
nhằm thể chế hóa các quan hệ nhóm để có thể dùng làm nguồn gốc đáng tin cậy sản
sinh ra các điều lợi khác. Muốn giành và có được vốn xã hội, phải chú ý đầu tư cả
những nguồn lực kinh tế lẫn văn hóa.(3)
Một cá nhân có mạng lưới quen biết (trực tiếp hoặc gián tiếp) lớn thì sẽ có
nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm và khẳng định vị thế của họ trong xã hội. Cá
nhân có thể tạo dựng thêm vốn xã hội cho mình bằng các hoạt động của bản thân và có
thể sử dụng vốn xã hội để chuyển hóa thành vốn kinh tế.(2) Theo ông, có rất nhiều
người không tiến thân được vì thiếu vốn xã hội. Như vậy, Bourdieu có ý cho rằng vốn
xã hội không phải là tích cực cho tất cả mọi người: giá trị vốn xã hội của mỗi người
tùy thuộc vào mức độ chênh lệch giữa vốn đó của họ và người khác. Trong thuyết của

Bourdieu, con người là sản phẩm của lịch sử, của giai cấp. Tùy mạng lưới quan hệ cá
nhân, có người được lợi thế, có người không. Mạng lưới đó (mà giá trị là vốn xã hội
trong ngôn ngữ Bourdieu) không tuyệt đối cứng nhắc, ràng buộc, song những người
thiếu nó cần cố gắng vượt qua để có những loại vốn khác. Cũng theo Bourdieu, cá
4


nhân có thể nỗ lực tích lũy vốn kinh tế và vốn văn hóa, song không ai có thể tự mình
gây dựng vốn xã hội. Chính những trở ngại mà người thiếu vốn xã hội khó khắc phục
là lý do khiến chênh lệch trong xã hội luôn tồn tại.(5)
3. Dòng lý thuyết thứ ba: Vốn xã hội là niềm tin, tính sòng phẳng (có đi có
lại) và mạng lưới xã hội thân tình (Đại diện: James Coleman)
Cũng vào thời gian với Pierre Bourdieu, nhà xã hội học người Mỹ James
Coleman đã đưa ra một định nghĩa về vốn xã hội: “Vốn xã hội được định nghĩa bằng
các chức năng của nó. Nó không phải là những thực thể riêng lẻ mà là những thực thể
đa dạng, với hai thành tố chung: Chúng bao gồm một số khía cạnh của cấu trúc xã hội
và tất nhiên là chúng linh hoạt trong các hành động của các tác nhân – dù các cá nhân
hoặc các liên kết các tác nhân – trong cấu trúc đó. Cũng giống như các hình thức khác
của vốn, nhờ vốn xã hội có thể đạt được những mục tiêu cụ thể mà nếu không có vốn
xã hội thì không thể đạt được”.(8)
Ông hiểu vốn xã hội bao gồm những đặc trưng trong đời sống xã hội như: các
mạng lưới xã hội, các chuẩn mực, và sự tin cậy trong xã hội là những cái giúp cho các
thành viên có thể hành động chung với nhau một cách có hiệu quả nhằm đạt tới những
mục tiêu chung.(7) Coleman giải thích vốn xã hội theo quan điểm chức năng, vốn xã
hội là các nguồn lực cấu trúc xã hội mà cá nhân có thể sử dụng như là nguồn vốn tài
sản. Vốn xã hội có những đặc trưng cơ bản như sau: thứ nhất, nó là một chiều cạnh của
cấu trúc xã hội; thứ hai, nó hỗ trợ cho hành động nhất định của cá nhân trong phạm vi
cấu trúc đó. Một đặc trưng cơ bản nữa của vốn xã hội là nơi trú ngụ của nó không phải
ở trong cá nhân mà ở trong cấu trúc của các mối quan hệ giữa người này với người
khác. Vốn xã hội không phải là tài sản của riêng bất kỳ một người nào mặc dù cá nhân

có thể sử dụng như là tài sản cá nhân không trao đổi và chia sẻ cho người khác như đối
với vốn tài chính.(2)
Ông cho rằng vốn xã hội có ba đặc tính. Thứ nhất, nó tùy thuộc vào mức độ tin
cậy nhau của con người trong xã hội, nói cách khác, nó tùy thuộc vào nghĩa vụ mà mỗi
người tự ý thức thực hiện và kỳ vọng của người này với người khác. Thứ hai, nó có giá
trị vì chứa đựng những liên hệ xã hội mang đặc tính của kênh truyền thống, cụ thể là
qua tiếp xúc với hàng xóm, bạn bè, mỗi người có thể thu thập nhiều thông tin hữu ích
cho cuộc sống, thay thế phần nào những thông tin trong sách báo, truyền thanh, truyền
hình. Thứ ba, vốn xã hội càng lớn khi xã hội càng có nhiều quy tắc, nhất là những quy
tắc có kèm theo trừng phạt.(4) Coleman cũng có quan điểm giống Bourdieu khi cho
5


rằng vốn xã hội có thể là cụ thể hoặc tiềm ẩn, có thể chuyển hóa sang vốn kinh tế (có
tính chất hàng hóa công) và có thể được tăng thêm do sự nỗ lực của cá nhân.
Xét về cấp độ của vốn xã hội, Coleman đã phân biệt vốn xã hội trong cộng
đồng và trong gia đình. Theo ông, vốn xã hội trong gia đình được biểu hiện dưới hình
thức của sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, và cũng
tương tự như vậy tại cộng đồng là mối liên hệ, quan tâm, tin cậy, chia sẻ giữa những
nhóm xã hội và các thiết chế xã hội. vốn xã hội trong gia đình chỉ có thể có được và
được tích lũy khi các thành viên trong gia đình thực sự chia sẻ và quan tâm tới nhau.
Tương tự, việc các thành viên trong nhóm cũng như giữa các nhóm xã hội với nhau có
được sự tin tưởng và chia sẻ thì vốn xã hội của cộng đồng mới có thể phong phú lên,
và vì thế có một số hình thức đầu tư trong vốn xã hội như là sự tham gia, sự phối hợp
của các nhóm là điều cần thiết để có thể tích lũy được lợi ích.(4)

6


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài
1. Mark S. Granovetter, The Strength of Weak Ties, American Journal of
Sociology, Volume 78, Issue 6 (May, 1973), 1360 – 1380.
Tài liệu tham khảo tiếng Việt
2. Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, 2014, Vận dụng lý thuyết về vốn xã hội trong nghiên
cứu vai trò của vốn xã hội đối với sự phát triển doanh nghiệp, Website Viện nghiên
cứu
con
người,
/>22#_ftn2, truy cập ngày 10/4/2015.
3. Alexandro Portes, 2003, Vốn xã hội: nguồn gốc và những sự áp dụng nó
trong xã hội học hiện đại, Tạp chí Xã hội học, Số 4 (84).
4. Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa (dịch), 2012, Từ
điển Xã hội học Oxford, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, trang 611 612.
5. Lê Thu Hà, 2012, Vận dụng lý thuyết vốn xã hội của Pierre Bourdieu vào
phân tích vai trò của xã hội dân sự, Tạp chí Xã hội học, số 3 (119), trang 100 – 105.
6. Lê Ngọc Hùng (chủ biên), 2010, Xã hội học kinh tế, Hà Nội, Nhà xuất bản
Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 209 – 217.
7. Trần Hữu Quang, 2006, Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội, Tạp chí Khoa học
Xã hội, Số 95 (7).
8. Hoàng Bá Thịnh, Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn, Tạp chí Xã
hội học, số 1, 2009, trang 42 – 51.
9. Lê Minh Tiến, 2006, Tổng quan phương pháp phân tích mạng lưới xã hội
trong nghiên cứu xã hội học, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 9.
10. Ngô Đức Thịnh, 2008, Tiếp cận nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã hội và
vốn xã hội cho phát triển, Tạp chí Cộng sản, số 18.

7




×